Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản quy định về Rửa tiền và phòng chống rửa tiền

Hoạt động rửa tiền gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, hệ thống tài chính mà còn đe dọa an ninh quốc gia và quốc tế.

1. Rửa tiền là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi tại khoản 122 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017) quy định rửa tiền bao gồm các hành vi sau:

- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

- Thực hiện một trong các hành vi trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

Tổng hợp văn bản quy định về Phòng, chống rửa tiền (Hình từ internet)

2. Nguyên tắc trong phòng, chống rửa tiền

Theo Điều 5 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định về nguyên tắc trong phòng chống rửa tiền như sau: 

- Việc phòng, chống rửa tiền phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư­; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Hành vi rửa tiền phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

- Biện pháp phòng, chống rửa tiền phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời.

3. Các biện pháp tạm thời trong phòng, chống rửa tiền

(1) Trì hoãn giao dịch

Theo quy định Điều 44 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, biện pháp trì hoãn giao dịch thực hiện như sau:

- Đối tượng báo cáo phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch trong các trường hợp sau đây:

+ Khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen;

+ Khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội, bao gồm: giao dịch do người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự yêu cầu thực hiện và tài sản trong giao dịch thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người bị kết án đó; giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố;

+ Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan.

- Khi thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Thời hạn áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu áp dụng.

- Đối tượng báo cáo không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hậu quả phát sinh khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch theo đúng quy định tại Điều 44 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.

- Chính phủ quy định chi tiết điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 44 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.

(2) Phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản

Theo quy định Điều 45 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, biện pháp phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản thực hiện như sau:

Đối tượng báo cáo phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

4. Tổng hợp văn bản quy định về Phòng, chống rửa tiền

1

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ ngày 01/03/2023 quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Trong đó, các biện pháp tạm thời trong phòng chống rửa tiền: Trì hoãn giao dịch và Phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản được quy định lần lượt tại Điều 44, 45 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.

2

Bộ luật hình sự 2015

Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016. Điều 37 Bộ Luật Hình sự quy định mức phạt cụ thể đối với từng hành vi thực hiện phạm tội rửa tiền.

3

Nghị định 19/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền

Nghị định 19/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/04/2023 hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; nhận biết khách hàng; tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi; giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; thu thập, xử lý và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền; trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước; căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận báo cáo trì hoãn giao dịch.
Điều 3, Điều 4, Điều 5 Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định cụ thể về nguyên tắc, tiêu chí và phương pháp đánh gia rủi ro quốc gia về rửa tiền.

4

Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống rửa tiền do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 09/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 28/07/2023. Một điểm rất đáng lưu ý tại Thông Tư 09/2023/TT-NHNN đó chính chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử được quy định tại Điều 9, cụ thể, các Đối tượng báo cáo có trách nhiệm thu thập thông tin nêu tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 09/2023/TT-NHNN và báo cáo Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền bằng dữ liệu điện tử theo quy định khi thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử trong 2 trường hợp sau: 
- Giao dịch chuyển tiền điện tử mà tất cả các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử cùng ở Việt Nam (sau đây gọi là giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước) có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương;
- Giao dịch chuyển tiền điện tử mà có ít nhất một trong các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử ở các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 1.000 đô la Mỹ trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.

5

Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 07/07/2019. Điều 4 và Điều 5 tại Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP quy định về một số tình tiết định tội cũng như một số tình tiết định khung hình phạt về tội rửa tiền.

6

Quyết định 194/QĐ-TTg năm 2024 kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 194/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 23/02/2024 với mục tiêu hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF), sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách rà soát tăng cường (Danh sách Xám) trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia.

7

Quyết định 64/QĐ-TTg năm 2023 về Quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 64/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/03/2023 ban hành quy chế quy định về nguyên tắc, hình thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.

8

Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 11/2023/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/12/2023 quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền. Theo đó, Mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng trở lên theo quy định tại Điều 3 Quyết định này.

10

Công văn 2685/TTGSNH5 năm 2021 hướng dẫn báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử theo quy định tại Luật phòng, chống rửa tiền do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng ban hành

Công văn 2685/TTGSNH5 có hiệu lực từ ngày 06/08/2021 hướng dẫn báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước và quốc tế theo quy định tại Luật phòng, chống rửa tiền.

11

Quy chế phối hợp 02/2019/QCPH-BCA-VKSNDTC-TANDTC về trao đổi thông tin phục vụ điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền do Bộ Công an - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Quy chế phối hợp 02/2019/QCPH-BCA-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực từ ngày 10/10/2019 quy định nguyên tắc, phương thức và nội dung phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thuộc Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án từ trung ương đến địa phương.

12

Thông tư liên tịch 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định về phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố do Bộ trưởng Bộ Công an - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Thông tư liên tịch 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực từ ngày 25/05/2023 quy định về phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Công an nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 34.204.176.71
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!