Hợp đồng lao động và 07 điều cần biết theo pháp luật lao động 2022

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
17/08/2022 15:43 PM

Tôi sắp đi làm ở công ty nên muốn tìm hiểu một số vấn đề về hợp đồng lao động – Tuấn Khang (Bình Dương)

Hợp đồng lao động và 07 điều cần biết theo pháp luật lao động 2022

Hợp đồng lao động và 07 điều cần biết theo pháp luật lao động 2022

1. Hợp đồng lao động là gì?

Theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

2. Các loại hợp đồng lao động

Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Bộ Bộ luật Lao động 2019, có 02 loại hợp đồng lao động sau:

- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

- Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

3. 10 nội dung bắt buộc có trong hợp đồng lao động

Những nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động được quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm:

- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

- Công việc và địa điểm làm việc;

- Thời hạn của hợp đồng lao động;

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

- Chế độ nâng bậc, nâng lương;

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Lưu ý: Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết.

4. Có bắt buộc giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản?

Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động và người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản trong 04 trường hợp sau:

- Hợp đồng lao động sử dụng người lao động dưới 15 tuổi theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019.

- Hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình theo quy định tại Khoản 1 Điều 162 Bộ luật Lao động 2019.

- Hợp đồng lao động được giao kết theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019.

- Hợp đồng lao động giao kết với những người lao động khác có thời hạn từ 01 tháng trở lên.

Các trường hợp còn lại thì người lao động và người sử dụng lao động có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

5. Mẫu hợp đồng lao động mới nhất 2022

Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn không đưa ra mẫu hợp đồng lao động mà chỉ quy định những nội dung bắt buộc có trong hợp đồng lao động như mục (3).

Dưới đây là mẫu hợp đồng lao động dựa trên các quy định của Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn:

Mãu hợp đồng lao động

6. Người lao động có thể ký cùng lúc nhiều hợp đồng lao động?

Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

Trường hợp này thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Xem thêm: Ký cùng lúc nhiều hợp đồng lao động thì đóng BHXH, BHTN, BHYT thế nào?

7. Không được gia hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động

Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định rất rõ: Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.

Như vậy, người lao động và người sử dụng lao động không được gia hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động.

Ngoài ra, khi thực hiện hợp đồng lao động và phụ lục hợp đồng thì cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.

- Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 112,584

Bài viết về

Hợp đồng lao động

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn