Chính sách mới >> Tài chính 05/03/2024 16:42 PM

Công ty Fintech là gì? Sẽ có nghị định liên quan đến Fintech

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
05/03/2024 16:42 PM

Cho tôi hỏi công ty Fintech là công ty gì? Có phải sắp tới Chính phủ sẽ có nghị định liên quan đến Fintech?

Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo nghị định liên quan đến Fintech

Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo nghị định liên quan đến Fintech (Hình từ internet)

Công ty Fintech là gì? Sẽ có nghị định liên quan đến Fintech

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có nhắc đến khái nhiệm công ty Fintech.

Theo dự thảo, giải pháp công nghệ tài chính (sau đây gọi là giải pháp Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng là những đổi mới sáng tạo và hiện đại về sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên các giải pháp công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng.

Công ty công nghệ tài chính (sau đây gọi là công ty Fintech) là tổ chức không phải là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, độc lập cung ứng giải pháp Fintech hoặc thông qua hợp tác với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để cung ứng giải pháp Fintech ra thị trường.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong những năm tới, bao gồm việc thúc đẩy, tạo điều kiện cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, các ứng dụng khoa học công nghệ trên cơ sở tận dụng thành tựu của CMCN 4.0, cụ thể:

- Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra một số yêu cầu như: Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm.

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, bao gồm: Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

- Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó: Xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh, tạo không gian thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát để triển khai thí điểm… Việc triển khai thí điểm, thử nghiệm, phải xác định rõ phạm vi không gian và thời gian.

- Quyết định 999/QĐ-NHNN ngày 12/8/2019 phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số; cho phép thực hiện Cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng Sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ.

- Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ và giải pháp nghiên cứu, ban hành Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. 

- Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với quan điểm: Chính phủ kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp kiến tạo thể chế là xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số ở Việt Nam, quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm để khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng xác định ngân hàng - tài chính là lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, trong đó chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty Fintech và trung gian thanh toán (TGTT) trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng - tài chính để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, đưa dịch vụ ngân hàng - tài chính đến gần hơn những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngang hàng.

Trên cơ sở đó, sắp tới sẽ có Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (nghị định liên quan đến Fintech)

Xem thêm nội dung tại Dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,919

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn