Phụ cấp thâm niên nghề năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
16/11/2022 11:01 AM

Xin hỏi là đối với thâm niên nghề thì lương cơ sở 2023 thay đổi phụ cấp thâm niên có thay đổi theo không? - Hải Anh (TP.HCM)

Phụ cấp thâm niên nghề năm 2023

Phụ cấp thâm niên nghề năm 2023

1. Đối tượng được nhận phụ cấp thâm niên nghề

Tại điểm a khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định về việc áp dụng phụ cấp thâm niên nghề đối với:

- Sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân;

- Sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân;

- Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu;

- Cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành:

+ Hải quan;

+ Tòa án;

+ Kiểm sát;

+ Kiểm toán;

+ Thanh tra;

+ Thi hành án dân sự;

+ Kiểm lâm.

2. Cách tính phụ cấp thâm niên 2023

*Cách tính phụ cấp thâm niên:

Mức tiền phụ cấp thâm niên

=

Hệ số lương 

(*)

x

Mức lương cơ sở (**)

x

Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng

(***)

(*) Hệ số lương = Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức + Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng.

(**) Mức lương cơ sở 

Mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP)

Mức lương cơ sở từ 01/07/2023 là 1.800.000 đồng/tháng (theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023)

(***) Sau 5 năm (đủ 60 tháng) tại ngũ hoặc làm việc liên tục trong ngành cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm thì được tính 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

Từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

(Điểm a khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP)

>>> Xem thêm Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo năm 2023

 

3. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với giáo viên

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập.

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).

- Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên, gồm:

Thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra đảng;

Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có).

- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Lưu ý: Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên

+ Thời gian tập sự.

+ Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên.

+ Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

+ Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

+ Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

+ Thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều 3 Nghị định 77/2021/NĐ-CP.

4. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với sĩ quan

Tại Điều 3 Thông tư 224/2017/TT-BQP quy định về chế độ phụ cấp thâm niên như sau:

- Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên

+ Thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội;

+ Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác 

(bao gồm: công an, cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng, nhà giáo, dự trữ quốc gia và các ngành, nghề khác được Chính phủ quy định) được cộng dồn với thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội

- Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 224/2017/TT-BQP nếu có đứt quãng thì được cộng dồn.

- Trong cùng một thời điểm làm việc, được hưởng nhiều loại phụ cấp thâm niên (của nhiều ngành, nghề khác nhau) thì chỉ được hưởng một loại phụ cấp thâm niên.

Lưu ý: Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên

+ Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử; thời gian chấp hành hình phạt tù giam; thời gian đào ngũ;

+ Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

+ Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Ví dụ: Đồng chí P, tháng 7/1982 được Quân đội tuyển dụng công nhân quốc phòng. Tính đến ngày 01/7/2016, đồng chí công nhân quốc phòng P có thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau:

Thời gian là công nhân quốc phòng từ tháng 7/1982 đến hết tháng 6/2016 là 34 năm.

Như vậy, ngày 01/7/2016 đồng chí công nhân quốc phòng P có thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên là 34 năm và được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 34%.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,228

Bài viết về

Tiền lương cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn