Theo quy định, doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Mặt khác trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không còn ghi nhận ngành, nghề kinh doanh nữa. Như vậy câu hỏi đặt ra là nếu doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề (không phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện) mà luật không cấm nhưng không thuộc ngành nghề đã đăng ký thì có được phép thực hiện? Và nếu "lỡ" xuất hoá đơn trong trường hợp này thì liệu hoá đơn có bị xem là "hoá đơn bất hợp pháp" và doanh nghiệp có bị xử phạt gì hay không?
>> Tổng hợp thuế suất của các loại thuế mà doanh nghiệp cần biết
>> Chậm nộp hồ sơ thuế, hồ sơ thuế không đầy đủ - doanh nghiệp bị xử phạt như thế nào?
Như đã đề cập thì doanh nghiệp hoàn toàn có quyền kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng doanh nghiệp được quyền ĐĂNG KÝ kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm và CHỈ ĐƯỢC kinh doanh trong khuôn khổ những ngành, nghề đã đăng ký.
Có rất nhiều quan điểm cho rằng “việc kinh doanh ngành, nghề không đăng ký thì có bị xử phạt gì đâu do đó doanh nghiệp cứ việc thực hiện”. Sở dĩ có quan điểm trên là bởi trước đây theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, cụ thể là tại Khoản 1 Điều 6 có quy định về xử phạt đối với việc kinh doanh không đúng ngành, nghề tuy nhiên, quy định này đã bị sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP và quy định này không còn đề cập đến nội dung xử phạt nữa.
Quan điểm trên là đúng hay sai?
Quay trở lại với quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì:
“Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
..."
Hiện tại theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì nội dung về ngành, nghề đăng ký kinh doanh không còn được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nữa mà sẽ được cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp dẫn đến Khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP không còn chế tài xử phạt hành vi kinh doanh không đúng ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là hoàn toàn hợp lý.
Điều này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp kinh doanh không đúng ngành, nghề đã đăng ký thì sẽ không bị phạt mà doanh nghiệp có thể bị xử phạt với hành vi là không thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Chế tài xử phạt đối với hành vi không thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp kinh doanh một hay nhiều ngành, nghề thì phải đăng ký, thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh. Theo Điều 32 Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh khi có sự thay đổi về nội dung, thông tin đăng ký doanh nghiệp như ngành, nghề, vốn điều lệ, thông tin của người đại diện theo pháp luật,.. Trong trường hợp doanh nghiệp chậm nộp thông báo thì có thể bị cảnh cáo đến phạt tiền 5 triệu đồng theo quy định tại Điều 31 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
Chưa thông báo thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh thì doanh nghiệp có được xuất hóa đơn?
Theo Điều 22 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về hoá đơn bất hợp pháp, như sau:
"Điều 22. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
Hoá đơn giả là hoá đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hoá đơn.
Hoá đơn chưa có giá trị sử dụng và hoá đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.
Hoá đơn hết giá trị sử dụng là hoá đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hoá đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế)."
Bên cạnh đó, theo tinh thần hướng dẫn của Công văn 1387/TCT-KK năm 2015 về kê khai nộp thuế giá trị gia tăng do Tổng cục Thuế ban hành thì:
“Trường hợp Công ty TNHH Vinkems kinh doanh ngành, nghề không thuộc ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì đề nghị Cục Thuế tỉnh Tây Ninh kiểm tra, xác định nếu trường hợp ngành, nghề kinh doanh của Công ty không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc ngành, nghề bị cấm kinh doanh thì thống nhất với đề xuất tại công văn số 297/CT-TTr ngày 26/01/2015 của Cục Thuế tỉnh Tây Ninh, cụ thể: chấp nhận việc kê khai thuế GTGT đầu vào đối với hoạt động kinh doanh ngành, nghề không thuộc ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Vinkems. Cục Thuế tỉnh Tây Ninh hướng dẫn Công ty bổ sung ngành, nghề theo quy định.”
Như vậy, hóa đơn được xuất trước khi doanh nghiệp thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh không bị xem là hóa đơn bất hợp pháp; các bên vẫn được kê khai, khấu trừ thuế bình thường đối với hóa đơn này nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Luật thuế hiện hành.
Về các khoản chi phí được trừ (chi phí hợp lý) thì Quý thành viên có thể tham khảo chi tiết tại công việc: Các khoản chi phí được trừ (chi phí hợp lý)
Tóm lại, đối với ngành, nghề chưa đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp vẫn được quyền xuất hoá đơn và hoá đơn này không bị xem là hoá đơn bất hợp pháp. Sau khi xuất hoá đơn thì doanh nghiệp cần phải tiến hành thông báo về việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh tới cơ quan đăng ký kinh doanh nếu không thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Về thủ tục thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh thì Quý thành viên có thể tham khảo chi tiết tại công việc: Thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh.
Căn cứ pháp lý:
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Bảo Toàn