Người lao động nghỉ việc riêng không xin phép do có người thân qua đời có được hưởng lương hay không?
Nghỉ việc do người thân qua đời có tính vào phép năm không?
Thông thường trường hợp người lao động nghỉ sẽ tính vào các ngày nghỉ phép hằng năm còn không sẽ không được hưởng lương ngày nghỉ đó. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp người lao động được nghỉ có việc riêng đồng thời không tính vào phép năm và vẫn được hưởng nguyên lương, cụ thể:
Căn cứ theo Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Như vậy, "người thân" mất thuộc các trường hợp tại điểm c khoản 1 Điều 115 nêu trên mới được xem là nghỉ việc riêng, trường hợp những "người thân" khác qua đời thì không được pháp luật ghi nhận là nghỉ việc riêng.
Bên cạnh đó, căn cứ vào Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động như sau:
Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động
1. Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.
2. Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.
4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
7. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
8. Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.
9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.
10. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.
Như vậy thời gian nghỉ việc do có người thân mất không tính vào số ngày nghỉ phép năm và thời gian này vẫn được cộng vào thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động.
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương (hình từ internet)
Người lao động nghỉ việc riêng không xin phép do có người thân qua đời có được hưởng lương hay không?
Như quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu trên, trường hợp người lao động nghỉ do người thân qua đời thuộc vẫn được hưởng nguyên lương tuy nhiên phải thông báo với người sử dụng lao động.
Về hình thức thông báo cũng như nộp phép bổ sung sau khi đã có thông báo còn tùy thuộc vào quy chế công ty quy định.
Như vậy, trường hợp người lao động nghỉ do có người thân qua đời mà không thông báo cho người lao động thì sẽ không được tính vào nghỉ việc riêng tại Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 đồng thời không được hưởng lương theo quy định.
Nếu công ty không cho người lao động nghỉ khi người thân mất thì phải làm sao?
Trường hợp người lao động nghỉ việc riêng và có thông báo nhưng người sử dụng lao động lại từ chối không cho người lao động nghỉ việc riêng thì người sử dụng lao động đã có hành vi vi phạm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
b) Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
…
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.
Như vậy, nếu công ty có hành vi vi phạm, người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến trực tiếp ban lãnh đạo công ty để yêu cầu giải quyết, trường hợp công ty không giải quyết thì người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến thanh tra lao động thuộc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?
- Năm 2025, tăng lương giáo viên các cấp được Chính phủ đề xuất khi tình hình kinh tế xã hội thuận lợi và cân đối được nguồn có đúng không?