Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT Quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa

Số hiệu: 05/2015/TT-BKHĐT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Người ký: Bùi Quang Vinh
Ngày ban hành: 16/06/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa

Ngày 16/6/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá. Theo đó:

- Các mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa được ban hành kèm theo Thông tư này.

- Đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa sử dụng vốn ODA, nếu được nhà tài trợ chấp thuận thì áp dụng theo mẫu số 01 hoặc 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Đối với trường hợp đấu thầu quốc tế, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, việc lập hồ sơ mời thầu phải chỉnh sửa phù hợp theo quy định của Luật đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP .

- Đối với gói thầu quy mô nhỏ, trường hợp thấy cần áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ thì phải trình người có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/8/2015 và thay thế Thông tư 05/2010/TT-BKH .

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2015/TT-BKHĐT

Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT LẬP HỒ SƠ MỜI THẦU MUA SẮM HÀNG HÓA

Căn cứ Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định chi tiết việc lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, trừ gói thầu mua thuốc quy định tại điểm g khoản 1 Điều 1 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13. Cụ thể như sau:

a) Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa số 01 (Mẫu số 01) áp dụng cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước với phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một túi hồ sơ;

b) Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa số 02 (Mẫu số 02) áp dụng cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước với phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ.

2. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước (NCB) thuộc các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của ADB, WB thì áp dụng mẫu hồ sơ mời thầu NCB do ADB và WB ban hành bằng tiếng Việt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Thông tư này.

Điều 3. Áp dụng các Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa

1. Các Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư này được xây dựng trên cơ sở quy định của pháp luật đấu thầu Việt Nam, đồng thời tham khảo các quy định về đấu thầu của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bên tham gia vào hoạt động lựa chọn nhà thầu, tăng cường hơn nữa tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.

2. Đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa sử dụng vốn ODA, nếu được các nhà tài trợ chấp thuận thì áp dụng theo Mẫu số 01 hoặc Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc có thể sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo quy định về đấu thầu trong điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với nhà tài trợ đó.

3. Đối với trường hợp đấu thầu quốc tế, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập hồ sơ mời thầu phải chỉnh sửa quy định về giá dự thầu, ngôn ngữ, đồng tiền, ưu đãi, thời gian trong đấu thầu và các nội dung liên quan khác cho phù hợp với quy định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP .

4. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa quy mô nhỏ, căn cứ tính chất của gói thầu, trường hợp chủ đầu tư xét thấy cần áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ thì phải trình người có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và sử dụng Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này để lập hồ sơ mời thầu.

5. Khi lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, tổ chức, cá nhân phải:

a) Áp dụng Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư này và căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế;

b) Căn cứ nhu cầu sử dụng của hàng hóa để đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật (đặc tính, thông số kỹ thuật…) bảo đảm đáp ứng về công năng, phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế và năng lực kinh doanh cũng như điều kiện của thị trường;

c) Không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử; trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì có thể nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) mà không được quy định tương đương về xuất xứ.

d) Không được chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu về Chỉ dẫn nhà thầu và Điều kiện chung của hợp đồng; đối với các nội dung khác có thể chỉnh sửa cho phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu. Trường hợp có chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu thì tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu phải bảo đảm việc chỉnh sửa đó là phù hợp, khoa học, chặt chẽ hơn so với quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu và không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời thầu phải nêu rõ các nội dung chỉnh sửa so với quy định trong Mẫu hồ sơ mời thầu và lý do chỉnh sửa để chủ đầu tư xem xét, quyết định.

6. Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, căn cứ quy mô và tính chất của gói thầu có thể chỉnh sửa quy định tại các Mẫu hồ sơ mời thầu nêu trên để áp dụng cho phù hợp.

Điều 4. Áp dụng các quy định về thuế, phí, lệ phí

1. Giá dự thầu của nhà thầu phải bao gồm toàn bộ các chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu, trong đó có thuế, phí, lệ phí (nếu có). Thuế, phí, lệ phí được áp theo thuế suất, mức phí, lệ phí theo quy định tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu.

2. Đối với đấu thầu trong nước, khi đánh giá về giá phải xem xét cả chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có).

3. Đối với đấu thầu quốc tế, khi đánh giá về giá không xem xét và không đưa vào để so sánh, xếp hạng nhà thầu đối với chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có). Trường hợp nhà thầu được xếp hạng thứ nhất thì chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có) sẽ được xác định cụ thể trong bước thương thảo hợp đồng. Giá đề nghị trúng thầu, giá hợp đồng phải bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có).

Điều 5. Hợp đồng

1. Loại hợp đồng áp dụng chủ yếu cho gói thầu mua sắm hàng hóa là hợp đồng trọn gói. Trường hợp hàng hóa có tính đặc thù, phức tạp, quy mô lớn và thời gian thực hiện hợp đồng trên 18 tháng thì có thể áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Khi áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, hồ sơ mời thầu phải quy định rõ công thức điều chỉnh giá; trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp có thay đổi về đơn giá và cần phải điều chỉnh giá hợp đồng thì nhà thầu phải chứng minh được các yếu tố dẫn đến sự thay đổi về đơn giá đó.

2. Hồ sơ mời thầu phải bao gồm Mẫu hợp đồng và quy định chi tiết các điều, khoản của hợp đồng để nhà thầu làm cơ sở chào thầu và để các bên làm cơ sở thương thảo, hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

3. Hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với nhà thầu phải tuân thủ theo Mẫu hợp đồng, các điều kiện hợp đồng quy định trong hồ sơ mời thầu và các hiệu chỉnh, bổ sung do nhà thầu đề xuất được chủ đầu tư chấp thuận trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng nhưng bảo đảm không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 6. Giấy phép bán hàng của nhà sản xuất

1. Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

2. Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế và các dịch vụ liên quan khác thì trong hồ sơ mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. Trường hợp trong hồ sơ dự thầu, nhà thầu không đóng kèm giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm làm rõ, bổ sung trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu. Bên mời thầu phải có trách nhiệm tiếp nhận tài liệu bổ sung do nhà thầu gửi đến để đánh giá. Nhà thầu chỉ được trao hợp đồng sau khi đã đệ trình cho chủ đầu tư giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

3. Trường hợp trong nội dung giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu làm rõ về các nội dung này để có đầy đủ thông tin phục vụ việc đánh giá hồ sơ dự thầu mà không được loại ngay hồ sơ dự thầu của nhà thầu.

4. Trường hợp các nhà sản xuất, các đại lý, nhà phân phối cố tình không cung cấp cho nhà thầu giấy phép bán hàng hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương mà không có lý do chính đáng, không tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại và cạnh tranh, dẫn đến tạo lợi thế hoặc tạo sự độc quyền cho nhà thầu khác thì nhà thầu cần kịp thời phản ánh đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương để kịp thời xử lý.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2015. Thông tư này thay thế Thông tư số 05/2010/TT-BKH ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm hàng hóa.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân có liên quan gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời hướng dẫn./.

 

 

Nơi nhận:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Công báo;
- Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam;
- Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam;
- Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, Cục QLĐT (CL)

BỘ TRƯỞNG




Bùi Quang Vinh

 

MẪU

HỒ SƠ MỜI THẦU

MUA SẮM HÀNG HÓA

ÁP DỤNG PHƯƠNG THỨC MỘT GIAI ĐOẠN MỘT TÚI HỒ SƠ

(Mẫu số 01)

 

(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 6 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa)

 

 

 

 

 

HỒ SƠ MỜI THẦU

 

 

 

Số hiệu gói thầu:

_________________

Tên gói thầu:

_________________

Dự án:

_________________

[ghi số hiệu gói thầu, tên gói thầu và tên dự án theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu]

Phát hành ngày:

_________________

[ghi ngày bắt đầu phát hành hồ sơ mời thầu cho nhà thầu]

Ban hành kèm theo Quyết định:

_________________

[ghi số quyết định, ngày phát hành quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu]

 

Tư vấn lập hồ sơ mời thầu

(nếu có)

[ghi tên, đóng dấu]

Bên mời thầu

[ghi tên, đóng dấu]

 

MỤC LỤC

Mô tả tóm tắt . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Từ ngữ viết tắt . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Phần 1. THỦ TỤC ĐẤU THẦU. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương I. Chỉ dẫn nhà thầu . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương II. Bảng dữ liệu đấu thầu . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương III. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương IV. Biểu mẫu dự thầu. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Phần 2. YÊU CẦU VỀ PHẠM VI CUNG CẤP. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương V. Phạm vi cung cấp. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Phần 3. ĐIỀU KIỆN HỢP ĐỒNG VÀ BIỂU MẪU HỢP ĐỒNG. . . . . . . . .

Chương VI. Điều kiện chung của hợp đồng. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương VII. Điều kiện cụ thể của hợp đồng . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương VIII. Biểu mẫu hợp đồng . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Phần 4. PHỤ LỤC . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

MÔ TẢ TÓM TẮT

Phần 1. THỦ TỤC ĐẤU THẦU

Chương I. Chỉ dẫn nhà thầu

Chương này cung cấp thông tin nhằm giúp nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Thông tin bao gồm các quy định về việc chuẩn bị, nộp hồ sơ dự thầu, mở thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu và trao hợp đồng. Chỉ được sử dụng mà không được sửa đổi các quy định tại Chương này.

Chương II. Bảng dữ liệu đấu thầu

Chương này quy định cụ thể các nội dung của Chương I khi áp dụng đối với từng gói thầu.

Chương III. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu

Chương này bao gồm các tiêu chí để đánh giá hồ sơ dự thầu và đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu để thực hiện gói thầu.

Chương IV. Biểu mẫu dự thầu

Chương này bao gồm các biểu mẫu mà nhà thầu sẽ phải hoàn chỉnh để thành một phần nội dung của hồ sơ dự thầu.

Phần 2. YÊU CẦU VỀ PHẠM VI CUNG CẤP

Chương V. Phạm vi cung cấp

Chương này bao gồm phạm vi, tiến độ cung cấp hàng hóa, dịch vụ liên quan mà nhà thầu phải thực hiện; yêu cầu về kỹ thuật và bản vẽ để mô tả các đặc tính kỹ thuật của hàng hóa và dịch vụ liên quan; các nội dung về kiểm tra và thử nghiệm hàng hóa (nếu có).

Phần 3. ĐIỀU KIỆN HỢP ĐỒNG VÀ BIỂU MẪU HỢP ĐỒNG

Chương VI. Điều kiện chung của hợp đồng

Chương này gồm điều khoản chung được áp dụng cho tất cả các hợp đồng của các gói thầu khác nhau. Chỉ được sử dụng mà không được sửa đổi các quy định tại Chương này.

Chương VII. Điều kiện cụ thể của hợp đồng

Chương này bao gồm dữ liệu hợp đồng và Điều kiện cụ thể, trong đó có điều khoản cụ thể cho mỗi hợp đồng. Điều kiện cụ thể của hợp đồng nhằm sửa đổi, bổ sung nhưng không được thay thế Điều kiện chung của Hợp đồng.

Chương VIII. Biểu mẫu hợp đồng

Chương này gồm các biểu mẫu mà sau khi được hoàn chỉnh sẽ trở thành một bộ phận cấu thành của hợp đồng. Các mẫu bảo lãnh thực hiện hợp đồng (Thư bảo lãnh) và Bảo lãnh tiền tạm ứng (nếu có yêu cầu về tạm ứng) do nhà thầu trúng thầu hoàn chỉnh trước khi hợp đồng có hiệu lực.

Phần 4. PHỤ LỤC

Các ví dụ Bảng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật.

 

TỪ NGỮ VIẾT TẮT

CDNT

Chỉ dẫn nhà thầu

BDL

Bảng dữ liệu đấu thầu

HSMT

Hồ sơ mời thầu

HSDT

Hồ sơ dự thầu

ĐKC

Điều kiện chung của hợp đồng

ĐKCT

Điều kiện cụ thể của hợp đồng

VND

đồng Việt Nam

USD

đô la Mỹ

EUR

đồng tiền chung Châu Âu

 

Phần 1. THỦ TỤC ĐẤU THẦU

Chương I. CHỈ DẪN NHÀ THẦU

1. Phạm vi gói thầu

1.1. Bên mời thầu quy định tại BDL phát hành bộ HSMT này để lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm hàng hóa được mô tả trong Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp.

1.2. Tên gói thầu; số hiệu, số lượng các phần (trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập) thuộc gói thầu quy định tại BDL.

 

2. Nguồn vốn

Nguồn vốn (hoặc phương thức thu xếp vốn) để sử dụng cho gói thầu được quy định tại BDL.

 

3. Hành vi bị cấm

3.1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

3.2. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.

3.3. Thông thầu, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;

b) Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị HSDT cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;

c) Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.

3.4. Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;

b) Cá nhân trực tiếp đánh giá HSDT, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu;

c) Nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong HSDT làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

3.5. Cản trở, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa, quấy rối hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng đối với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;

b) Các hành vi cản trở đối với nhà thầu, cơ quan có thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

3.6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu đối với gói thầu do mình làm Bên mời thầu, Chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của Bên mời thầu, Chủ đầu tư;

b) Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định HSMT đối với cùng một gói thầu;

c) Tham gia đánh giá HSDT đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với cùng một gói thầu;

d) Là cá nhân thuộc Bên mời thầu, Chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc là người đứng đầu Chủ đầu tư, Bên mời thầu đối với các gói thầu do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu tham dự thầu;

đ) Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó;

e) Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án do Chủ đầu tư, Bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó;

g) Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13;

h) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT;

i) Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

3.7. Tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin sau đây về quá trình lựa chọn nhà thầu, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 7 Điều 73, khoản 12 Điều 74, điểm i khoản 1 Điều 75, khoản 7 Điều 76, khoản 7 Điều 78, điểm d khoản 2 Điều 92 của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13:

a) Nội dung HSMT trước thời điểm phát hành theo quy định;

b) Nội dung HSDT, sổ tay ghi chép, biên bản cuộc họp xét thầu, các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với từng HSDT trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

c) Nội dung yêu cầu làm rõ HSDT của Bên mời thầu và trả lời của nhà thầu trong quá trình đánh giá HSDT trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

d) Báo cáo của Bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo thẩm định, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

đ) Kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi được công khai theo quy định;

e) Các tài liệu khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu được đóng dấu mật theo quy định của pháp luật.

3.8. Chuyển nhượng thầu, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết;

b) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

3.9. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.

4. Tư cách hợp lệ của nhà thầu[1]

4.1. Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu đang hoạt động cấp[2].

4.2. Hạch toán tài chính độc lập.

4.3. Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật.

4.4. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại BDL.

4.5. Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

4.6. Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại BDL.

 

5. Tính hợp lệ của hàng hóa, dịch vụ liên quan

5.1. Tất cả các hàng hóa và dịch vụ liên quan được coi là hợp lệ nếu có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp.

5.2. Thuật ngữ “hàng hóa” được hiểu bao gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; hàng tiêu dùng; vật tư y tế dùng cho các cơ sở y tế.

Thuật ngữ “xuất xứ” được hiểu là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

Thuật ngữ “các dịch vụ liên quan” bao gồm các dịch vụ như   bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác như đào tạo, chuyển giao công nghệ…

5.3. Để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa và dịch vụ liên quan theo quy định tại Mục 5.1 CDNT, nhà thầu cần nêu rõ xuất xứ của hàng hóa, ký mã hiệu, nhãn mác của hàng hóa và các tài liệu kèm theo để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa theo quy định tại BDL.

 

6. Nội dung của HSMT

6.1. HSMT gồm có các Phần 1, 2, 3 và cùng với tài liệu sửa đổi HSMT theo quy định tại Mục 8 CDNT (nếu có), trong đó cụ thể bao gồm các nội dung sau đây:

Phần 1. Thủ tục đấu thầu:

- Chương I. Chỉ dẫn nhà thầu;

- Chương II. Bảng dữ liệu đấu thầu;

- Chương III. Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

- Chương IV. Biểu mẫu dự thầu.

Phần 2. Yêu cầu về phạm vi cung cấp:

- Chương V. Phạm vi cung cấp.

Phần 3. Điều kiện hợp đồng và Biểu mẫu hợp đồng:

- Chương VI. Điều kiện chung của hợp đồng;

- Chương VII. Điều kiện cụ thể của hợp đồng;

- Chương VIII. Biểu mẫu hợp đồng.

6.2. Thư mời thầu/thông báo mời thầu do Bên mời thầu phát hành hoặc cung cấp không phải là một phần của HSMT.

6.3. Bên mời thầu sẽ không chịu trách nhiệm về tính chính xác, hoàn chỉnh của HSMT, tài liệu giải thích làm rõ HSMT, biên bản hội nghị tiền đấu thầu (nếu có) hay các tài liệu sửa đổi HSMT theo quy định tại Mục 8 CDNT nếu các tài liệu này không được cung cấp bởi Bên mời thầu. Các tài liệu do nhà thầu nhận được nếu có mâu thuẫn về nội dung thì tài liệu do Bên mời thầu phát hành sẽ có ý nghĩa quyết định.

6.4. Nhà thầu phải nghiên cứu mọi thông tin chỉ dẫn, biểu mẫu, yêu cầu về phạm vi cung cấp và các yêu cầu khác trong HSMT để chuẩn bị lập HSDT của mình bao gồm tất cả thông tin hay tài liệu theo yêu cầu của HSMT.

 

7. Làm rõ HSMT

7.1. Trong trường hợp cần làm rõ HSMT, nhà thầu phải gửi văn bản đề nghị làm rõ đến Bên mời thầu hoặc đặt câu hỏi trong hội nghị tiền đấu thầu (nếu có). Khi Bên mời thầu nhận được đề nghị làm rõ HSMT của nhà thầu trước thời điểm đóng thầu tối thiểu một số ngày theo quy định tại BDL, Bên mời thầu phải có văn bản trả lời tất cả các yêu cầu làm rõ HSMT. Bên mời thầu sẽ gửi văn bản làm rõ HSMT cho nhà thầu có yêu cầu làm rõ HSMT và tất cả nhà thầu khác đã nhận HSMT từ Bên mời thầu, trong đó mô tả nội dung yêu cầu làm rõ nhưng không nêu tên nhà thầu đề nghị làm rõ. Trường hợp việc làm rõ dẫn đến phải sửa đổi HSMT thì Bên mời thầu phải tiến hành sửa đổi HSMT theo thủ tục quy định tại Mục 8 và Mục 22.2 CDNT.

7.2. Trong trường hợp cần thiết, Bên mời thầu tổ chức hội nghị tiền đấu thầu để trao đổi về những nội dung trong HSMT mà các nhà thầu thấy chưa rõ. Nội dung trao đổi sẽ được Bên mời thầu ghi lại thành biên bản và lập thành văn bản làm rõ HSMT, gửi cho tất cả nhà thầu đã mua hoặc nhận HSMT từ Bên mời thầu. Trong trường hợp HSMT cần phải được sửa đổi sau khi tổ chức hội nghị tiền đấu thầu, Bên mời thầu sẽ phát hành văn bản sửa đổi HSMT như quy định tại Mục 8 CDNT, biên bản hội nghị tiền đấu thầu không phải là văn bản sửa đổi HSMT. Việc không tham gia hội nghị tiền đấu thầu không phải là lý do để loại nhà thầu.

 

8. Sửa đổi HSMT

8.1. Việc sửa đổi HSMT được thực hiện trước thời điểm đóng thầu thông qua việc phát hành văn bản sửa đổi HSMT.

8.2. Văn bản sửa đổi HSMT được coi là một phần của HSMT và phải được thông báo bằng văn bản tới tất cả các nhà thầu đã nhận HSMT từ Bên mời thầu.

8.3. Thời gian gửi văn bản sửa đổi HSMT đến các nhà thầu đã nhận HSMT từ Bên mời thầu theo thời gian quy định tại BDL. Nhằm giúp nhà thầu có đủ thời gian hợp lý để sửa đổi HSDT, Bên mời thầu có thể quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22.2 CDNT. Nhà thầu phải thông báo bằng văn bản cho Bên mời thầu là đã nhận được tài liệu sửa đổi đó bằng một trong các cách sau: gửi văn bản trực tiếp, theo đường bưu điện, fax hoặc e-mail.

 

9. Chi phí dự thầu

Nhà thầu phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc chuẩn bị và nộp HSDT. Trong mọi trường hợp, Bên mời thầu sẽ không phải chịu trách nhiệm về các chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu.

 

10. Ngôn ngữ của HSDT[3]

HSDT cũng như tất cả thư từ và tài liệu liên quan đến HSDT được trao đổi giữa nhà thầu với Bên mời thầu được viết bằng tiếng Việt. Các tài liệu và tư liệu bổ trợ trong HSDT có thể được viết bằng ngôn ngữ khác, đồng thời kèm theo bản dịch sang tiếng Việt. Trường hợp thiếu bản dịch, nếu cần thiết, Bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu gửi bổ sung.

 

11. Thành phần  của HSDT

HSDT phải bao gồm các thành phần sau:

11.1. Đơn dự thầu theo quy định tại Mục 12 CDNT;

11.2. Thỏa thuận liên danh đối với trường hợp nhà thầu liên danh theo Mẫu số 03 Chương IV - Biểu mẫu dự thầu;

11.3. Bảo đảm dự thầu theo quy định tại Mục 19 CDNT;

11.4. Tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ của nhà thầu theo quy định tại Mục 4 CDNT;

11.5. Tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ của người ký đơn dự thầu theo quy định tại Mục 20.3 CDNT;

11.6. Tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu theo quy định tại Mục 17 CDNT;

11.7. Đề xuất về kỹ thuật và các tài liệu chứng minh sự phù hợp của hàng hóa và dịch vụ liên quan theo quy định tại Mục 16 CDNT;

11.8. Đề xuất về giá và các bảng biểu được ghi đầy đủ thông tin theo quy định tại Mục 12 và Mục 14 CDNT;

11.9. Đề xuất phương án kỹ thuật thay thế theo quy định tại Mục 13 CDNT;

11.10. Các nội dung khác theo quy định tại BDL.

 

12. Đơn dự thầu và các bảng biểu 

Nhà thầu phải lập đơn dự thầu và các bảng biểu tương ứng theo mẫu quy định tại Chương IV - Biểu mẫu dự thầu.

 

13. Đề xuất phương án kỹ thuật thay thế trong HSDT

13.1. Trường hợp HSMT có quy định tại BDL về việc nhà thầu có thể đề xuất phương án kỹ thuật thay thế thì phương án kỹ thuật thay thế đó mới được xem xét.

13.2. Phương án kỹ thuật thay thế chỉ được xem xét khi phương án chính được đánh giá là đáp ứng yêu cầu và nhà thầu được xếp hạng thứ nhất. Trong trường hợp này, nhà thầu phải cung cấp tất cả các thông tin cần thiết để Bên mời thầu có thể đánh giá phương án kỹ thuật thay thế, bao gồm: thuyết minh, bản vẽ, thông số kỹ thuật, tiến độ cung cấp và các thông tin liên quan khác. Việc đánh giá đề xuất phương án kỹ thuật thay thế trong HSDT thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

 

14. Giá dự thầu và giảm giá

14.1. Giá dự thầu là giá do nhà thầu ghi trong đơn dự thầu, bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện gói thầu (chưa tính giảm giá) theo yêu cầu quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp.

14.2. Nhà thầu phải nộp HSDT cho toàn bộ công việc được mô tả trong Mục 1.1 CDNT và ghi đơn giá dự thầu, thành tiền cho tất cả các công việc nêu trong các cột “Danh mục hàng hóa”, “Mô tả dịch vụ” theo các mẫu tương ứng quy định tại Chương IV - Biểu mẫu dự thầu.

Trường hợp tại cột “đơn giá dự thầu” và cột “thành tiền” nhà thầu không ghi giá trị hoặc ghi là “0” thì được coi là nhà thầu đã phân bổ giá của hàng hóa, dịch vụ này vào các hàng hóa, dịch vụ khác thuộc gói thầu, nhà thầu phải có trách nhiệm cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo đúng yêu cầu nêu trong HSMT và không được Chủ đầu tư thanh toán trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trong mỗi Bảng giá, nhà thầu phải chào theo quy định tại BDL.

14.3. Trường hợp nhà thầu có đề xuất giảm giá thì có thể ghi trực tiếp vào đơn dự thầu hoặc đề xuất riêng trong thư giảm giá. Trường hợp giảm giá, nhà thầu phải nêu rõ nội dung và cách thức giảm giá vào các hạng mục cụ thể nêu trong cột “Danh mục hàng hóa”, “Mô tả dịch vụ”. Trường hợp không nêu rõ cách thức giảm giá thì được hiểu là giảm đều theo tỷ lệ cho tất cả hạng mục nêu trong cột “Danh mục hàng hóa”, “Mô tả dịch vụ”. Trường hợp có thư giảm giá thì thư giảm giá có thể để cùng trong HSDT hoặc nộp riêng song phải bảo đảm Bên mời thầu nhận được trước thời điểm đóng thầu. Trường hợp thư giảm giá nộp riêng thì thực hiện như quy định tại Mục 21.2 và Mục 21.3 CDNT. Thư giảm giá sẽ được Bên mời thầu bảo quản như một phần của HSDT và được mở đồng thời cùng HSDT của nhà thầu.

14.4. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về giá dự thầu để thực hiện hoàn thành các công việc theo đúng yêu cầu nêu trong HSMT, trường hợp nhà thầu có đơn giá bất thường, Bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu làm rõ về cơ cấu đơn giá đó theo quy định tại Mục 27 CDNT.

Giá dự thầu của nhà thầu phải bao gồm toàn bộ các khoản thuế, phí, lệ phí (nếu có) áp theo thuế suất, mức phí, lệ phí tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định. Trường hợp nhà thầu tuyên bố giá dự thầu không bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có) thì HSDT của nhà thầu sẽ bị loại.

14.5. Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần độc lập và cho phép dự thầu theo từng phần như quy định tại BDL thì nhà thầu có thể dự thầu một hoặc nhiều phần của gói thầu. Nhà thầu phải dự thầu đầy đủ các hạng mục trong phần mà mình tham dự. Trường hợp nhà thầu có đề xuất giảm giá, phải nêu rõ cách thức và giá trị giảm giá cụ thể cho từng phần theo Mục 14.3 CDNT.

14.6. Trường hợp nhà thầu phát hiện khối lượng của các hạng mục công việc nêu trong cột “Danh mục hàng hóa”, “Mô tả dịch vụ” chưa chính xác so với thiết kế hoặc yêu cầu nêu tại Mục 1 Phần 2 - Yêu cầu phạm vi cung cấp, nhà thầu có thể thông báo cho Bên mời thầu và lập một bảng chào giá riêng cho phần khối lượng sai khác này để Bên mời thầu xem xét. Nhà thầu không được tính toán phần khối lượng sai khác này vào giá dự thầu.

 

15. Đồng tiền dự thầu và đồng tiền thanh toán[4]

Đồng tiền dự thầu và đồng tiền thanh toán là VND.

 

16. Tài liệu chứng minh sự phù hợp của hàng hóa, dịch vụ liên quan

16.1. Để chứng minh sự phù hợp của hàng hóa và dịch vụ liên quan so với yêu cầu của HSMT, nhà thầu phải cung cấp các tài liệu là một phần của HSDT để chứng minh rằng hàng hóa mà nhà thầu cung cấp đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật quy định tại Chương V - Phạm vi cung cấp.

16.2. Tài liệu chứng minh sự phù hợp của hàng hóa và dịch vụ liên quan có thể là hồ sơ, giấy tờ, bản vẽ, số liệu được mô tả chi tiết theo từng khoản mục về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng cơ bản của hàng hóa và dịch vụ liên quan, qua đó chứng minh sự đáp ứng cơ bản của hàng hóa, dịch vụ so với các yêu cầu của HSMT và một bảng kê những điểm sai khác và ngoại lệ (nếu có) so với quy định tại Chương V - Phạm vi cung cấp.

16.3. Nhà thầu phải cung cấp đầy đủ danh mục, giá cả phụ tùng thay thế, dụng cụ chuyên dụng... cần thiết để bảo đảm sự vận hành đúng quy cách và liên tục của hàng hóa trong thời hạn quy định tại BDL sau khi hàng hóa được đưa vào sử dụng.

16.4. Tiêu chuẩn về chế tạo, quy trình sản xuất các vật tư và thiết bị cũng như các tham chiếu đến nhãn hiệu hàng hóa hoặc số catalô do Bên mời thầu quy định tại Chương V - Phạm vi cung cấp chỉ nhằm mục đích mô tả và không nhằm mục đích hạn chế nhà thầu. Nhà thầu có thể đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa, catalô khác miễn là nhà thầu  chứng minh cho Bên mời thầu thấy rằng những thay thế đó vẫn bảo đảm sự tương đương cơ bản hoặc cao hơn so với yêu cầu quy định tại Chương V - Phạm vi cung cấp. 

 

17. Tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu

17.1. Nhà thầu phải ghi các thông tin cần thiết vào các Mẫu trong Chương IV - Biểu mẫu dự thầu để chứng minh năng lực và kinh nghiệm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT. Nhà thầu phải chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu gốc để phục vụ việc xác minh khi có yêu cầu của Bên mời thầu.

17.2. Các tài liệu để chứng minh năng lực thực hiện hợp đồng của nhà thầu nếu được trúng thầu theo quy định tại BDL.

 

18. Thời hạn có hiệu lực của HSDT

18.1. HSDT phải có hiệu lực không ngắn hơn thời hạn quy định tại BDL. HSDT nào có thời hạn hiệu lực ngắn hơn quy định sẽ không được tiếp tục xem xét, đánh giá.

18.2. Trong trường hợp cần thiết, trước khi hết thời hạn hiệu lực của HSDT, Bên mời thầu có thể đề nghị các nhà thầu gia hạn hiệu lực của HSDT, đồng thời yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu (bằng thời gian hiệu lực HSDT sau khi gia hạn cộng thêm 30 ngày). Nếu nhà thầu không chấp nhận việc gia hạn hiệu lực của HSDT thì HSDT của nhà thầu không được xem xét tiếp và nhà thầu sẽ được nhận lại bảo đảm dự thầu. Nhà thầu chấp nhận đề nghị gia hạn không được phép thay đổi bất kỳ nội dung nào của HSDT. Việc đề nghị gia hạn và chấp thuận hoặc không chấp thuận gia hạn phải được thể hiện bằng văn bản.

 

19. Bảo đảm dự thầu

19.1. Khi tham dự thầu, nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành hoặc đặt cọc bằng Séc (đối với trường hợp đặt cọc) như quy định tại Mục 19.2 CDNT. Trường hợp sử dụng thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh đó phải theo Mẫu số 04 (a) hoặc Mẫu số 04 (b) Chương IV - Biểu mẫu dự thầu hoặc theo một hình thức khác tương tự nhưng phải bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản của bảo lãnh dự thầu. Trường hợp HSDT được gia hạn hiệu lực theo quy định tại Mục 18.2 CDNT thì hiệu lực của bảo đảm dự thầu cũng phải được gia hạn tương ứng.

Trường hợp liên danh thì phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo một trong hai cách sau:

a) Từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện riêng rẽ bảo đảm dự thầu nhưng bảo đảm tổng giá trị không thấp hơn mức yêu cầu quy định tại Mục 19.2 CDNT; nếu bảo đảm dự thầu của một thành viên trong liên danh được xác định là không hợp lệ thì HSDT của liên danh đó sẽ không được xem xét, đánh giá tiếp. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không được hoàn trả bảo đảm dự thầu theo quy định tại Mục 19.5 CDNT thì bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh sẽ không được hoàn trả.

b) Các thành viên trong liên danh thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu cho thành viên liên danh đó và cho thành viên khác trong liên danh. Trong trường hợp này, bảo đảm dự thầu có thể bao gồm tên của liên danh hoặc tên của thành viên chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu cho cả liên danh nhưng bảo đảm tổng giá trị không thấp hơn mức yêu cầu quy định tại Mục 19.2 CDNT. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không được hoàn trả bảo đảm dự thầu theo quy định tại Mục 19.5 CDNT thì bảo đảm dự thầu sẽ không được hoàn trả.

19.2. Giá trị, đồng tiền và thời gian hiệu lực của bảo đảm dự thầu theo quy định tại BDL.

19.3. Bảo đảm dự thầu được coi là không hợp lệ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có giá trị thấp hơn, thời gian hiệu lực ngắn hơn so với yêu cầu quy định tại Mục 19.2 CDNT, không đúng tên Bên mời thầu (đơn vị thụ hưởng), không phải là bản gốc và không có chữ ký hợp lệ hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho Bên mời thầu.

19.4. Nhà thầu không được lựa chọn sẽ được hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu trong thời hạn tối đa theo quy định tại BDL, kể từ ngày thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu. Đối với nhà thầu được lựa chọn, bảo đảm dự thầu được hoàn trả hoặc giải tỏa sau khi nhà thầu thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.

19.5. Bảo đảm dự thầu không được hoàn trả trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà thầu rút HSDT sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của HSDT;

b) Nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d Mục 36.1 CDNT;

c) Nhà thầu không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Mục 41 CDNT;

d) Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành thương thảo hợp đồng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo mời đến thương thảo hợp đồng của Bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng;

đ) Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng trong thời gian quy định tại Thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng của Bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng.

 

20. Quy cách HSDT và chữ ký trong HSDT

20.1. Nhà thầu phải chuẩn bị HSDT bao gồm: 1 bản gốc HSDT theo quy định tại Mục 11 CDNT và một số bản chụp HSDT theo số lượng quy định tại BDL. Trên trang bìa của các hồ sơ phải ghi rõ “BẢN GỐC HSDT”, “BẢN CHỤP HSDT”.

Trường hợp có sửa đổi, thay thế HSDT thì nhà thầu phải chuẩn bị 1 bản gốc và một số bản chụp hồ sơ theo số lượng quy định tại BDL. Trên trang bìa của các hồ sơ phải ghi rõ “BẢN GỐC HSDT SỬA ĐỔI”, “BẢN CHỤP HSDT SỬA ĐỔI”, “BẢN GỐC HSDT THAY THẾ”, “BẢN CHỤP HSDT THAY THẾ”.

Trường hợp có đề xuất phương án kỹ thuật thay thế trong HSDT theo quy định tại Mục 13 CDNT thì nhà thầu phải chuẩn bị 1 bản gốc và một số bản chụp hồ sơ theo số lượng quy định tại BDL. Trên trang bìa của các hồ sơ phải ghi rõ “BẢN GỐC ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN KỸ THUẬT THAY THẾ”, “BẢN CHỤP ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN KỸ THUẬT THAY THẾ”.

20.2. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính thống nhất giữa bản gốc và bản chụp. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp nhưng không làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà thầu thì căn cứ vào bản gốc để đánh giá. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp dẫn đến kết quả đánh giá trên bản gốc khác kết quả đánh giá trên bản chụp, làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà thầu thì HSDT của nhà thầu bị loại.

20.3. Bản gốc của HSDT phải được đánh máy hoặc viết bằng mực không phai, đánh số trang theo thứ tự liên tục. Đơn dự thầu, thư giảm giá (nếu có), các văn bản bổ sung, làm rõ HSDT, Bảng giá và các biểu mẫu khác tại Chương IV - Biểu mẫu dự thầu phải được đại diện hợp pháp của nhà thầu hoặc người được ủy quyền hợp pháp ký tên và đóng dấu (nếu có), trường hợp ủy quyền phải có giấy ủy quyền theo Mẫu số 02 Chương IV - Biểu mẫu dự thầu hoặc bản chụp Điều lệ công ty, Quyết định thành lập chi nhánh được chứng thực hoặc các tài liệu khác chứng minh thẩm quyền của người được ủy quyền và được nộp cùng với HSDT.

20.4. Trường hợp là nhà thầu liên danh thì HSDT phải có chữ ký của đại diện hợp pháp của tất cả các thành viên liên danh hoặc thành viên đại diện nhà thầu liên danh theo thỏa thuận liên danh. Để bảo đảm tất cả các thành viên của liên danh đều bị ràng buộc về pháp lý, văn bản thỏa thuận liên danh phải có chữ ký của các đại diện hợp pháp của tất cả các thành viên trong liên danh.

20.5. Những chữ được ghi thêm, ghi chèn vào giữa các dòng, những chữ bị tẩy xóa hoặc viết đè lên sẽ chỉ được coi là hợp lệ nếu có chữ ký ở bên cạnh hoặc tại trang đó của người ký đơn dự thầu.

 

21. Niêm phong và ghi bên ngoài HSDT

21.1. Túi đựng HSDT bao gồm bản gốc và các bản chụp HSDT, bên ngoài phải ghi rõ "HỒ SƠ DỰ THẦU".

Trường hợp nhà thầu có sửa đổi, thay thế HSDT thì hồ sơ sửa đổi, thay thế (bao gồm bản gốc và các bản chụp) phải được đựng trong các túi riêng biệt với túi đựng HSDT, bên ngoài phải ghi rõ “HỒ SƠ DỰ THẦU SỬA ĐỔI”, “HỒ SƠ DỰ THẦU THAY THẾ”.

Trường hợp nhà thầu có đề xuất phương án kỹ thuật thay thế thì toàn bộ phương án kỹ thuật thay thế, bao gồm cả đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về giá phải được đựng trong các túi riêng biệt với túi đựng HSDT, bên ngoài phải ghi rõ “ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN KỸ THUẬT THAY THẾ”.

Các túi đựng: HSDT; HSDT sửa đổi, HSDT thay thế (nếu có); đề xuất phương án kỹ thuật thay thế (nếu có) phải được niêm phong. Cách niêm phong theo quy định riêng của nhà thầu.

21.2. Trên các túi đựng hồ sơ phải:

a) Ghi tên và địa chỉ của nhà thầu;

b) Ghi tên người nhận là tên Bên mời thầu theo địa chỉ quy định tại Mục 22.1 CDNT;

c) Ghi tên gói thầu theo quy định tại Mục 1.2 CDNT;

d) Ghi dòng chữ cảnh báo “không được mở trước thời điểm mở thầu”.

21.3. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về hậu quả hoặc sự bất lợi nếu không tuân theo quy định của HSMT này như không niêm phong hoặc làm mất niêm phong HSDT trong quá trình chuyển đến Bên mời thầu, không ghi đúng các thông tin trên túi đựng HSDT theo hướng dẫn quy định tại Mục 21.1 và Mục 21.2 CDNT. Bên mời thầu sẽ không chịu trách nhiệm về tính bảo mật thông tin của HSDT nếu nhà thầu không thực hiện đúng quy định nêu trên.

 

22. Thời điểm đóng thầu

22.1. Nhà thầu nộp trực tiếp hoặc gửi HSDT đến địa chỉ của Bên mời thầu nhưng phải bảo đảm Bên mời thầu nhận được trước thời điểm đóng thầu theo quy định tại BDL. Bên mời thầu tiếp nhận HSDT của tất cả các nhà thầu nộp HSDT trước thời điểm đóng thầu, kể cả trường hợp nhà thầu tham dự thầu chưa mua hoặc chưa nhận HSMT từ Bên mời thầu. Trường hợp chưa mua HSMT thì nhà thầu phải trả cho Bên mời thầu một khoản tiền bằng giá bán HSMT trước khi HSDT được tiếp nhận.

22.2. Bên mời thầu có thể gia hạn thời điểm đóng thầu bằng cách sửa đổi HSMT theo quy định tại Mục 8 CDNT. Khi gia hạn thời điểm đóng thầu, mọi trách nhiệm của Bên mời thầu và nhà thầu theo thời điểm đóng thầu trước đó sẽ được thay đổi theo thời điểm đóng thầu mới được gia hạn.

 

23. HSDT nộp muộn

Bên mời thầu sẽ không xem xét bất kỳ HSDT nào được nộp sau thời điểm đóng thầu. Bất kỳ HSDT nào mà Bên mời thầu nhận được sau thời điểm đóng thầu sẽ bị tuyên bố là HSDT nộp muộn, bị loại và được trả lại nguyên trạng cho nhà thầu.

 

24. Rút, thay thế và sửa đổi HSDT

24.1. Sau khi nộp HSDT, nhà thầu có thể sửa đổi, thay thế hoặc rút HSDT bằng cách gửi văn bản thông báo có chữ ký của người đại diện hợp pháp của nhà thầu, trường hợp ủy quyền thì phải gửi kèm giấy ủy quyền theo quy định tại Mục 20.3 CDNT. Hồ sơ sửa đổi hoặc thay thế HSDT phải được gửi kèm với văn bản thông báo việc sửa đổi, thay thế tương ứng và phải bảo đảm các điều kiện sau:

 a) Được nhà thầu chuẩn bị và nộp cho Bên mời thầu theo quy định tại Mục 20 và Mục 21 CDNT, trên túi đựng văn bản thông báo phải ghi rõ “SỬA ĐỔI HSDT” hoặc “THAY THẾ HSDT” hoặc “RÚT HSDT”;

b) Được Bên mời thầu tiếp nhận trước thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22 CDNT.

24.2. HSDT mà nhà thầu yêu cầu rút lại theo quy định tại Mục 24.1 CDNT sẽ được trả lại nguyên trạng cho nhà thầu.

24.3. Nhà thầu không được sửa đổi, thay thế hoặc rút HSDT sau thời điểm đóng thầu cho đến khi hết hạn hiệu lực của HSDT mà nhà thầu đã ghi trong đơn dự thầu hoặc đến khi hết hạn hiệu lực đã gia hạn của HSDT.

 

25. Mở thầu

25.1. Ngoại trừ các trường hợp quy định tại Mục 23 và Mục 24 CDNT, Bên mời thầu phải mở công khai và đọc to, rõ các thông tin quy định tại Mục 25.3 CDNT của tất cả HSDT đã nhận được trước thời điểm đóng thầu. Việc mở thầu phải được tiến hành công khai theo thời gian và địa điểm quy định tại BDL trước sự chứng kiến của đại diện của các nhà thầu tham dự lễ mở thầu và đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Việc mở thầu không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của đại diện nhà thầu tham dự thầu.

25.2. Trường hợp nhà thầu có đề nghị rút hoặc thay thế HSDT thì trước tiên Bên mời thầu sẽ mở và đọc to, rõ các thông tin trong túi đựng văn bản thông báo bên ngoài có ghi chữ “RÚT HSDT”, túi đựng HSDT của nhà thầu có đề nghị rút HSDT sẽ được giữ nguyên niêm phong và trả lại nguyên trạng cho nhà thầu. Bên mời thầu sẽ không chấp nhận cho nhà thầu rút HSDT và vẫn mở HSDT tương ứng nếu văn bản thông báo “RÚT HSDT” không kèm theo tài liệu chứng minh người ký văn bản đó là đại diện hợp pháp của nhà thầu và phải được công khai trong lễ mở thầu.

Tiếp theo, Bên mời thầu sẽ mở và đọc to, rõ thông tin trong túi đựng văn bản thông báo bên ngoài có ghi chữ “THAY THẾ HSDT” và HSDT thay thế này sẽ được thay cho HSDT bị thay thế. HSDT bị thay thế sẽ không được mở và được trả lại nguyên trạng cho nhà thầu. Bên mời thầu sẽ không chấp nhận cho nhà thầu thay thế HSDT nếu văn bản thông báo thay thế HSDT không kèm theo tài liệu chứng minh người ký văn bản đó là đại diện hợp pháp của nhà thầu và phải được công khai trong lễ mở thầu.

Đối với các túi đựng văn bản thông báo “SỬA ĐỔI HSDT” thì văn bản thông báo gửi kèm sẽ được mở và đọc to, rõ cùng với các HSDT sửa đổi tương ứng. Bên mời thầu sẽ không chấp nhận cho nhà thầu sửa đổi HSDT nếu văn bản thông báo sửa đổi HSDT không kèm theo tài liệu chứng minh người ký văn bản đó là đại diện hợp pháp của nhà thầu. Chỉ có các HSDT được mở và đọc tại buổi mở HSDT mới được tiếp tục xem xét và đánh giá.

25.3. Việc mở thầu được thực hiện đối với từng HSDT theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu và theo trình tự sau đây:

a) Kiểm tra niêm phong;

b) Mở bản gốc HSDT, HSDT sửa đổi (nếu có) hoặc HSDT thay thế (nếu có) và đọc to, rõ tối thiểu những thông tin sau: tên nhà thầu, số lượng bản gốc, bản chụp, giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu, giá dự thầu ghi trong bảng tổng hợp giá dự thầu, giá trị giảm giá (nếu có), thời gian có hiệu lực của HSDT, thời gian thực hiện hợp đồng, giá trị của bảo đảm dự thầu, thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu và các thông tin khác mà Bên mời thầu thấy cần thiết. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập thì còn phải đọc giá dự thầu và giá trị giảm giá (nếu có) cho từng phần. Chỉ những thông tin về giảm giá được đọc trong lễ mở thầu mới được tiếp tục xem xét và đánh giá;

c) Đại diện của Bên mời thầu phải ký xác nhận vào bản gốc đơn dự thầu, bảo đảm dự thầu, bảng tổng hợp giá dự thầu, giấy uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu (nếu có), thư giảm giá (nếu có), thoả thuận liên danh (nếu có). Bên mời thầu không được loại bỏ bất kỳ HSDT nào khi mở thầu, trừ các HSDT nộp muộn theo quy định tại Mục 23 CDNT.

25.4. Bên mời thầu phải lập biên bản mở thầu trong đó bao gồm các thông tin quy định tại Mục 25.3 CDNT. Biên bản mở thầu phải được ký xác nhận bởi đại diện của Bên mời thầu và các nhà thầu tham dự lễ mở thầu. Việc thiếu chữ ký của nhà thầu trong biên bản sẽ không làm cho biên bản mất ý nghĩa và mất hiệu lực. Biên bản mở thầu sẽ được gửi cho tất cả các nhà thầu tham dự thầu.

 

26. Bảo mật

26.1. Thông tin liên quan đến việc đánh giá HSDT và đề nghị trao hợp đồng phải được giữ bí mật và không được phép tiết lộ cho các nhà thầu hay bất kỳ người nào không có liên quan chính thức đến quá trình lựa chọn nhà thầu cho tới khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong mọi trường hợp không được tiết lộ thông tin trong HSDT của nhà thầu này cho nhà thầu khác, trừ thông tin được công khai khi mở thầu.

26.2. Trừ trường hợp làm rõ HSDT theo quy định tại Mục 27 CDNT và thương thảo hợp đồng, nhà thầu không được phép tiếp xúc với Bên mời thầu về các vấn đề liên quan đến HSDT của mình và các vấn đề khác liên quan đến gói thầu trong suốt thời gian từ khi mở thầu cho đến khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.

 

27. Làm rõ HSDT

27.1. Sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ HSDT theo yêu cầu của Bên mời thầu. Tất cả các yêu cầu làm rõ của Bên mời thầu và phản hồi của nhà thầu phải được thực hiện bằng văn bản. Trường hợp HSDT của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm (trong đó bao gồm cả giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương, nếu HSMT có quy định) thì Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong HSDT của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu, không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT đã nộp, không thay đổi giá dự thầu. Nhà thầu phải thông báo cho Bên mời thầu về việc đã nhận được văn bản yêu cầu làm rõ HSDT bằng một trong những cách sau: gửi văn bản trực tiếp, theo đường bưu điện, fax hoặc e-mail.

27.2. Việc làm rõ HSDT giữa nhà thầu và Bên mời thầu được thực hiện thông qua văn bản.

27.3. Trong khoảng thời gian theo quy định tại BDL, trường hợp nhà thầu phát hiện HSDT của mình thiếu các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm (trong đó bao gồm cả giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương, nếu HSMT có quy định) thì nhà thầu được phép gửi tài liệu đến Bên mời thầu để làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình. Bên mời thầu có trách nhiệm tiếp nhận những tài liệu làm rõ của nhà thầu để xem xét, đánh giá; các tài liệu làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm được coi như một phần của HSDT. Bên mời thầu phải thông báo bằng văn bản cho nhà thầu về việc đã nhận được các tài liệu làm rõ của nhà thầu bằng một trong những cách sau: gửi trực tiếp, theo đường bưu điện, fax hoặc e-mail.

27.4. Việc làm rõ HSDT chỉ được thực hiện giữa Bên mời thầu và nhà thầu có HSDT cần phải làm rõ. Nội dung làm rõ HSDT được Bên mời thầu bảo quản như một phần của HSDT. Đối với các nội dung làm rõ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm và yêu cầu về kỹ thuật, tài chính nếu quá thời hạn làm rõ mà nhà thầu không có văn bản làm rõ hoặc có văn bản làm rõ nhưng không đáp ứng được yêu cầu làm rõ của Bên mời thầu thì Bên mời thầu sẽ đánh giá HSDT của nhà thầu theo HSDT nộp trước thời điểm đóng thầu.

27.5. Trường hợp cần thiết, Bên mời thầu có thể gửi văn bản yêu cầu nhà thầu có khả năng trúng thầu đến làm việc trực tiếp với Bên mời thầu để làm rõ HSDT. Nội dung làm rõ HSDT phải được ghi cụ thể thành biên bản. Việc làm rõ HSDT trong trường hợp này phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch.

 

28. Các sai khác, đặt điều kiện và bỏ sót nội dung

Các định nghĩa sau đây sẽ được áp dụng cho quá trình đánh giá HSDT:

28.1. “Sai khác” là các khác biệt so với yêu cầu nêu trong HSMT;

28.2. “Đặt điều kiện” là việc đặt ra các điều kiện có tính hạn chế hoặc thể hiện sự không chấp nhận hoàn toàn đối với các yêu cầu nêu trong HSMT;

28.3. “Bỏ sót nội dung” là việc nhà thầu không cung cấp được một phần hoặc toàn bộ thông tin hay tài liệu theo yêu cầu nêu trong HSMT.

 

29. Xác định tính đáp ứng của HSDT

29.1. Bên mời thầu sẽ xác định tính đáp ứng của HSDT dựa trên nội dung của HSDT theo quy định tại Mục 11 CDNT.

29.2. HSDT đáp ứng cơ bản là HSDT đáp ứng các yêu cầu nêu trong HSMT mà không có các sai khác, đặt điều kiện hoặc bỏ sót nội dung cơ bản. Sai khác, đặt điều kiện hoặc bỏ sót nội dung cơ bản nghĩa là những điểm trong HSDT mà:

a) Nếu được chấp nhận thì sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến phạm vi, chất lượng hay tính năng sử dụng của hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan; gây hạn chế đáng kể và không thống nhất với HSMT đối với quyền hạn của Chủ đầu tư hoặc nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng;

b) Nếu được sửa lại thì sẽ gây ảnh hưởng không công bằng đến vị thế cạnh tranh của nhà thầu khác có HSDT đáp ứng cơ bản yêu cầu của HSMT.

29.3. Bên mời thầu phải kiểm tra các khía cạnh kỹ thuật của HSDT theo quy định tại Mục 16 và Mục 17 CDNT nhằm khẳng định rằng tất cả các yêu cầu quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp đã được đáp ứng và HSDT không có những sai khác, đặt điều kiện hoặc bỏ sót các nội dung cơ bản.

29.4. Nếu HSDT không đáp ứng cơ bản các yêu cầu nêu trong HSMT thì HSDT đó sẽ bị loại; không được phép sửa đổi các sai khác, đặt điều kiện hoặc bỏ sót nội dung cơ bản trong HSDT đó nhằm làm cho nó trở thành đáp ứng cơ bản HSMT.

 

30. Sai sót không nghiêm trọng

30.1. Với điều kiện HSDT đáp ứng cơ bản yêu cầu nêu trong HSMT thì Bên mời thầu có thể chấp nhận các sai sót mà không phải là những sai khác, đặt điều kiện hay bỏ sót nội dung trong HSDT.

30.2. Với điều kiện HSDT đáp ứng cơ bản HSMT, Bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu cung cấp các thông tin hoặc tài liệu cần thiết trong một thời hạn hợp lý để sửa chữa những sai sót không nghiêm trọng trong HSDT liên quan đến các yêu cầu về tài liệu. Yêu cầu cung cấp các thông tin và các tài liệu để khắc phục các sai sót này không được liên quan đến bất kỳ khía cạnh nào của giá dự thầu. Nếu không đáp ứng yêu cầu nói trên của Bên mời thầu thì HSDT của nhà thầu có thể sẽ bị loại.

30.3. Với điều kiện HSDT đáp ứng cơ bản HSMT, Bên mời thầu sẽ điều chỉnh các sai sót không nghiêm trọng và có thể định lượng được liên quan đến giá dự thầu. Theo đó, giá dự thầu sẽ được điều chỉnh để phản ánh chi phí cho các hạng mục bị thiếu hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; việc điều chỉnh này chỉ hoàn toàn nhằm mục đích so sánh các HSDT.

 

31. Nhà thầu phụ

31.1. Nhà thầu chính được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ kê khai theo Mẫu số 17(a) Chương IV - Biểu mẫu dự thầu. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các trách nhiệm của nhà thầu chính. Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện. Năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ sẽ không được xem xét khi đánh giá HSDT của nhà thầu chính (trừ trường hợp HSMT quy định được phép sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt). Bản thân nhà thầu chính phải đáp ứng các tiêu chí năng lực (không xét đến năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ).

Trường hợp trong HSDT, nếu nhà thầu chính không đề xuất sử dụng nhà thầu phụ cho một công việc cụ thể hoặc không dự kiến các công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ thì được hiểu là nhà thầu chính có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các công việc thuộc gói thầu. Trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phát hiện việc sử dụng nhà thầu phụ thì nhà thầu chính sẽ được coi là vi phạm hành vi “chuyển nhượng thầu”  theo quy định tại Mục 3 CDNT.

31.2. Nhà thầu chính không được sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong HSDT; việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong HSDT chỉ được thực hiện khi có lý do xác đáng, hợp lý và được Chủ đầu tư chấp thuận; trường hợp sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ, ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong HSDT mà chưa được Chủ đầu tư chấp thuận được coi là hành vi “chuyển nhượng thầu”.

31.3. Chủ đầu tư có thể cho phép nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt theo quy định tại BDL. Trong trường hợp này, nhà thầu chính phải kê khai danh sách nhà thầu phụ đặc biệt theo Mẫu số 17(b) Chương IV - Biểu mẫu dự thầu và kê khai về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt. Bên mời thầu sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt theo tiêu chuẩn đánh giá quy định tại Khoản 2.3 Mục 2 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT. Trường hợp nhà thầu phụ đặc biệt không đáp ứng yêu cầu của HSMT và nhà thầu chính có năng lực, kinh nghiệm không đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc đã dành cho nhà thầu phụ đặc biệt thì HSDT của nhà thầu được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu của HSMT.

 

32. Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu

32.1. Nguyên tắc ưu đãi:

Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên.

32.2. Việc tính ưu đãi được thực hiện trong quá trình đánh giá HSDT để so sánh, xếp hạng HSDT:

 Hàng hóa chỉ được hưởng ưu đãi khi nhà thầu chứng minh được hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên trong giá hàng hóa. Tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước của hàng hóa được tính theo công thức sau đây:

D (%) = G*/G (%)

Trong đó:

- G*: Là chi phí sản xuất trong nước được tính bằng giá chào của hàng hóa trong HSDT trừ đi giá trị thuế và các chi phí nhập ngoại bao gồm cả phí, lệ phí (nếu có);

- G: Là giá chào của hàng hóa trong HSDT trừ đi giá trị thuế;

- D: Là tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước của hàng hóa. D ≥ 25% thì hàng hóa đó được hưởng ưu đãi theo quy định tại Mục này.

32.3. Cách tính ưu đãi được thực hiện theo quy định tại BDL.

32.4. Trường hợp hàng hóa do các nhà thầu chào đều không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi thì không tiến hành đánh giá và xác định giá trị ưu đãi.

 

33. Đánh giá HSDT

33.1. Bên mời thầu sẽ áp dụng các tiêu chí đánh giá liệt kê trong Mục này và phương pháp đánh giá theo quy định tại BDL để đánh giá các HSDT. Không được phép sử dụng bất kỳ tiêu chí hay phương pháp đánh giá nào khác.

33.2. Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của HSDT:

a) Việc kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của HSDT được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

b) Nhà thầu có HSDT hợp lệ được xem xét, đánh giá tiếp về năng lực và kinh nghiệm.

33.3. Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:

a) Việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm được thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định tại Mục 2 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

b) Nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu được xem xét, đánh giá tiếp về kỹ thuật.

33.4. Đánh giá về kỹ thuật và đánh giá về giá:

a) Việc đánh giá về kỹ thuật được thực hiện theo tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá quy định tại Mục 3 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

b) Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật được xem xét đánh giá tiếp về giá theo quy định tại Mục 4 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

33.5. Sau khi đánh giá về giá, Bên mời thầu lập danh sách xếp hạng nhà thầu trình Chủ đầu tư phê duyệt. Nhà thầu xếp hạng thứ nhất được mời vào thương thảo hợp đồng. Việc xếp hạng nhà thầu thực hiện theo quy định tại BDL.

33.6. Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần độc lập và cho phép dự thầu theo từng phần theo quy định tại Mục 14.5 CDNT thì việc đánh giá HSDT thực hiện theo quy định tại Mục 6 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT tương ứng với phần tham dự thầu của nhà thầu.

 

34. Thương thảo hợp đồng

34.1. Việc thương thảo hợp đồng phải dựa trên các cơ sở sau đây:

a) Báo cáo đánh giá HSDT;

b) HSDT và các tài liệu làm rõ HSDT (nếu có) của  nhà thầu;

c) HSMT.

34.2. Nguyên tắc thương thảo hợp đồng:

a) Không tiến hành thương thảo đối với các nội dung nhà thầu đã chào thầu theo đúng yêu cầu của HSMT;

b) Trong quá trình đánh giá HSDT và thương thảo hợp đồng, nếu phát hiện hạng mục công việc, khối lượng mời thầu nêu trong “Chương V - Phạm vi cung cấp” thiếu so với hồ sơ thiết kế thì Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu bổ sung khối lượng công việc thiếu đó trên cơ sở đơn giá đã chào; trường hợp trong HSDT chưa có đơn giá thì Bên mời thầu báo cáo Chủ đầu tư xem xét, quyết định việc áp đơn giá nêu trong dự toán đã phê duyệt đối với khối lượng công việc thiếu so với hồ sơ thiết kế hoặc đơn giá của nhà thầu khác đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật nếu đơn giá này thấp hơn đơn giá đã phê duyệt trong dự toán gói thầu;

c) Khi thương thảo hợp đồng đối với phần sai lệch thiếu, trường hợp trong HSDT của nhà thầu không có đơn giá tương ứng với phần sai lệch thì phải lấy mức đơn giá dự thầu thấp nhất trong số các HSDT của nhà thầu khác đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật hoặc lấy mức đơn giá trong dự toán được duyệt nếu chỉ có duy nhất nhà thầu này vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật để làm cơ sở thương thảo đối với sai lệch thiếu đó.

34.3. Nội dung thương thảo hợp đồng:

a) Thương thảo về những nội dung chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc chưa phù hợp, thống nhất giữa HSMT và HSDT, giữa các nội dung khác nhau trong HSDT có thể dẫn đến các phát sinh, tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng;

b) Thương thảo về các sai lệch do nhà thầu đã phát hiện và đề xuất trong HSDT (nếu có), bao gồm cả các đề xuất thay đổi hoặc phương án kỹ thuật thay thế của nhà thầu nếu trong HSMT có quy định cho phép nhà thầu chào phương án kỹ thuật thay thế;

c) Thương thảo về các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu (nếu có) nhằm mục tiêu hoàn thiện các nội dung chi tiết của gói thầu;

d) Thương thảo về các sai sót không nghiêm trọng quy định tại Mục 30 CDNT;

đ) Thương thảo về các nội dung cần thiết khác.

34.4. Trong quá trình thương thảo hợp đồng, các bên tham gia thương thảo tiến hành hoàn thiện dự thảo văn bản hợp đồng; điều kiện cụ thể của hợp đồng, phụ lục hợp đồng gồm danh mục chi tiết về phạm vi cung cấp, bảng giá, tiến độ cung cấp.

34.5. Trường hợp thương thảo không thành công, Bên mời thầu báo cáo Chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo; trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công thì Bên mời thầu báo cáo Chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu theo quy định tại điểm a Mục 36.1 CDNT.

 

35. Điều kiện xét duyệt trúng thầu

Nhà thầu được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

35.1. Có HSDT hợp lệ theo quy định tại Mục 1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

35.2. Có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Mục 2 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

35.3. Có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Mục 3 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

35.4. Có sai lệch thiếu không quá 10% giá dự thầu;

35.5. Đáp ứng điều kiện theo quy định tại BDL;

35.6. Có giá đề nghị trúng thầu (đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)) không vượt giá gói thầu được phê duyệt. Trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu.

 

36. Hủy thầu

36.1. Bên mời thầu sẽ thông báo hủy thầu trong trường hợp sau đây:

a) Tất cả HSDT không đáp ứng được các yêu cầu nêu trong HSMT;

b) Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong HSMT;

c) HSMT không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án;

d) Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

36.2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu (theo quy định tại điểm c và điểm d Mục 36.1 CDNT) phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

36.3. Trường hợp hủy thầu theo quy định tại Mục 36.1 CDNT, trong thời hạn 5 ngày làm việc Bên mời thầu phải hoàn trả hoặc giải toả bảo đảm dự thầu cho các nhà thầu dự thầu, trừ trường hợp nhà thầu vi phạm quy định tại điểm d Mục 36.1 CDNT.

 

37. Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu

37.1. Trong thời hạn quy định tại BDL, Bên mời thầu phải gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự thầu theo đường bưu điện, fax và đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc Báo Đấu thầu theo quy định. Trong văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu phải bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên gói thầu, số hiệu gói thầu;

b) Tên nhà thầu trúng thầu;

c) Địa chỉ giao dịch hiện tại của nhà thầu trúng thầu;

d) Giá trúng thầu;

đ) Loại hợp đồng;

e) Thời gian thực hiện hợp đồng;

g) Danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu.

37.2. Trường hợp hủy thầu theo quy định tại điểm a Mục 36.1 CDNT, trong văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do hủy thầu.

37.3. Sau khi thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Mục 37.1 CDNT, nếu nhà thầu không được lựa chọn có văn bản hỏi về lý do không được lựa chọn thì trong thời gian tối đa là 5 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu Bên mời thầu phải có văn bản trả lời gửi cho nhà thầu.

 

38. Thay đổi khối lượng hàng hóa và dịch vụ

Vào thời điểm trao hợp đồng, Bên mời thầu có quyền tăng hoặc giảm khối lượng hàng hóa và dịch vụ nêu trong Chương V - Phạm vi cung cấp với điều kiện sự thay đổi đó không vượt quá tỷ lệ quy định tại BDL và không có bất kỳ thay đổi nào về đơn giá hay các điều kiện, điều khoản khác của HSDT và HSMT.

 

39. Thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng

Đồng thời với văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, Bên mời thầu gửi thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng, bao gồm cả yêu cầu về biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, thời gian hoàn thiện, ký kết hợp đồng theo quy định tại Mẫu số 18 Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng cho nhà thầu trúng thầu với điều kiện nhà thầu đã được xác minh là đủ năng lực để thực hiện tốt hợp đồng. Thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng là một phần của hồ sơ hợp đồng. Trường hợp nhà thầu trúng thầu không đến hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc không nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo thời hạn nêu trong thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng thì nhà thầu sẽ bị loại và không được nhận lại bảo đảm dự thầu theo quy định tại điểm đ Mục 19.5 CDNT.

 

40. Điều kiện ký kết hợp đồng 

40.1. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, HSDT của nhà thầu được lựa chọn còn hiệu lực.

40.2. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhà thầu được lựa chọn phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện gói thầu. Trường hợp thực tế nhà thầu không còn đáp ứng cơ bản yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo quy định nêu trong HSMT thì Chủ đầu tư sẽ từ chối ký kết hợp đồng với nhà thầu. Khi đó, Chủ đầu tư sẽ hủy quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng trước đó và mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng.

40.3. Chủ đầu tư phải bảo đảm các điều kiện về vốn tạm ứng, vốn thanh toán và các điều kiện cần thiết khác để triển khai thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ.

 

41. Bảo đảm thực hiện hợp đồng

41.1. Trước khi hợp đồng có hiệu lực, nhà thầu trúng thầu phải cung cấp một bảo đảm thực hiện hợp đồng theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành hoặc đặt cọc bằng Séc với nội dung và yêu cầu như quy định tại Mục 6.1 ĐKCT. Trường hợp nhà thầu sử dụng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng thì phải sử dụng Mẫu số 20 Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng hoặc một mẫu khác được Chủ đầu tư chấp thuận.

41.2. Nhà thầu không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng trong trường hợp sau đây:

a) Từ chối thực hiện hợp đồng khi hợp đồng có hiệu lực;

b) Vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Thực hiện hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của mình nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

 

42. Giải quyết kiến nghị trong đấu thầu

Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền gửi đơn kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đến Chủ đầu tư, Người có thẩm quyền, Hội đồng tư vấn theo địa chỉ quy định tại BDL. Việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương XII Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 và Mục 2 Chương XII Nghị định số 63/2014/NĐ-CP .

 

43. Theo dõi, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu

Khi phát hiện hành vi, nội dung không phù hợp quy định của pháp luật đấu thầu, nhà thầu có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát theo quy định tại BDL.

 

 

Chương II. BẢNG DỮ LIỆU ĐẤU THẦU

CDNT 1.1

Tên Bên mời thầu là:___[ghi tên đầy đủ của Bên mời thầu].

CDNT 1.2

Tên gói thầu:___[ghi tên đầy đủ của gói thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt].

Tên dự án là:___[ghi tên dự án theo Quyết định đầu tư được duyệt].

Số lượng và số hiệu các phần thuộc gói thầu:___[ghi số lượng các phần và số hiệu của từng phần (nếu gói thầu chia thành nhiều phần)].

CDNT 2

Nguồn vốn (hoặc phương thức thu xếp vốn): ___[ghi rõ nguồn vốn hoặc phương thức thu xếp vốn để thanh toán cho nhà thầu; trường hợp sử dụng vốn ODA thì phải nêu rõ tên nhà tài trợ và cơ cấu nguồn vốn (ngoài nước, trong nước)].

CDNT 4.4

Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định như sau:

- Nhà thầu tham dự thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% với:___[ghi đầy đủ tên và địa chỉ Chủ đầu tư, Bên mời thầu], trừ trường hợp Chủ đầu tư, Bên mời thầu, nhà thầu tham dự thầu thuộc cùng một tập đoàn kinh tế nhà nước và sản phẩm thuộc gói thầu là đầu vào của Chủ đầu tư, Bên mời thầu, là đầu ra của nhà thầu tham dự thầu, đồng thời là ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của tập đoàn.

- Nhà thầu tham dự thầu không có cổ phần hoặc vốn góp với các nhà thầu tư vấn; không cùng có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên. Cụ thể như sau:

 + Tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán:___[ghi đầy đủ tên và địa chỉ của đơn vị tư vấn (nếu có)];

+ Tư vấn lập, thẩm định HSMT:___[ghi đầy đủ tên và địa chỉ của đơn vị tư vấn (nếu có)];

+ Tư vấn đánh giá HSDT; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu:___[ghi đầy đủ tên và địa chỉ của đơn vị tư vấn (nếu có)].

Nhà thầu tham dự thầu không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý với[5]:___ [ghi đầy đủ tên và địa chỉ Chủ đầu tư, Bên mời thầu];

Nhà thầu tham dự thầu có tên trong danh sách ngắn và không có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% với các nhà thầu sau đây[6]:___[ghi cụ thể tên và địa chỉ các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn].

CDNT 4.6

Nhà thầu tham dự thầu phải có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia:____[trong thời gian Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa ban hành văn bản hướng dẫn thì ghi “không áp dụng”. Sau khi quy định có liên quan đến nội dung này nêu trong văn bản hướng dẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành có hiệu lực thi hành thì ghi “có áp dụng”].

CDNT 4.7[7]

Đối với nhà thầu nước ngoài:_____[trường hợp Bên mời thầu xác định được những nội dung công việc thuộc gói thầu mà nhà thầu trong nước có khả năng thực hiện thì ghi: “Khi tham dự thầu, nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước. Trường hợp sử dụng thầu phụ, trong HSDT nhà thầu có thể đề xuất các phần công việc dự kiến sẽ dành cho nhà thầu phụ Việt Nam mà chưa cần kê khai cụ thể tên nhà thầu phụ[8]; nhà thầu phải nộp bản cam kết kèm theo HSDT với nội dung nếu được trúng thầu thì sẽ sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện phần công việc đã đề xuất trong HSDT”. Trường hợp Bên mời thầu xác định nhà thầu trong nước không có khả năng thực hiện bất kỳ một phần công việc nào của gói thầu thì xóa bỏ quy định này].

CDNT 5.3

Tài liệu chứng minh về tính hợp lệ của hàng hóa: ____[nêu yêu cầu về tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa, ví dụ Giấy chứng nhận xuất xứ (CO),Giấy chứng nhận chất lượng (CQ)…].

CDNT 7.1

Bên mời thầu phải nhận được yêu cầu giải thích làm rõ HSMT không muộn hơn 3 ngày làm việc[9] trước ngày có thời điểm đóng thầu.

CDNT 8.3

Tài liệu sửa đổi HSMT sẽ được Bên mời thầu gửi đến tất cả các nhà thầu đã nhận HSMT từ Bên mời thầu trước ngày có thời điểm đóng thầu tối thiểu _____ngày [ghi số ngày cụ thể, nhưng phải bảo đảm đủ thời gian để nhà thầu hoàn chỉnh HSDT và tối thiểu là 3 ngày làm việc].

Trường hợp thời gian gửi văn bản sửa đổi HSMT không đáp ứng theo quy định thì Bên mời thầu thực hiện gia hạn thời điểm đóng thầu tương ứng.

CDNT 11.10

Nhà thầu phải nộp cùng với HSDT các tài liệu sau đây:___[ghi tên các tài liệu cần thiết khác mà nhà thầu cần nộp cùng với HSDT theo yêu cầu trên cơ sở phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu và không làm hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu. Nếu không có yêu cầu thì phải ghi rõ là “không yêu cầu”].

CDNT 13.1

Nhà thầu__[ghi “được phép” hoặc “không được phép”] nộp đề xuất phương án kỹ thuật thay thế.

CDNT 14.2

Trong bảng giá, nhà thầu phải chào giá theo các yêu cầu sau:___[căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà quy định cụ thể nội dung này, bảo đảm thuận tiện cho việc đánh giá, so sánh và xếp hạng HSDT. Theo đó, đối với các hàng hóa được sản xuất, gia công trong nước hoặc hàng hóa được sản xuất, gia công ở ngoài nước nhưng đã được chào bán tại Việt Nam cần yêu cầu nhà thầu chào giá của hàng hóa tại Việt Nam (giá xuất xưởng, giá tại cổng nhà máy, giá xuất kho, giá tại phòng trưng bày, giá cho hàng hóa có sẵn tại cửa hàng hay giá được vận chuyển đến chân công trình, tùy theo trường hợp cụ thể) và trong giá của hàng hóa đã bao gồm đầy đủ các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) theo Mẫu số 05 (a) Chương IV - Biểu mẫu dự thầu [10].

Nếu hàng hóa có dịch vụ liên quan kèm theo thì nhà thầu chào các chi phí cho các dịch vụ liên quan để thực hiện gói thầu và đã bao gồm đầy đủ các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) theo Mẫu số 05 (b) Chương IV - Biểu mẫu dự thầu].

CDNT 14.5

Các phần của gói thầu:___[trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần độc lập thì nêu rõ danh mục, nội dung công việc của từng phần và điều kiện dự thầu theo từng phần hoặc nhiều phần. Trong Mục này cũng quy định rõ cách chào giá riêng cho từng phần hoặc nhiều phần, giá trị bảo đảm dự thầu cho từng phần hoặc nhiều phần của gói thầu].

CDNT 16.3

Thời hạn sử dụng dự kiến của hàng hóa (để yêu cầu phụ tùng thay thế, dụng cụ chuyên dùng…):____[ghi thời hạn].

CDNT 17.2

Các tài liệu để chứng minh năng lực thực hiện hợp đồng nếu được công nhận trúng thầu bao gồm: _____[đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

 Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế…, trong HSMT có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

Trường hợp, trong HSDT, nhà thầu không đóng kèm giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm làm rõ, bổ sung trong quá trình đánh giá HSDT. Nhà thầu chỉ được trao hợp đồng sau khi đã đệ trình cho Chủ đầu tư giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

Trường hợp gói thầu có yêu cầu dịch vụ sau bán hàng thì Bên mời thầu có thể yêu cầu, nhà thầu phải có một đại lý (hoặc đại diện) có khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của nhà thầu như bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác được quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp].

CDNT 18.1

Thời hạn hiệu lực của HSDT là: ≥ ____ngày [ghi cụ thể số ngày nhưng tối đa là 180 ngày], kể từ ngày có thời điểm đóng thầu.

CDNT 19.2

Nội dung bảo đảm dự thầu:

- Giá trị và đồng tiền bảo đảm dự thầu: ___[ghi cụ thể giá trị và đồng tiền bảo đảm dự thầu. Căn cứ yêu cầu của gói thầu mà quy định giá trị bảo đảm dự thầu từ 1% đến 1,5% giá gói thầu. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập, cần quy định rõ giá trị bảo đảm dự thầu cho từng phần hoặc nhiều phần].

- Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu: ≥ ____ ngày [ghi rõ số ngày yêu cầu, được xác định bằng thời gian có hiệu lực của HSDT quy định tại Mục 18.1 CDNT cộng thêm 30 ngày], kể từ ngày có thời điểm đóng thầu.

CDNT 19.4

Nhà thầu không được lựa chọn sẽ được hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu trong thời hạn tối đa là___ngày [ghi rõ số ngày, nhưng không quá 20 ngày], kể từ ngày thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu.

CDNT 20.1

Số lượng bản chụp HSDT là: ___[ghi số lượng bản chụp cần thiết]. Trường hợp sửa đổi, thay thế HSDT hoặc đề xuất phương án kỹ thuật thay thế thì nhà thầu phải nộp các bản chụp hồ sơ sửa đổi, thay thế, phương án kỹ thuật thay thế với số lượng bằng số lượng bản chụp HSDT.

CDNT 22.1

Địa chỉ của Bên mời thầu (sử dụng để nộp HSDT):___[ghi tất cả các thông tin cần thiết và thích hợp].

Nơi nhận:___[ghi tên Bên mời thầu].

- Số nhà/số tầng/số phòng:

- Tên đường, phố:

- Thành phố:

- Mã bưu điện:

Thời điểm đóng thầu là:     giờ    phút, ngày   tháng    năm___.

[ghi thời điểm đóng thầu căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu cho phù hợp, bảo đảm quy định thời gian từ ngày đầu tiên phát hành HSMT đến thời điểm đóng thầu tối thiểu là 10 ngày và không ghi thời điểm đóng thầu vào đầu giờ làm việc của một ngày để không làm hạn chế nhà thầu nộp HSDT].

CDNT 25.1

Việc mở thầu sẽ được tiến hành công khai vào lúc:  giờ     phút, ngày  tháng  năm  , tại địa điểm mở thầu theo địa chỉ như sau:

- Số nhà/số tầng/số phòng:

- Tên đường, phố:

- Thành phố:

[ghi ngày, giờ và địa điểm tiến hành việc mở thầu, trong đó cần lưu ý quy định thời điểm mở thầu trong vòng 1 giờ kể từ thời điểm đóng thầu].

CDNT 27.3

Nhà thầu được tự gửi tài liệu để làm rõ HSDT đến Bên mời thầu trong vòng: ___ ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu.

[căn cứ vào thời gian đánh giá, tiến độ của dự án, gói thầu mà Bên mời thầu quy định thời gian nhà thầu được tự gửi tài liệu làm rõ cho phù hợp để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu].

CDNT 31.3

Nhà thầu phụ đặc biệt: ____ [tùy theo quy mô, tích chất gói thầu mà Bên mời thầu ghi “được sử dụng” hoặc “không được sử dụng”. Trường hợp cho phép sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt thì Bên mời thầu phải liệt kê các công việc chuyên ngành cụ thể có thể dành cho nhà thầu phụ đặc biệt].

CDNT 32.3

Cách tính ưu đãi:__[trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất thì quy định hàng hóa không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa đó vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của nhà thầu để so sánh, xếp hạng;

Trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá thì quy định hàng hóa không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa đó vào giá đánh giá của nhà thầu để so sánh, xếp hạng].

CDNT 33.1

Phương pháp đánh giá HSDT là:

a) Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm: sử dụng tiêu chí đạt/không đạt;

b) Đánh giá về kỹ thuật: ______[ghi cụ thể phương pháp đánh giá về kỹ thuật. Bên mời thầu căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà áp dụng phương pháp đánh giá theo tiêu chí đạt/không đạt hoặc phương pháp chấm điểm cho phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá quy định tại Mục 3 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT];

c) Đánh giá về giá: ______[ghi cụ thể phương pháp đánh giá về giá. Bên mời thầu căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà áp dụng phương pháp giá thấp nhất hoặc phương pháp giá đánh giá cho phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá quy định tại Mục 4 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT].

CDNT 33.5

Xếp hạng nhà thầu:___[trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất thì ghi như sau: “nhà thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất được xếp hạng thứ nhất”;

Trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá thì ghi như sau: “nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất được xếp hạng thứ nhất”].

CDNT 35.5

[Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất thì ghi như sau: “nhà thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất”;

Trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá thì ghi như sau: “nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất”].

CDNT 37.1

Thời hạn gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu là___[ghi cụ thể số ngày, nhưng tối đa là 5 ngày làm việc] ngày làm việc, kể từ ngày Chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

CDNT 38

Tỷ lệ tăng khối lượng tối đa là:___[ghi tỷ lệ %];

Tỷ lệ giảm khối lượng tối đa là:___[ghi tỷ lệ %].

CDNT 42

- Địa chỉ của Chủ đầu tư:____[ghi đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax];

- Địa chỉ của Người có thẩm quyền:____[ghi đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax];

- Địa chỉ của bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng tư vấn:____[ghi đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax].

CDNT 43

Địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát:____[ghi đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax của tổ chức, cá nhân được Người có thẩm quyền giao nhiệm vụ thực hiện theo dõi, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu của gói thầu/dự án (nếu có)].

 

Chương III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ HSDT

Mục 1. Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của HSDT

1.1. Kiểm tra HSDT:

a) Kiểm tra số lượng bản gốc, bản chụp HSDT;

b) Kiểm tra các thành phần của bản gốc HSDT, bao gồm hồ sơ về hành chính, pháp lý, hồ sơ về năng lực và kinh nghiệm, đề xuất về kỹ thuật của nhà thầu theo yêu cầu của HSMT, trong đó có: đơn dự thầu, thỏa thuận liên danh (nếu có), giấy ủy quyền ký đơn dự thầu (nếu có); bảo đảm dự thầu; tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ; tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm; đề xuất về kỹ thuật; đề xuất về giá và các thành phần khác thuộc HSDT theo quy định tại Mục 11 CDNT;

c) Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết HSDT.

1.2. Đánh giá tính hợp lệ của HSDT:

HSDT của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:

a) Có bản gốc HSDT;

b) Có đơn dự thầu được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của HSMT. Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo thỏa thuận trong văn bản thỏa thuận liên danh;

c) Thời gian thực hiện gói thầu nêu trong đơn dự thầu phải phù hợp với đề xuất về kỹ thuật đồng thời đáp ứng thời gian theo yêu cầu của HSMT;

d) Giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp với tổng giá dự thầu ghi trong bảng tổng hợp giá dự thầu, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho Chủ đầu tư, Bên mời thầu;

đ) Thời hạn hiệu lực của HSDT đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Mục 18.1 CDNT;

e) Có bảo đảm dự thầu không vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Mục 19.3 CDNT. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, tên của Bên mời thầu (đơn vị thụ hưởng) theo quy định tại Mục 19.2 CDNT. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức đặt cọc bằng Séc thì Bên mời thầu sẽ quản lý Séc đó theo quy định tại Mục 19.4 và Mục 19.5 CDNT;

g) Không có tên trong hai hoặc nhiều HSDT với tư cách là nhà thầu chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh) đối với cùng một gói thầu. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập thì nhà thầu không có tên trong hai hoặc nhiều HSDT với tư cách là nhà thầu chính đối với phần mà nhà thầu tham dự thầu;

h) Có thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) và trong thỏa thuận liên danh phải nêu rõ nội dung công việc cụ thể và ước tính giá trị tương ứng mà từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện theo Mẫu số 03 Chương IV - Biểu mẫu dự thầu;

i) Nhà thầu bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Mục 4 CDNT.

Nhà thầu có HSDT hợp lệ được xem xét, đánh giá tiếp về năng lực và kinh nghiệm.

Mục 2. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm

Đối với nhà thầu liên danh thì năng lực, kinh nghiệm được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh song phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh; nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm thì nhà thầu liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu. Đối với gói thầu chia thành nhiều phần độc lập, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu sẽ được đánh giá tương ứng với phần mà nhà thầu tham dự thầu.

Năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ sẽ không được xem xét khi đánh giá HSDT của nhà thầu chính (trừ trường hợp HSMT quy định được phép sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt). Bản thân nhà thầu chính phải đáp ứng các tiêu chí về năng lực và kinh nghiệm (không xét đến năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ).

Trường hợp gói thầu đã áp dụng sơ tuyển, khi nộp HSDT nếu nhà thầu có sự thay đổi về năng lực và kinh nghiệm so với thông tin kê khai trong hồ sơ dự sơ tuyển đã được đánh giá thì nhà thầu phải cập nhật lại năng lực và kinh nghiệm của mình; trường hợp năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu không có sự thay đổi thì nhà thầu phải có cam kết bằng văn bản về việc vẫn đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.

Trường hợp gói thầu không áp dụng sơ tuyển thì việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm được thực hiện theo các tiêu chuẩn đánh giá quy định dưới đây, nhà thầu được đánh giá là đạt về năng lực và kinh nghiệm khi đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn đánh giá.


2.1. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:

Việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm được thực hiện theo Bảng tiêu chuẩn dưới đây:

BẢNG TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VỀ NĂNG LỰC VÀ KINH NGHIỆM

Các tiêu chí năng lực và kinh nghiệm

Các yêu cầu cần tuân thủ

Tài liệu cần nộp

TT

Mô tả

Yêu cầu

Nhà thầu độc lập

Nhà thầu liên danh

Tổng các thành viên liên danh

Từng thành viên liên danh

Tối thiểu một thành viên liên danh

1

Lịch sử không hoàn thành hợp đồng

Từ ngày 01 tháng 01 năm ___(1) đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu không có hợp đồng không hoàn thành(2).

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Không áp dụng

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Không áp dụng

Mẫu số 12

2

Kiện tụng đang giải quyết(3)

Trường hợp nhà thầu có kiện tụng đang giải quyết thì vụ kiện sẽ được coi là có kết quả giải quyết theo hướng bất lợi cho nhà thầu và các khoản chi phí liên quan đến các kiện tụng này không được vượt quá___ % (4)giá trị tài sản ròng của nhà thầu.

(Giá trị tài sản ròng = Tổng tài sản - Tổng nợ).

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Không áp dụng

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Không áp dụng

Mẫu số 13

3

Năng lực tài chính

3.1

Kết quả hoạt động tài chính

Nộp báo cáo tài chính từ năm ___ đến năm___(5) để cung cấp thông tin chứng minh tình hình tài chính lành mạnh của nhà thầu.

Giá trị tài sản ròng của nhà thầu trong năm gần nhất phải dương.

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Không áp dụng

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Không áp dụng

Mẫu số 14

3.2

Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh

Doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu là____(6)VND, trong vòng_____(7)năm gần đây.

 

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu (tương đương với phần công việc đảm nhận)

Không áp dụng

Mẫu số 14

3.3

Yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu(8)

Nhà thầu phải chứng minh có các tài sản có khả năng thanh khoản cao(9) hoặc có khả năng tiếp cận với tài sản có khả năng thanh khoản cao sẵn có, các khoản tín dụng hoặc các nguồn tài chính khác (không kể các khoản tạm ứng thanh toán theo hợp đồng) để đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu với giá trị là___[ghi số tiền](10).

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu (tương đương với phần công việc đảm nhận)

Không áp dụng

Các Mẫu số 15, 16

4

Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự

Số lượng tối thiểu các hợp đồng tương tự(11) theo mô tả dưới đây mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn(12) với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ(13) trong vòng____(14) năm trở lại đây (tính đến thời điểm đóng thầu):

(i) số lượng hợp đồng là N, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là V (N x V = X) hoặc

(ii) số lượng hợp đồng ít hơn hoặc bằng N, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là V và tổng giá trị tất cả các hợp đồng ≥ X.

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu (tương đương với phần công việc đảm nhận)

Không áp dụng

Mẫu số 08

5

Khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác (15)

Nhà thầu phải có đại lý hoặc đại diện có khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của nhà thầu như bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác theo các yêu cầu như sau: ____[ghi yêu cầu cụ thể về khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác của đại lý hoặc đại diện, ví dụ như thời gian sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, sai sót... kể từ khi nhận được yêu cầu của chủ đầu tư].

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu (tương đương với phần công việc đảm nhận)

Không áp dụng

 

 


Ghi chú:

(1) Ghi số năm, thông thường là từ 3 đến 5 năm trước năm có thời điểm đóng thầu.

(2) Hợp đồng không hoàn thành bao gồm:

- Hợp đồng bị Chủ đầu tư kết luận nhà thầu không hoàn thành và nhà thầu không phản đối;

- Hợp đồng bị Chủ đầu tư kết luận nhà thầu không hoàn thành, không được nhà thầu chấp thuận nhưng đã được trọng tài hoặc tòa án kết luận theo hướng bất lợi cho nhà thầu.

Các hợp đồng không hoàn thành không bao gồm các hợp đồng mà quyết định của Chủ đầu tư đã bị bác bỏ bằng cơ chế giải quyết tranh chấp. Hợp đồng không hoàn thành phải dựa trên tất cả những thông tin về tranh chấp hoặc kiện tụng được giải quyết theo quy định của cơ chế giải quyết tranh chấp của hợp đồng tương ứng và khi mà nhà thầu đã hết tất cả các cơ hội có thể khiếu nại.

(3) Bên mời thầu có thể lựa chọn áp dụng tiêu chí này. Trường hợp không áp dụng  thì phải ghi rõ "sẽ không áp dụng" và xóa Mẫu số 13 tương ứng trong Chương IV - Biểu mẫu dự thầu. Nếu Bên mời thầu chọn áp dụng tiêu chí này thì phải ghi rõ "sẽ áp dụng".

(4) Nếu tiêu chí này được áp dụng thì Bên mời thầu phải ghi rõ phạm vi từ 50% đến 100% giá trị tài sản ròng của nhà thầu.

(5) Ghi số năm yêu cầu, thông thường từ 3 đến 5 năm trước năm có thời điểm đóng thầu (Ví dụ: từ năm 2012 đến năm 2014. Trong trường hợp này, nhà thầu phải nộp báo cáo tài chính của các năm 2012, 2013, 2014).

(6) Cách tính toán thông thường về mức yêu cầu doanh thu trung bình hàng năm:

a) Yêu cầu tối thiểu về mức doanh thu trung bình hàng năm = (Giá gói thầu/ thời gian thực hiện hợp đồng theo năm) x k. Thông thường yêu cầu hệ số k trong công thức này là từ 1,5 đến 2.

b) Trường hợp thời gian thực hiện hợp đồng dưới 12 tháng thì cách tính doanh thu như sau:

Yêu cầu tối thiểu về mức doanh thu trung bình hàng năm = Giá gói thầu x k

Thông thường yêu cầu hệ số k trong công thức này là 1,5.

c) Đối với trường hợp nhà thầu liên danh, việc đánh giá tiêu chuẩn về doanh thu của từng thành viên liên danh căn cứ vào giá trị, khối lượng do từng thành viên đảm nhiệm.

 (7) Ghi số năm phù hợp với số năm yêu cầu nộp báo cáo tài chính tại tiêu chí 3.1 Bảng này.

(8) Thông thường áp dụng đối với những hàng hóa đặc thù, phức tạp, quy mô lớn, có thời gian sản xuất, chế tạo dài.

(9) Tài sản có khả năng thanh khoản cao là tiền mặt và tương đương tiền mặt, các công cụ tài chính ngắn hạn, các chứng khoán sẵn sàng để bán, chứng khoán dễ bán, các khoản phải thu thương mại, các khoản phải thu tài chính ngắn hạn và các tài sản khác mà có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng một năm.

(10) Yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu được xác định theo công thức sau:

Yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu = t x (Giá gói thầu).

Thông thường yêu cầu hệ số “t” trong công thức này là từ 0,2 đến 0,3.

(11) Căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu và tình hình thực tế của ngành, địa phương để quy định cho phù hợp. Thông thường từ 1 đến 3 hợp đồng tương tự.

Hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự là hợp đồng trong đó hàng hóa được cung cấp tương tự với hàng hóa của gói thầu đang xét và đã hoàn thành, bao gồm:

- Tương tự về chủng loại, tính chất: có cùng chủng loại, tương tự về đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng với hàng hóa của gói thầu đang xét;

- Tương tự về quy mô: có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét.

Trường hợp trong HSMT yêu cầu nhà thầu đã thực hiện từ hai hợp đồng tương tự trở lên thì nhà thầu phải đáp ứng tối thiểu một hợp đồng với quy mô, tính chất tương tự gói thầu đang xét. Quy mô của các hợp đồng tương tự tiếp theo được xác định bằng cách cộng các hợp đồng có quy mô nhỏ hơn nhưng phải bảo đảm các hợp đồng đó có tính chất tương tự với các hạng mục cơ bản của gói thầu đang xét.

Đối với các gói thầu có tính chất đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giá trị của hợp đồng trong khoảng 50% đến 70% giá trị của gói thầu đang xét, đồng thời vẫn phải yêu cầu nhà thầu bảo đảm có hợp đồng sản xuất hàng hóa tương tự về chủng loại và tính chất với hàng hóa của gói thầu.

(12) Hoàn thành phần lớn nghĩa là hoàn thành ít nhất 80% khối lượng công việc của hợp đồng.

(13) Với các hợp đồng mà nhà thầu đã tham gia với tư cách là thành viên liên danh hoặc nhà thầu phụ thì chỉ tính giá trị phần việc do nhà thầu thực hiện.

(14) Ghi số năm phù hợp với số năm yêu cầu về doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tiêu chí 3.2 Bảng này.

(15) Nếu tại Mục 17.2 BDL có yêu cầu thì mới quy định tiêu chí này.

2.2. Tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt:

Tùy theo quy mô, tính chất của gói thầu có thể quy định nhà thầu phải đề xuất các nhân sự chủ chốt thực hiện các công việc của gói thầu như: lắp đặt; hướng dẫn chạy thử, vận hành; đào tạo, chuyển giao công nghệ... Trường hợp HSMT có yêu cầu về nhân sự chủ chốt, trong HSDT nhà thầu phải chứng minh rằng mình có đầy đủ nhân sự cho các vị trí chủ chốt  đáp ứng những yêu cầu sau đây:

STT

Vị trí công việc

Tổng số năm kinh nghiệm
(tối thiểu__năm)

Kinh nghiệm trong các công việc tương tự
(tối thiểu__năm)

Trình độ chuyên môn
(trình độ tối thiểu__)

1

 

 

 

 

2

 

 

 

 

3

 

 

 

 

4

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhà thầu phải cung cấp thông tin chi tiết về các nhân sự chủ chốt được đề xuất và hồ sơ kinh nghiệm của nhân sự theo các Mẫu số 09, 10 và 11 Chương IV - Biểu mẫu dự thầu.

2.3. Nhà thầu phụ đặc biệt (nếu có):

Bên mời thầu sẽ chỉ xem xét, đánh giá về năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt cho phần công việc chuyên ngành được phép sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt quy định tại Mục 31.3 CDNT. Kinh nghiệm cụ thể và nguồn lực tài chính của nhà thầu phụ đặc biệt sẽ không được cộng vào kinh nghiệm và nguồn lực của nhà thầu chính khi xem xét kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu chính. Nhà thầu phụ đặc biệt được đề xuất phải có đầy đủ kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật để thực hiện công việc và phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

[ghi các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá đối với nhà thầu phụ đặc biệt].

Mục 3. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt hoặc phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000 để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, trong đó ưu tiên áp dụng tiêu chí đạt, không đạt. Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dựa trên các yếu tố về khả năng đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời hạn giao hàng, vận chuyển, lắp đặt, bảo hành, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yêu cầu khác nêu trong HSMT. Căn cứ vào tính chất của từng gói thầu cụ thể, Bên mời thầu phải cụ thể hóa các tiêu chí làm cơ sở để đánh giá về kỹ thuật bao gồm:

 - Đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ;

- Tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa: thời gian hàng hóa đã được sử dụng trên thị trường, đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO…

- Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa;

- Mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo hành, bảo trì: nhà thầu phải trình bày được kế hoạch cung cấp cấp dịch vụ bảo hành, bảo trì; năng lực cung cấp các dịch vụ sau bán hàng; khả năng lắp đặt thiết bị, hàng hóa;

- Khả năng thích ứng về địa lý, môi trường;

- Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết;

- Các yếu tố về điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ;

- Tiến độ cung cấp hàng hóa;

- Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó;

- Các yếu tố cần thiết khác.

3.1. Đánh giá theo phương pháp chấm điểm[11]:

Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà có thể quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu đối với một số tiêu chuẩn tổng quát. Mức điểm yêu cầu tối thiểu quy định không thấp hơn 70% tổng số điểm về kỹ thuật. Đối với gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, mức quy định này từ 80% đến 90% tổng số điểm về kỹ thuật. HSDT có tổng số điểm (cũng như số điểm của một số tiêu chuẩn tổng quát) đạt bằng hoặc vượt mức điểm yêu cầu tối thiểu sẽ được đánh giá là đạt yêu cầu về kỹ thuật và được tiếp tục xem xét về tài chính.

Ví dụ về TCĐG về kỹ thuật theo phương pháp chấm điểm được nêu tại Ví dụ 2 Phần 4 - Phụ lục.

3.2. Đánh giá theo phương pháp đạt/không đạt[12]:

Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà xác định mức độ yêu cầu đối với từng nội dung. Đối với các tiêu chí đánh giá tổng quát, chỉ sử dụng tiêu chí đạt, không đạt. Đối với các tiêu chí chi tiết cơ bản trong tiêu chí tổng quát, chỉ sử dụng tiêu chí đạt, không đạt; đối với các tiêu chí chi tiết không cơ bản trong tiêu chí tổng quát ngoài tiêu chí đạt, không đạt, được áp dụng thêm tiêu chí chấp nhận được nhưng không được vượt quá 30% tổng số các tiêu chí chi tiết trong tiêu chí tổng quát đó.

Tiêu chí tổng quát được đánh giá là đạt khi tất cả các tiêu chí chi tiết cơ bản được đánh giá là đạt và các tiêu chí chi tiết không cơ bản được đánh giá là đạt hoặc chấp nhận được.

HSDT được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật khi có tất cả các tiêu chí tổng quát đều được đánh giá là đạt.

Ví dụ về TCĐG về kỹ thuật theo tiêu chí đạt, không đạt được nêu tại Ví dụ 1 Phần 4 - Phụ lục.

Mục 4. Tiêu chuẩn đánh giá về giá

Căn cứ tính chất, quy mô của từng gói thầu cụ thể mà lựa chọn một trong ba phương pháp dưới đây cho phù hợp:

4.1. Phương pháp giá thấp nhất[13]:

Cách xác định giá thấp nhất theo các bước sau đây:

Bước 1. Xác định giá dự thầu;

Bước 2. Sửa lỗi (thực hiện theo quy định tại phần Ghi chú (1));

Bước 3. Hiệu chỉnh sai lệch (thực hiện theo quy định tại phần Ghi chú (2));

Bước 4. Xác định giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có)3;

Bước 5. Xác định giá trị ưu đãi (nếu có) theo quy định tại Mục 32 CDNT;

Bước 6. Xếp hạng nhà thầu: HSDT có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có) và cộng giá trị ưu đãi (nếu có) thấp nhất được xếp hạng thứ nhất4.

4.2. Phương pháp giá đánh giá[14]:

Cách xác định giá đánh giá theo các bước sau đây:

Bước 1. Xác định giá dự thầu;

Bước 2. Sửa lỗi (thực hiện theo quy định tại phần Ghi chú (1));

Bước 3. Hiệu chỉnh sai lệch (thực hiện theo quy định tại phần Ghi chú (2));

Bước 4. Xác định giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có)2;

Bước 5. Xác định giá đánh giá:

Việc xác định giá đánh giá được thực hiện theo công thức sau đây:

GĐG = G ± ΔG + ΔƯĐ

Trong đó:

- G = (giá dự thầu ± giá trị sửa lỗi ± giá trị hiệu chỉnh sai lệch) - giá trị giảm giá (nếu có);

- ΔG là giá trị các yếu tố được quy về một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa bao gồm:

+ Chi phí vận hành, bảo dưỡng;

+ Chi phí lãi vay (nếu có);

+ Tiến độ;

+ Chất lượng (hiệu suất, công suất);

+ Xuất xứ;

+ Các yếu tố khác (nếu có).

- ΔƯĐ là giá trị phải cộng thêm đối với đối tượng không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Mục 32 CDNT.

Bước 6. Xếp hạng nhà thầu:

HSDT có giá đánh giá thấp nhất được xếp hạng thứ nhất3.

Ghi chú:

(1) Sửa lỗi:

Với điều kiện HSDT đáp ứng căn bản HSMT, việc sửa lỗi số học và các lỗi khác được tiến hành theo nguyên tắc sau đây:

a) Lỗi số học bao gồm những lỗi do thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia không chính xác khi tính toán giá dự thầu. Trường hợp không nhất quán giữa đơn giá và thành tiền thì lấy đơn giá làm cơ sở cho việc sửa lỗi; nếu phát hiện đơn giá dự thầu có sự sai khác bất thường do lỗi hệ thập phân (10 lần, 100 lần, 1.000 lần) thì thành tiền là cơ sở cho việc sửa lỗi. Trường hợp tại cột “đơn giá” và cột “thành tiền” nhà thầu không ghi giá trị hoặc ghi là “0” thì được coi là nhà thầu đã phân bổ giá của công việc này vào các công việc khác thuộc gói thầu, nhà thầu phải có trách nhiệm thực hiện hoàn thành các công việc này theo đúng yêu cầu nêu trong HSMT và không được Chủ đầu tư thanh toán trong quá trình thực hiện hợp đồng.

b) Các lỗi khác:

- Tại cột thành tiền đã được ghi đầy đủ giá trị nhưng không có đơn giá dự thầu tương ứng thì đơn giá dự thầu được xác định bổ sung bằng cách chia thành tiền cho số lượng; khi có đơn giá dự thầu nhưng cột thành tiền bỏ trống thì giá trị cột thành tiền sẽ được xác định bổ sung bằng cách nhân số lượng với đơn giá dự thầu; nếu một nội dung nào đó có ghi đơn giá dự thầu và giá trị tại cột thành tiền nhưng bỏ trống số lượng thì số lượng bỏ trống được xác định bổ sung bằng cách chia giá trị tại cột thành tiền cho đơn giá dự thầu của nội dung đó. Trường hợp số lượng được xác định bổ sung nêu trên khác với số lượng nêu trong HSMT thì giá trị sai khác đó là sai lệch về phạm vi cung cấp và được hiệu chỉnh theo quy định tại Bước 3;

- Lỗi nhầm đơn vị tính: sửa lại cho phù hợp với yêu cầu nêu trong HSMT;

- Lỗi nhầm đơn vị: sử dụng dấu "," (dấu phẩy) thay cho dấu "." (dấu chấm) và ngược lại thì được sửa lại cho phù hợp theo cách viết của Việt Nam. Khi Bên mời thầu cho rằng dấu phẩy hoặc dấu chấm trong đơn giá dự thầu rõ ràng đã bị đặt sai chỗ thì trong trường hợp này thành tiền của hạng mục sẽ có ý nghĩa quyết định và đơn giá dự thầu sẽ được sửa lại;

- Nếu có sai sót khi cộng các khoản tiền để ra tổng số tiền thì sẽ sửa lại tổng số tiền theo các khoản tiền;

- Nếu có sự khác biệt giữa con số và chữ viết thì lấy chữ viết làm cơ sở pháp lý cho việc sửa lỗi. Nếu chữ viết sai thì lấy con số sau khi sửa lỗi theo quy định tại Mục này làm cơ sở pháp lý.

(2) Hiệu chỉnh sai lệch:

a) Trường hợp có sai lệch về phạm vi cung cấp thì giá trị phần chào thiếu sẽ được cộng thêm vào, giá trị phần chào thừa sẽ được trừ đi theo mức đơn giá dự thầu tương ứng trong HSDT của nhà thầu có sai lệch;

Trường hợp có sai lệch thiếu (thiếu hạng mục công việc so với yêu cầu về phạm vi cung cấp) mà không có đơn giá tương ứng trong HSDT của nhà thầu có sai lệch thì thực hiện hiệu chỉnh sai lệch như sau:

Lấy mức đơn giá dự thầu cao nhất đối với hạng mục công việc mà nhà thầu chào thiếu trong số các HSDT khác vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật để làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch; trường hợp trong HSDT của các nhà thầu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật không có đơn giá dự thầu của công việc này thì lấy đơn giá trong dự toán được duyệt của gói thầu làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch; trường hợp không có dự toán gói thầu thì căn cứ vào đơn giá hình thành giá gói thầu làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch.

Trường hợp chỉ có một nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật thì tiến hành hiệu chỉnh sai lệch trên cơ sở lấy mức đơn giá dự thầu tương ứng trong HSDT của nhà thầu này; trường hợp HSDT của nhà thầu không có đơn giá dự thầu tương ứng thì lấy mức đơn giá trong dự toán của gói thầu được duyệt làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch; trường hợp không có dự toán gói thầu thì căn cứ vào đơn giá hình thành giá gói thầu làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch.

b) Trường hợp nhà thầu có thư giảm giá, việc sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch được thực hiện trên cơ sở giá dự thầu chưa trừ đi giá trị giảm giá. Tỷ lệ phần trăm (%) của sai lệch thiếu được xác định trên cơ sở so với giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu.

Mục 5. Phương án kỹ thuật thay thế trong HSDT (nếu có)

Theo quy định cho phép ở Mục 13 CDNT thì khi đó HSDT sẽ được đánh giá như sau:___[ghi các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá đối với phương án kỹ thuật thay thế].

Mục 6. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập (nếu có)

Nếu gói thầu được chia thành nhiều phần độc lập theo quy định tại Mục 33.6 CDNT thì thực hiện như sau:

1. Trong HSMT phải nêu rõ: điều kiện chào thầu; biện pháp và giá trị bảo đảm dự thầu cho từng phần hoặc nhiều phần; tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá đối với từng phần hoặc nhiều phần để các nhà thầu tính toán phương án chào thầu theo khả năng của mình;

2. Việc đánh giá HSDT và xét duyệt trúng thầu sẽ được thực hiện trên cơ sở bảo đảm tổng giá đề nghị trúng thầu của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tổng giá đánh giá của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá) và giá đề nghị trúng thầu của cả gói thầu không vượt giá gói thầu được duyệt mà không so sánh với ước tính chi phí của từng phần;

3. Trường hợp có một phần hoặc nhiều phần thuộc gói thầu không có nhà thầu tham gia đấu thầu hoặc không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu nêu trong HSMT, Chủ đầu tư báo cáo Người có thẩm quyền để điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu của gói thầu theo hướng tách các phần đó thành gói thầu riêng với giá gói thầu là tổng chi phí ước tính tương ứng của các phần; việc lựa chọn nhà thầu đối với các phần có nhà thầu tham gia và được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật vẫn phải bảo đảm nguyên tắc đánh giá theo quy định tại khoản 2 Mục này;

4. Trường hợp một nhà thầu trúng thầu tất cả các phần thì gói thầu có một hợp đồng. Trường hợp nhiều nhà thầu trúng thầu các phần khác nhau thì gói thầu có nhiều hợp đồng.

 

Chương IV. BIỂU MẪU DỰ THẦU

Mẫu số 01 (a). Đơn dự thầu (áp dụng trong trường hợp nhà thầu không có đề xuất giảm giá hoặc có đề xuất giảm giá trong thư giảm giá riêng)

Mẫu số 01 (b). Đơn dự thầu (áp dụng trong trường hợp nhà thầu có đề xuất giảm giá trong đơn dự thầu)

Mẫu số 02. Giấy ủy quyền

Mẫu số 03. Thỏa thuận liên danh

Mẫu số 04 (a). Bảo lãnh dự thầu áp dụng trong trường hợp nhà thầu độc lập

Mẫu số 04 (b). Bảo lãnh dự thầu áp dụng trong trường hợp nhà thầu liên danh

Mẫu số 05. Bảng tổng hợp giá dự thầu

Mẫu số 05 (a). Bảng giá dự thầu của hàng hóa (áp dụng đối với đấu thầu trong nước)

Mẫu số 05 (a1). Bảng giá dự thầu của hàng hóa sản xuất, gia công ngoài nước (áp dụng đối với thầu quốc tế)

Mẫu số 05 (a2). Bảng giá dự thầu của hàng hóa sản xuất, gia công trong nước hoặc hàng hóa sản xuất, gia công ngoài nước đã nhập khẩu và đang được chào bán tại Việt Nam (áp dụng đối với đấu thầu quốc tế)

Mẫu số 05 (b). Bảng giá dự thầu cho các dịch vụ liên quan

Mẫu số 06. Bảng kê khai chi phí sản xuất trong nước đối với hàng hóa được hưởng ưu đãi

Mẫu số 07 (a). Bản kê khai thông tin về nhà thầu

Mẫu số 07 (b). Bản kê khai thông tin về các thành viên của nhà thầu liên danh

Mẫu số 08. Hợp đồng tương tự do nhà thầu thực hiện

Mẫu số 09. Bảng đề xuất nhân sự chủ chốt

Mẫu số 10. Bản lý lịch chuyên môn của nhân sự chủ chốt

Mẫu số 11. Bản kinh nghiệm chuyên môn

Mẫu số 12. Hợp đồng không hoàn thành trong quá khứ

Mẫu số 13. Kiện tụng đang giải quyết

Mẫu số 14. Tình hình tài chính của nhà thầu

Mẫu số 15. Nguồn lực tài chính

Mẫu số 16. Nguồn lực tài chính hàng tháng cho các hợp đồng đang thực hiện

Mẫu số 17 (a). Phạm vi công việc sử dụng nhà thầu phụ

Mẫu số 17 (b). Bản kê khai nhà thầu phụ đặc biệt

 

Mẫu số 01 (a)

ĐƠN DỰ THẦU (1)

(áp dụng trong trường hợp nhà thầu không có đề xuất giảm giá hoặc có đề xuất giảm giá trong thư giảm giá riêng)

Ngày:___[ghi ngày tháng năm ký đơn dự thầu]

Tên gói thầu:___[ghi tên gói thầu theo thông báo mời thầu]

Tên dự án:___[ghi tên dự án]

Thư mời thầu số:__[ghi số trích yếu của Thư mời thầu đối với đấu thầu hạn chế]

Kính gửi:___[ghi đầy đủ và chính xác tên của Bên mời thầu]

Sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu và văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu số ____[ghi số của văn bản sửa đổi (nếu có)] mà chúng tôi đã nhận được, chúng tôi,____[ghi tên nhà thầu], cam kết thực hiện gói thầu ____[ghi tên gói thầu] theo đúng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu với tổng số tiền là ____[ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền dự thầu] (2) cùng với bảng tổng hợp giá dự thầu kèm theo.

Thời gian thực hiện hợp đồng là ____ [ghi thời gian thực hiện tất cả các công việc theo yêu cầu của gói thầu] (3).

Chúng tôi cam kết:

1. Chỉ tham gia trong một hồ sơ dự thầu này với tư cách là nhà thầu chính.

2. Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật.

3. Không vi phạm quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu.

4. Không thực hiện các hành vi tham nhũng, hối lộ, thông thầu, cản trở và các hành vi vi phạm quy định khác của pháp luật đấu thầu khi tham dự gói thầu này.

5. Những thông tin kê khai trong hồ sơ dự thầu là trung thực.

Nếu hồ sơ dự thầu của chúng tôi được chấp nhận, chúng tôi sẽ thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Mục 41 - Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu.

Hồ sơ dự thầu này có hiệu lực trong thời gian ____ (4)ngày, kể từ ngày ____ tháng ____ năm ____(5).

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu (6)
[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Nhà thầu lưu ý, đơn dự thầu phải được ghi đầy đủ và chính xác các thông tin về tên của Bên mời thầu, nhà thầu, thời gian có hiệu lực của HSDT, được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu.

(2) Giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logic với tổng giá dự thầu ghi trong bảng tổng hợp giá dự thầu, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho Chủ đầu tư, Bên mời thầu. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập thì nhà thầu phải ghi giá dự thầu cho từng phần và tổng giá dự thầu cho các phần mà nhà thầu tham dự thầu.

(3) Thời gian thực hiện hợp đồng nêu trong đơn dự thầu phải phù hợp với đề xuất về kỹ thuật và tiến độ hoàn thành nêu trong HSDT.

(4) Thời gian có hiệu lực của HSDT được tính kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực theo quy định trong HSMT. Từ thời điểm đóng thầu đến hết 24 giờ của ngày có thời điểm đóng thầu được tính là 1 ngày.

(5) Ghi ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22.1 BDL.

(6) Trường hợp đại diện theo pháp luật của nhà thầu ủy quyền cho cấp dưới ký đơn dự thầu thì phải gửi kèm theo Giấy ủy quyền theo Mẫu số 02 Chương này; trường hợp tại điều lệ công ty hoặc tại các tài liệu khác liên quan có phân công trách nhiệm cho cấp dưới ký đơn dự thầu thì phải gửi kèm theo các văn bản này (không cần lập Giấy ủy quyền theo Mẫu số 02 Chương này). Trường hợp nhà thầu là liên danh thì phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký, trừ trường hợp trong văn bản thỏa thuận liên danh theo Mẫu số 03 Chương này có quy định các thành viên trong liên danh thỏa thuận cho thành viên đứng đầu liên danh ký đơn dự thầu. Trường hợp từng thành viên liên danh có ủy quyền thì thực hiện như đối với nhà thầu độc lập. Nếu nhà thầu trúng thầu, trước khi ký kết hợp đồng, nhà thầu phải trình Chủ đầu tư bản chụp được chứng thực các văn bản này. Trường hợp phát hiện thông tin kê khai ban đầu là không chính xác thì nhà thầu bị coi là vi phạm Mục 3 CDNT.

 

Mẫu số 01(b)

ĐƠN DỰ THẦU (1)

(áp dụng trong trường hợp nhà thầu có đề xuất giảm giá trong đơn dự thầu)

Ngày: [ghi ngày tháng năm ký đơn dự thầu]

Tên gói thầu: [ghi tên gói thầu theo thông báo mời thầu]

Tên dự án: [ghi tên dự án]

Thư mời thầu số: [ghi số trích yếu của Thư mời thầu đối với đấu thầu hạn chế]

Kính gửi: [ghi đầy đủ và chính xác tên của Bên mời thầu]

Sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu và văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu số ____[ghi số của văn bản sửa đổi, nếu có] mà chúng tôi đã nhận được, chúng tôi,____[ghi tên nhà thầu], cam kết thực hiện gói thầu ____[ghi tên gói thầu] theo đúng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu với tổng số tiền là ____[ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền dự thầu] (2) cùng với bảng tổng hợp giá dự thầu kèm theo.

Ngoài ra, chúng tôi tự nguyện giảm giá dự thầu với số tiền giảm giá là:___[ghi giá trị giảm giá bằng số, bằng chữ và đồng tiền].  

Giá dự thầu sau khi trừ đi giá trị giảm giá là:____[ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền](3).

Thời gian thực hiện hợp đồng là ____[ghi thời gian thực hiện tất cả các công việc theo yêu cầu của gói thầu](4).

Chúng tôi cam kết:

1. Chỉ tham gia trong một hồ sơ dự thầu này với tư cách là nhà thầu chính.

2. Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật.

3. Không vi phạm quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu.

4. Không thực hiện các hành vi tham nhũng, hối lộ, thông thầu, cản trở và các hành vi vi phạm quy định khác của pháp luật đấu thầu khi tham dự gói thầu này.

5. Những thông tin kê khai trong hồ sơ dự thầu là trung thực.

Nếu hồ sơ dự thầu của chúng tôi được chấp nhận, chúng tôi sẽ thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Mục 41 - Chỉ dẫn nhà thầu trong hồ sơ mời thầu.

Hồ sơ dự thầu này có hiệu lực trong thời gian ____ (5)ngày, kể từ ngày ____ tháng ____ năm ____ (6).

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu (7)
[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Nhà thầu lưu ý, đơn dự thầu phải được ghi đầy đủ và chính xác các thông tin về tên của Bên mời thầu, nhà thầu, thời gian có hiệu lực của HSDT, được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu.

(2) Giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logic với tổng giá dự thầu ghi trong bảng tổng hợp giá dự thầu, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho Chủ đầu tư, Bên mời thầu. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập thì nhà thầu phải ghi giá dự thầu cho từng phần và tổng giá dự thầu cho các phần mà nhà thầu tham dự thầu.

(3) Ghi rõ giảm giá cho toàn bộ gói thầu hay giảm giá cho một hoặc nhiều công việc, hạng mục nào đó (nêu rõ công việc, hạng mục được giảm giá).

(4) Thời gian thực hiện hợp đồng nêu trong đơn dự thầu phải phù hợp với đề xuất về kỹ thuật và tiến độ hoàn thành nêu trong HSDT.

(5) Thời gian có hiệu lực của HSDT được tính kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực theo quy định trong HSMT. Từ thời điểm đóng thầu đến hết 24 giờ của ngày có thời điểm đóng thầu được tính là 1 ngày.

(6) Ghi ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22.1 BDL.

(7) Trường hợp đại diện theo pháp luật của nhà thầu ủy quyền cho cấp dưới ký đơn dự thầu thì phải gửi kèm theo Giấy ủy quyền theo Mẫu số 02 Chương này; trường hợp tại điều lệ công ty hoặc tại các tài liệu khác liên quan có phân công trách nhiệm cho cấp dưới ký đơn dự thầu thì phải gửi kèm theo các văn bản này (không cần lập Giấy ủy quyền theo Mẫu số 02 Chương này). Trường hợp nhà thầu là liên danh thì phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký, trừ trường hợp trong văn bản thỏa thuận liên danh theo Mẫu số 03 Chương này có quy định các thành viên trong liên danh thỏa thuận cho thành viên đứng đầu liên danh ký đơn dự thầu. Trường hợp từng thành viên liên danh có ủy quyền thì thực hiện như đối với nhà thầu độc lập. Nếu nhà thầu trúng thầu, trước khi ký kết hợp đồng, nhà thầu phải trình Chủ đầu tư bản chụp được chứng thực các văn bản này. Trường hợp phát hiện thông tin kê khai ban đầu là không chính xác thì nhà thầu bị coi là vi phạm Mục 3 CDNT.

 

Mẫu số 02

GIẤY ỦY QUYỀN (1)

Hôm nay, ngày ____ tháng ____ năm ____, tại ____

Tôi là ____[ghi tên, số CMND hoặc số hộ chiếu, chức danh của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu], là người đại diện theo pháp luật của ____ [ghi tên nhà thầu] có địa chỉ tại ____[ghi địa chỉ của nhà thầu] bằng văn bản này ủy quyền cho____ [ghi tên, số CMND hoặc số hộ chiếu, chức danh của người được ủy quyền] thực hiện các công việc sau đây trong quá trình tham dự thầu gói thầu ____[ghi tên gói thầu] thuộc dự án____[ghi tên dự án] do ____[ghi tên Bên mời thầu] tổ chức:

[- Ký đơn dự thầu;

- Ký thỏa thuận liên danh (nếu có);

- Ký các văn bản, tài liệu để giao dịch với Bên mời thầu trong quá trình tham gia đấu thầu, kể cả văn bản đề nghị làm rõ HSMT và văn bản giải trình, làm rõ HSDT hoặc văn bản đề nghị rút HSDT, sửa đổi, thay thế HSDT;

- Tham gia quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;

- Ký đơn kiến nghị trong trường hợp nhà thầu có kiến nghị;

- Ký kết hợp đồng với Chủ đầu tư nếu được lựa chọn](2).

Người được ủy quyền nêu trên chỉ thực hiện các công việc trong phạm vi ủy quyền với tư cách là đại diện hợp pháp của ____[ghi tên nhà thầu]. ____[ghi tên người đại diện theo pháp luật của nhà thầu] chịu trách nhiệm hoàn toàn về những công việc do ____[ghi tên người được ủy quyền] thực hiện trong phạm vi ủy quyền.

Giấy ủy quyền có hiệu lực kể từ ngày ____ đến ngày  ____(3). Giấy ủy quyền này được lập thành ____ bản có giá trị pháp lý như nhau, người ủy quyền giữ ____ bản, người được ủy quyền giữ ____ bản, Bên mời thầu giữ___bản.

 

Người được ủy quyền

[ghi tên, chức danh, ký tên và  đóng dấu (nếu có)]

Người ủy quyền

[ghi tên người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Trường hợp ủy quyền thì bản gốc giấy ủy quyền phải được gửi cho Bên mời thầu cùng với đơn dự thầu theo quy định tại Mục 20.3 CDNT. Việc ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu cho cấp phó, cấp dưới, giám đốc chi nhánh, người đứng đầu văn phòng đại diện của nhà thầu để thay mặt cho người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thực hiện một hoặc các nội dung công việc nêu trên đây. Việc sử dụng con dấu trong trường hợp được ủy quyền có thể là dấu của nhà thầu hoặc dấu của đơn vị mà cá nhân liên quan được ủy quyền. Người được ủy quyền không được tiếp tục ủy quyền cho người khác.

(2) Phạm vi ủy quyền bao gồm một hoặc nhiều công việc nêu trên.

(3) Ghi ngày có hiệu lực và ngày hết hiệu lực của giấy ủy quyền phù hợp với quá trình tham gia đấu thầu.

 

Mẫu số 03

THỎA THUẬN LIÊN DANH (1)

______, ngày ____ tháng ____ năm ____

Gói thầu: ____ [ghi tên gói thầu]

Thuộc dự án: ____[ghi tên dự án]

Căn cứ (2)____[Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 của Quốc hội];

Căn cứ(2)____ [Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu];

Căn cứ hồ sơ mời thầu gói thầu _____[ghi tên gói thầu] ngày ___ tháng ____ năm ____[ngày được ghi trên HSMT];

Chúng tôi, đại diện cho các bên ký thỏa thuận liên danh, gồm có:

Tên thành viên liên danh____[ghi tên từng thành viên liên danh]

Đại diện là ông/bà:_______________________________________________________________

Chức vụ:________________________________________________________________________

Địa chỉ:_________________________________________________________________________

Điện thoại:______________________________________________________________________

Fax:____________________________________________________________________________

E-mail:__________________________________________________________________________

Tài khoản:_______________________________________________________________________

Mã số thuế:_____________________________________________________________________

Giấy ủy quyền số __ ngày __tháng____ năm ___(trường hợp được ủy quyền).

Các bên (sau đây gọi là thành viên) thống nhất ký kết thỏa thuận liên danh với các nội dung sau:

Điều 1. Nguyên tắc chung

1. Các thành viên tự nguyện hình thành liên danh để tham dự thầu gói thầu____[ghi tên gói thầu] thuộc dự án ____ [ghi tên dự án].

2. Các thành viên thống nhất tên gọi của liên danh cho mọi giao dịch liên quan đến gói thầu này là: ____[ghi tên của liên danh theo thỏa thuận].

3. Các thành viên cam kết không thành viên nào được tự ý tham gia độc lập hoặc liên danh với thành viên khác để tham gia gói thầu này. Trường hợp trúng thầu, không thành viên nào có quyền từ chối thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ đã quy định trong hợp đồng. Trường hợp thành viên của liên danh từ chối hoàn thành trách nhiệm riêng của mình như đã thỏa thuận thì thành viên đó bị xử lý như sau:

- Bồi thường thiệt hại cho các bên trong liên danh;

- Bồi thường thiệt hại cho Chủ đầu tư theo quy định nêu trong hợp đồng;

- Hình thức xử lý khác ____[ghi rõ hình thức xử lý khác].

Điều 2. Phân công trách nhiệm

Các thành viên thống nhất phân công trách nhiệm để thực hiện gói thầu ____[ghi tên gói thầu] thuộc dự án ____[ghi tên dự án] đối với từng thành viên như sau:

1. Thành viên đứng đầu liên danh:

Các bên nhất trí ủy quyền cho ____[ghi tên một bên] làm thành viên đứng đầu liên danh, đại diện cho liên danh trong những phần việc sau(3):

[- Ký đơn dự thầu;

- Ký các văn bản, tài liệu để giao dịch với Bên mời thầu trong quá trình tham dự thầu, kể cả văn bản đề nghị làm rõ HSMT và văn bản giải trình, làm rõ HSDT hoặc văn bản đề nghị rút HSDT, sửa đổi, thay thế HSDT;

- Thực hiện bảo đảm dự thầu cho cả liên danh;

- Tham gia quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;

- Ký đơn kiến nghị trong trường hợp nhà thầu có kiến nghị;

- Các công việc khác trừ việc ký kết hợp đồng ____ [ghi rõ nội dung các công việc khác (nếu có)].

2. Các thành viên trong liên danh thỏa thuận phân công trách nhiệm thực hiện công việc theo bảng dưới đây (4):

STT

Tên

Nội dung công việc đảm nhận

Tỷ lệ % so với tổng giá dự thầu

1

Tên thành viên đứng đầu liên danh

- ___

- ___

- ___%

- ___%

2

Tên thành viên thứ 2

- ___

- ___

- ___%

- ___%

....

....

....

......

Tổng cộng

Toàn bộ công việc của gói thầu

100%

Điều 3. Hiệu lực của thỏa thuận liên danh

1. Thỏa thuận liên danh có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Thỏa thuận liên danh chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau:

- Các bên hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và tiến hành thanh lý hợp đồng;

- Các bên cùng thỏa thuận chấm dứt;

- Nhà thầu liên danh không trúng thầu;

- Hủy thầu gói thầu ____ [ghi tên gói thầu] thuộc dự án ____ [ghi tên dự án] theo thông báo của Bên mời thầu.

Thỏa thuận liên danh được lập thành ______bản, mỗi bên giữ_____bản, các bản thỏa thuận có giá trị pháp lý như nhau.

 

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA THÀNH VIÊN ĐỨNG ĐẦU LIÊN DANH

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA THÀNH VIÊN LIÊN DANH

[ghi tên từng thành viên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

Ghi chú:

(1) Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, nội dung thỏa thuận liên danh theo mẫu này có thể được sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập thì trong thỏa thuận liên danh phải nêu rõ tên, số hiệu của các phần mà nhà thầu liên danh tham dự thầu, trong đó nêu rõ trách nhiệm chung và trách nhiệm riêng của từng thành viên liên danh đối với phần tham dự thầu.

(2) Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định hiện hành.

(3) Phạm vi ủy quyền bao gồm một hoặc nhiều công việc nêu trên.

(4) Nhà thầu phải ghi rõ nội dung công việc cụ thể và ước tính giá trị tương ứng mà từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện, trách nhiệm chung, trách nhiệm của từng thành viên, kể cả thành viên đứng đầu liên danh.

 

Mẫu số 04 (a)

BẢO LÃNH DỰ THẦU (1)

(áp dụng đối với nhà thầu độc lập)

Bên thụ hưởng:___[ghi tên và địa chỉ của Bên mời thầu]

Ngày phát hành bảo lãnh:___[ghi ngày phát hành bảo lãnh]

 

BẢO LÃNH DỰ THẦU số:___[ghi số trích yếu của Bảo lãnh dự thầu]

 

Bên bảo lãnh:___[ghi tên và địa chỉ nơi phát hành, nếu những thông tin này chưa được thể hiện ở phần tiêu đề trên giấy in]

Chúng tôi được thông báo rằng [ghi tên nhà thầu] (sau đây gọi là "Bên yêu cầu bảo lãnh") sẽ tham dự thầu để thực hiện gói thầu [ghi tên gói thầu] thuộc dự án [ghi tên dự án] theo Thư mời thầu/thông báo mời thầu số [ghi số trích yếu của Thư mời thầu/thông báo mời thầu].

Chúng tôi cam kết với Bên thụ hưởng rằng chúng tôi bảo lãnh cho nhà thầu tham dự thầu gói thầu này bằng một khoản tiền là ____[ghi rõ giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng].

Bảo lãnh này có hiệu lực trong ____(2) ngày, kể từ ngày____tháng___ năm___(3).

Theo yêu cầu của Bên yêu cầu bảo lãnh, chúng tôi, với tư cách là Bên bảo lãnh, cam kết chắc chắn sẽ thanh toán cho Bên thụ hưởng một khoản tiền hay các khoản tiền không vượt quá tổng số tiền là [ghi bằng chữ] [ghi bằng số] khi nhận được văn bản thông báo nhà thầu vi phạm từ Bên thụ hưởng trong đó nêu rõ:

1. Nhà thầu rút hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu;

2. Nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d Mục 36.1 - Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu;

3. Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành thương thảo hợp đồng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo mời đến thương thảo hợp đồng của Bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng;

4. Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của Bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng;

5. Nhà thầu không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Mục 41.1 - Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu.

Nếu Bên yêu cầu bảo lãnh được lựa chọn: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi Bên yêu cầu bảo lãnh ký kết hợp đồng và nộp Bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Bên thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng đó.

Nếu Bên yêu cầu bảo lãnh không được lựa chọn: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi chúng tôi nhận được bản chụp văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu từ Bên thụ hưởng gửi cho Bên yêu cầu bảo lãnh; trong vòng 30 ngày sau khi hết thời hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu.

Bất cứ yêu cầu bồi thường nào theo bảo lãnh này đều phải được gửi đến văn phòng chúng tôi trước hoặc trong ngày đó.

 

 

Đại diện hợp pháp của ngân hàng

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Áp dụng trong trường hợp biện pháp bảo đảm dự thầu là thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

(2) Ghi theo quy định tại Mục 19.2 BDL.

(3) Ghi ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22.1 BDL.

 

Mẫu số 04 (b)

BẢO LÃNH DỰ THẦU (1)

(áp dụng đối với nhà thầu liên danh)

Bên thụ hưởng:___[ghi tên và địa chỉ của Bên mời thầu]

Ngày phát hành bảo lãnh:___[ghi ngày phát hành bảo lãnh]

BẢO LÃNH DỰ THẦU số:___[ghi số trích yếu của Bảo lãnh dự thầu]

Bên bảo lãnh:___[ghi tên và địa chỉ nơi phát hành, nếu những thông tin này chưa được thể hiện ở phần tiêu đề trên giấy in]

Chúng tôi được thông báo rằng [ghi tên nhà thầu](2) (sau đây gọi là "Bên yêu cầu bảo lãnh") sẽ tham dự thầu để thực hiện gói thầu [ghi tên gói thầu] thuộc dự án [ghi tên dự án] theo Thư mời thầu/thông báo mời thầu số [ghi số trích yếu của Thư mời thầu/thông báo mời thầu].

Chúng tôi cam kết với Bên thụ hưởng rằng chúng tôi bảo lãnh cho nhà thầu tham dự thầu gói thầu này bằng một khoản tiền là ____ [ghi rõ giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng].

Bảo lãnh này có hiệu lực trong ____(3) ngày, kể từ ngày____tháng___ năm___(4).

Theo yêu cầu của Bên yêu cầu bảo lãnh, chúng tôi, với tư cách là Bên bảo lãnh, cam kết chắc chắn sẽ thanh toán cho Bên thụ hưởng một khoản tiền hay các khoản tiền không vượt quá tổng số tiền là [ghi bằng chữ] [ghi bằng số] khi nhận được văn bản thông báo nhà thầu vi phạm từ Bên thụ hưởng trong đó nêu rõ:

1. Nhà thầu rút hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu;

2. Nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d Mục 36.1 - Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu;

3. Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành thương thảo hợp đồng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo mời đến thương thảo hợp đồng của Bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng;

4. Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của Bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng;

5. Nhà thầu không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Mục 41.1 - Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu.

Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh _____ [ghi đầy đủ tên của nhà thầu liên danh] vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không được hoàn trả bảo đảm dự thầu theo quy định tại Mục 19.5 - Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu thì bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh sẽ không được hoàn trả

Nếu Bên yêu cầu bảo lãnh được lựa chọn: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi Bên yêu cầu bảo lãnh ký kết hợp đồng và nộp Bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Bên thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng đó.

Nếu Bên yêu cầu bảo lãnh không được lựa chọn: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi chúng tôi nhận được bản chụp văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu từ Bên thụ hưởng gửi cho Bên yêu cầu bảo lãnh; trong vòng 30 ngày sau khi hết thời hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu.

Bất cứ yêu cầu bồi thường nào theo bảo lãnh này đều phải được gửi đến văn phòng chúng tôi trước hoặc trong ngày đó.

 

 

Đại diện hợp pháp của ngân hàng

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Áp dụng trong trường hợp biện pháp bảo đảm dự thầu là thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam. Khuyến khích các ngân hàng sử dụng theo Mẫu này, trường hợp sử dụng theo mẫu khác mà vi phạm một trong các quy định như: có giá trị thấp hơn, thời gian hiệu lực ngắn hơn so với yêu cầu quy định tại Mục 19.2 CDNT, không đúng tên Bên mời thầu (đơn vị thụ hưởng), không phải là bản gốc và không có chữ ký hợp lệ hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho Bên mời thầu thì bảo lãnh dự thầu trong trường hợp này được coi là không hợp lệ.

(2) Tên nhà thầu có thể là một trong các trường hợp sau đây:

- Tên của cả nhà thầu liên danh, ví dụ nhà thầu liên danh A + B tham dự thầu thì tên nhà thầu ghi là “Nhà thầu liên danh A + B”;

- Tên của thành viên chịu trách nhiệm thực hiện bảo lãnh dự thầu cho cả liên danh hoặc cho thành viên khác trong liên danh, ví dụ nhà thầu liên danh A + B + C tham dự thầu, trường hợp trong thoả thuận liên danh phân công cho nhà thầu A thực hiện bảo đảm dự thầu cho cả liên danh thì tên nhà thầu ghi là “nhà thầu A (thay mặt cho nhà thầu liên danh A + B +C)”, trường hợp trong thỏa thuận liên danh phân công nhà thầu B thực hiện bảo đảm dự thầu cho nhà thầu B và C thì tên nhà thầu ghi là “Nhà thầu B (thay mặt cho nhà thầu B và C)”;

- Tên của thành viên liên danh thực hiện riêng rẽ bảo lãnh dự thầu.

(3) Ghi theo quy định tại Mục 19.2 BDL

(4) Ghi ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22.1 BDL.

 

Mẫu số 05

BẢNG TỔNG HỢP GIÁ DỰ THẦU

(áp dụng đối với đấu thầu trong nước)

STT

Nội dung

Giá dự thầu

1

Hàng hóa

(M)

2

Dịch vụ liên quan

(I)

 

Tổng cộng giá dự thầu

(Kết chuyển sang đơn dự thầu)

(M) + (I)

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

BẢNG TỔNG HỢP GIÁ DỰ THẦU

(áp dụng đối với đấu thầu quốc tế)

STT

Nội dung

Giá dự thầu

1

Hàng hóa sản xuất, gia công trong nước hoặc hàng hóa sản xuất, gia công ngoài nước đã nhập khẩu và đang được chào bán tại Việt Nam

(M1)

2

Hàng hóa sản xuất, gia công ngoài nước

(M2)

3

Dịch vụ liên quan

(I)

 

Tổng cộng giá dự thầu

(Kết chuyển sang đơn dự thầu)

(M1) + (M2) + (I)

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

Mẫu số 05 (a)

BẢNG GIÁ DỰ THẦU CỦA HÀNG HÓA

(áp dụng đối với đấu thầu trong nước)

1

2

3

4

5

6

7

STT

Danh mục hàng hóa

Đơn vị tính

Khối lượng mời thầu

Xuất xứ, ký mã hiệu, nhãn mác của sản phẩm

Đơn giá dự thầu

Thành tiền

(Cột 4x6)

1

Hàng hóa thứ 1

 

 

 

 

M1

2

Hàng hóa thứ 2

 

 

 

 

M2

 

….

 

 

 

 

 

n

Hàng hóa thứ n

 

 

 

 

Mn

Tổng cộng giá dự thầu của hàng hóa đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

(Kết chuyển sang bảng tổng hợp giá dự thầu)

M=M1+M2+…+Mn

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

Các cột (1), (2), (3), (4) Bên mời thầu ghi phù hợp với Danh mục hàng hóa quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp; các cột (5), (6), (7) nhà thầu chào.

Đơn giá dự thầu tại cột (6) bao gồm các chi phí cần thiết để cung cấp hàng hóa theo yêu cầu của bên mời thầu, trong đó bao gồm các chi phí thuế, phí, lệ phí (nếu có) và không bao gồm các chi phí của dịch vụ liên quan tại Mẫu số 5(b). Khi tham dự thầu, nhà thầu phải chịu trách nhiệm tìm hiểu, tính toán và chào đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) theo thuế suất, mức phí, lệ phí tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định. Trường hợp nhà thầu tuyên bố giá dự thầu không bao gồm thuế, phí, lệ phí thì HSDT của nhà thầu sẽ bị loại.

 

Mẫu số 05 (a1)

BẢNG GIÁ DỰ THẦU CỦA HÀNG HÓA SẢN XUẤT, GIA CÔNG

NGOÀI NƯỚC

(áp dụng đối với đấu thầu quốc tế)

1

2

3

4

5

6

7

8

STT

Danh mục hàng hóa

Đơn vị tính

Khối lượng mời thầu

Xuất xứ, ký mã hiệu, nhãn mác của sản phẩm

Đơn giá   dự thầu

Thành tiền

(Cột 4x6)

Thuế, phí, lệ phí

(nếu có)

1

Hàng hóa thứ 1

 

 

 

 

A1

T1

2

Hàng hóa thứ 2

 

 

 

 

A2

T2

 

….

 

 

 

 

 

 

n

Hàng hóa thứ n

 

 

 

 

An

Tn

Tổng cộng giá dự thầu của hàng hóa chưa bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

A=A1+A2+ …+An

 

Tổng cộng giá trị thuế, phí, lệ phí (nếu có)

T=T1+T2+…+Tn

Tổng cộng giá dự thầu của hàng hóa đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

(Kết chuyển sang bảng tổng hợp giá dự thầu)

M1=A+T

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

Các cột (1), (2), (3), (4) Bên mời thầu ghi phù hợp với Danh mục hàng hóa quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp.

Các cột (5), (6), (7), (8) nhà thầu chào. Nhà thầu chào đơn giá dự thầu tại cột (6) theo quy định tại Mục 14.2 BDL, bao gồm các chi phí cần thiết để cung cấp hàng hóa theo yêu cầu của bên mời thầu, không bao gồm các chi phí thuế, phí, lệ phí (nếu có) tại cột (8) và không bao gồm chi phí của các dịch vụ liên quan tại Mẫu số 5(b).

Cột (8) bao gồm tất cả các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có). Khi tham dự thầu, nhà thầu phải chịu trách nhiệm tìm hiểu, tính toán và chào đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) theo thuế suất, mức phí, lệ phí tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định. Trường hợp nhà thầu tuyên bố giá dự thầu không bao gồm thuế, phí, lệ phí thì HSDT của nhà thầu sẽ bị loại.

Tổng giá trị về thuế, phí, lệ phí (nếu có) sẽ không được xem xét trong quá trình đánh giá để so sánh, xếp hạng nhà thầu. Giá đề nghị trúng thầu và giá hợp đồng phải bao gồm giá trị về thuế, phí, lệ phí (nếu có).

 

Mẫu số 05 (a2)

BẢNG GIÁ DỰ THẦU CỦA HÀNG HÓA SẢN XUẤT, GIA CÔNG TRONG NƯỚC HOẶC HÀNG HÓA SẢN XUẤT, GIA CÔNG NGOÀI NƯỚC ĐÃ NHẬP KHẨU VÀ ĐANG ĐƯỢC CHÀO BÁN TẠI VIỆT NAM

(áp dụng đối với đấu thầu quốc tế)

1

2

3

4

5

6

7

8

STT

Danh mục hàng hóa

Đơn vị tính

Khối lượng mời thầu

Xuất xứ, ký mã hiệu, nhãn mác của sản phẩm

Đơn giá  dự thầu

Thành tiền

(Cột 4x6)

Thuế, phí, lệ phí

(nếu có)

1

Hàng hóa thứ 1

 

 

 

 

A1

T1

2

Hàng hóa thứ 2

 

 

 

 

A2

T2

 

….

 

 

 

 

 

 

n

Hàng hóa thứ n

 

 

 

 

An

Tn

Tổng cộng giá dự thầu của hàng hóa không bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

A=A1+A2+…+An

 

Tổng cộng giá trị thuế, phí, lệ phí (nếu có)

T=T1+T2+…+Tn

Tổng cộng giá dự thầu của hàng hóa đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

(Kết chuyển sang bảng tổng hợp giá dự thầu)

M2=A+T

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

Các cột (1), (2), (3), (4) Bên mời thầu ghi phù hợp với Danh mục hàng hóa quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp. Các cột (5), (6), (7), (8) nhà thầu chào. Đơn giá dự thầu tại cột (6) bao gồm các chi phí cần thiết để cung cấp hàng hóa theo yêu cầu của bên mời thầu, không bao gồm các chi phí thuế, phí, lệ phí (nếu có) tại cột (8) và không bao gồm chi phí của các dịch vụ liên quan tại Mẫu số 5(b).

Cột (8) bao gồm tất cả các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có). Khi tham dự thầu, nhà thầu phải chịu trách nhiệm tìm hiểu, tính toán và chào đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) theo thuế suất, mức phí, lệ phí tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định. Trường hợp nhà thầu tuyên bố giá dự thầu không bao gồm thuế, phí, lệ phí thì HSDT của nhà thầu sẽ bị loại.

Tổng giá trị về thuế, phí, lệ phí (nếu có) sẽ không được xem xét trong quá trình đánh giá để so sánh, xếp hạng nhà thầu. Giá đề nghị trúng thầu và giá hợp đồng phải bao gồm giá trị về thuế, phí, lệ phí (nếu có).

 

Mẫu số 05 (b)

BẢNG GIÁ DỰ THẦU CHO CÁC DỊCH VỤ LIÊN QUAN

1

2

3

4

5

6

7

8

STT

Mô tả dịch vụ

Khối lượng mời thầu

Đơn vị tính

Địa điểm thực hiện dịch vụ

Ngày hoàn thành dịch vụ

Đơn giá dự thầu

Thành tiền

(Cột 3x7)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng giá dự thầu cho các dịch vụ liên quan đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

(Kết chuyển sang bảng tổng hợp giá dự thầu)

(I)

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

Các cột (1), (2), (3), (4), (5) và (6) Bên mời thầu ghi phù hợp với Biểu dịch vụ liên quan quy định tại Mục 1 Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp.

Các cột (7) và cột (8) do nhà thầu chào.

 

Mẫu số 06

BẢNG KÊ KHAI CHI PHÍ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC ĐỐI VỚI

HÀNG HÓA ĐƯỢC HƯỞNG ƯU ĐÃI (1)

STT

Tên hàng hóa

Giá trị

1

Tên hàng hóa thứ nhất

 

 

Giá chào của hàng hóa trong HSDT

(I)

 

Giá trị thuế các loại (trong đó bao gồm thuế nhập khẩu đối với các linh kiện, thiết bị cấu thành hàng hóa nhập khẩu, thuế VAT và các loại thuế khác phải trả cho hàng hóa)

(II)

 

Kê khai các chi phí nhập ngoại trong hàng hóa bao gồm các loại phí, lệ phí (nếu có) 

(III)

 

Chi phí sản xuất trong nước

G* = (I) - (II) - (III)

 

Tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước

D (%) = G*/G (%)

Trong đó G = (I) - (II)

2

Tên hàng hóa thứ hai

 

 

 

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Trường hợp hàng hóa không thuộc đối tượng ưu đãi thì nhà thầu không phải kê khai theo Mẫu này.

 

Mẫu số 07 (a)

BẢN KÊ KHAI THÔNG TIN VỀ NHÀ THẦU

Ngày: _________________
Số hiệu và tên gói thầu: _________________

 

Tên nhà thầu:__ [ghi tên nhà thầu]

Trong trường hợp liên danh, ghi tên của từng thành viên trong liên danh

Nơi nhà thầu đăng ký kinh doanh, hoạt động:___[ghi tên tỉnh/thành phố nơi đăng ký kinh doanh, hoạt động]

Năm thành lập công ty:___[ghi năm thành lập công ty]

Địa chỉ hợp pháp của nhà thầu:__[tại nơi đăng ký]

Thông tin về đại diện hợp pháp của nhà thầu

Tên: _____________________________________

Địa chỉ: __________________________________

Số điện thoại/fax: __________________________

Địa chỉ email: ______________________________

1. Kèm theo là bản chụp một trong các tài liệu sau đây: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu đang hoạt động cấp.

2. Trình bày sơ đồ tổ chức của nhà thầu.

 

Mẫu số 07 (b)

BẢN KÊ KHAI THÔNG TIN VỀ CÁC THÀNH VIÊN CỦA

NHÀ THẦU LIÊN DANH (1)

Ngày: _______________
Số hiệu và tên gói thầu: __________________

 

Tên nhà thầu liên danh:

Tên thành viên của nhà thầu liên danh:

Quốc gia nơi đăng ký công ty của thành viên liên danh:

Năm thành lập công ty của thành viên liên danh:

Địa chỉ hợp pháp của thành viên liên danh tại quốc gia đăng ký:

Thông tin về đại diện hợp pháp của thành viên liên danh

Tên: ____________________________________

Địa chỉ: __________________________________

Số điện thoại/fax: __________________________

Địa chỉ e-mail: _____________________________

1. Kèm theo là bản chụp một trong các tài liệu sau đây: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định thành lập hoặc Giấy đăng ký hoạt động hợp pháp...

2. Trình bày sơ đồ tổ chức.

Ghi chú:

(1) Trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên của nhà thầu liên danh phải kê khai theo Mẫu này.

 

Mẫu số 08

HỢP ĐỒNG TƯƠNG TỰ DO NHÀ THẦU THỰC HIỆN (1)

___, ngày ____ tháng ____ năm ____

Tên nhà thầu: _____[ghi tên đầy đủ của nhà thầu]

Thông tin về từng hợp đồng, mỗi hợp đồng cần bảo đảm các thông tin sau đây:

Tên và số hợp đồng

[ghi tên đầy đủ của hợp đồng, số ký hiệu]

Ngày ký hợp đồng

[ghi ngày, tháng, năm]

Ngày hoàn thành

[ghi ngày, tháng, năm]

Giá hợp đồng

[ghi tổng giá hợp đồng bằng số tiền và đồng tiền đã ký]

Tương đương ____ VND

Trong trường hợp là thành viên trong liên danh, ghi giá trị phần hợp đồng mà nhà thầu đảm nhiệm

[ghi phần trăm giá hợp đồng trong tổng giá hợp đồng]

[ghi số tiền và đồng tiền đã ký]

Tương đương ___ VND

Tên dự án:

[ghi tên đầy đủ của dự án có hợp đồng đang kê khai]

Tên Chủ đầu tư:

[ghi tên đầy đủ của Chủ đầu tư trong hợp đồng đang kê khai]

 Địa chỉ:

Điện thoại/fax:

E-mail:

[ghi đầy đủ địa chỉ hiện tại của Chủ đầu tư]

[ghi số điện thoại, số fax kể cả mã quốc gia, mã vùng, địa chỉ e-mail]

Mô tả tính chất tương tự theo quy định tại Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT(2).

1. Loại hàng hóa

[ghi thông tin phù hợp]

2. Về giá trị

[ghi số tiền bằng VND]

3. Về quy mô thực hiện

[ghi quy mô theo hợp đồng]

4. Các đặc tính khác

[ghi các đặc tính khác nếu cần thiết]

Nhà thầu phải gửi kèm theo bản chụp các văn bản, tài liệu liên quan đến các hợp đồng đó (xác nhận của Chủ đầu tư về hợp đồng đã hoàn thành theo các nội dung liên quan trong bảng trên...).

Ghi chú:

(1) Trong trường hợp liên danh, từng thành viên trong liên danh kê khai theo Mẫu này.

(2) Nhà thầu chỉ kê khai nội dung tương tự với yêu cầu của gói thầu.

 

Mẫu số 09

BẢNG ĐỀ XUẤT NHÂN SỰ CHỦ CHỐT

- Đối với từng vị trí công việc quy định tại Mẫu này thì nhà thầu phải kê khai các thông tin chi tiết theo Mẫu số 10 và Mẫu số 11 Chương này.

- Nhà thầu phải kê khai những nhân sự chủ chốt có năng lực phù hợp đáp ứng các yêu cầu quy định tại Mục 2.2 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT và có thể sẵn sàng huy động cho gói thầu; không được kê khai những nhân sự đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận.

1

Vị trí công việc: [ghi cụ thể vị trí công việc đảm nhận trong gói thầu]

 

Tên: [ghi tên nhân sự chủ chốt]

2

Vị trí công việc: [ghi cụ thể vị trí công việc đảm nhận trong gói thầu]

 

Tên: [ghi tên nhân sự chủ chốt]

3

Vị trí công việc

 

Tên

4

Vị trí công việc

 

Tên

5

Vị trí công việc

 

Tên

….

Vị trí công việc

Tên

 

Mẫu số 10

BẢN LÝ LỊCH CHUYÊN MÔN CỦA NHÂN SỰ CHỦ CHỐT

Nhà thầu phải cung cấp tất cả các thông tin được yêu cầu dưới đây và phải gửi kèm theo bản chụp được chứng thực các văn bằng, chứng chỉ có liên quan.

Vị trí

 

Thông tin nhân sự

Tên

Ngày, tháng, năm sinh:

 

Trình độ chuyên môn

 

Công việc hiện tại

Tên của người sử dụng lao động

 

 

Địa chỉ của người sử dụng lao động

 

 

Điện thoại

Người liên lạc (trưởng phòng / cán bộ phụ trách nhân sự)

 

Fax

 

E-mail

 

Chức danh

Số năm làm việc cho người sử dụng lao động hiện tại

 

Mẫu số 11

BẢN KINH NGHIỆM CHUYÊN MÔN

Tóm tắt kinh nghiệm chuyên môn theo trình tự thời gian từ hiện tại trở về trước. Nêu rõ các kinh nghiệm chuyên môn và kinh nghiệm quản lý cụ thể liên quan đến gói thầu.

Từ

Đến

Công ty / Dự án / Chức vụ / Kinh nghiệm

chuyên môn và quản lý có liên quan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu số 12

HỢP ĐỒNG KHÔNG HOÀN THÀNH TRONG QUÁ KHỨ (1)

Tên nhà thầu: ________________
Ngày: ______________________
Tên thành viên của nhà thầu liên danh (nếu có):_________________________

 

Các hợp đồng không hoàn thành trong quá khứ theo quy định tại Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT

Không có hợp đồng nào đã ký nhưng không thực hiện kể từ ngày 1 tháng 1 năm__ [ghi năm] theo quy định tại tiêu chí đánh giá 1 trong Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

Có hợp đồng đã ký nhưng không hoàn thành tính từ ngày 1 tháng 1 năm___ [ghi năm] theo quy định tại tiêu chí đánh giá 1 trong Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

Năm

Phần việc hợp đồng không hoàn thành

Mô tả hợp đồng

Tổng giá trị hợp đồng (giá trị hiện tại, đơn vị tiền tệ, tỷ giá hối đoái, giá trị tương đương bằng VND)

 

 

Mô tả hợp đồng:

Tên Chủ đầu tư:

Địa chỉ:

Nguyên nhân không hoàn thành hợp đồng:

 

Ghi chú:

(1) Nhà thầu phải kê khai chính xác, trung thực các hợp đồng không hoàn thành trong quá khứ; nếu Bên mời thầu phát hiện bất cứ nhà thầu nào có hợp đồng không hoàn thành trong quá khứ mà không kê khai thì được coi là hành vi “gian lận” và HSDT sẽ bị loại.

Trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên của nhà thầu liên danh phải kê khai theo Mẫu này.

 

Mẫu số 13

KIỆN TỤNG ĐANG GIẢI QUYẾT (1)

Tên nhà thầu: ________________
Ngày: ______________________
Tên thành viên của nhà thầu liên danh (nếu có):_________________________

 

Các vụ kiện đang giải quyết

Chọn một trong các thông tin mô tả dưới đây:

□ Không có vụ kiện nào đang giải quyết.

□ Dưới đây là mô tả về các vụ kiện đang giải quyết mà nhà thầu là một bên đương sự (hoặc mỗi thành viên của liên danh nếu là nhà thầu liên danh).

Năm

Vấn đề tranh chấp

Giá trị vụ kiện đang giải quyết tính bằng VND

Tỷ lệ của giá trị vụ kiện đang giải quyết so với giá trị tài sản ròng

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Nhà thầu phải kê khai chính xác, trung thực các vụ kiện tụng đang giải quyết; nếu Bên mời thầu phát hiện bất cứ nhà thầu nào đang có các vụ kiện tụng mà không kê khai thì được coi là hành vi “gian lận” và HSDT sẽ bị loại.

Trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên của nhà thầu liên danh phải kê khai theo Mẫu này.

 

Mẫu số 14

TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CỦA NHÀ THẦU (1)

Tên nhà thầu: ________________
Ngày: ______________________
Tên thành viên của nhà thầu liên danh (nếu có):_________________________

 

Số liệu tài chính cho 3 năm gần nhất (2) [VND]

Năm 1:

Năm 2:

Năm 3:

 

Thông tin từ Bảng cân đối kế toán

Tổng tài sản

 

 

 

Tổng nợ

 

 

 

Giá trị tài sản ròng

 

 

 

Tài sản ngắn hạn

 

 

 

Nợ ngắn hạn

 

 

 

Vốn lưu động

 

 

 

 

Thông tin từ Báo cáo kết quả kinh doanh

Tổng doanh thu

 

 

 

Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh(3)

 

Lợi nhuận trước thuế

 

 

 

Lợi nhuận sau thuế

 

 

 

Đính kèm là bản sao các báo cáo tài chính (các bảng cân đối kế toán bao gồm tất cả thuyết minh có liên quan, và các báo cáo kết quả kinh doanh) cho ba năm gần nhất(4), như đã nêu trên, tuân thủ các điều kiện sau:

Phản ánh tình hình tài chính của nhà thầu hoặc thành viên liên danh (nếu là nhà thầu liên danh) mà không phải tình hình tài chính của một chủ thể liên kết như công ty mẹ hoặc công ty con hoặc công ty liên kết với nhà thầu hoặc thành viên liên danh.

Các báo cáo tài chính được kiểm toán theo quy định.

Các báo cáo tài chính phải hoàn chỉnh, đầy đủ nội dung theo quy định.

Các báo cáo tài chính phải tương ứng với các kỳ kế toán đã hoàn thành và được kiểm toán. Kèm theo là bản chụp được chứng thực một trong các tài liệu sau đây:

- Biên bản kiểm tra quyết toán thuế;

- Tờ khai tự quyết toán thuế (thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) có xác nhận của cơ quan thuế về thời điểm đã nộp tờ khai;

- Tài liệu chứng minh việc nhà thầu đã kê khai quyết toán thuế điện tử;

- Văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế (xác nhận số nộp cả năm) về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế;

- Báo cáo kiểm toán;

- Các tài liệu khác.

Ghi chú:

(1) Trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên của nhà thầu liên danh phải kê khai theo Mẫu này.

(2), (4) Khoảng thời gian được nêu ở đây cần giống khoảng thời gian được quy định tại Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

(3) Để xác định doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà thầu sẽ chia tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các năm cho số năm dựa trên thông tin đã được cung cấp.

 

Mẫu số 15

NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH (1)

Nêu rõ các nguồn tài chính dự kiến, chẳng hạn như các tài sản có khả năng thanh khoản cao(2), các hạn mức tín dụng và các nguồn tài chính khác (không phải là các khoản tạm ứng theo hợp đồng) có sẵn để đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính được nêu trong Mẫu số 16 Chương này.

Nguồn lực tài chính của nhà thầu

STT

Nguồn tài chính

Số tiền (VND)

1

 

 

2

 

 

3

 

 

 

 

Tổng nguồn lực tài chính của nhà thầu (TNL)

 

Ghi chú:

(1) Từng nhà thầu hoặc thành viên liên danh phải cung cấp thông tin về nguồn lực tài chính của mình, kèm theo tài liệu chứng minh.

Nguồn lực tài chính mà nhà thầu dự kiến huy động để thực hiện gói thầu được tính theo công thức sau:

NLTC = TNL - ĐTH

Trong đó:

- NLTC là nguồn lực tài chính mà nhà thầu dự kiến huy động để thực hiện gói thầu;

- TNL là tổng nguồn lực tài chính của nhà thầu (tổng nguồn lực tài chính quy định tại Mẫu này);

- ĐTH là tổng yêu cầu về nguồn lực tài chính hàng tháng cho các hợp đồng đang thực hiện (quy định tại Mẫu số 16).

Nhà thầu được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu nếu có nguồn lực tài chính dự kiến huy động để thực hiện gói thầu (NLTC) tối thiểu bằng giá trị yêu cầu tại tiêu chí đánh giá 3.3 Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

Trường hợp trong HSDT, nhà thầu có nộp kèm theo bản cam kết tín dụng của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, trong đó cam kết sẽ cung cấp tín dụng cho nhà thầu để thực hiện gói đang xét với hạn mức tối thiểu bằng giá trị yêu cầu tại tiêu chí đánh giá 3.3 Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng thì nhà thầu được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu và không phải kê khai thông tin theo quy định Mẫu này và Mẫu số 16.

(2) Tài sản có khả năng thanh khoản cao là tiền mặt và tương đương tiền mặt, các công cụ tài chính ngắn hạn, các chứng khoán sẵn sàng để bán, chứng khoán dễ bán, các khoản phải thu thương mại, các khoản phải thu tài chính ngắn hạn và các tài sản khác mà có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng một năm.

 

Mẫu số 16

NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH HÀNG THÁNG CHO CÁC HỢP ĐỒNG

ĐANG THỰC HIỆN (1)

STT

Tên hợp đồng

Người liên hệ của Chủ đầu tư (địa chỉ, điện thoại, fax)

Ngày hoàn thành hợp đồng

Thời hạn còn lại của hợp đồng tính bằng tháng
(A)(2)

Giá trị hợp đồng chưa thanh toán, bao gồm cả thuế
(B)(3)

Yêu cầu về nguồn lực tài chính hàng tháng
(B/A)

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng yêu cầu về nguồn lực tài chính hàng tháng cho các hợp đồng đang thực hiện (ĐTH).

 


Ghi chú:

(1) Từng nhà thầu hoặc thành viên liên danh phải cung cấp thông tin được nêu dưới đây để tính toán tổng các yêu cầu về nguồn lực tài chính, bằng tổng của: (i) các cam kết hiện tại của nhà thầu (hoặc từng thành trong viên liên danh) trong tất cả các hợp đồng mà nhà thầu (hoặc từng thành trong viên liên danh) đang thực hiện hoặc sẽ được thực hiện; (ii) yêu cầu về nguồn lực tài chính đối với hợp đồng đang xét theo xác định của Chủ đầu tư. Ngoài ra, nhà thầu cũng phải cung cấp thông tin về bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào khác có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện hợp đồng đang xét nếu nhà thầu được trao hợp đồng.

(2) Thời hạn còn lại của hợp đồng tính tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu.

(3) Giá trị hợp đồng còn lại chưa được thanh toán tính tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu.   

 

Mẫu số 17 (a)

PHẠM VI CÔNG VIỆC SỬ DỤNG NHÀ THẦU PHỤ (1)

STT

Tên nhà thầu phụ(2)

Phạm vi công việc(3)

Khối lượng công việc(4)

Giá trị % ước tính(5)

Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với nhà thầu phụ(6)

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Trường hợp sử dụng nhà thầu phụ thì kê khai theo Mẫu này.

(2) Nhà thầu ghi cụ thể tên nhà thầu phụ. Trường hợp khi tham dự thầu chưa xác định được cụ thể danh tính của nhà thầu phụ thì không phải kê khai vào cột này mà chỉ kê khai vào cột “Phạm vi công việc”. Sau đó, nếu được lựa chọn thì khi huy động thầu phụ thực hiện công việc đã kê khai phải được sự chấp thuận của Chủ đầu tư.

(3) Nhà thầu ghi cụ thể tên hạng mục công việc dành cho nhà thầu phụ.

(4) Nhà thầu ghi cụ thể khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ.

(5) Nhà thầu ghi cụ thể giá trị % công việc mà nhà thầu phụ đảm nhận so với giá dự thầu.

(6) Nhà thầu ghi cụ thể số hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận, nhà thầu phải nộp kèm theo bản gốc hoặc bản chụp được chứng thực các tài liệu đó.

 

Mẫu số 17 (b)

BẢNG KÊ KHAI NHÀ THẦU PHỤ ĐẶC BIỆT (1)

Nhà thầu phải cung cấp tài liệu chứng minh đáp ứng yêu cầu quy định tại Mục 2.3 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

STT

Tên nhà thầu phụ đặc biệt(2)

Phạm vi công việc(3)

Khối lượng công việc(4)

Giá trị % ước tính(5)

Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với nhà thầu phụ đặc biệt(6)

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Trường hợp sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt thì kê khai theo Mẫu này.

(2) Nhà thầu ghi cụ thể tên nhà thầu phụ đặc biệt.

(3) Bên mời thầu ghi cụ thể tên hạng mục công việc sẽ được sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt.

(4) Nhà thầu ghi cụ thể khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt.

(5) Nhà thầu ghi cụ thể giá trị % công việc mà nhà thầu phụ đặc biệt đảm nhận so với giá trị gói thầu.

(6) Nhà thầu ghi cụ thể số hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận, nhà thầu phải nộp kèm theo bản gốc hoặc bản chụp được chứng thực các tài liệu đó.

 

 

Phần 2. YÊU CẦU VỀ PHẠM VI CUNG CẤP

Chương V. PHẠM VI CUNG CẤP

Mục 1. Phạm vi và tiến độ cung cấp hàng hóa

Phạm vi và tiến độ cung cấp hàng hóa được Bên mời thầu đưa vào HSMT và phải bao gồm mô tả về các hàng hóa sẽ được cung cấp cũng như tiến độ cung cấp.

Các thông tin trong Mục này để hỗ trợ các nhà thầu khi lập các bảng giá theo các mẫu tương ứng quy định tại Chương IV - Biểu mẫu dự thầu.

1. Phạm vi cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan (nếu có)

PHẠM VI CUNG CẤP HÀNG HÓA

Bên mời thầu liệt kê chi tiết danh mục các hàng hóa yêu cầu cung cấp. Trong đó cần nêu rõ danh mục hàng hóa với số lượng, chủng loại yêu cầu và các mô tả, diễn giải chi tiết (nếu thấy cần thiết).

STT

Danh mục hàng hóa

Ký mã hiệu

Đơn vị

Khối lượng mời thầu

Mô tả hàng hóa(1)

Ghi chú

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Dẫn chiếu đến nội dung tương ứng quy định tại Mục 2 - Yêu cầu về kỹ thuật. (ví dụ: tên Mục, số trang, số Quyển...).

 

CÁC DỊCH VỤ LIÊN QUAN(1)

Bên mời thầu liệt kê danh mục các dịch vụ liên quan để thực hiện gói thầu theo bảng sau:

STT

Mô tả dịch vụ

Khối lượng mời thầu

Đơn vị tính

Địa điểm thực hiện dịch vụ

Ngày hoàn thành dịch vụ

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Trường hợp gói thầu không có yêu cầu dịch vụ liên quan thì Bên mời thầu xóa bỏ Biểu này.

2. Biểu tiến độ cung cấp

BIỂU TIẾN ĐỘ CUNG CẤP

Tiến độ yêu cầu cung cấp cần được Bên mời thầu lập thành biểu, trong đó nêu rõ tên hàng hóa với số lượng yêu cầu, địa điểm và tiến độ cung cấp cụ thể. Hàng hóa có thể được yêu cầu cung cấp thành một hoặc nhiều đợt khác nhau tùy theo yêu cầu của gói thầu.

STT

Danh mục hàng hóa

Đơn vị

Khối lượng mời thầu

Tiến độ cung cấp(1)

Địa điểm cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu cũng như loại hàng hóa cụ thể mà quy định, chẳng hạn yêu cầu cung cấp vào một thời điểm cụ thể (ngày tháng cụ thể), sau một số tuần nhất định kể từ khi hợp đồng có hiệu lực hoặc quy định trong một khoảng thời gian (từ tuần thứ ____ đến tuần thứ ____ kể từ khi hợp đồng có hiệu lực). 

 

Mục 2. Yêu cầu về kỹ thuật

Yêu cầu về kỹ thuật bao gồm yêu cầu kỹ thuật (mang tính kỹ thuật thuần túy) và các yêu cầu khác liên quan đến việc cung cấp hàng hóa (trừ giá). Yêu cầu về kỹ thuật phải được nêu đầy đủ, rõ ràng và cụ thể để làm cơ sở cho nhà thầu lập HSDT.

Trong yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử.

Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì có thể nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị HSDT mà không được quy định tương đương về xuất xứ.

Yêu cầu về kỹ thuật bao gồm các nội dung cơ bản như sau:

2.1. Giới thiệu chung về dự án và gói thầu

Mục này nêu thông tin tóm tắt về dự án và về gói thầu như địa điểm thực hiện dự án, quy mô của dự án, yêu cầu về cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu, thời gian thực hiện gói thầu và những thông tin khác tùy theo tính chất và yêu cầu của gói thầu.

2.2. Yêu cầu về kỹ thuật

Yêu cầu về kỹ thuật bao gồm yêu cầu về kỹ thuật chung và yêu cầu về kỹ thuật chi tiết đối với hàng hóa thuộc phạm vi cung cấp của gói thầu.

Yêu cầu về kỹ thuật chung là các yêu cầu về chủng loại, tiêu chuẩn hàng hóa (quốc gia và quốc tế được công nhận), các yêu cầu về kiểm tra, thử nghiệm, đóng gói, vận chuyển, các điều kiện khí hậu tại nơi hàng hóa được sử dụng. Tùy thuộc vào sự phức tạp của hàng hóa, các yêu cầu kỹ thuật chung được nêu cho tất cả các hàng hóa hoặc cho từng loại hàng hóa riêng biệt.

Yêu cầu về kỹ thuật cụ thể như tính năng, thông số kỹ thuật, các bản vẽ, catalô, các thông số bảo hành… được nêu cho từng loại hàng hóa. Khi nêu yêu cầu, các thông số kỹ thuật có thể được mô tả dưới hình thức bảng biểu.

Nếu Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu cung cấp trong HSDT của mình một phần hoặc toàn bộ các thông số kỹ thuật, các bảng biểu kỹ thuật hoặc các thông tin kỹ thuật khác thì Bên mời thầu phải quy định rõ tính chất và mức độ thông tin yêu cầu và cách trình bày các thông tin đó trong HSDT.

[nếu yêu cầu cung cấp bản tóm tắt thông số kỹ thuật thì Bên mời thầu phải ghi thông tin vào bảng dưới đây. Nhà thầu sẽ soạn một bảng tương tự để chứng minh hàng hóa do nhà thầu chào tuân thủ với các yêu cầu đó.]

Tóm tắt thông số kỹ thuật của hàng hóa và các dịch vụ liên quan phải tuân thủ các thông số kỹ thuật và các tiêu chuẩn sau đây: 

Hạng mục số

Tên hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan

Thông số kỹ thuật và các tiêu chuẩn

[ghi số hiệu hạng mục]

[ghi tên]

[ghi thông số kỹ thuật và các tiêu chuẩn]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thông số kỹ thuật chi tiết và các tiêu chuẩn chi tiết [khi cần thiết].

[Mô tả chi tiết thông số kỹ thuật] _____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

_______________________________________________

2.3. Các yêu cầu khác

Các yêu cầu khác về kỹ thuật bao gồm yêu cầu về phạm vi cung cấp, yêu cầu về tiến độ cung cấp theo quy định tại Mục 1 Chương này, yêu cầu về phương thức thanh toán, yêu cầu về cung cấp tài chính (nếu có) và điều kiện tín dụng kèm theo, yêu cầu về dịch vụ liên quan như tổ chức lắp đặt máy móc, thiết bị, vận hành chạy thử, đào tạo, chuyển giao công nghệ...cũng như yêu cầu về phụ tùng thay thế và dịch vụ sau bán hàng (nếu có). Các yêu cầu này phải được nêu chi tiết để nhà thầu chuẩn bị HSDT.

Bên mời thầu chỉ yêu cầu nhà thầu nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác trong trường hợp hàng hóa là đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế. Các yêu cầu này phải được nêu chi tiết để nhà thầu chuẩn bị HSDT.

 Ngoài ra, tùy theo từng gói thầu có thể yêu cầu nhà thầu chào phương án thay thế ngoài phương án chính theo yêu cầu của HSMT, trong đó cần quy định rõ phương án thay thế của nhà thầu chỉ được xem xét trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng khi nhà thầu được đề xuất trúng thầu theo phương án chính hoặc quy định trong trường hợp kết quả đánh giá các HSDT theo phương án chính không có nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu của HSMT thì mới xem xét phương án thay thế của các nhà thầu.

Mục 3. Bản vẽ

HSMT này gồm có [ghi số lượng bản vẽ hoặc ghi “các bản vẽ sau đây”] bản vẽ. [nếu kèm theo tài liệu bản vẽ thì phải có danh mục bản vẽ theo mẫu dưới đây].

Danh mục bản vẽ

Bản vẽ số

Tên bản vẽ

Mục đích sử dụng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mục 4. Kiểm tra và thử nghiệm

Các kiểm tra và thử nghiệm cần tiến hành gồm có:___[ghi danh sách các kiểm tra và thử nghiệm].

 

Phần 3. ĐIỀU KIỆN HỢP ĐỒNG VÀ BIỂU MẪU HỢP ĐỒNG

Chương VI. ĐIỀU KIỆN CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG

1. Định nghĩa

Trong hợp đồng này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 

1.1. “Chủ đầu tư” là tổ chức được quy định tại ĐKCT;

1.2. “Hợp đồng” là thỏa thuận giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu, thể hiện bằng văn bản, được hai bên ký kết, bao gồm cả phụ lục và tài liệu kèm theo;

1.3. “Nhà thầu” là Nhà thầu trúng thầu (có thể là Nhà thầu độc lập hoặc liên danh) và được quy định tại ĐKCT;

1.4. “Nhà thầu phụ” là một cá nhân hay tổ chức có tên trong danh sách các nhà thầu phụ do nhà thầu chính đề xuất trong HSDT hoặc nhà thầu thực hiện các phần công việc mà nhà thầu chính đề xuất trong HSDT; ký Hợp đồng với nhà thầu chính để thực hiện một phần công việc trong Hợp đồng theo nội dung đã kê khai trong HSDT được Chủ đầu tư chấp thuận;

1.5. “Tài liệu Hợp đồng” nghĩa là các tài liệu được liệt kê trong Hợp đồng, bao gồm bất kỳ bản sửa đổi, bổ sung nào của Hợp đồng;

1.6. "Giá hợp đồng" là tổng số tiền ghi trong hợp đồng cho việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan. Giá hợp đồng đã bao gồm tất cả các chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có);

1.7. “Ngày” là ngày dương lịch; tháng là tháng dương lịch;

1.8. "Hàng hóa" bao gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; hàng tiêu dùng; vật tư y tế dùng cho các cơ sở y tế;

1.9. "Dịch vụ liên quan" bao gồm các dịch vụ như  bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác như đào tạo, chuyển giao công nghệ;

1.10. “Hoàn thành” là việc Nhà thầu hoàn tất các dịch vụ liên quan theo các điều khoản và điều kiện quy định tại Hợp đồng;

1.11. "Địa điểm dự án" là địa điểm được quy định tại ĐKCT.

2. Thứ tự ưu tiên

Các tài liệu cấu thành hợp đồng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sau đây:

2.1. Hợp đồng, kèm theo các phụ lục hợp đồng;

2.2. Thư chấp thuận HSDT và trao hợp đồng;

2.3. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

2.4. ĐKCT;

2.5. ĐKC;

2.6. HSDT và các văn bản làm rõ HSDT của Nhà thầu;

2.7. HSMT và các tài liệu sửa đổi HSMT (nếu có);

2.8. Các tài liệu khác quy định tại ĐKCT.

3. Luật và ngôn ngữ

Luật điều chỉnh hợp đồng là luật Việt Nam, ngôn ngữ của hợp đồng là tiếng Việt.

4. Ủy quyền

Trừ khi có quy định khác nêu tại ĐKCT, Chủ đầu tư có thể uỷ quyền thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào của mình cho người khác, sau khi thông báo bằng văn bản cho Nhà thầu và có thể rút lại quyết định uỷ quyền sau khi đã thông báo bằng văn bản cho Nhà thầu.

5. Thông báo

5.1. Bất cứ thông báo nào của một bên gửi cho bên kia liên quan đến hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, theo địa chỉ quy định tại ĐKCT.

5.2. Thông báo của một bên sẽ được coi là có hiệu lực kể từ ngày bên kia nhận được hoặc theo ngày hiệu lực nêu trong thông báo, tùy theo ngày nào đến muộn hơn.

6. Bảo đảm thực hiện hợp đồng

6.1. Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải được nộp lên Chủ đầu tư không muộn hơn ngày quy định tại Thư chấp thuận HSDT và trao hợp đồng. Bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng theo hình thức, giá trị và hiệu lực quy định tại ĐKCT.

6.2. Thời hạn hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại ĐKCT.

7. Nhà thầu phụ

7.1. Nhà thầu được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ quy định tại ĐKCT để thực hiện một phần công việc nêu trong HSDT. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các nghĩa vụ của Nhà thầu. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các nghĩa vụ khác đối với phần việc do nhà thầu phụ thực hiện.

Việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã được quy định tại Mục này chỉ được thực hiện khi có lý do xác đáng, hợp lý và được Chủ đầu tư chấp thuận.

7.2. Nhà thầu không được sử dụng nhà thầu phụ cho các công việc khác ngoài công việc kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong HSDT.

7.3. Yêu cầu khác về nhà thầu phụ quy định tại ĐKCT.

8. Giải quyết tranh chấp

8.1. Chủ đầu tư và Nhà thầu có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa hai bên thông qua thương lượng, hòa giải.

8.2. Nếu tranh chấp không thể giải quyết được bằng thương lượng, hòa giải trong thời gian quy định quy định tại ĐKCT kể từ ngày phát sinh tranh chấp thì bất kỳ bên nào cũng đều có thể yêu cầu đưa việc tranh chấp ra giải quyết theo cơ chế được quy định tại ĐKCT.

9. Phạm vi cung cấp

Hàng hóa và các dịch vụ liên quan phải được cung cấp theo quy định tại Chương V - Phạm vi cung cấp và được đính kèm thành Phụ lục và là một bộ phận không tách rời của hợp đồng này, bao gồm các loại hàng hóa, dịch vụ mà Nhà thầu phải cung cấp và đơn giá của các loại hàng hóa, dịch vụ đó.

10. Tiến độ cung cấp hàng hóa, lịch hoàn thành các dịch vụ liên quan (nếu có) và tài liệu chứng từ

Tiến độ cung cấp hàng hóa và lịch hoàn thành các dịch vụ liên quan phải được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương V - Phạm vi cung cấp. Nhà thầu phải cung cấp các hoá đơn và/hoặc các chứng từ tài liệu khác theo quy định tại ĐKCT.

11. Trách nhiệm của Nhà thầu

Nhà thầu phải cung cấp toàn bộ hàng hóa và các dịch vụ liên quan trong phạm vi cung cấp quy định tại Mục 9 ĐKC và theo tiến độ cung cấp hàng hóa, lịch hoàn thành các dịch vụ liên quan quy định tại Mục 10 ĐKC.

12. Loại hợp đồng

Loại hợp đồng: Trọn gói.

13. Giá hợp đồng

13.1. Giá hợp đồng được ghi tại ĐKCT là toàn bộ chi phí để thực hiện hoàn thành việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan của gói thầu nêu trong Bảng giá hợp đồng trên cơ sở bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu của gói thầu. Giá hợp đồng đã bao gồm toàn bộ các chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có). Giá hợp đồng là trọn gói và cố định trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng;

13.2. Bảng giá hợp đồng quy định tại Phụ lục bảng giá hợp đồng là một bộ phận không tách rời của hợp đồng này, bao gồm phạm vi cung cấp và thành tiền của các hạng mục.

14. Điều chỉnh thuế

Việc điều chỉnh thuế thực hiện theo quy định tại ĐKCT.

15. Tạm ứng

15.1. Chủ đầu tư phải cấp cho Nhà thầu khoản tiền tạm ứng theo quy định tại ĐKCT, sau khi Nhà thầu nộp Bảo lãnh tạm ứng tương đương với khoản tiền tạm ứng. Bảo lãnh tạm ứng phải được phát hành bởi một ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và có hiệu lực cho đến khi hoàn trả hết khoản tiền tạm ứng; giá trị của bảo lãnh tạm ứng sẽ được giảm dần theo số tiền tạm ứng mà Nhà thầu hoàn trả. Không tính lãi đối với tiền tạm ứng.

15.2. Nhà thầu chỉ được sử dụng tiền tạm ứng cho việc thực hiện Hợp đồng. Nhà thầu phải chứng minh rằng khoản tiền tạm ứng đã được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng bằng cách nộp bản sao các hóa đơn chứng từ hoặc tài liệu liên quan cho Chủ đầu tư. Nhà thầu sẽ bị thu bảo lãnh tạm ứng trong trường hợp sử dụng tiền tạm ứng không đúng mục đích.

15.3. Tiền tạm ứng phải được hoàn trả bằng cách khấu trừ một tỷ lệ nhất định trong các khoản thanh toán đến hạn cho Nhà thầu, theo bảng kê tỷ lệ phần trăm công việc đã hoàn thành làm cơ sở thanh toán.

16. Thanh toán

16.1. Việc thanh toán thực hiện theo quy định tại ĐKCT. Trường hợp Chủ đầu tư thanh toán chậm, Nhà thầu sẽ được trả lãi trên số tiền thanh toán chậm vào lần thanh toán kế tiếp. Lãi suất thanh toán chậm được tính từ ngày mà lẽ ra phải thanh toán cho đến ngày thanh toán thực tế và mức lãi suất áp dụng là mức lãi suất hiện hành đối với các khoản vay thương mại bằng VND.

16.2. Đồng tiền thanh toán là: VND.  

17. Bản quyền

Nhà thầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại phát sinh do việc khiếu nại của bên thứ ba về việc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hóa mà Nhà thầu đã cung cấp cho Chủ đầu tư.

18. Sử dụng các tài liệu và thông tin liên quan đến hợp đồng

18.1. Nếu không có sự đồng ý trước bằng văn bản của Chủ đầu tư, Nhà thầu không được tiết lộ nội dung của hợp đồng cũng như đặc tính kỹ thuật, sơ đồ, bản vẽ, kiểu dáng, mẫu mã, thông tin do Chủ đầu tư hoặc đại diện của Chủ đầu tư đưa ra cho bất cứ ai không phải là người có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng. Việc Nhà thầu cung cấp các thông tin cho người có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng được thực hiện theo chế độ bảo mật và trong phạm vi cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng này.

18.2. Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ đầu tư, Nhà thầu không được sử dụng bất cứ thông tin hoặc tài liệu nào nêu trong Mục 18.1 ĐKC vào mục đích khác trừ khi vì mục đích thực hiện hợp đồng.

18.3. Các tài liệu quy định tại Mục 18.1 ĐKC thuộc quyền sở hữu của Chủ đầu tư. Khi Chủ đầu tư có yêu cầu, Nhà thầu phải trả lại cho Chủ đầu tư các tài liệu này (bao gồm cả các bản chụp) sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp  đồng.

19. Thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn

Hàng hóa và dịch vụ liên quan được cung cấp theo Hợp đồng này sẽ phải tuân theo các thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn đề cập ở Mục 2 Chương V - Phạm vi cung cấp; nếu ở Mục 2 Chương V không đề cập đến một thông số hay tiêu chuẩn nào có thể áp dụng thì phải tuân thủ theo thông số và tiêu chuẩn tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn hiện hành tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà hàng hóa có xuất xứ.

20. Đóng gói hàng hóa

Nhà thầu sẽ phải đóng gói hàng hóa đúng yêu cầu quy định tại ĐKCT phù hợp với từng loại phương tiện vận chuyển để chuyển hàng hóa từ nơi xuất hàng đến địa điểm giao hàng quy định. Việc đóng gói phải bảo đảm hàng hóa không bị hư hỏng do va chạm trong khi bốc dỡ vận chuyển và các tác động khác của môi trường. Kích thước và trọng lượng của mỗi kiện hàng phải tính đến điều kiện vận chuyển như khoảng cách, phương tiện vận chuyển, điều kiện cơ sở hạ tầng... từ nơi xuất hàng đến địa điểm giao hàng quy định.

21. Bảo hiểm

Hàng hóa cung cấp theo hợp đồng phải được bảo hiểm đầy đủ để bù đắp những mất mát, tổn thất bất thường trong quá trình sản xuất, vận chuyển, lưu kho và giao hàng theo những nội dung được quy định tại ĐKCT.

22. Vận chuyển và các dịch vụ phát sinh 

Yêu cầu về vận chuyển hàng hóa và các yêu cầu khác quy định tại ĐKCT.

23. Kiểm tra và thử nghiệm hàng hóa

23.1. Chủ đầu tư hoặc đại diện của Chủ đầu tư có quyền kiểm tra, thử nghiệm hàng hóa được cung cấp để khẳng định hàng hóa đó có đặc tính kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của hợp đồng. Nội dung, địa điểm và cách thức tiến hành kiểm tra, thử nghiệm được quy định tại ĐKCT.

23.2. Bất kỳ hàng hóa nào qua kiểm tra, thử nghiệm mà không phù hợp với đặc tính kỹ thuật theo hợp đồng thì Chủ đầu tư có quyền từ chối và Nhà thầu phải có trách nhiệm thay thế bằng hàng hóa khác hoặc tiến hành những điều chỉnh cần thiết để đáp ứng đúng các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật. Trường hợp Nhà thầu không có khả năng thay thế hay điều chỉnh các hàng hóa không phù hợp, Chủ đầu tư có quyền tổ chức việc thay thế hay điều chỉnh đó nếu thấy cần thiết, mọi rủi ro và chi phí liên quan do Nhà thầu chịu.

23.3. Khi thực hiện các nội dung quy định tại Mục 23.1 và Mục 23.2 ĐKC, Nhà thầu không được miễn trừ nghĩa vụ bảo hành hay các nghĩa vụ khác theo hợp đồng.

24. Bồi thường thiệt hại

Trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định tại Mục 26 ĐKC, nếu Nhà thầu không thực hiện một phần hay toàn bộ nội dung công việc theo hợp đồng trong thời hạn đã nêu trong hợp đồng thì Chủ đầu tư có thể khấu trừ vào giá hợp đồng một khoản tiền bồi thường tương ứng với % giá trị công việc chậm thực hiện như quy định tại ĐKCT tính cho mỗi tuần chậm thực hiện hoặc khoảng thời gian khác như thỏa thuận cho đến khi nội dung công việc đó được thực hiện. Chủ đầu tư sẽ khấu trừ đến % tối đa như quy định tại ĐKCT. Khi đạt đến mức tối đa, Chủ đầu tư có thể xem xét chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Mục 29 ĐKC.

25. Bảo hành 

25.1. Nhà thầu bảo đảm rằng hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng là mới, chưa sử dụng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn chế tạo, trừ khi có quy định khác trong ĐKCT. Ngoài ra, Nhà thầu cũng phải bảo đảm rằng hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng sẽ không có các khuyết tật nảy sinh có thể dẫn đến những bất lợi trong quá trình sử dụng bình thường của hàng hóa.

25.2. Yêu cầu về bảo hành đối với hàng hóa được nêu trong ĐKCT.

26. Bất khả kháng

26.1. Trong hợp đồng này, bất khả kháng được hiểu là những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng lường trước của các bên, chẳng hạn như: chiến tranh, bạo loạn, đình công, hỏa hoạn, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, cách ly do kiểm dịch.

26.2. Khi xảy ra trường hợp bất khả kháng, bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng phải kịp thời thông báo bằng văn bản cho bên kia về sự kiện đó và nguyên nhân gây ra sự kiện. Đồng thời, chuyển cho bên kia giấy xác nhận về sự kiện bất khả kháng đó được cấp bởi một tổ chức có thẩm quyền tại nơi xảy ra sự kiện bất khả kháng.

Trong khoảng thời gian không thể thực hiện hợp đồng do điều kiện bất khả kháng, Nhà thầu theo hướng dẫn của Chủ đầu tư vẫn phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng của mình theo hoàn cảnh thực tế cho phép và phải tìm mọi biện pháp hợp lý để thực hiện các phần việc không bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng. Trong trường hợp này, Chủ đầu tư phải xem xét để bồi hoàn cho Nhà thầu các khoản phụ phí cần thiết và hợp lý mà họ phải gánh chịu.

26.3. Một bên không hoàn thành nhiệm vụ của mình do trường hợp bất khả kháng sẽ không phải bồi thường thiệt hại, bị phạt hoặc bị chấm dứt hợp đồng.

Trường hợp phát sinh tranh chấp giữa các bên do sự kiện bất khả kháng xảy ra hoặc kéo dài thì tranh chấp sẽ được giải quyết theo quy định tại Mục 8 ĐKC.

27. Hiệu chỉnh, bổ sung hợp đồng

27.1. Việc hiệu chỉnh, bổ sung hợp đồng có thể được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi bản vẽ, thiết kế công nghệ hoặc yêu cầu kỹ thuật đối với trường hợp hàng hóa cung cấp theo hợp đồng mang tính đặc chủng được đặt hàng sản xuất cho riêng Chủ đầu tư;

b) Bổ sung hạng mục công việc, hàng hóa hoặc dịch vụ cần thiết ngoài phạm vi công việc quy định trong hợp đồng;

c) Thay đổi phương thức vận chuyển hoặc đóng gói;

d) Thay đổi địa điểm giao hàng;

đ) Thay đổi thời gian thực hiện hợp đồng;

e) Các nội dung khác quy định tại ĐKCT.

27.2. Chủ đầu tư và Nhà thầu sẽ tiến hành thương thảo để làm cơ sở ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng trong trường hợp hiệu chỉnh, bổ sung hợp đồng.

28. Điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng

Tiến độ thực hiện hợp đồng chỉ được điều chỉnh trong trường hợp sau đây:

28.1. Trường hợp bất khả kháng, không liên quan đến vi phạm hoặc sơ suất của các bên tham gia hợp đồng;

28.2. Thay đổi phạm vi cung cấp, biện pháp cung cấp do yêu cầu khách quan làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng;

28.3. Trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng mà không làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận, thống nhất việc điều chỉnh. Trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định;

28.4. Các trường hợp khác quy định tại ĐKCT.

29. Chấm dứt hợp đồng

29.1. Chủ đầu tư hoặc Nhà thầu có thể chấm dứt hợp đồng nếu một trong hai bên có vi phạm cơ bản về hợp đồng như sau:

a) Nhà thầu không thực hiện một phần hoặc toàn bộ nội dung công việc theo hợp đồng trong thời hạn đã nêu trong hợp đồng hoặc trong khoảng thời gian đã được Chủ đầu tư gia hạn;

b) Chủ đầu tư hoặc Nhà thầu bị phá sản hoặc phải thanh lý tài sản để tái cơ cấu hoặc sáp nhập;

c) Có bằng chứng cho thấy Nhà thầu đã vi phạm một trong các hành vi bị cấm quy định tại Điều 89 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 trong quá trình đấu thầu hoặc thực hiện Hợp đồng;

d) Các hành vi khác quy định tại ĐKCT.

29.2. Trong trường hợp Chủ đầu tư chấm dứt việc thực hiện một phần hay toàn bộ hợp đồng theo điểm a Mục 29.1 ĐKC, Chủ đầu tư có thể ký hợp đồng với nhà thầu khác để thực hiện phần hợp đồng bị chấm dứt đó. Nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho Chủ đầu tư những chi phí vượt trội cho việc thực hiện phần hợp đồng bị chấm dứt này. Tuy nhiên, Nhà thầu vẫn phải tiếp tục thực hiện phần hợp đồng không bị chấm dứt và chịu trách nhiệm bảo hành phần hợp đồng do mình thực hiện.

29.3. Trong trường hợp Chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng theo điểm b Mục 29.1 ĐKC, Chủ đầu tư không phải chịu bất cứ chi phí đền bù nào. Việc chấm dứt hợp đồng này không làm mất đi quyền lợi của Chủ đầu tư được hưởng theo quy định của hợp đồng và pháp luật.

 

Chương VII. ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG

Trừ khi có quy định khác, toàn bộ ĐKCT phải được Bên mời thầu ghi đầy đủ trước khi phát hành HSMT.

ĐKC 1.1

Chủ đầu tư là:____[ghi tên hợp pháp đầy đủ của Chủ đầu tư].

ĐKC 1.3

Nhà thầu: ____[ghi tên Nhà thầu trúng thầu].

ĐKC 1.11

Địa điểm Dự án/Điểm giao hàng cuối cùng là:___[ghi tên và thông tin chi tiết về địa điểm]. 

ĐKC 2.8

Các tài liệu sau đây cũng là một phần của Hợp đồng:___[liệt kê tài liệu].

ĐKC 4

Chủ đầu tư [có thể hoặc không thể] ủy quyền các nghĩa vụ và trách nhiệm của mình cho người khác.

ĐKC 5.1

Các thông báo cần gửi về Chủ đầu tư theo địa chỉ dưới đây:

Người nhận:___[ghi tên đầy đủ của người nhận, nếu có].

Địa chỉ:___[ghi đầy đủ địa chỉ].

Điện thoại:___[ghi số điện thoại, bao gồm mã quốc gia và mã thành phố].

Fax:___[ghi số fax, bao gồm mã quốc gia và mã thành phố].

Địa chỉ email:___[ghi địa chỉ email (nếu có)].

ĐKC 6.1

- Hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng:___[căn cứ tính chất, yêu cầu của gói thầu, quy định Nhà thầu cung cấp một bảo đảm thực hiện hợp đồng theo hình thức thư bảo lãnh do Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành hoặc theo hình thức đặt cọc bằng Séc. Trường hợp Nhà thầu nộp Thư bảo lãnh của Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành thì phải là bảo đảm không có điều kiện (trả tiền khi có yêu cầu, theo Mẫu số 20 Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng)].

- Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng: ____% Giá hợp đồng. [ghi giá trị cụ thể căn cứ yêu cầu của gói thầu, từ 2 % đến 3 % Giá hợp đồng].

- Hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng: Bảo đảm thực hiện hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến hết ngày ____ tháng ____ năm ____[căn cứ tính chất và yêu cầu của gói thầu mà quy định thời hạn này, ví dụ: Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải có hiệu lực cho đến khi toàn bộ hàng hóa được bàn giao, hai bên ký biên bản nghiệm thu và Nhà thầu chuyển sang nghĩa vụ bảo hành theo quy định].

ĐKC 6.2

Thời hạn hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng:___[ghi cụ thể thời hạn hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng căn cứ tính chất và yêu cầu của gói thầu].

ĐKC 7.1

Danh sách nhà thầu phụ: [ghi danh sách nhà thầu phụ phù hợp với danh sách nhà thầu phụ nêu trong HSDT].

ĐKC 7.3

Nêu các yêu cầu cần thiết khác về nhà thầu phụ [ghi yêu cầu khác về nhà thầu phụ (nếu có)].

ĐKC 8.2

- Thời gian để tiến hành hòa giải:____[ghi số ngày tiến hành hòa giải tối đa].

- Giải quyết tranh chấp:___[ghi cụ thể thời gian và cơ chế xử lý tranh chấp căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu. Trong đó cần nêu rõ thời gian gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp, tổ chức giải quyết tranh chấp, chi phí cho việc giải quyết tranh chấp...].

ĐKC 10

Nhà thầu phải cung cấp các thông tin và chứng từ sau đây về việc vận chuyển hàng hóa:__[ghi tên các tài liệu chứng từ cần có].

Chủ đầu tư phải nhận được các tài liệu chứng từ nói trên trước khi Hàng hóa đến nơi, nếu không Nhà thầu sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ chi phí nào phát sinh do việc này.

ĐKC 13.1

Giá hợp đồng:___[ghi giá hợp đồng theo giá trị nêu trong Thư chấp thuận HSDT và trao hợp đồng].

ĐKC 14

Điều chỉnh thuế:____[ghi “được phép” hoặc “không được phép” áp dụng điều chỉnh thuế. Trường hợp được phép áp dụng điều chỉnh thuế thì ghi: “trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp tại thời điểm thanh toán nếu chính sách về thuế có sự thay đổi (tăng hoặc giảm) và trong hợp đồng có quy định được điều chỉnh thuế, đồng thời Nhà thầu xuất trình được các tài liệu xác định rõ số thuế phát sinh thì khoản chênh lệch của chính sách về thuế sẽ được điều chỉnh theo quy định trong hợp đồng”].

ĐKC 15.1

Tạm ứng:_____ [ghi số tiền tạm ứng, các chứng từ để tạm ứng, phương thức tạm ứng…phù hợp quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu Nhà thầu xuất trình bảo lãnh tiền tạm ứng theo Mẫu số 21 Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng. Đối với việc sản xuất các cấu kiện, bán thành phẩm có giá trị lớn, một số vật liệu phải dự trữ theo mùa thì trong hợp đồng phải nêu rõ về kế hoạch tạm ứng và mức tạm ứng để bảo đảm tiến độ thực hiện hợp đồng].

ĐKC 16.1

Phương thức thanh toán:___[căn cứ tính chất và yêu cầu của gói thầu mà quy định cụ thể nội dung này. Việc thanh toán cho Nhà thầu có thể quy định thanh toán bằng tiền mặt, thư tín dụng, chuyển khoản… số lần thanh toán là nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng. Thời hạn thanh toán có thể quy định thanh toán ngay hoặc trong vòng không quá một số ngày nhất định kể từ khi Nhà thầu xuất trình đầy đủ các chứng từ theo yêu cầu. Đồng thời, cần quy định cụ thể về chứng từ thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật].

ĐKC 20

Đóng gói hàng hóa: _________[căn cứ quy mô, tính chất của từng loại hàng hóa cũng như phương thức vận chuyển mà quy định cụ thể việc đóng gói. Trong đó cần nêu rõ quy định về cách thức đóng gói, vật liệu đóng gói, thông tin về hàng hóa ghi trên bao kiện đóng gói, các chỉ dẫn cho việc bốc dỡ, vận chuyển...].

ĐKC 21

Nội dung bảo hiểm: ______[căn cứ tính chất và yêu cầu của gói thầu mà quy định cụ thể nội dung này trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật cũng như phù hợp với các điều kiện thương mại được áp dụng].

ĐKC 22

- Yêu cầu về vận chuyển hàng hóa: ____[nêu yêu cầu về vận chuyển hàng hóa, bao gồm cả địa điểm giao hàng tùy theo yêu cầu và tính chất của gói thầu]

- Các yêu cầu khác: _____[căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà quy định nội dung này, chẳng hạn yêu cầu về phụ tùng thay thế, dịch vụ kỹ thuật kèm theo đối với máy móc, thiết bị,…

+ Phụ tùng thay thế: Trường hợp có yêu cầu về phụ tùng thay thế thì nêu rõ nội dung này trên cơ sở phù hợp với yêu cầu quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp.

+ Dịch vụ kỹ thuật: Trường hợp có yêu cầu về dịch vụ kỹ thuật thì nêu rõ nội dung này trên cơ sở phù hợp với Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp, ví dụ:

a) Thực hiện việc lắp đặt hoặc giám sát việc lắp đặt tại hiện trường, chạy thử các máy móc, thiết bị đã cung cấp;

b) Cung cấp các dụng cụ cần thiết để lắp ráp, bảo dưỡng máy móc, thiết bị được cung cấp;

c) Cung cấp các tài liệu chỉ dẫn chi tiết về vận hành và bảo dưỡng cho mỗi loại thiết bị được cung cấp;

d) Thực hiện hoặc giám sát việc bảo dưỡng, sửa chữa các máy móc, thiết bị đã cung cấp;

đ) Đào tạo nhân sự cho Chủ đầu tư về việc lắp đặt, chạy thử, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các máy móc, thiết bị được cung cấp;

e) Các nội dung khác (nếu có)].

ĐKC 23.1

Kiểm tra, thử nghiệm hàng hóa: _____[căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà quy định cụ thể việc kiểm tra, thử nghiệm của Nhà thầu trên cơ sở phù hợp với yêu cầu quy định tại Mục 4  Chương V - Phạm vi cung cấp. Việc kiểm tra, thử nghiệm có thể quy định theo từng giai đoạn như: trước khi giao hàng, khi hàng đến... Trong các quy định về kiểm tra, thử nghiệm cần nêu được các nội dung cơ bản như: thời gian, địa điểm, cách thức tiến hành, chi phí cho việc kiểm tra, thử nghiệm... cũng như quy định về cách thức xử lý đối với các hàng hóa không đạt yêu cầu qua kiểm tra, thử nghiệm].

ĐKC 24

Tổng giá trị bồi thường thiệt hại tối đa là:__ % [ghi mức bồi thường thiệt hại tối đa].

Mức khấu trừ: _____%/tuần (hoặc ngày, tháng...) [ghi cụ thể quy định về mức khấu trừ là bao nhiêu % nội dung công việc chậm thực hiện tùy theo tính chất và yêu cầu của gói thầu].

Mức khấu trừ tối đa: ____ % [ghi mức khấu trừ tối đa].

ĐKC 25.1

Nội dung yêu cầu bảo đảm khác đối với hàng hóa: ___[nêu nội dung yêu cầu bảo đảm khác đối với hàng hóa, nếu có. Ví dụ: hàng hóa đã qua sử dụng phải bảo đảm còn trên 70 % giá trị sử dụng].

ĐKC 25.2

Yêu cầu về bảo hành: _____[nêu yêu cầu về bảo hành (nếu có) trên cơ sở quy định một số nội dung sau:

- Thời hạn bảo hành: Thời hạn bảo hành được tính kể từ khi hàng hóa được bàn giao, nghiệm thu. Tùy theo tính chất, yêu cầu của hàng hóa mà có thể quy định thời hạn bảo hành cho toàn bộ hàng hóa hoặc quy định riêng cho từng loại hàng hóa.

- Bảo hành: Tùy theo tính chất và yêu cầu của gói thầu mà quy định cụ thể. Đối với các loại hàng hóa đơn giản thì yêu cầu Nhà thầu có phiếu bảo hành kèm theo, trong đó nêu rõ thời gian và trách nhiệm bảo hành của Nhà thầu. Đối với các loại hàng hóa phức tạp thì ngoài việc có phiếu bảo hành kèm theo còn phải quy định Chủ đầu tư giữ lại một phần giá trị của hợp đồng để bảo đảm nghĩa vụ bảo hành hoặc nộp dưới dạng một bảo lãnh của ngân hàng. Trong trường hợp này, cần quy định cụ thể giá trị khoản tiền giữ lại và thời hạn hoàn trả cho Nhà thầu (ví dụ sẽ hoàn trả lại cho Nhà thầu khi hai bên thanh lý hợp đồng).

- Cơ chế giải quyết các hư hỏng, khuyết tật phát sinh trong quá trình sử dụng hàng hóa trong thời hạn bảo hành: Cần nêu thời gian Chủ đầu tư thông báo cho Nhà thầu về các hư hỏng, khuyết tật phát sinh; thời hạn Nhà thầu phải tiến hành khắc phục các hư hỏng, khuyết tật sau khi nhận được thông báo của Chủ đầu tư; chi phí cho việc khắc phục các hư hỏng, khuyết tật và Nhà thầu phải chịu toàn bộ chi phí cho việc khắc phục…].

ĐKC 27.1(e)

Các nội dung khác về hiệu chỉnh, bổ sung hợp đồng:___[nêu cụ thể các nội dung khác (nếu có)].

ĐKC 28.4

Các trường hợp khác:___[nêu cụ thể các nội dung khác (nếu có)].

ĐKC 29.1(d)

Các hành vi khác:____[nêu hành vi khác (nếu có)].

 

Chương VIII. BIỂU MẪU HỢP ĐỒNG

Chương này bao gồm các biểu mẫu mà sau khi ghi thông tin hoàn chỉnh sẽ trở thành một phần của Hợp đồng. Mẫu bảo lãnh thực hiện hợp đồng và Mẫu bảo lãnh tiền tạm ứng dành cho Nhà thầu trúng thầu ghi thông tin và hoàn chỉnh sau khi được trao hợp đồng.

Mẫu số 18. Thư chấp thuận HSDT và trao hợp đồng

Mẫu số 19. Hợp đồng

Mẫu số 20. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Mẫu số 21. Bảo lãnh tiền tạm ứng

 

Mẫu số 18

THƯ CHẤP THUẬN HỒ SƠ DỰ THẦU VÀ TRAO HỢP ĐỒNG

____, ngày ____ tháng ____ năm ____

Kính gửi: [ghi tên và địa chỉ của Nhà thầu trúng thầu, sau đây gọi tắt là “Nhà thầu”]

Về việc: Thông báo chấp thuận hồ sơ dự thầu và trao hợp đồng  

Căn cứ Quyết định số__ ngày___tháng___năm___ của Chủ đầu tư [ghi tên Chủ đầu tư, sau đây gọi tắt là “Chủ đầu tư”] về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu:__ [ghi tên, số hiệu gói thầu], Bên mời thầu [ghi tên Bên mời thầu, sau đây gọi tắt là “Bên mời thầu”] xin thông báo Chủ đầu tư đã chấp thuận hồ sơ dự thầu và trao hợp đồng cho Nhà thầu để thực hiện gói thầu [ghi tên, số hiệu gói thầu. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần thì ghi tên, số hiệu của phần mà Nhà thầu được lựa chọn] với giá hợp đồng là:____[ghi giá trúng thầu trong quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu] với thời gian thực hiện hợp đồng là:___[ghi thời gian thực hiện hợp đồng trong quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu].

Đề nghị đại diện hợp pháp của Nhà thầu tiến hành hoàn thiện và ký kết hợp đồng với Chủ đầu tư, Bên mời thầu theo kế hoạch như sau:

- Thời gian hoàn thiện hợp đồng:__[ghi thời gian hoàn thiện hợp đồng], tại địa điểm [ghi địa điểm hoàn thiện hợp đồng];

- Thời gian ký kết hợp đồng:___[ghi thời gian ký kết hợp đồng]; tại địa điểm [ghi địa điểm ký kết hợp đồng], gửi kèm theo Dự thảo hợp đồng.

Đề nghị Nhà thầu thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo Mẫu số 20 Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng của hồ sơ mời thầu với số tiền ____ và thời gian hiệu lực____[ghi số tiền tương ứng và thời gian có hiệu lực theo quy định tại Mục 6.1 ĐKCT của HSMT].

Văn bản này là một phần không thể tách rời của hồ sơ hợp đồng. Sau khi nhận được văn bản này, Nhà thầu phải có văn bản chấp thuận đến hoàn thiện, ký kết hợp đồng và thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo yêu cầu nêu trên, trong đó Nhà thầu phải cam kết năng lực hiện tại của Nhà thầu vẫn đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Chủ đầu tư sẽ từ chối hoàn thiện, ký kết hợp đồng với Nhà thầu trong trường hợp phát hiện năng lực hiện tại của Nhà thầu không đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.

Nếu đến ngày___tháng___năm___(1) mà Nhà thầu không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc từ chối hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo các yêu cầu nêu trên thì Nhà thầu sẽ bị loại và không được nhận lại bảo đảm dự thầu.

 

 

Đại diện hợp pháp của Bên mời thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

Tài liệu đính kèm: Dự thảo hợp đồng

 

Ghi chú:

(1) Ghi thời gian phù hợp với thời gian quy định trong Mẫu thư bảo lãnh dự thầu.

 

Mẫu số 19

HỢP ĐỒNG ([15])

____, ngày ____ tháng ____ năm ____

Hợp đồng số: _________

Gói thầu: ____________ [ghi tên gói thầu]

Thuộc dự án: _________ [ghi tên dự án]

- Căn cứ (2) ___(Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội);

- Căn cứ (2)____(Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 của Quốc hội);

- Căn cứ (2)____(Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu);

- Căn cứ Quyết định số ____ ngày ____ tháng ____ năm ____ của ____ về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu ____ [ghi tên gói thầu] và thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng số ____ ngày ____ tháng ____ năm ____ của Bên mời thầu;

- Căn cứ biên bản thương thảo, hoàn thiện hợp đồng đã được Bên mời thầu và Nhà thầu trúng thầu ký ngày ____ tháng ____ năm ____;

 

Chúng tôi, đại diện cho các bên ký hợp đồng, gồm có:

Chủ đầu tư (sau đây gọi là Bên A)

Tên Chủ đầu tư [ghi tên Chủ đầu tư]:________________________________________________

Địa chỉ:_________________________________________________________________________

Điện thoại:______________________________________________________________________

Fax:____________________________________________________________________________

E-mail:__________________________________________________________________________

Tài khoản:_______________________________________________________________________

Mã số thuế:_____________________________________________________________________

Đại diện là ông/bà:_______________________________________________________________

Chức vụ:________________________________________________________________________

Giấy ủy quyền ký hợp đồng số ____ ngày ____ tháng ____ năm ____ (trường hợp được ủy quyền).

Nhà thầu (sau đây gọi là Bên B)

Tên Nhà thầu:___[ghi tên Nhà thầu trúng thầu]:

Địa chỉ:_________________________________________________________________________

Điện thoại:______________________________________________________________________

Fax:____________________________________________________________________________

E-mail:__________________________________________________________________________

Tài khoản:_______________________________________________________________________

Mã số thuế:_____________________________________________________________________

Đại diện là ông/bà:_______________________________________________________________

Chức vụ:________________________________________________________________________

Giấy ủy quyền ký hợp đồng số ___ngày ___tháng ___năm ___(trường hợp được ủy quyền).

Hai bên thỏa thuận ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa với các nội dung sau:

Điều 1. Đối tượng hợp đồng

Đối tượng của hợp đồng là các hàng hóa được nêu chi tiết tại Phụ lục kèm theo.

Điều 2. Thành phần hợp đồng

Thành phần hợp đồng và thứ tự ưu tiên pháp lý như sau:

1. Văn bản hợp đồng (kèm theo Phạm vi cung cấp và bảng giá cùng các Phụ lục khác);

2. Biên bản thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;

3. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

4. Điều kiện cụ thể của hợp đồng;

5. Điều kiện chung của hợp đồng;

6. Hồ sơ dự thầu và các văn bản làm rõ hồ sơ dự thầu của Nhà thầu trúng thầu (nếu có);

7. Hồ sơ mời thầu và các tài liệu sửa đổi hồ sơ mời thầu (nếu có);

8. Các tài liệu kèm theo khác (nếu có).

Điều 3. Trách nhiệm của Bên A

Bên A cam kết thanh toán cho Bên B theo giá hợp đồng quy định tại Điều 5 của hợp đồng này theo phương thức được quy định trong điều kiện cụ thể của hợp đồng cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm khác được quy định trong điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng.

Điều 4. Trách nhiệm của Bên B

Bên B cam kết cung cấp cho Bên A đầy đủ các loại hàng hóa như quy định tại Điều 1 của hợp đồng này, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm được nêu trong điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng.

Điều 5. Giá hợp đồng và phương thức thanh toán

1. Giá hợp đồng: ___[ghi rõ giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền ký hợp đồng].

2. Phương thức thanh toán:____[ghi phương thức thanh toán theo quy định tại Mục 16.1 Điều kiện cụ thể của hợp đồng của hồ sơ mời thầu].

Điều 6. Loại hợp đồng

Loại hợp đồng: trọn gói

Điều 7. Thời gian thực hiện hợp đồng: _____[ghi thời gian thực hiện hợp đồng phù hợp với quy định tại Mục 10 ĐKC, HSDT và kết quả thương thảo, hoàn thiện hợp đồng giữa hai bên]. 

Điều 8. Hiệu lực hợp đồng

1. Hợp đồng có hiệu lực kể từ _____ [ghi cụ thể ngày có hiệu lực của hợp đồng].

2. Hợp đồng hết hiệu lực sau khi hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng theo luật định.

Hợp đồng được lập thành ____ bộ, Chủ đầu tư giữ ____ bộ, Nhà thầu giữ ____ bộ, các bộ hợp đồng có giá trị pháp lý như nhau.

 

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
CỦA NHÀ THẦU

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
CỦA CHỦ ĐẦU TƯ

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

PHỤ LỤC BẢNG GIÁ HỢP ĐỒNG

(Kèm theo hợp đồng số _____,  ngày ____ tháng ____ năm ____)

Phụ lục này được lập trên cơ sở yêu cầu nêu trong HSMT, HSDT và những thỏa thuận đã đạt được trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, bao gồm giá (thành tiền) cho từng hạng mục, nội dung công việc. Giá (thành tiền) cho từng hạng mục, nội dung công việc đã bao gồm các chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có) theo thuế suất, mức phí, lệ phí tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định

BẢNG GIÁ HỢP ĐỒNG

STT

Nội dung giá hợp đồng

Thành tiền

1

Giá hàng hóa

(M)

2

Giá dịch vụ liên quan

(I)

Tổng cộng giá hợp đồng

(Kết chuyển sang Điều 5 hợp đồng)

(M) + (I)

 

BẢNG GIÁ CỦA HÀNG HÓA

1

2

3

4

5

6

7

STT

Mô tả hàng hóa

Đơn vị tính

Khối lượng

Xuất xứ, ký mã hiệu, nhãn mác của sản phẩm

Đơn giá

Thành tiền

(Cột 4x6)

1

Hàng hóa thứ 1

 

 

 

 

M1

2

Hàng hóa thứ 2

 

 

 

 

M2

 

….

 

 

 

 

 

n

Hàng hóa thứ n

 

 

 

 

Mn

Tổng cộng giá hàng hóa đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

(Kết chuyển sang bảng giá hợp đồng)

M=M1+M2+…+Mn

 

BẢNG GIÁ CÁC DỊCH VỤ LIÊN QUAN

1

2

3

4

5

6

Mô tả dịch vụ

Khối lượng

Đơn vị tính

Địa điểm thực hiện dịch vụ

Đơn giá

Thành tiền

(Cột 2x5)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng giá các dịch vụ liên quan đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

(Kết chuyển sang bảng giá hợp đồng)

(I)

 

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA NHÀ THẦU

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA CHỦ ĐẦU TƯ

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

Mẫu số 20

BẢO LÃNH THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG (1)

____, ngày ____ tháng ____ năm ____

Kính gửi: _________[ghi tên Chủ đầu tư]

(sau đây gọi là Chủ đầu tư)

Theo đề nghị của ____[ghi tên Nhà thầu] (sau đây gọi là Nhà thầu) là Nhà thầu đã trúng thầu gói thầu ____[ghi tên gói thầu] và cam kết sẽ ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa cho gói thầu trên (sau đây gọi là hợp đồng); (2)

Theo quy định trong HSMT (hoặc hợp đồng), Nhà thầu phải nộp cho Chủ đầu tư bảo lãnh của một ngân hàng với một khoản tiền xác định để bảo đảm nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện hợp đồng;

Chúng tôi, ____[ghi tên của ngân hàng] ở ____[ghi tên quốc gia hoặc vùng lãnh thổ] có trụ sở đăng ký tại ____[ghi địa chỉ của ngân hàng(3)] (sau đây gọi là “Ngân hàng”), xin cam kết bảo lãnh cho việc thực hiện hợp đồng của Nhà thầu với số tiền là ____[ghi rõ giá trị tương ứng bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng theo quy định tại Mục 6.1 ĐKCT của HSMT]. Chúng tôi cam kết thanh toán vô điều kiện, không hủy ngang cho Chủ đầu tư bất cứ khoản tiền nào trong giới hạn ____[ghi số tiền bảo lãnh] như đã nêu trên, khi có văn bản của Chủ đầu tư thông báo Nhà thầu vi phạm hợp đồng trong thời hạn hiệu lực của bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Bảo lãnh này có hiệu lực kể từ ngày phát hành cho đến hết ngày___tháng___năm ____(4).

 

 

Đại diện hợp pháp của ngân hàng

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Chỉ áp dụng trong trường hợp biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng là thư bảo lãnh của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.

(2) Nếu ngân hàng bảo lãnh yêu cầu phải có hợp đồng đã ký mới cấp giấy bảo lãnh thì Bên mời thầu sẽ báo cáo Chủ đầu tư xem xét, quyết định. Trong trường hợp này, đoạn trên có thể sửa lại như sau:

“Theo đề nghị của ____ [ghi tên Nhà thầu] (sau đây gọi là Nhà thầu) là Nhà thầu trúng thầu gói thầu ____[ghi tên gói thầu] đã ký hợp đồng số__[ghi số hợp đồng] ngày ____ tháng ____ năm ____ (sau đây gọi là Hợp đồng).”

(3) Địa chỉ ngân hàng: ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, số fax, e-mail để liên hệ.

(4) Ghi thời hạn phù hợp với yêu cầu quy định tại Mục 6.1 ĐKCT.

 

Mẫu số 21

BẢO LÃNH TIỀN TẠM ỨNG (1)

___, ngày ____ tháng ____ năm ____

Kính gửi: _____________[ghi tên Chủ đầu tư]

(sau đây gọi là Chủ đầu tư )

[ghi tên hợp đồng, số hợp đồng]

Theo điều khoản về tạm ứng nêu trong điều kiện cụ thể của hợp đồng, ____[ghi tên và địa chỉ của Nhà thầu] (sau đây gọi là Nhà thầu) phải nộp cho Chủ đầu tư một bảo lãnh ngân hàng để bảo đảm Nhà thầu sử dụng đúng mục đích khoản tiền tạm ứng____ [ghi rõ giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng] cho việc thực hiện hợp đồng;

Chúng tôi, ____ [ghi tên của ngân hàng] ở ____ [ghi tên quốc gia hoặc vùng lãnh thổ] có trụ sở đăng ký tại ____ [ghi địa chỉ của ngân hàng(2)] (sau đây gọi là “ngân hàng”), theo yêu cầu của Chủ đầu tư, đồng ý vô điều kiện, không hủy ngang và không yêu cầu Nhà thầu phải xem xét trước, thanh toán cho Chủ đầu tư khi Chủ đầu tư có yêu cầu với một khoản tiền không vượt quá ____ [ghi rõ giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng như yêu cầu quy định tại Mục 15.1 Điều kiện cụ thể của hợp đồng của hồ sơ mời thầu].

Ngoài ra, chúng tôi đồng ý rằng các thay đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh các điều kiện của hợp đồng hoặc của bất kỳ tài liệu nào liên quan tới hợp đồng được ký giữa Nhà thầu và Chủ đầu tư sẽ không làm thay đổi bất kỳ nghĩa vụ nào của chúng tôi theo bảo lãnh này.

Giá trị của bảo lãnh này sẽ được giảm dần tương ứng với số tiền tạm ứng mà Chủ đầu tư thu hồi qua các kỳ thanh toán quy định tại Điều 5 của Hợp đồng sau khi Nhà thầu xuất trình văn bản xác nhận của Chủ đầu tư về số tiền đã thu hồi trong các kỳ thanh toán.

Bảo lãnh này có hiệu lực kể từ ngày Nhà thầu nhận được khoản tạm ứng theo hợp đồng cho đến ngày____  tháng____ năm ____ (3) hoặc  khi Chủ đầu tư thu hồi hết số tiền tạm ứng, tùy theo ngày nào đến sớm hơn.

 

 

Đại diện hợp pháp của ngân hàng

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu mà quy định phù hợp với yêu cầu quy định tại Mục 15.1 ĐKCT.

(2) Địa chỉ ngân hàng: ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, số fax, e-mail để liên hệ.

(3) Ngày giao hàng quy định trong hợp đồng. Nếu giao hàng theo từng phần thì có thể quy định bảo lãnh tiền tạm ứng hết hiệu lực khi giá trị hàng hóa được giao và nghiệm thu lớn hơn hoặc bằng số tiền được tạm ứng. Trong trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng thì yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tiền tạm ứng.

 

Phần 4. PHỤ LỤC

MỘT SỐ VÍ DỤ VỀ TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ KỸ THUẬT

Ví dụ 1. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật theo tiêu chí đạt/không đạt

Nội dung đánh giá

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt

1. Đặc tính kỹ thuật của hàng hóa

Đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ, bao gồm các yếu tố như công suất, hiệu suất của máy móc, thiết bị; mức tiêu hao điện năng, nguyên nhiên vật liệu.

Có đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ hoàn toàn phù hợp đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Đạt

Không có đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ phù hợp, đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Không đạt

2. Giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa

Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa.

Có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa hợp lý và hiệu quả kinh tế.

Đạt

Không có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa hợp lý và hiệu quả kinh tế.

Không đạt

3. Tiến độ cung cấp hàng hóa

Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hợp lý, khả thi phù hợp với đề xuất kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hợp lý, khả thi và phù hợp với đề xuất kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Đạt

Không có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hoặc có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa nhưng không hợp lý, không khả thi, không phù hợp với đề xuất kỹ thuật.

Không đạt

4. Khả năng thích ứng và tác động đối với môi trường

4.1 Khả năng thích ứng về địa lý

Khả năng thích ứng về địa lý.

Hàng hóa được cung cấp hoàn toàn thích ứng về địa lý.

Đạt

Hàng hóa được cung cấp không hoàn toàn thích ứng về địa lý.

Chấp nhận được

Hàng hóa được cung cấp không thích ứng về địa lý.

Không đạt

4.2 Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết

Hàng hóa được cung cấp có ảnh hưởng tác động đến môi trường và đề xuất biện pháp giải quyết

Hàng hóa được cung cấp không có ảnh hưởng tác động nhiều đến môi trường và đề xuất biện pháp giải quyết hợp lý.

Đạt

Hàng hóa được cung cấp có ảnh hưởng tác động đến môi trường và có đề xuất biện pháp giải quyết.

Chấp nhận được

Hàng hóa được cung cấp có ảnh hưởng tác động nhiều đến môi trường và không đề xuất được biện pháp giải quyết.

Không đạt

5. Bảo hành, bảo trì

Thời gian Bảo hành __tháng, bảo trì __tháng.

Thời gian bảo hành trên ___ tháng, bảo trì trên ___ tháng/năm.

Đạt

Thời gian bảo hành trên ___ tháng, bảo trì dưới ___ tháng.

Không đạt

6. Uy tín của nhà thầu

Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó trong thời gian____ năm gần đây, tính đến thời điểm đóng thầu.

Không có hợp đồng tương tự chậm tiến độ hoặc bỏ dở hợp đồng do lỗi của nhà thầu.

Đạt

Có hợp đồng tương tự chậm tiến độ hoặc bỏ dở hợp đồng tương tự do lỗi của nhà thầu.

Không đạt

7. Các yếu tố về điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ

Điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ hợp lý, khả thi, phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp

Có điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ hợp lý, khả thi, phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

Đạt

Điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ không hợp lý, khả thi, không phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

Không đạt

Kết luận(1)

_____

Ghi chú:

(1) Nhà thầu được đánh giá là đạt yêu cầu về kỹ thuật khi tất cả các tiêu chuẩn được đánh giá là đạt hoặc chấp nhận được. Trường hợp nhà thầu không đạt một trong các tiêu chuẩn thì được đánh giá là không đạt và không được xem xét, đánh giá bước tiếp theo.

 

Ví dụ 2: Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật theo phương pháp chấm điểm

Nội dung đánh giá

Chấm điểm (với thang điểm 100)

Điểm tối đa

Điểm tối thiểu (60%)

1. Đặc tính kỹ thuật của hàng hóa

30

 

Đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ, bao gồm các yếu tố như công suất, hiệu suất của máy móc, thiết bị; mức tiêu hao điện năng, nguyên nhiên vật liệu.

Có đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ hoàn toàn phù hợp đáp ứng yêu cầu của HSMT.

 

 

Có đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của HSMT.

 

 

Không có đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ phù hợp, đáp ứng yêu cầu của HSMT.

 

 

2. Giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa

20

 

Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa, khả năng lắp đặt thiết bị, bố trí cán bộ kỹ thuật.

Có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa hợp lý và hiệu quả kinh tế.

 

 

Có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa nhưng chưa hoàn toàn hợp lý và hiệu quả kinh tế.

 

 

Không có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa hợp lý và hiệu quả kinh tế.

 

 

3. Tiến độ cung cấp hàng hóa

10

 

Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hợp lý, khả thi phù hợp với đề xuất kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hợp lý, khả thi và phù hợp với đề xuất kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của HSMT.

 

 

Có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa nhưng chưa hoàn toàn hợp lý, khả thi phù hợp với đề xuất kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của HSMT.

 

 

Không có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hoặc có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa nhưng không hợp lý, không khả thi, không phù hợp với đề xuất kỹ thuật.

 

 

4. Khả năng thích ứng và tác động đối với môi trường

10

 

4.1 Khả năng thích ứng về địa lý

5

 

Khả năng thích ứng về địa lý.

Hàng hóa được cung cấp hoàn toàn thích ứng về địa lý.

 

 

Hàng hóa được cung cấp không hoàn toàn thích ứng về địa lý.

 

 

Hàng hóa được cung cấp không thích ứng về địa lý.

 

 

4.2 Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết

5

 

Hàng hóa được cung cấp có ảnh hưởng tác động đến môi trường và đề xuất biện pháp giải quyết.

Hàng hóa được cung cấp không có ảnh hưởng tác động nhiều đến môi trường và đề xuất biện pháp giải quyết hợp lý.

 

 

Hàng hóa được cung cấp có ảnh hưởng tác động đến môi trường và có đề xuất biện pháp giải quyết.

 

 

Hàng hóa được cung cấp có ảnh hưởng tác động nhiều đến môi trường và không đề xuất được biện pháp giải quyết.

 

 

5. Bảo hành, bảo trì

10

 

Thời gian bảo hành___tháng, bảo trì       tháng.

Thời gian bảo hành trên ___ tháng, bảo trì trên ___ tháng.

10

 

Thời gian bảo hành trên ___ tháng, bảo trì dưới ___ tháng.

8

 

Thời gian bảo hành dưới ___ tháng, bảo trì dưới  tháng.

6

 

6. Uy tín của nhà thầu

10

 

a) Kinh nghiệm của nhà thầu:

- Số lượng hợp đồng tương tự.

b) Lịch sử thực hiện hợp đồng:

- Hợp đồng tương tự vượt tiến độ;

- Hợp đồng chậm tiến độ.

c) Lịch sử kiện tụng trước đây.

 

 

7. Các yếu tố về điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo chuyển giao công nghệ

5

 

Điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo chuyển giao công nghệ hợp lý, khả thi, phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

Có điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo chuyển giao công nghệ hợp lý, khả thi, phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

 

 

Có điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo chuyển giao công nghệ nhưng chưa hợp lý, khả thi, phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

 

 

Điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo chuyển giao công nghệ không hợp lý, khả thi, không phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

 

 

8. Khả năng cung cấp tài chính (nếu có) (trường hợp không yêu cầu thì số điểm sẽ phân bổ vào đặc tính kỹ thuật của hàng hóa).

5

 

Tổng cộng

100

70

 

MẪU HỒ SƠ MỜI THẦU

MUA SẮM HÀNG HÓA ÁP DỤNG

PHƯƠNG THỨC MỘT GIAI ĐOẠN

HAI TÚI HỒ SƠ

(Mẫu số 02)

 

(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 6 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa)

 

 

 

 

 

HỒ SƠ MỜI THẦU

 

 

 

Số hiệu gói thầu:

_________________

Tên gói thầu:

_________________

Dự án:

_________________

 

[ghi số hiệu gói thầu, tên gói thầu và tên dự án theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu]

Phát hành ngày:

_________________

[ghi ngày bắt đầu phát hành hồ sơ mời thầu cho nhà thầu]

Ban hành kèm theo Quyết định:

_________________

[ghi số quyết định, ngày phát hành quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu]

 

Tư vấn lập hồ sơ mời thầu

(nếu có)

[ghi tên, đóng dấu]

Bên mời thầu

 

[ghi tên, đóng dấu]

 

MỤC LỤC

Mô tả tóm tắt . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Từ ngữ viết tắt . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Phần 1 - THỦ TỤC ĐẤU THẦU . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương I. Chỉ dẫn nhà thầu . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương II. Bảng dữ liệu đấu thầu . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương III. Tiêu chuẩn đánh giá HSDT . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương IV. Biểu mẫu dự thầu . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . …

Phần 2 - YÊU CẦU VỀ PHẠM VI CUNG CẤP . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương V. Phạm vi cung cấp . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Phần 3 - ĐIỀU KIỆN HỢP ĐỒNG VÀ BIỂU MẪU HỢP ĐỒNG. . . .  . . . .  

Chương VI. Điều kiện chung của hợp đồng . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương VII. Điều kiện cụ thể của hợp đồng . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Chương VIII. Biểu mẫu hợp đồng . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Phần 4 - PHỤ LỤC . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

MÔ TẢ TÓM TẮT

Phần 1. THỦ TỤC ĐẤU THẦU

Chương I. Chỉ dẫn nhà thầu

Chương này cung cấp thông tin nhằm giúp nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Thông tin bao gồm các quy định về việc chuẩn bị, nộp hồ sơ dự thầu, mở thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu và trao hợp đồng. Chỉ được sử dụng mà không được sửa đổi các quy định tại Chương này.

Chương II. Bảng dữ liệu đấu thầu

Chương này quy định cụ thể các nội dung của Chương I khi áp dụng đối với từng gói thầu.

Chương III. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu

Chương này bao gồm các tiêu chí để đánh giá hồ sơ dự thầu và đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu để thực hiện gói thầu.

Chương IV. Biểu mẫu dự thầu

Chương này bao gồm các biểu mẫu mà nhà thầu sẽ phải hoàn chỉnh để thành một phần nội dung của hồ sơ dự thầu.

Phần 2. YÊU CẦU VỀ PHẠM VI CUNG CẤP

Chương V. Phạm vi cung cấp

Chương này bao gồm phạm vi, tiến độ cung cấp hàng hóa, dịch vụ liên quan mà nhà thầu phải thực hiện; yêu cầu về kỹ thuật và bản vẽ để mô tả các đặc tính kỹ thuật của hàng hóa và dịch vụ liên quan; các nội dung về kiểm tra và thử nghiệm hàng hóa (nếu có).

Phần 3. ĐIỀU KIỆN HỢP ĐỒNG VÀ BIỂU MẪU HỢP ĐỒNG

Chương VI. Điều kiện chung của hợp đồng

Chương này gồm điều khoản chung được áp dụng cho tất cả các hợp đồng của các gói thầu khác nhau. Chỉ được sử dụng mà không được sửa đổi các quy định tại Chương này.

Chương VII. Điều kiện cụ thể của hợp đồng

Chương này bao gồm dữ liệu hợp đồng và Điều kiện cụ thể, trong đó có điều khoản cụ thể cho mỗi hợp đồng. Điều kiện cụ thể của hợp đồng nhằm sửa đổi, bổ sung nhưng không được thay thế Điều kiện chung của hợp đồng.

Chương VIII. Biểu mẫu hợp đồng

Chương này gồm các biểu mẫu mà sau khi được hoàn chỉnh sẽ trở thành một bộ phận cấu thành của hợp đồng. Các mẫu bảo lãnh thực hiện hợp đồng (Thư bảo lãnh) và Bảo lãnh tiền tạm ứng (nếu có yêu cầu về tạm ứng) do nhà thầu trúng thầu hoàn chỉnh trước khi hợp đồng có hiệu lực.

Phần 4. PHỤ LỤC

Các ví dụ Bảng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật.

 

TỪ NGỮ VIẾT TẮT

CDNT

Chỉ dẫn nhà thầu

BDL       

Bảng dữ liệu đấu thầu

HSMT

Hồ sơ mời thầu

HSDT

Hồ sơ dự thầu, bao gồm hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính

HSĐXKT

Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật

HSĐXTC

Hồ sơ đề xuất về tài chính

ĐKC

Điều kiện chung của hợp đồng

ĐKCT

Điều kiện cụ thể của hợp đồng

VND

đồng Việt Nam

USD

đô la Mỹ

EUR

đồng tiền chung Châu Âu

 

Phần 1. THỦ TỤC ĐẤU THẦU

Chương I. CHỈ DẪN NHÀ THẦU

1. Phạm vi gói thầu và thời gian thực hiện hợp đồng

1.1. Bên mời thầu quy định tại BDL phát hành bộ HSMT này để lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm hàng hóa được mô tả trong Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp.

1.2. Tên gói thầu; số lượng, số hiệu các phần (trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập) thuộc gói thầu quy định tại BDL.

1.3. Thời gian thực hiện hợp đồng quy định tại BDL.

2. Nguồn vốn

Nguồn vốn (hoặc phương thức thu xếp vốn) để sử dụng cho gói thầu được quy định tại BDL.

3. Hành vi bị cấm

3.1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

3.2. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.

3.3. Thông thầu, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;

b) Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị HSDT cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;

c) Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.

3.4. Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;

b) Cá nhân trực tiếp đánh giá HSDT, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu;

c) Nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong HSDT làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

3.5. Cản trở, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa, quấy rối hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng đối với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;

b) Các hành vi cản trở đối với nhà thầu, cơ quan có thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

3.6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu đối với gói thầu do mình làm Bên mời thầu, Chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của Bên mời thầu, Chủ đầu tư;

b) Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định HSMT đối với cùng một gói thầu;

c) Tham gia đánh giá HSDT đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với cùng một gói thầu;

d) Là cá nhân thuộc Bên mời thầu, Chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc là người đứng đầu Chủ đầu tư, Bên mời thầu đối với các gói thầu do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu tham dự thầu;

đ) Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó;

e) Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án do Chủ đầu tư, Bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó;

g) Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13;

h) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT;

i) Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

3.7. Tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin sau đây về quá trình lựa chọn nhà thầu, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 7 Điều 73, khoản 12 Điều 74, điểm i khoản 1 Điều 75, khoản 7 Điều 76, khoản 7 Điều 78, điểm d khoản 2 Điều 92 của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13:

a) Nội dung HSMT trước thời điểm phát hành theo quy định;

b) Nội dung HSDT, sổ tay ghi chép, biên bản cuộc họp xét thầu, các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với từng HSDT trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

c) Nội dung yêu cầu làm rõ HSDT của Bên mời thầu và trả lời của nhà thầu trong quá trình đánh giá HSDT trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

d) Báo cáo của Bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo thẩm định, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

đ) Kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi được công khai theo quy định;

e) Các tài liệu khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu được đóng dấu mật theo quy định của pháp luật.

3.8. Chuyển nhượng thầu, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết;

b) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

3.9. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.

4. Tư cách hợp lệ của nhà thầu[16]

4.1. Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu đang hoạt động cấp[17];

4.2. Hạch toán tài chính độc lập;

4.3. Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;

4.4. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại BDL;

4.5. Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

4.6. Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại BDL.

5. Tính hợp lệ của hàng hóa, dịch vụ liên quan

5.1. Tất cả các hàng hóa và dịch vụ liên quan được coi là hợp lệ nếu có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp.

5.2. Thuật ngữ “hàng hóa” được hiểu bao gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; hàng tiêu dùng; vật tư y tế dùng cho các cơ sở y tế.

Thuật ngữ “xuất xứ” được hiểu là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

Thuật ngữ “các dịch vụ liên quan” bao gồm các dịch vụ như   bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác như đào tạo, chuyển giao công nghệ …

5.3. Để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa và dịch vụ liên quan theo quy định tại Mục 5.1 CDNT, nhà thầu cần nêu rõ xuất xứ của hàng hóa, ký mã hiệu, nhãn mác của hàng hóa và các tài liệu kèm theo để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa theo quy định tại BDL.

6. Nội dung của HSMT

6.1. HSMT gồm có các Phần 1, 2, 3 và cùng với tài liệu sửa đổi HSMT theo quy định tại Mục 8 CDNT (nếu có), trong đó cụ thể bao gồm các nội dung sau đây:

Phần 1. Thủ tục đấu thầu:

- Chương I. Chỉ dẫn nhà thầu;

- Chương II. Bảng dữ liệu đấu thầu;

- Chương III. Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

- Chương IV. Biểu mẫu dự thầu.

Phần 2. Yêu cầu về phạm vi cung cấp:

- Chương V. Phạm vi cung cấp.

Phần 3. Điều kiện hợp đồng và Biểu mẫu hợp đồng:

- Chương VI. Điều kiện chung của hợp đồng;

- Chương VII. Điều kiện cụ thể của hợp đồng;

- Chương VIII. Biểu mẫu hợp đồng.

6.2. Thư mời thầu/thông báo mời thầu do Bên mời thầu phát hành hoặc cung cấp không phải là một phần của HSMT.

6.3. Bên mời thầu sẽ không chịu trách nhiệm về tính chính xác, hoàn chỉnh của HSMT, tài liệu giải thích làm rõ HSMT, biên bản hội nghị tiền đấu thầu (nếu có) hay các tài liệu sửa đổi HSMT theo quy định tại Mục 8 CDNT nếu các tài liệu này không được cung cấp bởi Bên mời thầu. Các tài liệu do nhà thầu nhận được nếu có mâu thuẫn về nội dung thì tài liệu do Bên mời thầu phát hành sẽ có ý nghĩa quyết định.

6.4. Nhà thầu phải nghiên cứu mọi thông tin chỉ dẫn, biểu mẫu, yêu cầu về phạm vi cung cấp và các yêu cầu khác trong HSMT để chuẩn bị lập HSDT của mình bao gồm tất cả thông tin hay tài liệu theo yêu cầu của HSMT.

7. Làm rõ HSMT

7.1. Trong trường hợp cần làm rõ HSMT, nhà thầu phải gửi văn bản đề nghị làm rõ đến Bên mời thầu hoặc đặt câu hỏi trong hội nghị tiền đấu thầu (nếu có). Khi Bên mời thầu nhận được đề nghị làm rõ HSMT của nhà thầu trước thời điểm đóng thầu tối thiểu một số ngày theo quy định tại BDL, Bên mời thầu phải có văn bản trả lời tất cả các yêu cầu làm rõ HSMT. Bên mời thầu sẽ gửi văn bản làm rõ HSMT cho nhà thầu có yêu cầu làm rõ HSMT và tất cả nhà thầu khác đã nhận HSMT từ Bên mời thầu, trong đó mô tả nội dung yêu cầu làm rõ nhưng không nêu tên nhà thầu đề nghị làm rõ. Trường hợp việc làm rõ dẫn đến phải sửa đổi HSMT thì Bên mời thầu phải tiến hành sửa đổi HSMT theo thủ tục quy định tại Mục 8 và Mục 22.2 CDNT.

7.2. Trong trường hợp cần thiết, Bên mời thầu tổ chức hội nghị tiền đấu thầu để trao đổi về những nội dung trong HSMT mà các nhà thầu thấy chưa rõ. Nội dung trao đổi sẽ được Bên mời thầu ghi lại thành biên bản và lập thành văn bản làm rõ HSMT, gửi cho tất cả nhà thầu đã mua hoặc nhận HSMT từ Bên mời thầu. Trong trường hợp HSMT cần phải được sửa đổi sau khi tổ chức hội nghị tiền đấu thầu, Bên mời thầu sẽ phát hành văn bản sửa đổi HSMT như quy định tại Mục 8 CDNT, biên bản hội nghị tiền đấu thầu không phải là văn bản sửa đổi HSMT. Việc không tham gia hội nghị tiền đấu thầu không phải là lý do để loại nhà thầu.

8. Sửa đổi HSMT

8.1. Việc sửa đổi HSMT được thực hiện trước thời điểm đóng thầu thông qua việc phát hành văn bản sửa đổi HSMT.

8.2. Văn bản sửa đổi HSMT được coi là một phần của HSMT và phải được thông báo bằng văn bản tới tất cả các nhà thầu đã nhận HSMT từ Bên mời thầu.

8.3. Thời gian gửi văn bản sửa đổi HSMT đến các nhà thầu đã nhận HSMT từ Bên mời thầu theo thời gian quy định tại BDL. Nhằm giúp các nhà thầu có đủ thời gian hợp lý để sửa đổi HSDT, Bên mời thầu có thể quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22.2 CDNT. Nhà thầu phải thông báo bằng văn bản cho Bên mời thầu là đã nhận được tài liệu sửa đổi đó bằng một trong các cách sau: gửi văn bản trực tiếp, theo đường bưu điện, fax hoặc e-mail.

9. Chi phí dự thầu

Nhà thầu phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc chuẩn bị và nộp HSDT. Trong mọi trường hợp, Bên mời thầu sẽ không phải chịu trách nhiệm về các chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu.

10. Ngôn ngữ của HSDT

HSDT cũng như tất cả các thư từ và tài liệu liên quan đến HSDT trao đổi giữa nhà thầu với Bên mời thầu được viết bằng ngôn ngữ quy định tại BDL.

11. Thành phần  của HSDT

HSDT bao gồm HSĐXKT và HSĐXTC, trong đó:

11.1. HSĐXKT phải bao gồm hồ sơ về hành chính, pháp lý, hồ sơ về năng lực và kinh nghiệm, đề xuất về kỹ thuật của nhà thầu theo yêu cầu của HSMT. Cụ thể như sau:

a) Đơn dự thầu thuộc HSĐXKT theo quy định tại Mục 12 CDNT;

b) Thỏa thuận liên danh đối với trường hợp nhà thầu liên danh theo Mẫu số 03 Chương IV - Biểu mẫu dự thầu;

c) Bảo đảm dự thầu theo quy định tại Mục 19 CDNT;

d) Tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ của nhà thầu theo quy định tại Mục 4 CDNT;

đ) Tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ của người ký đơn dự thầu theo quy định tại Mục 20.3 CDNT;

e) Tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu theo quy định tại Mục 17 CDNT;

g) Đề xuất về kỹ thuật và tài liệu chứng minh sự phù hợp của hàng hóa và dịch vụ liên quan theo quy định tại Mục 16 CDNT.

11.2. HSĐXTC phải bao gồm các thành phần sau đây:

a) Đơn dự thầu thuộc HSĐXTC theo quy định tại Mục 12 CDNT;

b) Đề xuất về tài chính và các bảng biểu được ghi đầy đủ thông tin theo quy định tại Mục 12 và Mục 14 CDNT.

11.3. Đề xuất phương án kỹ thuật thay thế trong HSDT theo quy định tại Mục 13 CDNT, kèm theo đề xuất về tài chính liên quan đến phương án kỹ thuật thay thế (nếu có);

11.4. Các nội dung khác theo quy định tại BDL.

12. Đơn dự thầu và các bảng biểu 

Đơn dự thầu thuộc HSĐXKT, đơn dự thầu thuộc HSĐXTC và các bảng biểu tương ứng theo mẫu quy định tại Chương IV - Biểu mẫu dự thầu.

13. Đề xuất phương án kỹ thuật thay thế trong HSDT

13.1. Trường hợp HSMT có quy định tại BDL về việc nhà thầu có thể đề xuất phương án kỹ thuật thay thế thì phương án kỹ thuật thay thế đó mới được xem xét.

13.2. Phương án kỹ thuật thay thế chỉ được xem xét khi phương án chính được đánh giá là đáp ứng yêu cầu và nhà thầu được xếp hạng thứ nhất. Trong trường hợp này, nhà thầu phải cung cấp tất cả các thông tin cần thiết để Bên mời thầu có thể đánh giá phương án kỹ thuật thay thế, bao gồm: thuyết minh, bản vẽ, thông số kỹ thuật, tiến độ cung cấp và các thông tin liên quan khác. Việc đánh giá đề xuất phương án kỹ thuật thay thế trong HSDT thực hiện theo quy định tại Mục 6 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

14. Giá dự thầu và giảm giá

14.1. Giá dự thầu là giá do nhà thầu ghi trong đơn dự thầu thuộc HSĐXTC, bao gồm toàn bộ các chi phí (chưa tính giảm giá) để thực hiện gói thầu theo yêu cầu quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp.

14.2. Nhà thầu phải nộp HSDT cho toàn bộ công việc được mô tả trong Mục 1.1 CDNT và ghi đơn giá dự thầu, thành tiền cho tất cả các công việc nêu trong các cột “Danh mục hàng hóa”, “Mô tả dịch vụ” theo các mẫu tương ứng quy định tại Chương IV - Biểu mẫu dự thầu.

Trường hợp tại cột “đơn giá dự thầu” và cột “thành tiền” nhà thầu không ghi giá trị hoặc ghi là “0” thì được coi là nhà thầu đã phân bổ giá của hàng hóa, dịch vụ này vào các hàng hóa, dịch vụ khác thuộc gói thầu, nhà thầu phải có trách nhiệm cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo đúng yêu cầu nêu trong HSMT và không được Chủ đầu tư thanh toán trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trong mỗi bảng giá, nhà thầu phải chào theo quy định tại BDL.

14.3.  Trường hợp nhà thầu có đề xuất giảm giá thì có thể ghi trực tiếp vào đơn dự thầu hoặc đề xuất riêng trong thư giảm giá. Trường hợp giảm giá, nhà thầu phải nêu rõ nội dung và cách thức giảm giá vào các hạng mục cụ thể nêu trong cột “Danh mục hàng hóa”, “Mô tả dịch vụ”. Trường hợp không nêu rõ cách thức giảm giá thì được hiểu là giảm đều theo tỷ lệ cho tất cả hạng mục nêu trong cột “Danh mục hàng hóa”, “Mô tả dịch vụ”. Trường hợp có thư giảm giá thì thư giảm giá có thể để cùng trong HSĐXTC hoặc nộp riêng song phải bảo đảm Bên mời thầu nhận được trước thời điểm đóng thầu. Trường hợp thư giảm giá nộp riêng thì thực hiện như quy định tại Mục 21.2 và Mục 21.3 CDNT. Thư giảm giá sẽ được Bên mời thầu bảo quản như một phần của HSDT và được mở đồng thời cùng HSĐXTC của nhà thầu.

14.4. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về giá dự thầu để thực hiện hoàn thành các công việc theo đúng yêu cầu của HSMT, trường hợp nhà thầu có đơn giá bất thường, Bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu làm rõ về cơ cấu đơn giá đó của nhà thầu theo quy định tại Mục 26 CDNT.

Giá dự thầu của nhà thầu phải bao gồm toàn bộ các khoản thuế, phí, lệ phí (nếu có) áp theo thuế suất, mức phí, lệ phí tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định. Trường hợp nhà thầu tuyên bố giá dự thầu không bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có) thì HSDT của nhà thầu sẽ bị loại.

14.5. Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần độc lập và cho phép dự thầu theo từng phần như quy định tại BDL thì nhà thầu có thể dự thầu một hoặc nhiều phần của gói thầu. Nhà thầu phải dự thầu đầy đủ các hạng mục trong phần mà mình tham dự. Trường hợp nhà thầu có đề xuất giảm giá, phải nêu rõ cách thức và giá trị giảm giá cụ thể cho từng phần theo Mục 14.3 CDNT.

14.6. Trường hợp nhà thầu phát hiện khối lượng của các hạng mục công việc nêu trong cột “Danh mục hàng hóa”, “Mô tả dịch vụ” chưa chính xác so với thiết kế hoặc yêu cầu nêu tại Mục 1 Phần 2 - Yêu cầu phạm vi cung cấp, nhà thầu có thể thông báo cho Bên mời thầu và lập một bảng chào giá riêng cho phần khối lượng sai khác này để Bên mời thầu xem xét. Nhà thầu không được tính toán phần khối lượng sai khác này vào giá dự thầu.

15. Đồng tiền dự thầu và đồng tiền thanh toán

Đồng tiền dự thầu và đồng tiền thanh toán quy định tại BDL.

16. Tài liệu chứng minh  sự phù hợp của hàng hóa, dịch vụ liên quan

16.1. Để chứng minh sự phù hợp của hàng hóa và dịch vụ liên quan so với yêu cầu của HSMT, nhà thầu phải cung cấp các tài liệu là một phần của HSDT để chứng minh rằng hàng hóa mà nhà thầu cung cấp đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật quy định tại Chương V - Phạm vi cung cấp.

16.2. Tài liệu chứng minh sự phù hợp của hàng hóa và dịch vụ liên quan có thể là hồ sơ, giấy tờ, bản vẽ, số liệu được mô tả chi tiết theo từng khoản mục về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng cơ bản của hàng hóa và dịch vụ liên quan, qua đó chứng minh sự đáp ứng cơ bản của hàng hóa, dịch vụ so với yêu cầu của HSMT và một bảng kê những điểm sai khác và ngoại lệ (nếu có) so với quy định tại Chương V - Phạm vi cung cấp.

16.3. Nhà thầu phải cung cấp đầy đủ danh mục, giá cả phụ tùng thay thế, dụng cụ chuyên dụng... cần thiết để bảo đảm sự vận hành đúng quy cách và liên tục của hàng hóa trong thời hạn quy định tại BDL sau khi hàng hóa được đưa vào sử dụng.

16.4. Tiêu chuẩn về chế tạo, quy trình sản xuất các vật tư và thiết bị cũng như các tham chiếu đến nhãn hiệu hàng hóa hoặc số catalô do Bên mời thầu quy định tại Chương V - Phạm vi cung cấp chỉ nhằm mục đích mô tả và không nhằm mục đích hạn chế nhà thầu. Nhà thầu có thể đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa, catalô khác miễn là nhà thầu  chứng minh cho Bên mời thầu thấy rằng những thay thế đó vẫn bảo đảm sự tương đương cơ bản hoặc cao hơn so với yêu cầu quy định tại Chương V - Phạm vi cung cấp. 

17. Tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu

17.1. Nhà thầu phải ghi thông tin cần thiết vào các mẫu trong Chương IV - Biểu mẫu dự thầu để chứng minh năng lực và kinh nghiệm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT. Nhà thầu phải chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu gốc để phục vụ việc xác minh khi có yêu cầu của Bên mời thầu. Trường hợp gói thầu đã áp dụng sơ tuyển, khi nộp HSDT nếu nhà thầu có sự thay đổi về năng lực và kinh nghiệm so với thông tin kê khai trong hồ sơ dự sơ tuyển đã được đánh giá thì nhà thầu phải cập nhật lại năng lực và kinh nghiệm của mình; trường hợp năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu không có sự thay đổi thì nhà thầu phải có cam kết bằng văn bản về việc vẫn đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.

17.2. Các tài liệu để chứng minh năng lực thực hiện hợp đồng của nhà thầu nếu được trúng thầu theo quy định tại BDL.

18. Thời hạn có hiệu lực của HSDT

18.1. HSDT bao gồm HSĐXKT và HSĐXTC phải có hiệu lực không ngắn hơn thời hạn quy định tại BDL. HSĐXKT hoặc HSĐXTC nào có thời hạn hiệu lực ngắn hơn quy định sẽ không được tiếp tục xem xét, đánh giá.

18.2. Trong trường hợp cần thiết, trước khi hết thời hạn hiệu lực của HSDT, Bên mời thầu có thể đề nghị các nhà thầu gia hạn hiệu lực của HSDT (gia hạn hiệu lực của cả HSĐXKT và HSĐXTC), đồng thời yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu (bằng thời gian có hiệu lực của HSDT sau khi gia hạn cộng thêm 30 ngày). Nếu nhà thầu không chấp nhận việc gia hạn hiệu lực của HSDT thì HSDT của nhà thầu không được xem xét tiếp và nhà thầu sẽ được nhận lại bảo đảm dự thầu. Nhà thầu chấp nhận đề nghị gia hạn không được phép thay đổi bất kỳ nội dung nào của HSDT. Việc đề nghị gia hạn và chấp thuận hoặc không chấp thuận gia hạn phải được thể hiện bằng văn bản.

19. Bảo đảm dự thầu

19.1. Khi tham dự thầu, nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành hoặc đặt cọc bằng Séc (đối với trường hợp đặt cọc) như quy định tại Mục 19.2 CDNT. Trường hợp sử dụng thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh đó phải theo Mẫu số 04 (a) hoặc Mẫu số 04 (b) Chương IV- Biểu mẫu dự thầu hoặc theo một hình thức khác tương tự nhưng phải bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản của bảo lãnh dự thầu. Trường hợp HSDT được gia hạn hiệu lực theo quy định tại Mục 18.2 CDNT thì hiệu lực của bảo đảm dự thầu cũng phải được gia hạn tương ứng.

Trường hợp liên danh thì phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo một trong hai cách sau:

a) Từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện riêng rẽ bảo đảm dự thầu nhưng bảo đảm tổng giá trị không thấp hơn mức yêu cầu quy định tại Mục 19.2 CDNT; nếu bảo đảm dự thầu của một thành viên trong liên danh được xác định là không hợp lệ thì HSDT của liên danh đó sẽ không được xem xét, đánh giá tiếp. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không được hoàn trả bảo đảm dự thầu theo quy định tại Mục 19.5 CDNT thì bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh sẽ không được hoàn trả.

b) Các thành viên trong liên danh thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu cho thành viên liên danh đó và cho thành viên khác trong liên danh. Trong trường hợp này, bảo đảm dự thầu có thể bao gồm tên của liên danh hoặc tên của thành viên chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu cho cả liên danh nhưng bảo đảm tổng giá trị không thấp hơn mức yêu cầu quy định tại Mục 19.2 CDNT. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không được hoàn trả bảo đảm dự thầu theo quy định tại Mục 19.5 CDNT thì bảo đảm dự thầu sẽ không được hoàn trả.

19.2. Giá trị, đồng tiền và thời gian hiệu lực của bảo đảm dự thầu theo quy định tại BDL.

19.3. Bảo đảm dự thầu được coi là không hợp lệ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có giá trị thấp hơn, thời gian hiệu lực ngắn hơn so với yêu cầu quy định tại Mục 19.2 CDNT, không đúng tên Bên mời thầu (đơn vị thụ hưởng), không phải là bản gốc và không có chữ ký hợp lệ hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho Bên mời thầu.

19.4. Nhà thầu không được lựa chọn sẽ được hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu trong thời hạn tối đa theo quy định tại BDL, kể từ ngày thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu. Đối với nhà thầu được lựa chọn, bảo đảm dự thầu được hoàn trả hoặc giải tỏa sau khi nhà thầu thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.

19.5. Bảo đảm dự thầu không được hoàn trả trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà thầu rút HSDT (bao gồm HSĐXKT hoặc HSĐXTC) sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của HSDT;

b) Nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d Mục 41.1 CDNT;

c) Nhà thầu không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Mục 43 CDNT;

d) Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành thương thảo hợp đồng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo mời đến thương thảo hợp đồng của Bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng;

đ) Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng trong thời gian quy định tại Thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng của Bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng.

20. Quy cách HSDT và chữ ký trong HSDT

20.1. Nhà thầu phải chuẩn bị HSDT bao gồm: 1 bản gốc HSĐXKT, 1 bản gốc HSĐXTC theo quy định tại Mục 11 CDNT và một số bản chụp HSĐXKT,  HSĐXTC theo số lượng quy định tại BDL. Trên trang bìa của các hồ sơ phải ghi rõ “BẢN GỐC HSĐXKT”, “BẢN GỐC HSĐXTC”, “BẢN CHỤP HSĐXKT”, “BẢN CHỤP HSĐXTC”.

Trường hợp có sửa đổi, thay thế HSĐXKT, HSĐXTC thì nhà thầu phải chuẩn bị 1 bản gốc và một số bản chụp hồ sơ theo số lượng quy định tại BDL. Trên trang bìa của các hồ sơ phải ghi rõ “BẢN GỐC HSĐXKT SỬA ĐỔI”, “BẢN CHỤP HSĐXKT SỬA ĐỔI”, “BẢN GỐC HSĐXTC SỬA ĐỔI”, “BẢN CHỤP HSĐXTC SỬA ĐỔI”, “BẢN GỐC HSĐXKT THAY THẾ”, “BẢN CHỤP HSĐXKT THAY THẾ”, “BẢN GỐC HSĐXTC THAY THẾ”, “BẢN CHỤP HSĐXTC THAY THẾ”.

Trường hợp có phương án kỹ thuật thay thế trong HSDT theo quy định tại Mục 13 CDNT thì nhà thầu phải chuẩn bị 1 bản gốc và một số bản chụp hồ sơ theo số lượng quy định tại BDL. Trên trang bìa của các hồ sơ phải ghi rõ “BẢN GỐC ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN KỸ THUẬT THAY THẾ”, “BẢN CHỤP ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN KỸ THUẬT THAY THẾ”.

20.2. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính thống nhất giữa bản gốc và bản chụp. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp nhưng không làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà thầu thì căn cứ vào bản gốc để đánh giá. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp dẫn đến kết quả đánh giá trên bản gốc khác kết quả đánh giá trên bản chụp, làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà thầu thì HSDT của nhà thầu bị loại.

20.3. Bản gốc của HSĐXKT, HSĐXTC phải được đánh máy hoặc viết bằng mực không phai, đánh số trang theo thứ tự liên tục. Đơn dự thầu, thư giảm giá (nếu có), các văn bản bổ sung, làm rõ HSDT, bảng giá và các biểu mẫu khác tại Chương IV - Biểu mẫu dự thầu phải được đại diện hợp pháp của nhà thầu hoặc người được ủy quyền hợp pháp ký tên và đóng dấu (nếu có),  trường hợp ủy quyền phải có giấy ủy quyền theo Mẫu số 02 Chương IV - Biểu mẫu dự thầu hoặc bản chụp Điều lệ công ty, Quyết định thành lập chi nhánh được chứng thực hoặc các tài liệu khác chứng minh thẩm quyền của người được ủy quyền và được nộp cùng với HSDT.

20.4. Trường hợp là nhà thầu liên danh thì HSDT phải có chữ ký của đại diện hợp pháp của tất cả các thành viên liên danh hoặc thành viên đại diện nhà thầu liên danh theo thỏa thuận liên danh. Để bảo đảm tất cả các thành viên của liên danh đều bị ràng buộc về pháp lý, văn bản thỏa thuận liên danh phải có chữ ký của các đại diện hợp pháp của tất cả các thành viên trong liên danh.

20.5. Những chữ được ghi thêm, ghi chèn vào giữa các dòng, những chữ bị tẩy xóa hoặc viết đè lên sẽ chỉ được coi là hợp lệ nếu có chữ ký ở bên cạnh hoặc tại trang đó của người ký đơn dự thầu.

21. Niêm phong và ghi bên ngoài HSDT

21.1. Túi đựng HSĐXKT bao gồm bản gốc và các bản chụp HSĐXKT, bên ngoài phải ghi rõ "HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ KỸ THUẬT". Túi đựng HSĐXTC bao gồm bản gốc và các bản chụp HSĐXTC, bên ngoài phải ghi rõ "HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ TÀI CHÍNH".

Trường hợp nhà thầu có sửa đổi, thay thế HSĐXKT, HSĐXTC thì hồ sơ sửa đổi, thay thế (bao gồm bản gốc và các bản chụp) phải được đựng trong các túi riêng biệt với túi đựng HSĐXKT và túi đựng HSĐXTC, bên ngoài phải ghi rõ “HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ KỸ THUẬT SỬA ĐỔI”, “HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ  KỸ THUẬT THAY THẾ”, “HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ TÀI CHÍNH SỬA ĐỔI”, “HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ TÀI CHÍNH THAY THẾ”.

Trường hợp nhà thầu có đề xuất phương án kỹ thuật thay thế thì toàn bộ phương án kỹ thuật thay thế, bao gồm cả đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính phải được đựng trong trong các túi riêng biệt với túi đựng HSĐXKT và túi đựng HSĐXTC, bên ngoài phải ghi rõ “ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN KỸ THUẬT THAY THẾ”.

Các túi đựng: HSĐXKT, HSĐXTC; HSĐXKT sửa đổi, HSĐXKT thay thế, HSĐXTC sửa đổi, HSĐXTC thay thế (nếu có); đề xuất phương án kỹ thuật thay thế (nếu có) phải được niêm phong. Cách niêm phong theo quy định riêng của nhà thầu.

21.2. Trên các túi đựng hồ sơ phải:

a) Ghi tên và địa chỉ của nhà thầu;

b) Ghi tên người nhận là tên Bên mời thầu theo địa chỉ quy định tại Mục 22.1 CDNT;

c) Ghi tên gói thầu theo quy định tại Mục 1.2 CDNT;

d) Ghi dòng chữ cảnh báo: “không được mở trước thời điểm mở HSĐXKT” theo quy định tại Mục 32.1 CDNT đối với túi đựng HSĐXKT và túi đựng HSĐXKT sửa đổi, HSĐXKT thay thế (nếu có);  “không được mở trước thời điểm mở HSĐXTC” đối với túi đựng HSĐXTC và túi đựng HSĐXTC sửa đổi, HSĐXTC thay thế (nếu có).

21.3. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về hậu quả hoặc sự bất lợi nếu không tuân theo quy định của HSMT này như không niêm phong hoặc làm mất niêm phong HSDT trong quá trình chuyển đến Bên mời thầu, không ghi đúng các thông tin trên túi đựng HSDT theo hướng dẫn quy định tại Mục 21.1 và Mục 21.2 CDNT. Bên mời thầu sẽ không chịu trách nhiệm về tính bảo mật thông tin của HSDT nếu nhà thầu không thực hiện đúng quy định nêu trên.

22. Thời điểm đóng thầu

22.1. Nhà thầu nộp trực tiếp hoặc gửi HSDT đến địa chỉ của Bên mời thầu nhưng phải bảo đảm Bên mời thầu nhận được trước thời điểm đóng thầu theo quy định tại BDL. Bên mời thầu tiếp nhận HSDT của tất cả các nhà thầu nộp HSDT trước thời điểm đóng thầu, kể cả trường hợp nhà thầu tham dự thầu chưa mua hoặc chưa nhận HSMT từ Bên mời thầu. Trường hợp chưa mua HSMT thì nhà thầu phải trả cho Bên mời thầu một khoản tiền bằng giá bán HSMT trước khi HSDT được tiếp nhận.

22.2. Bên mời thầu có thể gia hạn thời điểm đóng thầu bằng cách sửa đổi HSMT theo Mục 8 CDNT. Khi gia hạn thời điểm đóng thầu, mọi trách nhiệm của Bên mời thầu và nhà thầu theo thời điểm đóng thầu trước đó sẽ được thay đổi theo thời điểm đóng thầu mới được gia hạn.

23. HSDT nộp muộn

Bên mời thầu sẽ không xem xét bất kỳ HSDT nào được nộp sau thời điểm đóng thầu. Bất kỳ HSDT nào mà Bên mời thầu nhận được sau thời điểm đóng thầu sẽ bị tuyên bố là HSDT nộp muộn, bị loại và được trả lại nguyên trạng cho nhà thầu.

24. Rút, thay thế và sửa đổi HSDT 

24.1. Sau khi nộp HSDT, nhà thầu có thể sửa đổi, thay thế hoặc rút HSDT bằng cách gửi văn bản thông báo có chữ ký của người đại diện hợp pháp của nhà thầu, trường hợp ủy quyền thì phải gửi kèm giấy ủy quyền theo quy định tại Mục 20.3 CDNT. Hồ sơ sửa đổi hoặc thay thế HSDT phải được gửi kèm với văn bản thông báo việc sửa đổi, thay thế và phải bảo đảm các điều kiện sau:

a) Được nhà thầu chuẩn bị và nộp cho Bên mời thầu theo quy định tại Mục 20 và Mục 21 CDNT, trên túi đựng văn bản thông báo phải ghi rõ “SỬA ĐỔI HSĐXKT” hoặc “SỬA ĐỔI HSĐXTC” hoặc “THAY THẾ HSĐXKT” hoặc “THAY THẾ HSĐXTC” hoặc “RÚT HSDT”;

b) Được Bên mời thầu tiếp nhận trước thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22 CDNT.

24.2. HSDT mà nhà thầu yêu cầu rút lại theo quy định tại Mục 24.1 CDNT sẽ được trả lại nguyên trạng cho nhà thầu.

24.3. Nhà thầu không được sửa đổi, thay thế hoặc rút HSDT sau thời điểm đóng thầu cho đến khi hết hạn hiệu lực của HSDT mà nhà thầu đã ghi trong đơn dự thầu hoặc đến khi hết hạn hiệu lực đã gia hạn của HSDT.

25. Bảo mật

25.1. Thông tin liên quan đến việc đánh giá HSDT và đề nghị trao hợp đồng phải được giữ bí mật và không được phép tiết lộ cho các nhà thầu hay bất kỳ người nào không có liên quan chính thức đến quá trình lựa chọn nhà thầu cho đến khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong mọi trường hợp không được tiết lộ thông tin trong HSDT của nhà thầu này cho nhà thầu khác, trừ thông tin được công khai khi mở HSĐXKT, HSĐXTC.

25.2. Trừ trường hợp làm rõ HSDT theo quy định tại Mục 26 CDNT và thương thảo hợp đồng, nhà thầu không được phép tiếp xúc với Bên mời thầu về các vấn đề liên quan đến HSDT của mình và các vấn đề khác liên quan đến gói thầu trong suốt thời gian từ khi mở HSĐXKT cho đến khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.

26. Làm rõ HSDT

26.1. Sau khi mở HSĐXKT, HSĐXTC, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ HSĐXKT, HSĐXTC theo yêu cầu của Bên mời thầu. Tất cả các yêu cầu làm rõ của Bên mời thầu và phản hồi của nhà thầu phải được thực hiện bằng văn bản. Trường hợp HSĐXKT của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và  kinh nghiệm (trong đó bao gồm cả giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương, nếu HSMT có quy định) thì Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong HSĐXKT và HSĐXTC của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu, không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT đã nộp, không thay đổi giá dự thầu. Nhà thầu phải thông báo cho Bên mời thầu về việc đã nhận được văn bản yêu cầu làm rõ HSDT bằng một trong những cách sau: gửi văn bản trực tiếp, theo đường bưu điện, fax hoặc e-mail.

26.2. Việc làm rõ HSDT giữa nhà thầu và Bên mời thầu được thực hiện thông qua văn bản.

26.3. Trong khoảng thời gian theo quy định tại BDL, trường hợp nhà thầu phát hiện HSDT của mình thiếu các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm (trong đó bao gồm cả giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương, nếu HSMT có quy định) thì nhà thầu được phép gửi tài liệu đến Bên mời thầu để làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình. Bên mời thầu có trách nhiệm tiếp nhận những tài liệu làm rõ của nhà thầu để xem xét, đánh giá; các tài liệu làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm được coi như một phần của HSDT. Bên mời thầu phải thông báo bằng văn bản cho nhà thầu về việc đã nhận được các tài liệu làm rõ của nhà thầu bằng một trong những cách sau: gửi trực tiếp, theo đường bưu điện, fax hoặc e-mail.

26.4. Việc làm rõ HSDT chỉ được thực hiện giữa Bên mời thầu và nhà thầu có HSDT cần phải làm rõ. Nội dung làm rõ HSDT được Bên mời thầu bảo quản như một phần của HSDT. Đối với các nội dung làm rõ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm và yêu cầu về kỹ thuật, tài chính nếu quá thời hạn làm rõ mà nhà thầu không có văn bản làm rõ hoặc có văn bản làm rõ nhưng không đáp ứng được yêu cầu làm rõ của Bên mời thầu thì Bên mời thầu sẽ đánh giá HSDT của nhà thầu theo HSDT nộp trước thời điểm đóng thầu.

26.5. Trường hợp cần thiết, Bên mời thầu có thể gửi văn bản yêu cầu nhà thầu có khả năng trúng thầu đến làm việc trực tiếp với Bên mời thầu để làm rõ HSDT. Nội dung làm rõ HSDT phải được ghi cụ thể thành biên bản. Việc làm rõ HSDT trong trường hợp này phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch.

27. Các sai khác, đặt  điều kiện và bỏ sót nội dung

Các định nghĩa sau đây sẽ được áp dụng cho quá trình đánh giá HSDT:

27.1. “Sai khác” là các khác biệt so với yêu cầu nêu trong HSMT;

27.2. “Đặt điều kiện” là việc đặt ra các điều kiện có tính hạn chế hoặc thể hiện sự không chấp nhận hoàn toàn đối với các yêu cầu nêu trong HSMT;

27.3. “Bỏ sót nội dung” là việc nhà thầu không cung cấp được một phần hoặc toàn bộ thông tin hay tài liệu theo yêu cầu nêu trong HSMT.

28. Xác định tính đáp ứng của HSDT

28.1. Bên mời thầu sẽ xác định tính đáp ứng của HSDT dựa trên nội dung của HSDT theo quy định tại Mục 11 CDNT.

28.2. HSDT đáp ứng cơ bản là HSDT đáp ứng các yêu cầu nêu trong HSMT mà không có các sai khác, đặt điều kiện hoặc bỏ sót nội dung cơ bản. Sai khác, đặt điều kiện hoặc bỏ sót nội dung cơ bản nghĩa là những điểm trong HSDT mà:

a) nếu được chấp nhận thì sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến phạm vi, chất lượng hay tính năng sử dụng của hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan; gây hạn chế đáng kể và không thống nhất với HSMT đối với quyền hạn của Chủ đầu tư hoặc nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng;

b) nếu được sửa lại thì sẽ gây ảnh hưởng không công bằng đến vị thế cạnh tranh của nhà thầu khác có HSDT đáp ứng cơ bản yêu cầu của HSMT.

28.3. Bên mời thầu phải kiểm tra các khía cạnh kỹ thuật của HSDT theo quy định tại Mục 16 và Mục 17 CDNT nhằm khẳng định rằng tất cả các yêu cầu của Phần II - Yêu cầu về phạm  vi cung cấp đã được đáp ứng và HSDT không có những sai khác, đặt điều kiện hoặc bỏ sót các nội dung cơ bản.

28.4. Nếu HSDT không đáp ứng cơ bản các yêu cầu nêu trong HSMT thì HSDT đó sẽ bị loại; không được phép sửa đổi các sai khác, đặt điều kiện hoặc bỏ sót nội dung cơ bản trong HSDT đó nhằm làm cho nó trở thành đáp ứng cơ bản HSMT.

29. Sai sót không nghiêm trọng

29.1. Với điều kiện HSDT đáp ứng cơ bản yêu cầu nêu trong HSMT thì Bên mời thầu có thể chấp nhận các sai sót mà không phải là những sai khác, đặt điều kiện hay bỏ sót nội dung trong HSDT.

29.2. Với điều kiện HSDT đáp ứng cơ bản HSMT, Bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu cung cấp các thông tin hoặc tài liệu cần thiết trong một thời hạn hợp lý để sửa chữa những sai sót không nghiêm trọng trong HSDT liên quan đến các yêu cầu về tài liệu. Yêu cầu cung cấp các thông tin và các tài liệu để khắc phục các sai sót này không được liên quan đến bất kỳ khía cạnh nào của giá dự thầu. Nếu không đáp ứng yêu cầu nói trên của Bên mời thầu thì HSDT của nhà thầu có thể sẽ bị loại.

29.3. Với điều kiện HSDT đáp ứng cơ bản HSMT, Bên mời thầu sẽ điều chỉnh các sai sót không nghiêm trọng và có thể định lượng được liên quan đến giá dự thầu. Theo đó, giá dự thầu sẽ được điều chỉnh để phản ánh chi phí cho các hạng mục bị thiếu hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; việc điều chỉnh này chỉ hoàn toàn nhằm mục đích so sánh các HSDT.

30. Nhà thầu phụ

30.1. Nhà thầu chính được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ kê khai theo Mẫu số 15 (a) Chương IV - Biểu mẫu dự thầu. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các trách nhiệm của nhà thầu chính. Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện. Năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ sẽ không được xem xét khi đánh giá HSDT của nhà thầu chính (trừ trường hợp HSMT quy định được phép sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt). Bản thân nhà thầu chính phải đáp ứng các tiêu chí năng lực (không xét đến năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ).

Trường hợp trong HSDT, nếu nhà thầu chính không đề xuất sử dụng nhà thầu phụ cho một công việc cụ thể hoặc không dự kiến các công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ thì được hiểu là nhà thầu chính có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các công việc thuộc gói thầu. Trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phát hiện việc sử dụng nhà thầu phụ thì nhà thầu chính sẽ được coi là vi phạm hành vi “chuyển nhượng thầu”  theo quy định tại Mục 3 CDNT.

30.2. Nhà thầu chính không được sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong HSDT; việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong HSDT chỉ được thực hiện khi có lý do xác đáng, hợp lý và được Chủ đầu tư chấp thuận; trường hợp sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ, ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong HSDT mà chưa được Chủ đầu tư chấp thuận được coi là hành vi “chuyển nhượng thầu”.

30.3. Chủ đầu tư có thể cho phép nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt theo quy định tại BDL. Trong trường hợp này, nhà thầu chính phải kê khai danh sách nhà thầu phụ đặc biệt theo Mẫu số 15 (b) Chương IV - Biểu mẫu dự thầu và kê khai về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt. Bên mời thầu sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt theo tiêu chuẩn đánh giá quy định tại Mục 2.3 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT. Trường hợp nhà thầu phụ đặc biệt không đáp ứng yêu cầu của HSMT và nhà thầu chính có năng lực, kinh nghiệm không đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc đã dành cho nhà thầu phụ đặc biệt thì HSDT của nhà thầu được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu của HSMT.

31. Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu

31.1. Nguyên tắc ưu đãi:

Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên.

31.2. Việc tính ưu đãi được thực hiện trong quá trình đánh giá HSDT để so sánh, xếp hạng HSDT:

Hàng hóa chỉ được hưởng ưu đãi khi nhà thầu chứng minh được hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên trong giá hàng hóa. Tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước của hàng hóa được tính theo công thức sau đây:

D (%) = G*/G (%)

Trong đó:

- G*: Là chi phí sản xuất trong nước được tính bằng giá chào của hàng hóa trong HSDT trừ đi giá trị thuế và các chi phí nhập ngoại bao gồm cả phí, lệ phí (nếu có);

- G: Là giá chào của hàng hóa trong HSDT trừ đi giá trị thuế;

- D: Là tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước của hàng hóa. D ≥ 25% thì hàng hóa đó được hưởng ưu đãi theo quy định tại Mục này.

31.3. Cách tính ưu đãi được thực hiện theo quy định tại BDL.

31.4. Trường hợp hàng hóa do các nhà thầu chào đều không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi thì không không tiến hành đánh giá và xác định giá trị ưu đãi.

32. Mở HSĐXKT

32.1. Ngoại trừ các trường hợp quy định tại Mục 23 và Mục 24 CDNT, Bên mời thầu phải mở công khai và đọc to, rõ các thông tin theo quy định tại Mục 32.3 CDNT của tất cả HSĐXKT thuộc HSDT đã nhận được trước thời điểm đóng thầu. Việc mở HSĐXKT phải được tiến hành công khai theo thời gian và địa điểm quy định tại BDL trước sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu tham dự lễ mở HSĐXKT và đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Việc mở HSĐXKT không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của đại diện nhà thầu tham dự thầu.

32.2. Trường hợp nhà thầu có đề nghị rút hoặc thay thế HSDT thì trước tiên Bên mời thầu sẽ mở và đọc to, rõ thông tin trong túi đựng văn bản thông báo bên ngoài có ghi chữ “RÚT HSDT”, túi đựng HSDT của nhà thầu có đề nghị rút HSDT sẽ được giữ nguyên niêm phong và trả lại nguyên trạng cho nhà thầu. Bên mời thầu sẽ không chấp nhận cho nhà thầu rút HSDT và vẫn mở HSĐXKT tương ứng nếu văn bản thông báo “RÚT HSDT” không kèm theo tài liệu chứng minh người ký văn bản đó là đại diện hợp pháp của nhà thầu.

Tiếp theo, Bên mời thầu sẽ mở và đọc to, rõ thông tin trong túi đựng văn bản thông báo bên ngoài có ghi chữ “THAY THẾ HSĐXKT”; HSĐXKT sẽ được thay bằng HSĐXKT thay thế tương ứng; túi đựng HSĐXKT ban đầu sẽ được giữ nguyên niêm phong và được trả lại nguyên trạng cho nhà thầu. HSĐXKT sẽ không được thay thế nếu văn bản thông báo thay thế HSĐXKT không kèm theo tài liệu chứng minh người ký văn bản đó là đại diện hợp pháp của nhà thầu.

Đối với các túi đựng văn bản thông báo “SỬA ĐỔI HSĐXKT” thì văn bản thông báo gửi kèm sẽ được mở và đọc to, rõ cùng với các HSĐXKT sửa đổi tương ứng. Bên mời thầu sẽ không chấp nhận cho nhà thầu sửa đổi HSĐXKT nếu văn bản thông báo sửa đổi HSĐXKT không kèm theo tài liệu chứng minh người ký văn bản đó là đại diện hợp pháp của nhà thầu. Chỉ có các HSĐXKT được mở và đọc tại buổi mở HSĐXKT mới được tiếp tục xem xét và đánh giá.

32.3. Việc mở HSĐXKT được thực hiện đối với từng HSĐXKT hoặc HSĐXKT thay thế (nếu có) theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu và theo trình tự sau đây:

a) Kiểm tra niêm phong sau đó mở các túi hồ sơ bên ngoài đề "HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ KỸ THUẬT", “HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ KỸ THUẬT SỬA ĐỔI” (nếu có) hoặc “HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ  KỸ THUẬT THAY THẾ” (nếu có);

b) Mở bản gốc HSĐXKT, HSĐXKT sửa đổi (nếu có) hoặc HSĐXKT thay thế (nếu có) và đọc to, rõ tối thiểu những thông tin sau: tên nhà thầu, thời gian có hiệu lực của HSĐXKT, thời gian thực hiện hợp đồng ghi trong đơn dự thầu thuộc HSĐXKT, giá trị của bảo đảm dự thầu, thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu và các thông tin khác mà Bên mời thầu thấy cần thiết;

c) Đọc to, rõ số lượng bản chụp HSĐXKT và các thông tin có liên quan khác, bao gồm cả thông tin liên quan đến đề xuất phương án kỹ thuật thay thế của nhà thầu (nếu có);

d) Đại diện của Bên mời thầu tham dự lễ mở thầu phải ký xác nhận vào bản gốc đơn dự thầu thuộc HSĐXKT, giấy uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu (nếu có); thoả thuận liên danh (nếu có); bảo đảm dự thầu. Bên mời thầu không được loại bỏ bất kỳ HSDT nào khi mở thầu, trừ các HSDT nộp muộn theo quy định tại Mục 23 CDNT;

đ) Bên mời thầu và các nhà thầu tham dự mở HSĐXKT thống nhất cách niêm phong túi hồ sơ bên ngoài đề "HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ TÀI CHÍNH", “HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ TÀI CHÍNH SỬA ĐỔI”, “HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ TÀI CHÍNH THAY THẾ”; cách niêm phong do Bên mời thầu và các nhà thầu thống nhất. Sau khi niêm phong, Bên mời thầu có trách nhiệm bảo quản các túi hồ sơ nêu trên theo chế độ quản lý hồ sơ mật cho đến khi mở HSĐXTC theo quy định tại Mục 34 CDNT.

32.4. Bên mời thầu phải lập biên bản mở HSĐXKT trong đó bao gồm các thông tin quy định tại Mục 32.3 CDNT. Biên bản mở HSĐXKT phải được ký xác nhận bởi đại diện của Bên mời thầu và các nhà thầu tham dự lễ mở HSĐXKT. Việc thiếu chữ ký của nhà thầu trong biên bản sẽ không làm cho biên bản mất ý nghĩa và mất hiệu lực. Biên bản mở HSĐXKT sẽ được gửi đến tất cả các nhà thầu tham dự thầu.

33. Đánh giá HSĐXKT

33.1. Bên mời thầu sẽ áp dụng các tiêu chí đánh giá liệt kê trong Mục này và phương pháp đánh giá theo quy định tại BDL để đánh giá các HSĐXKT. Không được phép sử dụng bất kỳ tiêu chí hay phương pháp đánh giá nào khác.

33.2. Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của HSĐXKT:

a) Việc kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của HSĐXKT được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

b) Nhà thầu có HSĐXKT hợp lệ được xem xét, đánh giá tiếp về năng lực và kinh nghiệm.

33.3. Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:

a) Việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm được thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định tại Mục 2 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

b) Nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu được xem xét, đánh giá tiếp về kỹ thuật.

33.4. Đánh giá về kỹ thuật:

a) Việc đánh giá về kỹ thuật được thực hiện theo tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá quy định tại Mục 3 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

b) Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật được tiếp tục xem xét, đánh giá HSĐXTC theo quy định tại Mục 4 và Mục 5 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

33.5. Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần độc lập và cho phép dự thầu theo từng phần theo quy định tại Mục 14.5 CDNT thì việc đánh giá HSĐXKT thực hiện theo quy định tại Mục 7 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT tương ứng với phần tham dự thầu của nhà thầu.

33.6. Danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được phê duyệt bằng văn bản. Bên mời thầu sẽ thông báo danh sách các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đến tất cả các nhà thầu tham dự thầu, trong đó mời các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đến mở HSĐXTC, kèm theo thời gian, địa điểm mở HSĐXTC.

34. Mở HSĐXTC

34.1. Việc mở HSĐXTC được tiến hành công khai theo thời gian và tại địa điểm nêu trong văn bản thông báo danh sách các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, trước sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu tham dự lễ mở HSĐXTC và đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Việc mở HSĐXTC không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của đại diện nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

34.2. Tại lễ mở HSĐXTC, Bên mời thầu công khai văn bản phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, sau đó tiến hành kiểm tra niêm phong của túi hồ sơ bên ngoài đề "HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ TÀI CHÍNH", “HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ TÀI CHÍNH SỬA ĐỔI” hoặc “HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ TÀI CHÍNH THAY THẾ”.

34.3. Trường hợp nhà thầu có đề nghị thay thế HSĐXTC, Bên mời thầu sẽ mở và đọc to, rõ thông tin của túi đựng văn bản thông báo bên ngoài có ghi chữ “THAY THẾ HSĐXTC”; HSĐXTC sẽ được thay bằng HSĐXTC thay thế tương ứng; túi đựng HSĐXTC ban đầu sẽ được giữ nguyên niêm phong và được trả lại nguyên trạng cho nhà thầu. HSĐXTC sẽ không được thay thế nếu văn bản thông báo thay thế HSĐXTC không kèm theo tài liệu chứng minh người ký văn bản đó là đại diện hợp pháp của nhà thầu.

Đối với các túi đựng văn bản thông báo “SỬA ĐỔI HSĐXTC” thì văn bản thông báo gửi kèm sẽ được mở và đọc to, rõ cùng với các HSĐXTC sửa đổi tương ứng. Bên mời thầu sẽ không chấp nhận cho nhà thầu sửa đổi HSĐXTC nếu văn bản thông báo sửa đổi HSĐXTC không kèm theo tài liệu chứng minh người ký văn bản đó là đại diện hợp pháp của nhà thầu. Chỉ có các HSĐXTC được mở và đọc tại buổi mở HSĐXTC mới được tiếp tục xem xét và đánh giá.

34.4. Việc mở HSĐXTC được thực hiện đối với từng HSĐXTC theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu có tên trong danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và theo trình tự sau đây:

a) Mở bản gốc HSĐXTC, HSĐXTC sửa đổi (nếu có) hoặc HSĐXTC thay thế (nếu có) và đọc to, rõ tối thiểu những thông tin sau: tên nhà thầu, thời gian có hiệu lực của HSĐXTC, giá dự thầu trong đơn dự thầu thuộc HSĐXTC, giá dự thầu ghi trong bảng tổng hợp giá dự thầu, giá trị giảm giá (nếu có), thời gian có hiệu lực của HSĐXTC và các thông tin khác mà Bên mời thầu thấy cần thiết. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập thì còn phải đọc giá dự thầu và giá trị giảm giá (nếu có) cho từng phần. Chỉ những thông tin về đề nghị giảm giá được đọc trong lễ mở HSĐXTC mới được xem xét và đánh giá;

b) Đọc to, rõ số lượng bản chụp HSĐXTC và các thông tin có liên quan khác;

c) Đại diện của Bên mời thầu phải ký xác nhận vào bản gốc HSĐXTC, thư giảm giá (nếu có). Bên mời thầu không được loại bỏ bất kỳ HSĐXTC nào của các nhà thầu có tên trong danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật khi mở HSĐXTC.

34.5. Bên mời thầu phải lập biên bản mở HSĐXTC trong đó bao gồm các thông tin quy định tại các Mục 34.2, 34.3 và 34.4 CDNT. Biên bản mở HSĐXTC phải được ký xác nhận bởi đại diện của Bên mời thầu và các nhà thầu tham dự lễ mở HSĐXTC. Việc thiếu chữ ký nhà thầu trong biên bản sẽ không làm cho biên bản mất ý nghĩa và mất hiệu lực. Biên bản mở HSĐXTC sẽ được gửi đến tất cả các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

35. Đánh giá HSĐXTC và xếp hạng nhà thầu

35.1. Bên mời thầu sẽ áp dụng các tiêu chí đánh giá liệt kê trong Mục này và phương pháp đánh giá theo quy định tại BDL để đánh giá các HSĐXTC. Không được phép sử dụng bất kỳ tiêu chí hay phương pháp đánh giá nào khác.

35.2. Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của HSĐXTC:

a) Việc kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của HSĐXTC được thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

b) Nhà thầu có HSĐXTC hợp lệ được xem xét, đánh giá chi tiết HSĐXTC và xếp hạng nhà thầu.

35.3. Đánh giá chi tiết HSĐXTC và xếp hạng nhà thầu:

a) Việc đánh giá chi tiết HSĐXTC thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

b) Sau khi đánh giá chi tiết HSĐXTC, Bên mời thầu lập danh sách xếp hạng nhà thầu trình Chủ đầu tư phê duyệt. Nhà thầu xếp hạng thứ nhất được mời vào thương thảo hợp đồng. Việc xếp hạng nhà thầu thực hiện theo quy định tại BDL.

35.4. Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần độc lập và cho phép dự thầu theo từng phần theo quy định tại Mục 14.5 CDNT thì việc đánh giá HSĐXTC thực hiện theo quy định tại Mục 7 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT tương ứng với phần tham dự thầu của nhà thầu.

36. Thương thảo hợp đồng

36.1. Căn cứ quyết định phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu, Bên mời thầu mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất đến thương thảo hợp đồng. Việc thương thảo hợp đồng phải dựa trên cơ sở sau đây:

a) Báo cáo đánh giá HSDT;

b) HSDT và các tài liệu làm rõ HSDT (nếu có) của nhà thầu;

c) HSMT.

36.2. Nguyên tắc thương thảo hợp đồng:

a) Không tiến hành thương thảo đối với các nội dung nhà thầu đã chào thầu theo đúng yêu cầu của HSMT;

b) Việc thương thảo hợp đồng không được làm thay đổi đơn giá dự thầu của nhà thầu sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá (nếu có). Trong quá trình đánh giá HSDT và thương thảo hợp đồng, nếu phát hiện hạng mục công việc, khối lượng mời thầu nêu trong Chương V - Phạm vi cung cấp thiếu so với hồ sơ thiết kế thì Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu bổ sung khối lượng công việc thiếu đó trên cơ sở đơn giá đã chào; trường hợp trong HSĐXTC chưa có đơn giá thì Bên mời thầu báo cáo Chủ đầu tư xem xét, quyết định việc áp đơn giá nêu trong dự toán đã phê duyệt đối với khối lượng công việc thiếu so với hồ sơ thiết kế hoặc đơn giá của nhà thầu khác đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật nếu đơn giá này thấp hơn đơn giá đã phê duyệt trong dự toán gói thầu;

c) Khi thương thảo hợp đồng đối với phần sai lệch thiếu, trường hợp trong HSĐXTC của nhà thầu không có đơn giá tương ứng với phần sai lệch thì phải lấy mức đơn giá dự thầu thấp nhất trong số các HSĐXTC của nhà thầu khác đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật hoặc lấy mức đơn giá trong dự toán được duyệt nếu chỉ có duy nhất nhà thầu này vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật để làm cơ sở thương thảo đối với sai lệch thiếu đó; trường hợp không có dự toán gói thầu thì căn cứ vào đơn giá hình thành giá gói thầu làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch.

36.3. Nội dung thương thảo hợp đồng:

a) Thương thảo về những nội dung chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc chưa phù hợp, thống nhất giữa HSMT và HSĐXKT, HSĐXTC; giữa các nội dung khác nhau trong HSĐXKT, HSĐXTC có thể dẫn đến các phát sinh, tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng;

b) Thương thảo về các sai lệch do nhà thầu đã phát hiện và đề xuất trong HSĐXTC (nếu có), bao gồm cả các đề xuất thay đổi hoặc phương án kỹ thuật thay thế của nhà thầu nếu trong HSMT có quy định cho phép nhà thầu chào phương án kỹ thuật thay thế;

c) Thương thảo về các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu (nếu có) nhằm mục tiêu hoàn thiện các nội dung chi tiết của gói thầu;

d) Thương thảo về các sai sót không nghiêm trọng quy định tại Mục 29 CDNT;

đ) Thương thảo về các nội dung cần thiết khác.

36.4. Trong quá trình thương thảo hợp đồng, các bên tham gia thương thảo tiến hành hoàn thiện dự thảo văn bản hợp đồng; điều kiện cụ thể của hợp đồng, phụ lục hợp đồng gồm danh mục chi tiết về phạm vi cung cấp, bảng giá, tiến độ cung cấp.

36.5. Trường hợp thương thảo không thành công, Bên mời thầu báo cáo Chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo; trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công thì Bên mời thầu báo cáo Chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu theo quy định tại điểm a Mục 41.1 CDNT.

37. Điều kiện xét duyệt trúng thầu

Nhà thầu được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

37.1. Có HSDT hợp lệ;

37.2. Có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Mục 2 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

37.3. Có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Mục 3 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT;

37.4. Có sai lệch thiếu không quá 10% giá dự thầu;

37.5. Đáp ứng điều kiện theo quy định tại BDL;

37.6. Có giá đề nghị trúng thầu (đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)) không vượt giá gói thầu được phê duyệt. Trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu.

38. Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu

38.1. Trong thời hạn quy định tại BDL, Bên mời thầu phải gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự thầu theo đường bưu điện, fax và đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc Báo Đấu thầu theo quy định. Trong văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu phải bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên gói thầu, số hiệu gói thầu;

b) Tên nhà thầu trúng thầu;

c) Địa chỉ giao dịch hiện tại của nhà thầu trúng thầu;

d) Giá trúng thầu;

đ) Loại hợp đồng;

e) Thời gian thực hiện hợp đồng;

g) Danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu.

38.2. Trường hợp hủy thầu theo quy định tại điểm a Mục 41.1 CDNT, trong văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do hủy thầu.

38.3. Sau khi thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Mục 38.1 CDNT, nếu nhà thầu không được lựa chọn có văn bản hỏi về lý do không được lựa chọn thì trong thời gian tối đa 5 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu Bên mời thầu phải có văn bản trả lời gửi cho nhà thầu.

39. Thay đổi khối lượng hàng hóa và dịch vụ

Vào thời điểm trao hợp đồng, Bên mời thầu có quyền tăng hoặc giảm khối lượng hàng hóa và dịch vụ nêu trong Chương V - Phạm vi cung cấp với điều kiện sự thay đổi đó không vượt quá tỷ lệ quy định tại BDL và không có bất kỳ thay đổi nào về đơn giá hay các điều kiện, điều khoản khác của HSDT và HSMT.

40. Thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng

Đồng thời với văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, Bên mời thầu gửi thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng, bao gồm cả yêu cầu về biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, thời gian hoàn thiện, ký kết hợp đồng theo quy định tại Mẫu số 19 Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng cho nhà thầu trúng thầu với điều kiện nhà thầu đã được xác minh là đủ năng lực để thực hiện tốt hợp đồng. Thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng là một phần của hồ sơ hợp đồng. Trường hợp nhà thầu trúng thầu không đến hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc không nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo thời hạn nêu trong thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng thì nhà thầu sẽ bị loại và không được nhận lại bảo đảm dự thầu theo quy định tại điểm đ Mục 19.5 CDNT.

41. Hủy thầu

41.1. Bên mời thầu sẽ thông báo hủy thầu trong trường hợp sau đây:

a) Tất cả HSDT không đáp ứng được các yêu cầu của HSMT;

b) Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong HSMT;

c) HSMT không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án;

d) Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

41.2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại điểm c và điểm d Mục 41.1 CDNT phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

41.3. Trường hợp hủy thầu theo quy định tại Mục 41.1 CDNT, trong thời hạn 5 ngày làm việc Bên mời thầu phải hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho các nhà thầu dự thầu, trừ trường hợp nhà thầu vi phạm quy định tại điểm d Mục 41.1 CDNT.

42. Điều kiện ký kết hợp đồng 

42.1. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, HSDT của nhà thầu được lựa chọn còn hiệu lực.

42.2. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhà thầu được lựa chọn phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện gói thầu. Trường hợp thực tế nhà thầu không còn đáp ứng cơ bản yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo quy định nêu trong HSMT thì Chủ đầu tư sẽ từ chối ký kết hợp đồng với nhà thầu. Khi đó, Chủ đầu tư sẽ hủy quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng trước đó và mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng.

42.3. Chủ đầu tư phải bảo đảm các điều kiện về vốn tạm ứng, vốn thanh toán và các điều kiện cần thiết khác để triển khai thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ.

43. Bảo đảm thực hiện hợp đồng

43.1. Trước khi hợp đồng có hiệu lực, nhà thầu trúng thầu phải cung cấp một bảo đảm thực hiện hợp đồng theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành hoặc đặt cọc bằng Séc với nội dung và yêu cầu như quy định tại Mục 6 ĐKCT. Trường hợp nhà thầu sử dụng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng thì phải sử dụng Mẫu số 21 Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng hoặc một mẫu khác được Chủ đầu tư chấp thuận.

43.2. Nhà thầu không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng trong trường hợp sau đây:

a) Từ chối thực hiện hợp đồng khi hợp đồng có hiệu lực;

b) Vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Thực hiện hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của mình nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

44. Giải quyết kiến nghị trong đấu thầu

Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền gửi đơn kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đến Chủ đầu tư, Người có thẩm quyền, Hội đồng tư vấn theo địa chỉ quy định tại BDL. Việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương XII Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 và Mục 2 Chương XII Nghị định số 63/2014/NĐ-CP .

45. Theo dõi, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu

Khi phát hiện hành vi, nội dung không phù hợp quy định của pháp luật đấu thầu, nhà thầu có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát theo quy định tại BDL.

 

Chương II. BẢNG DỮ LIỆU ĐẤU THẦU

CDNT 1.1

Tên Bên mời thầu:___[ghi tên đầy đủ của Bên mời thầu].

CDNT 1.2

Tên gói thầu:___[ghi tên đầy đủ của gói thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt].

Tên dự án:____[ghi tên dự án theo Quyết định đầu tư được duyệt].

Số lượng và số hiệu các phần thuộc gói thầu:___[ghi số lượng các phần và số hiệu của từng phần (nếu gói thầu chia thành nhiều phần)].

CDNT 1.3

Thời gian thực hiện hợp đồng:___[ghi thời gian cụ thể theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt].

CDNT 2

Nguồn vốn (hoặc phương thức thu xếp vốn):___ [ghi rõ nguồn vốn hoặc phương thức thu xếp vốn để thanh toán cho nhà thầu; trường hợp sử dụng vốn ODA thì phải nêu rõ tên nhà tài trợ và cơ cấu nguồn vốn (ngoài nước, trong nước)].

CDNT 4.4

 Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định như sau:

- Nhà thầu tham dự thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% với:___[ghi đầy đủ tên và địa chỉ Chủ đầu tư, Bên mời thầu], trừ trường hợp Chủ đầu tư, Bên mời thầu, nhà thầu tham dự thầu thuộc cùng một tập đoàn kinh tế nhà nước và sản phẩm thuộc gói thầu là đầu vào của Chủ đầu tư, Bên mời thầu, là đầu ra của nhà thầu tham dự thầu, đồng thời là ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của tập đoàn.

- Nhà thầu tham dự thầu không có cổ phần hoặc vốn góp với các nhà thầu tư vấn; không cùng có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên. Cụ thể như sau:

+ Tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán:___[ghi đầy đủ tên và địa chỉ của đơn vị tư vấn (nếu có)];

+ Tư vấn lập, thẩm định HSMT:___[ghi đầy đủ tên và địa chỉ của đơn vị tư vấn (nếu có)];

+ Tư vấn đánh giá HSDT; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu:___[ghi đầy đủ tên và địa chỉ của đơn vị tư vấn (nếu có)].

Nhà thầu tham dự thầu không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý với[18]:___[ghi đầy đủ tên và địa chỉ Chủ đầu tư, Bên mời thầu];

Nhà thầu tham dự thầu có tên trong danh sách ngắn và không có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% với các nhà thầu sau đây[19]:___[ghi cụ thể tên và địa chỉ các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn].

CDNT 4.6

Nhà thầu tham dự thầu phải có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia:___[trong thời gian Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa ban hành văn bản hướng dẫn thì ghi “không áp dụng”. Sau khi quy định có liên quan đến nội dung này nêu trong văn bản hướng dẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành có hiệu lực thi hành thì ghi “có áp dụng”].

CDNT 4.7[20]

Đối với nhà thầu nước ngoài:____[trường hợp Bên mời thầu xác định được những nội dung công việc thuộc gói thầu mà nhà thầu trong nước có khả năng thực hiện thì ghi: “Khi tham dự thầu, nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước. Trường hợp sử dụng thầu phụ, trong HSDT nhà thầu có thể đề xuất các phần công việc dự kiến sẽ dành cho nhà thầu phụ Việt Nam mà chưa cần kê khai cụ thể tên nhà thầu phụ[21]; nhà thầu phải nộp bản cam kết kèm theo HSDT với nội dung nếu được trúng thầu thì sẽ sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện phần công việc đã đề xuất trong HSDT”. Trường hợp Bên mời thầu xác định nhà thầu trong nước không có khả năng thực hiện bất kỳ một phần công việc nào của gói thầu thì xóa bỏ quy định này].

CDNT 5.3

Tài liệu chứng minh về tính hợp lệ của hàng hóa: ____[nêu yêu cầu về tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa, ví dụ Giấy chứng nhận xuất xứ (CO),Giấy chứng nhận chất lượng (CQ)…].

CDNT 7.1

Bên mời thầu phải nhận được yêu cầu giải thích làm rõ HSMT không muộn hơn 3 ngày làm việc[22] trước ngày có thời điểm đóng thầu.

CDNT 8.3

Tài liệu sửa đổi HSMT sẽ được Bên mời thầu gửi đến tất cả các nhà thầu đã nhận HSMT từ Bên mời thầu trước ngày có thời điểm đóng thầu tối thiểu ____ngày [ghi số ngày cụ thể, nhưng phải bảo đảm đủ thời gian để nhà thầu hoàn chỉnh HSDT và tối thiểu là 10 ngày[23]].

Trường hợp thời gian gửi văn bản sửa đổi HSMT không đáp ứng theo quy định thì Bên mời thầu thực hiện gia hạn thời điểm đóng thầu tương ứng.

CDNT 10

HSDT cũng như tất cả các thư từ và tài liệu liên quan đến HSDT trao đổi giữa nhà thầu với Bên mời thầu được viết bằng tiếng Việt. Các tài liệu và tư liệu bổ trợ trong HSDT có thể được viết bằng ngôn ngữ khác đồng thời kèm theo bản dịch sang tiếng Việt. Trường hợp thiếu bản dịch, nếu cần thiết, Bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu gửi bổ sung[24].

CDNT 11.4

Nhà thầu phải nộp cùng với HSDT các tài liệu sau đây:___[ghi tên các tài liệu cần thiết khác mà nhà thầu cần nộp cùng với HSDT theo yêu cầu trên cơ sở phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu và không làm hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu. Nếu không có yêu cầu thì phải ghi rõ là “không yêu cầu”].

CDNT 13.1

Nhà thầu__[ghi “được phép” hoặc “không được phép”] nộp đề xuất phương án kỹ thuật thay thế. 

CDNT 14.2

 Trong bảng giá, nhà thầu phải chào giá theo các yêu cầu sau:___[căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà quy định cụ thể nội dung này, bảo đảm thuận tiện cho việc đánh giá, so sánh và xếp hạng HSDT. Theo đó, đối với các hàng hóa được sản xuất, gia công trong nước hoặc hàng hóa được sản xuất, gia công ở ngoài nước nhưng đã được chào bán tại Việt Nam cần yêu cầu nhà thầu chào giá của hàng hóa tại Việt Nam (giá xuất xưởng, giá tại cổng nhà máy, giá xuất kho, giá tại phòng trưng bày, giá cho hàng có sẵn tại cửa hàng hay giá được vận chuyển đến chân công trình, tùy theo trường hợp cụ thể) và trong giá của hàng hóa đã bao gồm đầy đủ các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) theo Mẫu số 17 (a) Chương IV - Biểu mẫu dự thầu [25].

Nếu hàng hóa có dịch vụ liên quan kèm theo thì nhà thầu chào các chi phí cho các dịch vụ liên quan để thực hiện gói thầu và đã bao gồm đầy đủ các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) theo Mẫu số 17 (b) Chương IV - Biểu mẫu dự thầu].

CDNT 14.5

Các phần của gói thầu:____[trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần độc lập thì nêu rõ danh mục, nội dung công việc của từng phần và điều kiện dự thầu theo từng phần hoặc nhiều phần. Trong Mục này cũng quy định rõ cách chào giá riêng cho từng phần hoặc nhiều phần, giá trị bảo đảm dự thầu cho từng phần hoặc nhiều phần của gói thầu].

CDNT 15[26]

Đồng tiền dự thầu và đồng tiền thanh toán là VND.

CDNT 16.3

Thời hạn sử dụng dự kiến của hàng hóa (để yêu cầu phụ tùng thay thế, dụng cụ chuyên dùng…):____[ghi thời hạn].

CDNT 17.2

Các tài liệu để chứng minh năng lực thực hiện hợp đồng nếu được công nhận trúng thầu bao gồm: _____[đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế…, trong HSMT có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

Trường hợp, trong HSDT, nhà thầu không đóng kèm giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm làm rõ, bổ sung trong quá trình đánh giá HSDT. Nhà thầu chỉ được trao hợp đồng sau khi đã đệ trình cho Chủ đầu tư giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

Trường hợp gói thầu có yêu cầu dịch vụ sau bán hàng thì Bên mời thầu có thể yêu cầu, nhà thầu phải có một đại lý (hoặc đại diện) có khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của nhà thầu như bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác được quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp].

CDNT 18.1

Thời hạn hiệu lực của HSDT (HSĐXKT và HSĐXTC) là: ≥ ____ngày [ghi cụ thể số ngày nhưng tối đa là 180 ngày], kể từ ngày có thời điểm đóng thầu.

CDNT 19.2

Nội dung bảo đảm dự thầu:

- Giá trị và đồng tiền bảo đảm dự thầu: ____[ghi cụ thể giá trị và đồng tiền bảo đảm dự thầu. Căn cứ yêu cầu của gói thầu mà quy định giá trị bảo đảm dự thầu từ 1% đến 3% giá gói thầu. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập, cần quy định rõ giá trị bảo đảm dự thầu cho từng phần theo quy định tại Mục 14.5 BDL];

- Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu: ≥_____ ngày [ghi rõ số ngày yêu cầu, được xác định bằng thời gian có hiệu lực của HSDT quy định tại Mục 18.1 CDNT cộng thêm 30 ngày], kể từ ngày có thời điểm đóng thầu.

CDNT 19.4

Nhà thầu không được lựa chọn sẽ được hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu trong thời hạn tối đa ___ngày [ghi rõ số ngày, nhưng không quá 20 ngày], kể từ ngày thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu.

CDNT 20.1

Số lượng bản chụp HSĐXKT, HSĐXTC là: ___[ghi số lượng bản chụp cần thiết]. Trường hợp sửa đổi, thay thế HSĐXKT, HSĐXTC hoặc đề xuất phương án kỹ thuật thay thế thì nhà thầu phải nộp các bản chụp hồ sơ sửa đổi, thay thế, phương án kỹ thuật thay thế với số lượng bằng số lượng bản chụp HSĐXKT, HSĐXTC.

CDNT 22.1

Địa chỉ của Bên mời thầu (sử dụng để nộp HSDT): [ghi tất cả các thông tin cần thiết và thích hợp].

Nơi nhận: [ghi tên Bên mời thầu].

- Số nhà/số tầng/số phòng:

- Tên đường, phố:

- Thành phố:

- Mã bưu điện:

- Quốc gia:

Thời điểm đóng thầu là: __ giờ __ phút, ngày __ tháng __ năm___.

[ghi thời điểm đóng thầu căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu cho phù hợp, bảo đảm quy định thời gian từ ngày đầu tiên phát hành HSMT đến thời điểm đóng thầu tối thiểu là 20 ngày và không ghi thời điểm đóng thầu vào đầu giờ làm việc của một ngày để không làm hạn chế nhà thầu nộp HSDT].

CDNT 26.3

Thời gian nhà thầu được tự gửi tài liệu để làm rõ đến Bên mời thầu là: ___ ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu [căn cứ vào thời gian đánh giá, tiến độ của dự án, gói thầu mà Bên mời thầu quy định thời gian nhà thầu được tự gửi tài liệu làm rõ cho phù hợp để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu].

CDNT 30.3

Nhà thầu phụ đặc biệt: ____ [tùy theo quy mô, tích chất gói thầu mà Bên mời thầu ghi “được sử dụng” hoặc “không được sử dụng”. Trường hợp cho phép sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt thì Bên mời thầu phải liệt kê các công việc chuyên ngành cụ thể có thể dành cho nhà thầu phụ đặc biệt].

CDNT 31.3

Cách tính ưu đãi:_____[trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất thì quy định hàng hóa không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa đó vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của nhà thầu để so sánh, xếp hạng.

Trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá thì quy định hàng hóa không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa đó vào giá đánh giá của nhà thầu để so sánh, xếp hạng.

Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, hàng hóa thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được cộng điểm ưu đãi vào điểm tổng hợp theo công thức sau đây:

Điểm ưu đãi = 0,075 × (giá hàng hóa ưu đãi /giá gói thầu) × điểm tổng hợp. Trong đó: Giá hàng hóa ưu đãi là giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi].

CDNT 32.1

Việc mở HSĐXKT sẽ được tiến hành công khai vào lúc:__giờ __ phút, __ ngày __ tháng __ năm__, tại địa điểm mở thầu theo địa chỉ như sau:

- Số nhà/số tầng/số phòng:

- Tên đường, phố:

- Thành phố:

[ghi ngày, giờ và địa điểm tiến hành việc mở HSĐXKT, trong đó cần lưu ý quy định thời điểm mở HSĐXKT trong vòng 1 giờ kể từ thời điểm đóng thầu].

CDNT 33.1

Phương pháp đánh giá HSĐXKT là:

a) Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm: sử dụng tiêu chí đạt/không đạt;

b) Đánh giá về kỹ thuật: ____[ghi cụ thể phương pháp đánh giá về kỹ thuật. Bên mời thầu căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà áp dụng phương pháp đánh giá theo tiêu chí đạt/không đạt hoặc phương pháp chấm điểm cho phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá quy định tại Mục 3 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT].

CDNT 35.1

Phương pháp đánh giá về tài chính: ____[ghi cụ thể phương pháp đánh giá về tài chính. Bên mời thầu căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà áp dụng phương pháp giá thấp nhất hoặc phương pháp giá đánh giá hoặc phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá cho phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá quy định tại Mục 5 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT].

CDNT 35.3 (b)

Xếp hạng nhà thầu: ___[trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất thì ghi như sau: “nhà thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất được xếp hạng thứ nhất”;

Trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá thì ghi như sau: “nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất được xếp hạng thứ nhất”;

Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá thì ghi như sau: “nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất được xếp thứ nhất”].

CDNT 37.5

 Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất thì ghi như sau: “nhà thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất”;

Trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá thì ghi như sau: “nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất”;

Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá thì ghi như sau: “nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất”].

CDNT 38.1

Thời hạn gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu là___ngày làm việc, kể từ ngày Chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu [ghi cụ thể số ngày, nhưng tối đa là 5 ngày làm việc].

CDNT 39

- Tỷ lệ tăng khối lượng tối đa là:___ [ghi tỷ lệ %];

- Tỷ lệ giảm khối lượng tối đa là:___ [ghi tỷ lệ %].

CDNT 44

- Địa chỉ nhận đơn kiến nghị của Chủ đầu tư:___[ghi đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax];

- Địa chỉ nhận đơn kiến nghị của Người có thẩm quyền:___[ghi đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax];

- Địa chỉ nhận đơn kiến nghị của bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng tư vấn:___[ghi đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax].

CDNT 45

Địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát:___[ghi đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax của tổ chức, cá nhân được Người có thẩm quyền giao nhiệm vụ thực hiện theo dõi, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu của gói thầu/dự án (nếu có)].

 

Chương III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ HSDT

Mục 1. Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của HSĐXKT

1. Kiểm tra tính hợp lệ của HSĐXKT:

a) Kiểm tra số lượng bản chụp HSĐXKT;

b) Kiểm tra các thành phần của bản gốc HSĐXKT, bao gồm: Đơn dự thầu thuộc HSĐXKT, thỏa thuận liên danh (nếu có), giấy ủy quyền ký đơn dự thầu (nếu có); bảo đảm dự thầu; tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ; tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm; đề xuất về kỹ thuật và các thành phần khác thuộc HSĐXKT theo quy định tại Mục 11.1 CDNT;

c) Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết HSĐXKT.

2. Đánh giá tính hợp lệ của HSĐXKT:

HSĐXKT của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:

a) Có bản gốc HSĐXKT;

b) Có đơn dự thầu thuộc HSĐXKT được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có). Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh;

c) Thời gian thực hiện hợp đồng nêu trong đơn dự thầu phải phù hợp với đề xuất về kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu nêu trong HSMT;

d) Thời hạn hiệu lực của HSĐXKT đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Mục 18.1 CDNT;

đ) Có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Mục 19.2 CDNT. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, tên của Bên mời thầu (đơn vị thụ hưởng) theo quy định tại Mục 19.2 CDNT; đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức đặt cọc bằng Séc thì Bên mời thầu sẽ quản lý Séc đó theo quy định tại các Mục 19.4 và Mục 19.5 CDNT;

e) Không có tên trong hai hoặc nhiều HSĐXKT với tư cách là nhà thầu chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh) đối với cùng một gói thầu. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập thì nhà thầu không có tên trong hai hoặc nhiều HSĐXKT với tư cách là nhà thầu chính đối với phần mà nhà thầu tham dự thầu;

g) Có thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) và trong thỏa thuận liên danh phải nêu rõ nội dung công việc cụ thể và ước tính giá trị tương ứng mà từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện theo Mẫu số 03 Chương IV - Biểu mẫu dự thầu;

h) Nhà thầu bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Mục 4 CDNT.

Nhà thầu có HSĐXKT hợp lệ được xem xét, đánh giá tiếp về năng lực và kinh nghiệm.

Mục 2. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm

Đối với nhà thầu liên danh thì năng lực, kinh nghiệm được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh song phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh; nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm thì nhà thầu liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu. Đối với gói thầu chia thành nhiều phần độc lập, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu sẽ được đánh giá tương ứng với phần mà nhà thầu tham dự thầu.

Năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ sẽ không được xem xét khi đánh giá HSĐXKT của nhà thầu chính (trừ trường hợp HSMT quy định được phép sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt). Bản thân nhà thầu chính phải đáp ứng các tiêu chí về năng lực và kinh nghiệm (không xét đến năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ).

Trường hợp gói thầu đã áp dụng sơ tuyển, khi nộp HSDT nếu nhà thầu có sự thay đổi về năng lực và kinh nghiệm so với thông tin kê khai trong hồ sơ dự sơ tuyển đã được đánh giá thì nhà thầu phải cập nhật lại năng lực và kinh nghiệm của mình; trường hợp năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu không có sự thay đổi thì nhà thầu phải có cam kết bằng văn bản về việc vẫn đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.

Trường hợp gói thầu không áp dụng sơ tuyển thì việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm được thực hiện theo các tiêu chuẩn đánh giá quy định dưới đây, nhà thầu được đánh giá là đạt về năng lực và kinh nghiệm khi đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn đánh giá.


2.1. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:

Việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm được thực hiện theo Bảng tiêu chuẩn dưới đây:

BẢNG TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VỀ NĂNG LỰC VÀ KINH NGHIỆM

Các tiêu chí năng lực và kinh nghiệm

Các yêu cầu cần tuân thủ

Tài liệu cần nộp

TT

Mô tả

Yêu cầu

Nhà thầu độc lập

Nhà thầu liên danh

Tổng các thành viên liên danh

Từng thành viên liên danh

Tối thiểu một thành viên liên danh

1

Lịch sử không hoàn thành hợp đồng

Từ ngày 01 tháng 01 năm ___(1) đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu không có hợp đồng không hoàn thành(2).

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Không áp dụng

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Không áp dụng

Mẫu số 06

2

Kiện tụng đang giải quyết(3)

Trường hợp nhà thầu có kiện tụng đang giải quyết thì vụ kiện sẽ được coi là có kết quả giải quyết theo hướng bất lợi cho nhà thầu và các khoản chi phí liên quan đến các kiện tụng này không được vượt quá___ % (4) giá trị tài sản ròng của nhà thầu.

(Giá trị tài sản ròng = Tổng tài sản - Tổng nợ).

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Không áp dụng

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Không áp dụng

Mẫu số 07

3

Năng lực tài chính

3.1

Kết quả hoạt động tài chính

Nộp báo cáo tài chính từ năm ___ đến năm___(5) để cung cấp thông tin chứng minh tình hình tài chính lành mạnh của nhà thầu.

Giá trị tài sản ròng của nhà thầu trong năm gần nhất phải dương.

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Không áp dụng

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Không áp dụng

Mẫu số 09

3.2

Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh

Doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu là____(6) VND, trong vòng_____(7) năm gần đây.

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu (tương đương với phần công việc đảm nhận)

Không áp dụng

Mẫu số 09

3.3

Yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu(8)

Nhà thầu phải chứng minh có các tài sản có khả năng thanh khoản cao(9) hoặc có khả năng tiếp cận với tài sản có khả năng thanh khoản cao sẵn có, các khoản tín dụng hoặc các nguồn tài chính khác (không kể các khoản tạm ứng thanh toán theo hợp đồng) để đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu với giá trị là___[ghi số tiền](10).

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu (tương đương với phần công việc đảm nhận)

Không áp dụng

Các Mẫu số 10, 11

4

Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự

Số lượng tối thiểu các hợp đồng tương tự(11) theo mô tả dưới đây mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn(12) với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ(13) trong vòng____(14) năm trở lại đây (tính đến thời điểm đóng thầu):

(i) số lượng hợp đồng là N, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là V (N x V = X) hoặc

(ii) số lượng hợp đồng ít hơn hoặc bằng N, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là V và tổng giá trị tất cả các hợp đồng ≥ X.

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu (tương đương với phần công việc đảm nhận)

Không áp dụng

Mẫu số 08

5

Khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác (15)

Nhà thầu phải có đại lý hoặc đại diện có khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của nhà thầu như bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác theo các yêu cầu như sau: ____[ghi yêu cầu cụ thể về khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác của đại lý hoặc đại diện, ví dụ như thời gian sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, sai sót... kể từ khi nhận được yêu cầu của chủ đầu tư].

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu này

Phải thỏa mãn yêu cầu (tương đương với phần công việc đảm nhận)

Không áp dụng

 

 


Ghi chú:

(1) Ghi số năm, thông thường là từ 3 đến 5 năm trước năm có thời điểm đóng thầu.

(2) Hợp đồng không hoàn thành bao gồm:

- Hợp đồng bị Chủ đầu tư kết luận nhà thầu không hoàn thành và nhà thầu không phản đối;

- Hợp đồng bị Chủ đầu tư kết luận nhà thầu không hoàn thành, không được nhà thầu chấp thuận nhưng đã được trọng tài hoặc tòa án kết luận theo hướng bất lợi cho nhà thầu.

Các hợp đồng không hoàn thành không bao gồm các hợp đồng mà quyết định của Chủ đầu tư đã bị bác bỏ bằng cơ chế giải quyết tranh chấp. Hợp đồng không hoàn thành phải dựa trên tất cả những thông tin về tranh chấp hoặc kiện tụng được giải quyết theo quy định của cơ chế giải quyết tranh chấp của hợp đồng tương ứng và khi mà nhà thầu đã hết tất cả các cơ hội có thể khiếu nại.

(3) Bên mời thầu có thể lựa chọn áp dụng tiêu chí này. Trường hợp không áp dụng  thì phải ghi rõ "sẽ không áp dụng" và xóa Mẫu số 07 tương ứng trong Chương IV - Biểu mẫu dự thầu. Nếu Bên mời thầu chọn áp dụng tiêu chí này thì phải ghi rõ "sẽ áp dụng".

(4) Nếu tiêu chí này được áp dụng thì Bên mời thầu phải ghi rõ phạm vi từ 50% đến 100% giá trị tài sản ròng của nhà thầu.

(5) Ghi số năm yêu cầu, thông thường là 3 năm trước năm có thời điểm đóng thầu (Ví dụ: từ năm 2012 đến năm 2014. Trong trường hợp này, nhà thầu phải nộp báo cáo tài chính của các năm 2012, 2013, 2014).

(6) Cách tính toán thông thường về mức yêu cầu doanh thu trung bình hàng năm:

a) Yêu cầu tối thiểu về mức doanh thu trung bình hàng năm = (Giá gói thầu/ thời gian thực hiện hợp đồng theo năm) x k. Thông thường yêu cầu hệ số k trong công thức này là từ 1,5 đến 2.

b) Trường hợp thời gian thực hiện hợp đồng dưới 12 tháng thì cách tính doanh thu như sau:

Yêu cầu tối thiểu về mức doanh thu trung bình hàng năm = Giá gói thầu x k

Thông thường yêu cầu hệ số k trong công thức này là 1,5.

c) Đối với trường hợp nhà thầu liên danh, việc đánh giá tiêu chuẩn về doanh thu của từng thành viên liên danh căn cứ vào giá trị, khối lượng do từng thành viên đảm nhiệm.

(7) Ghi số năm phù hợp với số năm yêu cầu nộp báo cáo tài chính tại tiêu chí 3.1 Bảng này.

(8) Thông thường áp dụng đối với những hàng hóa đặc thù, phức tạp, quy mô lớn, có thời gian sản xuất, chế tạo dài.

(9) Tài sản có khả năng thanh khoản cao là tiền mặt và tương đương tiền mặt, các công cụ tài chính ngắn hạn, các chứng khoán sẵn sàng để bán, chứng khoán dễ bán, các khoản phải thu thương mại, các khoản phải thu tài chính ngắn hạn và các tài sản khác mà có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng một năm.

(10) Yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu được xác định theo công thức sau:

Yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu = t x (Giá gói thầu).

Thông thường yêu cầu hệ số “t” trong công thức này là từ 0,2 đến 0,3.

(11) Căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu và tình hình thực tế của ngành, địa phương để quy định cho phù hợp. Thông thường từ 1 đến 3 hợp đồng tương tự.

Hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự là hợp đồng trong đó hàng hóa được cung cấp tương tự với hàng hóa của gói thầu đang xét và đã hoàn thành, bao gồm:

- Tương tự về chủng loại, tính chất: có cùng chủng loại, tương tự về đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng với hàng hóa của gói thầu đang xét;

- Tương tự về quy mô: có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét.

Trường hợp trong HSMT yêu cầu nhà thầu đã thực hiện từ hai hợp đồng tương tự trở lên thì nhà thầu phải đáp ứng tối thiểu một hợp đồng với quy mô, tính chất tương tự gói thầu đang xét. Quy mô của các hợp đồng tương tự tiếp theo được xác định bằng cách cộng các hợp đồng có quy mô nhỏ hơn nhưng phải bảo đảm các hợp đồng đó có tính chất tương tự với các hạng mục cơ bản của gói thầu đang xét.

Đối với các gói thầu có tính chất đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giá trị của hợp đồng trong khoảng 50% đến 70% giá trị của gói thầu đang xét, đồng thời vẫn phải yêu cầu nhà thầu bảo đảm có hợp đồng sản xuất hàng hóa tương tự về chủng loại và tính chất với hàng hóa của gói thầu.

(12) Hoàn thành phần lớn nghĩa là hoàn thành ít nhất 80% khối lượng công việc của hợp đồng.

(13) Với các hợp đồng mà nhà thầu đã tham gia với tư cách là thành viên liên danh hoặc nhà thầu phụ thì chỉ tính giá trị phần việc do nhà thầu thực hiện.

(14) Ghi số năm yêu cầu, thông thường từ 3 đến 5 năm.

(15) Nếu tại Mục 17.2 BDL có yêu cầu thì mới quy định tiêu chí này.

2.2. Tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt:

Tùy theo quy mô, tính chất của gói thầu có thể quy định nhà thầu phải đề xuất các nhân sự chủ chốt thực hiện các công việc của gói thầu như: lắp đặt; hướng dẫn chạy thử, vận hành; đào tạo, chuyển giao công nghệ... Trường hợp HSMT có yêu cầu về nhân sự chủ chốt, trong HSDT nhà thầu phải chứng minh rằng mình có đầy đủ nhân sự cho các vị trí chủ chốt  đáp ứng những yêu cầu sau đây:

STT

Vị trí công việc

Tổng số năm kinh nghiệm

(tối thiểu__năm)

Kinh nghiệm trong các công việc tương tự

(tối thiểu__năm)

Trình độ chuyên môn

(trình độ tối thiểu__)

1

 

 

 

 

2

 

 

 

 

3

 

 

 

 

4

 

 

 

 

5

 

 

 

 

6

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhà thầu phải cung cấp thông tin chi tiết về các nhân sự chủ chốt được đề xuất và hồ sơ kinh nghiệm của nhân sự theo các Mẫu số 12, 13 và 14 Chương IV - Biểu mẫu dự thầu.

2.3. Nhà thầu phụ đặc biệt (nếu có):

Bên mời thầu sẽ chỉ xem xét, đánh giá về năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt cho phần công việc chuyên ngành được phép sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt quy định tại Mục 30.3 CDNT. Kinh nghiệm cụ thể và nguồn lực tài chính của nhà thầu phụ đặc biệt sẽ không được cộng vào kinh nghiệm và nguồn lực của nhà thầu chính khi xem xét kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu chính. Nhà thầu phụ đặc biệt được đề xuất phải có đầy đủ kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật để thực hiện công việc và phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

[ghi các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá đối với nhà thầu phụ đặc biệt].

Mục 3. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt hoặc phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000 để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, trong đó ưu tiên áp dụng tiêu chí đạt, không đạt. Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dựa trên các yếu tố về khả năng đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời hạn giao hàng, vận chuyển, lắp đặt, bảo hành, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yêu cầu khác nêu trong HSMT. Căn cứ vào tính chất của từng gói thầu cụ thể, Bên mời thầu phải cụ thể hóa các tiêu chí làm cơ sở để đánh giá về kỹ thuật bao gồm:

- Đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ;

- Tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa: thời gian hàng hóa đã được sử dụng trên thị trường, đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO…

- Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa;

- Mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo hành, bảo trì: nhà thầu phải trình bày được kế hoạch cung cấp cấp dịch vụ bảo hành, bảo trì; năng lực cung cấp các dịch vụ sau bán hàng; khả năng lắp đặt thiết bị, hàng hóa;

- Khả năng thích ứng về địa lý, môi trường;

- Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết;

- Khả năng cung cấp tài chính (nếu có yêu cầu);

- Các yếu tố về điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ;

- Tiến độ cung cấp hàng hóa;

- Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó;

- Các yếu tố cần thiết khác.

3.1. Đánh giá theo phương pháp chấm điểm[27]:

Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà có thể quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu đối với một số tiêu chuẩn tổng quát. Mức điểm yêu cầu tối thiểu quy định không thấp hơn 70% tổng số điểm về kỹ thuật. Đối với gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, mức quy định này từ 80% đến 90% tổng số điểm về kỹ thuật. HSDT có tổng số điểm (cũng như số điểm của một số tiêu chuẩn tổng quát) đạt bằng hoặc vượt mức điểm yêu cầu tối thiểu sẽ được đánh giá là đạt yêu cầu về kỹ thuật và được tiếp tục xem xét về tài chính.

Ví dụ về TCĐG về kỹ thuật theo phương pháp chấm điểm được nêu tại Ví dụ 2 Phần 4 - Phụ lục.

3.2. Đánh giá theo phương pháp đạt, không đạt [28]:

Căn cứ tính chất của gói thầu mà xác định mức độ yêu cầu đối với từng nội dung. Đối với các tiêu chí đánh giá tổng quát, chỉ sử dụng tiêu chí đạt, không đạt. Đối với các tiêu chí chi tiết cơ bản trong tiêu chí tổng quát, chỉ sử dụng tiêu chí đạt, không đạt; đối với các tiêu chí chi tiết không cơ bản trong tiêu chí tổng quát ngoài tiêu chí đạt, không đạt, được áp dụng thêm tiêu chí chấp nhận được nhưng không được vượt quá 30% tổng số các tiêu chí chi tiết trong tiêu chí tổng quát đó.

Tiêu chí tổng quát được đánh giá là đạt khi tất cả các tiêu chí chi tiết cơ bản được đánh giá là đạt và các tiêu chí chi tiết không cơ bản được đánh giá là đạt hoặc chấp nhận được.

 HSĐXKT được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật khi có tất cả các tiêu chí tổng quát đều được đánh giá là đạt. HSĐXKT của nhà thầu được đánh giá là đạt thì sẽ được tiếp tục xem xét, đánh giá HSĐXTC.

Ví dụ về TCĐG về kỹ thuật theo tiêu chí đạt, không đạt được nêu tại Ví dụ 1 Phần 4 - Phụ lục.

Mục 4. Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của HSĐXTC

4.1. Kiểm tra tính hợp lệ của HSĐXTC:

a) Kiểm tra số lượng bản chụp HSĐXTC;

b) Kiểm tra các thành phần của bản gốc HSĐXTC, bao gồm: Đơn dự thầu thuộc HSĐXTC; bảng tổng hợp giá dự thầu và các thành phần khác thuộc HSĐXTC theo quy định tại Mục 11.2 CDNT;

c) Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết HSĐXTC.

4.2. Đánh giá tính hợp lệ của HSĐXTC:

HSĐXTC của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:

a) Có bản gốc HSĐXTC;

b) Có đơn dự thầu thuộc HSĐXTC được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có). Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh;

c) Giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logíc với tổng giá dự thầu ghi trong bảng tổng hợp giá dự thầu, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho Chủ đầu tư, Bên mời thầu;

d) Thời hạn hiệu lực của HSĐXTC đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Mục 18.1 CDNT.

Nhà thầu có HSĐXTC hợp lệ sẽ được tiếp tục đánh giá chi tiết về tài chính.

Mục 5. Tiêu chuẩn đánh giá chi tiết về tài chính

Căn cứ tính chất, quy mô gói thầu mà lựa chọn một trong ba phương pháp dưới đây cho phù hợp:

5.1. Phương pháp giá thấp nhất[29]:

Cách xác định giá thấp nhất theo các bước sau đây:

Bước 1. Xác định giá dự thầu;

Bước 2. Sửa lỗi (thực hiện theo quy định tại phần Ghi chú (1)).

Bước 3. Hiệu chỉnh sai lệch (thực hiện theo quy định tại phần Ghi chú (2)).

Bước 4. Xác định giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có)2;

Bước 5. Xác định giá trị ưu đãi (nếu có) theo quy định tại Mục 31 CDNT;

Bước 6. Xếp hạng nhà thầu:

HSDT có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có) và cộng giá trị ưu đãi (nếu có) thấp nhất được xếp hạng thứ nhất3.

5.2. Phương pháp giá đánh giá4:

Bước 1. Xác định giá dự thầu;

Bước 2. Sửa lỗi (thực hiện theo quy định tại phần Ghi chú (1));

Bước 3. Hiệu chỉnh sai lệch (thực hiện theo quy định tại phần Ghi chú (2));

Bước 4. Xác định giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có)[30].

Bước 5. Xác định giá đánh giá:

Việc xác định giá đánh giá được thực hiện theo công thức sau đây:

GĐG = G ± ΔG + (ΔƯĐ)

Trong đó:

- G = (giá dự thầu ± giá trị sửa lỗi ± giá trị hiệu chỉnh sai lệch) - giá trị giảm giá (nếu có);

- ΔG là giá trị các yếu tố được quy về một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa bao gồm:

+ Chi phí vận hành, bảo dưỡng;

+ Chi phí lãi vay (nếu có);

+ Tiến độ;

+ Chất lượng (hiệu suất, công suất);

+ Xuất xứ;

+ Các yếu tố khác (nếu có).

- ΔƯĐ là giá trị phải cộng thêm đối với đối tượng không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Mục 31 CDNT (nếu có).

Bước 6. Xếp hạng nhà thầu:

HSDT có giá đánh giá thấp nhất được xếp hạng thứ nhất[31].

5.3. Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá[32]:

Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá áp dụng cho các gói thầu mua sắm hàng hóa khi không áp dụng được phương pháp giá thấp nhất và phương pháp giá đánh giá và việc áp dụng phương pháp giá thấp nhất không đạt được mục tiêu về hiệu quả kinh tế.

Khi áp dụng phương pháp này thì tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật phải sử dụng phương pháp chấm điểm. Sử dụng thang điểm 100 hoặc 1.000 thống nhất với thang điểm về kỹ thuật để xác định điểm giá.

Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa kỹ thuật và giá. Tùy theo quy mô, tính chất của từng gói thầu cần xác định tỷ trọng điểm về kỹ thuật và tỷ trọng điểm về giá cho phù hợp bảo đảm tỷ trọng điểm về kỹ thuật cộng với tỷ trọng điểm về giá bằng 100%, trong đó tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) từ 10% đến 30%, tỷ trọng điểm về giá (G) từ 70% đến 90%.

Bước 1. Xác định giá dự thầu;

Bước 2. Sửa lỗi (thực hiện theo quy định tại phần Ghi chú (1));

Bước 3. Hiệu chỉnh sai lệch (thực hiện theo quy định tại phần Ghi chú (2));

Bước 4. Xác định giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có)[33];

Bước 5. Xác định điểm giá2:

Điểm giá được xác định trên cơ sở giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có). Cụ thể như sau:

Điểm giáđang xét = [Gthấp nhất x (100 hoặc 1.000)] / Gđang xét

Trong đó:

- Điểm giáđang xét: Là điểm giá của HSĐXTC đang xét;

- Gthấp nhất: giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của HSĐXTC thấp nhất;

- Gđang xét: giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của HSĐXTC đang xét.

Bước 6. Xác định điểm tổng hợp:

Điểm tổng hợpđang xét = (K x Điểm kỹ thuậtđang xét + G x Điểm giáđang xét) + ΔƯĐ

Trong đó:

- Điểm kỹ thuậtđang xét: Là số điểm được xác định tại bước đánh giá về kỹ thuật;

- Điểm giáđang xét: Là số điểm được xác định tại bước đánh giá về giá;

- K: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật quy định trong thang điểm tổng hợp;

- G: Tỷ trọng điểm về giá quy định trong thang điểm tổng hợp;

- K + G = 100%. Tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) và về giá (G) phải được xác định cụ thể trong HSMT;

- ΔƯĐ là giá trị phải cộng thêm đối với đối tượng được hưởng ưu đãi theo quy định tại Mục 31 CDNT (nếu có).

Bước 7.  Xếp hạng nhà thầu:

HSDT có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất.

Ghi chú:

(1) Sửa lỗi:

Với điều kiện HSDT đáp ứng căn bản HSMT, việc sửa lỗi số học và các lỗi khác được tiến hành theo nguyên tắc sau đây:

a) Lỗi số học bao gồm những lỗi do thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia không chính xác khi tính toán giá dự thầu. Trường hợp không nhất quán giữa đơn giá dự thầu và thành tiền thì lấy đơn giá dự thầu làm cơ sở cho việc sửa lỗi; nếu phát hiện đơn giá dự thầu có sự sai khác bất thường do lỗi hệ thập phân (10 lần, 100 lần, 1.000 lần) thì thành tiền là cơ sở cho việc sửa lỗi. Trường hợp tại cột “đơn giá dự thầu” và cột “thành tiền” nhà thầu không ghi giá trị hoặc ghi là “0” thì được coi là nhà thầu đã phân bổ giá của công việc này vào các công việc khác thuộc gói thầu, nhà thầu phải có trách nhiệm thực hiện hoàn thành các công việc này theo đúng yêu cầu nêu trong HSMT và không được Chủ đầu tư thanh toán trong quá trình thực hiện hợp đồng.

b) Các lỗi khác:

- Tại cột thành tiền đã được điền đầy đủ giá trị nhưng không có đơn giá dự thầu tương ứng thì đơn giá dự thầu được xác định bổ sung bằng cách chia thành tiền cho số lượng; khi có đơn giá dự thầu nhưng cột thành tiền bỏ trống thì giá trị cột thành tiền sẽ được xác định bổ sung bằng cách nhân số lượng với đơn giá dự thầu; nếu một nội dung nào đó có điền đơn giá dự thầu và giá trị tại cột thành tiền nhưng bỏ trống số lượng thì số lượng bỏ trống được xác định bổ sung bằng cách chia giá trị tại cột thành tiền cho đơn giá dự thầu của nội dung đó. Trường hợp số lượng được xác định bổ sung nêu trên khác với số lượng nêu trong HSMT thì giá trị sai khác đó là sai lệch về phạm vi cung cấp và được hiệu chỉnh theo quy định tại Bước 3;

- Lỗi nhầm đơn vị tính: sửa lại cho phù hợp với yêu cầu nêu trong HSMT;

- Lỗi nhầm đơn vị: sử dụng dấu "," (dấu phẩy) thay cho dấu "." (dấu chấm) và ngược lại thì được sửa lại cho phù hợp theo cách viết của Việt Nam. Khi Bên mời thầu cho rằng dấu phẩy hoặc dấu chấm trong đơn giá dự thầu rõ ràng đã bị đặt sai chỗ thì trong trường hợp này thành tiền của hạng mục sẽ có ý nghĩa quyết định và đơn giá dự thầu sẽ được sửa lại;

- Nếu có sai sót khi cộng các khoản tiền để ra tổng số tiền thì sẽ sửa lại tổng số tiền theo các khoản tiền;

- Nếu có sự khác biệt giữa con số và chữ viết thì lấy chữ viết làm cơ sở pháp lý cho việc sửa lỗi. Nếu chữ viết sai thì lấy con số sau khi sửa lỗi theo quy định tại Mục này làm cơ sở pháp lý;

(2) Hiệu chỉnh sai lệch:

a) Trường hợp có sai lệch về phạm vi cung cấp thì giá trị phần chào thiếu sẽ được cộng thêm vào, giá trị phần chào thừa sẽ được trừ đi theo mức đơn giá dự thầu tương ứng trong HSĐXTC của nhà thầu có sai lệch;

Trường hợp trong HSĐXTC của nhà thầu có sai lệch thiếu (thiếu hạng mục công việc so với yêu cầu về phạm vi cung cấp) mà không có đơn giá tương ứng trong HSĐXTC của nhà thầu có sai lệch thì thực hiện hiệu chỉnh sai lệch như sau:

Lấy mức đơn giá dự thầu cao nhất đối với hạng mục công việc đó trong số các HSĐXTC của nhà thầu khác vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật để làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch; trường hợp trong HSĐXTC của các nhà thầu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật không có đơn giá dự thầu của công việc này thì lấy đơn giá trong dự toán được duyệt của gói thầu làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch; trường hợp không có dự toán gói thầu thì căn cứ vào đơn giá hình thành giá gói thầu làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch;

Trường hợp chỉ có một nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật thì tiến hành hiệu chỉnh sai lệch trên cơ sở lấy mức đơn giá dự thầu tương ứng trong HSĐXTC của nhà thầu này; trường hợp HSĐXTC của nhà thầu không có đơn giá dự thầu tương ứng thì lấy mức đơn giá trong dự toán của gói thầu được duyệt làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch; trường hợp không có dự toán gói thầu thì căn cứ vào đơn giá hình thành giá gói thầu làm cơ sở hiệu chỉnh sai lệch.

b) Trường hợp nhà thầu có thư giảm giá, việc sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch được thực hiện trên cơ sở giá dự thầu chưa trừ đi giá trị giảm giá. Tỷ lệ phần trăm (%) của sai lệch thiếu được xác định trên cơ sở so với giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu.

Mục 6. Phương án kỹ thuật thay thế trong HSDT (nếu có)

Theo quy định cho phép ở Mục 13 CDNT thì khi đó HSDT sẽ được đánh giá như sau:___[ghi các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá đối với phương án kỹ thuật thay thế].

Mục 7. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập (nếu có)

Nếu gói thầu được chia thành nhiều phần độc lập theo quy định tại Mục 14.5 CDNT thì thực hiện như sau:

1. Trong HSMT phải nêu rõ: điều kiện chào thầu; biện pháp và giá trị bảo đảm dự thầu cho từng phần hoặc nhiều phần; tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá đối với từng phần hoặc nhiều phần để các nhà thầu tính toán phương án chào thầu theo khả năng của mình;

2. Việc đánh giá HSDT và xét duyệt trúng thầu sẽ được thực hiện trên cơ sở bảo đảm tổng giá đề nghị trúng thầu của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tổng giá đánh giá của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá); tổng điểm tổng hợp cao nhất (đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá) và giá đề nghị trúng thầu của cả gói thầu không vượt giá gói thầu được duyệt mà không so sánh với ước tính chi phí của từng phần;

3. Trường hợp có một phần hoặc nhiều phần thuộc gói thầu không có nhà thầu tham gia đấu thầu hoặc không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu nêu trong HSMT, Chủ đầu tư báo cáo Người có thẩm quyền để điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu của gói thầu theo hướng tách các phần đó thành gói thầu riêng với giá gói thầu là tổng chi phí ước tính tương ứng của các phần; việc lựa chọn nhà thầu đối với các phần có nhà thầu tham gia và được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật vẫn phải bảo đảm nguyên tắc đánh giá theo quy định tại khoản 2 Mục này;

4. Trường hợp một nhà thầu trúng thầu tất cả các phần thì gói thầu có một hợp đồng. Trường hợp nhiều nhà thầu trúng thầu các phần khác nhau thì gói thầu có nhiều hợp đồng.

 

Chương IV. BIỂU MẪU DỰ THẦU

A. Biểu mẫu dự thầu thuộc HSĐXKT

Mẫu số 01. Đơn dự thầu

Mẫu số 02. Giấy ủy quyền

Mẫu số 03. Thỏa thuận liên danh

Mẫu số 04 (a). Bảo lãnh dự thầu (áp dụng trong trường hợp nhà thầu độc lập)

Mẫu số 04 (b). Bảo lãnh dự thầu (áp dụng trong trường hợp nhà thầu liên danh)

Mẫu số 05 (a). Bản kê khai thông tin về nhà thầu

Mẫu số 05 (b). Bản kê khai thông tin về các thành viên của nhà thầu liên danh

Mẫu số 06. Hợp đồng không hoàn thành trong quá khứ

Mẫu số 07. Kiện tụng đang giải quyết

Mẫu số 08. Hợp đồng tương tự do nhà thầu thực hiện

Mẫu số 09. Tình hình tài chính của nhà thầu

Mẫu số 10. Nguồn lực tài chính

Mẫu số 11. Nguồn lực tài chính hàng tháng cho các hợp đồng đang thực hiện

Mẫu số 12. Bảng đề xuất nhân sự chủ chốt

Mẫu số 13. Bản lý lịch chuyên môn của nhân sự chủ chốt

Mẫu số 14. Bản kinh nghiệm chuyên môn

Mẫu số 15 (a). Phạm vi công việc sử dụng nhà thầu phụ

Mẫu số 15 (b). Bản kê khai nhà thầu phụ đặc biệt

B. Biểu mẫu dự thầu thuộc HSĐXTC

Mẫu số 16 (a). Đơn dự thầu (áp dụng trong trường hợp nhà thầu không có đề xuất giảm giá hoặc có đề xuất giảm giá trong thư giảm giá riêng)

Mẫu số 16 (b). Đơn dự thầu (áp dụng trong trường hợp nhà thầu có đề xuất giảm giá trong đơn dự thầu)

Mẫu số 17. Bảng tổng hợp giá dự thầu

Mẫu số 17 (a). Bảng giá dự thầu của hàng hóa (áp dụng đối với đấu thầu trong nước)

Mẫu số 17 (a1). Bảng giá dự thầu của hàng hóa sản xuất, gia công ngoài nước (áp dụng đối với đấu thầu quốc tế)

Mẫu số 17 (a2). Bảng giá dự thầu của hàng hóa sản xuất, gia công trong nước hoặc hàng hóa sản xuất, gia công ngoài nước đã nhập khẩu và đang được chào bán tại Việt Nam (áp dụng đối với đấu thầu quốc tế)

Mẫu số 17 (b). Bảng giá dự thầu cho các dịch vụ liên quan

Mẫu số 18. Bảng kê khai chi phí sản xuất trong nước đối với hàng hóa được hưởng ưu đãi

 

A. BIỂU MẪU DỰ THẦU THUỘC HỒ SƠ ĐỀ XUẤT KỸ THUẬT

Mẫu số 01

ĐƠN DỰ THẦU (1)

(thuộc HSĐXKT)

Ngày: [ghi ngày tháng năm ký đơn dự thầu]

Tên gói thầu: [ghi tên gói thầu theo thông báo mời thầu]

Tên dự án: [ghi tên dự án]

Thư mời thầu số: [ghi số trích yếu của Thư mời thầu đối với đấu thầu hạn chế]

Kính gửi: [ghi đầy đủ và chính xác tên của Bên mời thầu]

Sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu và văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu số___[ghi số của văn bản sửa đổi (nếu có)] mà chúng tôi đã nhận được, chúng tôi,____ [ghi tên nhà thầu], cam kết thực hiện gói thầu ____ [ghi tên gói thầu] theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu với thời gian thực hiện hợp đồng là ___[ghi thời gian thực hiện tất cả các công việc theo yêu cầu của gói thầu] (2). Hồ sơ dự thầu của chúng tôi gồm có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật này và hồ sơ đề xuất về tài chính được niêm phong riêng biệt.

Chúng tôi cam kết:

1. Chỉ tham gia trong một hồ sơ dự thầu này với tư cách là nhà thầu chính.

2. Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật.

3. Không vi phạm quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu.

4. Không thực hiện các hành vi tham nhũng, hối lộ, thông thầu, cản trở và các hành vi vi phạm quy định khác của pháp luật đấu thầu khi tham dự gói thầu này.

5. Những thông tin kê khai trong hồ sơ dự thầu là trung thực.

Nếu hồ sơ dự thầu của chúng tôi được chấp nhận, chúng tôi sẽ thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Mục 43 - Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu.

Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật này cùng với hồ sơ đề xuất về tài chính có hiệu lực trong thời gian ____ (3)ngày, kể từ ngày ____ tháng ____ năm ____(4).

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu (5)

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu (6)]

Ghi chú:

(1) Nhà thầu lưu ý, đơn dự thầu phải được ghi đầy đủ và chính xác các thông tin về tên của Bên mời thầu, nhà thầu, thời gian có hiệu lực của HSDT, được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu.

(2) Thời gian thực hiện hợp đồng nêu trong đơn dự thầu phải phù hợp với đề xuất về kỹ thuật và tiến độ cung cấp hàng hóa, hoàn thành dịch vụ (nếu có) nêu trong HSDT.

(3) Ghi số ngày có hiệu lực theo quy định tại Mục 18.1 BDL. Thời gian có hiệu lực của HSDT được tính kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực theo quy định trong HSMT. Từ thời điểm đóng thầu đến hết 24 giờ của ngày có thời điểm đóng thầu được tính là 1 ngày.

(4) Ghi ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22.1 BDL.

(5) Trường hợp đại diện theo pháp luật của nhà thầu ủy quyền cho cấp dưới ký đơn dự thầu thì phải gửi kèm theo Giấy ủy quyền theo Mẫu số 02 Chương này; trường hợp tại điều lệ công ty hoặc tại các tài liệu khác liên quan có phân công trách nhiệm cho cấp dưới ký đơn dự thầu thì phải gửi kèm theo các văn bản này (không cần lập Giấy ủy quyền theo Mẫu số 02 Chương này). Trường hợp nhà thầu là liên danh thì phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký, trừ trường hợp trong văn bản thỏa thuận liên danh theo Mẫu số 03 Chương này có quy định các thành viên trong liên danh thỏa thuận cho thành viên đứng đầu liên danh ký đơn dự thầu. Trường hợp từng thành viên liên danh có ủy quyền thì thực hiện như đối với nhà thầu độc lập. Nếu nhà thầu trúng thầu, trước khi ký kết hợp đồng, nhà thầu phải trình Chủ đầu tư bản chụp được chứng thực các văn bản này. Trường hợp phát hiện thông tin kê khai ban đầu là không chính xác thì nhà thầu bị coi là vi phạm Mục 3 CDNT.

(6) Trường hợp nhà thầu nước ngoài không có con dấu thì phải cung cấp xác nhận của tổ chức có thẩm quyền là chữ ký trong đơn dự thầu và các tài liệu khác trong HSDT là của người đại diện hợp pháp của nhà thầu.

 

Mẫu số 02

GIẤY ỦY QUYỀN (1)

Hôm nay, ngày ____ tháng ____ năm ____, tại ____

Tôi là ____[ghi tên, số CMND hoặc số hộ chiếu, chức danh của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu], là người đại diện theo pháp luật của ____[ghi tên nhà thầu] có địa chỉ tại ____[ghi địa chỉ của nhà thầu] bằng văn bản này ủy quyền cho ____[ghi tên, số CMND hoặc số hộ chiếu, chức danh của người được ủy quyền] thực hiện các công việc sau đây trong quá trình tham dự thầu gói thầu___[ghi tên gói thầu] thuộc dự án____[ghi tên dự án] do ____[ghi tên Bên mời thầu] tổ chức:

[- Ký đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về tài chính;

- Ký thỏa thuận liên danh (nếu có);

- Ký các văn bản, tài liệu để giao dịch với Bên mời thầu trong quá trình tham gia đấu thầu, kể cả văn bản đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu và văn bản giải trình, làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc văn bản đề nghị rút hồ sơ dự thầu, sửa đổi, thay thế hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, hồ sơ đề xuất về tài chính;

- Tham gia quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;

- Ký đơn kiến nghị trong trường hợp nhà thầu có kiến nghị;

- Ký kết hợp đồng với Chủ đầu tư nếu được lựa chọn](2).

Người được ủy quyền nêu trên chỉ thực hiện các công việc trong phạm vi ủy quyền với tư cách là đại diện hợp pháp của ____[ghi tên nhà thầu]. ____[ghi tên người đại diện theo pháp luật của nhà thầu] chịu trách nhiệm hoàn toàn về những công việc do ____[ghi tên người được ủy quyền] thực hiện trong phạm vi ủy quyền.

Giấy ủy quyền có hiệu lực kể từ ngày ____ đến ngày ____(3). Giấy ủy quyền này được lập thành ____ bản có giá trị pháp lý như nhau, người ủy quyền giữ ____ bản, người được ủy quyền giữ ____ bản, Bên mời thầu giữ___bản.

 

Người được ủy quyền

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu (nếu có)]

Người ủy quyền

[ghi tên người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Trường hợp ủy quyền thì bản gốc giấy ủy quyền phải được gửi cho Bên mời thầu cùng với đơn dự thầu theo quy định tại Mục 20.3 CDNT. Việc ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu cho cấp phó, cấp dưới, giám đốc chi nhánh, người đứng đầu văn phòng đại diện của nhà thầu để thay mặt cho người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thực hiện một hoặc các nội dung công việc nêu trên đây. Việc sử dụng con dấu trong trường hợp được ủy quyền có thể là dấu của nhà thầu hoặc dấu của đơn vị mà cá nhân liên quan được ủy quyền. Người được ủy quyền không được tiếp tục ủy quyền cho người khác.

(2) Phạm vi ủy quyền bao gồm một hoặc nhiều công việc nêu trên.

(3) Ghi ngày có hiệu lực và ngày hết hiệu lực của giấy ủy quyền phù hợp với quá trình tham gia đấu thầu.

 

Mẫu số 03

THỎA THUẬN LIÊN DANH (1)

______, ngày __ tháng   __ năm ____

Gói thầu: ____ [ghi tên gói thầu]

Thuộc dự án: ____ [ghi tên dự án]

Căn cứ (2) __ [Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 của Quốc hội];

Căn cứ (2) ____ [Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu];

Căn cứ hồ sơ mời thầu gói thầu __[ghi tên gói thầu] ngày __ tháng__ năm__[ngày được ghi trên HSMT];

Chúng tôi, đại diện cho các bên ký thỏa thuận liên danh, gồm có:

Tên thành viên liên danh____[ghi tên từng thành viên liên danh]

Đại diện là ông/bà:_______________________________________________________________

Chức vụ:________________________________________________________________________

Địa chỉ:_________________________________________________________________________

Điện thoại:______________________________________________________________________

Fax:____________________________________________________________________________

E-mail:__________________________________________________________________________

Tài khoản:_______________________________________________________________________

Mã số thuế:_____________________________________________________________________

Giấy ủy quyền số ____ ngày ___tháng____năm___(trường hợp được ủy quyền).

Các bên (sau đây gọi là thành viên) thống nhất ký kết thỏa thuận liên danh với các nội dung sau:

Điều 1. Nguyên tắc chung

1. Các thành viên tự nguyện hình thành liên danh để tham dự thầu gói thầu___[ghi tên gói thầu] thuộc dự án ____[ghi tên dự án].

2. Các thành viên thống nhất tên gọi của liên danh cho mọi giao dịch liên quan đến gói thầu này là: ____[ghi tên của liên danh theo thỏa thuận].

3. Các thành viên cam kết không thành viên nào được tự ý tham gia độc lập hoặc liên danh với thành viên khác để tham gia gói thầu này. Trường hợp trúng thầu, không thành viên nào có quyền từ chối thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ đã quy định trong hợp đồng. Trường hợp thành viên của liên danh từ chối hoàn thành trách nhiệm riêng của mình như đã thỏa thuận thì thành viên đó bị xử lý như sau:

- Bồi thường thiệt hại cho các bên trong liên danh;

- Bồi thường thiệt hại cho Chủ đầu tư theo quy định nêu trong hợp đồng;

- Hình thức xử lý khác ____[ghi rõ hình thức xử lý khác].

Điều 2. Phân công trách nhiệm

Các thành viên thống nhất phân công trách nhiệm để thực hiện gói thầu___[ghi tên gói thầu] thuộc dự án ____[ghi tên dự án] đối với từng thành viên như sau:

1. Thành viên đứng đầu liên danh:

Các bên nhất trí ủy quyền cho ____[ghi tên một bên] làm thành viên đứng đầu liên danh, đại diện cho liên danh trong những phần việc sau(3):

 [- Ký đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về tài chính;

- Ký các văn bản, tài liệu để giao dịch với Bên mời thầu trong quá trình tham dự thầu, kể cả văn bản đề nghị làm rõ HSMT và văn bản giải trình, làm rõ HSDT hoặc văn bản đề nghị rút HSDT, sửa đổi, thay thế HSDT;

- Thực hiện bảo đảm dự thầu cho cả liên danh;

- Tham gia quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;

- Ký đơn kiến nghị trong trường hợp nhà thầu có kiến nghị;

- Các công việc khác trừ việc ký kết hợp đồng ____[ghi rõ nội dung các công việc khác (nếu có)].

2. Các thành viên trong liên danh thỏa thuận phân công trách nhiệm thực hiện công việc theo bảng dưới đây (4):

STT

Tên

Nội dung công việc đảm nhận

Tỷ lệ % so với tổng giá dự thầu

1

Tên thành viên đứng đầu liên danh

- ___

- ___

- ___%

- ___%

2

Tên thành viên thứ 2

- ___

- ___

- ___%

- ___%

....

....

....

......

Tổng cộng

Toàn bộ công việc của gói thầu

100%

Điều 3. Hiệu lực của thỏa thuận liên danh

1. Thỏa thuận liên danh có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Thỏa thuận liên danh chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau:

- Các bên hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và tiến hành thanh lý hợp đồng;

- Các bên cùng thỏa thuận chấm dứt;

- Nhà thầu liên danh không trúng thầu;

- Hủy thầu gói thầu ____ [ghi tên gói thầu] thuộc dự án ____ [ghi tên dự án] theo thông báo của Bên mời thầu.

Thỏa thuận liên danh được lập thành ___ bản, mỗi bên giữ___ bản, các bản thỏa thuận có giá trị pháp lý như nhau.

 

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA THÀNH VIÊN ĐỨNG ĐẦU LIÊN DANH

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA THÀNH VIÊN LIÊN DANH

[ghi tên từng thành viên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

Ghi chú:

(1) Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, nội dung thỏa thuận liên danh theo mẫu này có thể được sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập thì trong thỏa thuận liên danh phải nêu rõ tên, số hiệu của các phần mà nhà thầu liên danh tham dự thầu, trong đó nêu rõ trách nhiệm chung và trách nhiệm riêng của từng thành viên liên danh đối với phần tham dự thầu.

(2) Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định hiện hành.

(3) Phạm vi ủy quyền bao gồm một hoặc nhiều công việc nêu trên.

(4) Nhà thầu phải ghi rõ nội dung công việc cụ thể và ước tính giá trị tương ứng mà từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện, trách nhiệm chung, trách nhiệm của từng thành viên, kể cả thành viên đứng đầu liên danh.

 

Mẫu số 04 (a)

BẢO LÃNH DỰ THẦU (1)

(áp dụng đối với nhà thầu độc lập)

Bên thụ hưởng:___[ghi tên và địa chỉ của Bên mời thầu]

Ngày phát hành bảo lãnh:___[ghi ngày phát hành bảo lãnh]

 

BẢO LÃNH DỰ THẦU số:___[ghi số trích yếu của Bảo lãnh dự thầu]

 

Bên bảo lãnh:___[ghi tên và địa chỉ nơi phát hành, nếu những thông tin này chưa được thể hiện ở phần tiêu đề trên giấy in]

Chúng tôi được thông báo rằng [ghi tên nhà thầu] (sau đây gọi là "Bên yêu cầu bảo lãnh") sẽ tham dự thầu để thực hiện gói thầu [ghi tên gói thầu] thuộc dự án [ghi tên dự án] theo Thư mời thầu/thông báo mời thầu số [ghi số trích yếu của Thư mời thầu/thông báo mời thầu].

Chúng tôi cam kết với Bên thụ hưởng rằng chúng tôi bảo lãnh cho nhà thầu tham dự thầu gói thầu này bằng một khoản tiền là ____[ghi rõ giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng].

Bảo lãnh này có hiệu lực trong ____(2) ngày, kể từ ngày____tháng___ năm___(3).

Theo yêu cầu của Bên yêu cầu bảo lãnh, chúng tôi, với tư cách là Bên bảo lãnh, cam kết chắc chắn sẽ thanh toán cho Bên thụ hưởng một khoản tiền hay các khoản tiền không vượt quá tổng số tiền là [ghi bằng chữ] [ghi bằng số] khi nhận được văn bản thông báo nhà thầu vi phạm từ Bên thụ hưởng trong đó nêu rõ:

1. Nhà thầu rút hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu;

2. Nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d Mục 41.1 - Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu;

3. Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành thương thảo hợp đồng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo mời đến thương thảo hợp đồng của Bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng;

4. Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của Bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng;

5. Nhà thầu không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Mục 43 - Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu.

Nếu Bên yêu cầu bảo lãnh được lựa chọn: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi Bên yêu cầu bảo lãnh ký kết hợp đồng và nộp Bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Bên thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng đó.

Nếu Bên yêu cầu bảo lãnh không được lựa chọn: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi chúng tôi nhận được bản chụp văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu từ Bên thụ hưởng gửi cho Bên yêu cầu bảo lãnh; trong vòng 30 ngày sau khi hết thời hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu.

Bất cứ yêu cầu bồi thường nào theo bảo lãnh này đều phải được đến tới văn phòng chúng tôi trước hoặc trong ngày đó.

 

 

Đại diện hợp pháp của ngân hàng

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Áp dụng trong trường hợp biện pháp bảo đảm dự thầu là thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

(2) Ghi theo quy định tại Mục 19.2 BDL

(3) Ghi ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22.1 BDL.

 

Mẫu số 04 (b)

BẢO LÃNH DỰ THẦU (1)

(áp dụng đối với nhà thầu liên danh)

Bên thụ hưởng:___[ghi tên và địa chỉ của Bên mời thầu]

Ngày phát hành bảo lãnh:___[ghi ngày phát hành bảo lãnh]

BẢO LÃNH DỰ THẦU số:___[ghi số trích yếu của Bảo lãnh dự thầu]

Bên bảo lãnh:___[ghi tên và địa chỉ nơi phát hành, nếu những thông tin này chưa được thể hiện ở phần tiêu đề trên giấy in]

Chúng tôi được thông báo rằng [ghi tên nhà thầu](2) (sau đây gọi là "Bên yêu cầu bảo lãnh") sẽ tham dự thầu để thực hiện gói thầu [ghi tên gói thầu] thuộc dự án [ghi tên dự án] theo Thư mời thầu/thông báo mời thầu số [ghi số trích yếu của Thư mời thầu/thông báo mời thầu].

Chúng tôi cam kết với Bên thụ hưởng rằng chúng tôi bảo lãnh cho nhà thầu tham dự thầu gói thầu này bằng một khoản tiền là ____ [ghi rõ giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng].

Bảo lãnh này có hiệu lực trong ____(3) ngày, kể từ ngày____tháng___ năm___(4).

Theo yêu cầu của Bên yêu cầu bảo lãnh, chúng tôi, với tư cách là Bên bảo lãnh, cam kết chắc chắn sẽ thanh toán cho Bên thụ hưởng một khoản tiền hay các khoản tiền không vượt quá tổng số tiền là [ghi bằng chữ] [ghi bằng số] khi nhận được văn bản thông báo nhà thầu vi phạm từ Bên thụ hưởng trong đó nêu rõ:

1. Nhà thầu rút hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu;

2. Nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d Mục 41.1 - Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu;

3. Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành thương thảo hợp đồng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo mời đến thương thảo hợp đồng của Bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng;

4. Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của Bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng;

5. Nhà thầu không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Mục 43 - Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu.

Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh _____ [ghi đầy đủ tên của nhà thầu liên danh] vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không được hoàn trả bảo đảm dự thầu theo quy định tại Mục 19.5 - Chỉ dẫn nhà thầu của hồ sơ mời thầu thì bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh sẽ không được hoàn trả.

Nếu Bên yêu cầu bảo lãnh được lựa chọn: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi Bên yêu cầu bảo lãnh ký kết hợp đồng và nộp Bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Bên thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng đó.

Nếu Bên yêu cầu bảo lãnh không được lựa chọn: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi chúng tôi nhận được bản chụp văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu từ Bên thụ hưởng gửi cho Bên yêu cầu bảo lãnh; trong vòng 30 ngày sau khi hết thời hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu.

Bất cứ yêu cầu bồi thường nào theo bảo lãnh này đều phải được đến tới văn phòng chúng tôi trước hoặc trong ngày đó.

 

 

Đại diện hợp pháp của ngân hàng

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Áp dụng trong trường hợp biện pháp bảo đảm dự thầu là thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam. Khuyến khích các ngân hàng sử dụng theo Mẫu này, trường hợp sử dụng theo mẫu khác mà vi phạm một trong các quy định như: có giá trị thấp hơn, thời gian hiệu lực ngắn hơn so với yêu cầu quy định tại Mục 19.2 CDNT, không đúng tên Bên mời thầu (đơn vị thụ hưởng), không phải là bản gốc và không có chữ ký hợp lệ hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho Bên mời thầu thì bảo lãnh dự thầu trong trường hợp này được coi là không hợp lệ.

(2) Tên nhà thầu có thể là một trong các trường hợp sau đây:

- Tên của cả nhà thầu liên danh, ví dụ nhà thầu liên danh A + B tham dự thầu thì tên nhà thầu ghi là “Nhà thầu liên danh A + B”;

- Tên của thành viên chịu trách nhiệm thực hiện bảo lãnh dự thầu cho cả liên danh hoặc cho thành viên khác trong liên danh, ví dụ nhà thầu liên danh A + B + C tham dự thầu, trường hợp trong thoả thuận liên danh phân công cho nhà thầu A thực hiện bảo đảm dự thầu cho cả liên danh thì tên nhà thầu ghi là “nhà thầu A (thay mặt cho nhà thầu liên danh A + B +C)”; trường hợp trong thỏa thuận liên danh phân công nhà thầu B thực hiện bảo đảm dự thầu cho nhà thầu B và C thì tên nhà thầu ghi là “Nhà thầu B (thay mặt cho nhà thầu B và C)”;

- Tên của thành viên liên danh thực hiện riêng rẽ bảo lãnh dự thầu.

(3) Ghi theo quy định tại Mục 19.2 BDL

(4) Ghi ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22.1 BDL.

 

Mẫu số 05 (a)

BẢN KÊ KHAI THÔNG TIN VỀ NHÀ THẦU

Ngày: _________________
Số hiệu và tên gói thầu: _________________
Trang_______/________trang

 

Tên nhà thầu:___[ghi tên nhà thầu]

Trong trường hợp liên danh, ghi tên của từng thành viên trong liên danh

Nơi nhà thầu đăng ký kinh doanh, hoạt động:___[ghi tên tỉnh/thành phố nơi đăng ký kinh doanh, hoạt động]

Năm thành lập công ty:___[ghi năm thành lập công ty]

Địa chỉ hợp pháp của nhà thầu:__[tại nơi đăng ký]

Thông tin về đại diện hợp pháp của nhà thầu

Tên: _____________________________________

Địa chỉ: ___________________________________

Số điện thoại/fax: ___________________________

Địa chỉ email: ______________________________

1. Kèm theo là bản chụp một trong các tài liệu sau đây: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu đang hoạt động cấp.

2. Trình bày sơ đồ tổ chức của nhà thầu.

 

Mẫu số 05 (b)

BẢN KÊ KHAI THÔNG TIN VỀ CÁC THÀNH VIÊN CỦA

NHÀ THẦU LIÊN DANH (1)

Ngày: _______________
Số hiệu và tên gói thầu: __________________
Trang_________ /___________ trang

 

Tên nhà thầu liên danh:

Tên thành viên của nhà thầu liên danh:

Quốc gia nơi đăng ký công ty của thành viên liên danh:

Năm thành lập công ty của thành viên liên danh:

Địa chỉ hợp pháp của thành viên liên danh tại quốc gia đăng ký:

Thông tin về đại diện hợp pháp của thành viên liên danh

Tên: ____________________________________

Địa chỉ: __________________________________

Số điện thoại/fax: __________________________

Địa chỉ e-mail: _____________________________

1. Kèm theo là bản chụp một trong các tài liệu sau đây: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu đang hoạt động cấp.

2. Trình bày sơ đồ tổ chức.

Ghi chú:

(1) Trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên của nhà thầu liên danh phải kê khai theo Mẫu này.

 

Mẫu số 06

HỢP ĐỒNG KHÔNG HOÀN THÀNH TRONG QUÁ KHỨ (1)

Tên nhà thầu: ________________
Ngày: ______________________
Tên thành viên của nhà thầu liên danh (nếu có):_________________________

 

Các hợp đồng không hoàn thành trong quá khứ theo quy định tại Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT

Không có hợp đồng nào đã ký nhưng không thực hiện kể từ ngày 1 tháng 1 năm__ [ghi năm] theo quy định tại tiêu chí đánh giá 1 trong Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

Có hợp đồng đã ký nhưng không hoàn thành tính từ ngày 1 tháng 1 năm___ [ghi năm] theo quy định tại tiêu chí đánh giá 1 trong Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

Năm

Phần việc hợp đồng không hoàn thành

Mô tả hợp đồng

Tổng giá trị hợp đồng (giá trị hiện tại, đơn vị tiền tệ, tỷ giá hối đoái, giá trị tương đương bằng VND)

 

 

Mô tả hợp đồng:

Tên Chủ đầu tư:

Địa chỉ:

Nguyên nhân không hoàn thành hợp đồng:

 

Ghi chú:

(1) Nhà thầu phải kê khai chính xác, trung thực các hợp đồng không hoàn thành trong quá khứ; nếu Bên mời thầu phát hiện bất cứ nhà thầu nào có hợp đồng không hoàn thành trong quá khứ mà không kê khai thì được coi là hành vi “gian lận” và HSDT sẽ bị loại.

Trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên của nhà thầu liên danh phải kê khai theo Mẫu này.

 

Mẫu số 07

KIỆN TỤNG ĐANG GIẢI QUYẾT (1)

Tên nhà thầu: ________________
Ngày: ______________________
Tên thành viên của nhà thầu liên danh (nếu có):_________________________

 

Các vụ kiện đang giải quyết

Chọn một trong các thông tin mô tả dưới đây:

□ Không có vụ kiện nào đang giải quyết.

□ Dưới đây là mô tả về các vụ kiện đang giải quyết mà nhà thầu là một bên đương sự (hoặc mỗi thành viên của liên danh nếu là nhà thầu liên danh).

Năm

Vấn đề tranh chấp

Giá trị vụ kiện đang giải quyết tính bằng VND

Tỷ lệ của giá trị vụ kiện đang giải quyết so với giá trị tài sản ròng

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Nhà thầu phải kê khai chính xác, trung thực các vụ kiện tụng đang giải quyết; nếu Bên mời thầu phát hiện bất cứ nhà thầu nào đang có các vụ kiện tụng mà không kê khai thì được coi là hành vi “gian lận” và HSDT sẽ bị loại.

Trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên của nhà thầu liên danh phải kê khai theo Mẫu này.

 

Mẫu số 08

HỢP ĐỒNG TƯƠNG TỰ DO NHÀ THẦU THỰC HIỆN (1)

___, ngày ____ tháng ____ năm ____

Tên nhà thầu: ____[ghi tên đầy đủ của nhà thầu]

Thông tin về từng hợp đồng, mỗi hợp đồng cần bảo đảm các thông tin sau đây:

Tên và số hợp đồng

[ghi tên đầy đủ của hợp đồng, số ký hiệu]

Ngày ký hợp đồng

[ghi ngày, tháng, năm]

Ngày hoàn thành

[ghi ngày, tháng, năm]

Giá hợp đồng

[ghi tổng giá hợp đồng bằng số tiền và đồng tiền đã ký]

Tương đương____ VND

Trong trường hợp là thành viên trong liên danh hoặc nhà thầu phụ, ghi giá trị phần hợp đồng mà nhà thầu đảm nhiệm

[ghi phần trăm giá hợp đồng trong tổng giá hợp đồng]

[ghi số tiền và đồng tiền đã ký]

Tương đương___ VND

Tên dự án:

[ghi tên đầy đủ của dự án có hợp đồng đang kê khai]

Tên Chủ đầu tư:

[ghi tên đầy đủ của chủ đầu tư trong hợp đồng đang kê khai]

Địa chỉ:

Điện thoại/fax:

E-mail:

[ghi đầy đủ địa chỉ hiện tại của chủ đầu tư]

[ghi số điện thoại, số fax kể cả mã quốc gia, mã vùng, địa chỉ e-mail]

Mô tả tính chất tương tự theo quy định tại Mục 2.1 Chương III(2)

1. Loại hàng hóa

[ghi thông tin phù hợp]

2. Về giá trị

[ghi số tiền bằng VND]

3. Về quy mô thực hiện

[ghi quy mô theo hợp đồng]

4. Các đặc tính khác

[ghi các đặc tính khác nếu cần thiết]

Nhà thầu phải gửi kèm theo bản chụp các văn bản, tài liệu liên quan đến các hợp đồng đó (xác nhận của Chủ đầu tư về hợp đồng đã hoàn thành theo các nội dung liên quan trong bảng trên...).

Ghi chú:

(1) Trong trường hợp liên danh, từng thành viên trong liên danh kê khai theo Mẫu này.

(2) Nhà thầu chỉ kê khai nội dung tương tự với yêu cầu của gói thầu.

 

Mẫu số 09

TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CỦA NHÀ THẦU (1)

Tên nhà thầu: ________________
Ngày: ______________________
Tên thành viên của nhà thầu liên danh (nếu có):_________________________

 

Số liệu tài chính cho 3 năm gần nhất (2) [VND]

Năm 1:

Năm 2:

Năm 3:

 

Thông tin từ Bảng cân đối kế toán

Tổng tài sản

 

 

 

Tổng nợ

 

 

 

Giá trị tài sản ròng

 

 

 

Tài sản ngắn hạn

 

 

 

Nợ ngắn hạn

 

 

 

Vốn lưu động

 

 

 

 

Thông tin từ Báo cáo kết quả kinh doanh

Tổng doanh thu

 

 

 

Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh(3)

 

Lợi nhuận trước thuế

 

 

 

Lợi nhuận sau thuế

 

 

 

Đính kèm là bản sao các báo cáo tài chính (các bảng cân đối kế toán bao gồm tất cả thuyết minh có liên quan, và các báo cáo kết quả kinh doanh) cho ba năm gần nhất(4), như đã nêu trên, tuân thủ các điều kiện sau:

1. Phản ánh tình hình tài chính của nhà thầu hoặc thành viên liên danh (nếu là nhà thầu liên danh) mà không phải tình hình tài chính của một chủ thể liên kết như công ty mẹ hoặc công ty con hoặc công ty liên kết với nhà thầu hoặc thành viên liên danh.

2. Các báo cáo tài chính được kiểm toán theo quy định.

3. Các báo cáo tài chính phải hoàn chỉnh, đầy đủ nội dung theo quy định.

4. Các báo cáo tài chính phải tương ứng với các kỳ kế toán đã hoàn thành và được kiểm toán. Kèm theo là bản chụp được chứng thực một trong các tài liệu sau đây:

- Biên bản kiểm tra quyết toán thuế;

- Tờ khai tự quyết toán thuế (thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) có xác nhận của cơ quan thuế về thời điểm đã nộp tờ khai;

- Tài liệu chứng minh việc nhà thầu đã kê khai quyết toán thuế điện tử;

- Văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế (xác nhận số nộp cả năm) về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế;

- Báo cáo kiểm toán;

- Các tài liệu khác.

Ghi chú:

(1) Trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên của nhà thầu liên danh phải kê khai theo Mẫu này.

(2), (4) Khoảng thời gian được nêu ở đây cần giống khoảng thời gian được quy định tại Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

(3) Để xác định doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà thầu sẽ chia tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các năm cho số năm dựa trên thông tin đã được cung cấp.

 

Mẫu số 10

NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH (1)

Nêu rõ các nguồn tài chính dự kiến, chẳng hạn như các tài sản có khả năng thanh khoản cao(2), các hạn mức tín dụng và các nguồn tài chính khác (không phải là các khoản tạm ứng theo hợp đồng) có sẵn để đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính quy định tại Mẫu số 11.

Nguồn lực tài chính của nhà thầu

STT

Nguồn tài chính

Số tiền (VND)

1

 

 

2

 

 

3

 

 

 

 

Tổng nguồn lực tài chính của nhà thầu (TNL)

 

Ghi chú:

(1) Từng nhà thầu hoặc thành viên liên danh phải cung cấp thông tin về nguồn lực tài chính của mình, kèm theo tài liệu chứng minh.

Nguồn lực tài chính mà nhà thầu dự kiến huy động để thực hiện gói thầu được tính theo công thức sau:

NLTC = TNL - ĐTH

Trong đó:

- NLTC là nguồn lực tài chính mà nhà thầu dự kiến huy động để thực hiện gói thầu;

- TNL là tổng nguồn lực tài chính của nhà thầu (tổng nguồn lực tài chính quy định tại Mẫu này);

- ĐTH là tổng yêu cầu về nguồn lực tài chính hàng tháng cho các hợp đồng đang thực hiện (quy định tại Mẫu số 11).

Nhà thầu được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu nếu có nguồn lực tài chính dự kiến huy động để thực hiện gói thầu (NLTC) tối thiểu bằng giá trị yêu cầu tại tiêu chí đánh giá 3.3 Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

Trường hợp trong HSDT, nhà thầu có nộp kèm theo bản cam kết tín dụng của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, trong đó cam kết sẽ cung cấp tín dụng cho nhà thầu để thực hiện gói thầu đang xét với hạn mức tối thiểu bằng giá trị yêu cầu tại tiêu chí đánh giá 3.3 Mục 2.1 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng thì nhà thầu được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu và không phải kê khai thông tin theo quy định Mẫu này và Mẫu số 11.

(2) Tài sản có khả năng thanh khoản cao là tiền mặt và tương đương tiền mặt, các công cụ tài chính ngắn hạn, các chứng khoán sẵn sàng để bán, chứng khoán dễ bán, các khoản phải thu thương mại, các khoản phải thu tài chính ngắn hạn và các tài sản khác mà có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng một năm.

 

Mẫu số 11

NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH HÀNG THÁNG CHO CÁC HỢP ĐỒNG ĐANG THỰC HIỆN (1)

STT

Tên hợp đồng

Người liên hệ của Chủ đầu tư (địa chỉ, điện thoại, fax)

Ngày hoàn thành hợp đồng

Thời hạn còn lại của hợp đồng tính bằng tháng
(A)(2)

Giá trị hợp đồng chưa thanh toán, bao gồm cả thuế
(B)(3)

Yêu cầu về nguồn lực tài chính hàng tháng
(B/A)

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng yêu cầu về nguồn lực tài chính hàng tháng cho các hợp đồng đang thực hiện (ĐTH).

 

Ghi chú:

(1) Từng nhà thầu hoặc thành viên liên danh phải cung cấp thông tin được nêu dưới đây để tính toán tổng các yêu cầu về nguồn lực tài chính, bằng tổng của: (i) các cam kết hiện tại của nhà thầu (hoặc từng thành trong viên liên danh) trong tất cả các hợp đồng mà nhà thầu (hoặc từng thành trong viên liên danh) đang thực hiện hoặc sẽ được thực hiện; (ii) yêu cầu về nguồn lực tài chính đối với hợp đồng đang xét theo xác định của Chủ đầu tư. Ngoài ra, nhà thầu cũng phải cung cấp thông tin về bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào khác có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện hợp đồng đang xét nếu nhà thầu được trao hợp đồng.

(2) Thời hạn còn lại của hợp đồng tính tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu.

(3) Giá trị hợp đồng còn lại chưa được thanh toán tính tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu.

 

Mẫu số 12

BẢNG ĐỀ XUẤT NHÂN SỰ CHỦ CHỐT

- Đối với từng vị trí công việc quy định tại Mẫu này thì nhà thầu phải kê khai các thông tin chi tiết theo Mẫu số 13 và Mẫu số 14 Chương này.

- Nhà thầu phải kê khai những nhân sự chủ chốt có năng lực phù hợp đáp ứng các yêu cầu quy định tại Mục 2.2 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT và có thể sẵn sàng huy động cho gói thầu; không được kê khai những nhân sự đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận.

1

Vị trí công việc: [ghi cụ thể vị trí công việc đảm nhận trong gói thầu]

 

Tên: [ghi tên nhân sự chủ chốt]

2

Vị trí công việc: [ghi cụ thể vị trí công việc đảm nhận trong gói thầu]

 

Tên: [ghi tên nhân sự chủ chốt]

3

Vị trí công việc

 

Tên

4

Vị trí công việc

 

Tên

5

Vị trí công việc

 

Tên

….

Vị trí công việc

Tên

 

Mẫu số 13

BẢN LÝ LỊCH CHUYÊN MÔN CỦA NHÂN SỰ CHỦ CHỐT

Nhà thầu phải cung cấp tất cả các thông tin được yêu cầu dưới đây và phải gửi kèm theo bản chụp được chứng thực các văn bằng, chứng chỉ có liên quan.

Vị trí

 

Thông tin nhân sự

Tên

Ngày, tháng, năm sinh:

Trình độ chuyên môn

 

Công việc hiện tại

Tên của người sử dụng lao động

 

Địa chỉ của người sử dụng lao động

 

Điện thoại

Người liên lạc (trưởng phòng / cán bộ phụ trách nhân sự)

Fax

 

E-mail

Chức danh

Số năm làm việc cho người sử dụng lao động hiện tại

 

Mẫu số 14

BẢN KINH NGHIỆM CHUYÊN MÔN

Tóm tắt kinh nghiệm chuyên môn theo trình tự thời gian từ hiện tại trở về trước. Nêu rõ các kinh nghiệm chuyên môn và kinh nghiệm quản lý cụ thể liên quan đến gói thầu.

Từ

Đến

Công ty / Dự án / Chức vụ / Kinh nghiệm

chuyên môn và quản lý có liên quan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu số 15 (a)

PHẠM VI CÔNG VIỆC SỬ DỤNG NHÀ THẦU PHỤ (1)

STT

Tên nhà thầu phụ(2)

Phạm vi công việc(3)

Khối lượng công việc(4)

Giá trị % ước tính(5)

Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với nhà thầu phụ(6)

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Trường hợp sử dụng nhà thầu phụ thì kê khai theo Mẫu này.

(2) Nhà thầu ghi cụ thể tên nhà thầu phụ. Trường hợp khi tham dự thầu chưa xác định được cụ thể danh tính của nhà thầu phụ thì không phải kê khai vào cột này mà chỉ kê khai vào cột “Phạm vi công việc”. Sau đó, nếu được lựa chọn thì khi huy động thầu phụ thực hiện công việc đã kê khai phải được sự chấp thuận của Chủ đầu tư.

(3) Nhà thầu ghi cụ thể tên hạng mục công việc dành cho nhà thầu phụ.

(4) Nhà thầu ghi cụ thể khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ.

(5) Nhà thầu ghi cụ thể giá trị % công việc mà nhà thầu phụ đảm nhận so với giá dự thầu.

(6) Nhà thầu ghi cụ thể số hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận, nhà thầu phải nộp kèm theo bản gốc hoặc bản chụp được chứng thực các tài liệu đó.

 

Mẫu số 15 (b)

BẢNG KÊ KHAI NHÀ THẦU PHỤ ĐẶC BIỆT (1)

Nhà thầu phải cung cấp tài liệu chứng minh đáp ứng yêu cầu quy định tại Mục 2.3 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá HSDT.

STT

Tên nhà thầu phụ đặc biệt(2)

Phạm vi công việc(3)

Khối lượng công việc(4)

Giá trị % ước tính(5)

Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với nhà thầu phụ đặc biệt(6)

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Trường hợp sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt thì kê khai theo Mẫu này.

(2) Nhà thầu ghi cụ thể tên nhà thầu phụ đặc biệt.

(3) Bên mời thầu ghi cụ thể tên hạng mục công việc sẽ được sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt.

(4) Nhà thầu ghi cụ thể khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt.

(5) Nhà thầu ghi cụ thể giá trị % công việc mà nhà thầu phụ đặc biệt đảm nhận so với giá trị gói thầu.

(6) Nhà thầu ghi cụ thể số hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận, nhà thầu phải nộp kèm theo bản gốc hoặc bản chụp được chứng thực các tài liệu đó.

 

B. CÁC BIỂU MẪU THUỘC HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ TÀI CHÍNH

Mẫu số 16 (a)

ĐƠN DỰ THẦU (1)

(thuộc HSĐXTC)

(áp dụng trong trường hợp nhà thầu không có đề xuất giảm giá hoặc có đề xuất giảm giá trong thư giảm giá riêng)

Ngày:__ [ghi ngày tháng năm ký đơn dự thầu]

Tên gói thầu:__ [ghi tên gói thầu theo thông báo mời thầu]

Tên dự án:__ [ghi tên dự án]

Thư mời thầu số:__[ghi số trích yếu của Thư mời thầu đối với đấu thầu hạn chế]

 

Kính gửi:__ [ghi đầy đủ và chính xác tên của Bên mời thầu]

Sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu và văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu số____ [ghi số của văn bản sửa đổi (nếu có)] mà chúng tôi đã nhận được, chúng tôi,____ [ghi tên nhà thầu], cam kết thực hiện gói thầu ____[ghi tên gói thầu] theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Cùng với Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, chúng tôi xin gửi kèm đơn này đề xuất về tài chính với tổng số tiền là ____[ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền dự thầu](2) cùng với bảng tổng hợp giá dự thầu kèm theo.

Hồ sơ đề xuất về tài chính này có hiệu lực trong thời gian ____ (3)ngày, kể từ ngày ____ tháng ____ năm ____(4).

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu (5)

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu (6)]

Ghi chú:

(1) Nhà thầu lưu ý, đơn dự thầu phải được ghi đầy đủ và chính xác các thông tin về tên của Bên mời thầu, nhà thầu, thời gian có hiệu lực của HSĐXTC, được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu.

Giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logic với tổng giá dự thầu ghi trong bảng tổng hợp giá dự thầu, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho Chủ đầu tư, Bên mời thầu. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần thì nhà thầu phải ghi giá dự thầu cho từng phần và tổng giá dự thầu cho các phần mà nhà thầu tham dự thầu; trường hợp trong HSMT cho phép chào theo một số đồng tiền khác nhau thì nhà thầu cần ghi rõ giá trị bằng số và bằng chữ của từng đồng tiền do nhà thầu chào.

(3) Ghi số ngày có hiệu lực theo quy định tại Mục 18.1 BDL. Thời gian có hiệu lực của HSĐXTC được tính kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực theo quy định trong HSMT. Từ thời điểm đóng thầu đến hết 24 giờ của ngày có thời điểm đóng thầu được tính là 1 ngày.

(4) Ghi ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22.1 BDL.

(5) Trường hợp đại diện theo pháp luật của nhà thầu ủy quyền cho cấp dưới ký đơn dự thầu thì phải gửi kèm theo Giấy ủy quyền theo Mẫu số 02 Chương này; trường hợp tại điều lệ công ty hoặc tại các tài liệu khác liên quan có phân công trách nhiệm cho cấp dưới ký đơn dự thầu thì phải gửi kèm theo các văn bản này (không cần lập Giấy ủy quyền theo Mẫu số 02 Chương này). Trường hợp nhà thầu là liên danh thì phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký, trừ trường hợp trong văn bản thỏa thuận liên danh theo Mẫu số 03 Chương này có quy định các thành viên trong liên danh thỏa thuận cho thành viên đứng đầu liên danh ký đơn dự thầu. Trường hợp từng thành viên liên danh có ủy quyền thì thực hiện như đối với nhà thầu độc lập. Nếu nhà thầu trúng thầu, trước khi ký kết hợp đồng, nhà thầu phải trình Chủ đầu tư bản chụp được chứng thực các văn bản này. Trường hợp phát hiện thông tin kê khai ban đầu là không chính xác thì nhà thầu bị coi là vi phạm Mục 3 CDNT.

(6) Trường hợp nhà thầu nước ngoài không có con dấu thì phải cung cấp xác nhận của tổ chức có thẩm quyền là chữ ký trong đơn dự thầu và các tài liệu khác trong HSDT là của người đại diện hợp pháp của nhà thầu.

 

Mẫu số 16 (b)

ĐƠN DỰ THẦU (1)

(thuộc HSĐXTC)

(áp dụng trong trường hợp nhà thầu có đề xuất giảm giá trong đơn dự thầu)

Ngày:__ [ghi ngày tháng năm ký đơn dự thầu].

Tên gói thầu:__ [ghi tên gói thầu theo thông báo mời thầu].

Tên dự án:__ [ghi tên dự án].

Thư mời thầu số:_ [ghi số trích yếu của Thư mời thầu đối với đấu thầu hạn chế].

 

Kính gửi: [ghi đầy đủ và chính xác tên của Bên mời thầu].

Sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu và văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu số____[ghi số của văn bản sửa đổi (nếu có)] mà chúng tôi đã nhận được, chúng tôi,____ [ghi tên nhà thầu], cam kết thực hiện gói thầu ____[ghi tên gói thầu] theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Cùng với Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, chúng tôi xin gửi kèm đơn này đề xuất về tài chính với tổng số tiền là ____[ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền dự thầu](2) cùng với bảng tổng hợp giá dự thầu kèm theo.

Ngoài ra, chúng tôi tự nguyện giảm giá dự thầu với số tiền giảm giá là:____[ghi giá trị giảm giá bằng số, bằng chữ và đồng tiền] (3).

Giá dự thầu sau khi trừ đi giá trị giảm giá là:_____[ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền].

Hồ sơ đề xuất về tài chính này có hiệu lực trong thời gian ____ (4)ngày, kể từ ngày ____ tháng ____ năm ____(5).

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu (6)

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu (7)]

Ghi chú:

(1) Nhà thầu lưu ý, đơn dự thầu phải được ghi đầy đủ và chính xác các thông tin về tên của Bên mời thầu, nhà thầu, thời gian có hiệu lực của HSĐXTC, được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu.

(2) Giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logic với tổng giá dự thầu ghi trong bảng tổng hợp giá dự thầu, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho Chủ đầu tư, Bên mời thầu. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần thì nhà thầu phải ghi giá dự thầu cho từng phần và tổng giá dự thầu cho các phần mà nhà thầu tham dự thầu; trường hợp trong HSMT cho phép chào theo một số đồng tiền khác nhau thì nhà thầu cần ghi rõ giá trị bằng số và bằng chữ của từng đồng tiền do nhà thầu chào.

(3) Ghi rõ giảm giá cho toàn bộ gói thầu hay giảm giá cho một hoặc nhiều công việc, hạng mục nào đó (nêu rõ công việc, hạng mục được giảm giá).

(4) Ghi số ngày có hiệu lực theo quy định tại Mục 18.1 BDL. Thời gian có hiệu lực của HSĐXTC được tính kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực theo quy định trong HSMT. Từ thời điểm đóng thầu đến hết 24 giờ của ngày có thời điểm đóng thầu được tính là 1 ngày.

(5) Ghi ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định tại Mục 22.1 BDL.

(6)  Trường hợp đại diện theo pháp luật của nhà thầu ủy quyền cho cấp dưới ký đơn dự thầu thì phải gửi kèm theo Giấy ủy quyền theo Mẫu số 02 Chương này; trường hợp tại điều lệ công ty hoặc tại các tài liệu khác liên quan có phân công trách nhiệm cho cấp dưới ký đơn dự thầu thì phải gửi kèm theo các văn bản này (không cần lập Giấy ủy quyền theo Mẫu số 02 Chương này). Trường hợp nhà thầu là liên danh thì phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký, trừ trường hợp trong văn bản thỏa thuận liên danh theo Mẫu số 03 Chương này có quy định các thành viên trong liên danh thỏa thuận cho thành viên đứng đầu liên danh ký đơn dự thầu. Trường hợp từng thành viên liên danh có ủy quyền thì thực hiện như đối với nhà thầu độc lập. Nếu nhà thầu trúng thầu, trước khi ký kết hợp đồng, nhà thầu phải trình Chủ đầu tư bản chụp được chứng thực các văn bản này. Trường hợp phát hiện thông tin kê khai ban đầu là không chính xác thì nhà thầu bị coi là vi phạm Mục 3 CDNT.

(7) Trường hợp nhà thầu nước ngoài không có con dấu thì phải cung cấp xác nhận của tổ chức có thẩm quyền là chữ ký trong đơn dự thầu và các tài liệu khác trong HSDT là của người đại diện hợp pháp của nhà thầu.

 

Mẫu số 17

BẢNG TỔNG HỢP GIÁ DỰ THẦU

(áp dụng đối với đấu thầu trong nước)

STT

Nội dung

Giá dự thầu

1

Giá chào cho hàng hóa

(M)

2

Dịch vụ liên quan

(I)

 

Tổng cộng giá dự thầu

(Kết chuyển sang đơn dự thầu)

(M) + (I)

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

BẢNG TỔNG HỢP GIÁ DỰ THẦU

(áp dụng đối với đấu thầu quốc tế)

STT

Nội dung

Giá dự thầu

1

Hàng hóa sản xuất, gia công trong nước hoặc hàng hóa sản xuất, gia công ngoài nước đã nhập khẩu và đang được chào bán tại Việt Nam

(M1)

2

Hàng hóa sản xuất, gia công ngoài nước

(M2)

3

Dịch vụ liên quan

(I)

 

Tổng cộng giá dự thầu

(Kết chuyển sang đơn dự thầu)

(M1) + (M2) + (I)

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

Mẫu số 17 (a)

BẢNG GIÁ DỰ THẦU CỦA HÀNG HÓA

(áp dụng đối với đấu thầu trong nước)

1

2

3

4

5

6

7

STT

Danh mục hàng hóa

Đơn vị tính

Khối lượng mời thầu

Xuất xứ, ký mã hiệu, nhãn mác của sản phẩm

Đơn giá dự thầu

Thành tiền

(Cột 4x6)

1

Hàng hóa thứ 1

 

 

 

 

M1

2

Hàng hóa thứ 2

 

 

 

 

M2

 

….

 

 

 

 

 

n

Hàng hóa thứ n

 

 

 

 

Mn

Tổng cộng giá dự thầu của hàng hóa đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

(Kết chuyển sang bảng tổng hợp giá dự thầu)

M=M1+M2+…+Mn

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

Các cột (1), (2), (3), (4) Bên mời thầu ghi phù hợp với Danh mục hàng hóa quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp; các cột (5), (6), (7) nhà thầu chào.

Đơn giá dự thầu tại cột (6) bao gồm các chi phí cần thiết để cung cấp hàng hóa theo yêu cầu của bên mời thầu, trong đó bao gồm các chi phí thuế, phí, lệ phí (nếu có) và không bao gồm các chi phí của dịch vụ liên quan tại Mẫu số 17 (b). Khi tham dự thầu, nhà thầu phải chịu trách nhiệm tìm hiểu, tính toán và chào đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) theo thuế suất, mức phí, lệ phí tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định. Trường hợp nhà thầu tuyên bố giá dự thầu không bao gồm thuế, phí, lệ phí thì HSDT của nhà thầu sẽ bị loại.

 

Mẫu số 17 (a1)

BẢNG GIÁ DỰ THẦU CỦA HÀNG HÓA SẢN XUẤT, GIA CÔNG

NGOÀI NƯỚC

(áp dụng đối với đấu thầu quốc tế)

1

2

3

4

5

6

7

8

STT

Danh mục hàng hóa

Đơn vị tính

Khối lượng mời thầu

Xuất xứ, ký mã hiệu, nhãn mác của sản phẩm

Đơn giá dự thầu

Thành tiền

(Cột 4x6)

Thuế, phí, lệ phí

(nếu có)

1

Hàng hóa thứ 1

 

 

 

 

A1

T1

2

Hàng hóa thứ 2

 

 

 

 

A2

T2

 

….

 

 

 

 

 

 

n

Hàng hóa thứ n

 

 

 

 

An

Tn

Tổng cộng giá dự thầu của hàng hóa chưa bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

A=A1+A2+ …+ An

 

Tổng cộng giá trị thuế, phí, lệ phí (nếu có)

T=T1+T2+…+Tn

Tổng cộng giá dự thầu của  hàng hóa đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

(Kết chuyển sang bảng tổng hợp giá dự thầu)

M1=A+T

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

Các cột (1), (2), (3), (4) Bên mời thầu ghi phù hợp với Danh mục hàng hóa quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp.

Các cột (5), (6), (7), (8) nhà thầu chào. Nhà thầu chào đơn giá dự thầu tại cột (6) theo quy định tại Mục 14.2 BDL, bao gồm các chi phí cần thiết để cung cấp hàng hóa theo yêu cầu của bên mời thầu, không bao gồm các chi phí thuế, phí, lệ phí (nếu có) tại cột (8) và không bao gồm chi phí của các dịch vụ liên quan tại Mẫu số 17 (b).

Cột (8) bao gồm tất cả các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có). Khi tham dự thầu, nhà thầu phải chịu trách nhiệm tìm hiểu, tính toán và chào đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) theo thuế suất, mức phí, lệ phí tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định. Trường hợp nhà thầu tuyên bố giá dự thầu không bao gồm thuế, phí, lệ phí thì HSDT của nhà thầu sẽ bị loại.

Tổng giá trị về thuế, phí, lệ phí (nếu có) sẽ không được xem xét trong quá trình đánh giá để so sánh, xếp hạng nhà thầu. Giá đề nghị trúng thầu và giá hợp đồng phải bao gồm giá trị về thuế, phí, lệ phí (nếu có).

 

Mẫu số 17 (a2)

BẢNG GIÁ DỰ THẦU CỦA HÀNG HÓA SẢN XUẤT, GIA CÔNG TRONG NƯỚC HOẶC HÀNG HÓA SẢN XUẤT, GIA CÔNG NGOÀI NƯỚC ĐÃ NHẬP KHẨU VÀ ĐANG ĐƯỢC CHÀO BÁN TẠI VIỆT NAM

(áp dụng đối với đấu thầu quốc tế)

1

2

3

4

5

6

7

8

STT

Danh mục hàng hóa

Đơn vị tính

Khối lượng mời thầu

Xuất xứ, ký mã hiệu, nhãn mác của sản phẩm

Đơn giá dự thầu

Thành tiền

(Cột 4x6)

Thuế, phí, lệ phí (nếu có)

1

Hàng hóa thứ 1

 

 

 

 

A1

T1

2

Hàng hóa thứ 2

 

 

 

 

A2

T2

 

….

 

 

 

 

 

 

n

Hàng hóa thứ n

 

 

 

 

An

Tn

Tổng cộng giá dự thầu của hàng hóa không bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

A=A1+A2+…+An

 

Tổng cộng giá trị thuế, phí, lệ phí (nếu có)

T=T1+T2+…+Tn

Tổng cộng giá dự thầu của hàng hóa đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

(Kết chuyển sang bảng tổng hợp giá dự thầu)

M2 =A+T

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

Các cột (1), (2), (3), (4) Bên mời thầu ghi phù hợp với Danh mục hàng hóa quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp.

Các cột (5), (6), (7), (8) nhà thầu chào. Đơn giá dự thầu tại cột (6) bao gồm các chi phí cần thiết để cung cấp hàng hóa theo yêu cầu của bên mời thầu, không bao gồm các chi phí thuế, phí, lệ phí (nếu có) tại cột (8) và không bao gồm chi phí của các dịch vụ liên quan tại Mẫu số 17 (b).

Cột (8) bao gồm tất cả các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có). Khi tham dự thầu, nhà thầu phải chịu trách nhiệm tìm hiểu, tính toán và chào đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) theo thuế suất, mức phí, lệ phí tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định. Trường hợp nhà thầu tuyên bố giá dự thầu không bao gồm thuế, phí, lệ phí thì HSDT của nhà thầu sẽ bị loại.

Tổng giá trị về thuế, phí, lệ phí (nếu có) sẽ không được xem xét trong quá trình đánh giá để so sánh, xếp hạng nhà thầu. Giá đề nghị trúng thầu và giá hợp đồng phải bao gồm giá trị về thuế, phí, lệ phí (nếu có).

 

Mẫu số 17 (b)

BẢNG GIÁ DỰ THẦU CHO CÁC DỊCH VỤ LIÊN QUAN

1

2

3

4

5

6

7

8

STT

Mô tả dịch vụ

Khối lượng mời thầu

Đơn vị tính

Địa điểm thực hiện dịch vụ

Ngày hoàn thành dịch vụ

Đơn giá dự thầu

Thành tiền

(Cột 3x7)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng giá dự thầu cho các dịch vụ liên quan đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

(Kết chuyển sang bảng tổng hợp giá dự thầu)

(I)

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

Các cột (1), (2), (3), (4), (5) và (6) Bên mời thầu ghi phù hợp với Biểu dịch vụ liên quan quy định tại Mục 1 Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp.

Các cột (7) và cột (8) do nhà thầu chào.

 

Mẫu số 18

BẢNG KÊ KHAI CHI PHÍ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC ĐỐI VỚI

HÀNG HÓA ĐƯỢC HƯỞNG ƯU ĐÃI (1)

STT

Tên hàng hóa

Giá trị

1

Tên hàng hóa thứ nhất

 

 

Giá chào của hàng hóa trong HSDT

(I)

 

Giá trị thuế các loại (trong đó bao gồm thuế nhập khẩu đối với các linh kiện, thiết bị cấu thành hàng hóa nhập khẩu, thuế VAT và các loại thuế khác phải trả cho hàng hóa)

(II)

 

Kê khai các chi phí nhập ngoại trong hàng hóa bao gồm các loại phí, lệ phí (nếu có) 

(III)

 

Chi phí sản xuất trong nước

G* = (I) - (II) - (III)

 

Tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước

D (%) = G*/G (%)

Trong đó G = (I) - (II)

2

Tên hàng hóa thứ hai

 

 

 

n

Tên hàng hóa thứ n

 

 

 

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Trường hợp hàng hóa không thuộc đối tượng ưu đãi thì nhà thầu không phải kê khai theo Mẫu này.

 

Phần 2. YÊU CẦU VỀ PHẠM VI CUNG CẤP

Chương V. PHẠM VI CUNG CẤP

Mục 1. Phạm vi và tiến độ cung cấp hàng hóa

Phạm vi và tiến độ cung cấp hàng hóa được Bên mời thầu đưa vào HSMT và phải bao gồm mô tả về các hàng hóa sẽ được cung cấp cũng như tiến độ cung cấp.

Các thông tin trong Mục này để hỗ trợ các nhà thầu khi lập các bảng giá theo các mẫu tương ứng quy định tại Chương IV - Biểu mẫu dự thầu.

1. Phạm vi cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan (nếu có)

 

PHẠM VI CUNG CẤP HÀNG HÓA

Bên mời thầu liệt kê chi tiết danh mục các hàng hóa yêu cầu cung cấp. Trong đó cần nêu rõ danh mục hàng hóa với số lượng, chủng loại yêu cầu và các mô tả, diễn giải chi tiết (nếu thấy cần thiết).

STT

Danh mục hàng hóa

Ký mã hiệu

Đơn vị

Khối lượng mời thầu

Mô tả hàng hóa(1)

Ghi chú

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Dẫn chiếu đến nội dung tương ứng quy định tại Mục 2 - Yêu cầu về kỹ thuật. (ví dụ: tên Mục, số trang, số Quyển...).

 

CÁC DỊCH VỤ LIÊN QUAN(1)

Bên mời thầu liệt kê danh mục các dịch vụ liên quan để thực hiện gói thầu theo bảng sau:

STT

Mô tả dịch vụ

Khối lượng mời thầu

Đơn vị tính

Địa điểm thực hiện dịch vụ

Ngày hoàn thành dịch vụ

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Trường hợp gói thầu không có yêu cầu dịch vụ liên quan thì Bên mời thầu xóa bỏ Biểu này.

2. Biểu tiến độ cung cấp

 

BIỂU TIẾN ĐỘ CUNG CẤP

Tiến độ yêu cầu cung cấp cần được Bên mời thầu lập thành biểu, trong đó nêu rõ tên hàng hóa với số lượng yêu cầu, địa điểm và tiến độ cung cấp cụ thể. Hàng hóa có thể được yêu cầu cung cấp thành một hoặc nhiều đợt khác nhau tùy theo yêu cầu của gói thầu.

STT

Danh mục hàng hóa

Đơn vị

Khối lượng mời thầu

Tiến độ cung cấp(1)

Địa điểm cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu cũng như loại hàng hóa cụ thể mà quy định, chẳng hạn yêu cầu cung cấp vào một thời điểm cụ thể (ngày tháng cụ thể), sau một số tuần nhất định kể từ khi hợp đồng có hiệu lực hoặc quy định trong một khoảng thời gian (từ tuần thứ __đến tuần thứ __kể từ khi hợp đồng có hiệu lực).

Mục 2. Yêu cầu về kỹ thuật

Yêu cầu về kỹ thuật bao gồm yêu cầu kỹ thuật (mang tính kỹ thuật thuần túy) và các yêu cầu khác liên quan đến việc cung cấp hàng hóa (trừ giá). Yêu cầu về kỹ thuật phải được nêu đầy đủ, rõ ràng và cụ thể để làm cơ sở cho nhà thầu lập HSDT.

Trong yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử.

Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì có thể nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị HSDT mà không được quy định tương đương về xuất xứ.

Yêu cầu về kỹ thuật bao gồm các nội dung cơ bản như sau:

2.1. Giới thiệu chung về dự án và gói thầu

Mục này nêu thông tin tóm tắt về dự án và về gói thầu như địa điểm thực hiện dự án, quy mô của dự án, yêu cầu về cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu, thời gian thực hiện gói thầu và những thông tin khác tùy theo tính chất và yêu cầu của gói thầu.

2.2. Yêu cầu về kỹ thuật

Yêu cầu về kỹ thuật bao gồm yêu cầu về kỹ thuật chung và yêu cầu về kỹ thuật chi tiết đối với hàng hóa thuộc phạm vi cung cấp của gói thầu.

Yêu cầu về kỹ thuật chung là các yêu cầu về chủng loại, tiêu chuẩn hàng hóa (quốc gia và quốc tế được công nhận), các yêu cầu về kiểm tra, thử nghiệm, đóng gói, vận chuyển, các điều kiện khí hậu tại nơi hàng hóa được sử dụng. Tùy thuộc vào sự phức tạp của hàng hóa, các yêu cầu kỹ thuật chung được nêu cho tất cả các hàng hóa hoặc cho từng loại hàng hóa riêng biệt.

Yêu cầu về kỹ thuật cụ thể như tính năng, thông số kỹ thuật, các bản vẽ, catalô, các thông số bảo hành… được nêu cho từng loại hàng hóa. Khi nêu yêu cầu, các thông số kỹ thuật có thể được mô tả dưới hình thức bảng biểu.

Nếu Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu cung cấp trong HSDT của mình một phần hoặc toàn bộ các thông số kỹ thuật, các bảng biểu kỹ thuật hoặc các thông tin kỹ thuật khác thì Bên mời thầu phải quy định rõ tính chất và mức độ thông tin yêu cầu và cách trình bày các thông tin đó trong HSDT.

[Nếu yêu cầu cung cấp bản tóm tắt thông số kỹ thuật thì Bên mời thầu phải ghi thông tin vào bảng dưới đây. Nhà thầu sẽ soạn một bảng tương tự để chứng minh hàng hóa do nhà thầu chào tuân thủ với các yêu cầu đó.]

Tóm tắt thông số kỹ thuật của hàng hóa và các dịch vụ liên quan phải tuân thủ các thông số kỹ thuật và các tiêu chuẩn sau đây:

Hạng mục số

Tên hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan

Thông số kỹ thuật và các tiêu chuẩn

[ghi số hiệu hạng mục]

[ghi tên]

[ghi thông số kỹ thuật và các tiêu chuẩn]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thông số kỹ thuật chi tiết và các tiêu chuẩn chi tiết [khi cần thiết].

[Mô tả chi tiết thông số kỹ thuật] _____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

______________________________________

2.3. Các yêu cầu khác

Các yêu cầu khác về kỹ thuật bao gồm yêu cầu về phạm vi cung cấp, yêu cầu về tiến độ cung cấp theo quy định tại Mục 1 Chương này, yêu cầu về phương thức thanh toán, yêu cầu về cung cấp tài chính (nếu có) và điều kiện tín dụng kèm theo, yêu cầu về dịch vụ liên quan như tổ chức lắp đặt máy móc, thiết bị, vận hành chạy thử, đào tạo, chuyển giao công nghệ...cũng như yêu cầu về phụ tùng thay thế và dịch vụ sau bán hàng (nếu có). Các yêu cầu này phải được nêu chi tiết để nhà thầu chuẩn bị HSDT.

Bên mời thầu chỉ yêu cầu nhà thầu nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác trong trường hợp hàng hóa là đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế. Các yêu cầu này phải được nêu chi tiết để nhà thầu chuẩn bị HSDT.

Ngoài ra, tùy theo từng gói thầu có thể yêu cầu nhà thầu chào phương án thay thế ngoài phương án chính theo yêu cầu của HSMT, trong đó cần quy định rõ phương án thay thế của nhà thầu chỉ được xem xét trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng khi nhà thầu được đề xuất trúng thầu theo phương án chính hoặc quy định trong trường hợp kết quả đánh giá các HSDT theo phương án chính không có nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu của HSMT thì mới xem xét phương án thay thế của các nhà thầu. 

Mục 3. Bản vẽ

HSMT này gồm có [ghi số lượng bản vẽ hoặc ghi “các bản vẽ sau đây”] bản vẽ. [nếu kèm theo tài liệu bản vẽ thì phải có danh mục bản vẽ theo mẫu dưới đây].

Danh mục bản vẽ

Bản vẽ số

Tên bản vẽ

Mục đích sử dụng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mục 4. Kiểm tra và thử nghiệm

Các kiểm tra và thử nghiệm cần tiến hành gồm có:__[ghi danh sách các kiểm tra và thử nghiệm].

 

Phần 3. ĐIỀU KIỆN HỢP ĐỒNG VÀ BIỂU MẪU HỢP ĐỒNG

Chương VI. ĐIỀU KIỆN CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG

1. Định nghĩa

Trong hợp đồng này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 

1.1. “Chủ đầu tư” là tổ chức được quy định tại ĐKCT;

1.2. “Hợp đồng” là thỏa thuận giữa Chủ đầu tư và nhà thầu, thể hiện bằng văn bản, được hai bên ký kết, bao gồm cả phụ lục và tài liệu kèm theo;

1.3. “Nhà thầu”  là nhà thầu trúng thầu (có thể là nhà thầu độc lập hoặc liên danh) và được quy định tại ĐKCT;

1.4. “Nhà thầu phụ” là một cá nhân hay tổ chức có tên trong danh sách các nhà thầu phụ do nhà thầu chính đề xuất trong HSDT hoặc nhà thầu thực hiện các phần công việc mà nhà thầu chính đề xuất trong HSDT; ký Hợp đồng với nhà thầu chính để thực hiện một phần công việc trong Hợp đồng theo nội dung đã kê khai trong HSDT được Chủ đầu tư chấp thuận;

1.5. “Tài liệu Hợp đồng” nghĩa là các tài liệu được liệt kê trong Hợp đồng, bao gồm bất kỳ bản sửa đổi, bổ sung nào của Hợp đồng;

1.6. "Giá hợp đồng" là tổng số tiền ghi trong hợp đồng cho việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan. Giá hợp đồng đã bao gồm tất cả các chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có);

1.7. “Ngày” là ngày dương lịch; tháng là tháng dương lịch;

1.8. "Hàng hóa" bao gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư, phụ tùng; hàng tiêu dùng; vật tư y tế dùng cho các cơ sở y tế;

1.9. "Dịch vụ liên quan" bao gồm các dịch vụ như bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác như đào tạo, chuyển giao công nghệ;

1.10. “Hoàn thành” là việc Nhà thầu hoàn tất các dịch vụ liên quan theo các điều khoản và điều kiện quy định tại Hợp đồng;

1.11. "Địa điểm dự án" là địa điểm được quy định tại ĐKCT.

2. Thứ tự ưu tiên

Các tài liệu cấu thành Hợp đồng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sau đây:

2.1. Hợp đồng, kèm theo các phụ lục hợp đồng;

2.2. Thư chấp thuận HSDT và trao hợp đồng;

2.3. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

2.4. ĐKCT;

2.5. ĐKC;

2.6. HSDT và các văn bản làm rõ HSDT của Nhà thầu;

2.7. HSMT và các tài liệu sửa đổi HSMT (nếu có);

2.8. Các tài liệu khác quy định tại ĐKCT.

3. Luật và ngôn ngữ

Luật điều chỉnh hợp đồng là luật Việt Nam, ngôn ngữ của hợp đồng là tiếng Việt.

4. Ủy quyền

Trừ khi có quy định khác trong ĐKCT, Chủ đầu tư có thể uỷ quyền thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào của mình cho người khác, sau khi thông báo bằng văn bản cho Nhà thầu và có thể rút lại quyết định uỷ quyền sau khi đã thông báo bằng văn bản cho Nhà thầu.

5. Thông báo

5.1. Bất cứ thông báo nào của một bên gửi cho bên kia liên quan đến hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, theo địa chỉ quy định tại ĐKCT.

5.2. Thông báo của một bên sẽ được coi là có hiệu lực kể từ ngày bên kia nhận được hoặc theo ngày hiệu lực nêu trong thông báo, tùy theo ngày nào đến muộn hơn.

6. Bảo đảm thực hiện hợp đồng

6.1. Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải được nộp lên Chủ đầu tư không muộn hơn ngày quy định tại Thư chấp thuận HSDT và trao hợp đồng. Bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng theo hình thức, giá trị và hiệu lực quy định tại ĐKCT.

6.2. Thời hạn hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại ĐKCT.

7. Nhà thầu phụ

7.1. Nhà thầu được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ quy định tại ĐKCT để thực hiện một phần công việc nêu trong HSDT. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các nghĩa vụ của nhà thầu. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các nghĩa vụ khác đối với phần việc do nhà thầu phụ thực hiện.

Việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã được nêu tại Mục này chỉ được thực hiện khi có lý do xác đáng, hợp lý và được Chủ đầu tư chấp thuận.

7.2. Nhà thầu không được sử dụng nhà thầu phụ cho các công việc khác ngoài công việc kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong HSDT.

7.3. Yêu cầu khác về nhà thầu phụ quy định tại ĐKCT.

8. Giải quyết tranh chấp

8.1. Chủ đầu tư và nhà thầu có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa hai bên thông qua thương lượng, hòa giải.

8.2. Nếu tranh chấp không thể giải quyết được bằng thương lượng, hòa giải trong thời gian quy định tại ĐKCT kể từ ngày phát sinh tranh chấp thì bất kỳ bên nào cũng đều có thể yêu cầu đưa việc tranh chấp ra giải quyết theo cơ chế được quy định tại ĐKCT.

9. Phạm vi cung cấp

Hàng hóa và các dịch vụ liên quan phải được cung cấp theo quy định tại Chương V - Phạm vi cung cấp và được đính kèm thành Phụ lục bảng giá hợp đồng và là một bộ phận không tách rời của hợp đồng này, bao gồm các loại hàng hóa, dịch vụ mà nhà thầu phải cung cấp cùng với đơn giá của các loại hàng hóa, dịch vụ đó.

10. Tiến độ cung cấp hàng hóa, lịch hoàn thành các dịch vụ liên quan (nếu có) và tài liệu chứng từ

Tiến độ cung cấp hàng hóa và lịch hoàn thành các dịch vụ liên quan (nếu có) phải được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương V - Phạm vi cung cấp.  Nhà thầu phải cung cấp các hoá đơn và/hoặc các chứng từ tài liệu khác theo quy định tại ĐKCT.

11. Trách nhiệm của Nhà thầu

Nhà thầu phải cung cấp toàn bộ Hàng hóa và các Dịch vụ liên quan (nếu có) trong Phạm vi cung cấp quy định tại Mục 9 ĐKC và theo tiến độ cung cấp hàng hóa, lịch hoàn thành các dịch vụ liên quan quy định tại Mục 10 ĐKC.

12. Loại hợp đồng và giá hợp đồng

12.1. Loại hợp đồng theo quy định tại ĐKCT.

12.2. Giá hợp đồng quy định tại ĐKCT là toàn bộ chi phí để thực hiện hoàn thành việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan của gói thầu nêu trong Bảng giá hợp đồng trên cơ sở bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu của gói thầu. Giá hợp đồng đã bao gồm toàn bộ các chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có).

12.3. Bảng giá hợp đồng quy định tại Phụ lục bảng giá hợp đồng là một bộ phận không tách rời của hợp đồng này, bao gồm phạm vi cung cấp và thành tiền của các hạng mục.

13. Điều chỉnh giá hợp đồng và khối lượng hợp đồng

Việc điều chỉnh giá hợp đồng và khối lượng hợp đồng thực hiện theo quy định tại ĐKCT.

14. Điều chỉnh thuế

Việc điều chỉnh thuế thực hiện theo quy định tại ĐKCT.

15. Tạm ứng

15.1. Chủ đầu tư phải cấp cho Nhà thầu khoản tiền tạm ứng theo quy định tại ĐKCT, sau khi Nhà thầu nộp Bảo lãnh tạm ứng tương đương với khoản tiền tạm ứng. Bảo lãnh tạm ứng phải được phát hành bởi một ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và có hiệu lực cho đến khi hoàn trả hết khoản tiền tạm ứng; giá trị của bảo lãnh tạm ứng sẽ được giảm dần theo số tiền tạm ứng mà Nhà thầu hoàn trả. Không tính lãi đối với tiền tạm ứng.

15.2. Nhà thầu chỉ được sử dụng tiền tạm ứng cho việc thực hiện Hợp đồng. Nhà thầu phải chứng minh rằng khoản tiền tạm ứng đã được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng bằng cách nộp bản sao các hóa đơn chứng từ hoặc tài liệu liên quan cho Chủ đầu tư. Nhà thầu sẽ bị thu bảo lãnh tạm ứng trong trường hợp sử dụng tiền tạm ứng không đúng mục đích.

15.3. Tiền tạm ứng phải được hoàn trả bằng cách khấu trừ một tỷ lệ nhất định trong các khoản thanh toán đến hạn cho Nhà thầu, theo bảng kê tỷ lệ phần trăm công việc đã hoàn thành làm cơ sở thanh toán.

16. Thanh toán

16.1. Việc thanh toán thực hiện theo quy định tại ĐKCT. Trường hợp Chủ đầu tư thanh toán chậm, Nhà thầu sẽ được trả lãi trên số tiền thanh toán chậm vào lần thanh toán kế tiếp. Lãi suất thanh toán chậm được tính từ ngày mà lẽ ra phải thanh toán cho đến ngày thanh toán thực tế và mức lãi suất áp dụng là mức lãi suất hiện hành đối với các khoản vay thương mại bằng VND.

16.2. Đồng tiền thanh toán là: VND.

17. Bản quyền

Nhà thầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại phát sinh do việc khiếu nại của bên thứ ba về việc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hóa mà nhà thầu đã cung cấp cho Chủ đầu tư.

18. Sử dụng các tài liệu và thông tin liên quan đến hợp đồng

18.1. Nếu không có sự đồng ý trước bằng văn bản của Chủ đầu tư, Nhà thầu không được tiết lộ nội dung của hợp đồng cũng như đặc tính kỹ thuật, sơ đồ, bản vẽ, kiểu dáng, mẫu mã, thông tin do Chủ đầu tư hoặc đại diện của Chủ đầu tư đưa ra cho bất cứ ai không phải là người có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng. Việc nhà thầu cung cấp các thông tin cho người có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng được thực hiện theo chế độ bảo mật và trong phạm vi cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng này.

18.2. Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ đầu tư, nhà thầu không được sử dụng bất cứ thông tin hoặc tài liệu nào quy định tại Mục 18.1 ĐKC này vào mục đích khác trừ khi vì mục đích thực hiện hợp đồng.

18.3. Các tài liệu quy định tại Mục 18.1 ĐKC thuộc quyền sở hữu của Chủ đầu tư. Khi Chủ đầu tư có yêu cầu, nhà thầu phải trả lại cho Chủ đầu tư các tài liệu này (bao gồm cả các bản chụp) sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp  đồng.

19. Thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn

Hàng hóa và các dịch vụ liên quan được cung cấp theo Hợp đồng này sẽ phải tuân theo các thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn đề cập tại Mục 2 Chương VI - Phạm vi cung cấp; nếu tại Mục 2 Chương VI không đề cập đến một thông số hay tiêu chuẩn nào có thể áp dụng thì phải tuân thủ theo thông số và tiêu chuẩn tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn hiện hành tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà hàng hóa có xuất xứ.

20. Đóng gói hàng hóa

Nhà thầu sẽ phải đóng gói hàng hóa đúng yêu cầu quy định tại ĐKCT phù hợp với từng loại phương tiện vận chuyển để chuyển hàng hóa từ nơi xuất hàng đến địa điểm giao hàng quy định. Việc đóng gói phải bảo đảm hàng hóa không bị hư hỏng do va chạm trong khi bốc dỡ vận chuyển và các tác động khác của môi trường. Kích thước và trọng lượng của mỗi kiện hàng phải tính đến điều kiện vận chuyển như khoảng cách, phương tiện vận chuyển, điều kiện cơ sở hạ tầng... từ nơi xuất hàng đến địa điểm giao hàng quy định.

21. Bảo hiểm

Hàng hóa cung cấp theo hợp đồng phải được bảo hiểm đầy đủ để bù đắp những mất mát, tổn thất bất thường trong quá trình sản xuất, vận chuyển, lưu kho và giao hàng theo những nội dung được quy định tại ĐKCT.

22. Vận chuyển và các dịch vụ phát sinh 

Yêu cầu về vận chuyển hàng hóa và các yêu cầu khác được quy định tại ĐKCT.

23. Kiểm tra và thử nghiệm hàng hóa

23.1. Chủ đầu tư hoặc đại diện của Chủ đầu tư có quyền kiểm tra, thử nghiệm hàng hóa được cung cấp để khẳng định hàng hóa đó có đặc tính kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của hợp đồng. Nội dung, địa điểm và cách thức tiến hành kiểm tra, thử nghiệm được quy định tại ĐKCT.

23.2. Bất kỳ hàng hóa nào qua kiểm tra, thử nghiệm mà không phù hợp với đặc tính kỹ thuật theo hợp đồng thì Chủ đầu tư có quyền từ chối và nhà thầu phải có trách nhiệm thay thế bằng hàng hóa khác hoặc tiến hành những điều chỉnh cần thiết để đáp ứng đúng các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật. Trường hợp nhà thầu không có khả năng thay thế hay điều chỉnh các hàng hóa không phù hợp, Chủ đầu tư có quyền tổ chức việc thay thế hay điều chỉnh đó nếu thấy cần thiết, mọi rủi ro và chi phí liên quan do nhà thầu chịu.

23.3. Khi thực hiện các nội dung quy định tại Mục 23.1 và Mục 23.2 ĐKC, nhà thầu không được miễn trừ nghĩa vụ bảo hành hay các nghĩa vụ khác theo hợp đồng.

24. Bồi thường thiệt hại

Trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định tại Mục 26 ĐKC, nếu nhà thầu không thực hiện một phần hay toàn bộ nội dung công việc theo hợp đồng trong thời hạn đã nêu trong hợp đồng thì Chủ đầu tư có thể khấu trừ vào giá hợp đồng một khoản tiền bồi thường tương ứng với % giá trị công việc chậm thực hiện như quy định tại ĐKCT tính cho mỗi tuần chậm thực hiện hoặc khoảng thời gian khác như thỏa thuận cho đến khi nội dung công việc đó được thực hiện. Chủ đầu tư sẽ khấu trừ đến % tối đa như quy định tại ĐKCT. Khi đạt đến mức tối đa, Chủ đầu tư có thể xem xét chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Mục 29 ĐKC.

25. Bảo hành 

25.1. Nhà thầu bảo đảm rằng hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng là mới, chưa sử dụng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn chế tạo, trừ khi có quy định khác nêu tại ĐKCT. Ngoài ra, nhà thầu cũng phải bảo đảm rằng hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng sẽ không có các khuyết tật nảy sinh có thể dẫn đến những bất lợi trong quá trình sử dụng bình thường của hàng hóa.

25.2. Yêu cầu về bảo hành đối với hàng hóa quy định tại ĐKCT.

26. Bất khả kháng

26.1. Trong hợp đồng này, bất khả kháng được hiểu là những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng lường trước của các bên, chẳng hạn như: chiến tranh, bạo loạn, đình công, hỏa hoạn, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, cách ly do kiểm dịch.

26.2. Khi xảy ra trường hợp bất khả kháng, bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng phải kịp thời thông báo bằng văn bản cho bên kia về sự kiện đó và nguyên nhân gây ra sự kiện. Đồng thời, chuyển cho bên kia giấy xác nhận về sự kiện bất khả kháng đó được cấp bởi một tổ chức có thẩm quyền tại nơi xảy ra sự kiện bất khả kháng.

Trong khoảng thời gian không thể thực hiện hợp đồng do điều kiện bất khả kháng, Nhà thầu theo hướng dẫn của Chủ đầu tư vẫn phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng của mình theo hoàn cảnh thực tế cho phép và phải tìm mọi biện pháp hợp lý để thực hiện các phần việc không bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng. Trong trường hợp này, Chủ đầu tư phải xem xét để bồi hoàn cho Nhà thầu các khoản phụ phí cần thiết và hợp lý mà họ phải gánh chịu.

26.3. Một bên không hoàn thành nhiệm vụ của mình do trường hợp bất khả kháng sẽ không phải bồi thường thiệt hại, bị phạt hoặc bị chấm dứt hợp đồng.

Trường hợp phát sinh tranh chấp giữa các bên do sự kiện bất khả kháng xảy ra hoặc kéo dài thì tranh chấp sẽ được giải quyết theo quy định tại Mục 8 ĐKC.

27. Hiệu chỉnh, bổ sung hợp đồng

27.1. Việc hiệu chỉnh, bổ sung hợp đồng có thể được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi bản vẽ, thiết kế công nghệ hoặc yêu cầu kỹ thuật đối với trường hợp hàng hóa cung cấp theo hợp đồng mang tính đặc chủng được đặt hàng sản xuất cho riêng Chủ đầu tư;

b) Bổ sung hạng mục công việc, hàng hóa hoặc dịch vụ cần thiết ngoài phạm vi công việc quy định trong hợp đồng;

c)  Thay đổi phương thức vận chuyển hoặc đóng gói;

d)  Thay đổi địa điểm giao hàng;

đ)  Thay đổi thời gian thực hiện hợp đồng;

e)  Các nội dung khác quy định tại ĐKCT.

27.2. Chủ đầu tư và nhà thầu sẽ tiến hành thương thảo để làm cơ sở ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng trong trường hợp hiệu chỉnh, bổ sung hợp đồng.

28. Điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng

Tiến độ thực hiện hợp đồng chỉ được điều chỉnh trong trường hợp sau đây:

28.1. Trường hợp bất khả kháng, không liên quan đến vi phạm hoặc sơ suất của các bên tham gia hợp đồng;

28.2. Thay đổi phạm vi cung cấp, biện pháp cung cấp do yêu cầu khách quan làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng;

28.3. Trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng mà không làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận, thống nhất việc điều chỉnh. Trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

28.4. Các trường hợp khác quy định tại ĐKCT.

29. Chấm dứt hợp đồng

29.1. Chủ đầu tư hoặc nhà thầu có thể chấm dứt hợp đồng nếu một trong hai bên có vi phạm cơ bản về hợp đồng như sau:

a) Nhà thầu không thực hiện một phần hoặc toàn bộ nội dung công việc theo hợp đồng trong thời hạn đã nêu trong hợp đồng hoặc trong khoảng thời gian đã được Chủ đầu tư gia hạn;

b) Chủ đầu tư hoặc Nhà thầu bị phá sản hoặc phải thanh lý tài sản để tái cơ cấu hoặc sáp nhập;

c) Có bằng chứng cho thấy Nhà thầu đã vi phạm một trong các hành vi bị cấm quy định tại Điều 89 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 trong quá trình đấu thầu hoặc thực hiện Hợp đồng;

d) Các hành vi khác quy định tại ĐKCT.

29.2. Trong trường hợp Chủ đầu tư chấm dứt việc thực hiện một phần hay toàn bộ hợp đồng theo điểm a Mục 29.1 ĐKC thì nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho Chủ đầu tư những chi phí vượt trội cho việc thực hiện phần hợp đồng bị chấm dứt này. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn phải tiếp tục thực hiện phần hợp đồng không bị chấm dứt và chịu trách nhiệm bảo hành phần hợp đồng do mình thực hiện.

29.3. Trong trường hợp Chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng theo quy định tại điểm b Mục 29.1 ĐKC, Chủ đầu tư không phải chịu bất cứ chi phí đền bù nào. Việc chấm dứt hợp đồng này không làm mất đi quyền lợi của Chủ đầu tư được hưởng theo quy định của hợp đồng và pháp luật.

 

Chương VII. ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG

Trừ khi có quy định khác, toàn bộ ĐKCT phải được Bên mời thầu ghi đầy đủ trước khi phát hành HSMT.

ĐKC 1.1

Chủ đầu tư là:___[ghi tên hợp pháp đầy đủ của Chủ đầu tư].

ĐKC 1.3

Nhà thầu: ___[ghi tên Nhà thầu trúng thầu].

ĐKC 1.11

Địa điểm Dự án/Điểm giao hàng cuối cùng là:___[ghi tên và thông tin chi tiết về địa điểm]. 

ĐKC 2.8

Các tài liệu sau đây cũng là một phần của Hợp đồng:___[liệt kê tài liệu].

ĐKC 4

Chủ đầu tư [có thể hoặc không thể] ủy quyền các nghĩa vụ và trách nhiệm của mình cho người khác.

ĐKC 5.1

Các thông báo cần gửi về Chủ đầu tư theo địa chỉ dưới đây:

Người nhận:___[ghi tên đầy đủ của người nhận, nếu có].

Địa chỉ:___[ghi đầy đủ địa chỉ].

Điện thoại:___[ghi số điện thoại, bao gồm mã quốc gia và mã thành phố].

Fax:___[ghi số fax, bao gồm mã quốc gia và mã thành phố].

Địa chỉ email:___[ghi địa chỉ email (nếu có)].

ĐKC 6.1

- Hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng:___[căn cứ quy mô, tính chất và yêu cầu của gói thầu, quy định nhà thầu cung cấp một bảo đảm thực hiện hợp đồng theo hình thức thư bảo lãnh do Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành hoặc theo hình thức đặt cọc bằng Séc. Trường hợp Nhà thầu nộp Thư bảo lãnh của Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành thì phải là bảo đảm không có điều kiện (trả tiền khi có yêu cầu, theo Mẫu số 21 Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng)].

- Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng: ____% Giá hợp đồng. [ghi giá trị cụ thể căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, từ 2% đến 10% Giá hợp đồng].

 - Hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng: Bảo đảm thực hiện hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến hết ngày ____tháng ____năm ____[căn cứ quy mô, tính chất và yêu cầu của gói thầu mà quy định thời hạn này, ví dụ: Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải có hiệu lực cho đến khi toàn bộ hàng hóa được bàn giao, hai bên ký biên bản nghiệm thu và Nhà thầu chuyển sang nghĩa vụ bảo hành theo quy định].

ĐKC 6.2

Thời hạn hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng:___[ghi cụ thể thời hạn hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng căn cứ tính chất và yêu cầu của gói thầu].

ĐKC 7.1

Danh sách nhà thầu phụ:__[ghi danh sách nhà thầu phụ phù hợp với danh sách nhà thầu phụ nêu trong HSDT].

ĐKC 7.3

Nêu các yêu cầu cần thiết khác về nhà thầu phụ:___[ghi yêu cầu khác về nhà thầu phụ (nếu có)].

ĐKC 8.2

Thời gian để tiến hành hòa giải:___[ghi số ngày tiến hành hòa giải tối đa].

Giải quyết tranh chấp:___[ghi cụ thể thời gian và cơ chế xử lý tranh chấp căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu. Trong đó cần nêu rõ thời gian gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp, tổ chức giải quyết tranh chấp, chi phí cho việc giải quyết tranh chấp...].

ĐKC 10

Nhà thầu phải cung cấp các thông tin và chứng từ sau đây về việc vận chuyển hàng hóa:___[ghi tên các tài liệu chứng từ cần có].

Chủ đầu tư phải nhận được các tài liệu chứng từ nói trên trước khi hàng hóa đến nơi, nếu không Nhà thầu sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ chi phí nào phát sinh do việc này.

ĐKC 12.1

Loại hợp đồng:___[ghi loại hợp đồng theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt].

ĐKC 12.2

Giá hợp đồng:___[ghi giá hợp đồng theo giá trị nêu trong Thư chấp thuận HSDT và trao hợp đồng].

ĐKC 13

Điều chỉnh giá hợp đồng và khối lượng hợp đồng:

- Đối với loại hợp đồng trọn gói:____[ghi “không áp dụng”];

- Đối với loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh:____[ghi như sau:

“a) Việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ được áp dụng trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực;

b) Việc điều chỉnh đơn giá được thực hiện từ thời điểm phát sinh yếu tố làm thay đổi giá và chỉ áp dụng đối với khối lượng được thực hiện theo đúng tiến độ ghi trong hợp đồng hoặc tiến độ được điều chỉnh theo quy định tại Mục 28 ĐKC. Không điều chỉnh đơn giá cho các khối lượng công việc trong hợp đồng tương ứng với số tiền đã tạm ứng hợp đồng;

c) Giá hợp đồng sẽ được điều chỉnh trong thời gian thực hiện hợp đồng nhằm phản ánh những thay đổi về chi phí nhân công và vật tư. Việc điều chỉnh giá sẽ được thực hiện theo công thức sau:

a+b+c = 1

Trong đó:

P1 = Giá phải trả cho nhà thầu sau khi điều chỉnh

P0 = Giá Hợp đồng (giá cơ bản)

a = yếu tố cố định thể hiện lợi nhuận và phí quản lý chung được gộp vào trong Giá hợp đồng, thông thường trong khoảng từ 5% đến 15%

b = ước tính tỷ lệ của chi phí lao động (nhân công) trong giá hợp đồng

c = ước tính tỷ lệ của chi phí vật tư trong giá hợp đồng

L0, L1 = lần lượt là chỉ số giá nhân công áp dụng cho ngành sản xuất hàng hóa tại nước xuất xứ của hàng hóa vào ngày cơ bản và ngày điều chỉnh giá

M0, M1 = lần lượt là chỉ số giá vật tư vào ngày cơ bản và ngày điều chỉnh giá tại nước xuất xứ của hàng hóa

Trong HSDT, nhà thầu phải ghi rõ nguồn trích dẫn các chỉ số đó, và giá trị các chỉ số vào ngày cơ bản.

Các hệ số a, b, và c sẽ do Bên mời thầu xác định như sau:

a = [điền giá trị hệ số]

b = [điền giá trị hệ số]

c = [điền giá trị hệ số]

Ngày cơ bản = 28 ngày trước thời điểm đóng thầu.

Ngày điều chỉnh giá = [điền số tuần] tuần trước ngày chất hàng lên tàu (thường tương ứng với thời điểm khi quá trình sản xuất đã hoàn thành một nửa).

Điều kiện thực hiện điều chỉnh giá:

(i) Không được phép điều chỉnh giá ngoài thời hạn giao hàng gốc. Thông thường, điều chỉnh giá không được áp dụng cho khoảng thời gian chậm trễ mà Nhà thầu phải chịu toàn bộ trách nhiệm.

(ii) Nếu đồng tiền thể hiện giá hợp đồng P0 không phải là đồng tiền ghi chỉ số giá nhân công và vật tư thì sẽ áp dụng một hệ số quy đổi để tránh sai sót khi điều chỉnh giá hợp đồng. Hệ số quy đổi phải tương ứng với tỷ lệ tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền vào ngày cơ bản và ngày điều chỉnh giá đã xác định ở trên.

(iii) Số tiền tương ứng với khoản thanh toán tạm ứng cho Nhà thầu sẽ không được điều chỉnh giá.

d) Điều chỉnh khối lượng:

- Những khối lượng công việc tăng do lỗi chủ quan của Nhà thầu gây ra thì không được phép điều chỉnh;

- Đối với những khối lượng công việc trong bảng giá hợp đồng mà thực tế thực hiện chênh lệch quá 20% khối lượng quy định ban đầu thì hai bên phải thỏa thuận nguyên tắc điều chỉnh đơn giá hợp lý, phù hợp với điều kiện thay đổi khối lượng (tăng hoặc giảm) khi thanh toán cho phần khối lượng thực hiện chênh lệch quá 20% này;

- Những khối lượng phát sinh ngoài điều kiện quy định điều chỉnh ban đầu của hợp đồng hoặc trường hợp cần phải có sự tham gia của cả hai bên trong hợp đồng để ngăn ngừa, khắc phục các rủi ro thuộc trách nhiệm một bên thì hai bên cùng bàn bạc thống nhất biện pháp xử lý.

ĐKC 14

Điều chỉnh thuế:___[ghi “được phép” hoặc “không được phép” áp dụng điều chỉnh thuế. Trường hợp được phép áp dụng điều chỉnh thuế thì ghi: “trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp tại thời điểm thanh toán nếu chính sách về thuế có sự thay đổi (tăng hoặc giảm) và trong hợp đồng có quy định được điều chỉnh thuế, đồng thời nhà thầu xuất trình được các tài liệu xác định rõ số thuế phát sinh thì khoản chênh lệch của chính sách về thuế sẽ được điều chỉnh theo quy định trong hợp đồng”].

ĐKC 15.1

Tạm ứng:____[ghi số tiền tạm ứng, các chứng từ để tạm ứng, phương thức tạm ứng…phù hợp quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu nhà thầu xuất trình bảo lãnh tiền tạm ứng theo Mẫu số 22 Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng. Đối với việc sản xuất các cấu kiện, bán thành phẩm có giá trị lớn, một số vật liệu phải dự trữ theo mùa thì trong hợp đồng phải nêu rõ về kế hoạch tạm ứng và mức tạm ứng để bảo đảm tiến độ thực hiện hợp đồng].

ĐKC 16.1

Phương thức thanh toán:___[căn cứ tính chất và yêu cầu của gói thầu mà quy định cụ thể nội dung này. Việc thanh toán cho nhà thầu có thể quy định thanh toán bằng tiền mặt, thư tín dụng, chuyển khoản… số lần thanh toán là nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng. Thời hạn thanh toán có thể quy định thanh toán ngay hoặc trong vòng không quá một số ngày nhất định kể từ khi nhà thầu xuất trình đầy đủ các chứng từ theo yêu cầu. Đồng thời, cần quy định cụ thể về chứng từ thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật].

ĐKC 20

Đóng gói hàng hóa: ____[căn cứ quy mô, tính chất của từng loại hàng hóa cũng như phương thức vận chuyển mà quy định cụ thể việc đóng gói. Trong đó cần nêu rõ quy định về cách thức đóng gói, vật liệu đóng gói, thông tin về hàng hóa ghi trên bao kiện đóng gói, các chỉ dẫn cho việc bốc dỡ, vận chuyển...].

ĐKC 21

Nội dung bảo hiểm: ___[căn cứ tính chất và yêu cầu của gói thầu mà quy định cụ thể nội dung này trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật cũng như phù hợp với các điều kiện thương mại được áp dụng].

ĐKC 22

- Yêu cầu về vận chuyển hàng hóa: ___[nêu yêu cầu về vận chuyển hàng hóa, bao gồm cả địa điểm giao hàng tùy theo yêu cầu và tính chất của gói thầu].

- Các yêu cầu khác: ___[căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà quy định nội dung này, chẳng hạn yêu cầu về phụ tùng thay thế, dịch vụ kỹ thuật kèm theo đối với máy móc, thiết bị,…

+ Phụ tùng thay thế: Trường hợp có yêu cầu về phụ tùng thay thế thì nêu rõ nội dung này trên cơ sở phù hợp với yêu cầu quy định tại Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp.

+ Dịch vụ kỹ thuật: Trường hợp có yêu cầu về dịch vụ kỹ thuật thì nêu rõ nội dung này trên cơ sở phù hợp với Phần 2 - Yêu cầu về phạm vi cung cấp, ví dụ:

a) Thực hiện việc lắp đặt hoặc giám sát việc lắp đặt tại hiện trường, chạy thử các máy móc, thiết bị đã cung cấp;

b) Cung cấp các dụng cụ cần thiết để lắp ráp, bảo dưỡng máy móc, thiết bị được cung cấp;

c) Cung cấp các tài liệu chỉ dẫn chi tiết về vận hành và bảo dưỡng cho mỗi loại thiết bị được cung cấp;

d) Thực hiện hoặc giám sát việc bảo dưỡng, sửa chữa các máy móc, thiết bị đã cung cấp;

đ) Đào tạo nhân sự cho chủ đầu tư về việc lắp đặt, chạy thử, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các máy móc, thiết bị được cung cấp;

e) Các nội dung khác (nếu có)].

ĐKC 23.1

Kiểm tra, thử nghiệm hàng hóa: ___[căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà quy định cụ thể việc kiểm tra, thử nghiệm của nhà thầu trên cơ sở phù hợp với yêu cầu quy định tại Chương V - Phạm vi cung cấp. Việc kiểm tra, thử nghiệm có thể quy định theo từng giai đoạn như: trước khi giao hàng, khi hàng đến... Trong các quy định về kiểm tra, thử nghiệm cần nêu được các nội dung cơ bản như: thời gian, địa điểm, cách thức tiến hành, chi phí cho việc kiểm tra, thử nghiệm... cũng như quy định về cách thức xử lý đối với các hàng hóa không đạt yêu cầu qua kiểm tra, thử nghiệm].

ĐKC 24

Tổng giá trị bồi thường thiệt hại tối đa là: ____ % [ghi mức bồi thường thiệt hại tối đa].

Mức khấu trừ: _____%/tuần (hoặc ngày, tháng...)  [ghi cụ thể quy định về mức khấu trừ là bao nhiêu % nội dung công việc chậm thực hiện tùy theo tính chất và yêu cầu của gói thầu].

Mức khấu trừ tối đa: ____ % [ghi mức khấu trừ tối đa].

ĐKC 25.1

Nội dung yêu cầu bảo đảm khác đối với hàng hóa: __[nêu nội dung yêu cầu bảo đảm khác đối với hàng hóa (nếu có). Ví dụ: hàng hóa đã qua sử dụng phải bảo đảm còn trên 70% giá trị sử dụng].

ĐKC 25.2

Yêu cầu về bảo hành: ___[nêu yêu cầu về bảo hành (nếu có) trên cơ sở quy định một số nội dung sau:

- Thời hạn bảo hành: Thời hạn bảo hành được tính kể từ khi hàng hóa được bàn giao, nghiệm thu. Tùy theo tính chất, yêu cầu của hàng hóa mà có thể quy định thời hạn bảo hành cho toàn bộ hàng hóa hoặc quy định riêng cho từng loại hàng hóa.

- Bảo hành: Tùy theo tính chất và yêu cầu của gói thầu mà quy định cụ thể. Đối với các loại hàng hóa đơn giản thì yêu cầu nhà thầu có phiếu bảo hành kèm theo, trong đó nêu rõ thời gian và trách nhiệm bảo hành của nhà thầu. Đối với các loại hàng hóa phức tạp thì ngoài việc có phiếu bảo hành kèm theo còn phải quy định chủ đầu tư giữ lại một phần giá trị của hợp đồng để bảo đảm nghĩa vụ bảo hành hoặc nộp dưới dạng một bảo lãnh của ngân hàng. Trong trường hợp này, cần quy định cụ thể giá trị khoản tiền giữ lại và thời hạn hoàn trả cho nhà thầu (ví dụ sẽ hoàn trả lại cho nhà thầu khi hai bên thanh lý hợp đồng).

- Cơ chế giải quyết các hư hỏng, khuyết tật phát sinh trong quá trình sử dụng hàng hóa trong thời hạn bảo hành: Cần nêu thời gian chủ đầu tư thông báo cho nhà thầu về các hư hỏng, khuyết tật phát sinh; thời hạn nhà thầu phải tiến hành khắc phục các hư hỏng, khuyết tật sau khi nhận được thông báo của chủ đầu tư; chi phí cho việc khắc phục các hư hỏng, khuyết tật và nhà thầu phải chịu toàn bộ chi phí cho việc khắc phục…].

ĐKC 27.1 (e)

Các nội dung khác về hiệu chỉnh, bổ sung hợp đồng: __[nêu cụ thể các nội dung khác (nếu có)].

ĐKC 28.4

Các trường hợp khác: __[nêu cụ thể các trường hợp khác (nếu có)].

ĐKC 29.1 (d)

Các hành vi khác:____[nêu cụ thể các hành vi khác (nếu có)].

 

Chương VIII. BIỂU MẪU HỢP ĐỒNG

Chương này bao gồm các biểu mẫu mà sau khi ghi thông tin hoàn chỉnh sẽ trở thành một phần của Hợp đồng. Mẫu bảo lãnh thực hiện hợp đồng và Mẫu bảo lãnh tiền tạm ứng dành cho Nhà thầu trúng thầu ghi thông tin và hoàn chỉnh sau khi được trao hợp đồng.

Mẫu số 19. Thư chấp thuận HSDT và trao hợp đồng

Mẫu số 20. Hợp đồng

Mẫu số 21. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Mẫu số 22. Bảo lãnh tiền tạm ứng

 

 

Mẫu số 19

THƯ CHẤP THUẬN HỒ SƠ DỰ THẦU VÀ TRAO HỢP ĐỒNG

____, ngày ____ tháng ____ năm ____

Kính gửi: [ghi tên và địa chỉ của Nhà thầu trúng thầu, sau đây gọi tắt là “Nhà thầu”]

Về việc: Thông báo chấp thuận hồ sơ dự thầu và trao hợp đồng  

 

Căn cứ Quyết định số___ ngày___ tháng___năm___ của Chủ đầu tư [ghi tên chủ đầu tư, sau đây gọi tắt là “Chủ đầu tư”] về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu [ghi tên, số hiệu gói thầu], Bên mời thầu [ghi tên Bên mời thầu, sau đây gọi tắt là “Bên mời thầu”] xin thông báo Chủ đầu tư đã chấp thuận hồ sơ dự thầu và trao hợp đồng cho Nhà thầu để thực hiện gói thầu [ghi tên, số hiệu gói thầu. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần thì ghi tên, số hiệu của phần mà nhà thầu được công nhận trúng thầu] với giá hợp đồng là …… [ghi giá trúng thầu trong quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu] với thời gian thực hiện hợp đồng là___[ghi thời gian thực hiện hợp đồng trong quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu].

Đề nghị đại diện hợp pháp của Nhà thầu tiến hành hoàn thiện và ký kết hợp đồng với Chủ đầu tư, Bên mời thầu theo kế hoạch như sau:

Thời gian hoàn thiện hợp đồng:___[ghi thời gian hoàn thiện hợp đồng], tại địa điểm [ghi địa điểm hoàn thiện hợp đồng];

Thời gian ký kết hợp đồng:___[ghi thời gian ký kết hợp đồng]; tại địa điểm [ghi địa điểm ký kết hợp đồng], gửi kèm theo Dự thảo hợp đồng.

Đề nghị Nhà thầu thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo Mẫu số 21 Chương VIII - Biểu mẫu hợp đồng của hồ sơ mời thầu với số tiền___ và thời gian hiệu lực___[ghi số tiền tương ứng và thời gian có hiệu lực theo quy định tại Mục 6.1 ĐKCT của HSMT].

Văn bản này là một phần không thể tách rời của hồ sơ hợp đồng. Sau khi nhận được văn bản này, Nhà thầu phải có văn bản chấp thuận đến hoàn thiện, ký kết hợp đồng và thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo yêu cầu nêu trên, trong đó nhà thầu phải cam kết năng lực hiện tại của nhà thầu vẫn đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Chủ đầu tư sẽ từ chối hoàn thiện, ký kết hợp đồng với Nhà thầu trong trường hợp phát hiện năng lực hiện tại của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.

Nếu đến ngày___tháng___năm___(1) mà Nhà thầu không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc từ chối hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo các yêu cầu nêu trên thì Nhà thầu sẽ bị loại và không được nhận lại bảo đảm dự thầu.

 

Đại diện hợp pháp của Bên mời thầu

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

Tài liệu đính kèm:  Dự thảo hợp đồng

 

Ghi chú:

(1) Ghi thời gian phù hợp với thời gian quy định trong Mẫu thư bảo lãnh dự thầu.

 

Mẫu số 20

HỢP ĐỒNG ([34])

____, ngày ____ tháng ____ năm ____

Hợp đồng số: _________

Gói thầu: ____________ [ghi tên gói thầu]

Thuộc dự án: _________ [ghi tên dự án]

- Căn cứ (2) ___(Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội);

- Căn cứ (2)____(Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 của Quốc hội);

- Căn cứ (2)____(Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu);

- Căn cứ Quyết định số ____ ngày ____ tháng ____ năm ____ của ____ về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu ____ [Ghi tên gói thầu] và thông báo chấp thuận HSDT và trao hợp đồng số ____ ngày ____ tháng ____ năm ____ của Bên mời thầu;

- Căn cứ biên bản thương thảo, hoàn thiện hợp đồng đã được Bên mời thầu và nhà thầu trúng thầu ký ngày ____ tháng ____ năm ____;

Chúng tôi, đại diện cho các bên ký hợp đồng, gồm có:

Chủ đầu tư (sau đây gọi là Bên A)

Tên Chủ đầu tư [ghi tên chủ đầu tư]:_________________________________________________

Địa chỉ:_________________________________________________________________________

Điện thoại:______________________________________________________________________

Fax:____________________________________________________________________________

E-mail:__________________________________________________________________________

Tài khoản:_______________________________________________________________________

Mã số thuế:_____________________________________________________________________

Đại diện là ông/bà:_______________________________________________________________

Chức vụ:________________________________________________________________________

Giấy ủy quyền ký hợp đồng số ___ngày ___tháng ___năm ___(trường hợp được ủy quyền).

Nhà thầu (sau đây gọi là Bên B)

Tên nhà thầu [ghi tên nhà thầu trúng thầu]:____________________________________________

Địa chỉ:_________________________________________________________________________

Điện thoại:______________________________________________________________________

Fax:____________________________________________________________________________

E-mail:__________________________________________________________________________

Tài khoản:_______________________________________________________________________

Mã số thuế:_____________________________________________________________________

Đại diện là ông/bà:_______________________________________________________________

Chức vụ:________________________________________________________________________

Giấy ủy quyền ký hợp đồng số ____ ngày ____ tháng ____ năm ____ (trường hợp được ủy quyền).

Hai bên thỏa thuận ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa với các nội dung sau:

Điều 1. Đối tượng hợp đồng

Đối tượng của hợp đồng là các hàng hóa được nêu chi tiết tại Phụ lục kèm theo.

Điều 2. Thành phần hợp đồng

Thành phần hợp đồng và thứ tự ưu tiên pháp lý như sau:

1. Văn bản hợp đồng (kèm theo Phạm vi cung cấp và bảng giá cùng các Phụ lục khác);

2. Biên bản thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;

3. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

4. Điều kiện cụ thể của hợp đồng;

5. Điều kiện chung của hợp đồng;

6. Hồ sơ dự thầu và các văn bản làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu trúng thầu (nếu có);

7. Hồ sơ mời thầu và các tài liệu sửa đổi hồ sơ mời thầu (nếu có);

8. Các tài liệu kèm theo khác (nếu có).

Điều 3. Trách nhiệm của Bên A

Bên A cam kết thanh toán cho Bên B theo giá hợp đồng quy định tại Điều 5 của hợp đồng này theo phương thức được quy định tại điều kiện cụ thể của hợp đồng cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm khác được quy định tại điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng.

Điều 4. Trách nhiệm của Bên B

Bên B cam kết cung cấp cho Bên A đầy đủ các loại hàng hóa như quy định tại Điều 1 của hợp đồng này, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm được nêu trong điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng.

Điều 5. Giá hợp đồng và phương thức thanh toán

1.  Giá hợp đồng: ____[ghi rõ giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền ký hợp đồng].

2.  Phương thức thanh toán: Thanh toán theo phương thức quy định tại Mục 16.1 ĐKCT.

Điều 6. Loại hợp đồng: ____[ghi loại hợp đồng phù hợp với quy định tại Mục 12.1 ĐKCT].

Điều 7. Thời gian thực hiện hợp đồng: ____[ghi thời gian thực hiện hợp đồng phù hợp với quy định tại Mục 1.3 BDL, HSDT và kết quả thương thảo, hoàn thiện hợp đồng giữa hai bên]. 

Điều 8. Hiệu lực hợp đồng

1. Hợp đồng có hiệu lực kể từ ___[ghi cụ thể ngày có hiệu lực của hợp đồng].

2. Hợp đồng hết hiệu lực sau khi hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng theo luật định.

Hợp đồng được lập thành __ bộ, Chủ đầu tư giữ __ bộ, nhà thầu giữ___ bộ, các bộ hợp đồng có giá trị pháp lý như nhau.

 

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA NHÀ THẦU

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA CHỦ ĐẦU TƯ

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

PHỤ LỤC BẢNG GIÁ HỢP ĐỒNG

(Kèm theo hợp đồng số _____, ngày ____ tháng ____ năm ____)

Phụ lục này được lập trên cơ sở yêu cầu nêu trong HSMT, HSDT và những thỏa thuận đã đạt được trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, bao gồm giá (thành tiền) cho từng hạng mục, nội dung công việc. Giá (thành tiền) cho từng hạng mục, nội dung công việc đã bao gồm các chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có) theo thuế suất, mức phí, lệ phí tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định

BẢNG GIÁ HỢP ĐỒNG

STT

Nội dung giá hợp đồng

Thành tiền

1

Giá hàng hóa

(M)

2

Giá dịch vụ liên quan

(I)

Tổng cộng giá hợp đồng

(Kết chuyển sang Điều 5 hợp đồng)

(M) + (I)

 

BẢNG GIÁ CỦA HÀNG HÓA

1

2

3

4

5

6

7

STT

Danh mục hàng hóa

Đơn vị tính

Khối lượng

Xuất xứ, ký mã hiệu, nhãn mác của sản phẩm

Đơn giá

Thành tiền

(Cột 4x6)

1

Hàng hóa thứ 1

 

 

 

 

M1

2

Hàng hóa thứ 2

 

 

 

 

M2

 

….

 

 

 

 

 

n

Hàng hóa thứ n

 

 

 

 

Mn

Tổng cộng giá hàng hóa đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

(Kết chuyển sang bảng giá hợp đồng)

M=M1+M2+…+Mn

 

BẢNG GIÁ CÁC DỊCH VỤ LIÊN QUAN

1

2

3

4

5

6

Mô tả dịch vụ

Khối lượng

Đơn vị tính

Địa điểm thực hiện dịch vụ

Đơn giá

Thành tiền

(Cột 2x5)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng giá các dịch vụ liên quan đã bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có)

(Kết chuyển sang bảng giá hợp đồng)

(I)

 

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA NHÀ THẦU

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA CHỦ ĐẦU TƯ

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

 

Mẫu số 21

BẢO LÃNH THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG (1)

____, ngày ____ tháng ____ năm ____

Kính gửi: _____[ghi tên Chủ đầu tư]

(sau đây gọi là Chủ đầu tư)

Theo đề nghị của ____ [ghi tên Nhà thầu] (sau đây gọi là Nhà thầu) là Nhà thầu đã trúng thầu gói thầu ____ [ghi tên gói thầu] và cam kết sẽ ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa cho gói thầu trên (sau đây gọi là hợp đồng); (2)

Theo quy định trong HSMT (hoặc hợp đồng), nhà thầu phải nộp cho Chủ đầu tư bảo lãnh của một ngân hàng với một khoản tiền xác định để bảo đảm nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện hợp đồng;

Chúng tôi, ____ [ghi tên của ngân hàng] ở ____ [ghi tên quốc gia hoặc vùng lãnh thổ] có trụ sở đăng ký tại ____ [ghi địa chỉ của ngân hàng(3)] (sau đây gọi là “Ngân hàng”), xin cam kết bảo lãnh cho việc thực hiện hợp đồng của Nhà thầu với số tiền là ____ [ghi rõ giá trị tương ứng bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng theo quy định tại Mục 6.1 ĐKCT của HSMT]. Chúng tôi cam kết thanh toán vô điều kiện, không hủy ngang cho Chủ đầu tư bất cứ khoản tiền nào trong giới hạn ____ [ghi số tiền bảo lãnh] như đã nêu trên, khi có văn bản của Chủ đầu tư thông báo Nhà thầu vi phạm hợp đồng trong thời hạn hiệu lực của bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Bảo lãnh này có hiệu lực kể từ ngày phát hành cho đến hết ngày____tháng____ năm ____(4).

 

 

Đại diện hợp pháp của ngân hàng

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1) Chỉ áp dụng trong trường hợp biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng là thư bảo lãnh của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.

(2) Nếu ngân hàng bảo lãnh yêu cầu phải có hợp đồng đã ký mới cấp giấy bảo lãnh thì Bên mời thầu sẽ báo cáo Chủ đầu tư xem xét, quyết định. Trong trường hợp này, đoạn trên có thể sửa lại như sau:

“Theo đề nghị của ____ [ghi tên Nhà thầu] (sau đây gọi là Nhà thầu) là Nhà thầu trúng thầu gói thầu ____[ghi tên gói thầu] đã ký hợp đồng số__[ghi số hợp đồng] ngày__ tháng ____ năm ____  (sau đây gọi là Hợp đồng).”

(3) Địa chỉ ngân hàng: ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, số fax, e-mail để liên hệ.

(4) Ghi thời hạn phù hợp với yêu cầu quy định tại Mục 6.1 ĐKCT.

 

Mẫu số 22

BẢO LÃNH TIỀN TẠM ỨNG (1)

____, ngày ____ tháng ____ năm ____

Kính gửi: ___[ghi tên Chủ đầu tư ]

(sau đây gọi là Chủ đầu tư )

[ghi tên hợp đồng, số hợp đồng]

Theo điều khoản về tạm ứng nêu trong điều kiện cụ thể của hợp đồng, ___[ghi tên và địa chỉ của nhà thầu] (sau đây gọi là nhà thầu) phải nộp cho Chủ đầu tư một bảo lãnh ngân hàng để bảo đảm nhà thầu sử dụng đúng mục đích khoản tiền tạm ứng ___[ghi rõ giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng] cho việc thực hiện hợp đồng;

Chúng tôi, ____[ghi tên của ngân hàng] ở ___[ghi tên quốc gia hoặc vùng lãnh thổ] có trụ sở đăng ký tại ___[ghi địa chỉ của ngân hàng(2)] (sau đây gọi là “ngân hàng”), theo yêu cầu của Chủ đầu tư, đồng ý vô điều kiện, không hủy ngang và không yêu cầu nhà thầu phải xem xét trước, thanh toán cho Chủ đầu tư khi Chủ đầu tư có yêu cầu với một khoản tiền không vượt quá ___[ghi rõ giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng theo quy định tại Mục 15.1 ĐKCT của HSMT].

Ngoài ra, chúng tôi đồng ý rằng các thay đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh các điều kiện của hợp đồng hoặc của bất kỳ tài liệu nào liên quan tới hợp đồng được ký giữa nhà thầu và Chủ đầu tư sẽ không làm thay đổi bất kỳ nghĩa vụ nào của chúng tôi theo bảo lãnh này.

Giá trị của bảo lãnh này sẽ được giảm dần tương ứng với số tiền tạm ứng mà Chủ đầu tư thu hồi qua các kỳ thanh toán quy định tại Điều 5 của Hợp đồng sau khi nhà thầu xuất trình văn bản xác nhận của Chủ đầu tư về số tiền đã thu hồi trong các kỳ thanh toán.

Bảo lãnh này có hiệu lực kể từ ngày nhà thầu nhận được khoản tạm ứng theo hợp đồng cho đến ngày____ tháng____ năm ____ (3) hoặc khi Chủ đầu tư thu hồi hết số tiền tạm ứng, tùy theo ngày nào đến sớm hơn.

 

 

Đại diện hợp pháp của ngân hàng

[ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu]

Ghi chú:

(1)  Căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu mà quy định phù hợp với yêu cầu quy định tại Mục 15.1 ĐKCT.

(2)  Địa chỉ ngân hàng: ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, số fax, e-mail để liên hệ.

(3) Ngày giao hàng quy định trong hợp đồng. Nếu giao hàng theo từng phần thì có thể quy định bảo lãnh tiền tạm ứng hết hiệu lực khi giá trị hàng hóa được giao và nghiệm thu lớn hơn hoặc bằng số tiền được tạm ứng. Trong trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng thì yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tiền tạm ứng.

 

Phần 4. PHỤ LỤC

MỘT SỐ VÍ DỤ VỀ TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ KỸ THUẬT

Ví dụ 1. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật theo tiêu chí đạt, không đạt

Nội dung đánh giá

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt

1. Đặc tính kỹ thuật của hàng hóa

Đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ, bao gồm các yếu tố như công suất, hiệu suất của máy móc, thiết bị; mức tiêu hao điện năng, nguyên nhiên vật liệu.

Có đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ hoàn toàn phù hợp đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Đạt

Không có đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ phù hợp, đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Không đạt

2. Giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa

Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa.

Có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa hợp lý và hiệu quả kinh tế.

Đạt

Không có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa hợp lý và hiệu quả kinh tế.

Không đạt

3. Tiến độ cung cấp hàng hóa

Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hợp lý, khả thi phù hợp với đề xuất kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hợp lý, khả thi và phù hợp với đề xuất kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Đạt

Không có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hoặc có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa nhưng không hợp lý, không khả thi, không phù hợp với đề xuất kỹ thuật.

Không đạt

4. Khả năng thích ứng và tác động đối với môi trường

4.1 Khả năng thích ứng về địa lý

Khả năng thích ứng về địa lý.

Hàng hóa được cung cấp hoàn toàn thích ứng về địa lý.

Đạt

Hàng hóa được cung cấp không hoàn toàn thích ứng về địa lý.

Chấp nhận được

Hàng hóa được cung cấp không thích ứng về địa lý.

Không đạt

4.2 Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết

Hàng hóa được cung cấp có ảnh hưởng tác động đến môi trường và đề xuất biện pháp giải quyết.

Hàng hóa được cung cấp không có ảnh hưởng tác động nhiều đến môi trường và đề xuất biện pháp giải quyết hợp lý.

Đạt

Hàng hóa được cung cấp có ảnh hưởng tác động đến môi trường và có đề xuất biện pháp giải quyết.

Chấp nhận được

Hàng hóa được cung cấp có ảnh hưởng tác động nhiều đến môi trường và không đề xuất được biện pháp giải quyết.

Không đạt

5. Bảo hành, bảo trì

Thời gian bảo hành__ tháng, bảo trì __tháng.

Thời gian bảo hành trên __ tháng, bảo trì trên ___ tháng.

Đạt

Thời gian bảo hành trên __ tháng, bảo trì dưới ___ tháng.

Không đạt

6. Uy tín của nhà thầu

Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó trong thời gian____ năm gần đây, tính đến thời điểm đóng thầu.

Không có hợp đồng tương tự chậm tiến độ hoặc bỏ dở hợp đồng do lỗi của nhà thầu.

Đạt

Có hợp đồng tương tự chậm tiến độ hoặc bỏ dở hợp đồng tương tự do lỗi của nhà thầu.

Không đạt

7. Các yếu tố về điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo chuyển giao công nghệ

Điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ hợp lý, khả thi, phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

Có điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ hợp lý, khả thi, phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

Đạt

Điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ không hợp lý, khả thi, không phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

Không đạt

Kết luận(1)

_____

Ghi chú:

(1) Nhà thầu được đánh giá là đạt yêu cầu về kỹ thuật khi tất cả các tiêu chuẩn được đánh giá là đạt hoặc chấp nhận được. Trường hợp nhà thầu không đạt một trong các tiêu chuẩn thì được đánh giá là không đạt và không được xem xét, đánh giá bước tiếp theo.

 

Ví dụ 2. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật theo phương pháp chấm điểm

Nội dung đánh giá

Chấm điểm (với thang điểm 100)

Điểm tối đa

Điểm tối thiểu (60%)

1. Đặc tính kỹ thuật của hàng hóa

30

 

Đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ, bao gồm các yếu tố như công suất, hiệu suất của máy móc, thiết bị; mức tiêu hao điện năng, nguyên nhiên vật liệu.

Có đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ hoàn toàn phù hợp đáp ứng yêu cầu của HSMT.

 

 

Có đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của HSMT.

 

 

Không có đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ phù hợp, đáp ứng yêu cầu của HSMT.

 

 

2. Giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa

20

 

Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa, khả năng lắp đặt thiết bị, bố trí cán bộ kỹ thuật.

Có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa hợp lý và hiệu quả kinh tế.

 

 

Có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa nhưng chưa hoàn toàn hợp lý và hiệu quả kinh tế.

 

 

Không có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa hợp lý và hiệu quả kinh tế.

 

 

3. Tiến độ cung cấp hàng hóa

10

 

Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hợp lý, khả thi phù hợp với đề xuất kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hợp lý, khả thi và phù hợp với đề xuất kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của HSMT.

 

 

Có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa nhưng chưa hoàn toàn hợp lý, khả thi phù hợp với đề xuất kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu của HSMT.

 

 

Không có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hoặc có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa nhưng không hợp lý, không khả thi, không phù hợp với đề xuất kỹ thuật.

 

 

4. Khả năng thích ứng và tác động đối với môi trường

10

 

4.1 Khả năng thích ứng về địa lý

5

 

Khả năng thích ứng về địa lý.

Hàng hóa được cung cấp hoàn toàn thích ứng về địa lý.

 

 

Hàng hóa được cung cấp không hoàn toàn thích ứng về địa lý.

 

 

Hàng hóa được cung cấp không thích ứng về địa lý.

 

 

4.2 Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết

5

 

Hàng hóa được cung cấp có ảnh hưởng tác động đến môi trường và đề xuất biện pháp giải quyết.

Hàng hóa được cung cấp không có ảnh hưởng tác động nhiều đến môi trường và đề xuất biện pháp giải quyết hợp lý.

 

 

Hàng hóa được cung cấp có ảnh hưởng tác động đến môi trường và có đề xuất biện pháp giải quyết.

 

 

Hàng hóa được cung cấp có ảnh hưởng tác động nhiều đến môi trường và không đề xuất được biện pháp giải quyết.

 

 

5. Bảo hành, bảo trì

10

 

Thời gian bảo hành___tháng, bảo trì       tháng.

Thời gian bảo hành trên __ tháng, bảo trì trên __ tháng.

10

 

Thời gian bảo hành trên __ tháng, bảo trì dưới ___ tháng.

8

 

Thời gian bảo hành dưới ___ tháng, bảo trì dưới ___ tháng.

6

 

6. Uy tín của nhà thầu

10

 

a) Kinh nghiệm của nhà thầu:

- Số lượng hợp đồng tương tự.

b) Lịch sử thực hiện hợp đồng:

- Hợp đồng tương tự vượt tiến độ;

- Hợp đồng chậm tiến độ.

c) Lịch sử kiện tụng trước đây.

 

 

7. Các yếu tố về điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo chuyển giao công nghệ

5

 

Điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ hợp lý, khả thi, phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

Có điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ hợp lý, khả thi, phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

 

 

Có điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ nhưng chưa hợp lý, khả thi, phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

 

 

Điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo, chuyển giao công nghệ không hợp lý, khả thi, không phù hợp với đề xuất về tiến độ cung cấp.

 

 

8. Khả năng cung cấp tài chính (nếu có) (trường hợp không yêu cầu thì số điểm sẽ phân bổ vào đặc tính kỹ thuật của hàng hóa).

5

 

Tổng cộng

100

70

 



[1] Đối với đấu thầu quốc tế thì bổ sung quy định sau:

“4.7. Có thành viên trong liên danh hoặc nhà thầu phụ là nhà thầu Việt Nam theo quy định tại BDL”.

[2] Trường hợp đã lựa chọn danh sách ngắn thì thay thế quy định này như sau:

4.1. Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu đang hoạt động cấp; có tên trong danh sách ngắn”.

[3] Đối với đấu thầu quốc tế thì quy định như sau:

HSDT cũng như tất cả các thư từ và tài liệu liên quan đến HSDT trao đổi giữa nhà thầu với Bên mời thầu được viết bằng:_____[ghi cụ thể ngôn ngữ].

[trường hợp HSMT được viết bằng Tiếng Anh thì ghi “tiếng Anh’’; HSMT được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt thì quy định “Nhà thầu có thể lựa chọn tiếng Anh hoặc tiếng Việt để lập HSDT”]. Các tài liệu và tư liệu bổ trợ trong HSDT có thể được viết bằng ngôn ngữ khác đồng thời kèm theo bản dịch sang ______[ tiếng Việt (nếu HSMT quy định cả tiếng Anh và tiếng Việt) hoặc tiếng Anh (nếu HSMT quy định là tiếng Anh)]. Trường hợp thiếu bản dịch, nếu cần thiết, Bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu gửi bổ sung.

[4] Đối với đấu thầu quốc tế thì quy định như sau:

“- Đồng tiền dự thầu là:___[tùy theo yêu cầu của gói thầu mà quy định việc cho phép và điều kiện áp dụng để nhà thầu chào theo một hoặc một số đồng tiền khác nhau nhưng không quá ba đồng tiền, ví dụ: VND, USD, EUR. Trường hợp trong số các đồng tiền đó có VND thì phải quy đổi về VND. Trường hợp cho phép chào bằng ngoại tệ thì phải yêu cầu nhà thầu chứng minh được nội dung công việc sử dụng ngoại tệ kèm theo bản liệt kê chi tiết nội dung công việc và giá trị ngoại tệ tương ứng, song phải bảo đảm nguyên tắc một hạng mục công việc cụ thể thì được chào bằng một đồng tiền; các loại chi phí trong nước phải được chào thầu bằng VND, các chi phí ngoài nước liên quan đến gói thầu thì được chào thầu bằng đồng tiền nước ngoài].

- Đồng tiền thanh toán cho các hạng mục công việc phải tương ứng với đồng tiền dự thầu cho hạng mục công việc đó. Các chi phí trong nước chỉ được thanh toán bằng VND.

Trường hợp quy định hai hoặc ba đồng tiền thì bổ sung thêm các nội dung sau:  

- Đồng tiền được sử dụng để quy đổi tất cả các giá dự thầu từ nhiều loại tiền khác nhau thành một loại tiền duy nhất (đồng tiền quy đổi) nhằm phục vụ việc đánh giá và so sánh HSDT là:__[ghi tên đồng tiền, trường hợp trong số đồng tiền có VND thì phải quy đổi theo VND] theo tỷ giá bán ra của một ngân hàng thương mại _[ghi tên ngân hàng thương mại có uy tín và căn cứ vào tỷ giá do ngân hàng đó công bố để quy đổi] công bố vào ngày__[ghi cụ thể ngày, tháng, năm]”.

[5] Chỉ đánh giá nội dung này đối với nhà thầu là đơn vị sự nghiệp.

[6] Chỉ áp dụng nội dung này đối với trường hợp đấu thầu hạn chế.

[7] Chỉ áp dụng đối với đấu thầu quốc tế.

[8] Không cần có thỏa thuận hoặc hợp đồng với nhà thầu phụ khi tham dự thầu.

[9] Đối với đấu thầu quốc tế là 5 ngày làm việc.

[10]  Đối với đấu thầu quốc tế thì quy định như sau:

“- Đối với hàng hoá được sản xuất, gia công ở nước ngoài: nhà thầu chào giá của hàng hoá theo giá____[tùy theo từng điều kiện giao hàng mà Bên mời thầu quy định nhà thầu chào theo giá  CIF hoặc CIP… theo quy định của Incoterms cùng với các sửa đổi phù hợp nếu cần thiết) theo Mẫu số 5 (a1) Chương IV – Biểu mẫu dự thầu” và bổ sung “ Incoterms:____[ghi cụ thể phiên bản Incoterms].

- Đối với các hàng hoá được sản xuất, gia công trong nước hoặc hàng hoá được sản xuất, gia công ở ngoài nước nhưng đã được chào bán tại Việt Nam, nhà thầu chào giá của hàng hoá tại Việt Nam (giá xuất xưởng, giá tại cổng nhà máy, giá xuất kho, giá tại phòng trưng bày, giá cho hàng hóa có sẵn tại cửa hàng hay giá được vận chuyển đến chân công trình, tùy theo trường hợp cụ thể) và tách riêng thuế, phí, lệ phí (nếu có) theo Mẫu số 5 (a2) Chương IV – Biểu mẫu dự thầu’.

[11] Trường hợp áp dụng phương pháp này thì xóa bỏ Khoản 3.2. Đánh giá theo phương pháp đạt, không đạt.

[12] Trường hợp áp dụng phương pháp này thì xoá bỏ Khoản 3.1. Đánh giá theo phương pháp chấm điểm.

[13] Trường hợp áp dụng phương pháp này thì xóa bỏ Khoản 4.2. Phương pháp giá đánh giá.

3 Trường hợp đấu thầu quốc tế thì bổ sung Bước chuyển đổi giá dự thầu sang một đồng tiền chung (nếu có).

4 Trường hợp đấu thầu quốc tế, việc xếp hạng nhà thầu thực hiện trên cơ sở giá dự thầu của nhà thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có), cộng giá trị ưu đãi (nếu có) và không bao gồm giá trị thuế, phí, lệ phí.

[14] Trường hợp áp dụng phương pháp này thì xóa bỏ Khoản 4.1. Phương pháp giá thấp nhất.

2 Trường hợp đấu thầu quốc tế thì bổ sung Bước chuyển đổi giá dự thầu sang một đồng tiền chung (nếu có).

3 Trường hợp đấu thầu quốc tế, việc xếp hạng nhà thầu thực hiện trên cơ sở giá đánh giá của nhà thầu không bao gồm giá trị thuế, phí, lệ phí.

([15]) Căn cứ  quy mô, tính chất của gói thầu, nội dung hợp đồng theo mẫu này có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đặc biệt là đối với các nội dung khi thương thảo có sự khác biệt so với ĐKCT.

(2) Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định hiện hành.

[16] Đối với đấu thầu quốc tế thì bổ sung quy định sau:

“4.7. Có thành viên trong liên danh hoặc nhà thầu phụ là nhà thầu Việt Nam theo quy định tại BDL”.

[17] Trường hợp đã lựa chọn danh sách ngắn thì thay thế quy định này như sau:

4.1. Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu đang hoạt động cấp; có tên trong danh sách ngắn”.

[18] Chỉ đánh giá nội dung này đối với nhà thầu là đơn vị sự nghiệp.

[19] Chỉ áp dụng nội dung này đối với trường hợp đấu thầu hạn chế.

[20] Chỉ áp dụng đối với đấu thầu quốc tế.

[21] Không cần có thỏa thuận hoặc hợp đồng với nhà thầu phụ khi tham dự thầu.

[22] Đối với đấu thầu quốc tế là 5 ngày làm việc.

[23] Đối với đấu thầu quốc tế là 15 ngày.

[24] Đối với đấu thầu quốc tế thì quy định như sau:

HSDT cũng như tất cả các thư từ và tài liệu liên quan đến HSDT trao đổi giữa nhà thầu với Bên mời thầu được viết bằng:_____[ghi cụ thể ngôn ngữ].

[trường hợp HSMT được viết bằng Tiếng Anh thì ghi “tiếng Anh’’; HSMT được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt thì quy định “Nhà thầu có thể lựa chọn tiếng Anh hoặc tiếng Việt để lập HSDT”]. Các tài liệu và tư liệu bổ trợ trong HSDT có thể được viết bằng ngôn ngữ khác đồng thời kèm theo bản dịch sang ______[tiếng Việt (nếu HSMT quy định cả tiếng Anh và tiếng Việt) hoặc tiếng Anh (nếu HSMT quy định là tiếng Anh)]. Trường hợp thiếu bản dịch, nếu cần thiết, Bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu gửi bổ sung.

[25]  Đối với đấu thầu quốc tế thì quy định như sau:

“- Đối với hàng hoá được sản xuất, gia công ở nước ngoài: nhà thầu chào giá của hàng hoá theo giá ____[tuỳ theo từng điều kiện giao hàng Bên mời thầu quy định nhà thầu chào theo giá CIF hoặc CIP… theo quy định của Incoterms cùng với các sửa đổi phù hợp nếu cần thiết]) theo Mẫu số 17 (a1) Chương IV – Biểu mẫu dự thầu” và bổ sung “ Incoterms:____[ghi cụ thể phiên bản Incoterms].

- Đối với các hàng hoá được sản xuất, gia công trong nước hoặc hàng hoá được sản xuất, gia công ở ngoài nước nhưng đã được chào bán tại Việt Nam, nhà thầu chào giá của hàng hoá tại Việt Nam (giá xuất xưởng, giá tại cổng nhà máy, giá xuất kho, giá tại phòng trưng bày, giá cho hàng hóa có sẵn tại cửa hàng hay giá được vận chuyển đến chân công trình, tùy theo trường hợp cụ thể) và tách riêng thuế, phí, lệ phí (nếu có) theo Mẫu số 17 (a2) Chương IV – Biểu mẫu dự thầu’.

[26] Đối với đấu thầu quốc tế thì bổ sung thêm quy định:

“- Đồng tiền dự thầu là:_____[tùy theo yêu cầu của gói thầu mà quy định việc cho phép và điều kiện áp dụng để nhà thầu chào theo một hoặc một số đồng tiền khác nhau nhưng không quá ba đồng tiền, ví dụ: VND, USD, EUR. Trường hợp trong số các đồng tiền đó có VND thì phải quy đổi về VND. Trường hợp cho phép chào bằng ngoại tệ thì phải yêu cầu nhà thầu chứng minh được nội dung công việc sử dụng ngoại tệ kèm theo bản liệt kê chi tiết nội dung công việc và giá trị ngoại tệ tương ứng, song phải bảo đảm nguyên tắc một hạng mục công việc cụ thể thì được chào bằng một đồng tiền; các loại chi phí trong nước phải được chào thầu bằng VND, các chi phí ngoài nước liên quan đến gói thầu thì được chào thầu bằng đồng tiền nước ngoài].

- Đồng tiền thanh toán cho các hạng mục công việc phải tương ứng với đồng tiền dự thầu cho hạng mục công việc đó. Các chi phí trong nước chỉ được thanh toán bằng VND.

Trường hợp quy định hai hoặc ba đồng tiền thì bổ sung thêm các nội dung sau:

- Đồng tiền được sử dụng để quy đổi tất cả các giá dự thầu từ nhiều loại tiền khác nhau thành một loại tiền duy nhất (đồng tiền quy đổi) nhằm phục vụ việc đánh giá và so sánh HSDT là:___ [ghi tên đồng tiền, trường hợp trong số đồng tiền có VND thì phải quy đổi theo VND] theo tỷ giá bán ra của một ngân hàng thương mại[26] ______ [ghi tên ngân hàng thương mại có uy tín và căn cứ vào tỷ giá do ngân hàng đó công bố để quy đổi] công bố vào ngày____ [ghi cụ thể ngày, tháng, năm]”.

[27] Trường hợp áp dụng phương pháp này thì xóa bỏ Khoản 3.2. Đánh giá theo phương pháp đạt, không đạt.

[28] Trường hợp áp dụng phương pháp này thì xoá bỏ Khoản 3.1. Đánh giá theo phương pháp chấm điểm.

[29] Trường hợp áp dụng phương pháp này thì xóa bỏ Khoản 5.2. Phương pháp giá đánh giá và Khoản 5.3 Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá. 

2 Trường hợp đấu thầu quốc tế thì bổ sung Bước chuyển đổi giá dự thầu sang một đồng tiền chung (nếu có).

3 Trường hợp đấu thầu quốc tế, việc xếp hạng nhà thầu thực hiện trên cơ sở giá dự thầu của nhà thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá (nếu có), cộng giá trị ưu đãi (nếu có) và không bao gồm giá trị thuế, phí, lệ phí.

4 Trường hợp áp dụng phương pháp này thì xóa bỏ Khoản 5.1. Phương pháp giá thấp nhất và Khoản 5.3. Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá.

[30] Trường hợp đấu thầu quốc tế thì bổ sung Bước chuyển đổi giá dự thầu sang một đồng tiền chung (nếu có).

[31] Trường hợp đấu thầu quốc tế, việc xếp hạng nhà thầu thực hiện trên cơ sở giá đánh giá của nhà thầu không bao gồm giá trị thuế, phí, lệ phí.

[32] Trường hợp áp dụng phương pháp này thì xóa bỏ Khoản 5.1. Phương pháp giá thấp nhất và Khoản 5.2. Phương pháp giá đánh giá.

[33] Trường hợp đấu thầu quốc tế thì bổ sung Bước chuyển đổi giá dự thầu sang một đồng tiền chung (nếu có).

2 Trường hợp đấu thầu quốc tế, việc xác định điểm giá được thực hiện trên cơ sở giá dự thầu không bao gồm giá trị thuế, phí, lệ phí.

([34]) Căn cứ  quy mô, tính chất của gói thầu, nội dung hợp đồng theo mẫu này có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đặc biệt là đối với các nội dung khi thương thảo có sự khác biệt so với ĐKCT.

(2) Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định hiện hành.

THE MINISTRY OF PLANNING AND INVESTMENT
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 05/2015/TT-BKHDT

Hanoi, June 16, 2015

 

CIRCULAR

PROVIDING SPECIFIC PROVISIONS ON PREPARING THE INVITATION FOR BID ON PROCUREMENT OF GOODS

Pursuant to the Law on Bidding No. 43/2013/QH13 dated November 26, 2013;

Pursuant to the Government’s Decree No. 63/2014/ND-CP dated June 26, 2014 on providing specific provisions on implementation of several articles enshrined in the Law on Bidding in terms of the contractor selection procedure;

Pursuant to the Government's Decree No. 116/2008/ND-CP dated November 14, 2008 on defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Planning and Investment;

The Minister of Planning and Investment hereby promulgates the Circular on providing specific provisions on preparing the invitation for bid on the procurement of goods.

Article 1. Scope of application

1. This Circular provides specific provisions on preparing the invitation for bid on procurement of goods in the contract governed by Article 1 of the Law on Bidding No. 43/2013/QH13, except for the contract for drug procurement stipulated in Point g Clause 1 Article 1 of the Law on Bidding No. 43/2013/QH13. Details shall be provided as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Form of the invitation for bid on procurement of goods No. 02 (Form No.02) applying to national competitive and limited bids by following the single-stage two-envelop bidding procedure.

2. With regard to bids on procurement of goods specified as projects financed by official development assistance from Asian Development Bank (ADB) and World Bank (WB) under the national competitive bidding process, the form of the invitation for national competitive bid written in Vietnamese by ADB and WB shall apply.

Article 2. Applicable entities

This Circular shall apply to organizations or individuals participating or involved in the procedure for selection of contractors for procurement of goods within the scope of application stipulated in Article 1 hereof.

Article 3. Application of Forms of invitation for bid on procurement of goods

1. Forms of invitation for bid on procurement of goods issued together with this Circular shall be created on the basis of regulations laid down in the Vietnam’s bidding law, and simultaneously consult bidding regulations adopted by ADB and WB in order to facilitate contracting parties’ involvements in contractor selection and improve the competitiveness, equality, transparency and economic efficiency in the bidding process.

2. With regard to the bid for procurement of goods financed by ODA, if contributors agree, the Form No. 01 or Form No. 02 issued together with this Circular shall apply, or contents provided in bidding regulations enshrined in the International Treaties and Agreements between Vietnam and these contributors may be amended and modified.

3. With regard to the international bidding, based on the size and characteristics of the bid, organizations or individuals charged with preparing the invitation for bid shall be obliged to modify regulations on the offer price, language, currency type, incentive and schedule in the bidding process and other relevant contents in conformity with regulations enshrined in the Law on Bidding No. 43/2013/QH13, and the Decree No. 63/2014/ND-CP.

4. With regard to the bid for small-scale procurement of goods, based on the characteristics of this bid, if stakeholders find that it is necessary to employ the method for single-stage two-envelop contractor selection, they are required to submit the plan for contractor selection to competent authorities for approval and use the Form No. 02 issued herein to prepare their invitation for bid.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Use the Form of invitation for bid on procurement of goods enclosed herein, and based on the size and characteristics of specific bids, set out relevant requirements in principle that the competitiveness, equality, transparency and economic efficiency are guaranteed;

b) Based on the demands for consumption of goods, set out technical requirements (technical features and specifications, etc.) to ensure that standards of operational functions are met, correspond to the actual consumption demands and business capability as well as market conditions;

c) Avoid setting out requirements aimed at constraining certain bidders, or showing favor to a single or several bidder(s) which leads to the competitive imbalance such as displaying information about trademarks, origins of goods, names of countries, country groups or territories, for instance, as a discriminatory practice; in case it is impossible to give the detailed description of technical features, technological design and standards, trademarks and catalogues of specific products should be shown as a reference or illustration of technical requirements of these products, but the remark "or equivalents” should be printed at the back side of these trademarks and catalogues, and contents of technical features, operational functions, technological standards equivalent to those of these products as well as other information (if any) should be clearly stated, except for information about origin of goods.

d) Avoid revising regulations on bidders' instructions and general contractual terms and conditions laid down in the Form of invitation for bid; as regards other contents, they are allowed to do so to make these regulations appropriate for the size and characteristics of the bid. In case there is any amendment to regulations laid down in the form of invitation for bid, organizations or individuals charged with formulating, evaluating and accrediting the invitation for bid must undertake that such amendments are more appropriate, scientific and stringent against regulations specified in the Form of invitation for bid, and are not in breach of legal regulations on bidding. The written request for approval of the invitation for bid must clarify contents that have been modified against regulations specified in the Form of invitation for bid and clearly state reasons for such modification for stakeholders' consideration and decision.

6. With regard to the bid for non-consulting services to be furnished, based on the size and characteristics of this bid, regulations specified in the Form of invitation for bid mentioned above may be modified to make them more appropriate for implementation.

Article 4. Implementation of regulations on taxes, fees and charges

1. The offer price of bidders must be composed of all expenses necessary to execute the contract, inclusive of taxes, fees and charges (if any). Taxes, fees and charges shall be calculated by reference to statutory tax rates and fee or charge levels at 28 days prior to the bid’s closing date.

2. With regard to the national bidding, when evaluating the bid price, expenses incurred by paying taxes, fees or charges (if any) should be taken into consideration.

3. With regard to the international bidding, when evaluating the bid price, expenses incurred by paying taxes, fees or charges (if any) should not be taken into account to compare and rate bidders. In case a bidder is rated the first, taxes, fees or charges (if any) shall be specifically determined in the contract negotiation process. The offer price at which the bidder is awarded the contract, and the contractual price, must be inclusive of taxes, fees or charges (if any).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The common type of contract for the bid on procurement of goods is the lump-sum one. With regard to some particular, complex and large-scale goods and over-18-month validity period of contract execution, the type of price agreement including terms and conditions of price adjustment may be used. If the abovementioned price agreement is used, the invitation for bid must specify the price adjustment formula; in the course of contract execution, if there is any change to the quoted price and there is a need for adjustment to the contractual price, successful contractors must explain factors contributing to that price adjustment.

2. The invitation for bid shall comprise the form of contract and specific provisions on contractual terms and conditions as the basis for bidders' offers and contracting parties’ negotiation, contract perfection and conclusion.

3. The contract signed between the investor and bid solicitor must conform to the Form of contract and contractual terms and conditions stipulated in the invitation for bid, and amendments or corrections proposed by the contractor and accepted by the investor during the process of contract negotiation and perfection, but ensure it is not in breach of legislation on bidding and other relevant legal regulations.

Article 6. Manufacturer’s license to sell goods

1. With regard to normal, common and available-at-market goods and those which have been standardized and for which warrants are issued in accordance with manufacturer’s regulations, bidders are not required to submit their license to sell goods or the partnership certificate or other equivalent.

2. With regard to particular and complex goods of which the contract for procurement binds manufacturers to furnish after-sale services such as warranty, maintenance, repair and supply of components or spare parts as well as other relevant services, the invitation for bid should lay down requirements to which bidders are obliged to provide the manufacturer’s license to sell goods or the partnership certificate or other equivalents. If bidders have not enclosed the manufacturer’s license to sell goods or the partnership certificate or other equivalents in their bid package, they shall be responsible for clarification and supplementation during the bid evaluation process. The bid solicitor shall be responsible for receiving bidders’ additional documents for this evaluation. The bidder shall be awarded the contract only after they have already submitted the manufacturer’s license to sell goods or the partnership certificate or other equivalents.

3. If the manufacturer’s license to sell goods or the partnership certificate or other equivalent has not met requirements stated in the invitation for bid, the bid solicitor must ask for bidder’s clarification of unmet contents to support the bid evaluation process without having the right to immediately disqualify these bidders.

4. In case manufacturers, dealers or distributors intentionally refuse to issue the manufacturer’s license to sell goods or the partnership certificate or other equivalents without good and sufficient reasons, or do not comply with legal regulations on trade and competition which leads to unfair advantages or monopolies given others, bidders should send a timely report to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Industry and Trade for possible solutions.

Article 7. Implementation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Ministries, Ministry-level agencies, Government agencies, and other central organs, and the People’s Committees at all levels as well as organizations or individuals concerned shall be responsible for implementing this Circular. In the course of implementation, if there is any difficulty that may arise, Ministries, Ministry-level agencies, Government agencies, and other central organs, and the People’s Committees at all levels as well as organizations or individuals concerned shall be requested to send their feedbacks to the Ministry of Planning and Investment for timely instructions./.

 

 

 

THE MINISTER




Bui Quang Vinh

 

 

ATTACHED FILE

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/06/2015 Quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


375.903

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.195.180
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!