Việc chi trả cổ tức bằng cổ phần cũng góp phần làm tăng vốn điều lệ, điều mà hiện nay đa số các công ty cổ phần đều thực hiện.
>> Những vấn đề liên quan đến giảm vốn điều lệ Công ty Cổ phần
>> Những điều cần biết về Hợp đồng kinh doanh bất động sản
Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ định nghĩa “cổ tức” là gì?
Đó chính là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính.
Vậy, Cổ tức được chi trả bằng các hình thức là tiền mặt, cổ phần hoặc bằng tài sản khác theo Điều lệ công ty.
Việc chi trả cổ tức bằng cổ phần được quyết định dựa theo các điều kiện như: kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chính sách cổ tức của công ty và quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Theo Điểm e Khoản 2 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thương niên sẽ quyết định về mức cổ tức đối với từng loai cổ phần. Do đó việc quyết định chi trả cổ tức sẽ do Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Trong đó điều kiện chung khi chi trả cổ tức phải đáp ứng được như sau:
- Đối với cổ phần phổ thông, chỉ được chi trả cổ tức khi có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 2 điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020:
+ Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
+ Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
+ Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Đối với cổ phần ưu đãi sẽ có những điều kiện riêng tùy theo quy định của Điều lệ công ty và sự thống nhất của Đại hội đồng cổ đông.
Việc chi trả cổ tức bằng cổ phần không phải thực hiện thủ tục chào bán cổ phần dưới các hình thức: chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán ra công chúng và chào bán cổ phần riêng lẻ. Để hoàn thành việc chi trả cổ tức bằng cổ phần về mặt pháp lý thì công ty phải thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ theo Khoản 6 Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020: “Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định tại các điều 123, 124 và 125 của Luật này. Công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.”
Quý Thành viên có thể tham khảo thêm chi tiết công việc: Thay đổi vốn điều lệ trong công ty cổ phần
Bởi chính sự điều chỉnh thay đổi vốn điều lệ khi chi trả cổ tức bằng cổ phần, nên nó sẽ làm thay đổi các yếu tố sau:
- Giá trị tài sản của công ty
- Số cổ phiếu đang lưu hành
- Tỉ lệ quyền sở hữu cổ phần của mỗi cổ đông
- Giá trị sổ sách của một cổ phiếu
- Giá thị trường của cổ phiếu
- Mức nộp lệ phí môn bài (có thể thay đổi hoặc không, tùy theo việc thay đổi vốn điều lệ có thay đổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài:
“a)Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
b) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
Tổ chức nêu tại điểm a, b khoản này có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.”
Việc chi trả cổ tức bằng cổ phần được nhiều công ty áp dụng không chỉ vì nó có thể bù đắp dòng tiền mà còn tạo ra cơ hội đầu tư phát triển cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn, phương án này luôn được xem là phương án ưu tiên.
Tường Vân