Đề xuất xây dựng quy định về Bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện?
Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2018, Quyết định 48/QĐ-TTg ngày 03/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ Dự thảo Tờ trình Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Dự thảo Tờ trình Nghị định được kết cấu thành 6 chương, 39 điều, trên cơ sở kế thừa một phần các quy định của bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động tại Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Luật Bảo hiểm xã hội 2014; đồng thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với phương thức quản lý bảo hiểm tự nguyện và điều kiện thực tế triển khai, với các nội dung chính như sau:
Đối tượng được áp dụng chính sách tham gia bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện?
Căn cứ khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động
...
3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:
a) Được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh lao động;
b) Tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác an toàn, vệ sinh lao động; được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
c) Tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện;
d) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
...
Theo Dự thảo Tờ trình Nghị định có nêu về đối tượng áp dụng của bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là “Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc” và “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện”.
Đề xuất xây dựng quy định về Bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện? (Hình từ Internet)
Các chế độ đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện?
Dự thảo Tờ trình Nghị định quy định 3 chế độ cơ bản mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng, tương tự như tham gia BHXH bắt buộc như sau:
- Giám định mức suy giảm khả năng lao động (Điều 5 Dự thảo);
- Chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp phục vụ (Điều 6,7, 8 và 9 Dự thảo);
- Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (Điều 10 Dự thảo).
Ngoài ra, tương tự như BHXH bắt buộc, dự thảo quy định các trường hợp tai nạn lao động được hưởng và không được hưởng chế độ bảo hiểm (Điều 4 Dự thảo). Tai nạn lao động được xác định trên cơ sở quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 “là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.
Hồ sơ thủ tục tham gia chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện của người lao động?
Dự thảo Tờ trình Nghị định dựa trên cơ sở quy định hiện hành của Luật bảo hiểm xã hội 2014, tham khảo quy định của BHXH tự nguyện về hưu trí và tử tuất, sẽ quy định cụ thể các loại Hồ sơ như sau:
- Hồ sơ đăng ký tham gia;
- Hồ sơ điều chỉnh thông tin tham gia;
- Hồ sơ giải quyết đăng ký tham gia;
- Hồ sơ đăng ký lại phương thức đóng;
- Hồ sơ hưởng hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Lưu ý: Để bảo đảm có thời gian chuẩn bị các điều kiện triển khai và dự kiến những diễn biến bất thường (nếu có) của kinh tế - xã hội, dự kiến Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Xem chi tiết nội dung tại Dự thảo Tờ trình Nghị định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động: Tại đây
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?