Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP

Số hiệu: 111/2013/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Ngày ban hành: 15/08/2013 Ngày hiệu lực: 01/10/2013
Ngày công báo: 12/09/2013 Số công báo: Từ số 563 đến số 564
Tình trạng: Còn hiệu lực

Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định đến 30%

Từ ngày 1/1/2014, cá nhân kinh doanh chưa tuân thủ đúng chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ sẽ bị ấn định tỷ lệ thu nhập chịu thuế theo ngành, nghề sản xuất, kinh doanh như sau:

- Hoạt động phân phối, cung cấp hàng hoá: 7%

- Hoạt động dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 30%

- Hoạt động sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 15%

- Hoạt động kinh doanh khác: 12%

Cá nhân kinh doanh nhiều ngành nghề thì áp dụng theo tỷ lệ của hoạt động kinh doanh chính hoặc nếu không xác định được ngành nghề kinh doanh chính thì áp dụng theo tỷ lệ của “Hoạt động kinh doanh khác”.

Đây là nội dung quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TNCN, Luật Thuế TNCN sửa đổi và Nghị định 65/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/10/2013.

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/2013/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2013

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN, LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 65/2013/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Người nộp thuế

Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2013/NĐ-CP), có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP.

Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:

Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.

Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.

b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:

b.1) Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú:

b.1.1) Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.

b.1.2) Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.

b.2) Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:

b.2.1) Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên theo hướng dẫn tại điểm b.1, khoản 1, Điều này nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.

b.2.2) Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,... không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.

Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.

2. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 1, Điều này.

3. Người nộp thuế trong một số trường hợp cụ thể được xác định như sau:

a) Đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh.

a.1) Trường hợp chỉ có một người đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì người nộp thuế là cá nhân đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

a.2) Trường hợp nhiều người cùng đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nhóm cá nhân kinh doanh), cùng tham gia kinh doanh thì người nộp thuế là từng thành viên có tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

a.3) Trường hợp trong một hộ gia đình có nhiều người cùng tham gia kinh doanh nhưng chỉ có một người đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì người nộp thuế là cá nhân đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

a.4) Trường hợp cá nhân, hộ gia đình thực tế có kinh doanh nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc Chứng chỉ, Giấy phép hành nghề) thì người nộp thuế là cá nhân đang thực hiện hoạt động kinh doanh.

a.5) Đối với hoạt động cho thuê nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác không có đăng ký kinh doanh, người nộp thuế là cá nhân sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác. Trường hợp nhiều cá nhân cùng sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác thì người nộp thuế là từng cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng.

b) Đối với cá nhân có thu nhập chịu thuế khác.

b.1) Trường hợp chuyển nhượng bất động sản là đồng sở hữu, người nộp thuế là từng cá nhân đồng sở hữu bất động sản.

b.2) Trường hợp ủy quyền quản lý bất động sản mà cá nhân được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có các quyền như đối với cá nhân sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật thì người nộp thuế là cá nhân ủy quyền bất động sản.

b.3) Trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng được bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ mà đối tượng chuyển giao, chuyển quyền là đồng sở hữu, đồng tác giả của nhiều cá nhân (nhiều tác giả) thì người nộp thuế là từng cá nhân có quyền sở hữu, quyền tác giả và hưởng thu nhập từ việc chuyển giao, chuyển quyền nêu trên.

b.4) Trường hợp cá nhân nhượng quyền thương mại theo quy định của Luật Thương mại mà đối tượng nhượng quyền thương mại là nhiều cá nhân tham gia nhượng quyền thì người nộp thuế là từng cá nhân được hưởng thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

4. Người nộp thuế theo hướng dẫn tại các khoản 1 và 2, Điều này bao gồm:

a) Cá nhân có quốc tịch Việt Nam kể cả cá nhân được cử đi công tác, lao động, học tập ở nước ngoài có thu nhập chịu thuế.

b) Cá nhân là người không mang quốc tịch Việt Nam nhưng có thu nhập chịu thuế, bao gồm: người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhânĐiều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

1. Thu nhập từ kinh doanh

Thu nhập từ kinh doanh là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực sau:

a) Thu nhập từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật như: sản xuất, kinh doanh hàng hóa; xây dựng; vận tải; kinh doanh ăn uống; kinh doanh dịch vụ, kể cả dịch vụ cho thuê nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác.

b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

c) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng đủ điều kiện được miễn thuế hướng dẫn tại điểm e, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

b.1) Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

b.2) Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.

b.3) Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.

b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.

b.5) Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.

b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

b.7) Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.

b.8) Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao.

b.9) Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

b.10) Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.

b.11) Phụ cấp đặc thù ngành nghề.

Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, Điều này phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Trường hợp các văn bản hướng dẫn về các khoản phụ cấp, trợ cấp, mức phụ cấp, trợ cấp áp dụng đối với khu vực Nhà nước thì các thành phần kinh tế khác, các cơ sở kinh doanh khác được căn cứ vào danh mục và mức phụ cấp, trợ cấp hướng dẫn đối với khu vực Nhà nước để tính trừ.

Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.

Riêng trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được trừ theo mức ghi tại Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

c) Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.

d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

đ.1) Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có).

Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.

Khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị.

đ.2) Khoản tiền phí mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động đối với những sản phẩm bảo hiểm có tích lũy về phí bảo hiểm.

đ.3) Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu như: chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ, cụ thể như sau:

đ.3.1) Khoản phí hội viên (như thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao...) nếu thẻ có ghi đích danh cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng. Trường hợp thẻ được sử dụng chung, không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

đ.3.2) Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ... nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:

đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

đ.4.3) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.

đ.5) Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón tập thể người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động; trường hợp chỉ đưa đón riêng từng cá nhân thì phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân được đưa đón.

đ.6) Đối với khoản chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị sử dụng lao động thì không tính vào thu nhập của người lao động.

đ.7) Các khoản lợi ích khác.

Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng...

e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:

e.1) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, cụ thể:

e.1.1) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến, Chiến sỹ tiên tiến.

e.1.2) Tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng.

e.1.3) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu do Nhà nước phong tặng.

e.1.4) Tiền thưởng kèm theo các giải thưởng do các Hội, tổ chức thuộc các Tổ chức chính trị, Tổ chức chính trị - xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Trung ương và địa phương trao tặng phù hợp với điều lệ của tổ chức đó và phù hợp với quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

e.1.5) Tiền thưởng kèm theo giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.

e.1.6) Tiền thưởng kèm theo Kỷ niệm chương, Huy hiệu.

e.1.7) Tiền thưởng kèm theo Bằng khen, Giấy khen.

Thẩm quyền ra quyết định khen thưởng, mức tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng nêu trên phải phù hợp với quy định của Luật Thi đua khen thưởng.

e.2) Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.

e.3) Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

e.4) Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

g) Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau:

g.1) Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động.

g.1.1) Thân nhân của người lao động trong trường hợp này bao gồm: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp.

g.1.2) Mức hỗ trợ không tính vào thu nhập chịu thuế là số tiền thực tế chi trả theo chứng từ trả tiền viện phí nhưng tối đa không quá số tiền trả viện phí của người lao động và thân nhân người lao động sau khi đã trừ số tiền chi trả của tổ chức bảo hiểm.

g.1.3) Người sử dụng lao động chi tiền hỗ trợ có trách nhiệm: lưu giữ bản sao chứng từ trả tiền viện phí có xác nhận của người sử dụng lao động (trong trường hợp người lao động và thân nhân người lao động trả phần còn lại sau khi tổ chức bảo hiểm trả trực tiếp với cơ sở khám chữa bệnh) hoặc bản sao chứng từ trả viện phí; bản sao chứng từ chi bảo hiểm y tế có xác nhận của người sử dụng lao động (trong trường hợp người lao động và thân nhân người lao động trả toàn bộ viện phí, tổ chức bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người lao động và thân nhân người lao động) cùng với chứng từ chi tiền hỗ trợ cho người lao động và thân nhân người lao động mắc bệnh hiểm nghèo.

g.2) Khoản tiền nhận được theo quy định về sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức Đảng, đoàn thể.

g.3) Khoản tiền nhận được theo chế độ nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.

g.4) Các khoản nhận được ngoài tiền lương, tiền công do tham gia ý kiến, thẩm định, thẩm tra các văn bản pháp luật, Nghị quyết, các báo cáo chính trị; tham gia các đoàn kiểm tra giám sát; tiếp cử tri, tiếp công dân; trang phục và các công việc khác có liên quan đến phục vụ trực tiếp hoạt động của Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội; Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; Văn phòng Thành ủy, Tỉnh ủy và các Ban của Thành uỷ, Tỉnh ủy.

g.5) Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn.

Trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.

Mức chi cụ thể áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức, đơn vị thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, các Hội không quá mức hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và các tổ chức khác, mức chi do thủ trưởng đơn vị thống nhất với chủ tịch công đoàn quyết định nhưng tối đa không vượt quá mức áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước.

g.6) Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần.

Căn cứ xác định khoản tiền mua vé máy bay là hợp đồng lao động và khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia người nước ngoài mang quốc tịch hoặc quốc gia nơi gia đình người nước ngoài sinh sống và ngược lại; khoản tiền thanh toán vé máy bay từ quốc gia nơi người Việt Nam đang làm việc về Việt Nam và ngược lại.

g.7) Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ.

g.8) Các khoản thu nhập cá nhân nhận được từ các Hội, tổ chức tài trợ không phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân nếu cá nhân nhận tài trợ là thành viên của Hội, của tổ chức; kinh phí tài trợ được sử dụng từ nguồn kinh phí Nhà nước hoặc được quản lý theo quy định của Nhà nước; việc sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình nghiên cứu khoa học... thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước hay theo chương trình hoạt động phù hợp với Điều lệ của Hội, tổ chức đó.

g.9) Các khoản thanh toán mà người sử dụng lao động trả để phục vụ việc điều động, luân chuyển người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại hợp đồng lao động, tuân thủ lịch lao động chuẩn theo thông lệ quốc tế của một số ngành như dầu khí, khai khoáng.

Căn cứ xác định là hợp đồng lao động và khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia nơi người nước ngoài cư trú và ngược lại.

Ví dụ 1: Ông X là người nước ngoài được nhà thầu dầu khí Y điều chuyển đến làm việc tại giàn khoan trên thềm lục địa Việt Nam. Theo quy định tại hợp đồng lao động, chu kỳ làm việc của ông X tại giàn khoan là 28 ngày liên tục, sau đó được nghỉ 28 ngày. Nhà thầu Y thanh toán cho ông X các khoản tiền vé máy bay từ nước ngoài đến Việt Nam và ngược lại mỗi lần đổi ca, chi phí cung cấp trực thăng đưa đón ông X chặng từ đất liền Việt Nam ra giàn khoan và ngược lại, chi phí lưu trú trong trường hợp ông X chờ chuyến bay trực thăng đưa ra giàn khoan làm việc thì không tính các khoản tiền này vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của ông X.

3. Thu nhập từ đầu tư vốn

Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:

a) Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng dẫn tại tiết g.1, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.

b) Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần.

c) Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp tác xã, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các hình thức kinh doanh khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã; lợi tức nhận được do tham gia góp vốn thành lập tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; góp vốn vào Quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

d) Phần tăng thêm của giá trị vốn góp nhận được khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn.

đ) Thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác do các tổ chức trong nước phát hành, trừ thu nhập theo hướng dẫn tại tiết g.1 và g.3, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.

e) Các khoản thu nhập nhận được từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, bằng danh tiếng, bằng quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế.

g) Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn.

4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn

Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.

b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

c) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.

5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản

Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là khoản thu nhập nhận được từ việc chuyển nhượng bất động sản bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

b) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất bao gồm:

b.1) Nhà ở, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai.

b.2) Kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai.

b.3) Các tài sản khác gắn liền với đất bao gồm các tài sản là sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp (như cây trồng, vật nuôi).

c) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai.

d) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước.

đ) Thu nhập khi góp vốn bằng bất động sản để thành lập doanh nghiệp hoặc tăng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

e) Thu nhập từ việc ủy quyền quản lý bất động sản mà người được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có quyền như người sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật.

g) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.

Quy định về nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai nêu tại khoản 5 Điều này thực hiện theo pháp luật về kinh doanh bất động sản.

6. Thu nhập từ trúng thưởng

Thu nhập từ trúng thưởng là các khoản tiền hoặc hiện vật mà cá nhân nhận được dưới các hình thức sau đây:

a) Trúng thưởng xổ số do các công ty xổ số phát hành trả thưởng.

b) Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại khi tham gia mua bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật Thương mại.

c) Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, đặt cược được pháp luật cho phép.

d) Trúng thưởng trong các casino được pháp luật cho phép hoạt động.

đ) Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác do các tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đoàn thể và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức.

7. Thu nhập từ bản quyền

Thu nhập từ bản quyền là thu nhập nhận được khi chuyển nhượng, chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ. Cụ thể như sau:

a) Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn liên quan, bao gồm:

a.1) Đối tượng quyền tác giả bao gồm các tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm: ghi hình, ghi âm chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

a.2) Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

a.3) Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.

b) Đối tượng của chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Luật Chuyển giao công nghệ, bao gồm:

b.1) Chuyển giao các bí quyết kỹ thuật.

b.2) Chuyển giao kiến thức kỹ thuật về công nghệ dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu.

b.3) Chuyển giao giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.

Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ nêu trên bao gồm cả trường hợp chuyển nhượng lại.

8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện của bên nhượng quyền tại hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Thu nhập từ nhượng quyền thương mại là các khoản thu nhập mà cá nhân nhận được từ các hợp đồng nhượng quyền thương mại nêu trên, bao gồm cả trường hợp nhượng lại quyền thương mại theo quy định của pháp luật về nhượng quyền thương mại.

9. Thu nhập từ nhận thừa kế

Thu nhập từ nhận thừa kế là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế, cụ thể như sau:

a) Đối với nhận thừa kế là chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; cổ phần của cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

b) Đối với nhận thừa kế là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh bao gồm: vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh; vốn trong doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân; vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân.

c) Đối với nhận thừa kế là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức; trừ thu nhập từ thừa kế là bất động sản theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.

d) Đối với nhận thừa kế là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.

10. Thu nhập từ nhận quà tặng

Thu nhập từ nhận quà tặng là khoản thu nhập của cá nhân nhận được từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cụ thể như sau:

a) Đối với nhận quà tặng là chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

b) Đối với nhận quà tặng là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh bao gồm: vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, vốn trong doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân, vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân.

c) Đối với nhận quà tặng là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức; trừ thu nhập từ quà tặng là bất động sản hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.

d) Đối với nhận quà tặng là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.

Điều 3. Các khoản thu nhập được miễn thuế

1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.

Trường hợp bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế.

b) Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

b.1) Cá nhân chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở được miễn thuế theo hướng dẫn tại điểm b, khoản 1, Điều này phải đồng thời đáp ứng các điều kiện sau:

b.1.1) Chỉ có duy nhất quyền sở hữu một nhà ở hoặc quyền sử dụng một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó) tại thời điểm chuyển nhượng, cụ thể như sau:

b.1.1.1) Việc xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

b.1.1.2) Trường hợp chuyển nhượng nhà ở có chung quyền sở hữu, đất ở có chung quyền sử dụng thì chỉ cá nhân chưa có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nơi khác được miễn thuế; cá nhân có chung quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở còn có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở khác không được miễn thuế.

b.1.1.3) Trường hợp vợ chồng có chung quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và cũng là duy nhất của chung vợ chồng nhưng vợ hoặc chồng còn có nhà ở, đất ở riêng, khi chuyển nhượng nhà ở, đất ở của chung vợ chồng thì vợ hoặc chồng chưa có nhà ở, đất ở riêng được miễn thuế; chồng hoặc vợ có nhà ở, đất ở riêng không được miễn thuế.

b.1.2) Có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày.

Thời điểm xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở là ngày cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

b.1.3) Chuyển nhượng toàn bộ nhà ở, đất ở.

Trường hợp cá nhân có quyền hoặc chung quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở duy nhất nhưng chuyển nhượng một phần thì không được miễn thuế cho phần chuyển nhượng đó.

b.2) Nhà ở, đất ở duy nhất được miễn thuế do cá nhân chuyển nhượng bất động sản tự khai và chịu trách nhiệm. Nếu phát hiện không đúng sẽ bị xử lý truy thu thuế và phạt về hành vi vi phạm pháp luật thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

b.3) Trường hợp chuyển nhượng nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai không thuộc diện được miễn thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại điểm b, khoản 1, Điều này.

c) Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cá nhân được miễn, giảm tiền sử dụng đất khi giao đất, nếu chuyển nhượng diện tích đất được miễn, giảm tiền sử dụng đất thì khai, nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư này.

d) Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.

đ) Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp để hợp lý hóa sản xuất nông nghiệp nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, được Nhà nước giao để sản xuất.

e) Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường chưa chế biến thành sản phẩm khác.

Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất theo hướng dẫn tại điểm này phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

e.1) Có quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, quyền sử dụng mặt nước, quyền thuê mặt nước hợp pháp để sản xuất và trực tiếp tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản.

Trường hợp đi thuê lại đất, mặt nước của tổ chức, cá nhân khác thì phải có văn bản thuê đất, mặt nước theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận khoán trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng với các công ty Lâm nghiệp). Đối với hoạt động đánh bắt thủy sản phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê tàu, thuyền sử dụng vào mục đích đánh bắt và trực tiếp tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản (trừ trường hợp đánh bắt thủy sản trên sông bằng hình thức đáy sông (đáy cá) và không thuộc những hoạt động khai thác thủy sản bị cấm theo quy định của pháp luật).

e.2) Thực tế cư trú tại địa phương nơi diễn ra hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

Địa phương nơi diễn ra hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn này là quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là đơn vị hành chính cấp huyện) hoặc huyện giáp ranh với nơi diễn ra hoạt động sản xuất.

Riêng đối với hoạt động đánh bắt thủy sản thì không phụ thuộc nơi cư trú.

e.3) Các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng đánh bắt thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc mới chỉ sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác.

g) Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.

g.1) Lãi tiền gửi được miễn thuế theo quy định tại điểm này là thu nhập cá nhân nhận được từ lãi gửi Đồng Việt Nam, vàng, ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng dưới các hình thức gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi theo thỏa thuận.

Căn cứ để xác định thu nhập miễn thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi là sổ tiết kiệm (hoặc thẻ tiết kiệm), chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các giấy tờ khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi theo thỏa thuận.

g.2) Lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là khoản lãi mà cá nhân nhận được theo hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Căn cứ để xác định thu nhập miễn thuế đối với thu nhập từ lãi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là chứng từ trả tiền lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

g.3) Lãi trái phiếu Chính phủ là khoản lãi mà cá nhân nhận được từ việc mua trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính phát hành.

Căn cứ để xác định thu nhập miễn thuế đối với thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ là mệnh giá, lãi suất và kỳ hạn trên trái phiếu Chính Phủ.

h) Thu nhập từ kiều hối được miễn thuế là khoản tiền cá nhân nhận được từ nước ngoài do thân nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người Việt Nam đi lao động, công tác, học tập tại nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân ở trong nước.

Căn cứ xác định thu nhập từ kiều hối được miễn thuế là các giấy tờ chứng minh nguồn tiền nhận từ nước ngoài và chứng từ chi tiền của tổ chức trả hộ (nếu có).

i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

Ví dụ 2: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.

- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:

60.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ

- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cá nhân được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:

80.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ

i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.

k) Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội trả theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện.

Cá nhân sinh sống, làm việc tại Việt Nam được miễn thuế đối với tiền lương hưu được trả từ nước ngoài.

m) Thu nhập từ học bổng, bao gồm:

m.1) Học bổng nhận được từ ngân sách Nhà nước bao gồm: học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường công lập hoặc các loại học bổng khác có nguồn từ ngân sách Nhà nước.

m.2) Học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước (bao gồm cả khoản tiền sinh hoạt phí) theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.

Tổ chức trả học bổng cho cá nhân nêu tại điểm này phải lưu giữ các quyết định cấp học bổng và các chứng từ trả học bổng. Trường hợp cá nhân nhận học bổng trực tiếp từ các tổ chức nước ngoài thì cá nhân nhận thu nhập phải lưu giữ tài liệu, chứng từ chứng minh thu nhập nhận được là học bổng do các tổ chức ngoài nước cấp.

n) Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; tiền bồi thường tai nạn lao động; tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các khoản bồi thường Nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước. Cụ thể như sau:

n.1) Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe là khoản tiền mà cá nhân nhận được do tổ chức bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trả cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Căn cứ xác định khoản bồi thường này là văn bản hoặc quyết định bồi thường của tổ chức bảo hiểm hoặc Tòa án và chứng từ trả tiền bồi thường.

n.2) Thu nhập từ tiền bồi thường tai nạn lao động là khoản tiền người lao động nhận được từ người sử dụng lao động hoặc quỹ bảo hiểm xã hội do bị tai nạn trong quá trình tham gia lao động. Căn cứ xác định khoản bồi thường này là văn bản hoặc quyết định bồi thường của người sử dụng lao động hoặc Tòa án và chứng từ chi bồi thường tai nạn lao động.

n.3) Thu nhập từ bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là tiền bồi thường, hỗ trợ do Nhà nước thu hồi đất, kể cả các khoản thu nhập do các tổ chức kinh tế bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện thu hồi đất theo quy định.

Căn cứ để xác định thu nhập từ bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thu hồi đất, bồi thường tái định cư và chứng từ chi tiền bồi thường.

n.4) Thu nhập từ bồi thường Nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước là khoản tiền cá nhân được bồi thường do các quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng của người có thẩm quyền, của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gây thiệt hại đến quyền lợi của cá nhân; thu nhập từ bồi thường cho người bị oan do cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định. Căn cứ xác định khoản bồi thường này là quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc cơ quan hoặc cá nhân có quyết định sai phải bồi thường và chứng từ chi bồi thường.

p) Thu nhập nhận được từ các quỹ từ thiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học không nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Quỹ từ thiện nêu tại điểm này là quỹ từ thiện được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Căn cứ xác định thu nhập nhận được từ các quỹ từ thiện được miễn thuế tại điểm này là văn bản hoặc quyết định trao khoản thu nhập của quỹ từ thiện và chứng từ chi tiền, hiện vật từ quỹ từ thiện.

q) Thu nhập nhận được từ các nguồn viện trợ của nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo dưới hình thức Chính phủ và phi Chính phủ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Căn cứ xác định thu nhập được miễn thuế tại điểm này là văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt việc nhận viện trợ.

2. Thủ tục, hồ sơ miễn thuế đối với các trường hợp miễn thuế nêu tại điểm a, b, c, d, đ, khoản 1, Điều này được thực hiện theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế.

Điều 4. Giảm thuế

Theo quy định tại Điều 5 Luật thuế Thu nhập cá nhân, Điều 5 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Cụ thể như sau:

1. Xác định số thuế được giảm

a) Việc xét giảm thuế được thực hiện theo năm tính thuế. Người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo trong năm tính thuế nào thì được xét giảm số thuế phải nộp của năm tính thuế đó.

b) Số thuế phải nộp làm căn cứ xét giảm thuế là tổng số thuế thu nhập cá nhân mà người nộp thuế phải nộp trong năm tính thuế, bao gồm:

b.1) Thuế thu nhập cá nhân đã nộp hoặc đã khấu trừ đối với thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại, thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng.

b.2) Thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công.

c) Căn cứ để xác định mức độ thiệt hại được giảm thuế là tổng chi phí thực tế để khắc phục thiệt hại trừ (-) đi các khoản bồi thường nhận được từ tổ chức bảo hiểm (nếu có) hoặc từ tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn (nếu có).

d) Số thuế giảm được xác định như sau:

d.1) Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế lớn hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng mức độ thiệt hại.

d.2) Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế nhỏ hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng số thuế phải nộp.

2. Thủ tục, hồ sơ xét giảm thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế.

Điều 5. Quy đổi thu nhập chịu thuế ra đồng Việt Nam

1. Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được tính bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp thu nhập chịu thuế nhận được bằng ngoại tệ phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tại thời điểm phát sinh thu nhập.

Đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam.

2. Thu nhập chịu thuế nhận được không bằng tiền phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo giá thị trường của sản phẩm, dịch vụ đó hoặc sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh thu nhập.

Điều 6. Kỳ tính thuế

1. Đối với cá nhân cư trú

a) Kỳ tính thuế theo năm: áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế được tính theo năm dương lịch.

Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế đầu tiên được xác định là 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Từ năm thứ hai, kỳ tính thuế căn cứ theo năm dương lịch.

Ví dụ 3: Ông B là người nước ngoài lần đầu tiên đến Việt Nam từ ngày 20/4/2014. Trong năm 2014 tính đến ngày 31/12/2014, ông B có mặt tại Việt Nam tổng cộng 130 ngày. Trong năm 2015, tính đến 19/4/2015 ông B có mặt tại Việt Nam tổng cộng 65 ngày. Kỳ tính thuế đầu tiên của ông B được xác định từ ngày 20/4/2014 đến hết ngày 19/4/2015. Kỳ tính thuế thứ hai được xác định từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2015.

b) Kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh thu nhập: áp dụng đối với thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại, thu nhập từ thừa kế, thu nhập từ quà tặng.

c) Kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh hoặc theo năm áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

2. Đối với cá nhân không cư trú

Kỳ tính thuế đối với cá nhân không cư trú được tính theo từng lần phát sinh thu nhập.

Trường hợp cá nhân kinh doanh không cư trú có địa điểm kinh doanh cố định như cửa hàng, quầy hàng thì kỳ tính thuế áp dụng như đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh.

Chương 2.

CĂN CỨ TÍNH THUẾ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN CƯ TRÚ

Điều 7. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể như sau:

1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:

a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.

b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.

c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này.

2. Thuế suất

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân, cụ thể như sau:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35

3. Cách tính thuế

Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công là tổng số thuế tính theo từng bậc thu nhập. Số thuế tính theo từng bậc thu nhập bằng thu nhập tính thuế của bậc thu nhập nhân (×) với thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó.

Để thuận tiện cho việc tính toán, có thể áp dụng phương pháp tính rút gọn theo phụ lục số 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

Ví dụ 4: Bà C có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng là 40 triệu đồngnộp các khoản bảo hiểm là: 7% bảo hiểm xã hội, 1,5% bảo hiểm y tế trên tiền lương. C nuôi 2 con dưới 18 tuổi, trong tháng C không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Thuế thu nhập cá nhân tạm nộp trong tháng của Bà C được tính như sau:

- Thu nhập chịu thuế của Bà C là 40 triệu đồng.

- Bà C được giảm trừ các khoản sau:

+ Giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 9 triệu đồng

+ Giảm trừ gia cảnh cho 02 người phụ thuộc (2 con):

3,6 triệu đồng × 2 = 7,2 triệu đồng

+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:

40 triệu đồng × (7% + 1,5%) = 3,4 triệu đồng

Tổng cộng các khoản được giảm trừ:

9 triệu đồng + 7,2 triệu đồng + 3,4 triệu đồng = 19,6 triệu đồng

- Thu nhập tính thuế của Bà C là:

40 triệu đồng - 19,6 triệu đồng = 20,4 triệu đồng

- Số thuế phải nộp:

Cách 1: Số thuế phải nộp tính theo từng bậc của Biểu thuế lũy tiến từng phần:

+ Bậc 1: thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%:

5 triệu đồng × 5% = 0,25 triệu đồng

+ Bậc 2: thu nhập tính thuế trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%:

(10 triệu đồng - 5 triệu đồng) × 10% = 0,5 triệu đồng

+ Bậc 3: thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%:

(18 triệu đồng - 10 triệu đồng) × 15% = 1,2 triệu đồng

+ Bậc 4: thu nhập tính thuế trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng, thuế suất 20%:

(20,4 triệu đồng - 18 triệu đồng) × 20% = 0,48 triệu đồng

- Tổng số thuế Bà C phải tạm nộp trong tháng là:

0,25 triệu đồng + 0,5 triệu đồng + 1,2 triệu đồng + 0,48 triệu đồng = 2,43 triệu đồng

Cách 2: Số thuế phải nộp tính theo phương pháp rút gọn:

Thu nhập tính thuế trong tháng 20,4 triệu đồng là thu nhập tính thuế thuộc bậc 4. Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp như sau:

20,4 triệu đồng × 20% - 1,65 triệu đồng = 2,43 triệu đồng

4. Quy đổi thu nhập không bao gồm thuế thành thu nhập tính thuế

Trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công cho người lao động theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này không bao gồm thuế thì phải quy đổi thu nhập không bao gồm thuế thành thu nhập tính thuế theo Phụ lục số 02/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này để xác định thu nhập chịu thuế. Cụ thể như sau:

a) Thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế là thu nhập thực nhận cộng (+) các khoản lợi ích do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động (nếu có) trừ (-) các khoản giảm trừ. Trường hợp trong các khoản trả thay có tiền thuê nhà thì tiền thuê nhà tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi bằng số thực trả nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế tại đơn vị (chưa bao gồm tiền thuê nhà).

Công thức xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi:

Thu nhập làm căn cứ quy đổi

=

Thu nhập thực nhận

+

Các khoản trả thay

-

Các khoản giảm trừ

Trong đó:

- Thu nhập thực nhận là tiền lương, tiền công không bao gồm thuế mà người lao động nhận được hàng tháng.

- Các khoản trả thay là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền do người sử dụng lao động trả cho người lao động theo hướng dẫn tại điểm đ, khoản 2, Điều 2 Thông tư này.

- Các khoản giảm trừ bao gồm: giảm trừ gia cảnh; giảm trừ đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện; giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư này.

Ví dụ 5: Năm 2014, theo hợp đồng lao động ký giữa Ông D và Công ty X thì Ông D được trả lương hàng tháng là 31,5 triệu đồng, ngoài tiền lương Ông D được công ty X trả thay phí hội viên câu lạc bộ thể thao 1 triệu đồng/tháng. Ông D phải đóng bảo hiểm bắt buộc là 1,5 triệu đồng/tháng. Công ty X chịu trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định thay cho ông D. Trong năm Ông D chỉ tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân, không có người phụ thuộc và không phát sinh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp hàng tháng của Ông D như sau:

- Thu nhập làm căn cứ quy đổi là:

31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng – (9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 22 triệu đồng

- Thu nhập tính thuế (xác định theo Phụ lục số 02/PL-TNCN) là:

(22 triệu đồng – 1,65 triệu đồng)/0,8 = 25,4375 triệu đồng

- Thuế thu nhập cá nhân Ông D phải nộp (áp dụng cách tính thuế rút gọn theo Phụ lục số 01/PL-TNCN) là:

25,4375 triệu đồng × 20% - 1,65 triệu đồng = 3,4375 triệu đồng

Ví dụ 6: Giả sử ông D tại ví dụ 5 nêu trên còn được công ty X trả thay tiền thuê nhà là 6 triệu đồng/tháng. Thuế thu nhập cá nhân phải nộp hàng tháng của Ông D như sau:

Bước 1: Xác định tiền thuê nhà trả thay được tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi

- Thu nhập làm căn cứ quy đổi (không gồm tiền thuê nhà):

31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng – (9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 22 triệu đồng

- Thu nhập tính thuế (xác định theo Phụ lục số 02/PL-TNCN) là:

(22 triệu đồng – 1,65 triệu đồng)/0,8 = 25,4375 triệu đồng

- Thu nhập chịu thuế (không gồm tiền thuê nhà):

25,4375 triệu đồng + 9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng = 35,9375 triệu đồng/tháng

- 15% Tổng thu nhập chịu thuế (không gồm tiền thuê nhà):

35,9375 triệu đồng × 15% = 5,390 triệu đồng/tháng

Vậy tiền thuê nhà được tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi là 5,390 triệu đồng/tháng

Bước 2: Xác định thu nhập tính thuế

- Thu nhập làm căn cứ để quy đổi thành thu nhập tính thuế:

31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng + 5,390 triệu đồng – (9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 27,39 triệu đồng/tháng

- Thu nhập tính thuế (quy đổi theo Phụ lục số 02/PL-TNCN):

(27,39 triệu đồng - 3,25 triệu đồng)/0,75 = 32,187 triệu đồng/tháng

- Thuế thu nhập cá nhân phải nộp:

32,187 triệu đồng × 25% - 3,25 triệu đồng = 4,797 triệu đồng/tháng

- Thu nhập chịu thuế hàng tháng của ông D là:

31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng + 5,390 triệu đồng + 4,797 triệu đồng = 42,687 triệu đồng/tháng

Hoặc xác định theo cách:

32,187 triệu đồng + 9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng = 42,687 triệu đồng/tháng.

b) Trường hợp cá nhân thuộc diện quyết toán thuế theo quy định thì thu nhập chịu thuế của năm là tổng thu nhập chịu thuế của từng tháng được xác định trên cơ sở thu nhập tính thuế đã quy đổi. Trường hợp cá nhân có thu nhập không bao gồm thuế từ nhiều tổ chức trả thu nhập thì thu nhập chịu thuế của năm là tổng thu nhập chịu thuế từng tháng tại các tổ chức trả thu nhập trong năm.

Ví dụ 7: Giả sử Ông D tại ví dụ 6 nêu trên, ngoài thu nhập tại công ty X, từ tháng 01/2014 đến tháng 5/2014 ông còn có hợp đồng nhận thu nhập tại công ty Y là 12 triệu đồng/tháng. Công ty Y cũng trả thay thuế thu nhập cá nhân cho Ông D.

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân của ông D năm 2014 như sau:

- Tại công ty X, thu nhập chịu thuế năm của ông D là:

42,687 triệu đồng x 12 tháng = 512,244 triệu đồng

- Tại công ty Y:

+ Thu nhập tính thuế hàng tháng (quy đổi theo Phụ lục số 02/PL-TNCN):

(12 triệu đồng – 0,75 triệu đồng)/0,85 = 13,235 triệu đồng

+ Thu nhập chịu thuế năm tại công ty Y:

13,235 triệu đồng x 5 tháng = 66,175 triệu đồng

- Tổng thu nhập chịu thuế của ông D năm 2014:

512,244 triệu đồng + 66, 175 triệu đồng = 578,419 triệu đồng

- Thu nhập tính thuế tháng:

(578,419 triệu đồng : 12 tháng) - (9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 37,702 triệu đồng

- Thuế Thu nhập cá nhân phải nộp trong năm:

(37,702 triệu đồng × 25% - 3,25 triệu đồng) × 12 tháng = 74,105 triệu đồng.

5. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ hoạt động đại lý xổ số, từ đại lý bảo hiểm, từ bán hàng đa cấp là thu nhập tính thuế và tỷ lệ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể như sau:

a) Thu nhập tính thuế là thu nhập chịu thuế từ hoạt động đại lý xổ số, từ hoạt động đại lý bảo hiểm, từ bán hàng đa cấp bao gồm: hoa hồng của đại lý, các khoản thưởng dưới mọi hình thức, các khoản hỗ trợ và các khoản khác mà cá nhân nhận được từ công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế là thời điểm công ty Xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả thu nhập cho cá nhân.

c) Tỷ lệ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân:

c.1) Công ty Xổ số kiến thiết thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên thu nhập tính thuế hàng tháng của cá nhân như sau:

Đơn vị: 1.000 đồng Việt Nam

Thu nhập tính thuế/tháng

Tỷ lệ khấu trừ

Đến 9.000

0%

Trên 9.000

5%

c.2) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên thu nhập tính thuế hàng tháng của cá nhân như sau:

Đơn vị: 1.000 đồng Việt Nam

Thu nhập tính thuế/tháng

Tỷ lệ khấu trừ

Đến 9.000

0%

Trên 9.000 đến 20.000

5%

Trên 20.000

10%

6. Căn cứ tính thuế đối với tiền tích lũy mua bảo hiểm không bắt buộc, tiền tích lũy đóng quỹ hưu trí tự nguyện là khoản tiền phí tích lũy mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền tích lũy đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện, do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động và tỷ lệ khấu trừ 10%.

Trước khi trả tiền bảo hiểm, tiền lương hưu cho cá nhân, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí tích luỹ, tiền tích lũy đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

Doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện có trách nhiệm theo dõi riêng phần phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền tích lũy đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động để làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.

Điều 8. Xác định thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công

1. Xác định thu nhập chịu thuế từ kinh doanh

Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế.

Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh đối với từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:

a) Đối với cá nhân kinh doanh chưa thực hiện đúng pháp luật về kế toán, hóa đơn chứng từ.

a.1) Đối với cá nhân kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán hóa đơn, chứng từ không xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập chịu thuế (sau đây gọi tắt là cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán).

a.1.1) Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì thu nhập chịu thuế xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế

=

Doanh thu khoán trong kỳ tính thuế

x

Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định

Trong đó:

- Doanh thu khoán được xác định theo tài liệu kê khai của cá nhân kinh doanh, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, kết quả điều tra doanh thu thực tế của cơ quan thuế và ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường.

- Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định được xác định theo hướng dẫn điểm a.4, khoản 1, Điều này.

a.1.2) Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có sử dụng hóa đơn.

a.1.2.1) Trường hợp cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có sử dụng hóa đơn quyển, nếu trong quý doanh thu trên hóa đơn cao hơn doanh thu khoán thì ngoài việc nộp thuế theo doanh thu khoán còn phải nộp bổ sung thuế thu nhập cá nhân đối với phần doanh thu trên hóa đơn cao hơn doanh thu khoán.

a.1.2.2) Trường hợp cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán lẻ theo từng số thì khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% tính trên thu nhập chịu thuế của từng lần phát sinh.

Thu nhập chịu thuế của từng lần phát sinh được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế từng lần phát sinh

=

Doanh thu tính thu nhập chịu thuế từng lần phát sinh

x

Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định

Trong đó:

- Doanh thu tính thu nhập chịu thuế từng lần phát sinh được xác định theo hợp đồng và các chứng từ mua bán.

- Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định được xác định theo hướng dẫn tại điểm a.4, khoản 1, Điều này.

a.1.2.3) Trường hợp cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sử dụng hóa đơn quyển có yêu cầu hoàn thuế thu nhập cá nhân thì doanh thu tính thuế của năm được xác định như sau:

- Nếu doanh thu trên hóa đơn của cả năm thấp hơn doanh thu khoán thì doanh thu tính thuế của năm là doanh thu khoán.

- Nếu doanh thu trên hóa đơn của cả năm cao hơn doanh thu khoán thì doanh thu tính thuế của năm là doanh thu trên hóa đơn.

a.2) Đối với cá nhân kinh doanh chỉ hạch toán được doanh thu không hạch toán được chi phí thì thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế

=

Doanh thu tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế

×

Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định

+

Thu nhập chịu thuế khác trong kỳ tính thuế

Trong đó:

- Doanh thu tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế được xác định theo hướng dẫn tại điểm b.1, khoản 1, Điều này.

- Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định được xác định theo hướng dẫn tại điểm a.4, khoản 1, Điều này.

- Thu nhập chịu thuế khác là các khoản thu nhập phát sinh trong quá trình kinh doanh gồm: tiền phạt vi phạm hợp đồng; tiền phạt do chậm thanh toán; tiền lãi ngân hàng trong quá trình thanh toán; tiền lãi do bán hàng trả chậm, trả góp; tiền lãi do bán tài sản cố định; tiền bán phế liệu, phế phẩm và thu nhập chịu thuế khác.

a.3) Đối với cá nhân kinh doanh lưu động (buôn chuyến) và cá nhân không kinh doanh có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.

Cá nhân kinh doanh lưu động (buôn chuyến) và cá nhân không kinh doanh có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% tính trên thu nhập chịu thuế của từng lần phát sinh.

Thu nhập chịu thuế của từng lần phát sinh được xác định tương tự như đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán lẻ theo từng số theo hướng dẫn tại tiết a.1.2.2, điểm a, khoản 1, Điều này.

a.4) Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định

Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định tính trên doanh thu áp dụng đối với cá nhân kinh doanh chưa thực hiện đúng pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ; cá nhân kinh doanh lưu động và cá nhân không kinh doanh như sau:

Hoạt động

Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định (%)

Phân phối, cung cấp hàng hóa

7

Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu

30

Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu

15

Hoạt động kinh doanh khác

12

Đối với cá nhân kinh doanh nhiều ngành nghề thì áp dụng theo tỷ lệ của hoạt động kinh doanh chính. Trường hợp cá nhân thực tế kinh doanh nhiều ngành nghề và không xác định được ngành nghề kinh doanh chính thì áp dụng theo tỷ lệ của “Hoạt động kinh doanh khác”.

b) Đối với cá nhân kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán hóa đơn, chứng từ thì thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế

=

Doanh thu tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế

-

Chi phí hợp lý được trừ trong kỳ tính thuế

+

Thu nhập chịu thuế khác trong kỳ tính thuế

b.1) Doanh thu tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế từ kinh doanh là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền và được xác định theo sổ sách kế toán.

b.1.1) Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế như sau:

b.1.1.1) Đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa hoặc thời điểm lập hóa đơn bán hàng.

b.1.1.2) Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ. Đối với hoạt động cho thuê nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác là thời điểm hợp đồng cho thuê có hiệu lực.

Trường hợp thời điểm lập hóa đơn trước thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa (hoặc dịch vụ hoàn thành) thì thời điểm xác định doanh thu được tính theo thời điểm lập hóa đơn hoặc ngược lại.

b.1.2) Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp được xác định như sau:

b.1.2.1) Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp được xác định theo giá bán hàng hóa trả tiền một lần, không bao gồm tiền lãi trả góp.

b.1.2.2) Đối với hàng hóa, dịch vụ bán theo phương thức trả chậm là tiền bán hàng hóa, dịch vụ trả một lần, không bao gồm tiền lãi trả chậm.

Trường hợp việc thanh toán theo hợp đồng mua bán theo phương thức trả góp, trả chậm kéo dài nhiều kỳ tính thuế theo doanh thu là số tiền phải thu của người mua trong kỳ tính thuế không bao gồm lãi trả góp, trả chậm theo thời hạn quy định trong hợp đồng.

Việc xác định chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế đối với hàng hóa bán trả góp, trả chậm thực hiện theo nguyên tắc chi phí phải phù hợp với doanh thu.

b.1.2.3) Đối với hàng hóa, dịch vụ do cá nhân kinh doanh làm ra dùng để trao đổi, biếu, tặng, trang bị, thưởng cho người lao động, doanh thu được xác định theo giá bán hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm trao đổi, biếu, tặng, trang bị, thưởng cho người lao động.

b.1.2.4) Đối với hàng hóa, dịch vụ do cá nhân kinh doanh làm ra tự dùng để phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của cá nhân thì doanh thu là chi phí sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đó.

b.1.2.5) Đối với hoạt động gia công hàng hóa thì doanh thu là tổng số tiền thu về từ hoạt động gia công bao gồm cả tiền công, nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hóa.

b.1.2.6) Đối với nhận đại lý, ký gửi bán hàng đúng giá quy định của cá nhân kinh doanh giao đại lý, ký gửi hưởng hoa hồng thì doanh thu là tiền hoa hồng được hưởng theo hợp đồng đại lý, ký gửi hàng hóa.

b.1.2.7) Đối với hoạt động cho thuê tài sản, doanh thu được xác định theo hợp đồng không phân biệt đã nhận tiền hay chưa nhận tiền.

Trường hợp bên thuê trả tiền thuê trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc xác định theo doanh thu trả tiền một lần.

b.1.2.8) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công trình nghiệm thu bàn giao. Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị thì doanh thu tính thuế là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị.

Trường hợp xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị thì doanh thu tính thuế là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị.

b.1.2.9) Đối với hoạt động vận tải là toàn bộ doanh thu vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa phát sinh trong kỳ tính thuế.

b.2) Các khoản chi phí hợp lý được trừ

Chi phí hợp lý được trừ là các khoản chi phí thực tế phát sinh, có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân và có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

b.2.1) Chi phí tiền lương, tiền công, phụ cấp, trợ cấp, các khoản thù lao và các chi phí khác trả cho người lao động theo hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa ước lao động tập thể theo quy định của Bộ luật Lao động.

Đối với chi phí tiền lương, tiền công không bao gồm khoản tiền lương, tiền công của cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc các thành viên đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhóm kinh doanh.

Đối với tiền trang phục trả cho người lao động không vượt quá 5.000.000 đồng/người/năm. Trường hợp chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động thì mức chi tối đa để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 5.000.000 đồng/người/năm. Đối với những ngành kinh doanh có tính chất đặc thù thì chi phí này được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

b.2.2) Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa thực tế sử dụng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ liên quan đến việc tạo ra doanh thu, thu nhập chịu thuế trong kỳ được tính theo mức tiêu hao hợp lý, giá thực tế xuất kho do hộ gia đình, cá nhân kinh doanh tự xác định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trường hợp một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức tiêu hao thì thực hiện theo định mức của Nhà nước đã ban hành.

Mọi trường hợp tổn thất vật tư, tài sản, tiền vốn, hàng hóa đều không được tính giá trị tổn thất đó vào chi phí hợp lý trừ trường hợp tổn thất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường.

Đối với vật tư hàng hóa vừa dùng cho tiêu dùng cá nhân, vừa dùng cho kinh doanh thì chỉ được tính vào chi phí phần sử dụng vào kinh doanh.

b.2.3) Chi phí khấu hao, duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể như sau:

b.2.3.1) Tài sản cố định được trích khấu hao tính vào chi phí hợp lý phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Tài sản cố định sử dụng vào sản xuất, kinh doanh.

- Tài sản cố định phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của cá nhân kinh doanh.

- Tài sản cố định phải được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của cá nhân kinh doanh theo chế độ quản lý và hạch toán kế toán hiện hành.

Riêng trích khấu hao đối với tài sản cố định là ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống không được tính vào chi phí hợp lý.

b.2.3.2) Mức trích khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý theo quy định về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

b.2.3.3) Tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng cho sản xuất, kinh doanh thì không được trích khấu hao.

Đối với tài sản cố định vừa sử dụng cho mục đích kinh doanh, vừa sử dụng cho mục đích khác thì chi phí khấu hao được tính vào chi phí hợp lý tương ứng mức độ sử dụng tài sản cho kinh doanh.

b.2.4) Chi phí trả lãi các khoản tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ liên quan trực tiếp đến việc tạo ra doanh thu, thu nhập chịu thuế.

Mức lãi suất tiền vay được tính theo lãi suất thực tế căn cứ vào hợp đồng vay vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế. Trường hợp vay của các đối tượng không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế thì chi phí trả lãi tiền vay được căn cứ vào hợp đồng vay nhưng mức tối đa không quá 1,5 lần mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.

Chi phí trả lãi tiền vay nêu trên không bao gồm trả lãi tiền vay để góp vốn thành lập cơ sở của cá nhân kinh doanh.

b.2.5) Chi phí quản lý, bao gồm:

b.2.5.1) Chi phí trả tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền mua văn phòng phẩm, tiền thuê kiểm toán, tiền thuê dịch vụ pháp lý, tiền thuê thiết kế, tiền mua bảo hiểm tài sản, tiền dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ mua ngoài khác.

b.2.5.2) Các khoản chi phí để có các tài sản không thuộc tài sản cố định như chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh.

b.2.5.3) Tiền thuê tài sản cố định hoạt động theo hợp đồng thuê. Trường hợp trả tiền thuê tài sản cố định một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo số năm sử dụng tài sản cố định.

b.2.5.4) Chi phí dịch vụ mua ngoài, thuê ngoài khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có chứng từ, hóa đơn theo chế độ quy định.

b.2.5.5) Chi về tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ bao gồm: chi phí bảo quản, đóng gói, vận chuyển, bốc xếp, thuê kho bãi, bảo hành sản phẩm, hàng hóa.

b.2.6) Các khoản thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất phải nộp có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật (trừ thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ và các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác không được tính vào chi phí theo quy định của pháp luật liên quan), bao gồm:

b.2.6.1) Thuế môn bài, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước.

b.2.6.2) Thuế giá trị gia tăng mà pháp luật quy định được tính vào chi phí.

b.2.6.3) Các khoản phí, lệ phí mà cơ sở kinh doanh thực nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

b.2.7) Phần chi phụ cấp cho người lao động đi công tác (không bao gồm tiền đi lại và tiền ở) tối đa là hai lần mức quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.

Chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp cá nhân kinh doanh có khoán tiền đi lại và tiền ở cho người lao động thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại và tiền ở theo quy định của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.

b.2.8) Các khoản chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc tạo ra doanh thu, thu nhập chịu thuế có chứng từ, hóa đơn theo chế độ quy định.

b.3) Thu nhập chịu thuế khác

Thu nhập chịu thuế khác là các khoản thu nhập phát sinh trong quá trình kinh doanh gồm: tiền phạt vi phạm hợp đồng; tiền phạt do chậm thanh toán; tiền lãi ngân hàng trong quá trình thanh toán; tiền lãi do bán hàng trả chậm, trả góp; tiền lãi do bán tài sản cố định; tiền bán phế liệu, phế phẩm và thu nhập chịu thuế khác.

c) Đối với nhóm cá nhân kinh doanh

Trường hợp nhiều người cùng đứng tên trong một Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kể cả trường hợp cho thuê nhà, thuê mặt bằng có nhiều người cùng đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là nhóm cá nhân kinh doanh), sau khi đã xác định được thu nhập chịu thuế từ kinh doanh theo hướng dẫn tại điểm a và b, khoản 1, Điều này, thu nhập chịu thuế của mỗi cá nhân được phân chia theo một trong các cách sau đây:

c.1) Theo tỷ lệ vốn góp của từng cá nhân ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

c.2) Theo thỏa thuận giữa các cá nhân.

c.3) Theo số bình quân thu nhập đầu người trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không xác định tỷ lệ vốn góp hoặc không có thỏa thuận về phân chia thu nhập giữa các cá nhân.

Trên cơ sở thu nhập chịu thuế của mỗi cá nhân cùng tham gia kinh doanh đã xác định theo nguyên tắc phân chia nêu trên, từng cá nhân được tính các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều 9, Thông tư này để xác định thu nhập tính thuế và số thuế thu nhập cá nhân phải nộp riêng cho từng cá nhân.

2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công

a) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.

b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.

Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.

Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy theo hướng dẫn tại điểm đ.2, khoản 2, Điều 2 Thông tư này là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.

3. Thu nhập chịu thuế đối với cá nhân vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế từ kinh doanh và thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công.

Điều 9. Các khoản giảm trừ

Các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều này là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh. Cụ thể như sau:

1. Giảm trừ gia cảnh

Theo quy định tại Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân; khoản 4, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Điều 12 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, việc giảm trừ gia cảnh được thực hiện như sau:

a) Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú.

Trường hợp cá nhân cư trú vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì tính giảm trừ gia cảnh một lần vào tổng thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công.

b) Mức giảm trừ gia cảnh

b.1) Đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm.

b.2) Đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

c) Nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh

c.1) Giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế:

c.1.1) Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.

c.1.2) Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).

Ví dụ 8: Ông E là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc liên tục từ ngày 01/3/2014. Đến ngày 15/11/2014, ông E kết thúc Hợp đồng lao động và về nước. Từ ngày 01/3/2014 đến khi về nước ông E có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày. Như vậy, năm 2014, ông E là cá nhân cư trú và được giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 đến hết tháng 11 năm 2014.

Ví dụ 9: Bà G là người nước ngoài đến Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 21/9/2013. Ngày 15/6/2014, Bà G kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ ngày 21/9/2013 đến ngày 15/6/2014 Bà G có mặt tại Việt Nam 187 ngày. Như vậy trong năm tính thuế đầu tiên (từ ngày 21/9/2013 đến ngày 20/9/2014), Bà G được xác định là cá nhân cư trú của Việt Nam và được giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 9/2013 đến hết tháng 6/2014.

c.1.3) Trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

c.2) Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

c.2.1) Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

c.2.2) Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Đối với người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.

c.2.3) Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều này thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.

c.2.4) Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

d) Người phụ thuộc bao gồm:

d.1) Con: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể gồm:

d.1.1) Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).

Ví dụ 10: Con ông H sinh ngày 25 tháng 7 năm 2014 thì được tính là người phụ thuộc từ tháng 7 năm 2014.

d.1.2) Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

d.1.3) Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

d.2) Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng điệu kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này.

d.3) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này.

d.4) Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này bao gồm:

d.4.1) Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.

d.4.2) Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.

d.4.3) Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.

d.4.4) Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

đ) Cá nhân được tính là người phụ thuộc theo hướng dẫn tại các tiết d.2, d.3, d.4, điểm d, khoản 1, Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:

đ.1) Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

đ.1.1) Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

đ.1.2) Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

đ.2) Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

e) Người khuyết tật, không có khả năng lao động theo hướng dẫn tại tiết đ.1.1, điểm đ, khoản 1, Điều này là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,...).

g) Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc

g.1) Đối với con:

g.1.1) Con dưới 18 tuổi: Hồ sơ chứng minh là bản chụp Giấy khai sinh và bản chụp Chứng minh nhân dân (nếu có).

g.1.2) Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động, hồ sơ chứng minh gồm:

g.1.2.1) Bản chụp Giấy khai sinh và bản chụp Chứng minh nhân dân (nếu có).

g.1.2.2) Bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

g.1.3) Con đang theo học tại các bậc học theo hướng dẫn tại tiết d.1.3, điểm d, khoản 1, Điều này, hồ sơ chứng minh gồm:

g.1.3.1) Bản chụp Giấy khai sinh.

g.1.3.2) Bản chụp Thẻ sinh viên hoặc bản khai có xác nhận của nhà trường hoặc giấy tờ khác chứng minh đang theo học tại các trường học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc học nghề.

g.1.4) Trường hợp là con nuôi, con ngoài giá thú, con riêng thì ngoài các giấy tờ theo từng trường hợp nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ khác để chứng minh mối quan hệ như: bản chụp quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

g.2) Đối với vợ hoặc chồng, hồ sơ chứng minh gồm:

- Bản chụp Chứng minh nhân dân.

- Bản chụp sổ hộ khẩu (chứng minh được mối quan hệ vợ chồng) hoặc Bản chụp Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp vợ hoặc chồng trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ khác chứng minh người phụ thuộc không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..).

g.3) Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp hồ sơ chứng minh gồm:

- Bản chụp Chứng minh nhân dân.

- Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu), giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..).

g.4) Đối với các cá nhân khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều này hồ sơ chứng minh gồm:

g.4.1) Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh.

g.4.2) Các giấy tờ hợp pháp để xác định trách nhiệm nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người phụ thuộc trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..).

Các giấy tờ hợp pháp tại tiết g.4.2, điểm g, khoản 1, Điều này là bất kỳ giấy tờ pháp lý nào xác định được mối quan hệ của người nộp thuế với người phụ thuộc như:

- Bản chụp giấy tờ xác định nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu).

- Bản chụp đăng ký tạm trú của người phụ thuộc (nếu không cùng sổ hộ khẩu).

- Bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nộp thuế cư trú về việc người phụ thuộc đang sống cùng.

- Bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang cư trú về việc người phụ thuộc hiện đang cư trú tại địa phương và không có ai nuôi dưỡng (trường hợp không sống cùng).

g.5) Cá nhân cư trú là người nước ngoài, nếu không có hồ sơ theo hướng dẫn đối với từng trường hợp cụ thể nêu trên thì phải có các tài liệu pháp lý tương tự để làm căn cứ chứng minh người phụ thuộc.

g.6) Đối với người nộp thuế làm việc trong các tổ chức kinh tế, các cơ quan hành chính, sự nghiệp có bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con và những người khác thuộc diện được tính là người phụ thuộc đã khai rõ trong lý lịch của người nộp thuế thì hồ sơ chứng minh người phụ thuộc thực hiện theo hướng dẫn tại các tiết g.1, g.2, g.3, g.4, g.5, điểm g, khoản 1, Điều này hoặc chỉ cần Tờ khai đăng ký người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị vào bên trái tờ khai.

Thủ trưởng đơn vị chỉ chịu trách nhiệm đối với các nội dung sau: họ tên người phụ thuộc, năm sinh và quan hệ với người nộp thuế; các nội dung khác, người nộp thuế tự khai và chịu trách nhiệm.

h) Khai giảm trừ đối với người phụ thuộc

h.1) Người nộp thuế có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công từ 09 triệu đồng/tháng trở xuống không phải khai người phụ thuộc.

h.2) Người nộp thuế có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công trên 09 triệu đồng/tháng để được giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc khai như sau:

h.2.1) Đối với người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công

h.2.1.1) Đăng ký người phụ thuộc

h.2.1.1.1) Đăng ký người phụ thuộc lần đầu:

Người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công đăng ký người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế và nộp hai (02) bản cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập để làm căn cứ tính giảm trừ cho người phụ thuộc.

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập lưu giữ một (01) bản đăng ký và nộp một (01) bản đăng ký cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý cùng thời điểm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân của kỳ khai thuế đó theo quy định của luật quản lý thuế.

Riêng đối với cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì cá nhân nộp một (01) bản đăng ký người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức trả thu nhập cùng thời điểm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân của kỳ khai thuế đó theo quy định của Luật Quản lý thuế.

h.2.1.1.2) Đăng ký khi có thay đổi về người phụ thuộc:

Khi có thay đổi (tăng, giảm) về người phụ thuộc, người nộp thuế thực hiện khai bổ sung thông tin thay đổi của người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế và nộp cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập hoặc cơ quan thuế đối với người nộp thuế thuộc diện khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế.

h.2.1.2) Địa điểm, thời hạn nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc:

- Địa điểm nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc là nơi người nộp thuế nộp bản đăng ký người phụ thuộc.

Tổ chức trả thu nhập có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc và xuất trình khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra thuế.

- Thời hạn nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc: trong vòng ba (03) tháng kể từ ngày nộp tờ khai đăng ký người phụ thuộc (bao gồm cả trường hợp đăng ký thay đổi người phụ thuộc).

Quá thời hạn nộp hồ sơ nêu trên, nếu người nộp thuế không nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc sẽ không được giảm trừ cho người phụ thuộc và phải điều chỉnh lại số thuế phải nộp.

h.2.2) Đối với người nộp thuế có thu nhập từ kinh doanh

h.2.2.1) Đăng ký người phụ thuộc

h.2.2.1.1) Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đăng ký người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế và nộp cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý cùng với tờ khai tạm nộp thuế. Khi có thay đổi (tăng, giảm) về người phụ thuộc, người nộp thuế thực hiện khai bổ sung thông tin thay đổi của người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế và nộp cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

h.2.2.1.2) Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán khai giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc theo tờ khai thuế khoán.

h.2.2.2) Thời hạn nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc: trong vòng ba (03) tháng kể từ ngày khai giảm trừ gia cảnh (bao gồm cả trường hợp phát sinh tăng, giảm người phụ thuộc hoặc mới ra kinh doanh).

h.2.2.3) Quá thời hạn nộp hồ sơ nêu trên, nếu người nộp thuế không nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc sẽ không được giảm trừ cho người phụ thuộc và phải điều chỉnh lại số thuế phải nộp. Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán phải điều chỉnh lại mức thuế đã khoán.

i) Người nộp thuế chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho mỗi một người phụ thuộc một lần trong suốt thời gian được tính giảm trừ gia cảnh. Trường hợp người nộp thuế thay đổi nơi làm việc, nơi kinh doanh thì thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như trường hợp đăng ký người phụ thuộc lần đầu theo hướng dẫn tại tiết h.2.1.1.1, điểm h, khoản 1, Điều này.

2. Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện

a) Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.

b) Các khoản đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện

Mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá một (01) triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm) đối với người lao động tham gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, kể cả trường hợp tham gia nhiều quỹ. Căn cứ xác định thu nhập được trừ là bản chụp chứng từ nộp tiền (hoặc nộp phí) do quỹ hưu trí tự nguyện cấp.

Ví dụ 11: Ông Y đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện thông qua việc giao kết hợp đồng bảo hiểm với các doanh nghiệp bảo hiểm hoặc các doanh nghiệp được phép cung cấp các sản phẩm hưu trí tự nguyện. Trường hợp các sản phẩm hưu trí tự nguyện này tuân thủ các quy định của Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính phê chuẩn triển khai, ông Y sẽ được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế như sau:

- Giả sử mức đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện của người lao động là 800.000 đồng/tháng, tương ứng với 9.600.000 đồng/năm thì mức được trừ khỏi thu nhập chịu thuế là 9.600.000 đồng/năm.

- Giả sử mức đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện là 2.000.000 đồng/tháng, tương ứng với 24.000.000 đồng/năm thì mức đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện của người lao động được trừ là 12.000.000 đồng/năm.

c) Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam là cá nhân cư trú nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân cư trú mang quốc tịch hoặc làm việc tương tự quy định của pháp luật Việt Nam như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác (nếu có) thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam có tham gia đóng các khoản bảo hiểm nêu trên ở nước ngoài sẽ được tạm giảm trừ ngay vào thu nhập để khấu trừ thuế trong năm (nếu có chứng từ) và tính theo số chính thức nếu cá nhân thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Trường hợp không có chứng từ để tạm giảm trừ trong năm thì sẽ giảm trừ một lần khi quyết toán thuế.

d) Khoản đóng góp bảo hiểm, đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện của năm nào được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó.

đ) Chứng từ chứng minh đối với các khoản bảo hiểm được trừ nêu trên là bản chụp chứng từ thu tiền của tổ chức bảo hiểm hoặc xác nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ, đã nộp (trường hợp tổ chức trả thu nhập nộp thay).

3. Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

a) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được trừ vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công trước khi tính thuế của người nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:

a.1) Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa.

Các tổ chức cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, phải được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Tài liệu để chứng minh đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa là chứng từ thu hợp pháp của tổ chức, cơ sở.

a.2) Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận và quy định tại các văn bản khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ.

Tài liệu chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp.

b) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học phát sinh vào năm nào được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế đó, nếu giảm trừ không hết không được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế tiếp theo. Mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh của năm tính thuế phát sinh đóng góp từ thiện nhân đạo, khuyến học.

Điều 10. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thu nhập tính thuế và thuế suất.

1. Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn là thu nhập chịu thuế mà cá nhân nhận được theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 2 Thông tư này.

2. Thuế suất đối với thu nhập từ đầu tư vốn áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%.

3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.

Riêng thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với một số trường hợp như sau:

a) Đối với thu nhập từ giá trị phần vốn góp tăng thêm theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 3, Điều 2 Thông tư này thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân thực nhận thu nhập khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn.

b) Đối với thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn theo hướng dẫn tại điểm g, khoản 3, Điều 2 Thông tư này thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

c) Đối với thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu theo hướng dẫn tại điểm g, khoản 3, Điều 2 Thông tư này thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu.

d) Trường hợp cá nhân nhận được thu nhập do việc đầu tư vốn ra nước ngoài dưới mọi hình thức thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm cá nhân nhận thu nhập.

4. Cách tính thuế

Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp

=

Thu nhập tính thuế

×

Thuế suất 5%

Điều 11. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn

1. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuế và thuế suất.

a) Thu nhập tính thuế: thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng ngoại tệ, cá nhân chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng và giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định bằng đồng ngoại tệ. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng Việt Nam, cá nhân chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng phải được xác định bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm chuyển nhượng.

a.1) Giá chuyển nhượng

Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

a.2) Giá mua

Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn.

Trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng bao gồm: trị giá phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, trị giá phần vốn của các lần góp bổ sung, trị giá phần vốn do mua lại, trị giá phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn. Cụ thể như sau:

a.2.1) Đối với phần vốn góp thành lập doanh nghiệp là trị giá phần vốn tại thời điểm góp vốn. Trị giá vốn góp được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ.

a.2.2) Đối với phần vốn góp bổ sung là trị giá phần vốn góp bổ sung tại thời điểm góp vốn bổ sung. Trị giá vốn góp bổ sung được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ.

a.2.3) Đối với phần vốn do mua lại là giá trị phần vốn đó tại thời điểm mua. Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp. Trường hợp hợp đồng mua lại phần vốn góp không có giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá mua theo pháp luật về quản lý thuế .

a.2.4) Đối với phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn là giá trị lợi tức ghi tăng vốn.

a.3) Các chi phí liên quan được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng vốn là những chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn, có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định, cụ thể như sau:

a.3.1) Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng.

a.3.2) Các khoản phí và lệ phí người chuyển nhượng nộp ngân sách khi làm thủ tục chuyển nhượng.

a.3.3) Các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng vốn.

b) Thuế suất

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%.

c) Thời điểm xác định thu nhập tính thuế

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. Riêng đối với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

d) Cách tính thuế

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

=

Thu nhập tính thuế

×

Thuế suất 20%

2. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán

Căn cứ tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán là thu nhập tính thuế và thuế suất.

a) Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán chứng khoán trừ giá mua và các chi phí hợp lý liên quan đến việc chuyển nhượng.

a.1) Giá bán chứng khoán được xác định như sau:

a.1.1) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá bán chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.

a.1.2) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán, giá bán là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán.

a.1.3) Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp nêu trên, giá bán là giá thực tế chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm gần nhất trước thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá bán hoặc giá bán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá bán theo pháp luật về quản lý thuế.

a.2) Giá mua chứng khoán được xác định như sau:

a.2.1) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá mua chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.

a.2.2) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán, giá mua là giá ghi trên hợp đồng nhận chuyển nhượng chứng khoán.

a.2.3) Đối với chứng khoán mua thông qua đấu giá thì giá mua chứng khoán là mức giá ghi trên thông báo kết quả trúng đấu giá cổ phần của tổ chức thực hiện đấu giá cổ phần và giấy nộp tiền.

a.2.4) Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp nêu trên, giá mua là giá thực tế mua ghi trên hợp đồng nhận chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm gần nhất trước thời điểm mua.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá mua hoặc giá mua trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá mua theo pháp luật về quản lý thuế.

a.3) Các chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán là các khoản chi phí thực tế phát sinh của hoạt động chuyển nhượng chứng khoán có hóa đơn, chứng từ theo chế độ quy định bao gồm:

a.3.1) Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng.

a.3.2) Các khoản phí và lệ phí người chuyển nhượng phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng.

a.3.3) Phí dịch vụ lưu ký chứng khoán theo quy định của Bộ Tài chính và chứng từ thu của công ty chứng khoán.

a.3.4) Phí ủy thác đầu tư, phí quản lý danh mục đầu tư chứng khoán căn cứ vào chứng từ thu của đơn vị nhận ủy thác.

a.3.5) Phí môi giới chứng khoán khi chuyển nhượng.

a.3.6) Phí dịch vụ tư vấn đầu tư và cung cấp thông tin.

a.3.7) Phí chuyển khoản, phí chuyển quyền sở hữu qua Trung tâm lưu ký chứng khoán (nếu có).

a.3.8) Các khoản chi phí khác có chứng từ chứng minh.

b) Thuế suất và cách tính thuế

b.1) Đối với trường hợp áp dụng thuế suất 20%

b.1.1) Nguyên tắc áp dụng

Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán áp dụng nộp thuế theo thuế suất 20% là cá nhân đã đăng ký thuế, có mã số thuế tại thời điểm làm thủ tục quyết toán thuế và xác định được thu nhập tính thuế của từng loại chứng khoán theo hướng dẫn tại điểm a, khoản 2, Điều 11 Thông tư này.

Riêng giá mua của chứng khoán được xác định bằng tổng giá mua bình quân của từng loại chứng khoán bán ra trong kỳ như sau:

Giá mua bình quân của từng loại chứng khoán bán ra

=

Giá vốn đầu kỳ

+

Giá vốn phát sinh trong kỳ

x

Số lượng chứng khoán bán ra

Số lượng chứng khoán tồn đầu kỳ

+

Số lượng chứng khoán phát sinh trong kỳ

b.1.2) Cách tính thuế

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

=

Thu nhập tính thuế

x

Thuế suất 20%

Khi quyết toán thuế, cá nhân áp dụng thuế suất 20% được trừ số thuế đã tạm nộp theo thuế suất 0,1% trong năm tính thuế.

b.2) Đối với trường hợp áp dụng thuế suất 0,1%

Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán phải tạm nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần kể cả trường hợp áp dụng thuế suất 20%.

Cách tính thuế:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

=

Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần

x

Thuế suất 0,1%

c) Thời điểm xác định thu nhập tính thuế

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán được xác định như sau:

c.1) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán là thời điểm người nộp thuế nhận thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

c.2) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán là thời điểm chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.

c.3) Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực.

c.4) Đối với trường hợp góp vốn bằng chứng khoán mà chưa phải nộp thuế khi góp vốn thì thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán do góp vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

d) Đối với trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu, cá nhân chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi nhận cổ phiếu. Khi chuyển nhượng số cổ phiếu này, cá nhân phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, cụ thể như sau:

d.1) Căn cứ để xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ đầu tư vốn là giá trị cổ tức ghi trên sổ sách kế toán hoặc số lượng cổ phiếu thực nhận nhân (×) với mệnh giá của cổ phiếu đó và thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn.

Trường hợp giá chuyển nhượng cổ phiếu nhận thay cổ tức thấp hơn mệnh giá thì tính thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động đầu tư vốn theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng.

Sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nếu cá nhân có chuyển nhượng cổ phiếu cùng loại thì khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức nhận bằng cổ phiếu cho tới khi hết số cổ phiếu nhận thay cổ tức.

d.2) Căn cứ để xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định theo hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, Điều này.

Ví dụ 12: Ông K là cổ đông của công ty cổ phần X (đã niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán). Năm 2011, ông K được nhận 5.000 cổ phiếu (CP) trả thay cổ tức của Công ty X (mệnh giá của cổ phiếu là 10.000 đồng). Tháng 2/2014, Ông K chuyển nhượng 2.000 cổ phiếu của công ty X với giá là 30.000 đồng/cổ phiếu. Tháng 8/2014, ông K chuyển nhượng 7.000 cổ phiếu với giá là 20.000 đồng/cổ phiếu.

Khi chuyển nhượng ông K phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, cụ thể như sau:

* Đối với lần chuyển nhượng tháng 2/2014

- Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn:

(2.000 CP × 10.000 đồng) × 5% = 1.000.000 đồng

- Thuế thu nhập cá nhân (tạm nộp) đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán:

(2.000 CP × 30.000 đồng) × 0,1% = 60.000 đồng

* Đối với lần chuyển nhượng tháng 8/2014

- Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn:

(3.000 CP × 10.000 đồng) × 5% = 1.500.000 đồng

- Thuế thu nhập cá nhân (tạm nộp) đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán:

(7.000 CP × 20.000 đồng) × 0,1% = 140.000 đồng

Điều 12. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là thu nhập tính thuế và thuế suất.

1. Thu nhập tính thuế

a) Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công trình xây dựng trên đất được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ (-) giá vốn và các chi phí hợp lý liên quan.

a.1) Giá chuyển nhượng

Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giá thực tế ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp không xác định được giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng sẽ được xác định theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

a.2) Giá vốn:

Giá vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong một số trường hợp cụ thể được xác định như sau:

a.2.1) Đối với đất có nguồn gốc Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất thì giá vốn căn cứ vào chứng từ thu tiền sử dụng đất của Nhà nước.

a.2.2) Đối với đất có nguồn gốc do Nhà nước giao không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì giá vốn của đất chuyển nhượng được xác định theo giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm giao đất.

a.2.3) Đối với đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng từ các tổ chức, cá nhân thì giá vốn căn cứ vào giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

a.2.4) Đối với trường hợp đấu giá chuyển quyền sử dụng đất thì giá vốn là số tiền phải thanh toán theo giá trúng đấu giá.

a.2.5) Đối với đất có nguồn gốc không thuộc các trường hợp nêu trên thì giá vốn căn cứ vào chứng từ chứng minh thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để xác định giá vốn.

a.3) Chi phí hợp lý liên quan

Chi phí hợp lý liên quan được trừ khi xác định thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất là các chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động chuyển nhượng có chứng từ, hóa đơn theo chế độ quy định, bao gồm:

a.3.1) Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật liên quan đến cấp quyền sử dụng đất mà người chuyển nhượng đã nộp ngân sách Nhà nước.

a.3.2) Chi phí cải tạo đất, san lấp mặt bằng (nếu có).

a.3.3) Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất như chi phí để làm các thủ tục pháp lý cho việc chuyển nhượng, chi phí thuê đo đạc.

b) Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ (-) giá vốn và các chi phí hợp lý liên quan.

b.1) Giá chuyển nhượng

Giá chuyển nhượng là giá thực tế ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp hợp đồng không ghi giá chuyển nhượng hoặc giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất, giá tính lệ phí trước bạ nhà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có quy định giá tính lệ phí trước bạ nhà thì giá chuyển nhượng căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng về phân loại nhà, về tiêu chuẩn, định mức xây dựng cơ bản, về giá trị còn lại thực tế của công trình trên đất.

Đối với công trình xây dựng hình thành trong tương lai thì được xác định căn cứ vào tỷ lệ góp vốn trên tổng giá trị hợp đồng nhân (×) với giá tính lphí trước bcông trình xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy đnh. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa có quy định về đơn giá thì áp dụng theo suất vốn đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng công bố, đang áp dụng tại thời điểm chuyển nhượng.

b.2) Giá vốn

Giá vốn được xác định căn cứ vào giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm mua. Đối với các trường hợp bất động sản không có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng thì giá vốn căn cứ vào chứng từ chứng minh thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

b.3) Chi phí hợp lý liên quan

Chi phí hợp lý liên quan được trừ khi xác định thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất là các khoản chi phí thực tế phát sinh có liên quan đến hoạt động chuyển nhượng, có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, bao gồm:

b.3.1) Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật liên quan đến cấp quyền sử dụng đất người chuyển nhượng đã nộp ngân sách Nhà nước.

b.3.2) Chi phí cải tạo đất, san lấp mặt bằng.

b.3.3) Chi phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc trên đất.

b.3.4) Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng bất động sản như: chi phí để làm các thủ tục pháp lý cho việc chuyển nhượng, chi phí thuê đo đạc.

c) Thu nhập tính thuế từ chuyển quyền sở hữu nhà ở, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai.

Thu nhập tính thuế từ chuyển quyền sở hữu nhà ở được xác định bằng giá bán trừ (-) giá mua và các chi phí hợp lý liên quan.

c.1) Giá bán

Giá bán là giá thực tế chuyển nhượng được xác định theo giá thị trường và được ghi trên hợp đồng chuyển nhượng.

Trường hợp giá chuyển nhượng nhà ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá tính lệ phí trước bạ nhà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng hoặc trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo giá tính lệ phí trước bạ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

c.2) Giá mua

Giá mua được xác định căn cứ vào giá ghi trên hợp đồng mua. Đối với nhà ở không có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng, mua lại thì căn cứ vào chứng từ chứng minh thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

c.3) Chi phí hợp lý liên quan

Chi phí hợp lý liên quan được trừ là các khoản chi phí thực tế phát sinh của hoạt động chuyển nhượng có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, bao gồm:

c.3.1) Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật liên quan đến cấp quyền sử dụng nhà người chuyển nhượng đã nộp ngân sách.

c.3.2) Chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà.

c.3.3) Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng.

d) Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước

Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước được xác định bằng giá cho thuê lại trừ (-) giá thuê và các chi phí liên quan.

d.1) Giá cho thuê lại

Giá cho thuê lại được xác định bằng giá thực tế ghi trên hợp đồng tại thời điểm chuyển nhượng quyền thuê mặt đất, thuê mặt nước.

Trường hợp đơn giá cho thuê lại trên hợp đồng thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định tại thời điểm cho thuê lại thì giá cho thuê lại được xác định căn cứ theo bảng giá thuê do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định.

d.2) Giá thuê

Giá thuê được xác định căn cứ vào hợp đồng thuê.

d.3) Chi phí hợp lý liên quan

Chi phí hợp lý liên quan được trừ là các khoản chi phí thực tế phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng quyền có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, bao gồm:

d.3.1) Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật có liên quan đến quyền thuê đất, thuê mặt nước mà người chuyển quyền đã nộp ngân sách Nhà nước;

d.3.2) Các chi phí cải tạo đất, mặt nước;

d.3.3) Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc chuyển quyền thuê đất, thuê mặt nước.

2) Thuế suất

Thuế suất đối với chuyển nhượng bất động sản là 25% trên thu nhập tính thuế.

Trường hợp người nộp thuế không xác định hoặc không có hồ sơ để xác định giá vốn hoặc giá mua hoặc giá thuê và chứng từ hợp pháp xác định các chi phí liên quan làm cơ sở xác định thu nhập tính thuế thì áp dụng thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng hoặc giá bán hoặc giá cho thuê lại.

3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với chuyển nhượng bất động sản là thời điểm cá nhân làm thủ tục chuyển nhượng bất động sản theo quy định của pháp luật.

4. Cách tính thuế

a) Trường hợp xác định được thu nhập tính thuế, thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản được xác định như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

=

Thu nhập tính thuế

x

Thuế suất 25%

b) Trường hợp người nộp thuế không xác định hoặc không có hồ sơ để xác định giá vốn hoặc giá mua hoặc giá thuê và chứng từ hợp pháp xác định liên quan của hoạt động chuyển nhượng bất động sản làm cơ sở xác định thu nhập tính thuế thì thuế thu nhập cá nhân được xác định như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

=

Giá chuyển nhượng

x

Thuế suất 2%

c) Trường hợp chuyển nhượng bất sản là đồng sở hữu thì nghĩa vụ thuế được xác định riêng cho từng người nộp thuế theo tỷ lệ sở hữu bất động sản. Căn cứ xác định tỷ lệ sở hữu là tài liệu hợp pháp như: thỏa thuận góp vốn ban đầu, di chúc hoặc quyết định phân chia của Tòa án,... Trường hợp không có tài liệu hợp pháp thì nghĩa vụ thuế của từng người nộp thuế được xác định theo tỷ lệ bình quân.

Điều 13. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ bản quyền

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền bản quyền là thu nhập tính thuế và thuế suất.

1. Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế từ tiền bản quyền là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo hợp đồng chuyển nhượng, không phụ thuộc vào số lần thanh toán hoặc số lần nhận tiền mà người nộp thuế nhận được khi chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.

Trường hợp cùng là một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ nhưng hợp đồng chuyển giao, chuyển quyền sử dụng thực hiện làm nhiều hợp đồng với cùng một đối tượng sử dụng thì thu nhập tính thuế là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng tính trên tổng các hợp đồng chuyển giao, chuyển quyền sử dụng

Trường hợp đối tượng chuyển giao, chuyển quyền là đồng sở hữu thì thu nhập tính thuế được phân chia cho từng cá nhân sở hữu. Tỷ lệ phân chia được căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ bản quyền áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%.

3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ bản quyền là thời điểm trả tiền bản quyền.

4. Cách tính thuế

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

=

Thu nhập tính thuế

x

thuế suất 5%.

Điều 14. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ nhượng quyền thương mại

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ nhượng quyền thương mại là thu nhập tính thuế và thuế suất.

1. Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế từ nhượng quyền thương mại là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo hợp đồng nhượng quyền thương mại, không phụ thuộc vào số lần thanh toán hoặc số lần nhận tiền mà người nộp thuế nhận được.

Trường hợp cùng là một đối tượng của quyền thương mại nhưng việc chuyển nhượng thực hiện thành nhiều hợp đồng thì thu nhập tính thuế là phần vượt trên 10 triệu đồng tính trên tổng các hợp đồng nhượng quyền thương mại.

2. Thuế suất

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ nhượng quyền thương mại áp dụng theo Biểu thuế toàn phần là 5%.

3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ nhượng quyền thương mại là thời điểm thanh toán tiền nhượng quyền thương mại giữa bên nhận quyền thương mại và bên nhượng quyền thương mại.

4. Cách tính thuế

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

=

Thu nhập tính thuế

x

Thuế suất 5%.

Điều 15. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng là thu nhập tính thuế và thuế suất.

1. Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế từ trúng thưởng là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà người nộp thuế nhận được theo từng lần trúng thưởng không phụ thuộc vào số lần nhận tiền thưởng.

Trường hợp một giải thưởng nhưng có nhiều người trúng giải thì thu nhập tính thuế được phân chia cho từng người nhận giải thưởng. Người được trúng giải phải xuất trình các căn cứ pháp lý chứng minh. Trường hợp không có căn cứ pháp lý chứng minh thì thu nhập trúng thưởng tính cho một cá nhân. Trường hợp cá nhân trúng nhiều giải thưởng trong một cuộc chơi thì thu nhập tính thuế được tính trên tổng giá trị của các giải thưởng.

Thu nhập tính thuế đối với một số trò chơi có thưởng, cụ thể như sau:

a) Đối với trúng thưởng xổ số là toàn bộ giá trị tiền thưởng vượt trên 10 triệu đồng trên một (01) vé xổ số nhận được trong một đợt quay thưởng chưa trừ bất cứ một khoản chi phí nào.

b) Đối với trúng thưởng khuyến mại bằng hiện vật là giá trị của sản phẩm khuyến mại vượt trên 10 triệu đồng được quy đổi thành tiền theo giá thị trường tại thời điểm nhận thưởng chưa trừ bất cứ một khoản chi phí nào.

c) Đối với trúng thưởng trong các hình thức cá cược, đặt cược, casino, trúng thưởng trong các hình thức trò chơi tại Điểm vui chơi giải trí có thưởng:

c.1) Đối với trúng thưởng trong các hình thức cá cược, đặt cược là toàn bộ giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà người tham gia nhận được chưa trừ bất cứ một khoản chi phí nào.

c.2) Đối với trúng thưởng trong các casino, trúng thưởng trong các hình thức trò chơi tại Điểm vui chơi giải trí có thưởng là phần giá trị vượt trên 10 triệu đồng mà cá nhân nhận được từ trúng thưởng trong một cuộc chơi, cụ thể như sau:

c.2.1) Thu nhập từ trúng thưởng trong một cuộc chơi là chênh lệch giữa số tiền mặt người chơi nhận lại (cash out) trừ đi số tiền mặt đã chi ra (cash in) trong một cuộc chơi.

Trường hợp thu nhập từ trúng thưởng là ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước công bố có hiệu lực tại thời điểm phát sinh thu nhập.

c.2.2) Cách xác định số tiền mặt nhận lại và số tiền mặt đã chi ra trong một cuộc chơi như sau:

c.2.2.1) Đối với hình thức chơi bằng đồng tiền quy ước (đồng chíp, đồng chíp trung gian và đồng xèng theo Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng của Bộ Tài chính):

c.2.2.1.1) Số tiền mặt người chơi nhận lại (cash out) trong một cuộc chơi là tổng giá trị các lần người chơi đổi đồng chíp/xèng lấy tiền mặt trong suốt một cuộc chơi.

c.2.2.1.2) Số tiền mặt đã chi ra (cash in) trong một cuộc chơi là tổng giá trị các lần người chơi đổi tiền mặt lấy đồng chíp/xèng trong suốt một cuộc chơi.

Căn cứ xác định số tiền mặt nhận lại và số tiền mặt đã chi ra trong một cuộc chơi là hóa đơn đổi tiền cho khách (theo mẫu kèm theo Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng của Bộ Tài chính) và các hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật kế toán hiện hành.

Ví dụ 13: Ông M từ lúc vào cho đến lúc ra khỏi Điểm vui chơi giải trí có thưởng đã thực hiện 3 lần đổi tiền mặt lấy đồng chíp, tổng giá trị của cả 3 lần là 500 USD và thực hiện 2 lần đổi đồng chíp lấy tiền mặt, tổng giá trị cả 2 lần đổi là 700 USD. Căn cứ các lần đổi tiền thì thu nhập từ trúng thưởng và thu nhập tính thuế của Ông A được xác định như sau :

- Thu nhập từ trúng thưởng = 700 USD – 500 USD = 200 USD.

- Thu nhập tính thuế = 200 USD × tỷ giá USD/VND - 10 triệu đồng

c.2.2.2) Đối với hình thức chơi với máy chơi tự động bằng tiền mặt:

c.2.2.2.1) Số tiền mặt người chơi nhận lại trong một cuộc chơi là tổng giá trị số tiền rút khỏi máy chơi (Cash out) khi kết thúc một cuộc chơi trừ đi phần giải thưởng tích lũy (nếu có).

c.2.2.2.2) Số tiền mặt đã chi ra trong một cuộc chơi là tổng giá trị các lần nạp tiền mặt vào máy chơi (Key in/Cash in) trong suốt một cuộc chơi.

Riêng đối với hình thức trúng thưởng từ giải thưởng tích lũy (jackpot), các giải thưởng định kỳ cho khách may mắn và các hình thức tương tự khác thì thu nhập từ trúng thưởng là toàn bộ giá trị giải thưởng chưa trừ bất cứ một khoản chi phí nào khác.

Ví dụ 14: Ông N chơi trực tiếp với máy chơi tự động dùng tiền mặt. Trong một cuộc chơi Ông N đã thực hiện 2 lần nạp tiền (Key in), tổng giá trị các lần nạp tiền (Key in) là 300 USD. Khi kết thúc cuộc chơi Ông N rút toàn bộ số tiền còn lại khỏi máy chơi (Cash out), tổng số tiền mặt còn lại (Cash out) là 1.500 USD. Trong cuộc chơi đó ông N còn trúng thêm phần thưởng từ giải thưởng tích lũy (jackpot) là 1.000 USD (Giá trị giải thưởng jackpot đã được cộng dồn trong số tiền Cash out). Căn cứ số tiền nạp vào và số tiền rút ra thì thu nhập từ trúng thưởng và thu nhập tính thuế của Ông N bao gồm 02 khoản như sau:

- Thu nhập trúng thưởng từ giải thưởng tích lũy (jackpot) của Ông B là toàn bộ giá trị giải thưởng tích lũy (jackpot) :

+ Thu nhập từ trúng thưởng = 1000 USD

+ Thu nhập tính thuế = 1000USD × tỷ giá USD/VND - 10 triệu đồng.

- Thu nhập trúng thưởng từ cuộc chơi với máy chơi tự động của Ông B là:

+ Thu nhập từ trúng thưởng :

= 1500 USD - 1000 USD - 300 USD = 200 USD.

+ Thu nhập tính thuế :

= 200 USD × tỷ giá USD/VND - 10 triệu đồng.

c.2.3) Trường hợp tổ chức trả thưởng trò chơi điện tử có thưởng, casino không xác định được thu nhập chịu thuế của cá nhân trúng thưởng để khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại điểm c.2, khoản 1, Điều này thì thực hiện nộp thuế thay cho các cá nhân trúng thưởng theo mức ấn định trên tổng số tiền trả lại cho người chơi (cash out). Tổ chức trả thưởng trò chơi điện tử có thưởng, casino nếu áp dụng nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức ấn định phải đăng ký với cơ quan thuế và điều chỉnh lại cơ cấu trả thưởng cho khách là thu nhập sau thuế để niêm yết công khai tại điểm vui chơi giải trí có thưởng. Mức thuế ấn định thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

c.2.4) “Một cuộc chơi” được xác định như sau:

- Đối với hình thức chơi bằng đồng tiền quy ước, cuộc chơi được bắt đầu khi người chơi vào Điểm vui chơi giải trí có thưởng và kết thúc khi người chơi đó ra khỏi Điểm vui chơi giải trí có thưởng.

- Đối với hình thức chơi với máy chơi tự động bằng tiền mặt thì cuộc chơi được bắt đầu khi người chơi nạp tiền vào máy chơi (Key in/Cash in) và kết thúc khi người chơi rút tiền khỏi máy chơi (Cash out).

- Đối với trúng thưởng từ giải thưởng tích lũy (jackpot), các giải thưởng định kỳ cho khách chơi may mắn và các hình thức tương tự khác mỗi lần trúng thưởng được coi là một cuộc chơi riêng biệt.

d) Đối với trúng thưởng từ các trò chơi, cuộc thi có thưởng được tính theo từng lần lĩnh thưởng. Giá trị tiền thưởng bằng toàn bộ số tiền thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà người chơi nhận được chưa trừ bất cứ một khoản chi phí nào.

2. Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ trúng thưởng áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 10%.

3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thưởng cho người trúng thưởng.

4. Cách tính thuế:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

=

Thu nhập tính thuế

x

Thuế suất 10%

Điều 16. Căn cứ tính thuế từ thừa kế, quà tặng

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ thừa kế, quà tặng là thu nhập tính thuế và thuế suất.

1. Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế từ nhận thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản nhận thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mỗi lần nhận. Giá trị tài sản nhận thừa kế, quà tặng được xác định đối với từng trường hợp, cụ thể như sau:

a) Đối với thừa kế, quà tặng là chứng khoán: giá trị tài sản nhận thừa kế là giá trị chứng khoán tại thời điểm đăng ký chuyển quyền sở hữu, cụ thể như sau:

a.1) Đối với chứng khoán giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán: giá trị của chứng khoán được căn cứ vào giá tham chiếu trên Sở giao dịch chứng khoán tại thời điểm đăng ký quyền sở hữu chứng khoán.

a.2) Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp trên: giá trị của chứng khoán được căn cứ vào giá trị sổ sách kế toán của công ty phát hành loại chứng khoán đó tại thời điểm gần nhất trước thời điểm đăng ký quyền sở hữu chứng khoán.

b) Đối với thừa kế, quà tặng là vốn góp trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh: thu nhập để tính thuế là giá trị của phần vốn góp được xác định căn cứ vào giá trị sổ sách kế toán của công ty tại thời điểm gần nhất trước thời điểm đăng ký quyền sở hữu phần vốn góp.

c) Đối với tài sản thừa kế, quà tặng là bất động sản: giá trị bất động sản được xác định như sau:

c.1) Đối với bất động sản là giá trị quyền sử dụng đất thì phần giá trị quyền sử dụng đất được xác định căn cứ vào Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng bất động sản.

c.2) Đối với bất động sản là nhà và công trình kiến trúc trên đất thì giá trị bất động sản được xác định căn cứ vào quy định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về phân loại giá trị nhà; quy định tiêu chuẩn, định mức xây dựng cơ bản do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành; giá trị còn lại của nhà, công trình kiến trúc tại thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu.

Trường hợp không xác định được theo quy định trên thì căn cứ vào giá tính lệ phí trước bạ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

d) Đối với thừa kế, quà tặng là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước: giá trị tài sản được xác định trên cơ sở bảng giá tính lệ phí trước bạ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thừa kế, quà tặng.

2. Thuế suất: Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thừa kế, quà tặng được áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 10%.

3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ thừa kế, quà tặng là thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thừa kế, quà tặng.

4. Cách tính số thuế phải nộp

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

=

Thu nhập tính thuế

x

Thuế suất 10%

Chương 3.

CĂN CỨ TÍNH THUẾ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN KHÔNG CƯ TRÚ

Điều 17. Đối với thu nhập từ kinh doanh

Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh của cá nhân không cư trú được xác định bằng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhân (×) với thuế suất.

1. Doanh thu:

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của cá nhân không cư trú được xác định như doanh thu làm căn cứ tính thuế từ hoạt động kinh doanh của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 8 Thông tư này.

2. Thuế suất

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh của cá nhân không cư trú quy định đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh như sau:

a) 1% đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa.

b) 5% đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ.

c) 2% đối với hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải và hoạt động kinh doanh khác.

Trường hợp cá nhân không cư trú có doanh thu từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau nhưng không tách riêng được doanh thu của từng lĩnh vực, ngành nghề thì thuế suất thuế thu nhập cá nhân được áp dụng theo mức thuế suất cao nhất đối với lĩnh vực, ngành nghề thực tế hoạt động trên toàn bộ doanh thu.

Điều 18. Đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công

1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (×) với thuế suất 20%.

2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

Việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công tại Việt Nam trong trường hợp cá nhân không cư trú làm việc đồng thời ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam thực hiện theo công thức sau:

a) Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam

=

Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam

x

Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)

+

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

Tổng số ngày làm việc trong năm

Trong đó: Tổng số ngày làm việc trong năm được tính theo chế độ quy định tại Bộ Luật Lao động của Việt Nam.

b) Đối với các trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam

=

Số ngày có mặt ở Việt Nam

x

Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)

+

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

365 ngày

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam tại điểm a, b nêu trên là các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động.

Điều 19. Đối với thu nhập từ đầu tư vốn

Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân không cư trú được xác định bằng tổng thu nhập tính thuế mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc đầu tư vốn vào tổ chức, cá nhân tại Việt Nam nhân (×) với thuế suất 5%.

Thu nhập tính thuế, thời điểm xác định thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập tính thuế, thời điểm xác định thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 3, Điều 10 Thông tư này.

Điều 20. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn

1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú được xác định bằng tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam nhân (×) với thuế suất 0,1%, không phân biệt việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hay tại nước ngoài.

Tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam là giá chuyển nhượng vốn không trừ bất kỳ khoản chi phí nào kể cả giá vốn.

2. Giá chuyển nhượng đối với từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:

a. Trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp thì giá chuyển nhượng được xác định như đối với cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại điểm a.1, khoản 1, Điều 11 Thông tư này.

b. Trường hợp chuyển nhượng chứng khoán thì giá chuyển nhượng được xác định như đối với cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại điểm a.1, khoản 2, Điều 11 Thông tư này.

3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế:

a) Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp của cá nhân không cư trú là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực.

b) Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân không cư trú được xác định như đối với cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại điểm c, khoản 2, Điều 11 Thông tư này.

Điều 21. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản

1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản tại Việt Nam của cá nhân không cư trú được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản nhân (×) với thuế suất 2%.

Giá chuyển nhượng bất động sản của cá nhân không cư trú là toàn bộ số tiền mà cá nhân nhận được từ việc chuyển nhượng bất động sản không trừ bất kỳ khoản chi phí nào kể cả giá vốn.

2. Giá chuyển nhượng bất động sản của cá nhân không cư trú trong từng trường hợp cụ thể được xác định như xác định giá chuyển nhượng bất động sản của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại điểm a.1, b.1, c.1, d.1, khoản 1, Điều 12 Thông tư này.

3. Thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là thời điểm cá nhân không cư trú làm thủ tục chuyển nhượng bất động sản theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Đối với thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại

1. Thuế đối với thu nhập từ bản quyền

a) Thuế đối với thu nhập từ bản quyền của cá nhân không cư trú được xác định bằng phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo từng hợp đồng chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam nhân với thuế suất 5%.

Thu nhập từ bản quyền được xác định theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 13 Thông tư này.

b) Thời điểm xác định thu nhập từ bản quyền là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ chuyển bản quyền cho người nộp thuế là cá nhân không cư trú.

2. Thuế đối với thu nhập từ nhượng quyền thương mại

a) Thuế đối với thu nhập từ nhượng quyền thương mại của cá nhân không cư trú được xác định bằng phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo từng hợp đồng nhượng quyền thương mại tại Việt Nam nhân với thuế suất 5%.

Thu nhập từ nhượng quyền thương mại được xác định theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 14 Thông tư này.

b) Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ nhượng quyền thương mại là thời điểm thanh toán tiền nhượng quyền thương mại giữa bên nhận quyền thương mại và bên nhượng quyền thương mại.

Điều 23. Đối với thu nhập từ trúng thưởng, thừa kế, quà tặng

1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ trúng thưởng, thừa kế, quà tặng của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều này nhân (×) với thuế suất 10%.

2. Thu nhập tính thuế

a) Thu nhập tính thuế từ trúng thưởng của cá nhân không cư trú là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng theo từng lần trúng thưởng tại Việt Nam.

Thu nhập từ trúng thưởng của cá nhân không cư trú được xác định như đối với cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 15 Thông tư này.

b) Thu nhập chịu thuế từ nhận thừa kế, quà tặng của cá nhân không cư trú là phần giá trị tài sản thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng theo từng lần phát sinh thu nhập nhận được tại Việt Nam.

Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng của cá nhân không cư trú được xác định như đối với cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 16 Thông tư này.

3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế

a) Đối với thu nhập từ trúng thưởng: thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm tổ chức, cá nhân ở Việt Nam trả tiền thưởng cho cá nhân không cư trú.

b) Đối với thu nhập từ thừa kế: thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản tại Việt Nam.

c) Đối với thu nhập từ nhận quà tặng: thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản tại Việt Nam.

Chương 4.

ĐĂNG KÝ THUẾ, KHẤU TRỪ THUẾ, KHAI THUẾ, QUYẾT TOÁN THUẾ, HOÀN THUẾ

Điều 24. Đăng ký thuế

1. Đối tượng phải đăng ký thuế

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP thì đối tượng phải đăng ký thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập bao gồm:

a.1) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh kể cả các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc, đơn vị trực thuộc hạch toán riêng và có tư cách pháp nhân riêng.

a.2) Các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp.

a.3) Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

a.4) Các đơn vị sự nghiệp.

a.5) Các tổ chức quốc tế và tổ chức nước ngoài.

a.6) Các Ban quản lý dự án, Văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài.

a.7) Các tổ chức, cá nhân trả thu nhập khác.

b) Cá nhân có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, bao gồm:

b.1) Cá nhân có thu nhập từ sản xuất, kinh doanh bao gồm cả cá nhân hành nghề độc lập; cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp không thuộc đối tượng miễn thuế thu nhập cá nhân. Cá nhân có thu nhập từ sản xuất, kinh doanh thực hiện đăng ký thuế thu nhập cá nhân đồng thời với việc đăng ký các loại thuế khác.

b.2) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công kể cả cá nhân nước ngoài làm việc cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài tại Việt Nam.

b.3) Cá nhân chuyển nhượng bất động sản.

b.4) Cá nhân có thu nhập chịu thuế khác (nếu có yêu cầu).

c. Người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh.

Các trường hợp đăng ký thuế nêu tại điểm a, b và c, khoản 1, Điều này, nếu đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế thì không phải đăng ký mới. Cá nhân có nhiều khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thì chỉ đăng ký thuế một lần. Mã số thuế được sử dụng chung để khai thuế đối với tất cả các khoản thu nhập.

2. Hồ sơ đăng ký thuế

Thủ tục, hồ sơ đăng ký thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế.

3. Địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế

a) Địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế.

b) Địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế đối với một số trường hợp cụ thể:

b.1) Cá nhân có thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nộp hồ sơ đăng ký thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập hoặc cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm tổng hợp tờ khai đăng ký thuế của cá nhân và nộp cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

b.2) Cá nhân có nhiều nguồn thu nhập: từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, từ các khoản thu nhập chịu thuế khác được lựa chọn địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan, đơn vị trả thu nhập hoặc tại Chi cục Thuế nơi kinh doanh.

b.3) Cá nhân có thu nhập chịu thuế khác có thể nộp hồ sơ đăng ký thuế tại bất kỳ cơ quan thuế nào.

4. Đăng ký thuế đối với một số trường hợp cụ thể:

a) Đối với nhóm cá nhân kinh doanh thì người đại diện của nhóm cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế theo hướng dẫn đối với cá nhân kinh doanh để được cấp mã số thuế cho bản thân. Mã số thuế của người đại diện của nhóm cá nhân kinh doanh được sử dụng để khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môn bài,... chung cho cả nhóm và khai thuế thu nhập cá nhân cho bản thân người đại diện. Những cá nhân góp vốn khác trong nhóm đều phải thực hiện đăng ký thuế để được cấp mã số thuế riêng như đối với cá nhân kinh doanh.

b) Đối với cá nhân chuyển nhượng bất động sản chưa có mã số thuế thì cơ quan thuế tự động cấp mã số thuế cho cá nhân căn cứ trên thông tin cá nhân tại Hồ sơ chuyển nhượng bất động sản.

c) Đối với cá nhân là người phụ thuộc và người nộp thuế có kê khai giảm trừ gia cảnh nếu chưa có mã số thuế thì cơ quan thuế tự động cấp mã số thuế cho người phụ thuộc căn cứ trên thông tin của người phụ thuộc tại Tờ khai đăng ký giảm trừ gia cảnh (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) của người nộp thuế.

Điều 25. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế

1. Khấu trừ thuế

Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau:

a) Thu nhập của cá nhân không cư trú

Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập chịu thuế cho cá nhân không cư trú có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập. Số thuế phải khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Chương III (từ Điều 17 đến Điều 23) Thông tư này.

b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công

b.1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.

b.2) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.

b.3) Đối với cá nhân là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập căn cứ vào thời gian làm việc tại Việt Nam của người nộp thuế ghi trên Hợp đồng hoặc văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo Biểu lũy tiến từng phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm tính thuế) hoặc theo Biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế).

b.4) Doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý Quỹ hưu trí tự nguyện có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với tiền tích lũy mua bảo hiểm không bắt buộc, tiền tích lũy đóng quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 6, Điều 7 Thông tư này.

b.5) Số thuế phải khấu trừ đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú được xác định theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư này; của cá nhân không cư trú được xác định theo Điều 18 Thông tư này.

c) Thu nhập từ hoạt động đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp

Công ty xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả thu nhập cho cá nhân làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập cho cá nhân. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại khoản 5, Điều 7 Thông tư này.

d) Thu nhập từ đầu tư vốn

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ đầu tư vốn theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập cho cá nhân trừ trường hợp cá nhân tự khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 9, Điều 26 Thông tư này. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư này.

đ) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán

Mọi trường hợp chuyển nhượng chứng khoán đều phải khấu trừ thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng trước khi thanh toán cho người chuyển nhượng. Cụ thể việc khấu trừ thuế được thực hiện như sau:

đ.1) Đối với chứng khoán giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán:

đ.1.1) Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng trước khi thanh toán tiền cho cá nhân. Số thuế khấu trừ được xác định như hướng dẫn tại điểm b.2, khoản 2, Điều 11 Thông tư này.

đ.1.2) Công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác quản lý danh mục đầu tư chứng khoán có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân ủy thác danh mục đầu tư chứng khoán theo bảng phân bổ của công ty gửi ngân hàng lưu ký mà công ty mở tài khoản lưu ký.

đ.2) Đối với chứng khoán chuyển nhượng không qua hệ thống giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán:

đ.2.1) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán:

Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng trước khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

đ.2.2) Đối với chứng khoán của công ty cổ phần chưa là công ty đại chúng nhưng tổ chức phát hành chứng khoán ủy quyền cho công ty chứng khoán quản lý danh sách cổ đông:

Công ty chứng khoán được ủy quyền quản lý danh sách cổ đông khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng trước khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu chứng khoán.

Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán phải xuất trình hợp đồng chuyển nhượng với Công ty chứng khoán khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu chứng khoán.

e.Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp của cá nhân không cư trú

Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn góp của cá nhân không cư trú có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng vốn góp.

g) Thu nhập từ trúng thưởng

Tổ chức trả tiền thưởng có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thưởng cho cá nhân trúng thưởng. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư này.

h) Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập cho cá nhân. Số thuế khấu trừ được xác định bằng phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo từng hợp đồng chuyển nhượng nhân (×) với thuế suất 5%. Trường hợp hợp đồng có giá trị lớn thanh toán làm nhiều lần thì lần đầu thanh toán, tổ chức, cá nhân trả thu nhập trừ 10 triệu đồng khỏi giá trị thanh toán, số còn lại phải nhân với thuế suất 5% để khấu trừ thuế. Các lần thanh toán sau sẽ khấu trừ thuế thu nhập tính trên tổng số tiền thanh toán của từng lần.

i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.

Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.

2. Chứng từ khấu trừ

a) Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập đã khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều này phải cấp chứng từ khấu trừ thuế theo yêu cầu của cá nhân bị khấu trừ. Trường hợp cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thì không cấp chứng từ khấu trừ.

b) Cấp chứng từ khấu trừ trong một số trường hợp cụ thể như sau:

b.1) Đối với cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng: cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ cho mỗi lần khấu trừ thuế hoặc cấp một chứng từ khấu trừ cho nhiều lần khấu trừ thuế trong một kỳ tính thuế.

Ví dụ 15: Ông Q ký hợp đồng dịch vụ với công ty X để chăm sóc cây cảnh tại khuôn viên của Công ty theo lịch một tháng một lần trong thời gian từ tháng 9/2013 đến tháng 4/2014. Thu nhập của ông Q được Công ty thanh toán theo từng tháng với số tiền là 03 triệu đồng. Như vậy, trường hợp này ông Q có thể yêu cầu Công ty cấp chứng từ khấu trừ theo từng tháng hoặc cấp một chứng từ phản ánh số thuế đã khấu trừ từ tháng 9 đến tháng 12/2013 và một chứng từ cho thời gian từ tháng 01 đến tháng 04/2014.

b.2) Đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên: tổ chức, cá nhân trả thu nhập chỉ cấp cho cá nhân một chứng từ khấu trừ trong một kỳ tính thuế.

Ví dụ 16: Ông R ký hợp đồng lao động dài hạn (từ tháng 9/2013 đến tháng hết tháng 8/2014) với công ty Y. Trong trường hợp này, nếu ông R thuộc đối tượng phải quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế và có yêu cầu Công ty cấp chứng từ khấu trừ thì Công ty sẽ thực hiện cấp 01 chứng từ phản ánh số thuế đã khấu trừ từ tháng 9 đến hết tháng 12/2013 và 01 chứng từ cho thời gian từ tháng 01 đến hết tháng 8/2014.

Điều 26. Khai thuế, quyết toán thuế

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân và cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân thực hiện khai thuế và quyết toán thuế theo hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ tại văn bản hướng dẫn về quản lý thuế. Nguyên tắc khai thuế đối với một số trường hợp cụ thể:

1. Khai thuế đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

a) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập khấu trừ thuế thu nhập cá nhân khai thuế theo tháng hoặc quý. Trường hợp trong tháng hoặc quý, tổ chức, cá nhân trả thu nhập không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì không phải khai thuế.

b) Việc khai thuế theo tháng hoặc quý được xác định một lần kể từ tháng đầu tiên có phát sinh khấu trừ thuế và áp dụng cho cả năm tính thuế, cụ thể như sau:

b.1) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phát sinh số thuế khấu trừ trong tháng của ít nhất một loại tờ khai thuế thu nhập cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên thì thực hiện khai thuế theo tháng, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý.

b.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập không thuộc diện khai thuế theo tháng theo hướng dẫn nêu trên thì thực hiện khai thuế theo quý.

c) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có ủy quyền.

2. Khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh

a) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế bao gồm:

a.1) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam trả nhưng chưa thực hiện khấu trừ thuế thực hiện khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quý.

a.2) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức, cá nhân trả từ nước ngoài thực hiện khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quý.

b) Cá nhân, nhóm cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế bao gồm:

b.1) Cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai là cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh chỉ hạch toán được doanh thu, không hạch toán được chi phí thực hiện khai thuế theo quý.

b.2) Cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán là cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, không xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập chịu thuế thực hiện khai thuế theo năm.

b.3) Cá nhân kinh doanh lưu động (buôn chuyến) khai thuế thu nhập cá nhân theo từng lần phát sinh.

b.4) Cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán lẻ theo từng số khai thuế thu nhập cá nhân theo từng lần phát sinh đối với doanh thu trên hóa đơn.

b.5) Cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng khai thuế thu nhập cá nhân theo từng lần phát sinh.

b.6) Cá nhân, nhóm cá nhân có thu nhập từ cho thuê nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác khai thuế theo quý hoặc từng lần phát sinh.

c) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ khai thuế tiếp theo, trừ các trường hợp sau:

c.1) Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.

c.2) Cá nhân, hộ kinh doanh chỉ có một nguồn thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán.

c.3) Cá nhân, hộ gia đình chỉ có thu nhập từ việc cho thuê nhà, cho thuê quyền sử dụng đất đã thực hiện nộp thuế theo kê khai tại nơi có nhà, quyền sử dụng đất cho thuê.

c.4) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

c.5) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập từ cho thuê nhà, cho thuê quyền sử dụng đất có doanh thu bình quân tháng trong năm không quá 20 triệu đồng đã nộp thuế tại nơi có nhà cho thuê, có quyền sử dụng đất cho thuê nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

d) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau:

d.1) Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại một đơn vị và thực tế đang làm việc ở đơn vị tại thời điểm ủy quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm.

d.2) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên và có thêm thu nhập khác theo hướng dẫn tại tiết c.4 và c.5, điểm c, khoản 2, Điều này.

đ) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập chỉ thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cá nhân nhận được từ tổ chức, cá nhân trả thu nhập.

e) Nguyên tắc khai thuế, quyết toán thuế đối với một số trường hợp như sau:

e.1) Trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài đã tính và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài. Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế.

e.2) Cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công trong trường hợp số ngày có mặt tại Việt Nam tính trong năm dương lịch đầu tiên là dưới 183 ngày, nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên.

- Năm tính thuế thứ nhất: khai và nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày tính đủ 12 tháng liên tục.

- Từ năm tính thuế thứ hai: khai và nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Số thuế còn phải nộp trong năm tính thuế thứ 2 được xác định như sau:

Số thuế còn phải nộp năm tính thuế thứ 2

=

Số thuế phải nộp của năm tính thuế thứ 2

-

Số thuế tính trùng được trừ

Trong đó:

Số thuế phải nộp của năm tính thuế thứ 2

=

Thu nhập tính thuế của năm tính thuế thứ 2

x

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân theo Biểu lũy tiến từng phần

Số thuế tính trùng được trừ

=

Số thuế phải nộp trong năm tính thuế thứ nhất

x

Số tháng tính trùng

12

Ví dụ 17: Ông S là người nước ngoài lần đầu tiên tới Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ ngày 01/6/2014 đến 31/5/2016. Năm 2014, ông S có mặt tại Việt Nam 80 ngày phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công là 134 triệu đồng. Năm 2015, ông S có mặt tại Việt Nam trong thời gian từ 01/01/2015 đến hết ngày 31/5/2015 là 110 ngày và phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công là 106 triệu đồng; từ ngày 01/6/2015 đến 31/12/2015, ông S có mặt tại Việt Nam là 105 ngày phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công là 122 triệu đồng. Ông S không đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc và không phát sinh các khoản đóng góp bảo hiểm, từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Số thuế thu nhập cá nhân của Ông S phải nộp được xác định như sau:

+ Nếu tính theo năm 2014, Ông S là cá nhân không cư trú, nhưng tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày 01/6/2014 đến hết ngày 31/5/2015, tổng thời gian ông S có mặt tại Việt Nam là 190 ngày (80 ngày + 110 ngày). Vì vậy, ông S là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

+ Năm tính thuế thứ nhất (tngày 01/6/2014 đến ngày 31/5/2015):

- Tổng thu nhập chịu thuế trong năm tính thuế thứ nhất:

134 triệu đồng + 106 triệu đồng = 240 triệu đồng

- Giảm trừ gia cảnh: 9 triệu đồng x 12 = 108 triệu đồng

- Thu nhập tính thuế: 240 triệu đồng - 108 triệu đồng = 132 triệu đồng

- Thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm tính thuế thứ nhất: 60 triệu đồng × 5% + (120 triệu đồng - 60triệu đồng) × 10% + (132 triệu đồng - 120 triệu đồng) × 15% = 10,8 triệu đồng

+ Năm tính thuế thứ hai (từ 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2015): Ông S có mặt tại Việt Nam 215 ngày (110 ngày + 105 ngày) là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

- Thu nhập chịu thuế phát sinh trong năm 2015:

106 triệu đồng + 122 triệu đồng = 228 triệu đồng

- Giảm trừ gia cảnh : 9 triệu đồng x 12 = 108 triệu đồng

- Thu nhập tính thuế năm 2015:

228 triệu đồng – 108 triệu đồng = 120 triệu đồng

- Thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2015:

(60 triệu đồng × 5%) + (120 triệu đồng – 60 triệu đồng) × 10% = 9 triệu đồng

+ Quyết toán thuế năm 2015 có 5 tháng tính trùng với quyết toán thuế năm thứ nhất (từ tháng 01/2015 đến tháng 05/2015)

- Số thuế tính trùng được trừ :

(10,8 triệu đồng/12 tháng) x 5 tháng = 4,5 triệu đồng.

- Thuế thu nhập cá nhân còn phải nộp năm 2015 là :

9 triệu đồng – 4,5 triệu đồng = 4,5 triệu đồng

e.3) Cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh.

e.4) Đối với cá nhân cho thuê nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân trừ các trường hợp không phải quyết toán thuế theo hướng dẫn tại điểm c.3 và c.5, khoản 2, Điều này, cụ thể như sau:

e.4.1) Trường hợp cá nhân khai thuế theo quý hoặc khai thuế theo từng lần phát sinh đối với hợp đồng có kỳ hạn thanh toán từ một năm trở xuống thì thực hiện quyết toán thuế như đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.

e.4.2) Trường hợp cá nhân khai thuế theo từng lần phát sinh đối với hợp đồng có kỳ hạn thanh toán trên một năm và nhận tiền trước cho một thời hạn thuê thì cá nhân lựa chọn một trong hai hình thức hình thức quyết toán thuế như sau: nếu quyết toán thuế hết vào năm đầu thì doanh thu được xác định theo doanh thu trả tiền một lần và tính giảm trừ gia cảnh của một năm, các năm sau không tính lại; nếu quyết toán theo từng năm thì tạm kê khai doanh thu trả tiền một lần và tính giảm trừ gia cảnh của năm đầu, các năm sau phân bổ lại doanh thu cho thuê tài sản và tính giảm trừ gia cảnh theo thực tế phát sinh.

e.5) Cá nhân có thu nhập từ đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế nếu thuộc diện phải quyết toán thuế.

e.6) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh nhưng thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tại nạn, bệnh hiểm nghèo trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.

e.7) Cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh là đối tượng không cư trú nhưng có địa điểm kinh doanh cố định trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện khai thuế, quyết toán thuế như đối với cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh là đối tượng cư trú.

3. Khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản

a) Cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản thực hiện khai thuế theo từng lần phát sinh, kể cả trường hợp thuộc đối tượng được miễn thuế. Khai thuế đối với một số trường hợp cụ thể như sau:

a.1) Trường hợp cá nhân có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nhưng đem thế chấp, bảo lãnh vay vốn hoặc thanh toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; đến hết thời hạn trả nợ, cá nhân không có khả năng trả nợ thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm thủ tục phát mại, bán bất động sản đó đồng thời thực hiện khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho cá nhân trước khi thực hiện thanh quyết toán các khoản nợ của cá nhân.

a.2) Trường hợp cá nhân có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nhưng đem thế chấp để vay vốn hoặc thanh toán với tổ chức cá nhân khác, nay thực hiện chuyển nhượng toàn bộ (hoặc một phần) bất động sản đó để thanh toán nợ thì cá nhân có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà phải khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc tổ chức, cá nhân làm thủ tục chuyển nhượng thay phải khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho cá nhân trước khi thanh quyết toán các khoản nợ.

a.3) Trường hợp bất động sản do cá nhân chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác theo quyết định thi hành án của Tòa án thì cá nhân chuyển nhượng phải khai, nộp thuế hoặc tổ chức, cá nhân tổ chức bán đấu giá phải khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho cá nhân chuyển nhượng. Riêng đối với bất động sản của cá nhân bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện tịch thu, bán đấu giá nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật thì không phải khai, nộp thuế thu nhập cá nhân.

a.4) Trường hợp chuyển đổi nhà, đất cho nhau giữa các cá nhân không thuộc các trường hợp chuyển đổi đất nông nghiệp để sản xuất thuộc đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại điểm đ, khoản 1, Điều 3 Thông tư này thì từng cá nhân chuyển đổi nhà, đất phải khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân.

a.5) Trường hợp khai thay hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, thì tổ chức, cá nhân khai thay ghi thêm “Khai thay” vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế” đồng thời người khai ký, ghi rõ họ tên, nếu là tổ chức khai thay thì sau khi ký tên phải đóng dấu của tổ chức. Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn phải thể hiện đúng người nộp thuế là cá nhân chuyển nhượng bất động sản.

b) Cơ quan quản lý bất động sản chỉ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản khi đã có chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc xác nhận của cơ quan thuế về khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản thuộc đối tượng được miễn thuế hoặc tạm thời chưa thu thuế.

4. Khai thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn (trừ chuyển nhượng chứng khoán)

a) Cá nhân cư trú chuyển nhượng vốn góp thực hiện khai thuế theo từng lần chuyển nhượng không phân biệt có hay không phát sinh thu nhập.

b) Cá nhân không cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp tại Việt Nam không phải khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế mà tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng thực hiện khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại điểm e, khoản 1, Điều 25 Thông tư này và khai thuế theo từng lần phát sinh.

c) Doanh nghiệp làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn trong trường hợp chuyển nhượng vốn mà không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.

Trường hợp doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp thực hiện khai thay hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân. Doanh nghiệp khai thay ghi thêm “Khai thay” vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế” đồng thời người khai ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của doanh nghiệp. Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn phải thể hiện đúng người nộp thuế là cá nhân chuyển nhượng vốn góp (trường hợp là chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú) hoặc cá nhân nhận chuyển nhượng vốn (trường hợp là chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú).

5. Khai thuế đối với cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán

a) Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán của Công ty đại chúng giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán không phải khai trực tiếp với cơ quan thuế mà Công ty chứng khoán, Ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký, Công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác quản lý danh mục đầu tư khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 26 Thông tư này.

b) Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không thông qua hệ thống giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán:

b.1) Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán không phải khai trực tiếp với cơ quan thuế mà Công ty chứng khoán, Ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán khấu trừ thuế và khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 26 Thông tư này.

b.2) Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán của công ty cổ phần chưa là công ty đại chúng nhưng tổ chức phát hành chứng khoán ủy quyền cho công ty chứng khoán quản lý danh sách cổ đông không phải khai trực tiếp với cơ quan thuế mà Công ty chứng khoán được ủy quyền quản lý danh sách cổ đông khấu trừ thuế và khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 26 Thông tư này.

c) Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không thuộc trường hợp nêu tại điểm a, b, khoản 5, Điều này thì khai thuế theo từng lần phát sinh.

d) Doanh nghiệp thực hiện thủ tục thay đổi danh sách cổ đông trong trường hợp chuyển nhượng chứng khoán mà không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng chứng khoán đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.

Trường hợp doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán khai thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp thực hiện khai thay hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân. Doanh nghiệp khai thay ghi thêm “Khai thay” vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế” đồng thời người khai ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của doanh nghiệp. Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn phải thể hiện đúng người nộp thuế là cá nhân chuyển nhượng chứng khoán.

đ) Cuối năm nếu cá nhân chuyển nhượng chứng khoán có yêu cầu quyết toán thuế thì thực hiện khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế.

6. Khai thuế đối với thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng

a) Cá nhân có thu nhập từ nhận thừa kế, nhận quà tặng khai thuế theo từng lần phát sinh kể cả trường hợp được miễn thuế.

b) Các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức có liên quan chỉ thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản, chứng khoán, phần vốn góp và các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cho người nhận thừa kế, nhận quà tặng khi đã có chứng từ nộp thuế hoặc xác nhận của cơ quan thuế về khoản thu nhập từ thừa kế, quà tặng là bất động sản được miễn thuế.

7. Khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài

Cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài thực hiện khai thuế theo từng lần phát sinh, riêng cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trả từ nước ngoài khai thuế theo quý.

8. Khai thuế đối với cá nhân không cư trú có thu nhập phát sinh tại Việt Nam nhưng nhận thu nhập ở nước ngoài

a) Cá nhân không cư trú có thu nhập phát sinh tại Việt Nam nhưng nhận tại nước ngoài khai thuế theo lần phát sinh. Riêng cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh tại Việt Nam nhưng nhận tại nước ngoài khai thuế theo quý.

b) Cá nhân không cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán) phát sinh tại Việt Nam nhưng nhận thu nhập tại nước ngoài thực hiện khai thuế theo từng lần phát sinh hướng dẫn tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này.

9. Khai thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn trong trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu, lợi tức ghi tăng vốn.

Cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu, lợi tức ghi tăng vốn chưa phải khai và nộp thuế từ đầu tư vốn khi nhận. Khi chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh nghiệp cá nhân khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn và thu nhập từ đầu tư vốn.

10. Khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản trong trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp, góp vốn bằng chứng khoán, góp vốn bằng bất động sản.

Cá nhân góp vốn bằng phần vốn góp, bằng chứng khoán, bằng bất động sản chưa phải khai và nộp thuế từ chuyển nhượng khi góp vốn. Khi chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh nghiệp cá nhân khai và nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản khi góp vốn và thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản khi chuyển nhượng.

11. Khai thuế từ tiền lương, tiền công đối với thu nhập từ thưởng bằng cổ phiếu.

Cá nhân khi nhận thưởng bằng cổ phiếu từ đơn vị sử dụng lao động chưa phải nộp thuế từ tiền lương, tiền công. Khi cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu thưởng thì khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu và thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Điều 27. Trách nhiệm của tổ chức Việt Nam ký hợp đồng mua dịch vụ của nhà thầu nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam

Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam (sau đây gọi tắt là bên Việt Nam) có ký hợp đồng mua dịch vụ của nhà thầu nước ngoài mà nhà thầu đó có ký hợp đồng lao động với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì bên Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho nhà thầu nước ngoài về nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân của người lao động nước ngoài và về trách nhiệm cung cấp các thông tin về người lao động nước ngoài, gồm: danh sách, quốc tịch, số hộ chiếu, thời gian làm việc, công việc đảm nhận, thu nhập cho bên Việt Nam để bên Việt Nam cung cấp cho cơ quan thuế chậm nhất trước 07 ngày kể từ ngày cá nhân nước ngoài bắt đầu làm việc tại Việt Nam.

Điều 28. Hoàn thuế

1. Việc hoàn thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với những cá nhân đã đăng ký và có mã số thuế tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế.

2. Đối với cá nhân đã ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện bù trừ số thuế nộp thừa, nộp thiếu của các cá nhân. Sau khi bù trừ, nếu còn số thuế nộp thừa thì được bù trừ vào kỳ sau hoặc hoàn thuế nếu có đề nghị hoàn trả.

3. Đối với cá nhân thuộc diện khai trực tiếp với cơ quan thuế có thể lựa chọn hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ sau tại cùng cơ quan thuế.

4. Trường hợp cá nhân có phát sinh hoàn thuế thu nhập cá nhân nhưng chậm nộp tờ khai quyết toán thuế theo quy định thì không áp dụng phạt đối với vi phạm hành chính khai quyết toán thuế quá thời hạn.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2013.

Các nội dung về chính sách thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP hiệu lực từ thời điểm Luật, Nghị định có hiệu lực (01/7/2013).

Bãi bỏ hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân tại các Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008, 10/2009/TT-BTC ngày 21/01/2009, 42/2009/TT-BTC ngày 09/3/2009, 62/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009, 161/2009/TT-BTC ngày 12/8/2009, 164/2009/TT-BTC ngày 13/8/2009, 02/2010/TT-BTC ngày 11/01/2010, 12/2011/TT-BTC ngày 26/01/2011, 78/2011/TT-BTC ngày 08/6/2011, 113/2011/TT-BTC ngày 04/8/2011 của Bộ Tài chính.

2. Bãi bỏ các nội dung hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân do Bộ Tài chính ban hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 30. Trách nhiệm thi hành

1. Các nội dung khác liên quan đến quản lý thuế không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế.

2. Việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc về thuế thu nhập cá nhân phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2013 tiếp tục thực hiện theo quy định tại các văn bản hướng dẫn có hiệu lực cùng thời điểm.

3. Việc áp dụng tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định đối với cá nhân kinh doanh theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này được thực hiện thống nhất từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

4. Đối với hợp đồng mua bán nền nhà, hợp đồng góp vốn để có quyền mua nền nhà, nhà, căn hộ ký trước thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, nay được chủ đầu tư đồng ý cho cá nhân chuyển nhượng thì khai, nộp thuế như hướng dẫn với chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai.

5. Đối với trường hợp người sử dụng đất do nhận chuyển nhượng trước ngày 01 tháng 01 năm 2009 nay nộp hồ sơ hợp lệ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì chỉ thu một (01) lần thuế thu nhập cá nhân của lần chuyển nhượng cuối cùng, các lần chuyển nhượng trước đó không thực hiện truy thu thuế.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, cá nhân chuyển nhượng bất động sản có hợp đồng công chứng hoặc không có hợp đồng chỉ có giấy tờ viết tay đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho từng lần chuyển nhượng.

6. Cá nhân đang được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân cho thời gian ưu đãi còn lại.

7. Trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết Điều ước quốc tế có quy định về thuế thu nhập cá nhân khác với hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để nghiên cứu giải quyết./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- HĐND, UBND, Sở TC, Cục thuế, Cục Hải quan các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính,Website Tổng cục Thuế;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, TCT (VT, TNCN).Thăng

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Phụ lục: 01/PL-TNCN

(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính)

Phụ lục

BẢNG HƯỚNG DẪN

PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ THEO BIỂU THUẾ LŨY TIẾN TỪNG PHẦN

(đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh)

Phương pháp tính thuế lũy tiến từng phần được cụ thể hóa theo Biểu tính thuế rút gọn như sau:

Bậc

Thu nhập tính thuế /tháng

Thuế suất

Tính số thuế phải nộp

Cách 1

Cách 2

1

Đến 5 triệu đồng (trđ)

5%

0 trđ + 5% TNTT

5% TNTT

2

Trên 5 trđ đến 10 trđ

10%

0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ

10% TNTT - 0,25 trđ

3

Trên 10 trđ đến 18 trđ

15%

0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ

15% TNTT - 0,75 trđ

4

Trên 18 trđ đến 32 trđ

20%

1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ

20% TNTT - 1,65 trđ

5

Trên 32 trđ đến 52 trđ

25%

4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ

25% TNTT - 3,25 trđ

6

Trên 52 trđ đến 80 trđ

30%

9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ

30 % TNTT - 5,85 trđ

7

Trên 80 trđ

35%

18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ

35% TNTT - 9,85 trđ

Phụ lục: 02/PL-TNCN

(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính)

Phụ lục

BẢNG QUY ĐỔI

THU NHẬP KHÔNG BAO GỒM THUẾ RA THU NHẬP TÍNH THUẾ

(đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công)

Stt

Thu nhập làm căn cứ quy đổi/tháng

(viết tắt là TNQĐ)

Thu nhập tính thuế

1

Đến 4,75 triệu đồng (trđ)

TNQĐ/0,95

2

Trên 4,75 trđ đến 9,25trđ

(TNQĐ – 0,25 trđ)/0,9

3

Trên 9,25 trđ đến 16,05trđ

(TNQĐ – 0,75 trđ )/0,85

4

Trên 16,05 trđ đến 27,25 trđ

(TNQĐ – 1,65 trđ)/0,8

5

Trên 27,25 trđ đến 42,25 trđ

(TNQĐ – 3,25 trđ)/0,75

6

Trên 42,25 trđ đến 61,85 trđ

(TNQĐ – 5,85 trđ)/0,7

7

Trên 61,85 trđ

(TNQĐ – 9,85 trđ)/0,65

MINISTRY OF FINANCE
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 111/2013/TT-BTC

Hanoi, August 15, 2013

CIRCULAR

ON THE IMPLEMENTATION OF THE LAW ON PERSONAL INCOME TAX, THE LAW ON THE AMENDMENTS TO THE LAW ON PERSONAL INCOME TAX, AND THE GOVERNMENT'S DECREE NO. 65/2013/ND-CP ELABORATING A NUMBER OF ARTICLES OF THE LAW ON PERSONAL INCOME TAX AND THE LAW ON THE AMENDMENTS TO THE LAW ON PERSONAL INCOME TAX

Pursuant to the Law on Personal income tax No. 04/2007/QH12 dated November 21, 2007;

Pursuant to the Law on the amendments to the Law on Personal income tax No. 26/2012/QH13 dated November 22, 2012;

Pursuant to the Law on Tax administration No. 78/2006/QH11 dated November 29, 2006;

Pursuant to the Law on the amendments to the Law on Tax administration No. 21/2012/QH13 dated November 20, 2012;

Pursuant to the Government's Decree No. 65/2013/ND-CP dated June 27, 2013 elaborating a number of articles of the Law on Personal income tax and the Law on the amendments to the Law on Personal income tax;

Pursuant to the Government's Decree No. 83/2013/ND-CP dated June 22, 2013 elaborating a number of articles of the Law on Tax administration and the Law on the amendments to the Law on Tax administration;

Pursuant to the Government's Decree No. 118/2008/ND-CP dated November 27, 2008, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

At the request of the Director of the General Department of Taxation;

The Minister of Finance provides guidance on the implementation of the Law on Personal income tax, the Law on the amendments to the Law on Personal income tax, and the Government's Decree No. 65/2013/ND-CP elaborating a number of articles of the Law on Personal income tax and the Law on the amendments to the Law on Personal income tax:

Chapter 1.

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Taxpayers

Taxpayers are residents and non-residents according to Article 2 of the Government's Decree No. 65/2013/ND-CP elaborating a number of articles of the Law on Personal income tax and the Law on the amendments to the Law on Personal income tax (hereinafter referred to as the Decree No. 65/2013/ND-CP) and earn taxable incomes according to Article 3 of the Law on Personal income tax and Article 3 of the Decree No. 65/2013/ND-CP.

Determination of taxable incomes earned by taxpayers:

Taxable incomes earned by residents are the incomes earned within or outside Vietnam’s territory, regardless of locations or payment and receipt.

Taxable incomes earned by non-residents are the incomes earned within Vietnam’s territory, regardless of the location of payment and receipt.

1. A resident is a person that meets one of the conditions below:

a) He/she has been present in Vietnam for at least 183 days in a calendar year or for 12 consecutive months from the first day of his/her presence in Vietnam (the date of arrival and date of departure are considered 01 day). The date of arrival and date of departure depends on the certification of the immigration agency on the passport (or laissez-passers) when that person enters and leaves Vietnam. If the person enters and leaves Vietnam within one day, it will be considered a day of residence.

A person in Vietnam defined in this Point is the presence of that person in Vietnam’s territory.

b) He/she has a regular residence in Vietnam in one of the following cases:

b.1) He/she has a regular residence according to regulations of law on residence:

b.1.1) For Vietnamese citizens: a place where that person regularly, stably and indefinitely lives and has been registered as a permanent residence as prescribed by regulations of law on residence.

b.1.2) For foreigners: the permanent residence written in the permanent residence card or the temporary residence when applying for the temporary residence card issued by a competent authority affiliated to the Ministry of Public Security.

b.2) He/she rents a house in Vietnam according to regulations of law on housing under a contract that has a term of at least 183 days in the tax year. To be specific:

b.2.1) A person who has no regular residence defined in Point b.1 Clause 1 of this Article will be considered a resident if he/she has a total house lease period of at least 183 days in the tax year under various lease contracts, even if a he/she rents houses in different locations.

b.2.2) The rented houses can be hotels, guesthouses, motels, offices, etc. whether they are rented by the person or their employer.

If the person has a regular residence in Vietnam according to this Clause but his/her actual presence in Vietnam is shorter than 183 days in the tax year and he/she fails to prove his/her residency in any country, that person will be considered a resident of Vietnam.

The residency in another country shall be proved by the Certificate of residence. If the person is a citizen of a country or territory that has signed a tax agreement with Vietnam and does not issue the Certificate of residence, that person shall present a photocopy of the passport to prove the period of residence.

2. A non-resident is a person who fails to meet any of the conditions specified in Clause 1 of this Article.

3. Taxpayers in some specific cases are identified as follows:

a) For the person that earns incomes from business:

a.1) If only one person is registered in the Certificate of Business, the taxpayer is person whose name is registered in the Certificate of Business registration.

a.2) If multiple people are registered in the Certificate of Business registration and participate in the business, the taxpayers are the persons whose names are registered in the Certificate of Business registration.

a.3) If multiple members of a household participate in the business but only one person is registered in the Certificate of Business registration, the taxpayer is the person whose name is registered in the Certificate of Business registration.

a.4) If the person or household does business without the Certificate of Business registration (or practice certificate), the taxpayer is the person doing business.

a.5) When leasing a house, the right to use land, water surface, and other property without business registration, the taxpayer is the person that owns the house, the right to use land, water surface and other property. If the house or the right to use land, water surface, and other property is under the ownership of multiple persons, the taxpayers are all the owners.

b) Other individuals that earn taxable incomes.

b.1) When transferring real estate under a co-ownership, taxpayers are the co-owners of such real estate.

b.2) If the person delegated to manage real estate has the right to transfer real estate or rights similar to those of the real estate owner, the taxpayer is the delegating person.

b.3) If the person that transfers the ownership, the right to use protected entities according to the Law on Intellectual property and the Law on Technology transfers is the co-owner or co-author, the taxpayer is co-owner and co-author that earn incomes from such transfer.

b.4) If multiple persons participate in a franchise according to the Law on Commerce, the taxpayers are all persons that earn incomes from the franchise.

4. The taxpayers defined in Clause 1 and Clause 2 of this Article include:

a) The persons that hold Vietnamese nationality, including the persons sent to work or study overseas, and earn taxable incomes.

b) The persons that do not hold Vietnamese nationality but earn taxable income, including: foreigners working in Vietnam, foreigners that are not present in Vietnam but earn taxable incomes from Vietnam.

Article 2. Taxable incomes

According to Article 3 of the Law on Personal income tax and Article 3 of the Decree No. 65/2013/ND-CP , the incomes subject to personal income tax (hereinafter referred to as taxable incomes) include:

1. Incomes from business

Incomes from business are incomes earned from the production and sale. To be specific:

a) Incomes from production and sale of goods and services that belong to all industries such as: production, goods sale, construction, construction, restaurants, service provision including lease of houses, right to use land, water surface, and other property.

b) Incomes from freelance works of individuals in the fields that are licensed or certificated as prescribed by law.

c) Incomes from agriculture, forestry, salt production, and fishery that are not eligible for tax exemption according to Point e Clause 1 Article 3 of this Circular.

2. Incomes from wages and remunerations.

Incomes from wages and remunerations (hereinafter referred to as wages) are incomes paid to employees from employers, including:

a) Wages, remunerations, and the other amounts paid as wages or remunerations in cash or not in cash.

b) Allowances and benefits, except for:

b.1) Monthly benefits, lump-sum benefits and allowances according to regulations of law on incentives for contributors.

b.2) Monthly allowances and lump-sump allowances for the persons that participate in the resistance movements, national defense, fulfillment of international tasks, and discharged volunteers.

b.3) Benefits for national defense and security; subsidies for the armed forces.

b.4) Benefits for dangerous or harmful works.

b.5) Benefits for employees in disadvantaged areas.

b.6) Irregular allowances for difficulties, occupational accident benefits, occupational illness benefits, lump-sum allowances for childbirth or adoption, maternity leave benefits, post-maternity recovery benefits, benefits for reduction in work ability, lump-sum pension, monthly widow’s pension, severance pay, redundancy pay, unemployment benefits, and other benefits according to the Labor Code and the Law on Social insurance.

b.7) Benefits for beneficiaries of social security.

b.8) Benefits for senior officers.

b.9) Lump-sum benefits for the persons reassigned to the areas facing extreme economic and social difficulties, lump-sum supports for officers working for sovereignty over sea and islands as prescribed by law. Lump-sum moving allowances for foreigners that move and reside in Vietnam and Vietnamese people that go to work abroad.

b.10) Benefits for medical employees in villages.

b.11) Occupational benefits.

The allowances and benefits that are not included in taxable incomes as guided in Point b Clause 2 of this Article must be defined by competent authorities.

If the documents on allowances and benefits are applicable to the public sector, other economic sectors and business establishments shall calculate allowances and benefits based on such documents.

If the actual benefits and allowances received are in excess of those stated above, the excess shall be included in taxable incomes.

Lump-sum moving allowances for foreigners that reside in Vietnam and Vietnamese people working overseas shall be deducted in accordance with the labor contract or collective bargaining agreement.

c) Remunerations in the forms of agent commission, brokerage commission, payments for participation in science and technology researches, payments for participation in projects and schemes, royalties according to regulations of law on royalties, payments for teaching, payments for participation in artistic performance, sports, payments for advertising, payments for other services, and other remunerations.

d) Payments for participation in business associations, Boards of Directors, Control Boards, project management boards, management councils, professional associations, and other organizations.

dd) Other benefits in cash or not in cash apart from wages paid to the taxpayer by the employer in any shape or form:

dd.1) Payments for housing, electricity, water supply and ancillary services (if any).

If the person stays at the workplace, the taxable income depends on the house rent or depreciation expense, payments for electricity, water supply, and other services according to the ratio of area that person uses to the total area of the workplace.

The house rent paid by the employer on behalf of the employee shall be included in the taxable income according to the actual amount, which must not exceed 15% of the total taxable income (excluding house rent) earned at the workplace.

dd.2) The life insurance premiums, other optional insurance premiums, contributions to the voluntary pension fund paid or made by the employer on the employee’s behalf.

dd.3) Membership fees and other expenditure on services serving individuals such as: healthcare, entertainments, sports, recreation. To be specific:

dd.3.1) Membership fees (such as membership card of golf course, tennis course, cultural, artistic, sports clubs, etc.) - if the card specifies the user or group of users. If the card is shared without specific users, the fees are not included in taxable incomes.

dd.3.2) Expenditures on other services serving individuals such as: healthcare, entertainments, sports, recreation, etc. - if the names of the recipients are specified. If the recipient is the collective of employees, not any specific person, it is not included in taxable income.

dd.4) Flat expenditures on stationery, business trips, phone calls, costumes, etc. that are in excess of the limits prescribed by the State. Flat expenditures are not included in taxable income in the cases below:

dd.4.1) For the officials and employees in public service agencies, communist party’s agencies, associations: the flat expenditure shall apply guiding documents promulgated by the Ministry of Finance.

dd.4.2) For the employees working in businesses and representative offices: the flat expenditure shall conform to the income that incurs corporate income tax and guiding documents of the Law on Enterprise income tax.

dd.4.3. For the employees in international organizations and representative offices of foreign organizations: the flat expenditure shall comply with regulations of such international organizations and representative offices of foreign organizations.

dd.5) The expenditure on shuttling employees is not included in taxable incomes earned by employees; if the person is shuttled personally, it shall be included in the taxable incomes earned by the shuttled person.

dd.6) The payments for refresher courses for employees, which suit their professions or accords with plans of the employer, shall not be included in the incomes earned by employees.

dd.7) Other benefits.

Other benefits paid to employees by the employers such as: payments during leave period or public holidays; payment for counseling, tax statement services for a particular person or group of people; payment for domestic servants such as driver, cook, and other domestic servants that work under contracts, etc.

e) Rewards in cash or not in cash in any shape or form, including rewards in the form of securities, except for:

e.1) Prize money associated with the titles awarded by the State, including the prize money associated with honorary titles as prescribed by law:

e.1.1) Prize money associated with honorary titles awarded by Ministries, central and provincial agencies and associations, excellent employee titles.

e.1.2) Prize money associated with the awards.

e.1.3) Prize money associated with the titles awarded by the State.

e.1.4) Prize money associated with the awards presented by associations and organizations belonging to central and local political organizations, socio-political organizations, social organizations, professional-social organizations that conforms to their charters and the Law on Emulation and Commendation.

e.1.5) Prize money associated with the Ho Chi Minh Prize and National Prize.

e.1.6) Prize money associated with medals or badges.

e.1.7) Prize money associated with certificates of merit

The powers to decide the commendation and prize money associated with the titles and awards above must be conformable with the Law on Emulation and commendation.

e.2) Prize money associated with national prizes and international prizes recognized by Vietnam.

e.3) Rewards for technical innovations and inventions recognized by competent authorities.

e.4) Rewards for reporting violations of law to competent authorities.

g) The incomes below are not included in taxable incomes:

g.1) Supports provided by the employer for medical examination and treatment of fatal diseases suffered by employees and their families.

g.1.1) Family of the employee in this case include: children, legitimate adopted children, illegitimate children, stepchildren, spouse, parents, parents-in-law; stepparents, legitimate adoptive parents.

g.1.2) The support that is not included in taxable income is the actual paid amount according to hospital bills, but must not exceed the hospital fee paid by the employee and his or her family after the amount paid by the insurer is deducted.

g.1.3) The employer that provide supports shall keep the copies of the hospital bills that are certified by the employer (if the employee and his or her family pay for the remaining amount after the insurer directly pay the medical facility), the copies of the health insurance payment certified by the employer (if the employee and his or her family pays the entire hospital fee and then receive insurance money from the insurer) together with the papers proving the provision of supports for employees and their families who suffer from fatal diseases.

g.2) The amount received according to regulations on using vehicles of state agencies, public service agencies, communist party’s organizations, and associations.

g.3) The amount received according to the regulations on public housing.

g.4) Other payments received, apart from wages, for participation in consultation, appraisal, and inspection of legislative documents, Resolutions, political reports, inspectorates, serving votes, citizens; for costumes and other tasks directly serving the operation of the Office of the National Assembly, the Ethnic Communities Council, committees of the National Assembly, the delegations of the National Assembly, the Central Office, the departments of the Communist Party, City/Province Committees and their departments.

g.5) Payment for mid-shift meals, lunch of employees provided by employers that provide mid-shift meals, lunch for their employees in the form of cooking, buying catering services, giving luncheon vouchers.

If the employer pays cash for their employees’ meals instead of providing mid-shift meals or lunch, such money is not included in the taxable income if it is conformable with the guidance of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs. If the payment is higher than the limit imposed by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the excess shall be included in taxable incomes.

The expenditures of state-owned enterprises, public service agencies, communist party’s agencies, associations shall not exceed the limits imposed by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs. For non-public enterprises and organizations, the expenditures shall be decided by the head and the union president, and shall not exceed the limits imposed on state-owned enterprises.

g.6) The payment for round-trip air tickets made by the employer for foreign employees in Vietnam or Vietnamese employees overseas to go home once a year.

The basis for determining the payment for air tickets is the labor contracts and the prices of air tickets from Vietnam to the other country and vice versa.

g.7) The tuition fees for children of foreign employees in Vietnam to study in Vietnam, for children of Vietnamese employees overseas to study overseas from preschool to high school, which are paid by the employer on their behalf.

g.8) The amounts received from sponsors are not included in the taxable income if the sponsorship beneficiary is a member of the sponsoring organization; the sponsorship is funded by government budget or managed in accordance with regulations of the State; from composting literary and artistic works, scientific research, accomplishment of political objectives of the State, or other activities that conforms with their charters.

g.9) The payments paid by the employer for dispatching, reassigning foreign employees in Vietnam in accordance with labor contracts and international work schedules of some industries such as petroleum, mineral extraction.

The basis of determination is the labor contract and the payments for air tickets from Vietnam to the home country of the foreign employee and vice versa.

Example 1: Mr. X is a foreigner dispatched by contractor Y to an oil rig on the continental shelf of Vietnam. According to the labor contract, the work cycle of Mr. X on this oil rig is 28 consecutive working days and 28 days off. The payments made by contractor Y for the air tickets for Mr. X to fly from his country to Vietnam and vice versa for every time of changing shift, the helicopter that take Mr. X from the mainland to the oil rig and vice verse, the residence expense while Mr. X is waiting for the helicopter shall not be included in the taxable income of Mr. X.

3. Incomes from capital investment

Incomes from capital investment are personal income in the form of:

a) Interest on the loans given to other organizations, enterprises, business households, business individuals and groups of business individuals according to loan contracts or agreements, except for the interests paid by credit institutions and branches of foreign banks according to Point g.1 Clause 1 Article 3 of this Circular.

b) The dividends earned from capital contribution to purchase of shares.

c) Profits from capital contributions to limited liability companies (including single-member limited liability companies), partnerships, cooperatives, joint-ventures, business cooperation contracts, and other forms of business according to the Law on Enterprises and the Law on Cooperatives; profits from capital contribution in the establishment of credit institutions according to the Law on credit institutions, capital contributions to securities investment fund and other investment funds that are established and operated within the law.

d) The added value of capital contribution received when the enterprise is dissolved, converted, divided, split, merged, amalgamation, or upon capital withdrawal.

dd) Incomes from interest on bonds, treasury bills, and other valuable papers issued by Vietnamese organizations, except for the incomes defined in Point g.1 and g.3 Clause 1 Article 3 of this Circular.

e) The incomes from capital investment in other forms, including capital contribution in kind, by reputation, rights to use land, patents.

g) Incomes from dividends paid in bonds, incomes from reinvested profit.

4. Incomes from capital transfer.

Incomes from capital transfer are personal income in the form of:

c) Profits from capital contributions to limited liability companies (including single-member limited liability companies), partnerships, cooperatives, business cooperation contracts, people's credit funds, economic organizations, and other organizations.

b) Incomes from securities transfer, including: incomes from transferring shares, call options on shares, bonds, treasury bills, fund certificates, and other securities according to the Law on Securities; incomes from transferring shares of the persons in the joint-stock company according to the Law on Enterprises.

c) Incomes from other forms of capital transfer.

5. Incomes from real estate transfer

Incomes from real estate transfer:

a) Incomes from transferring rights to use land.

b) Incomes from transferring rights to use land and property on the land. Property on the land includes:

b.1) Houses, including future houses.

b.2) Infrastructure and constructions on the land, including off-the-plan constructions.

b.3) Other property on land includes agriculture, forestry and fishery products (such as plants and animals).

c) Incomes from transferring ownership of houses, including future houses.

d) Incomes from transferring rights to use land, rights to rent water surface.

dd) Incomes from capital investment by real estate to establish enterprises or increase capital of enterprises as prescribed by law.

e) Incomes from delegating the management of real estate, if the person delegated to manage real estate has the right to transfer real estate or rights similar to those of the real estate owner.

g) Other incomes from real estate transfer in any shape or form.

The regulations on future houses and constructions in Clause 5 of this Article shall comply with regulations of law on real estate trading.

6. Incomes from winning prizes

Incomes from wining prizes are amounts of money or items received by the person in the form of:

a) Winning lottery prizes.

b) Wining prizes from promotion programs when buying products or services according to the Law on Commerce.

c) Winning prizes from the types of betting permitted by law.

d) Winning prizes in the casino permitted by law.

dd) Winning prizes from the games with prizes and the like held by economic organizations, administrative agencies, associations, other organizations and individuals.

7. Incomes from copyright

Incomes from copyright are incomes from the transfer of ownership, rights to use the subjects of intellectual property rights according to the Law on Intellectual property, incomes from technology transfers according to the Law on Technology transfers. In particular:

a) The subjects of intellectual property rights are specified in Article 3 of the Law on Intellectual property and relevant guiding documents:

a.1) Subjects of copyright include literary, artistic, and scientific works; subjects of rights relevant to copyright include: video recordings, sound recordings of broadcasted programs, program-carrying satellite signals.

a.2) Subjects of industrial property rights include inventions, industrial designs, integrated circuit designs, business secrets, makes, trade marks, and geographical indications.

a.3) Subjects of rights to plant varieties being propagating materials and harvested materials.

b) Subjects of technology transfers according to Article 7 of the Law on Technology transfers:

b.1) Transfer of technical know-hows.

b.2) Transfer of technological knowledge in the form of technological plans, technological processes, technical solutions, formulae, specifications, drawings, technical diagrams, computer programs, information.

b.3) Transfer of solutions for rationalizing production and technological innovation.

Incomes from transfer of aforesaid subjects of intellectual property rights and technology transfers include re-transfer.

8. Incomes from franchising

Franchise is a commercial operation in which the franchiser allows and requests the franchisee to sell goods and services under the conditions set out by the franchiser in the franchise contract.

Incomes from franchising are the incomes the person earned from the aforesaid franchise contracts, including re-franchise according to regulations of law on franchise.

9. Incomes from inheritance

Incomes from inheritance are the incomes the person receives under a will or in accordance with regulations of law on inheritance. To be specific:

a) Inherited securities: shares, call options on shares, bonds, treasury bills, fund certificates, and other securities according to the Law on Securities; shares of the person in the joint-stock company according to the Law on Enterprises.

b) Inherited capital in economic organizations and businesses: capital contribution to limited liability companies, cooperatives, partnerships, business cooperation contracts; capital in private enterprises and businesses of the person; capital in associations and funds established within the law, or the entire business if the private enterprise or business is under the ownership of the person.

c) Inherited real estate: rights to use land, rights to use land and property thereon; ownership of houses, including future houses, infrastructure and constructions on land, including off-the-plan constructions; rights to rent land or water surface; other incomes from inheritance being real estate in any shape or form, except for incomes from the inherited real estate mentioned in Point d Clause 1 Article 3 of this Circular.

d) The ownership and use rights of other inherited assets (cars, motorbikes, ships, barges, speedboats, towboats, yachts, airplanes, hunting guns, sporting guns) must be registered with state agencies.

10. Incomes from receipt of gifts

Incomes from receipt of gifts are incomes the person receives from organizations and individuals at home and overseas. To be specific:

a) Gifts being securities: shares, call options on shares, bonds, treasury bills, fund certificates, and other securities according to the Law on Securities; shares of the person in the joint-stock company according to the Law on Enterprises.

b) Gifts being capital in economic organizations and businesses: capital contribution to limited liability companies, cooperatives, partnerships, business cooperation contracts; capital in private enterprises and businesses of the person; capital in associations and funds established within the law, or the entire business if the private enterprise or business is under the ownership of the person.

c) Gift being real estate: rights to use land, rights to use land and property thereon; ownership of houses, including future houses, infrastructure and constructions on land, including off-the-plan constructions; rights to rent land or water surface; other incomes from inheritance being real estate in any shape or form, except for incomes from the gifts being real estate mentioned in Point d Clause 1 Article 3 of this Circular.

d) The ownership and use rights of gifts being other assets (cars, motorbikes, ships, barges, speedboats, towboats, yachts, airplanes, hunting guns, sporting guns) must be registered with state agencies.

Article 3. Tax-free incomes

1. According to Article 4 of the Law on Personal income tax and Article 4 of the Decree No. 65/2013/ND-CP , tax-free incomes include:

a) Incomes from real estate transfer (including future houses and constructions according to regulations of law on real estate trading) between husband and wife, parents and children; adoptive parents and adopted children; parents-in-law and children-in-law; grandparents and grand children, and among siblings.

The real estate (including future houses and constructions according to regulations of law on real estate trading) that is established by either spouse during the marriage, considered marital property, divided under agreements or judgment of the court when they divorce shall be tax-free.

b) Income from transfer of a person's only house or right to use residential land and property thereon in Vietnam.

b.1) The person that transfers the house and right to use land that are tax-free as prescribed in Point b Clause 1 of this Article must meet all conditions below:

b.1.1) The transferor owns only one house or right to use residential land plot (with or without property thereon) at the time of transfer. To be specific:

b.1.1.1) The house ownership and right to use land shall be determined based on the certificate of rights to use land, ownership of house and other property on land.

b.1.1.2) If the house ownership or rights to use land are shared, the person that has no ownership of houses or rights to use land in other areas shall be eligible for tax exemption, the person that has ownership of houses or rights to use land in other areas is not eligible for tax exemption.

b.1.1.3) If the house ownership or right to use land is the marital property and only property of the husband and wife, the person that has no other private house or land is eligible for tax exemption, the person that has another private house or land is not eligible for tax exemption.

b.1.2) The house or land plot has been under the transferor's ownership for at least 183 days before they are transferred.

The time for determine the house ownership or land use right is the date of the certificate of land use right, ownership of house and other property on land.

b.1.3) Transferring the entire house or residential land.

If the individual has or shares the ownership of the only house or land use right and transfers part of it, the transferred part is not tax-free.

b.2) The only house and residential land that is tax-free shall be declared by the person and he/she shall be responsible for such declaration. If false declaration is discovered, the person has to pay tax arrears and incur penalties for violations against the laws on tax administration.

b.3) Transfer of future houses and constructions that are not exempt from personal income tax according to Point b Clause 1 of this Article.

c) Incomes from the person’s rights to use land allocated by the State that is eligible for land levy exemption or reduction.

The person that transfers the area of land eligible for exemption or reduction of land levies shall declare and pay tax on the incomes from real estate transfer according to Article 12 of this Circular.

a) Incomes from inherited real estate (including future houses and constructions according to regulations of law on real estate trading) between husband and wife, parents and children; adoptive parents and adopted children; parents-in-law and children-in-law; grandparents and grand children, and among siblings.

dd) Incomes from conversion of agricultural land, which is allocated by the State, to rationalize agricultural production without changing land purposes of the household or person engaged in agricultural production.

e) Incomes of households and persons engaged in agriculture, forestry, salt production, and fishery.

Each household/person engaged in production as guided in this Point must:

e.1) Have legitimate rights to use, lease land and water surface to engage in agriculture, forestry, salt production, and fishery.

Present a lease contract if the land or water surface is leased from another organization or person (unless the household or person is assigned to plant, take care of, manage, and protect forests by forestry companies). The household or person that does fishing must have the Certificate of ownership of ships or contract to rent ships used for fishing and direct participation in fishing (except for fishing by trawling nets and other methods of fishery prohibited by law).

e.2) Reside in the locality where the agriculture, forestry, salt production or fishery takes place.

The aforesaid locality is a district, town, or city affiliated to a province (hereinafter referred to as district), or a district adjacent to the area where the production takes place.

Incomes from fishing do not depend on residence.

e) Raw agriculture, forestry products, salt, and fishery products which have not yet been processed into other products or have been preliminarily processed are products that are just cleaned, dried, husked, cut, salted, frozen, and put into ordinary storage.

g) Incomes from interest on deposits at credit institutions and branches of foreign banks, interest on life insurance contracts; incomes from interest on Government bonds.

g.1) The tax-free interest on deposits mentioned in this Point is the income from the interest on deposits in VND, gold, or foreign currencies at credit institutions and branches of foreign banks established and operated in accordance with the Law on credit institutions in the form of demand deposits, term deposits, savings, certificates of deposit, promissory notes, treasury bills, and other forms of deposits that the depositor should receive both principal and interest.

Bases for identification of tax-free incomes from deposits are the saving book (or saving card), certificates of deposit, exchange bills, treasury bills, and other papers that the depositor should receive both principal and interest.

g.2) Interest on life insurance contract is the interest the person receives under the life insurance contract with the insurer.

The basis for identifying tax-free income from interest on life insurance contract is the note of interest payment from the insurance contract.

g.3) Interest on Government bonds is the interest the person receives from purchasing Government bonds issued by the Ministry of Finance.

Bases for identification of tax-free income from interest on Government bonds are the face values, interest rates, and terms on the Government bonds.

h) Income from remittances are is the amount of money the person receives from their relatives being Vietnamese people residing abroad, Vietnamese people that work or study abroad.

The basis for identifying tax-free income from remittances is the papers proving that those amounts are sent from abroad and the payment notes issued by the money-transferring organization (if any).

i) Incomes from the additional payments for working at night or working overtime in excess of wages according to the Labor Code. In particular:

i.1) Tax-free additional payments for working at night or working overtime shall be identified according to the actual total payment for working at night or overtime minus (-) the payment for an ordinary working day.

Example 2: The wages of Mr. A on an ordinary working day is 40,000 VND/hour.

- When working overtime on an working day, he is paid 60,000 VND/hour, thus the tax-free income is:

60,000 VND/hour – 40,000 VND/ hour = 20,000 VND/ hour

- When working overtime on an holiday, he is paid 80,000 VND/hour, thus the tax-free income is:

80,000 VND/hour – 40,000 VND/ hour = 40,000 VND/ hour

i.2) The organization or person that pays incomes (hereinafter referred to as income payer) shall make a table specifying the hours of night work, extra hours, additional payments for working at nights and overtime. This table shall be presented by the income payer at the request of the tax authority.

k) Pensions paid by Social Insurance Fund according to the Law on Social insurance; monthly pensions from the voluntary pension fund.

The pensions paid from abroad to the people living and working in Vietnam are tax-free.

m) Incomes from scholarships, including:

m.1) Scholarships funded by government budget, including scholarships given by the Ministry of Education and Training, Services of Education and Training, public schools, and other scholarships funded by government budget.

m.2) Scholarships given by Vietnamese and foreign organizations (including payment for living expenses).

The scholarship giver must keep the decisions on giving scholarships and notes of scholarship payments. Where the person directly receives scholarships from foreign organizations, the person must keep the documents proving the incomes from such scholarships.

n) Incomes from indemnities under the contract for life insurance, non-life insurance, or health insurance; compensation for occupational accidents; compensation and support according to regulations of law on compensation, support, and relocation; compensations provided by the State and other compensations prescribed by law. In particular:

n.1) Incomes from indemnities under the contract for life insurance, non-life insurance, or health insurance are the money the life insurer, non-life insurer, or health insurer provided for the insured according to the concluded insurance contracts. The basis for identifying such indemnity is the written decision on indemnity made by the insurer or the court and the notes of indemnity payment.

n.2) The income from the compensation for an occupational accident are the money the employee receives from his or her employer or the social insurance fund after suffering from an accident at work. The basis for identifying such compensation is the written decision on compensation made by the employer or the court and the notes of compensation payment.

n.3) Incomes from compensations and supports according to regulations of law on compensation, support, and relocation are the compensations and supports provided by the State when withdrawing land, including incomes from the compensations and supports provided by economic organizations as prescribed.

The basis for identifying incomes from aforesaid compensations and supports is the decisions on land withdrawal, compensations, and relocation made by competent authorities, and notes of compensation payment.

n.4) Incomes from compensations provided by the State and other compensations prescribed by regulations of law on compensations provided by the State are the compensations for the wrongful decisions on penalties for administrative violations made by competent persons or competent authorities which infringe the interests of the person; incomes from compensation for the miscarriage of justice during criminal proceedings. The basis for identifying such compensations is the decision made by competent authorities that the organization or individual that makes the wrongful decision to provide compensations and the notes of compensation payment.

p) Incomes from non-profit charitable trusts accredited by competent authorities, which aim for charity, humanitarianism, and study encouragement.

The aforesaid charitable trusts must be established and operated in accordance with the Government's Decree No. 30/2012/ND-CP dated April 12, 2012 on the organization and operation of social trusts and charitable trusts.

Bases for identification of tax-free incomes from charitable trusts in this Point are written decisions on giving money and notes of support in cash or in kind made by the charitable trusts.

q) Incomes from foreign aids for charitable and humanitarian purposes, whether governmental or non-governmental, that are approved by competent authorities.

The basis for identification of the tax-free income in this Point is written approval for receipt of aids made by the competent authority.

2. The procedure and application for tax exemption in the cases in Points a, b, c, d, dd Clause 1 of this Article shall comply with guiding documents on tax administration.

Article 4. Tax reduction

According to Article 5 of the Law on Personal income tax and Article 5 of the Decree No. 65/2013/ND-CP , the taxpayers facing difficulties in paying tax due to natural disasters, accidents, or fatal diseases shall receive a tax reduction in proportion to the damage. The reduction shall not exceed the tax payable. In particular:

1. Determination of reduced tax:

a) Tax reduction shall be considered in the tax year. The taxpayer shall receive tax reduction for the tax year in which the taxpayer suffers from natural disaster, fire, accident, or fatal disease.

b) The tax payable used for calculating tax reduction is the total personal income tax payable in the tax year, including:

b.1) The paid or withheld personal income tax on incomes from capital investment, incomes from capital transfer, incomes from real estate transfer, incomes from winning prizes, incomes from royalties, incomes from franchising, incomes from inheritance, and incomes from gifts.

b.2) The personal income tax payable on incomes from business and incomes from wages, remunerations.

c) The basis for calculating the damage eligible for tax reduction is the total expenditure for repairing damage minus the indemnities provided by insurers (if any) or compensations provided by the organization or individual that caused the accident (if any).

d) The reduced tax is determined as follows:

d.1) If the tax payable in the tax year is higher than the damage level, the reduced tax is equal to the damage level.

d.2) If the tax payable in the tax year is lower than the damage level, the reduced tax is equal to the tax payable.

2. The procedure and application for tax reduction shall comply with guiding documents on tax administration.

Article 5. Converting taxable income into VND.

1. Taxable incomes are expressed as VND. The taxable incomes received in foreign currencies must be converted into VND at the average exchange rate on the inter-bank foreign exchange market when the incomes are earned.

The foreign currencies without rates of exchange into VND shall be converted into a foreign currency that has a rate of exchange into VND.

2. Non-cash taxable incomes must be converted into VND at the market prices of such products/services or the similar products/services when the incomes are earned.

Article 6. Tax period

1. For residents:

a) Annual tax statement: applicable to incomes from business and incomes from wages, remunerations.

The tax period is the calendar year if the person is present in Vietnam for 183 days or more in the calendar year.

If the person has been present in Vietnam for fewer than 183 days in a calendar year, but has been in Vietnam for 183 days for 12 consecutive months from the date of arrival, the first tax period is the 12 consecutive months from the date of arrival. In the second year, the tax period is the calendar year.

Example 3: Mr. B is a foreigner who first comes to Vietnam on April 20, 2014. In 2014 up to December 31, Mr. B has stayed in Vietnam for 130 days. In 2015 up to April 19, Mr. B has stayed in Vietnam for 65 days. The first tax period of Mr. B begins on April 20, 2014 and ends on April 19, 2015. The second tax period begins on January 01, 2015 and ends on December 31, 2015.

b) Declaring tax when an income is earned: applicable to incomes from capital investment, incomes from capital transfer, incomes from real estate transfer, incomes from winning prizes, incomes from royalties, incomes from franchising, incomes from inheritance, and incomes from gifts.

c) Tax on incomes from transferring securities shall be declared annually or when it is incurred.

2. For non-residents:

Each non-resident shall declare tax whenever an income is earned.

Where the business person does not have a fixed business location such as a shop or counter, the tax period is similar to that applicable to the resident earning income from business.

Chapter 2.

BASES FOR CALCULATING TAX INCURERD BY RESIDENTS

Article 7. Bases for calculating tax on taxable incomes from business, wages

Bases for calculating tax on incomes from business, wages are the assessable income and tax rate. To be specific:

1. Assessable income equals taxable income as guided in Article 8 of this Circular minus (-) the following deductions:

a) Personal deductions guided in Clause 1 Article 9 of this Circular.

b) Insurance premiums and payment to the voluntary pension fund as guided in Clause 2 Article 9 of this Circular.

c) Charitable, humanitarian, and study encouragement contributions (hereinafter referred to as charitable donations) as guided in Clause 3 Article 9 of this Circular.

2. Tax rate

The rate of personal income tax on incomes from business, wages shall apply the progressive tax table in Article 22 of the Law on Personal income tax. To be specific:

Level

Assessable income/year (million VND)

Assessable income/month (million VND)

Tax rate (%)

1

Up to 60

Up to 5

5

2

Over 60 to 120

Over 5 to 10

10

3

Over 120 to 216

Over 10 to 18

15

4

Over 216 to 384

Over 18 to 32

20

5

Over 384 to 624

Over 32 to 52

25

6

Over 624 to 960

Over 52 to 80

30

7

Over 960

Over 80

35

3. Tax calculation

Personal income tax on incomes from business, wages is the total tax on each level of income. The tax on each level of income equals the assessable income of that level multiplied by (x) the corresponding tax rate of that level.

For convenience, the abridged method in Appendix 01/PL-TNCN to this Circular may be applied.

Example 4: Mrs. C earns an income of 40 million VND from wages and remuneration in the month, and pay 7% of wages for social insurance premium, 1.5% of wages for health insurance premium. Mrs. C has 2 children under the age of 18, and makes no charitable donations. The preliminary personal income tax incurred by Mrs. C in the month is calculated as follows:

- Taxable income of Mrs. C is 40 million VND.

- Mrs. C is eligible for the deductions below:

+ Personal deduction: 9 million VND

+ Deductions for 02 dependants (02 children):

3.6 million VND x 2 = 7.2 million VND

+ Social insurance, health insurance:

40 million VND x (7% + 1.5%) = 3.4 million VND

Total deduction:

9 million VND + 7.2 million VND + 3.4 million VND = 19.6 million VND

- Assessable income of Mrs. C:

40 million VND - 19.6 million VND = 20.4 million VND

- Tax payable:

Method 1: using the progressive tax table:

+ Level 1: assessable income up to 5 million VND, 5% tax:

5 million VND x 5% = 0.25 million VND

+ Level 2: assessable income from over 5 million VND to 10 million VND, 10% tax:

(10 million VND - 5 million VND) x 10% = 0.5 million VND

+ Level 3: assessable income from over 10 million VND to 18 million VND, 15% tax:

(18 million VND - 10 million VND) x 15% = 1.2 million VND

+ Level 4: assessable income from over 18 million VND to 32 million VND, 20% tax:

(20.4 million VND - 18 million VND) x 20% = 0.48 million VND

- Total preliminary tax payable by Mrs. C in the month:

0.25 million VND + 0.5 million VND + 1.2 million VND + 0.48 million VND = 2.43 million VND

Method 2: Using the abridged method:

+ The assessable income in the month 20.4 million VND is the assessable income in level 4. The personal income tax payable:

20.4 million VND x 20% - 1.65 million VND = 2.43 million VND

4. Converting tax-exclusive incomes into assessable income.

If the wages paid to the employee as guided Clause 2 Article 2 of this Circular are exclusive of tax, they must be converted into assessable income in accordance with Appendix No. 02/PL-TNCN to this Circular. In particular:

a) The income converted into assessable income is the actual income plus (+) benefits paid by the employer on behalf of the employee (if any) minus (-) the deductions. If the amounts paid on behalf of the employees include the house rent, the house rent shall be included in the converted income, but shall not exceed 15% of the total taxable income incurred at the work place (not including house rent).

Formula for calculating converted income:

Converted income

=

Actual income

+

Amounts paid on the employee’s behalf

-

Deductions

Where:

- Actual income is the tax-exclusive wages the employee receives every month.

- The amounts paid on the employee's behalf are the benefits in cash or in kind paid to the employee by the employer as instructed in Point dd Clause 2 Article 2 of this Circular.

- Deductions include personal deductions, insurance premiums, contributions to the voluntary pension fund, and charitable donations as guided in Article 9 of this Circular.

Example 5: In 2014, according to the labor contract between Mr. D and company X, Mr. D receives a monthly salary of 31.5 million VND. Apart from that, company X pays for the sports club membership of 1 million VND/month on behalf of Mr. D. Mr. D has to pay 1.5 million VND/month for compulsory insurance. Company X is responsible for paying personal income tax on behalf of Mr. D. In the year Mr. D only has a personal deduction for himself, no dependents, and does not make charitable donations.

The monthly personal income tax payable by Mr. D:

- Converted income:

31.5 million VND + 1 million VND – (9 million VND + 1.5 million VND) = 22 million VND

- Assessable income (according to Appendix No. 02/PL-TNCN):

(22 million VND – 1.65 million VND)/0.8 = 25.4375 million VND

- Personal income tax payable by Mr. D (according to Appendix No. 01/PL-TNCN):

25.4375 million VND x 20% - 1.65 million VND = 3.4375 million VND

Example 6: Company X also pays 6 million VND/month in house rent on behalf of Mr. D. The monthly personal income tax payable by Mr. D:

Step 1: Calculate the house rent paid on Mr. D’s behalf that is included in converted income

- Converted income (exclusive of house rent):

31.5 million VND + 1 million VND – (9 million VND + 1.5 million VND) = 22 million VND

- Assessable income (according to Appendix No. 02/PL-TNCN):

(22 million VND – 1.65 million VND)/0.8 = 25.4375 million VND

- Taxable income (exclusive of house rent):

25.4375 million VND + 9 million VND + 1.5 million VND = 35.9375 million VND/month

- 15% of total taxable income (exclusive of house rent):

35.9375 million VND x 15% = 5.390 million VND/month

Thus the house rent included in the converted income is 5.390 million VND/month

Step 2: Calculate assessable income

- Converted income:

31.5 million VND + 1 million VND + 5.390 million VND – (9 million VND + 1.5 million VND) = 27.39 million VND/month

- Assessable income (converted in accordance with Appendix No. 02/PL-TNCN):

(27.39 million VND - 3.25 million VND)/0.75 = 32.187 million VND/month

- Personal income tax payable:

32.187 million VND x 25% - 3.25 million VND = 4.797 million VND/month

- Monthly taxable income incurred by Mr. D:

31.5 million VND + 1 million VND + 5.390 million VND + 4.797 million VND = 42.687 million VND/month

Or:

32.187 million VND + 9 million VND + 1.5 million VND = 42.687 million VND/month.

b) If the person is required to settle tax, the taxable income in the year is the sum of taxable income of each month based on the converted assessable income. If the person earns tax-exclusive incomes from multiple organizations, the taxable income in the year is the sum of taxable income of each month paid by each organization in the year.

Example 7: Mr. D in example 6 above has a contract and earns an income of 12 million VND/month at company Y from January 2014 to May 2014 apart from the incomes earned at company X. Company Y also pays personal income tax on behalf of Mr. D.

Final personal income tax incurred by Mr. D in 2014:

- Taxable income in the year earned by Mr. D at company X:

42.687 million VND x 12 months = 512.244 million VND

- At company Y:

+ Monthly assessable income (converted in accordance with Appendix No. 02/PL-TNCN):

(12 million VND – 0.75 million VND)/0.85 = 13.235 million VND

+ Taxable income in the year earned at company Y:

13.235 million VND x 5 months = 66.175 million VND

- Total taxable income earned by Mr. D in 2014:

512.244 million VND + 66. 175 million VND = 578.419 million VND

- Monthly assessable income:

(578.419 million VND : 12 months) - (9 million VND + 1.5 million VND) = 37.702 million VND

- Personal income tax payable in the year:

(37.702 million VND x 25% - 3.25 million VND) x 12 months = 74.105 million VND.

5. The basis for calculating tax on incomes lottery agents, insurance agents, network marketing is the assessable income and the personal income tax withholding rate. In particular:

a) Assessable income is the taxable income from lottery agents, insurance agents, network marketing, including: commissions of agents, rewards in any shape or form, supports, and other amounts the person receives from lottery companies, insurers and network marketing companies.

b) Taxable income shall be calculated when the income is paid to the person by the lottery company, insurer, or network marketing company.

c) Personal income tax withholding rate:

c.1) The lottery company shall withhold personal income tax on the monthly assessable income earned by the person as follows:

Unit: 1,000 VND

Monthly assessable income

Withholding rate

Up to 9,000

0%

>9,000

5%

c.2) The insurer or network marketing company shall withhold personal income tax on the monthly assessable income earned by the person as follows:

Unit: 1,000 VND

Monthly assessable income

Withholding rate

Up to 9,000

0%

>9,000 - 20,000

5%

>20,000

10%

6. The basis for calculating accrued insurance premiums and accrued contributions to the voluntary pension fund is the accrued premiums for life insurance and other optional insurance, accrued contribution to the voluntary pension fund that is paid or made by the employer on behalf of the employee, and the withholding rate of 10%.

Before providing insurance money and pension for the person, the insurer and the voluntary pension fund shall withhold 10% tax on the accrued insurance premiums and accrued contribution to the voluntary pension fund that is paid or made by the employer on behalf of the employee from July 01, 2013.

The insurer and the voluntary pension fund shall separately monitor the premiums for life insurance and other optional insurance, accrued contribution to the voluntary pension fund that are paid or made by the employer on behalf of the employee as the basis for calculating personal income tax.

Article 8. Calculating taxable incomes from business and incomes from wages

1. Incomes from business

Assessable income from business equal revenue minus rational expenses related to the generation of taxable income in the tax period.

Taxable income from business is calculated as follows:

a) For the person doing business without totally complying with regulations of law on accounting and invoicing.

a.1) The business person that complies with regulations of law on bookkeeping, invoicing and fails to calculate revenue, expenses, and taxable income, (hereinafter referred to as flat-tax payer)

a.1.1) The taxable income incurred by a flat-tax payer is calculated as follows:

Taxable income in the tax period

=

Flat revenue in the tax period

x

Proportion of taxable income

Where:

- The flat revenue is determined based on the declaration made by the business person, database of the tax authority, result of investigation into actual revenue carried out by the tax authority, and opinions of the Tax Advisory Council of the commune or ward.

- The proportion of taxable income is specified in Point a.4 Clause 1 of this Article.

a.1.2) For the businessperson paying flat tax using invoices.

a.1.2.1) The flat-tax payer that uses invoice books shall pay personal income tax on the excess, apart from the tax on flat revenue, if the revenue in the quarter on the invoices is higher than the flat revenue.

a.1.2.1) The flat-tax payer that uses invoices sold separately by the tax authority shall declare and pay 10% personal income tax on the taxable income earned at a time.

The taxable income earned at a time is calculated as follows:

Taxable income earned at a time

=

Revenue that incurs taxable income earned at a time

x

Proportion of taxable income

Where:

- Revenue that incurs taxable income earned

- The proportion of taxable income is specified in Point a.4 Clause 1 of this Article.

a.1.2.3) If the flat-tax payer that uses invoice books requests a refund of personal income tax, the assessable revenue in the year is calculated as follows:

- If the revenue on invoices of the whole year is lower than the flat revenue, the assessable revenue of the year is the flat revenue.

- If the revenue on invoices of the whole year is higher than the flat revenue, the assessable revenue of the year is the revenue on invoices.

a.2) If the business person is only able to calculate the revenue, not expense, the taxable income is calculated as follows:

Taxable income in the tax period

=

Revenue for calculating taxable income in the tax period

x

Proportion of taxable income

+

Other taxable incomes in the tax period

Where:

- The calculation of the revenue for calculating taxable income in the tax period is guided in Point b.1 Clause 1 of this Article.

- The proportion of taxable income is specified in Point a.4 Clause 1 of this Article.

- Other taxable incomes are the incomes earned during the business, including: fines for contract violations, fines for late payment, bank interests during payment process; interests on deferred payments or instalment sales, profits on the sales of fixed assets, money from sale of scrap, refuse, and other taxable income.

a.3) For nomadic business persons and non-business persons that need invoices to sell goods and services.

Nomadic business persons and non-business persons that need invoices to sell goods and services shall declare and pay 10% personal income tax on the taxable income earned at a time.

The taxable income earned at a time is calculated similarly to the income earned by the flat-tax payer that uses invoices sold separately by the tax authority shall as guided in Point a.1.2.2 Clause 1 of this Article.

a.4) Proportion of taxable income

The proportion of taxable income to revenue is applicable to the business persons that fail to totally comply with regulations of law on accounting, invoicing, nomadic business persons, and non-business persons:

Activity

Proportion of taxable income (%)

Distributing and supplying goods

7

Service provision, construction (exclusive of materials)

30

Production, transportation, service provisions associated with goods supply, construction, inclusive of materials.

15

Other business activities

12

If a person engages in multiple trades, the proportion of the primary operation shall apply. If a person engages in multiple trades without being able to identify the primary operation, the proportion of “other business activities” shall apply.

b) The taxable income earned by the business person that properly does accounting and invoicing is calculated as follows:

Taxable income in the tax period

=

Revenue for calculating taxable income in the tax period

-

Deductible expenses in the tax period

+

Other taxable incomes in the tax period

b.1) Revenue for calculating taxable income in the tax period

The revenue for calculating taxable income from business every payments for goods sale, processing, commissions, goods and service provision received during the tax period, including subsidies, surcharges, extra pays the business person receives, whether collected or not yet collected, and determined based on accounting books.

b.1.1) The time to calculate revenue for calculating taxable income:

b.1.1.1) For goods sale, it is the time when the ownership of goods or rights to use goods are transferred, or when the sale invoice is issued.

b.1.1.2) For service provision, it is the time the services are completely provided for the customer or when the service invoice is issued. For the lease of houses, rights to use land, water surface, and other assets, it is the effective date of the lease contract.

If the invoice is issued before the ownership of goods is transferred (or before the services are completely provided), the time to calculate revenue is when the invoice is issued, and vice versa.

b.1.2) The revenue for calculating taxable income in some cases are determined as follows:

b.1.2.1) The revenue from instalment sales is determined based on the sale prices of goods paid in a lump sum, exclusive of instalment interest.

b.1.2.2) The revenue from deferred payments for goods are the money earned from the sale of goods or services paid in a lump-sum, exclusive of interest on deferred payments.

If the payment under the instalment or deferral sale contract stretches over multiple tax periods, the revenue is the amount receivables from the buyer in the tax period, exclusive of interest on instalment or deferred payment according to the contractual term.

The calculation of expense when calculating taxable income from instalment sales and deferred payments must be consistent with the revenue.

b.1.2.3) When goods and services are used for exchange, donation, equipment, or rewarding employees, the revenue is calculated based on the sale prices of similar goods and services on the market at those times.

b.1.2.4) Where goods and services created by the business person to serve his or her own business, the revenue is the cost of production of such goods and services.

b.1.2.5) For goods processing, the revenue is the total amount of money earned from the processing, including the remuneration, payment for fuel, machines, ancillary materials, and other payments for goods processing.

b.1.2.6) The revenue from the sale of goods deposited by other business persons is the commission received under the agent or deposit contracts.

b.1.2.7) The revenue from leasing out assets is determined based on the contracted, whether paid or unpaid.

Where the lessee pays the rent for many years in advance, the revenue for calculating taxable income shall be distributed over the number of years being paid, or revenue from the lump-sum payment.

b.1.2.8) The revenue from construction and installation is the value of the building work or work item, or the value of the part handed over. If the construction, installation is exclusive of materials, machinery and equipment, the assessable revenue is the money earned from the construction, installation without the value of raw materials, machinery and equipment.

If the construction, installation in inclusive of materials, machinery and equipment, the assessable revenue is the money earned from the construction, installation inclusive of the value of raw materials, machinery and equipment.

b.1.2.9) Revenue from transport services are the entire revenue from transporting passengers, luggage, and goods that is earned during the tax period.

b.2) Rational deductible expenses

Rational deductible expenses are actual expenses that are related to the business and have sufficient invoices as prescribed by law. In particular:

b.2.1) Expenditures on wages, allowances, benefits, and other payments to employees under labor contracts, service contracts or collective bargaining agreement according to the Labor Code.

The expenditures on wages do not include wages of the business household owner or the members whose names are stated in the Certificate of Business registration of the business group.

The expenditure on costumes of employees shall not exceed 5,000,000 VND/person/year. The maximum deductible expenditure on costumes both in cash and in kind shall not exceed 5,000,000/person/year. For special industries, this expenditure shall be specified by the Ministry of Finance.

b.2.2) Expenditure on materials, fuel, energy, and goods used for the production and sale of goods and services related to the generation of revenue and taxable income in the period shall be calculated by the business person or households based on their rational consumption levels and actual prices.

Where the consumption levels of some materials, fuel, or goods have been imposed by the State, such levels shall apply.

All loss of materials, assets, capital, and goods shall not be included in the rational expense, except for the uncompensated loss caused by natural disaster, fire, epidemics, and force majeure.

Where some supplies and goods used for both personal consumption and business, only the proportion used for business is included in expense.

b.2.3) Depreciation, expenditures on maintenance of fixed assets used for production or sale of goods and services. In particular:

b.2.3.1) The depreciation of fixed assets shall be included in rational expense when the conditions below are satisfied:

- The fixed assets are used for production and business.

- There are sufficient invoices and papers proving such fixed assets are under the ownership of the business person.

- The fixed assets are monitored and managed in the accounting book of the business person in accordance with the current management and accounting regime.

The depreciation of cars with 09 seats or fewer shall not be included in rational expense.

b.2.3.2) The depreciation of fixed assets shall be included in rational expense in accordance with the regulations on managing, using and depreciating fixed assets.

b.2.3.3) The fixed assets that are fully depreciated but still used for production or business shall not be deprecated any longer.

The depreciation of fixed assets used for both business and other purposes shall be included in rational expense based on the proportion of their use for business.

b.2.4) Interest the loans serving production and sale of goods and services that is related to the generation of revenue and taxable income.

The rate of interest on loan is the actual interest rate in loan contracts with credit institutions, branches of foreign banks or economic organizations. Where the loan is are not given by a credit institution, branch of a foreign bank or economic organization, the interest on loans is determined according to the loan contract and shall not exceed 1.5 times the fundamental interest rate announced by the State bank of Vietnam when the loan is taken.

The aforesaid interest does not include the interest on the loan taken to make capital contribution to the establishment of a business.

b.2.5) Administrative expense, including:

b.2.5.1) Expenditure on electricity, water supply, telephone, stationery, audit, legal services, designing, insurance on assets, technical services, and other external services.

b.2.5.2) Expenditures on the acquisition of assets that are not fixed assets such as expenditure on the purchase and use of technical documents, patents, licenses for technology transfer, trade marks shall be gradually distributed to the operating expense.

b.2.5.3) Rents for fixed assets according to lease contracts. If the rent for lease contract for many years is paid in a lump sum, it shall be gradually distributed to the production, operating expense over the years during which such fixed assets are used.

b.2.5.4) Expenditures on other external services and outsourced services serving the production and sale of goods and services with invoices.

b.2.5.5) Expenditure on the sale of goods and services, including: expenditure on preservation, packaging, transportation, loading, storage, and warranty of products.

b.2.6) Taxes, fees, charges, land rents payable that are related to the production and sale of goods and services (except for the input VAT, personal income tax that are withheld, other taxes, fees, charges and other receipts that are not included in expense as prescribed by law), including:

b.2.6.1) License tax, export tax, import tax, excise duty, resource tax, levy on agricultural land, levy on non-agricultural land, environmental protection tax, land rent, water surface rent.

b.2.6.2) VAT that may be included in expense as prescribed by law.

b.2.6.3) The fees and charges paid by the business to government budget according to regulations of law on fees and charges.

b.2.7) Allowances for business trips of employees (not including payments for transport and accommodation) shall not exceed twice the limits imposed by the Ministry of Finance that are applicable to officials and civil servants.

The payments for transport and accommodation of the employee on a business trip may be included in deductible expense when calculating taxable income if they have sufficient and valid invoices. If the business person provides a flat allowance for transport and accommodation for the employee, it shall be included in deductible expense according to regulations of the Ministry of Finance applicable to officials and civil servants.

b.2.8) Other expenditures related to the generation of revenue and taxable income that have valid invoices.

b.3) Other taxable incomes

Other taxable incomes are the incomes earned during the business, including: fines for contract violations, fines for late payment, bank interests during payment process; interests on instalment plans, profits on the sales of fixed assets, money from sale of scrap, refuse, and other taxable income.

c) For the group of business persons

If multiple people have their names stated in a Certificate of Business registration, including the case in which multiple people have their names stated in a certificate of rights to use land, ownership of house and other property on land when the building or premises are leased out (hereinafter referred to as group of business persons) the taxable income earned by each person shall be distributed using one of the methods below after the taxable income from business is calculated according to Point a and Point b Clause 1 of this Article:

c.1) According to the proportion of capital contribution of each person in the Certificate of Business registration.

c.2) According to agreements among the persons.

c.3) According to the average income per person if the Certificate of Business registration does not specify the proportions of capital contributions or agreement on income distribution among the persons.

Based on the taxable income of every person participating in the business calculated as stated above, each individual shall make deductions as guided in Article 9 of this Circular to calculate their assessable income and personal income tax payable.

2. Taxable income from wages

a) The taxable income from wages equals the sum of wages, remunerations and other incomes considered wages received by the taxpayer in the tax period as guided in Clause 2 Article 2 of this Circular.

b) Time to calculate taxable income:

Taxable income from wages and remuneration shall be calculated when the income is paid to the taxpayer.

The taxable income from accrued insurance premium guided in Point dd.2 Clause 2 Article 2 of this Circular shall be calculated when the insurer or the voluntary pension fund pays the insurance money.

3. The taxable income of a person that earns incomes from both business and wages is the sum of taxable income from business and wages.

Article 9. Deductions

The deductions guided in this Article are the amounts deducted from the taxable income of the person before calculating taxable income from wages, remunerations, and business. In particular:

1. Personal deductions

According to Article 19 of the Law on Personal income tax, Clause 4 Article 1 of the Law on the amendments to the Law on Personal income tax, and Article 12 of the Decree No. 65/2013/ND-CP:

a) Personal deduction is the amount of money deducted from the taxable income before calculating tax on incomes from business, or wages earned by the resident taxpayer.

If the resident earns income from both business and wages, one deduction from the total income from business and wages shall be made.

b) Levels of personal deductions

b.1) Deduction for the taxpayer: 9 million VND/month, 108 million VND/year.

b.2) Deduction for each dependant: 3.6 million VND/month.

c) Calculating deduction

c.1) Personal deduction for the taxpayer:

c.1.1) The taxpayer that has multiple sources of income from wages and business shall calculate the personal deduction for himself in a place at a time (considered a full month).

c.1.2) The foreigner being a resident in Vietnam shall make personal deduction from January (or the month of arrival if the person comes to Vietnam for the first time) until the month in which the labor contract expires and that person leaves Vietnam in the tax year (considered a full month).

Example 8: Mr. E is a foreigner that comes to work in Vietnam continuously from March 01, 2014. On November 15, 2014, the labor contract expires and Mr. E goes home. Mr. E is present in Vietnam for 183 days from March 01, 2014 until the date of departure. Thus in 2014, Mr. E is a resident and may make a personal deduction from January until the end of November 2014.

Example 9: Mrs. G is a foreigner who comes to Vietnam for the first time on September 21, 2013. On June 15, 2014, the labor contract expires and Mrs. G leaves Vietnam. Mrs. G is present in Vietnam for 187 days during the period from September 21, 2013 to June 15, 2014. Thus in the first tax year (from September 21, 2013 to September 20, 2014), Mrs. G is considered a resident in Vietnam and may make a personal deduction from September 2013 until the end of June 2014.

c.1.3) If the person has not made personal deduction or the deduction does not cover 12 months in the tax year, the person may make deduction for 12 months before settling tax.

c.2) Deduction for dependants

c.2.1) The taxpayer may make deductions for his or her dependants if the taxpayer has applied for tax registration and been issued with the tax code.

c.2.2) When registering deductions for dependants, the taxpayer shall be issued with tax codes for dependants and make preliminary deductions in the year from the registration date. The dependants that are registered before this Circular takes effect are still eligible for deductions until being issued with tax codes.

c.2.3) If the taxpayer has not made deductions for dependants in the tax year, the deductions for dependants shall be made from the month in which the custody is given when the taxpayer settles tax and registers deductions for dependants. Deductions for other dependants, who are defined in Point d.4 Clause of this Article, must be registered by December 31 of the tax year, otherwise the deduction for the whole tax year shall not be made.

c.2.4) The deduction for a dependant shall apply to only one taxpayer in the tax year. Where multiple taxpayers have the same dependant to provide for, they shall reach an agreement on the person that makes the deduction for such dependant.

d) Dependants include:

d.1) Children, legitimate adopted children, illegitimate children, stepchildren. To be specific:

d.1.1) Children under 18 years of age.

Example 10: A child of Mr. H born on July 25, 2014 is considered a dependant from July 2014.

d.1.2) Children from 18 years of age and over that are disabled and incapable of work.

d.1.3) Children studying in Vietnam or overseas in universities, college, vocational schools, including children from 18 years of age and over in high schools (including the period awaiting university enrolment result from June to September in 12th grade) that have no income or have the average monthly income of ≤ 1.000.000 VND in the year from all sources.

d.2) The taxpayer's spouse that meets the conditions in Point dd Clause 1 of this Article.

d.3) The taxpayer’s parents, parents-in-law, stepparents, legitimate adoptive parents that meet the conditions in Point dd Clause 1 of this Article.

d.4) Other dependants that the taxpayer has to provide for, who meet the conditions in Point dd Clause 1 of this Article, including:

d.4.1) The taxpayer’s brothers and sisters.

d.4.2) The taxpayer’s grandparents, aunts, uncles.

d.4.3) The taxpayer’s nieces and nephews.

d.4.4) Other people to provide for as prescribed by law.

dd) A person that meets the conditions below shall be considered a dependant mentioned in Point d.2, d.3, d.4 Clause 1 of this Article:

đ.1) The person of working age must meet all conditions below:

dd.1.1) The person is disabled and incapable of work.

dd.1.2) The person has no income or his average monthly income from all sources does not exceed 1,000,000 VND.

dd.2) The people outside working age shall have no income or their average monthly income from all sources shall not exceed 1,000,000 VND.

e) The disabled that are incapable of work mentioned in Point dd.1.1 Clause 1of this Article are the people regulated by regulations of law on the disabled and ill people incapable of works (sufferers from AIDS, cancer, chronic kidney failure, etc.)

g) Documents proving dependants

g.1) Children:

g.1.1) For children under 18 years of age: photocopies of the Certificates of birth and ID cards (if any).

g.1.2) For children from 18 years of age and over that are disabled and incapable of work:

g.1.2.1) Photocopies of the Certificates of birth and ID cards (if any).

g.1.2.2) Photocopies of Certificates of disability according to regulations of law on the disabled.

g.1.3) For children in school mentioned in Point d.1.3 Clause 1 of this Article:

g.1.3.1) Photocopies of the Certificates of Birth.

g.1.3.2) Photocopy of the student’s cards or declarations certified by the schools, or other papers proving the study at such schools.

g.1.4) For adopted children, illegitimate children, stepchildren: apart from the aforesaid papers, other papers proving the relationship are required, such as photocopies of the decisions on certification of adoption made by competent authorities.

g.2) For spouse:

- A photocopy of the ID card

- A photocopy of the household book (which proves the husband and wife relationship) or a photocopy of the Certificate of marriage.

If the spouse is of working age, other papers proving the dependant’s incapability of work are required, apart from the aforesaid papers, such as the Certificate of disability according to regulations of law on the disabled that are incapable of works, a photocopy of the medical record of the ill person incapable of work (sufferer from AIDS, cancer, chronic kidney failure, etc.)

g.3) For parents, parents-in-law, stepparents, legitimate adoptive parents:

- Photocopies of ID cards

- Papers proving the relationship between the dependants and the taxpayer such as a photocopy of the household book (if their names are in the same household book), certificates of birth, decisions on certification of adoptions made by competent authorities.

If they are of working age, other papers proving the dependants’ incapability of work are required, apart from the aforesaid papers, such as Certificates of disability according to regulations of law on the disabled that are incapable of works, photocopies of the medical records of the ill persons incapable of work (sufferers from AIDS, cancer, chronic kidney failure, etc.)

g.4) For other people mentioned in Point d.4 Clause 1 of this Article, the proving documents include:

g.4.1) photocopies of Certificates of birth or ID cards.

g.4.2) Other legitimate papers to determine the custody as prescribed by law.

If the dependants are of working age, other papers proving the dependants’ incapability of work are required, apart from the aforesaid papers, such as the Certificate of disability according to regulations of law on the disabled that are incapable of works, photocopies of medical records of ill persons incapable of work (sufferers from AIDS, cancer, chronic kidney failure, etc.)

The legitimate papers mentioned in Point g.4.2 Clause 1 of this Article are any legal document that proves the relationship between the taxpayer and the dependant, such as:

- Photocopies of the papers proving the custody (if any).

- A photocopy of the household book (if their names are in the same household book).

- A photocopy of the certificate of temporary residence of the dependent (if their names are not in the same household book).

- A declaration that the dependant is living with the taxpayer, which is made by the taxpayer according to the form provided in documents on tax administration and certified by the People’s Committee of the commune where the taxpayer resides.

- A declaration that the dependant is residing locally and living alone, which is made by the taxpayer according to the form provided in documents on tax administration and certified by the People’s Committee of the commune where the taxpayer resides.

g.5) If the resident is a foreigner, equivalent legal documents proving the dependant are required.

g.6) Where the taxpayer working in an economic organization, a public service provider has specified his/her dependants being his parents, spouse, children, and other dependants in his or her résumé, the documents proving the dependants are the documents mentioned in Point g.1, g.2, g.3, g.4, g.5 Clause 1 of this Article, or only the dependant registration form certified by the head of the unit on the left is required.

The head of the unit is only responsible for the names of dependants, their years of birth and relationship with the taxpayer. The taxpayer is responsible for other information.

h) Declaration of deduction for dependants

h.1) The taxpayer that earns 09 million VND/month or less from business or wages might not register dependants.

h.2) The taxpayer that earns over 09 million VND/month from business and wages shall follow the procedure below to make deductions for dependants:

h.2.1) For taxpayers that earn incomes from wages:

h.2.1.1) Registration of dependants

h.2.1.1.1) First registration of dependants:

The taxpayer that earns income from wages shall submit 02 applications for dependant registration (using the form provided in guiding documents on tax administration) to the income payer as the basis for calculating deductions for dependants.

The income payer shall keep 01 application and submit 01 application to the local tax authority when submitting the personal income tax statement of that person in accordance with the Law on Tax administration.

The person that directly declares tax at the tax authority shall submit 01 application for dependant registration (using the form provided in guiding documents on tax administration) to the tax authority that monitors the income payer when submitting his declaration of personal income tax in accordance with the Law on Tax administration.

h.2.1.1.2) Registering changes of dependants:

Where the number of dependants are changed (increased or decreased), the taxpayer shall make an additional declaration using the form provided in guiding documents on tax administration, and submit it to the income payer (or to the tax authority if the taxpayer declares tax directly at the tax authority).

h.2.1.2) Locations and deadline for submitting documents proving the dependants:

- h.2.1.2) The location for submission of documents proving the dependants is a place where the taxpayer submits the application for dependant registration:

The income payer shall keep the documents proving the dependants and present them when the tax authority carries out tax inspections.

- The documents proving the dependants shall be submitted within 03 months from the day on which the application for dependant registration is submitted (including the registration of change of dependants).

If the taxpayer fails to submit documents proving dependants by the aforesaid deadline, no deductions for dependants shall be made and the tax payable shall be adjusted.

h.2.2) Where the taxpayer earns incomes from business

h.2.2.1) Registration of dependants

h.2.2.1.1) The business person that pays tax according to declarations shall submit an application for dependant registration, using the form provided in guiding documents on tax administration, to the local tax authority together with the provisional tax statement. Where the number of dependants are changed (increased or decreased), the taxpayer shall make an additional declaration of the change using the form provided in guiding documents on tax administration, and submit it to the local tax authority.

h.2.2.1.2) The business person that pays flat tax shall declare deductions for dependants in the flat tax statement.

h.2.2.2) The documents proving the dependants shall be submitted within 03 months from the day on which the declaration of deductions is made (including the change in number of deductions or commencement of the business).

h.2.2.3) If the taxpayer fails to submit documents proving dependants by the aforesaid deadline, no deductions for dependants shall be made and the tax payable shall be adjusted. The taxpayer that pays flat tax shall adjust the flat tax.

i) The taxpayer shall register and submit proving documents for a dependant once throughout the deduction period. Where the taxpayer changes the workplace or business location, the application for dependant registration and proving documents shall be similarly submitted as guided in Point h.2.1.1.1 Clause 1 of this Article.

2. Deductions for insurance premiums and contributions to the voluntary pension fund

a) Insurance premiums include premiums for social insurance, health insurance, unemployment insurance and professional liability insurance, which is compulsory for some professions.

b) Contributions to the voluntary pension fund

The contributions to the voluntary pension fund are deducted from the taxable income, but the deduction shall not exceed 01 million VND/month (12 million VND/year) when the employee participates in voluntary pension plans guided by the Ministry of Finance, even the employee participates in multiple pension funds. The basis for determining deductible income is photocopies of payment bills given by the voluntary pension fund.

Example 11: Mr. Y contributes to the voluntary pension fund by concluding insurance contracts with insurers or other enterprises allowed to provide voluntary pension plans. If such voluntary pension plans are conformable with regulations of the Ministry of Finance and approved by the Ministry of Finance, Mr. Y shall have the amounts below deducted from his taxable income:

- If his contribution to the voluntary pension fund is 800,000 VND/month, which is equivalent to 9,600,000 VND/year, the deduction from his taxable income shall be 9,600,000 VND/year.

- If his contribution to the voluntary pension fund is 2,000,000 VND/month which is equivalent to 24,000,000 VND/year, the deduction from his taxable income shall be 12,000,000 VND/year.

c) Where the foreigner being a resident in Vietnam, the Vietnamese person being a resident but working overseas earns incomes from business or wages overseas and pays compulsory insurance premiums required by the country where the person holds the nationality or works that are similar to those in Vietnam such as social insurance, health insurance, unemployment insurance, professional liability insurance, and other compulsory insurance, such insurance premiums may be deducted from the taxable income from business and wages when calculating personal income tax.

Foreigners and Vietnamese people who pay the aforesaid insurance premiums overseas shall have them provisionally deducted from the income in the year (if supporting documents are provided). Deductions shall be officially made when they settle tax. If no supporting documents are provided for immediate deduction, a lump-sum deduction shall be made when settling tax.

d) Insurance premiums and contributions to the voluntary pension fund in the year shall be deducted from the taxable income earned in that year.

dd) The documents proving the aforesaid deductible insurance premiums are photocopies of payment receipts issued by the insurers or written certification made by the income payer that the insurance premiums are withheld or paid (if they are paid by the income payer on behalf of the employee).

3. Deductible charitable donations.

a) The charitable donations shall be deducted from the taxable income from business and wages before calculating the tax incurred by a resident taxpayer. To be specific:

a.1) Donations to the establishments that take care of disadvantaged children, the disabled, and the homeless elderly people.

The establishments that take care of disadvantaged children, the disabled, and the homeless elderly people must be established and operated in accordance with the Government's Decree No. 68/2008/ND-CP dated May 30, 2008 on the conditions and procedure for establishing, the structure, operation, and dissolution of social protection organizations, the Government's Decree No. 81/2012/ND-CP dated October 08, 2012 on amendments to the Government's Decree No. 68/2008/ND-CP dated May 30, 2008 on the conditions and procedure for establishing, the structure, operation, and dissolution of social protection organizations, and the Government's Decree No. 109/2002/ND-CP dated December 27, 2002 on amendments to the Government's Decree No. 195/CP dated December 31, 1994 elaborating and providing guidance on the implementation of a number of articles the Labor Code on hours or work and rest.

The documents proving the donations to the establishments that take care of disadvantaged children, the disabled, and the homeless elderly people are valid notes of receipts of such establishments.

a.2) The contributions to charitable, humanitarian and study encouragement funds established and operated in accordance with the Government's Decree No. 30/2012/ND-CP dated April 12, 2012 on the organization and operation of non-profit social funds, charitable funds, and other documents related to the management and use of sponsorships.

The documents proving charitable donations are valid notes of received made by the central or provincial organizations and funds.

b) The charitable donations made in a tax year shall be deducted from the taxable income earned in that tax year. The donations that are not completely deducted shall be deducted from the taxable income earned in the next tax year. The maximum deduction shall not exceed the assessable income from wages and business earned in the tax year in which the charitable donations are made.

Article 10. Bases for calculation of tax on incomes from capital investment.

Bases for calculation of tax on incomes from capital investment are the assessable income and tax rates.

1. Assessable income

Assessable income from capital investment is the taxable income earned by the individual according to Clause 3 Article 2 of this Circular.

2. The tax rate on the income from capital investment is 5% according to the whole income tax table.

3. Time to calculate the assessable income

The assessable income from capital investment shall be calculated when the taxpayer is paid by the income payer.

The times to calculate assessable income in some cases:

a) The income from additional value of capital contribution guided in Point d Clause 3 Article 2 of this Circular shall be calculated when the person actually receives the income when the enterprise is dissolved, converted, divided, merged, amalgamated, or when the capital is withdrawn.

b) The income from reinvested profit as guided in Point g Clause 3 Article 2 of this Circular shall be calculated when the person transfers or withdraws capital.

c) The income from dividend in shares guided in Point g Clause 3 Article 2 of this Circular shall be calculated when the person transfers his shares.

d) Where the individual receives an income from outward investment in any shape or form, the assessable income shall be calculated when the person receives the income.

4. Tax calculation

Personal income tax payable

=

Assessable income

x

5% tax

Article 11. Bases for calculation of tax on incomes from capital transfer

1. For income from transferring contributed capital

Bases for calculating tax on incomes from transferring contributed capital are assessable income and the tax rate.

a) The assessable income from transferring contributed capital equals the transfer price minus the purchase price of the transferred capital and rational expenses related to the generation of the income from transferring capital.

Where the enterprise does bookkeeping in foreign currencies and the contributed capital is transferred in foreign currencies, the transfer price and purchase price of the capital are also expressed as foreign currencies. Where the enterprise does bookkeeping in VND and the contributed capital is transferred in foreign currencies, the transfer price shall be expressed VND according to the average exchange rage on the inter-bank foreign exchange market announced by the State bank of Vietnam when the transfer is made.

a.1) Transfer price

Transfer price is the amount of money the individual receives under the capital transfer contract.

If the transfer contract does not specify the price or the price stated in the contract is not conformable with the market price, the tax authority may impose a transfer price in accordance with regulations of law on tax administration.

a.2) Purchase price

The purchase price of the transferred capital is the value of contributed capital when the transfer is made.

The value of contributed capital at that time includes the value of the capital contributed to the establishment of the enterprise, value of additional contributions, value of purchased capital, and value of capital from reinvested profit. In particular:

a.2.1) For capital contributed to the establishment of the enterprise, it is the value of capital when the contribution is made. The value of contributed capital is determined based on accounting books and invoices.

a.2.2) For additional capital contribution, it is the value of the additional capital contribution when the additional contribution is made. The value of additional capital contribution is determined based on accounting books and invoices.

a.2.3) For purchased capital, it is its value when the purchase is made. The purchase price is determined based on the contract to buy capital contribution. If the contract to buy capital contribution does not specify the price or the price stated in the contract is not conformable with the market price, the tax authority may impose a purchase price in accordance with regulations of law on tax administration.

a.2.4) For the capital from reinvested profit, it is the value of the reinvested profit.

a.3) Deductible expenses when calculating taxable income from capital transfer are rational expenses that are related to the generation of income from capital transfer with valid invoices as prescribed. In particular:

a.3.1) The expenditures on legal procedures necessary for the transfer.

a.3.2) The fees and charges paid to the government budget when following the transfer procedure.

a.3.3) Other expenditures related to the capital transfer.

b) Tax rate

The rate of personal income tax on the income from transferring contributed capital is 20% according to the whole income tax table.

c) Time to calculate the assessable income

Assessable income shall be calculated when the capital transfer contract takes effect. Where making contribution from another capital contribution, the assessable income from transferring capital shall be calculated when the person transfers or withdraws capital.

d) Tax calculation

Personal income tax payable

=

Assessable income

x

20% tax

2. For income from transferring securities

Bases for calculating tax on incomes from transferring securities are assessable income and the tax rate.

a) Assessable income

The assessable income from transferring securities is the sale price of securities minus the purchase price and rational expense related to the transfer.

a.1) Sale price of securities:

a.1.1) The sale price of securities of a public company that are traded at the Stock Exchange is the transaction price at the Stock Exchange. The transaction price is based on the order matching result of prices from transactions at the Stock Exchange.

a.1.2) The sale price of securities of a public company that are not traded at the Stock Exchange but only transferred via the system of the Vietnam Securities Depository is the price stated in the securities transfer contract.

a.1.3) The sale price of securities that do not fall into the cases above is the actual transfer price stated in the transfer contract or the price in the accounting book of the latest unit that transfers securities before the transfer is made.

If the transfer contract does not specify the sale price or the sale price stated in the contract is not conformable with the market price, the tax authority may impose a sale price in accordance with regulations of law on tax administration.

a.2) Purchase price of securities:

a.2.1) The purchase price of securities of a public company that are traded at the Stock Exchange is the transaction price at the Stock Exchange. The transaction price is based on the order matching result of prices from transactions at the Stock Exchange.

a.2.2) The purchase price of securities of a public company that are not traded at the Stock Exchange but only transferred via the system of the Vietnam Securities Depository is the price stated in the securities transfer contract.

a.2.3) The purchase price of the securities that are purchased at auction is the price written in the announcement of auction winner made by the auction holder and the payment note.

a.2.4) The purchase price of the securities that do not fall into the cases above is the actual transfer price stated in the transfer contract or the price in the accounting book of the latest unit that transfers securities before the transfer is made.

If the transfer contract does not specify the purchase price or the purchase price stated in the contract is not conformable with the market price, the tax authority may impose a purchase price in accordance with regulations of law on tax administration.

a.3) Deductible expenses when calculating taxable income from transferring securities are rational expenses that are related to securities transfer with valid invoices as prescribed, including:

a.3.1) The expenditures on legal procedures necessary for the transfer.

a.3.2) The fees and charges paid by the transferor when following the transfer procedure.

a.3.3) The charge for securities depository prescribed by the Ministry of Finance and note of receipts of the securities company.

a.3.4) The charge for investment entrustment, fees for management of securities investment portfolio based on the notes of receipts of the entrusted unit.

a.3.5) Charge for securities transfer brokerage.

a.3.6) Charge for investment counseling services and information provision.

a.3.7) Charge for account transfer and ownership transfer via the Vietnam Securities Depository (if any).

a.3.8) Other expenditures with valid supporting documents.

b) Tax rate and tax calculation

b.1) When applying the tax rate of 20%

b.1.1) Application rules

The person that transfers securities shall apply the tax rate of 20% if he has obtained tax registration and a tax code when settling tax, and able to calculate the assessable income from each type of securities as guided in Point a Clause 2 Article 11 of this Circular.

The purchase price of securities is calculated by the average total purchase price of each type of securities sold in the period as follows:

Average purchase price of each type of securities sold

=

Opening cost price

+

Cost price during the period

x

Quantity of securities sold

Opening quantity of unsold securities

+

Quantity of new securities during the period

b.1.2) Tax calculation

Personal income tax payable

=

Assessable income

x

20% tax

When settling tax, the person that applies the tax rate of 20% may deduct the tax provisionally paid at the rate of 0.1% in the tax year.

b.2) When applying the tax rate of 0.1%

The person that transfers securities shall provisionally pay a 0.1% tax on the securities transfer price at a time, including the case in which the 20% tax rate applies.

Tax calculation:

Personal income tax payable

=

Securities transfer price at a time

x

0.1% tax

c) Time to calculate the assessable income

Time to calculate assessable income from transferring securities:

c.1) For securities of a public company that are traded at the Stock Exchange, it is the time the taxpayer receives the income from securities transfer.

c.2) For securities of a public company that are not traded at the Stock Exchange but only transferred via the system of the Vietnam Securities Depository, it is the time the ownership is transferred at the Vietnam Securities Depository.

c.3) For the securities that do not fall into the cases above, it is the time the securities transfer contract takes effect.

c.4) When making capital contribution by securities without paying tax when making capital contribution, the time to calculate income from transferring securities to make capital contribution is the time the person transfers, withdraws capital.

d) When receiving shares paid as dividend.

When receiving shares paid as dividend, the person might delay paying personal income tax when receiving shares. When transferring such shares, the person shall pay personal income tax on the income from capital investment and the income transferring securities. To be specific:

d.1) The basis for determining the personal income tax payable on the income from capital investment is the value of dividend in the accounting book or the quantity of actual shares received multiplied by (x) the face value of such shares and the rate of personal income tax on the income from capital investment.

If the transfer price of the shares paid as dividend is lower than the nominal price, the personal income tax on capital investment shall be calculated at the market price when the transfer is made.

If the person transfers the same type of securities after receiving shares paid as dividend, the person shall declare and pay personal income tax on the all the shares paid as dividends.

d.2) The basis for calculating the personal income tax payable on the income form transferring securities is guided in Point b Clause 2 of this Article.

Example 12: Mr. K is a shareholder of joint-stock company X (listed at the Stock Exchange). In 2011, Mr. K receives 5,000 shares paid as dividend by company X (the face value of a share is 10,000 VND). In February 2014, Mr. K transfers 2,000 shares of company X at a price of 30,000 VND per share. In August 2014, Mr. K transfers 7,000 shares at a price of 20,000 VND per share.

When making the transfer, Mr. K has to pay personal income tax on the income from capital investment and the income from transferring securities. To be specific:

* For the transfer in February 2014:

- The personal income tax on the income from capital investment:

(2,000 shares x 10,000 VND) x 5% = 1,000,000 VND

- The personal income tax (preliminary) on income from transferring securities:

(2,000 shares x 30,000 VND) x 0.1% = 60,000 VND

* For the transfer in August 2014:

- The personal income tax on the income from capital investment:

(3,000 shares x 10,000 VND) x 5% = 1.500,000 VND

- The personal income tax (preliminary) on income from transferring securities:

(7,000 shares x 20,000 VND) x 0.1% = 140,000 VND

Article 12. Bases for calculation of tax on incomes from real estate transfer

Bases for calculating tax on incomes from transferring contributed capital are assessable income and tax rates.

1. Assessable income

a) The assessable income from transferring rights to use land without constructions thereon equals the transfer price minus (-) the cost price and rational expenses.

a.1) Transfer price

The transfer price of rights to use land is the price stated in the transfer contract when the transfer is made.

If the transfer price is not identifiable or the price stated in the transfer contract is lower than the land price imposed by the People’s Committee of the province when the transfer is made, the transfer price is based on the land price list made by the People’s Committee of the province.

a.2) Cost price:

The cost price of rights to use land in some cases is calculated as follows:

a.2.1) The cost price of the land allocated by the State that is subject to land levy is based on the notes of land levy receives made by the State.

a.2.2) The cost price of the land allocated by the State that is exempt from land levy or eligible for land levy reduction is based on the price imposed by the People’s Committee of the province when land is transfer.

a.2.3) The cost price of land of which the rights to use are transferred from other organizations and individuals is based on the price stated in the transfer contract when the transfer is received.

a.2.4) The cost price of rights to use land put up for auction is the successful bid.

a.2.5) The cost price of land of which the origin does not fall into the cases above is determined based on the documents proving the fulfillment of financial obligations to the state when the certificate of rights to use land, ownership of houses and other property on land is issued.

a.3) Rational expenses:

The deductible expenses when calculating incomes from transferring rights to use land are the expenses related to the transfer with valid invoices, including:

a.3.1) The fees and charges related to the grant of rights to use land that are paid to the government budget by the transferor.

a.3.2) The expenditure on land recovery and leveling (if any).

a.3.3) Other expenditures related to the transfer of rights to use land such as expenditures on legal procedure for transferring, expenditure on measurement services.

b) The assessable income from transferring rights to use land with constructions there on, including off-the-plan constructions equals the transfer price minus (-) the cost price and rational expenses.

b.1) Transfer price

The transfer price is the price stated in the transfer contract when the transfer is made.

If the contract does not specify the transfer price or the transfer price stated in the contract is lower than the price imposed by the People’s Committee of the province, the transfer price shall be determined based on the list of land prices and the house prices made by the People’s Committee of the province when the transfer is made.

If house prices are not imposed by the People’s Committee of the province, the transfer price is based on the regulations imposed by the Ministry of Construction on house classification, standards and limits of fundamental construction, actual residual value of constructions on land.

For off-the-plan constructions, it is based on the proportion of capital contribution to the total contract value multiplied by (x) the construction price imposed by the People’s Committee of the province. If the People’s Committee of the province has not imposed the unit price, the rate of construction investment announced by the Ministry of Construction, which is effective when the transfer is made, shall apply.

b.2) Cost price

The cost price is determined based on the price stated in the transfer contract when the purchase is made. If the real estate is not received from a transfer, the cost price is based on the documents proving the fulfillment of financial obligations to the State when the certificate of rights to use land, ownership of land and property on land is issued.

b.3) Rational expenses:

The deductible expenses when calculating incomes from transferring rights to use land are the expenses related to the transfer with valid invoices, including:

b.3.1) The fees and charges related to the grant of rights to use land that are paid to the government budget by the transferor.

b.3.2) The expenditure on land recovery and leveling.

b.3.3) The expenditure on building, upgrading, repairing infrastructure and constructions on land.

b.3.4) Other expenditures related to the real estate transfer such as expenditures on legal procedure for transferring, expenditure on measurement services.

c) Assessable income from transferring ownership of houses, including future houses.

The assessable income from transferring house ownership equals the sale price minus (-) the purchase price and rational expenses.

c.1) Sale price:

The sale price is the actual transfer price based on the market price and stated in the transfer contract.

If the house transfer price stated in the contract is lower than the house price imposed by the People’s Committee of the province when the transfer is made or the transfer contract does not specify the transfer price, the transfer price shall be determined based on price imposed by the People’s Committee.

c.2) Purchase price

The purchase price is determined based on the prices stated in the contract. If the house is not a transferred house or repurchased house, the purchase price is based on the documents proving the fulfillment of financial obligations to the State when the certificate of rights to use land, ownership of land and property on land is issued.

c.3) Rational expenses:

The deductible expenses are the expenses incurred during the transfer with valid invoices, including:

c.3.1) The fees and charges related to the grant of house use right that are paid to the government budget by the transferor.

c.3.2) The expenditure on repairing and upgrading the house.

c.3.3) Other expenditures related to the transfer.

d) Assessable income from transferring the rights to rent land/water surface

The assessable income from transferring the rights to rent land/water surface equals the sublease price minus (-) the initial rent and relevant expenses.

d.1) Sublease price:

The sublease rent equals the rent stated in the contract when transferring the rights to rent land/water surface.

If the sublease price in the contract is lower than the price imposed by the People’s Committee of the province when the sublease is taken, the sublease rent is based on the rent list made by the People’s Committee of the province.

d.2) Rent:

The rent is determined based on the lease contract.

d.3) Rational expenses:

The deductible expenses are the expenses incurred during the transfer with valid invoices, including:

d.3.1) The fees and charges related to the grant of rights to rent land/water surface that are paid to the government budget by the transferor;

d.3.2) The expenditure on land/water surface recovery;

d.3.3) Other expenditures related to the transfer of the rights to rent land/water surface.

2) Tax rate

The rate of tax on real estate transfer is 25% of the assessable income.

Where the taxpayer fails to determine the cost price or fails to provide documents to determine the cost price or purchase price or rent, and legal documents for determining relevant expenses as the basis for calculating the assessable income, the tax rate of 2% of the transfer price of sale price or sublease price shall apply.

3. Time to calculate the assessable income

The assessable income from real estate transfer shall be calculated when the person initiates the procedure for real estate transfer as prescribed by law.

4. Tax calculation

a) Where the assessable income is identifiable, the personal income tax on the income from real estate transfer shall be calculated as follows:

Personal income tax payable

=

Assessable income

x

25% tax

b) Where the taxpayer fails to determine the cost price or fails to provide documents to determine the cost price or purchase price or rent, and legal documents for determining relevant expenses as the basis for calculating the assessable income, the personal income tax shall be calculated as follows:

Personal income tax payable

=

Transfer price

x

2% tax

c) Where the transferred real estate in under a co-ownership, the tax liability incurred by each taxpayer is proportional to their portion of real estate ownership. The basis for determining the portion of ownership is legal documents such as the initial capital contribution agreements, the testament, or the decision on division made by the court, etc. If no legal documents are provided, the tax liability incurred by each taxpayer shall be evenly divided.

Article 13. Bases for calculation of tax on incomes from royalties

Bases for calculating tax on incomes from royalties are the assessable income and tax rate.

1. Assessable income

The assessable income from royalties is the excess over 10 million VND of income according to the transfer contract, regardless of the number of payments or times the taxpayer receives money when transferring the subjects of intellectual property rights or technology transfer.

If the transfer of the same subject of intellectual property rights or technology transfer to a transferee is made into multiple contracts, the assessable income is excess over 10 million VND of incomes from all transfer contracts.

If the subject of transfer is under a co-ownership, the assessable income shall be divided among the co-owners. The division ratio depends on the Certificate of ownership or rights to use issued by competent authorities.

2. The rate of personal income tax on the income from royalties is 5% according to the whole income tax table.

3. Time to calculate the assessable income

The assessable income shall be calculated when the royalty is paid.

4. Tax calculation

Personal income tax payable

=

Assessable income

x

5% tax

Article 14. Bases for calculation of tax on incomes from franchising

Bases for calculating tax on incomes from franchising are the assessable income and tax rate.

1. Assessable income

The assessable income from franchising is the excess over 10 million VND of income according to the transfer contract, regardless of the number of payments or times the taxpayer receives money.

If the franchise for the same subject is made into multiple contracts, the assessable income is the excess over 10 million VND of all franchise contracts.

2. Tax rate

The rate of personal income tax on the income from franchising is 5% according to the whole income tax table.

3. Time to calculate the assessable income

The assessable income from franchising shall be calculated when the payment for franchise is made between the franchiser and franchisee.

4. Tax calculation

Personal income tax payable

=

Assessable income

x

5% tax

Article 15. Bases for calculation of tax on incomes from winning prizes

Bases for calculating tax on incomes from prizes are the assessable income and tax rate.

1. Assessable income

The assessable income from a prize is the excess over 10 million VND of the prize the taxpayer receives, regardless of the number of times of prize money receipt.

If a prize is won by multiple people, the assessable income shall be divided among the prizewinners. The prizewinners shall present legal evidence. If no legal evidence is provided, the prize is considered won by one person. Where a person wins multiple prizes in a game, the assessable income is calculated based on the total value of prizes.

Assessable income from some games of chance:

a) The assessable income from a lottery prize is the excess over 10 million VND of 01 lottery prize without any deduction.

b) The assessable income from promotion prize in kind is the excess over 10 million VND of the prize that is converted into cash at the market price when the prize is given without any deduction.

c) Assessable income from betting, casino, and prizes from centers of games with prizes (hereinafter referred to as game centers):

c.1) Assessable income from betting is excess over 10 million VND of the prize that the player receives without any deduction.

c.2) Assessable income obtained from casinos and game centers are the excess over 10 million VND of the prize the player receives in a game. in particular:

c.2.1) The income from prize of a game is the difference between the amount cashed out and the amount cashed in by the player in a game.

The income from prize in foreign currencies must be converted into VND at an applicable exchange rate announced by the State bank when the income is earned.

c.2.2) The amount of cash paid and received in a game is determined as follows:

c.2.2.1) For the game is played using intermediary currencies (chips, tokens) according to the Financial management regulation on games with prizes promulgated by the Minister of Finance:

c.2.2.1.1) The cash-out received by the player in a game is the total value of tokens/chips exchanged for cash by the player during the game.

c.2.2.1.2) The cash paid by the player in a game is the total value of cash exchanged for tokens/chips by the player during the game.

The basis for determining the cash received and paid during a game is the exchange invoices (using the form provided in the Financial management regulation on games with prizes promulgated by the Minister of Finance) and other invoices according to current regulations of law on accounting.

Example 13: Mr. M has exchanged cash for chips 3 times since he gets in and gets out of the game center. The total value of 3 exchanges is 500 USD. Chips are exchanged for cash twice with a total value of 700 USD. Thus the income from prizes and assessable income earned by Mr. M is determined as follows:

- Income from winning prizes = 700 USD – 500 USD = 200 USD.

- Assessable income = 200 USD x USD/VND exchange rate - 10 million VND

c.2.2.2) For games using slot machines:

c.2.2.2.1) The cash-out received by the player in a game is the total value of cash taken from the machine after a game is over minus the jackpot (if any).

c.2.2.2.2) The cash paid by the player in a game is the total value of cash inserted in the machine from by the player during the game.

The income from jackpots, periodic prizes for lucky customers and similar prizes is the entire value of the prize without any deduction.

Example 14: Mr. N plays with a slot machine using cash. In a game, Mr. N has keys in totally 300 USD. After the game is over, Mr. N withdraws out 1,500 USD in cash from the machine. In that game, Mr. N also wins a jackpot being 1,000 USD (accrued in the cash out). Based on the cash-in and cash-out, the incomes from prizes and assessable incomes earned by Mr. N are calculated as follows:

- The income from the jackpot earned by Mr. B is the entire value of the jackpot:

+ Income from the prize = 1000 USD

+ Assessable income = 1000 USD x USD/VND exchange rate - 10 million VND.

- The income earned by Mr. B from winning prizes from the slot machine:

+ Income from winning prizes:

= 1500 USD - 1000 USD - 300 USD = 200 USD.

+ Assessable income:

= 200 USD x USD/VND exchange rate - 10 million VND.

c.2.3) If the taxable income is not identifiable as guided in Point c.2 Clause 1 of this Article, the prize provider or casino shall pay tax on the total cash-out at a fixed rate on behalf of the prizewinner. When applying the fixed rate of personal income tax, the prize provider or casino shall apply for a registration with the tax authority and announce that the prizes given to prizewinners are post-tax incomes. The fixed tax rate shall be guided by the Ministry of Finance.

c.2.4) A “game” is determined as follows:

- If the game is played using intermediary currencies, the game begins when the player enters the game center and ends when such player leaves the game center.

- For slot machines, the game begins when the player insert cashes in the machine (keys in/cashes in) and ends when the player withdraws cash from the machine (cashes out).

- When a jackpot, periodic prize for the lucky customer or prize in other forms is won, it is consider a separate game.

d) The income form prizes won in games with prizes or competitions is calculated when the every prize is received. The value of prize equals the excess over 10 million VND of prize money the player receives without any deductions.

2. The rate of personal income tax on the income from prizes is 10% according to the whole income tax table.

3. Time to calculate the assessable income

The assessable income from prizes shall be calculated when the prizewinner receives the prize.

4. Tax calculation:

Personal income tax payable

=

Assessable income

x

10% tax

Article 16. Bases for calculation of tax on incomes from inheritance and gifts

Bases for calculating tax on incomes from inheritance and gifts are the assessable income and tax rate.

1. Assessable income

The assessable income from inheritance and gifts is the excess over 10 million VND of the inheritance or gifts received. The value of inheritance and gifts is determined as follows:

a) The value of inheritance and gifts being securities is the value of securities when the ownership transfer is registered. In particular:

a.1) The value of securities traded at the Stock Exchange is based on the reference price at the Stock Exchange when the securities ownership is registered.

a.2) The value of securities that do not fall into the case above is based on the latest book value provided by the corresponding issuer before the securities ownership is registered.

b) The assessable income from the inheritance and gifts being contributions to businesses is the value of the contributions based on their latest book values of the companies before the contribution ownership is registered.

c) The value of inheritance and gifts being real estate is determined as follows:

c.1) The value of rights to use land is based on the land price list made by the People’s Committee of the province before the person registers the rights to use real estate.

c.2) The value of houses and constructions on land is based on the regulations of competent authorities in charge of house classification, construction standards and limits imposed by competent authorities, residual value of the house or construction when the ownership is registered.

If the value is not identifiable, the prices imposed by the People’s Committee of the province shall apply.

d) For inheritance and gifts being other assets of which the ownership or rights to use must be registered with state agencies: the value of assets are based on the prices imposed by the People’s Committee of the province when the person registers the ownership or rights to use inheritance and gifts.

2. The rate of personal income tax on the income from inheritance and gifts is 10% according to the whole income tax table.

3. Time to calculate the assessable income

The assessable income from inheritance and gifts is calculated when the person registers the ownership or rights to use of inheritance and gift.

4. Tax payable:

Personal income tax payable

=

Assessable income

x

10% tax

Chapter 3.

BASIS FOR CALCULATING TAX INCURRED BY NON-RESIDENTS

Article 17. Incomes from business

The rate of personal income tax on incomes from business earned by a non-resident equals the revenue from business multiplied by (x) the tax rate.

1. Revenue:

The revenue from business earned by a non-resident is determined similarly to the revenue used to calculate tax on incomes earned by a president from business guided in Clause 1 Article 8 of this Circular.

2. Tax rate

The rates of personal income tax on incomes from business earned by non-residents in each field and industry:

a) 1% for goods sale.

b) 5% for service provision.

c) 2% for production, construction, construction, and other businesses.

Where the non-resident earns revenues from various fields but fails to separate the revenue from each field, the highest tax rate shall apply to the total revenue.

Article 18. Incomes from wages

1. The rate of personal income tax on incomes from wages earned by a non-resident equals the taxable income from wages multiplied by (x) 20% tax.

2. The taxable income from wages earned by a non-resident is similar to that earned by a resident guided in Clause 2 Article 8 of this Circular.

The taxable income from wages earned in by a non-resident that works both in Vietnam and overseas without being able to separate the income earned in Vietnam shall be calculated as follows:

a) Where the foreigner is not present in Vietnam:

Total income earned in Vietnam

=

Number of working days in Vietnam

x

Pre-tax global income from wages

+

Other pre-tax taxable income earned in Vietnam

Number of working days in the year

Where: the number of working days in the year is calculated in accordance with the Labor Code of Vietnam.

b) Where the foreigner is present in Vietnam:

Total income earned in Vietnam

=

Number of days in Vietnam

x

Pre-tax global income from wages

+

Other pre-tax taxable income earned in Vietnam

365 days

Other pre-tax taxable incomes earned in Vietnam mentioned in Point a and Point b above are other benefits in cash or not in cash apart from wages that are provided for the employee or paid on the employee’s behalf by the employer.

Article 19. Incomes from capital investment

The personal income tax on incomes from capital investment earned by a non-resident equals the total taxable income earned by the non-resident from capital investment in other organizations and individuals in Vietnam multiplied by (x) 5% tax.

The assessable income, time to calculate assessable income from capital investment earned by the non-resident are similar to those of a resident guided in Clause 1 and Clause 3 Article 10 of this Circular.

Article 20. Incomes from capital transfer

1. The personal income tax on the income from capital transfer earned by a non-resident equals the total amount of money the non-resident receives from the transfer of capital invested in organizations and individuals in Vietnam multiplied by (x) 0.1% tax, whether the transfer is made in Vietnam or overseas.

The total amount of money the non-resident receives from the transfer of capital invested in organizations and individuals in Vietnam is the capital transfer price without any deductions, including the cost price.

2. The transfer price in some cases:

a. When transferring contributed capital, the transfer price is similar to that of a resident guided in Point a.1 Clause 1 Article 11 of this Circular.

b. When transferring securities, the transfer price is similar to that of a resident guided in Point a.1 Clause 2 Article 11 of this Circular.

3. Time to calculate the assessable income:

b) The assessable income from transferring contributed capital earned by a non-resident shall be calculated when the capital transfer contract takes effect.

b) The time to calculate the assessable income from transferring securities earned by a non-resident is similar to that earned by a resident as guided in Point c Clause 2 Article 11 of this Circular.

Article 21. Incomes from real estate transfer

1. The personal income tax on the income from real estate transfer earned by a non-resident equals the transfer price multiplied by (x) 2% tax.

The aforesaid transfer price is the total amount the non-resident receives from the real estate transfer without any deductions, including the cost price.

2. The real estate transfer price of a non-resident is similar to that of a resident guided in Points a.1, b.1, c.1, d.1 Clause 1 Article 12 of this Circular.

3. The income from real estate transfer shall be calculated when the non-resident initiates the procedure for real estate transfer as prescribed by law.

Article 22. Incomes from royalties and franchise

1. Tax on incomes from royalties

a) The tax on incomes from royalties earned by a non-resident equals excess over 10 million VND of income from each contract to transfer the subjects of intellectual property rights, technology transfers in Vietnam multiplied by 5% tax.

The determination of incomes from royalties is guided in Clause 1 Article 13 of this Circular.

b) The income from royalties shall be calculated when the non-resident receives the royalties from the payer.

2. Incomes from franchising

a) The tax on incomes from franchising earned by a non-resident equals the excess over 10 million VND of income from each franchise contract in Vietnam multiplied by 5% tax.

The determination of incomes from franchising is guided in Point 1 Clause 14 of this Article.

b) The assessable income from franchising shall be calculated when the payment for franchise is made between the franchiser and franchisee.

Article 23. Incomes from prizes, inheritance, and gifts

1. The personal income tax on incomes from prizes, inheritance, or gifts earned by a non-resident equals the assessable income calculated as guided in Clause 2 of this Article multiplied by (x) the 10% tax.

2. Assessable income

a) The assessable income from winning a prize earned by a non-resident is the excess over 10 million VND of the prize won in Vietnam.

The income from winning prizes earned by a non-resident is similar to that earned by a resident as guided in Clause 1 Article 15 of this Circular.

b) The taxable income from inheritance and gifts earned by a non-resident is the excess over 10 million VND of the inheritance or gift received in Vietnam.

The income from inheritance and gifts earned by a non-resident is similar to that earned by a resident as guided in Clause 1 Article 16 of this Circular.

3. Time to calculate the assessable income

a) The assessable income from prizes shall be calculated when the organization or person in Vietnam pays the prize money to the non-resident.

b) The assessable income from inheritance is calculated when the person registers the ownership or rights to use the assets in Vietnam.

c) The assessable income from gift is calculated when the person registers the ownership or rights to use the assets in Vietnam.

Chapter 4.

TAX REGISTRATION, TAX DEDUCTION, TAX STATEMENT, TAX SETTLEMENT, TAX REFUND

Article 24. Tax registration

1. The entities that must apply for tax registration

According to Article 27 of the Decree No. 65/2013/ND-CP , the entities that are required to apply to personal income tax registration are:

a) Income payers, including:

a.1) Business organizations and individuals, including their branches, dependent units, affiliates that do bookkeeping separately and have separate legal entities.

a.2) State administrative agencies.

a.3) Political organizations, socio-political organizations, socio-professional organizations.

a.4) Public service agencies.

a.5) International organizations and foreign organizations.

a.6) Project management boards, representative offices of foreign organizations.

a.7) Other income payers.

b) Persons that earn taxable incomes, including:

b.1) The persons that earn incomes from production or business, including freelancers; the person and households engaged in agricultural production that are not exempt from personal income tax. The persons that earn incomes from production or business who apply for the registration of personal income tax together with other taxes.

b.2) The wage earners, including foreigners working for foreign contractors and foreign sub-contractors in Vietnam.

b.3) The persons that transfer real estate.

b.4) The persons that earn other taxable incomes (if required).

c. The dependants eligible for personal deductions.

The entities mentioned in Point a, Point b and Point c Clause 1 of this Article are not required to apply for new tax registration if tax registration has been obtained and tax codes have been issued. The person that earns multiple taxable incomes shall apply for tax registration once. The tax code shall be used to make declare all kinds of incomes.

2. Tax registration application

The tax registration procedure and application are specified in guiding documents on tax administration.

3. Places where applications for tax are submitted

a) Places where applications for tax are submitted are specified in guiding documents on tax administration.

b) Places where applications for tax are submitted in some particular cases:

b.1) The person that earns income from wages shall submit the application for tax registration to the income player or the local tax authority that monitors the income payer. The income payer shall aggregate and submit the applications for tax registration to the local tax authority.

b.2) The person that earns income from multiple sources: business, wages, other taxable incomes may submit the application for tax registration to the income payer or the local Sub-department of taxation.

b.3) The person that earns other taxable incomes may submit the application for tax registration at any tax authority.

4. Tax registration in some particular cases:

a) The representative of the group of business person shall apply for tax registration as guided in order to obtain the personal tax code. The tax code of the representative of the group of business person shall be used to declare tax, pay VAT, excise duty, license tax incurred by the whole group, and used to declare personal income tax incurred the representative himself. Other capital contributors in the group must apply for tax registration in order to obtain separate tax codes in the same way a business person does.

b) If the person that transfers real estate has not had a tax code, the tax authority shall automatically issue a tax code to the person based on the personal information in the real estate transfer dossier.

c) If a dependant for whom the taxpayer applies for a deduction has not had a tax code, the tax authority shall automatically issue the tax code to the dependant based on the dependant’s information in the application for deduction (the form is provided in guiding documents on tax administration) made by the taxpayer.

Article 25. Tax deduction and certificate of tax deduction

1. Tax deduction

Tax deduction is an act of calculating and withholding the tax payable from the taxpayer’s income by the income payer before the income is paid to the tax payer.

a) Incomes earned by non-residents:

The organization or individual that pays taxable incomes to the non-resident shall withhold the personal income tax from the income before it is paid. The determination of tax being withheld is guided in Chapter III (from Article 17 to Article 33) of this Circular.

b) Incomes from wages

b.1) The income payer shall deduct tax from incomes of residents that sign labor contracts for 03 months or longer according to the progressive tax table, including the persons that sign such contracts at various places.

b.2) The income payer shall still withhold tax from the incomes earned residents that sign labor contracts for 03 months but resign before such labor contracts expire according to the progressive tax table.

b.3) The income payer shall withhold tax from the incomes earned by the foreigners working in Vietnam based on the duration of work in Vietnam written in the contract or letter of introduction according to the progressive tax table (if the person has worked in Vietnam for at least 183 days in the tax year) or the whole income tax table (if the person has worked in Vietnam for fewer than 183 days in the tax year).

b.4) The insurer, The voluntary pension fund shall withhold personal income tax from the accrued insurance premiums and contributions to the voluntary pension fund as guided in Clause 6 Article 7 of this Circular.

b.5) The determination of tax withheld from incomes from wages earned by residents is guided in Article 7 of this Circular; the determination of tax withheld from incomes from wages earned by non-residents is guided in Article 18 of this Circular.

c) Incomes from activities of insurance agents, lottery agents, and network marketing

The lottery companies, insurers and network marketing companies that pay incomes for the persons running lottery agents, insurance agents, or network marketing shall withhold personal income tax from their incomes before paying. The determination of tax being withheld is guided in Clause 5 Article 7 of this Circular.

d) Incomes from capital investment

The payer of incomes from capital investment as prescribed in Clause 3 Article 2 of this Circular shall withhold personal income tax from incomes before they are paid to the earners, unless the persons declare tax themselves as guided in Clause 9 Article 26 of this Circular. The determination of tax being withheld is guided in Article 10 of this Circular.

dd) Incomes from transferring securities

0.1% tax on the transfer price shall be withheld from every income from securities transfer before the income is paid to the transferor. Tax shall be withheld as follows:

dd.1) For securities traded at the Stock Exchange:

dd.1.1) The securities company or commercial bank where the person opens the depository account shall withhold 0.1% personal income tax on the transfer price as before the income is paid to the person. The determination of tax being withheld is guided in Point b.2 Clause 2 Article 11 of this Circular.

dd.1.1) The asset management company to which the person entrusts the management of securities investment portfolio shall withhold 0.1% personal income tax on the transfer price of the entrusting person according to the distribution table sent to the depository bank where the company opens its depository account.

dd.2) For securities transfer without the transaction system of the Stock Exchange:

dd.2.1) For securities of a public company that has applied for securities registration at the Vietnam Securities Depository:

The securities company, commercial bank where the person opens the depository account shall withhold 0.1% personal income tax on the transfer price before initiating the procedure for transferring the securities ownership at the Vietnam Securities Depository.

dd.2.2) For securities of a joint-stock company that is not a public company, issues securities and authorizes a securities company to manage the list of shareholders:

The securities company authorized to manage the list of shareholders shall withhold 0.1% personal income tax on the transfer price before initiating the procedure for transferring the securities ownership.

The person that transfers securities shall present the transfer contract to the securities company when initiating the procedure for transferring securities ownership.

e. Incomes earned by non-residents from transferring contributed capital

The organization or person that receives capital contribution from a non-resident shall withhold 0.1% personal income tax on the transfer price.

g) Incomes from winning prizes:

The prize provider shall withhold personal income tax before providing prizes to the prizewinner. The determination of tax being withheld is guided in Article 15 of this Circular.

h) Incomes from royalties and franchising

The organization or person that pay incomes from royalties or franchising shall withhold personal income tax before the income is paid to the person. The tax withheld equals the excess over 10 million VND of the income according to the transfer contract multiplied by (x) 5% tax. If the contract has a high value and is paid in instalments, when paying the first instalment the organization or person that pay incomes shall subtract 10 million VND from the payment, then withhold the amount that equals the remaining amount multiplied by 5% tax. Income tax on the next instalments shall be withheld from each instalment.

i) Withholding tax in other cases

The organization or person that pays a total income from 2 million VND to a resident that does not sign a labor contract (as guided in Point c and Point d Clause 2 Article 2 of this Circular) or that signs a labor contract for less than 03 months shall withhold 10% tax on the income before it is paid to the person.

For the person that earns only a taxable income as stated above but the total taxable income estimated after personal deductions are made does not reach the taxable level, the person shall make and send a commitment (the form is provided in the guiding documents on tax administration) to the income payer as the basis for temporarily exempting the income from personal income tax.

Based on the commitment made by the income earner, the income payer shall not withhold tax. At the end of the tax year, the income payer shall make a list of persons that earn incomes below that taxable level (the form is provided in the guiding documents on tax administration) and send it to the tax authority. The persons are responsible for the commitments they made. Any deceit discovered shall be penalized in accordance with the Law on Tax administration.

The persons that make commitments as guided in this Point shall obtain tax registration and have tax codes when the commitments are made.

2. Certificate of tax withheld at source

a) After withholding tax as guided in Clause 1 of this Article, the income payer shall issue certificates of tax withheld at source at the request of the persons that have tax withheld from their incomes. The certificate of tax withheld at source shall not be issued if the person delegates the tax settlement.

b) Issuance of certificates of tax withheld at source in some particular cases:

b.1) If the person does not sign a labor contract or signs a labor contract for less than 03 months, the person is entitled to request the income payer to issue the certificate of tax withheld at source every time tax is withheld, or issue a single certificate of tax withheld at source for multiple withholdings in the same tax period.

Example 15: Mr. Q signs a service contract with company X to cultivate ornamental plants on the company’s premises once per month from September 2013 to April 2014. Company X pays an income of 03 million VND per month to Mr. Q. In this case, Mr. Q may request company X to issue monthly or one certificate of tax withheld at source, which reflects the tax withheld over the period from September 2013 to December 2013, and one certificate of tax withheld at source over the period from January 2014 to April 2014.

b.2) If the person signs a labor contract for more than 03 months, the income payer shall issue only one certificate of tax withheld at source in a tax period.

Example 16: Mr. R signs a long-term labor contract (from September 2013 till the end of August 2014) with company Y. In this case, if Mr. R is required to settle tax at the tax authority and requests company Y to issue the certificate of tax withheld at source, company Y shall issue 01 certificate which reflects the tax withheld from September 2013 till the end of December 2013, and 01 certificate for the period from January 2014 till the end of August 2014.

Article 26. Tax statement and tax settlement

The payer of taxable incomes and the person that earns taxable incomes shall declare tax and settle tax in accordance with the procedure provided in guiding documents on tax administration. Rules for declaring tax in some cases:

1. Tax statements made by payers of taxable income.

a) The income payers that withhold personal income tax shall declare tax monthly or quarterly. The income payer might not declare tax if no personal income tax is withheld in the month or in the quarter.

b) The monthly or quarterly tax statement shall be made from the first month in which tax is withheld, and is applicable to the whole tax year. To be specific:

b.1) The income payer that withholds personal income tax on 50 million VND or more in a month in at least one declaration of shall declare tax monthly, unless the income payer is required to declare tax quarterly.

b.2) The income payers that do not declare tax monthly as stated above shall declare tax quarterly.

c) The payer of taxable income shall declare and settle tax on behalf of the authorizing person, whether or not tax is withheld.

2. Tax statements made by residents that earn incomes from wages and business

a) Residents that earn incomes from wages shall directly declare tax at tax authorities. To be specific:

a.1) Residents that earn incomes from wages paid by international organizations, embassies, and consulates in Vietnam without withholding tax shall directly declare tax quarterly at tax authority.

a.2) Residents that earn incomes from wages paid by overseas organizations and individuals shall directly declare tax quarterly at tax authorities.

b) Residents, groups of residents that earn incomes from business shall directly declare tax at tax authorities. To be specific:

b.1) Business persons, groups of business persons that pay tax according to tax declaration method are business persons, groups of business persons that comply with regulations of law on accounting and invoices and the business persons, groups of business persons that fail to separate expense from revenue. They shall declare tax quarterly.

b.2) Business persons, groups of business persons that pay flat tax are business persons, groups of business persons that do not comply with the regulations of law on accounting and invoices and fail to determine revenue, expense, and taxable income. They shall declare tax annually.

b.3) The nomadic business persons shall declare personal income tax every time it is incurred.

b.4) The business persons that use invoices sold separately by tax authorities shall declare personal income tax every time revenue is earned.

b.5) The non-business persons that sell goods and services and need to issue invoices to their customers shall declare tax when it is incurred.

b.6) The person or group of persons that earns income from leasing out houses, rights to use land, water surface and other property shall declare tax quarterly or every time it is incurred.

c) The person that earns income from wages, business shall settle tax when tax is incurred or overpaid or offset against the next period, except for the cases below:

c.1) The person whose tax payable is tax smaller than the provisional tax paid does not apply for tax refund or offset it against tax the next period.

c.2) The person or business household has only one source of income from business and has paid flat tax.

c.3) The person or household only earns income from leasing out houses, rights to use land and has paid tax according to declaration in locality where such houses or land are situated.

c.4) The wage earner signs a labor contract for 03 months or more with a unit and earns an average monthly income of no more than 10 million VND from other places in the year, 10% tax on which has been withheld at source by the income payer; This income shall not be declared without the request of the person.

c.5) The wage earner signs a labor contract for 03 months or more with a unit, earns an average monthly income of no more than 20 million VND from leasing houses, rights to use land in the year, and has paid tax in the locality where such houses or land are situated. This income shall not be declared without the request of the person.

b.1) The wage earner shall request another organization or person to settle tax on their behalf in the following cases:

d.1) The person that only earns incomes from wages signs a labor contract for 03 months or more in a unit and is actually working at that unit when delegating the making of tax statement, even he has not worked for 12 months in the year.

d.2) The wage earner signs a labor contract for 03 months or more and earns other incomes as guided in Point c.4 and Point c.5 Clause 2 of this Article.

dd) The income payer shall only settle tax on the income that they pay on the person’s behalf.

e) Rules for settling tax in some cases:

e.1) The resident that earns an income overseas and has pay personal income tax on that income overseas shall have the tax paid overseas deducted. The amount of tax deducted shall not exceed the tax payable on the income earned overseas according to Vietnam’s tax table. The ratio is based on the ratio of income earned overseas to the total taxable income.

e.2) The person earns incomes form wages and has been present in Vietnam in the first calendar year for fewer than 183 days, but has been present in Vietnam for 183 days or more within12 consecutive months from the date of arrival.

- In the first tax year: make and submit the tax settlement form by the 90th day from the end of the 12 consecutive months.

- From the first tax year: make and submit the tax settlement form by the 90th day from the end of the calendar year. The remaining tax payable in the second tax year is calculated as follows:

Remaining tax payable in the second tax year

=

Tax payable in the second tax year

-

Deductible duplicated tax

Where:

Tax payable in the second tax year

=

Assessable income in the second tax year

x

Personal income tax rate according to the progressive tax table

Deductible duplicated tax

=

Tax payable in the first tax year

x

Number of months in which tax is duplicated

12

Example 17: Mr. S is a foreign who first comes to Vietnam and works under a labor contract from June 01, 2014 to May 31, 2016. In 2014, Mr. S has been present in Vietnam for 80 days and earned 134 million VND in wages. In 2015, Mr. S is present in Vietnam for 110 days during the period from January 01, 2015 until the end of May 31, 2015, and earns 106 million VND in wages. From June 01, 2015 to December 31, 2015, Mr. S has been in Vietnam for 105 days and earned 122 million VND in wages. Mr. S does not apply for deductions for dependants and does not pay insurance premiums or make charitable donations.

The personal income tax payable by Mr. S is calculated as follows:

+ in 2014, Mr. S is a non-resident, but for the period of 12 consecutive months from June 01, 2014 to the end of May 31, 2015, Mr. S has been present in Vietnam for totally 190 days (80 days + 110 days). Thus Mr. S is a resident in Vietnam.

+ In the first tax year from June 01, 2014 to May 31, 2015):

- Total taxable income in the first tax year:

134 million VND + 106 million VND = 240 million VND

- Personal deduction: 9 million VND x 12 = 108 million VND

- Assessable income: 240 million VND - 108 million VND = 132 million VND

- Personal income tax payable in the first tax year: 60 million VND x 5% + (120 million VND - 60 million VND) x 10% + (132 million VND - 120 million VND) x 15% = 10.8 million VND

+ In the second tax year (from January 01, 2015 to the end of December 31, 2015), Mr. S has been present in Vietnam for 215 days (110 days + 105 days) and is considered a resident in Vietnam.

- Taxable income earned in 2015:

106 million VND + 122 million VND = 228 million VND

- Personal deduction: 9 million VND x 12 = 108 million VND

- Assessable income in 2015:

228 million VND - 108 million VND = 120 million VND

- Personal income tax payable in the 2015:

(60 million VND x 5%) + (120 million VND – 60 million VND) x 10% = 9 million VND

+ When settling tax in 2015, tax is duplicated in 5 months (from January 2015 to May 2015)

- Deductible duplicated tax:

(10.8 million VND/12 months) x 5 months = 4.5 million VND.

- Personal income tax payable in the 2015:

9 million VND - 4.5 million VND = 4.5 million VND

e.3) The resident that is a foreigner terminates the labor contract in Vietnam and settles tax at the tax authority before departure.

e.4) The person that leases out houses, rights to use land, water surface and other property shall settle personal income tax, except for the cases in which tax settlement is exempt as guided in Point c.3 and Point c.5 Clause 2 of this Article. In particular:

e.4.1) The person that declares tax quarterly or when it is incurred under a contract that is due within 01 year shall settle tax in the same way the persons that pay tax according to declarations do.

e.4.2) Where the person declares tax when it is incurred under a contract that is due after 01 year and receives a deposit for a lease period, the person shall settle tax in one of the following methods: if all tax is settled in the first year, the revenue is the lump-sum payment and personal deductions shall be made for a year, not the next; if tax is settled annually, the income from the lump-sum payment shall be provisionally declared and personal deductions shall be made for the first year, the revenue from leasing out property shall be redistributed in the next years and personal deductions shall be calculated when they arise.

e.5) The persons that earn incomes from the insurance agents, lottery agents, or network marketing shall directly settle tax at the tax authorities if required.

e.6) The persons that earns incomes from wages, business, and are eligible for tax reduction due to natural disasters, fire, accidents, fatal diseases shall directly settle tax at tax authorities.

e.7) The non-resident business persons, groups of business persons that have fixed business premises in Vietnam shall settle tax in the same way residents do.

3. Declaring tax on incomes form real estate transfer

a) The persons that earn incomes from real estate transfer shall declare tax when it is incurred, including the persons eligible for tax exemption. Declaring tax in some cases:

a.1) If the person puts up his rights to use land or house ownership as collateral loans or making payment at credit institutions, branches of foreign banks and fails to pay debts when they are due, the branches of foreign banks and credit institution shall liquidate, sell such real estate, declare and pay personal income tax on the person’s behalf before setting the person’s debts.

a.2) If the person mortgages his rights to use land or house ownership to take loans or make payment with other organizations or persons, then transfers the whole or part of such real estate to pay debts, the person that has the rights to use land or house ownership shall declare and pay personal income tax, or the organization/person doing the transfer procedure on the person’s behalf) shall declare and pay personal income tax on the person’s behalf before settling the debt.

a.3) Where a person transfers the real estate to another organization or person under a court’s decision, the transferor shall declare and pay personal income tax, or the organization/person holding the auction shall declare and pay personal income tax on behalf of the transferor. The real estate that is confiscated and put up for auction by competent authorities, personal income tax shall not be paid.

a.4) In case of every person that transfers land and houses that do not fall into the case in which agricultural land is converted to serve production, which is eligible for exemption of personal income tax as guided in Point dd Clause 1 Article 3 of this Circular, each person that transfers land and houses shall declare and pay personal income tax.

a.5) If an organization/person declares personal income tax on real estate transfer on behalf of another person, such organization/person shall state “On behalf of the taxpayer or the taxpayer's legal representative”, sign, write the full name, and append the organization’s seal (if any). The taxpayer in the tax return and tax receipts is still the person that transfers real estate.

b) Real estate authority shall only initiate the procedure for transferring the ownership, rights to use real estate after the personal income tax invoices are presented, or the tax authority certifies that the income from real estate transfer is eligible for tax exemption or deferred tax collection.

4. Declaring tax on incomes from capital transfer (except for securities transfer)

a) The person that transfers contributed capital shall declare tax when a transfer is made, whether or not incomes are earned.

b) The person that earns incomes from transferring contributed capital is not required to directly declare tax at the tax authority. The transferee shall withhold tax as guided in Point e Clause 1 Article 25 of this Circular and declare tax when it is incurred.

c) If the company changes the list of capital contributors when transferring capital without documents proving that the capital transferor has fulfilled the tax obligations, the transferee company shall declare and pay tax on the person’s behalf.

The transferee company that pays tax on the person’s behalf shall also declare personal income tax on the person’s behalf. Such company shall state “On behalf of the taxpayer or the taxpayer's legal representative”, sign, write the full name, and append the company’s seal (if any). The taxpayer on the tax return and tax receipts is the transferor (when transferring a resident’s capital) or the transferee (when transferring a non-resident’s capital).

5. Declaring tax on incomes from transferring securities

a) The person that transfers securities of a public company at the Stock Exchange is not required to declare tax directly at the tax authority. The account owner, commercial bank where the person opens his depository account, the asset management company where the person entrusts the management of the investment portfolio shall declare tax as guided in Clause 1 Article 26 of this Circular.

b) Where the person transfers securities without the transaction system of the Stock Exchange:

b.1) The person that transfers securities of a public company registered at the Vietnam Securities Depository is not required to declare tax directly at the tax authority. The securities company, commercial bank where the person opens his depository account shall withhold tax and declare tax as guided in Clause 1 Article 26 of this Circular.

b.2) The person that transfers securities of a joint-stock company that is not public company that authorizes a securities company to shareholder list is not required to declare tax directly at the tax authority. The authorized securities company shall withhold tax and declare tax as guided in Clause 1 Article 26 of this Circular.

c) The persons transferring securities that do not fall into the cases in Point a, Point b Clause 5 of this Article shall declare tax when it is incurred.

d) If the company changes the list of shareholders when transferring securities without documents proving that the securities transferor has fulfilled tax obligations, the transferee company shall declare and pay tax on the transferor’s behalf.

If transferee company that declares tax on the transferor’s behalf, the transferor company shall also declare personal income tax on the person’s behalf. Such company shall state “On behalf of the taxpayer or the taxpayer's legal representative”, sign, write the full name, and append the company’s seal (if any). The taxpayer in the tax return and tax receipts is the securities transferor.

dd) The securities transferor shall directly settle tax at the tax authority at the year’s end if he wishes to settle tax.

6. Declaring tax on incomes from inheritance and gifts

a) The persons that earn incomes from inheritance or gifts shall declare tax when it is incurred, including the persons eligible for tax exemption.

b) Relevant state agencies and organizations shall only initiate the procedure for transferring the ownership or rights to use real estate, securities, contributed capital, and other assets, the ownership or right to use of which must be registered, to the inheritor or recipient after having the tax receipt or certification that the incomes from inheritance or gifts being real estate are tax-free.

7. Declaring tax on overseas incomes earned by residents

The resident that earns incomes overseas shall declare tax when it is incurred. The resident that earns incomes for wages overseas shall declare tax quarterly.

8. Declaring tax on overseas incomes earned in Vietnam but received overseas by non-residents

a) The non-resident that earns incomes in Vietnam but receives them overseas shall declare tax when it is incurred. The non-resident that earns incomes from wages in Vietnam but receives them overseas shall declare tax quarterly.

b) The non-resident that earns incomes from real estate transfer, capital transfer (including securities transfer) in Vietnam but receives them overseas shall declare tax when it is incurred as guided in Clause 3, Clause 4 and Clause 5 of this Article.

9. Declaring tax on incomes from capital investment when receiving shares as dividends or reinvested profit.

The person that receives shares as dividends or reinvests profit is not required to declare and pay tax upon receipt. When transferring capital, withdrawing capital, or dissolving the enterprise, the person shall declare and pay tax on the incomes from capital transfer and capital investment.

10. Declaring tax on incomes from transferring capital, securities, real estate when making contributions using another capital contribution, securities, or real estate.

The person that contributes capital using contributed capital, securities, or real estate is not required to declare and pay tax when making the contribution. When transferring capital, withdrawing capital, or dissolving the enterprise, the person shall declare and pay tax on the incomes from transferring capital, real estate when making contributions and transferring.

11. Declaring tax on incomes from bonus shares

The person might not pay tax on wages when receiving bonus shares from the employer. The person shall declare tax on the incomes from transferring shares and wages when transferring bonus shares.

Article 27. Responsibilities of Vietnamese organizations that sign service contracts with foreign contractors that do not operate in Vietnam

When an organization established and operated within Vietnam’s law (hereinafter referred to as Vietnamese party) signs a contract to purchase services of a foreign contractor that signs labor contracts with foreign employees in Vietnam, the Vietnamese party shall notify the foreign contractor of the obligations to pay personal income tax incurred by the foreign employees, the obligations to provide information about the foreign employees, including their names, nationalities, passport numbers, working duration, positions, and incomes for the Vietnamese party. The Vietnamese party shall provide such information for the tax authority at least 07 days before the foreign employee starts to work in Vietnam.

Article 28. Tax refund

1. The refund of personal income tax applies to the persons that have registered and obtain tax codes when they submit the tax settlement form.

2. If the person has delegated the income payer to settle tax, tax refund shall be made via the income payer. The income payer shall offset the overpaid and underpaid tax. After offsetting, the overpaid tax shall be offset against the tax in the next period or refunded on request.

3. The person that declares tax directly may choose to claim a tax refund or offset it against the tax in the next period at the same tax authority.

4. Person eligible for the refund of personal income tax that submits the tax settlement behind schedule is exempt from fines for overdue tax statement.

Chapter 5.

IMPLEMENTATION

Article 29. Effects

1. This Circular takes effect on October 01, 2013.

Regulations on personal income tax policies in the Law on amendments to the Law on Personal Income Tax, and the Decree No. 65/2013/ND-CP will come into force from the effective date of the Law and Decree (July 01, 2013).

Guidelines for personal income tax in the Circular No. 84/2008/TT-BTC dated September 30, 2008, Circular No. 10/2009/TT-BTC dated January 21, 2009, Circular No. 42/2009/TT-BTC dated March 09, 2009, Circular No. 62/2009/TT-BTC dated March 27, 2009, Circular No. 161/2009/TT-BTC dated August 12, 2009, Circular No. 164/2009/TT-BTC dated August 13, 2009, Circular No. 02/2010/TT-BTC dated January 11, 2010, Circular No. 12/2011/TT-BTC dated January 26, 2011, Circular No. 78/2011/TT-BTC dated June 08, 2011, Circular No. 113/2011/TT-BTC dated August 04, 2011 of the Ministry of Finance are abolished.

2. Guidelines for personal income tax that are provided by the Ministry of Finance before this Circular takes effect and at odds with the guidance in this Circular are abolished.

Article 30. Responsibility to implement

1. The Law on Tax administration and its guiding documents shall apply to other contents related to tax administration that are not guided in this Circular.

2. The issues and difficulties pertaining to personal income tax that arise before January 01, 2013 shall comply with the effective guiding documents at that time.

3. The application of taxable income rate to the business persons guided in Article 8 of this Circular shall be implemented from January 1, 2014.

4. For the contracts to sell floors, contribute capital to obtain the right to buy floors, houses, and apartments that are signed before the effective date of the Government's Decree No. 71/2010/ND-CP dated June 23, 2010 elaborating and providing guidance on the implementation of the Law on Housing, and allowed to be transferred by the investors, tax shall be declared and paid similarly to transferring future houses.

5. If the person receives a land before January 01, 2009, applies for and issued with the certificate of rights to use land, ownership of houses and other property on land, only the personal income tax on the last transferred is paid. The tax on the previous transferred shall not be collected.

From January 01, 2009 when the Law on Personal income tax takes effect, the person that transfers real estate under a notarized contract or handwritten agreement shall pay personal income tax on the each transfer.

6. The persons eligible for personal income tax incentives before the Law on the amendments to the Law on Personal income tax takes effect are still eligible for such incentives for the remaining period.

7. When Socialist Republic of Vietnam signs International Agreements of which the regulations are different from this Circular, such the regulations of such International Agreements shall apply.

Organizations and individuals are recommended to report the difficulties that arise during the implementation to the Ministry of Finance (the General Department of Taxation) for consideration and settlement./.

PP THE MINISTER
DEPUTY MINISTER




Do Hoang Anh Tuan

APPENDIX 01/PL-TNCN

(promulgated together with the Circular No. 111/2013/TT-BTC dated August 15, 2013 of the Ministry of Finance)

CALCULATIN TAX ON WAGES AND BUSINESS ACCORDING TO THE PROGRESSIVE TAX TABLE

The progressive method for calculating tax is abridged as follows:

Level

Assessable income/month

Tax rate

Tax payable

Method 1

Method 2

1

Up to 5 million VND

5%

0 million VND + 5% of assessable income

5% of assessable income

2

From over 5 million VND to 10 million VND

10%

0.25 million VND + 10 % of assessable income in excess of 5 million VND

10% of assessable income - 0.25 million VND

3

From over 10 million VND to 18 million VND

15%

0.75 million VND + 15 % of assessable income in excess of 10 million VND

15% of assessable income - 0.75 million VND

4

From over 18 million VND to 32 million VND

20%

1.95 million VND + 20 % of assessable income in excess of 18 million VND

20% of assessable income - 1.65 million VND

5

From over 32 million VND to 52 million VND

25%

4.75 million VND + 25 % of assessable income in excess of 32 million VND

25% of assessable income - 3.25 million VND

6

From over 52 million VND to 80 million VND

30%

9.75 million VND + 30 % of assessable income in excess of 52 million VND

30% of assessable income - 5.85 million VND

7

From over 80 million VND

35%

18.15 million VND + 35 % of assessable income in excess of 80 million VND

35% of assessable income - 9.85 million VND

APPENDIX 02/PL-TNCN

(promulgated together with the Circular No. 111/2013/TT-BTC dated August 15, 2013 of the Ministry of Finance)

CONVERSION OF TAX-EXCLUSIVE INCOMES TO ASSESSABLE INCOMES (FROM WAGES)

No.

Converted income/month

Assessable income

1

Up to 4.75 million VND

Converted income/0.95

2

From over 4.75 million VND to 9.25 million VND

(converted income - 0.25 million VND)/9

3

From over 9.25 million VND to 16.05 million VND

(converted income - 0.75 million VND)/0.85

4

From over 16.05 million VND to 27.25 million VND

(converted income - 1.65 million VND)/0.8

5

From over 27.25 million VND to 42.25 million VND

(converted income - 3.25 million VND)/0.75

6

From over 42.25 million VND to 61.85 million VND

(converted income - 5.85 million VND)/0.7

7

From over 61.85 million VND

(converted income - 9.85 million VND)/0.65


------------------------------------------------------------------------------------------------------
This translation is made by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, Ho Chi Minh City, Vietnam and for reference purposes only. Its copyright is owned by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT and protected under Clause 2, Article 14 of the Law on Intellectual Property.Your comments are always welcomed

Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

3.542.396

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.84.16
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!