Trong các quan hệ kinh doanh thương mại, doanh nghiệp sẽ không thể nào tránh khỏi các tranh chấp mặc dù không hề mong muốn nó xảy ra. Việc nắm rõ các ưu điểm và nhược điểm của các phương thức giải quyết sẽ phần nào giúp Doanh nghiệp chọn lựa được phương thức giải quyết phù hợp nhất, hạn chế việc lúng túng không biết lựa chọn phương thức nào để giải quyết khi xảy ra tranh chấp.
>> Những vấn đề pháp lý về góp vốn vào doanh nghiệp
>> Xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Tòa án là một cơ quan trong bộ máy nhà nước thuộc nhánh tư pháp, nhân danh quyền lực của nhà nước để đưa ra phán quyết theo trình tự, thủ tục đã được quy định trong luật. Bản án, quyết định của Tòa án sẽ được cưỡng chế thi hành bằng sức mạnh Nhà nước.
Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án là trường hợp khi có tranh chấp phát sinh nếu các bên không tự thỏa thuận, hòa giải với nhau thì có thể nộp đơn ra Tòa án, yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.
Khác với Tòa án, trọng tài không phải là cơ quan hoạt động nhân danh nhà nước. Để giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài thì các bên phải có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trước hoặc sau thời điểm xảy ra tranh chấp. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ phụ thuộc vào trung tâm trọng tài và quy tắc tố tụng trọng tài mà các bên đã lựa chọn.
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là phương thức giải quyết do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại.
Ưu điểm và nhược điểm của 02 phương thức trên được thể hiện qua bảng sau:
Phương thức/Tiêu chí |
Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án |
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài |
Ưu điểm |
- Chi phí để giải quyết một tranh chấp thương mại thông qua Tòa án sẽ thấp hơn so với trọng tài; - Phán quyết của Tòa án có giá trị thi hành cao vì được cưỡng chế thi hành bằng sức mạnh của Nhà nước; - Trình tự tố tụng chặt chẽ theo quy định của pháp luật. |
- Thủ tục đơn giản, nhanh chóng, ít tốn thời gian, tiền bạc các bên; - Quyết định của Trọng tài là quyết định chung thẩm nên không thể bị kháng cáo, kháng nghị; - Đảm bảo bí mật hơn so với Tòa án, các bí mật kinh doanh và thông tin mật của Doanh nghiệp sẽ được đảm bảo không bị tiết lộ ra ngoài; - Các bên có thể lựa chọn trọng tài viên giải quyết nên có thể lựa chọn được các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế cao. |
Nhược điểm |
- Thủ tục cứng nhắc, thiếu linh hoạt và kéo dài; - Tính xét xử công khai không phù hợp với hoạt động kinh doanh thương mại vì dễ ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh cũng như uy tín của doanh nghiệp; - Phán quyết có thể bị kháng cáo dẫn đến tranh chấp bị kéo dài.
|
- Chi phí trọng tài thường cao hơn Tòa án; - Hai bên nhất thiết phải có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và có thể thực hiện được; - Sự thành công trong việc giải quyết bằng trọng tài phụ thuộc vào thái độ cũng như sự hợp tác của các bên tranh chấp; - Tính cưỡng chế thi hành của trọng tài thường không cao bằng Tòa án. |
Trên đây là những ưu điểm và nhược điểm của hai phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án và trọng tài. Việc cân nhắc lựa chọn một phương thức phải căn cứ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp, tính chất thực tế của vụ việc và nguyện vọng của doanh nghiệp.