QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON
TUM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính
phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng
6 năm 2013; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và
Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm
2019;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5
năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng
12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng
7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng,
chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống thiên
tai và Luật Đê điều;
Căn cứ Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng
11 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử
dụng vốn đầu tư công;
Căn cứ Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng
4 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về Hợp đồng xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng
3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu
tư xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng
8 năm 2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng
01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng,
thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng
6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa
chọn nhà thầu;
Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng
4 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư công;
Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng
3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng
bảo trợ xã hội;
Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng
01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật
nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;
Căn cứ Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng
01 năm 2020 của Chính phủ quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà
nước;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thống
kê đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra;
Căn cứ Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29 tháng
7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng
và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công; Thông tư số
62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm
soát, thanh toán các khoản chi Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11
tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về phòng chống và khắc phục
hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ; Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT ngày 31
tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải về phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực
đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Tờ trình số 42/TTr-SNN ngày 13 tháng 3 năm 2023, ý kiến thẩm
định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 234/BC-STP ngày 14 tháng 7 năm 2022 và Văn bản
số 274/STP-XDKTr&PBPL ngày 28 tháng 02 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về quy trình khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh
Kon Tum.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 4 năm 2023 và thay thế Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND
ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quy định về
quy trình khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Quyết định số
24/2020/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Quy định về Quy trình khắc phục hậu quả thiên tai trên
địa bàn tỉnh Kon Tum ban hành kèm theo Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND ngày 20
tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Tổ chức thực hiện:
1. Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản
quy phạm pháp luật được viện dẫn tại quy định ban hành kèm theo Quyết định này
được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật
sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng
các sở, ban ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Kon
Tum và Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng
thủ dân sự tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VBPQPL);
- Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN.NVH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Tuấn
|
QUY ĐỊNH
QUY
TRÌNH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Kèm theo Quyết định số 15/2023/QĐ-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Kon Tum)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về trình tự thủ tục hỗ trợ
kinh phí và tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra
trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định áp dụng cho hoạt động khắc phục thiên tai
trong trường hợp cần thiết, cấp bách theo đánh giá của Hội đồng đánh giá, xác định
mức độ thiệt hại đối với các công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thủy
lợi, thông tin, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng
do thiên tai gây ra.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
khắc phục hậu quả thiên tai
1. Xác định được các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách
trong khắc phục hậu quả thiên tai.
2. Chủ động sử dụng nguồn lực tại chỗ để khắc phục
hậu quả thiên tai. Trường hợp thiệt hại do thiên tai gây ra với quy mô lớn,
ngoài khả năng khắc phục của ngành, địa phương mình thì kịp thời đề nghị cấp
trên xem xét hỗ trợ.
3. Đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch,
đúng đối tượng.
4. Ưu tiên hỗ trợ dân sinh, phục hồi sản xuất và khắc
phục khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai và công trình xây dựng thiết yếu.
5. Khôi phục, sửa chữa, xây dựng lại đảm bảo bền vững
hơn.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Báo cáo tình hình thiệt
hại do thiên tai
Khi xảy ra thiên tai và có thiệt hại; các sở, ban
ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn
vị có trách nhiệm nắm bắt tình hình, thực hiện việc báo cáo thống kê theo quy định
tại Điều 7, Điều 8 Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23
tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng
Kế hoạch và Đầu tư gửi về Sở chuyên ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai -
Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (chủ trì) tổng hợp theo dõi
quá trình xác định giá trị thiệt hại, tham mưu đề xuất biện pháp xử lý khắc phục
với các cấp thẩm quyền kịp thời.
Điều 5. Phân loại nhóm công việc
khắc phục thiên tai
1. Các nhóm công việc được xem là cần thiết, cấp
bách cần phải xử lý ngay khi có thiên tai xảy ra sử dụng nguồn kinh phí theo
quy định tại Điều 6 Quyết định này bao gồm các công việc cụ thể sau:
a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu
trợ và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân.
b) Hỗ trợ trực tiếp cho Nhân dân: Hỗ trợ nhà sập, tốc
mái, người chết, bị thương, lương thực, thực phẩm, giống cây trồng, vật nuôi,
khôi phục đất sản xuất, cứu đói, cứu lạnh.
c) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh,
khám chữa bệnh cho Nhân dân.
d) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp các công trình kết
cấu hạ tầng, phúc lợi xã hội như: Đào, đắp đất, đá sụt lở, gia cố cầu, cống đường
giao thông, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, điện năng,
trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, trạm y tế, công trình xây dựng theo lệnh
khẩn cấp nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu khẩn cấp về phòng chống thiên tai, đảm
bảo giao thông, phục vụ sản xuất, ổn định đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, đồng
thời đảm bảo an toàn cho các hạng mục liền kề, nếu không khắc phục kịp thời sẽ
tiếp tục gây hư hỏng, thiệt hại nghiêm trọng hơn; chặt cây bị đỗ ngã, xử lý các
chướng ngại vật trên các tuyến đường giao thông; bảo đảm thông tin liên lạc, điện
sinh hoạt.
2. Nhóm công việc chưa thực sự cấp bách như: Đầu tư
sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình kết cấu hạ tầng, phúc lợi xã hội có
yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công phức tạp nhằm khôi phục lại hiện trạng ban
đầu của công trình, lập dự án di dân, tái định cư thực hiện trong nhiều năm.
Điều 6. Nguồn tài chính khắc phục
hậu quả thiên tai
Nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai tại Điều
5 quy định này, bao gồm: Ngân sách Trung ương hỗ trợ; ngân sách địa phương (Gồm
ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã theo phân cấp);
Quỹ dự trữ tài chính; Quỹ phòng, chống thiên tai; nguồn đóng góp tự nguyện của
tổ chức, cá nhân và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Chương III
TRÌNH TỰ VỀ CƠ CHẾ HỖ TRỢ
KINH PHÍ VÀ TỔ CHỨC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI
Điều 7. Xác định mức độ, giá trị
thiệt hại do thiên tai gây ra
1. Cấp tỉnh
Đơn vị quản lý công trình bị thiệt hại do thiên tai
gây ra cần xử lý, khắc phục sự cố mời Hội đồng đánh giá, xác định mức độ thiệt
hại do thiên tai gây ra đối với các công trình phúc lợi công cộng (Công
trình giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện...) do cấp tỉnh quản lý;
thành phần Hội đồng gồm: Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên
tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, các Sở quản lý chuyên ngành của
tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (Theo địa bàn quản
lý) và đơn vị trực tiếp quản lý công trình.
2. Cấp huyện
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố giao phòng ban
chuyên môn (Căn cứ theo quy định về chức năng, nhiệm vụ) hoặc cơ quan được
giao quản lý công trình bị thiệt hại do thiên tai gây ra có trách nhiệm chủ trì
mời Hội đồng đánh giá, xác định mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với
các công trình phúc lợi công cộng của nhà nước (Công trình giao thông, thủy
lợi, trường học, trạm xá...), tài sản của Nhân dân, các thành phần kinh tế
khác do các huyện quản lý theo quy định của Luật Thống kê, Thông tư liên tịch số
43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thành phần Hội đồng
tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, tính chất công việc, loại hình thiệt hại mà xác
định cho phù hợp, bao gồm: Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên
tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp huyện, các phòng chuyên môn, Ủy
ban nhân dân các xã, phường, trị trấn và đơn vị có liên quan.
3. Nhiệm vụ, trách nhiệm của Hội đồng đánh giá, xác
định mức độ thiệt hại (Cấp huyện và cấp tỉnh)
Kiểm tra, xác minh hiện trạng, đánh giá mức độ thiệt
hại của từng công trình, vụ việc (Có biên bản, sơ họa hoặc hình ảnh minh họa)
theo quy định của Luật Thống kê, Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT BNNPTNT
BKHĐT ngày 23 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sơ bộ đưa ra giải pháp cần khắc phục
ngay để chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý công trình có cơ sở thực hiện, đồng thời
tổng hợp, báo cáo tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, xử
lý.
Điều 8. Trình tự hỗ trợ kinh
phí khắc phục thiên tai
1. Trường hợp thiên tai xảy ra với quy mô lớn vượt
quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, đơn vị thì Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố và các cơ quan đơn vị liên quan: Báo cáo tình hình thiệt hại
do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục (Hồ
sơ gồm có: Tờ trình xin hỗ trợ kinh phí khắc phục thiên tai; Biên bản kiểm tra,
xác minh hiện trạng, đánh giá mức độ thiệt hại, kèm theo hình ảnh thiệt hại)
gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh
(Qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu
nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh) và các Sở liên quan theo quy định của Luật
Phòng chống thiên tai và các quy định pháp luật liên quan; báo cáo tình hình dự
phòng ngân sách cấp huyện, dự phòng ngân sách cấp huyện đã sử dụng, dự phòng
ngân sách cấp huyện còn lại đến thời điểm bị thiên tai gửi Sở Tài chính.
2. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu
nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổng hợp thiệt hại, nhu cầu kinh phí cứu trợ, hỗ trợ
các địa phương, đơn vị theo quy định; đề xuất giải pháp khắc phục thiệt hại và
phương án xử lý, hỗ trợ kinh phí gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các
cơ quan có liên quan để phối hợp tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh
phí cho các địa phương, đơn vị khắc phục hậu quả thiên tai theo phân cấp quản
lý và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí
cho các địa phương, đơn vị thực hiện khắc phục ngay những hạng mục công trình bị
thiệt hại do thiên tai gây ra, các dự án khẩn cấp trên cơ sở văn bản tham mưu đề
xuất của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai
- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh và các cơ quan có liên quan (nếu
có).
Điều 9. Đề xuất giải pháp khắc
phục hậu quả thiên tai
1. Về hỗ trợ gia đình có người chết, mất tích, nhà
bị sập, trôi... do thiên tai gây ra áp dụng theo quy định tại Nghị định số
20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ
giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban
nhân dân tỉnh.
2. Về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để
khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số
12/2018/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum quy định
mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do
thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Kon Tum và các văn bản khác có liên
quan.
3. Về thực hiện các công việc cần thiết, cấp bách:
Trên cơ sở biên bản xác minh hiện trạng, đánh giá mức độ thiệt hại do Hội đồng
đánh giá, xác định mức độ thiệt hại và phân nhóm công việc cần thiết, cấp bách;
nhóm công việc chưa thực sự cấp bách. Chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ
quản lý (Gọi chung là chủ đầu tư) tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền triển
khai thực hiện.
Điều 10. Tổ chức thực hiện khắc
phục thiên tai nhưng chưa được cấp thẩm quyền bố trí kinh phí
1. Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý công trình,
thực hiện cứu trợ, cứu hộ mời Hội đồng đánh giá, xác định mức độ thiệt hại họp
khẩn cấp và lập biên bản, xác định khối lượng công việc thực hiện khắc phục thiệt
hại, khái toán nhu cầu kinh phí và xin chủ trương cấp thẩm quyền thống nhất,
sau đó triển khai thực hiện (Nhiệm vụ thuộc cấp tỉnh quản lý thì xin chủ trương
Ủy ban nhân dân tỉnh; nhiệm vụ thuộc cấp huyện quản lý thì xin chủ trương Ủy
ban nhân dân huyện, thành phố).
2. Trường hợp thiên tai nghiêm trọng như: Bị mất
thông tin liên lạc, sạt lở đất, đá làm tắc đường giao thông; có nguy cơ sập cầu,
cống, vỡ đập, hồ thủy lợi, thủy điện, công trình phòng chống thiên tai cần phải
cứu hộ, cứu nạn tính mạng con người trong điều kiện khẩn cấp nhưng không thể tổ
chức kịp Hội đồng đánh giá, xác định mức độ thiệt hại thì người có trách nhiệm
báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền tổ chức thực hiện như sau:
a) Sở Giao thông vận tải chỉ đạo tổ chức khắc phục
ngay để đảm bảo giao thông thông suốt các công trình giao thông (Thuộc cấp tỉnh
quản lý) và các Quốc lộ được Bộ Giao thông vận tải ủy thác cho địa phương
quản lý (Thực hiện theo Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm
2019 của Bộ Giao thông vận tải về phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai
trong lĩnh vực đường bộ; Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2021
của Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
03/2019/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải về phòng
chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ); Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn chỉ đạo khắc phục ngay các công trình thủy lợi, hồ, đập
thuộc cấp tỉnh quản lý và sau đó báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon
Tum để xem xét xử lý, bổ sung nguồn kinh phí thực hiện. Thủ trưởng các sở,
ngành và địa phương liên quan chịu trách nhiệm toàn diện về việc xác định khối
lượng, biện pháp xử lý cấp bách nêu trên và hình ảnh thiệt hại kèm theo. Các thủ
tục đầu tư theo quy định tại Điều 12 của Quy trình này sẽ được hoàn thiện trong
quá trình thực hiện dự án.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Kon Tum chủ động sử dụng ngân sách cấp huyện tổ chức khắc phục ngay để đảm bảo
giao thông đường huyện lộ, liên xã, công trình thủy lợi thuộc cấp huyện quản
lý; phối hợp với các ngành, lực lượng quân đội, công an trên địa bàn cứu hộ, cứu
nạn kịp thời đối với Nhân dân. Nếu vượt quá khả năng nguồn lực của cấp huyện
thì báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên
tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh để xem xét chỉ đạo, bổ sung
kinh phí thực hiện theo quy định.
c) Các đơn vị, doanh nghiệp quản lý, vận hành công
trình thủy điện, hệ thống thông tin liên lạc, điện năng chịu trách nhiệm và đảm
bảo kinh phí của đơn vị, doanh nghiệp mình để tổ chức khắc phục ngay các sự cố
công trình, thiết bị hư hỏng theo phân cấp quản lý. Phối hợp kịp thời với chính
quyền các cấp để hạn chế tối đa thiệt hại trước, trong và sau khi có thiên tai
xảy ra.
Điều 11. Tổ chức thực hiện khắc
phục thiên tai từ nguồn kinh phí được cấp có thẩm quyền giao
1. Trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum bố trí
kinh phí thực hiện các hạng mục, nhiệm vụ cụ thể thì các đơn vị, địa phương có
trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ được giao theo
quy định.
2. Trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum bố trí
kinh phí tổng thể để thực hiện nhiều nội dung công việc thì Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố Kon Tum, Cơ quan quản lý công trình hoặc cơ quan được giao nhiệm
vụ Chủ đầu tư chủ động rà soát, phân bổ kinh phí được giao và tổ chức thực hiện
khắc phục thiên tai theo quy định; trong đó cần ưu tiên đảm bảo đủ kinh phí thực
hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho Nhân dân theo chế độ nhà nước quy định (Trong đó
nêu rõ danh mục công việc, số kinh phí thực hiện) và chịu trách nhiệm toàn
diện về nội dung công việc, kinh phí phân bổ. Kết quả phân bổ kinh phí gửi về Sở
Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ huy Phòng chông thiên tai - Tìm kiếm
cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh để theo dõi tham mưu, xử lý chung.
Điều 12. Trình tự, thủ tục đầu
tư xây dựng công trình, hạng mục công trình khẩn cấp và thực hiện các công việc
khắc phục thiên tai cấp bách sử dụng vốn ngân sách nhà nước
1. Đối với công trình, hạng mục công trình khẩn cấp
sử dụng vốn nhà nước cấp tỉnh:
a) Đối với công trình, hạng mục công trình khẩn cấp
có tổng mức vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài đầu
tư công; vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác
theo quy định để sửa chữa công trình, thiết bị công trình:
Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 35
Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ Quy định chi
tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công
trình xây dựng và các quy định pháp luật liên quan.
b) Đối với công trình, hạng mục công trình khẩn cấp
sử dụng vốn đầu tư công (Không phân biệt tổng mức đầu tư); dự án sử dụng
vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên (Trừ
trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này):
Ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp: Trên cơ
sở biên bản kiểm tra, xác minh hiện trạng, đánh giá mức độ thiệt hại do Hội đồng
xác định, Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình lập tờ trình (Gồm
các nội dung: mục đích xây dựng, địa điểm xây dựng, người được giao quản lý, thực
hiện xây dựng công trình, thời gian xây dựng công trình, dự kiến chi phí và nguồn
lực thực hiện, các yêu cầu cần thiết khác có liên quan) gửi Sở Kế hoạch và
Đầu tư để tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành lệnh xây dựng
công trình khẩn cấp (Theo khoản 1 Điều 58 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03
tháng 3 năm 2021 của Chính phủ).
Lựa chọn nhà thầu thi công, tổ chức thi công: Người
được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình (Chủ đầu tư) được tự
quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng khi có Lệnh xây dựng
công trình khẩn cấp được ban hành (Áp dụng theo khoản 3 Điều 58 của Nghị định
số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ), bao gồm: Giao tổ
chức, cá nhân thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng
và các công việc cần thiết khác phục vụ xây dựng công trình khẩn cấp; quyết định
về trình tự thực hiện khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng; quyết định về việc
giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu của
lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.
Lập thẩm định, phê duyệt dự án/công trình khẩn cấp (Áp
dụng theo Điều 42 của Luật Đầu tư công); Người được giao quản lý, thực hiện
xây dựng công trình trong quá trình thi công xây dựng hoàn thiện việc lập, thẩm
định phê duyệt dự án/công trình khẩn cấp. Chủ đầu tư tổ chức khảo sát lập báo
cáo đề xuất dự án trình cơ quan quản lý chuyên ngành để thẩm định về giải pháp
thiết kế, tổng mức đầu tư của đề xuất dự án. Trên cơ sở kết quả thẩm định của
cơ quan quản lý chuyên ngành, chủ đầu tư hoàn chỉnh báo cáo đề xuất dự án, gửi
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thẩm
định đề xuất dự án theo quy định. Chủ đầu tư hoàn chỉnh lại báo cáo đề xuất dự
án (nếu có) trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phê duyệt theo
quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh (Hồ sơ sau khi hoàn chỉnh được gửi cho Sở
Kế hoạch và Đầu tư để kiểm tra, rà soát và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt).
Hoàn thiện hồ sơ (Áp dụng theo khoản 4 Điều 58 của
Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ): Sau khi
kết thúc thi công xây dựng công trình khẩn cấp, người được giao xây dựng công
trình khẩn cấp có trách nhiệm tổ chức lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công
trình, bao gồm: Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp; các tài liệu khảo sát xây dựng
(nếu có); thiết kế điển hình hoặc thiết kế bản vẽ thi công (nếu có);
nhật ký thi công xây dựng công trình và các hình ảnh ghi nhận quá trình thi
công xây dựng công trình (nếu có); các biên bản nghiệm thu, kết quả thí
nghiệm, quan trắc, đo đạc (nếu có); hồ sơ quản lý vật liệu xây dựng, sản
phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng (nếu có); bản vẽ
hoàn công; phụ lục các tồn tại cần sửa chữa, khắc phục (nếu có) sau khi
đưa công trình xây dựng vào sử dụng; biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình
xây dựng giữa chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan quản lý nhà nước có liên
quan; các căn cứ, cơ sở để xác định khối lượng công việc hoàn thành và các hồ
sơ, văn bản, tài liệu khác có liên quan hoạt động đầu tư xây dựng công trình khẩn
cấp.
2. Đối với công trình, hạng mục công trình khẩn cấp
sử dụng vốn nhà nước cấp huyện, cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp
xã căn cứ Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan
tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.
3. Đối với nhóm công việc: Mua lương thực, thực phẩm,
thuốc men, cứu trợ, hỗ trợ cho Nhân dân thì cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý tiến
hành lập dự trù số lượng và kinh phí trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định để
thực hiện theo quy định.
4. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và các đơn vị
có liên quan:
a) Hướng dẫn các đơn vị về trình tự, thủ tục lập hồ
sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đối với
các công trình do thiên tai gây ra theo quy định.
b) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội
đồng nhân dân tỉnh việc thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp tại kỳ họp gần nhất
(Theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Đầu tư công). Tổng hợp, bổ sung các
dự án đầu tư công khẩn cấp vào các đợt rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công
trung hạn, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh theo
quy định.
5. Giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Cơ
quan thường trực về Phòng chống thiên tai) chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan hướng dẫn nội dung Báo cáo đề
xuất dự án khẩn cấp.
Điều 13. Cấp phát, nghiệm thu,
thanh quyết toán kinh phí
1. Cấp phát, thanh toán kinh phí
a) Cơ quan tài chính, cơ quan quản lý vốn đầu tư
công: Trên cơ sở quyết định giao kinh phí của cấp có thẩm quyền, lập thủ tục cấp
kinh phí, thông báo chi tiết kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư hoặc các đơn vị, địa
phương theo các văn bản quy định hiện hành.
b) Kho bạc nhà nước thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng,
thanh toán:
Đối với Dự án đầu tư công khẩn cấp: Thực hiện tạm ứng,
thu hồi tạm ứng, thanh toán theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP
ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ.
Đối với các dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước
ngoài đầu tư công và vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên: Thực hiện theo
đúng quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của
Chính phủ quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Thông tư
số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn
kiểm soát, thanh toán các khoản chi Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Đối với các dự án, công trình sử dụng nguồn Quỹ dự
trữ tài chính, Quỹ phòng, chống thiên tai; nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức,
cá nhân; nguồn tài chính hợp pháp khác thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Công tác nghiệm thu
Công tác nghiệm thu khối lượng công việc, công
trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật
hiện hành. Hội đồng nghiệm thu bao gồm là thành viên Hội đồng xác định, đánh
giá mức độ thiệt hại (Cấp huyện, cấp tỉnh), ngoài ra có sự tham gia của
đại diện Cơ quan quản lý chuyên ngành, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng
chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân địa
phương sở tại và các đơn vị có liên quan đối với những công trình thiệt hại với
quy mô lớn vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương để khắc phục.
3. Quyết toán kinh phí
a) Đối với công trình, hạng mục công trình khẩn cấp
có tổng mức vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài đầu
tư công và vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên để sửa chữa công trình, thiết
bị công trình: Các cơ quan, đơn vị tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán hàng
năm theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2017 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; Thông tư
số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định
xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm và các văn bản liên
quan.
b) Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công (không
phân biệt tổng mức đầu tư) và dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công
và vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên (Trừ trường hợp quy định tại điểm
a khoản 3 Điều này): Chủ đầu tư hoặc các đơn vị, địa phương được giao xây dựng
công trình khẩn cấp có trách nhiệm quyết toán vốn đầu tư xây dựng theo quy định
của Chính phủ tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 về quản
lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm
2021 về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và các
văn bản hướng dẫn có liên quan theo quy định.
c) Đối với nhóm công việc: Mua lương thực, thực phẩm,
thuốc men, cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân thì các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm
có trách nhiệm quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Đối với công trình
chưa thực sự cấp bách
Đầu tư xây dựng mới công trình kết cấu hạ tầng,
phúc lợi xã hội có yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công phức tạp nhằm khôi phục
lại hiện trạng ban đầu của công trình, lập dự án di dân, tái định cư được thực
hiện trong nhiều năm các chủ đầu tư lập dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt
theo phân cấp và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về Luật Đầu tư
công.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Chế độ báo cáo nguồn
kinh phí khắc phục thiên tai
Các địa phương, đơn vị, các cơ quan, ban ngành khi
được giao kinh phí và nhiệm vụ để khắc phục hậu quả thiên tai phải báo cáo nguồn
kinh phí được phân bổ, tình hình và kết quả xử lý về Sở Tài chính, Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ
dân sự tỉnh (Qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai -
Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh) biết để theo dõi, kiểm tra và
giám sát việc thực hiện.
Điều 16. Điều khoản thi hành
1. Các sở, ban ngành, các đơn vị có liên quan và Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố Kon Tum nghiêm túc thực hiện quy định này;
trường hợp có hành vi cố ý gây thất thoát, lãng phí tài sản, sử dụng kinh phí
không đúng mục đích, đối tượng hoặc thực hiện không đúng các quy định, tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc,
các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Kon Tum và các đơn vị
có liên quan phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường
trực về phòng chống thiên tai) để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định
pháp luật hiện hành./.