BỘ
TƯ PHÁP
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2000/QĐ-BTP
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN
MẠNG TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2022
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày
27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia
cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày
09/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển
Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày
17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số
52-NQ/TW;
Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP
ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg
ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc
gia đến năm 2025, định hướng năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 702b/QĐ-BTP
ngày 28/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch hành động của
Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của
Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử
giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;
Căn cứ Quyết định số 2041/QĐ-BTP
ngày 30/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ
Tư pháp Phiên bản 2.0;
Căn cứ Quyết định số 682/QĐ-BTP
ngày 07/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch Ứng dụng công nghệ
thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt
động của Ngành Tư pháp giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 983/QĐ-BTP
ngày 10/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch “Chuyển đổi số
Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
Căn cứ Chương trình hành động số
135-CTr/BCS ngày 14/5/2020 thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về
một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần
thứ tư;
Trên cơ sở Công văn số
3570/BTTTT-THH ngày 16/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn
các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển Chính phủ số, Chính quyền
số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Công nghệ thông tin.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Phát
triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Ngành
Tư pháp năm 2022.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Chánh Văn
phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp và Cục trưởng Cục
Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để t/h);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo t/h);
- Ban chỉ đạo XDCPĐT Ngành Tư pháp (để chỉ đạo t/h);
- Bộ Thông tin và Truyền thông (để p/h);
- Lưu: VT, CNTT.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Khánh Ngọc
|
KẾ HOẠCH
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG
TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2022
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2000/QĐ-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ
trưởng Bộ Tư pháp)
Phần I
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2021
I. MÔI TRƯỜNG PHÁP
LÝ
Trong năm 2021, Bộ Tư pháp đã ban
hành một số văn bản về lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của
Ngành Tư pháp, cụ thể:
- Quyết định số 609/QĐ-BTP ngày 20/4/2021
của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính phủ điện
tử Ngành Tư pháp.
- Quyết định số 682/QĐ-BTP ngày
07/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông
tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động
của Ngành Tư pháp giai đoạn 2021-2025;
- Quyết định số 983/QĐ-BTP ngày
10/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch “Chuyển đổi số
Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
- Quyết định số 1701/QĐ-BTP ngày
11/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc kiện toàn và đổi tên Ban chỉ đạo
xây dựng Chính phủ điện tử Ngành Tư pháp;
- Nghị quyết về tăng cường và nâng
cao hiệu quả công tác công nghệ thông tin và truyền thông giai đoạn 2021-2025.
II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT
- Hiện nay Bộ Tư pháp đã trang bị
100% máy tính cho cán bộ công chức, viên chức để đáp ứng nhu cầu của công việc;
tỷ lệ các cơ quan trực thuộc có mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao, kết nối
WAN là 100%.
- Hạ tầng kỹ thuật của Bộ Tư pháp được
triển khai tập trung, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ, từng bước
đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trên phạm vi toàn
quốc. Nhằm phục vụ nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp, Trung
tâm dữ liệu điện tử được xây dựng từ năm 2005 và hàng năm được nâng cấp, bổ
sung các trang thiết bị để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nội bộ của
Bộ Tư pháp nói riêng cũng như trong toàn Ngành Tư pháp nói chung. Năm 2021, Bộ
Tư pháp đang nghiên cứu các công nghệ mới để triển khai dự án “Đầu tư hạ tầng
Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp” giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu:
+ Xây dựng hạ tầng công nghệ thông
tin đến năm 2025 và sẵn sàng mở rộng, phát triển hạ tầng cho giai đoạn
2026-2030, cơ bản đảm bảo an toàn thông tin mạng cho hoạt động ứng dụng công
nghệ thông tin của Bộ Tư pháp theo các quy định của Nhà nước về công tác an
ninh, an toàn thông tin đối với Bộ Tư pháp.
+ Xây dựng nền tảng hạ tầng kỹ thuật
sẵn sàng cho việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số tại Bộ Tư
pháp. Từ đó, nâng cao năng lực xử lý, lưu trữ, đảm bảo an toàn, an ninh thông
tin đối với các giao dịch điện tử trong việc triển khai Chính phủ điện tử và
chuyển đổi số tại Bộ Tư pháp.
- Hiện nay, Bộ Tư pháp đã sử dụng Mạng
truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước phục vụ kết nối chia sẻ dữ
liệu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và Trục liên thông
văn bản quốc gia vào mạng TSLCD gồm các hệ thống thông tin như: Phần mềm đăng
ký khai sinh điện tử, Hệ thống hộ tịch; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành;
Hệ thống lý lịch tư pháp; Dịch vụ công; hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến của
Chính phủ....
III. CÁC HỆ THỐNG
NỀN TẢNG
1. Nền tảng kết nối, chia sẻ dùng
chung của Bộ
Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì kết nối nền
tảng kết nối, chia sẻ dùng chung của Bộ với 05 hệ thống: Phần mềm quản lý lý lịch
tư pháp; Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm; Cổng dịch vụ công Bộ
Tư pháp; Hệ thống một cửa điện tử Bộ Tư pháp; Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Để bảo đảm dữ liệu được cập nhật một
lần, Bộ tiếp tục hỗ trợ các địa phương kết nối, chuyển đổi dữ liệu hồ sơ đăng
ký hộ tịch của công dân đã được cập nhật trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử
dùng chung của địa phương sang Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của
Bộ Tư pháp qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để xử lý mà
không phải cập nhật lại các thông tin đã được cập nhật trên Hệ thống phần mềm một
cửa điện tử.
2. Hệ thống thông tin đăng ký và
quản lý hộ tịch:
Đến nay, Hệ thống thông tin đăng ký
và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã được triển khai tại 63/63 tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 25 ngàn người dùng đã và đang
tham gia sử dụng tại 10.929 UBND cấp xã, 712 Phòng Tư pháp và 63 Sở Tư pháp.
Hàng ngày, Bộ Tư pháp hỗ trợ hàng trăm cuộc gọi của cán bộ tư pháp hộ tịch địa
phương liên quan đến việc sử dụng Hệ thống.
Tính đến ngày 30/12/2021, Hệ
thống đã có 22.360.558 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 6.681.203
trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; 4.357.587 dữ liệu kết
hôn; 5.395.545 dữ liệu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 3.111.077
dữ liệu khai tử; 86.330 trường hợp nhận cha mẹ con; 11.660 trường
hợp đăng ký giám hộ; 9.986 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; 514.668
dữ liệu cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc. Hiện nay, Bộ
đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương triển khai số hóa sổ hộ tịch, đồng thời,
đang nghiên cứu, bổ sung đối với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện,
xã trên Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch.
Về việc triển khai liên thông, kết nối
với Cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để thực hiện đăng ký khai sinh,
cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi: Trong năm 2021, Bộ Tư pháp tiếp tục
triển khai cho thành phố Hà Nội, nâng tổng số địa phương tham gia triển khai
liên thông cho 63/63 địa phương. Tính đến hết ngày 30/12/2021 đã có 2.975.344
trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang các cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp
thẻ bảo hiểm y tế.
Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin
và Truyền thông (Cục Tin học hóa) triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ
thống một cửa điện tử của các địa phương với Hệ thống thông tin đăng ký và quản
lý hộ tịch dùng chung, Hệ thống phần mềm lý lịch tư pháp thông qua Nền tảng
tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) theo quy định tại Nghị định số
47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu
số của cơ quan nhà nước và Thông tư số 13/2017/TT-BTTTT ngày 23/06/2017 của Bộ
Thông tin và Truyền thông quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống
thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Về phát triển mở rộng hệ thống
thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch:
Bộ đã tổ chức triển khai hạng mục
“Phát triển mở rộng hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch”: đưa vào sử dụng
các chức năng rà soát dữ liệu, xác nhận các trường hợp nghi ngờ trung khi cấp số
định danh cá nhân; cập nhật các biểu mẫu mới theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP
Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số
123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch;
Phối hợp với Bộ Công an (Cục Cảnh sát
quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06)) nghiên cứu, thử nghiệm, triển khai
chính thức giải pháp kết nối cấp, hủy, xác nhận sử dụng số, gỡ số định danh cá
nhân theo quy định cho công dân đăng ký khai sinh và dịch vụ trao đổi dữ liệu
dân cư theo dịch vụ mới của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua hệ thống kết nối,
liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NDXP).
3. Hệ thống phần mềm lý lịch tư
pháp
Việc cập nhật dữ liệu vào Hệ thống Phần
mềm quản lý lý lịch tư pháp được Sở Tư pháp thực hiện hàng ngày. Trong năm 2021
có 634.721 dữ liệu lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp được cập
nhật vào Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp, số lượt công dân đăng ký trên Phân hệ
đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến là hơn 181.134 lượt.
4. Phần mềm quản lý quá trình thụ
lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự:
Phần mềm được triển khai chính thức
trong Hệ thống THADS toàn quốc từ tháng 8/2018, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu
quản lý, chỉ đạo và nghiệp vụ tổ chức thi hành án. Dữ liệu hồ sơ thi hành án đã
được kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi
hành án chưa có điều kiện thi hành để quản lý, công khai thông tin theo quy định
của pháp luật.
Thường xuyên đảm bảo hệ thống vận
hành hiệu quả trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có, phối hợp chỉnh sửa, trợ giúp
người dùng tại Tổng cục THADS và 63/63 Cục THADS các tỉnh/thành phố và toàn bộ
704 cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện hiện nay; Số tài khoản người dùng trên
hệ thống là 7.170 tài khoản; Tổng số hồ sơ thi hành án đã có trên hệ thống: hơn
2.605.500 hồ sơ thi hành án được cập nhật, xử lý; hơn 1,2TB (Terabyte)
file tài liệu đính kèm cho các hồ sơ THA; Đã kết nối với các hệ thống: Cơ sở dữ
liệu người dùng Bộ Tư pháp, Cơ sở dữ liệu người phải thi hành án chưa có điều
kiện thi hành, Phần mềm hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án. Về dữ liệu phát
sinh hàng ngày trên phần mềm: Trung bình phát sinh khoảng 1.700 hồ sơ mới và dữ
liệu cập nhật trên các hồ sơ với khoảng hơn 3GB (Gigabyte) dữ liệu file đính
kèm. Bộ sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện để phần mềm ngày càng đáp ứng hiệu quả
mục đích, yêu cầu sử dụng trong thực tiễn.
5. Phần mềm Thống kê ngành Tư pháp
Năm 2021, Bộ Tư pháp tiếp tục triển
khai Phần mềm thống kê Ngành Tư pháp tại tất cả các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp
huyện và UBND cấp xã trên toàn quốc với gần 20.000 người trực tiếp tham gia sử dụng
tại kỳ báo cáo chính thức năm 2020, kỳ báo cáo 6 tháng 2021 và kỳ báo cáo năm
2021 theo đúng quy định của Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20/3/2019 Quy định
một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp. Tại các kỳ báo cáo,
trung bình mỗi ngày Cục Công nghệ thông tin và Cục Kế hoạch - Tài chính đã hỗ
trợ hơn 100 cuộc gọi đến Tổng đài để hỗ trợ người dùng tham gia sử dụng phần mềm.
IV. PHÁT TRIỂN DỮ
LIỆU
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản
pháp luật:
Năm 2021, Bộ Tư pháp đã đôn đốc các Bộ/Ngành,
tỉnh/thành phố trong việc cập nhật, rà soát văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia
về pháp luật theo quy định của Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của
Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Trong 11 tháng đầu năm 2021,
Bộ Tư pháp đã đôn đốc các bộ, ngành, địa phương cập nhật và rà soát văn bản
trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Đơn vị pháp chế của các Bộ, ngành và
Sở Tư pháp đã cập nhật được: 4.123 văn bản (Trung ương là 623; địa
phương là 3.500), nâng tổng số văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về
pháp luật đến thời điểm hiện tại là 115.454 văn bản.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật
có số lượng truy cập hàng ngày khoảng 50.000 lượt. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã thực
hiện kết nối, chia sẻ, tích hợp dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật với Nền tảng
tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).
2. Cơ sở dữ liệu người phải thi
hành án chưa có điều kiện thi hành
Hệ thống Cơ sở dữ liệu về thông tin
người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành đã được triển khai trên hệ thống
Thi hành án dân sự toàn quốc từ 15/4/2021 cho tất cả các Chi cục THADS, Cục
THADS và tại Tổng cục THADS. Hệ thống đã đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, quản lý về
thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành của Tổng cục Thi
hành án dân sự và được công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử THADS,
các Trang thông tin điện tử của các Cục THADS đảm bảo thống nhất, tập trung, đầy
đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật.
Hiện có hơn 1.150 tài khoản người
dùng và gần 172.000 hồ sơ người phải THA chưa có điều kiện thi hành trên hệ thống
(trên tổng số thực tế hiện có là 173.908).
3. Cổng thông tin điện tử quốc gia
về đấu giá tài sản
Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu
giá tài sản được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2020 cho tất cả các Sở Tư pháp, các
tổ chức đấu giá tài sản trên cả nước. Sau khi đưa Cổng thông tin điện tử quốc
gia về đấu giá tài sản vào sử dụng, kết quả năm 2021 như sau:
- Cập nhật đầy đủ thông tin của 63 Sở
Tư pháp;
- Cập nhật 774 thông tin các Tổ
chức đấu giá tài sản;
- Điều chỉnh và cập nhật 2.156
thông tin đấu giá viên trên toàn quốc;
Có 20.583 thông báo việc lựa
chọn tổ chức đấu giá tài sản và 109.853 việc đấu giá tài sản trên toàn
quốc được đăng tải công khai theo quy định của Luật Đấu giá tài sản. Hàng này
có khoảng 300 vụ việc đấu giá được công khai.
V. CÁC ỨNG DỤNG, DỊCH
VỤ
1. Phát triển Cổng thông tin điện
tử Bộ Tư pháp
- Tiếp tục xây dựng, bổ sung các Mục/Chuyên
mục trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử của Thi hành
án dân sự; Phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đặt banner cuộc thi trực tuyến
toàn quốc tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử Bộ
Tư pháp. Để chung tay đẩy lùi dịch Covid -19, Cổng cũng đã xây dựng e-form theo
dõi tình hình dịch tễ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các
đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trên Cổng để thuận tiện cho việc thống kê và theo dõi.
- Hiện nay, Cổng Thông tin điện tử của
Bộ Tư pháp thu hút khoảng trên 30.000 lượt người truy cập/ngày. Trong 11 tháng
đầu năm 2021, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp cập nhật được: hơn 2500 tin
bài; hơn 600 ý kiến, văn bản chỉ đạo điều hành, hơn 100 câu hỏi đáp tình huống
pháp luật, ý kiến xử lý, phản hồi đối với các kiến nghị, yêu cầu của tổ chức,
cá nhân, cùng hàng trăm lượt hỏi đáp và tư vấn pháp luật qua điện thoại và thư
điện tử....
2. Thiết lập Cổng Thông tin điện tử
về phổ biến giáo dục, pháp luật
Năm 2021, Bộ Tư pháp đã thực hiện các
hạng mục công việc nhằm Thiết lập Cổng Thông tin điện tử về phổ biến giáo dục,
pháp luật. Việc triển khai xây dựng thiết lập Cổng thông tin điện tử Phổ biến,
giáo dục pháp luật bám sát các nội dung yêu cầu tại Quyết định số 471/QĐ-TTg
ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng
dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn
2019-2021” và Quyết định 1707/QĐ-BTP ngày 05/8/2021 của Bộ Tư pháp về việc phê
duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật” tại Bộ Tư pháp năm 2020 và 2021.
Theo đó, bước đầu hình thành Cổng
thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung toàn quốc trên cơ sở
nâng cấp Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời thực
hiện liên kết, tích hợp, chia sẻ và quản lý đầy đủ, thống nhất thông tin về
PBGDPL trên phạm vi toàn quốc; đảm bảo Cổng thông tin điện tử PBGDPL là đầu mối
tập chung, cung cấp các nội dung thuộc lĩnh vực PBGDPL theo quy định của pháp
luật hiện hành. Thông qua đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân
có thể tra cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật một cách nhanh chóng, thuận
tiện.
Cho đến nay, Bộ Tư pháp đã thực hiện
cài đặt Cổng Thông tin điện tử về phổ biến giáo dục, pháp luật quốc gia tại
Trung tâm tích hợp dữ liệu - Bộ Tư pháp và đưa ra internet tại địa chỉ https://pbgdpl.gov.vn.
Trong quá trình thiết lập Cổng Thông
tin điện tử về phổ biến giáo dục, pháp luật, để đảm bảo Cổng thông tin phục vụ
tốt nhất nhu cầu của tra cứu tìm kiếm của các cá nhân, tổ chức và người làm
công tác quản lý về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức
lấy ý kiến Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền
thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ về Cổng Thông tin điện tử quốc gia
về Phổ biến giáo dục, pháp luật và App "Vietnam Laws".
Về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin
cho Cổng Thông tin điện tử về phổ biến giáo dục, pháp luật, Bộ đã phối hợp với
Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc
gia - Cục An toàn thông tin) thực hiện đánh giá, gán nhãn tín nhiệm mạng cho Cổng
Thông tin điện tử về phổ biến giáo dục, pháp luật. Đồng thời Bộ đã phối hợp Bộ
Công an (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao); Bộ Quốc
phòng (Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng) và Ban Cơ yếu Chính phủ (Trung tâm
Công nghệ thông tin và giám sát an ninh mạng) thực hiện kiểm tra bảo mật, an
toàn thông tin.
3. Phát triển, mở rộng Cổng Dịch vụ
công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tư pháp đáp ứng yêu cầu cung cấp
dịch vụ công mức độ 4
Năm 2021, Bộ Tư pháp đã tiến hành
nâng cấp, thiết lập Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của
Bộ tại địa chỉ https://dichvucong.moj.gov.vn đảm bảo
kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, Bộ đã tổ chức tập huấn, hướng
dẫn sử dụng cho các đơn vị thuộc Bộ có tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành
chính. Đến nay, đã có có 35 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 41 và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 được cung cấp trên Cổng
Dịch vụ công của Bộ. Bên cạnh đó, Bộ đã hoàn thành việc tạo lập nền tảng thanh
toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Tư pháp tích hợp với các kênh thanh
toán trực tuyến tại Việt Nam để các tổ chức, công dân có thêm sự lựa chọn khi
thực hiện thanh toán trực tuyến; thực hiện tích hợp với hệ thống cung ứng dịch
vụ bưu chính công ích trực tiếp trên Cổng dịch vụ công Bộ Tư pháp; cung cấp chức
năng đánh giá trực tuyến cho tổ chức, cá nhân; công khai thông tin tổng hợp,
khách quan về việc đánh giá chất lượng và tiến độ giải quyết trên Cổng Thông
tin điện tử Bộ Tư pháp. Trong năm 2021, trung bình mỗi ngày, có khoảng 3
nghìn hồ sơ được đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
4. Hệ thống quản lý văn bản và điều
hành
Bộ đã duy trì việc kết nối Hệ thống
Quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản Quốc gia đáp ứng với
các yêu cầu gửi/nhận văn bản. Đồng thời hỗ trợ tích hợp việc ký số văn bản điện
tử theo quy định của Ban Cơ yếu Chính phủ. Thực hiện cập nhật đầy đủ danh mục
mã định danh từ Trục liên thông văn bản Quốc gia.
Trong 11 tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận
tổng số 254.748 văn bản luân chuyển trên Hệ thống, trong đó số văn bản đến
220.325, văn bản đến liên thông là 35.806 văn bản, số văn bản đi là 34.423
văn bản, số văn bản đi liên thông là 6.192 văn bản, số văn bản đi được
ký số là trên 14.285 văn bản.
Về chữ ký số, đã cấp tổng cộng 1.600
bộ chữ ký số cho 35 đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và 63 Cục Thi hành án dân sự các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (Trong đó, các đơn vị thuộc Bộ là 270 bộ; Cục/chi
cục Thi hành án địa phương là 1.330 bộ).
Số lượng văn bản được ký điện tử tăng
lên cao so với năm 2020, việc gửi/nhận văn bản qua Trục liên thông văn bản quốc
gia được áp dụng cho tất cả các đơn vị. Các đơn vị gửi/nhận văn bản qua Trục
liên thông văn bản Quốc gia bao gồm: Các Bộ, ngành, địa phương (mở rộng đến 4 cấp
chính quyền).
5. Nâng cấp, phát triển dịch vụ nền
tảng và hệ thống thư điện tử tại Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp.
Trong năm 2021, Bộ Tư pháp đã tiến
hành các thủ tục để nâng cấp, phát triển dịch vụ nền tảng và hệ thống thư điện
tử tại Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ nhằm đảm bảo tính sẵn sàng cao và an
toàn an ninh trong việc quản trị, vận hành, xử lý và khai thác thông tin về Dịch
vụ nền tảng và Thư điện tử.
6. Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt
động trợ giúp pháp lý
Trong năm 2021, Bộ đã hướng dẫn, đôn
đốc các Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp
pháp lý cập nhật thường xuyên, kịp thời, đầy đủ thông tin về nhân sự, số liệu vụ
việc trợ giúp pháp lý trên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp
lý, đồng thời quản lý, khai thác hiệu quả Hệ thống. Đến nay, Hệ thống có 1.950
tài khoản sử dụng, lưu trữ thông tin của 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý
nhà nước, 185 Chi nhánh Trợ giúp pháp lý nhà nước, 185 Tổ chức
tham gia trợ giúp pháp lý, 2.340 hồ sơ nhân sự, 17.620 việc trợ
giúp pháp lý, 78.846 hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý được cập nhật, số hóa.
7. Phần mềm Quản lý tổ chức hành
nghề công chứng
Từ năm 2020, tất cả các Sở Tư pháp bắt
đầu triển khai cập nhật dữ liệu vào Phần mềm quản lý công chứng, trong đó ưu
tiên cập nhật trước hồ sơ tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động, hồ sơ
công chứng viên đang hành nghề.
Trong năm 2021, các Sở Tư pháp đã cập
nhật được 4.202 công chứng viên, 1.324 tổ chức hành nghề công chứng.
8. Xây dựng Phần mềm quản lý vốn đầu
tư xây dựng cơ bản
Năm 2021, Bộ Tư pháp đã xây dựng Phần
mềm quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Trong tháng 12, Phần mềm được triển
khai thí điểm tại Cục Kế hoạch - Tài chính và một số đơn vị được giao làm chủ đầu
tư dự án thuộc Bộ. Quý I/2022 sẽ đưa vào triển khai, sử dụng chính thức tại Cục
Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị được giao làm
chủ đầu tư.
9. Phần mềm quản lý cán bộ thi
hành án dân sự
Hiện nay, Phần mềm quản lý cán bộ thi
hành án dân sự đã được triển khai đến 63 Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương. Trong năm 2021, Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ
đã và đang cập nhật, rà soát lại toàn bộ hồ sơ cán bộ thi hành án dân sự theo
chuẩn dữ liệu do Bộ Nội vụ ban hành.
10. Phần mềm hỗ trợ Pháp điển hệ
thống quy phạm pháp luật
Phần mềm hỗ trợ pháp điển hệ thống
quy phạm pháp luật được Bộ Tư pháp xây dựng và triển khai tại tất cả các đơn vị
có liên quan bao gồm 27/27 Bộ, Ngành tham gia với 210 tài khoản.
Phần mềm đã hỗ trợ các đơn vị thực hiện
công tác pháp điển theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 và Quyết định
số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ
pháp điển.
Đến nay, phần mềm đã hỗ trợ thực hiện
pháp điển 220/271 Đề mục (trong đó có 185 đề mục đã được Chính phủ thông qua;
35 đề mục đang trình Chính phủ xem xét thông qua).
VI. NGUỒN NHÂN LỰC
- Cục Công nghệ thông tin là đơn vị
chuyên trách thuộc Bộ Tư pháp. Hiện nay, tổng số cán bộ chuyên trách công nghệ
thông tin của các đơn vị thuộc Bộ là 61, trong đó, cán bộ công nghệ thông tin của
Cục Công nghệ thông tin là 17 người, có 8 đồng chí trình độ thạc sĩ, 9 đồng chí
trình độ đại học, còn lại là cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các
đơn vị thuộc Bộ.
- Năm 2021, Bộ Tư pháp cũng cử cán bộ
tham gia diễn tập ứng cứu sự cố ACID do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
VII. AN TOÀN THÔNG
TIN
- Hiện nay số lượng hệ thống thông
tin của Bộ Tư pháp là 33 hệ thống thông tin và đã được phê duyệt cấp độ 3 tại
các quyết định (Quyết định số 3090/QĐ-BTP ngày 26 tháng 12 năm 2018 về phê
duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin; Quyết định số 1280/QĐ-BTP ngày 05
tháng 8 năm 2021 về Phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin - Bộ Tư pháp
năm 2021). Các hệ thống thông tin của Bộ Tư pháp đã được phê duyệt chi tiết
Phụ lục I kèm theo Kế hoạch.
- Năm 2021, Bộ Tư pháp đã triển khai
Thuê dịch vụ giám sát an toàn thông tin mạng cho Trung tâm dữ liệu điện tử, đồng
thời, thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn
không gian mạng quốc gia (Cục ATTT). Đến nay, Trung tâm Công nghệ thông tin và
Giám sát An ninh mạng - Ban Cơ yếu Chính phủ đang tiếp tục thực hiện giám sát
an ninh mạng các hệ thống quan trọng của Bộ Tư pháp trên cơ sở thỏa thuận ngày
23/12/2013 giữa Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp và Trung tâm Công nghệ
thông tin và Giám sát An ninh mạng - Ban Cơ yếu Chính phủ. Việc đảm bảo an toàn
cho các hệ thống thông tin tại Trung tâm dữ liệu điện tử hiện đã đáp ứng được
khoảng 40%.
- Đối với việc hoàn thành triển khai
đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, Bộ Tư pháp đã triển khai thực hiện
cụ thể như sau:
+ “Lớp 1” Lực lượng tại chỗ: Tại Bộ
Tư pháp, Cục Công nghệ thông tin là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin,
có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý và tổ chức thực hiện công tác kiểm
tra, đôn đốc thực hiện quy định của pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin
nói chung và công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng nói riêng theo quy định của
pháp luật, số lượng nhân lực có kinh nghiệm, được đào tạo về an toàn thông tin
tại Cục Công nghệ thông tin là 8 người.
+ “Lớp 2” Tổ chức hoặc thuê doanh
nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp: Bộ Tư pháp đã thuê dịch vụ giám sát An
toàn thông tin mạng cho Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ. Ngoài ra, Bộ Tư pháp
phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ (Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an
ninh mạng), Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) và Bộ Quốc
phòng (Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng) và các đơn vị cung cấp giải pháp
an toàn thông tin hỗ trợ khi có sự kiện về an toàn thông tin.
+ “Lớp 3” Tổ chức hoặc thuê doanh
nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỹ: Trong năm 2021, Bộ Tư pháp đã tiếp tục
thuê Liên danh Công ty cổ phần công nghệ phần mềm và nội dung số OSP và Công ty
cổ phần an toàn thông tin Cyradar thực hiện đánh giá an toàn thông tin cho các
hệ thống tại Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ Tư pháp. Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp
với các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin tổ chức đánh giá định kỳ cho
các Hệ thống thông tin tại Bộ.
+ “Lớp 4” Kết nối, chia sẻ thông tin
với hệ thống giám sát quốc gia: Bộ Tư pháp đã thực hiện kết nối, chia sẻ và cung
cấp các dải địa chỉ IP của các hệ thống thông tin đến Trung tâm Giám sát an
toàn không gian mạng quốc gia - Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền
thông.
- Hiện nay, 100% máy chủ tại Trung
tâm dữ liệu điện tử của Bộ và máy trạm tại các đơn vị thuộc Bộ đã được cài đặt
phần mềm phòng, chống mã độc BCY Endpoint Security.
- Về tình hình lây nhiễm và xử lý,
bóc gỡ mã độc: Bộ Tư pháp đã thực hiện chia sẻ dữ liệu mã độc của phần mềm BCY
Endpoint Security đến Trung tâm giám sát An toàn mạng Quốc gia đáp ứng Chỉ thị
số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực
phòng, chống phần mềm độc hại. Hàng tháng Bộ Thông tin và truyền thông đã có
báo cáo tình hình lây nhiễm mã độc và hướng dẫn các Bộ ngành xử lý.
- Đối với công tác tuyên truyền, phổ
biến nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên
chức và người lao động trong Bộ, Ngành, Bộ Tư pháp đã thực hiện thông qua việc
lồng ghép trong các cuộc họp, Hội nghị, các lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn. Bộ
cũng ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn thông tin trong
toàn Ngành.
- Bộ cũng thường xuyên cử cán bộ tham
gia đào tạo, tập huấn và diễn tập An toàn thông tin mạng quốc gia, quốc tế do
các đơn vị chuyên trách An toàn thông tin tổ chức và cử cán bộ tham gia diễn tập
ứng cứu sự cố ASEAN-Nhật Bản năm 2021. Hiện nay, Bộ đang tiến hành các thủ tục
để thành lập đội ứng cứu sự cố về an toàn thông tin mạng theo hướng dẫn tại
Công văn số 4258/BTTTT-CATTT ngày 26/10/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
VIII. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư pháp được giao triển khai 05 dự án về công nghệ
thông tin. Cụ thể: 1- Đầu tư Hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp; 2- Xây
dựng Hệ thống thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật; 3- Xây dựng Cơ sở dữ liệu
Hộ tịch; 4- Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; 5- Đầu
tư Hệ thống giao ban trực tuyến cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương.
Tuy nhiên đến nay, các Dự án này đều mới bắt đầu giai đoạn chuẩn bị đầu tư,
chưa được bố trí kinh phí để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, trong năm 2021,
Bộ Tư pháp cũng không có dự án chuyên biệt về an toàn thông tin.
IX. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Năm 2021, Bộ Tư pháp đã chủ động triển
khai các nhiệm vụ trọng tâm về ứng dụng công nghệ thông tin trong Bộ/Ngành Tư
pháp cũng như có hiệu quả, kịp thời đối với các nhiệm vụ đột xuất. Hoạt động ứng
dụng công nghệ thông tin của Bộ được triển khai trong các lĩnh vực trọng tâm
như: công tác chỉ đạo điều hành trên môi trường điện tử; cung cấp dịch vụ công,
thanh toán trực tuyến; triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên
ngành trong các lĩnh vực: hộ tịch, phổ biến giáo dục pháp luật, thi hành án dân
sự, cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật thống nhất từ Trung ương tới địa
phương;....
Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật tại Trung
tâm dữ liệu điện tử của Bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay khi
các hệ thống thông tin triển khai trên diện rộng với số lượng cán bộ sử dụng
thường xuyên, tần suất truy cập lớn dẫn đến một số hệ thống đã có thời điểm máy
chủ quá tải, thiếu dung lượng lưu trữ;.. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh
Covid-19 hiện nay, Bộ Tư pháp thực hiện làm việc giãn cách thì nhu cầu làm việc
trực tuyến gia tăng, việc hỗ trợ kỹ thuật cùng tần suất sử dụng các hệ thống
thông tin gia tăng, hạ tầng kỹ thuật của Bộ trở nên không đáp ứng nhu cầu sử dụng
(dẫn tới việc một số hệ thống như Hệ thống Quản lý văn bản điều hành gặp tình
trạng chậm treo trong một số thời điểm);
Hiện nay, Bộ đang vận hành rất nhiều
các phần mềm ứng dụng, phục vụ cho hàng chục ngàn người dùng trong ngành và
hàng triệu lượt truy cập của cá nhân, tổ chức. Nhiều phần mềm đã hết thời hạn bảo
hành, nhưng chưa bố trí được nguồn lực để thực hiện bảo trì phần mềm, do đó các
hệ thống phần mềm trên có thời điểm không đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn, ảnh
hưởng đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ
tục hành chính cho cá nhân tổ chức. Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Tư
pháp cũng đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, có quy mô rất rộng. Tuy nhiên Bộ chưa
được bố trí công chức chuyên trách thực hiện quản lý, vận hành, đôn đốc, theo
dõi, vận hành, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu, đề xuất nâng cấp, phát triển. Hiện
nay nhân lực quản lý, vận hành hoàn toàn là kiêm nhiệm, phải thực hiện đồng thời
nhiều nhiệm vụ đối với nhiều phần mềm dẫn đến chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu
cầu của người sử dụng.
Về kết nối chia sẻ dữ liệu, mặc dù Bộ
Tư pháp là đơn vị đi đầu và được đánh giá cao trong việc thực hiện kết nối,
chia sẻ dữ liệu (theo Công văn 4336/BTTTT-THH của Bộ Thông tin và Truyền thông
ngày 28/10/2021 về việc đẩy mạnh triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ
thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, có 3/11 cơ sở dữ
liệu được kết nối, chia sẻ qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia là của
Bộ Tư pháp). Tuy nhiên việc giám sát, duy trì, hỗ trợ các địa phương kết nối
các dịch vụ hiện có và mở rộng phạm vi kết nối các dịch vụ mới đang tốn rất nhiều
nguồn lực của Bộ.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ 4, các Bộ, ngành nói chung và Bộ, ngành Tư pháp nói riêng được
giao thêm nhiều nhiệm vụ mới và phức tạp, đòi hỏi phải xây dựng, hoàn thiện thể
chế cho phù hợp; phát huy tối đa các nguồn lực để bảo đảm cho việc chủ động
tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt là việc bố trí nhân lực,
kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin đảm bảo
xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, hướng
tới xây dựng Chính phủ số trong Bộ, ngành.
Phần II
NỘI DUNG KẾ HOẠCH
I. CĂN CỨ LẬP KẾ
HOẠCH
- Luật Giao dịch điện tử số
51/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
- Luật Công nghệ thông tin số
67/2006/QH11 ngày 29/6/2006;
- Luật An toàn thông tin mạng số
86/2015/QH13 ngày 19/11/2015;
- Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14
ngày 12/6/2018;
- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày
27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia
cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
- Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày
13/6/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến kiểm soát
thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính và cơ chế một cửa, một cửa liên
thông tại một số Nghị quyết của Chính phủ;
- Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày
15/5/2018 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ
yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm
2018 và những năm tiếp theo;
- Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày
01/01/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ
yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm
2019 và định hướng đến năm 2021;
- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày
07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính
phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;
- Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày
17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số
52-NQ/TW;
- Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày
10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ
quan nhà nước;
- Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày
01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;
- Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018
của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết
thủ tục hành chính;
- Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg ngày
16/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về hệ thống phương án ứng cứu
khẩn cấp, bảo đảm an toàn thông tin mạng và hệ thống thông tin quan trọng quốc
gia;
- Quyết định số 632/QĐ-TTg ngày
10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục lĩnh vực quan trọng cần ưu
tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia;
- Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày
25/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới ứng
cứu sự cố, tăng cường năng lực cho các cán bộ, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự
cố mạng trên toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;
- Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày
14/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giám sát an toàn thông tin mạng
đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử đến năm
2020, định hướng đến 2025”;
- Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày
12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ
quan trong hệ thống hành chính nhà nước;
- Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày
13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp
luật;
- Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày
24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo
trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước;
- Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày
12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia;
- Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày
26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”;
- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày
03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia
đến năm 2025, định hướng năm 2030;
- Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày
23/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận
thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025”;
- Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày
06/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn
nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025”;
- Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày
01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ
em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”;
- Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày
15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện
tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;
- Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018
của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại;
- Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019
của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải
thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam;
- Quyết định số 465/QĐ-BTP-m ngày
08/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tư pháp
triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị và
Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 18/10/2019 của Chính phủ về Chiến lược An ninh mạng
quốc gia;
- Quyết định số 2041/QĐ-BTP ngày
30/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư
pháp Phiên bản 2.0;
- Quyết định số 1771/QĐ-BTP ngày
26/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính
thực hiện mức độ 3, 4 tiếp nhận trên Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một
cửa điện tử của Bộ Tư pháp.
- Quyết định số 2484/QĐ-BTP ngày
11/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi IPv4
sang IPv6 cho hệ thống công nghệ thông tin, Internet của Bộ Tư pháp giai đoạn
2020-2024;
- Quyết định số 682/QĐ-BTP ngày
07/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông
tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động
của Ngành Tư pháp giai đoạn 2021-2025;
- Quyết định số 983/QĐ-BTP ngày
10/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch “Chuyển đổi số
Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
- Công văn số 3570/BTTTT-THH ngày
16/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn các Bộ, ngành, địa
phương xây dựng Kế hoạch phát triển Chính phủ số, Chính quyền số và bảo đảm an
toàn thông tin mạng năm 2022.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát:
Cụ thể hóa, bám sát mục tiêu, triển
khai thực hiện toàn diện, hiệu quả, đúng lộ trình các nhiệm vụ đề ra theo Quyết
định số 682/QĐ-BTP ngày 07/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch ứng
dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin
mạng trong hoạt động của Ngành Tư pháp giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số
983/QĐ-BTP ngày 10/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch
"Chuyển đổi số Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
2. Mục tiêu cụ thể:
-100% dịch vụ công trực tuyến mức độ
3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được đăng tải trên Cổng
Dịch vụ công của Bộ Tư pháp;
- 100% văn bản giữa bộ với các cơ
quan nhà nước được trao đổi dưới dạng điện tử (trừ các văn bản mật theo quy định
của pháp luật);
- 80% hồ sơ công việc được xử lý trên
môi trường mạng;
- 75% báo cáo định kỳ (không bao gồm
nội dung mật) của cơ quan Bộ được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo
cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành;
- 40% hoạt động kiểm tra của cơ quan
Bộ được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản
lý;
- Đảm bảo Cổng thông tin điện tử Bộ
Tư pháp cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định; Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp
luật cung cấp đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Nghị định
số 52/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
kết nối, chia sẻ với trang/mục văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng/trang thông
tin của Bộ, ngành, địa phương;
- Đảm bảo các hệ thống thông tin, phần
mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu ngày càng
cao về năng lực xử lý thông tin, gia tăng về dung lượng lưu trữ dữ liệu;
- Về bảo đảm an
toàn thông tin:
+ 70% hệ thống thông tin được xác định
cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ;
+ 90% thiết bị đầu cuối được cài đặt
giải pháp bảo vệ;
+ 100% thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo đảm an toàn thông
tin;
+ 100% cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động thuộc Bộ được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm
và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin;
III. NHIỆM VỤ
1. Hoàn thiện
quy chế, quy định pháp lý
- Xây dựng Kế hoạch Phát triển Chính
phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Ngành Tư pháp năm
2023;
- Rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản
pháp luật dân sự, hình sự và các luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng mức và
hình phạt cho các hành vi lừa đảo, gian lận khi giao dịch trên không gian mạng
cũng như các hành vi lợi dụng, khai thác trái phép thông tin riêng, cá nhân
trên mạng để người dùng an tâm khi thực hiện các giao dịch số;
- Rà soát, đề xuất ban hành hoặc sửa
đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhằm tạo môi trường
pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy chính phủ số, sẵn sàng thử nghiệm
và áp dụng cái mới;
- Tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ
trong các lĩnh vực của Bộ (bao gồm Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự), đảm bảo
cung cấp và liên thông dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu;
- Xây dựng, ban hành và cập nhật danh
mục cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ Tư pháp.
2. Phát triển hạ
tầng số
- Tiếp tục triển khai Dự án Đầu tư Hạ
tầng Trung tâm Dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp đáp ứng triển khai ứng dụng công nghệ
thông tin trong Ngành Tư pháp;
- Tiếp tục triển khai chữ ký số cho
các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức có liên quan trực tiếp đến trao đổi
văn bản điện tử trên môi trường mạng;
- Duy trì, mở rộng kết nối internet tốc
độ cao cho Trung tâm dữ liệu điện tử; Nghiên cứu, triển khai giải pháp kết nối,
sử dụng mạng chuyên dùng của cơ quan Đảng, nhà nước;
- Duy trì dịch vụ thuê Trung tâm dữ
liệu điện tử dự phòng cho một số ứng dụng lớn của Bộ tại Trung tâm dữ liệu điện
tử Bộ Tư pháp;
- Gia hạn bảo hành thiết bị và hỗ trợ
kỹ thuật cho các hạng mục chính của hệ thống tại Trung tâm Dữ liệu điện tử Bộ
Tư pháp;
- Bảo trì sửa chữa hệ thống cho Trung
tâm Dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp đảm bảo Trung tâm dữ liệu hoạt động liên tục,
thông suốt;
- Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực
hiện chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho hệ thống công nghệ thông tin, Internet của Bộ
Tư pháp giai đoạn 2020-2024 theo Quyết định số 2484/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp ngày
11/12/2020.
3. Phát triển dữ
liệu
Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử
toàn quốc.
4. Phát triển các
ứng dụng, dịch vụ
- Đầu tư mở rộng Hệ thống giao ban trực
tuyến cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương;
- Phát triển Hệ thống thông tin báo
cáo Bộ Tư pháp kết nối, tích hợp dữ liệu với hệ thống báo cáo quốc gia;
- Nâng cấp, mở rộng phần mềm Quản lý
quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự;
- Nâng cấp Cổng thông tin điện tử và
các trang thông tin điện tử thi hành án dân sự;
- Nâng cấp phần mềm quản lý văn bản
và điều hành;
- Xây dựng phần mềm tiếp nhận, xử lý
đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự;
- Xây dựng Hệ thống thông tin phổ biến,
giáo dục pháp luật;
- Rà soát, cung cấp dịch vụ công trực
tuyến mức độ 4;
- Triển khai Đề án Xuất bản và phát
hành xuất bản phẩm điện tử;
- Nâng cấp và hoàn thiện phần mềm
đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm.
5. Bảo đảm an
toàn thông tin
- Cập nhật các phần mềm bảo mật tại
Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp;
- Duy trì và đảm bảo an toàn thông
tin cho mạng truyền số liệu chuyên dùng tại Bộ;
- Duy trì bảo đảm an toàn thông tin
mô hình 4 lớp tại Bộ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; áp dụng hệ
thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn và chia sẻ thông tin với
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia;
- Duy trì và xác thực tên miền nhằm đảm
bảo độ tin cậy và xác thực cho các địa chỉ tên miền của Bộ Tư pháp hoạt động
trên môi trường mạng internet;
- Trang bị giải pháp đánh giá lỗ hổng
bảo mật cho phần mềm ứng dụng để đảm bảo an toàn thông tin cho phần mềm ứng dụng
trước khi được đưa ra internet khai thác sử dụng;
- Rà soát, cập nhật, trình phê duyệt
cấp độ an toàn hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý và triển khai phương án
bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;
- Thành lập Đối ứng cứu sự cố an toàn
thông tin mạng; tích cực tham gia vào các hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự cố
an toàn thông tin mạng quốc gia; tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin về sự cố
an toàn mạng.
6. Phát triển nguồn
nhân lực
- Cử công chức, viên chức phù hợp đi
đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về xây dựng, triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử
cấp Bộ; đào tạo các nội dung chuyên sâu về quản trị mạng, quản trị hệ thống, an
toàn, an ninh thông tin; cử cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin tham gia
các chương trình diễn tập, tập huấn bảo đảm an toàn thông tin mạng;
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn
cho công chức, viên chức về kỹ năng sử dụng, khai thác các phần mềm ứng dụng,
các hệ thống thông tin phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ; khai thác, sử dụng
và đảm bảo an toàn thông tin hệ thống mạng máy tính của Bộ Tư pháp.
IV. GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh
công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với
người dân, doanh nghiệp
- Ứng dụng các loại hình truyền thông
phù hợp dựa trên tính năng ưu việt của công nghệ thông tin và nền tảng số, mạng
xã hội, các kênh thông tin của Bộ Tư pháp như: Cổng Thông tin điện tử Bộ; Báo
Pháp luật Việt Nam.... đảm bảo truyền tải thông tin để nâng cao nhận thức, hình
thành văn hóa số cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện để người dân, doanh
nghiệp tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số; khuyến khích người dân, doanh nghiệp
tham gia các hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin qua mạng, đặc biệt là sử dụng
các dịch vụ công trực tuyến.
- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến,
nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cơ bản về đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ,
công chức, viên chức Ngành Tư pháp;
- Lồng ghép các nội dung đào tạo về kỹ
năng số, an toàn thông tin trong quá trình tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn
về ứng dụng công nghệ thông tin.
2. Phát triển
các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp
Phối hợp với các doanh nghiệp để cung
cấp dịch vụ công do Bộ cung cấp thông qua mạng bưu chính công cộng, mạng xã hội,
ứng dụng của doanh nghiệp.
3. Nghiên cứu,
hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ
Triển khai ứng dụng các công nghệ mới,
các giải pháp tích hợp, ứng dụng, sản phẩm công nghệ như điện toán đám mây, dữ
liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối... phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử,
thực hiện chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số.
4. Thu hút nguồn
lực công nghệ thông tin
- Huy động các nguồn vốn khác nhau
trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng công nghệ, ưu tiên triển khai các dự
án trọng điểm về ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành Tư pháp, các ứng dụng
công nghệ thông tin phục vụ cá nhân và tổ chức; tích cực tìm kiếm nguồn vốn ODA
và hợp tác với nước ngoài để thực hiện các dự án lớn, triển khai trên diện rộng;
- Xây dựng các cơ chế, chính sách phù
hợp thu hút, sử dụng và giữ nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin làm
việc tại Bộ, Ngành;
- Cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo,
tập huấn và bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ việc triển
khai, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin
dùng chung của Bộ, ngành;
- Khuyến khích thuê dịch vụ kỹ thuật
và nhân sự trong triển khai giám sát an toàn thông tin mạng cho hệ thống, dịch
vụ công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
5. Tăng cường hợp
tác quốc tế
Tiếp tục tăng cường các hoạt động triển
khai hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm về xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng
thời, cử cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tham gia các đoàn thăm quan,
học tập, chia sẻ kinh nghiệm ở một số nước bạn.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Các đơn vị thuộc Bộ có trách
nhiệm:
- Phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ
thông tin trong triển khai thực hiện Kế hoạch này; sử dụng kết quả của các dự
án theo Kế hoạch phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ; tránh trùng lắp, lãng
phí;
- Đưa nhiệm vụ ứng dụng công nghệ
thông tin vào kế hoạch công tác năm 2022, đảm bảo ứng dụng, phát triển, công
nghệ thông tin là nội dung bắt buộc trọng từng kế hoạch công tác, từng đề án, dự
án đầu tư của đơn vị; khuyến khích sắp xếp, có biện pháp sử dụng đúng quy định
kinh phí tự chủ được giao để triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông
tin trong nội bộ cơ quan, đơn vị;
- Khai thác và tạo lập, cập nhật
thông tin do đơn vị quản lý vào các Hệ thống thông tin chuyên ngành sử dụng
chung của đơn vị, của Bộ đã được xây dựng, triển khai; khai thác có hiệu quả cơ
sở hạ tầng kỹ thuật dùng chung của Bộ;
- Cử cán bộ phù hợp tham gia các đợt
tập huấn, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ tổ chức.
2. Cục Công nghệ thông tin:
- Đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển
đổi số Ngành Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai các
giải pháp tổng thể, các ứng dụng dùng chung, ứng dụng chuyên ngành theo nhiệm vụ
được giao;
- Tăng cường vai trò tham mưu, quản
lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp,
thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch
này; đề xuất các giải pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong
quá trình thực hiện, trình lãnh đạo Bộ;
- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có
liên quan để kiểm tra, đánh giá tình hình, ứng dụng công nghệ thông tin tại địa
phương;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan xây dựng, lập dự án cho các nhiệm vụ trong Kế hoạch trình Bộ phê duyệt;
- Xây dựng và trình Bộ ban hành các
văn bản thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành Tư pháp và các quy chế,
quy định về quản lý ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp;
- Nghiên cứu sự phù hợp, tính tương
thích và quy định các chuẩn về cơ sở dữ liệu, chuẩn về công nghệ, về Cổng thông
tin điện tử, về các hệ thống thông tin... để đảm bảo sự hoạt động thông suốt của
hệ thống;
- Tổ chức, phối hợp và hướng dẫn các
đơn vị trong Bộ Tư pháp ứng dụng các kết quả của Kế hoạch này.
3. Văn phòng Bộ:
Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin
trong công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện, tham mưu việc ứng dụng công nghệ
thông tin trong chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ.
4. Cục Kế hoạch - Tài chính:
Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được
bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và các nguồn tài chính hợp
pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Đối với các nhiệm vụ sử dụng nguồn
kinh phí thường xuyên: các đơn vị thuộc Bộ được phân công chủ trì thực hiện các
nhiệm vụ cụ thể tại Kế hoạch này có trách nhiệm lập dự toán kinh phí gửi Cục Kế
hoạch - Tài chính hoặc Văn phòng Bộ (đối với những đơn vị do Văn phòng Bộ quản
lý kinh phí chi thường xuyên) để thẩm định, tổng hợp và báo cáo Lãnh đạo Bộ phê
duyệt.
Cục Kế hoạch - Tài chính và Văn phòng
Bộ có trách nhiệm thẩm định, trình Bộ cấp kinh phí để triển khai thực hiện có
hiệu quả các nhiệm vụ trên cơ sở thực tế tình hình quản lý ngân sách của Bộ và
theo quy định của pháp luật; hướng dẫn cụ thể các đơn vị thuộc Bộ trong việc lập
dự toán và thực hiện thanh quyết toán theo quy định.
- Đối với các nhiệm vụ sử dụng nguồn
vốn đầu tư công: các đơn vị được giao chủ đầu tư dự án có trách nhiệm tổ chức
triển khai dự án; sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn vốn đầu tư công được giao.
Cục Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm
hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện dự án, sử dụng vốn đầu tư công đảm
bảo tiến độ, chất lượng và đúng quy định pháp luật.
5. Vụ Tổ chức cán bộ:
- Chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ
thông tin trong việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về biện pháp kỹ
thuật bảo đảm an toàn thông tin, cũng như các chính sách pháp luật về công tác
an toàn, an ninh thông tin;
- Chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ
thông tin trong việc cử công chức làm công tác công nghệ thông tin tham gia các
lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
6. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
- Phối hợp với Cục Công nghệ thông
tin trong triển khai thực hiện các ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ Tư pháp
xây dựng, triển khai nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật dùng
chung của Bộ;
- Căn cứ trên Kế hoạch này và Kế hoạch
Phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của
UBND tỉnh để ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm an toàn
thông tin trong hoạt động của Sở;
- Triển khai cập nhật chính xác, kịp
thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về
pháp luật;
- Cử cán bộ phù hợp tham gia các đợt
tập huấn, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ Tư pháp tổ chức.
7. Cơ quan Thi hành án dân sự:
- Tổng cục Thi hành án dân sự có
trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với Cục Công nghệ thông tin triển khai, đôn đốc,
hướng dẫn và kiểm tra các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong việc thực
hiện Kế hoạch các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống thi hành
án dân sự;
- Các đơn vị thuộc Tổng cục, các cơ
quan thi hành án dân sự có trách nhiệm vận hành, sử dụng hiệu quả các ứng dụng
công nghệ thông tin được triển khai, hệ thống Hội nghị giao ban trực tuyến; cử
công chức tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin do
Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức.
VI. DANH MỤC NHIỆM
VỤ, DỰ ÁN, KINH PHÍ THỰC HIỆN
(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo Kế
hoạch)
PHỤ LỤC 1
CÁC HỆ THỐNG THÔNG TIN TẠI BỘ TƯ PHÁP ĐÃ
ĐƯỢC PHÊ DUYỆT CẤP ĐỘ AN TOÀN THÔNG TIN
STT
|
Tên
hệ thống thông tin
|
Đơn
vị vận hành
|
Cấp
độ an toàn
|
Thời
gian xác định cấp độ
|
Đáp
ứng/ không đáp ứng
|
1
|
Cổng thông tin điện tử
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
2
|
Hệ thống thư điện tử (Email)
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
3
|
Hệ thống cơ sở dữ liệu người dùng tập
trung LDAP
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
4
|
Cổng thông tin Thi hành án dân sự
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
5
|
Cổng thông tin Pháp điển
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
6
|
Cổng thông tin Học viện Tư pháp
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số 3090/QĐ-BTP
ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
7
|
Phần mềm Quản lý văn bản, điều hành
và hồ sơ lưu trữ
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số:
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
8
|
Phần mềm Quản lý hồ sơ cán bộ và chức
danh tư pháp
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
9
|
Hệ thống thông tin đăng ký và quản
lý Hộ tịch
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số:
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
10
|
Hệ thống thông tin lý lịch tư pháp
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
11
|
Hệ thống thông tin quản lý quốc tịch
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
12
|
Hệ thống Đăng ký giao dịch bảo đảm
trực tuyến
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
13
|
Phần mềm Thống kê Ngành Tư pháp
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
14
|
Phần mềm Quản lý hồ sơ Ủy thác tư
pháp
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
15
|
Phần mềm Quản lý công tác Thi đua
khen thưởng
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
16
|
Phần mềm Cơ sở dữ liệu tư liệu, tài
liệu khoa học pháp lý
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
17
|
Phần mềm Hỗ trợ pháp điển Hệ thống
quy phạm pháp luật
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
18
|
Phần mềm Thư viện điện tử, thư viện
số
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
19
|
Phần mềm quản lý nuôi con nuôi
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
20
|
Hệ thống Quản lý công văn đi đến tại
các Cục Thi hành án dân sự
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
21
|
Phần mềm quản lý quá trình thụ lý,
tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự triển khai thí điểm
tại Cục THADS TP Hồ Chí Minh
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
22
|
Phần mềm Lưu trữ dùng chung cho Hệ
thống tổ chức các cơ quan Thi hành án dân sự
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số 3090/QĐ-BTP
ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
23
|
Phần mềm Quản lý nghiệp vụ Hành
chính tập chung
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
24
|
CSDL quốc gia về pháp luật
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
3090/QĐ-BTP ngày 26/12/2018
|
Đáp ứng
|
25
|
Phần mềm liên thông dữ liệu
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
1280/QĐ-BTP ngày 05/8/2021
|
Đáp ứng
|
26
|
Phần mềm quản lý việc hỗ trợ sử dụng,
khai thác các phần mềm ứng dụng
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
1280/QĐ-BTP ngày 05/8/2021
|
Đáp ứng
|
27
|
Phần mềm quản lý thông tin đấu giá
tài sản
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số:
1280/QĐ-BTP ngày 05/8/2021
|
Đáp ứng
|
28
|
Phần mềm quản lý tổ chức hành nghề
công chứng
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số:
1280/QĐ-BTP ngày 05/8/2021
|
Đáp ứng
|
29
|
CSDL về thông tin người phải thi
hành án chưa có điều kiện thi hành
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
1280/QĐ-BTP ngày 05/8/2021
|
Đáp ứng
|
30
|
Phần mềm quản lý cán bộ thi hành án
dân sự
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
1280/QĐ-BTP ngày 05/8/2021
|
Đáp ứng
|
31
|
Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động
trợ giúp pháp lý
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
1280/QĐ-BTP ngày 05/8/2021
|
Đáp ứng
|
32
|
Phần mềm hỗ trợ kiểm tra, và rà
soát hệ thống hóa văn bản pháp luật
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số
1280/QĐ-BTP ngày 05/8/2021
|
Đáp ứng
|
33
|
Phần mềm quản lý con nuôi nước
ngoài
|
Cục CNTT-BTP
|
3
|
Đã phê duyệt tại Quyết định số 1280/QĐ-BTP
ngày 05/8/2021
|
Đáp ứng
|
PHỤ LỤC II
DANH MỤC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN TRỌNG TÂM ỨNG DỤNG
CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN TRONG
HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2022
(Kèm Kế hoạch được phê duyệt theo
Quyết định số 2000/QĐ-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Tư pháp)
TT
|
Tên
dự án, nhiệm vụ
|
Sản
phẩm chủ yếu
|
Thời
gian thực hiện
|
Đơn
vị chủ trì
|
Đơn
vị phối hợp
|
Nguồn
kinh phí
|
I
|
HOÀN
THIỆN QUY CHẾ, QUY ĐỊNH PHÁP LÝ
|
1
|
Xây dựng Kế hoạch Phát triển Chính phủ
số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Ngành Tư pháp năm
2023
|
Kế hoạch Phát triển Chính phủ số và
bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Ngành Tư pháp năm 2023
|
Theo
Công văn hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông
|
Cục CNTT
|
Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan
|
Không
sử dụng kinh phí
|
2
|
Rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản
pháp luật dân sự, hình sự và các luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng mức
và hình phạt cho các hành vi lừa đảo, gian lận khi giao dịch trên không gian
mạng cũng như các hành vi lợi dụng, khai thác trái phép thông tin riêng, cá
nhân trên mạng để người dùng an tâm khi thực hiện các giao dịch số
|
Trình Bộ trưởng và trình cấp có thẩm
quyền danh mục các văn bản đề xuất sửa đổi
|
2022
|
Vụ Pháp luật Hình sự - hành chính
|
- Vụ Các vấn đề chung về xây dựng
pháp luật;
- Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế;
- Cục Quản lý xử lý vi phạm hành
chính và theo dõi thi hành pháp luật
- Các đơn vị, Bộ/Ngành liên quan.
|
Ngân
sách nhà nước
|
3
|
Rà soát, đề xuất ban hành hoặc sửa
đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhằm tạo môi trường
pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy chính phủ số, sẵn sàng thử nghiệm
và áp dụng cái mới
|
Các văn bản quy phạm pháp luật, cơ
chế chính sách, quy trình để phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số được ban hành, sửa
đổi, bổ sung
|
2022
|
Các đơn vị thuộc Bộ
|
Cục CNTT
|
Ngân
sách nhà nước
|
4
|
Tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ
trong các lĩnh vực của Bộ (bao gồm Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự), đảm
bảo cung cấp và liên thông dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu
|
Quy trình nghiệp vụ trong các lĩnh
vực của Bộ (bao gồm Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự) được tái cấu trúc, đảm
bảo cung cấp dịch vụ và liên thông dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu
|
2022
|
- Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan;
- Tổng cục Thi hành án dân sự
|
Cục CNTT
|
Ngân
sách nhà nước
|
5
|
Xây dựng, ban hành và cập nhật danh
mục cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ Tư pháp
|
Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của
Bộ Tư pháp được xây dựng, ban hành, cập nhật
|
2022
|
Cục CNTT
|
Các đơn vị thuộc Bộ
|
Ngân
sách nhà nước
|
II
|
PHÁT
TRIỂN HẠ TẦNG SỐ
|
1
|
Tiếp tục triển khai Dự án Đầu tư Hạ
tầng Trung tâm Dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp đáp ứng triển khai ứng dụng công
nghệ thông tin trong Ngành Tư pháp
|
Cơ sở hạ tầng tại Trung tâm Dữ liệu
điện tử của Bộ được trang bị, bổ sung
|
2022
|
Cục CNTT
|
Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan
|
Nguồn
vốn đầu tư công
|
2
|
Tiếp tục triển khai chữ ký số cho
các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức có liên quan trực tiếp đến trao đổi
văn bản điện tử trên môi trường mạng
|
Văn bản trao đổi trên môi trường mạng
được ký số
|
Thường
xuyên
|
Cục CNTT
|
Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan
|
Không
sử dụng kinh phí
|
3
|
Duy trì, mở rộng kết nối internet tốc
độ cao cho Trung tâm dữ liệu điện tử; Nghiên cứu, triển khai giải pháp kết nối,
sử dụng mạng chuyên dùng của cơ quan Đảng, nhà nước
|
Các đường truyền internet được kết
nối đến Trung tâm Dữ liệu điện tử; các đường truyền kết nối từ Trung tâm Dữ
liệu điện tử đến 139 Nguyễn Thái Học, Học viện Tư pháp, Cục Đăng ký quốc gia
giao dịch bảo đảm
|
Thường
xuyên
|
Cục CNTT
|
- Tổng cục THADS;
- Cục ĐKQGGDBĐ;
- Trung tâm LLTPQG
|
Ngân
sách nhà nước
|
4
|
Duy trì dịch vụ thuê Trung tâm dữ
liệu điện tử dự phòng cho một số ứng dụng lớn của Bộ tại Trung tâm dữ liệu điện
tử Bộ Tư pháp
|
Hạ tầng phục vụ backup dữ liệu, dự
phòng cho một số ứng dụng lớn của Bộ được duy trì, đảm bảo
|
Thường
xuyên
|
Cục CNTT
|
|
Ngân
sách nhà nước
|
5
|
Gia hạn bảo hành thiết bị và hỗ trợ
kỹ thuật cho các hạng mục chính của hệ thống tại Trung tâm Dữ liệu điện tử Bộ
Tư pháp;
|
Các thiết bị chính tại Trung tâm Dữ
liệu điện tử được gia hạn, bảo hành và hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo hoạt động
thông suốt
|
Thường
xuyên
|
Cục CNTT
|
|
Ngân
sách nhà nước
|
6
|
Bảo trì sửa chữa hệ thống cho Trung
tâm Dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp đảm bảo Trung tâm dữ liệu hoạt động liên tục,
thông suốt
|
Hệ thống tại Trung tâm Dữ liệu điện
tử của Bộ được bảo trì, sửa chữa đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt
|
Thường
xuyên
|
Cục CNTT
|
|
Ngân
sách nhà nước
|
7
|
Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực
hiện chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho hệ thống công nghệ thông tin, Internet của
Bộ Tư pháp giai đoạn 2020-2024 theo Quyết định số 2484/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp
ngày 11/12/2020
|
Triển khai thuê địa chỉ Ipv6 và thử
nghiệm chuyển đổi Ipv4 sang Ipv6 cho một số hệ thống thông tin của Bộ Tư pháp
tại Trung tâm dữ liệu điện tử
|
2022
|
Cục CNTT
|
Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan
|
Ngân
sách nhà nước
|
III
|
PHÁT
TRIỂN DỮ LIỆU
|
1
|
Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện
tử toàn quốc
|
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn
quốc được xây dựng
|
2022
|
Cục HTQTCT
|
Cục CNTT
|
Nguồn
vốn đầu tư công
|
IV
|
PHÁT
TRIỂN CÁC ỨNG DỤNG, DỊCH VỤ
|
1
|
Đầu tư mở rộng Hệ thống giao ban trực
tuyến cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương
|
Hệ thống giao ban trực tuyến cho
các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương được triển khai
|
2022
|
Tổng cục THADS
|
Cục CNTT
|
Nguồn
vốn đầu tư công
|
2
|
Phát triển Hệ thống thông tin báo
cáo Bộ Tư pháp kết nối, tích hợp dữ liệu với hệ thống báo cáo quốc gia
|
Hệ thống thông tin báo cáo Bộ Tư
pháp được phát triển, kết nối, tích hợp dữ liệu với hệ thống báo cáo quốc gia
|
2022
|
Cục CNTT
|
VP Bộ, Cục KHTC
|
Ngân
sách nhà nước
|
3
|
Nâng cấp, mở rộng phần mềm Quản lý
quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự
|
Phần mềm Quản lý quá trình thụ lý,
tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự được nâng cấp, mở
rộng
|
2022
|
- Tổng cục THADS;
- Cục CNTT.
|
Các Cục THADS
|
Ngân
sách nhà nước
|
4
|
Nâng cấp Cổng thông tin điện tử và các
trang thông tin điện tử thi hành án dân sự
|
Cổng thông tin điện tử và các trang
thông tin điện tử thi hành án dân sự được nâng cấp
|
2022
|
Tổng cục Thi hành án dân sự
|
Cục CNTT
|
Nguồn
kinh phí do Tổng cục THADS bảo đảm
|
5
|
Nâng cấp Phần mềm quản lý văn bản
và điều hành
|
Phần mềm quản lý văn bản và điều
hành được nâng cấp
|
2022
|
Tổng cục Thi hành án dân sự
|
Cục CNTT
|
Nguồn
kinh phí do Tổng cục THADS bảo đảm
|
6
|
Xây dựng phần mềm tiếp nhận, xử lý
đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự
|
Phần mềm tiếp nhận, xử lý đơn khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự được xây dựng
|
2022
|
Tổng cục Thi hành án dân sự
|
Cục CNTT
|
Nguồn
kinh phí do Tổng cục THADS bảo đảm
|
7
|
Xây dựng Hệ thống thông tin phổ biến,
giáo dục pháp luật
|
Hệ thống thông tin phổ biến giáo dục
pháp luật được xây dựng
|
2022
|
- Vụ PBGDPL;
- Văn phòng Bộ.
|
Cục CNTT
|
Nguồn
vốn đầu tư công
|
8
|
Rà soát, cung cấp dịch vụ công trực
tuyến mức độ 4
|
Các dịch vụ công trực tuyến được rà
soát, chuẩn hóa để cung cấp ở mức độ 4
|
2022
|
Các đơn vị thuộc Bộ có cung cấp dịch
vụ công
|
Văn phòng Bộ, Cục CNTT
|
Ngân
sách nhà nước
|
9
|
Triển khai Đề án Xuất bản và phát
hành xuất bản phẩm điện tử
|
Các nhiệm vụ theo Đề án Xuất bản và
phát hành xuất bản phẩm điện tử được triển khai
|
2022
|
Nhà xuất bản Tư pháp
|
|
Ngân
sách nhà nước (được phân bổ Nhà XBTP)
|
10
|
Nâng cấp và hoàn thiện phần mềm
đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm
|
Phần mềm đăng ký trực tuyến về biện
pháp bảo đảm được nâng cấp, hoàn thiện
|
2022
|
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo
đảm
|
|
Ngân
sách nhà nước (được phân bổ cho Cục ĐKQGGDBĐ)
|
V
|
BẢO
ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN
|
1
|
Cập nhật các phần mềm bảo mật tại
Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp
|
Các thiết bị và phần mềm bảo mật tại
Trung tâm dữ liệu được cập nhật thường xuyên
|
Thường
xuyên
|
Cục CNTT
|
|
Ngân
sách nhà nước
|
2
|
Duy trì và đảm bảo an toàn thông
tin cho mạng truyền số liệu chuyên dùng tại Bộ
|
Tiếp tục duy trì và đảm bảo an toàn
thông tin cho mạng truyền số liệu chuyên dùng tại Bộ.
|
2022
|
Cục CNTT
|
|
Ngân
sách nhà nước
|
3
|
Duy trì bảo đảm an toàn thông tin
mô hình 4 lớp tại Bộ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; áp dụng
hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn và chia sẻ thông tin
với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia
|
Mô hình 4 lớp tại Bộ được duy trì bảo
đảm an toàn thông tin; hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn
được áp dụng và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng
quốc gia
|
Thường
xuyên
|
Cục CNTT
|
|
Ngân
sách nhà nước
|
4
|
Duy trì và xác thực tên miền nhằm đảm
bảo độ tin cậy và xác thực cho các địa chỉ tên miền của Bộ Tư pháp hoạt động
trên môi trường mạng internet
|
Các tên miền của Bộ được duy trì,
xác thực
|
Thường
xuyên
|
Cục CNTT
|
|
Ngân
sách nhà nước
|
5
|
Trang bị giải pháp đánh giá lỗ hổng
bảo mật cho phần mềm ứng dụng để đảm bảo an toàn thông tin cho phần mềm ứng dụng
trước khi được đưa ra internet khai thác sử dụng
|
Các phần mềm ứng dụng trước khi đưa
ra internet khai thác sử dụng được rà quét, đảm bảo bảo mật, an toàn thông
tin
|
2022
|
Cục CNTT
|
|
Ngân
sách nhà nước
|
6
|
Rà soát, cập nhật, trình phê duyệt
cấp độ an toàn hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý và triển khai phương
án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ
|
Toàn bộ các ứng dụng đang triển
khai tại Bộ được phê duyệt cấp độ về an toàn thông tin
|
Thường
xuyên
|
Cục CNTT
|
Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan
|
Không
sử dụng kinh phí
|
7
|
Thành lập Đối ứng cứu sự cố an toàn
thông tin mạng; tích cực tham gia vào các hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự
cố an toàn thông tin mạng quốc gia; tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin về
sự cố an toàn mạng.
|
- Thành viên Đội ứng cứu sự cố an
toàn thông tin mạng thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
- Thành viên Đội ứng cứu tham gia Mạng
lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia
|
Thực
hiện theo Kế hoạch hoạt động của Đội và khi có yêu cầu của Mạng lưới ứng cứu
sự cố
|
Cục CNTT
|
Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan
|
Không
sử dụng kinh phí
|
1
Ngày 26/11/2021, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1771/QĐ-BTP
Công bố Danh mục thủ tục hành chính thực hiện mức độ 3, 4
tiếp nhận trên Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa
điện tử của Bộ Tư pháp gồm 20 dịch vụ Công trực tuyến mức độ 4, 15 dịch vụ công
trực tuyến mức độ 3