Trong nền kinh tế thị trường đang dần bão hòa và ì ạch với những phương thức kinh doanh truyền thống, sự du nhập của “kinh tế chia sẻ” và thành công rực rỡ của Grab như một làn gió mới thổi vào tư duy kinh tế của người Việt Nam, đặc biệt là các nhà khởi nghiệp.
>> Người không có thẩm quyền đại diện vẫn ký kết được hợp đồng kinh tế?
>> Mức xử phạt đối với doanh nghiệp khi thực hiện một số thủ tục không đúng hạn
Trong kinh tế chia sẻ, các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản, dịch vụ nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp trên Internet. Đó là một mô hình kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau, mà trong đó, giao dịch được thực hiện qua nền tảng trực tuyến do bên thứ ba cung cấp, mở ra nhiều cơ hội hơn cho người tiêu dùng lựa chọn với giá rẻ hơn. Các cá nhân có thể tham gia dưới hình thức bán thời gian, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập, khách hàng và nhà cung cấp có thể xếp hạng và đánh giá đối tác của mình để tạo nên hệ thống bảo đảm uy tín. Cùng với đó, những tài sản vật chất được “chia sẻ” hoặc sử dụng như những dịch vụ, thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống, từ “sở hữu tài sản” sang phương thức “sử dụng tài sản mà không cần sở hữu”.
Nhưng, liệu đây là cơ hội hay thách thức? Là dễ dàng, hay sẽ đầy chông gai? Doanh nghiệp sẽ ở vị thế nào trong cuộc chơi mới mẻ này?
Người mua
Có thể khẳng định rằng, hiện nay, doanh nghiệp không thể khai thác được nhiều từ mô hình này, ngoài việc giảm chi phí di chuyển cho các cá nhân. Bởi lẽ, hiện nay, phương thức này chỉ phát triển mạnh ở mảng vận tải lẻ, còn những lĩnh vực khác như máy móc, thiết bị, vận tải công nghiệp hay bất động sản thì vẫn còn rất hạn chế và chưa phải là “kinh tế chia sẻ” đúng nghĩa.
Mặt khác, xét từ bản chất, đây là hoạt động cho thuê, mượn tài sản nhàn rỗi của cá nhân nên khó lòng đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài, thường xuyên của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, phía bán hàng thường không cung cấp được chứng từ cần thiết để doanh nghiệp kê khai tính chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nên càng khiến mô hình này khó thu hút người mua là doanh nghiệp hơn.
Từ góc độ pháp lý, dù hiện nay nhiều điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, nhưng doanh nghiệp vẫn phải thực hiện kê khai những tài sản cố định phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình, chưa kể đến một số ngành nghề nhất định còn yêu cầu doanh nghiệp phải sở hữu cơ sở vật chất, thiết bị, tài sản, … tương ứng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, “kinh tế chia sẻ” chỉ là giải pháp nhất thời chứ không phải kế lâu dài, vì doanh nghiệp, một khi đã có đủ tiềm lực tài chính thì sẽ ưu tiên các phương thức truyền thống như mua mới, hay nhận chuyển nhượng ….
Người bán
Là người mua, “kinh tế chia sẻ” không có quá nhiều tác động đến đời sống doanh nghiệp. Nhưng với góc độ là người bán, vị thế của doanh nghiệp sẽ quyết định rằng mô hình này mang lại ảnh hưởng tốt hay xấu.
Với những doanh nghiệp nhảy vào cuộc chơi và sử dụng tài sản, dịch vụ của mình làm đối tượng cho kinh tế chia sẻ, thì đây không còn là “kinh tế chia sẻ” đúng nghĩa mà chỉ là một phương thức để doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán lẻ của mình trên Internet mà thôi. Khi đó, trong 10 ngày kể từ ngày có quyết định mở rộng phương thức kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện bổ sung mã ngành 4791. Bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc internet với Sở Kế hoạch – Đầu tư nơi đặt trụ sở.
Và theo lẽ thường, kiểu gì thì doanh nghiệp vẫn có doanh thu, thậm chí còn cao hơn mức doanh thu có được từ phương thức kinh doanh truyền thống. Thế nhưng, doanh nghiệp sẽ không thể “nuốt trọn” phần lợi nhuận (nếu có) mà phải chia sẻ cho nhà cung cấp nền tảng, bên cạnh các nghĩa vụ tài chính thông thường. Vì lẽ đó, những doanh nghiệp tham gia “kinh tế chia sẻ” hầu hết chỉ là những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp gia đình mà hiếm bóng dáng những thương hiệu lớn.
Người quan sát
Với những doanh nghiệp nằm ngoài cuộc chơi, “kinh tế chia sẻ” là một “cơn ác mộng” không hơn không kém, là đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Bởi, tiềm lực về tài sản của một doanh nghiệp là có hạn, chưa kể đến vô số thủ tục rườm rà cần thực hiện một khi muốn mở rộng quy mô kinh doanh. Nhưng, tiềm lực của quần chúng và sức mạnh của Internet là vô hạn, “kinh tế chia sẻ” đã rất khôn khéo đánh vào tâm lý tận dụng tối đa giá trị sử dụng tài sản của cá nhân mà xây dựng nên một “đế chế” cho riêng mình. Công việc chính mà các doanh nghiệp theo mô hình “kinh tế chia sẻ” phải làm là duy trì, tối ưu hóa và tuyên truyền nền tảng ứng dụng, website của mình để thu hút người tham gia; thu lợi nhuận chảy về túi và nhìn các “đồng nghiệp” chật vật giành thị trường. Vụ việc cạnh tranh giữa “taxi truyền thống” và Grab, UBER thời gian qua là minh chứng điển hình cho thực trạng này.
Hay chủ cuộc chơi – người kinh doanh theo mô hình “kinh tế chia sẻ”?
Với những ưu thế đã được đề cập, không khó lý giải tại sao “kinh tế chia sẻ” lại “hot” đến vậy trong thời gian qua. Bên cạnh đó, thị trường chưa được khai phá rộng mở và tỷ lệ người dùng Internet cao ở Việt Nam đã thu hút tham vọng của không ít doanh nghiệp.
Song, nhảy vào “kinh tế chia sẻ” không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp có nền tảng ứng dụng, website mạnh mẽ mà còn với số vốn ban đầu khổng lồ để thu hút lượng người tham gia ban đầu và thâu tóm thị trường. Bên cạnh đó, việc pháp luật chưa có một chế định cụ thể về mô hình này, trong khi các quy định hiện hành không đủ sức quản lý dễ khiến “kinh tế chia sẻ” trở thành đối tượng cạnh tranh không lành mạnh. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn còn ngại ngần, và trở thành người quan sát các doanh nghiệp nước ngoài chiếm cơ hội khai phá thị trường.
Trước thực trạng ấy, tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Đề án mô hình KTCS”. Đây là hy vọng tạo ra bước ngoặt mới trong sự phát triển của mô hình này tại Việt Nam.
Quỳnh Như