Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có được quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP không từ 15/01/2025? (Hình từ Internet)
Theo đó, tại khoản 4a Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 được bổ sung tại điểm d khoản 5 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 thì từ 15/01/2025 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP sau đây:
- Dự án thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ dự án quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020;
- Dự án quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao địa phương đó làm cơ quan có thẩm quyền có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư công;
- Dự án áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước thu được sau đấu giá quỹ đất, tài sản công đối với quỹ đất, tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Ngoài ra, tại Điều khoản 4 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 được bổ sung tại điểm d khoản 5 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 thì quy định về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng được sửa đổi như sau:
- Dự án thuộc phạm vi quản lý của địa phương có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, trừ dự án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020;
- Dự án quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao địa phương đó làm cơ quan có thẩm quyền có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, trừ dự án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.
Theo đó, dự án PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động sau đây:
- Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;
- Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có;
- Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.
(Theo khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020)
Còn các nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 bao gồm:
- Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
- Bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP.
- Việc thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước, giám sát dự án PPP phải bảo đảm không làm cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh bình thường của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP.
- Bảo đảm đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững và hiệu quả.
- Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.