Nghị quyết 18: Nghiên cứu sáp nhập những bộ, ngành có chức năng tương đồng, trùng lắp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
25/11/2024 16:53 PM

Theo Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017, đã có nêu nội dung về việc nghiên cứu sáp nhập những bộ, ngành có chức năng tương đồng, trùng lắp.

Nghiên cứu sáp nhập những bộ, ngành có chức năng tương đồng, trùng lắp

Cụ thể, tại Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ban Chấp hành Trung ương đã nêu nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương nhằm thực hiện việc tinh gọn bộ máy. Khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu khẩn trương rà soát, cương quyết sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành và các tổ chức trực thuộc các bộ, ngành.

Khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Rà soát, sắp xếp theo hướng giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo...

Như vậy, có thể thấy Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 đã có yêu cầu về việc nghiên cứu sáp nhập sáp nhập những bộ, ngành có chức năng tương đồng, trùng lắp.

Nghị quyết 18: Nghiên cứu sáp nhập những bộ, ngành có chức năng tương đồng, trùng lắp

Nghị quyết 18: Nghiên cứu sáp nhập những bộ, ngành có chức năng tương đồng, trùng lắp (Hình từ internet)

Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 Trung ương về tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị

Ngày 16/11/2024, Thủ tướng ban hành Quyết định 1403/QĐ-TTg về thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017, khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".(sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo)

Theo đó, thành lập Ban Chỉ đạo gồm:

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Phó Trưởng ban.

- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Ủy viên.

- Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm có: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

* Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo

Theo Quyết định 1403/QĐ-TTg năm 2024, Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nhiệm vụ, giải pháp để triển khai các nội dung sau:

- Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp:

(1) Đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới;

(2) Đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước;

- Xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031).

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực hiện các nội dung nêu trên.

Số lượng các bộ hiện nay của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026)

Căn cứ: Nghị quyết 08/2021/QH15 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Quốc hội ban hành.

Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 18 Bộ và 04 cơ quan ngang Bộ:

1. Bộ Quốc phòng;

2. Bộ Công an;

3. Bộ Ngoại giao;

4. Bộ Nội vụ;

5. Bộ Tư pháp;

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

7. Bộ Tài chính;

8. Bộ Công Thương;

9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

10. Bộ Giao thông vận tải;

11. Bộ Xây dựng;

12. Bộ Tài nguyên và Môi trường;

13. Bộ Thông tin và Truyền thông;

14. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

15. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

16. Bộ Khoa học và Công nghệ;

17. Bộ Giáo dục và Đào tạo;

18. Bộ Y tế;

19. Ủy ban Dân tộc;

20. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

21. Thanh tra Chính phủ;

22. Văn phòng Chính phủ.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 73,816

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]