Bộ Tài chính trả lời kiến nghị về mở rộng đối tượng được vay tín dụng đối với sinh viên

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
24/12/2024 13:32 PM

Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời kiến nghị về mở rộng đối tượng được vay tín dụng đối với sinh viên.

Bộ Tài chính trả lời kiến nghị về mở rộng đối tượng được vay tín dụng đối với sinh viên

Bộ Tài chính trả lời kiến nghị về mở rộng đối tượng được vay tín dụng đối với sinh viên (Hình từ Internet)

Bộ Tài chính ban hành Công văn 13858/BTC-TCNH ngày 18/12/2024 về việc trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội  khóa XV.

Công văn 13858/BTC-TCNH

Bộ Tài chính trả lời kiến nghị về mở rộng đối tượng được vay tín dụng đối với sinh viên 

Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên do Ban Dân nguyện chuyển tới tại Công văn 942/BDN ngày 06/11/2024, nội dung kiến nghị như sau:

Chương trình vay vốn đối với sinh viên hiện nay (Quyết định 157/2007/QĐ-TTgQuyết định 05/2022/QĐ-TTg) có hạn chế về đối tượng được hưởng, cụ thể đối với những sinh viên thuộc hộ có mức sống chạm ngưỡng trung bình, nhà có anh chị em đồng thời đang học đại học hoặc những đối tượng không thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn không được vay sẽ rất khó khăn. Do đó, cử tri kiến nghị cần mở rộng đối tượng được vay tín dụng đối với sinh viên.

Theo đó, Bộ Tài chính trả lời như sau:

Hiện nay, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên đang được thực hiện thống nhất theo quy định tại Quyết định 157/2007/QĐ-TTgQuyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, theo đó đối tượng được vay vốn là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:

- Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

- Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: 

(i) Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; 

(ii) Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; 

(iii) Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật (không giới hạn số lượng học sinh, sinh viên của mỗi hộ gia đình được thụ hưởng chính sách, cũng như không giới hạn ngành nghề sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình được thụ hưởng chính sách).

- Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Như vậy, trường hợp các học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình có mức sống ngưỡng trung bình như cử tri kiến nghị và các hộ có điều kiện kinh tế khó khăn khác thuộc đối tượng được vay vốn tại Quyết định 157/2007/QĐ-TTgQuyết định 05/2022/QĐ-TTg nêu trên (không giới hạn số lượng học sinh, sinh viên của mỗi hộ gia đình và ngành nghề sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình) thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, quyết định cho vay vốn theo quy định của pháp luật.

Xem thêm tại Công văn 13858/BTC-TCNH ngày 18/12/2024.

Thời hạn cho vay tín dụng đối với sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg 

Thời hạn cho vay tín dụng đối với sinh viên theo Điều 6 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg như sau:

- Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày đối tượng được vay vốn bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi) được ghi trong hợp đồng tín dụng. Thời hạn cho vay bao gồm thời hạn phát tiền vay và thời hạn trả nợ.

- Thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên cho đến ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học, kể cả thời gian học sinh, sinh viên được các trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có). Thời hạn phát tiền vay được chia thành các kỳ hạn phát tiền vay do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định hoặc thoả thuận với đối tượng được vay vốn.

- Thời hạn trả nợ là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay, đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 34

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]