Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tăng bao nhiêu? Chỉ số giá tiêu dùng ảnh hưởng đến mức lương tối thiểu hay không?
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tăng bao nhiêu?
Ngày 10/07/2024 ban hành Nghị quyết 108/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Trong đó có nội dung về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024.
Theo Mục I Nghị quyết 108/NQ-CP năm 2024 quy định thì tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nền tảng để phấn đấu hoàn thành và vượt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của cả năm 2024.
Tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, tăng trưởng GDP tăng 6,93% so với cùng kỳ, tính chung 6 tháng tăng 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (tăng 3,84%), vượt cận trên kịch bản đề ra; trong đó một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng hai con số như: Bắc Giang (14,14%), Khánh Hòa (12,73%), Thanh Hóa (11,5%), Hà Nam (10,35%), Hải Phòng (10,32%), Trà Vinh (10,27%), Hải Dương (10%).
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, cụ thể chỉ số giá tiêu dùng 06 tháng tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6%; an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ trong khi ban hành nhiều giải pháp chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp với quy mô khoảng 160,5 nghìn tỷ đồng; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt trong chỉ tiêu Quốc hội giao.
Vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 7,5% so với cùng kỳ, tính chung 06 tháng tăng 6,8%. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 29,39% kế hoạch được giao. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, như vậy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 13,1% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng tăng 15,7%; xuất siêu 11,63 tỷ USD. Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ; công tác quản lý thị trường vàng, xăng dầu, điện... chuyển biến tích cực.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều tăng trưởng tốt. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng tăng 7,54% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 8,67%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 54,7 điểm, cao nhất từ năm 2020 đến nay. Nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 06 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi mạnh; 6 tháng đạt 8,8 triệu lượt khách, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Phát triển doanh nghiệp xu hướng tích cực; tính chung 06 tháng, có gần 120 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Như vậy, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được bảo đảm. Trong đó chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tăng. Cụ thể chỉ số giá tiêu dùng 06 tháng tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tăng bao nhiêu? Chỉ số giá tiêu dùng ảnh hưởng đến mức lương tối thiểu hay không? (Hình từ Internet)
Chỉ số giá tiêu dùng ảnh hưởng đến mức lương tối thiểu hay không?
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo đó chỉ số giá tiêu dùng là một trong những yếu tố tác động đến việc điều chỉnh mức lương tối thiểu của người lao động.
Doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng bị xử phạt hành chính bao nhiêu?
Theo khoản 3, khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Lưu ý: Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp là tổ chức thì áp dụng mức phạt sẽ gấp đôi.
Như vậy trường hợp doanh nghiệp có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định thì bị phạt tiền theo các mức sau đây:
- Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Ngoài ra thì doanh nghiệp còn phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?