Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 510/QĐ-UBND 2022 Đề án nâng cao công tác phòng chống ma túy Hà Tĩnh 2022 2026

Số hiệu: 510/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh Người ký: Võ Trọng Hải
Ngày ban hành: 03/03/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 510/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 03 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2026

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13/11/2020;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20/11/2018;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30/3/2021;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ; số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy;

Căn cứ Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy, giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Văn bản số 17/TTr-CAT-TM ngày 14/02/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2026”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Công an;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy;
- Các PCVPUBND tỉnh;
- Trung tâm CB-TH;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Trọng Hải

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2026

Phần 1

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Tội phạm và tệ nạn ma túy đã và đang là hiểm họa của toàn xã hội. Hậu quả của ma túy tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận Nhân dân, đồng thời là nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại tội phạm, tệ nạn, đe dọa sự ổn định, phát triển của xã hội. Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của ma túy, nhiều năm qua, toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã vào cuộc để tập trung đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường; tội phạm ma túy có chiều hướng ngày càng gia tăng; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động; tiềm ẩn nguy cơ sản xuất trái phép chất ma túy từ tiền chất và tái trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn; tình hình người nghiện ma túy ngoài cộng đồng và số địa bàn xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy còn lớn nhưng công tác cai nghiện ma túy và quản lý, giải quyết việc làm sau cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn... đặt ra nhiều thách thức lớn cho toàn hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn và loại bỏ ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn và tính cấp bách của công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh khóa XVIII (tại kỳ họp thứ 3) đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-HĐND , ngày 06/11/2021 về Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2026 (Nghị quyết số 38/NQ-HĐND).

Để triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-HĐND , cần thiết phải xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2022 - 2026” nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và các điều kiện về nguồn lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;

- Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự năm 2017;

- Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020;

- Luật Phòng, chống ma túy năm 2021;

- Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ;

- Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;

- Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Chính phủ quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy;

- Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy;

- Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

- Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc;

- Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;

- Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới;

- Quyết định số 1001/2011/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy, giai đoạn 2021 - 2025.

- Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy trong tình hình mới;

- Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 31/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện;

- Thông tư liên tịch số 14/2012/TTLT-BLĐTBXH-BCA ngày 06/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về chế độ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh và áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh;

- Thông tư số 38/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm 2020 - 2022; Kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021 - 2025;

- Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 18/02/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới;

- Chương trình hành động số 1875-CTr/TU ngày 06/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị;

- Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 06/11/2021 của HĐND tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2026.

III. CĂN CỨ THỰC TIỄN

1. Tình hình, thực trạng liên quan đến tội phạm, tệ nạn ma túy

1.1. Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy

Tỉnh Hà Tĩnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, gần với Tam giác vàng - trung tâm ma túy lớn của Châu Á và thế giới, với tuyến biên giới đất liền dài 164,48km, tiếp giáp nước bạn Lào qua địa bàn 03 huyện, 09 xã biên giới với 01 cửa khẩu chính (Cửa khẩu Quốc tế cầu Treo - Nậm Pào) và nhiều tuyến đường tiểu ngạch, đường mòn. Địa bàn tỉnh có hệ thống giao thông đa dạng, nổi bật là các trục giao thông đường bộ Bắc - Nam, Đông - Tây kết nối với nhiều địa phương, vùng miền bờ biển dài 137km với nhiều cảng biển lớn kết nối với các tuyến hàng hải lớn của khu vực, thế giới, là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng hoạt động thẩm lậu, vận chuyển trái phép chất ma túy. Thời gian qua, việc các lực lượng phòng chống ma túy tập trung đánh mạnh ở khu vực biên giới phía Bắc, các tổ chức ma túy lớn đã chuyển hướng, gia tăng hoạt động qua địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có Hà Tĩnh.

Tội phạm ma túy trên địa bàn có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê trong 05 năm qua (từ năm 2016 đến năm 2020), lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 553 vụ, 761 đối tượng phạm tội về ma túy, bình quân mỗi năm tăng 24,3% số vụ, 22,5% số đối tượng. Trên tuyến biên giới hình thành nhiều tổ chức tội phạm về ma túy quy mô lớn, hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp, lôi kéo nhiều đối tượng người Hà Tĩnh tham gia, trang bị vũ khí, thiết bị hiện đại, lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp để thực hiện hành vi phạm tội. Trong nội địa, hoạt động mua bán lẻ, tình trạng sử dụng, tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như nhà hàng, khách sạn, karaoke... Số người nghiện và nghi sử dụng ma túy lớn và có xu hướng trẻ hóa là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại tội phạm, hình thành nhiều điểm phức tạp về ma túy: hiện nay, toàn tỉnh có 186/216 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy (chiếm 86,1% số địa bàn toàn tỉnh). Phát hiện 01 vụ trồng cây có chứa chất ma túy tại địa bàn xã Phú Gia, huyện Hương Khê.

(có Phụ lục 01 kèm theo)

1.2. Tình hình người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy

Qua khảo sát, tình trạng nghiện và số người nghiện trên địa bàn có chiều hướng ngày càng tăng: toàn tỉnh hiện có 940 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 5,5% so với năm 2016) và 908 người nghi sử dụng ma túy (tăng 7,8% so với năm 2016). Người nghiện ma túy chủ yếu là nam giới (trên 99%); số người trong độ tuổi lao động từ 16 - 30 tuổi nghiện ma túy tăng (420/376 tăng 11,7% so với năm 2016) và có xu hướng dịch chuyển từ nghiện các chất ma túy truyền thống (thuốc phiện, hêrôin, cần sa) sang ma túy tổng hợp... với mức độ gây nghiện lớn và ảnh hưởng lớn đến tâm, sinh lý người sử dụng; trong khi hiện nay, số người nghiện và nghi sử dụng ma túy đang sống ngoài cộng đồng vẫn chiếm tỷ lệ lớn (số người cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập chiếm 30% tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý). Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của một bộ phận Nhân dân, nhiều đối tượng sử dụng ma túy trong thời gian dài dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát, gây ra một số vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

(có Phụ lục 02 kèm theo)

1.3. Hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy

Toàn tỉnh hiện nay có 01 nhà máy được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thuốc có sử dụng nguyên liệu gây nghiện để sản xuất các thuộc dạng phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện; 01 cơ sở được Sở Y tế Cấp chứng nhận đủ điều kiện buôn, bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và thuốc tiền chất; có 04 nhà thuốc bệnh viện, 16 bệnh viện, 06 Trung tâm y tế và 03 ban, trung tâm khác có sử dụng các thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất trong điều trị cho bệnh nhân; có 03 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu tiền chất liên quan ma túy.

Mặc dù thời gian qua chưa phát hiện tình trạng lợi dụng các hoạt động hợp pháp để phạm tội về ma túy, tuy vậy trên các lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là lợi dụng hoạt động phân luồng hải quan, lợi dụng các hoạt động liên quan đến tiền chất để sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy.

(có Phụ lục 03 kèm theo)

2. Kết quả công tác phòng, chống ma túy

Công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn, kim chế sự phát triển của tội phạm và tệ nạn ma túy, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nổi bật: cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn kết hợp với đấu tranh, trấn áp nhằm thực hiện đồng thời 03 mục tiêu: giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của tệ nạn ma túy đối với đời sống xã hội; hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn với nhiều hình thức phong phú; đã xây dựng được nhiều mô hình điểm trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy như: “Đội thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin”, các câu lạc bộ “Bình đẳng giới”, “Thanh niên phòng chống ma túy”, “Tình thương và trách nhiệm”, “Đồng cảm”, “Lá chắn”, Nhóm bạn “Cùng tiến bộ”... Nhìn chung, ý thức tuân thủ pháp luật, nhận thức về hậu quả, tác hại và trách nhiệm trong đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy của Nhân dân được nâng lên.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy được thực hiện thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Trong 05 năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đã điều tra, khám phá 553 vụ, bắt 761 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó đã triệt phá nhiều tổ chức ma túy xuyên quốc gia với quy mô lớn. Đã khởi tố 553 vụ, 761 bị can; truy tố 559 vụ, 674 bị can; xét xử 551 vụ, 668 bị cáo (trong đó có 17 bị cáo bị tuyên án chung thân, 21 bị cáo bị tuyên án tử hình); tổ chức xét xử lưu động 49 vụ án. Xử lý hành chính 1.101 vụ, 2.582 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy. Bắt, vận động đầu thú 22 đối tượng truy nã.

Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy thường xuyên được quan tâm, kiểm soát chặt chẽ, trong 05 năm qua, các ngành chức năng đã tổ chức 04 đợt thanh tra, kiểm tra các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy (Sở Y tế tiến hành); không để xảy ra tình trạng lợi dụng để mua bán, sản xuất trái phép chất ma túy trên địa bàn.

Công tác quản lý người nghiện, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện thường xuyên được quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương, đoàn thể cơ sở tổ chức điều tra, rà soát tình hình người nghiện sinh sống, hoạt động, trên địa bàn kết hợp với công tác quản, lý, giáo dục chặt chẽ, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng phạm tội; Đã tổ chức đưa 198 đối tượng vào diện cai nghiện bắt buộc. Công tác tiếp cận, tuyên truyền vận động người nghiện ma túy tham gia điều trị Methadone tiếp tục được duy trì, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rộng rãi trong toàn xã hội; trong 05 năm qua, đã có 1.141 trường hợp được điều trị cai nghiện bằng Methadone (trong đó, tại cơ sở điều trị: 811 người; tại cơ sở cấp phát thuốc: 330 người). Hiện nay, toàn tính có 186 người nghiện ma túy tham gia điều trị Methadone. Công tác điu trị phục hồi cho người nghiện ma túy đã tạo điều kiện hoàn lương cho hàng trăm người và góp phần làm giảm các tác hại do ma túy gây ra cho xã hội. Qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tổ chức cai nghiện về ma túy, đã có 01 chiến sĩ bị thương, 17 cán bộ bị phơi nhiễm HIV.

Hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy tiếp tục được đẩy mạnh và có hiệu quả hơn. Các lực lượng Biên phòng, Công an, Hải quan, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đã phối hợp với các cơ quan tư pháp, hành pháp của nước bạn Lào triển khai thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ phòng, chống ma túy, tổ chức triển khai kịp thời các yêu cầu tương trợ tư pháp, nhất là đối với các vụ án về ma túy có yếu tố nước ngoài.

3. Thực trạng về tổ chức cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí của các đơn vị làm công tác phòng, chống ma túy

3.1. Về bố trí tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan công tác phòng, chống ma túy

- Về công tác tuyên truyền: hiện nay, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đều được các ngành, các đơn vị ở các cấp triển khai thực hiện và lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền chung của cơ quan, đơn vị. Mỗi cơ quan, đơn vị đều có tối thiểu từ 02 - 03 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác tuyên truyền, được bố trí từ cấp tỉnh đến cấp xã.

- Về lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy gồm: Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển.

- Về công tác cai nghiện và điều trị nghiện: toàn tỉnh hiện có 03 cơ sở điều trị Methadone do Sở Y tế quản lý, được đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, Trạm y tế phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh và Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn; 03 cơ sở cấp phát thuốc Methadone đặt tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân, Trung tâm Y tế huyện Hương Khê và Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Về công tác quản lý Nhà nước liên quan các hoạt động hợp pháp về ma túy: giao cho các đơn vị theo chức năng chủ trì thực hiện, gồm: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Hải quan, Quản lý thị trường.

3.2. Thực trạng cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí

- Hiện nay, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy đều có nơi làm việc gắn với trụ sở độc lập của các cơ quan, đơn vị; các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, đối với lực lượng Công an xã, thị trấn, điều kiện về trụ sở, nơi làm việc còn nhiều khó khăn: có 173/195 Công an xã, thị trấn chưa có nơi làm việc độc lập, trong đó: 163 Công an xã, thị trấn hiện đang được bố trí sử dụng một số phòng làm việc, ăn ở, sinh hoạt, thường trực chiến đấu trong khuôn viên trụ sở UBND xã, thị trấn (trong đó 15 Công an xã đã có phương án bố trí trụ sở tại các cơ sở dôi dư sau sáp nhập xã); có 10 đơn vị hiện đang thuê, mượn cơ sở làm việc ngoài UBND xã (chiếm 5,12%).

- Điều kiện cơ sở vật chất ở các cơ sở điều trị, cắt cơn cho người nghiện tại các cơ sở điều trị Methadone và Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh còn thiếu.

- Trang thiết bị, vũ khí, phương tiện hiện có của các lực lượng, các ngành chức năng làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy còn có nhiễu khó khăn, bất cập, nhất là các trang thiết bị công nghệ cao phục vụ việc kiểm soát ở các tuyến cửa khẩu, đấu tranh với tội phạm ma túy tại khu vực biên giới.

- Trong 05 năm qua, kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh cấp cho công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn toàn tỉnh là 9.150.000.000 đồng (chín tỷ, một trăm năm mươi triệu đồng). Nguồn kinh phí này chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu cho công tác phòng, chống ma túy.

4. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy

4.1. Tồn tại, hạn chế

Tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp; số vụ án liên quan đến ma túy được phát hiện, bắt giữ, khởi t, điều tra chưa tương xứng với diễn biến tình hình thực tế. Theo ước tính hiện nay, các lực lượng chức năng mới chỉ kiểm soát được từ 25% - 40% lượng ma túy thẩm lậu vào địa bàn. Việc đấu tranh, bắt giữ đối tượng cầm đầu các đường dây, ổ nhóm gặp nhiều khó khăn. Hiệu quả công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy giữa các lực lượng chuyên trách, nhất là ở những địa bàn biên giới có lúc, có nơi còn hạn chế.

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng, chống ma túy chưa thường xuyên, liên tục, chủ yếu tập trung vào các dịp cao điểm. Việc ứng dụng và phát huy vai trò của công nghệ thông tin, nhất là các mạng xã hội, Internet... vào công tác tuyên truyền chưa được chú trọng và khai thác hiệu quả.

Hiệu quả hoạt động của một số mô hình phòng, chống ma túy, tổ công tác cai nghiện ma túy ở một số địa phương còn hạn chế.

Số người nghiện và địa bàn xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy còn có xu hướng tăng; tình trạng người sử dụng ma túy ngoài xã hội chưa được quản lý còn nhiều. Công tác cai nghiện ma túy, đặc biệt là cai nghiện ma túy tại cộng đồng và điều trị thay thế bằng Methadone còn nhiều hạn chế; số người được cai nghiện tại cộng đồng và dạy nghề, tạo việc làm còn ít; hiệu quả công tác quản lý sau cai nghiện thấp nên tỷ lệ tái nghiện cao, tiềm ẩn phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Sự phối hợp của một số ngành liên quan trong công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào Trung tâm cai nghiện chưa đồng bộ và thường xuyên.

4.2. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế

- Nguyên nhân chủ quan

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên; sự vào cuộc của một số đoàn thể quần chúng ở cơ sở còn hình thức, thiếu chương trình, kế hoạch cụ thể; thủ trưởng một số đơn vị, địa phương chưa thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống ma túy, chưa thực sự quan tâm quản lý người nghiện và công tác cai nghiện ma túy. Chưa có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống ma túy.

Hoạt động của các tổ công tác cai nghiện ma túy tại nhiều địa phương thiếu hiệu quả. Công tác quản lý người nghiện tại cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Các hoạt động tư vấn, sinh hoạt nhóm, hỗ trợ học nghề vẫn còn hạn chế, thiếu cơ sở tạo việc làm ổn định cho người nghiện sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện...

Việc thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy của các ngành, đơn vị có thời điểm thiếu sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin chưa thường xuyên.

Lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma túy và các trang, thiết bị khoa học kỹ thuật để phục vụ việc phát hiện hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy còn thiếu; nguồn lực cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác tư vấn cai nghiện, cán bộ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện tại một số đơn vị, địa phương còn thiếu, hạn chế về trình độ.

Nguồn kinh phí được cấp hàng năm chưa đáp ứng yêu cầu công tác; việc huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách tỉnh còn khó khăn, chưa nhận được sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội.

- Nguyên nhân khách quan

Lợi nhuận liên quan đến hoạt động mua bán ma túy cao, thúc đẩy các đối tượng gia tăng các hoạt động phạm tội về ma túy, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với các lực lượng chức năng.

Hà Tĩnh có tuyến biên giới trên bộ, trên biển và hệ thống giao thông trải dài, đa dạng, thuận lợi cho các hoạt động thẩm lậu và trung chuyển ma túy đi các địa phương, khu vực trong và ngoài nước.

Một bộ phận giới trẻ có lối sống lệch chuẩn, thích hưởng thụ; trong khi đó gia đình, người thân, bản thân người nghiện còn có biểu hiện mặc cảm, xa lánh với cộng đồng và ngược lại nên tình trạng trốn tránh, không khai báo, không hợp tác điều trị nghiện còn diễn ra phổ biến.

Đặc thù của ma túy là dễ nghiện, khó cai, cho đến nay chưa có thuốc cai nghiện hữu hiệu về ma túy, chỉ mới có thuốc cắt cơn nghiện. Trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện còn nhiều bất cập vướng mắc, nhất là đối với các loại ma túy tổng hợp; quy trình lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn rườm rà, để người nghiện lợi dụng trốn tránh; quy định về việc áp dụng đồng thời biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (biện pháp tiền đề trước khi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) và biện pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế còn có những chồng chéo, bất cập.

Việc huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác cai nghiện còn hạn chế do một bộ phận người nghiện và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khó tiếp cận dịch vụ cai nghiện.

Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, công tác cai nghiện mang tính nguy hiểm cao, nhiều cán bộ bị thương, phơi nhiễm, trong khi các chính sách, chế độ đãi ngộ chưa thực sự thỏa đáng nên chưa tạo được tâm lý gắn bó, yên tâm công tác trong một bộ phận cán bộ làm công tác đấu tranh với tội phạm và cai nghiện ma túy.

5. Dự báo tình hình liên quan tội phạm, tệ nạn ma túy thời gian tới

- Từ vị trí địa lý và tác động của nhu cầu trong nội địa, hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy trên tuyến biên giới và trong nội địa sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Tội phạm ma túy có xu hướng hình thành các tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy lớn được tổ chức chặt chẽ từ địa bàn ngoại biên, khu vực biên giới vào nội địa. Các đối tượng trang bị phương tiện hiện đại, sử dụng vũ khí và sẵn sàng chống trả khi bị vây bắt, triệt để lợi dụng không gian mạng để giao dịch mua bán trái phép chất ma túy; bên cạnh các tuyến biên giới qua huyện Hương Sơn, các đối tượng sẽ triệt để lợi dụng thẩm lậu ma túy qua tuyến biên giới thuộc địa bàn các huyện Vũ Quang, Hương Khê để vào nội địa thông qua các đường tiểu ngạch, các khu vực đồi núi hiểm trở; ngoài ra, các đối tượng sẽ lợi dụng tuyến đường biên, khó kiểm soát để vận chuyển trái phép chất ma túy. Chủng loại ma túy ngày càng đa dạng, tập trung hướng đến nhu cầu của các đối tượng trẻ tuổi.

- Tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa đang được kiểm soát nhưng luôn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp do tác động của các yếu tố kinh tế, xã hội như: khó khăn về đời sống xã hội, tập quán sản xuất của người dân, quản lý Nhà nước ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xã chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, nhất là tác động, ảnh hưởng của việc một số nước trong khu vực cho phép hợp thức hóa việc trồng cây cần sa... một số đối tượng xấu sẽ lôi kéo người dân trồng cây có chất ma túy, tổ chức sản xuất trái phép chất ma túy.

- Tội phạm ma túy và các loại tội phạm khác do người nghiện ma túy gây ra có xu hướng gia tăng, gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, nếu không kiểm soát được tình hình sẽ hình thành các tổ chức tội phạm ma túy lớn, xuyên quốc gia, đa quốc gia. Hoạt động tội phạm ma túy sẽ gắn liền với việc gia tăng một số loại tội phạm nối với quy mô lớn như tội phạm có tổ chức, tội phạm rửa tiền, tội phạm khủng bố...

Phần 2

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia của các tổ chức, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng thuận của mọi tầng lớp Nhân dân, ưu tiên lực lượng, phương tiện, kinh phí để tập trung nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy nhằm thực hiện đồng bộ 03 mục tiêu: giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại ma túy, ổn định tình hình, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy được triển khai đến cơ sở; được rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn tình hình.

- Hàng năm, 100% UBND xã, phường, thị trấn, trường học, cơ sở dạy học, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu dân cư được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức về công tác phòng, chống ma túy với hình thức, thời lượng và nội dung phù hợp; 100% cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn được tập huấn.

- Phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy, không để phát sinh “điểm nóng” về ma túy, phấn đấu đến năm 2026 triệt xóa trên 80% số “điểm nóng” về ma túy; đấu tranh, bắt giữ cơ bản các tổ chức tội phạm hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy lớn đã được phát hiện; tập trung đấu tranh quyết liệt, bắt giữ xử lý nghiêm các ổ nhóm sử dụng vũ khí “nóng” tổ chức mua bán trái phép ma túy ở khu vực biên giới. Phát hiện,“bắt giữ các vụ việc về tội phạm và tệ nạn ma túy năm sau nhiều hơn năm trước, mỗi năm tăng ít nhất 05%; 100% các vụ việc có thông tin về vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường biển, chuyển phát nhanh được xác minh làm rõ; trên 90% số vụ án ma túy được giải quyết, xét xử.

- Từng bước kiềm chế, làm giảm số người nghiện, đến năm 2026 giảm ít nhất 15% số người nghiện ma túy; 98% cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trường học không có tệ nạn ma túy, không đxảy ra tệ nạn ma túy tại các địa điểm công cộng; triệt xóa và làm giảm ít nhất 10% địa bàn phức tạp, giảm 15% điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy so với năm 2020. Kiềm chế sự gia tăng số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy dưới 01% so với năm trước.

- 100% người nghiện có hồ sơ quản lý; ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp trên địa bàn. Hàng năm, nâng tỷ lệ người: nghiện ma túy được cai nghiện tại các Trung tâm, cơ sở có chức năng cai nghiện lên ít nhất 10%.

- Đến năm 2026, có ít nhất 70% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh được tổ chức cai nghiện tại các Trung tâm, cơ sở có chức năng cai nghiện; trên 80% số người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy.

- Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; không để tội phạm lợi dụng sản xuất trái phép chất ma túy; không để phát sinh tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy.

- Tập trung phòng ngừa không để phát sinh, gia tăng người nghiện mới, gắn với việc giữ vững thôn, xóm, làng, bản, xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.

3. Tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm

- Tuyến biên giới Việt - Lào (qua 03 huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, khu vực Cửa khẩu Quốc tế cầu Treo); tuyến đường Sơn Tây - Sơn Lĩnh - Sơn Hồng (Hương Sơn); tuyến Quốc lộ 8A (từ thị xã Hồng Lĩnh đi Cửa khẩu cầu Treo); Quốc lộ 1A; đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 12C nối Khu Kinh tế Vũng Áng với nước bạn Lào; các đường tiểu mạch, đường mòn qua lại tuyến biên giới; các cảng biển, tuyến đường thủy nội địa tập trung các hoạt động thông thương.

- Địa bàn khu vực biên giới: Huyện Hương Sơn; Vũ Quang, Hương Khê; Khu Kinh tế Vũng Áng. Trong nội địa, một số địa bàn có tình trạng tội phạm, tệ nạn ma túy phức tạp như: thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân, huyện Kỳ Anh.

- Các tổ chức phạm tội về ma túy xuyên quốc gia; các doanh nghiệp lợi dụng hoạt động sản xuất, kinh doanh để núp bóng hoạt động phạm tội liên quan đến ma túy; đối tượng tổ chức sử dụng, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện, đối tượng rối loạn thần cấp, “ngáo đá”, nhất là trong thanh niên.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống ma túy; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tình hình liên quan ma túy tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách, quản lý; cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong công tác phòng, chống ma túy cơ quan, đơn vị, nơi cư trú.

- Thực hiện xã hội hóa theo hướng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, huy động sự tham gia, ủng hộ của quần chúng Nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân cho công tác phòng, chống ma túy.

- Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực quản lý tiền chất, hóa chất dùng trong y tế, nông nghiệp; hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật thuốc dùng trong y tế; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa giải trí... không để sơ hở, thiếu sót để tội phạm lợi dụng hoạt động sản xuất trái phép chất ma túy.

- Tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển các mô hình kinh tế cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, từng bước nâng cao đời sống kinh tế, tạo môi trường phát triển cộng đồng tích cực, góp phần đẩy lùi tình trạng tội phạm và tệ nạn ma túy khu vực biên giới.

- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo 138 từ tỉnh đến cơ sở; thành lập tổ kiểm soát liên ngành hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy theo quy định của pháp luật; củng cố, kiện toàn hoạt động của Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai công tác phòng, chống ma túy.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy

- Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sát với tình hình thực tế, phù hợp với từng địa bàn, khu vực, từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung tuyên truyền các nội dung về phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, đặc biệt chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao, học sinh, sinh viên, đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; kết hợp các phương thức truyền thông đại chúng với các biện pháp tuyên truyền trực tiếp, chú ý phát huy hiệu quả truyền thông qua mạng xã hội (zalo, facebook, youtube...).

- Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phát huy trách nhiệm, tuyên truyền, vận động, giáo dục người thân trong gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, không tham gia các hoạt động tệ nạn ma túy, kịp thời tố giác tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật và tham gia hỗ trợ tích cực các hoạt động quản lý người thân có sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy; giúp đỡ người thân sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái nghiện.

- Chú ý phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc trong các tổ chức tôn giáo, “già làng, trưởng bản”, người tiêu biểu trong xã, phường, thị trấn, hình thành mạng lưới tuyên truyền rộng khắp trong cộng đồng dân cư.

- Xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy trong các trường học và cơ sở dạy học cho học sinh, sinh viên.

3. Nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của các lực lượng chuyên trách

- Tập trung làm tốt công tác điều tra, nắm tình hình hoạt động của các tổ chức, đối tượng trọng điểm về tội phạm ma túy, nhất là các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, các tổ chức tội phạm ma túy lớn, các tụ điểm, điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gây bức xúc trong Nhân dân; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm gắn với tuyên truyền phòng, chống ma túy nhằm kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới và trong nội địa.

- Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách trong tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm, xóa bỏ các hành vi trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, mở rộng các vụ án nhằm truy nguyên làm rõ các tổ chức tội phạm về ma túy; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; bố trí lựa chọn các vụ án điểm, án có tính chất nghiêm trọng đưa ra xét xử công khai, lưu động để răn đe, phòng ngừa chung.

- Tăng cường quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan ma túy, trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ hoạt động nghiên cứu, giám định, vận chuyển chất ma túy, tiền chất; kiểm soát hoạt động liên quan thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc; các hoạt động xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập...

- Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như: vũ trường, quán bar, karaoke, massage, khách sạn, nhà nghỉ... không để đối tượng lợi dụng chứa chấp, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tội phạm, tệ nạn ma túy qua không gian mạng, chủ động ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin xấu, độc, các hoạt động trao đổi, mua bán, hướng dẫn điều chế trái phép chất ma túy trên mạng Internet; qua các dịch vụ vận tải, chuyển phát hàng hóa.

4. Xây dựng Phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy gắn với đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đấu tranh, phòng chống ma túy

- Xây dựng và phát động sâu rộng Phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy, lấy gia đình, dòng họ, cơ quan, trường học, tổ dân phố, thôn, xóm làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, tố giác tội phạm và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; kết hợp thực hiện nội dung “xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Lấy hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy tại cơ quan, đơn vị, địa bàn được giao phụ trách là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại của các cơ quan, đơn vị, địa phương hàng năm.

- Tiếp tục xây dựng, củng cố, phát huy, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người cai nghiện ma túy, trong đó tập trung đẩy mạnh và nhân rộng mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng, mô hình tư vấn, chuyển gửi với sự tham gia của Tòa án; phối hợp tổ chức tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm đối với người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong cộng đồng xã hội.

- Đẩy mạnh phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy. Tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng, đoàn thể và địa phương cơ sở để quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”, rối loạn thần cấp do sử dụng ma túy, không để phát sinh phức tạp.

- Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết liên tịch giữa các ngành với các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội gắn với công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, quan tâm động viên, khen thưởng kịp thời những gương người tốt việc tốt trong công tác phòng, chống ma túy.

5. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, phòng ngừa gia tăng người nghiện ma túy

- Tập trung khảo sát, đánh giá chính xác tình, hình người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa gia tăng người nghiện mới; quản lý chặt chẽ đối với số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, các đối tượng “ngáo đá”, rối loạn thần cấp do ma túy, người nghiện ma túy sau cai nghiện, không để phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật. Xây dựng cơ sở dữ liệu về người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, các đối tượng “ngáo đá”, rối loạn thần cấp do ma túy, người nghiện ma túy sau cai. Xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin về việc cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, xây dựng đường dây nóng tư vấn cai nghiện ma túy.

- Đa dạng hóa các mô hình cai nghiện, chữa trị cho người nghiện, trong đó chú trọng công tác cai nghiện tự nguyện; mở rộng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Xây dựng các tiêu chí xác định mức độ lạm dụng, nghiện ma túy và phác đồ điều trị đối với từng loại ma túy, nhất là các loại ma túy mới gắn với đánh giá hiệu quả công tác cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại cộng đồng, các mô hình cai nghiện và các hình thức điều trị ma túy.

- Tiếp tục quan tâm công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào diện quản lý, áp dụng cai nghiện bắt buộc, nhất là đối với số đối tượng trọng điểm; tổ chức có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy cho người bị tạm giam, phạm nhân trong các cơ sở giam giữ, người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện. Tăng cường quản lý, theo dõi người nghiện ma túy sau cai nghiện, ngăn ngừa và làm giảm tình trạng tái nghiện.

- Chú trọng xã hội hóa công tác cai nghiện và tạo việc làm sau cai nghiện; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức xã hội tổ chức cai nghiện, tiếp nhận người sau cai nghiện ma túy vào làm việc, cho vay vốn, đảm bảo cho người sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong hình phạt tù về ma túy ổn định cuộc sống.

6. Mở rộng, phát huy hiệu quả công tác phối hợp trong tổ chức công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy

- Tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, các ngành trong và ngoài tỉnh và với các đơn vị chức năng thuộc các ngành Trung ương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành chức năng, trung tâm quản lý sau cai nghiện với chính quyền xã, phường, thị trấn và gia đình nơi người nghiện cư trú để quản lý người cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại cộng đồng, người nghiện sau cai và người sử dụng trái phép chất ma túy.

- Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế; duy trì thường xuyên các cuộc giao ban giữa các lực lượng, địa phương của hai nước Việt Nam - Lào, Văn phòng BLO trong trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết tình hình tội phạm ma túy liên quan đến các nước.

7. Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ nòng cốt và các điều kiện về nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống ma túy

- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao phẩm chất, trình độ pháp luật, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, văn hóa nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy.

- Rà soát, bố trí, tăng cường đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ có trình độ, năng lực trong đấu tranh phòng; chống ma túy của các cơ quan chức năng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Có các chính sách hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, cán bộ làm công tác cai nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy gắn với thường xuyên động viên, khen thưởng kịp thời các thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống ma túy.

- Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ và kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác phòng, chống ma túy; sửa chữa nâng cấp, bổ sung các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông tin liên lạc cần thiết, hiện đại để phục vụ công tác, chiến đấu... đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Tổng dự toán kinh phí thực hiện Đề án: 50,5 tỷ đồng; trung bình 10,1 tỷ đồng/năm, trong đó: năm 2022: 5,54 tỷ đồng; năm 2023: 12,93 tỷ đồng; năm 2024: 11,185 tỷ đồng; năm 2025:10,61 tỷ đồng; năm 2026: 10,235 tỷ đồng. Trong đó:

1. Nguồn ngân sách tỉnh

Hàng năm, Công an tỉnh lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt. Dự kiến ngân sách cấp tỉnh bố trí thực hiện Đề án: 37,89 tỷ đồng; trung bình khoảng 7,578 tỷ đồng/năm, trong đó: năm 2022: 2,5 tỷ đồng; năm 2023: 10,1 tỷ đồng; năm 2024: 8,795 tỷ đồng; năm 2025: 8,4 tỷ đồng; năm 2026: 8,095 tỷ đồng. Hỗ trợ cho các hoạt động chủ yếu sau:

- Hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và phong trào Toàn dân phòng, chống ma túy.

- Hỗ trợ công tác đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy.

- Hỗ trợ thân nhân và cán bộ trực tiếp tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy bị thương, hi sinh, phơi nhiễm do HIV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

- Hỗ trợ cho hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện đảm bảo cho công tác phòng, chống ma túy.

- Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế.

(có Phụ lục 04 kèm theo)

2. Nguồn kinh phí “xã hội hóa”

Huy động nguồn hỗ trợ, chi trả của gia đình, người nghiện ma túy và nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước: dự kiến bố trí 12,61 tỷ đồng; trung bình khoảng 2,522 tỷ đồng/năm, trong đó: năm 2022: 3,04 tỷ đồng; năm 2023: 2,83 tỷ đồng; năm 2024: 2,39 tỷ đồng; năm 2025: 2,21 tỷ đồng; năm 2026: 2,14 tỷ đồng. Hỗ trợ cho các hoạt động sau:

- Hỗ trợ cho các hoạt động liên quan công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; các hoạt động xác định tình trạng nghiện, cai nghiện; tổ chức đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ hướng nghiệp sau cai nghiện.

- Hỗ trợ tập huấn kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, cai nghiện ma túy, tư vấn pháp lý, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy.

(có Phụ lục 04 kèm theo)

3. Nguồn ngân sách cấp huyện

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của địa phương theo quy định, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Là cơ quan thường trực của Đề án, chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh quản lý, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án. Theo dõi, đề xuất khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phát hiện tố giác, đấu tranh với tội phạm ma túy; kỷ luật nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, lợi ích nhóm...trong phòng, chống tội phạm ma túy.

- Chủ động tổ chức nắm tình hình, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy theo chức năng được giao; tập trung triệt phá các tổ chức tội phạm về ma túy xuyên quốc gia; xóa bỏ các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, chống triệt để việc trồng cây có chứa chất ma túy. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác điều tra, xử lý tội phạm và công tác bắt, vận động đối tượng truy nã về ma túy đầu thú theo đúng quy định của pháp luật.

- Thường xuyên rà soát, thống kê và phối hợp quản lý chặt chẽ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng “ngáo đá”, rối loạn thần cấp do ma túy, người nghiện sau cai... Tổ chức điều trị Methadone cho phạm nhân trong trại tạm giam theo chỉ đạo của Chính phủ và bộ Công an.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, nhất là trên tuyến biên giới và tuyến biển.

- Phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách hỗ trợ cho các ngành và địa phương, phục vụ công tác phòng, chống ma túy.

- Chủ trì tham mưu và triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống và kiểm soát ma túy theo chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của Bộ Công an, bao gồm:

+ Dự án 1: “Phòng, chống và kiểm soát ma túy qua biên giới”, gồm:

* Tiểu dự án 1: “Xây dựng hệ thống phòng ngừa nghiệp vụ phục vụ kiểm soát, ngăn chặn ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và các trạm kiểm soát ma túy công khai”.

* Tiểu dự án 2: “Mua sắm trang bị, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ đặc thù, chuyên dụng để nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy”.

* Tiểu dự án 3: “Mua sắm trang thiết bị chuyên dụng, phân tích chuyên sâu để truy nguyên nguồn gốc và phát hiện ma túy mới cho lực lượng kỹ thuật hình sự về ma túy”.

+ Dự án 2: “Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm”.

+ Dự án 3: “Giải quyết điểm, tụ điểm và chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy tại xã, phường, thị trấn”.

+ Dự án 4: “Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy”.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành. Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền và lực lượng Công an các huyện biên giới thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đấu tranh với tội phạm ma túy ở khu vực biên giới; chủ động phát hiện, xóa bỏ diện tích trồng cây có chứa chất ma túy ở khu vực biên giới.

- Chủ trì, phối hợp với các lực lượng, các ngành chức năng liên quan và cấp ủy, chính quyền các huyện, xã biên giới đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở khu vực biên giới. Phối hợp thực hiện các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ người dân sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh; phối hợp làm tốt công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ở khu vực biên giới.

- Phối hợp với cơ quan chức năng của nước bạn Lào thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

- Tham mưu và triển khai thực hiện dự án “Mua sắm trang bị phương tiện, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm về ma túy của lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Bộ Quốc phòng” theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

- Chủ trì tham mưu và triển khai thực hiện dự án: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” theo chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc.

3. Cục Hải quan Hà Tĩnh

- Chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất ma túy qua biên giới.

- Tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất, thuốc chứa chất gây nghiện, chất hướng thần có thể dùng vào sản xuất trái phép chất ma túy.

- Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ, kiến thức chính trị, pháp luật cho cán bộ chuyên trách phòng, chống ma túy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng, chống ma túy tại các địa bàn hoạt động của lực lượng Hải quan.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Phối hợp các ban, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn đóng quân.

- Huy động lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên theo quy định để phối hợp với các lực lượng và ban, ngành chức năng tổ chức tấn công các loại tội phạm ma túy khi có yêu cầu.

- Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành, thị làm tốt công tác sàng lọc ma túy trước khi gọi, tuyển thanh niên nhập ngũ phục vụ trong lực lượng Quân đội.

5. SLao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì tham mưu quản lý thống nhất việc tổ chức phòng ngừa nghiện ma túy, cai nghiện, tổ chức giáo dục, dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng đã cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện công tác lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện.

- Nâng cao chất lượng cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tập trung, đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

- Chú trọng công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho học viên cai nghiện tại các trung tâm có chức năng cai nghiện và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; phối hợp tăng cường tuyên truyền và lồng ghép các hoạt động cai nghiện, quản lý sau cai nghiện vào các chương trình an sinh xã hội để tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vay vốn cho người nghiện ma túy sau cai nghiện.

- Chủ trì tham mưu và triển khai thực hiện dự án: “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” theo chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Dự án bao gồm:

+ Tiểu dự án 1: “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai và hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy”.

+ Tiểu dự án 2: “Phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy”.

6. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xác định tình trạng nghiện đối với người nghiện; phân loại người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy. Nghiên cứu và tổ chức ứng dụng, triển khai thực hiện các phương pháp điều trị, phục hồi chức năng mới cho người nghiện. Tham mưu các giải pháp mở rộng chương trình điều trị người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone/buprenorphine.

- Tăng cường cán bộ y tế thực hiện công tác cai nghiện tại địa bàn cơ sở, đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn có y, bác sỹ làm công tác cai nghiện, chữa trị phục hồi cho người nghiện. Chỉ đạo các bệnh viện, phòng, trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã tích cực tham gia công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

- Chủ trì tổ chức thanh, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các loại tiền chất, hóa chất, các loại thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện dùng trong lĩnh vực y tế.

- Mở các lớp tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho toàn bộ các Trạm trưởng trạm y tế cấp xã, các y sĩ, bác sĩ, phục vụ công tác xác định tình trạng nghiện của người nghiện ma túy. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ y tế làm công tác cai nghiện ở các cấp, nhất là ở các địa bàn trọng điểm về ma túy về kỹ năng điều trị cho người nghiện.

7. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh: thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, quản lý và kiểm soát chặt chẽ hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, tiền chất công nghiệp... theo chức năng nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

8. Sở Tư pháp: theo dõi, hướng dẫn và phối hợp tổ chức công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy theo thẩm quyền. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại các trường học trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và các biện pháp phòng ngừa ma túy cho học sinh, sinh viên, lồng ghép vào chương trình chính khóa một số môn học, trong sinh hoạt Đoàn, Đội, Hội và trong các hoạt động ngoại khóa. Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong công tác phòng, chống ma túy. Phối hợp Công an tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống ma túy trong các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông”, nhất là các trường trên địa bàn phức tạp về ma túy.

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền phòng, chống ma túy cho đội ngũ giáo viên, cán bộ, công nhân viên trong ngành giáo dục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống ma túy trong trường học.

- Chủ trì tham mưu và triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025” theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

10. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng các cơ quan truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở đổi mới cách thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ số. Phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội và chính quyền các địa phương tiến hành biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền; phát động các phong trào, cuộc thi về phòng, chống ma túy...

- Phối hợp kiểm soát, xử lý các thông tin xấu, độc liên quan đến ma túy; phối hợp ngăn ngừa các hoạt động, trao đổi thông tin, mua bán trái phép chất ma túy trên mạng Internet.

- Chủ trì tham mưu và triển khai thực hiện Dự án “Tuyên truyền về phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025” theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

11. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tập trung xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa tại các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, trường học và khu dân cư; tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động dịch vụ văn hóa, dịch vụ du lịch nhằm hạn chế thấp nhất các nguyên nhân, điều kiện có thể phát sinh tệ nạn ma túy.

- Chủ trì, chỉ đạo tổ chức sản xuất, phát hành các sản phẩm tuyên truyền về tác hại của ma túy và các mô hình phòng, chống ma túy; chỉ đạo lồng ghép tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy vào trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao tại địa bàn.

12. Sở Tài chính: trên cơ sở nội dung Đề án và các tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định hiện hành, tham mưu UBND tỉnh phương án kinh phí thực hiện Đề án hàng năm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

13. Sở Kế hoạch và Đầu tư: nghiên cứu, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu hoạch định các chính sách để phát triển kinh tế các vùng trọng điểm về ma túy có nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nhất là khu vực biên giới. Tham mưu giải pháp huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy.

14. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp tại các vùng trọng điểm về ma túy có nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nhất là tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tham mưu chính sách phát triển nông nghiệp bền vững ở các khu vực biên giới.

- Phối hợp kiểm soát các hoạt động lợi dụng sản xuất, kinh doanh thuốc thú y... đề chiết xuất tiền chất, sản xuất ma túy; kiểm tra, xóa bỏ diện tích trồng cây có chứa chất ma túy. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư (thuộc Chi cục Thủy sản) phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn ma túy thẩm lậu qua biên giới đất liền và đường biển.

- Chủ trì tham mưu và triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy” theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

15. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh: nghiên cứu đa dạng hóa nội dung và tăng số lượng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, thời lượng phát sóng liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; chú trọng tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy; những nguy cơ, tác hại của ma túy; các mô hình, điển hình trong công tác phòng ngừa ma túy và đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm ma túy...

16. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh

- Thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật và truy tố, xét xử các vụ án về ma túy; tăng cường phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án về ma túy.

- Phối hợp các ngành liên quan tham mưu nghiên cứu rà soát những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy để kiến nghị các giải pháp khắc phục hoặc đề xuất các cơ quan, có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy.

- Tòa án nhân dân tỉnh tăng cường chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện nghiên cứu rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc chức năng; nghiên cứu, lựa chọn và tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động các vụ án điểm liên quan đến ma túy.

- Tòa án nhân dân tỉnh chủ trì tham mưu và triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực xét xử của Tòa án nhân dân các cấp trong công tác xét xử các vụ án ma túy và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” theo chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao.

17. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy” trong toàn xã hội; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy, hỗ trợ cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng dân cư.

- Trực tiếp và phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, tổ chức các hoạt động phòng, chống ma túy trong các tầng lớp Nhân dân, phòng ngừa, ngăn chặn thành viên, hội viên và công dân vi phạm; hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp các ngành chức năng và chính quyền địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ những người trong diện quản lý pháp luật liên quan ma túy ở cơ sở; vận động cai nghiện, tham gia cảm hóa, giáo dục, dạy nghề...

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì tham mưu và triển khai thực hiện dự án “Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy” theo chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

18. Đề nghị Tỉnh đoàn

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giúp đỡ thanh niên chậm tiến và hỗ trợ thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng, củng cố, duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện như “Đội thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin”, câu lạc bộ “Bình đẳng giới”, câu lạc bộ “Thanh niên phòng chống ma túy”, Nhóm bạn “Cùng tiến bộ”...

- Có giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn, làm giảm tỷ lệ thanh niên, thiếu niên liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy.

- Chủ trì tham mưu và triển khai thực hiện dự án “Tăng cường phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên” theo chỉ đạo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

19. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ cùng các thành viên trong gia đình thực hiện “4 không với ma túy”; gắn nội dung sinh hoạt hội với nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật và xây dựng gia đình không có tệ nạn ma túy. Củng cố và nhân rộng các mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng, như: Câu lạc bộ “Tình thương và trách nhiệm”, “Đồng cảm”, “Lá chắn”... Phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền cơ sở giúp đỡ những người mãn hạn tù, người nghiện ma túy tìm việc làm, ổn định cuộc sống.

- Chủ trì tham mưu và triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường quản lý, giáo dục con em trong gia đình không tham gia tội phạm và tệ nạn ma túy” theo chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

20. Đề nghị Hội Cựu chiến binh tỉnh: tích cực phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy; tiếp tục nhân rộng và phát huy các câu lạc bộ, mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại cơ sở.

21. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh:

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong tình hình mới gắn với phong trào “Công nhân, viên chức, người lao động tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”. Chủ trì tổ chức xây dựng mô hình “Khu nhà trọ công nhân không có tội phạm, ma túy và các tệ nạn xã hội”.

- Chủ trì tham mưu và triển khai Dự án “Tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” theo chỉ đạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

22. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh khác: trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

23. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án, chỉ đạo tổ chức thực hiện tại địa phương mình.

- Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo sự lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng gắn với nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo 138 cấp huyện, xã, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn quản lý.

- Tổ chức lồng ghép các chương trình hành động phòng, chống ma túy vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách trình HĐND cùng cấp bổ sung kinh phí thực hiện chương trình cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp khác đphục vụ công tác phòng, chống ma túy; đồng thời, tổ chức kinh phí đúng mục đích, hiệu quả.

24. Đề nghị Bộ Tư lệnh Vùng 1 Cảnh sát biển: chỉ đạo Cụm Đặc nhiệm phòng chống ma túy số 2 và các lực lượng liên quan, tăng cường phối hợp với lực lượng phòng, chống ma túy các cấp, nhất là lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đóng tại các huyện tuyến biển trong tổ chức phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ các đối tượng phạm tội sử dụng, tàng trữ và mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến biển.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và đề nghị các cơ quan, đoàn thể liên quan theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch cả giai đoạn và kế hoạch hàng năm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Đề án có liên quan đến đơn vị, ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách; định kỳ rà soát, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Đề án báo cáo UBND dân tỉnh (qua Công an tỉnh), cụ thể: kế hoạch triển khai thực hiện Đề án gửi Công an tỉnh trước ngày .../.../2022; báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 15/6 hàng năm; báo cáo năm gửi trước ngày 15/12 hàng năm; báo cáo giữa kỳ (năm 2023) và tổng kết Chương trình (khi có văn bản chỉ đạo cụ thể).

2. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã: phát huy trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nảy sinh; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra sai phạm, không hoàn thành chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao, để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phạm tội, vi phạm pháp luật về ma túy.

3. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Đề án; định kỳ và đột xuất tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền theo quy định./.

 

PHỤ LỤC 1

KẾT QUẢ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Kèm theo Quyết định số: 510/QĐ-UBND ngày 03/3/2022 của UBND tỉnh)

STT

Kết quả

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng

Ghi chú

1

Tội phạm ma túy

Số vụ

70

87

101

105

190

553

 

Tăng/giảm (%) so với năm trước

-4%

+24,3%

+16,1%

+4%

+81%

 

 

Số ĐT

100

129

126

153

253

761

 

Tăng/giảm (%) so với năm trước

-1%

+29%

-2,3%

+21,5%

+65,4%

 

 

2

Vi phạm pháp luật về ma túy

Số vụ

136

204

185

208

368

1101

 

Tăng/giảm (%) so với năm trước

+17,2%

+50%

-9,3%

+12,4%

+76,9%

 

 

Số ĐT

343

527

426

468

818

2582

 

Tăng/giảm (%) so với năm trước

+8,5%

+53,6%

-18,8%

+9,9%

+74,8%

 

 

3

Lượng ma túy thu giữ

Heroin (g)

1926,2

413,59

23.837

88.200

11.200

125.576,8

 

Ketamine (g)

0

0

0

4.000

14.000

18.000

 

MTTH (viên)

902

31.013

38.455

27.985

46.1233

144.478

 

MTTH (g)

202,03

10.270

77.000

946.600

295.300

1.329.372,3

 

Cần sa (kg)

5

62,44

10,2

0

0

77,84

 

Thuốc phiện (kg)

0

23,7

55,2

85

36,8

200,7

 

 

PHỤ LỤC 2

THỐNG KÊ NGƯỜI NGHIỆN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Kèm theo Quyết định số: 510/QĐ-UBND ngày 03/3/2022 của UBND tỉnh)

TT

Năm

2016

2017

2018

2019

2020

1

Tổng số người nghiện

891

955

925

850

940

Số lượng

Tỉ lệ (%)

Số lượng

Tỉ lệ (%)

Số lượng

Tỉ lệ (%)

Số lượng

Tỉ lệ (%)

Số lượng

Tỉ lệ (%)

2

Giới tính

- Nam

882

99%

947

99,2%

917

99,1%

846

99,5%

933

99,3%

- Nữ

9

1%

8

0,8%

8

0,9%

4

0,5%

7

0,7%

3

Độ tuổi

- Dưới 16 tuổi

0

0%

0

0%

0

0%

8

0,9%

9

1%

- Từ 16 đến 30 tuổi

376

42,2%

452

47,3%

428

46,3%

362

42,6%

420

44,7%

- Trên 30 tuổi

515

57,8%

503

52,7%

497

53,7%

480

56,5%

511

54,3%

4

Nghề nghiệp

- Học sinh, sinh viên

4

0,5%

11

1,2%

12

1,3%

6

0,7%

17

1,8%

- Công chức, viên chức

4

0,5%

3

0,3%

72

7,8%

3

0,35%

1

0,1%

- Nghề khác

883

99%

941

98,5%

841

90,9%

841

98,95%

922

98,1%

5

Loại ma túy sử dụng

- Heroin

442

49,6%

385

40,3%

443

47,9%

244

28,7%

244

26%

- Ma túy tổng hợp

321

36%

496

51,9%

482

52,1%

571

67,2%

694

73,8%

- Loại khác (cần sa, cỏ Mỹ)

128

14,4%

74

7,8%

0

0%

35

4,1%

2

0,2%

6

Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy

169/262

64,5%

200/262

76,3%

185/262

70,6%

181/262

69,1%

186/216

86,1%

7

Lập hồ sơ đưa vào cơ sở chữa bệnh

25

44

39

39

51

 

PHỤ LỤC 4

DỰ TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2022 - 2026 TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH CẤP TỈNH VÀ NGUỒN KINH PHÍ “XÃ HỘI HÓA”
(Kèm theo Quyết định số: 510/QĐ-UBND ngày 03/3/2022 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung thực hiện

Dự toán kinh phí

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Năm 2026

1

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; tổ chức ra mắt, duy trì các câu lạc bộ giáo dục, cảm hóa tại cộng đồng

220

1.750

1.425

1.730

1.875

1.1

Hỗ trợ các cuộc tuyên truyền, tập huấn pháp luật về phòng chống ma túy (biên soạn chương trình, xây dựng phóng sự,; tin bài truyền hình, báo chí; in ấn tài liệu; ma két, băng rôn, loa đài....), trong đó phân bổ cho công tác tuyên truyền trong các nhóm đối tượng trọng điểm: Học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ...

100

600

600

600

800

1.2

Tổ chức Hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết thực hiện nghị quyết toàn tỉnh và các cấp.

30

70

50

50

100

1.3

Hỗ trợ xây dựng mới và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ; mô hình phòng, chống ma túy. Trong đó:

1. Hỗ trợ kinh phí thành lập mô hình câu lạc bộ phòng chống ma túy tại cộng đồng 30.000.000 đồng/01 mô hình (theo cấp huyện).

2. Các mô hình, câu lạc bộ phòng chống ma túy tại cộng đồng qua đánh giá đạt hiệu quả thì được hỗ trợ kinh phí 20.000.000 đồng cho năm tiếp theo đề duy trì hoạt động (giao Công an tỉnh phối hợp các ngành chức năng, đoàn thể đánh giá).

90

1.000

700

1.000

900

1,4

Tổ chức cuộc thi tìm hiểu, tọa đàm pháp luật về công tác phòng, chống ma túy

0

80

75

80

75

2

Hỗ trợ công tác đấu tranh, tấn công, trấn áp tội phạm; điều tra, truy tố, xét xử

1.700

5.750

5.300

5.250

5.250

2.1

Hỗ trợ đấu tranh các vụ án có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; rà soát, xác minh các đối tượng phạm tội ma túy trốn truy nã.

+ Hỗ trợ cho các lực lượng (Công an, Biên phòng, Hải quan) trực tiếp bắt giữ, khởi tố vụ án phạm tội về ma túy:

a) Bắt giữ và khởi tố vụ án phạm tội về ma túy có khối lượng từ 1kg trở lên (không bao gồm các loại ma túy có nguồn gốc thiên nhiên như: cần sa, thuốc phiện, cocaine...): 20.000.000 đồng/vụ án/đơn vị chủ trì; 10.000.000 đồng/vụ án/01 đơn vị phối hợp.

b) Bắt giữ và khởi tố vụ án phạm tội về ma túy đặc biệt nghiêm trọng (tính đến thời điểm phá án): 10.000.000 đồng/vụ án/đơn vị chủ trì; 5.000.000 đồng/vụ án/01 đơn vị phối hợp.

c) Bắt giữ và khởi tố vụ án phạm tội về ma túy rất nghiêm trọng (tính đến thời điểm phá, án): 7.000.000 đồng/vụ án/01 đơn vị chủ trì; 4.000.000 đồng/vụ án/01 đơn vị phối hợp.

d) Bắt giữ và khởi tố vụ án phạm tội về ma túy có nhiều đối tượng tham gia hoặc có đối tượng người nước ngoài hoặc đối tượng sử dụng vũ khí nguy hiểm, như: vũ khí quân dụng, vật liệu nổ... (tính đến thời điểm phá án): 10.000.000 đồng/vụ án/01 đơn vị chủ trì; 5.000.000 đồng/vụ án/01 đơn vị phối hợp.

(Trường hợp một vụ án đủ điều kiện để được hỗ trợ theo nhiều mức quy định thì chỉ được hỗ trợ theo mức cao nhất).

+ Hỗ trợ bắt đối tượng truy nã phạm tội về ma túy:

a) Bắt, vận động đối tượng truy nã ở trong nước: 2.500.000 đồng/đối tượng.

b) Bắt, vận động đối tượng truy nã ở nước ngoài: 5.000.000 đồng/đối tượng.

1.200

3.200

3.200

3.200

3.200

2.2

Triệt xóa tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy, điểm trồng cây có chứa chất ma túy (15 triệu/điểm, tụ điểm/30 điểm, tụ điểm/năm)

200

750

600

600

600

2.3

Hỗ trợ Viện Kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát điều tra, truy tố và kiểm sát xét xử các vụ án có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng: 5.000.000 đồng/vụ án.

50

500

350

350

350

2.4

Hỗ trợ Tòa án nhân dân xét xử các vụ án có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng: 5.000.000 đồng/vụ án.

50

500

350

350

350

2.5

Hỗ trợ quần chúng Nhân dân tố giác, thông tin về tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy và tội phạm ma túy trốn truy nã.

0

300

300

300

300

2.6

Hỗ trợ thân nhân và cán bộ trực tiếp tham gia công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy bthương, hi sinh, phơi nhiễm do HIV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ:

+ Hỗ trợ cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy trong khi thi hành công vị bị nhiễm HIV: ngoài hỗ trợ theo Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BYT-BTC ngày 30/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg ngày 16/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm HIV hoặc bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì được hỗ trợ thêm 30.000.000 đồng/trường hợp.

+ Hỗ trợ cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy trong khi thi hành công vụ bị thương phải điều trị tại bệnh viện: 5.000.000 đồng/trường hợp.

+ Hỗ trợ cho thân nhân cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy trong khi thi hành công vụ hy sinh: ngoài mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/20131 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thì được hỗ trợ thêm 50.000.000 đồng/trường hợp.

0

300

300

300

300

2.7

Kinh phí hỗ trợ cho công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế cho Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh (50 triệu/01 đơn vị/01 năm)

200

200

200

150

150

3

Kinh phí hỗ trợ cho công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; các hoạt động xác định tình trạng nghiện, cai nghiện; tổ chức đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ hướng nghiệp sau cai nghiện

2.750

2.550

2.100

1.950

1.900

3.1

Hỗ trợ cho công tác rà soát, xác minh, lập hồ sơ để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và công tác xác định tình trạng nghiện

500

400

250

200

200

3.2

Hỗ trợ lập hồ sơ đưa đối tượng đi cơ sở cai nghiện bắt buộc (01 triệu/trường hợp)

450

450

350

300

300

3.3

Hỗ trợ cho cán bộ trực tiếp tham gia công tác quản lý, giám sát, giáo dục người nghiện tại các trung tâm, cơ sở chữa bệnh và tại gia đình, cộng đồng.

150

100

100

100

100

3.4

Hỗ trợ các lớp học giáo dục pháp luật, nghề nghiệp, kỹ năng sống cho người nghiện tại các trung tâm, cơ sở chữa bệnh và tại gia đình, cộng đồng.

250

250

200

200

200

3.5

Hỗ trợ kinh phí cho người nghiện có hoàn cảnh khó khăn tham gia hoạt động khởi nghiệp sau quá trình cai nghiện 3.000.000 đồng/người. (giao Công an tỉnh phối hợp các ngành chức năng, đoàn thể đánh giá).

600

550

550

550

550

3.6

Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu trong công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

+ Hỗ trợ kinh phí thành lập mô hình, câu lạc bộ hỗ trợ cai nghiện, tái hòa nhập tại cộng đồng 10.000.000 đồng/01 mô hình (theo cấp huyện).

+ Các mô hình, câu lạc bộ nếu qua đánh giá đạt hiệu quả thì được hỗ trợ kinh phí 20.000.000 đồng cho năm tiếp theo để duy trì hoạt động (giao Công an tỉnh phối hợp các ngành chức năng, đoàn thể đánh giá).

250

250

250

250

200

3.7

Hỗ trợ cho người nghiện hoặc thân nhân gia đình người nghiện hoàn thành chương trình cai nghiện (có chứng nhận của cơ quan thẩm quyền) và có 01 năm sau đó không sử dụng trái phép chất ma túy, không phạm tội, vi phạm pháp luật: 01 triệu/01 trường hợp (giao Công an tỉnh phối hợp các ngành chức năng, đoàn thể đánh giá).

550

550

400

350

350

4

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, cai nghiện, tư vấn pháp lý, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy

290

280

290

260

240

4.1

Tập huấn kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên, hội viên, báo cáo viên tuyên truyền phòng, chống ma túy (tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng giảng viên, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị tài liệu, nước uống...)

60

60

60

60

60

4.2

Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn và cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế liên quan đến công tác điều trị cai nghiện và xác định tình trạng nghiện.

150

150

150

130

120

4.3

Tập huấn kỹ năng tư vấn pháp lý, hỗ trợ việc làm cho đội ngũ cán bộ làm tư vấn

30

20

30

20

20

4.4

Tập huấn nghiệp vụ, pháp luật cho lực lượng phòng, chống ma túy các cấp

50

50

50

50

40

5

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện đảm bảo cho công tác phòng, chống ma túy

580

2.600

2.070

1.420

970

5.1

Mua sắm các thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị, cai nghiện; thiết bị giám định, xác định tình trạng nghiện.

100

400

300

400

200

5.2

Hỗ trợ mua sắm các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy (tập trung các thiết bị ống nhòm hồng ngoại, camera giám sát, camera nghiệp vụ, thiết bị soi chiếu, súng, máy dò ma túy, flycam theo dõi... chia lộ trình thành 02 đợt chính).

300

1.500

1.500

700

500

5.3

Xây dựng và quản lý phần mềm dữ liệu để quản lý đối tượng nghiện, đối tượng sử dụng ma túy; tập huấn, triển khai áp dụng phần mềm; duy trì, bảo dưỡng trang thiết bị phục vụ sử dụng pháp mềm.

80

400

20

20

20

5.3

Nâng cấp, bảo dưỡng và sửa chữa cơ sở vật chất, trang, thiết bị tại các trung tâm cai nghiện, chữa bệnh bắt buộc, cơ sở y tế; thiết bị, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh, tấn công trấn áp tội phạm.

100

300

250

300

250

Tổng

5.540

12.930

11.185

10.610

10.235

Tổng dự toán kinh phí giai đoạn 2022 - 2026

50.500

 

PHỤ LỤC 3

ĐƠN VỊ, DOANH NGHIỆP LIÊN QUAN TIỀN CHẤT MA TÚY
(Kèm theo Quyết định số: 510/QĐ-UBND ngày 03/3/2022 của UBND tỉnh)

- 01 nhà máy được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thuốc có sử dụng nguyên liệu gây nghiện để sản xuất các thuốc dạng phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện: Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh.

- 01 cơ sở được Sở Y tế cấp chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và thuốc tiền chất: Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh.

- 04 nhà thuốc bệnh viện; 16 bệnh viện, 06 Trung tâm y tế và 03 ban, trung tâm khác có sử dụng các thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất trong điều trị cho bệnh nhân, gm:

- Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa các huyện Kỳ Anh, Lộc Hà và Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Hồng Hà;

+ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cửa khẩu Quốc tế cầu Treo, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh; Bệnh viện Đa khoa: thành phố Hà Tĩnh, các huyện Đức Thọ, Hương Khê, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Sài Gòn - Hà Tĩnh, Hồng Hà, TTH Hà Tĩnh;

+ Trung tâm y tế: thị xã Hồng Lĩnh, các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà;

+ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh;

+ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh;

+ Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh.

- 03 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu tiền chất liên quan ma túy, gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ hóa chất và môi trường Vũ Hoàng; Công ty Cổ phần pin ắc quy Vĩnh Phúc; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Tiến./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 510/QĐ-UBND ngày 03/03/2022 về Đề án Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2026

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.294

DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.218.176
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!