Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm quy định thỏa thuận thử việc có thể ghi trong hợp đồng lao động. Vậy, sự thay đổi này có ảnh hưởng đến vấn đề tham gia BHXH của người lao động trong thời gian thử việc hay không?
>> Người lao động nghỉ việc có cần trả thẻ bảo hiểm y tế không?
>> Tổng hợp văn bản pháp luật về bảo hiểm mới nhất
Ảnh minh họa
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Bộ luật Lao động 2012 thì:
“Điều 26. Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. […]”
Theo đó, các bên có thể lựa chọn việc giao kết hợp đồng thử việc hay không. Đồng thời, không có quy định ràng buộc phải ghi nhận nội dung thỏa thuận thử việc dưới bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, đến Bộ luật Lao động 2019 thì nội dung về thử việc đã có sự thay đổi đáng chú ý, theo quy định tại Điều 24 Bộ luật này thì:
“Điều 24. Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc. […]”
Như vậy, Bộ luật Lao động 2019 đã ghi nhận nội dung thỏa thuận thử việc sẽ phải ghi nhận và chỉ được ghi nhận dưới 02 hình thức:
- Trong hợp đồng lao động; hoặc,
- Giao kết hợp đồng thử việc.
Lưu ý: Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động thì thời hạn của hợp đồng sẽ bao gồm thời gian thử việc; như vậy, thời hạn hợp đồng sẽ từ 01 tháng trở lên.
Nội dung bắt buộc của hợp đồng lao động và hợp đồng thử việc được quy định tương ứng tại Khoản 1 Điều 21 và Khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:
Nội dung hợp đồng lao động |
Nội dung hợp đồng thử việc |
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động; - Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động; - Công việc và địa điểm làm việc; - Thời hạn của hợp đồng lao động; - Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; - Chế độ nâng bậc, nâng lương; - Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; - Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; - BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; - Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề. |
- Thời gian thử việc; - Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động; - Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động; - Công việc và địa điểm làm việc; - Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; - Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; - Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; |
Theo đó, nội dung hợp đồng thử việc không đáp ứng các nội dung chủ yếu phải có của một hợp đồng lao động, quy định điều chỉnh 02 loại hợp đồng này là khác nhau. Cùng với đó, kết thúc thời gian thử việc, trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì doanh nghiệp phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động theo quy định đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Do đó, hợp đồng thử việc sẽ không được xác định là một hợp đồng lao động.
Bộ luật Lao động 2019 cho phép doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng thử việc. Việc lựa chọn hình thức ghi nhận nội dung thỏa thuận thử việc sẽ ảnh hưởng đến việc người lao động được đóng BHXH trong thời gian thử việc hay không.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động là công dân Việt Nam làm việc tại doanh nghiệp thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 ghi nhận người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, có thể thấy:
- Trường hợp các bên thỏa thuận, thực hiện giao kết hợp đồng thử việc: người lao động sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
- Trường hợp ghi nhận nội dung thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động: người lao động khi đó sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Tóm lại, từ ngày 01/01/2021, người lao động thử việc sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nếu nội dung thỏa thuận thử việc được ghi trong hợp đồng lao động.
Căn cứ pháp lý:
Mời Quý thành viên xem thêm bài viết:
- Infographic - Lịch nghỉ lễ, tết năm 2021 của người lao động;
- Đã có Mẫu Hợp đồng lao động mới theo quy định của Bộ luật Lao động 2019;
- Đã có Mẫu Nội quy lao động mới theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức: