Thiết bị bảo hộ lao động là gì? Người sử dụng lao động không trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động bị xử phạt thế nào?
Thiết bị bảo hộ lao động là gì?
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định về khái niệm thiết bị bảo hộ lao động là gì, tuy nhiên theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH quy định về phương tiện bảo vệ cá nhân như sau:
Phương tiện bảo vệ cá nhân
1. Phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang cấp để sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại phát sinh trong quá trình lao động, khi các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết.
...
Như vậy, có thể hiểu thiết bị bảo hộ lao động là phương tiện bảo vệ cá nhân của người lao động. Đây là những công cụ, dụng cụ được sử dụng để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc.
Theo đó, các thiết bị bảo hộ lao động phải phù hợp với việc ngăn ngừa có hiệu quả các tác hại của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong môi trường lao động, dễ dàng trong sử dụng, bảo quản và không gây tác hại khác cho người lao động.
Các loại thiết bị bảo hộ lao động phổ biến có thể kể đến như:
- Mũ bảo hiểm: Bảo vệ đầu khỏi va chạm và rơi vật.
- Kính bảo hộ: Bảo vệ mắt khỏi bụi, hóa chất và tia sáng mạnh.
- Găng tay: Bảo vệ tay khỏi hóa chất, cắt, va đập.
- Giày bảo hộ: Bảo vệ chân khỏi va đập, vật nặng và trơn trượt.
- Đồ bảo hộ toàn thân: Như áo khoác chống hóa chất, quần áo chống cháy.
- Bảo hộ hô hấp: Như khẩu trang, mặt nạ để bảo vệ đường hô hấp....v.v
Có thể thấy, các thiết bị trên là rất cần thiết cho người lao động làm các công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Việc sử dụng đúng và đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động không chỉ giúp người lao động cảm thấy an tâm hơn khi làm việc mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động.
Thiết bị bảo hộ lao động là gì? Người sử dụng lao động không trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cho người lao động bị xử phạt thế nào?
Người sử dụng lao động có bắt buộc phải trang bị thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động không?
Liên quan đến vấn đề này, khoản 3 Điều 16 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc
...
3. Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
...
Như vậy, pháp luật quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm phải trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Do đó, việc trang bị các trang thiết bị bảo hộ lao động để bảo vệ cho người lao động là bắt buộc đối với người sử dụng lao động khi sử dụng lao động làm các công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.
Người sử dụng lao động có hành vi không trang bị cho người lao động các thiết bị bảo hộ lao động sẽ bị xem là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng lao động không trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động bị xử phạt thế nào?
Căn cứ theo khoản 8 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
8. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang cấp nhưng không đạt chất lượng theo quy định; không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức theo quy định; trả tiền thay cho bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
Chiếu theo quy định trên, người sử dụng lao động không trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang cấp nhưng không đạt chất lượng theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu - 30 triệu đồng tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm.
Ngoài ra, đây chỉ là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt trên sẽ gấp 02 (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
- Chốt tăng lương, nâng bậc lương cho 09 đối tượng trong bảng lương mới theo nguyên tắc nào?
- Chốt 02 bảng lương mới công chức viên chức, 03 bảng lương lực lượng vũ trang được xác định mức tiền lương cụ thể căn cứ trên việc mở rộng quan hệ tiền lương ra sao?
- Chính thức tăng lương cơ sở cao hơn mức 2,34 triệu đồng áp dụng trong những bảng lương nào nếu tình hình kinh tế - xã hội năm 2025 thuận lợi hơn?
- Lý do tăng mức lương cơ sở 2.34 triệu đồng/tháng lên mức mới đối với cán bộ công chức viên chức và LLVT không diễn khi áp dụng bảng lương mới sau năm 2026?
- Tại sao người lao động được hoàn thuế TNCN?