Đề xuất 03 trường hợp nhà giáo được kéo dài tuổi nghỉ hưu

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
19/09/2024 09:00 AM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về 03 trường hợp nhà giáo được kéo dài tuổi nghỉ hưu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất.

Đề xuất 03 trường hợp nhà giáo được kéo dài tuổi nghỉ hưu (Hình từ internet)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo (Lần 3). Trong đó, có đề xuất về chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3 )

Đề xuất 03 trường hợp nhà giáo được kéo dài tuổi nghỉ hưu

Theo đó, tại Điều 50 dự thảo Luật Nhà giáo có đề xuất về chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo như sau: 

(1) Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu cơ sở giáo dục có nhu cầu và chấp thuận, nhà giáo có đủ sức khỏe và tự nguyện.

(2) Thời gian kéo dài theo quy định của khoản (1) đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện như sau:

- Không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ;

- Không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư;

- Không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.

(3) Thời gian kéo dài theo quy định của khoản (1) đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thực hiện theo thỏa thuận của nhà giáo với cơ sở giáo dục.

(4) Trong thời gian kéo dài làm việc theo quy định tại khoản (2), nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo; nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có thể giữ các chức vụ quản lý nếu đáp ứng được yêu cầu của cơ sở giáo dục.

(5) Quyết định kéo dài thời gian công tác của nhà giáo được gửi cho tổ chức, cá nhân có liên quan trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 03 tháng.

Như vậy, theo quy định nêu trên, Bộ GD&ĐT đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo (tức kéo dài tuổi nghỉ hưu) đối với những trường hợp có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ.

Đề xuất chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo

Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo được đề xuất tại Điều 49 dự thảo Luật Nhà giáo như sau: 

- Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động 2019; giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu trước 05 (năm) năm theo quy định về tuổi nghỉ hưu.

- Trước 06 (sáu) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03 (ba) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo ra quyết định nghỉ hưu.

- Cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng dạy học với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.

Sẽ tăng lương giáo viên lên mức cao nhất và hưởng thêm phụ cấp mới

Theo Kết luận 91-KL/TW năm 2024, Bộ Chính trị đã đưa ra những nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. 

Trong đó, có nhiệm vụ liên quan đến lương giáo viên như sau: 

Phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn. Đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. 

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng. Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.

Đồng thời, tại Nghị quyết 126/NQ-CP năm 2024 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024 cũng có nêu rõ: 

Cần quy định cụ thể các chính sách đặc thù đối với nhà giáo (ngoài lương cơ sở, phụ cấp là cao nhất như Kết luận 91-KL/TW đã nêu) thì cần thiết kế thêm các chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, người có tâm huyết giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phù hợp, khả thi, có khả năng đáp ứng nguồn lực của ngân sách nhà nước;

Như vậy, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó, có thực hiện chủ trương lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 591

Bài viết về

Tiền lương cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]