Bà Lê Thị Huệ có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Đ. Năm 1992, do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn đã cùng các con tới khai hoang, cải tạo một quả đồi bỏ hoang tại xã M để canh tác trồng hoa màu, gồm cả cây ngắn ngày và cây lâu năm.
Năm 2002, bà Cù Thị Thao, người cùng cư trú tại thị trấn Đ tự ý đến khu đồi này chặt phá một số diện tích trồng hoa màu của bà Huệ và trồng thay thế vào đó một số loại cây khác. Bà Thao còn tuyên bố đất đó là của gia đình mình với lý do trước năm 1979 khu đất đó là của ông bà mình nên bây giờ có quyền đòi lại.
Tranh chấp phát sinh, bà Cù Thị Thao nộp đơn tới UBND thị trấn Đ yêu cầu giải quyết và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà. Bà Lê Thị Huệ cũng tới UBND thị trấn nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời bà cũng đề nghị Uỷ ban can thiệp buộc bà Thao phải bồi thường thiệt hại về hoa màu bị phá huỷ và chấm dứt hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, cả bà Thao và bà Huệ đều không xuất trình được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi bà Huệ và bà Thao đến UBND xã nơi mình cư trú nộp đơn, cán bộ tiếp nhận đơn đã ghi vào sổ thụ lý và chuyển đơn cho cán bộ địa chính nghiên cứu để đề xuất phương án giải quyết trình Chủ tịch xã quyết định. Trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào?