Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động thay đổi qua từng thời kỳ như thế nào?
Người lao động hiện nay được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp nào?
Căn cứ tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 hiện hành quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động cụ thể như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Theo đó, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do.
Tuy nhiên, để được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp thì người lao động phải đảm bảo thủ tục khi đơn phương chấm dứt hợp đồng là báo trước cho người sử dụng lao động biết.
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động thay đổi qua từng thời kỳ như thế nào?(Hình từ Internet)
Trước năm 2021, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Theo Bộ luật Lao động 2012 khi NLĐ giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì “có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho NSDLĐ biết trước ít nhất 45 ngày…”,
Còn với NLĐ giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn, theo mùa vụ, hoặc 1 công việc có thời hạn dưới 12 tháng chỉ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi báo trước một thời gian nhất định tuỳ thuộc vào loại HĐLĐ và phải thuộc các trường hợp đã quy định trên.
Như vậy, so với Bộ luật Lao động 2012, thì Bộ luật Lao động 2019 đã kết cấu lại quy định quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ theo hướng có lợi hơn cho NLĐ khi cho phép NLĐ được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần phải báo trước.
Bộ luật Lao động 1994 cho phép NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 37 Bộ luật Lao động 1994 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
Điều 37.
1- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến ba năm, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa Điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các Điều kiện làm việc đã thoả thuận trong hợp đồng;
b) Không được trả công đầy đủ hoặc trả công không đúng thời hạn theo hợp đồng;
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy Nhà nước;
e) Người lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của thầy thuốc.
2- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Đối với các trường hợp quy định tại các Điểm a, b và c: ít nhất ba ngày;
b) Đối với các trường hợp quy định tại Điểm d và Điểm đ: ít nhất ba mươi ngày nếu là hợp đồng xác định thời hạn từ một năm đến ba năm; ít nhất ba ngày nếu là hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm;
c) Đối với trường hợp quy định tại Điểm e: theo thời hạn quy định tại Điều 112 của Bộ luật này.
3- Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày.
Theo đó, Bộ luật Lao động 1994 quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 12 tháng mới có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Như vậy, so với Bộ luật Lao động 1994, thì Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Ngoài ra Bộ luật Lao động 2012 bổ sung thêm trường hợp “Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục”.
Kết luận: Pháp luật lao động Việt Nam đã ngày càng phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay và đi vào cuộc sống, nhất là những vướng mắc, bất cập của pháp luật lao động trước đây quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ đã được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?