Đề xuất mức chi phí quản lý BHXH, BHTN năm 2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
24/12/2024 11:44 AM

Bài viết dưới đây sẽ đề cập về việc Bộ Tài chính đề xuất mức chi phí quản lý BHXH, BHTN năm 2025.

Đề xuất mức chi phí quản lý BHXH, BHTN năm 2025

Đề xuất mức chi phí quản lý BHXH, BHTN năm 2025 (Hình từ Internet)

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Nghị quyết về cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024.

Đề xuất mức chi phí quản lý BHXH, BHTN năm 2025

Cụ thể, tại Dự thảo Nghị quyết này, Bộ Tài chính đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024 cho đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027:

- Mức chi chi phí quản lý bảo hiểm xã hội năm 2025 tối đa 1,44% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chỉ đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội;

- Mức chi chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp năm 2025 tối đa 1,44% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chỉ đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Dự kiến nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông quan, nội dung đề xuất trên sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Về phạm vi điều chỉnh:

- Do hiện nay đang có chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong đó có BHXH Việt Nam, hệ thống các đơn vị làm công tác BHTN thuộc ngành LĐTBXH..., phạm vi điều chỉnh là cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 09/2021/UBTVQH15 ngày 08/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024 cho đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN giai đoạn 2025 – 2027.

- Sau khi có kết quả thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2025-2027 (bao gồm năm 2025) đảm bảo phù hợp với thực tế.

Về đối tượng áp dụng:

- Cơ quan BHXH Việt Nam ở trung ương và địa phương;

- Cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân;

- Hệ thống các đơn vị làm công tác BHTN thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội;

- Các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024

Theo Nghị quyết 09/2021/UBTVQH15, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024 như sau:

(i) Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội bình quân giai đoạn 2022 - 2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội: trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%;

(ii) Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp bình quân giai đoạn 2022 - 2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%;

(iii) Trường hợp thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong năm không đạt dự toán, mức chi phí quản lý quy định tại (i) và (ii) tính trên số thực thu, thực chi; trường hợp thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong năm vượt dự toán, chi phí quản lý thực hiện theo dự toán đã được giao.

Mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]