Diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tại tỉnh Gia Lai từ ngày 10/11/2024?
Diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tại tỉnh Gia Lai từ ngày 10/11/2024?
Ngày 31/10/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định 54/2024/QĐ-UBND quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Quyết định 54/2024/QĐ-UBND tỉnh Gia Lai, diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tại tỉnh Gia Lai từ ngày 10/11/2024 là:
- Thửa đất tại các phường thuộc thành phố Pleiku: 45 m2.
- Thửa đất tại các xã thuộc thành phố Pleiku, phường thuộc thị xã, thị trấn thuộc huyện: 50 m2.
- Thửa đất tại các xã còn lại: 70 m2.
Diện tích tối thiểu tách thửa đất ở nêu trên không bao gồm diện tích đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình xác định theo mốc giới sử dụng đất.
Ngoài ra, diện tích tối thiểu tách thửa đất ở cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng dự án liên quan đến chính sách hỗ trợ đất ở, hỗ trợ nhà ở thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia là 30 m2.
Diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tại tỉnh Gia Lai từ ngày 10/11/2024? (Hình từ Internet)
Hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân tại tỉnh Gia Lai?
Căn cứ theo Điều 4 Quyết định 50/2024/QĐ-UBND tỉnh Gia Lai, hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân để đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như sau:
- Đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản: Không quá 02 ha đối với mỗi loại đất.
- Đất trồng cây lâu năm: Không quá 30 ha.
- Đất rừng phòng hộ; đất rừng sản xuất là rừng trồng: Không quá 30 ha đối với mỗi loại đất.
Trường hợp cá nhân được giao nhiều loại đất trong các loại đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản thì tổng hạn mức giao đất không quá 04 ha.
Trường hợp được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức giao đất trồng cây lâu năm không quá 25 ha.
Trường hợp được giao thêm đất rừng sản xuất là rừng trồng thì hạn mức giao đất rừng sản xuất là rừng trồng không quá 25 ha.
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân tại tỉnh Gia Lai?
Căn cứ theo Điều 5 Quyết định 50/2024/QĐ-UBND tỉnh Gia Lai quy định như sau:
Điều 5. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 176 Luật Đất đai.
Căn cứ theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 176 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Điều 176. Hạn mức giao đất nông nghiệp
1. Hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định như sau:
a) Không quá 03 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
b) Không quá 02 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
3. Hạn mức giao đất cho cá nhân không quá 30 ha đối với mỗi loại đất:
a) Đất rừng phòng hộ;
b) Đất rừng sản xuất là rừng trồng.
[...]
Như vậy, hiện nay hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân tại tỉnh Gia Lai đó là:
- Đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối: Không quá 30 ha cho mỗi loại đất.
- Đất trồng cây lâu năm: Không quá 150 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 450 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
- Đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng trồng: Không quá 450 ha cho mỗi loại đất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn viết ưu điểm, kết quả đạt được trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 01/01/2025?
- Hướng dẫn mở tài khoản ngân hàng trên ứng dụng VNeID chi tiết, đơn giản trong 05 bước?
- Mẫu biên bản cưỡng chế giao tài sản thi hành án dân sự theo Thông tư 04?
- Tổng hợp Luật Kế toán của Việt Nam qua các thời kỳ?