ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
10/2009/QĐ-UBND
|
Lào
Cai, ngày 22 tháng 5 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG,
QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VÀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức
HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính Phủ về
quản lý
Căn cứ Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính Phủ về việc sửa đổi
bổ sung một số điều của Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính Phủ
về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính Phủ về
quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi
phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 03/2008/NĐ-CP ngày 07/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi,
bổ sung một số Điều của Nghị định số số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính
phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành
Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính Phủ về quản lý dự
án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi
phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác và
sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản
lý phát triển nhà ở và công sở;
Căn cứ Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập
và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập,
thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 16/2008/TT-BXD ngày 11/9/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn kiểm
tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp
về chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi
tiết một số nội dung Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về
quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số: 26/TTr-SXD ngày 18/
5/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định một số nội dung về quản lý quy hoạch
xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và quản lý chất lượng công
trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2.
Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở
Tài Chính và các sở có xây dựng chuyên ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành
phố hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quyết định này.
Điều 3.
Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xây
dựng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế các
quyết định của UBND tỉnh Lào Cai, gồm: Quyết định số 18/2008/QĐ-UB ngày
10/06/2008 về việc ban hành Quy định cụ thể về quản lý quy hoạch, quản
lý dự án đầu tư xây dựng công trình và quản lý chất lượng công trình trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quyết định số
40/2008/QĐ-UBND ngày 12/9/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định
số 18/2008/QĐ-UBND ngày 10/6/2008; Quyết định số 46/2008/QĐ-UBND ngày
07/10/2008 về việc thực hiện trình tự đầu tư xây dựng các dự án có quy
mô đơn giản và có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng sử dụng vốn Nhà nước do địa
phương quản lý trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày
04/01/2008 về việc quy định một số nội dung về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quyết định số 1994/QĐ-UBND ngày 18/07/2008 về việc sửa
đổi, bổ sung Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 04/01/2008 về việc quy định một
số nội dung về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính Phủ;
- Bộ Xây dựng, Bộ Tài Chính;
- Bộ Kế hoạch & Đầu tư;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh Lào Cai;
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh;
- TTTU, HĐND, UBND tỉnh;
- TT. UBND các huyện, TPLC;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Báo Lào Cai;
- Công báo Lào Cai;
- Như điều 3 QĐ;
- Lưu: VT- TH - QLĐT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Vạn
|
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUẢN LÝ DỰ ÁN
ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VÀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH LÀO CAI
(Kèm theo Quyết định số: 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2009 của UBND tỉnh
Lào Cai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định
một số nội dung về quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng
công trình và quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
2. Những nội dung về quản lý quy
hoạch xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và quản lý chất lượng
công trình xây dựng không được quy định tại văn bản này được thực hiện theo Luật
Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật khác có
liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng
cho tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh
Lào Cai.
Chương II
QUY HOẠCH XÂY DỰNG
Điều 3. Thẩm
quyền lập, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh (UBND tỉnh)
tổ chức lập và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh,
vùng huyện và vùng liên huyện, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết tỷ lệ
1/2000, 1/500 các khu chức năng của các phường thuộc thành phố Lào Cai, các
trung tâm huyện lỵ, thị trấn Tằng Loỏng, Xuân Giao huyện Bảo Thắng, các thị trấn,
thị tứ nằm trên các trục đường quốc lộ, các khu vực có phạm vi liên quan
đến địa giới hai xã, hai huyện trở lên, các khu chức năng khác ngoài đô thị gồm:
Khu đô thị mới, khu du lịch, khu di sản, bảo tồn di tích, giáo dục đào tạo, y tế,
các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp trong tỉnh, các khu công nghệ cao, các
khu kinh tế đặc thù, các khu vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh.
2. UBND các huyện, thành phố
(sau đây viết tắt là UBND cấp huyện)
UBND cấp huyện tổ chức lập và
phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu chức
năng của các xã, các thị trấn thị tứ, các trung tâm cụm xã, trung tâm xã, quy
hoạch các điểm dân cư nông thôn có địa giới hành chính do huyện, thành phố quản
lý. (Trừ các quy hoạch được quy định tại khoản 1).
3. Chủ đầu tư các dự án công
trình xây dựng công trình tập trung tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi
tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 thuộc phạm vi dự án do mình đầu tư.
Điều 4. Thẩm
quyền thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng
1. Sở Xây dựng thẩm định
nhiệm vụ thiết kế, đồ án quy hoạch xây dựng, dự toán chi phí lập quy hoạch xây
dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh và thỏa thuận nhiệm vụ quy hoạch
đối với quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện.
2. Phòng Công thương, phòng Quản
lý đô thị các huyện, thành phố thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch chi tiết
và dự toán chi phí lập quy hoạch xây dựng chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của
UBND cấp huyện;
Trường hợp phòng Công thương các
huyện, phòng Quản lý đô thị - thành phố Lào Cai không đủ điều kiện năng lực để
thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng thì UBND cấp huyện được phép thuê các tổ chức
tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra.
Điều 5. Cung
cấp thông tin về quy hoạch xây dựng
1. Đối với Quy hoạch xây dựng
thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh:
a) Sở Xây dựng có trách nhiệm tiếp
nhận và cung cấp các thông tin về quy hoạch gồm: Địa điểm xây dựng, chỉ giới
xây dựng, chỉ giới đường đỏ, cốt xây dựng và các thông tin khác có liên quan đến
quy hoạch xây dựng cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu (trừ nhà ở riêng lẻ của
dân cư, các công trình thuộc các Khu công nghiệp, Khu thương mại Kim Thành);
b) Phòng Công thương các huyện,
phòng Quản lý đô thị - thành phố Lào Cai có trách nhiệm cung cấp các thông tin
về quy hoạch xây dựng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về xây dựng công
trình nhà ở riêng lẻ;
2. Đối với quy hoạch xây dựng
thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện: Phòng Công thương các huyện,
phòng Quản lý đô thị - thành phố Lào Cai có trách nhiệm tiếp nhận và cung cấp
các thông tin về quy hoạch xây dựng (gồm: Địa điểm xây dựng, chỉ giới xây dựng,
chỉ giới đường đỏ, cốt xây dựng, chứng chỉ quy hoạch xây dựng và các thông tin
khác liên quan đến quy hoạch xây dựng) cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Điều 6. Lập
kế hoạch quy hoạch xây dựng
1. Hàng năm Sở Xây dựng có trách
nhiệm lập và trình kế hoạch chuẩn bị đầu tư quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền
phê duyệt của UBND tỉnh;
2. Phòng Công thương các huyện,
phòng Quản lý đô thị - thành phố Lào Cai có trách nhiệm lập và trình kế hoạch
chuẩn bị đầu tư quy hoạch xây dựng chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND
cùng cấp.
Chương III
DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
CÔNG TRÌNH
Điều 7. Chủ đầu tư xây dựng công trình
1. Các dự án sử dụng vốn ngân
sách Nhà nước do người có thẩm quyền quyết định đầu tư thì chủ đầu tư là tổ chức
được giao quản lý vốn và quản lý, sử dụng công trình.
"a./ Đối với dự án
do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư thì người quyết định đầu
tư giao cho đơn vị quản lý sử dụng công trình làm chủ đầu tư.
Trường hợp chưa xác định
được đơn vị quản lý, sử dụng công trình hoặc đơn vị quản lý, sử dụng công trình
không đủ điều kiện để tổ chức triển khai thực hiện dự án thì người quyết định đầu
tư giao cho đơn vị có đủ điều kiện làm chủ đầu tư. Đơn vị quản lý, sử dụng công
trình có trách nhiệm cử người tham gia với đơn vị được giao làm chủ đầu tư
trong việc tổ chức lập dự án, thiết kế, theo dõi, quản lý, nghiệm thu và tiếp
nhận đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Người được cử tham gia với chủ đầu
tư là người sẽ tham gia quản lý, sử dụng công trình sau này hoặc người có
chuyên môn phù hợp với tính chất của dự án.
Chủ đầu tư có trách nhiệm
bố trí người của đơn vị quản lý, sử dụng công trình vào vị trí phù hợp để được
tham gia quản lý các công việc nêu trên đảm bảo hiệu quả và mục tiêu của dự án.
b./ Trường hợp không
xác định được đơn vị để giao làm chủ đầu tư theo quy định nêu trên thì việc xác
định chủ đầu tư được thực hiện như sau:
- Người quyết định đầu
tư đồng thời làm chủ đầu tư.
- Người quyết định đầu
tư giao cho Ban quản lý dự án do mình quyết định thành lập làm chủ đầu tư nếu
Ban quản lý dự án đó có tư cách pháp nhân và có đủ điều kiện tổ chức triển khai
thực hiện dự án hoặc người quyết định đầu tư thực hiện ủy thác thông qua hợp đồng
với một tổ chức có đủ điều kiện làm chủ đầu tư."
2. Các dự án sử dụng vốn tín dụng
thì người vay vốn là chủ đầu tư.
3. Các dự án sử dụng vốn khác
thì chủ đầu tư là chủ sở hữu vốn hoặc là người đại diện theo quy định của Pháp
luật.
4. Các dự án sử dụng vốn hỗn hợp
thì chủ đầu tư do các thành viên góp vốn thoả thuận cử ra.
Điều 8. Giám sát, đánh giá đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng công
trình
1. Dự án sử dụng vốn
nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư thì phải được giám sát, đánh giá đầu tư.
2. Yêu cầu và nội
dung giám sát đầu tư thực hiện theo Điều 4 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và Thông
tư số 03/2003/TT-BKH ngày 19/5/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn công
tác giám sát, đánh giá đầu tư.
3. Tổ chức thực hiện
giám sát, đánh giá đầu tư:
a) Chủ đầu tư có
trách nhiệm thực hiện báo cáo giám sát đầu tư đối với các dự án do mình làm chủ
đầu tư và gửi định kỳ về Sở kế hoạch & Đầu tư. Trường hợp có điều chỉnh, bổ
sung dự án phải có Báo cáo giám sát đánh giá riêng cho dự án;
b) Sở kế hoạch
& Đầu tư hướng dẫn việc giám sát, đánh giá đầu tư các dự án và tổng hợp
công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong toàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh.
Điều 9. Quản lý định mức xây dựng
Định mức xây dựng gồm định mức
kinh tế - kỹ thuật và định mức tỷ lệ.
1. Định mức kinh tế - kỹ thuật
do Bộ Xây dựng công bố là căn cứ để lập đơn giá xây dựng công trình tại Lào
cai.
2. Định mức tỷ lệ do Bộ Xây dựng
công bố dùng để xác định chi phí một số loại công việc, chi phí trong đầu tư
xây dựng bao gồm: Tư vấn đầu tư xây dựng, công trình phụ trợ, chuẩn bị công trường,
chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước và một số công việc, chi phí khác.
3. Trường hợp công tác xây dựng
không có trong hệ thống định mức được Bộ Xây dựng công bố hoặc định mức công
tác xây dựng được Bộ Xây dựng công bố chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của
công trình, chưa phù hợp với điều kiện thi công hoặc biện pháp thi công thì chủ
đầu tư, nhà thầu, tổ chức tư vấn căn cứ vào yêu cầu kỹ thuật và điều kiện thi
công lập định mức theo hướng dẫn lập định mức xây dựng công trình tại phụ lục số
3 kèm theo Thông tư số 05/2007/TT-BXD gửi Sở Xây dựng thẩm định và trình Uỷ ban
nhân dân tỉnh phê duyệt để áp dụng hoặc vận dụng định mức xây dựng tương tự đã sử
dụng ở công trình khác.
4. Sở Xây dựng giúp UBND tỉnh quản
lý định mức xây dựng tại Lào Cai;
Điều 10. Quản
lý giá xây dựng công trình
1. Chủ đầu tư căn cứ tính chất,
điều kiện cụ thể của công trình, đơn giá xây dựng tại Lào Cai được Uỷ ban nhân
dân tỉnh công bố, giá vật liệu tại thời điểm được Liên sở Tài chính- Xây dựng
công bố và chế độ chính sách hiện hành làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư và dự
toán xây dựng công trình để quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
2. Những công việc không có
trong hệ thống đơn giá được Uỷ ban nhân dân tỉnh công bố hoặc đơn giá được công
bố chưa phù hợp với điều kiện thi công, biện pháp thi công thì chủ đầu tư, nhà
thầu, đơn vị tư vấn lập đơn giá gửi Sở Xây dựng thẩm định trình Uỷ ban nhân dân
tỉnh phê duyệt để thực hiện.
Điều 11. Lập đơn giá xây dựng và đơn giá xây dựng công trình
1. Sở Xây dựng lập các bộ đơn
giá xây dựng để áp dụng tại Lào Cai trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ
Xây dựng công bố;
2. Đơn giá xây dựng công trình được
lập trên cơ sở đơn giá xây dựng tại Lào Cai do UBND tỉnh công bố và các yếu tố
chi phí sau:
a) Giá vật liệu đến
chân công trình được tính theo phương pháp lập đơn giá xây dựng công trình phù
hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật liệu xây dựng sử dụng cho công
trình xây dựng cụ thể. Giá vật liệu xây dựng xác định trên cơ sở giá vật liệu
do Liên sở Tài chính - Xây dựng công bố, báo giá của nhà sản xuất, thông tin
giá của nhà cung cấp hoặc giá đã dược áp dụng cho công trình khác có tiêu chuẩn,
chất lượng tương tự;
b) Giá nhân công xây dựng được
tính toán theo đơn giá nhân công trong đơn giá xây dựng do Ủy ban nhân dân tỉnh
công bố và căn cứ theo mức tiền lương tối thiểu được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền công bố, khả năng chi trả của chủ đầu tư và các yêu cầu khác;
c) Giá ca máy và thiết bị thi
công tính theo đơn giá ca máy và thiết bị thi công do Ủy ban nhân dân tỉnh công
bố.
Điều 12. Lập Dự án đầu tư xây dựng công trình
1. Khi đầu tư xây
dựng công trình, chủ đầu tư phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình để trình
người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt và đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Phù hợp với quy
hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy họach phát triển ngành và quy hoạch xây dựng;
b) Có phương án
thiết kế kỹ thuật, phương án công nghệ phù hợp an toàn trong thi công xây dựng,
vận hành và khai thác sử dụng công trình;
c) Đảm bảo an toàn trong công
tác phòng, chống cháy nổ;
d) Bảo vệ được môi trường sinh
thái;
đ) Đảm bảo tính hiệu quả kinh tế
xã hội của các dự án;
2. Đối với các dự án chưa có
trong quy hoạch phát triển ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu
tư phải báo cáo Bộ quản lý ngành và UBND tỉnh xem xét chấp thuận, bổ sung quy
hoạch trước khi lập dự án. Vị trí và quy mô xây dựng công trình phải phù hợp với
quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt;
3. Trường hợp dự
án chưa có trong quy hoạch xây dựng thì chủ đầu tư phải xin ý kiến chấp thuận bằng
văn bản của UBND tỉnh. Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối tiếp nhận văn bản xin ý
kiến của chủ đầu tư để xem xét và trình UBND tỉnh giải quyết.
4. Trước khi lập dự án, chủ đầu
tư phải tổ chức lập nhiệm vụ thiết kế để trình người quyết định đầu tư phê duyệt
để làm cơ sở lập dự án.
a) Nội dung lập nhiệm vụ thiết
kế bao gồm:
Sự cần thiết phải đầu tư xây dựng công trình; các điều kiện thuận lợi,
khó khăn khi xây dựng công trình; chế độ khai thác và sử dụng tài nguyên (nếu
có); dự kiến quy mô đầu tư; công suất; diện tích xây dựng; địa điểm xây dựng;
nhu cầu sử dụng đất; các hạng mục công trình chính, công trình phụ; bản vẽ sơ bộ
tổng mặt bằng; phân tích lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật; điều kiện cung
cấp vật tư thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật; ảnh hưởng
của dự án đến môi trường; sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu
có); hình thức đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư; thời gian thực hiện dự án; phân kỳ
đầu tư; hiệu quả kinh tế của dự án; phương án huy động vốn;
b) Thẩm quyền thẩm định nhiệm vụ thiết kế:
- Đối với các dự án sử dụng vốn
ngân sách nhà nước do địa phương quản lý: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối
hợp với các sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định nhiệm vụ thiết kế các dự án
thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND tỉnh; Phòng Kế hoạch - Tài chính cấp
huyện chủ trì phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thẩm định
nhiệm vụ thiết kế các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND cấp huyện;
- Đối với các dự án sử nguồn vốn
khác, chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định nhiệm vụ thiết kế.
c) Thời gian thẩm định, phê
duyệt nhiệm vụ thiết kế không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp
lệ.
5. Dự án đầu tư xây dựng gồm 2
phần: Phần thuyết minh và phần thiết kế cơ sở.
a) Nội dung phần thuyết minh thực
hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ;
b) Nội dung thiết kế cơ sở thực
hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP .
Điều 13. Lập
tổng mức đầu tư của dự án xây dựng công trình
Tổng mức đầu tư xây dựng công
trình được tính toán, xác định trong giai đoạn lập dự án hoặc lập Báo cáo kinh
tế - kỹ thuật phù hợp với nội dung của dự án và thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản
vẽ thi công. Tổng mức đầu tư xác định theo khoản 1 Điều 5 Nghị định
99/2007/NĐ-CP và hướng dẫn tại phụ lục số 01 Thông tư 05/2007/BXD.
1. Chi phí xây dựng:
a) Chi phí xây dựng tính theo
thiết kế cơ sở của dự án được xác định trên cơ sở khối lượng chủ yếu tính từ
thiết kế cơ sở và đơn giá do Uỷ ban nhân dân tỉnh công bố, giá vật liệu tại thời
điểm được Liên sở Tài chính- Xây dựng công bố, chế độ chính sách hiện hành. Chi
phí xây dựng các công tác khác còn lại được tính theo tỷ lệ (%) trên tổng chi
phí xây dựng các công tác xây dựng chủ yếu.
b) Chi phí xây dựng tính theo diện
tích hoặc công suất sử dụng công trình thì xác định theo giá xây dựng tổng hợp
hoặc suất vốn đầu tư xây dựng công trình. Giá xây dựng tổng hợp được xác định
trên cơ sở đơn giá xây dựng chi tiết do Uỷ ban nhân dân tỉnh công bố, giá vật
liệu tại thời điểm được Liên sở Tài chính- Xây dựng công bố và các chế độ chính
sách hiện hành. Suất vốn đầu tư xây dựng công trình được xác định theo từng loại
công trình, nhóm công trình, cấp công trình tại một thời điểm nhất định và được
điều chỉnh theo thời gian thực hiện dự án. Suất vốn đầu tư xây dựng công trình
được xác định theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 kèm theo quy định này.
c) Chi phí xây dựng tính theo số
liệu của các công trình xây dựng đã có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tương tự đã thực
hiện thì phải sử dụng chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật các công trình đã xây dựng tại
Lào Cai. Chi phí xây dựng tính theo số liệu các công trình đã có chỉ tiêu kinh
tế kỹ thuật tương tự được xác định theo hướng dẫn tại Phụ lục số 02 kèm theo
quy định này.
2. Chi phí thiết bị xác định
theo hướng dẫn tại mục 2 Phụ lục số 2 Thông tư số 05/2007/TT-BXD ;
3. Chi phí bồi thường giải phóng
mặt bằng trong tổng mức đầu tư được xác định trên cơ sở Phương án giải phóng mặt
bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
4. Chi phí quản lý dự án được
xác định theo định mức tỷ lệ phần trăm do Bộ Xây dựng công bố hoặc xác định
theo phương pháp lập dự toán;
5. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
gồm các công việc theo hướng dẫn tại tiết 1.1.5 điểm 1.1 mục 1 Phần II
Thông tư 05/2007/TT-BXD. Những công việc tư vấn đầu tư xây dựng đã có định mức
được Bộ Xây dựng công bố thì áp dụng theo định mức đó để xác định chi phí, những
công việc không có định mức thì tạm tính để đưa vào tổng mức đầu tư, khi thực
hiện phải xác định bằng phương pháp lập dự toán và được chủ đầu tư phê duyệt.
Trường hợp chủ đầu tư có đủ điều kiện, năng lực thực hiện một số công việc tư vấn
đầu tư xây dựng thì được hưởng chi phí thực hiện công việc tư vấn đó;
6. Chi phí khác gồm các chi phí
theo hướng dẫn tại tiết 1.1.6 điểm 1.1 mục 1 Phần II Thông tư 05/2007/TT-BXD được
xác định theo định mức quy định, những chi phí chưa có quy định thì tạm tính để
đưa vào tổng mức đầu tư, khi thực hiện phải lập dự toán và phê duyệt theo quy định;
7. Chi phí dự phòng thực hiện
theo hướng dẫn tại tiết 1.1.7 điểm 1.1 mục 1 Phần II Thông tư 05/TT-BXD.
Điều 14. Thẩm
quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình
1. Đối với các dự án sử dụng nguồn
vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu
mối tổ chức thẩm định dự án đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu
tư của Chủ tịch UBND tỉnh;
b) Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp
huyện là đầu mối tổ chức thẩm định dự án đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết
định đầu tư của Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã.
2. Đối với các dự án sử dụng nguồn
vốn khác thì người quyết định đầu tư tự tổ chức thẩm định dự án sau khi có ý kiến
tham gia thiết kế cơ sở của các cơ quan quản lý nhà nước quy định tại khoản 5
Điều này. Riêng đối với các dự án sử dụng vốn tín dụng, tổ chức cho vay vốn thẩm
định phương án tài chính và phương án trả nợ để chấp thuận cho vay hoặc không
cho vay trước khi người có thẩm quyền quyết định đầu tư.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư có
trách nhiệm lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của Sở quản lý xây dựng chuyên ngành để
thẩm định dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Hồ sơ gửi xin ý kiến về thiết kế
cơ sở gồm: Thuyết minh thiết kế cơ sở; bản vẽ thiết kế cơ sở; Báo cáo khảo sát địa
hình, địa chất; chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thông báo giới thiệu địa điểm
quy hoạch xây dựng công trình; phương án thiết kế được lựa chọn kèm theo quyết
định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế; các văn bản khác có liên quan.
4. Trách nhiệm tham gia ý kiến về
thiết kế cơ sở của các cơ quan quản lý nhà nước:
a) Sở Công thương tham gia ý
kiến cho các dự án đầu tư xây dựng công trình hầm mỏ, khai thác và chế biến
khoáng sản, chế tạo máy, dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến
áp, hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp, luyện kim và các công trình công nghiệp
chuyên ngành (trừ các công trình công nghiệp vật liệu xây dựng như Xi
măng, gạch, ngói, cát, sỏi đá…);
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tham gia ý kiến cho các dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi, đê
điều, cấp nước sinh hoạt nông thôn và công trình nông nghiệp chuyên ngành khác;
c) Sở Giao thông vận tải tham
gia ý kiến cho các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (trừ đường giao
thông đô thị);
d) Sở Xây dựng tham gia ý kiến
cho các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp vật liệu xây dựng,
các công trình hạ tầng kỹ thuật trong đô thị (đường phố, chiếu sáng công cộng,
cấp nước, thoát nước, xử lý các chất thải, công viên cây xanh, nghĩa trang, bãi
đỗ xe trong đô thị) và các dự án đầu tư xây dựng khác do Chủ tịch UBND tỉnh yêu
cầu;
đ) Sở Tài nguyên - Môi trường
tham gia ý kiến về lĩnh vực tác động môi trường;
e) Sở Thông tin và Truyền thông
tham gia ý kiến về lĩnh vực công nghệ thông tin;
g) Công an tỉnh tham gia ý kiến
về phòng chống cháy, nổ;
h) Thời gian tham gia ý kiến:
Không quá 20 ngày làm việc đối với dự án nhóm A, 15 ngày đối với dự án nhóm B,
10 ngày đối với dự án nhóm C kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
5. Người thẩm định dự án đầu tư
xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình.
Điều 15.
Hồ sơ trình thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình
1. Hồ sơ trình thẩm định Dự án đầu
tư xây dựng công trình, bao gồm:
a) Tờ trình xin phê duyệt dự án
của chủ đầu tư;
b) Hồ sơ dự án đầu tư xây dựng
công trình;
c) Chứng nhận quyền sử dụng đất
hoặc giới thiệu địa điểm quy hoạch xây dựng công trình;
d) Phương án thiết kế được lựa
chọn kèm theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đã được duyệt;
đ) Các văn bản khác có liên
quan;
2. Thời gian thẩm định dự án:
Không quá 40 ngày làm việc đối với dự án nhóm A; không quá 30 ngày làm việc đối
với dự án nhóm B; không quá 20 ngày làm việc đối với dự án nhóm C kể
từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (kể cả thời gian xin ý kiến về thiết kế cơ sở).
Điều 16: Nội
dung thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình.
1. Nội dung thẩm định dự án: Thực
hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 11 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP .
2. Nội dung tham gia ý kiến về
thiết kế cơ sở:
a) Sự phù hợp của thiết kế cơ sở
với quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt;
b) Sự hợp lý của thiết kế tổng mặt
bằng;
c) Sự phù hợp của thiết kế cơ sở
với phương án thiết kế đã được duyệt tại nhiệm vụ thiết kế đã được duyệt;
d) Sự phù hợp của quy mô công
trình so với quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định hiện hành;
e) Chấp thuận hay không chấp thuận
về vị trí, quy mô xây dựng và các chỉ tiêu quy hoạch của thiết kế cơ sở đối với
dự án xây dựng tại khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt;
g) Sự phù hợp của việc thiết kế
đấu nối với hạ tầng kỹ thuật của khu vực;
h) Sự hợp lý của phương án thiết
kế dây chuyền công nghệ đối với các dự án có yêu cầu công nghệ;
i) Việc áp dụng các quy chuẩn,
tiêu chuẩn về xây dựng, môi trường và phòng chống cháy, nổ;
k) Điều kiện năng
lực hoạt động xây dựng của tổ chức tư vấn, năng lực hành nghề của cá nhân lập
thiết kế cơ sở theo quy định.
Điều 17:
Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình;
1. Khi đầu tư xây dựng các
công trình sau đây, chủ đầu tư không phải lập dự án mà chỉ lập Báo cáo Kinh tế
- Kỹ thuật:
a) Công trình xây dựng cho mục
đích tôn giáo;
b) Công trình xây dựng mới, cải
tạo, sửa chữa, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền
sử dụng đất), phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch
xây dựng; trừ trường hợp người quyết định đầu tư thấy cần thiết và yêu cầu phải
lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
2. Chủ đầu tư phải xin cấp chứng
chỉ quy hoạch của cơ quan quản lý quy hoạch theo quy định tại Điều 5 để lập (nếu
có đủ điều kiện và năng lực theo quy định) hoặc thuê tư vấn lập Báo báo kinh tế
– kỹ thuật và phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3,
khoản 4 Điều 12 của Quy định này.
3. Chủ đầu tư không phải lập
nhiệm vụ thiết kế đối với các công trình đơn giản, quy mô nhỏ và có tổng mức đầu
tư dưới 500 triệu đồng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các công trình
khắc phục hậu quả do bão lũ quy định tại khoản 6 Điều này;
4. Nội dung Báo cáo kinh tế –
kỹ thuật xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật
xây dựng.
5. Hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ
thuật xây dựng công trình do chủ đầu tư trình thẩm định, bao gồm:
a) Tờ trình đề nghị phê duyệt
Báo cáo kinh tế - kỹ thuật (theo mẫu tại phụ lục số 03);
b) Báo cáo kinh tế - kỹ thuật;
c) Báo cáo kết quả thẩm định
thiết kế bản vẽ thi công và dự toán (theo mẫu tại phụ lục số 05).
6. Thẩm định, phê duyệt Báo
cáo kinh tế - kỹ thuật:
a) Đối với các công trình sử dụng
nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý:
Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định
(nếu có đủ năng lực) hoặc thuê tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự
toán sau đó gửi hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật kèm theo kết quả thẩm định thiết
kế bản vẽ thi công, tổng dự toán cho cơ quan đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư
(đối với Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh)
hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch (đối với Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thuộc thẩm
quyền phê duyệt của UBND cấp huyện) để thẩm định hồ sơ (trừ nội dung thẩm định
thiết kế bản vẽ thi công và dự toán) sau đó trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ đầu tư không phải phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự
toán.
b) Đối với các công trình sử dụng
nguồn vốn khác:
Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định
và phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và chịu trách nhiệm về
những nội dung phê duyệt của mình;
c) Nội dung thẩm định Báo cáo
kinh tế - kỹ thuật gồm:
Sự phù hợp với nhiệm vụ thiết
kế đã được phê duyệt; sự cần thiết đầu tư; các yếu tố đầu vào; quy mô; công suất;
công nghệ; thời gian; tiến độ thực hiện; phân tích tài chính; hiệu quả về kinh
tế – xã hội; giải phóng mặt bằng; tái định cư; kinh nghiệm và năng lực quản lý
của chủ đầu tư; xem xét kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán;
điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức tư vấn, năng lực hành nghề của
cá nhân lập thiết kế theo quy định; các yếu tố ảnh hưởng đến công trình như quốc
phòng, an ninh, môi trường và các quy định của pháp luật có liên quan.
7. Đối với các công trình khắc
phục hậu quả thiên tai, bão lũ:
Phần việc cần phải xử lý ngay để
đảm bảo an toàn cho tính mạng con người, tài sản của nhân dân, đảm bảo an toàn
giao thông, thông tin liên lạc, hạ tầng kỹ thuật UBND tỉnh cho phép UBND cấp
huyện, chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý, sử dụng công trình triển khai thực hiện
ngay việc thi công, đồng thời phải hoàn chỉnh việc xác định khối lượng và hoàn
thiện thủ tục chỉ định thầu trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ khi xảy ra sự
cố.
8. Hồ sơ chủ đầu tư gửi cơ quan
thẩm định để trình phê duyệt gồm 4 bộ. Hồ sơ sau khi được thẩm định phải có chữ
ký của người thẩm định và đóng dấu xác nhận đã thẩm định của cơ quan thẩm định
và gửi trả lại chủ đầu tư 02 (hai) bộ để làm cơ sở thực hiện.
9. Thời gian thẩm định không quá
15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 18. Thẩm
quyền quyết định đầu tư xây dựng công trình
1. Các dự án sử dụng vốn ngân
sách Nhà nước:
a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
quyết định đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Riêng đối với dự án nhóm
A phải được Chính Phủ cho phép đầu tư);
b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
huyện được quyết định đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư dưới 02 (hai) tỷ đồng.
Riêng Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai được quyết định đầu tư các dự án có tổng
mức đầu tư dưới 03 (ba) tỷ đồng;
c) Tuỳ từng điều kiện cụ thể, Chủ
tịch UBND cấp huyện đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền cho Chủ tịch UBND cấp
xã được quyết định đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư dưới 500 (năm trăm) triệu
đồng (không kể giải phóng mặt bằng);
d) Chủ đầu tư quyết định đầu tư
các dự án có tổng mức đầu tư dưới 150 (một trăm năm mươi triệu đồng (không kể
giải phóng mặt bằng);.
2. Các dự án sử dụng nguồn vốn
khác: Chủ đầu tư tự quyết định và chịu trách nhiệm.
3. Người có thẩm quyền quyết định
đầu tư chỉ được quyết định đầu tư khi đã có kết quả thẩm định dự án.
Điều 19. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng
1. Dự án đầu tư xây dựng công
trình đã được quyết định đầu tư chỉ được điều chỉnh khi có một trong các trường
hợp sau đây:
a) Bị ảnh hưởng bởi thiên tai
như động đất, bão, lũ, lụt, lốc, lở đất; địch hoạ hoặc các sự kiện bất thường
khác;
b) Xuất hiện các yếu tố đem lại
hiệu quả cao hơn cho dự án;
c) Khi quy họach xây dựng đã được
duyệt thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp đến địa điểm, quy mô, tính chất, mục tiêu
của dự án;
d) Do biến động bất thường của
giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, tỷ gia hối đoái đối với phần vốn có sử dụng
ngoại tệ hoặc do Nhà nước ban hành các chế độ chính sách mới có quy định được
thay đổi mặt bằng giá đầu tư xây dựng công trình.
2. Người quyết định điều chỉnh dự
án đầu tư xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định
của mình.
3. Điều chỉnh dự án trong
trường hợp thay đổi hoặc bổ sung thiết kế nhưng không vượt tổng mức đầu tư đã
được phê duyệt thực hiện như sau:
a) Thay đổi hoặc bổ sung thiết kế
nếu không làm thay đổi kiến trúc mặt đứng hoặc kết cấu chịu lực chính của công
trình thì chủ đầu tư tự điều chỉnh dự án và thiết kế, dự toán;
b) Thay đổi hoặc bổ sung thiết kế
nếu làm thay đổi kiến trúc mặt đứng hoặc kết cấu chịu lực chính của công trình
thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư cho phép sau đó tự điều chỉnh
dự án và thiết kế, dự toán;
4. Điều chỉnh dự án trong trường
hợp thay đổi hoặc bổ sung thiết kế làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt
thì phải thẩm định và phê duyệt bổ sung dự án sau đó chủ đầu tư tự thẩm định,
phê duyệt thiết kế và dự toán.
Điều 20. Thẩm
quyền thẩm định, phê duyệt kinh phí giải phóng mặt bằng
Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp
huyện thẩm định kinh phí giải phóng mặt bằng trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt
đối với tất cả các dự án không phân biệt nguồn vốn.
Điều 21.
Thiết kế, dự toán xây dựng công trình
Hồ sơ thiết kế xây dựng công
trình bao gồm: Thuyết minh thiết kế; các bản vẽ thiết kế, các tài liệu khảo sát
xây dựng liên quan, quy trình bảo trì công trình, dự toán xây dựng công trình.
1. Thiết kế xây dựng công trình
gồm các bước: Thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.
Người quyết định đầu tư quyết định việc thiết kế một bước, hai bước hoặc ba bước
tuỳ theo quy mô, tính chất của từng công trình cụ thể và thiết kế bước sau phải
phù hợp với thiết kế ở bước trước đã được phê duyệt.
2. Nội dung thiết kế cơ sở xây dựng
thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ;
3. Thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản
vẽ thi công phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm b điểm c khoản 1 Điều 16
Nghị định số 12/2009/NĐ-CP. Bản vẽ thiết kế phải phù hợp với thuyết minh tính
toán, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật và đảm bảo yêu cầu về kinh tế;
4. Dự toán xây dựng công trình
được lập cho từng công trình và hạng mục công trình bao gồm: chi phí xây dựng,
chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, chi phí dự
phòng. Dự toán xây dựng được lập theo hướng dẫn tại Thông tư 05/2007/TT-BXD của
Bộ Xây dựng. Riêng chi phí nhà tạm tại công trường để ở và điều hành thi
công nếu dự toán lập tính theo định mức được công bố có giá trị trên 100 triệu
đồng thì chủ đầu tư phải căn cứ điều kiện thực tế để lập dự toán xác định chi
phí này cho phù hợp, chi phí này phải tính trong giá gói thầu, giá dự thầu và
thanh toán theo hợp đồng đã ký kết đồng thời chịu trách nhiệm về quyết định của
mình.
5. Tổ chức, cá nhân thiết kế, lập
dự toán xây dựng công trình xây dựng công trình phải có đủ điều kiện, năng lực
và chứng chỉ hành nghề theo quy định;
6. Nhà thầu thiết kế phải có
trách nhiệm giám sát tác giả và tham gia nghiệm thu các kết cấu chịu lực chính,
các giai đoạn chuyển bước thi công và nghiệm thu hoàn thành công trình theo yêu
cầu của chủ đầu tư;
7. Tổ chức, cá nhân thiết kế và
lập dự toán xây dựng công trình nếu gây nên lãng phí vốn đầu tư xây dựng công
trình phải bồi thường toàn bộ kinh phí lãng phí và chịu trách nhiệm trước pháp
luật với sản phẩm thiết kế, dự toán của mình.
Điều 22. Thẩm
định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự
toán xây dựng công trình
1. Công trình thiết kế hai bước
hoặc thiết kế ba bước thì thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự
toán, tổng dự toán chỉ được phê duyệt sau khi đã được quyết định đầu tư và đã
được thẩm định (hoặc thẩm tra) thiết kế, dự toán;
2. Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định
và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và tổng dự
toán xây dựng công trình. Chủ đầu tư có thể thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực
theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP để thẩm tra thiết kế kỹ
thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán để làm cơ sở phê duyệt.
Trường hợp Chủ đầu tư có đủ năng
lực và tự thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán công trình sử dụng vốn
nhà nước thì được hưởng chi phí thẩm tra thiết kế, dự toán theo Định mức công bố
của Bộ Xây dựng;
3. Yêu cầu hồ sơ để phục vụ công
tác thẩm định hoặc thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công:
a) Quyết định phê duyệt dự án đầu
tư xây dựng công trình kèm theo dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê
duyệt;
b) Báo cáo kinh - tế kỹ thuật (đối
với công trình không phải lập dự án);
c) Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất tại nơi xây dựng công trình;
d) Chứng chỉ quy hoạch của cơ
quan quản lý quy hoạch có thẩm quyền;
đ) Nhiệm vụ thiết kế đã được phê
duyệt;
e) Bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc
hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán;
g) Thuyết minh thiết kế;
h) Báo cáo khảo sát địa hình, địa
chất, khí tượng thủy văn (tuỳ theo loại và tính chất của công trình);
i) Biên bản nghiệm thu khảo sát;
k) Thỏa thuận đấu nối với các
công trình hạ tầng kỹ thuật của cơ quan quản lý chuyên ngành;
l) Đĩa CD trong đó có các nội
dung tính toán kết cấu, dự toán;
m) Giấy phép hành nghề hoặc Giấy
phép đăng ký kinh doanh của nhà thầu khảo sát, tư vấn thiết kế và chứng chỉ
hành nghề của chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm và chủ trì thiết kế;
m) Các giấy tờ khác có liên
quan.
4. Nội dung thẩm định (hoặc thẩm
tra) thiết kế bản vẽ thi công:
a) Kiểm tra sự phù hợp của thiết
kế với các bước thiết kế trước đã được phê duyệt;
b) Kiểm tra sự phù hợp của thiết
kế với nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt;
c) Kiểm tra các nội dung về quy
hoạch xây dựng, bao gồm: Vị trí xây dựng; cao độ san nền, cao độ và toạ độ đặt
công trình (yêu cầu kiểm tra, so sánh bằng cao độ, toạ độ chuẩn quốc gia); chiều
cao công trình; mật độ xây dựng; màu sắc và vật liệu sử dụng để xây dựng công
trình; chỉ giới xây dựng công trình và các khoảng lùi so với quy định; Sự hợp
lý của kiến trúc công trình so với các công trình lân cận và khu vực; Sự hợp lý
của thiết kế so với điều kiện tự nhiên tại nơi xây dựng công trình, phù hợp với
yêu cầu sử dụng và đảm bảo mỹ quan;
d) Sự tuân thủ của thiêt kế với
quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành được áp dụng;
đ) Đánh giá mức độ an toàn công
trình;
Để đánh giá mức độ an toàn công
trình, yêu cầu người thẩm tra phải kiểm tra đầy đủ các hạng mục, các cấu kiện của
công trình gồm các nội dung: Xác định tải trọng; xác định nội lực, tính toán tiết
diện chịu lực, nếu tiết diện có cốt thép thì phải kiểm tra tính toán cốt thép;
so sánh kết quả tính toán với thiết kế và kết luận, đánh giá để chủ đầu tư có
cơ sở phê duyệt;
e) Sự hợp lý của việc lựa chọn
dây chuyền và thiết bị công nghệ (nếu có):
Kiểm tra sự hợp lý của dây chuyền
và thiết bị công nghệ về các nội dung: Kiểm tra danh mục, chủng loại, nguồn gốc
xuất sứ; Lựa chọn thiết bị phải phù hợp với công xuất, không bị lạc hậu, đáp ứng
được yêu cầu dự báo phát triển trong tương lai và đảm bảo giá thành mua sắm phù
hợp với thị trường; bố trí mặt bằng dây chuyền và thiết bị công nghệ phải phù hợp
với công trình xây dựng, đảm bảo an toàn sản xuất và sử dụng, đảm bảo vệ sinh
môi trường, phòng chống cháy nổ;
g) Bảo vệ môi trường, phòng chống
cháy nổ:
h) Kiểm tra, đánh giá ảnh
hưởng của công trình tới môi trường và việc đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho người
sử dụng công trình;
i) Kiểm tra sự phù hợp của thiết
kế so với tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy (Cơ quan Phòng cháy chữa cháy thực
hiện thẩm tra);
5. Thẩm tra thiết kế các công
trình sử dụng mẫu định hình:
Đối với các công trình sử dụng mẫu
định hình đã là thiết kế bản vẽ thi công thì chỉ thẩm tra các nội dung:
a) Quy hoạch xây dựng: Vị trí
xây dựng; cao độ san nền, cao độ và toạ độ đặt công trình (yêu cầu kiểm tra, so
sánh bằng cao độ và toạ độ chuẩn quốc gia); chỉ giới xây dựng công trình và các
khoảng lùi so với quy định;
b) Kết cấu: Kiểm tra thiết kế kết
cấu phần móng của công trình phù hợp hay không phù hợp với điều kiện địa chất
nơi đặt công trình và sự tuân thủ của thiêt kế với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng
hiện hành được áp dụng;
c) Đánh giá mức độ an toàn phần
móng công trình.
6. Nôị dung thẩm định (hoặc thẩm
tra) dự toán:
a) Kiểm tra chi tiết khối lượng
từng công việc và hạng mục công việc theo thiết kế đồng thời kết luận độ chính
xác của khối lượng dự toán do tư vấn lập;
b) Kiểm tra tính đúng đắn của định
mức, đơn giá do tư vấn lập đồng thời điều chỉnh lại những đơn giá chưa hợp lý
(nếu có). Đối với những đơn giá cần điều chỉnh phải có thuyết minh cụ thể;
c) Đối với thiết bị: Kiểm tra
giá gốc của thiết bị (nếu là giá tính bằng ngoại tệ phải tính chuyển đổi ra
VNĐ), chi phí vận chuyển từ nơi mua đến chân công trình, chi phí kho bãi, bảo
quản ..., chi phí bảo hiểm, chi phí ngoại thương (nếu có) đối với thiết bị nhập
khẩu;
d) Kiểm tra việc áp dụng các quy
định về chế độ chính sách, định mức tỷ lệ của các thành phần chi phí trong dự
toán và định mức cho các chi phí khác;
đ) Xác định dự toán, tổng dự
toán công trình trên cơ sở khối lượng, đơn giá và định mức tỷ lệ đã được thẩm
tra.
7. Báo cáo thẩm định (hoặc thẩm
tra): Tổ chức hoặc cá nhân thực hiện thẩm tra thiết kế, dự toán phải báo cáo chủ
đầu tư kết quả thẩm tra của mình theo phụ lục số 04 kèm theo quy định này để chủ
đầu tư làm căn cứ phê duyệt.
8. Phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự
toán, tổng dự toán:
Chủ đầu tư căn cứ báo cáo kết quả
thẩm định (hoặc thẩm tra) thiết kế, dự toán, tổng dự toán để phê duyệt. Việc
phê duyệt được thực hiện khi trong Báo cáo thẩm tra đánh giá hồ sơ thiết kế, dự
toán đạt yêu cầu đủ điều kiện để phê duyệt và hồ sơ đã được chỉnh sửa những tồn
tại theo yêu cầu thẩm định (nếu có).
9. Thời gian thẩm định hoặc thẩm
tra: Theo thỏa thuận của chủ đầu tư và tổ chức, cá nhân thực hiện thẩm định hoặc
thẩm tra.
10. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi
công sau khi phê duyệt phải được chủ đầu tư xác nhận bằng chữ ký và đóng
dấu đã phê duyệt vào cho từng bản vẽ trước khi đưa ra thi công.
11. Tổ chức, cá nhân thực hiện
thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình nếu để
lãng phí kinh phí đầu tư xây dựng công trình thì phải bồi thường toàn bộ phần
kinh phí lãng phí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm tra, thẩm
định, phê duyệt của mình.
Điều 23. Điều
kiện năng lực của tổ chức tư vấn thẩm tra thiết kế, dự toán, tổng dự toán công
trình
1. Tổ chức tư vấn thực hiện
công tác thẩm tra thiết kế phải có điều kiện năng lực như tổ chức tư vấn thiết
kế xây dựng công trình quy định tại Điều 49 NĐ số 12/2009/NĐ-CP .
2. Người chủ trì thẩm tra thiết
kế xây dựng công trình phải có điều kiện năng lực của chủ trì thiết kế xây dựng
công trình quy định tại Điều 48 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP .
3. Người thẩm tra thiết kế xây
dựng công trình phải có trình độ đại học chuyên ngành xây dựng phù hợp với công
trình, có thời gian công tác tối thiểu 3 năm trong lĩnh vực thẩm định dự án đầu
tư xây dựng, thẩm định thiết kế - dự toán; thiết kế công trình; quản lý dự án;
thi công công trình cùng loại.
4. Người thẩm tra dự toán xây
dựng công trình phải có trình độ đại học chuyên ngành xây dựng phù hợp với công
trình hoặc trình độ đại học chuyên ngành kinh tế xây dựng, có chứng chỉ kỹ sư định
giá xây dựng.
5. Trường hợp chủ đầu tư là
đơn vị sự nghiệp hoặc cơ quan quản lý nhà nước tự thẩm định thiết kế, dự toán
xây dựng công trình thì phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định (không yêu
cầu có chứng chỉ hành nghề).
6. Tổ chức tư vấn thiết kế
công trình không được thẩm tra thiết kế, dự toán, tổng dự toán các công trình
do mình thiết kế, lập dự toán.
7. Các Sở quản lý xây dựng
chuyên ngành và các phòng chuyên môn thuộc cấp huyện không được thực hiện công
việc tư vấn thẩm tra thiết kế, dự toán cho các chủ đầu tư khác.
Điều 24. Cấp
giấy phép xây dựng công trình
1. Trước khi khởi công xây dựng
công trình, chủ đầu tư phải có Giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền quy định tại khoản 2 Điều này cấp, trừ các công trình sau đây:
a) Công trình
thuộc bí mật Nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm
phục vụ xây dựng công trình chính;
b) Công trình xây
dựng theo tuyến không đi qua đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng được
duyệt, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt;
c) Công trình
xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ
cao, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà
nước có thẩm quyền phê duyệt;
d) Các công
trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến
trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình;
đ) Công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô nhỏ thuộc các xã vùng sâu, vùng
xa;
e) Nhà ở riêng lẻ
tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung;
nhà ở riêng lẻ tại các điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được
duyệt.
2. Thẩm quyền cấp giấy phép xây
dựng công trình được quy định như sau:
a) Giám đốc Sở Xây dựng cấp Giấy
phép xây dựng cho các công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I (theo phân cấp
công trình tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 209/NĐ-CP), công trình
tôn giáo, công trình di tích lịch sử - văn hoá, công trình tượng đài, quảng
cáo, tranh hoành tráng thuộc địa giới hành chính tỉnh Lào Cai, công trình thuộc
dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lào Cai và tất cả
các công trình xây dựng phải cấp phép xây dựng không phải là nhà ở riêng lẻ bên
các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; các đường phố có mặt cắt ngang lớn hơn hoặc bằng
12m thuộc thành phố Lào Cai, trung tâm các huyện lỵ và thị trấn Tằng Loỏng;
b) UBND cấp huyện cấp giấy phép
xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ ở đô thị và các công trình theo quy định
phải cấp phép xây dựng bên các đường phố có mặt cắt ngang nhỏ hơn 12m thuộc
thành phố Lào Cai, trung tâm các huyện lỵ, thị trấn Tằng Loỏng và các công
trình xây dựng trên địa bàn các xã, thị trấn thuộc địa giới hành chính do huyện,
thành phố quản lý, trừ các công trình quy định tại điểm a, điểm c khoản 2
Điều này;
c) UBND các xã, phường, thị trấn
cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở các điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch
xây dựng được duyệt thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.
d) Người cấp giấy phép
xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cấp giấy phép
của mình.
3. Gấy phép xây dựng tạm:
a) Công trình được cấp
giấy phép xây dựng tạm là các công trình có kết cấu lắp ghép dễ dàng lắp dựng,
tháo dỡ và có móng đơn giản;
b) Việc cấp giấy phép xây dựng tạm chỉ áp dụng đối với
những vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện;
c) Thẩm quyền cấp giấy
phép xây dựng tạm: Thực hiện theo điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều này;
d) Giấy phép xây dựng tạm
phải ghi rõ thời gian được phép tồn tại của công trình, hết thời hạn quy định
trong giấy phép xây dựng tạm nếu Nhà nước chưa giải phóng mặt bằng thì được
phép tồn tại cho đến khi Nhà nước thực hiện quy hoạch, khi đó chủ đầu tư phải tự
tháo rỡ công trình, nếu không tự tháo rỡ thì bị cưỡng chế phá rỡ và chủ đầu tư
phải chịu mọi chi phí cho việc phá rỡ công trình.
4. Hồ sơ xin cấp phép
xây dựng công trình gồm:
a) Đơn xin cấp phép xây
dựng theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP. Trường hợp xin phép
xây dựng tạm thì trong đơn phải cam kết tự tháo rỡ khi Nhà nước thực hiện giải
phóng mặt bằng;
b) Bản sao giấy tờ (có
chứng thực) về quyền sử dụng đất theo quy định hoặc giới thiệu địa điểm khu đất
để xây dựng công trình của cơ quan quản lý quy hoạch (Chỉ áp dụng đối với các dự
án sử dụng vốn ngân sách nhà nước);
c) Đối với công trình
và nhà ở đô thị: Bản vẽ thiết kế thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, các mặt
đứng chính; mặt bằng móng công trình; sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình; sơ đồ
hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước
thải; ảnh chụp hiện trạng công trình (đối với công trình sửa chữa cải tạo);
Đối với nhà ở nông
thôn: Sơ đồ mặt bằng xây dựng công trình trên lô đất và các công trình liền kề
(nếu có) do chủ đầu tư tự vẽ .
5. Thời gian cấp Giấy
phép xây dựng:
a) Đối với công trình
xây dựng: Không quá 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ ;
b) Đối với nhà ở riêng
lẻ: Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
6. Điều chỉnh Giấy phép
xây dựng: Thực hiện theo Điều 8 Thông tư số 03/2009/TT-BXD .
7. Đối với những công
trình được miễn giấy phép xây dựng thì trước khi khởi công công trình 10 ngày,
chủ đầu tư phải gửi văn bản thông báo kèm theo các bản vẽ mặt bằng xây dựng, mặt
bằng móng, mặt đứng và bản sao ý kiến tham gia về thiết kế cơ sở của cơ quan
quan lý nhà nước (Đối với công trình phải lập dự án) cho cơ quan có thẩm quyền
cấp phép xây dựng theo quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều này và UBND cấp
xã nơi có đất xây dựng công trình biết để theo dõi, phối hợp quản lý theo quy định.
Điều 25. Lựa
chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.
1. Tất cả các công trình xây dựng
(trừ nhà ở riêng lẻ của dân) tuỳ theo tính chất, quy mô đều phải thực hiện đấu
thầu hoặc chỉ định thầu theo quy định tại các Điều 3, Điều 18, Điều 19, Điều
20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 và Điều 24 của Luật Đấu thầu;
2. Nhà thầu trúng thầu là nhà thầu
được đánh giá đạt yêu cầu cao nhất về kỹ thuật theo quy định, có giá thầu hợp
lý đem lại hiệu quả cao nhất cho dự án nhưng không được cao hơn giá gói thầu đã
được phê duyệt; trường hợp giá dự thầu sau khi sửa lỗi số học và hiệu chỉnh sai
lệch đều cao hơn giá gói thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư
thực hiện theo khoản 6 Điều 70 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của
Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng;
3. Nghiêm cấm nhà thầu giao một
phần hoặc toàn bộ công việc của hợp đồng thi công cho nhà thầu phụ không có tên
trong hồ sơ dự thầu. Trong trường hợp liên doanh, nhà thầu phụ phải có đủ năng
lực hoạt động, hành nghề xây dựng theo quy định phù hợp với phần việc đảm nhận
và được chủ đầu tư xây dựng công trình chấp nhận; khối lượng công việc do các nhà
thầu phụ thực hiện không vượt quá 30% khối lượng công việc của hợp đồng và thầu
phụ không được giao toàn bộ phần việc cho nhà thầu khác;
4. Thẩm định và phê duyệt kế hoạch
đấu thầu, kết quả đấu thầu với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định
kế hoạch đấu thầu và trình UBND tỉnh phê duyệt đối với các công trình do Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư;
b) Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp
huyện thẩm định kế hoạch đấu thầu và trình UBND cấp huyện phê duyệt đối với các
công trình do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đầu tư;
c) Các dự án quy mô nhỏ, đơn giản
và có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng không phải lập, thẩm định và phê duyệt
kế hoạch đấu thầu tư vấn khảo sát thiết kế. Chủ đầu tư chỉ định thầu tư vấn cho
nhà thầu có đủ điều kiện năng lực để thực hiện khi có chủ trương đầu tư và chủ
động trình phê duyệt gộp Báo cáo kinh tế - kỹ thuật cùng với kế hoạch đấu thầu
xây lắp để người quyết định đầu tư phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đồng thời
với kế hoạch đấu thầu;
d) Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định
và phê duyệt hồ sơ mời thầu, danh sách các nhà thầu tham gia đấu thầu (đối với
trường hợp đấu thầu hạn chế), thành lập tổ chuyên gia đấu thầu, phê duyệt kết
quả đấu thầu;
đ) Chủ đầu tư tự phê duyệt kết
quả chỉ định thầu đối với các trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ, khoản 1
Điều 20 của Luật Đấu thầu; kết quả chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu dưới
01 tỷ (một tỷ) đồng;
e) Người thẩm định, phê duyệt kế
hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật về kết quả thẩm định, phê duyệt của mình.
5. Đối với các dự án sử dụng vốn
khác thì Chủ đầu tư tự thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu,
kết quả đấu thầu và các nội dung của quá trình đấu thầu hoặc chỉ định thầu của
tất cả các gói thầu thuộc dự án;
6. Việc đấu thầu chỉ được thực
hiện khi dự án đã được người quyết định đầu tư phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Chủ
đầu tư chỉ được ký hợp đồng thực thi dự án khi có quyết định phê duyệt kết quả
đấu thầu hoặc quyết định chỉ định thầu và đã có mặt bằng được giải phóng một phần
hoặc toàn bộ dự án.
Điều 26.
Điều kiện khởi công công trình
Công trình chỉ được khởi công
xây dựng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Đã có đầy đủ các thủ tục về
hồ sơ dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán, tổng dự toán, hồ sơ
trúng thầu và hợp đồng xây lắp.
2. Có Giấy phép xây dựng công
trình, trừ các công trình được miễn cấp giấy phép theo quy định.
3. Về Nguồn vốn: Phải đảm bảo
cân đối đủ vốn để thi công hoàn thành trong thời hạn 2 (hai) năm đối với các
công trình nhóm C; đảm bảo cân đối đủ vốn để thi công trong thời hạn 4 (bốn)
năm đối với công trình nhóm B;
4. Về mặt bằng: Phải đảm bảo
có đủ toàn bộ mặt bằng hoặc từng phần đã được giải phóng đủ điều kiện để triển
khai thi công.
Điều 27.
Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình
Thực hiện theo Điều 28 Nghị định
số 12/2009/NĐ-CP và các quy định sau:
1. Chủ đầu tư hoặc người được
uỷ quyền đại diện chủ đầu tư hoặc tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thi công
phải lập tiến độ thực hiện dự án của từng hạng mục công trình và tổng thể công
trình phù hợp với tiến độ của dự án đã được phê duyệt để làm cơ sở quản lý thi
công xây dựng công trình.
2. Nhà thầu thi công xây dựng
công trình phải lập tiến độ thi công chi tiết, bố trí xen kẽ các công việc cần
thực hiện nhưng phải phù hợp với tiến độ thi công trong hồ sơ trúng thầu, tiến
độ thi công của chủ đầu tư và tổng tiến độ của dự án.
3. Trường hợp thấy tổng tiến độ
của dự án phải kéo dài thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư xem
xét và quyết định điều chỉnh tổng tiến độ thực hiện của dự án. Trong báo cáo phải
nêu rõ lý do dẫn đến phải điều chỉnh tiến độ.
4. Khuyến khích việc đẩy nhanh
tiến độ xây dựng trên cơ sở bảo đảm chất lượng công trình. Trường hợp đẩy nhanh
tiến độ xây dựng đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án thì nhà thầu xây dựng được
xét thưởng theo hợp đồng. Trường hợp kéo dài tiến độ xây dựng gây thiệt hại thì
bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại và bị phạt vi phạm hợp đồng. Chủ đầu tư
phải xin ý kiến người quyết định đầu tư về mức thưởng do đẩy nhanh tiến độ và
nguồn kinh phí để khen thưởng cho nhà thầu xây dựng phù hợp với quy định của
pháp luật hiện hành quản lý chi phí đầu tư, xây dựng và thi đua khen thưởng.
Điều 28.
Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình
1. Chủ đầu tư hoặc tư vấn giám
sát và nhà thầu thi công phải lập sổ ghi nhật ký thi công công trình hàng ngày.
Nội dung nhật ký thi công hàng ngày do giám sát của chủ đầu tư và quản lý thi
công hiện trường của nhà thầu lập gồm các nội dung: Thời tiết trong ngày (nắng,
mưa); tên và phạm vi công việc thực hiện trong ngày; khối lượng thực hiện trong
ngày; kết quả đạt yêu cầu kỹ thuật của công việc; đồng ý hay không đồng ý thi
công tiếp theo hoặc chuyển bước thi công; khối lượng vật tư, vật liệu sử dụng để
thực hiện công việc (chỉ xác định khối lượng vật tư, vật liệu đã được sử dụng để
tạo thành kết cấu công trình); các nội dung khác.
Khối lượng công việc được xác
nhận trong nhật ký thi công là cơ sở để điều chỉnh giá hợp đồng (nếu có).
2. Khối lượng thi công xây dựng
công trình đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng
hiện hành và thực hiện theo thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt phải được
chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát nghiệm thu theo thời gian hoặc
giai đoạn thi công trên cơ sở đã được xác nhận trong nhật ký thi công công
trình.
3. Khối lượng phát sinh ngoài
thiết kế, dự toán đã được duyệt phải được người có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh,
bổ sung theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 18 của Quy định này sau đó chủ
đầu tư và nhà thầu thương thảo để điều chỉnh, bổ sung giá hợp đồng.
Điều 29.
Tạm ứng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình
1. Tạm ứng, thanh toán và quyết
toán vốn đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo quy định của nghị định số
99/2007/NĐ-CP và các quy định hiện hành khác có liên quan.
2. Các dự án, kể cả các dự án
phát sinh trong kỳ kế hoạch phải được ghi vốn và bổ sung kế hoạch vốn kịp thời
để đáp ứng khả năng tạm ứng vốn thực hiện hợp đồng xây dựng.
3. Thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt
quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình đối với các dự án sử dụng vốn ngân
sách nhà nước:
a) Sở Tài chính thẩm tra và
trình UBND tỉnh duyệt quyết toán đối với các công trình do UBND tỉnh quyết định
đầu tư.
b) Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp
huyện thẩm tra và trình UBND cấp huyện phê duyệt quyết toán kinh phí giải phóng
mặt bằng tất cả các công trình và các công trình do UBND cấp huyện quyết định đầu
tư;
c) Đối với các dự án có tổng mức
đầu tư dưới 150 triệu đồng thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của chủ đầu tư
theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 của quy định này thì chủ đầu tư lập hồ
sơ quyết toán vốn đầu tư gửi cơ quan Tài chính (đối với các chủ đầu tư thuộc cấp
tỉnh gửi hồ sơ Sở Tài chính; đối với các chủ đầu tư cấp huyện gửi hồ sơ phòng
Tài chính - Kế hoạch) để thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, căn cứ
vào kết quả thẩm tra chủ đầu tư ra quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư
công trình hoàn thành theo quy định.
4. Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm
tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình đối với các dự án sử dụng
vốn khác.
Điều 30.
Hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
1. Khi quyết định đầu tư xây dựng
công trình, người quyết định đầu tư phải căn cứ vào quy mô công trình, điều kiện
năng lực chuyên môn cụ thể của chủ đầu tư để quyết định hình thức chủ đầu tư trực
tiếp quản lý dự án hoặc chủ đầu tư thuê tư vấn quản lý dự án.
2. “ Đối với dự án có quy mô nhỏ,
đơn giản có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ thì chủ đầu tư có thể không lập Ban Quản
lý dự án mà sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để quản lý điều hành dự án hoặc
thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để giúp quản lý thực hiện dự án.”
3. Các dự án có tổng mức đầu tư
từ 07 tỷ đến dưới 15 tỷ đồng, chủ đầu tư có thể trực tiếp quản lý dự án nhưng
phải thành lập Ban quản lý dự án có đủ năng lực phù hợp với nhiệm vụ được giao,
đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ, chất lượng và tiết kiệm chi phí hoặc thuê
tư vấn quản lý dự án để giúp chủ đầu tư giám sát, quản lý dự án.
4. Đối với các dự án sử dụng vốn
ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở
lên nếu chủ đầu tư không đủ điều kiện, năng lực theo quy định tại điểm a, điểm
b khoản 1 Điều 31 của Quy định này thì chủ đầu tư phải thuê tư vấn giám sát và
quản lý dự án.
5. Trường hợp thuê tư vấn giám
sát và quản lý dự án thì chủ đầu tư phải có bộ phận của mình để kiểm tra, theo
dõi thực hiện hợp đồng của Tư vấn giám sát và quản lý dự án.
6. Nhà thầu tư vấn giám sát và
quản lý dự án được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn khác có đủ điều kiện năng lực,
có Chứng chỉ hành nghề (đối với công việc giám sát, quản lý kỹ thuật) phù hợp với
nhiệm vụ đã ký trong hợp đồng với chủ đầu tư để tham gia một số phần việc giám
sát, quản lý dự án và phải được chủ đầu tư chấp thuận.
7. Nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu
tư, Ban quản lý dự án và tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thi công thực hiện
theo quy định tại Điều 34 Điều 35 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP .
8. Người chủ trì giám sát và người
trực tiếp giám sát thi công của nhà thầu tư vấn giám sát phải là người trong
danh sách đề xuất của hồ sơ dự thầu và hồ sơ trúng thầu. Trường hợp nhà thầu muốn
thay đổi người giám sát phải được sự đồng ý của chủ đầu tư.
9. Nhiệm vụ, quyền hạn của người
chủ trì và người trực tiếp giám sát, quản lý dự án tại công trường do nhà thầu
tư vấn giao bằng văn bản và phải được gửi cho chủ đầu tư.
Điều 31. Điều
kiện, năng lực của Ban quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án
1. Ban QLDA do chủ đầu tư thành
lập trong trường hợp chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án phải đảm bảo các điều
kiện, năng lực sau đây:
a) Cơ cấu tổ chức của Ban QLDA gồm
có trưởng ban, phó trưởng ban (nếu cần thiết) và các thành viên làm công tác
chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp đáp ứng với từng yêu cầu công việc của công tác
quản lý dự án;
b) Trưởng ban QLDA phải có trình
độ đại học (cao đẳng hoặc trung cấp đối với các dự án nhóm C ở vùng cao) thuộc
chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của dự án và đủ điều kiện năng lực của Giám đốc
tư vấn quản lý dự án theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ;
c) Các phó trưởng ban (nếu có)
và những người phụ trách về kỹ thuật, kinh tế, tài chính phải có trình độ đại học
(cao đẳng hoặc trung cấp đối với các dự án nhóm C ở vùng sâu, vùng xa) thuộc
chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực phụ trách và có kinh nghiệm làm việc chuyên
môn tối thiểu là 03 năm. Người phụ trách kỹ thuật và những người làm công tác
giám sát thi công phải có chứng chỉ hành nghề;
d) Ban QLDA được phép thuê tổ chức,
cá nhân tư vấn đủ điều kiện, năng lực, có giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành
nghề theo quy định để tham gia quản lý, giám sát một số phần việc mà Ban QLDA
không đủ điều kiện, năng lực để tự thực hiện và phải được chủ đầu tư chấp thuận
bằng văn bản;
2. Điều kiện, năng lực của Giám
đốc tư vấn quản lý dự án và của tổ chức tư vấn quản lý dự án thực hiện theo Điều
43, Điều 44 của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP , các Phó Giám đốc và những người phụ
trách chuyên môn nghiệp vụ phải có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành phù
hợp và có thời gian làm việc chuyên môn tối thiểu 3 năm.
3. Giám đốc tư vấn quản lý dự
án, giám sát thi công xây dựng công trình chỉ được đảm nhận một công việc theo
chức danh trong cùng một thời gian.
Điều 32. Xếp
hạng các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng tại Lào Cai
1. Trong khi chờ Bộ Xây dựng hướng
dẫn việc xếp hạng các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, UBND tỉnh tạm
thời giao cho Sở Xây dựng là cơ quan xếp hạng các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt
động xây dựng tại Lào Cai để các tổ chức, cá nhân hoạt động phù hợp với phạm vi
quy định của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP .
2. Các tổ chức, cá nhân khi thực
hiện các công việc sau đây phải được xếp hạng để phù hợp với điều kiện năng lực
của mình:
Chủ nhiệm lập dự án; Tổ chức tư
vấn lập dự án; Giám đốc tư vấn quản lý dự án; Tổ chức tư vấn quản lý dự án; Tổ
chức giám sát thi công xây dựng công trình; Chủ nhiệm khảo sát xây dựng; Tổ chức
tư vấn khảo sát xây dựng; Chủ nhiệm thiết kế xây dựng công trình; Chủ trì thiết
kế xây dựng công trình; Tổ chức tư vấn thiết kế xây dựng công trình; Tổ chức thẩm
tra thiết kế, dự toán xây dựng công trình; Chỉ huy trưởng công trường; Tổ chức
thi công xây dựng công trình;
3. Chủ đầu tư xây dựng công
trình chỉ được ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân để thực hiện các công việc
phù hợp với năng lực được xếp hạng và phạm vi hoạt động theo quy định;
4. Hồ sơ gửi sở Xây dựng để xem
xét xếp hạng gồm:
a) Đơn đề nghị xếp hạng;
b) Hồ sơ năng lực gồm các nội
dung:
- Đối với tổ chức: Kinh nghiệm
hoạt động; Đăng ký kinh doanh; thông tin tài chính; danh sách các cá nhân trong
biên chế đang hoạt động theo hợp đồng lao động (kèm theo bản sao có chứng thực
hợp đồng lao động); chứng chỉ hành nghề và các văn bằng, chứng nhận đào tạo của
từng cá nhân trong danh sách (bản sao có công chứng); số lượng và chất lượng
các máy móc, thiết bị hiện có để hoạt động;
- Đối với cá nhân: Kinh nghiệm
hoạt động; chứng chỉ hành nghề và các văn bằng, chứng nhận đào tạo (bản sao có
chứng thực), bản sao đăng ký kinh doanh có công chứng (đối với cá nhân hành nghề
thiết kế, khảo sát và giám sát thi công xây dựng công trình);
c) Thời gian xếp hạng: Không quá
20 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Chương IV
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG
TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 33. Phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
1. Sở Xây dựng là
cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công
trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai và có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra
chất lượng công trình xây dựng:
a) Theo dõi tổng hợp
và báo cáo tình hình quản lý chất lượng các công trình xây dựng của các Bộ,
ngành, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai;
b) Tổ chức thực hiện
việc giám định chất lượng các công trình trên địa bàn toàn tỉnh;
c) Chủ trì phối hợp
với các sở có xây dựng chuyên ngành hướng dẫn quản lý chất lượng công trình xây
dựng;
d) Kiểm tra, thanh
tra, giải quyết các khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động
xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo quy định của Pháp luật;
đ) Chủ trì phối hợp
với các ngành giải quyết sự cố công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
2. Các Sở có xây
dựng chuyên ngành chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra chất lượng các công
trình xây dựng chuyên ngành và có trách nhiệm quản lý chất lượng các công trình
xây dựng thuộc lĩnh vực ngành quản lý;
3. Phòng Công
thương, Phòng Quản lý đô thị các huyện, thành phố Lào Cai giúp UBND cùng cấp kiểm
tra, quản lý chất lượng các công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ trên địa
bàn thuộc phạm vi địa giới hành chính của địa phương mình quản lý;
Thanh tra, Kiểm
tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý các vi phạm trong hoạt động xây dựng
trên địa bàn quản lý.
4. UBND các huyện,
thành phố Lào Cai và các chủ đầu tư có công trình xây dựng phải thực hiện
chế độ báo cáo theo định kỳ 6 tháng, cả năm về chất lượng công trình xây dựng về
Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây Dựng.
5. Trước khi khởi
công công trình, chủ đầu tư phải gửi hồ sơ thiết kế, dự toán đã được duyệt về sở
Xây dựng để kiểm tra, theo dõi, đối chiếu.
Điều 34. Giám sát của nhân dân về chất lượng công trình xây dựng
1. Chủ đầu tư phải
treo biển báo tại công trường thi công ở vị trí dễ nhìn, dễ đọc để tạo điều kiện
cho nhân dân giám sát;
2. Nội dung biển
báo bao gồm: Tên và địa chỉ liên lạc, số điện thoại của chủ đầu tư xây dựng
công trình, đơn vị thi công, chỉ huy trưởng công trường, của tổ chức hoặc người
giám sát thi công xây dựng công trình, tổ chức tư vấn và chủ nhiệm thiết kế
công trình, tổng vốn đầu tư, ngày khởi công, ngày hoàn thành công trình;
3. Tổ chức, cá
nhân khi phát hiện hành vi vi phạm chất lượng công trình xây dựng thì phải phản
ánh kịp thời với Chủ đầu tư, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đặt công
trình xây dựng hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về xây dựng;
4. Người tiếp nhận
thông tin phản ánh của nhân dân có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời và trả lời
bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến phản
ánh.
Điều 35. Khảo sát xây dựng và quản lý phòng Las - XD
1. Công tác khảo
sát địa hình, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa chất thuỷ văn, khảo
sát hiện trạng công trình và các công việc khảo sát khác phục vụ cho hoạt động
xây dựng phải được thực hiện theo nhiệm vụ khảo sát do nhà thầu thiết kế hoặc
nhà thầu khảo sát lập và đã được chủ đầu tư phê duyệt;
Kết quả khảo
sát xây dựng phải được đánh giá nghiệm thu theo quy định của NĐ số 209/NĐ-CP và
Nghị định số 49/2008/NĐ-CP .
2. Chủ đầu tư phải
thực hiện giám sát công tác khảo sát xây dựng thường xuyên, có hệ thống từ khi
bắt đầu khảo sát đến khi hoàn thành công việc. Trường hợp không đủ điều kiện
năng lực để giám sát thì phải thuê tư vấn giám sát công tác khảo sát xây
dựng;
3. Chủ đầu tư và
nhà thầu khảo sát chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nghiệm thu và kết quả
khảo sát xây dựng.
4. Phòng thí
nghiệm chỉ được thực hiện các phép thử có trong danh mục được chỉ định trong
Quyết định công nhận phòng thí nghiệm Las – XD của Bộ Xây dựng, kết quả đó là
cơ sở để phục vụ cho thiết kế và đánh giá chất lượng sản phẩm đưa vào công
trình xây dựng;
5. Phòng Las –XD
được hoạt động tại Lào Cai phải có phòng thí nghiệm hợp chuẩn đặt tại Lào Cai.
Điều 36. Chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực chứng nhận sự
phù hợp về chất lượng công trình xây dựng
Thực hiện theo
Thông tư số 16/2008/TT-BXD ngày 11/9/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn kiểm tra,
chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất
lượng công trình xây dựng và Quyết định số 60/2008/QĐ-UBND ngày 21/11/2008 của
UBND tỉnh Lào Cai về việc quy định công tác kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm
bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng
trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Chương V
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 37.
Thanh tra - Kiểm tra
1. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với
các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố Lào Cai tổ chức thanh tra, kiểm
tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động
xây dựng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh
Lào Cai và báo cáo UBND tỉnh kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành
chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng;
2. Các sở có xây dựng chuyên
ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử
lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thuộc lĩnh
vực quản lý của ngành phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Kịp thời
báo cáo, chuyển cơ quan chức năng xử lý những vi phạm vượt quá thẩm quyền theo
quy định của pháp luật.
Điều 38. Xử
lý vi phạm
Các cơ quan nhà nước, tổ chức,
doanh nghiệp, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng có hành vi vi phạm thì tuỳ
theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách
nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại phải bồi thường.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
39. Xử lý chuyển tiếp
1. Các dự án, Báo cáo Kinh tế -
kỹ thuật đã được thẩm định, phê duyệt trước ngày Quy định này có hiệu lực thì
không phải thẩm định, phê duyệt lại.
2. Các dự án, Báo cáo Kinh tế - kỹ
thuật và thiết kế, dự toán xây dựng công trình chưa được thẩm định thì thực hiện
theo quy định này.
3. Các dự án đã được phê duyệt
thuộc đối tượng phải xin cấp phép xây dựng, nếu đã nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng
thì không phải làm lại hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Nghị
định số 12/NĐ-CP , Thông tư số 03/2009/TT-BXD và quy định của Quy định này.
4. Các công trình chưa thẩm định
kết quả đấu thầu thì thực hiện theo quy định này.
Điều
40. Tổ chức thực hiện
1. Sở Xây dựng có trách
nhiệm hướng dẫn, kiểm tra công tác thẩm định đồ án quy hoạch, cung cấp thông
tin về quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình, thẩm định, thẩm tra thiết kế kỹ
thuật – dự toán, quản lý chất lượng công trình, thanh tra xây dựng.
2. Sở kế hoạch và Đầu
tư hướng dẫn, kiểm tra công tác lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng công
trình, công tác đấu thầu, chỉ thầu. Đề xuất giao chủ đầu tư xây dựng công trình
và giao hình thức quản lý dự án cho chủ đầu tư đúng quy định.
3. Sở Tài chính hướng dẫn,
kiểm tra việc tạm ứng, thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
Trong quá trình thực hiện,
nếu có vướng mắc các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để tổng
hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
PHỤ LỤC SỐ 01
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2009 của UBND tỉnh
Lào Cai)
Suất
vốn đầu tư xây dựng được xác định như sau:
Gxd
= G*Ksđt
Trong đó:
G là suất vốn đầu tư xây dựng
công trình, hạng mục công trình tương tự đã có;
Ksđt là hệ số điều chỉnh về thời
gian thực hiện dự án và được xác định theo công thức:
Ksđt
= Kvl*Knc*Km*Kk
Trong đó:
Kvl là tỷ lệ
bình quân giữa giá các vật liệu chính theo loại công trình tại thời điểm lập,
phê duyệt dự án và giá bình quân các vật liệu chính của loại công trình tại thời
điểm công bố suất vốn đầu tư;
Knc là tỷ lệ tiền
lương công nhân theo chế độ chính sách quy định tại thời điểm lập, phê duyệt dự
án và tiền lương công nhân theo chế độ chính sách quy định tại thời điểm công bố
suất vốn đầu tư;
Km là tỷ lệ giá ca
máy được công bố tại thời điểm lập, phê duyệt dự án và giá ca máy tại thời điểm
công bố suất vốn đầu tư;
Kk là hệ số điều chỉnh
các chi phí khác (nếu có), trường hợp không có thì lấy Kk=1.
PHỤ LỤC SỐ 02
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2009 của UBND tỉnh
Lào Cai)
Chi
phí xây dựng nếu tính theo số liệu của các công trình xây dựng đã có chỉ
tiêu kinh tế kỹ thuật tương tự đã thực hiện được tính theo công thức:
Gxd
= Gxd-cttt* Ht*Hkv
Trong đó: - Gxd là chi
phí xây dựng công trình;
- Gxd-cttt là chi phí
xây dựng công trình tương tự;
- Ht là hệ số quy đổi
về thời điểm lập dự án được xác định theo công thức:
Ht
= Hvl* Hnc*Hm*Hk
Trong đó: - Hvl là tỷ lệ
bình quân giữa giá các vật liệu chính tại thời điểm và giá bình quân các vật liệu
chính của công trình tương tự đã có;
- Hnc là tỷ lệ tiền
lương công nhân theo chế độ chính sách quy định tại thời điểm và tiền lương
bình quân công nhân theo chế độ chính sách quy định tại thời điểm thực hiện
công trình tương tự đã có;
- Hm là tỷ lệ giá ca
máy được công bố tại thời điểm và giá ca máy tại thời điểm thực hiện công trình
tương tự đã có.
Hk là hệ số điều chỉnh
các chi phí khác (nếu có), trường hợp không có thay đổi so với thời gian thực
hiện dự án tương tự đã có thì lấy Hk=1.
Hệ số quy đổi về địa điểm xây dựng
được xác định theo công thức:
Hkv = Hp*Kvl
Trong đó: - Hp là tỷ
lệ giữa phụ cấp khu vực nơi xây dựng công trình và phụ cấp khu vực nơi xây dựng
công trình tương tự đã có;
- Hvl là tỷ lệ giữa giá
các vật liệu chính tại nơi xây dựng công trình và giá vật liệu tại nơi xây dựng
công trình tương tự đã có.
PHỤ LỤC SỐ 03
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2009 của UBND tỉnh
Lào Cai)
(Quy
định tại Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày tháng năm 2009 của Bộ Xây dựng)
(Tên Chủ đầu tư)
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
|
..........,
ngày......... tháng......... năm..........
|
TỜ TRÌNH
Thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng
công trình……….
Kính
gửi: …(Người có thẩm quyền quyết định đầu tư])…
- Căn cứ Luật Xây
dựng ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Nghị định
số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng
công trình;
- Căn cứ Thông tư số.. .ngày …
tháng … năm .. của Bộ trởng Bộ Xây dựng;
- Căn cứ (pháp lý khác có
liên quan).
(Tên Chủ đầu tư) trình
thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình với các nội dung chính
sau:
1. Tên công trình:
2. Tên chủ đầu tư:
3. Tổ chức tư vấn
lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình:
4. Mục tiêu đầu tư
xây dựng:
5. Địa điểm xây dựng:
6. Diện tích sử dụng
đất:
7. Tổng mức đầu tư:
8. Nguồn vốn đầu
tư:
9. Hình thức quản
lý dự án:
10. Thời gian thực
hiện:
11. Những kiến nghị:
(Gửi kèm theo Tờ
trình này là toàn bộ hồ sơ Báo cáo KTKT và kết quả thẩm định thiết kế bản
vẽ thi công và dự toán)
Nơi nhận:
- Như trên,
- Lưu:…
|
Đại
diện chủ đầu tư
(Ký,
ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)
|
PHỤ LỤC SỐ 04
(Kèm
theo Quyết định số 10 /2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2009 của UBND tỉnh Lào
Cai)
Tổ
chức vư vấn thẩm tra
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:....
|
.....,
ngày tháng năm
|
BÁO CÁO THẨM TRA
THIẾT KẾ, DỰ TOÁN
Công
trình: ...........................................................
Thực hiện Hợp đồng số ....
ngày tháng năm giữa (Chủ đầu tư) và (tư vấn thẩm tra)
việc thảm tra thiết kế, dự toán xây dựng công trình........., (Tư vấn thẩm tra)
báo cáo kết quả thảm tra thiết kế, dự toán công trình .........như sau:
1. Tên công trình, hạng mục công
trình:.....................................................
Địa điểm xây dựng:
........................................................................................................
3. Chủ đầu tư:
..................................................................................................
2. Căn cứ để thực hiện thẩm tra
(Hợp đồng hoặc văn bản đề nghị):.................
3. Cơ sở để thẩm tra: Thống kê
các tài liệu do bên A cung cấp, thống kê các tiêu chuẩn quy phạm áp dụng);
4. Kết quả thẩm tra:
4.1 Đánh giá tính hợp lệ của hồ
sơ thiết kế: Nhà thầu khảo sát, thiết kế đủ hay không đủ tư cách pháp nhân để
thực hiện công việc khảo sát, thiết kế; Điều kiện của cá nhân tham gia thiết kế,
lập dự toán công trình theo quy định (có giấy phép hành nghề); Hồ sơ thiết kế đủ
hay không đủ điều kiện để thẩm tra.
4.2 Kết quả thẩm tra hồ sơ thiết
kế, thiết kế bản vẽ thi công:
4.2.1 Giải pháp quy hoạch: Tóm tắt
về vị trí, diện tích, chiều cao công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất,
chỉ giới xây dựng và các khoảng lùi.
Nhận xét đánh giá công trình phù
hợp hay không phù hợp với bước thiết kế trước và phù hợp với quy hoạch đối với
từng nội dung trên và cho cả công trình;
4.2.2 Giải pháp kiến trúc: Khái
quát về giải pháp thiết kế mặt bằng, mặt đứng, tổ chức thiết kế giao thông theo
chiều đứng, giải pháp thiết kế cho người tàn tật tiếp cận với công trình (nếu
có) và nhận xét đánh giá công trình phù hợp hay không phù hợp với bước thiết kế
trước và các tiêu chuẩn hiện hành được áp dụng;
4.2.3 Kết cấu công trình:
- Tóm tắt giải pháp thiết kế kết
cấu móng, kết cấu thân và nhận xét đánh giá giải pháp kết cấu phù hợp hay không
phù hợp với giải pháp thiết kế ở bước thiết kế trước; kết cấu móng phù hợp hay
không phù hợp với điều kiện địa chất; sự tuân thủ của thiết kế với các tiêu chuẩn
hiện hành;
- Các phụ lục kiểm tra: Xác định
tải trọng; Sơ đồ kết cấu; Nội lực các cấu kiện; Kiểm tra móng; Kiểm tra khả
năng chịu lực của các kết cấu, cấu kiện; kiểm tra ổn định;
4.2.4 Điện, nước trong công
trình:
Tóm tắt giải pháp thiết kế và nhận
xét đánh giá về sự hợp lý của thiết kế so với yêu cầu sử dụng và sự tuân thủ
các quy chuẩn tiêu chuẩn hiện hành;
4.2.5 Dây chuyền và thiết bị
công nghệ:
Mô tả sơ bộ dây chuyền và thiết
bị công nghệ; nhận xét đánh giá sự phù hợp của việc lựa chọn, bố trí dây chuyền
và thiết bị công nghệ về các nội dung nêu tại điểm 1.5 khoản 1 Mục II;
4.2.6 Phòng cháy, chữa cháy:
Nhận xét, kết luận về sự phù hợp
của thiết kế so với bước thiết kế trước đã được thẩm định của cơ quan công an
(đối với các công trình phải lập dự án) và sự tuân thủ của thiết kế với tiêu
chuẩn phòng cháy, chữa cháy;
4.2.7 Bảo vệ môi trường:
Nhận xét, đánh giá ảnh hưởng của
công trình tới môi trường và việc đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho người sử dụng
công trình;
4.2.8 Thể hiện bản vẽ: Nhận xét
đánh giá bản vẽ đúng hay không đúng tiêu chuẩn quy định; đầy đủ hay không đầy đủ
số lượng bản vẽ để thể hiện tổng thể, từng hạng mục hoặc chi tiết công trình;
chất lượng bản vẽ đối với từng chi tiết thiết kế; Sự hợp lý của các điểm đấu nối...
4.2.9 Dự toán:
Báo cáo kết quả thẩm tra dự toán
gồm các nội dung:
Dự toán, tổng dự toán do tư vấn
lập;
Dự toán, tổng dự toán sau khi thẩm
tra. Yêu cầu có bảng tổng hợp dự toán, tổng dự toán, bảng kiểm tra dự toán chi
tiết trong đó chỉ ra được những hạng mục công việc phải điều chỉnh lại khi thẩm
tra do sai về khối lượng hoặc sai về đơn giá;
5. Kết luận:
Báo cáo thẩm tra phải kết
luận những vấn đề sau:
5.1 Nhà thầu tư vấn khảo sát,
thiết kế đủ hay không đủ tư cách pháp nhân để thực hiện công việc khảo sát, thiết
kế;
5.2 Điều kiện của cá nhân tham
gia thiết kế, lập dự toán công trình theo quy định;
5.3 Đánh giá chất lượng hồ sơ thiết
kế, dự toán. Yêu cầu nêu rõ những tồn tại của hồ sơ cần chỉnh sửa, bổ sung (nếu
có);
5.4 Kiến nghị của đơn vị thẩm
tra đối với chủ đầu tư:
- Những tồn tại của hồ sơ cần chỉnh
sửa;
- Đề nghị chủ đầu tư phê duyệt
hay không phê duyệt;
- Những nội dung khác (nếu có).
Người
thẩm tra
(Ký
tên)
|
Chủ
trì thẩm tra
(Ký
tên)
|
Thủ
trưởng đơn vị thẩm tra
(Ký
tên, đóng dấu)
|