Chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
- Chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xử phạt vi phạm hành chính với hành vi chung sống như vợ chồng với người 16 tuổi có đúng quy định hay không?
- Chung sống như vợ chồng với người 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi?
Chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
Khoản 2 Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi chung sống như vợ chồng với người 16 tuổi như sau:
Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về độ tuổi kết hôn như sau:
Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Tại khoản 4, khoản 5 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
Theo quy định nêu trên, người có hành vi chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu như hành vi này được duy trì khi đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xử phạt vi phạm hành chính với hành vi chung sống như vợ chồng với người 16 tuổi có đúng quy định hay không?
Điểm b khoản 2 Điều 83 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính; các điểm a, b, đ, l, m và n khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
...
Mức phạt tiền tối đa với hành vi chung sống như vợ chồng với người 16 tuổi là 5.000.000 đồng.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xử phạt vi phạm hành chính với hành vi chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi là đúng quy định của pháp luật.
Chung sống như vợ chồng với người 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi?
Khoản 1 Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi như sau:
Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
...
Theo quy định nêu trên, người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi nếu thực hiện hành vi giao cấu tự nguyện với người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Vậy, chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi nếu thực hiện hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?