Theo quy định của pháp luật lao động, trong năm 2024, trường hợp nào công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động? – Minh Chung (Bà Rịa – Vũng Tàu).
>> Những loại hợp đồng lao động từ năm 2024
>> Quy định về thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động 2024
Cho đến hiện nay, chưa có Bộ luật Lao động 2024, nên trong năm 2024, những trường hợp công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vẫn được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019.
Căn cứ tại Điều 37 Bộ luật Lao động 2019, công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau:
- Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
- Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
- Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ 18/9/2023)
Trường hợp công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động 2024 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 1 và khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, công ty khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có trách nhiệm sau:
- Trong thời hạn 14 ngày làm việc (hoặc tối đa không quá 30 ngày) kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, công ty có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động như: tiền lương, tiền thưởng, tiền phụ cấp...
- Công ty có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.
- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu (Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả).
Căn cứ tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019, công ty khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật phải có nghĩa vụ sau:
Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
Lưu ý:
- Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
- Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định trên người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động 2019 để chấm dứt hợp đồng lao động.
- Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định trên và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động 2019, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.