>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Giao kết hợp đồng lao động với người khuyết tật trong Công ty Hợp Danh

Hình từ Internet

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Tuy nhiên, để giải quyết các công việc pháp lý, doanh nghiệp cần yêu cầu người lao động cung cấp văn bản xác nhận người khuyết tật.

Doanh nghiệp không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật đáp ứng đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra những tiêu chuẩn tuyển dụng trái với quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.

Nhà nước có những chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật. Cụ thể, nếu doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật từ 30% trở lên trong tổng số lao động bình quân trong năm thì sẽ được hưởng những chính sách sau:

1. Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; bao gồm các trường hợp doanh nghiệp có sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định. Mức hỗ trợ kinh phí này được giao cho địa phương quản lý; cho nên, doanh nghiệp cần liên hệ trực tiếp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mình đặt trụ sở để được hướng dẫn cụ thể.

2. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp (không bao gồm các khoản thu nhập khác tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định 218/2013/NĐ-CP); trừ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản. Ngoài việc phải có sử dụng từ 30% trong tổng số lao động trở lên là người khuyết tật thì chính sách này cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có tổng số lao động bình quân trong năm ít nhất 20 người.

3. Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bao gồm các trường hợp doanh nghiệp có sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định.

4. Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật.

5. Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên;

Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.

Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, doanh nghiệp không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tỷ lệ % lao động là người khuyết tật sử dụng tại doanh nghiệp được tính bằng tổng số lao động là người khuyết tật bình quân trong năm chia cho tổng số lao động bình quân trong năm của doanh nghiệp nhân với 100.

Tỷ lệ % lao động là người khuyết tật

=

Tổng số lao động là người khuyết tật bình quân trong năm

x

100

Tống số lao động bình quân trong năm của

CS SXKD

Ví dụ:

Doanh nghiệp A có số lao động trên danh sách trả lương, trả công tháng 1 năm 2011 là 200 lao động (trong đó có 61 người khuyết tật); tháng 4 năm 2011 tuyển thêm 12 lao động (trong đó có 03 người khuyết tật); tháng 10 có 3 lao động nghỉ việc (trong đó có 01 người khuyết tật); tháng 12 có 3 lao động nghỉ việc.

Khi đó, số lao động bình quân trong năm 2011 của doanh nghiệp là:

Số lao động bình quân trong năm 2011

=

200 lao động

+

(12 lao động x 9 tháng) - (3 lao động x 3 tháng) - (3 lao động x 1 tháng)

12 tháng

= 200 lao động + 8 lao động = 208 lao động.

Và, Số lao động là người khuyết tật bình quân trong năm 2011 của doanh nghiệp là:

Số lao động là người khuyết tật bình quân trong năm 2011

=

61 lao động

+

(3 lao động x 9 tháng) - (1 lao động x 3 tháng)

=

63 lao động

12 tháng

Từ đó, Tỷ lệ % lao động là người khuyết tật được sử dụng tại doanh nghiệp A = (63 lao động / 208 lao động) x 100 = 30,28%.

Theo cách xác định này, khi xét thấy bên mình phù hợp thì doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở giải quyết công nhận doanh nghiệp có sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật để làm căn cứ hưởng các chính sách; bao gồm những giấy tờ sau đây:

1. Văn bản đề nghị của cơ sở sản xuất, kinh doanh trong đó nêu rõ tổng số lao động hiện có, số lao động là người khuyết tật;

2. Bản sao quyết định thành lập hoặc bản sao giấy phép hoạt động của cơ sở;

3. Danh sách lao động là người khuyết tật và bản sao giấy xác nhận khuyết tật của những người khuyết tật có trong danh sách;

4. Bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của lao động là người khuyết tật đang làm việc. (Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, Hợp đồng lao động xác định thời hạn)

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ có văn bản quyết định công nhận doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc văn bản thông báo lý do cụ thể vì sao chưa công nhận cho doanh nghiệp.

Lưu ý: Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng không đủ từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật thì đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm phải báo cáo kịp thời và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định ngay việc ngừng công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật.

Ngoài ra, khi sử dụng lao động là người khuyết tật, doanh nghiệp cũng cần lưu ý những nội dung sau:

1. Lao động là người khuyết tật sẽ có 14 ngày nghỉ hàng năm, thay vì 12 ngày như những lao động bình thường khác;

2. Bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật.

3. Không được sử dụng lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.

4. Không được sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó - xem chi tiết tại "Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm".

5. Phải tham khảo ý kiến của người lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

1,468
Bài viết liên quan: