ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 47/BC-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 3 năm 2013
|
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ PHÒNG, CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY, MẠI
DÂM NĂM 2012 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2013
Thực hiện Công văn số 157/PCAIDSMTMD
ngày 04 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống
tệ nạn ma túy, mại dâm về việc xây dựng chương trình công tác năm 2013, Công
văn số 10293/VPCP-KGVX ngày 14 tháng 12 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ về việc
báo cáo kết quả công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2012 và Công
văn số 3392/BCA-C41 ngày 18 tháng 10 năm 2012 của Bộ Công an về tổng kết công
tác phòng chống ma túy năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2013; Ủy
ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả như sau:
I. TÌNH HÌNH
1. Về tội phạm ma
túy và tệ nạn ma túy:
Tình hình tội phạm ma túy tiếp tục
phát sinh nhiều thách thức, phức tạp mới; các băng nhóm,
đường dây có liên quan tội phạm hình sự và tàng trữ vũ khí cấu kết, hình thành
rất nhanh, tổ chức mạng lưới chặt chẽ nhưng rất linh hoạt; cùng lúc buôn bán
nhiều loại ma túy, không đơn thuần mua bán chuyên về heroin hoặc ma túy tổng hợp
như trước đây. Đáng chú ý đã xuất hiện hoạt động vận chuyển
Cocain trên địa bàn thành phố. Tội phạm có sự liên kết chặt chẽ nhưng phân khúc
đứt đoạn để cắt đuôi, phương thức thủ đoạn ngày càng đa dạng, tinh vi, chuyên
nghiệp như: thường xuyên thay đổi chỗ ở, nơi cất giấu ma
túy, không giao nhận tiền hàng cùng một lúc; thanh toán tiền
mua bán ma túy thông qua tài khoản ATM của các ngân hàng nhằm tránh sự theo dõi
và phát hiện của các lực lượng chuyên trách; ép mỏng ma
túy bọc giấy bạc dán vào thành valy bên trong có cà phê, trà, bột ớt, bột
tiêu... để tránh sự phát hiện của máy soi và chó nghiệp vụ; cất dấu ma túy
trong ruột các khúc gỗ vận chuyển bằng ôtô khách từ Campuchia về Việt Nam; cất
giấu ma túy trong bưu phẩm chuyển về Việt Nam từ nước ngoài bằng đường chuyển
phát nhanh...
Tội phạm và vi phạm liên quan đến ma
túy tổng hợp tăng nhanh; nguồn ma túy mới được vận chuyển qua Quatar - Trung
Đông vào Việt Nam và từ Việt Nam đi Úc, Malaysia. Đáng chú ý là xuất hiện
phương thức sử dụng phụ nữ Việt Nam đưa sang Campuchia và Thái Lan, thông qua
đường hàng không để vận chuyển ma túy từ Trung Đông vào Việt Nam và từ Việt Nam
đi nước ngoài tiêu thụ, trong đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong những địa bàn trọng điểm về buôn
bán, vận chuyển các chất ma túy.
Trên địa bàn thành phố, công tác kiểm
tra quản lý các dịch vụ nhạy cảm chưa thường xuyên, chưa triệt để cùng với công
tác phát hiện, xử lý người nghiện, phối hợp quản lý người cai nghiện tại cộng đồng
và quản lý sau cai nghiện chưa đạt hiệu quả là nguyên nhân, điều kiện để hoạt động
tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy tổng hợp gia
tăng. Kết quả đấu tranh năm 2012 ghi nhận số vụ án liên quan đến ma túy tổng hợp
là 535 vụ với 1.232 đối tượng, tăng 181 vụ (25,27%), tăng 534 đối tượng
(30,23%) so với năm 2011; khối lượng ma túy tổng hợp thu giữ trong năm 2012 là
43,92 kg và trên 2.000 viên thuốc lắc, gấp 3 lần so với năm 2011 và gấp 12 lần
so với năm 2010).
Tình hình sản xuất, điều chế ma túy tổng
hợp ngay trong địa bàn thành phố đã xuất hiện từ năm 2011 và vẫn còn phát sinh
bằng việc chiết xuất tiền chất ma túy có trong các loại thuốc chữa bệnh thông
thường (thuốc cảm, sốt, sổ mũi, viêm phế quản, giãn tĩnh mạch) hoặc sử dụng trực
tiếp tiền chất ma túy Pseudoephedrin, Ephedrin trên thị trường tự do kết hợp với
các hóa chất khác để điều chế ma túy tổng hợp; trong khi
đó công tác quản lý tiền chất ma túy, nhất là tiền chất sử dụng trong lĩnh vực
y tế còn nhiều bất cập, dẫn đến việc có dấu hiệu cấu kết nhập, mua tiền chất ma
túy để sản xuất thuốc chữa bệnh nhưng lại không thấy tiêu thụ trên thị trường nội
địa hay không có dấu hiệu biến đổi cơ cấu bệnh tật và gia
tăng đột biến nhu cầu sử dụng thuốc tại các cơ sở điều trị bệnh.
2. Về mại dâm: Hoạt động mại dâm vẫn còn diễn biến khá phức tạp, biểu hiện dưới nhiều
hình thức kinh doanh trá hình mà phổ biến là núp bóng trá hình tại các cơ sở
kinh doanh dịch vụ như: quán cà phê, tiệm hớt tóc gội đầu; cơ sở chăm sóc sức
khỏe, xông hơi, xoa bóp... Đáng chú ý thời gian gần đây lại tiếp tục xuất hiện
một số đường dây mại dâm do diễn viên, người mẫu tham gia bán dâm. Hiện tượng
bán dâm, môi giới mại dâm trên mạng Internet, qua điện thoại di động diễn ra
ngày càng nhiều, gây khó khăn trong đấu tranh phòng ngừa. Bên cạnh đó hoạt động
mại dâm nam, mại dâm trong nhóm người đồng tính nam, mại dâm có yếu tố người nước
ngoài và xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm ngày càng tăng; đồng thời, mại dâm tại
nơi công cộng, hoạt động lưu động bằng xe máy trên đường phố đã và đang là những
thách thức tác động xấu đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã
hội và gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố trong thời
gian qua.
3. Về diễn biến
lây nhiễm HIV/AIDS:
Trong năm 2012, thành phố Hồ Chí Minh
có 2.399 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, giảm 125 trường hợp so với
năm 2011; 2.164 trường hợp chuyển sang AIDS, giảm 163 trường hợp so với năm
2011; 473 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, giảm 91 trường hợp so với năm 2011.
Tính đến nay, thành phố Hồ Chí Minh
có 47.636 ca nhiễm HIV, 22.729 bệnh nhân AIDS và 9.596 bệnh nhân HIV/AIDS đã tử
vong. Kết quả giám sát trọng điểm năm 2012 cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trên các
nhóm đối tượng nguy cơ cao đều có chiều hướng giảm so với các năm trước (tỷ lệ
nhiễm HIV của nhóm nghiện chích ma túy là 29,33%, giảm 10% so với năm 2011; phụ nữ mại dâm tại cộng đồng là 3%, giảm 1,67% so với năm
2011; nam có quan hệ tình dục đồng giới là 7,33%, giảm 6,67% so với năm 2011).
II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO
VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm
túc, quyết liệt Chỉ thị số 21/CT-TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị
về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống
và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, Chương trình hành động số 49-Ctr/TU ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành
phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng, dự báo tình hình tội
phạm, tệ nạn ma túy hoạt động trong những năm tới và triển khai Kế hoạch tổ chức
thực hiện Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng
Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở
Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch số 215/KH-BCA-C11 ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Bộ
Công an trên địa bàn thành phố; đồng thời, Hội nghị cũng đã đánh giá kết quả 6
tháng thực hiện Quyết định số 6448/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2011 về triển
khai Kế hoạch phòng, chống mại dâm theo Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn
2011 - 2015 và xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 và năm 2013.
Thông qua Hội nghị, Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức ký cam kết của thủ trưởng
các Sở - ngành, đoàn thể thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện về
thực hiện các chỉ tiêu phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm, xây dựng
phường, xã, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại
dâm theo các kế hoạch đã đề ra.
Bên cạnh đó, nhằm chủ động kiểm soát,
phòng ngừa và kéo giảm tình hình người nghiện và tái nghiện ma túy trên địa bàn
thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã bàn hành và triển khai Quyết định số
3571/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2012 về phê duyệt đề án Dạy nghề - giải quyết việc làm cho người đang cai nghiện và sau cai
nghiện ma túy giai đoạn 2011 - 2015, Quyết định số 5952/QĐ-UBND ngày 23 tháng
11 nám 2012 về ban hành Kế hoạch cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai nghiện ma
túy từ nay đến năm 2015, Kế hoạch số 2229/KH-UBND ngày 17 tháng 05 năm 2012 về
việc phát triển bền vững chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện
bằng thuốc phiện bằng thuốc
Methadone giai đoạn 2012 - 2015; Quyết định số 5928/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11
năm 2012 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện xã hội hóa chương trình điều trị
nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn
2012 - 2015... với yêu cầu đa dạng hóa các mô hình cai nghiện, tập trung huy động
các nguồn lực xã hội vào công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và
giúp đỡ người sau cai nghiện có điều kiện thuận lợi trong tìm kiếm việc làm, ổn
định cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố
đã ban hành Chỉ thị số 13/2012/CT-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2012 về tăng cường
công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh tệ nạn xã
hội, các văn bản chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại
dâm năm 2012 trên địa bàn thành phố; tổ chức Hội nghị triển khai kết hợp tổng kết
5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/2005/NQLT-BLĐTBXH-VHTTDL-BCA-UBMTTQVN ngày 17 tháng 11 năm 2005 của Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc xây dựng phường, xã lành mạnh
không có ma túy, mại dâm.
Ủy ban nhân dân thành phố đã tập trung chỉ đạo chính quyền các quận, huyện, phường,
xã, thị trấn phối hợp với Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn thể các cấp đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng xã,
phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, phong trào toàn dân tham gia
tố giác tội phạm, tích cực hỗ trợ lực lượng chuyên trách trong công tác kiểm
soát ma túy, quản lý, vận động, giáo dục người sau cai nghiện và các đối tượng
có nguy cơ cao phát sinh nghiện ma túy tại gia đình, khu dân cư, trong trường học...
nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh chuyển
hóa địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy, mại dâm, kiềm chế sự gia tăng người
nghiện mới, hạn chế tái nghiện; đồng thời, đề cao trách
nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống tội phạm ma
túy và các loại tệ nạn xã hội. Tiếp tục chỉ đạo lồng ghép,
kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm với thực
hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, chương trình giảm
nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, chính
sách an sinh xã hội...
Các Sở - ngành chức năng của thành phố
đã tập trung rà soát, xác định những tuyến, địa bàn trọng điểm về tội phạm và tệ
nạn ma túy, mại dâm, các đường dây gái gọi, đối tượng chủ chứa, môi giới và gái
mại dâm để tập trung đấu tranh, chuyển hóa; xác định các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có liên
quan đến các hoạt động ma túy, mại dâm, chủ động phối hợp với các đoàn kiểm tra
liên ngành, các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong quản lý, giám
sát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như
nhà hàng, karaoke, vũ trường, khách sạn, quán bar, cà phê đèn mờ, cơ sở massage
có sử dụng tiếp viên nữ để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về mại
dâm, đặc biệt tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động
về đêm, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
Bên cạnh đó, trong năm 2012, Ủy ban
nhân dân thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt
động phòng, chống HIV/AIDS, nhất là các biện pháp can thiệp giảm tác hại, từng
bước giảm dần sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS như: triển
khai chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2012, Kế hoạch triển khai Tháng
hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống
AIDS 01 tháng 12. Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy phòng, chống AIDS các cấp
và đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao năng lực hoạt động và hiệu lực quản lý nhà nước;
đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp,
các ngành, các địa phương, tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS;
tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư và thực hiện có hiệu quả các chương
trình hành động phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2015. Quá trình triển khai hoạt động
có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các Sở - ngành, đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện với Văn phòng thường trực Ủy
ban phòng, chống AIDS thành phố để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm
đẩy nhanh tiến độ công việc.
III. KẾT QUẢ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM
MA TÚY, MẠI DÂM, TỆ NẠN MA TÚY, MẠI DÂM VÀ HIV/AIDS:
1. Công tác
tuyên truyền, giáo dục:
- Công an thành phố (Thường trực Ban
Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thành phố) đã tham mưu Thành ủy,
Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo 138/TP chỉ đạo các sở - ngành, các Đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn
phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn
xã hội, thực hiện tốt các Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm;
phòng, chống ma túy và phòng, chống mua bán người. Phối hợp với các ban ngành,
đoàn thể tổ chức 7.620 cuộc họp với 194.585 lượt người tham dự các hoạt động
tuyên truyền về tác hại của ma túy tại cộng đồng dân cư; tổ chức các Hội thi
tìm hiểu về Luật phòng, chống ma túy... Trong năm 2012, nhân dân đã cung cấp
cho lực lượng công an 32.382 nguồn tin, giúp lực lượng công an xác minh làm rõ
4.603 vụ việc, bắt 6.943 đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng ma túy, thu hồi
tài sản gần 20 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, Công an thành phố tiếp tục
phối hợp với Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo
nhân rộng mô hình sinh hoạt ngoại khóa tại các trường phổ
thông về nội dung phòng chống bạo lực và vi phạm hình sự trong trường học, bổ
sung nội dung nhận biết, tác hại và kỹ năng phòng, chống ma túy bằng các công cụ
trực quan.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
phối hợp với các Sở - ngành liên quan và các Đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tập
huấn, tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy, mại dâm như: tập huấn quy
trình thủ tục thực hiện các thẩm quyền theo Kế hoạch số 5862/KH-UBND ngày 23
tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố cho hơn 3.000 thành viên hội đồng
tư vấn quận, huyện và cán bộ nhân viên các Trường, Trung tâm; tuyên truyền
17.099 cuộc với 349.836 lượt người tham dự về các chủ trương chính sách pháp luật
Nhà nước, Pháp lệnh phòng chống mại dâm, Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15
tháng 10 năm 2004 của Chính phủ và chương trình giảm tác hại HIV/AIDS; phổ biến 123.873 tài liệu (tờ bướm, tờ
rơi, sổ tay, bản tin), 1.614 băng ron, panô, áp phích cổ động trực quan. Kiểm
tra đánh giá kết quả chuyển hóa địa bàn, xây dựng phường,
xã, thị trấn lành mạnh không có ma túy, mại dâm; tiến hành khảo sát tất cả các
công viên, các tuyến đường, tụ điểm phát sinh tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa
bàn thành phố.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội đã phối hợp Ủy ban phòng, chống AIDS thành phố tổ chức tập huấn về
chương trình giảm tác hại HIV/AIDS, chuyên đề ma túy và xã hội cho hơn 200 cán
bộ Đoàn Kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các quận, huyện; tổ chức tuyên
truyền phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS cho 580 người là chủ, nhân viên
cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội...
- Bộ đội Biên phòng thành phố tổ chức
tuyên truyền, phổ biến giáo dục
pháp luật như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng chống ma túy, Pháp lệnh Bộ đội
biên phòng, Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ
về Quy chế khu vực biên giới biển... với 97 lượt cho 25.815 cán bộ, công nhân
viên trong cơ quan, đơn vị, học sinh các trường học và nhân dân trên địa bàn với
nhiều hình thức và phương pháp phong phú như: hội thi, hội diễn văn nghệ, các
buổi họp dân cư. Đảm bảo 100% các hộ kinh doanh ngành nghề nhạy cảm tuyến biên
giới biển cam kết không chứa chấp tội phạm, ma túy, mại dâm.
2. Công tác
phòng, chống ma túy, mại dâm:
- Công an thành phố đã phát hiện, xử
lý 1.723 vụ việc liên quan đến ma túy (tăng 31 vụ = 1,83% so với cùng kỳ), bắt
3.425 tên (trong đó có 1.291 vụ với 2.174 tên mua bán,
tàng trữ, vận chuyển và 432 vụ với 1.251 tên tổ chức sử dụng các chất ma túy);
khởi tố 1.126 vụ, 1.478 tên, xử lý hành chính 597 vụ, 1.947 tên; thu giữ: 11,3
kg hêrôin; 1,012 kg thuốc phiện; 1.676,9161 gram cần sa; 3,28 kg cocain; 43,9
kg + 2.000 viên ma túy tổng hợp; 07 khẩu súng quân dụng, 1.007 xe gắn máy,
1.570 điện thoại di động, 6.700.000.000 đồng và 32.667 USD... cùng nhiều công cụ,
phương tiện phạm tội khác. Lập hồ sơ xử lý 1.128 đối tượng theo Nghị định số
163/2003/NĐ-CP, 893 đối tượng theo
Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ; bắt 2.367 đối tượng đã có quyết định đưa vào cơ sở
chữa bệnh bắt buộc theo Nghị định số 43/2005/NĐ-CP và Nghị định số
135/2004/NĐ-CP trở lại các trường, trung tâm.
Cục Hải quan thành phố đã phát hiện
16 vụ vận chuyển trái phép các chất ma túy (chuyển giao Phòng Cảnh sát điều tra
tội phạm về ma túy - Công an thành phố điều tra truy xét 12 vụ, Cục Cảnh sát điều
tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an điều tra truy xét 04 vụ), thu giữ: 5,034 kg
hêrôin; 2,06 kg Cocain; 47,902 kg ma túy tổng hợp. Lập biên bản 723 vụ nhập khẩu
tân dược có chứa thành phần thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần không có giấy
phép, gởi về bằng đường quà biếu tại
Bưu điện, thu giữ và xử lý tiêu hủy tổng cộng 55.409 viên thuốc.
Bộ đội Biên phòng thành phố qua công
tác nghiệp vụ đã chủ động thu thập thông tin, tình hình tội phạm về ma túy trên
địa bàn quản lý, qua đó đã khám phá 01 vụ, bắt khởi tố 01 đối tượng chuyển Công an huyện Cần Giờ thụ lý. Lập hồ sơ xử lý 5 đối tượng
theo Nghị định số 163/2003/NĐ-CP .
- Các lực lượng chức năng đã điều tra
khám phá 133 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm (tăng 30 vụ =
29,12% so với cùng kỳ năm 2011), bắt 597 đối tượng, truy tố 69 đối tượng là chủ
chứa và môi giới, đưa 65 đối tượng bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, xử phạt hành
chính 463 trường hợp.
Các Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa
- xã hội đã kiểm tra 12.342 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 5.334 lượt
cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 43,21%), xử phạt trên 33,5 tỷ đồng, trong đó có 133
cơ sở vi phạm có liên quan đến hành vi khiêu dâm, kích dục
và thiếu tinh thần trách nhiệm để hoạt động mại dâm xảy ra tại cơ sở kinh doanh
dịch vụ do mình quản lý.
- Công tác giúp đỡ người bán dâm tái
hòa nhập cộng đồng: Đã giải quyết cho 65 trường hợp học viên mại dâm đã chấp
hành xong thời gian chữa bệnh tại Trung tâm về địa phương. Từ khi thực hiện Nghị
quyết số 24/2012/NQ-QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội khóa XIII, thành phố đã giải quyết cho 81 học viên là người bán dâm được miễn
chấp hành thời gian quản lý còn lại được tái hòa nhập cộng đồng về địa phương
nơi cư trú; đồng thời các ngành chức năng và các đoàn thể xã hội đã tăng cường
đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, tư vấn và hỗ trợ giúp đỡ họ an tâm ổn
định cuộc sống.
3. Công tác cai
nghiện và quản lý sau cai:
- Cai nghiện tập trung: Tính đến ngày
31 tháng 12 năm 2012, có 9.429 người nghiện (853 nữ) đang cai nghiện tại cơ sở
chữa bệnh (tăng 760 người = 8,73% so với cùng thời điểm năm 2011), trong đó:
4.630 người được quản lý tại các trường, trung tâm của Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, 4.032 người được quản lý tại các trường, trung tâm của Lực lượng
Thanh niên xung phong thành phố, 363 người quản lý tại Trung tâm Tiếp nhận đối
tượng xã hội Bình Triệu và 404 người quản lý tại các cơ sở tư nhân.
- Trong năm 2012, đã lập hồ sơ đưa
4.987 người nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh (tăng 802
người = 19,16% so với cùng kỳ năm 2011), gồm: 1.705 người thành phố (chiếm
34,18%), 1.391 người các tỉnh (chiếm 27,89%) và 1.891 người lang thang (chiếm
37,91%); trong đó nghiện mới là 3.708 người (chiếm 74,35%), tái nghiện là 1.278
người (chiếm 25,62%), điều trị miễn phí cho 1 trường hợp
(chiếm 0,02%). Giải quyết cho 386 đối tượng vi phạm lần đầu được
gia đình bảo lãnh về quản lý giáo dục tại địa phương.
- Trong năm 2012, thành phố đã ban
hành 2.803 quyết định quản lý sau cai nghiện (tăng 361 người = 14,78% so với
cùng kỳ năm 2011), gồm: 2.637 người quản lý tại nơi cư trú (trong đó 1.743 người
quản lý tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố) và 166 người quản lý sau cai tại
Trung tâm. Giải quyết hồi gia cho 165 người đã hoàn thành xong thời gian quản
lý sau cai tại Trung tâm, 02 trường hợp miễn thi hành quyết định do sức khỏe yếu
và 14 trường hợp hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung không áp dụng biện
pháp quản lý sau cai nghiện theo Nghị định số
94/2009/NĐ-CP .
- Công tác quản lý phòng chống tái
nghiện: Số tái nghiện là 684 người (chiếm tỷ lệ 19,68%
tính trên 3.474 người đang quản lý tại địa phương, người vi phạm pháp luật bị bắt
giữ và người tái nghiện đã đưa vào cơ sở chữa bệnh) trong đó có 15 người chết,
06 trường hợp trốn, 26 trường hợp đang lập hồ sơ đưa vào cơ sở chữa bệnh, 617
người trở lại cơ sở chữa bệnh và 20 trường hợp truy tố hình sự, bệnh nặng... Xảy
ra 201 trường hợp vi phạm pháp luật, gồm: 80 mua bán, tàng trữ ma túy , 82 trộm cắp, 04 gây rối trật tự, 01 phạm trọng án giết người, 32 cướp giật
và 02 lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm tỷ lệ 4,05% trên tổng
số người sau cai nghiện đã trở về địa phương.
4. Công tác đấu
tranh chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy:
- Thực hiện Quyết định số 3122/QĐ-BCA
ngày 09 tháng 8 năm 2010 của Bộ Công an, thành phố đã chỉ đạo phân loại và tiến
hành kiểm tra, thẩm định, đánh giá phân loại địa bàn phường, xã, thị trấn trọng điểm phức tạp về ma túy (tính đến thời điểm tháng 5 năm 2012),
kết quả như sau:
+ Địa bàn trọng điểm loại 1: 04 đơn vị
(tăng 02 = 50%);
+ Địa bàn trọng điểm loại 2: 11 đơn vị
(giảm 04 = 26,66%);
+ Địa bàn trọng điểm loại 3: 135 đơn
vị (tăng 40 = 45,10%);
+ Địa bàn có tệ nạn ma túy: 170 đơn vị
(giảm 36 = 17,47%);
+ Địa bàn không tệ nạn ma túy: 02 đơn
vị (giảm 02 = 50%).
Trên cơ sở kết quả phân loại, Ủy
ban nhân dân các quận, huyện đã phối hợp các ban ngành, đoàn thể,
đơn vị nghiệp vụ có liên quan tập trung đấu tranh chuyển
hóa 36 địa bàn, tụ điểm, điểm phức tạp. Qua đó, đã khám phá 255 vụ, bắt khởi tố
305 bị can; xử lý hành chính 41 vụ với 205 đối tượng, thu giữ: 1008,6639 gram
hêrôin; 343,4537 gram ma túy tổng hợp; 11,9324 gram cần sa; 161 xe máy và 142,6
triệu đồng...; đề xuất đưa vào quản lý 37 đối tượng theo Nghị định số 163/2003/NĐ-CP, 140 đối tượng theo Nghị định số 135/2004/NĐ-CP
và 1.851 đối tượng theo Nghị định số 43/2005/NĐ-CP .
- Thực hiện Nghị quyết liên tịch số
01/2008/NQLT-BLĐTBXH-BCA- BVHTTDL-UBTUMTTQVN ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, cuối năm 2011, Ủy ban nhân dân các quận, huyện phúc tra, quyết định
công nhận 188 phường, xã, thị trấn không còn tệ nạn ma túy, mại dâm, gồm: 99
đơn vị đạt mức 1a (xã, phường, thị trấn duy trì không có tệ
nạn ma tuý, mại dâm); 89 đơn vị đạt mức 1b (xã, phường, thị
trấn chuyển hóa không còn tệ nạn ma tuý, mại dâm); mức 2 (xã, phường, thị trấn
chuyển hóa mạnh) tăng lên 118 đơn vị; 16 đơn vị ở mức 3 và
hiện tại không còn phường, xã, thị trấn nào ở mức 4 (chưa chuyển hóa).
- Thực hiện Điện mật số 226/HT ngày
12 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an về việc ngăn chặn tình hình tái trồng cây có
chứa chất ma túy (cây cần sa, thuốc phiện...), Công an thành phố đã chỉ đạo rà soát, kiểm
tra và phát hiện 01 vụ trồng cây cần sa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (nhà
đối tượng Huỳnh Ngọc Sơn, 35 tuổi, ngụ tại đường số 4, phường
Phước Bình, quận 9 trồng 35 cây cần sa trên sân thượng, mỗi cây cao khoảng 1,5m).
5. Công tác
phòng, chống HIV/AIDS:
Để tuyên truyền, vận động quần chúng
nhân dân tham gia phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, thành phố đã triển khai các
chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống AIDS, lồng
ghép hoạt động phòng, chống AIDS với chương trình mục tiêu 3 giảm và hỗ trợ tái
hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy. Bao gồm:
- Chương trình thông tin giáo dục
truyền thông thay đổi hành vi thực hiện thường xuyên và liên tục trên các
phương tiện truyền thông đại chúng (truyền hình, trang điện tử...). Bên cạnh
đó, hoạt động truyền thông cũng được triển khai thực hiện qua mạng lưới các ban
ngành, đoàn thể, quận, huyện, phường, xã, thị trấn và lồng ghép vào các chương
trình khác, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Trong năm 2012, có 527.920 lượt
người thuộc các nhóm đối tượng khác nhau được truyền thông trực tiếp về HIV/AIDS.
- Chương trình tham vấn xét nghiệm
HIV: Hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh có 107 cơ sở tham vấn xét nghiệm (tăng 03
cơ sở so với năm 2011: 02 cơ sở tại quận 11 và huyện Củ Chi, 01 cơ sở tư nhân).
Trong năm 2012, chương trình đã thực hiện được 197.676 ca
tư vấn xét nghiệm, trong đó có 3.944 ca có kết quả dương tính với HIV (tỷ lệ
2,01% so với 2,7% năm 2011).
- Chương trình can thiệp giảm tác hại
cho các nhóm nguy cơ cao: Năm 2012 cũng là năm chương trình thí điểm nhiều mô hình tiếp cận mới nhàm duy trì độ
bao phủ và đảm bảo chất lượng hoạt động như mô hình tiếp cận mạng xã hội, mô
hình tiếp cận online, mô hình hạt nhân nòng cốt... Mặc dù gặp khó khăn do cắt
giảm đội ngũ giáo dục viên đồng đẳng nhưng trong năm chương trình đã duy trì tiếp
cận 34.749 người, trong đó có 8.334 người nghiện chích ma túy, 9.388 nam quan hệ
tình dục đồng giới, 17.027 nữ mại dâm đường phố và tiếp
viên nhà hàng khách sạn. Chương trình đã tập trung nâng cao chất lượng của buổi
tiếp cận, tránh trùng lặp thông qua sử dụng mã nhận diện (UIC) toàn thành phố,
các hoạt động tập trung truyền thông các thông điệp cụ thể
để giáo dục các đối tượng thay đổi hành vi. Liên kết và chuyển gửi thành công
khách hàng đến các dịch vụ như: 11.600 khách hàng nhận dịch vụ tham vấn xét
nghiệm HIV tự nguyện, miễn phí và 1.720 khách hàng nhận dịch vụ khám và điều trị
các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Theo kết quả giám sát trọng điểm năm 2012, tỷ lệ sử dụng bơm kim tiêm sạch trong tháng qua của
nhóm nghiện chích ma túy là 68,67% (năm 2011, tỷ lệ này là 60,67%), tỷ lệ sử dụng
bơm kim tiêm sạch trong lần tiêm chích gần đây nhất là 96,33%. Với phụ nữ mại
dâm, việc sử dụng bao cao su với khách hàng có tỷ lệ tương đối cao. Theo kết quả
giám sát trọng điểm 2012, tỷ lệ phụ nữ mại dâm sử dụng bao cao su với khách
hàng trong lần quan hệ gần đây nhất là 91,10%, sử dụng bao cao su với khách
hàng trong tháng qua là 76,67%. Trong khi đó, kết quả giám sát trọng điểm 2012
lại cho thấy có 62,30% nam có quan hệ tình dục đồng giới có sử dụng bao cao su trong các lần quan hệ tình dục
đường hậu môn với bạn tình trong tháng qua. Điều này thể hiện tính hiệu quả của
các chương trình can thiệp trên nhóm đối tượng đích.
- Chương trình điều trị nghiện bằng
Methadone: Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh có 05 cơ sở điều
trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại quận 4, quận
6, quận 8, quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức. Tính đến cuối năm 2012, có 2.586 bệnh nhân đăng ký tham gia chương
trình, trong đó có 1.328 bệnh nhân đang điều trị (1.224 bệnh nhân đã điều trị
liều duy trì). Trong số 1.328 bệnh nhân đang điều trị, có
46,7% bệnh nhân nhiễm HIV, 37,2% bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc đặc hiệu ARV và 1,3% bệnh nhân đang điều trị
lao.
Tỷ lệ phát hiện hêrôin dương tính
trong nước tiểu dao động ở mức từ 6,5 đến 7,6%, giảm so với 2011 (8,11%), cho
thấy hiệu quả rõ rệt của Methadone trong việc chống tái sử dụng hêrôin và các chất dạng thuốc
phiện.
- Chương trình dự phòng lây truyền
HIV từ mẹ sang con: Thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chương trình đã bao phủ
trên quy mô toàn thành phố (24 quận, huyện và 322 phường,
xã, thị trấn), 02 bệnh viện phụ sản (bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Hùng Vương),
04 bệnh viện đa khoa có khoa sản (bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện Nguyễn
Tri Phương, bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, bệnh viện Đại học Y dược) và bệnh
viện sản khoa tư nhân Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn. Hiện nay
chương trình có 56 cơ sở triển khai tư vấn xét nghiệm HIV, trong đó có 18 cơ
sở cung cấp dịch vụ trọn gói dự phòng lây truyền mẹ con. Trong
năm 2012, chương trình đã tư vấn xét nghiệm HIV cho 150.031 thai phụ, đạt được tỷ lệ 95,6% so với kế hoạch; 100% trẻ
sinh ra từ mẹ nhiễm được điều trị dự
phòng sau sinh; 82% trẻ được theo dõi làm xét nghiệm chẩn đoán sớm.
Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con được thống kê dựa trên số trẻ được theo dõi tiếp tục sau sanh và được làm xét nghiệm chẩn đoán sớm bằng kỹ thuật
PCR) giảm từ dưới 5% năm 2010 còn 2,1% năm 2012 (nếu không
có sự can thiệp của chương trình thì tỷ lệ này là 25 - 30%).
- Chương trình chăm sóc và điều trị
cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS: Hiện có 33 phòng khám ngoại trú (tăng
thêm 3 phòng khám so với năm 2011) chăm sóc và điều trị thuốc kháng virus HIV
(ARV) cho 43.924 bệnh nhân AIDS, chiếm hơn 1/3 số bệnh
nhân được điều trị ARV của cả nước. Tính đến nay, còn khoảng 22.000/25.700 bệnh
nhân còn sống tiếp tục điều trị ARV. Chương trình đã góp
phần nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống của người nhiễm
HIV/AIDS.
Từ tháng 10 năm 2011, chương trình
triển khai thí điểm việc chuyển bệnh nhân ARV về cơ sở với
13 phường tham gia (04 phường tại quận 1, 09 phường tại Thủ Đức). Từ tháng 7
năm 2012, chương trình tiếp tục mở rộng tại 12 phường ở các quận 4, quận 6, quận
8, quận Bình Thạnh. Đến nay, 25 phường tại 6 quận trên đã nhận 216 bệnh nhân
ARV từ phòng khám ngoại trú tuyến quận chuyển về lồng ghép điều trị vào hoạt động
của Trạm Y tế phường.
Mặc dù đã cố gắng thực hiện về chuyển
bệnh nhân điều trị ARV về tuyến cơ sở, tuy nhiên chương trình vẫn chưa đạt được
mục tiêu đề ra trong năm 2012 (có 10 Phòng khám ngoại trú quận, huyện tham gia
với khoảng 100 phường, xã, thị trấn và 1.000 bệnh nhân). Chương trình chăm sóc
điều trị (kể cả điều trị ARV) vẫn tiếp tục triển khai cho phạm nhân và người bị
tạm giam tại bệnh viện Nhà giam Chí Hòa.
Từ cuối năm 2011, thành phố Hồ Chí
Minh đã hợp tác với cơ sở chăm sóc điều trị tại tỉnh Đồng
Nai và tỉnh Tiền Giang để chia sẻ
kinh nghiệm, nâng cao năng lực nhằm giúp các tỉnh có thể tiếp nhận lại các bệnh nhân đang được điều trị tại thành phố
cũng như giữ lại các bệnh nhân mới để điều trị tại tỉnh nhà.
Việc củng cố và đa dạng hóa các hình
thức chăm sóc điều trị như Phòng khám lưu động, liên kết chăm sóc điều trị tại
các trung tâm cai nghiện, trại giam, trường giáo dưỡng cũng đang được triển
khai.
Ủy ban phòng, chống AIDS thành phố
cũng phối hợp với các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục
và Đào tạo triển khai Chương trình Chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
(OVC). Đến nay chương trình đang cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho trẻ tại quận 10, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Trong năm 2012, chương
trình đã hỗ trợ cho 679 trẻ OVC, trong đó có 48 trẻ nhiễm HIV.
- Chương trình theo dõi, giám sát và
đánh giá: Chương trình đã thành lập mạng lưới theo dõi, giám sát, đánh giá tại
24/24 quận huyện, 33/33 phòng khám ngoại trú, 02 Sở - ngành (Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội và Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố), 06 Trường,
Trung tâm cai nghiện ma túy (Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm
Nhị xuân, Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số
3, Trung tâm Giáo dục - Lao động và Bảo trợ xã hội Phú Văn, Trung tâm Nuôi dưỡng
bảo trợ trẻ em Tam Bình, Trung tâm Mai Hòa, Trung tâm Mai Khôi), 05 bệnh viện
(Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhân Ái). Chương trình đã cung cấp kịp
thời thông tin về tình hình dịch, diễn biến, xu hướng của dịch HIV trên các nhóm đối tượng khác nhau, qua đó giúp các đơn vị xây dựng và
điều chỉnh kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho
phù hợp.
6. Công tác phân
bổ, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy:
Năm 2012, kinh phí thực hiện chương
trình quốc gia phòng, chống ma túy do Trung ương cấp là 17 tỉ đồng (tăng 5 tỷ
so với năm 2011) và 2,37 tỉ đồng từ Quỹ phòng chống ma túy thành phố (nguồn thu
từ phát mãi tài sản tịch thu án ma túy theo quy định tại Thông tư liên tịch số
144/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 16 tháng 7 năm 2009 của Bộ Tài Chính và Bộ Công an).
Nguồn kinh phí này, Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Công an thành phố (Cơ
quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội thành phố)
là đầu mối đề xuất phân bổ cho các Sở - ngành, đoàn thể sử dụng trong triển
khai thực hiện theo các đề án của chương trình phòng chống ma túy.
Việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm
bảo tiết kiệm, đúng mục đích, nguyên tắc và đúng chế độ,
phục vụ có hiệu quả cho các hoạt động phòng, chống tội phạm
của Công an thành phố nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Đồng thời
khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, đơn vị đã có thành
tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
7. Kiện toàn các
Ban chỉ đạo của thành phố:
- Ngày 20 tháng 9 năm 2012, Ủy ban
nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 4882/QĐ-UBND về kiện toàn nhân sự Ủy ban
phòng, chống AIDS thành phố do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Chủ tịch,
Sở Y tế là cơ quan Thường trực. Ngày 25 tháng 12 năm 2012, Ủy ban nhân dân
thành phố ban hành Quyết định số 6567/QĐ-UBND về sáp nhập “Ban Chỉ đạo phòng,
chống tội phạm và tệ nạn xã hội thành phố” và “Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân
bảo vệ an ninh tổ quốc thành phố” thành “Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ
nạn xã hội thành phố”, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng
ban, Công an thành phố là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm thuộc biên chế các Sở,
ngành là thành viên Ban Chỉ đạo).
IV. NHẬN XÉT, ĐÁNH
GIÁ
Công tác phòng, chống HIV/AIDS và
phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ
đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục và quyết liệt
nên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao về trách nhiệm của hệ
thống chính trị, của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã
hội, lan tỏa đến các khu phố, ấp, hộ gia đình và người dân
trong cộng đồng. Việc triển khai gắn kết
đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội
phạm và ma túy; lồng ghép với các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, tăng
hộ khá, xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, hàng năm có
tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm qua thực tiễn nên đã
đề ra những giải pháp phù hợp, đột phá để giải
quyết những vấn đề là nguyên nhân phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội. Do chủ động
dự báo đúng và tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời nắm bắt phương thức
thủ đoạn hoạt động của tội phạm nên đã triệt phá và làm rõ
phương thức thủ đoạn hoạt động của nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn từ các tỉnh biên giới
phía Bắc, biên giới Tây Nam hoặc qua cảng Hàng không quốc tế đưa
về thành phố tiêu thụ hoặc trung chuyển ma túy ra nước ngoài...
Công tác phòng, chống mại dâm trên địa
bàn thành phố được chú trọng và đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể đã triệt
phá các đường dây mại dâm “gái gọi cao cấp” có người mẫu, diễn viên tham gia
bán dâm, xử lý nhiều đối tượng chủ chứa, môi giới lợi dụng những
loại hình dịch vụ nhạy cảm để hoạt động; từng bước kiềm chế hoạt động mại dâm tại
nơi công cộng.
Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại thành phố Hồ Chí Minh tuy gặp khó khăn do sự cắt giảm nguồn lực
từ các tổ chức quốc tế, nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, Ủy ban nhân
dân thành phố và nỗ lực của các ngành, các cấp đã từng bước nâng cao được nhận
thức và trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị từ thành phố đến quận, huyện, phường,
xã, thị trấn, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình hành động đã đề ra.
Tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ;
nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS trên cơ sở xây dựng, chọn
lọc và phát huy từng chương trình, mô hình triển khai hiệu quả, thực hiện tiết
giảm chi phí, đảm bảo sự bền vững của công tác phòng, chống HIV/AIDS tại thành
phố.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội
phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn phức tạp;
phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi xảo quyệt; nhiều đối tượng ở
các tỉnh, thành phố khác đến ẩn
náu và gây án. Tình hình vi phạm ma túy ngày càng đa dạng hơn, đối tượng mua
bán với số lượng không lớn nhưng nhiều lượt trong thời
gian ngắn; vi phạm liên quan ma túy tổng hợp trong nước tăng dần do dễ thực hiện, tính quốc tế, hoạt động trung chuyển và vai trò của các đối tượng gốc
Phi gia tăng rõ rệt. Trong khi đó, công tác phòng ngừa, đấu tranh ma túy, mại
dâm và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV tại thành phố Hồ Chí Minh còn bộc lộ những
yếu kém và khó khăn, vướng mắc sau đây:
- Tình hình mua bán, vận chuyển, tàng
trữ, sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng nhiều, trong khi đó
số người nghiện ma túy tổng hợp được phát hiện rất hạn chế do các dấu hiệu biểu
hiện nghiện không rõ, dễ che dấu việc sử dụng; Chương
trình xã hội hóa cai nghiện ma túy hiện nay chỉ chủ yếu là cai nghiện đối với
hêrôin nên nguy cơ sẽ gia tăng người nghiện loại ma túy tổng
hợp và giải pháp kiểm soát, kéo giảm người nghiện là rất khó khăn.
- Công tác đấu tranh chuyển hóa địa
bàn tại một số quận, huyện, phường, xã, thị trấn chưa thật sự quyết liệt. Công
tác phối hợp giải quyết tình trạng phát sinh tệ nạn xã hội
giữa các địa bàn giáp ranh đôi lúc chưa được triển khai đồng bộ; việc thực hiện
Nghị quyết liên tịch số 01/2008/NQLT-BLĐTBXH-BCA- BVHTTDL-UBTUMTTQVN ngày 28 tháng 8 năm
2008 tại một số địa phương vẫn còn nặng về mặt hình thức và chạy theo thành
tích, do đó không ít phường, xã, thị trấn sau khi được công nhận chuyển hóa đã
tái phát trở lại tệ nạn ma túy, mại dâm trong thời gian ngắn.
- Một số quy định pháp luật về phòng,
chống tệ nạn mại dâm chưa kịp thay đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới, các
đối tượng lợi dụng việc Pháp lệnh Phòng chống mại dâm và một số Nghị định,
Thông tư chưa được bổ sung, điều chỉnh và hướng dẫn cụ thể
về việc xử lý đối với các đối tượng mại dâm nam, mại dâm đồng giới và các hành
vi khiêu dâm, kích dục tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ... để thực hiện các hoạt động biến tướng, trá hình mại dâm để
thu lợi bất chính và diễn biến ngày càng phức tạp.
- Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ theo Luật Doanh nghiệp hiện nay
rất thông thoáng và có nhiều vấn đề bất cập. Việc quy định không yêu cầu xác
minh nhân thân và địa chỉ kinh doanh khi cấp giấy phép kinh doanh đã tạo điều
kiện cho chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ bị xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực
văn hóa, tệ nạn xã hội nhưng vẫn dễ dàng sang tên đổi chủ
để tránh bị xử lý tăng nặng hơn khi tái phạm... gây bức xúc trong
dư luận nhân dân và ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong thời gian qua.
- Mạng lưới cán bộ hoạt động phòng,
chống AIDS tuy được bổ sung trong những năm vừa qua, nhưng
vẫn còn thiếu so với nhu cầu phát triển hoạt động phòng,
chống AIDS trong những năm tới. Mặt khác, phần lớn số cán
bộ này đang hưởng lương từ các dự án viện trợ quốc tế, nên phải có chủ trương
và chỉ tiêu biên chế để thực hiện lộ trình chuyển
thành viên chức nhà nước, trong đó số nhân viên không có bằng cấp đào tạo như
Giáo dục viên đồng đẳng… sẽ gặp khó khăn do khó chuyển đổi.
- Việc lồng ghép hoạt động phòng, chống AIDS với hoạt động y tế có nhiều khó khăn do mạng lưới y tế
công cộng của thành phố hiện nay còn thiếu và yếu, định
mức biên chế cán bộ y tế công cộng trên dân số thấp hơn 2 lần so
với mức biên chế trung bình của cả nước, trong khi thành phố Hồ Chí Minh luôn
phải đối diện trước nhiều vấn đề về y tế công cộng so với các tỉnh, thành phố
khác trong cả nước (dịch bệnh, an toàn thực phẩm, tai nạn,
thương tích...) dẫn đến việc quá tải công việc cho đội ngũ cán bộ.
- Các biện pháp giảm tác hại phòng
lây nhiễm HIV tuy đã được mở rộng nhưng vẫn còn nhiều khó
khăn vướng mắc trong triển khai ở tuyến cơ sở nên độ bao phủ của chương trình
còn hạn chế, từ đó chưa thể giảm nhanh số người nhiễm HIV mới.
- Việc mở rộng chương trình Methadone
cũng gặp không ít khó khăn vì hiện nay nguồn thuốc Methadone do các tổ chức quốc
tế tài trợ chỉ đủ cho các đơn vị đã triển khai trong những năm qua, trong khi
đó, Bộ Y tế chưa chủ động nguồn cung ứng và mua thuốc.
- Việc triển khai bảo hiểm y tế cho bệnh
nhân HIV/AIDS cũng gặp không ít khó khăn do: bệnh nhân chưa sẵn
sàng tham gia bảo hiểm y tế, vì hiện nay các dịch vụ chăm sóc điều trị vẫn đang
được cung cấp miễn phí; hệ thống văn bản, chính sách về bảo hiểm y tế cho bệnh
nhân HIV/AIDS chưa được cụ thể hóa nên gây không ít khó khăn trong việc triển
khai.
V. PHƯƠNG HƯỚNG,
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2013
1. Công tác phòng, chống ma túy:
- Tổ chức tổng kết 5 năm triển khai
thực hiện chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW
ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ
đạo phòng chống, kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Tổ
chức triển khai việc rà soát, thống kê và công bố tình hình vi phạm pháp luật về
trật tự xã hội, ma túy và tệ nạn xã hội ở địa bàn quận, huyện, phường, xã, thị
trấn phục vụ cho yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu theo quy định
tại Chỉ thị 21-CT/TW và Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính
trị.
- Tiếp tục triển khai các nội dung cụ
thể của Kế hoạch thực hiện Chiến lược phòng chống, kiểm
soát ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố; gắn
với việc thực hiện các chương trình hành động phòng, chống tội phạm, chương
trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng
dân cư, chính sách an sinh xã hội... trong đó tập trung triển khai thực hiện:
chương trình “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hoàn thiện hệ thống tổ chức
về phòng, chống và kiểm soát ma túy”; chương trình “Phòng, chống tội phạm ma
túy”; chương trình xây dựng “xã, phường không có tệ nạn ma túy”; chương trình
nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện; chương
trình “Phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên” và
“Xây dựng trường học không có tệ nạn ma túy”.
- Nâng cao tính chủ động, phát huy
vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội
phạm ma túy. Tổ chức đánh giá phân loại chính xác và đẩy mạnh công tác đấu
tranh chuyển hóa tuyến, địa bàn phức tạp về ma túy. Đẩy mạnh tiến độ điều tra,
truy tố, xét xử các vụ án đảm bảo đúng pháp luật, đặc biệt là các vụ án lớn,
gây bức xúc dư luận.
- Tiếp tục đa dạng hóa, xã hội hóa các hình thức, biện pháp cai nghiện; hướng dẫn triển khai hình thức cai nghiện và quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng
theo quy định của pháp luật hiện hành. Mở rộng việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng liệu pháp Methadone nhằm giảm
thiểu tác hại do ma túy gây ra. Tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá hiệu quả một số
mô hình cai nghiện và quản lý sau cai nghiện có hiệu quả để tiếp tục chỉ đạo
triển khai nhân rộng.
- Thường xuyên đổi mới nội dung và
tăng thời lượng công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, tầm quan
trọng của công tác phòng, chống ma túy, tác hại ma túy đến từng đối tượng nhất
là đối tượng có nguy cơ cao nghiện ma túy, đến cơ quan, đơn vị, trường học, đến
khu phố, tổ dân phố và đến tận hộ gia đình. Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ
thống cơ quan thông tin, tuyên truyền, tổ chức chính trị, xã hội các cấp với
công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của các đoàn thể, các tổ chức chính trị,
xã hội nhất là vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh
niên trong việc vận động và tổ chức các hoạt động chiều sâu ở cơ sở, nhất là hoạt
động của phong trào toàn dân phát hiện, tố giác người vi phạm và phạm tội về ma
túy, mại dâm.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của
các ngành chức năng trong quản lý nhà nước, tăng cường kiểm
tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh trái phép thuốc tân dược, thuốc hướng
thần, tiền chất ma túy, các hoạt động tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy trong
các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, dịch vụ có điều kiện.
2. Công tác phòng, chống mại dâm,
HIV/AIDS:
- Tập trung thực hiện có hiệu quả
công tác tuyên truyền các hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật về phòng
chống mại dâm, phòng chống HIV/AIDS và Luật Xử lý vi phạm hành chính cho các tầng
lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú phù hợp với từng đối tượng
để nâng cao nhận thức về tác hại của tệ nạn mại dâm; nhất là đối tượng học
sinh, sinh viên trong các trường Trung học phổ thông, Cao đẳng,
Đại học, công nhân các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, nhân viên, tiếp viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn. Đẩy mạnh
phong trao “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.
- Tiếp tục vận động toàn dân tham gia
đấu tranh, tố giác tội phạm liên quan đến mại dâm, nhất là đối tượng chủ chứa,
môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm có đường dây kể cả trong và ngoài nước;
phát huy vai trò trách nhiệm của công dân và nâng cao hiệu
quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn cơ sở. Kịp
thời đưa ra tổ dân phố, khu phố để kiểm điểm, phê bình đối với chủ cơ sở kinh
doanh dịch vụ lợi dụng hoạt động mại dâm hoặc có biểu hiện biến tướng, trá hình
hoạt động mại dâm, không thực hiện đúng cam kết để tệ nạn mại dâm xảy ra tại cơ
sở do mình quản lý.
- Tiếp tục duy trì và hoàn thiện các
mô hình trợ giúp người bán dâm và những người đang hoạt động mại dâm hoàn lương
tái hòa nhập cộng đồng với các hoạt động giải quyết việc làm, giúp đỡ học nghề
gắn với các chương trình an sinh xã hội tại địa phương; tổ chức các chương
trình giáo dục, tư vấn tâm lý... thông qua các đội nhóm, các câu lạc bộ sinh hoạt;
đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện xây dựng mô hình hỗ trợ người mại dâm
hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố giai đoạn năm 2013 -
2015.
- Mở rộng chương trình 100% bao cao su,
tăng số lượng cơ sở dịch vụ nhạy cảm tham gia vào chương trình, tăng tính sẵn
có của bao cao su, phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Triển khai đặt bao
cao su trong phòng ngủ tất cả các khách sạn, các cơ sở y tế, các dịch vụ giải
trí nhạy cảm; đẩy mạnh hoạt động thu gom bơm kim tiêm bẩn nhằm góp phần làm văn
minh, sạch đẹp, an toàn cho cộng đồng với chỉ tiêu cụ thể là 90% bơm kim tiêm bẩn
được thu vào trên tổng số bơm kim tiêm được phân phát.
- Đẩy mạnh việc triển khai xã hội hóa
(thu phí) đối với chương trình Methadone; xây dựng và hoàn thiện
kế hoạch thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ liên quan đến
phòng, chống HIV/AIDS (bảo hiểm y tế trong chăm sóc điều trị HIV/AIDS, thu phí
dịch vụ tham vấn xét nghiệm HIV...).
- Tiếp tục mở rộng hoạt động quản lý,
chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại
tuyến phường, xã, thị trấn; tinh gọn bộ máy tuyến quận, huyện thông qua việc lồng
ghép nhân sự các chương trình Methadone - tham vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Quốc gia phòng,
chống AIDS
và Phòng, chống
tệ nạn ma túy, mại dâm;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an, Bộ Y tế;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Văn phòng thường trực PCMT-Bộ Công an;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- TTUB: CT các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Các Sở, ngành và đoàn thể thành phố;
- Thành viên BCĐ phòng, chống tội phạm
và tệ nạn xã hội thành phố;
- Thành viên Ủy ban phòng, chống AIDS/TP;
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện;
- VPUB: CPVP; Các phòng CV;
- Lưu: VT, (VX-TC) H.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Minh Trí
|