Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1836/QĐ-UBND 2020 Đề án Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu: 1836/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Đoàn Văn Việt
Ngày ban hành: 25/08/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1836/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 25 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG, NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG PHÁ RỪNG, LẤN CHIẾM ĐẤT LÂM NGHIỆP; KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2020-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 156/2019/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 03 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2030;

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản; Thông báo số 999-TB/TU ngày 01/10/2019 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc xây dựng Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; Kết luận số 723- KL/TU ngày 08/7/2020 của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 03 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng;

Xét Tờ trình số 159/TTr-SNN ngày 24/7/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị ban hành Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” và hồ sơ Đề án kèm theo.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; Thủ trưởng các đơn vị quản lý rừng và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Việt

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG, NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG PHÁ RỪNG, LẤN CHIẾM ĐẤT LÂM NGHIỆP; KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2020-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030.
(Ban hành theo Quyết định số: 1836/QĐ-UBND ngày 25/8/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp đã xảy ra trong những năm qua và vẫn đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh có rừng trên toàn quốc, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên (trong đó có tỉnh Lâm Đồng) với quy mô và tính chất phức tạp, gây ra các hệ quả nghiêm trọng như: suy giảm diện tích, chất lượng tài nguyên rừng; suy giảm đa dạng sinh học; tác động ảnh hưởng cực đoan đến biến đổi khí hậu và đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Ngoài những nguyên nhân chính do sức ép từ: nhu cầu lâm sản, nhu cầu đất sản xuất của người dân địa phương, dân di cư tự do, tình trạng sang nhượng mua bán đất trái pháp luật thì việc thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và các chủ rừng trong nhiều năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, chậm khắc phục các tồn tại.

Mặc dù, thường xuyên được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác QLBVR và phát triển rừng, nhưng công tác QLBVR, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp triển khai thực hiện vẫn chưa đồng bộ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ; tính hiệu quả trong vận dụng các chính sách về quản lý đất lâm nghiệp chưa cao; có nơi còn thiếu trách nhiệm, thậm chí buông lỏng và còn nhiều sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất nghiệp, thu hồi và trồng lại rừng diện tích bị lấn chiếm, trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, việc đề ra hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng mang tính đồng bộ, chặt chẽ, thiết thực và khả thi; khi triển khai thực hiện phải vừa đảm bảo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định có liên quan, vừa phù hợp với điều kiện và năng lực thực tế tại địa phương, phù hợp quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, khai thác và vận dụng các chính sách có hiệu quả để ổn định sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng chung của tỉnh gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái trong bối cảnh các tỉnh Tây Nguyên đang thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ khôi phục tài nguyên rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu,… do đó, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án: “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án) là một việc làm rất cần thiết và cấp bách.

Phần II

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU CHUNG

Triển khai thực hiện Đề án đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn, theo lộ trình và có hiệu quả trong công tác QLBVR, được nhân dân trong tỉnh đồng thuận, ủng hộ và tham gia; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp; đồng thời, khôi phục và phát triển rừng bền vững trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, diện tích đất lâm nghiệp chưa thành rừng theo hướng vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa cải thiện môi trường và tăng tỷ lệ che phủ rừng,…góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, giảm thiểu tác động ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Giai đoạn 2020-2025:

1.1. Tiếp tục huy động các nguồn lực của toàn xã hội tham gia vào công tác QLBVR, gắn trách nhiệm cụ thể đến chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và chủ rừng liên quan để chủ động triển khai thực hiện các biện pháp trong công tác quản lý, ngăn chặn và kịp thời xử lý các vụ phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Phấn đấu trong giai đoạn 2020-2025, mỗi năm giảm từ 10-15% trở lên về số vụ phá rừng, giảm từ 15-20% trở lên về diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị thiệt hại; tăng dần chỉ tiêu (%) số vụ vi phạm phát hiện được đối tượng; không để tình trạng phá rừng trở thành điểm nóng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.

1.2. Các vụ phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định pháp luật; nâng cao trách nhiệm và ý thức của toàn xã hội trong công tác ngăn chặn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

1.3. Kiên quyết giải tỏa, thu hồi để trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích 334 ha rừng bị phá từ năm 2016 đến nay và các năm sau (nếu có).

1.4. Thực hiện trồng cây lâm nghiệp, cây đa mục đích theo hình thức phân tán và mật độ thấp phù hợp trên diện tích 20.000 ha đất lâm nghiệp đang canh tác nông nghiệp ổn định để phát triển các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp/lâm nông kết hợp đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường, góp phần hỗ trợ tăng thu nhập cho người dân và gia tăng tỷ lệ che phủ rừng. Phấn đấu đến năm 2025 vừa khôi phục diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm, vừa khôi phục và phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp chưa thành rừng để tăng tỷ lệ che phủ rừng.

2. Định hướng đến năm 2030:

2.1. Thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp để tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh không còn diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận, góp phần hỗ trợ tích cực ứng phó biến đổi khí hậu.

2.2. Các vụ phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp giảm sâu (khoảng 50%) so với giai đoạn trước đó (2020-2025); người dân tự ý thức, trách nhiệm và tự giác tham gia công tác phòng ngừa, ngăn chặn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

2.3. Toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mới (nếu có) và diện tích đang sản xuất nông nghiệp ổn định trên đất lâm nghiệp được khôi phục rừng thông qua các giải pháp trồng rừng tập trung, trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích với mật độ phù hợp,…trở thành mô hình sản xuất nông lâm kết hợp/lâm nông kết hợp thực sự có hiệu quả về kinh tế và môi trường, góp phần duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

III. NHIỆM VỤ

1. Thực hiện các nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp:

1.1. Kiện toàn sắp xếp lại việc giao, thuê, khoán rừng và đất lâm nghiệp cho các chủ thể quản lý để tăng cường hỗ trợ hoạt động bảo vệ rừng:

a) Đối với diện tích rừng và đất rừng giao chủ rừng nhà nước, chủ rừng phải:

- Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các phương án quản lý rừng bền vững để được thẩm định, phê duyệt trong năm 2020, 2021; tổ chức thực hiện tốt theo nội dung phương án được phê duyệt.

- Ban hành quy chế về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan nhà nước, bộ phận quản lý và cá nhân có liên quan; đồng thời, có trách nhiệm rà soát diễn biến tài nguyên rừng hàng năm (hoặc thuê đơn vị tư vấn kiểm kê tài nguyên rừng khi cần thiết); báo cáo kết quả với cơ quan kiểm lâm để tổ chức kiểm tra, theo dõi.

- Phối hợp và thực hiện đúng các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh; hướng dẫn của các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương trong thực hiện sắp xếp lại tổ chức quản lý rừng tại các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả.

- Ký cam kết với các hộ dân đang sản xuất nông nghiệp tại khu vực giáp ranh với diện tích rừng; thiết lập họa đồ khu vực giáp ranh (hoặc ảnh chụp từ thiết bị chuyên ngành) thống nhất công khai giữa các bên; định vị khu vực tiếp giáp diện tích đất sản xuất nông nghiệp và thể hiện trong hồ sơ cam kết để các hộ quản lý; đồng thời, trồng rừng mật độ dày làm giải phân cách giữa đất sản xuất nông nghiệp và rừng. Phấn đấu đến hết năm 2022, toàn bộ các khu vực rừng giáp ranh đất sản xuất nông nghiệp được các hộ ký cam kết không lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp.

b) Đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho các doanh nghiệp thuê:

- Kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất, rừng đối với doanh nghiệp không sử dụng đất đúng mục đích, không thực hiện nội dung đầu tư theo tiến độ của dự án đầu tư, thiếu trách nhiệm trong QLBVR để xảy ra phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp; không chấp hành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục thực hiện ký hợp đồng thuê rừng với các doanh nghiệp ngoài nhà nước có dự án đầu tư liên quan đến rừng một cách chặt chẽ về pháp lý và trách nhiệm dân sự; kiên quyết xử lý và không điều chỉnh dự án đầu tư, không cho phép chuyển nhượng đối với các chủ dự án chưa thực hiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính như: nợ hoặc chậm nộp tiền thuê rừng, tiền bồi thường tài nguyên rừng…

- Đối với diện tích rừng trồng thuộc đối tượng rừng sản xuất do các công ty lâm nghiệp thuê để sản xuất kinh doanh thì các công ty thực hiện việc quản lý bảo vệ và sử dụng, phát triển rừng theo đúng phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt.

c) Đối với diện tích rừng khoán cho các hộ gia đình, cá nhân:

- Rà soát, điều chỉnh một số quy định khoán QLBVR đối với diện tích có rừng, theo hướng: đảm bảo hài hòa, gắn kết giữa quyền lợi với nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được giao khoán với đơn vị chủ rừng nhằm nâng cao hiệu quả QLBVR, như: rà soát về đối tượng nhận khoán theo khả năng bố trí lực lượng tuần tra, bố trí vị trí, diện tích rừng khoán bảo vệ hợp lý.

- Các chủ rừng có trách nhiệm tiếp tục phổ biến, hướng dẫn và nhân rộng các mô hình tuần tra chung của các nhóm, tổ nhận khoán QLBVR hợp lý, có hiệu quả.

- Trên diện tích rừng trồng là rừng sản xuất của các công ty lâm nghiệp sau khi hoàn thành thủ tục thuê đất được tự tổ chức QLBVR hoặc thuê khoán QLBVR theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Đối với các diện tích đang giao khoán cho các hộ gia đình, các công ty lâm nghiệp có thể chủ động thỏa thuận hoán đổi diện tích khoán đối với các hộ sang các khu vục rừng đang được giao thực hiện nhiệm vụ công ích.

1.2. Thực hiện trách nhiệm và xử lý các cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ QLBVR:

a) Chủ rừng nhà nước và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao quản lý rừng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm gây thiệt hại tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Tùy mức độ thiệt hại và tính chất liên quan đến vi phạm của từng vụ việc, chủ rừng nhà nước chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Đối với các doanh nghiệp thuê rừng thực hiện dự án đầu tư, khi để xảy ra mất rừng phải có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện, xã và cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức giải tỏa, trồng lại rừng ngay sau khi phát hiện, và phải chịu trách nhiệm bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại theo quy định.

c) Các hộ nhận khoán QLBVR: chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý diện tích rừng được khoán; tổ chức tuần tra rừng theo đúng quy định tại hợp đồng khoán; trường hợp để mất rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nhưng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì kiên quyết thu hồi diện tích rừng đã giao khoán, đồng thời thanh lý hợp đồng giao khoán.

d) Chính quyền địa phương các cấp là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác QLBVR trên địa giới hành chính được giao quản lý; trường hợp để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp thì tùy theo mức độ thiệt hại và tính chất của vụ việc khi tham gia thực hiện nhiệm vụ quản lý phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định hiện hành.

đ) Ban lâm nghiệp xã chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định hiện hành theo mức độ thiệt hại và tính chất phức tạp của vụ việc khi để xảy ra các vụ vi phạm trên địa bàn nhưng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

e) Lực lượng kiểm lâm ở cấp tỉnh và các địa phương chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định hiện hành khi để xảy ra mất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nhưng không phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

g) Các sở, ban, ngành, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định hiện hành khi để xảy ra mất rừng nhưng không phát hiện và xử lý kịp thời.

Ngoài ra, từng ngành, từng địa phương phải gắn nhiệm vụ bảo vệ rừng với nhiệm vụ chuyên môn, bám sát nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành để cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình công tác và thực hiện kiểm tra hàng tuần, hàng tháng. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm và hình thức xử lý khi để xảy ra vi phạm trong công tác QLBVR.

1.3. Tăng cường tuần tra, kiểm tra hiện trường để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm:

Kiện toàn lại hoạt động tuần tra rừng của các cơ quan, đơn vị QLBVR theo hướng tăng tần suất đi rừng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và có sự phối kết hợp, hỗ trợ của các bên tham gia để phát huy hiệu quả trong việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp; đồng thời, củng cố lực lượng tuần tra, ngăn chặn, xử lý đối với những hành vi ngày càng phức tạp, manh động của đối tượng vi phạm. Cụ thể triển khai các nội dung chính như sau:

a) Về hình thức tuần tra: không thực hiện hình thức tuần tra cá nhân đơn lẻ, toàn bộ các thành phần tham gia tuần tra rừng phải được tổ chức tuần tra tập thể theo nhóm/tổ với số lượng người phù hợp; triển khai tuần tra theo nguyên tắc có sự phối hợp của các bên tham gia, duy trì lực lượng tuần tra rừng trên hiện trường rừng hàng ngày.

b) Thành phần tham gia tuần tra và tần suất tuần tra rừng:

- Các chủ rừng nhà nước: bố trí lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường trực tại các tiểu khu để thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng hàng ngày; đồng thời hỗ trợ hộ nhận khoán rừng tuần tra quản lý rừng theo nhóm/tổ; tổ chức lực lượng liên ngành để phối hợp trong hoạt động tuần tra rừng và truy quét tại các điểm nóng, phức tạp.

- Hạt Kiểm lâm và Đội 12 các huyện, thành phố: tổ chức phối hợp với chủ rừng tuần tra kiểm tra rừng thường xuyên với tần suất tối thiểu 15 lần/tháng và tổ chức kiểm tra đột xuất, truy quét khi có thông tin về các vụ việc vi phạm phức tạp.

- Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 và số 2 của Chi cục Kiểm lâm: phối hợp với chủ rừng, Đội 12 các huyện, thành phố, các hạt kiểm lâm thường xuyên tổ chức kiểm tra rừng hàng ngày và phối hợp truy quét tại các điểm nóng.

- Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng từ nguồn ngân sách tỉnh và kinh phí dịch vụ môi trường rừng: phân công thành viên trong tổ, nhóm thay phiên phối hợp với cán bộ thuộc lực lượng chuyên trách của chủ rừng để tuần tra rừng với tần suất tham gia từ 3-5 ngày trong tháng; tham gia tuần tra hàng ngày trên hiện trường rừng nhận khoán của tổ/nhóm hộ.

- Riêng các doanh nghiệp được thuê đất rừng tại dự án: lập phương án bảo vệ rừng và cử lực lượng tuần tra rừng thường xuyên, thường trực trên hiện trường rừng được thuê để QLBVR và phối hợp với các lực lượng khác trong QLBVR và đất lâm nghiệp.

c) Tổ chức tuần tra rừng và thực hiện chế độ báo cáo:

- Trên cơ sở các thông tin cung cấp và phản hồi của người dân; các thông tin biến động tài nguyên rừng được cung cấp từ áp dụng công nghệ GIS và công nghệ số hỗ trợ khác; kết hợp đánh giá tình hình bảo vệ rừng trên địa bàn…các đơn vị liên quan đến công tác QLBVR lập kế hoạch tuần tra rừng, tập trung vào các khu vực điểm nóng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp.

- Quá trình đi tuần tra rừng thực hiện ghi chép nhật ký đầy đủ và tổ chức chấm công (theo mẫu nhật ký thống nhất chung do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn) để xác định trách nhiệm của cán bộ đi rừng khi để xảy ra vi phạm; ứng dụng các trang thiết bị công nghệ số để hỗ trợ thu thập số liệu và phân tích biến động về thay đổi tài nguyên rừng.

- Tại các trạm QLBVR của các đơn vị chủ rừng nhà nước, phân công các cán bộ thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tiếp nhận thông tin người dân cung cấp và thông tin cập nhật từ nhật ký tuần tra để tổng hợp, báo cáo trong ngày về đơn vị chủ rừng. Trên cơ sở báo cáo của các trạm QLBVR, các đơn vị chủ rừng cung cấp thông tin đến các đơn vị liên quan thông qua các phương tiện thông tin hiện có được trang bị như: điện thoại, email, zalo… và tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu GIS theo dõi diễn biến nguyên rừng của Chi cục Kiểm lâm để được phối hợp xử lý kịp thời. Nội dung báo cáo thực tế đi tuần tra rừng cần nêu rõ điểm/vị trí kiểm tra, tình hình, kết quả kiểm tra, nội dung chỉ đạo, các nội dung khác liên quan.

- Hàng tháng lãnh đạo: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, UBND cấp huyện phối hợp với các sở, ban, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đi kiểm tra thực tế rừng (tối thiểu 02 lần/tháng) tại các địa phương để nắm bắt tình hình và chỉ đạo xử lý kịp thời tình hình vi phạm phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp.

1.4. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng để hỗ trợ hoạt động tuần tra bảo vệ rừng:

a) Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, những vướng mắc còn tồn tại, tiếp tục rà soát và hoàn thiện nội dung ký kết phối hợp bảo vệ rừng giữa các lực lượng, địa phương giáp ranh (trong và ngoài tỉnh) để xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép, theo hướng:

- Điều chỉnh, ký kết lại quy chế phù hợp với các quy định và tình hình mới.

- Chú trọng các giải pháp để trao đổi thông tin được thường xuyên và chính xác; khắc phục được những hạn chế, như: để lộ thông tin về kế hoạch tuần tra, truy quét…

- Tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác tuyên truyền, giải quyết việc làm cho người dân vùng giáp ranh; tổ chức cắm chốt, trạm tại các vùng trọng điểm để khắc phục tình trạng đối tượng đầu nậu lợi dụng lôi kéo người dân tham gia vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép.

- Quản lý chặt chẽ đối tượng chuyên hoạt động khai thác rừng, mua bán lâm sản và phương tiện vận chuyển lâm sản trái pháp luật, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

b) Đối với Quy chế phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh lân cận:

- Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục ký kết quy chế phối hợp với lực lượng công an, quân đội trong quá trình tuần tra, truy quét, xử lý vi phạm theo phương châm phản ứng nhanh, xử lý quyết liệt trong quá trình phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức các hoạt động tuần tra, truy quét, điều tra xử lý vi phạm nghiêm minh, triệt để.

- Tại các vùng giáp ranh giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng như giáp ranh với các tỉnh lân cận, thực hiện quy chế phối hợp giữa xã với xã, huyện với huyện, giữa Chi cục Kiểm lâm các tỉnh trong quá trình quản lý rừng, phối hợp tuần tra, truy quét, cung cấp thông tin, truy bắt đối tượng, xử lý vi phạm...

- Trên từng địa bàn, từng cấp, xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng, giữa đơn vị chuyên môn với các tổ chức hội, đoàn thể để đảm bảo việc triển khai thực hiện được đồng bộ, không chồng chéo và đạt hiệu quả cao nhất.

- Tổ chức họp đánh giá thực hiện các quy chế phối hợp hàng năm để triển khai phù hợp với tình hình thực tế, có hiệu quả.

1.5. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các thông tin tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp: Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các thông tin tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị1 thực hiện công khai số điện thoại để tiếp nhận các thông tin thông báo tình hình vi phạm, tố giác hành vi vi phạm kết hợp với hình thức khen thưởng về những thông tin có ích cho việc ngăn chăn vi phạm về QLBVR.

1.6. Tập trung xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp có tính chất nổi cộm:

a) Ngăn chặn kịp thời các điểm nóng phá rừng, ken cây, đổ hóa chất, lấn chiếm đất lâm nghiệp:

- Các lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, hộ nhận khoán phải phối hợp chặt chẽ với kiểm lâm địa bàn trong việc tăng cường tuần tra, truy quét, nắm bắt và làm tốt công tác dân vận ngay tại cơ sở; vận động người dân phát huy tinh thần cảnh giác, tham gia tố giác tội phạm.

- Khi có vi phạm, công an tại địa phương phải tích cực vào cuộc điều tra; đồng thời, chủ rừng tăng cường quản lý chặt diện tích bị tác động và thực hiện ngay giải pháp trồng lại rừng, tái sinh rừng.

- Sử dụng các thiết bị công nghệ theo dõi để hỗ trợ phát hiện đối tượng thực hiện hành vi vi phạm; tổ chức lực lượng đủ mạnh để truy bắt đối tượng, lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định để tạo tính răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

b) Hạn chế các vụ vi phạm không xác định được đối tượng:

- UBND cấp huyện chỉ đạo lực lượng công an, phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn tiếp tục theo dõi để truy tìm đối tượng; đồng thời, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra phá rừng.

- Đối chiếu với nhật ký đi rừng của từng cơ quan, đơn vị để xác định trách nhiệm cụ thể. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về số vụ vi phạm, tính chất và mức độ vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

c) Kiên quyết điều tra truy tìm đối tượng phạm tội để đưa ra xét xử đối với các vụ phá rừng, lấn chiếm rừng có tính chất nổi cộm, các vụ phá rừng đã khởi tố vụ án hình sự; đồng thời, lựa chọn một số vụ án điểm về phá rừng, chống người thi hành công vụ sớm đưa ra xét xử công khai lưu động để răn đe.

d) Thực hiện quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước; thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp; duy trì thường xuyên việc kiểm tra các khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, bị phá, khai thác lâm sản trái pháp luật, xác định đường dây, đầu nậu, xử lý nghiêm những vi phạm theo pháp luật.

đ) Tăng cường tổ chức giải tỏa trên diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm:

- Khi phát hiện hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp, chủ rừng phải chủ động tổ chức giải tỏa diện tích lấn chiếm theo quy định; trường hợp vụ việc vi phạm phức tạp, chủ rừng báo cáo hạt kiểm lâm và UBND cấp huyện để hỗ trợ công tác giải tỏa, trồng lại rừng.

- Khi phát sinh diện tích rừng bị phá, lấn chiếm mới, chủ rừng chịu trách nhiệm bảo vệ tang vật, diện tích vi phạm trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền xử lý. Khi diện tích lấn chiếm được giải tỏa, chủ rừng tổ chức trồng lại rừng ngay, kiên quyết không để đối tượng vi phạm tái lấn chiếm và lấn chiếm thêm. Chủ rừng chịu trách nhiệm trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền khi để xảy ra tái lấn chiếm; đồng thời chủ động cây giống, trồng lại rừng ngay sau khi giải tỏa và có trách nhiệm bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng được trồng.

2. Thực hiện các nhiệm vụ khôi phục rừng và phát triển rừng trên diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm và diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng:

2.1. Giải tỏa trồng lại rừng trên đất lấn chiếm từ năm 2016 trở lại đây (khoảng 334 ha):

a) Tiếp tục rà soát để kiên quyết giải tỏa và tổ chức trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm từ năm 2016 trở lại đây.

b) UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với đơn vị chủ rừng thống kê diện tích, vị trí cần giải tỏa, thành lập lực lượng tổ chức giải tỏa (áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp không chấp hành) để tiến hành giải tỏa và trồng lại rừng ngay trong các năm (2020-2021).

c) Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải tỏa và trồng lại rừng trên diện tích này.

d) Ngân sách tỉnh bố trí đủ kinh phí cho các địa phương tổ chức trồng lại trên diện tích đất lâm nghiệp giải toả nêu trên; trường hợp chưa được phân bổ vốn, các địa phương chủ động ứng kinh phí của địa phương để tổ chức trồng rừng và được ngân sách tỉnh cấp bù khi hoàn thành nhiệm vụ; kiên quyết trồng rừng sau giải tỏa phải đảm bảo tiêu chuẩn cây trồng vượt tiêu chuẩn, bố trí lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ kiểm tra, tránh để người dân tái lấn chiếm.

2.2. Giải tỏa và trồng lại rừng đối với các vụ vi phạm mới (nếu có):

a) Kiên quyết giải tỏa, thu hồi toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp mới bị phá, lấn chiếm và trồng lại rừng, không để người dân tiếp tục thực hiện các hành vi tái lấn chiếm và lấn chiếm thêm.

b) Ban hành quy trình trồng rừng sau giải tỏa và trình tự, thủ tục giải ngân thanh toán nguồn kinh phí trồng rừng sau giải tỏa, đáp ứng yêu cầu xử lý các vấn đề trong trường hợp cấp bách và có rủi ro.

2.3. Khôi phục độ che phủ rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định (khoảng 52.000 ha):

a) Các hình thức khôi phục độ che phủ rừng với tổng diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp:

- Đối với diện tích đất quy hoạch là rừng đặc dụng có người dân sinh sống và canh tác ổn định thì tham mưu xây dựng dự án di dân, tái định canh, định cư để di dân ra khỏi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

- Đối với diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch là đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất mà người dân đang canh tác ổn định: tiến hành trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích để phục hồi rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và hình thành các mô hình kinh tế nông lâm kết hợp/lâm nông kết hợp đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế - môi trường tùy theo hiện trạng đất2.

b) Lộ trình thực hiện:

- Giai đoạn 2021-2025: vừa triển khai thực hiện, vừa tuyên truyền và tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai để điều chỉnh các nội dung chưa hợp lý. Tổng diện tích thực hiện giai đoạn này khoảng 20.000 ha.

- Giai đoạn 2026-2030: tiếp tục triển khai trên diện tích còn lại.

c) Về mật độ cây trồng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể về mật độ trồng, quy trình chăm sóc, bảo vệ đảm bảo phù hợp với từng vùng sinh thái, vùng sản xuất nông nghiệp trên cơ sở lấy mục tiêu phát triển kinh tế nông lâm kết hợp/lâm nông kết hợp là chủ đạo.

d) Sau khi hoàn thành việc trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích để phục hồi rừng và được tính độ che phủ rừng, diện tích này được lập hồ sơ giao khoán cho các hộ theo quy định hiện hành (theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan) và được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hoặc từ nguồn giao khoán khác.

2.4. Tiếp tục nhiệm vụ phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng thông qua các hoạt động trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán và khoanh nuôi tái sinh rừng:

a) Rà soát diện tích đất trống để trồng rừng theo kế hoạch hàng năm; thực hiện nghiêm chủ trương trồng lại rừng ngay sau khai thác trắng tại các đơn vị chủ rừng.

b) Đối với các dự án đầu tư trồng rừng khuyến khích phát triển các giống cây lâm nghiệp mới để vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng; theo dõi, quản lý chặt chẽ diện tích rừng của doanh nghiệp được thuê để kinh doanh gỗ lớn đảm bảo phải trồng lại đủ diện tích rừng ngay sau khi khai thác theo đúng mục tiêu ban đầu của dự án, không để ảnh hưởng đến tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh những năm tiếp theo.

c) Chính quyền địa phương cấp huyện, xã, đơn vị chủ rừng có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động sản xuất lâm nghiệp đối với các hộ gia đình được giao đất rừng theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ; nghiêm cấm chuyển đổi mục đích sử dụng, kiên quyết thu hồi diện tích đã giao khoán trong trường hợp phát hiện sử dụng sai mục đích. Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh trồng được 3.220 ha rừng tập trung.

d) Tiếp tục thực hiện trồng cây phân tán để thực hiện chức năng phòng hộ, nâng cao giá trị môi trường, cảnh quan; ưu tiên trồng cây xanh đường phố, khu dân cư, cơ quan, công sở, bờ vùng bờ thửa và cây che bóng trên diện tích đất canh tác nông nghiệp; lựa chọn chủng loại cây trồng có tác dụng phòng hộ tốt, có giá trị cảnh quan, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, ưu tiên trồng cây lớn tại các khu vực đường phố, công cộng để nhanh khép tán. Thực hiện cơ chế xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ cây giống, nhân dân đối ứng công trồng và chăm sóc (trừ các diện tích trồng cây đường phố). Phấn đấu hàng năm toàn tỉnh trồng được khoảng 50.000 cây xanh phân tán các loại.

IV. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp về quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp:

Trên cơ sở kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 03 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai một số nội dung để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; cụ thể:

1.1. Hoàn thành cắm mốc phân định ranh giới rừng theo quy định tại Thông tư số 31/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó, ưu tiên cắm mốc trên diện tích giáp ranh với đất sản xuất nông nghiệp của dân.

1.2. Tiếp tục thực hiện Đề án đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 08 công ty lâm nghiệp; Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.

1.3. Xây dựng kế hoạch sử dụng đất và tổ chức đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các hộ dân trên diện tích đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

2. Giải pháp về nâng cao năng lực và điều kiện triển khai nhiệm vụ trên hiện trường cho lực lượng nòng cốt trong QLBVR:

Triển khai thực hiện tốt các quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Chú trọng cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm các cấp nhằm xây dựng lực lượng QLBVR vừa có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề vừa có sức khỏe và trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ QLBVR trong giai đoạn mới; cụ thể:

2.1. Lực lượng Kiểm lâm:

a) Sắp xếp, chuyển Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidup - Núi Bà về trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ công chức kiểm lâm, chính sách ưu đãi đối với công chức kiểm lâm; đặc biệt là kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm công tác trong vùng sâu, vùng xa.

b) Thực hiện công tác tuyển dụng, bổ sung nguồn nhân lực tại các bộ phận còn thiếu; sắp xếp vị trí việc làm phù hợp trong lực lượng để đảm bảo đối với kiểm lâm địa bàn trực tiếp tham gia tuần tra, truy quét có độ tuổi phù hợp đáp ứng yêu cầu công việc, giảm đầu mối làm việc gián tiếp.

c) Đầu tư trang, thiết bị hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; toàn bộ lực lượng kiểm lâm được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, cập nhật các quy định, chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước.

2.2. Các chủ rừng:

a) Chủ động đầu tư phương tiện, thiết bị và nhân lực đáp ứng yêu cầu trong QLBVR; phấn đấu từ năm 2021 trở đi, toàn bộ các đơn vị chủ rừng được giao, thuê quản lý diện tích rừng đều thành lập được lực lượng chuyên trách và trong đó có từ 90-95% lực lượng được đào tạo, tập huấn chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

b) Đối với các đơn vị chủ rừng nhà nước, quản lý diện tích rừng lớn (ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp) thực hiện việc bố trí lực lượng và triển khai đồng bộ hóa việc ứng dụng công nghệ phục vụ QLBVR trên địa bàn.

2.3. Đối với các hộ gia đình nhận khoán: tiếp tục thực hiện tự đầu tư và lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ có liên quan để thực hiện trên diện tích nhận khoán.

3. Giải pháp về hoàn chỉnh các cơ cở pháp lý trong lĩnh vực lâm nghiệp để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ Đề án:

3.1. Thực hiện tốt sự phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai ở các địa phương; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân tr ong công tác QLBVR khi để mất rừng, đặc biệt là người đứng đầu địa phương, đơn vị, chủ rừng, hộ nhận khoán.

3.2. Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng”.

3.3. Ban hành các văn bản quy định cơ chế, chính sách như: (1) Quy trình giải tỏa và trồng lại rừng sau giải tỏa; cơ chế tài chính đặc thù cho công tác trồng rừng sau giải tỏa phù hợp với thực tiễn triển khai thực hiện tại các địa phương; (2) Quyết định thay thế Quyết định số 102/2004/QĐ-UB ngày 21/6/2004 của UBND tỉnh quy định về xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng, kiểm lâm, ban lâm nghiệp cấp xã để phù hợp quy định của Luật Lâm nghiệp; (3) Quy chế phối hợp trong quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp giữa chính quyền địa phương với Ngành tài nguyên môi trường và kiểm lâm; (4) Chính sách đặc thù về giao, khoán rừng và đất lâm nghiệp sau khi đã khôi phục phát triển rừng; cơ chế hưởng lợi, chia sẻ lợi ích trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; cơ chế hỗ trợ vay vốn cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất nông nghiệp sang trồng rừng, trồng xen cây lâm nghiệp; (5) Cơ chế hỗ trợ người cung cấp tin báo tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; khen thưởng và kỷ luật trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng,...

4. Giải pháp về công tác vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ rừng ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp:

Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về: giá trị của rừng, môi trường rừng; vai trò, trách nhiệm bảo vệ rừng của mỗi người dân, trang bị kiến thức pháp luật để người dân chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ quy định về bảo vệ rừng và hỗ trợ tích cực với cơ quan nhà nước thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng,... bằng việc đổi mới cả về nội dung, hình thức và cách thức triển khai thực hiện để đạt được hiệu quả truyền thông cao nhất, phù hợp với từng nhóm đối tượng, theo hướng:

4.1. Biên tập, tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay tại cơ sở để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; về ảnh hưởng của mất rừng đến biến đổi khí hậu và đời sống, sản xuất của người dân; tăng cường đưa tin về các vụ việc nổi cộm, chế tài xử lý để răn đe, ngăn chặn hành vi phá rừng.

4.2. Phát tờ rơi, tài liệu tập huấn các chính sách bảo vệ phát triển rừng, trách nhiệm của người dân và cộng đồng được giao đất lâm nghiệp, được giao khoán rừng khi để mất rừng, các biện pháp xử lý hành vi vi phạm...đối với các hộ nhận khoán, hộ dân sống gần rừng, hộ đồng bào dân tộc để có sự nhận thức một cách đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ phát triển rừng.

4.3. Xây dựng các phóng sự, bài viết, chuyên mục bảo vệ rừng trên sóng phát thanh, truyền hình, báo chí để chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm trong QLBVR, tuyên dương các mô hình điển hình, các tấm gương về bảo vệ rừng để nhân rộng trong toàn xã hội.

4.4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn và toàn hệ thống chính trị đối với công tác QLBVR: từng ngành, từng địa phương phải gắn nhiệm vụ bảo vệ rừng với nhiệm vụ chuyên môn, bám sát nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành để cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình công tác; phát huy vai trò của người đứng đầu trong quá trình lãnh chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ; xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành, các lực lượng để thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng; thực hiện tốt việc phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp trong xây dựng chương trình hành động, phát động các phong trào thi đua phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vận động 100% hội viên ký cam kết không xâm lấn rừng và đất lâm nghiệp, bảo vệ tài nguyên rừng...

5. Giải pháp hỗ trợ về công nghệ để tăng cường ngăn chặn tình trạng phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp:

Nhân rộng mô hình và từng bước ứng dụng đồng bộ công nghệ GIS và các thiết bị số để hỗ trợ theo dõi diễn biến rừng; phát hiện sớm các điểm phá rừng, cụ thể: (1) Ứng dụng công nghệ địa không gian để khai thác nguồn ảnh vệ tinh và tích hợp vào trang thông tin mạng điện tử để cung cấp thông tin biến động về hiện trạng rừng, hỗ trợ cho chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, cơ quan quản lý kịp thời, chính xác; (2) Triển khai lồng ghép nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, sự hỗ trợ của các dự án, tổ chức quốc tế để triển khai đồng bộ cho các chủ rừng có thể truy cập, khai thác và tiếp nhận kịp thời các thông tin mới về biến động tài nguyên rừng trên diện tích rừng được giao quản lý; (3) Sử dụng các thiết bị số để hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát, xác minh biến động tài nguyên rừng trong diện tích quy hoạch 03 loại rừng và những khu vực giáp ranh giữa đất sản xuất nông nghiệp với rừng, đất lâm nghiệp...

6. Giải pháp ổn định dân di cư tự do đến Lâm Đồng để hạn chế tác động phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp:

6.1. Xây dựng kế hoạch để thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” ban hành kèm theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và nội dung Nghị quyết số 22/NQ- CP của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

6.2. Thực hiện các giải pháp ổn định dân di cư tự do, góp phần hạn chế hành vi phá rừng lấy đất sản xuất và đất ở.

6.3. Khẩn trương thực thực hiện hoàn thành các dự án ổn định dân di cư tự do tập trung, xen ghép trên địa bàn các huyện: Đam Rông, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương để đưa người dân vào nơi ở mới, sớm ổn định cuộc sống, cấp đất canh tác, đồng thời ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp.

6.4. Tiếp tục thực hiện các chính sách lồng ghép như: hỗ trợ phát triển sản xuất (cây giống, khuyến nông, chuyển đổi giống...); chính sách 30a, nhận khoán bảo vệ rừng, phát triển rừng,…tạo thu nhập ổn định để bà con yên tâm sản xuất, ngăn chặn hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp.

7. Giải pháp về chính sách hỗ trợ: Hộ dân canh tác sản xuất nông nghiệp ổn định trên đất lâm nghiệp được xem xét hỗ trợ sản xuất nông lâm kết hợp/lâm nông kết hợp trong trường hợp triển khai đảm bảo các điều kiện cần và đủ3 và được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

8. Giải pháp về vốn:

8.1. Giai đoạn 2020-2025, tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án là 259.952 triệu đồng, được huy động đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí; trong đó: ngân sách nhà nước 90.502 triệu đồng (chiếm 35%); lồng ghép kinh phí từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh 31.450 triệu đồng (chiếm 12%); vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và nhân dân 137.000 triệu đồng (chiếm 53%). Phân kỳ vốn đầu tư thực hiện Đề án: năm 2020: 12.290 triệu đồng; năm 2021: 72.170 triệu đồng; năm 2022: 56.386 triệu đồng; năm 2023: 42.322 triệu đồng; năm 2024: 39.983 triệu đồng và năm 2025: 36.802 triệu đồng.

8.2. Giai đoạn 2020-2025, tiếp tục thực hiệc các cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ, bố trí các nguồn vốn đầu tư triển khai thực hiện Đề án theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế của giai đoạn này đảm bảo hợp lý, khả thi và thực sự có hiệu quả.

V. HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN

1. Về kinh tế:

1.1. Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp từ 1,5-2% trên diện tích 52.000 ha được tính giá trị thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 1,0-1,5%, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2,0-3%. Tạo nguồn lực đáng kể trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

1.2. Hình thành các vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp tập trung, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, tích lũy để tái đầu tư phát triển rừng; hình thành các khu vực sản xuất, vùng nguyên liệu cho chế biến.

1.3. Cung cấp nguồn lâm sản ngoài gỗ ổn định cho một bộ phận dân cư sống gần rừng, thu hút người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao giá trị đất lâm nghiệp.

1.4. Duy trì thu nhập ổn định từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia bảo vệ rừng; nâng diện tích được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng thêm khoảng 52.375 ha.

1.5. Khi diện tích 52.375 ha trồng cây lâm nghiệp đảm bảo theo quy định được nhận khoán theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP thì khả năng huy động nguồn tín dụng hàng nghìn tỷ đồng/năm để phát triển sản xuất.

2. Về xã hội:

2.1. Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, người dân về vai trò, tác dụng của rừng, đặc biệt là người dân miền núi vùng sâu, vùng xa. Người dân nhận đất, nhận rừng, nhận khoán bảo vệ rừng hiểu được lợi ích và giá trị kinh tế, môi trường do rừng mang lại.

2.2. Nâng cao hiệu quả công tác QLBVR của địa phương, đơn vị, chủ rừng, xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả bền vững đất sản xuất lâm nghiệp.

2.3. Góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định sản xuất và đời sống, giảm tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, củng cố an ninh, quốc phòng tại địa phương.

3. Về môi trường:

3.1. Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đạt khoảng 56%, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng, tăng hiệu năng phòng hộ của rừng, cải thiện môi trường ở các khu công nghiệp và khu đô thị, duy trì nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất cho tỉnh Lâm Đồng và các vùng lân cận.

3.2. Duy trì và phát triển rừng bền vững trên 536.680 ha rừng hiện có; khôi phục và phát triển khoảng 52.000 ha rừng bằng giải pháp trồng xen; giải tỏa, thu hồi và trồng lại rừng trên diện tích 334 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm giai đoạn 2016-2019 để nâng cao năng suất, chất lượng rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo cảnh quan sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (là cơ quan đầu mối) tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Đề án; theo dõi, tham mưu UBND tỉnh: chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án theo đúng mục tiêu đã đề ra; ban hành các cơ chế, quy định, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra giám sát; triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên của Đề án. Theo dõi tiến độ, báo cáo tình hình thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong rà soát, kiểm kê đất đai, quy hoạch sử dụng đất; đo đạc điều chỉnh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị chủ rừng; xây dựng cơ chế chính sách, chế tài xử lý liên quan đến lấn chiếm, san gạt đất lâm nghiệp, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích; tham mưu UBND tỉnh quy định cụ thể chính sách liên quan đến đất lâm nghiệp theo quy định.

3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, thẩm định, tham mưu đề xuất các nguồn vốn để thực hiện Đề án.

4. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố phối hợp, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm, chủ rừng trong công tác: thu thập thông tin, nắm chắc các đối tượng/đầu nậu chuyên phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để mời gọi răn đe, ký cam kết không vi phạm; tuần tra, kiểm tra, truy quét, ngăn chặn vi phạm, tội phạm về QLBVR; điều tra, hoàn thiện các hồ sơ vi phạm hình sự… để xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp: đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng; đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp vào sinh hoạt chuyên đề định kỳ, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các tổ chức, đoàn thể và coi việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp là một trong những tiêu chí bình xét thi đua cuối năm.

6. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng đưa tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về lâm nghiệp, thông tin kịp thời việc triển khai thực hiện Đề án.

7. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan: phối hợp cung cấp thông tin, hỗ trợ lực lượng chủ rừng, kiểm lâm, cơ quan cảnh sát điều tra xử lý các vụ vi phạm liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp.

8. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc xây dựng kế hoạch triển khai Đề án; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các đơn vị chủ rừng và cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp đã nêu trong Đề án; bám sát các chỉ tiêu nhiệm vụ của Đề án để chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ sau:

8.1. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm tra, thu hồi đất lâm nghiệp sử dụng trái pháp luật, không thực hiện đúng quy định; không hợp thức hóa diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để sang nhượng trái pháp luật; đồng thời, tiến hành tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đối với diện tích đưa ra khỏi đất lâm nghiệp theo đúng quy định.

8.2. Phối hợp, thực hiện hoàn thành các dự án ổn định dân di cư tự do tập trung và xen ghép; kịp thời giải quyết các tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp, và nội dung khác có liên quan để họ ổn canh, ổn cư, ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất, không để xảy ra điểm nóng và khiếu kiện đông người.

8.3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc huyện, thành phố tuyên truyền phổ biến kịp thời nội dung, chính sách của Đề án; phối hợp thực hiện các chính sách lâm nghiệp liên quan đến các đối tượng hộ gia đình; tham gia hỗ trợ thực hiện Đề án.

8.4. Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế tham mưu UBND huyện, thành phố chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp và các nội dung triển khai thực hiện Đề án này.

9. UBND cấp xã:

9.1. Có trách nhiệm họp dân tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định về bảo vệ và phát triển rừng đến từng cộng đồng, thôn/buôn và các cá nhân, hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng hoặc có sử dụng đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp để người dân hiểu, từ đó tham gia tích cực vào công tác trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích trên diện tích đất lâm nghiệp mà hộ gia đình đang sản xuất.

9.2. Phối hợp với các đơn vị chủ rừng, kiểm tra rà soát diện tích đất lâm nghiệp của từng hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn để lập danh sách các hộ tham gia Đề án, xây dựng kế hoạch; phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý các hộ gia đình, cá nhân vi phạm các điều khoản đã ký kết.

9.3. Hỗ trợ các đơn vị chủ rừng lập biên bản/hồ sơ xử lý, giải tỏa, thu hồi những trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp mà không thực hiện việc trồng xen cây lâm nghiệp theo phương án đã đề ra.

9.4. Niêm yết công khai diện tích, danh sách các hộ gia đình, cá nhân tham gia Đề án tại trụ sở UBND xã, thôn/buôn.

10. Đơn vị chủ rừng:

10.1. Các đơn vị chủ rừng nhà nước có trách nhiệm cùng với chính quyền địa phương thực hiện khảo sát, điều tra hiện trạng đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên lâm phần quản lý đến từng hộ gia đình; xây dựng kế hoạch, phương án trồng rừng, trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

10.2. Đối với các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giải tỏa diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại dự án để đưa vào trồng rừng, sử dụng đúng mục đích theo dự án được phê duyệt.

10.3. Thông báo kết quả phê duyệt, kế hoạch, phương án cho chính quyền địa phương (về vị trí, diện tích, địa điểm, mục đích thực hiện); đối tượng áp dụng việc trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp.

10.4. Lập các thủ tục cần thiết như: hợp đồng trồng rừng, trồng xen cây lâm nghiệp, biên bản kiểm tra, bản cam kết cho các cá nhân, hộ gia đình tham gia thực hiện Đề án theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

10.5. Hướng dẫn kỹ thuật, giám sát hộ gia đình, cá nhân nhận khoán thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng.

10.6. Chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý, giám sát và đôn đốc việc trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của người dân trên đất lâm nghiệp theo đúng kế hoạch, phương án đã được phê duyệt; phối hợp tổ chức nghiệm thu kết quả trồng rừng đối với hộ gia đình, làm cơ sở để thanh quyết toán tiền hỗ trợ của Nhà nước theo đúng quy định; định kỳ hàng tháng/quý báo cáo kết quả triển khai thực hiện về UBND cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung.

Trong quá trình thực hiện Đề án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật các cơ chế, chính sách mới để triển khai thực hiện; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

PHỤ LỤC I

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA TRUNG ƯƠNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG

I. CÁC VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA TRUNG ƯƠNG

1. Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp;

2. Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020;

3. Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ về Quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước.

4. Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng;

5. Nghị định số 35/2018/NĐ-CP ngày 25/04/2019 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm Lâm nghiệp;

6. Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020;

7. Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng trừ các khoản 2,3,4 và 5 Điều 3 của Quyết định này;

8. Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020;

9. Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp;

10. Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020;

11. Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020;

12. Nghị quyết 67/NQ-CP ngày 25/5/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Lâm Đồng;

13. Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020;

14. Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 01/11/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”;

15. Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững;

16. Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các biện pháp lâm sinh;

17. Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng;

18. Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung quy định quản lý công trình lâm sinh;

19. Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp;

20. Văn bản số 1489/BNN-KL ngày 1/7/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp;

21. Văn bản số 1969/TCLN-KL ngày 12/11/2018 về việc cập nhật báo cáo diễn biến rừng năm 2018.

II. CÁC VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA ĐỊA PHƯƠNG

1. Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 05/01/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2020;

2. Quyết định 247/QĐ-UBND ngày 21/01/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành kế hoạch hành động giảm “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng” tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015-2020;

3. Quyết định số 2771/QĐ-UBND ngày 19/12/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Phê duyệt kế hoạch trồng rừng giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

4. Văn bản số 4576/UBND ngày 26/9/2005 của UBND tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn sử dụng một số loài cây công nghiệp ăn quả dài ngày để trồng trên diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất;

5. Văn bản số 1388-CV/TU ngày 08/3/2017 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh;

6. Thông báo số 125/TB-UBND ngày 16/5/2017 kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị về kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng và công tác QLBVR trên địa bàn tỉnh.

7. Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 03 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030.

 

PHỤ LỤC II

HIỆN TRẠNG 03 LOẠI RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆ

Đơn vị tính: diện tích: ha

Stt

Huyện, TP

Tổng diện tích có rừng

Phân theo nguồn gốc hình thành rừng

Phân loại theo mục đích sử dụng

Rừng tự nhiên

Rừng trồng

Cộng

Đặc dụng

Phòng hộ

Sản xuất

Rừng trồng đã thành rừng

Rừng trồng chưa thành rừng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

1

Bảo Lâm

80.037

66.889

12.887

261

79.978

5.291

9.620

65.067

2

Bảo Lộc

1.569

989

569

11

1.451

0

783

669

3

Cát Tiên

27.613

23.538

3.781

294

27.856

21.442

0

6.415

4

Di Linh

83.299

74.493

8.425

381

82.905

0

11.830

71.076

5

Đạ Huoai

32.699

25.243

6.597

859

32.649

0

9.743

22.906

6

Đạ Tẻh

34.934

24.011

9.206

1.717

34.894

0

4.940

29.954

7

Đam Rông

56.997

49.688

6.669

639

57.537

973

24.981

31.583

8

Đơn Dương

36.435

29.972

6.079

384

36.769

0

15.022

21.747

9

Đức Trọng

29.038

19.566

8.990

482

28.655

77

13.609

14.969

10

Lạc Dương

112.153

107.454

4.492

207

112.221

54.604

35.391

22.225

11

Lâm Hà

24.630

18.747

4.199

1.684

24.538

0

6.864

17.674

12

Đà Lạt

19.962

14.637

5.325

0

19.912

296

15.974

3.643

Tổng

539.366

455.226

77.220

6.920

539.366

82.682

148.757

307.927

 

PHỤ LỤC III

TRỮ LƯỢNG TÀI NGUYÊN RỪNG

 Đơn vị tính: gỗ m3; tre nứa triệu cây

Stt

Phân loại rừng

Tổng cộng

Quy hoạch 03 loại rừng

Đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp

Cộng

Đặc dụng

Phòng hộ

Sản xuất

1

2

3

4

5

6

7

8

 

Trữ lượng gỗ

60.082.519

58.086.135

11.629.322

18.546.672

27.910.141

1.996.384

 

Trữ lượng tre, nứa

505.255

477.045

91.289

104.146

281.610

28.210

1

Rừng gỗ tự nhiên

46.761.153

45.723.693

10.446.461

15.061.591

20.215.641

1.037.460

-

Rừng gỗ lá rộng TX hoặc nửa rụng lá

26.872.112

26.439.013

6.040.981

7.550.908

12.847.124

433.099

-

Rừng gỗ lá rộng rộng

393.987

376.756

-

4.401

372.356

17.231

-

Rừng gỗ lá kim

15.155.429

14.659.655

2.781.841

6.663.303

5.214.512

495.774

-

Rừng gỗ hỗn giao lá rộng và lá kim

4.339.625

4.248.268

1.623.639

842.979

1.781.650

91.357

2

Rừng trồng

5.114.980

4.493.462

152.288

1.461.153

2.880.021

621.518

3

Rừng tre nứa

118.175

105.775

35.487

15.173

55.114

12.401

-

Nứa

434

3

-

3

-

431

-

Lồ ô

115.617

103.647

35.487

15.170

52.990

11.970

-

Các loại khác

2.124

2.124

-

-

2.124

-

4

Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa

-

-

-

-

-

-

-

Gỗ

8.206.387

7.868.980

1.030.573

2.023.928

4.814.480

337.406

-

Tre nứa

387.080

371.270

55.802

88.973

226.496

15.810


PHỤ LỤC IV

KẾT QUẢ TRỒNG RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2015-2019

Đơn vị tính: triệu đồng

Stt

Loại hình trồng rừng

Tổng diện tích (ha)

Tổng kinh phí thực hiện (triệu đồng)

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Diện tích (ha)

Kinh phí thực hiện (triệu đồng)

Diện tích (ha)

Kinh phí thực hiện (triệu đồng)

Diện tích (ha)

Kinh phí thực hiện (triệu đồng)

Diện tích (ha)

Kinh phí thực hiện (triệu đồng)

Diện tích (ha)

Kinh phí thực hiện (triệu đồng)

I

Chủ rừng nhà nước

3.411

259.823

1.062

89.977

710

48.333

766

50.388

409

33.271

465

37.854

1

Trồng rừng trên đất trống

248

20.588

127

10.750

 

0

 

0

55

4.451

66

5.387

2

Trồng rừng trên diện tích giải tỏa

412

12.816

45

3.826

116

0

139

0

51

4.167

59

4.823

3

Trồng lại rừng sau khai thác

0

65.044

204

17.320

150

10.830

216

15.528

125

10.105

139

11.261

4

Trồng rừng thay thế

1.918

161.376

686

58.082

443

37.503

412

34.860

178

14.548

200

16.382

II

Chủ rừng ngoài nhà nước

7.645

641.823

2.225

188.457

647

54.829

2.709

229.465

1.256

102.860

809

66.212

 

Trồng rừng ngoài ngân sách

7.645

641.823

2.225

188.457

647

54.829

2.709

229.465

1.256

102.860

809

66.212

Tổng cộng

11.057

901.646

3.287

278.434

1.357

103.162

3.475

279.853

1.665

136.131

1.273

104.066

Ghi chú:

- Đơn giá trồng rừng, chăm sóc rừng trồng năm 2015: 84.711.000 đồng (theo Quyết định số 1363/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND tỉnh)

- Đơn giá trồng rừng, chăm sóc rừng trồng năm 2016, 2017 (theo Quyết định số 994QĐ-UBND ngày 16/5/2016 của UBND tỉnh)

+ Đối với các diện tích trồng rừng thay thế: 84.711.000 đồng

+ Đối với các diện tích trồng rừng sau giải tỏa: 53.987.000 đồng

+ Đối với các diện tích trồng rừng trên đất trống: 49.565.000 đồng

- Đơn giá trồng rừng sau khai thác trắng năm 2016, 2017 (theo Quyết định số 1961/QĐ-UBND ngày 06/9/2016 của UBND tỉnh): 72.031.000 đồng

- Đơn giá trồng rừng, chăm sóc rừng trồng năm 2018, 2019 (theo Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh)

+ Đối với các diện tích trồng rừng thay thế: 81.895.000 đồng

+ Đối với các diện tích trồng rừng sau giải tỏa, trồng rừng trên đất trống, trồng rừng sau khai thác trắng: 81.076.000 đồng

- Đơn giá trồng rừng, chăm sóc rừng trồng năm 2018, 2019 (theo Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh)

+ Đối với các diện tích trồng rừng thay thế: 81.895.000 đồng

+ Đối với các diện tích trồng rừng sau giải tỏa, trồng rừng trên đất trống, trồng rừng sau khai thác trắng: 81.076.000 đồng

 

PHỤ LỤC V

TÌNH HÌNH VI PHẠM PHÁ RỪNG VÀ DIỆN TÍCH GIẢI TỎA RỪNG GIAI ĐOẠN 2015-2019

Stt

Nội dung

Đà Lạt

Lạc Dương

Đơn Dương

Đức Trọng

Lâm

Đam Rông

Di Linh

Bảo Lộc

Bảo Lâm

Đạ Huoai

Đạ Tẻh

Cát Tiên

Tổng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

I

Số vụ vi phạm

305

325

49

62

336

191

41

14

190

26

86

2

1.627

 

Năm 2015

116

93

8

13

69

65

19

9

72

12

36

0

 

 

Năm 2016

45

78

15

4

52

51

8

1

62

3

27

1

 

 

Năm 2017

39

56

6

10

54

32

7

2

25

6

11

0

 

 

Năm 2018

44

47

4

13

101

19

4

1

21

0

10

1

 

 

Năm 2019

61

51

16

22

60

24

3

1

10

5

2

0

 

II

Diện tích thiệt hại (ha)

131

520

61

325

959

850

115

67

1.006

135

916

31

5.115

 

Năm 2015

57

276

20

48

157

271

51

53

593

56

188

0

 

 

Năm 2016

17

85

20

12

130

257

18

0

314

51

317

30

 

 

Năm 2017

13

60

6

114

170

105

29

1

60

16

321

0

 

 

Năm 2018

10

40

4

64

285

95

10

0

29

0

85

1

 

 

Năm 2019

33

59

10

86

217

122

7

12

9

12

6

0

 

III

Khối lượng lâm sản thiệt hại (m3)

723

2.006

17

711

2.045

1.614

117

555

4.143

464

1.339

0

13.733

 

Năm 2015

263

563

0

118

0

45

61

550

2.596

69

166

0

 

 

Năm 2016

124

447

0

18

0

412

10

0

879

324

356

0

 

 

Năm 2017

64

285

17

400

0

176

14

0

231

58

758

0

 

 

Năm 2018

98

426

0

45

860

193

11

4

259

0

32

0

 

 

Năm 2019

174

284

0

130

1.185

788

21

1

178

13

28

0

 

IV

Diện tích giải tỏa để trồng rừng (m3)

7

24

4

28

80

58

6

1

41

8

73

3

334

 

Năm 2015

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

 

 

Năm 2016

2

8

2

1

13

26

2

0

31

5

32

3

 

 

Năm 2017

1

6

1

11

17

10

3

0

6

2

32

0

 

 

Năm 2018

1

4

0

6

29

10

1

0

3

0

8

0

 

 

Năm 2019

3

6

1

9

22

12

1

1

1

1

1

0

 

 

PHỤ LỤC VI

HIỆN TRẠNG ĐẤT ĐANG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN DIỆN TÍCH ĐẤT QUY HOẠCH LÂM NGHIỆP

Đơn vị tính: ha

Stt

Đơn vị quản lý

Cộng

Lạc Dương

TP. Đà Lạt

Đơn Dương

Đức Trọng

Lâm

Đam Rông

Di Linh

Bảo Lâm

TP. Bảo Lộc

Đạ Huoai

Đạ Tẻh

Cát Tiên

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

1

Chủ rừng nhà nước

47.103

353

2.925

3.372

9.928

12.005

8.591

7.219

937

560

649

514

48

1.1

Công ty lâm nghiệp

 

 

 

2.085

 

 

 

5.354

153

 

485

514

 

1.2

Ban quản lý rừng phòng hộ

 

159

2.816

1.288

9.928

12.005

8.591

1.865

783

 

164

 

 

1.3

Vườn quốc gia

 

193

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

35

1.4

Cơ quan nghiên cứu, DV lâm nghiệp

 

 

110

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.5

Chính quyền địa phương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

14

1.6

Hạt Kiểm lâm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

560

 

 

 

2

Doanh nghiệp thuê đất thuê rừng

4.448

251

311

398

1.179

209

366

245

1.370

21

89

9

 

3

Cộng đồng

238

 

 

 

 

 

 

91

148

 

 

 

 

4

Hộ gia đình

171

 

 

 

1

6

 

 

11

96

 

56

 

5

Nhà máy thủy điện

5

 

1

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

6

Trụ sở cơ quan

77

 

70

3

4

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng

52.041

604

3.307

3.773

11.112

12.220

8.957

7.555

2.469

678

738

580

48

 

PHỤ LỤC VII

DANH MỤC CÁC LOÀI CÂY TRỒNG KHÔI PHỤC RỪNG, NÂNG TỶ LỆ CHE PHỦ RỪNG TRÊN ĐẤT LÂM NGHIỆP ĐANG SXNN ỔN ĐỊNH

Stt

Tiểu vùng sinh thái

Tên phổ thông

Tên khoa học

1

Tiểu vùng sinh thái vùng thung lũng (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và một phần huyện Đam Rông; tương ứng đại độ cao tương đối khu vực tiếp giáp Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên bình quân < 500m )

Sao đen

Hopea odorata Roxb

Muồng đen

Cassia siamea Lamarck

Bời lời đỏ

Litsea glutinosa (Lour.) C.B.Roxb

Nhạc ngựa

Swietenia macrophylla King

Dầu rái

Dipterocarpus alatus Roxb

Cao su

Hevea brasiliensis

Lát Mêhicô

 

Giổi xanh

Michelia mediocris Dandy

Điều

Anacardium occidentale L

Keo lai

Acacia mangium x Acacia auriculiformis

Trám

 

Hông(Paulownia)

 

Chôm chôm

 

Măng cụt

 

 

Mít

 

Sầu riêng

 

Tre lấy măng

 

2

Tiểu vùng sinh thái núi thấp đến trung bình (Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh; tương ứng đai độ cao tương đối từ 500-800m của Cao nguyên Di Linh)

Sao đen

Hopea odorata Roxb.

Sưa đỏ

Dalbergia tonkinensis Prain

Muồng đen

Cassia siamea Lamarck

Gõ đỏ

Afzelia xylocarpa

Cẩm Lai

Dalbergia oliveri Gamble ex Prain

Giáng hương

Pterocarpus macrocarpus Kurz

Giổi xanh

Michelia mediocris Dandy

Thông úc

 

Huỳnh đàn

 

Lát Mêhicô

 

Mắc ca

Macadamia integrifolia Maid. et Betche

Trám

 

Măng cụt

 

 

Mít

 

Sầu riêng

 

Tre lấy măng

 

Hông(Paulownia)

 

3

Tiểu vùng sinh thái vùng vùng núi cao (Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương, Đà Lạt; tương ứng đai độ cao tương đối từ 800-1.500m của Cao nguyên Lâm Viên)

Sao đen

Hopea odorata Roxb.

Nhạc ngựa

Swietenia macrophylla King

Muồng đen

Cassia siamea Lamarck

Sưa đỏ

Dalbergia tonkinensis Prain

Ngân Hoa

Lonicera Japonica Thumb

Đàn hương

Santalum Album

Gõ đỏ

Afzelia xylocarpa

Giáng hương

Pterocarpus macrocarpus Kurz

Thông ba lá

Pinus kesiya Royle ex Gordon

Thông úc

 

Huỳnh đàn

 

Lát Mêhicô

 

Hồng

 

Trám

 

Mít

 

Tre lấy măng

 

Mắc ca

Macadamia integrifolia Maid. et Betche

Hông(Paulownia)

 

 

PHỤ LỤC VIII

KẾ HOẠCH TRỒNG RỪNG TRÊN DIỆN TÍCH BỊ PHÁ GIAI ĐOẠN 2020-2025

Đơn vị tính: ha

Stt

Địa phương

Tổng

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

2

3

4

5

6

7

8

9

I

Giai đoạn 2016-2019

334

69

130

96

39

0

0

1

Lâm Hà

80

12

27

27

15

 

 

2

Đức Trọng

28

28

 

 

 

 

 

3

Đam Rông

58

5

26

26

 

 

 

4

Di Linh

6

6

 

 

 

 

 

5

Đà Lạt

7

 

7

 

 

 

 

6

Đơn Dương

4

4

 

 

 

 

 

7

Bảo Lâm

41

3

20

18

 

 

 

8

Lạc Dương

24

11

13

 

 

 

 

9

Đạ Huoai

8

 

8

 

 

 

 

10

Bảo Lộc

1

 

1

 

 

 

 

11

Đạ Tẻh

73

 

24

24

24

 

 

12

Cát Tiên

3

 

3

 

 

 

 

II

Giai đoạn trước 2016

22

22

 

 

 

 

 

III

Giai đoạn 2020-2025

213

 

57

49

41

35

30

Tổng cộng

570

92

130

96

39

 

 

Ghi chú:

- Chủ trương giải tỏa tồng lại rừng trên diện tích đất bị phá từ năm 2016 trở lại đây theo Văn bản số 5984/UBND-LN ngày 18/9/2018 của UBND tỉnh và các văn bản liên quan.

- Diện tích các đơn vị đăng ký trồng rừng sau giải tỏa năm 2020 là 91,61 ha bao gồm diện tích giai đoạn trước 2016 (22,43 ha) và giai đoạn 2016-2019 (69,18 ha)

- Giai đoạn trước 2016 là diện tích các đơn vị đã được phân bổ vốn theo Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 của UBND tỉnh

- Giai đoạn 2020-2025 là diện tích dự kiến rừng bị phá giảm 15% theo mục tiêu của Đề án (Năm 2020 diện tích phá rừng là 57,38 ha, các năm tiếp theo giảm dần)

 

PHỤ LỤC IX

KẾ HOẠCH KHÔI PHỤC RỪNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN DIỆN TÍCH ĐẤT ĐANG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP QUY HOẠCH LÂM NGHIỆP

Đơn vị tính: ha

Stt

Địa phương

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng

1

2

3

4

5

6

7

8

1

Lâm Hà

600

600

600

600

600

3.000

2

Đức Trọng

633

633

633

633

633

3.167

3

Đam Rông

600

600

600

600

600

3.000

4

Di Linh

400

400

400

400

400

2.000

5

Đà Lạt

400

400

400

400

400

2.000

6

Đơn Dương

400

400

400

400

400

2.000

7

Bảo Lâm

400

400

400

400

400

2.000

8

Lạc Dương

158

158

158

158

158

790

9

Đạ Huoai

148

148

148

148

148

738

10

Bảo Lộc

136

136

136

136

136

678

11

Đạ Tẻh

116

116

116

116

116

580

12

Cát Tiên

48

 

 

 

 

48

Cộng

4.038

3.990

3.990

3.990

3.990

20.000

 

 

PHỤ LỤC X

KẾ HOẠCH KHÔI PHỤC RỪNG GIAI ĐOẠN 2026-2030 TRÊN DIỆN TÍCH ĐẤT ĐANG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THUỘC QUY HOẠCH LÂM NGHIỆP

Đơn vị tính: ha

Stt

Địa phương

Tổng

Năm 2026

Năm 2027

Năm 2028

Năm 2029

Năm 2030

1

2

3

4

5

6

7

8

1

Lâm Hà

9.220

1.844

1.844

1.844

1.844

1.844

2

Đức Trọng

6.956

1.391

1.391

1.391

1.391

1.391

3

Đam Rông

5.957

1.191

1.191

1.191

1.191

1.191

4

Di Linh

5.555

1.111

1.111

1.111

1.111

1.111

5

Đà Lạt

2.056

411

411

411

411

411

6

Đơn Dương

1.773

355

355

355

355

355

7

Bảo Lâm

523

105

105

105

105

105

8

Lạc Dương

0

0

0

0

0

0

9

Đạ Huoai

0

0

0

0

0

0

10

Bảo Lộc

0

0

0

0

0

0

11

Đạ Tẻh

0

0

0

0

0

0

12

Cát Tiên

0

0

0

0

0

0

Tổng cộng

32.041

6.408

6.408

6.408

6.408

6.408

 

 

PHỤ LỤC XI

TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Đơn vị tính: ha

Stt

Nội dung

Năm thực hiện

Đơn vị chủ trì thực hiện

Đơn vị phối hợp

2020

2021

2022

2023

2024

2025

2026

2027

2028

2029

2030

I

Triển khai các nhiệm vụ giải pháp của Đề án

1

Nâng cao hiệu quả QLBVR, ngăn chặn và xử lý các vụ phá rừng, lấn chiếm đất LN

1.1

Ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác QLBVR cho phù hợp với Chỉ thị số 13; NQ 71

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở NN&PTNT

Các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, TP

1.2

UBND tỉnh ban hành thay thế Quyết định: 102/2004/QĐ-UB ngày 21/6/2004 và quyết định quy định trách nhiệm QLNN về rừng theo quy định mới của Luật LN và QĐ 07/QĐ-TTg ngày 8/02/2012 của CP

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở NN&PTNT

Các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, TP

1.3

Tuyên truyền nhân dân tham gia QLBV&PTR vàphổ biến GDPL về Luật LN và các Nghị định liên quan vào sinh hoạt chuyên đề định kỳ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở NN&PTNT

Báo, Đài,, Ttruyền hình, Ban Dân vận, UBMTTQ,Tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể

1.4

Đo đạc điều chỉnh, cấp GCNQSD đất cho các chủ rừng, hộ gia đình

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT, Sở Tài chính

1.5

Rà soát, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm tra, thu hồi đất LN sử dụng trái pháp luật, không thực hiện đúng quy định; chấm dứt tình trạng hợp thức hóa đất phá rừng, sang nhượng trái pháp luật

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

UBND huyện, TP

Đơn vị chủ rừng, UBND các phượng, xã, thị trấn

1.6

Nâng cao năng lực nhận thức về QLBVR

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở NN&PTNT

Sở TC, UBND huyện, chủ rừng, Hạt KL

1.7

Niêm yết công khai diện tích, danh sách các hộ gia đình, cá nhân tham gia đề án tại trụ sở UBND xã phường, thị trấn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

UBND phường, xã, thị trấn

Đơn vị chủ rừng

1.8

Rà soát xác định ký cam kết giáp ranh diện tích tiếp giáp với rừng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ rừng

Hạt Kiểm lâm và các phòng cấp huyện

1.9

Chống chặt phá rừng và SXKD, VCLS trái phép theo Chỉ thị 12/CT-TTg

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ rừng

Sở Nông nghiệp &PTNT

1.10

Xây dựng hệ thống thông tin ứng dụng công nghệ địa không gian trong quản lý tài nguyên rừng địa bàn tỉnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở NN&PTNT

Quỹ BVPTR,UBND các huyện, TP; chủ rừng

1.11

Mua sắm máy móc thiết bị tiên tiến cho lực lượng nòng cốt tại cơ sở

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở NN&PTNT

Sở Tài chính

1.12

Đánh giá thực hiện và điều chỉnh cơ chế chính sách khoán QLBVR

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở NN&PTNT

UBND huyện, TP, chủ rừng, Hạt Kiểm Lâm

2.

Thực hiện các giải pháp ổn định di dân tự do đến Lâm Đồng theo nội dung Đề án

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

UBND huyện, TP

Các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, TP

3

Phục hồi rừng và phát triển rừng

3.1

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định về giải tỏa ngay và trồng lại rừng sau giải tỏa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở NN&PTNT

UBND cấp huyện; các đơn vị chủ rừng

3.2

Hướng dẫn quy trình thực hiện: Lập hồ sơ, nghiệm thu, giao khoán và trồng, chăm sóc cây trồng xen

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở NN&PTNT

Các sở, ngành liên quan,

UBND cấp huyện, TP

3.3

Phổ biến, tuyên truyền chính sách của Đề án cho các đối tượng hộ gia đình tham gia thực hiện trồng xen khô phục mô trường rừng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

UBND huyện, TP

Đơn vị chủ rừng, UBND các phượng, xã, thị trấn

3.4

Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ rừng

Sở NN &PTNT, UBND huyện, Quỹ BV&PTR

3.5

Xây dựng kế hoạch hỗ trợ trồng rừng, trồng xen cây LN do chủ rừng lập;

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

UBND huyện, TP

UBND cấp huyện, TP

3.6

Lập hồ sơ khôi phục 20.000 ha giao đất giao rừng cho hộ dân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ rừng

UBND huyện, TP, Sở TN&MT

3.7

Trồng lại rừng trên diện tích 334,40 ha bị phá giai đoạn 2016 - 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ rừng

Sở Nông nghiệp &PTNT

3.8

Trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ rừng

Sở Nông nghiệp &PTNT

3.9

Khôi phục rừng bằng các loài cây lâm nghiệp, cây đa mục đích, cây ăn quả trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ rừng

Sở Nông nghiệp &PTNT

3.10

Lập các thủ tục như: hợp đồng trồng rừng, trồng xen cây LN, biên bản kiểm tra, bản cam kết cho các cá nhân, hộ gia đình thực hiện đề án

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ rừng

UBND xã, phường,thị trấn

3.11

Quản lý, giám sát và đôn đốc việc trồng, chăm sóc, QLBVR, PCCCR rừng của người dân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ rừng

UBND xã, phường,thị trấn

3.12

Kiểm tra, theo dõi, đôn đốc đơn vị chủ rừng thực hiện khôi phục môi trường rừng trên diện tích đất LN đang SXNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở NN&PTNT

UBND cấp huyện; chủ rừng

II

Bố trí kinh phí, nghiệm thu, sơ kết tổng kết

a

Bố trí kinh phí thực hiện đề án

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở TC, Sở KH&ĐT

Sở NN&PTNT

b

Tổ chức nghiệm thu triển khai kế hoạch hàng năm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

UBND huyện, TP

UBND huyện, TP

c

Tổ chức hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết Đề án

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sở NN&PTNT

Các sở, ngành, UBND cấp huyện, TP, chủ rừng

 

PHỤ LỤC XII

NHU CẦU VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2020-2025

Đơn vị tính: triệu đồng

Stt

Hạng mục

Nhu cầu kinh phí thực hiện đề án

Cơ cấu nguồn kinh phí

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Tổng kinh phí

Môi trường rừng

Vốn sự nghiệp

Đầu tư phát triển

Vốn đối ứng

I

Kinh phí trồng rừng tập trung trên diện tích giải tỏa

 

 

 

43.178

 

 

43.178

 

1

Trồng lại rừng trên diện tích 334 ha bị phá giai đoạn 2016-2019

ha

334

81

26.658

 

 

26.658

 

2

Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025

ha

235

81

16.519

 

 

16.519

 

II

Kinh phí nâng cao năng lực cho các lực lượng quản lý bảo vệ rừng

 

 

 

21.609

 

21.609

 

 

1

Hỗ trợ kinh phí chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép theo Chỉ thị số 12/CT-TTg

năm

5

2.000

10.000

 

10.000

 

 

2

Trang bị máy móc, thiết bị cho lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng tại cơ sở

 

 

 

4.500

 

4.500

 

 

-

Mua máy flycam

cái

40

50

2.000

 

2.000

 

 

-

Mua máy định vị

cái

120

15

1.780

 

1.780

 

 

-

Mua xe máy đi rừng

 

24

30

720

 

720

 

 

3

Nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý bảo vệ rừng

 

 

 

7.109

 

7.109

 

 

-

Tư vấn xây dựng kế hoạch và hình thức tuyên truyền

 

 

 

450

 

450

 

 

-

Panô tuyên truyền

Pa nô

24

 

964

 

964

 

 

-

Tài liệu tuyên truyền (tài liệu, tờ rơi, phóng sự)

cuốn, bộ

 

 

2.995

 

2.995

 

 

-

Tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng

tháng

60

25

1.500

 

1.500

 

 

-

Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận tin báo vi phạm Luật Lâm nghiệp

tháng

60

20

1.200

 

1.200

 

 

III

Kinh phí thực hiện các giải pháp quản lý bảo vệ rừng

 

 

 

38.350

31.450

6.900

 

 

1

Rà soát xác định ký cam kết giáp ranh diện tích tiếp giáp với rừng

năm

2

1.500

3.000

 

3.000

 

 

2

Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững

ha

421.737

0,0702

29.600

29.600

 

 

 

3

Rà soát diện tích, hiện trạng rừng cung ứng DVMTR của các doanh nghiệp thuê rừng trên địa bàn tỉnh

năm

1

 

350

350

 

 

 

4

Hỗ trợ rà soát hiện trạng rừng các dự án đầu tư (Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố)

năm

4

580

2.900

 

2.900

 

 

5

Hỗ trợ ký hợp đồng thuê rừng, đặt hàng quản lý bảo vệ rừng; đôn đốc nộp tiền thuê rừng; ký hợp đồng và nghiệm thu hợp đồng đặt hàng quản lý bảo vệ rừng tại các công ty lâm nghiệp

năm

4

200

1.000

 

1.000

 

 

6

Xây dựng hệ thống thông tin ứng dụng công nghệ địa không gian trong quản lý tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh

 

 

 

1.500

1.500

 

 

 

IV

Khôi phục độ che phủ rừng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang canh tác nông nghiệp

 

 

 

153.210

 

5.750

10.460

137.000

1

Kiểm kê đánh giá hiện trạng và lập kế hoạch khôi phục độ che phủ rừng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang canh tác nông nghiệp (52.041 ha)

 

52.041

0,201

10.460

 

 

10.460

 

2

Xây dựng mô hình điểm về trồng xen cây trồng lâm nghiệp, cây trồng khác được tính độ che phủ

mô hình

5

150

750

 

750

 

 

3

Trồng, khôi phục rừng bằng các loài cây đa mục đích, cây lâm nghiệp, cây ăn quả trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm (bao gồm hỗ trợ một phần chi phí giống cho các hộ ĐBDT)

ha

20.000

7,09

141.800

 

4.800

 

137.000

4

Xây dựng đề án định canh định cư đối với các hộ dân đang sinh sống trên đất quy hoạch lâm nghiệp

ha

 

 

200

 

200

 

 

V

Kinh phí khác

 

 

 

3.606

 

3.606

 

 

1

Xây dựng đề án

 

 

 

200

 

200

 

 

2

Đánh giá việc thực hiện chính sách khoán quản lý bảo vệ rừng và điều chỉnh cơ chế chính sách

 

 

 

2.000

 

2.000

 

 

3

Kinh phí xây dựng cơ chế chính sách

 

 

 

200

 

200

 

 

4

Kinh phí tổ chức hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết Đề án, tổ chức hội nghị ký kết với các tỉnh giáp ranh

 

 

 

500

 

500

 

 

5

Quản lý đề án

 

 

 

706

 

706

 

 

Tổng cộng

 

 

 

259.952

31.450

37.865

53.638

137.000

 

PHỤ LỤC XIII

PHÂN KỲ KINH PHÍ NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2020-2025

Đơn vị tính: triệu đồng

Stt

Nội dung

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng vốn đầu tư

MTR

Vốn sự nghiệp

Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư

MTR

Vốn sự nghiệp

Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư

MTR

Vốn sự nghiệp

Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư

MTR

Vốn sự nghiệp

Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư

MTR

Vốn sự nghiệp

Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư

MTR

Vốn sự nghiệp

Đầu tư phát triển

1

Trồng lại rừng trên diện tích 334 ha bị phá giai đoạn 2016-2019

2.839

 

 

2.839

6.409

 

 

6.409

6.833

 

 

6.833

5.584

 

 

5.584

3.369

 

 

3.369

1.625

 

 

1.625

2

Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025

921

 

 

921

2.698

 

 

2.698

3.173

 

 

3.173

3.462

 

 

3.462

3.387

 

 

3.387

2.879

 

 

2.879

3

Hỗ trợ kinh phí chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép theo Chỉ thị số 12/CT-TTg

 

 

 

 

2.000

 

2.000

 

2.000

 

2.000

 

2.000

 

2.000

 

2.000

 

2.000

 

2.000

 

2.000

 

4

Trang bị máy móc, thiết bị cho lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng tại cơ sở

 

 

 

 

1.500

 

1.500

 

1.000

 

1.000

 

1.000

 

1.000

 

1.000

 

1.000

 

 

 

 

 

5

Nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý bảo vệ rừng

 

 

 

 

2.467

 

2.467

 

1.522

 

1.522

 

1.040

 

1.040

 

1.040

 

1.040

 

1.040

 

1.040

 

6

Rà soát xác định ký cam kết giáp ranh diện tích tiếp giáp với rừng

 

 

 

 

1.500

 

1.500

 

1.500

 

1.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững

6.000

6.000

 

 

17.000

17.000

 

 

6.600

6.600

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Xây dựng mô hình điểm về trồng xen cây trồng lâm nghiệp, cây trồng khác được tính độ che phủ

 

 

 

 

750

 

750

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9

Khôi phục rừng bằng các loài cây lâm nghiệp, cây đa mục đích, cây ăn quả trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

 

 

 

 

28.631

 

1.600

 

28.292

 

1.600

 

28.292

 

1.600

 

28.292

 

 

 

28.292

 

 

 

10

Kiểm kê lập hồ sơ trên diện tích 52.041 ha sản xuất nông nghiệp thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp

 

 

 

 

6.000

 

 

6.000

4.460

 

 

4.460

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

11

Rà soát diện tích, hiện trạng rừng cung ứng DVMTR của các doanh nghiệp thuê rừng trên địa bàn tỉnh

350

350

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

12

Hỗ trợ rà soát hiện trạng rừng các dự án đầu tư (Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố)

 

 

 

 

580

 

580

 

580

 

580

 

580

 

580

 

580

 

580

 

580

 

580

 

13

Hỗ trợ ký hợp đồng thuê rừng, đặt hàng quản lý bảo vệ rừng; đôn đốc nộp tiền thuê rừng, nghiệm thu hợp đồng đặt hàng quản lý bảo vệ rừng

 

 

 

 

200

 

200

 

200

 

200

 

200

 

200

 

200

 

200

 

200

 

200

 

14

Xây dựng hệ thống thông tin ứng dụng công nghệ địa không gian trong quản lý tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh

1.500

1.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

15

Đánh giá việc thực hiện chính sách khoán quản lý bảo vệ rừng và điều chỉnh cơ chế chính sách

 

 

 

 

2.000

 

2.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

16

Kinh phí xây dựng cơ chế chính sách

100

 

100

 

100

 

100

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

17

Xây dựng đề án

200

 

200

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

18

Xây dựng đề án định canh, định cư đối với các hộ dân sản xuất nông nghiệp trên diện tích quy hoạch lâm nghiệp (52.041 ha)

200

 

200

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

19

Kinh phí tổ chức hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết Đề án, tổ chức hội nghị ký kết với các tỉnh giáp ranh

150

 

150

 

50

 

50

 

50

 

50

 

50

 

50

 

50

 

50

 

150

 

150

 

20

Quản lý đề án

30

 

30

 

285

 

285

 

175

 

175

 

114

 

114

 

65

 

65

 

37

 

37

 

Tổng cộng

12.290

7.850

680

3.760

72.170

17.000

13.032

15.107

56.386

6.600

8.627

14.467

42.322

 

6.584

9.045

39.983

 

4.935

6.756

36.802

 

4.007

4.503

*Ghi chú

- Đối với kinh phí hỗ trợ thực hiện chăm sóc năm 2, 3, 4 trên diện tích trồng rừng bị phá giai đoạn 2016-2019 và diện tích rừng giải tỏa mới giai đoạn 2020-2025 xem xét bổ sung để thực hiện trong giai đoạn tiếp theo

- Riêng đối với diện tích trồng rừng sau giải tỏa năm 2020 từ vốn đầu tư phát triển đã được bố trí tại Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 của UBND tỉnh

- Kinh phí nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý bảo vệ rừng 7.109 triệu đồng (trong đó có 450 triệu đồng thuê tư vấn xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền)

 

PHỤ LỤC XIV

CHI TIẾT KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2020

Đơn vị tính: triệu đồng

Stt

Nội dung

Số tiền

Đơn vị thực hiện

1

Trồng lại rừng trên diện tích 334 ha bị phá giai đoạn 2016 - 2019

2.839

UBND các huyện, thành phố

2

Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025 và diện tích lấn chiếm trước năm 2016

921

UBND các huyện, thành phố

3

Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững

6.000

Các đơn vị chủ rừng nhà nước

4

Hỗ trợ kinh phí rà soát diện tích, hiện trạng rừng cung ứng DVMTR của các doanh nghiệp thuê rừng trên địa bàn tỉnh (hạt kiểm lâm các huyện, thành phố)

350

Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố

5

Xây dựng hệ thống thông tin ứng dụng công nghệ địa không gian trong quản lý tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh

1.500

Sở Nông nghiệp và PTNT

6

Xây dựng cơ chế chính sách

100

Sở Nông nghiệp và PTNT

7

Xây dựng đề án

200

Sở Nông nghiệp và PTNT

8

Xây dựng đề án định canh, định cư đối với các hộ dân sản xuất nông nghiệp trên diện tích quy hoạch lâm nghiệp (52.041 ha)

200

Sở Nông nghiệp và PTNT

9

Hội nghị triển khai đề án

150

Sở Nông nghiệp và PTNT

10

Chi phí quản lý đề án

30

Sở Nông nghiệp và PTNT

Tổng cộng

12.290

 

- Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025 và diện tích lấn chiếm trước năm 2016 (921 triệu đồng đã phân bổ cho các địa phương để trồng rừng năm 2020, chăm sóc rừng trồng)

- Kinh phí 6 tỷ đồng để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững sau khi UBND tỉnh phê duyệt dự toán cho từng chủ rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm phân bổ kinh phí này cho các chủ rừng triển khai thực hiện.

 

PHỤ LỤC XV

CHI TIẾT KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2021

Đơn vị tính: triệu đồng

Stt

Nội dung

Tổng kinh phí

Đơn vị thực hiện

Sở Nông nghiệp và PTNT

Lâm

Đức Trọng

Đam Rông

Di Linh

TP. Đà Lạt

Đơn Dương

Bảo Lâm

Lạc Dương

Đạ Huoai

TP. Bảo Lộc

Đạ Tẻh

Cát Tiên

1

Trồng lại rừng trên diện tích 334 ha bị phá giai đoạn 2016-2019

6.409

 

1.279

423

1.162

97

302

62

867

716

323

55

997

126

2

Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025

2.698

2.698

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Hỗ trợ kinh phí chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép theo Chỉ thị số 12/CT-TTg

2.000

 

200

200

200

200

150

100

200

200

200

100

150

100

4

Mua sắm trang bị máy móc, thiết bị cho lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng tại cơ sở

1.500

1.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Nâng cao năng lực, nhận thức về QLBVR

2.467

2.467

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Rà soát xác định ký cam kết giáp ranh diện tích tiếp giáp với rừng

1.500

1.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững

17.000

17.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Xây dựng mô hình điểm về trồng xen cây trồng lâm nghiệp, cây trồng khác được tính độ che phủ

750

 

150

150

 

150

150

 

150

 

 

 

 

 

9

Hỗ trợ khôi phục rừng bằng các loài cây lâm nghiệp, cây đa mục đích, cây ăn quả trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

1.600

 

300

200

300

200

200

200

100

100

 

 

 

 

10

Kiểm kê, lập hồ sơ trên diện tích 52.041 sản xuất nông nghiệp thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp để khôi phục rừng

6.000

6.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

11

Hỗ trợ rà soát hiện trạng rừng các dự án đầu tư (Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố)

580

 

50

50

50

50

100

50

70

50

50

10

50

 

12

Hỗ trợ ký hợp đồng thuê rừng, đặt hàng quản lý bảo vệ rừng; đôn đốc nộp tiền thuê rừng, nghiệm thu hợp đồng đặt hàng quản lý bảo vệ rừng

200

200

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

13

Đánh giá việc thực hiện chính sách khoán quản lý bảo vệ rừng và điều chỉnh cơ chế chính sách

2.000

2.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

14

Xây dựng cơ chế chính sách

100

100

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

15

Hội nghị sơ kết Đề án

50

50

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

16

Chi phí quản lý

285

285

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

45.138

33.800

1.979

1.023

1.712

697

902

412

1.387

1.066

573

165

1.197

226

* Ghi chú

- Đơn giá kiểm kê lập hồ sơ trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp theo Quyết định số 1034/QĐ-UBND ngày 14/6/2020 của UBND tỉnh: 201.000 đồng/ha

- Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025 (2.698 triệu đồng sẽ phân bổ cho các địa phương trồng rừng, chăm sóc rừng trồng)

- Kinh phí 17 tỷ đồng để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững sau khi UBND tỉnh phê duyệt dự toán cho từng chủ rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm phân bổ kinh phí này cho các chủ rừng triển khai thực hiện.

- Kinh phí nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý bảo vệ rừng 2.647 triệu ( trong đó có 450 triệu đồng thuê tư vấn xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền)

 

PHỤ LỤC XVI

CHI TIẾT KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2020

Đơn vị tính: triệu đồng

Stt

Nội dung

Tổng kinh phí

Đơn vị thực hiện

Sở Nông nghiệp và PTNT

Lâm

Đức Trọng

Đam Rông

Di Linh

TP. Đà Lạt

Đơn Dương

Bảo Lâm

Lạc Dương

Đạ Huoai

TP. Bảo Lộc

Đạ Tẻh

Cát Tiên

1

Trồng lại rừng trên diện tích 334 ha bị phá giai đoạn 2016-2019

6.833

 

1.663

364

1.555

84

113

54

1.097

349

120

20

1.368

47

2

Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025

3.173

3.173

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Hỗ trợ kinh phí chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép theo Chỉ thị số 12/CT-TTg

2.000

 

200

200

200

200

150

100

200

200

200

100

150

100

4

Mua sắm trang bị máy móc, thiết bị cho lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng tại cơ sở

1.000

1.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý bảo vệ rừng

1.522

1.522

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Rà soát xác định ký cam kết giáp ranh diện tích tiếp giáp với rừng

1.500

1.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững

6.600

6.600

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Hỗ trợ khôi phục rừng bằng các loài cây lâm nghiệp, cây đa mục đích, cây ăn quả trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

1.600

 

200

200

200

200

100

200

100

100

100

100

100

-

8

Kiểm kê, lập hồ sơ trên diện tích 52.041 ha sản xuất nông nghiệp thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp

4.460

4.460

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9

Hỗ trợ rà soát hiện trạng rừng các dự án đầu tư (hạt kiểm lâm các huyện, thành phố)

580

 

50

50

50

50

100

50

70

50

50

10

50

 

10

Hỗ trợ ký hợp đồng thuê rừng, đặt hàng quản lý bảo vệ rừng; đôn đốc nộp tiền thuê rừng, nghiệm thu hợp đồng đặt hàng quản lý bảo vệ rừng

200

200

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

11

Hội nghị sơ kết đề án

50

50

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

12

Chi phí quản lý đề án

175

175

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

29.694

18.681

2.113

814

2.005

534

463

404

1.467

699

470

230

1.668

147

* Ghi chú

- Đơn giá kiểm kê lập hồ sơ trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp theo Quyết định số 1034/QĐ-UBND ngày 14/6/2020 của UBND tỉnh: 201.000 đồng/ha

- Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025 (3.173 triệu đồng, Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm tham mưu phân bổ cho các địa phương trồng rừng, chăm sóc rừng trồng)

- Kinh phí 6,6 tỷ đồng để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững sau khi UBND tỉnh phê duyệt dự toán cho từng chủ rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm phân bổ kinh phí này cho các chủ rừng triển khai thực hiện.

 

PHỤ LỤC XVII

CHI TIẾT KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2023

Đơn vị tính: triệu đồng

Stt

Nội dung

Tổng kinh phí

Đơn vị thực hiện

Sở Nông nghiệp và PTNT

Lâm

Đức Trọng

Đam Rông

Di Linh

TP. Đà Lạt

Đơn Dương

Bảo Lâm

Lạc Dương

Đạ Huoai

TP. Bảo Lộc

Đạ Tẻh

Cát Tiên

1

Trồng lại rừng trên diện tích 334 ha bị phá giai đoạn 2016-2019

5.584

 

1.505

321

810

74

97

47

578

304

103

18

1.687

40

2

Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025

3.462

3.462

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Hỗ trợ kinh phí chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép theo Chỉ thị số 12/CT-TTg

2.000

 

200

200

200

200

150

100

200

200

200

100

150

100

4

Mua sắm trang bị máy móc, thiết bị cho lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng tại cơ sở

1.000

1.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý bảo vệ rừng

1.040

1.040

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Hỗ trợ khôi phục rừng bằng các loài cây lâm nghiệp, cây đa mục đích, cây ăn quả trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

1.600

 

300

400

300

200

100

 

 

 

100

100

100

 

7

Hỗ trợ rà soát hiện trạng rừng các dự án đầu tư (hạt kiểm lâm các huyện, thành phố)

580

 

50

50

50

50

100

50

70

50

50

10

50

 

8

Hỗ trợ ký hợp đồng thuê rừng, đặt hàng quản lý bảo vệ rừng; đôn đốc nộp tiền thuê rừng, nghiệm thu hợp đồng đặt hàng quản lý bảo vệ rừng

200

200

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9

Hội nghị sơ kết Đề án

50

50

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

10

Chi phí quản lý đề án

114

114

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

15.629

5.866

2.055

971

1.360

524

447

197

848

554

453

228

1.987

140

* Ghi chú

- Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025 (3.462 triệu đồng, Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm phân bổ cho các địa phương trồng rừng

 

PHỤ LỤC XVIII

CHI TIẾT KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2024

Đơn vị tính: triệu đồng

Stt

Nội dung

Tổng kinh phí

Đơn vị thực hiện

Sở Nông nghiệp và PTNT

Lâm

Đức Trọng

Đam Rông

Di Linh

TP. Đà Lạt

Đơn Dương

Bảo Lâm

Lạc Dương

Đạ Huoai

TP. Bảo Lộc

Đạ Tẻh

Cát Tiên

1

Trồng lại rừng trên diện tích 334 ha bị phá giai đoạn 2016-2019

3.369

 

887

-

654

-

86

-

473

155

91

15

972

36

2

Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025

3.387

3.387

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Hỗ trợ kinh phí chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép theo Chỉ thị 12/CT-TTg

2.000

 

200

200

200

200

150

100

200

200

200

100

150

100

4

Mua sắm trang bị máy móc, thiết bị cho lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng tại cơ sở

1.000

1.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý bảo vệ rừng

1.040

1.040

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Hỗ trợ rà soát hiện trạng rừng các dự án đầu tư (hạt kiểm lâm các huyện, thành phố)

580

 

50

50

50

50

100

50

70

50

50

10

50

 

7

Hỗ trợ ký hợp đồng thuê rừng, đặt hàng quản lý bảo vệ rừng; đôn đốc nộp tiền thuê rừng, nghiệm thu hợp đồng đặt hàng quản lý bảo vệ rừng

200

200

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Hội nghị sơ kết đề án

50

50

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9

Chi phí quản lý

65

65

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

11.690

5.742

1.137

250

904

250

336

150

743

405

341

125

1.172

136

* Ghi chú

- Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025 (3.387 triệu đồng), Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm phân bổ cho các địa phương trồng rừng, chăm sóc rừng trồng.

 

PHỤ LỤC XIX

CHI TIẾT KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2025

Đơn vị tính: triệu đồng

Stt

Nội dung

Tổng kinh phí

Đơn vị thực hiện

Sở Nông nghiệp và PTNT

Lâm

Đức Trọng

Đam Rông

Di Linh

TP. Đà Lạt

Đơn Dương

Bảo Lâm

Lạc Dương

Đạ Huoai

TP. Bảo Lộc

Đạ Tẻh

Cát Tiên

1

Trồng lại rừng trên diện tích 334 ha bị phá giai đoạn 2016-2019

1.625

 

504

-

307

-

-

-

213

-

-

-

601

-

2

Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025

2.879

2.879

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý bảo vệ rừng

1.040

1.040

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Hỗ trợ kinh phí chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép theo Chỉ thị số 12/CT-TTg

2.000

 

200

200

200

200

150

100

200

200

200

100

150

100

5

Hỗ trợ rà soát hiện trạng rừng các dự án đầu tư (hạt kiểm lâm các huyện, thành phố)

580

 

50

50

50

50

100

50

70

50

50

10

50

 

6

Hỗ trợ ký hợp đồng thuê rừng, đặt hàng quản lý bảo vệ rừng; đôn đốc nộp tiền thuê rừng, nghiệm thu hợp đồng đặt hàng quản lý bảo vệ rừng

200

200

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Hội nghị tổng kết giai đoạn I của Đề án

150

150

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Chi phí quản lý

37

37

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

8.510

4.306

754

250

557

250

250

150

483

250

250

110

801

100

* Ghi chú: - Kinh phí trồng rừng sau giải tỏa trên diện tích đất lấn chiếm mới giai đoạn 2020-2025 (2.879 triệu đồng), Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm phân bổ cho các địa phương trồng rừng, chăm sóc rừng trồng.



1 Ban chỉ đạo Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công an tỉnh; Chi cục Kiểm lâm; UBND các huyện, thành phố; Hạt kiểm lâm cấp huyện; Ban quản lý rừng; Công ty lâm nghiệp; UBND xã; Ban lâm nghiệp xã.

2 Trường hợp hiện trạng đất lâm nghiệp đang trồng cây rau màu và nhà kính, nhà lưới ổn định lâu năm thì thiết kế trồng cây đa mục đích phù hợp trên bờ bao, bờ thửa đảm bảo độ tàn che từ 0,1 trở lên (thực hiện trong hai năm 2021-2022); trường hợp hiện trạng đất lâm nghiệp đang là vườn cây ăn quả, cây điều: tiếp tục cải tạo chăm sóc, cải tạo giống và trồng dặm cho đủ mật độ thành rừng (thực hiện trong hai năm 2021 -2022); trường hợp hiện trạng đất lâm nghiệp đang trồng cây công nghiệp dài ngày (chè, cà phê): tổ chức trồng xen các loại cây lâm nghiệp, cây đa mục đích với mật độ phù hợp để thành mô hình kinh tế nông lâm kết hợp và được tính độ che phủ rừng.

3 Hộ dân cư trú hợp pháp và canh tác nông nghiệp ổn định; cam kết thực hiện trồng cây đa mục đích, hình thành mô hình phát triển kinh tế nông lâm kết hợp/lâm nông kết hợp hiệu quả.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1836/QĐ-UBND ngày 25/08/2020 về Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.492

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.4.177
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!