Bảo hiểm tai nạn lao động là bảo hiểm nhằm bồi thường và chi trả cho người lao động về những thương tật, thương tích do tai nạn lao động gây ra. Dưới đây là những thông tin quan trọng về bảo hiểm tai nạn lao động mà người lao động và người sử dụng lao động cần biết.
>> Các trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp
>> Một số điểm mới về BHXH bắt buộc có hiệu lực từ 01/9/2021
Nguồn: Internet
1. Bảo hiểm tai nạn lao động là gì ?
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 đều không quy định cụ thể về khái niệm “bảo hiểm tai nạn lao động” mà chỉ quy định về Qũy bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của Quỹ BHXH; việc đóng, hưởng, quản lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Luật BHXH.
Có thể hiểu, Bảo hiểm tai nạn người lao động là gói bảo hiểm nhằm chi trả và bồi thường cho người lao động bị thương tật, tai nạn trong quá trình lao động và gói bảo hiểm này nhằm trợ cấp y tế, thay thế tiền lương để người lao động có thể đảm bảo an toàn cho bản thân họ và để họ không yêu cầu khởi kiện người sử dụng lao động về những tai nạn, sự việc sơ xuất trong quá trình lao động.
2. Đối tượng tham gia bảo hiểm lao động?
Người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm lao động theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Luật an toàn, vệ sinh lao động.
Người lao động làm việc không theo Hợp đồng lao động thì được tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.
Cụ thể: Căn cứ Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và khoản 1 Điều 2 Nghị định 88/2020/NĐ-CP, những người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc bao gồm:
* Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng. Không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình;
-Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
* Người sử dụng lao động thuộc tham gia bảo BHXH bắt buộc gồm:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
3. Ai phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động?
Khoản 2 Điều 41 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động và do người sử dụng lao động đóng.
Theo đó, người lao động sẽ không phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động mà việc đóng loại bảo hiểm này là trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 43 Luật này, trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.
4. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động mới nhất
Theo quy định mới tại Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng của người sử dụng lao động vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có sự thay đổi. Cụ thể như sau:
- Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước;
- Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu bảo đảm các điều kiện sau đây:
Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội;
Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất;
Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
- Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng tương ứng theo điều kiện từng trường hợp quy định trên; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
- Người sử dụng lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí hằng tháng
5. Bảo hiểm tai nạn lao động chi trả những khoản nào?
Căn cứ Điều 42 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, bảo hiểm tai nạn lao động chi trả những khoản chi phí sau:
- Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng; trả phí khám giám định đối với trường hợp người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Chi trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.
- Chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
- Chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
- Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc.
- Chi phí quản lý , bệnh nghề nghiệp
- Chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp , bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Căn cứ pháp lý:
Nghị định 88/2020/NĐ-CP
Nghị định 58/2020/NĐ-CP
Luật Bảo hiểm xã hội 2014
Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015