Theo tôi biết thì việc trả lương hưu sắp tới sẽ thực hiện thông qua ứng dụng VNeID, vậy cụ thể nội dung này là như thế nào? – Hương Giang (Hà Nội).
>> Tiền lương, tiền thưởng của cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ từ 01/7/2023
>> Cách lập báo cáo tình hình sử dụng lao động, danh sách tham gia BHXH, BHYT, BHTN
Ngày 22/6/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 238/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị giao ban với các Bộ, ngành về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra trong Thông báo 238/TB-VPCP là việc trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp thông qua thẻ Căn cước công dân (CCCD) và ứng dụng VNeID, cụ thể như sau:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tích hợp thông tin tài khoản khách hàng qua thẻ Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID để phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp an sinh xã hội, thất nghiệp, thiên tai, bệnh dịch,... thanh toán không dùng tiền mặt.
Như vậy, lương hưu hoặc các khoản trợ cấp trong thời gian tới sẽ hướng đến việc chi trả thông qua CCCD gắn chip và ứng dụng VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, từng bước thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính. Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID, đa dạng hóa các tiện ích và truyền thông để người dân thuận tiện tham gia sử dụng.
File Excel tính tiền lương hưu hằng tháng của người lao động năm 2023 |
Sẽ tích hợp thông tin khách hàng qua CCCD, VNelD để trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp (Ảnh minh họa)
Để triển khai có hiệu quả Đề án 06 trong các tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các Bộ, ngành thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Bám sát 08 nhóm vấn đề, 21 nhiệm vụ cụ thể tại Công văn 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Kế hoạch chi tiết, phân công rõ cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện, thời gian hoàn thành, thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các “điểm nghẽn” và giải đáp vướng mắc cho cấp cơ sở.
- Các Bộ, ngành theo thẩm quyền thực hiện rà soát pháp luật và đề xuất sửa đổi theo hướng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu và các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp theo hướng dẫn của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó cần rà soát các quy định liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ chế liên thông, kết nối giữa hệ thống thông tin của Bộ, ngành mình với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Hoàn thành trong tháng 9/2023.
- Hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư theo yêu cầu của Chính phủ tại 19 Nghị quyết chuyên đề; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng văn bản theo trình tự thủ tục rút gọn, áp dụng một văn bản sửa nhiều văn bản để khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ, cơ quan ngang bộ trước tháng 9/2023.
- Tập trung chuyển đổi quy trình, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử bảo đảm thực chất, hiệu quả; chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng các biểu mẫu điện tử, phần mềm chuyên dùng, đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có. Hoàn thành trong tháng 9/2023.
- Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng chậm hoặc để quá hạn giải quyết hồ sơ; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, hoàn thành trong tháng 6/2023; đẩy nhanh việc thực hiện ký số trên thiết bị di động; nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc địa phương trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông, nhất là các hồ sơ quá hạn.
- Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an đánh giá, kiểm tra tình hình triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu; phối hợp với các Bộ, ngành đánh giá toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan mình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, để từ đó lựa chọn những dịch vụ công thiết thực, tần suất sử dụng cao gắn liền nhu cầu hàng ngày của người dân, doanh nghiệp, có đầy đủ các điều kiện để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Hoàn thành trong tháng 9/2023.
- Đối với 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông: Các Bộ, cơ quan: Công an, Tư pháp, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương hoàn thiện phần mềm nghiệp vụ chuyên ngành của cơ quan mình bảo đảm kết nối thông suốt với phần mềm dịch vụ công liên thông; hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn; tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương thực hiện. Hoàn thành trước ngày 30/6/2023.