Hướng dẫn chi phí đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
25/04/2024 11:15 AM

Cho tôi hỏi việc hướng dẫn chi phí đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình như thế nào? - Tấn Anh (Trà Vinh)

Hướng dẫn chi phí đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình

Hướng dẫn chi phí đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hướng dẫn chi phí đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình

Theo Điều 15 Thông tư 10/2021/TT-BXD hướng dẫn chi phí đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động như sau:

- Chi phí đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình bao gồm:

+ Chi phí lập và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn;

+ Chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; chi phí thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị; chi phí thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Chi phí trang cấp dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;

+ Chi phí cho công tác phòng, chống cháy, nổ;

+ Chi phí phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; chi phí tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn lao động.

- Chi phí đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 10/2021/TT-BXD là một nội dung của chi phí gián tiếp trong chi phí xây dựng của dự toán xây dựng công trình, được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

2. Hướng dẫn đánh giá an toàn công trình

Theo Điều 17 Thông tư 10/2021/TT-BXD hướng dẫn việc đánh giá an toàn công trình như sau:

- Tổ chức đủ điều kiện thực hiện đánh giá an toàn công trình là tổ chức kiểm định đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định tại khoản 1 Điều 97 Nghị định 15/2021/NĐ-CP. Phạm vi hoạt động của tổ chức này được thực hiện như đối với tổ chức kiểm định quy định tại khoản 2 Điều 97 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

- Việc đánh giá an toàn công trình được thực hiện theo quy trình do Bộ Xây dựng ban hành.

- Thời điểm và tần suất đánh giá an toàn công trình được quy định như sau:

+ Thời điểm đánh giá an toàn công trình lần đầu được thực hiện sau thời gian 10 năm kể từ khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định pháp luật;

+ Đối với lần đánh giá tiếp theo, việc đánh giá an toàn công trình được thực hiện theo tần suất 05 năm/lần.

- Danh mục các công trình phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét và thông báo ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình được quy định tại Phụ lục III Thông tư 10/2021/TT-BXD.

Phụ lục III

- Sau khi nhận được báo cáo kết quả đánh giá an toàn công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 06/2021/NĐ-CP có trách nhiệm:

+ Kiểm tra điều kiện năng lực tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đánh giá an toàn công trình;

+ Kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về đánh giá an toàn công trình bao gồm: việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình đánh giá an toàn công trình; nội dung, trình tự, đối tượng, thời điểm đánh giá an toàn công trình; kết quả thực hiện đánh giá an toàn công trình và quy định khác có liên quan (nếu có);

+ Thông báo ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.

Điều 97 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện năng lực của tổ chức kiểm định xây dựng như sau:

- Tổ chức tham gia hoạt động kiểm định chất lượng, xác định nguyên nhân hư hỏng, thời hạn sử dụng của bộ phận công trình, công trình xây dựng, kiểm định để xác định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng năng lực như sau:

+ Hạng I:

++ Cá nhân đảm nhận chủ trì thực hiện kiểm định xây dựng phải đáp ứng điều kiện hành nghề kiểm định xây dựng hạng I phù hợp;

++ Cá nhân tham gia thực hiện kiểm định xây dựng phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công tác kiểm định xây dựng;

++ Đã thực hiện kiểm định xây dựng của ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc 02 công trình từ cấp II cùng loại trở lên.

+ Hạng II:

++ Cá nhân chủ trì thực hiện kiểm định xây dựng phải đáp ứng điều kiện hành nghề kiểm định xây dựng từ hạng II trở lên phù hợp;

++ Cá nhân tham gia thực hiện kiểm định xây dựng phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công tác kiểm định xây dựng;

++ Đã thực hiện kiểm định xây dựng của ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III cùng loại trở lên.

+ Hạng III:

++ Cá nhân chủ trì thực hiện kiểm định xây dựng phải đáp ứng điều kiện hành nghề kiểm định xây dựng hạng III phù hợp;

++ Cá nhân tham gia thực hiện kiểm định xây dựng phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công tác kiểm định xây dựng.

- Phạm vi hoạt động:

+ Hạng I: Được thực hiện kiểm định xây dựng tất cả các cấp công trình cùng loại;

+ Hạng II: Được thực hiện kiểm định xây dựng các công trình từ cấp II trở xuống cùng loại;

+ Hạng III: Được thực hiện kiểm định xây dựng các công trình từ cấp III trở xuống cùng loại.

- Tổ chức tham gia hoạt động kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng, sản phẩm xây dựng phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Phải sử dụng phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng với các phép thử được cơ quan có thẩm quyền công nhận phù hợp với nội dung thực hiện kiểm định;

+ Cá nhân thực hiện kiểm định có chuyên môn phù hợp với công tác kiểm định xây dựng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,006

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]