Việt Nam là quốc gia có hơn 70% dân số, 82,43% tổng diện tích đất tự nhiên và 87,07% tổng diện tích đất đã sử dụng để làm nông nghiệp. Thế nhưng, nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 20% GDP; tổ chức sản xuất trên quy mô lớn cả về lượng và chất, kinh doanh nông nghiệp vẫn là khái niệm xa lạ với phần đông người làm nông.
>> Tổng hợp những công việc pháp lý cần làm khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
>> Tổng hợp các vấn đề đặc trưng của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, …, chỉ có khoảng 2-4% dân số của họ làm nông nghiệp nhưng lại đóng góp đến khoảng 40% GDP, không chỉ đảm bảo nhu cầu lương thực của đất nước họ mà còn có thể xuất khẩu với giá cao. Công nghệ là một yếu tố quan trọng làm nên thành công đó, nhưng cách họ định hình và quy hoạch nông nghiệp tập trung theo trang trại cũng là một yếu tố góp phần không nhỏ.
Từ thực tế đó, phải chăng kinh tế trang trại sẽ là lời giải cho bài toán phát triển nông nghiệp bền vững, tăng giá trị của nông nghiệp trong nền kinh tế tại Việt Nam?
Trang trại hay nông trại, nông trang là một khu vực đất đai có diện tích tương đối rộng lớn (có thể bao gồm cả hồ, sông, đầm, đìa, rạch...), nằm ở vùng đồng quê, thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của cá nhân, tổ chức dùng để sản xuất nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, làm lâm nghiệp.
Trên thực tế, trang trại thường được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung mang tính chuyên môn hóa. Pháp luật Việt Nam cũng phân loại trang trại dựa trên tiêu chí lĩnh vực sản xuất, cụ thể:
- Trang trại chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản) là trang trại có tỷ trọng giá trị sản lượng nông sản hàng hóa của ngành chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản lượng hàng hóa của trang trại trong năm.
- Trường hợp không có ngành nào chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản lượng hàng hóa thì được gọi là trang trại tổng hợp.
Nhìn từ góc độ pháp lý, một mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung được công nhận là trang trại khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
- Đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm và có diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu:
+ 3,1 ha đối với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long;
+ 2,1 ha đối với các tỉnh còn lại.
- Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên;
- Đối với cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trình tự đăng ký trang trại khá đơn giản:
Đầu tiên, cá nhân, hộ gia đình đáp ứng đủ tiêu chí đăng ký trang trại tiến hành chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT;
- Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản.
Đối với diện tích đất cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có đất xác nhận là người đang sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.
Chủ trang trại tiến hành nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trang trại sản xuất và nhận Giấy biên nhận trong đó ghi rõ ngày hẹn trả kết quả.
Đối với cơ sở sản xuất nằm trên địa bàn nhiều xã thì cá nhân, hộ gia đình tự quyết trong việc lựa chọn Ủy ban nhân dân cấp xã nào nộp hồ sơ cho thuận tiện nhất.
Nếu hồ sơ đầy đủ và đảm bảo đủ tiêu chí trang trại, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ trả Giấy chứng nhận kinh tế trang trại sau tối đa 13 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.
Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu, nguyện vọng mở trang trại sẽ được Chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn tín dụng và đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay; cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật, kể cả những chủ thể từ địa phương khác tới.
Chủ trang trại cần lưu ý, nếu thực hiện chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất làm trang trại, trong đó có các mục đích khác như chăn nuôi, làm lâm nghiệp thì chỉ phải đăng ký biến động đất đai mà không cần xin phép cơ quan nhà nước hay đóng thuế.
Không những thế, chủ trang trại sẽ được giảm thuế suất thuế thu nhập đến mức thấp nhất; đặc biệt chủ trang trại ở những vùng đất trống đồi núi trọc, bãi bồi, đầm phá ven biển sẽ được miễn thuế thu nhập.
Bên cạnh đó, các trang trại được miễn giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai khi thuê đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá để trồng rừng sản xuất, trồng cây lâu năm và khi thuê diện tích ở các vùng nước tự nhiên chưa có đầu tư cải tạo vào mục đích sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Đồng thời, nếu trang trại có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thì sẽ được hưởng thêm những ưu đãi khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Tham khảo thêm tại bài viết Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Với ưu thế tận dụng ưu thế vật chất sẵn có và nguồn nhân sự tại địa phương, với “đòn bẩy” từ các chính sách của Nhà nước và học tập, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng và kỳ vọng vào tương lai mà kinh tế trang trại mang lại cho nông nghiệp Việt Nam.
Quỳnh Như