Hiện nay, vấn đề về hoá đơn giá trị gia tăng (VAT) có được đem đi chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền để được sử dụng như bản chính hay không là điều mà doanh nghiệp đang rất quan tâm.
>> 10 sai sót về hoá đơn nhưng không bị phạt tiền
>> 44 Văn bản pháp luật Kế toán cần biết
Nguồn: Internet
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC:
"Điều 3. Loại và hình thức hóa đơn
1. Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.
2. Các loại hóa đơn:
a) Hóa đơn giá trị gia tăng (mẫu số 3.1 Phụ lục 3 và mẫu số 5.1 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này) là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau:
- Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa;
- Hoạt động vận tải quốc tế;
- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
- Xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài.
..."
Hoá đơn giá trị gia tăng là loại hoá đơn do người bán lập và được sử dụng bởi các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong một số các hoạt động kinh doanh thương mại.
Chứng thực là việc cấp bản sao từ bản gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
“Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính và “Bản chính” là những giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại; những giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao trong các trường hợp sau:
+ Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.
+ Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.
+ Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.
+ Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.
+ Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.
+ Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, theo sự hướng dẫn của Công văn 9639/BCT-PC năm 2016 thì hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư số 12/2016/TT-BCT không thuộc các giấy tờ được chứng thực theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.
=> Tóm lại, căn cứ theo những quy định nêu trên, chứng thực bản sao từ bản chính là chứng thực các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận. Hóa đơn giá trị gia tăng không phải là giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc chứng nhận nên không thuộc trường hợp chứng thực.
Căn cứ pháp lý:
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức: