Thông qua phương án sắp xếp các cơ quan của Quốc hội khi tinh gọn bộ máy (Kết luận 121-KL/TW)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
03/02/2025 12:02 PM

Theo Kết luận 121-KL/TW, Trung ương đã thống nhất thông qua phương án sắp xếp các cơ quan của Quốc hội khi tinh gọn bộ máy.

Thông qua phương án sắp xếp các cơ quan của Quốc hội khi tinh gọn bộ máy (Hình từ internet)

Ngày 24/01/2025, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận 121-KL/TW về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Thông qua phương án sắp xếp các cơ quan của Quốc hội khi tinh gọn bộ máy

Cụ thể, tại Kết luận 121-KL/TW nêu rõ Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Trong đó, đối với các cơ quan của Quốc hội:

- Kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc phòng, An ninh, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao;

- Đổi tên Ủy ban Quốc phòng và An ninh thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.

- Sáp nhập Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp thành Ủy ban Pháp luật và Tư pháp;

- Sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế và Tài chính;

- Sáp nhập Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa và Xã hội.

- Đổi tên và nâng cấp 2 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

+ Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội;

+ Ban Công tác đại biểu thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.

 Danh sách các Ủy ban của Quốc hội trước và sau khi sắp xếp

* Trước khi sắp xếp

1. Ủy ban pháp luật.

2. Ủy ban tư pháp.

3. Ủy ban kinh tế.

4. Ủy ban tài chính, ngân sách.

5. Ủy ban quốc phòng và an ninh.

6. Ủy ban văn hóa, giáo dục.

7. Ủy ban xã hội.

8. Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường.

9. Ủy ban đối ngoại.

(Khoản 2 Điều 66 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, được sửa đổi bởi Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020)

* Sau khi sắp xếp

1. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp.

2. Ủy ban Kinh tế và Tài chính.

3. Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.

4. Ủy ban Văn hóa và Xã hội.

5. Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường.

(Kết luận 121-KL/TW ngày 24/01/2025)

Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban đối ngoại hiện nay trước khi kết thúc hoạt động và chuyển giao nhiệm vụ

(1) Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực đối ngoại của Nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

(2) Chủ trì thẩm tra điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của Quốc hội; thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại; thẩm tra đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(3) Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực đối ngoại; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước; giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; giám sát hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại của các ngành và địa phương; giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.

(4) Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

(5) Thực hiện quan hệ đối ngoại với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội.

(6) Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về chính sách đối ngoại của Nhà nước, về quan hệ với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực, các tổ chức quốc tế khác, về việc ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, về chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.

(Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội 2014)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]