Kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại là hoạt động kinh doanh do bên nhận quyền tiến hành theo hợp đồng nhượng quyền thương mại. Dưới đây, PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP xin gửi đến Quý thành viên những lưu ý pháp lý liên quan đến hợp đồng nhượng quyền thương mại.
>> Trang trại – Tương lai của kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững
>> Tổng hợp những công việc pháp lý cần làm khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
Bên nhượng quyền có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng mẫu và bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại của mình cho bên dự kiến nhận nhượng quyền ít nhất là 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng chính thức. Nếu quyền thương mại là quyền thương mại chung thì Bên nhượng quyền thứ cấp còn phải cung cấp cho bên dự kiến nhận quyền những văn bản có những nội dung sau:
- Thông tin về Bên nhượng quyền đã cấp quyền cho mình;
- Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại chung;
- Cách xử lý các hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp trong trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại chung.
Bên nhượng quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho tất cả các Bên nhận quyền mọi thay đổi trong hệ thống nhượng quyền thương mại làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh theo phương thức nhượng quyền của Bên nhận quyền.
Trong trường hợp Bên nhượng quyền chuyển giao cho Bên nhận quyền quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp và các nội dung nhượng quyền thương mại thì phần chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể được lập thành một phần riêng trong hợp đồng.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài thì ngôn ngữ hợp đồng do các bên thỏa thuận.
Thời hạn của hơp đồng do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, hợp đồng có thể chấm dứt trước thời hạn trong các trường hợp sau đây:
- Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trong trường hợp Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 287 của Luật Thương mại.
- Bên nhận quyền không còn Giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương mà theo quy định của pháp luật Bên nhận quyền phải có để tiến hành công việc kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại.
- Bên nhận quyền bị giải thể hoặc bị phá sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Bên nhận quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng có khả năng gây thiệt hại lớn cho uy tín của hệ thống nhượng quyền thương mại.
- Bên nhận quyền không khắc phục những vi phạm không cơ bản trong hợp đồng nhượng quyền thương mại trong một thời gian hợp lý, mặc dù đã nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu khắc phục vi phạm đó từ Bên nhượng quyền.
Tài Giỏi