Trong tháng 7 có những ngày lễ gì? Người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương vào các ngày lễ trong tháng 7 không?
Tháng 7 có những ngày lễ gì?
Tháng 7 năm 2024 có rất nhiều ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện lớn ở trong nước. Một số ngày đáng chú ý như sau:
(1) Ngày Bảo Hiểm Y Tế Việt Nam (1/7)
Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7) với mục tiêu bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người dân, giúp người dân giảm các gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh nếu không may bị ốm đau, bệnh tật.
Ngày này còn là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước.
(2) Ngày Truyền Thống Lực Lượng Thanh Niên Xung Phong Việt Nam (15/7)
Ngày 15/7/1950, đội TNXP được thành lập, đó là tiền thân của lực lượng TNXP Việt Nam. Ngay sau khi được thành lập, đội TNXP đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và lập nhiều công lao trên các chiến trường, chiến dịch lớn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ đó đến nay, vào ngày 15/8 các cấp thành phố, huyện, phường, xã ở mỗi địa phương sẽ tổ chức tọa đàm, mít tinh, biểu diễn ca nhạc, hội thi,… để ôn lại truyền thống cách mạng của thế hệ TNXP đi trước, đồng thời nâng cao tinh thần, ý chí của thế hệ thanh niên trẻ hiện nay.
(3) Ngày Thương Binh Liệt Sỹ (27/7)
Thực hiện theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã chọn ngày 27/7 hằng năm là ngày Thương binh Liệt sỹ để tưởng nhớ, tôn vinh các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, những người đã hi sinh, cống hiến vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc. Đồng thời đây cũng là ngày để người dân Việt Nam thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
(4) Ngày Thành Lập Công Đoàn Việt Nam (28/7)
Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam ra đời vào ngày 28/7/1929 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam được thành lập nhằm mục đích xây dựng lực lượng để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tháng 7 có những ngày lễ gì? Người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương vào các ngày lễ trong tháng 7 không? (Hình từ Internet)
Người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương vào các ngày lễ trong tháng 7 không?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo quy định trên, người lao động sẽ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương 06 dịp lễ, tết trong năm là:
- Tết Dương lịch;
- Tết Âm lịch;
- Ngày Chiến thắng;
- Ngày Quốc tế lao động;
- Quốc khánh;
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Như vậy, trong tháng 7 sẽ không có ngày nghỉ lễ, tết nào dành cho người lao động.
Tuy nhiên, tùy vào chính sách công ty mà có thể NLĐ được nghỉ hoặc được về sớm vào các ngày lễ trong tháng 7.
Tiền lương làm việc vào ban ngày các ngày nghỉ lễ thì người lao động được nhận mức lương như thế nào?
(1) Đối với người lao động hưởng lương theo tháng, tuần, giờ:
Căn cứ khoản 1 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm
Trong đó:
Trường hợp người lao động làm việc theo chế độ hưởng lương theo tháng, tuần, giờ thì vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, người lao động sẽ được nhận lương mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
(2) Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm:
Theo khoản 2 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phẩm làm thêm
Trong đó:
Người lao động được hưởng mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?