Lao động nữ khi sinh con sẽ được nghỉ hưởng thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trong thời này, người lao động có phải đóng và hưởng BHYT hay không? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
>> Chế độ thai sản đối với lao động nước ngoài khi sinh con năm 2022
>> Hướng dẫn doanh nghiệp tính đóng các loại bảo hiểm bắt buộc hàng tháng trong năm 2022
Căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 như sau:
6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Theo đó, khi nghỉ hưởng thai sản, người lao động sẽ không phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc nhưng vẫn được tính là tham gia BHXH, đồng thời còn được cơ quan BHXH đóng BHYT.
Trong thời gian nghỉ thai sản, người lao động vẫn đóng BHYT nên người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi về BHYT khi đi khám, chữa bệnh trong thời gian nghỉ thai sản.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, quy định người lao động khi nghỉ thai sản sẽ thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc theo nhóm do cơ quan BHXH đóng
Điều 2. Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng
5. Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Theo đó, trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì người lao động được đóng BHYT.
Khoản 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về lao động nữ nghỉ việc trước thời điểm sinh con vẫn có thể được hưởng chế độ thai sản như sau:
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
Theo đó, lao động nữ nghỉ việc trước thời điểm sinh con vẫn có thể được hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng điều kiện sau
- Lao động nữ sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Lao động nữ sinh con mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con và đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên.
Như vậy, dù đã nghỉ việc trước khi sinh con nhưng nếu đủ điều kiện hưởng thai sản, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi về BHYT.
Trong thời gian hưởng chế độ thai sản người lao động sẽ không phải đóng BHXH nhưng người lao động vẫn được tính là đang tham gia BHXH (khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH).
Tiền lương đóng BHXH được ghi nhận trong thời gian này xác định như sau:
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được ghi trên sổ BHXH theo mức tiền lương đóng BHXH của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương.
Theo đó, mức lương đóng BHXH trong thời gian hưởng chế độ thai sản là mức lương đóng BHXH của tháng trước khi nghỉ. Nếu được nâng lương trong thời gian thai sản thì người lao động sẽ được tính mức lương mới kể từ thời điểm nâng lương.
Như vậy, thời gian nghỉ thai sản cũng được tính để hưởng BHXH 1 lần.
Trên đây là quy định về Chế độ BHYT trong thời gian nghỉ thai sản. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: