ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2247/QĐ-UBND
|
Lào Cai, ngày 05
tháng 9 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG GẮN VỚI VIỆC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19/6/2017;
Căn cứ Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/5/2022 của
Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn
trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của
Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn
2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030,
tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn
đến năm 2050;
Căn cứ Đề án số 03-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh
ủy Lào Cai về Phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025;
Căn cứ Quyết định số 2626/QĐ-UBND ngày
04/11/2022 của UBND tỉnh Lào Cai về việc ban hành khung chiến lược phát triển
du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch tại Tờ trình
số 38/TTr-SDL ngày 25/6/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc
xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030.
(Có Đề án kèm
theo)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Du lịch; Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan
căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT,TH3,VX4.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Giàng Thị Dung
|
ĐỀ ÁN
PHÁT
TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO
CAI ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2247/QĐ-UBND ngày 05/9/2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Lào Cai)
Phần
mở đầu
I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
Lào Cai là tỉnh miền núi phía Bắc, có 182,086 km đường
biên giới giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Có tiềm năng thiên nhiên và nhân
văn nổi trội cho phát triển du lịch, mang đến cho tỉnh Tỉnh Lào Cai một lợi thế
cạnh tranh và có vai trò quan trọng trong việc liên kết phát triển kinh tế - xã
hội của khu vực: “Đầu tầu” kinh tế của vùng Trung du Miền núi Bắc; Đầu mối giao
thương kết nối ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc trên tuyến hành lang kinh tế
Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hệ thống giao thông phong
phú: đường sắt, cao tốc, đường sông, tương lai có cả đường hàng không, rất thuận
lợi cho việc kết nối du lịch Lào Cai với nhiều địa phương trong nước và vùng
Vân Nam - Trung Quốc với các nước khối Asean.
Điểm nổi bật của Lào Cai chính là bức tranh văn hóa
đa sắc màu của cộng đồng 25 nhóm, ngành dân tộc anh em cùng sinh sống, với những
nét đặc sắc trong từng nếp nhà, làng bản, trang phục, phong tục tập quán, lễ hội
truyền thống. Nhiều loại hình du lịch, như tham quan, chiêm bái các di tích lịch
sử, danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái, du lịch leo núi, du lịch nghỉ dưỡng,
thể thao và du lịch cộng đồng,... được khách quốc tế yêu thích, gắn với các
khu, điểm, địa danh du lịch như: Khu du lịch quốc gia Sa Pa - thành phố trong
mây được thế giới biết đến từ thế kỷ XIX; Khu du lịch cáp treo Fansipan mang tầm
quốc tế và hệ thống ruộng bậc thang Sa Pa được bình chọn Top 7 ruộng bậc thang
kỳ vỹ nhất thế giới, Cao nguyên trắng Bắc Hà gắn với kiến trúc nghệ thuật Dinh
thực Hoàng A Tưởng,... Những lợi thế đó giúp cho Lào Cai đẩy mạnh phát triển du
lịch cộng đồng trong định hướng chiến lược phát triển du lịch chung của tỉnh tại
Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 28/09/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về
“Phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025, tầm
nhìn đến năm 2030”, Quyết định số 2626/QĐ- UBND ngày 04/11/2022 của UBND tỉnh
Lào Cai về ban hành khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong đó nhấn mạnh phát triển loại hình du lịch cộng
đồng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới).
Sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng và có nhiều dư địa
để phát triển, là cơ sở để xác định các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc của địa
phương. Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình
phát triển du lịch cộng gắn với xoá đói, giảm nghèo, tạo sinh kế và tôn vinh
các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan,
trải nghiệm loại hình du lịch này. Trong thời gian vừa qua, du lịch cộng đồng
đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã hình thành ở
nhiều địa phương trong tỉnh, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự
quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương. Tuy
nhiên, do các mô hình du lịch cộng đồng giai đoạn đầu đều được thực hiện dưới
hình thức thí điểm, thử nghiệm, theo các chương trình, dự án của các tổ chức
phi chính phủ tài trợ, do vậy thiếu định hướng phát triển mang tính tống thế,
toàn diện, thậm chí một số nơi còn phát triển mang tính tự phát, vì vậy rất cần
được nghiên cứu, đánh giá và tổng hợp thành những bài học kinh nghiệm, để định
hướng quy hoạch, tập trung nguồn lực xây dựng thành các điểm mô hình du lịch cộng
đồng đạt chuẩn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng
nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030 ” được triển khai thực hiện
sẽ góp phần đắc lực cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo thêm sản phẩm du
lịch mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng, thu hút
người dân và du khách theo tinh thần của chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào
Cai.
II. CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ
Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
- Luật Du lịch ngày 19/6/2017;
- Luật Di sản văn hóa 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 29/11/2005;
- Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020; Nghị định
số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật Bảo vệ môi trường;
- Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017;
- Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
- Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
- Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính
phủ về một số giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới;
- Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;
- Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính
phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch
hiệu quả, bền vững;
- Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ
tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến
năm 2030;
- Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2016 của
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển
sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ
tướng chính phủ Ban hành kèm theo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm
Chương trình mỗi xã một sản phẩm;
- Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ
tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg
ngày 21/8/2019 của Thủ tướng chính phủ Ban hành kèm theo Bộ Tiêu chí đánh giá,
phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;
- Quyết định số 3941/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2020 của Bộ
Khoa học và Công nghệ về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia: Du lịch cộng đồng
-Yêu cầu về chất lượng dịch vụ;
- Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ
tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn
mới giai đoạn 2021 -2025;
- Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ
tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu
chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ
XVI (2020-2025);
- Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2050;
- Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Đề án số 03-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào
Cai về “Phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025”;
- Đề án số 306-ĐA/BCS ngày 25/8/2021 của Ban cán sự
Đảng UBND tỉnh về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới
tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025;
- Chương trình hành động số 148-CTr/TU ngày
28/7/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XV về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ
Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
- Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của
HĐND tỉnh Lào Cai quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa
bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025;
- Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của HĐND
tỉnh Lào Cai thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai
đoạn 2015- 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Kế hoạch số 368/KH-UBND ngày 20/10/2021 của UBND
tỉnh Lào Cai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh
ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 28/9/2020 của UBND tỉnh
Lào Cai về “Phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025,
tầm nhìn đến năm 2030”;
- Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng
Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Quyết định số 2626/QĐ-UBND ngày 4/11/2022 của
UBND tỉnh Lào Cai về ban hành khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 20/3/2023 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Sa Pa - thị xã
Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040;
- Quyết định 3322/QĐ-UBND ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh
Lào Cai về phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất
năm đầu của quy hoạch sử dụng đất thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai;
- Quyết định số 2580/QĐ-UBND ngày 23/10/2023 của
UBND tỉnh Lào Cai về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030
huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
- Quyết định số 2567/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 của
UBND tỉnh Lào Cai về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030
huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.
- Quyết định số 2568/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 của
UBND tỉnh Lào Cai về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030
huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
- Quyết định số 2569/QĐ-UBND ngày 23/10/2023 của
UBND tỉnh Lào Cai về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030
huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
- Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 23/10/2023 của
UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm
2030 trên địa bàn huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai;
- Quyết định số 2721/QĐ-UBND ngày 02/11/2023 của
UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm
2030 trên địa bàn huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai;
- Quyết định số 2722/QĐ-UBND ngày 02/11/2023 của
UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm
2030 trên địa bàn thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai;
- Quyết định số 3325/QĐ-UBND ngày 27/12/2023 của
UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm
2030 của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai;
- Công văn số 738/UBND-TH ngày 27/2/2023 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Lào Cai về thực hiện chỉ đạo của Thường trực tỉnh ủy tại Hội nghị
giao ban ngày 20/2/2023;
Phần
thứ Nhất
ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG VÀ THỰC
TRẠNG DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2015-2023
I. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
CỘNG ĐỒNG (DLCĐ)
1. Điều kiện tự nhiên
Lào Cai là tỉnh biên giới thuộc vùng Trung du miền
núi phía Bắc (TDMNPB), phía Đông tiếp giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam tiếp giáp tỉnh
Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu và phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
với trên 182,086 km đường biên giới quốc gia. Như vậy có thể thấy Lào Cai có vị
trí địa kinh tế - chính trị chiến lược quan trọng không chỉ của vùng TDMNPB mà
còn của cả nước, thể hiện ở: (i) Là trung tâm theo hướng Bắc Nam của vùng
TDMNPB; (ii) Là cửa ngõ tiền tiêu đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh
tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc;
(iii) Là cầu nối phát triển giao thương, đầu tư, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam
với Trung Quốc và các nước ASEAN; (iv) Thuận lợi để phát triển thành trung tâm
logistics và giao thương quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào
Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là kết nối quan trọng của hành lang Bắc
- Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS). Vị trí này
thuận lợi cho phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, cũng như thuận
lợi cho phát triển du lịch.
Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh lào Cai là
6.364,25 km2, chiếm 1,9% diện tích của cả nước, đứng thứ 19/63 tỉnh
thành về diện tích. Dân số tỉnh năm 2022 là 770.589 người, trong đó người Kinh
chiếm khoảng 33,2% dân số.
2. Tài nguyên du lịch
a) Tài nguyên du lịch tự nhiên
Địa hình Lào Cai rất phức tạp, phân tầng độ cao lớn,
mức độ chia cắt mạnh tạo nên những cảnh quan núi rừng hùng vĩ và hấp dẫn, những
vách đá, đỉnh núi hiểm trở, hang động, thác nước và trên nền địa hình là thảm động
thực vật đặc hữu, có giá trị cao đế phát triển loại hình du lịch sinh thái, du
lịch thể thao và du lịch mạo hiểm. Địa hình đa dạng tạo ra những vùng khí hậu
khác nhau trong tỉnh tạo cho Lào Cai không chỉ trở thành một điểm du lịch nghỉ
dưỡng núi lý tưởng, cũng thuận lợi cho việc phát triển một số loại cây ăn quả
ôn đới và dược liệu đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách.
b) Tài nguyên du lịch văn hóa
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 25 nhóm, ngành dân tộc
cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,8% dân số. Trong
các dân tộc thiểu số, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ 22,21%, tiếp đến là dân tộc Tày
chiếm tỷ lệ 15,84%, dân tộc Dao chiếm tỷ lệ 14,05%, dân tộc Giáy chiếm tỷ lệ
4,7%, dân tộc Nùng chiếm tỷ lệ 4,4%,... Sự đa dạng các dân tộc thiểu số đã tạo
nên sự đa dạng và phong phú về văn hóa (thể hiện cả ở văn hóa vật thể và phi vật
thể). Sự đa dạng trong văn hóa dân tộc, trong đó nhiều giá trị di sản văn hóa
dân tộc còn được lưu giữ, đặc biệt là nhóm dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì, Xá Phó,
... là đặc điểm nổi bật, riêng có của Lào Cai so với các tỉnh vùng Trung du miền
núi phía Bắc. Đây là yếu tố quan trọng để khai thác tạo nên các sản phẩm du lịch
đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch đến Lào Cai, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
- Di sản văn hóa vật thể: Đến năm 2023 tỉnh
có 54 di tích được xếp hạng (trong đó có 22 di tích được xếp hạng cấp quốc
gia, 32 di tích được xếp hạng cấp tỉnh).
- Di sản văn hóa phi vật thể
+ Bản làng dân tộc thiểu số: Lào Cai có các bản
làng có bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc đang trở thành các điểm đến hấp dẫn với
khách du lịch trong nước và quốc tế như: Thung lũng Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ,
Giàng Tả Chải, bản Cát Cát,... (thị xã Sa Pa); Na Lo, Bản Phố, Trung Đô,...
(huyện Bắc Hà); Bản Mế, Cán Cấu,... (huyện Si Ma Cai); Mường Hum, Y Tý,... (huyện
Bát Xát); Nghĩa Đô (Bảo Yên). Kiến trúc nhà ở của các dân tộc cũng tạo ra nét hấp
dẫn riêng với du khách như: Nhà Trình Tường của người Hà Nhì, nhà truyền thống
của người Mông, Tày,...
+ Nghề thủ công truyền thống: Nghề thủ công truyền
thống của các dân tộc Lào Cai khá phong phú và đa dạng như: Nghề dệt thổ cẩm,
nghề rèn đúc, chạm khắc Bạc (người Mông), nghề đan (người Hà Nhì, Phù
Lá,...),... Các nghề thủ công truyền thống tạo ra các sản phẩm thủ công hàng
hóa, quà tặng lưu niệm, đồng thời cũng tạo nên các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn
du khách.
+ Nghệ thuật trình diễn dân gian: Nghệ thuật âm nhạc
dân gian của Lào Cai rất đa dạng, phong phú và đặc sắc. Chỉ tính riêng nhạc
khí, Lào Cai đã có đủ 10 họ, với 11 chi, thuộc các thể loại của các nhóm dân tộc
khác nhau, về nghệ thuật ca múa, Lào Cai có khoảng gần 100 điệu múa khác nhau
thuộc nhiều thể loại như: Múa khèn của người Mông, dân vũ của người Tày, múa
xòe của người Tày, Thái,.... cùng rất nhiều làn điệu dân ca và nghệ thuật biểu
diễn mang đậm bản sắc các dân tộc như hát then, hát lượn, hát giao duyên,...
+ Tri thức dân gian: Với 25 nhóm, ngành dân tộc
sinh sống trên địa bàn tỉnh, hệ thống tri thức văn hóa dân gian, truyền thống bản
địa rất phong phú, đa dạng từ nghệ thuật ẩm thực (nhiều món ăn nổi tiếng như Thắng
cố của người Mông, xôi bảy màu của người Nùng,...), dược học cổ truyền (với bài
thuốc lá tắm của dân tộc Dao, các bài thuốc dân gian của các dân tộc thiểu số,...),
trang phục truyền thống của các dân tộc (trang phục của người Mông, Dao,
Thái,...) và các tri thức dân gian đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt với du
khách.
+ Lễ hội truyền thống: Lào Cai có khoảng 60 lễ hội truyền
thống được tổ chức thường niên, đặc biệt là các lễ hội dân gian đặc sắc, hấp dẫn
khách du lịch như: Lễ Pút Tổng (người Dao đỏ ở Tả Phìn, thị xã Sa Pa), Nậm Đét
(huyện Bắc Hà), Nghi lễ cấp sắc (người Dao ở Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), Hội Lồng
tồng, Hội Xuống đồng (người Giáy, người Tày), lễ hội truyền thống đua ngựa (huyện
Bắc Hà), Lễ hội đền Thượng (thành phố Lào Cai), lễ hội Đền Bảo Hà (huyện Bảo
Yên),...
+ Chợ phiên vùng cao: Với đặc thù một tỉnh miền núi
biên giới, Lào Cai nổi tiếng với các chợ phiên độc đáo. Trong 71 chợ hiện có,
chợ phiên chiếm tới hơn 65% về số lượng. Các chợ này thường họp 1 ngày/tuần,
trong đó có thể kế đến một số chợ nổi tiếng như: Chợ phiên Bắc Hà (huyện Bắc
Hà), được bình chọn là 1 trong 10 phiên chợ độc đáo nhất Đông Nam Á; chợ phiên
Cốc Ly, (huyện Bắc Hà) và chợ Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) được ví là chợ trâu lớn
nhất các tỉnh trong Vùng TDMNPB,... Các phiên chợ vùng cao là những hoạt động
văn hóa đặc sắc, hấp dẫn đối với khách du lịch, đặc biệt đối với khách du lịch
quốc tế.
3. Các nguồn lực khác
a) Nguồn nhân lực du lịch
Hiện nay, tổng số người trong độ tuổi lao động trên
địa bàn tỉnh Lào Cai là 396.165 người (chiếm 62% dân số), trong đó lao động khu
vực nông thôn chiếm 75%; lao động tham gia hoạt động kinh tế là 390.792 người
(chiếm 98%). Đây là nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương. Trong tổng số lao động của tỉnh, số lao động trong lĩnh vực du lịch
khoảng 28.600 người, chiếm 7,2 % số lao động trong độ tuổi. Mặc dù tỷ lệ lao động
tham gia lao động lĩnh vực du lịch còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được tiêu
chí của ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên đây là nguồn lực quan trọng cho phát
triển du lịch Lào Cai.
b) Hạ tầng du lịch
- Hệ thống đường bộ: Trên địa bàn tỉnh hiện
có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, 5 tuyến Quốc lộ, 16 tuyến đường tỉnh lộ,
các đường huyện, đường xã đã kết nối đến tất cả các xã trong tỉnh tạo điều kiện
thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy
liên kết giữa tỉnh Lào Cai với các địa phương trong vùng, cũng như kết nối các
trọng điểm du lịch của tỉnh Lào Cai.
- Đường hàng không: Ngoài hệ thống đường bộ,
cảng hàng không Sa Pa đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch (Quyết định số
455/QĐ-BGTVT ngày 04/02/2016) với quy mô tiêu chuẩn là sân bay dân dụng cấp 4C
và sân bay quân sự cấp II với công suất 1.585 nghìn hành khách/năm, 2.880 tấn
hàng hóa/năm; địa điểm xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.
- Đường sắt: Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào
Cai có có năng lực vận chuyển từ 4.000 - 5.000 khách/ngày và có khả năng liên vận
quốc tế: Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc). Trong thời gian tới, dự án
đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có tốc độ thiết
kế 160km/h với khổ đường sắt theo chuẩn quốc tế (khổ 1435mm).
- Đường thủy: Trên địa bàn tỉnh có 2 sông lớn
là sông Hồng và sông Chảy, có điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải đường
sông.
- Hạ tầng thông tin viễn thông: Đến nay trên
địa bàn tỉnh có 34 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; 100% trung tâm các xã, phường,
thị trấn có sóng thông tin di động; 100% xã có thuê bao điện thoại cố định. Như
vậy về cơ bản hệ thống hạ tầng viễn thông đã được đầu tư phát triển đáp ứng nhu
cầu xã hội và du khách về dịch vụ viễn thông, internet.
- Hạ tầng xã hội: Hệ thống các công trình
văn hóa, thể thao từng bước được đầu tư phát triển phủ khắp các địa phương
trong tỉnh.
- Hệ thống cấp điện: Đến nay 100% xã, phường,
thị trấn (152/152) có điện lưới quốc gia. Trên địa bàn tỉnh có 1.879 trạm/704.915kVA
trạm biến áp phân phối đảm bảo cấp điện cho các phụ tải. Điều này đồng nghĩa với
việc đảm bảo nguồn cấp điện ổn định phục vụ nhu cầu hoạt động của hệ thống các
khu, điểm, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Hệ thống cấp nước: Toàn tỉnh Lào Cai hiện
đang có 14 công trình cấp nước sạch đô thị, với tổng công suất 81,5 nghìn
m3/ngày/đêm. Hệ thống cấp nước sinh hoạt được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu
phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
CỘNG ĐỒNG TỈNH LÀO CAI
1. Kết quả phát triển du lịch
tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2023
Đây là giai đoạn có nhiều biến động về phát triển
du lịch của thế giới, Việt Nam nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng, do dịch
Covid-19 bùng phát. Kết quả phát triển du lịch tỉnh Lào Cai có thể chia làm ba
giai đoạn, gồm: Giai đoạn 2015 - 2019; 2020 - 2021; 2022 - 2023.
1.1. Khách du lịch:
Giai đoạn 2015 - 2019, lượng khách du lịch đến Lào
Cai tăng nhanh từ 2,090 triệu lượt khách (khách quốc tế là 717.644 lượt) năm
2015 lên 5,106 triệu lượt khách (khách quốc tế 806.160 lượt) vào năm 2019; tốc
độ tăng trưởng bình quân là 25%/năm (khách quốc tế: 9,4%/năm; khách nội địa:
27,7%/năm). Đây là mức tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng trung bình về
khách du lịch đến vùng núi Tây Bắc (19,6%/năm).
Giai đoạn 2020 - 2021: Du lịch Lào Cai chịu ảnh hưởng
nặng nề bởi đại dịch Covid 19, lượng khách du lịch giảm sâu.
Giai đoạn 2022-2023: Du lịch bắt đầu phục hồi. Năm
2022, Lào Cai đón 4,643 triệu lượt khách, năm 2023 đón 7.261.581 lượt (trong
đó: Khách du lịch nội địa: 6.722.868 lượt, khách quốc tế: 538.713 lượt).
Như vậy có thể thấy du lịch Lào Cai bị ảnh hưởng nặng
nề do dịch Covid 19, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ.
1.2. Tổng thu từ du lịch:
Giai đoạn 2015 - 2019, tổng thu từ du lịch tăng
nhanh từ 4.675 tỷ đồng lên 19.203 tỷ vào năm 2019; tốc độ tăng trưởng bình quân
là 42,3%/năm.
Giai đoạn 2020-2021: Năm 2020, do dịch bệnh
Covid-19 bùng phát, tổng thu từ du lịch giảm xuống còn 7.184 tỷ đồng, bằng 37,3%
so với năm 2019; năm 2021, tổng thu từ du lịch tiếp tục giảm sâu, còn 4.440 tỷ
đồng, bằng 23,1% so với năm 2019.
Giai đoạn 2022 - 2023: Năm 2022, du lịch bắt đầu phục
hồi, tổng thu từ du lịch đạt 16.380 tỷ đồng bằng 85,3% so với năm 2019; năm
2023 tổng thu từ du lịch đạt 22.244 tỷ đồng.
1.3. Thực trạng nguồn nhân lực du lịch
Nguồn nhân lực du lịch của Lào Cai giai đoạn
2015-2019 tăng 42,2%/năm, theo đó năm 2015 số lượng lao động trong lĩnh vực du
lịch trên địa bàn Lào Cai là 9.100 người, trong đó có 3.500 lao động trực tiếp,
thì đến năm 2019, con số đó đã là 32.000, chiếm tới 6,9% số lao động trong độ
tuổi lao động của toàn tỉnh, với 14.500 lao động trực tiếp. Tỉnh đã tổ chức đào
tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại 4.000 lao động, nâng tổng số lao động du lịch lên
trên 14.000 lao động trực tiếp được qua đào tạo, bồi dưỡng.
Do tác động của dịch Covid-19, lực lượng lao động
trong lĩnh vực du lịch suy giảm còn 12.000 người vào năm 2021, hiện nay, sau
khi du lịch phục hồi, lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch đã tăng lên
28.600 người vào năm 2023.
2. Thực trạng phát triển du lịch
cộng đồng
2.1. Về chủ trương, chính sách phát triển du
lịch cộng đồng
Nhiệm vụ xây dựng, phát triển DLCĐ tỉnh Lào Cai đã
được xác định từ rất sớm. Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam
xây dựng, áp dụng mô hình phát triển DLCĐ gắn với xoá đói, giảm nghèo cho cộng
đồng các dân tộc thiểu số với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới
(nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo tại huyện
Sa Pa - 1998) và Tổ chức Bánh mì thế giới (hỗ trợ xây dựng 02 mô hình du lịch cộng
đồng thí điểm tại 2 xã Bản Hồ và San Sả Hồ, huyện Sa Pa trước đây, nay là thị
xã Sa Pa). Sau 2 năm đi vào vận hành mô hình du lịch cộng đồng do Tổ chức Bánh
mì thế giới hỗ trợ triển khai đã được chứng minh là hiệu quả trong việc nâng
cao sinh kế và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu
số. Giai đoạn trước năm 2015, DLCĐ chủ yếu phát triển tại Sa Pa và phần lớn,
mang tính tự phát. Sau đó, du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai từng bước phát triển
có hệ thống và đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào
Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030 được phê duyệt tại Quyết định số
4876/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh Lào Cai.
Để triển khai phát triển DLCĐ, UBND tỉnh đã ban
hành Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 09/5/2018 về thực hiện Dự án “Phát triển du lịch
cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020”;
riêng UBND huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa) đã ban hành Kế hoạch số
101/KH-UBND ngày 27/3/2018 về Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn
hóa các dân tộc và khai thác hiệu quả thế mạnh tài nguyên thiên nhiên Sa Pa
giai đoạn 2018 - 2020; Kế hoạch số 351/KH-UBND 25/10/2021 về xây dựng và phát
triển du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng văn hóa 05 dân
tộc thiểu số Sa Pa, giai đoạn 2021-2025; Huyện ủy huyện Bảo Yên ban hành Đề án
số 05-ĐA/HU ngày 09/12/2020 về Phát triển du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng
gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn
huyện Bảo Yên giai đoạn 2020-2025.
Tiếp tục chủ trương phát triển du lịch tỉnh Lào Cai
thành ngành kinh tế đột phá, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng, Tỉnh
ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 3: Phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai
giai đoạn 2020 - 2025; HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số
06/2021/NQ-HĐND , ngày 09/4/2021 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ
phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có
nội dung hỗ trợ du lịch cộng đồng; UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số
2626/QĐ-UBND ngày 04/11/2022 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt Khung chiến
lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết số 06/NQ-HĐND , ngày 09/4/2021 của HĐND tỉnh
Lào Cai quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh
Lào Cai giai đoạn 2021-2025, là chính sách đặc thù của địa phương, phù hợp với
thực tiễn và sớm đi vào cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực, được người dân,
doanh nghiệp đón nhận và hưởng ứng. Hiện nay, đã giải ngân được 32 tỷ đồng cho
các hộ gia đình làm DLCĐ (tại TP. Lào Cai, thị xã Sa Pa, các huyện: Bắc Hà, Bát
Xát, Si Ma Cai, Bảo Yên), giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, với
thủ tục đơn giản, thuận lợi để đầu tư phát triển kinh doanh du lịch, nâng cao
chất lượng sản phẩm du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch mới; chính sách hỗ trợ
thành lập mới và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, đội văn nghệ tại điểm du
lịch đã nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân, đã bước đầu hình thành được
10 đội văn nghệ dân gian tại các điểm du lịch, khích lệ, tạo điều kiện hỗ trợ một
phần về kinh phí, qua đó khuyến khích người dân có ý thức bảo tồn các làn điệu
dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Ngày 18/10/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số
14/2022/NQ-HĐND ban hành một số nội dung, mức chi thực hiện các Chương trình mục
tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo đó, nội dung
hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền không
quá 500 triệu đồng/sản phẩm.
Ngày 13/11/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số
13/2023/NQ-HĐND về sửa đổi bổ sung bãi bỏ một số khoản tại Điều 3 của Quy định
kèm theo Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 18 tháng 10 năm 2022 của HĐND tỉnh
ban hành quy định một số nội dung, mức chi thực hiện chương trình mục tiêu quốc
gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo đó, hỗ trợ xây dựng mô
hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách
nhiệm và bền vững tối đa 70% kinh phí thực hiện, nhưng không quá 3.000 triệu đồng/mô
hình.
Đến nay, toàn tỉnh có 296 hợp tác xã (HTX); 336 THT
nông nghiệp; 146 trang trại; có 36 mô hình liên kết theo Nghị định
98/2018/NĐ-CP , cùng với 16 doanh nghiệp tham gia liên kết với các HTX, hộ nông
dân và 26 HTX tham gia liên kết với các HTX và hộ nông dân; Chương trình “Mỗi
xã một sản phẩm” tiếp tục được đẩy mạnh; tổng số sản phẩm đạt chứng nhận OCOP
toàn tỉnh 197 sản phẩm (185 sản phẩm 3 sao và 12 sản phẩm 4 sao). Các nghề,
làng nghề tiếp tục duy trì, phát triển; toàn tỉnh hiện có 20 nghề truyền thống,
10 làng nghề, 20 làng nghề truyền thống.
Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được các cấp
chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện: Đến nay, toàn tỉnh có 02/9
đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn
mới (thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; huyện
Bảo Thắng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020). Toàn tỉnh có 62/127 xã được công
nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, trong đó có 05 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn
nông thôn mới nâng cao”, 177 thôn kiểu mẫu, 237 thôn nông thôn mới.
2.2. Kết quả phát triển du lịch cộng đồng
2.2.1. Hệ thống điểm du lịch cộng đồng trên địa
bàn tỉnh Lào Cai.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 điểm DLCĐ được
công nhận, chiếm 35% các điểm du lịch đã được công nhận (có biểu 1 kèm
theo), cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động
kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch tại cộng đồng.
Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu
ở thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và từng bước mở rộng sang các huyện khác, như: Bát
Xát, Bảo Yên.
2.2.2. Sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch
Các dịch vụ, sản phẩm DLCĐ trên địa bàn tỉnh Lào
Cai tương đối đa dạng, nhưng gồm các sản phẩm, dịch vụ chính sau đây:
- Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (sau đây
gọi là homestay): Toàn tỉnh có 467 cơ sở, chiếm 29,7% tổng số cơ sở lưu trú
du lịch trên địa bàn tỉnh (có biểu 2 kèm theo), trong đó tập chung chủ yếu
tại thị xã Sa Pa (355 hộ), huyện Bắc Hà (59 hộ), huyện Bát Xát (30 hộ), huyện Bảo
Yên (17 hộ), huyện Văn Bàn (5 hộ); thành phố Lào Cai (1 hộ). Các nhà nghỉ lưu
trú tại gia cơ bản đã đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ
lưu trú, như: Chăn, ga, gối, đệm, buồng ngủ, nhà vệ sinh, bếp nấu ăn,... đáp ứng
nhu cầu tối thiểu khi khách lưu trú tại gia đình. Khi lựa chọn dịch vụ
homestay, khách du lịch có điều kiện ngủ, nghỉ, sinh hoạt tại những ngôi nhà
truyền thống của đồng bào các dân tộc tại làng bản, như: Nhà truyền thống người
Dao, Mông, nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, nhà trình tường người Hà Nhì,...
cùng với đó, du khách có thể tìm hiểu về phong tục tập quán, đời sống văn hóa của
người dân địa phương.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 3 nhóm cơ sở lưu trú tại
gia (homestay) của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (thị xã Sa Pa) và dân tộc
Tày tại xã Tà Chải (huyện Bắc Hà), xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) được Hiệp hội du
lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN. Đây là cơ hội để quảng
bá, giới thiệu du lịch cộng đồng của tỉnh với khách du lịch, nhất là khách du lịch
quốc tế.
- Du lịch văn hóa: Khi lựa chọn loại hình du lịch
này, khách du lịch được tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của người dân địa
phương, đồng thời được trực tiếp tham gia trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao
động hàng ngày, tham dự các lễ hội truyền thống của người dân, như: Khách du lịch
trải nghiệm hoạt động gặt lúa, cày, ruộng, tưới rau tại Sa Pa, thông qua sản phẩm
du lịch “Một ngày làm nông dân Sa Pa”; trải nghiệm hoạt động hái mận, bẻ ngô,
hái quýt, lê,... tại Bắc Hà, Mường Khương; Lễ hội Xuống đồng của người Giáy, Lễ
hội Gầu tào của người Mông, Lễ hội nhảy lửa của người Dao, cùng hàng chục nghi
lễ trong đời sống tín ngưỡng của người dân địa phương.
- Phát triển du lịch tham quan Ruộng bậc thang: Với
địa hình đặc trưng là núi cao xen kẽ với đồi núi thấp bị chia cắt lớn, kết hợp
cùng cộng đồng dân cư sinh sống trên nhiều dãy núi và thung lũng nhỏ biệt lập,
trải qua nhiều đời canh tác sinh sống đã tạo nên những ruộng bậc thang tuyệt đẹp,
cuốn hút du khách cả trong và ngoài nước. Đặc biệt là khu vực ruộng bậc thang ở
thung lũng Mường Hoa (thị xã Sa Pa), Thề Pả (huyện Bát Xát) đã được xếp hạng di
tích danh thắng cấp quốc gia. Khi đến đây, khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng vẻ
đẹp hùng vĩ của những thửa ruộng bậc thang vào các mùa: Nước đổ, mùa lúa chín
qua các chương trình Lễ hội mùa vàng,..
- Du lịch nông nghiệp: Loại hình này mới phát triển
tại Lào Cai cách đây vài năm. Tuy nhiên, điểm độc đáo của sản phẩm này đó là du
khách sẽ được tận hưởng các sản phẩm từ mô hình nông nghiệp, được tự tay thu
hái rau, củ, quả, như các mô hình trồng nấm hương, trồng dâu tây,... tại Sa Pa;
Vườn lê Tai Nung tại Bát Xát; vườn mận Bắc Hà,... hay tham quan tại các trang
trại nuôi cá tầm cá hồi và thưởng thức những món ăn ngon.
- Du lịch ẩm thực: Phát triển sản phẩm nông nghiệp
bản địa thành sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch, như
lợn đen, gà đen, Tương ớt Mường Khương, gạo Séng Cù, lạp xườn, thịt trâu sấy,
chè chất lượng cao,... ngoài ra, Lào Cai cũng phát triển vùng sản xuất, chế biến
dược liệu với quy mô lớn, hiện đại, theo hướng hàng hóa và gắn với phát triển
du lịch, trở thành sản phẩm du lịch, sản phẩm quà tặng đặc thù của tỉnh.
Nhìn chung, các sản phẩm, dịch vụ du lịch trong hoạt
động DLCĐ có sự đan xen, bổ trợ cho nhau.
2.2.3. Lao động trong du lịch cộng đồng
Hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 4.000 lao động
tham gia hoạt động du lịch cộng đồng (chiếm 14,29% lao động trong lĩnh vực du lịch
của tỉnh).
Lao động đang hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng
trên toàn tỉnh đã được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo về kiến thức, kỹ năng nghề
du lịch theo tiêu chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực du lịch
phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, từng bước hướng tới chuyên
nghiệp. Các ngành, địa phương đã liên kết đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp
vụ cho các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch về những kiến thức và kỹ năng ngành
nghề kinh doanh lưu trú tại nhà dân, nghiệp vụ thuyết minh viên, hướng dẫn viên
du lịch tại điểm theo tiêu chuẩn, nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ
khách du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng. Năm 2022 - 2023, đã thực hiện tập
huấn, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ về du lịch cho 300 lao động du lịch cộng đồng.
2.2.4. Mô hình quản lý du lịch cộng đồng
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa ban
hành quy định, hướng dẫn về mô hình quản lý DLCĐ. Để đáp ứng yêu cầu quản lý,
phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn, UBND Thị xã Sa Pa đã ban hành Quyết
định số 12/QĐ-UBND ngày 16/01/2016 về việc Ban hành Quy chế quản lý hoạt động
du lịch cộng đồng tại các xã trên địa bàn huyện Sa Pa, đồng thời thành lập Ban
Quản lý DLCĐ của 05 xã, gồm: Tả Van (07 thành viên do Chủ tịch xã làm Trưởng
ban); Bản Hồ (07 thành viên do Chủ tịch xã làm Trưởng ban); Tả Phìn (07 thành
viên do Phó Chủ tịch xã làm Trưởng ban); xã Hầu Thào (07 thành viên do Chủ tịch
xã làm trưởng ban); Lao Chải (07 thành viên do Phó chủ tịch làm trưởng ban). Tiếp
đó, đến ngày 01/12/2023, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số
39/2023/QĐ-UBND quy định một số nội dung về quản lý hoạt động du lịch, khu du lịch,
điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó có định hướng mô hình chung
thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng cấp xã, bao gồm các thành viên đại diện
chính quyền, các đoàn thể và đại diện các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng.
2.2.5. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch cộng đồng
Công tác xúc tiến, quảng bá DLCĐ của tỉnh giai đoạn
2015 - 2023 chủ yếu được lồng ghép với hoạt động xúc tiến chung của tỉnh. Xây dựng
các ấn phẩm quảng bá du lịch: Du lịch chợ phiên; du lịch leo núi; du lịch tâm
linh; bản đồ Sa Pa, Bắc Hà; In ấn bộ công cụ nhận diện thương hiệu của du lịch
Lào Cai; xuất bản sách ảnh du lịch Lào Cai; tham gia Liên hoan các làng du lịch
cộng đồng tại Hòa Bình,... Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động
xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Cổng thông tin du lịch tỉnh Lào Cai
(dulichlaocai.vn), Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai (laocaitourism.vn),
trang thông tin du lịch Tây Bắc (dulichtaybac.vn), trang thông tin du lịch dành
cho thị trường nước ngoài (sapa-tourism.com), fanpage Du lịch Lào Cai trên mạng
xã hội,...
3. Vị trí, vai trò của Du lịch
cộng đồng
Du lịch cộng đồng là phương thức phát triển du lịch
trong đó cộng đồng dân cư là chủ thể trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch.
Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo
mà còn tạo điều kiện cho người dân tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ, gìn
giữ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái. Vì vậy, DLCĐ được
xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho
cộng đồng dân cư.
Trong giai đoạn 2015-2020, DLCĐ được xác định xây dựng
thành thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng của tỉnh (Quyết định
4867/QĐ-UBND ngày 31/12/2025 của UBND tỉnh Lào Cai về phê duyệt Quy hoạch tổng
thể phát triển Du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm
2030); DLCĐ được xác định là một trong 6 dòng sản phẩm du lịch chính của tỉnh
Lào Cai (Quyết định số 2626/QD-UBND ngày 4/11/2022 của UBND tỉnh Lào Cai về ban
hành khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2050). Qua đó, góp phần quan trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch; nâng cao
trải nghiệm cho khách du lịch; kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của
khách du lịch khi đến Lào Cai
Phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) sẽ mở rộng
không gian du lịch, giảm áp lực quá tải (về điện, nước, giao thông...) đối với
các đô thị trung tâm nhất là Trung tâm thị xã Sa Pa. Phát triển DLCĐ tạo điều
kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường khu vực nông thôn,
góp phần xây dựng nông thôn mới:
(1) Phát triển DLCĐ tạo điều kiện gia tăng giá trị
kinh tế, tăng thêm nguồn thu ngoài sản xuất nông nghiệp. Nhờ có DLCĐ mà mức
tiêu thụ hàng hóa nói chung ở các khu vực nông thôn tăng lên, kích thích sản xuất
hàng hóa ở khu vực đó và các khu vực lân cận, thúc đẩy quá trình giao thương giữa
các khu vực gắn với cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho du khách. Không những gia
tăng sản lượng sản xuất hàng hóa mà giá trị của các hàng hóa này cũng được tăng
lên vì du lịch là một ngành xuất khẩu tại chỗ, giá trị hàng hóa cung cấp cho du
khách cao hơn so với cung cấp phục vụ nhu cầu của người dân địa phương;
(2) Phát triển DLCĐ giúp tăng số lượng việc làm
(bao gồm trực tiếp và gián tiếp) ở nông thôn. Từ đó, tạo việc làm cho lao động,
góp phần khắc phục tình trạng thiếu việc làm, lao động nhàn rỗi tại nông thôn;
phát triển DLCĐ đòi hỏi người dân phải có những kiến thức, kỹ năng nhất định
trong phục vụ khách du lịch và các kỹ năng khác liên quan do đó, góp phần nâng
cao trình độ dân trí, ứng xử văn minh; thông qua việc xây dựng, phát triển các
sản phẩm du lịch văn hóa (trình diễn dân ca, dân vũ, tổ chức lễ hội truyền thống,
sinh hoạt tín ngưỡng...), ẩm thực (chế biến các món ăn truyền thống...), quà
lưu niệm... góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo điều kiện
giao lưu hiểu biết văn hóa - xã hội giữa các dân tộc, các vùng miền..
III. ĐÁNH GIÁ
1. Kết quả đạt được
Sau thời gian phục hồi do tác động của dịch Covid
19, du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai từng bước được phục hồi. Năm 2023, DLCĐ đón
khoảng 700.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch cộng đồng chiếm khoảng 5% tổng
thu từ du lịch của tỉnh. Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã có 3 nhóm cơ sở lưu trú tại
gia của đồng bào Giáy, xã Tả Van (thị xã Sa Pa) của đồng bào Tày, xã Tà Chải
(huyện Bắc Hà), dân tộc Tày, xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) được Hiệp hội du lịch
các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN. Cùng với các loại hình
du lịch khác, DLCĐ Lào Cai đã thu hút được sự quan tâm của du khách và góp phần
quan trọng vào việc nâng cao đời sống cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào
các hoạt động DLCĐ. Việc mở rộng hoạt động du lịch đến các làng bản đã tạo ra
cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, góp phần
nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các địa phương. Theo kết quả điều
tra thu nhập bình quân của các hộ tham gia du lịch cộng đồng tại Sa Pa đạt từ
80-150 triệu đồng/năm, các đội văn hóa hoạt động ổn định với mức thu nhập 3 triệu
đồng/buổi diễn.
Bên cạnh đó, sự phát triển DLCĐ cũng đem lại cơ hội
phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống và các phong tục và sinh hoạt
văn hóa cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa các
dân tộc. Cụ thể: Sản phẩm thủ công truyền thống có thổ cẩm, nhạc cụ truyền thống,
trang sức bằng bạc,...; ẩm thực dân tộc: Thắng cố, Xôi bảy màu, Lạp sườn, Tương
ớt, gạo Séng Cù, gà thuốc, ...; Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền
thống cũng dần thu hút được sự tham gia của du khách và các đơn vị lữ hành, góp
phần quảng bá trực tiếp cho các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.
2. Tồn tại, hạn chế
Hầu hết các điểm DLCĐ trên địa bàn mới chỉ khai
thác dịch vụ ăn, nghỉ và biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch, thiếu các hoạt
động thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương; Các nghề
thủ công truyền thống mặc dù bước đầu đã được khai thác phục vụ du lịch nhưng mới
chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm nên chưa tạo được sức lan tỏa; vấn đề xử
lý nước thải, rác thải, đặc biệt là nước thải và rác thải sinh hoạt tại các điểm
du lịch cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tình trạng ô nhiễm môi trường
và gây ra nhiều phản cảm đối với du khách; Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng
chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch thiết yếu theo quy định như: Đường
giao thông, bãi đỗ xe, hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh cộng cộng, điểm dừng
chân ngắm cảnh và giới sản phẩm địa phương, hệ thống biển báo và biển chỉ dẫn
du lịch, Nhà du lịch cộng đồng,... gây khó khăn cho du khách và các đơn vị lữ
hành trong tiếp cận điểm đến và phục vụ du khách tại điểm đến; Các hộ gia đình
thu nhập thấp ít có cơ hội tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng do
không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư; Phần lớn các homestay chưa được công nhận
theo tiêu chuẩn, nhiều cơ sở không đảm bảo về hạ tầng, an toàn phòng, chống
cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa có biên bản chấp thuận kết quả nghiệm
thu về phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự, chưa được cấp tài khoản khai
báo tạm trú cho người Việt Nam và người nước ngoài,... tiềm ấn nhiều phức tạp
trong công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình du lịch cộng đồng.
Mặc dù đã có 3 nhóm cơ sở lưu trú tại gia đạt chuẩn
Homestay Asean, nhưng so với số lượng 467 cơ sở homestay của tỉnh, số lượng đạt
chuẩn Homestay Asean còn khá khiêm tốn. Các cơ sở lưu trú tại gia đạt chuẩn
Homestay Asean đứng trước thách thức trong việc giữ vững, duy trì các tiêu chí
đã đạt được.
Phần
thứ hai
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU
LỊCH CỘNG ĐỒNG TỈNH LÀO CAI GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI ĐẾN NĂM 2030
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Phát triển du lịch cộng đồng phải phù hợp các định
hướng phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch của
tỉnh Lào Cai, đồng thời, đảm bảo an ninh - quốc phòng; tiêu chuẩn TCVN
13259:2020 Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ và tiêu chuẩn
ASEAN Community Based Tourism standard (Tiêu chuẩn ASEAN về du lịch dựa vào cộng
đồng) - 2016 và được quan tâm đầu tư tương xứng về hạ tầng theo tiêu chuẩn của
điểm du lịch.
2. Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững,
gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, giữ gìn cảnh quan
thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến
đổi khí hậu; có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng, xây dựng thương hiệu du lịch
cộng đồng của tỉnh, nâng cao khả năng cạnh tranh, trở thành một trong những
ngành kinh tế có vai trò quan trọng nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho
người dân địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.
3. Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào tài nguyên
du lịch và nguồn lực nội tại của địa phương là yếu tố quyết định; tranh thủ nguồn
lực từ bên ngoài đế tạo đột phá. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển sản phẩm
du lịch, khuyến khích và tạo điều kiện thu hút đầu tư của các cá nhân, tổ chức,
doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển các sản phẩm du lịch, có sức hấp
dẫn du khách trong và ngoài nước.
4. Phát triển du lịch cộng đồng trong sự liên kết
chặt chẽ về không gian, liên ngành và xã hội hóa cao, du lịch cộng đồng nằm
trong chuỗi sản xuất của cộng đồng (như sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp, dược liệu, cung ứng các dịch vụ như ăn uống, lưu trú,...) nhằm gia tăng
giá trị sản xuất và thu nhập theo chuối giá trị; tạo sự đa dạng và hấp dẫn
(luôn luôn đổi mới và thích ứng) đáp ứng thị trường truyền thống và thị trường
tiềm năng.
5. Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng vì lợi ích
của người dân, cộng đồng và xã hội.
II. NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA DU LỊCH
CỘNG ĐỒNG[1]
1. Nguyên tắc 1: Bình đẳng xã hội.
Trong quá trình phát triển Du lịch cộng đồng, các
thành viên của cộng đồng tham gia lập kế hoạch, thực hiện và quản lý hoạt động
du lịch trong cộng đồng. Các lợi ích kinh tế được phân chia, không chỉ cho công
ty du lịch mà cho cả thành viên cộng đồng.
2. Nguyên tắc 2: Tôn trọng văn hóa địa phương và
các di sản thiên nhiên.
Trong quá trình hoạt động Du lịch cộng đồng, tất cả
các thành phần tham gia đều phải có ý thức và hành động cụ thể tôn trọng và bảo
vệ nguồn tài nguyên du lịch, đó chính là văn hóa địa phương và các tài nguyên
thiên nhiên.
3. Nguyên tắc 3: Chia sẻ lợi ích.
Các lợi ích kinh tế từ du lịch được chia sẻ cho cộng
đồng và các đối tác liên quan; đồng thời cũng được trích một phần để phát triển
cộng đồng, mang lại lợi ích chung cho xã hội như: tái đầu tư cho cộng đồng xây
dựng đường sá, điện, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, bảo tồn văn hóa v.v..
4. Nguyên tắc 4: Sở hữu và sự tham gia của địa
phương.
Trong phát triển du lịch cộng đồng cần đảm bảo sự sở
hữu cũng như tối đa hóa sự tham gia của cộng đồng địa phương và lợi ích mà họ
có được từ các hoạt động du lịch. Hơn thế nữa, việc tham gia của cộng đồng vào
các hoạt động du lịch chính là cách thức tạo ra các sản phẩm Du lịch cộng đồng.
III. MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN
DU LỊCH CỘNG ĐỒNG
1. Điều kiện về tài nguyên du lịch
1.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên
- Cảnh quan thiên nhiên đẹp, đảm bảo vệ sinh môi
trường;
- Các tuyến đường đi bộ, dã ngoại;
- Hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng, đặc sắc.
1.2. Tài nguyên du lịch văn hóa
- Kiến trúc truyền thống: Được duy trì và bảo tồn;
- Phong tục tập quán được bảo vệ và phát huy;
- Lễ hội truyền thống: Được duy trì và bảo tồn;
- Nghề thủ công truyền thống: Được duy trì và bảo tồn;
- Ẩm thực truyền thống: Được duy trì và bảo tồn;
- Trò chơi dân gian truyền thống: Được duy trì và bảo
tồn;
- Dân ca, dân vũ truyền thống: Được duy trì và bảo
tồn;
- Trang phục truyền thống được bảo vệ và phát huy.
2. Điều kiện về kết cấu hạ tầng
2.1. Kết cấu hạ tầng giao thông: Kết nối với các trục
đường giao thông chính (tỉnh lộ, quốc lộ..); tiếp cận điểm đến dễ dàng (xe ô tô
từ 16 chỗ trở lên có thể đi được); giao thông nội vùng thuận lợi.
2.2. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật:
- Đảm bảo các điều kiện về điện, nước, viễn thông;
- Có bãi đỗ xe; điểm dừng nghỉ - checkin; điểm giới
thiệu sản phẩm truyền thống; nhà vệ sinh công cộng; hệ thống biển chỉ dẫn du lịch;
sơ đồ (bản đồ) du lịch; cơ sở lưu trú.
3. Điều kiện về khả năng tham gia của cộng đồng
- Số lượng các hộ gia đình tham gia vào hoạt động
du lịch cộng đồng khoảng từ 5 hộ trở lên và hình thành cụm du lịch cộng đồng.
4. Điều kiện về sản phẩm du lịch
- Có thể phát triển một hoặc nhiều sản phẩm du lịch
sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp;
- Có thể kết nối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh,
liên tỉnh.
5. Điều kiện về nhân lực.
Người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng phải
được đào tạo, tập huấn các kỹ năng về du lịch, như: kỹ năng giao tiếp, thuyết
minh viên cộng đồng; kỹ năng xử lý tình huống; kỹ năng trong chế biến món ăn,
cách trang trí các món ăn, quy trình phục vụ ăn uống; trang trí bàn, bày dụng cụ
và món ăn theo thực đơn; kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách,...
6. Điều kiện về xúc tiến quảng bá du lịch.
- Trong và sau khi đầu tư phát triển mô hình du lịch
cộng đồng phải thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến đối
với thị trường khách tiềm năng, bao gồm:
+ Nhà nước hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá;
+ Người dân chủ động tuyên truyền, quảng bá.
IV. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu chung
Xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng dựa trên các
tiêu chuẩn trong nước, tiêu chuẩn ASEAN phù hợp với đặc trưng riêng có của từng
khu vực, cộng đồng tạo nên điểm đến hấp dẫn khách du lịch; Mở rộng không gian,
đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người
dân địa phương, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thành
công nông thôn mới. Nâng cao khả năng thích ứng, sự chủ động của người dân
trong xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng nói riêng, thúc đẩy phát triển
kinh tế xã hội khu vực nông thôn nói chung.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đến năm 2030.
Phấn đấu đón 1.700.000 lượt khách tham quan loại
hình du lịch cộng đồng; Tổng thu từ du lịch cộng đồng chiếm 10% trong tổng số
thu từ khách du lịch của tỉnh.
Có 7 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn
ASEAN, 11 mô hình du lịch cộng đồng đáp ứng điều kiện điểm du lịch cấp tỉnh hoặc
TCVN 13259:2020 Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ; 7 thôn thực
hiện mô hình du lịch cộng đồng theo đề án được công nhận thôn nông thôn mới,
thôn kiểu mẫu.
Nâng cao chất lượng dịch vụ Homestay hiện có, thúc
đẩy phát triển mới khoảng 60 cơ sở Homestay, nâng tổng số Homestay toàn tỉnh
lên 527 cơ sở; tạo việc làm cho 1.500 lao động; Nghiên cứu, phát triển các sản
phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, ẩm thực, nông nghiệp.
V. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
CỘNG ĐỒNG
1. Đầu tư xây dựng 06 mô hình
du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN, cụ thể:
1.1. Danh sách các mô hình du lịch:
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Tả Van Giáy, xã Tả
Van, thị xã Sa Pa gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Giáy;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Sả Xéng, xã Tả
Phìn, thị xã Sa Pa gắn với văn hóa dân tộc Dao;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Bản Dền - La Ve,
xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa) gắn với văn hóa dân tộc Tày;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Hầu Chư Ngài, xã
Mường Hoa, thị xã Sa Pa gắn với văn hóa dân tộc Mông;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Choản Thèn, xã Y
Tý, huyện Bát Xát gắn với văn hóa dân tộc Hà Nhì.
- Mô hình Du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, huyện Bảo
Yên gắn với văn hóa dân tộc Tày;
1.2. Hạng mục công việc chính đầu tư cho một mô
hình.
- Lập Quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch dân cư
nông thôn.
- Tư vấn lập dự án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng;
- Đầu tư xây dựng cổng chào, trạm đón tiếp khách mô
phỏng kiến trúc văn hóa dân tộc, một số hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
khác;
- Đầu tư xây dựng không gian trải nghiệm văn hóa
dân tộc (gồm Nhà du lịch cộng đồng và các công trình phụ trợ);
- Xây dựng bãi đỗ xe;
- Xây dựng nhà vệ sinh công cộng;
- Lặp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn du lịch,
nội quy du lịch;
- Hỗ trợ trang thiết bị, tư vấn, hướng dẫn nâng cao
chất lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch;
- Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nâng cao trải
nghiệm cho khách du lịch: Sản phẩm du lịch văn hóa; nông nghiệp; sinh thái;
tham quan, ngắm cảnh; ẩm thực. Quy hoạch trồng các loại hoa, cây cảnh; đồng thời
đưa vào các loại hoa, cây cảnh phù hợp với từng điều kiện của mỗi địa phương nhằm
tạo sự đặc sắc về cảnh quan, điểm nhấn cho các điểm du lịch cộng đồng, thu hút
khách du lịch;
- Hỗ trợ thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng phục
vụ du lịch;
- Hỗ trợ tái tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp;
- Hỗ trợ nâng cao năng lực của BQL điểm đến: Thành
lập/kiện toàn BQLDL với sự tham gia của người địa phương để nâng cao vai trò, vị
trí của người cộng đồng các dân tộc tham gia vào các hoạt động du lịch; xây dựng
nội quy, quy chế quản lý điểm đến;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực du lịch tại cộng đồng.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao vai trò
và trách nhiệm trong việc giữ gìn hệ sinh thái nông thôn, bảo vệ kiến trúc truyền
thống của các làng bản và hạn chế sự phát triển nhà đô thị, bảo vệ và phát huy
giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
* Ghi chú: Các hạng mục đầu tư có thể điều chỉnh
hoặc ưu tiên đầu tư phù hợp với điều kiện thực tiễn tại các điểm du lịch cộng đồng
2. Đầu tư xây dựng 11 mô hình
du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn điểm du lịch cấp tỉnh hoặc TCVN 13259:2020 Du
lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ
2.1. Danh sách các mô hình du lịch:
- Mô hình Du lịch cộng đồng Thôn Can Hồ B, xã Ngũ
Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa gắn với dân tộc Dao;
- Mô hình Du lịch cộng đồng Thôn Lếch Dao, xã Thanh
Bình, thị xã Sa Pa, gắn với dân tộc Dao;
- Mô hình Du lịch cộng đồng Tổ dân phố số 2, Thôn
Lý Lao Chải cũ phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả
Ngài Chồ, huyện Mường Khương, gắn với dân tộc Mông;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Cán Chư Sử, xã Cán
cấu, huyện Si Ma Cai gắn với dân tộc Mông;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Đội 3, xã Bản Liền,
huyện Bắc Hà, gắn với dân tộc Tày;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Bản Phố 2, xã Bản
Phố, huyện Bắc Hà, gắn với dân tộc Mông.
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Nhíu Cù San, xã
Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, gắn với dân tộc Mông;
- Mô hình Du lịch cộng đồng Thôn Đồng Qua, xã Liêm
Phú, huyện Văn Bàn, gắn với dân tộc Tày;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Nậm Rịa, xã Hợp
Thành, TP Lào Cai, gắn với dân tộc Xá Phó;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Đầu Nhuần, xã Phú
Nhuận, huyện Bảo Thắng gắn với cảnh quan thiên nhiên thác Đầu Nhuần.
(Chi tiết tại Biểu 4 kèm theo)
2.2. Hạng mục công việc chính đầu tư cho một điểm
- Tư vấn lập dự án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng;
- Đầu tư xây dựng cổng chào, trạm đón tiếp khách mô
phỏng kiến trúc văn hóa dân tộc, một số hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
khác;
- Đầu tư xây dựng không gian trải nghiệm văn hóa
dân tộc (gồm Nhà du lịch cộng đồng và công trình phụ trợ);
- Xây dựng bãi đỗ xe;
- Xây dựng nhà vệ sinh công cộng;
- Lặp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn du lịch,
nội quy du lịch;
- Hỗ trợ trang thiết bị, tư vấn, hướng dẫn nâng cao
chất lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch;
- Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch từ cộng đồng
nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch: Sản phẩm du lịch văn hóa; nông nghiệp;
sinh thái; tham quan, ngắm cảnh; ẩm thực. Quy hoạch trồng các loại hoa, cây cảnh;
đồng thời đưa vào các loại hoa, cây cảnh phù hợp với từng điều kiện của mỗi địa
phương nhằm tạo sự đặc sắc về cảnh quan, điểm nhấn cho các điểm du lịch cộng đồng,
thu hút khách du lịch;
- Hỗ trợ thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng phục
vụ du lịch;
- Hỗ trợ tái tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực du lịch tại cộng đồng.
* Ghi chú: Các hạng mục đầu tư có thể điều chỉnh
hoặc ưu tiên đầu tư phù hợp với điều kiện thực tiễn tại các điểm du lịch cộng đồng
3. Xúc tiến quảng bá du lịch
cộng đồng
- Xây dựng, in ấn, tờ rơi, tập gấp, bản đồ du lịch
và các ấn phẩm quảng bá du lịch. Tại mỗi điểm du lịch cộng đồng xây dựng
trailer quảng bá du lịch.
- Đầu tư xây dựng hệ thống hướng dẫn thông tin du lịch
(bảng thông tin, biển báo, ..) tại các khu, điểm du lịch.
- Xây dựng chuyên mục thông tin điện tử xúc tiến đầu
tư và quảng bá du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai.
- Phối hợp với các đơn vị truyền hình huyện, tỉnh,
trung ương để xây dựng các chương trình quảng bá du lịch cộng đồng trên các
kênh thông tin truyền thông, truyền hình.
- Hàng năm thực hiện xúc tiến, quảng bá trực tiếp
các điểm du lịch cộng đồng thông qua tham gia các hội chợ du lịch trong nước và
quốc tế, tham gia các liên hoan làng du lịch cộng đồng.
- Quảng bá thường xuyên trên cổng thông tin du lịch
tỉnh Lào Cai (dulichlaocai.vn), cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai
(laocaitourism.vn), Trang thông tin du lịch Tây Bắc (dulichtaybac.vn), Trang
thông tin du lịch dành cho thị trường nước ngoài (sapa-tourism.com) và fanpage
dulichlaocai; trên mạng xã hội Facebook, Youtube, Twiter, Instagram, Tiktok.
- Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động
xúc tiến, quảng bá các điểm du lịch cộng đồng, hỗ trợ người dân cách dùng điện
thoại thông minh quảng bá trên các trang mạng xã hội.
- Hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng kết nối, hợp
tác với các đơn vị lữ hành để giới thiệu, quảng bá trên thị trường cho du lịch
cộng đồng thông qua tổ chức các đoàn Famtrip, Mediatrip.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, chuyến
khảo cứu, diễn đàn về phát triển du lịch cộng đồng.
VI. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ ĐỂ THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN
- Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án là: 190,570 tỷ đồng,
Trong đó:
+ Ngân sách tỉnh là: 11,000 tỷ đồng;
+ Ngân sách huyện, thị xã, TP là: 25,250 tỷ đồng;
+ Vốn các Chương trình MTQG: 89,370 tỷ đồng;
+ Vốn ODA: 57,450 tỷ đồng;
+ Vốn tín dụng: 6,300 tỷ đồng;
+ Vốn xã hội hóa: 1,200 tỷ đồng.
(Chi tiết tại biểu số 3 kèm theo)
* Cơ cấu nguồn vốn mang tính định hướng, có thể
điều chỉnh trong quá trình lập dự án của từng điểm du lịch cộng đồng cụ thể, đảm
bảo phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn tại địa phương.
VII. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN
1. Về kinh tế
- Du lịch phát triển sẽ làm tăng giá trị hàng hóa từ
các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch địa
phương; Giúp chuyển dịch cơ cấu lao động từ việc sản xuất nông nghiệp sang dịch
vụ du lịch, thương mại; Nâng cao năng xuất lao động, tạo ra hiệu quả kinh tế, tạo
nhiều cơ hội việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa
phương.
- Thực hiện các giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích
phát triển kinh tế từ du lịch đối với cộng đồng dân cư địa phương;
- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tỷ trọng
tăng dần về dịch vụ, du lịch.
2. Về văn hóa - xã hội
- Du lịch cộng đồng góp phần tạo việc làm, xóa đói
giảm nghèo cho cộng đồng dân cư địa phương; đến năm 2030 tạo việc làm cho 500
lao động trực tiếp và 1.000 lao động gián tiếp phục vụ trong du lịch cộng đồng;
- Nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường, cảnh
quan và lưu giữ bảo tồn những nét văn hóa truyền thống nhằm đảm bảo phát triển
bền vững.
- Tạo cơ hội trao đổi, giao lưu văn hóa giữa khách
du lịch với cộng đồng người dân địa phương; Mở rộng mối quan hệ hợp tác, giao
lưu, gặp gỡ mọi người từ khắp nơi trên thế giới, học hỏi được các nét văn hóa đặc
sắc vùng miền, đồng thời thông qua việc tham gia hoạt động du lịch giúp người
dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
3. Về môi trường sinh thái
- Du lịch cộng đồng góp phần tích cực vào việc bảo
vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phần
thứ Ba
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Nhóm giải pháp về quản lý
nhà nước
Tăng cường phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các Sở,
Ban, ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về du lịch
nói chung và quản lý du lịch cộng đồng gắn với chương trình xây dựng nông thôn
mới.
Chỉ đạo thành lập Ban quản lý các điểm du lịch cộng
đồng và xây dựng mô hình quản lý hoạt động phù hợp với thực tiễn của từng địa
phương; đảm bảo khai thác tài nguyên để du lịch cộng đồng đạt hiệu quả và phát
triển bền vững.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho
cán bộ công chức quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở, trong đó quan
tâm đến các địa phương có tài nguyên và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.
Ban hành các quy định về quản lý hoạt động du lịch
cộng đồng tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để khuyến khích phát triển loại hình du lịch
cộng đồng.
Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc thực hiện
các quy hoạch, đề án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
và các địa phương trong đó quan tâm những vấn đề liên quan đến phát triển du lịch
cộng đồng.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ tài nguyên du lịch,
đặc biệt là các giá trị về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống
các dân tộc để bảo tồn và khai thác phát triển du lịch cộng đồng.
Thường xuyên điều tra đánh giá “sức chứa” đối với
các điểm du lịch cộng đồng đế có giải pháp tránh sự quá tải điểm đến, ảnh hưởng
đến việc khai thác sử dụng tài nguyên và hình ảnh điểm đến cho khách du lịch.
Tạo điều kiện, tổ chức các các mô hình du lịch cộng
đồng nâng cao năng lực, tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình du lịch cộng
đồng thành công trong và ngoài tỉnh.
2. Nhóm giải pháp về cơ chế
chính sách hỗ trợ phát triển
Triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc
gia trên địa bàn tỉnh; các Nghị quyết 06/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của HĐND tỉnh
quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai
giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND ngày 05/7/2024 của HĐND tỉnh
sửa đổi một số nội dung của Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch
trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số
06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2021.
Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND
ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách khuyến khích
phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Nghị quyết số
33/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Điều 16 quy định
kèm theo Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020.
Xây dựng kế hoạch, chương trình bảo vệ và phát huy
giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ các nghệ
nhân tham gia phục dựng mô hình sản xuất truyền thống phục vụ phát triển du lịch
cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy
định chính sách hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản
văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Lào Cai (chính sách đặc thù). Nghiên cứu,
xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai.
Xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ cải tạo cảnh
quan, môi trường cho những điểm phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ trang thiết
bị cần thiết, bồi dưỡng kỹ năng về du lịch cho các hộ dân tham gia hoạt động
kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng.
3. Nhóm giải pháp về quy hoạch,
đầu tư kết cấu hạ tầng
Tổ chức lập quy hoạch xây dựng chung của các điểm
du lịch cộng đồng để quản lý đầu tư, bảo vệ tài nguyên và khai thác hiệu quả
các tiềm năng du lịch.
Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp hệ thống
đường giao thông, cấp điện, cấp nước sạch cho các điểm có tài nguyên phát triển
du lịch cộng đồng để tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng
đồng.
Phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin về
du lịch; đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông phủ sóng điện thoại đảm bảo kết nối
thông tin liên lạc tại các điểm du lịch cộng đồng, nhất là vùng sâu, vùng cao.
4. Nhóm giải pháp về đảm bảo an
ninh trật tự, bảo vệ môi trường
Thành lập Ban quản lý để tổ chức quản lý hoạt động
kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng; lập đường dây nóng của
Ban quản lý để hỗ trợ du khách phản hồi các thông tin; lắp đặt camera ghi hình
cố định tại các điểm du lịch cộng đồng; hình thành hệ thống kiểm soát an ninh,
an toàn cho du khách đến các điểm du lịch cộng đồng.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, vận động
các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tích cực tham gia công tác bảo vệ môi
trường du lịch an toàn, vệ sinh, thân thiện, văn minh. Lắp đặt các pa nô, khẩu
hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch cộng đồng để mọi người
cùng thực hiện.
Tăng cường quản lý, kiểm tra về công tác bảo vệ tài
nguyên, môi trường du lịch; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ
tài nguyên, môi trường tại các điểm du lịch cộng đồng. Đặc biệt là môi trường rừng
tại các Khu bảo tồn thiên nhiên có tuyến du lịch đi bộ phục vụ khách du lịch.
Thực hiện nghiêm túc về phân loại rác thải tại nguồn,
tăng cường sử dụng vật liệu cường tuyên truyền, thực hiện, quản lý, kiểm thân
thiện môi trường tại các điểm du lịch cộng đồng. Tăng tra công tác phân loại,
thu hồi, tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó
phân hủy. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng chuyển đổi cung ứng
các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy (ống hút nhựa, thìa
cốc nhựa, chai nước lọc, hộp xốp, bao bì nhựa...) bằng các sản phẩm làm từ chất
liệu thân thiện với môi trường.
Hỗ trợ đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh theo tiêu
chuẩn, lắp đặt hệ thống nước sạch đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các điểm
du lịch cộng đồng và các điểm tham quan, điểm dừng nghỉ của du khách.
5. Nhóm giải pháp về nguồn lực
tài chính
Nguồn lực tài chính để thực hiện đề án được bố trí
từ ngân sách nhà nước theo khả năng ngân sách cấp hàng năm.
Huy động nguồn ngân sách xã hội hóa từ các: Tổ chức
phi chính phủ, nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch...
Phần
thứ Tư
PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Sở Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND
các huyện, thị xã, thành phố triển khai các nội dung phù hợp chức năng, nhiệm vụ
để tổ chức thực hiện Đề án. Tham mưu theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, định kỳ báo
cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện Đề án. Nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh đưa
nội dung Đề án vào nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới (2025-2030). Kịp thời đề xuất sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong quá trình triển khai thực
hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp tham mưu thực hiện công tác quản
lý nhà nước; hướng dẫn các điểm du lịch cộng đồng thành lập Ban quản lý, xây dựng
Quy chế hoạt động theo quy định của pháp luật; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động
tại các điểm du lịch cộng đồng đảm bảo quyền lợi của du khách.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hướng dẫn các địa phương phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp;
phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn các địa phương phát triển sản phẩm
du lịch văn hóa.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ trang thiết
bị cần thiết, bồi dưỡng kỹ năng về du lịch cho các hộ dân tham gia hoạt động
kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng.
2. Sở Văn hóa và Thể thao
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên
quan và địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị
di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
- Phối hợp với Sở Du lịch hướng dẫn các địa phương
trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển sản
phẩm du lịch.
- Tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ cho nghệ
nhân.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các
sở, ngành, đơn vị liên quan cân đối, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển
(nếu có) thuộc lĩnh vực Sở theo dõi, quản lý, tham mưu UBND tỉnh bố trí để thực
hiện Đề án.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì tham mưu trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn
xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các dự án, các điểm phát triển du
lịch cộng đồng tạo điều kiện cho phát triển loại hình du lịch cộng đồng của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức
kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường,
sử dụng đất đai, tài nguyên tại các điểm du lịch cộng đồng theo quy định.
5. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan
liên quan thẩm định dự toán kinh phí thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự
án về hỗ trợ phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với chương trình xây dựng
nông mới trên địa bàn tỉnh theo quy định.
- Căn cứ khả năng cân đối ngân sách và các chế độ
hiện hành, tham mưu cho cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện Đề án
theo đúng quy định.
6. Sở Giao thông vận tải
- Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch
đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tạo điều kiện thuận
lợi cho khách du lịch đi đến các điểm du lịch cộng đồng.
- Chỉ đạo nâng cao chất lượng hệ thống giao thông,
điểm đỗ xe tạo điều kiện thuận lợi phục vụ đón tiếp khách đến các điểm du lịch
cộng đồng.
- Quan tâm đầu tư phát triển đường giao thông nông
thôn nhất là các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông
nghiệp để tăng kết nối du lịch.
7. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan hướng dẫn việc xây dựng quy hoạch của các điểm du lịch cộng đồng
gắn xây dựng nông thôn mới, để đầu tư khai thác phát triển du lịch.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch cùng các cơ quan
liên quan, địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn
với xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xây dựng các sản phẩm nông nghiệp và công nhận
sản phẩm hàng Lưu niệm - Nội thất - Trang trí về lĩnh vực du lịch theo tiêu chuẩn
bán hàng OCOP để phục vụ cho khách du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất
nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn
mới từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định.
9. Sở Công thương
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo
đầu tư hệ thống điện đến các điểm du lịch cộng đồng, đặc biệt là các xã vùng
cao, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch
cộng đồng.
- Phối hợp hỗ trợ các làng nghề, nghề truyền thống
trong công tác quảng bá, giới thiệu bán các sản phẩm.
10. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Căn
cứ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng các nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch;
các kỹ năng nghề du lịch của các đơn vị, địa phương đề xuất, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng
nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của từng địa phương,
đơn vị và thị trường lao động, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách
du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng.
11. Sở Y tế: Chủ trì, chỉ đạo các đơn vị chức
năng của ngành thực hiện quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm tra xử lý
các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa
bàn tỉnh.
12. Sở Thông tin và Truyền thông
- Đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn
thông đầu tư hạ tầng, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm/tuyến
du lịch cộng đồng, tại các vùng sâu, vùng xa để phục vụ khách du lịch.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông trên
địa bàn tỉnh về công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá du lịch cộng đồng
trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương hỗ trợ
công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch cộng đồng tới du khách trong nước và
quốc tế.
13. Công An tỉnh
- Chỉ đạo tăng cường công tác an ninh trật tự, đảm
bảo an toàn cho khách du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng.
- Chủ trì, phối hợp trong công tác kiểm tra xử lý
các vi phạm về an ninh trật tự, an toàn toàn giao thông, phòng chống cháy no
trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng trên
địa bàn tỉnh.
14. UBND các huyện, thị xã và thành phố
- Căn cứ Đề án, lựa chọn ưu tiên xây dựng Dự án
phát triển từng mô hình du lịch cộng đồng cụ thể, xin ý kiến Sở Du lịch và các
sở ngành liên quan, trước khi phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.
- Căn cứ khả năng cân đối ngân sách huyện và các chế
độ hiện hành tham mưu cho cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện Đề án
theo quy định.
- Nghiên cứu điều chỉnh bổ sung quy hoạch đất
thương mại dịch vụ để phát triển du lịch cộng đồng.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ cải tạo cảnh
quan, môi trường cho những điểm phát triển du lịch cộng đồng.
- Rà soát quy hoạch xây dựng, sử dụng đất giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất; ưu tiên nguồn lực cho xây dựng quy hoạch.
15. Hiệp hội du lịch tỉnh
- Nâng cao vai trò của Hiệp hội du lịch làm đầu mối
trong việc phối hợp, mở rộng liên doanh, liên kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp
để thúc đẩy các hoạt động du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên
địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hỗ
trợ các điểm du lịch cộng đồng trong công tác xây dựng sản phẩm, đào tạo, tuyên
truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển sản phẩm đặc thù đế thu hút khách
du lịch./.
[1] Sổ tay du lịch cộng đồng Việt Nam.
Phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường; Du lịch cộng đồng Từ ý tưởng đến thực
tiễn - Trung tâm Nghiên cứu và phát triển KTXH;
https://ditiep.com/du-lich-cong-dong- nguyen-tac-va-tac-dong/