Có được đóng cửa tạm thời nơi làm việc sau khi người lao động ngừng đình công?
Người lao động phải ngừng đình công khi nào?
Tại khoản 4 Điều 109 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Các trường hợp hoãn, ngừng đình công
...
2. Ngừng đình công là việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tạm dừng cuộc đình công đang diễn ra cho đến khi không còn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
...
4. Các trường hợp ngừng đình công:
a) Đình công diễn ra trên địa bàn xuất hiện thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
b) Đình công diễn ra đến ngày thứ ba tại các đơn vị cung cấp điện, nước, vệ sinh công cộng làm ảnh hưởng tới môi trường, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân tại thành phố thuộc tỉnh;
c) Đình công diễn ra có các hành vi bạo động, gây rối làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhà đầu tư, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
Theo quy định trên, người lao động phải ngừng đình công khi thuộc các trường hợp sau:
- Xuất hiện thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình trạng khẩn cấp;
- Cuộc đình công được diễn ra đến ngày thứ 03 tại các đơn vị cung cấp điện, nước, vệ sinh công cộng làm ảnh hưởng tới môi trường, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân tại thành phố thuộc tỉnh;
- Có các hành vi bạo động, gây rối làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhà đầu tư, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến an ninh, quốc phòng, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
Có được đóng cửa tạm thời nơi làm việc sau khi người lao động ngừng đình công? (Hình từ Internet)
Có được đóng cửa tạm thời nơi làm việc sau khi người lao động ngừng đình công?
Tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Trường hợp cấm đóng cửa tạm thời nơi làm việc
1. Trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công.
2. Sau khi người lao động ngừng đình công.
Như vậy, người sử dụng lao động bị cấm đóng cửa tạm thời nơi làm việc sau khi người lao động ngừng đình công.
Hành vi đóng cửa tạm thời nơi làm việc sau khi người lao động ngừng đình công sẽ bị xử phạt như thế nào?
Tại điểm c khoản 3 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về giải quyết tranh chấp lao động
...
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công;
b) Trù dập hoặc trả thù đối với người lao động tham gia đình công hoặc người lãnh đạo đình công;
c) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong trường hợp theo quy định tại Điều 206 của Bộ luật Lao động;
d) Gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lấy ý kiến về đình công.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động nhận lại người lao động, người lãnh đạo đình công khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc hủy quyết định xử lý kỷ luật lao động, điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công và trả đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian chấm dứt hợp đồng lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động trả lương cho người lao động trong những ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.
Và theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, theo quy định, người sử dụng lao động khi có hành vi đóng cửa tạm thời nơi làm việc sau khi người lao động ngừng đình công sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 5 - 10 triệu đồng (mức phạt cá nhân) và từ 10 - 20 triệu đồng (mức phạt tổ chức).
Ngoài ra, buộc người sử dụng lao động trả lương cho người lao động trong những ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc.
- Tổng hợp các Bộ luật Lao động qua các thời kỳ cụ thể ra sao?
- NLĐ có được thỏa thuận để nhận việc về làm tại nhà không?
- Bầu cử tại đại hội công đoàn bằng hình thức biểu quyết giơ tay trong trường hợp nào?
- Mẫu thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động 2025 khi chưa hết thời hạn hợp đồng thế nào?
- Công ty yêu cầu thử việc đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng có bị phạt không?