Không niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở của doanh nghiệp thì bị xử phạt ra sao?
- Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có phải niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở không?
- Mức xử phạt khi doanh nghiệp không niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở?
- Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở của doanh nghiệp là bao lâu?
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có phải niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở không?
Căn cứ Điều 31 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm
1. Niêm yết công khai bản sao được chứng thực từ bản chính giấy phép, quyết định thu hồi giấy phép tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
2. Theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do doanh nghiệp giới thiệu hoặc cung ứng tối thiểu 03 tháng hoặc trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động (đối với những trường hợp thực hiện hợp đồng lao động dưới 03 tháng).
3. Lập, cập nhật, quản lý dữ liệu lao động đăng ký tư vấn, giới thiệu việc làm; người sử dụng lao động đăng ký tuyển lao động và thực hiện kết nối, chia sẻ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
4. Doanh nghiệp thực hiện một phần hoặc toàn bộ quy trình hoạt động cung ứng dịch vụ việc làm bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác thì phải thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của Chính phủ về thương mại điện tử.
5. Xây dựng giá cung ứng dịch vụ việc làm và niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Theo quy định, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm phải xây dựng giá cung ứng dịch vụ việc làm và niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở của doanh nghiệp.
Không niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở của doanh nghiệp thì bị xử phạt ra sao? (Hình từ Internet)
Mức xử phạt khi doanh nghiệp không niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về dịch vụ việc làm
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có một trong các hành vi sau đây:
a) Thông báo hoạt động dịch vụ việc làm không theo quy định của pháp luật;
b) Không niêm yết công khai bản sao được chứng thực từ bản chính giấy phép, quyết định thu hồi giấy phép tại trụ sở chính của doanh nghiệp;
c) Không theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do doanh nghiệp giới thiệu hoặc cung ứng tối thiểu 03 tháng hoặc trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động đối với những trường hợp thực hiện hợp đồng lao động dưới 03 tháng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có một trong các hành vi sau đây:
a) Không báo cáo tình hình hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định;
b) Không lập hoặc không cập nhật hoặc không quản lý dữ liệu lao động đăng ký tư vấn, giới thiệu việc làm và người sử dụng lao động đăng ký tuyển lao động; không thực hiện kết nối hoặc chia sẻ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
c) Không xây dựng hoặc không niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, khi doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hành vi không niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở của doanh nghiệp thì bị xử phạt hành chính từ 1 - 3 triệu đồng.
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở của doanh nghiệp là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt hành chính đối với hành vi không niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở của doanh nghiệp là 01 năm.
- Nghị quyết 24: Chính thức thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 đối với cán bộ công chức viên chức thì các khoản chi ngoài lương kèm theo NQ có áp dụng không?
- Độ tuổi lao động năm 2025 của người lao động theo Bộ luật Lao động mới nhất là bao nhiêu tuổi?
- Cơ quan xét xử cao nhất của nước ta là gì?
- Từ 1/7/2025 công chứng viên được phân công hướng dẫn tập sự phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm hành nghề công chứng?
- Người lao động đã thành lập tổ chức nào để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình?