Tôi bị khuyết tật nghe, năm 2024, tôi sẽ tham gia lao động, nên muốn biết quy định về lao động là người khuyết tật năm 2024 như thế nào? Trân trọng cảm ơn – Ngọc Trân (Cần Thơ).
>> Các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động 2024
>> Quy định mới về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi từ ngày 25/12/2023
Vấn đề quy định về người lao động là người khuyết tật năm 2024 được nêu trong Bộ luật Lao động 2019, bao gồm các quy định về chính sách của nhà nước, sử dụng, các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật, cụ thể như sau:
Do nhóm lao động người khuyết tật là nhóm yếu thế trong xã hội, cho nên nhà nước luôn có chính sách để bảo trợ cho người lao động là người khuyết tật, cụ thể tại Điều 158 Bộ luật Lao động 2019, quy định như sau:
- Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của người lao động là người khuyết tật;
- Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp đối với người sử dụng lao động trong tạo việc làm và nhận người lao động là người khuyết tật vào làm việc theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ 18/9/2023) |
Quy định về lao động là người khuyết tật năm 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 159 Bộ luật Lao động 2019, khi sử dụng lao động là người khuyết tật, người sử dụng lao động phải tuân thủ một số quy định như sau:
- Khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của lao động là người khuyết tật, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của họ;
- Người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật.
Để bảo vệ lao động là người khuyết tật, nhà nước đã cấm người sử dụng lao động thực hiện một số hành vi nhất định. Cụ thể, căn cứ Điều 160 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được phép thực hiện một số hành vi sau:
- Ép người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm nếu họ là người lao động có khuyết tật nhẹ nhưng suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp họ đồng ý;
- Sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.
Điều 4. Chính sách của Nhà nước về lao động – Bộ luật Lao động 2019 1. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động. 2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội. 3. Tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động; áp dụng một số quy định của Bộ luật này đối với người làm việc không có quan hệ lao động. 4. Có chính sách phát triển, phân bố nguồn nhân lực; nâng cao năng suất lao động; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động; ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 5. Có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động. 6. Thúc đẩy người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. 7. Bảo đảm bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên. |