Tình hình vốn FDI rót vào Việt Nam trong 10 tháng vừa qua năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
25/11/2024 14:28 PM

Theo Nghị quyết 218/NQ-CP năm 2024, đã nêu báo cáo tình hình vốn FDI rót vào Việt Nam trong 10 tháng vừa qua năm 2024, dưới đây là nội dung chi tiết.

Tình hình vốn FDI rót vào Việt Nam trong 10 tháng vừa qua năm 2024

Tình hình vốn FDI rót vào Việt Nam trong 10 tháng vừa qua năm 2024 (Hình từ internet)

Tình hình vốn FDI rót vào Việt Nam trong 10 tháng vừa qua năm 2024

Ngày 12/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 218/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024.

Theo đó, Nghị quyết 218/NQ-CP năm 2024 đã nêu tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tính chung 10 tháng đạt những kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ năm trước trên hầu hết các lĩnh vực.

Trong tháng 10, có 22,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tính chung 10 tháng của năm 2024 là 202,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,1% so với cùng kỳ.

Riêng, đối với tình hình về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) vào Việt Nam, thì số vốn đăng ký trong 10 tháng đã đạt gần 27,3 tỷ USD, tăng 1,9%, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 19,6 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ, cao nhất trong 05 năm qua. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Ngoài ra, về các chỉ số kinh tế vĩ mô, Nghị quyết 218/NQ-CP năm 2024 đã nhận định thời gian qua, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,78% trong bối cảnh đã điều chỉnh giá điện, học phí. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 10 tháng tăng mạnh, ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép, nợ nước ngoài giảm nhanh.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 69,2 tỷ đô la Mỹ (USD), tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng tăng 15,8%, xuất siêu ước đạt 23,31 tỷ USD. Cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 218/NQ-CP năm 2024 cũng dự báo trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó đoán định, tiếp tục xu hướng phân tách, phân mảnh và cạnh tranh chiến lược; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại; rủi ro về tài chính, tiền tệ, bất động sản, thách thức về an ninh năng lượng, lương thực gia tang.

Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, nhất là trước tác động lớn từ bên ngoài; thiên tai, bão lũ, sạt lở đất tiềm ẩn diễn biến bất ngờ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân.

Trước tình hình đó, trong tháng 11 và thời gian còn lại của năm 2024, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,4 - 7,6%, cả năm đạt trên 7% và hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024.

Quy định về hoạt động đầu tư vốn FDI tại Việt Nam hiện nay

Hiện nay, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư 2020 như sau:

- Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác;

Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác;

Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+  Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

+ Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

+ Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

- Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác;

Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC (Hợp đồng hợp tác kinh doanh)

- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,159

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]