THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2085/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DÂN
TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 76/2014/QH13
ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh
thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số
539/NQ-UBTVQH13 ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách,
pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số;
Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày
19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ
2011 đến 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm
Ủy ban Dân tộc,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chính sách đặc
thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai
đoạn 2017 - 2020.
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Tập trung giải quyết những vấn đề khó
khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất;
từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện
sống cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn; góp phần
giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác trong cả nước.
b) Mục tiêu cụ thể
- Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng
dân tộc thiểu số và miền núi từ 3% đến 4%/năm; hộ nghèo được xác định theo Quyết
định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc
ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016- 2020;
- Giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi
nghề cho trên 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải
quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt
cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở
vùng đặc biệt khó khăn;
- Hoàn thành các dự án định canh định
cư tập trung theo kế hoạch được duyệt để tiếp tục bố trí sắp
xếp dân cư nhằm ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc
thiểu số du canh, du cư còn lại theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg
ngày 25 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;
- Tạo điều kiện thuận lợi để hộ dân tộc
thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất.
2. Phạm vi: Chính sách này được thực
hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Điều 2. Nguyên tắc thực hiện
1. Hỗ
trợ trực tiếp đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở xã khu
vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng;
các hộ được hỗ trợ phải sử dụng vốn đúng mục đích.
2. Giao quyền chủ động cho các địa
phương, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình tổ chức triển khai
thực hiện chính sách.
3. Bố trí vốn theo các quy định của
chính sách và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
Điều 3. Nội dung chính sách đặc thù
1. Hỗ trợ đất ở,
đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán cho hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở
xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
a) Đối tượng: Hộ
dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó
khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp thiếu đất ở, đất sản xuất theo mức bình quân của địa phương, thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính
sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước
sinh hoạt phân tán.
b) Nội dung chính sách:
- Hỗ trợ đất ở:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bố trí ngân
sách, tạo quỹ đất để giao đất cho các hộ làm nhà ở. Mức giao đất ở cho hộ do Ủy
ban nhân, dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định phù hợp với thực
tế của địa phương.
- Hỗ trợ đất sản
xuất:
Hộ chưa có đất sản xuất nếu có nhu cầu
thì được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất hoặc hỗ
trợ trực tiếp bằng tiền tối đa 15 triệu
đồng/hộ từ ngân sách nhà nước và được vay vốn tại Ngân
hàng Chính sách xã hội quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định này để tạo quỹ đất
sản xuất.
Trường hợp chính quyền địa phương
không bố trí được đất sản xuất thì hộ chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề từ ngân sách nhà nước bằng
tiền tối đa 05 triệu đồng/hộ và vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội quy định
tại khoản 3 Điều 3 Quyết định này để làm dịch vụ hoặc làm
nghề khác tăng thu nhập.
Các đối tượng nêu trên chỉ được thụ hưởng một trong hai chính sách hỗ trợ đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi
nghề.
- Hỗ trợ nước sinh
hoạt: Hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt
khó khăn thiếu nước sinh hoạt được hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để tạo
nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
2. Bố trí sắp xếp
ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số còn du canh du cư
Tiếp tục thực hiện chính sách, kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007, Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm
2009 và Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng
Chính phủ:
a) Tiếp tục đầu tư các công trình
theo kế hoạch được duyệt tại các điểm định canh, định cư tập trung;
b) Bố trí vốn
thanh toán cho các công trình hạ tầng tại các điểm định canh, định cư đã hoàn
thành đưa vào sử dụng nhưng còn thiếu vốn;
c) Chi trả các
khoản hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3
năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Hỗ trợ vay vốn
tín dụng ưu đãi
a) Đối tượng:
- Hộ thiếu đất sản xuất quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 3 của Quyết định này;
- Hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống
tại các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
b) Phương thức cho vay: Thực hiện theo
Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ
về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; mục đích vay:
Tạo quỹ đất sản xuất, làm dịch vụ hoặc làm nghề khác để tăng thu nhập, giảm
nghèo bền vững; định mức vay: Không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ; thời hạn vay tối
đa là 10 năm; lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ; Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện
cho vay và có thể ủy thác một số nội
dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Hộ được vay vốn là
thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn.
c) Xử lý nợ đến hạn, gia hạn nợ và xử
lý rủi ro
- Đến hạn trả nợ,
nếu hộ được vay vốn chưa thoát nghèo và
đang gặp khó khăn tạm thời chưa có nguồn
trả nợ thì được xem xét kéo dài thời gian trả nợ tối đa
không quá 5 năm; nếu hộ được vay vốn đã thoát
nghèo thì phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trường hợp không
thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì chuyển sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất quá hạn
bằng 130% lãi suất cho vay.
- Đối với các hộ được vay vốn gặp rủi
ro do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các khó khăn bất
khả kháng khác không trả được nợ thì được xử lý
rủi ro theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng
Chính phủ về việc ban hành quy chế
xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
d) Đối tượng được vay với các nội
dung theo Quyết định này không phải dùng tài sản để đảm bảo tiền vay, được miễn
lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn.
đ) Đối với những hộ đã được hưởng
chính sách theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính
phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm
nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020
thì không được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất và vay vốn ưu đãi theo Quyết
định này.
Điều 4. Các bước xác định đối tượng thụ hưởng chính sách
1. Trưởng thôn tổ chức họp thôn (có sự
tham gia của ít nhất 2/3 số hộ gia đình trong thôn) thông báo về nội dung chính sách quy định tại quyết định này và tiến hành bình xét công khai;
lập hồ sơ bình xét (bao gồm biên bản họp bình xét và danh
sách theo thứ tự ưu tiên những hộ thuộc gia đình chính sách, những hộ có hoàn cảnh
khó khăn hơn) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Ủy
ban nhân dân cấp xã tổng hợp hồ sơ của các thôn; tổ chức kiểm tra quy trình bình xét ở thôn; lập
danh sách theo thứ tự ưu tiên có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; lập 02 bộ hồ sơ (bao gồm văn bản đề nghị hưởng chính sách và danh sách hộ
được thụ hưởng chính sách), 01 bộ gửi cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện và
01 bộ niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban
nhân dân cấp xã.
3. Cơ quan làm công tác dân tộc cấp
huyện tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân
dân huyện tổng hợp nhu cầu của các xã, lập
hồ sơ (bao gồm văn bản đề nghị hưởng chính sách và danh sách các hộ hưởng chính
sách của từng xã chi tiết đến từng thôn, từng hộ gia đình) gửi Cơ quan làm công
tác dân tộc cấp tỉnh.
4. Cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh
tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh lập Đề án gửi Ủy ban Dân tộc thẩm tra trước khi phê duyệt. Hồ
sơ hợp lệ (bao gồm dự thảo đề án, bản thuyết minh các nội dung của đề án, các
phụ lục kèm theo và văn bản xin ý kiến) được lập thành 04 bộ gửi Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính và lưu tại cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh 01 bộ.
5. Sau khi có ý kiến thẩm tra bằng
văn bản của Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn chỉnh, phê duyệt
Đề án và giao cho các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện.
Điều 5. Nguồn vốn và cơ chế thực hiện
1. Nguồn vốn
a) Ngân sách địa phương bố trí kinh
phí để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở; ngân sách trung ương bố trí trong kế
hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương để
thực hiện các chính sách còn lại.
b) Nguồn cấp bù chênh lệch lãi suất
và chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội do ngân sách trung ương bảo đảm.
c) Lồng ghép với nguồn vốn của các
chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu và chính sách khác.
2. Cơ chế thực hiện
a) Các địa phương tổ chức rà soát, xác định đối tượng thụ
hưởng, lập và phê duyệt Đề án thực hiện chính sách; gửi Ủy ban Dân tộc tổng hợp nhu cầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Hằng năm bố trí ngân sách trung
ương và địa phương để thực hiện các chính sách quy định tại Quyết định này.
c) Đối tượng thụ hưởng chính sách này vẫn được thực hiện các chính sách khác hiện hành trên
địa bàn trừ đối tượng quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 3 của Quyết định này.
d) Những địa phương tự cân đối được
ngân sách căn cứ vào nội dung, cơ chế chính sách của Quyết định này có thể bố trí
nguồn lực để thực hiện chính sách với định mức cao hơn cho phù hợp với thực tế
của địa phương.
đ) Trường
hợp đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ cùng một nội dung thì chỉ được hưởng chính sách cao nhất.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của các bộ, ngành
trung ương
a) Ủy
ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và
các bộ, ngành liên quan tổng hợp nhu cầu,
kế hoạch và hướng dẫn triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng kết, đánh giá,
báo cáo việc thực hiện chính sách;
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc bố trí vốn đầu tư cho các địa phương, vốn cấp bù chênh lệch
lãi suất và chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong kế hoạch đầu
tư công trung hạn 2016 - 2020 và hằng năm, trình cấp có thẩm quyền theo quy định;
c) Bộ Tài chính
hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính thực hiện chính sách; chủ trì bố trí kinh
phí thường xuyên hằng năm; thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản
lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định;
d) Ngân hàng
Chính sách xã hội hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay theo quy định đảm bảo
đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện; căn cứ vào nhu cầu vốn đã được phê duyệt, xây
dựng kế hoạch cho vay hằng năm và cả giai đoạn, định kỳ 6 tháng, hằng năm báo
cáo kết quả thực hiện gửi Ủy ban Dân tộc tổng hợp;
đ) Các bộ, ngành liên quan theo chức
năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn
đôn đốc, kiểm tra, hỗ trợ các địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách
quy định tại Quyết định này;
e) Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội tổ chức tuyên truyền, vận động hội
viên và toàn dân hưởng ứng, tham gia thực hiện có hiệu quả chính sách này.
2. Trách nhiệm của
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
a) Chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn
diện trong việc lập kế hoạch, phê duyệt và tổ chức thực hiện chính sách theo
Quyết định này tại địa phương;
b) Hằng năm gửi kế hoạch triển khai
và báo cáo kết quả thực hiện để Ủy ban
Dân tộc tổng hợp;
c) Giao cơ quan làm công tác dân tộc
cấp tỉnh là cơ quan thường trực giúp Ủy ban
nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định;
d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, các sở, ban, ngành phối hợp với các tổ
chức liên quan ở địa phương để triển khai thực hiện Quyết định;
đ) Chỉ đạo việc lồng ghép có hiệu quả
nguồn vốn thực hiện các chính sách theo Quyết định này với các chương trình, dự
án, các chính sách khác trên địa bàn;
e) Chủ động bố trí ngân sách địa
phương để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.
Điều 7. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 8. Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc
hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, V.III (3b). KN 180
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|