Nghỉ việc khi chưa hết thời gian báo trước có phải bồi thường hay không?
Thời gian báo trước khi nghỉ việc là bao lâu?
Tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thời gian báo trước khi nghỉ việc như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
...
Theo đó, việc tính ngày báo trước sẽ tính kể từ thời điểm bắt đầu nghỉ việc. Người lao động sẽ căn cứ vào ngày muốn bắt đầu nghỉ việc (chọn làm mốc) rồi đếm lùi trở về trước số ngày tương ứng phải báo trước thì xác định được ngày cụ thể cần gửi thông báo nghỉ việc cho công ty.
Như vậy, cách tính thời gian báo trước cho công ty khi xin nghỉ việc được thực hiện như sau:
(1) Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng
Thời gian báo trước sẽ được tính theo ngày bình thường chứ không phải theo ngày làm việc, cụ thể là ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn và ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn. Tức là thời hạn báo trước sẽ tính cả những ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định pháp luật.
Ví dụ: Chị P ký hợp đồng với công ty A là hợp đồng không xác định thời hạn, đến nay chị P muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó thì căn cứ vào Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì chị P phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất là 45 ngày, bao gồm cả ngày nghỉ hàng tuần. Theo đó thì khi chị P muốn nghỉ việc vào ngày 1 tháng 5 năm 2024 thì chị P phải thực hiện báo trước chậm nhất là vào ngày 16 tháng 03 năm 2024.
(2) Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng
Thời gian báo trước sẽ chỉ được tính theo ngày làm việc của người lao động, cụ thể là ít nhất 3 ngày khi giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
Ví dụ: Anh M làm việc theo hợp đồng có thời hạn 10 tháng và hiện đang muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình và con nhỏ hơn. Theo đó thì khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng, anh M phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 03 ngày làm việc. Vậy thì nếu anh M muốn nghỉ việc vào ngày 09 tháng 05 năm 2024 thì anh phải báo trước cho người sử dụng lao động từ ngày 05 tháng 05 năm 2024.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận trừ trường hợp được chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn.
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự;
- Bị người sử dụng lao động cưỡng bức lao động;
- Đủ tuổi nghỉ hưu;
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Ngoài ra, đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Nghỉ việc khi chưa hết thời gian báo trước có phải bồi thường hay không? (Hình từ internet)
Nghỉ việc khi chưa hết thời gian báo trước có phải bồi thường hay không?
Tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.
Nếu không được người sử dụng lao động đồng ý mà nghỉ việc khi chưa hết thời gian báo trước, người lao động sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Tương ứng với đó, người lao động sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi khi mất đi một số quyền lợi mà còn phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động tương ứng với những ngày không báo trước.
Ngoài ra, nếu từng được đào tạo từ kinh phí do người sử dụng lao động chi trả, người lao động còn phải hoàn trả chi phí đào tạo.
Trước khi hết thời gian báo trước, người lao động có được hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không?
Tại Điều 38 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Mỗi bên đều có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được bên kia đồng ý.
Theo đó, người lao động có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời gian báo trước nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được người sử dụng lao động đồng ý.
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Lễ Tạ Ơn 2024 là ngày mấy? Lễ Tạ Ơn có những hoạt động gì? Ở Việt Nam, người lao động có được nghỉ làm vào ngày Lễ Tạ Ơn không?
- Cyber Monday là gì? Cyber Monday 2024 diễn ra vào ngày nào? Năm 2024, người lao động còn những ngày nghỉ lễ nào?
- Thứ 5 cuối cùng của tháng 11 có sự kiện đặc biệt gì? Tháng 11 người lao động được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày?
- Đã có thông báo về mức lương cơ sở mới của của đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước tác động kinh tế vĩ mô thế nào?