Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 196/2012/TT-BTC quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất

Số hiệu: 196/2012/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Ngày ban hành: 15/11/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Tự động đến khâu phân luồng tờ khai điện tử

Việc tiếp nhận, kiểm tra, cấp số đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử của cơ quan Hải quan được tự động thực hiện thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Trước đây, quy trình chỉ tự động ở khâu kiểm tra, tiếp nhận đăng ký tờ khai điện tử.

Trường hợp chấp nhận tờ khai, thông qua hệ thống, cơ quan Hải quan cấp số tờ khai và phân luồng theo một trong các hình thức: luồng xanh, luồng xanh có điều kiện, luồng vàng, luồng đỏ.

Đó là nội dung tại Thông tư 196/2012/TT-BTC về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thương mại.

Thông tư cũng bãi bỏ quy định về việc nộp chứng từ điện tử để cơ quan Hải quan kiểm tra trước khi cho phép thông quan (luồng vàng điện tử).

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, thay thế Thông tư 222/2009/TT-BTC.

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/2012/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2012

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THƯƠNG MẠI

Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, Ngành và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.

Chương I

HƯỚNG DẪN CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Thủ tục hải quan điện tử được áp dụng đối với:

a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa;

b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài;

c) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu;

d) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất;

đ) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư;

e) Hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất;

f) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ;

g) Hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị trả lại;

h) Hàng hóa đã nhập khẩu nhưng phải xuất trả;

i) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu;

k) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan;

l) Hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan.

2. Thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại khác được thực hiện theo quy định riêng.

3. Thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại được thực hiện theo quy định tại Thông tư này và các quy định hiện hành liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thương mại trong trường hợp Thông tư này không quy định.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thương mại thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

2. Cơ quan Hải quan, công chức hải quan.

3. Cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Giải phóng hàng” là hình thức thông quan có điều kiện, theo đó cơ quan Hải quan cho phép hàng hóa đang trong quá trình làm thủ tục thông quan được đặt dưới quyền định đoạt của người khai hải quan.

2. “Đưa hàng về bảo quản” là việc cơ quan Hải quan cho phép hàng hóa đang trong quá trình làm thủ tục thông quan được đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan khi đã đáp ứng các điều kiện về giám sát hải quan do Tổng cục Hải quan quy định hoặc giao cho người khai hải quan tự bảo quản nguyên trạng hàng hóa chờ thông quan.

3. “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan” là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được đưa vào hoặc được đưa ra khỏi các khu vực gồm: cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cảng nội địa (tiếng Anh Inland Clearance Depot, viết tắt là ICD), kho ngoại quan, kho bảo thuế, khu vực ưu đãi hải quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, bưu điện quốc tế và các địa bàn hoạt động hải quan khác theo quy định của pháp luật.

4. “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ” là hàng hóa do thương nhân Việt Nam (bao gồm cả thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất) xuất khẩu cho thương nhân nước ngoài nhưng thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa đó tại Việt Nam cho thương nhân Việt Nam khác.

5. “Người xuất khẩu tại chỗ” (dưới đây gọi là “doanh nghiệp xuất khẩu”) là người được thương nhân nước ngoài chỉ định giao hàng tại Việt Nam.

6. “Người nhập khẩu tại chỗ” (dưới đây gọi là “doanh nghiệp nhập khẩu”) là người mua hàng của thương nhân nước ngoài nhưng được thương nhân nước ngoài chỉ định nhận hàng tại Việt Nam từ người xuất khẩu tại chỗ.

Điều 4. Người khai hải quan điện tử

1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại (gồm cả thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật).

2. Tổ chức được chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác.

3. Đại lý làm thủ tục hải quan.

Điều 5. Sử dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử

1. Chữ ký số sử dụng trong thủ tục hải quan điện tử của người khai hải quan là chữ ký số công cộng đã được cơ quan Hải quan xác nhận tương thích với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cung cấp chữ ký số tương thích với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hải quan (địa chỉ: http://www.customs.gov.vn).

2. Việc sử dụng chữ ký số và giá trị pháp lý của chữ ký số thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 12 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

3. Trước khi sử dụng chữ ký số để thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan phải đăng ký chữ ký số với cơ quan Hải quan thông qua Cổng thông tin điện tử Hải quan. Các nội dung đăng ký gồm:

a) Tên, mã số thuế của cơ quan, tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu hoặc đại lý làm thủ tục hải quan (nếu có);

b) Họ và tên, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, chức danh (nếu có) của người được cấp chứng thư số;

c) Số nhận dạng chữ ký số (Serial Number);

d) Thời hạn hiệu lực của chữ ký số.

4. Người khai hải quan phải đăng ký lại với cơ quan Hải quan các thông tin nêu tại khoản 3 Điều này trong các trường hợp sau: Các thông tin đã đăng ký có sự thay đổi, gia hạn chứng thư số, thay đổi cặp khóa, tạm dừng chứng thư số.

5. Không quá 2 phút kể từ thời điểm kết thúc việc đăng ký, thông qua Cổng thông tin điện tử hải quan, cơ quan Hải quan trả lời chấp nhận hoặc từ chối (có nêu rõ lý do) chữ ký số của người khai hải quan.

6. Chữ ký số đã đăng ký của người khai hải quan được sử dụng để thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên phạm vi toàn quốc.

Điều 6. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan

1. Cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo lộ trình đảm bảo tập trung hóa xử lý dữ liệu, tích hợp đầy đủ các chức năng quản lý hải quan.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa với cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Các đối tượng được truy cập và trao đổi thông tin với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan gồm:

a) Công chức hải quan;

b) Người khai hải quan;

c) Tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng đã được cơ quan Hải quan công nhận;

d) Các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến cấp phép, quản lý chuyên ngành cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu;

đ) Tổ chức tín dụng đã ký thỏa thuận thu nộp thuế, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu với Tổng cục Hải quan; các tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng thực hiện việc bảo lãnh số tiền thuế phải nộp cho người khai hải quan;

e) Các tổ chức kinh doanh dịch vụ kho bãi;

g) Các cá nhân, tổ chức khác theo quyết định của Tổng cục Hải quan.

4. Mức độ truy cập Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan:

Các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều này được truy cập Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo quy định của cơ quan Hải quan.

Việc truy cập Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan phải đảm bảo bí mật nhà nước, bí mật thông tin của đối tượng làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật.

5. Việc sử dụng cơ sở dữ liệu của Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải tuân thủ quy định tại Chương II Phần II Thông tư số 78/2008/TT-BTC ngày 15/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số nội dung của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 2 năm 2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

6. Khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Trang bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động giao dịch điện tử đảm bảo cho việc khai, truyền, nhận, lưu trữ thông tin khi truy cập và trao đổi thông tin với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; sử dụng phần mềm khai hải quan điện tử đã được cơ quan Hải quan xác nhận tương thích với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

b) Người khai hải quan phải là người đã được đào tạo qua các cơ sở đào tạo quy định tại Điều 6 Thông tư số 80/2011/TT-BTC ngày 09/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 14/2011/NĐ-CP ngày 16/2/2011 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan và có khả năng sử dụng thành thạo Hệ thống khai hải quan điện tử;

c) Trong trường hợp không đáp ứng được các điều kiện nêu tại điểm a, điểm b khoản 6 Điều này, người khai hải quan phải thực hiện thủ tục hải quan điện tử thông qua đại lý làm thủ tục hải quan.

Điều 7. Thời gian khai và làm thủ tục hải quan điện tử

1. Thời hạn người khai hải quan phải khai tờ khai hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, ngày hàng hóa đến cửa khẩu là ngày ghi trên dấu của cơ quan Hải quan đóng lên bản khai hàng hóa (bản lược khai hàng hóa) trong hồ sơ phương tiện vận tải nhập cảnh (đường biển, đường hàng không, đường sắt) hoặc ngày ghi trên tờ khai phương tiện vận tải hoặc sổ theo dõi phương tiện vận tải qua cửa khẩu, đường sông, đường bộ.

2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực của tờ khai hải quan quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan được áp dụng các chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm cơ quan Hải quan chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan.

Chương II

QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THƯƠNG MẠI

Điều 8. Hồ sơ hải quan điện tử

1. Hồ sơ hải quan điện tử bao gồm:

a) Tờ khai hải quan điện tử ở dạng điện tử. Trong trường hợp phải xuất trình, nộp bản giấy theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, tờ khai hải quan điện tử được in ra giấy theo mẫu Tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; mẫu Phụ lục tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, mẫu Tờ khai sửa đổi bổ sung, mẫu Bản kê tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này (sau đây gọi chung là tờ khai hải quan điện tử in).

Trường hợp một tờ khai hải quan điện tử in có 01 (một) phụ lục, người khai hải quan ký tên, đóng dấu trực tiếp lên bản phụ lục. Trường hợp một tờ khai hải quan điện tử in có nhiều hơn 01 (một) phụ lục thì người khai hải quan ký tên, đóng dấu vào tờ phụ lục cuối cùng và toàn bộ các tờ phụ lục phải đóng dấu giáp lai.

b) Các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan điện tử được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 87/2012/NĐ-CP.

Việc chuyển đổi từ chứng từ giấy sang dạng điện tử hoặc ngược lại, việc lưu giữ hồ sơ hải quan điện tử và các chứng từ chuyển đổi của hồ sơ hải quan điện tử được thực hiện theo quy định hiện hành.

c) Các giấy tờ quy định tại Điều này nếu là bản chụp thì chủ hàng, người đại diện hợp pháp của chủ hàng phải xác nhận, ký tên, đóng dấu và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các giấy tờ này.

2. Khi người khai hải quan có văn bản đề nghị cấp lại tờ khai hải quan điện tử in (bản do người khai hải quan lưu) đã bị thất lạc, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai in tờ khai hải quan điện tử từ Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai ký tên, đóng dấu Chi cục và xác nhận “Tờ khai được Chi cục Hải quan…cấp lại ngày...tháng...năm...”. Điều kiện để được cấp lại, thủ tục cấp lại, việc sử dụng, theo dõi, quản lý đối với tờ khai điện tử in cấp lại thực hiện tương tự quy định hiện hành đối với tờ khai sao y bản chính từ bản chính tờ khai giấy lưu tại cơ quan Hải quan.

Điều 9. Khai hải quan điện tử

Khi khai hải quan điện tử, người khai hải quan thực hiện:

1. Tạo thông tin khai tờ khai hải quan điện tử (bao gồm cả tờ khai trị giá trong trường hợp hàng hóa thuộc diện phải khai tờ khai trị giá theo quy định hiện hành) trên Hệ thống khai hải quan điện tử theo đúng các tiêu chí, định dạng quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã khai.

a) Trường hợp người khai hải quan là đại lý làm thủ tục hải quan phải khai rõ nội dung uỷ quyền;

b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các loại hình khác nhau hoặc theo một loại hình nhưng có thời hạn nộp thuế khác nhau thì phải khai trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khác nhau theo từng loại hình tương ứng hoặc từng thời hạn nộp thuế tương ứng, ngoại trừ các trường hợp sau đây:

b1) Một mặt hàng nhập khẩu nhưng có thời hạn nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường khác nhau thì thực hiện khai trên cùng một tờ khai hải quan;

b2) Lô hàng nhập khẩu gồm nhiều mặt hàng có thời hạn nộp thuế khác nhau thuộc cùng một hợp đồng/đơn hàng, cùng một loại hình, nếu người khai hải quan nộp thuế ngay hoặc có bảo lãnh về số thuế phải nộp cho toàn bộ lô hàng thì khai trên cùng một tờ khai hàng hóa nhập khẩu.

c) Khai hải quan đối với hàng hóa có nhiều hợp đồng/đơn hàng:

c1) Một mặt hàng nhập khẩu có nhiều hợp đồng/đơn hàng, có một hoặc nhiều hóa đơn của một người bán hàng, cùng điều kiện giao hàng, giao hàng một lần, có một vận đơn thì người khai hải quan được khai trên một tờ khai hoặc nhiều tờ khai hải quan;

c2) Một mặt hàng xuất khẩu có nhiều hợp đồng/đơn hàng, cùng điều kiện giao hàng, cùng bán cho một khách hàng và giao hàng một lần thì người khai hải quan được khai trên một tờ khai hoặc nhiều tờ khai hải quan;

c3) Khi khai hải quan, người khai hải quan phải khai đầy đủ số, ngày, tháng, năm của hợp đồng/đơn hàng trên tờ khai hải quan; trường hợp không thể khai hết trên tờ khai hải quan thì lập bản kê chi tiết kèm theo tờ khai hải quan theo mẫu tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này; về lượng hàng thì chỉ cần khai tổng lượng hàng của các hợp đồng/đơn hàng trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu;

d) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện được giảm mức thuế suất so với quy định hoặc hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt thì khi khai thuế suất người khai hải quan phải khai cả mức thuế suất trước khi giảm và tỷ lệ phần trăm giảm hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định nào;

đ) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, hoặc thuộc diện quản lý chuyên ngành hoặc được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt hoặc được miễn, giảm thuế hoặc bảo lãnh số thuế phải nộp thì khi khai hải quan người khai hải quan phải khai đầy đủ các thông tin liên quan đến các nội dung nêu trên theo đúng các tiêu chí và định dạng quy định tại mẫu Tờ khai hải quan điện tử thuộc Phụ lục I Thông tư này.

2. Gửi tờ khai hải quan điện tử đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

3. Tiếp nhận thông tin phản hồi của cơ quan Hải quan và thực hiện theo một trong các trường hợp dưới đây:

a) Khi nhận “Thông báo từ chối tờ khai hải quan điện tử”: người khai hải quan thực hiện việc sửa đổi, bổ sung thông tin tờ khai hải quan điện tử hoặc giải trình theo hướng dẫn của cơ quan Hải quan;

b) Khi nhận “Số tờ khai hải quan điện tử” và “Quyết định hình thức mức độ kiểm tra”:

b1) Trường hợp tờ khai hải quan điện tử được cơ quan Hải quan chấp nhận “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản”, người khai hải quan thực hiện:

b1.1) In Tờ khai hải quan điện tử đã được cơ quan Hải quan chấp nhận “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản” trên Hệ thống khai hải quan điện tử theo mẫu Tờ khai hải quan điện tử in (01 bản); ký tên, đóng dấu trên tờ khai hải quan điện tử in;

b1.2) Xuất trình tờ khai hải quan điện tử in nêu tại điểm b1.1 khoản 3 Điều này cùng hàng hóa tại khu vực giám sát hải quan có kết nối với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan” và làm tiếp thủ tục (nếu có).

Trong thời hạn quy định của pháp luật về lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu người khai hải quan có nhu cầu xác nhận “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản” trên tờ khai hải quan điện tử in, người khai hải quan xuất trình tờ khai đã có xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan” để Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử xác nhận.

Nếu có nhu cầu xác nhận “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản” trước khi xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan”, người khai hải quan xuất trình 01 tờ khai hải quan điện tử in nêu tại điểm b1.1 khoản 3 Điều này tại Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để xác nhận sau đó xuất trình tờ khai hải quan điện tử in đã được xác nhận cùng hàng hóa tại khu vực giám sát để xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan” và làm tiếp các thủ tục (nếu có).

b2) Trường hợp tờ khai hải quan điện tử được cơ quan Hải quan chấp nhận “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản” với điều kiện phải xuất trình, nộp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc chứng từ chứng minh hàng hóa đã đáp ứng yêu cầu về quản lý chuyên ngành, chứng từ chứng minh hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, được miễn, giảm thuế hoặc bảo lãnh số thuế phải nộp, chứng từ chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan”, người khai hải quan thực hiện:

b2.1) In tờ khai hải quan điện tử đã được cơ quan Hải quan chấp nhận “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản” trên Hệ thống khai hải quan điện tử theo mẫu Tờ khai hải quan điện tử in (01 bản); ký tên, đóng dấu trên tờ khai hải quan điện tử in;

b2.2) Xuất trình tờ khai hải quan điện tử in nêu tại điểm b2.1 khoản 3 Điều này và xuất trình/nộp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc chứng từ chứng minh hàng hóa đã đáp ứng yêu cầu về quản lý chuyên ngành, chứng từ chứng minh hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, được miễn, giảm thuế hoặc bảo lãnh số thuế phải nộp, chứng từ chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế tại Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để xác nhận “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản”;

b2.3) Xuất trình tờ khai hải quan điện tử in nêu điểm b2.2 khoản 3 Điều này cùng hàng hóa tại khu vực giám sát hải quan để xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan” và làm tiếp thủ tục (nếu có).

b3) Trường hợp tờ khai hải quan điện tử được cơ quan Hải quan yêu cầu xuất trình, nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan điện tử để kiểm tra trước khi cho phép thông quan hàng hóa: người khai hải quan nộp, xuất trình 02 tờ khai hải quan điện tử in; 02 tờ khai trị giá (nếu hàng hóa thuộc diện phải khai tờ khai trị giá) cùng các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan để Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử kiểm tra theo yêu cầu và thực hiện:

b3.1) Khi được “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản”: người khai hải quan nhận 01 tờ khai hải quan điện tử in đã xác nhận “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản”, 01 tờ khai trị giá (nếu có) và 01 Phiếu ghi kết quả kiểm tra chứng từ giấy. Khi mang hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan, người khai hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 18 Thông tư này;

b3.2) Khi được yêu cầu xuất trình, nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan điện tử và hàng hóa để cơ quan Hải quan kiểm tra: người khai hải quan thực hiện các công việc quy định tại điểm b4 khoản 3 Điều này.

b4) Trường hợp tờ khai hải quan được cơ quan Hải quan yêu cầu xuất trình, nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan điện tử và hàng hóa để kiểm tra: người khai hải quan nộp, xuất trình 02 tờ khai hải quan điện tử in, 02 tờ khai trị giá (nếu hàng hóa thuộc diện phải khai tờ khai trị giá) cùng toàn bộ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo yêu cầu và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử kiểm tra. Khi được quyết định “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản”, hoặc “Cho phép hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu”, người khai hải quan nhận 01 tờ khai hải quan điện tử in đã quyết định “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản” hoặc “Cho phép hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu”, 01 phiếu ghi kết quả kiểm tra chứng từ giấy, 01 phiếu ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa (trừ trường hợp hàng nhập khẩu xin chuyển cửa khẩu), 01 tờ khai trị giá (nếu có). Khi mang hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan, người khai hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 18 Thông tư này.

4. Người khai hải quan được phép chậm nộp bản chính một số chứng từ trong hồ sơ hải quan trừ giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật và phải khai về việc chậm nộp trên tờ khai hải quan điện tử. Người khai hải quan phải nộp các chứng từ được phép chậm nộp trong thời hạn quy định của pháp luật. Trong trường hợp pháp luật không quy định cụ thể thì thời hạn được phép chậm nộp là không quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan điện tử.

5. Thẩm quyền cho chậm nộp chứng từ: Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử quyết định cho phép chậm nộp chứng từ.

Điều 10. Sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan

1. Việc sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc trước khi quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 Luật Quản lý thuế;

b) Sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan khi hàng hóa đã được “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản” trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai và trước khi cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan, nếu việc sửa chữa, bổ sung nội dung Tờ khai hải quan điện tử không liên quan đến việc thực hiện chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan đối với các nội dung có sai sót gây ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

c1) Sai sót do người nộp thuế, người khai hải quan tự phát hiện, tự giác khai báo với cơ quan Hải quan;

c2) Thời điểm khai báo trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhưng trước khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế;

c3) Có sai sót về tính toán số tiền thuế phải nộp; sai sót về trị giá, xuất xứ, mã số, mức thuế suất, số tiền thuế phải nộp trên hồ sơ hải quan đã nộp cho cơ quan Hải quan;

c4) Người khai hải quan, người nộp thuế phải có đủ cơ sở chứng minh và cơ quan Hải quan có đủ cơ sở, điều kiện kiểm tra, xác định tính trung thực, chính xác và hợp pháp của việc khai bổ sung.

d) Được sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan ngoài thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan đồng thời người khai hải quan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

d1) Sai sót do người nộp thuế, người khai hải quan tự phát hiện, tự giác khai báo với cơ quan Hải quan trước khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế, kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của người khai hải quan;

d2) Người khai hải quan, người nộp thuế có đủ cơ sở chứng minh và cơ quan Hải quan có đủ cơ sở, điều kiện kiểm tra, xác định tính chính xác và hợp pháp của việc khai sửa chữa, bổ sung.

2. Nội dung sửa chữa, khai bổ sung bao gồm:

a) Khai bổ sung thông tin làm cơ sở xác định các yếu tố, căn cứ tính thuế hoặc xác định đối tượng không chịu thuế; hoặc xác định đối tượng miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế;

b) Khai bổ sung số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế đã nộp, số tiền thuế chênh lệch còn phải nộp hoặc số tiền thuế chênh lệch nộp thừa (nếu có), số tiền phạt chậm nộp của số tiền thuế khai bổ sung (nếu người nộp thuế đã nộp tiền thuế khai bổ sung quá thời hạn nộp thuế) đối với từng mặt hàng và của cả tờ khai hải quan; cam kết về tính chính xác, hợp pháp của chứng từ, hồ sơ khai bổ sung;

c) Khai sửa chữa, bổ sung thông tin khác trên tờ khai hải quan.

3. Thủ tục sửa chữa, khai bổ sung

Khi sửa chữa, khai bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều này, người khai hải quan tạo thông tin sửa chữa, bổ sung trên Tờ khai hải quan điện tử, nêu rõ lý do sửa chữa, bổ sung; gửi đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan Hải quan.

Các chứng từ giấy người khai hải quan phải nộp/xuất trình khi cơ quan Hải quan yêu cầu gồm:

a) Tờ khai hải quan điện tử in, Phụ lục tờ khai hải quan điện tử in (nếu có), Bản kê (nếu có);

b) Các chứng từ theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền;

c) Tờ khai hải quan điện tử bổ sung trong trường hợp cơ quan Hải quan đã xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan” hoặc “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quan” hoặc “Cho phép hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu”.

4. Xử lý hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung

Khi tiếp nhận thông tin khai sửa chữa, bổ sung cơ quan Hải quan thực hiện phân luồng theo một trong các hình thức sau:

a) Chấp nhận cho phép sửa chữa, bổ sung trên cơ sở thông tin khai;

b) Kiểm tra hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung trước khi quyết định cho phép sửa chữa, khai bổ sung.

Công chức hải quan khi tiếp nhận hồ sơ sửa chữa, bổ sung thực hiện như sau:

b1) Kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung và thông báo kết quả kiểm tra trên “Thông báo hướng dẫn làm thủ tục hải quan điện tử”; trường hợp kết quả khai bổ sung được in ra chứng từ giấy cơ quan Hải quan trả cho người khai hải quan 01 bản, lưu 01 bản;

b2) Thông báo kết quả kiểm tra hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung trong thời hạn sau đây:

b2.1) Trong thời hạn tám giờ làm việc kể từ khi tiếp nhận đủ hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung đối với trường hợp sửa chữa, khai bổ sung trước thời điểm cơ quan Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa;

b2.2) Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung đối với trường hợp quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này.

5. Thẩm quyền cho sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan: Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử xem xét, quyết định cho sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan điện tử quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 11. Hủy tờ khai hải quan

1. Các trường hợp hủy tờ khai:

a) Quá thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký, cấp số tờ khai hải quan mà không xuất trình hồ sơ hải quan điện tử trong trường hợp phải xuất trình hồ sơ hải quan điện tử;

b) Quá thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan mà người khai hải quan chưa xuất trình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra thực tế để cơ quan Hải quan kiểm tra;

c) Quá thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký, cấp số tờ khai hải quan, hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế nhưng không có hàng nhập khẩu đến cửa khẩu nhập hoặc hàng xuất khẩu chưa chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan;

d) Tờ khai hải quan điện tử đã được đăng ký, cấp số nhưng không tiếp tục thực hiện được thủ tục hải quan do Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan có sự cố hoặc có các sự cố ngoài Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

đ) Người khai hải quan đề nghị hủy tờ khai hải quan đã đăng ký trong các trường hợp sau:

đ1) Khai nhiều tờ khai cho một lượng hàng hóa;

đ2) Tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã có hàng hóa chịu sự giám sát hải quan nhưng người khai hải quan không xuất khẩu hàng hóa;

đ3) Tờ khai hải quan đăng ký không đúng loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trong trường hợp này, chỉ được hủy tờ khai trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.

2. Trình tự thủ tục hủy tờ khai

a) Đối với người khai hải quan:

Khi hủy tờ khai theo các trường hợp quy định khoản 1 Điều này, người khai hải quan tạo thông tin hủy tờ khai theo đúng khuôn dạng tại mẫu Thông tin hủy tờ khai, nêu rõ lý do, gửi đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, nhận “Thông báo hướng dẫn làm thủ tục hải quan điện tử” và thực hiện các yêu cầu tại thông báo hướng dẫn thủ tục hải quan.

Người khai hải quan phải nộp cho cơ quan Hải quan 01 tờ khai hải quan điện tử in; các phụ lục tờ khai, các bản kê, và phiếu kiểm tra hồ sơ giấy, phiếu kiểm tra hàng hóa (nếu có) trong trường hợp tờ khai hải quan điện tử in đã được xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát” đối với hàng hóa xuất khẩu và/hoặc “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản” hoặc “Cho phép hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu” đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

b) Đối với cơ quan Hải quan:

b1) Quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn tờ khai đối với những tờ khai quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này mà người khai hải quan không thực hiện công việc quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, cơ quan Hải quan thực hiện việc hủy tờ khai và phản hồi cho người khai hải quan;

b2) Công chức hải quan tiếp nhận thực hiện việc kiểm tra dữ liệu tờ khai hủy, đề xuất Lãnh đạo Chi cục và thực hiện việc hủy trên hệ thống. Trong trường hợp tờ khai hải quan điện tử in đã được xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát” đối với hàng hóa xuất khẩu và/hoặc “Thông quan” hoặc “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng hóa về bảo quản” hoặc “Hàng chuyển cửa khẩu” đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì gạch chéo bằng bút mực (hoặc đóng dấu hủy), ghi ngày, tháng, năm thực hiện hủy, ký tên, đóng dấu, công chức lên tờ khai hải quan điện tử in.

Cơ quan Hải quan lưu toàn bộ dữ liệu trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với các tờ khai đã đăng ký nhưng phải hủy đồng thời thực hiện lưu tờ khai hải quan điện tử in đã được hủy (nếu có) theo thứ tự số tờ khai hải quan.

3. Thẩm quyền hủy tờ khai hải quan điện tử: Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử xem xét quyết định hủy tờ khai hải quan điện tử đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 12. Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử

1. Việc tiếp nhận, kiểm tra, cấp số đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử của cơ quan Hải quan được tự động thực hiện thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

2. Trường hợp không chấp nhận tờ khai hải quan điện tử, cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan gửi “Thông báo từ chối tờ khai hải quan điện tử” trong đó nêu rõ lý do và hướng dẫn người khai hải quan thực hiện các công việc cần thiết để làm tiếp thủ tục hải quan.

3. Trường hợp chấp nhận tờ khai hải quan điện tử, thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, cơ quan Hải quan cấp số tờ khai hải quan điện tử và phân luồng theo một trong các hình thức sau:

a) Chấp nhận thông tin khai tờ khai hải quan điện tử, cho phép “Thông quan” hay “Giải phóng hàng” hay “Đưa hàng hóa về bảo quản” (gọi tắt là “luồng xanh”); hoặc chấp nhận thông tin khai tờ khai hải quan điện tử, cho phép “Thông quan” hay “Giải phóng hàng” hay “Đưa hàng hóa về bảo quản” với điều kiện phải xuất trình, nộp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc chứng từ chứng minh hàng hóa đã đáp ứng yêu cầu về quản lý chuyên ngành, chứng từ chứng minh hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, được miễn, giảm thuế hoặc bảo lãnh số thuế phải nộp, chứng từ chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan” (gọi tắt là “luồng xanh có điều kiện”);

b) Xuất trình, nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan điện tử để kiểm tra trước khi cho phép thông quan hàng hóa (gọi tắt là “luồng vàng”). Việc kiểm tra chứng từ giấy thực hiện theo quy định tại khoản 1và khoản 3 Điều 13 Thông tư này;

c) Xuất trình, nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan điện tử và hàng hóa để kiểm tra trước khi cho phép thông quan hàng hóa (gọi tắt là “luồng đỏ”). Việc kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Thông tư này.

Điều 13. Kiểm tra hồ sơ hải quan điện tử và kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan

1. Kiểm tra hồ sơ hải quan điện tử

a) Hình thức kiểm tra: kiểm tra thông tin tờ khai hải quan điện tử trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, kiểm tra chứng từ giấy;

b) Thẩm quyền quyết định hình thức kiểm tra: cơ quan Hải quan quyết định thông qua kết quả xử lý thông tin quản lý rủi ro trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

c) Nội dung kiểm tra: kiểm tra sự đầy đủ của hồ sơ, kiểm tra nội dung khai trên tờ khai hải quan điện tử, kiểm tra chứng từ thuộc hồ sơ hải quan điện tử, đối chiếu nội dung khai với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan điện tử; kiểm tra sự phù hợp giữa nội dung khai với quy định pháp luật;

d) Trách nhiệm của công chức hải quan trong trường hợp kiểm tra chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan điện tử trước khi cho phép thông quan hàng hóa: thực hiện các công việc sau:

d1) Tiếp nhận, kiểm tra chứng từ giấy do người khai hải quan nộp, xuất trình và cập nhật kết quả kiểm tra vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

d2) In 02 phiếu ghi kết quả kiểm tra theo mẫu Phiếu ghi kết quả kiểm tra chứng từ giấy, ký tên, đóng dấu công chức và yêu cầu người khai hải quan ký, ghi rõ họ tên trên phiếu ghi kết quả kiểm tra chứng từ giấy;

d3) Căn cứ kết quả kiểm tra chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan điện tử thực hiện một trong các công việc sau:

d3.1) Đối với lô hàng thuộc diện được thông quan: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 17 Thông tư này;

d3.2) Đối với lô hàng thuộc diện được “Đưa hàng hóa về bảo quản” hoặc “Giải phóng hàng”: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 15 hoặc điểm b khoản 3 Điều 16 Thông tư này;

d3.3) Đối với lô hàng thuộc diện phải làm tiếp các thủ tục khác: chuyển hồ sơ đến các khâu nghiệp vụ khác theo quy định.

d4) Trả người khai hải quan 01 tờ khai hải quan điện tử in và 01 bản “Phiếu ghi kết quả kiểm tra chứng từ giấy” nếu hàng hóa thuộc trường hợp quy định tại điểm d3.1 và điểm d3.2 khoản 1 Điều này.

2. Kiểm tra thực tế hàng hóa

a) Hình thức kiểm tra: do công chức hải quan trực tiếp thực hiện, bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật, bằng các biện pháp nghiệp vụ khác;

b) Mức độ kiểm tra: miễn kiểm tra, kiểm tra một phần lô hàng tới toàn bộ lô hàng;

c) Thẩm quyền quyết định hình thức, mức độ kiểm tra: Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định theo quy định hiện hành về quản lý rủi ro. Trong quá trình làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, căn cứ vào tình hình thực tế của lô hàng và thông tin thu thập được Chi cục trưởng Hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra đã quyết định trước đó, chịu trách nhiệm về việc thay đổi quyết định hình thức, mức độ kiểm tra;

d) Nội dung kiểm tra thực tế hàng hóa: kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, xuất xứ của hàng hóa, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng của hàng hóa; đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hóa với hồ sơ hải quan điện tử, định mức nguyên liệu vật tư; đối chiếu hàng hóa với mẫu lưu của nguyên liệu hoặc mẫu sản phẩm theo từng loại hình tương ứng;

đ) Trách nhiệm của công chức hải quan thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện các công việc sau:

đ1) Kiểm tra thực tế hàng hóa, cập nhật kết quả kiểm tra vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

đ2) In 02 phiếu ghi kết quả kiểm tra theo mẫu “Phiếu ghi kết quả kiểm tra hàng hóa”, ký tên, đóng dấu công chức và yêu cầu người khai hải quan ký, ghi rõ họ tên trên bản phiếu ghi kết quả kiểm tra hàng hóa;

đ3) Căn cứ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện một trong các công việc sau:

đ3.1) Đối với lô hàng thuộc diện được thông quan: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 17 Thông tư này;

đ3.2) Đối với lô hàng thuộc diện được “Đưa hàng hóa về bảo quản” hoặc “Giải phóng hàng”: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 15 hoặc điểm b, khoản 3 Điều 16 Thông tư này;

đ3.3) Đối với lô hàng thuộc diện phải làm tiếp các thủ tục khác: chuyển hồ sơ đến các khâu nghiệp vụ khác theo quy định.

đ4) Trả người khai hải quan 01 tờ khai hải quan điện tử in và 01 bản “Phiếu ghi kết quả kiểm tra hàng hóa” nếu hàng hóa thuộc trường hợp quy định tại điểm đ3.1 và đ3.2 khoản 2 Điều này.

3. Hướng dẫn cụ thể nội dung kiểm tra hồ sơ hải quan điện tử và kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan:

a) Kiểm tra tên hàng, mã số hàng hóa: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Kiểm tra về lượng hàng hóa: đối với những mặt hàng mà bằng phương pháp thủ công hoặc thiết bị của cơ quan Hải quan không xác định được lượng hàng (như hàng lỏng, hàng rời, lô hàng có lượng hàng lớn...) thì cơ quan Hải quan căn cứ vào kết quả giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định (dưới đây gọi tắt là thương nhân giám định) để xác định;

c) Kiểm tra về chất lượng hàng hóa (bao gồm cả kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch) cụ thể:

c1) Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng:

c1.1) Đối với hàng hóa nhập khẩu: theo quy định cụ thể của pháp luật, cơ quan Hải quan căn cứ giấy đăng ký kiểm tra chất lượng hoặc giấy thông báo miễn kiểm tra lô hàng hoặc giấy thông báo kết luận lô hàng đạt chất lượng hàng nhập khẩu, kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm, kết quả kiểm dịch đủ điều kiện nhập khẩu của cơ quan kiểm tra để làm thủ tục hải quan;

c1.2) Đối với hàng hóa xuất khẩu: cơ quan Hải quan căn cứ giấy thông báo kết luận lô hàng đạt chất lượng hàng xuất khẩu của cơ quan kiểm tra để làm thủ tục hải quan.

c2) Hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng:

c2.1) Trường hợp bằng phương tiện và thiết bị của mình, cơ quan Hải quan không xác định được chất lượng hàng hóa để thực hiện quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thì cơ quan Hải quan cùng với người khai hải quan lấy mẫu hoặc yêu cầu người khai hải quan cung cấp tài liệu kỹ thuật, thống nhất lựa chọn thương nhân giám định thực hiện giám định. Kết luận của thương nhân giám định có giá trị để các bên thực hiện;

c2.2) Trường hợp người khai hải quan và cơ quan Hải quan không thống nhất được trong việc lựa chọn tổ chức giám định thì cơ quan Hải quan lựa chọn tổ chức giám định và căn cứ vào kết quả giám định này để kết luận. Nếu người khai hải quan không đồng ý với kết luận này thì thực hiện khiếu nại theo quy định của pháp luật.

d) Kiểm tra xuất xứ hàng hóa: việc kiểm tra được thực hiện căn cứ vào thực tế hàng hóa, hồ sơ hải quan, những thông tin có liên quan đến hàng hóa và quy định tại Điều 15 Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Kết quả kiểm tra xử lý như sau:

d1) Trường hợp xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu khác với xuất xứ khai báo của người khai hải quan, nhưng vẫn thuộc nước, vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan với Việt Nam thì cơ quan Hải quan vẫn áp dụng thuế suất ưu đãi theo quy định và căn cứ tính chất, mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật;

d2) Trường hợp có nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa, cơ quan Hải quan yêu cầu người khai hải quan cung cấp thêm các chứng từ để chứng minh hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận. Việc kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa phải được hoàn thành trong vòng một trăm năm mươi ngày, kể từ ngày người khai hải quan nộp bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Trong khi chờ kết quả kiểm tra, hàng hóa không được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng vẫn được thông quan theo thủ tục hải quan thông thường.

Thời gian xem xét giải quyết các vướng mắc về xuất xứ hàng hóa, xem xét chấp nhận C/O không quá ba trăm sáu mươi lăm ngày kể từ ngày C/O được nộp cho cơ quan Hải quan hoặc kể từ ngày cơ quan Hải quan nghi ngờ có sự gian lận vi phạm về xuất xứ hàng hóa.

d3) Trường hợp người khai hải quan nộp C/O cấp cho cả lô hàng nhưng chỉ nhập khẩu một phần của lô hàng thì cơ quan Hải quan chấp nhận C/O đó đối với phần hàng hóa thực nhập.

đ) Kiểm tra thuế, bao gồm các nội dung:           

đ1) Kiểm tra điều kiện để áp dụng biện pháp cưỡng chế, thời hạn nộp thuế theo quy định;

đ2) Kiểm tra các căn cứ để xác định hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế trong trường hợp người khai hải quan khai hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, hoặc thuế giá trị gia tăng, hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt, hoặc thuế bảo vệ môi trường;

đ3) Kiểm tra các căn cứ để xác định hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế, trong trường hợp người khai hải quan khai hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế;

đ4) Kiểm tra các căn cứ tính thuế để xác định số tiền thuế phải nộp, việc tính toán số tiền thuế phải nộp trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế trên cơ sở kết quả kiểm tra nêu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này, kết quả kiểm tra, xác định trị giá tính thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và các căn cứ khác có liên quan.

e) Kiểm tra xác định hàng giả (bao gồm hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ): thực hiện theo quy định tại Điều 219 Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005, Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Điều 14. Lấy mẫu, lưu mẫu, lưu hình ảnh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu

1. Hình thức lấy mẫu: lấy mẫu hiện vật, chụp ảnh.

2. Việc lấy mẫu hàng hóa nhập khẩu thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Người khai hải quan có yêu cầu lấy mẫu để phục vụ việc khai hải quan;

b) Hàng hóa phải lấy mẫu theo yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, gồm: nguyên vật liệu nhập khẩu để gia công, để sản xuất hàng xuất khẩu; sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất hàng xuất khẩu; hàng xuất khẩu bị trả lại để tái chế; hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập (trừ hàng hóa không thể lấy mẫu được, hàng hóa khó bảo quản, hàng tươi sống, nguyên liệu bị thay đổi bản chất ban đầu sau khi sản xuất, kim khí quý, đá quý);

c) Hàng hóa nhập khẩu phải lấy mẫu để phục vụ phân tích, giám định theo yêu cầu của cơ quan Hải quan.

3. Việc lấy mẫu do Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử quyết định đối với các trường hợp cụ thể:

a) Trường hợp nguyên liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, được chuyển cửa khẩu, được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa nhưng thuộc diện phải lấy mẫu thì được lấy mẫu tại Hải quan cửa khẩu hoặc nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất;

b) Trường hợp người khai hải quan có yêu cầu lấy mẫu tại cửa khẩu, Chi cục Hải quan nơi đăng lý tờ khai hải quan điện tử hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện việc lấy mẫu theo quy định;

c) Trường hợp người khai hải quan có yêu cầu lấy mẫu tại nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất thì thực hiện thủ tục chuyển cửa khẩu theo quy định. Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử thực hiện việc lấy mẫu.

4. Thủ tục lấy mẫu

a) Việc lấy mẫu căn cứ vào phiếu yêu cầu của người khai hải quan hoặc cơ quan Hải quan. Phiếu lấy mẫu được lập thành hai bản, một bản lưu cùng mẫu, một bản lưu tại đơn vị yêu cầu lấy mẫu. Phiếu lấy mẫu được quy định tại mẫu số 02-PLM/2010 Phụ lục III kèm theo Thông tư 194/2010/TT-BTC ;

b) Trường hợp lấy mẫu theo yêu cầu phân tích, phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì thực hiện theo Điều 20 Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Khi lấy mẫu phải có đại diện chủ hàng và đại diện cơ quan Hải quan; mẫu phải được hai bên ký xác nhận và niêm phong. Trường hợp là hình ảnh thì ảnh phải ghi số tờ khai hải quan, có chữ ký và đóng dấu số hiệu của công chức hải quan và chữ ký của chủ hàng vào mặt sau của ảnh, lưu cùng hồ sơ hải quan;

d) Nội dung lấy mẫu được thể hiện trên tờ khai hải quan điện tử in.

5. Kỹ thuật lấy mẫu thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

6. Nơi lưu mẫu

a) Trung tâm Phân tích, phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (đối với mẫu do Trung tâm phân tích, phân loại tiến hành phân tích);

b) Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử (đối với các trường hợp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử lấy mẫu để giải quyết các nghiệp vụ có liên quan đến mẫu, các trường hợp là hình ảnh thì ngoài việc lưu ảnh giấy, còn được lưu trong Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan);

c) Trụ sở, nơi sản xuất của người khai hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu; hàng tái chế.

7. Thời gian lưu mẫu

a) Mẫu lưu tại Trung tâm Phân tích, phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và/hoặc Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử được lưu trong thời hạn chín mươi ngày tính từ ngày thông quan hàng hóa. Trường hợp có tranh chấp, khiếu nại thì lưu đến khi giải quyết xong tranh chấp, khiếu nại;

b) Mẫu nguyên liệu gia công, hàng tái chế được lưu tại doanh nghiệp cho đến khi cơ quan Hải quan thanh khoản xong hợp đồng gia công.

Mẫu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu được lưu tại doanh nghiệp cho đến khi cơ quan Hải quan thanh khoản xong các tờ khai nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xuất khẩu mà mẫu đó đại diện.

c) Mẫu sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất hàng xuất khẩu được lưu tại doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Điều 15. Đưa hàng hóa về bảo quản

1. Các trường hợp hàng hóa được đưa về bảo quản:

a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải giám định để xác định có được xuất khẩu, nhập khẩu hay không mà chủ hàng có yêu cầu đưa hàng hóa về bảo quản thì cơ quan Hải quan chỉ chấp nhận trong trường hợp đã đáp ứng các điều kiện về giám sát hải quan;

b) Hàng hóa phải thực hiện kiểm dịch theo quy định của pháp luật mà địa điểm kiểm dịch tại khu cách ly kiểm dịch, nhà máy xí nghiệp, kho bảo quản, địa điểm kiểm tra ngoài khu vực cửa khẩu hoặc hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan thì cơ quan Hải quan chỉ chấp nhận cho phép đưa hàng hóa về bảo quản khi người khai hải quan đã thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Trong thời hạn quy định của pháp luật, người khai hải quan phải nộp bổ sung vào hồ sơ hải quan giấy thông báo kết quả về việc kiểm tra, kiểm dịch của cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền.

2. Trách nhiệm của người khai hải quan: bảo quản nguyên trạng hàng hóa tại địa điểm bảo quản.

3. Thẩm quyền quyết định cho phép đưa hàng hóa về bảo quản

a) Cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử quyết định cho phép đưa hàng hóa về bảo quản đối với hàng hóa được miễn kiểm tra hải quan bằng việc quyết định cập nhật tiêu chí rủi ro vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp;

b) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử quyết định hoặc giao cho công chức có thẩm quyền thuộc Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử quyết định cho phép người khai hải quan đưa hàng hóa về bảo quản tại địa điểm của người khai hải quan đối với các trường hợp không thuộc điểm a khoản 3 Điều này. Việc quyết định được thực hiện trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

4. Trách nhiệm của công chức hải quan thuộc Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử

a) Đối với trường hợp hàng hóa thuộc diện “luồng xanh”: khi người khai hải quan có yêu cầu, công chức hải quan căn cứ quyết định đưa hàng hóa về bảo quản trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, ký, đóng dấu công chức vào ô xác nhận đưa hàng hóa về bảo quản trên tờ khai hải quan điện tử in của người khai hải quan;

b) Đối với các trường hợp phân luồng hàng hóa còn lại: sau khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu hồ sơ hải quan điện tử hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định, nếu kết quả phù hợp và được lãnh đạo có thẩm quyền của Chi cục phê duyệt, công chức hải quan căn cứ quyết định đưa hàng hóa về bảo quản trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, ký, đóng dấu công chức vào ô xác nhận đưa hàng hóa về bảo quản trên tờ khai hải quan điện tử in của người khai hải quan.

Điều 16. Giải phóng hàng

1. Hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu nhưng phải xác định giá, trưng cầu giám định, phân tích phân loại để xác định chính xác số thuế phải nộp thì được giải phóng hàng khi đáp ứng một trong trong các điều kiện sau:

a) Chủ hàng đã thực hiện các nghĩa vụ về thuế trên cơ sở kết quả xác định thuế của cơ quan Hải quan, hoặc;

b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được hưởng ân hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế, hoặc;

c) Chưa nộp, nộp chưa đủ số tiền thuế phải nộp theo kết quả xác định thuế của cơ quan Hải quan trong thời hạn quy định mà được tổ chức tín dụng hay tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng đứng ra bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp.

2. Thẩm quyền quyết định cho phép giải phóng hàng

a) Cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử quyết định giải phóng hàng đối với hàng hóa được miễn kiểm tra hải quan bằng việc quyết định cập nhật tiêu chí rủi ro vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp;

b) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử quyết định hoặc giao cho công chức có thẩm quyền thuộc Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử quyết định cho phép giải phóng hàng đối với các trường hợp không thuộc điểm a khoản 2 Điều này. Việc quyết định được thực hiện trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

3. Trách nhiệm của công chức hải quan thuộc Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử

a) Đối với trường hợp hàng hóa thuộc diện “luồng xanh”: khi người khai hải quan có yêu cầu, công chức hải quan căn cứ quyết định giải phóng hàng trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, ký, đóng dấu công chức vào ô xác nhận giải phóng hàng trên tờ khai hải quan điện tử in của người khai hải quan;

b) Đối với các trường hợp phân luồng hàng hóa còn lại: sau khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu hồ sơ hải quan điện tử hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định, nếu kết quả phù hợp và được lãnh đạo có thẩm quyền của Chi cục phê duyệt, công chức hải quan căn cứ quyết định giải phóng hàng trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, ký, đóng dấu công chức vào ô xác nhận giải phóng hàng trên tờ khai hải quan điện tử in của người khai hải quan.

Điều 17. Thông quan hàng hóa

1. Hàng hóa được thông quan sau khi đã làm xong thủ tục hải quan.

2. Hàng hóa chưa làm xong thủ tục hải quan có thể được thông quan nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Thiếu một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan nhưng được cơ quan Hải quan đồng ý cho chậm nộp có thời hạn;

b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được hưởng ân hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế hoặc hàng hóa thuộc diện phải nộp thuế trước khi nhận hàng mà chưa nộp, nộp chưa đủ số tiền thuế phải nộp trong thời hạn quy định nhưng được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế phải nộp.

3. Thẩm quyền quyết định cho phép thông quan hàng hóa

a) Cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử quyết định thông quan đối với hàng hóa được miễn kiểm tra hải quan bằng việc quyết định cập nhật tiêu chí rủi ro vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp;

b) Công chức làm nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ hải quan điện tử, kiểm tra thực tế hàng hóa quyết định thông quan đối với những trường hợp thuộc điểm b khoản 4 Điều này.

4. Trách nhiệm của công chức hải quan thuộc Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử

a) Đối với trường hợp hàng hóa thuộc diện “luồng xanh”: khi người khai hải quan có yêu cầu, công chức hải quan căn cứ quyết định thông quan trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, ký, đóng dấu công chức vào ô xác nhận thông quan trên tờ khai hải quan điện tử in của người khai hải quan;

b) Đối với các trường hợp phân luồng hàng hóa còn lại: sau khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu hồ sơ hải quan điện tử hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định, nếu kết quả phù hợp, công chức hải quan quyết định thông quan trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, ký, đóng dấu công chức vào ô xác nhận thông quan trên tờ khai hải quan điện tử in của người khai hải quan.

Điều 18. Giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện thủ tục hải quan điện tử

1. Nguyên tắc: giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng thủ tục hải quan điện tử thực hiện theo quy định hiện hành về giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Trách nhiệm của người khai hải quan

Khi đưa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào hoặc ra khỏi khu vực giám sát hải quan, người khai hải quan phải thực hiện:

a) Đối với hàng xuất khẩu:

a1) Xuất trình 01 tờ khai hải quan điện tử in có chữ ký, con dấu của người khai hải quan đã được cơ quan Hải quan quyết định trên hệ thống hay xác nhận “Thông quan” tại khu vực giám sát hải quan có kết nối với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc xuất trình 01 tờ khai hải quan điện tử có chữ ký, con dấu của người khai hải quan điện tử đã được cơ quan Hải quan xác nhận “Thông quan” tại khu vực giám sát hải quan chưa kết nối với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; các chứng từ chứng minh hàng hóa đã đưa vào khu vực giám sát hải quan do cơ quan kinh doanh cảng, kho, bãi cấp;

a2) Xuất trình hàng hóa khi cơ quan Hải quan yêu cầu;

a3) Nhận lại 01 tờ khai hải quan điện tử in đã có xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan” và các chứng từ đã xuất trình.

b) Đối với hàng nhập khẩu:

b1) Xuất trình 01 tờ khai hải quan điện tử in có chữ ký, con dấu của người khai hải quan đã được cơ quan Hải quan quyết định trên hệ thống hay xác nhận “Thông quan”/“Giải phóng hàng”/“Đưa hàng hóa về bảo quản”/“Cho phép hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu” tại khu vực giám sát hải quan có kết nối với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc xuất trình 01 tờ khai hải quan điện tử có chữ ký, con dấu của người khai hải quan điện tử đã được cơ quan Hải quan xác nhận “Thông quan”/“Giải phóng hàng”/“Đưa hàng hóa về bảo quản”/“Cho phép hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu” tại khu vực giám sát hải quan chưa kết nối với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; và các chứng từ sau (nếu có): Phiếu giao nhận container/phiếu giao nhận hàng hóa hoặc Phiếu xuất kho, bãi do doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi phát hành;

b2) Xuất trình hàng hóa;

b3) Nhận lại 01 tờ khai hải quan điện tử in đã có xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan” và các chứng từ đã xuất trình.

3. Trách nhiệm hải quan giám sát

a) Thực hiện việc giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định hiện hành;

b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi đưa vào hoặc ra khỏi khu vực giám sát hải quan, công chức hải quan giám sát thực hiện việc kiểm tra như sau:

b1) Kiểm tra hiệu lực của tờ khai hải quan điện tử;

b2) Đối chiếu nội dung tờ khai hải quan điện tử in với tờ khai hải quan điện tử trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tại các khu vực giám sát hải quan đã kết nối với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan làm một trong những cơ sở để xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan”.

Trường hợp khu vực giám sát hải quan chưa được kết nối với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, đối chiếu nội dung tờ khai hải quan điện tử in có xác nhận của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai với hàng hóa làm một trong những cơ sở để xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan”.

c) Xử lý kết quả kiểm tra:

Nếu kết quả kiểm tra phù hợp, công chức hải quan giám sát cập nhật thông tin vào hệ thống và xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan” trên tờ khai hải quan điện tử in; ký tên, đóng dấu công chức; trả lại người khai hải quan.

Trường hợp kết quả kiểm tra không phù hợp thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, Chi cục Hải quan cửa khẩu hướng dẫn người khai hải quan điều chỉnh, bổ sung hoặc xử lý theo quy định hiện hành.

Đối với trường hợp hết thời hạn hiệu lực của tờ khai hải quan điện tử in, Chi cục Hải quan cửa khẩu yêu cầu người khai hải quan đến Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai điện tử để làm thủ tục hủy tờ khai.

Điều 19. Quy định về chuyển cửa khẩu

1. Hàng hóa chuyển cửa khẩu

a) Hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hóa xuất khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa đến cửa khẩu xuất. Riêng hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất (dưới đây viết tắt là DNCX) được chuyển cửa khẩu từ DNCX đến cửa khẩu xuất, đến kho ngoại quan, đến DNCX khác;

b) Hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hóa nhập khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa;

c) Hàng hóa nhập khẩu được chuyển cửa khẩu gồm:

c1) Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình được chuyển cửa khẩu về địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa là chân công trình hoặc kho của công trình;

c2) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện, máy móc, thiết bị, phụ tùng sản xuất được chuyển cửa khẩu về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa là nhà máy, xí nghiệp nơi sản xuất;

c3) Hàng hóa nhập khẩu của nhiều chủ hàng có chung một vận tải đơn được chuyển cửa khẩu về địa điểm kiểm tra tập trung, trạm thu gom hàng lẻ ở nội địa;

c4) Hàng hóa tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm;

c5) Nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất, gia công của doanh nghiệp chế xuất, của doanh nghiệp nhận gia công cho thương nhân nước ngoài và nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan về Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật;

c6) Hàng hóa là thiết bị văn phòng phục vụ cho hoạt động của chính doanh nghiệp (bàn, ghế, tủ và văn phòng phẩm…) nếu được đóng chung container với nguyên liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu, được chuyển cửa khẩu về Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật;

c7) Hàng hóa nhập khẩu có vận đơn ghi cảng đích là cảng nội địa (tiếng Anh là Inland Clearance Depot, viết tắt là ICD):

c7.1) Hàng hóa nhập khẩu có vận đơn ghi cảng đích là cảng nội địa (ICD) không được chuyển cửa khẩu về các địa điểm làm thủ tục hải quan, địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa ngoài cửa khẩu. Trừ các trường hợp có quy định khác của Thủ tướng Chính phủ;

c7.2) Đối với hàng hóa nhập khẩu của DNCX; nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu hoặc thực hiện hợp đồng gia công có vận đơn ghi cảng đích là ICD, doanh nghiệp được làm thủ tục chuyển cửa khẩu từ ICD về Chi cục Hải quan quản lý DNCX, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu, nơi doanh nghiệp thông báo hợp đồng gia công để làm tiếp thủ tục hải quan. Đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra thực tế, nếu doanh nghiệp đề nghị được kiểm tra thực tế ngay tại ICD thì Chi cục Hải quan ICD tiến hành kiểm tra thực hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan quản lý DNCX, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu, nơi doanh nghiệp thông báo hợp đồng gia công.

c8) Hàng hóa nhập khẩu của DNCX được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập, từ kho ngoại quan, từ DNCX khác về DNCX;

c9) Hàng hóa chuyển cửa khẩu khác theo quy định pháp luật.

d) Hàng hóa nhập khẩu được chuyển cửa khẩu quy định tại điểm c1, điểm c2, điểm c3, điểm c4 và điểm c9 khoản 1 Điều này phải thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố quản lý địa điểm hàng hóa chuyển đến nêu cụ thể tại các điểm nêu trên.

2. Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa trong các trường hợp:

a) Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan hoặc đảm bảo việc quản lý hải quan. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quyết định hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa;

b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện được chuyển cửa khẩu nhưng theo quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành phải kiểm tra thực tế tại cửa khẩu nhập;

c) Theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử;

d) Kết quả kiểm tra tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều này được cập nhật vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc thông báo bằng văn bản cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử trong trường hợp không kết nối được với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

3. Đăng ký, quyết định chuyển cửa khẩu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

a) Nội dung đăng ký chuyển cửa khẩu cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện khi khai tờ khai hải quan điện tử để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

b) Quyết định cho phép chuyển cửa khẩu (gồm cả địa điểm, thời gian) hoặc không cho phép được thể hiện tại “Thông báo hướng dẫn làm thủ tục hải quan điện tử” trên hệ thống và được thể hiện trên tờ khai hải quan điện tử in.

4. Giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu

a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa không phải niêm phong hải quan;

b) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan thuộc diện phải kiểm tra thực tế:

b1) Phải được chứa trong công ten nơ, hoặc trong các loại phương tiện vận tải đáp ứng được yêu cầu niêm phong hải quan;

b2) Các lô hàng nhỏ, lẻ nếu không chứa trong công ten nơ hoặc được chứa trong phương tiện vận tải không đáp ứng yêu cầu niêm phong hải quan thì thực hiện niêm phong từng kiện hàng;

b3) Các lô hàng nhập khẩu nhỏ, lẻ thuộc các tờ khai nhập khẩu khác nhau nhưng cùng được đề nghị chuyển cửa khẩu về một địa điểm thì được vận chuyển chung trong một công ten nơ/phương tiện vận tải nếu đáp ứng điều kiện: chủ hàng có văn bản đề nghị và công ten nơ/phương tiện vận tải đáp ứng được yêu cầu niêm phong hải quan;

b4) Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu chứa trong công ten nơ, thùng, kiện hoặc chứa trong phương tiện vận tải không thể niêm phong hải quan thì xử lý như sau:

b4.1) Làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu, hoặc;

b4.2) Hải quan cửa khẩu kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu.

5. Người khai hải quan sử dụng tờ khai hải quan điện tử in đã được cơ quan Hải quan cho phép chuyển cửa khẩu để làm chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường. Người khai hải quan chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa, nguyên niêm phong hải quan, niêm phong hãng vận tải và đi đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu, thời gian như đã đăng ký. Xuất trình và nộp bộ hồ sơ hải quan và hàng hóa chuyển cửa khẩu tại Chi cục Hải quan nơi có hàng chuyển cửa khẩu đến để làm thủ tục theo quy định.

Điều 20. Cơ sở để xác định hàng hóa đã xuất khẩu

1. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường biển (bao gồm cả hàng qua CFS), đường thủy nội địa là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được xác nhận thông quan, xác nhận của hải quan giám sát, vận đơn xếp hàng lên phương tiện vận tải xuất cảnh.

2. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường hàng không, đường sắt là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được xác nhận thông quan, xác nhận của hải quan giám sát, chứng từ vận chuyển xác định hàng đã xếp lên phương tiện vận tải xuất cảnh.

3. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đường sông, cảng chuyển tải, khu chuyển tải, hàng hóa cung ứng cho tàu biển, tàu bay xuất cảnh hoặc hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển cùng với hành khách xuất cảnh qua cửa khẩu hàng không (không có vận đơn) là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được xác nhận thông quan, xác nhận của hải quan giám sát.

4. Đối với hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được xác nhận thông quan, xác nhận của hải quan giám sát.

5. Đối với hàng hóa của DNCX xuất khẩu ra nước ngoài, xuất khẩu đưa vào kho ngoại quan hoặc mua bán, gia công với nội địa, với DNCX khác.

a) Hàng hóa của DNCX xuất khẩu ra nước ngoài, xuất khẩu đưa vào kho ngoại quan thực hiện theo các khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Hàng hóa của DNCX mua bán, gia công với nội địa; hàng hóa của DNCX này mua bán, gia công với DNCX khác cùng hoặc không cùng khu chế xuất:

b1) Trường hợp tại DNCX nơi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không bố trí hải quan giám sát hoặc trường hợp hàng hóa của DNCX này xuất khẩu cho DNCX khác trong cùng khu chế xuất, cơ sở để xác định hàng hóa đã xuất khẩu là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được xác nhận thông quan;

b2) Trường hợp tại DNCX nơi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có bố trí hải quan giám sát, cơ sở để xác định hàng hóa đã xuất khẩu là tờ khai hàng hóa đã được xác nhận thông quan và xác nhận của hải quan giám sát.

6. Đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ là tờ khai xuất khẩu tại chỗ đã được xác nhận thông quan.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Điều 21. Khai hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán được thực hiện như quy định chung về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Chương II Thông tư này.

Điều 22. Hồ sơ hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa

Các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính.

Trường hợp cơ quan Hải quan yêu cầu xuất trình, nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan điện tử hoặc xuất trình, nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan điện tử cùng hàng hóa để kiểm tra trước khi cho phép thông quan hàng hóa thì các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan điện tử nộp/xuất trình cho cơ quan Hải quan phải là chứng từ giấy hoặc chứng từ giấy chuyển đổi từ chứng từ điện tử.

Chương IV

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA GIA CÔNG CHO THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

Điều 23. Quy định chung

1. Chính sách, chế độ quản lý, hồ sơ giấy phải nộp/xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan Hải quan đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài được thực hiện thống nhất theo quy định tại Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là Thông tư số 117/2011/TT-BTC).

2. Thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài được thực hiện theo Thông tư này.

3. Các mẫu chứng từ điện tử in thực hiện theo quy định tại Thông tư số 117/2011/TT-BTC. Riêng tờ khai hải quan điện tử giao gia công chuyển tiếp in (mẫu HQ/2012-TKĐTGGCCT) và tờ khai hải quan điện tử nhận gia công chuyển tiếp in (mẫu HQ/2012-TKĐTNGCCT) được thực hiện theo mẫu quy định tại Thông tư này.

Điều 24. Thủ tục thông báo, sửa đổi hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công

1. Thủ tục thông báo hợp đồng gia công

a) Trách nhiệm của người khai hải quan:

a1) Người khai hải quan tạo thông tin về hợp đồng gia công và các thông tin về danh mục, định mức, giấy phép (nếu có) theo đúng các tiêu chí, định dạng chuẩn theo quy định và gửi đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

a2) Tiếp nhận thông tin phản hồi và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan Hải quan tại mẫu Thông báo gia công:

a2.1) Đối với hợp đồng gia công bị từ chối thì sửa đổi, bổ sung thông tin về hợp đồng gia công theo yêu cầu của cơ quan Hải quan;

a2.2) Đối với hợp đồng gia công được chấp nhận đăng ký trên cơ sở thông tin khai hải quan điện tử thì người khai hải quan căn cứ hợp đồng đã được chấp nhận đăng ký để thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu;

a2.3) Đối với trường hợp cơ quan Hải quan có yêu cầu kiểm tra hồ sơ giấy hoặc kiểm tra cơ sở sản xuất trước khi đăng ký hợp đồng gia công thì người khai hải quan nộp/xuất trình các hồ sơ theo quy định.

b) Nhiệm vụ của cơ quan Hải quan:

b1) Cơ quan Hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký hợp đồng gia công và phản hồi thông tin về kết quả kiểm tra cho người khai hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định việc kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cơ sở sản xuất.

b2) Thời hạn tiếp nhận hợp đồng gia công:

Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài.

2. Thông báo phụ lục hợp đồng gia công

a) Các loại phụ lục hợp đồng gia công khai đến cơ quan Hải quan gồm:

a1) Nhóm phụ lục sửa đổi hợp đồng:

a1.1) Phụ lục sửa thông tin chung (ngoài những thông tin trên các danh mục kèm theo hợp đồng);

a1.2) Phụ lục hủy hợp đồng.

a2) Nhóm phụ lục bổ sung danh mục:

a2.1) Bổ sung danh mục nguyên liệu, vật tư;

a2.2) Bổ sung danh mục sản phẩm xuất khẩu;

a2.3) Bổ sung danh mục thiết bị tạm nhập khẩu để phục vụ gia công;

a2.4) Bổ sung danh mục hàng mẫu nhập khẩu.

a3) Nhóm phụ lục sửa đổi danh mục:

a3.1) Sửa đổi mã hàng (nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; sản phẩm xuất khẩu; thiết bị tạm nhập khẩu; hàng mẫu nhập khẩu);

a3.2) Sửa đổi đơn vị tính (nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; sản phẩm xuất khẩu; thiết bị tạm nhập khẩu; hàng mẫu nhập khẩu).

b) Trách nhiệm của người khai hải quan:

b1) Sau khi thông báo hợp đồng đến trước thời điểm hết hạn hợp đồng gia công, người khai hải quan phải tạo thông tin theo các tiêu chí thông tin quy định tại mẫu Phụ lục hợp đồng và gửi đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

b2) Tiếp nhận thông tin phản hồi từ cơ quan Hải quan;

b3) Nộp/xuất trình các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng gia công khi cơ quan Hải quan yêu cầu.

c) Nhiệm vụ của cơ quan Hải quan: thực hiện như thủ tục đăng ký hợp đồng gia công.

3. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công

a) Sửa đổi, bổ sung trên cơ sở văn bản thỏa thuận của thương nhân với đối tác thuê gia công:

a1) Đối với các thông tin chung của hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công: việc sửa đổi, bổ sung được thực hiện từ khi thông báo hợp đồng/phụ lục hợp đồng đến trước thời điểm hết hạn hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công;

a2) Đối với các thông tin khác thông tin chung của hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công: việc sửa đổi, bổ sung được thực hiện thông qua các phụ lục hợp đồng trước khi làm thủ tục nhập khẩu hoặc xuất khẩu liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung đó;

a3) Trường hợp phát hiện sai sót trong khai báo hợp đồng/phụ lục hợp đồng ngoài thời điểm quy định nêu trên, người khai hải quan được phép sửa đổi nội dung đã khai nếu có cơ sở và được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng chấp nhận;

a4) Thủ tục sửa đổi, bổ sung hợp đồng/phụ lục hợp đồng thực hiện như thủ tục thông báo hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công.

b) Sửa đổi, bổ sung do người khai hải quan nhầm lẫn trong khai báo hoặc phục vụ yêu cầu quản lý của hải quan:

b1) Sau khi thông báo hợp đồng đến trước thời điểm hết hạn hợp đồng gia công, người khai hải quan tạo thông tin và khai theo các tiêu chí thông tin và định dạng chuẩn quy định tại phụ lục hợp đồng gia công;

b2) Người khai hải quan phải xuất trình các chứng từ có liên quan đến nội dung sửa đổi khi cơ quan Hải quan yêu cầu;

b3) Thủ tục sửa đổi, bổ sung thực hiện tương tự thủ tục thông báo phụ lục hợp đồng gia công quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 25. Thủ tục hải quan đối với nguyên liệu, vật tư gia công

1. Đối với nguyên liệu, vật tư gia công do bên thuê gia công cung cấp

a) Thủ tục hải quan khi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư gia công do bên thuê gia công cung cấp từ nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo hợp đồng mua bán quy định tại Chương II và Chương III Thông tư này, nhưng không thực hiện việc kê khai tính thuế;

b) Thủ tục hải quan đối với nguyên liệu, vật tư gia công do bên thuê gia công cung cấp theo hình thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thì thực hiện theo quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 47 Thông tư này;

c) Việc lấy mẫu nguyên liệu, vật tư gia công thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư này.

2. Đối với nguyên liệu, vật tư do bên nhận gia công tự cung ứng cho hợp đồng gia công

a) Đối với trường hợp nguyên liệu, vật tư cung ứng do bên nhận gia công tự sản xuất hoặc mua tại thị trường Việt Nam:

a1) Khi đưa nguyên liệu, vật tư vào cung ứng cho hợp đồng gia công người khai hải quan không phải làm thủ tục hải quan nhưng phải được hai bên thoả thuận về tên gọi, quy cách, số lượng trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công và khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công, người khai hải quan phải khai nguyên vật liệu gia công tự cung ứng theo các tiêu chí thông tin quy định tại mẫu Nguyên vật liệu gia công tự cung ứng;

a2) Đối với nguyên liệu, vật tư tự cung ứng từ nguồn do bên nhận gia công tự sản xuất hoặc mua tại thị trường Việt Nam có thuế xuất khẩu thì khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công, người khai hải quan thực hiện khai, tính thuế xuất khẩu (nếu có) trên phụ lục tờ khai hải quan điển tử xuất khẩu.

b) Đối với nguyên liệu, vật tư do bên nhận gia công trực tiếp mua từ nước ngoài để cung ứng cho hợp đồng gia công: được nhập khẩu theo loại hình nhập gia công tự cung ứng. Thủ tục nhập khẩu thực hiện theo thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo hợp đồng mua bán quy định tại Chương II và Chương III Thông tư này, nhưng không thực hiện việc kê khai tính thuế.

Điều 26. Thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công

Máy móc, thiết bị thuê, mượn để phục vụ gia công theo loại hình tạm nhập-tái xuất thì làm thủ tục hải quan tại cơ quan Hải quan quản lý hợp đồng gia công và thực hiện như hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán quy định tại Chương III Thông tư này.

Điều 27. Thủ tục thông báo, điều chỉnh định mức

1. Thủ tục thông báo định mức

a) Trách nhiệm của người khai hải quan:

a1) Tạo thông tin về định mức theo đúng các tiêu chí và định dạng chuẩn quy định tại mẫu Định mức thực tế của sản phẩm gia công hoặc mẫu Thông tin về định mức thực tế đối với nguyên liệu trực tiếp tham gia vào sản phẩm xuất khẩu được tách ra từ nguyên liệu gốc (nguyên liệu thành phần) và gửi đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

a2) Tiếp nhận thông tin phản hồi và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan Hải quan tại mẫu Thông báo gia công:

a2.1) Đối với định mức được chấp nhận đăng ký trên cơ sở thông tin khai hải quan điện tử thì người khai hải quan căn cứ định mức đã được chấp nhận đăng ký để thực hiện thủ tục xuất khẩu, người khai hải quan chỉ nộp Bảng định mức in để công chức hải quan xác nhận khi người khai hải quan có yêu cầu;

a2.2) Trường hợp cơ quan Hải quan yêu cầu, người khai hải quan nộp/xuất trình hồ sơ để kiểm tra gồm:

a2.2.1) Bảng định mức gia công in theo mẫu Bảng đăng ký định mức: nộp 02 bản chính;

a2.2.2) Bản giải trình về cơ sở, phương pháp tính định mức của mã hàng kèm theo tài liệu thiết kế kỹ thuật của sản phẩm (như sơ đồ cắt đối với hàng may mặc): nộp 01 bản chụp.

a2.3) Trường hợp cơ quan Hải quan yêu cầu phải kiểm tra thực tế định mức thì người khai hải quan:

a2.3.1) Nộp hồ sơ như quy định tại điểm a2.2 khoản 1 Điều này;

a2.3.2) Xuất trình sổ sách, chứng từ có liên quan đến việc xác định định mức của mã sản phẩm doanh nghiệp đã đăng ký;

a2.3.3) Xuất trình sản phẩm để kiểm tra.

b) Nhiệm vụ của cơ quan Hải quan:

b1) Cơ quan Hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký định mức và phản hồi thông tin về kết quả kiểm tra cho người khai hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

b2) Lãnh đạo Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công quyết định việc kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế định mức;

b3) Trường hợp có kiểm tra định mức (gồm kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế định mức), công chức hải quan kiểm tra, đăng ký định mức cập nhật kết quả kiểm tra trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và xác nhận trên Bảng định mức in do người khai hải quan nộp;

b4) Thời hạn tiếp nhận định mức:

b4.1) Trường hợp định mức chưa hợp lệ hoặc chấp nhận định mức trên cơ sở thông tin định mức thì phản hồi thông tin cho người khai hải quan chậm nhất 02 giờ làm việc kể từ khi tiếp nhận;

b4.2) Trường hợp phải kiểm tra hồ sơ giấy: chậm nhất 08 giờ làm việc kể từ khi người khai hải quan nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan Hải quan hoàn thành thủ tục kiểm tra định mức.

Trường hợp một hợp đồng/phụ lục hợp đồng có nhiều mã hàng cần kiểm tra định mức, trong 08 giờ làm việc không thể kiểm tra hết thì được kéo dài sang ngày làm việc tiếp theo nhưng thời gian kéo dài không quá 08 giờ làm việc kể từ khi bắt đầu kiểm tra.

b4.3) Đối với trường hợp kiểm tra thực tế định mức trước khi chấp nhận định mức:

b4.3.1) Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi thương nhân nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan Hải quan tiến hành xong kiểm tra thực tế định mức và hoàn thành việc đăng ký định mức;

b4.3.2) Đối với trường hợp thương nhân có cơ sở sản xuất ở tỉnh, thành phố khác với nơi thông báo định mức thì chậm nhất là 08 ngày làm việc kể từ khi người khai hải quan nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan Hải quan tiến hành xong kiểm tra thực tế định mức và hoàn thành việc đăng ký định mức.

2. Thủ tục điều chỉnh định mức: thực hiện tương tự thủ tục thông báo định mức quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 28. Thủ tục hải quan xuất khẩu sản phẩm gia công ra nước ngoài

1. Thủ tục hải quan xuất khẩu sản phẩm gia công ra nước ngoài thực hiện theo quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng mua bán quy định tại Chương III Thông tư này. Ngoài ra, phải thực hiện thêm:

a) Đối với người khai hải quan:

a1) Tạo thông tin theo các tiêu chí và định dạng quy định tại mẫu Nguyên vật liệu gia công tự cung ứng (mua trong nước hoặc nhập khẩu). Tính thuế xuất khẩu (nếu có) đối với nguyên liệu, vật tư mua tại Việt Nam để cung ứng cho hợp đồng gia công vào phụ lục tờ khai xuất khẩu nếu sản phẩm gia công xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu, vật tư do bên nhận gia công tự cung ứng và gửi đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

a2) Khai thông tin đến cơ quan Hải quan nếu sản phẩm gia công được xuất khẩu cho đối tác thứ ba theo thông báo chỉ định;

a3) Xuất trình mẫu lưu nguyên liệu (đối với trường hợp có lấy mẫu) đối với lô hàng xuất khẩu thuộc diện phải kiểm tra thực tế.

b) Đối với cơ quan Hải quan:

Công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa phải đối chiếu mẫu lưu nguyên liệu, với nguyên liệu cấu thành trên sản phẩm, đối chiếu bản định mức (do cơ quan Hải quan nơi đăng ký định mức xác nhận) với sản phẩm thực tế xuất khẩu.

2. Thủ tục hải quan đối với những lô hàng gia công xuất khẩu chuyển cửa khẩu thực hiện theo thủ tục hải quan đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu quy định tại Điều 19 Thông tư này.   

3. Thủ tục hải quan đối với sản phẩm gia công đã xuất khẩu bị trả lại để sửa chữa, tái chế thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 48 Thông tư này.

Điều 29. Thủ tục giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp

1. Quy định chung

a) Trên cơ sở văn bản chỉ định của các bên thuê gia công, thương nhân giao sản phẩm gia công chuyển tiếp (Bên giao) và thương nhân nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp (Bên nhận) tự tổ chức việc giao, nhận hàng theo quy định tại khoản 2 dưới đây;

b) Thời điểm Bên giao làm thủ tục hải quan giao sản phẩm gia công chuyển tiếp phải nằm trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng gia công giao và không quá 15 ngày kể từ ngày Bên nhận hoàn thành thủ tục hải quan nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp. Thời điểm Bên nhận làm thủ tục hải quan nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp phải nằm trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng gia công nhận và không quá 15 ngày kể từ ngày phát hành hóa đơn ghi trên Hóa đơn giá trị gia tăng hoặc Hóa đơn xuất khẩu của Bên giao. Quá thời hạn làm thủ tục hải quan nêu trên thì lập biên bản vi phạm để xử lý theo quy định và làm tiếp thủ tục hải quan.

2. Thủ tục hải quan

a) Trách nhiệm Bên giao:

a1) Giao sản phẩm và bản chính hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu (nếu có) cho Bên nhận;

a2) Sau khi nhận được tờ khai hải quan điện tử nhận gia công chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục hải quan từ Bên nhận, Bên giao tạo thông tin liên quan đến việc giao hàng gia công chuyển tiếp theo các tiêu chí, định dạng chuẩn của tờ khai giao hàng gia công chuyển tiếp trên Hệ thống khai hải quan điện tử và thực hiện thủ tục hải quan điện tử tương tự như đối với sản phẩm gia công xuất khẩu.

Hồ sơ người khai hải quan phải nộp/xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan Hải quan gồm:

a2.1) Tờ khai hải quan điện tử giao gia công chuyển tiếp bản in, mẫu HQ/2012-TKĐTGGCCT: nộp 02 bản chính;

a2.2) Tờ khai hải quan điện tử nhận gia công chuyển tiếp bản in (nhận từ Bên nhận): nộp 01 bản chính;

a2.3) Văn bản chỉ định giao hàng: nộp 01 bản chụp, xuất trình 01 bản chính;

a2.4) Phiếu xuất kho: nộp 01 bản chụp, xuất trình 01 bản chính.

b) Trách nhiệm Bên nhận:

b1) Nhận sản phẩm và hồ sơ từ Bên giao;

b2) Khai thông tin liên quan việc nhận hàng gia công chuyển tiếp theo các tiêu chí, khuôn dạng chuẩn của tờ khai nhập gia công chuyển tiếp trên Hệ thống khai hải quan điện tử và thực hiện thủ tục hải quan điện tử tương tự như đối với nguyên liệu nhập khẩu do bên thuê gia công cung cấp từ nước ngoài.

Hồ sơ người khai hải quan phải nộp/xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan Hải quan gồm:

b2.1) Tờ khai hải quan điện tử nhận gia công chuyển tiếp bản in mẫu HQ/2012-TKĐTNGCCT: nộp 02 bản chính;

b2.2) Hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu: nộp 01 bản chụp và xuất trình 01 bản chính;

b2.3) Xuất trình mẫu sản phẩm gia công chuyển tiếp;

b2.4) Xuất trình hàng hóa hoặc sổ sách, chứng từ liên quan đến việc nhận hàng.

b3) Sau khi làm xong thủ tục hải quan nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp, Bên nhận chuyển cho Bên giao 01 tờ khai hải quan điện tử nhận gia công chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục hải quan để làm căn cứ thực hiện thủ tục giao sản phẩm. (01 bản chụp trong trường hợp tờ khai có xác nhận thông quan của Hải quan Bên nhận hoặc bản chính có chữ ký, dấu của Bên nhận trong trường hợp tờ khai không có xác nhận thông quan của Hải quan bên nhận).

c) Trách nhiệm Hải quan bên nhận:

c1) Thực hiện thủ tục hải quan như đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu do bên thuê gia công cung cấp từ nước ngoài;

c2) Hải quan bên nhận chỉ kiểm tra thực tế hàng hóa khi có nghi vấn thương nhân giao nhận hàng không đúng như khai trên tờ khai gia công chuyển tiếp; trường hợp thương nhân đã đưa hàng vào sản xuất thì kiểm tra sổ sách chứng từ liên quan đến việc nhận hàng của thương nhân;

c3) Lấy mẫu, niêm phong mẫu hàng theo quy định.

d) Trách nhiệm của Hải quan bên giao:

d1) Thực hiện thủ tục hải quan điện tử như đối với sản phẩm gia công xuất khẩu;

d2) Hải quan bên giao không thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa.

3. Thủ tục giao nhận nguyên phụ liệu, vật tư, máy móc thiết bị thuê mượn trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công sang hợp đồng gia công khác theo chỉ định của đối tác thuê gia công được thực hiện tương tự như thủ tục giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp quy định tại khoản 2 Điều này, nhưng không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình hóa đơn giá trị gia tăng.

Điều 30. Thủ tục hải quan đối với sản phẩm gia công dùng để thanh toán tiền công hoặc tiêu thụ nội địa

1. Thủ tục hải quan thực hiện theo hình thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ được quy định tại Điều 47 Thông tư này.

Đối với trường hợp sản phẩm gia công dùng để thanh toán tiền công thì hợp đồng mua bán thay bằng văn bản thoả thuận giữa bên thuê và bên nhận gia công về việc thanh toán tiền gia công bằng sản phẩm gia công.

2. Trường hợp thương nhân nhận gia công cho thương nhân nước ngoài đồng thời là doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công thì doanh nghiệp này phải làm cả thủ tục xuất khẩu tại chỗ và thủ tục nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công.

Điều 31. Thủ tục thanh khoản hợp đồng gia công

1. Khai và gửi yêu cầu thanh khoản

Thương nhân nhận gia công khai, gửi yêu cầu thanh khoản theo các tiêu chí và định dạng chuẩn quy định tại mẫu Yêu cầu thanh khoản gia công tới Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; trong đó có nội dung về hướng xử lý đối với số nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị tạm nhập; phế liệu, phế phẩm (nếu có).

2. Tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ thanh khoản

Cơ quan Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu thông tin liên quan đến yêu cầu thanh khoản trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

a) Đối với thương nhân đáp ứng các tiêu chí xác định thương nhân chấp hành tốt pháp luật về hải quan để phân loại hồ sơ thanh khoản theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 21 Thông tư số 117/2011/TT-BTC:

a1) Nếu kết quả kiểm tra phù hợp thì phản hồi thông báo chấp nhận kết quả thanh khoản theo mẫu Thông báo gia công cho người khai hải quan;

a2) Nếu kết quả kiểm tra không phù hợp thì yêu cầu thương nhân nộp hồ sơ thanh khoản bản giấy theo quy định để kiểm tra chi tiết; phản hồi thông tin, nêu rõ lý do cho người khai hải quan theo mẫu Thông báo gia công.

b) Đối với thương nhân không đáp ứng các tiêu chí xác định thương nhân chấp hành tốt pháp luật về hải quan để phân loại hồ sơ thanh khoản hoặc thương nhân chấp hành tốt pháp luật về hải quan nhưng có dấu hiệu nghi vấn hoặc đối với trường hợp kiểm tra xác suất 5% hợp đồng gia công của thương nhân chấp hành tốt pháp luật hải quan để đánh giá việc tuân thủ pháp luật của thương nhân thì sau khi kiểm tra, đối chiếu thông tin yêu cầu thanh khoản trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, yêu cầu người khai hải quan nộp hồ sơ thanh khoản theo quy định để kiểm tra chi tiết hồ sơ và phản hồi thông tin, nêu rõ lý do cho người khai hải quan theo mẫu Thông báo gia công.

3. Thời hạn tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ thanh khoản

a) Đối với trường hợp thuộc diện kiểm tra, đối chiếu thông tin liên quan đến yêu cầu thanh khoản trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan:

Chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu thanh khoản của người khai hải quan, công chức hải quan hoàn thành việc kiểm tra, đối chiếu thông tin liên quan đến yêu cầu thanh khoản.

b) Đối với trường hợp thuộc diện kiểm tra, đối chiếu chi tiết hồ sơ thanh khoản do người khai hải quan nộp:

Chậm nhất 30 ngày làm việc kể từ ngày thương nhân nộp hồ sơ thanh khoản đầy đủ, hợp lệ, công chức hải quan hoàn thành việc tiếp nhận, kiểm tra chi tiết, đối chiếu hồ sơ thanh khoản.

4. Thời hạn làm thủ tục hải quan đối với nguyên liệu dư; máy móc, thiết bị tạm nhập; phế liệu, phế phẩm

Chậm nhất 30 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan Hải quan hoàn thành việc kiểm tra, đối chiếu hồ sơ thanh khoản, thương nhân làm thủ tục hải quan để giải quyết số nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị tạm nhập; phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có).

Sau khi hoàn thành giải quyết số nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị tạm nhập; phế liệu, phế phẩm, phế thải, thương nhân phải có văn bản thông báo kèm các chứng từ liên quan gửi đến cơ quan Hải quan để làm cơ sở xác nhận hoàn thành thanh khoản.

5. Xác nhận hoàn thành thủ tục thanh khoản

a) Trường hợp hợp đồng/phụ lục hợp đồng không có nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế thải:

Chậm nhất 01 ngày làm việc sau khi hoàn thành việc kiểm tra, đối chiếu, lãnh đạo Chi cục xác nhận hoàn thành thủ tục thanh khoản trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và xác nhận trên hồ sơ thanh khoản trong trường hợp có kiểm tra hồ sơ thanh khoản.

b) Trường hợp hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công có nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế thải:

Chậm nhất 03 ngày làm việc sau khi nhận được văn bản thông báo đã hoàn thành thủ tục hải quan đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế phẩm, phế thải, lãnh đạo Chi cục xác nhận hoàn thành thủ tục thanh khoản trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và xác nhận trên hồ sơ thanh khoản trong trường hợp có kiểm tra hồ sơ thanh khoản.

Điều 32. Thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm, phế thải, máy móc, thiết bị thuê, mượn

Theo sự thoả thuận trong hợp đồng gia công và quy định của pháp luật, người khai hải quan quyết định phương thức xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê mượn theo các hình thức sau:

1. Bán tại thị trường Việt Nam: thủ tục hải quan thực hiện theo phương thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 47 Thông tư này.

2. Xuất khẩu trả ra nước ngoài: thủ tục hải quan xuất trả nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê mượn ra nước ngoài thực hiện như đối với lô hàng xuất khẩu theo hợp đồng mua bán quy định tại Chương III Thông tư này. Công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa phải đối chiếu nguyên liệu xuất trả với mẫu lưu nguyên liệu lấy khi nhập khẩu; đối chiếu chủng loại, ký mã hiệu của máy móc thiết bị ghi trên tờ khai tạm nhập hoặc tờ khai chuyển tiếp gần nhất với máy móc thiết bị tái xuất.

3. Chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam: thủ tục hải quan chuyển nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị sang hợp đồng gia công khác thực hiện như thủ tục hải quan giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp hướng dẫn tại Điều 29 Thông tư này.

4. Thủ tục hải quan biếu, tặng máy móc, thiết bị thuê, mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm; thủ tục tiêu hủy phế liệu, phế phẩm tại Việt Nam và thủ tục xử lý đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa do thương nhân tự cung ứng bằng hình thức nhập khẩu từ nước ngoài theo loại hình gia công: thực hiện theo quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 và khoản 3 Điều 23 Thông tư 117/2011/TT-BTC.

Chương V

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ NHẬP KHẨU ĐỂ SẢN XUẤT HÀNG HÓA XUẤT KHẨU

Điều 33. Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu; thủ tục hải quan nhập khẩu nguyên liệu, vật tư

1. Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thực hiện theo Điều 30 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính, sản phẩm xuất khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu (dưới đây gọi tắt là SXXK) thực hiện theo Điều 31 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính.

2. Người khai hải quan đăng ký nguyên liệu, vật tư nhập khẩu SXXK theo khoản 2 Điều 32 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính.

a) Thủ tục đăng ký nguyên liệu, vật tư nhập khẩu:

a1) Trách nhiệm của người khai hải quan:

a1.1) Khai đầy đủ các nội dung theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng chuẩn tại Bảng đăng ký nguyên liệu, vật tư nhập khẩu và gửi thông tin đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

a1.2) Nhận phản hồi chấp nhận hoặc từ chối đăng ký và thực hiện sửa đổi, bổ sung thông tin theo hướng dẫn của cơ quan Hải quan.

a2) Trách nhiệm của cơ quan Hải quan:

Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký và phản hồi thông tin cho người khai hải quan trong thời hạn 02 giờ làm việc kể từ lúc nhận được Bảng đăng ký nguyên liệu, vật tư nhập khẩu trên hệ thống.

b) Sửa đổi danh mục nguyên liệu, vật tư:

b1) Việc khai thông tin sửa đổi nguyên liệu, vật tư nhập khẩu được thực hiện trước khi nhập khẩu lô hàng đầu tiên;

b2) Thủ tục sửa đổi nguyên liệu, vật tư nhập khẩu được thực hiện như thủ tục đăng ký nguyên liệu, vật tư.

3. Thủ tục hải quan nhập khẩu nguyên liệu, vật tư

Thủ tục hải quan nhập khẩu nguyên liệu, vật tư theo danh mục nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã đăng ký được thực hiện như thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa theo hợp đồng mua bán, quy định tại Chương III Thông tư này tại cơ quan Hải quan nơi đăng ký danh mục nguyên liệu, vật tư nhập khẩu.

Điều 34. Thủ tục thông báo, điều chỉnh định mức nguyên liệu, vật tư và đăng ký sản phẩm xuất khẩu

1. Việc thông báo, điều chỉnh định mức và đăng ký sản phẩm xuất khẩu thực hiện tại Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư.

2. Thủ tục thông báo, điều chỉnh định mức nguyên liệu, vật tư thực hiện tương tự như hướng dẫn đối với hàng gia công xuất khẩu tại Điều 27 Thông tư này.

3. Thông tin về sản phẩm xuất khẩu trong Bảng thông báo định mức khi người khai hải quan thông báo định mức được tự động cập nhật vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, người khai hải quan không phải đăng ký sản phẩm xuất khẩu.

4. Trường hợp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng tiêu thụ trong nước, sau đó tìm được thị trường xuất khẩu và đưa số nguyên liệu, vật tư này vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu, trước khi xuất khẩu sản phẩm thì người khai hải quan phải đăng ký danh mục nguyên liệu, vật tư và thông báo, điều chỉnh định mức theo quy định.

Điều 35. Thủ tục hải quan xuất khẩu sản phẩm

1. Địa điểm làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính.

2. Thủ tục hải quan xuất khẩu sản phẩm thực hiện như thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa theo hợp đồng mua bán, quy định tại Chương III Thông tư này.

Đối với lô hàng xuất khẩu thuộc diện phải kiểm tra thực tế, người khai hải quan phải xuất trình mẫu lưu trong trường hợp có lấy mẫu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu.

Công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa phải đối chiếu mẫu lưu với nguyên liệu cấu thành trên sản phẩm; đối chiếu định mức nguyên liệu, vật tư với sản phẩm thực tế xuất khẩu. Trường hợp mẫu lưu không phù hợp với sản phẩm xuất khẩu thì công chức hải quan phải lấy mẫu sản phẩm xuất khẩu để trưng cầu giám định. Trong khi chờ kết quả giám định, cơ quan Hải quan tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa.

Khi làm thủ tục hải quan xuất khẩu sản phẩm, nếu người khai hải quan có sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa để sản xuất sản phẩm xuất khẩu và có nhu cầu hoàn thuế đối với lượng nguyên liệu, vật tư này thì phải khai thông tin theo định dạng chuẩn tại Bảng kê nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa.

3. Trường hợp người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu sản phẩm tại Chi cục Hải quan khác Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai nhập nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu hoặc người khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất xuất khẩu khác người khai hải quan xuất khẩu sản phẩm thì trước khi thanh khoản:

a) Người khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, vật tư gửi thông tin các tờ khai này đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

b) Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư cập nhật các tờ khai này vào hệ thống.

Điều 36. Thanh khoản tờ khai nhập khẩu

1. Thủ tục thanh khoản tờ khai nhập khẩu thực hiện tại Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư.

2. Nguyên tắc thanh khoản

a) Tất cả nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu đều phải được thanh khoản;

b) Người khai hải quan lựa chọn những tờ khai nhập khẩu, tờ khai xuất khẩu để đưa vào thanh khoản nhưng phải phù hợp với phương pháp hạch toán hàng tồn kho của doanh nghiệp và đảm bảo nguyên liệu, vật tư nhập khẩu phải có trước sản phẩm xuất khẩu.

Trường hợp nguyên liệu, vật tư thuộc những tờ khai nhập khẩu được chọn đưa vào thanh khoản chưa đưa vào sản xuất hàng xuất khẩu nên chưa thanh khoản được thì người khai hải quan phải khai thông tin nguyên vật liệu chưa đưa vào thanh khoản theo đúng các tiêu chí và định dạng chuẩn quy định tại Bảng kê nguyên liệu chưa đưa vào thanh khoản.

c) Tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu đưa vào thanh khoản phải đảm bảo đã được cơ quan Hải quan quyết định thông quan và có hàng hóa đã thực xuất, thực nhập.

d) Tờ khai nhập khẩu có thể được thanh khoản nhiều lần. Một tờ khai xuất khẩu chỉ được thanh khoản một lần.

Trường hợp sản phẩm xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu của tờ khai nhập khẩu theo hợp đồng mua bán đăng ký tại Chi cục Hải quan khác thì một tờ khai xuất khẩu có thể được thanh khoản từng phần.

3. Hồ sơ thanh khoản điện tử

a) Thông tin chung đề nghị thanh khoản;

b) Danh sách các tờ khai nhập khẩu thanh khoản (bao gồm cả các tờ khai nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa có liên quan);

c) Danh sách các tờ khai xuất khẩu thanh khoản (bao gồm cả các tờ khai xuất theo loại hình gia công, tờ khai theo loại hình tái xuất và các tờ khai xuất khẩu đăng ký ở địa điểm làm thủ tục khác);

d) Các thông tin giải trình chi tiết lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu thuộc các tờ khai nhập khẩu đưa vào thanh khoản sử dụng vào các mục đích dưới đây (nếu có):

d1) Bảng kê nguyên liệu, vật tư nhập khẩu chưa đưa vào thanh khoản (trong trường hợp doanh nghiệp chỉ sử dụng một phần nguyên liệu, vật tư để sản xuất mà không sử dụng toàn bộ nguyên liệu, vật tư trên tờ khai nhập khẩu này, sau đó dùng nguyên liệu, vật tư của tờ khai nhập khẩu tiếp theo để thanh khoản);

d2) Bảng kê nguyên liệu, vật tư xuất khẩu qua sản phẩm theo hợp đồng gia công;

d3) Bảng kê nguyên liệu, vật tư tái xuất;

d4) Bảng kê nguyên liệu, vật tư không xuất khẩu xin nộp thuế vào ngân sách (bao gồm nguyên liệu, vật tư đề nghị chuyển loại hình, tiêu hủy, biếu tặng…).

4. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ thanh khoản

a) Trách nhiệm của người khai hải quan:

a1) Khai đầy đủ các nội dung theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng chuẩn tại hồ sơ thanh khoản điện tử và gửi thông tin đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử;

a2) Nhận phản hồi chấp nhận hoặc từ chối đăng ký và thực hiện sửa đổi, bổ sung thông tin theo hướng dẫn của cơ quan Hải quan.

b) Trách nhiệm của cơ quan Hải quan:

b1) Tiếp nhận hồ sơ thanh khoản điện tử;

b2) Tiến hành kiểm tra, đối chiếu số liệu thanh khoản và phản hồi thông tin kết quả thanh khoản cho người khai hải quan trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu thanh khoản trên hệ thống.

Trường hợp kết quả thanh khoản không được chấp nhận thì công chức hải quan phản hồi thông tin từ chối, nêu rõ lý do hoặc đề xuất tiến hành kiểm tra sau thông quan khi cần thiết.

Trường hợp kết quả thanh khoản được chấp nhận thì người khai hải quan và Chi cục Hải quan làm tiếp thủ tục hoàn thuế, không thu thuế theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều này.

5. Hồ sơ, thủ tục xét hoàn thuế, không thu thuế thực hiện theo Điều 10, Điều 18, Điều 118, Điều 127, Điều 128, Điều 129, Điều 130, Điều 131 và khoản 2 Điều 132 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính.

Riêng các mẫu biểu sau thực hiện theo Thông tư này:

a) Bảng kê các tờ khai xuất khẩu đưa vào thanh khoản: người khai hải quan không phải nộp, sử dụng Danh sách các tờ khai xuất khẩu thanh khoản (quy định tại điểm c khoản 3 Điều này) trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

b) Bảng báo cáo tổng hợp nhập - xuất - tồn nguyên liệu, vật tư: thực hiện theo mẫu số 13 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Báo cáo tổng hợp tính thuế trên nguyên liệu, vật tư nhập khẩu: thực hiện theo mẫu số 14 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Chi cục Hải quan làm thủ tục thanh khoản thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ thanh khoản, hoàn thuế, không thu thuế xử lý hồ sơ thanh khoản, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật (nếu có).

7. Trường hợp hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng không đưa vào sản xuất và xuất khẩu hết, doanh nghiệp đề nghị được chuyển tiêu thụ nội địa thì phải có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục để chuyển tiêu thụ nội địa và thanh khoản trên cơ sở tờ khai nhập khẩu nguyên liệu, không đăng ký tờ khai mới mà chỉ khai và nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế giá trị gia tăng (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có) theo quy định. Thời hạn nộp thuế, phạt chậm nộp thuế thực hiện theo quy định hiện hành.

8. Cơ quan Hải quan khi tiến hành thanh khoản phải đóng dấu “đã thanh khoản” trên bản chính tờ khai xuất khẩu người khai hải quan lưu; đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu có thuế suất bằng 0% thì đóng dấu “đã thanh khoản” lên bản chính tờ khai nhập khẩu người khai hải quan lưu.

Trường hợp thanh khoản từng phần thì phải lập phụ lục ghi rõ nội dung đã thanh khoản (tờ khai nhập khẩu, nguyên vật liệu, tiền thuế…) để làm cơ sở cho việc thanh khoản phần tiếp theo.

Điều 37. Thủ tục đối với trường hợp sản phẩm được bán cho doanh nghiệp khác để trực tiếp xuất khẩu

1. Người khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất sản phẩm xuất khẩu thực hiện thủ tục nhập khẩu, thông báo định mức, thanh khoản theo quy định tại Thông tư này.

2. Người khai hải quan trực tiếp xuất khẩu sản phẩm làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm theo quy định tại Thông tư này. Tờ khai xuất khẩu đăng ký theo loại hình SXXK; trên tờ khai xuất khẩu ghi rõ “sản phẩm được sản xuất từ nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu” và ghi tên doanh nghiệp bán sản phẩm tại phần “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan điện tử.

Chương VI

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CỦA DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT

Điều 38. Nguyên tắc chung

1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất quy định tại Thông tư này được áp dụng cho DNCX trong khu chế xuất và DNCX ngoài khu chế xuất.

2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của DNCX được quản lý theo mục đích sử dụng và nguồn nhập khẩu

a) Quản lý theo mục đích sử dụng:

a1) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của DNCX quản lý theo mục đích sử dụng là sản xuất (bao gồm cả trường hợp DNCX nhận gia công cho nước ngoài, xuất nhập khẩu tại chỗ), đầu tư tạo tài sản cố định, tiêu dùng thì DNCX làm thủ tục hải quan theo quy định tại Chương này và thực hiện báo cáo hàng hoá theo chế độ nhập - xuất - tồn thực tế.

Hàng nhập khẩu đăng ký theo mục đích sử dụng nào thì khi xuất ra cũng phải cân đối theo mục đích sử dụng đó.

Việc quản lý hàng hóa theo mục đích sử dụng là sản xuất, đầu tư, tiêu dùng được DNCX tự xác định và khai báo khi đăng ký danh mục hàng hóa nhập khẩu và danh mục hàng hóa xuất khẩu. DNCX phải khai mục đích sử dụng thống nhất từ khi đăng ký danh mục hàng hóa nhập khẩu, danh mục hàng hóa xuất khẩu, đăng ký tờ khai nhập khẩu, tờ khai xuất khẩu, khai báo nhập kho, khai báo xuất kho cho đến khi thanh khoản.

a2) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của DNCX (bao gồm cả phương tiện chứa hàng hóa theo phương thức quay vòng; hàng hóa là vật liệu xây dựng đưa từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan để xây dựng, sửa chữa và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu phi thuế quan) quản lý theo mục đích sử dụng khác ngoài mục đích quy định tại điểm a1 khoản 2 Điều này thì không thực hiện quản lý theo chế độ nhập - xuất - tồn thực tế quy định tại Chương này, khi xuất khẩu, nhập khẩu DNCX làm thủ tục hải quan và được quản lý theo từng loại hình tương ứng quy định tại các chương khác của Thông tư này, Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010; Thông tư số 11/2012/TT-BTC ngày 04/2/2012 và các văn bản khác có liên quan của Bộ Tài chính.

Trường hợp hàng hoá của DNCX gia công với nội địa, DNCX không làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp nội địa làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công.

b) Quản lý theo nguồn nhập khẩu:

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được phân loại xác định như sau:

b1) Hàng hoá xuất, nhập khẩu với nước ngoài gồm: mua bán, gia công với nước ngoài; mua bán, gia công giữa các DNCX với nhau; xuất nhập với kho ngoại quan;

b2) Hàng hoá xuất, nhập khẩu với nội địa gồm: mua bán, gia công với nội địa.

3. Hàng hóa luân chuyển giữa DNCX và chi nhánh của DNCX trong nội địa không phải làm thủ tục hải quan. Trước khi luân chuyển DNCX phải thông báo cho cơ quan Hải quan nơi quản lý DNCX các nội dung sau: tên hàng hóa luân chuyển, đơn vị tính, số lượng, địa điểm chuyển đi, địa điểm chuyển đến, nguồn nhập khẩu hàng hóa (nếu hàng hóa là nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu phải ghi chi tiết theo tờ khai nhập khẩu), thời gian dự kiến luân chuyển và phải có Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động nội bộ theo đúng quy định tại điểm 2.6 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 153/2010/TT-BTC .

Riêng hàng hóa luân chuyển giữa DNCX và chi nhánh của DNCX trong nội địa để tiêu thụ nội địa (trừ trường hợp luân chuyển hàng hóa nhập khẩu thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối của DNCX đã được thông quan): DNCX và chi nhánh trong nội địa phải làm thủ tục hải quan theo hướng dẫn tại điểm a khoản 4 Điều 42 Thông tư này và thực hiện chính sách thuế theo quy định.

4. Hàng hoá nhập khẩu của DNCX quản lý theo mục đích sử dụng là tiêu dùng, được quản lý như sau:

a) Hàng tiêu dùng để phục vụ cho điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp gồm: văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm (bao gồm cả bảo hộ lao động: quần, áo, mũ, giầy, ủng, găng tay) có nguồn nhập khẩu từ nội địa thì DNCX được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hải quan đối với loại hàng hóa này, nếu nguồn nhập khẩu từ nước ngoài thì DNCX phải làm thủ tục hải quan theo quy định;

b) Hàng tiêu dùng phục vụ nhà xưởng (ví dụ: vải, giấy để lau máy móc, thiết bị; xăng dầu để chạy máy phát điện) hoặc hàng tiêu dùng phục vụ cho hoạt động sản xuất nhưng không xây dựng được theo định mức sản phẩm (ví dụ: Dầu làm sạch khuôn; găng tay bảo hộ lao động; bút lông đánh dấu sản phẩm bị lỗi; màng nhựa để bao bọc kiện hàng chống bụi trong nhà xưởng) thì phải làm thủ tục hải quan theo quy định.

b1) Việc phân định hàng hóa là hàng tiêu dùng phục vụ nhà xưởng, không thoả mãn điều kiện làm tài sản cố định, được căn cứ theo chuẩn mực kế toán Việt Nam;

b2) Việc phân định hàng hóa là hàng tiêu dùng phục vụ cho hoạt động sản xuất nhưng không xây dựng được theo định mức sản phẩm, do doanh nghiệp tự xác định và khai báo khi đăng ký danh mục hàng hóa nhập khẩu.

c) Chế độ khai báo xuất kho, nhập kho đối với hàng hoá tiêu dùng đã làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào DNCX được thực hiện khai báo một tháng một lần.

Định kỳ hàng tháng, từ ngày 01 đến ngày 10 của tháng sau, DNCX phải khai thông tin hàng hoá xuất nhập tiêu dùng của tháng trước đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

c1) Doanh nghiệp khai báo và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo đến cơ quan Hải quan. Cơ quan Hải quan chỉ kiểm tra chứng từ, sổ sách kế toán hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa tồn kho tại doanh nghiệp khi có nghi vấn hoặc theo kế hoạch kiểm tra sau thông quan;

c2) Khi khai báo xuất kho tiêu dùng, doanh nghiệp phải khai thông tin xuất tiêu dùng theo mục đích phục vụ tiêu dùng hoặc tiêu dùng nhưng chuyển mục đích sử dụng sang tồn kho ở trạng thái khác (tài sản cố định, sản xuất).

5. Nội dung thông tin doanh nghiệp khai báo đến cơ quan Hải quan phải phù hợp với nội dung dữ liệu theo dõi thực tế và sổ sách kế toán tại doanh nghiệp, bao gồm:

a) Danh mục hàng hóa nhập khẩu, danh mục hàng hóa xuất khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan phải phù hợp với dữ liệu quản lý hàng hóa tại kho của doanh nghiệp về mã ký hiệu hàng hóa, chủng loại, đơn vị tính;

b) Định mức tiêu hao nguyên vật liệu thông báo với cơ quan Hải quan phải phù hợp với định mức thực tế sản xuất tại doanh nghiệp;

c) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khai trên tờ khai xuất khẩu, tờ khai nhập khẩu phải phù hợp với hàng hóa ghi trên phiếu nhập kho, phiếu xuất kho tại doanh nghiệp về mã ký hiệu hàng hóa, chủng loại, đơn vị tính, số lượng;

d) Hàng hóa tồn kho thực tế DNCX khai báo khi thanh khoản với cơ quan Hải quan phải phù hợp với hàng hóa tồn kho theo sổ sách kế toán tại doanh nghiệp và "Bảng tổng hợp hàng hóa nhập - xuất - tồn" theo dõi tại cơ quan Hải quan trong cùng kỳ báo cáo.

6. Xử lý khi phát sinh sai lệch giữa khai báo trên tờ khai, chứng từ với thực tế nhập kho, xuất kho:

a) Trường hợp trước khi nhập kho, xuất kho và trong thời gian được phép khai sửa đổi, bổ sung hồ sơ hải quan điện tử theo quy định, nếu có sự sai lệch về tên hàng, chủng loại, số lượng, đơn vị tính của hàng hóa giữa thực tế nhập kho, xuất kho với nội dung trên tờ khai, chứng từ doanh nghiệp phải kê khai sửa đổi, bổ sung như khai sửa đổi, bổ sung hồ sơ hải quan;

b) Trường hợp sau khi nhập kho, xuất kho và ngoài thời gian được phép khai sửa đổi, bổ sung hồ sơ hải quan điện tử theo quy định, doanh nghiệp phát hiện sai lệch và khai báo giải trình có cơ sở, cơ quan Hải quan sẽ xem xét chấp nhận đối với từng trường hợp:

b1) Đối với sai lệch về lượng, DNCX khai thông tin giải trình theo đúng tiêu chí và khuôn dạng chuẩn theo mẫu Thông báo giải trình chênh lệch thực tế nhận hàng với khai báo đến cơ quan Hải quan;

b2) Đối với sai lệch về các chỉ tiêu khác, doanh nghiệp kê khai sửa đổi, bổ sung như khai sửa đổi, bổ sung hồ sơ hải quan.

7. Việc kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu của DNCX được dựa trên dữ liệu theo dõi nhập - xuất - tồn trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan Hải quan với báo cáo nhập - xuất - tồn thực tế của doanh nghiệp và cơ sở tờ khai nhập khẩu, tờ khai xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, định mức, chứng từ và sổ sách kế toán liên quan.

Việc giám sát trực tiếp tại cổng ra vào của khu chế xuất, DNCX khi cần thiết theo quyết định của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

8. DNCX được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép để thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối hàng hóa thì thực hiện thủ tục hải quan theo quy định đối với hợp đồng mua bán.

Đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình này, DNCX thực hiện chế độ báo cáo hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong kỳ vào báo cáo xuất - nhập - tồn kho với cơ quan Hải quan quản lý DNCX theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 44 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính.

9. Thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của DNCX thực hiện theo quy định tại các Luật thuế hiện hành.

10. Trước khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử và báo cáo theo chế độ nhập - xuất - tồn thực tế quy định tại Chương này, DNCX tiến hành thanh khoản đối với tài sản, hàng hóa nhập khẩu, xác định hàng hóa còn tồn kho theo sổ sách kế toán của DNCX và gửi báo cáo thanh khoản hàng hoá tồn đến cơ quan hải quan.

- Mẫu báo cáo thanh khoản hàng tồn kho theo sổ sách sử dụng mẫu 10/HSTK-CX (Báo cáo nhập - xuất - tồn nguyên liệu nhập khẩu) ban hành kèm theo Phụ lục VI Thông tư số 194/2010/TT-BTC .

- Mẫu báo cáo hàng tồn kho thực tế theo sổ sách kế toán tại DNCX sử dụng mẫu số 18 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

a) Cơ quan hải quan kiểm tra và xác định số lượng hàng hoá tồn như sau:

a1) Trường hợp số lượng hàng hoá tồn kho theo sổ sách của cơ quan hải quan và số lượng hàng hoá tồn kho thực tế theo sổ sách kế toán của DNCX bằng nhau: lấy số lượng tồn kho theo sổ sách của cơ quan Hải quan làm căn cứ để chuyển tồn đầu kỳ;

a2) Trường hợp số lượng hàng hoá tồn kho theo sổ sách của cơ quan hải quan và số lượng hàng hoá tồn kho thực tế theo sổ sách kế toán của DNCX không bằng nhau: trên cơ sở giải trình của DNCX, công chức hải quan đề xuất xử lý thuế, xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) theo chính sách hiện hành, trình Chi cục trưởng phê duyệt và thông báo cho DNCX biết kết quả xử lý. Sau khi xử lý xong, lấy số lượng hàng hoá tồn kho theo thực tế sổ sách kế toán của DNCX làm căn cứ để chuyển tồn đầu kỳ.

b) Sau khi có kết quả xử lý của cơ quan Hải quan về số lượng hàng hoá tồn cuối kỳ, DNCX tự chuyển đổi hàng hoá tồn này sang theo danh mục hàng hoá mới đã được chuẩn hoá phù hợp với quản lý kho của DNCX và khai thông tin hàng hoá tồn theo danh mục hàng hoá mới đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo mẫu Thông tin báo cáo hàng tồn kho của DNCX.

 Nội dung thông tin hàng hoá tồn đã được chuẩn hoá do doanh nghiệp khai báo đến cơ quan Hải quan phải phù hợp với nội dung dữ liệu theo dõi thực tế và sổ sách kế toán tại doanh nghiệp như hướng dẫn nêu tại khoản 5 Điều này.

c) Cơ quan Hải quan tiếp nhận thông tin cập nhật vào hệ thống xử lý dữ liệu điện tử để theo dõi hàng hóa tồn đầu kỳ theo từng mục đích sử dụng và từng nguồn nhập khẩu.

11. Việc xử lý đối với tài sản, hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu khi doanh nghiệp chuyển đổi từ DNCX thành doanh nghiệp không hưởng chế độ chế xuất và ngược lại được thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 45 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính.

Điều 39. Địa điểm làm thủ tục hải quan

1. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: thủ tục hải quan làm tại Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX.

2. Đối với hàng hóa gia công giữa DNCX với doanh nghiệp nội địa: doanh nghiệp nội địa làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX hoặc Chi cục Hải quan nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp nội địa.

3. Đối với hàng hóa gia công giữa hai DNCX: doanh nghiệp nhận gia công làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX nhận gia công.

Điều 40. Đăng ký, sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu

1. Việc đăng ký danh mục hàng hoá được phân loại như sau:

a) Đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu quản lý theo mục đích sử dụng là sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, DNCX phải đăng ký danh mục hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu quản lý theo mục đích sử dụng khác, DNCX thực hiện đăng ký danh mục theo từng loại hình tương ứng (nếu có).

2. Thời điểm đăng ký, sửa đổi bổ sung

a) Thời điểm đăng ký danh mục:

a1) Đối với hàng hóa nhập khẩu: đăng ký danh mục trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên;

a2) Đối với hàng hóa xuất khẩu:

a2.1) Nếu hàng hóa là sản phẩm do DNCX sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu, thì phải đăng ký danh mục trước khi làm thủ tục thông báo định mức;

a2.2) Nếu hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa nhập khẩu ban đầu, thì không phải đăng ký danh mục hàng hóa xuất khẩu, DNCX dùng danh mục hàng hóa nhập khẩu ban đầu đã đăng ký với cơ quan Hải quan để khai báo khi xuất khẩu.

b) Thời điểm sửa đổi, bổ sung danh mục:

b1) Sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa nhập khẩu:

b1.1) Trường hợp hàng hóa là nguyên liệu, vật tư cho sản phẩm xuất khẩu: người khai hải quan được sửa đổi tất cả các thông tin danh mục hàng hóa nhập khẩu trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên hoặc trước khi thông báo định mức tùy theo thời điểm nào có trước;

b1.2) Trường hợp hàng hóa không phải là nguyên liệu, vật tư cho sản phẩm xuất khẩu: người khai hải quan được sửa đổi tất cả các thông tin danh mục hàng hóa nhập khẩu trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên.

b2) Sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa xuất khẩu:

b2.1) Nếu hàng hóa là sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu thì người khai hải quan được sửa đổi trước khi làm thủ tục thông báo định mức;

b2.2) Nếu hàng hóa không phải là sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu thì người khai hải quan được quyền sửa đổi trước khi làm thủ tục xuất khẩu.

c) Trường hợp phát hiện sai sót trong khai báo các loại danh mục ngoài thời điểm quy định ở điểm b khoản 2 Điều này, người khai hải quan được phép sửa đổi nội dung đã khai nếu có lý do hợp lý và được Chi cục trưởng chấp nhận nhưng không được phép sửa đổi mã hàng hóa và đơn vị tính hàng hóa.

3. Thủ tục đăng ký, sửa đổi bổ sung

a) Người khai hải quan tạo thông tin khai về các danh mục theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng chuẩn về tên gọi hàng hóa, mã HS, mã hàng hóa, đơn vị tính, mục đích sử dụng, thông báo theo hệ thống danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành và phải khai thống nhất từ khi nhập hàng vào doanh nghiệp chế xuất cho đến khi DNCX chấm dứt hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Người khai hải quan tạo thông tin khai về các danh mục theo mẫu Bảng danh mục hàng hóa nhập khẩu vào DNCX và Bảng danh mục hàng hóa xuất khẩu ra khỏi DNCX.

Việc đăng ký, tiếp nhận thông tin phản hồi của DNCX thực hiện như quy định tại Điều 33 Thông tư này.

b) Việc kiểm tra tiếp nhận các nội dung tại danh mục của cơ quan Hải quan thực hiện như quy định tại Điều 33 Thông tư này.

Điều 41. Thông báo, điều chỉnh định mức, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, vật tư cho sản phẩm xuất khẩu

1. Hàng hóa xuất khẩu là sản phẩm, phế phẩm (nếu có) được sản xuất từ nguyên vật liệu nhập khẩu có mục đích sử dụng là sản xuất thì phải thông báo định mức trước khi xuất khẩu, trường hợp tái xuất nguyên liệu thì không phải khai định mức.

2. DNCX khai thông tin về định mức theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng chuẩn quy định tại mẫu Thông tin về định mức thực tế đối với sản phẩm xuất khẩu ra khỏi doanh nghiệp chế xuất hoặc mẫu Thông tin về định mức thực tế đối với nguyên liệu trực tiếp tham gia vào sản phẩm xuất khẩu được tách ra từ nguyên liệu gốc (nguyên liệu thành phần).

3. Trình tự các bước áp dụng như thủ tục thông báo, điều chỉnh định mức hàng hóa gia công quy định tại thông tư này. Các định nghĩa về định mức nguyên liệu, vật tư tiêu hao, tỷ lệ hao hụt; chính sách, chế độ quản lý thực hiện như quy định tại Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 của Bộ Tài chính.

Điều 42. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu của DNCX

1. Đối với hàng hóa DNCX nhập khẩu từ nước ngoài, từ kho ngoại quan, từ DNCX khác

a) Hàng hoá nhập khẩu quản lý theo mục đích sử dụng là sản xuất (bao gồm cả trường hợp DNCX nhận gia công cho nước ngoài; nhập khẩu tại chỗ), đầu tư, tiêu dùng, DNCX làm thủ tục nhập khẩu như thủ tục hải quan đối với hợp đồng mua bán (trừ việc kê khai thuế) quy định tại Thông tư này.

Trường hợp hàng hoá nhập khẩu quản lý theo mục đích sử dụng là đầu tư, trong hồ sơ hải quan điện tử phải kèm công văn (bản giấy hoặc bản scan) đề nghị nhập khẩu hàng hóa tạo tài sản cố định của DNCX và danh mục hàng hóa (chi tiết tên hàng, số lượng hàng, đơn vị tính, mã HS, quy cách chủng loại, trị giá hàng nhập khẩu của lô hàng, tổng vốn đầu tư tạo tài sản cố định đã đăng ký và tổng vốn đầu tư tạo tài sản cố định còn lại trước khi nhập khẩu lô hàng này).

b) Trường hợp hàng hóa mua, bán giữa các DNCX với nhau quản lý theo mục đích sử dụng là sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, các DNCX làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu như thủ tục hải quan đối với hợp đồng mua bán (trừ việc kê khai thuế) quy định tại Thông tư này. Các DNCX thực hiện các bước và thời hạn làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Thông tư này (trừ quy định về điều kiện xuất nhập khẩu tại chỗ);

c) Trường hợp hàng hoá nhập khẩu theo mục đích là mua bán (quyền nhập khẩu), DNCX làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài theo hợp đồng mua bán (kê khai tính thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có)).

2. Đối với hàng hóa DNCX nhập khẩu từ nội địa theo hình thức mua bán

a) Trường hợp hàng hoá nhập khẩu từ nội địa quản lý theo mục đích sử dụng là sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, DNCX làm thủ tục nhập khẩu theo điểm a khoản 1 Điều này (bao gồm cả mặt hàng xăng dầu DNCX mua từ thương nhân có giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc mua từ nội địa);

b) Trường hợp hàng hoá nhập khẩu từ nội địa quản lý theo mục đích sử dụng khác (trừ hàng hoá nhập khẩu theo điểm c khoản 2 Điều này), DNCX làm thủ tục nhập khẩu theo loại hình tương ứng;

c) Trường hợp hàng hoá nhập khẩu từ nội địa quản lý theo mục đích sử dụng là mua bán (thực hiện quyền xuất khẩu), DNCX làm thủ tục hải quan nhập khẩu như thủ tục hải quan đối với hợp đồng mua bán (trừ việc kê khai thuế) quy định tại Thông tư này.

Doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa thực hiện các bước và thời hạn làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Thông tư này (trừ quy định về điều kiện xuất nhập khẩu tại chỗ).

3. Đối với hàng hóa của DNCX xuất khẩu ra nước ngoài, xuất vào kho ngoại quan, xuất sang DNCX khác

a) Đối với hàng hoá xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu tại chỗ) có nguồn nhập khẩu quản lý theo mục đích sử dụng là sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, DNCX làm thủ tục xuất khẩu như thủ tục hải quan đối với hợp đồng mua bán (trừ việc kê khai thuế) quy định tại Thông tư này.

Trường hợp hàng hóa mua, bán giữa các DNCX với nhau quản lý theo mục đích sử dụng là sản xuất, đầu tư, tiêu dùng thực hiện theo quy định tại điểm này, DNCX mua làm thủ tục nhập khẩu và DNCX bán làm thủ tục xuất khẩu như thủ tục hải quan đối với hợp đồng mua bán (trừ việc kê khai thuế) quy định tại Thông tư này. Các DNCX thực hiện các bước và thời hạn làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Thông tư này (trừ quy định về điều kiện xuất nhập khẩu tại chỗ).

b) Trường hợp hàng hoá xuất khẩu theo mục đích là mua bán (quyền xuất khẩu), DNCX làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài theo hợp đồng mua bán (kê khai tính thuế xuất khẩu (nếu có)).

4. Đối với hàng hóa của DNCX bán vào nội địa, hàng hóa xuất dùng sửa chữa sản phẩm tái nhập, hàng hoá mua từ doanh nghiệp nội địa nhưng không đạt yêu cầu trả lại nội địa để sửa chữa tái nhập và hàng hoá xuất khẩu khác (trừ trường hợp xuất khẩu ra nước ngoài):

a) Đối với sản phẩm, phế liệu, phế phẩm (trong đó phế liệu, phế phẩm chưa được xây dựng trong định mức) được phép bán vào thị trường nội địa, có nguồn nhập khẩu quản lý theo mục đích sử dụng là sản xuất: DNCX làm thủ tục xuất khẩu theo điểm a khoản 3 Điều này. Doanh nghiệp nội địa làm thủ tục hải quan theo loại hình tương ứng.

Doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa thực hiện các bước và thời hạn làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Thông tư này (trừ quy định về điều kiện xuất nhập khẩu tại chỗ).

b) Đối với phế liệu, phế phẩm (nằm trong tỷ lệ hao hụt) có nguồn nhập khẩu quản lý theo mục đích sử dụng là sản xuất được phép bán vào thị trường nội địa: DNCX không làm thủ tục xuất khẩu. Doanh nghiệp nội địa làm thủ tục hải quan theo từng loại hình tương ứng.

Thời hạn doanh nghiệp nội địa phải làm thủ tục hải quan chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày DNCX xuất hoá đơn bán hàng.

c) Đối với hàng hoá xuất thanh lý từ nguồn nhập khẩu quản lý theo mục đích sử dụng là đầu tư, tiêu dùng, DNCX khai thông tin thanh lý hàng hóa theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng quy định theo mẫu Thông tin chứng từ thanh lý TSCĐ. Doanh nghiệp nội địa làm thủ tục nhập khẩu theo loại hình tương ứng.

Thời hạn khai thông tin thay đổi mục đích sử dụng theo khoản 8 và khoản 9 Điều 10 Thông tư 194/2010/TT-BTC .

Doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa thực hiện các bước làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Thông tư này (trừ quy định về điều kiện xuất nhập khẩu tại chỗ).

d) Đối với hàng hoá xuất dùng để sửa chữa sản phẩm tái nhập và hàng hóa xuất khẩu khác từ nguồn nhập khẩu quản lý theo mục đích sử dụng là sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, DNCX khai thông tin theo mẫu Thông báo xuất kho.

Định kỳ hàng tháng, từ ngày 01 đến ngày 10 của tháng sau, DNCX phải khai thông tin hàng hoá xuất kho của tháng trước đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

đ) Đối với hàng hoá được nhập khẩu từ nước ngoài để thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối, sau đó xuất bán vào nội địa, xuất bán cho DNCX khác:

đ1) Trường hợp xuất bán cho các doanh nghiệp nội địa, DNCX làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài theo hợp đồng mua bán (không kê khai tính thuế xuất khẩu). Doanh nghiệp nội địa làm thủ tục hải quan theo loại hình tương ứng;

đ2) Trường hợp bán lại hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế cho DNCX khác, DNCX bán hàng làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài theo hợp đồng mua bán (không kê khai tính thuế xuất khẩu). DNCX mua hàng làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài theo hợp đồng mua bán (kê khai và nộp thuế theo quy định).

Doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa hoặc DNCX khác thực hiện các bước và thời hạn làm thủ tục hải quan như thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Thông tư này (trừ quy định về điều kiện xuất nhập khẩu tại chỗ).

e) Trường hợp hàng hoá mua từ doanh nghiệp nội địa nhưng không đạt yêu cầu trả lại nội địa để sửa chữa tái nhập, DNCX không mở tờ khai (trừ trường hợp hàng hoá trả lại cho doanh nghiệp nội địa nhưng sau đó không tái nhập trở lại DNCX, DNCX phải khai thông tin theo mẫu Thông báo xuất kho như hướng dẫn tại điểm d khoản 4 Điều này), doanh nghiệp nội địa mở tờ khai tái nhập theo loại hình tương ứng.

Thời hạn doanh nghiệp nội địa phải làm thủ tục hải quan tái nhập chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày DNCX giao hàng.

5. Hàng hóa gia công (trừ gia công cho nước ngoài)

a) Đối với hàng hóa do DNCX thuê doanh nghiệp nội địa gia công: doanh nghiệp nội địa làm thủ tục hải quan theo quy định về gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài. DNCX không làm thủ tục hải quan;

b) Đối với hàng hóa do DNCX nhận gia công cho doanh nghiệp nội địa: doanh nghiệp nội địa làm thủ tục hải quan theo quy định về đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài theo Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 của Bộ Tài chính. DNCX không làm thủ tục hải quan.

Riêng trường hợp DNCX có cung ứng nguyên vật liệu, DNCX khai thông tin cung ứng nguyên vật liệu cung ứng theo đúng khuôn dạng tại mẫu Thông báo xuất kho. Định kỳ hàng tháng, từ ngày 01 đến ngày 10 của tháng sau, DNCX phải khai thông tin hàng hoá xuất cung ứng của tháng trước đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

c) Hàng hóa gia công giữa các DNCX với nhau thì DNCX nhận gia công làm thủ tục hải quan theo quy định đối với hàng gia công cho thương nhân nước ngoài.

6. Đối với hàng hóa của DNCX xuất vào nội địa để sửa chữa

a) Trước khi mang hàng hóa ra bên ngoài để sửa chữa, DNCX khai thông tin xuất sửa chữa đến hệ thống hải quan theo đúng khuôn dạng tại mẫu Thông báo xuất kho, trong đó có nội dung: lý do, thời gian sửa chữa. DNCX không phải đăng ký tờ khai hải quan;

b) Khi nhập lại hàng hóa, DNCX khai thông tin nhập hàng sửa chữa đến hệ thống hải quan theo đúng khuôn dạng tại mẫu Thông báo nhập kho;

c) Quá thời hạn đăng ký sửa chữa mà DNCX không đưa hàng trở lại, nếu DNCX có văn bản giải trình lý do hợp lý, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý DNCX xem xét gia hạn 01 lần theo thời hạn thoả thuận sửa chữa giữa các doanh nghiệp. Trường hợp không có lý do hợp lý thì xử lý theo hướng dẫn đối với hàng chuyển đổi mục đích sử dụng.

7. Thủ tục khai báo đối với hàng hoá xuất kho có nguồn nhập khẩu quản lý theo mục đích sử dụng là tiêu dùng

a) Đối với hàng hoá xuất kho theo mục đích xuất tiêu dùng:

a1) DNCX khai thông tin Phiếu xuất kho theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng quy định theo mẫu Thông báo xuất kho, gửi đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

a2) Cơ quan Hải quan tiếp nhận thông tin do doanh nghiệp khai đến để làm cơ sở theo dõi nhập - xuất - tồn đối với loại hàng hoá này.

b) Đối với hàng hoá xuất kho theo mục đích xuất tiêu dùng nhưng đã thay đổi sang mục đích khác (sản xuất, đầu tư):

Ví dụ: DNCX nhập khẩu thép để làm kệ đựng sản phẩm (tiêu dùng), nhưng sau đó lại dùng số thép nhập khẩu này để sản xuất ra khuôn (đầu tư tài sản cố định) hoặc dùng thép để sản xuất sản phẩm (sản xuất).

Khi xuất kho hàng hóa, DNCX khai báo thông tin xuất kho hàng hóa nhập khẩu ban đầu đến cơ quan Hải quan theo điểm a khoản 7 Điều này; đồng thời khai báo thông tin nhập kho đối với hàng hoá mới được hình thành từ việc chuyển đổi hàng hoá nhập khẩu ban đầu theo mẫu Thông báo nhập kho, để cơ quan Hải quan tiếp tục theo dõi nhập khẩu đối với hàng hoá mới này.

Định kỳ hàng tháng, từ ngày 01 đến ngày 10 của tháng sau, DNCX phải khai thông tin hàng hoá xuất nhập của tháng trước đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

8. Thủ tục tiêu hủy đối với hàng hóa tại DNCX

a) Trách nhiệm của DNCX:

a1) Trước khi tiến hành tiêu hủy hàng hóa, DNCX phải khai thông tin về việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, sản phẩm, phế liệu, phế phẩm (trừ phế liệu đã tính trong định mức, tỷ lệ hao hụt), máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, hàng hoá tiêu dùng cho cơ quan Hải quan, kèm văn bản cho phép tiêu hủy tại Việt Nam của Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng quy định theo mẫu Thông tin tiêu hủy nguyên vật liệu, sản phẩm, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, hàng hoá khác;

a2) Trường hợp hàng hóa tiêu hủy là sản phẩm, phế phẩm, trước khi tiêu hủy, DNCX phải khai thông báo định mức của sản phẩm, phế phẩm như thủ tục thông báo, điều chỉnh định mức hàng hóa gia công quy định tại Thông tư này;

a3) Đối với sản phẩm, phế phẩm sau quá trình tiêu hủy được xử lý như sau:

a3.1) Nếu còn giá trị thương mại và bán vào nội địa: doanh nghiệp nội địa làm thủ tục như thủ tục hải quan đối với hợp đồng mua bán quy định tại Thông tư này. DNCX không làm thủ tục hải quan.

Thời hạn doanh nghiệp nội địa phải làm thủ tục hải quan chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày DNCX xuất hoá đơn bán hàng.

a3.2) Nếu không còn giá trị thương mại và đưa ra bên ngoài xử lý: DNCX thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 9 Điều này.

b) Trách nhiệm Chi cục Hải quan quản lý DNCX:

b1) Tiếp nhận, kiểm tra, phản hồi thông tin của DNCX về việc đề nghị giám sát tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, sản phẩm, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, hàng hoá khác;

b2) Tiến hành giám sát việc tiêu hủy theo quy định.

c) Sau khi kết thúc việc tiêu hủy hàng hóa, các bên phải có biên bản giám sát việc tiêu hủy. Biên bản này phải có chữ ký của giám đốc DNCX (hoặc người được ủy quyền), dấu của DNCX, chữ ký của công chức Hải quan giám sát và các bên có liên quan giám sát việc tiêu hủy.

9. Thủ tục giám sát hải quan đối với trường hợp phế liệu nằm trong tỷ lệ hao hụt, chất thải thu hồi trong quá trình sản xuất của DNCX đưa đi tiêu hủy tại địa điểm ngoài DNCX (dưới đây gọi chung là chất thải)

a) Việc vận chuyển và tiêu hủy chất thải phải thực hiện theo đúng quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường và các văn bản hướng dẫn liên quan;

b) Cơ quan Hải quan không thực hiện niêm phong hải quan đối với phương tiện chứa chất thải khi vận chuyển chất thải đến địa điểm khác ngoài khu chế xuất, DNCX để xử lý;

c) Trước khi bàn giao chất thải cho người vận chuyển, DNCX (chủ phát sinh nguồn thải) thông báo với Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX biết thời gian bàn giao để Hải quan cử công chức đến làm nhiệm vụ kiểm tra giám sát;

d) Việc kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan đối với chất thải đưa đi tiêu hủy thực hiện như sau:

d1) Khi nhận được thông báo bằng văn bản của doanh nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX cử công chức đến doanh nghiệp để làm nhiệm vụ kiểm tra giám sát;

d2) Công chức hải quan được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thực hiện:

d2.1) Kiểm tra giấy phép, hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải;

d2.1.1) Đối với chất thải nguy hại:

- Kiểm tra Giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại và Giấy phép hành nghề vận chuyển chất thải nguy hại của doanh nghiệp xử lý: giấy phép phải còn hiệu lực, chất thải của DNCX đưa đi xử lý phải phù hợp với chất thải được phép vận chuyển, xử lý ghi trong giấy phép;

- Kiểm tra sự phù hợp giữa hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải với hồ sơ, chứng từ, phương tiện vận chuyển, giấy phép có liên quan.

d2.1.2) Đối với chất thải thông thường:

- Kiểm tra giấy phép kinh doanh của đơn vị xử lý chất thải về ngành nghề xử lý chất thải liên quan;

- Kiểm tra sự phù hợp giữa hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải với hồ sơ, chứng từ, giấy phép có liên quan.

d2.2) Kiểm tra chất thải của DNCX trước khi bàn giao cho người vận chuyển (chất thải để bàn giao phải không lẫn phế liệu chưa tính trong tỷ lệ hao hụt của định mức sản phẩm, phế phẩm còn sử dụng được và các hàng hóa khác);

d2.3) Thực hiện giám sát đưa chất thải vào phương tiện vận chuyển chất thải giám sát việc vận chuyển chất thải ra khỏi ranh giới khu chế xuất, DNCX;

d2.4) Lập biên bản kiểm tra, giám sát có xác nhận của DNCX, người vận chuyển chất thải (biên bản ghi rõ thời gian kiểm tra, giám sát; công chức Hải quan kiểm tra, giám sát; tên DNCX có chất thải, người đại diện DNCX thực hiện bàn giao chất thải; doanh nghiệp ký hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải, người vận chuyển chất thải, số hiệu phương tiện vận chuyển chất thải; tên chất thải, những nội dung đã kiểm tra, giám sát); biên bản lập thành 03 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

đ) Khi nhận được chứng từ chất thải nguy hại từ chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại, DNCX (chủ nguồn thải) chụp liên số 4 chứng từ chất thải nguy hại gửi cho Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX. Khi kiểm tra chi tiết hồ sơ thanh khoản hoặc đột xuất Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX kiểm tra sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chứng từ chất thải nguy hại lưu tại DNCX.

Điều 43. Thủ tục thanh lý hàng hóa

Các hình thức thanh lý, hàng hóa thuộc diện thanh lý, điều kiện thanh lý, hồ sơ thanh lý, hàng hóa nhập khẩu vào của DNCX thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04/04/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương).

1. Thủ tục thanh lý

a) Thanh lý theo hình thức xuất khẩu: thủ tục thực hiện như quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 Thông tư này;

b) Thanh lý theo hình thức nhượng bán tại thị trường Việt Nam: thủ tục thực hiện như quy định tại điểm a và điểm c khoản 4 Điều 42 Thông tư này;

c) Thanh lý theo hình thức cho, biếu, tặng tại Việt Nam: thủ tục thực hiện như quy định tại điểm d khoản 4 Điều 42 Thông tư này;

d) Thanh lý theo hình thức tiêu huỷ: thủ tục tiêu huỷ thực hiện như quy định tại khoản 8 Điều 42 Thông tư này.

2. Khi khai báo trên tờ khai xuất khẩu hoặc Thông tin chứng từ thanh lý TSCĐ hoặc Thông báo xuất kho đến cơ quan Hải quan, DNCX khai rõ nguồn nhập khẩu của hàng hóa thanh lý, xuất khẩu thống nhất với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã đăng ký với cơ quan Hải quan.

Điều 44. Chế độ báo cáo và kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu của DNCX và kiểm tra sổ sách hàng hoá tồn kho

1. Quy định chung

Báo cáo hàng hóa tồn kho theo quý hoặc theo năm được lập theo từng mục đích sử dụng khi nhập khẩu vào doanh nghiệp chế xuất.

2. Điều kiện áp dụng chế độ báo cáo và thời hạn báo cáo

a) Đối với DNCX đáp ứng các điều kiện sau đây thì được áp dụng chế độ báo cáo nhập - xuất - tồn thực tế theo năm dương lịch. Các điều kiện bao gồm:

a1) Doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế liên tục trong thời hạn 36 tháng tính đến thời điểm xem xét.

Cơ quan Hải quan căn cứ vào quá trình quản lý doanh nghiệp để xem xét.

a2) Doanh nghiệp có hệ thống công nghệ thông tin để quản lý toàn bộ dữ liệu về hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, giao nhận hàng hoá đáp ứng các yêu cầu quản lý theo dõi hàng hoá nhập - xuất - tồn thực tế.

Doanh nghiệp nộp tài liệu hướng dẫn sử dụng chương trình.

a3) Xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận quản lý kho với bộ phận làm thủ tục xuất nhập khẩu để kịp thời khai báo bổ sung với cơ quan Hải quan trong trường hợp có sự không phù hợp giữa thông tin khai báo với thực tế xuất nhập kho hàng hóa, với định mức thực tế.

Doanh nghiệp nộp quy chế phối hợp giữa bộ phận quản lý kho với bộ phận làm thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

a4) Chấp hành yêu cầu kiểm tra, thẩm định sự tuân thủ định kỳ theo kế hoạch có thông báo trước hoặc yêu cầu kiểm tra đột xuất của cơ quan Hải quan.

Cơ quan Hải quan căn cứ vào quá trình quản lý doanh nghiệp để xác định.

b) Đối với DNCX chưa đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, phải thực hiện chế độ báo cáo nhập - xuất - tồn thực tế hàng quý và cuối mỗi năm.

Thời hạn báo cáo chậm nhất vào ngày 15 của tháng đầu quý sau đối với báo cáo quý và chậm nhất vào ngày cuối quý I năm sau đối với báo cáo năm.

3. Thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng chế độ báo cáo

a) Trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của DNCX và nộp các chứng từ nêu tại điểm a khoản 2 Điều này tại Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX, chậm nhất trong thời hạn 05 ngày, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX xem xét, quyết định và thông báo bằng văn bản đến DNCX biết. Thời điểm áp dụng chế độ báo cáo theo năm được áp dụng ngay trong năm doanh nghiệp đề nghị và thoả mãn các điều kiện quy định.

b) Trong quá trình hoạt động, nếu DNCX không đáp ứng được một trong các điều kiện theo điểm a khoản 2 Điều này, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi quản lý doanh nghiệp chế xuất sẽ quyết định đình chỉ việc áp dụng thời hạn báo cáo theo năm và chuyển sang thời hạn báo cáo theo quý. DNCX phải thực hiện việc báo cáo từ thời điểm kết thúc của kỳ báo cáo trước đến quý của tháng bị đình chỉ.

Ví dụ: thời gian quyết định đình chỉ việc áp dụng thời hạn báo cáo theo năm là tháng 4, thì DNCX phải thực hiện chế độ báo cáo theo quý là quý II. Số liệu báo cáo quý II này được tính từ số tồn cuối năm trước đến hết quý II (tháng 6) của năm hiện tại.

4. Trách nhiệm báo cáo của DNCX

a) Định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày 15 của tháng đầu quý sau đối với báo cáo quý hoặc định kỳ hàng năm, chậm nhất vào ngày cuối quý I năm sau đối với báo cáo năm hoặc đột xuất khi cơ quan Hải quan có yêu cầu, DNCX tạo thông tin báo cáo hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu, thanh lý, tồn kho theo sổ sách và tồn kho thực tế theo sổ sách kế toán của DNCX đến kỳ báo cáo theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng chuẩn quy định tại mẫu Thông tin báo cáo hàng tồn kho của DNCX, được quản lý theo từng mục đích sử dụng (sản xuất, đầu tư, tiêu dùng), trong đó bao gồm cả nguyên vật liệu tồn dưới dạng sản phẩm dở dang đang nằm trên dây chuyển sản xuất; sản phẩm tồn kho chưa xuất khẩu; hàng đang đi trên đường; hàng gửi bán hộ và hàng hoá khác thuộc sở hữu của DNCX, gửi tới Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

b) Trường hợp số liệu hàng hoá tồn kho có sai lệch giữa thực tế và sổ sách, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan Hải quan, DNCX tạo thông tin giải trình chi tiết theo mẫu Thông báo giải trình lượng tồn kho chênh lệch giữa thực tế với sổ sách, kèm các chứng từ, sổ sách, báo cáo chứng minh gửi đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

5. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan quản lý DNCX

a) Định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày 15 của tháng đầu quý sau đối với báo cáo quý hoặc định kỳ hàng năm, chậm nhất vào ngày cuối quý I năm sau đối với báo cáo năm hoặc khi có nghi vấn đột xuất, Chi cục Hải quan quản lý DNCX theo dõi số liệu hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu và thanh khoản số liệu, xác định số lượng hàng hoá tồn theo dõi trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan Hải quan.

Căn cứ số liệu hàng hoá tồn tại Thông tin báo cáo hàng tồn kho của DNCX do doanh nghiệp khai đến, Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan sẽ tự động đối chiếu với số liệu hàng hoá tồn tại Bảng tổng hợp hàng hóa nhập - xuất - tồn theo dõi tại Chi cục Hải quan quản lý DNCX, để xác định số liệu chênh lệch giữa hàng hóa tồn theo sổ sách và tồn thực tế theo sổ sách kế toán của DNCX với hàng hoá tồn theo sổ sách của cơ quan Hải quan.

b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày DNCX gửi thông tin báo cáo hàng hoá tồn đối với bộ hồ sơ thanh khoản quý hoặc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày DNCX gửi thông tin báo cáo hàng hoá tồn đối với hồ sơ thanh khoản năm, Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX có trách nhiệm thông báo đến DNCX thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo một trong các trường hợp sau:

b1) Trường hợp không có chênh lệch số liệu giữa hàng hóa tồn theo sổ sách và tồn thực tế theo sổ sách kế toán của DNCX với hàng hoá tồn theo sổ sách của cơ quan Hải quan, Chi cục Hải quan quản lý DNCX chấp nhận thanh khoản và phản hồi cho DNCX;

b2) Trường hợp có chênh lệch số liệu giữa hàng hóa tồn theo sổ sách và tồn thực tế theo sổ sách kế toán của DNCX với hàng hoá tồn theo sổ sách của cơ quan Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý DNCX quyết định gửi Bảng tổng hợp chênh lệch giữa hàng hóa tồn kho thực tế với sổ sách đến DNCX để yêu cầu giải trình.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được giải trình chênh lệch số liệu của DNCX, cơ quan hải quan xử lý như sau:

b2.1) Trường hợp giải trình của DNCX có cơ sở hợp lý, Chi cục Hải quan quản lý DNCX chấp nhận thanh khoản và phản hồi cho DNCX;

b2.2) Trường hợp giải trình của DNCX chưa có cơ sở hợp lý, thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, cơ quan Hải quan thông báo cho DNCX nộp bản chụp, xuất trình bản chính từ một đến toàn bộ các chứng từ, sổ sách, báo cáo dưới đây:

b2.2.1) Phiếu nhập kho, phiếu xuất kho liên quan đến hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu;

b2.2.2) Sổ kế toán chi tiết của các tài khoản liên quan đến hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu;

b2.2.3) Báo cáo kế toán năm;

b2.2.4) Các chứng từ khác liên quan đến hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu (nếu có).

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được các chứng từ do DNCX nộp, xuất trình, cơ quan hải quan xử lý như sau:

b2.3) Khi có đủ căn cứ xác định sai sót qua kết quả kiểm tra số liệu hàng tồn kho thực tế theo sổ sách kế toán của DNCX, Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX tiến hành các biện pháp: xử lý vi phạm hành chính về hải quan, thực hiện việc ấn định thuế theo quy định và phản hồi cho DNCX;

b2.4) Trường hợp qua kết quả kiểm tra số liệu hàng tồn kho thực tế theo sổ sách kế toán của DNCX mà chưa đủ căn cứ để xác định sai sót của DNCX, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi quản lý DNCX quyết định kiểm tra thực tế hàng tồn kho hoặc chuyển hồ sơ sang kiểm tra sau thông quan theo quy định.

Chương VII

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP KHÁC

Điều 45. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm phục vụ sản xuất của dự án đầu tư, dự án ưu đãi đầu tư

1. Đăng ký danh mục hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế với cơ quan Hải quan đối với trường hợp nhập khẩu hàng hóa tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm phục vụ sản xuất của dự án đầu tư, dự án ưu đãi đầu tư thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu: thủ tục đăng ký thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 102 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Thủ tục nhập khẩu

a) Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan để nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan nơi có hàng nhập khẩu hoặc Chi cục Hải quan nơi xây dựng dự án đầu tư;

b) Thủ tục hải quan thực hiện như hướng dẫn đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa tại Chương III Thông tư này và thực hiện thêm việc đăng ký danh mục hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế với cơ quan Hải quan theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này. Hồ sơ, thủ tục miễn thuế và chế độ báo cáo, kiểm tra, quyết toán việc nhập khẩu, sử dụng hàng hóa miễn thuế theo hướng dẫn tại Điều 103, Điều 104 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Thanh lý hàng hóa nhập khẩu

a) Các hình thức thanh lý, hàng hóa thuộc diện thanh lý, điều kiện thanh lý, hồ sơ thanh lý hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04/04/2007 của Bộ Thương mại hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, thanh lý hàng nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của doanh nghiệp đầu tư trong nước khi thanh lý được áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04/04/2007 của Bộ Thương mại.

b) Địa điểm làm thủ tục thanh lý thực hiện tại cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan điện tử;

c) Thủ tục thanh lý:

c1) Doanh nghiệp có văn bản nêu rõ lý do thanh lý, hình thức thanh lý; danh mục hàng hóa đề nghị thanh lý (gồm tên gọi, ký mã hiệu, lượng hàng cần thanh lý, thuộc tờ khai nhập khẩu số, ngày, tháng, năm) và quyết định thành lập Hội đồng thanh lý gửi cơ quan Hải quan nơi đăng ký danh mục hàng nhập khẩu được miễn thuế;

c2) Trường hợp thanh lý theo hình thức xuất khẩu thì doanh nghiệp mở tờ khai xuất khẩu; trường hợp thanh lý theo hình thức nhượng bán tại thị trường Việt Nam, cho, biếu, tặng thì việc kê khai, tính thuế thực hiện theo quy định và không phải mở tờ khai mới;

c3) Trường hợp tiêu hủy, doanh nghiệp chủ động tổ chức việc tiêu huỷ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tác động của toàn bộ quá trình tiêu huỷ đối với môi trường. Cơ quan Hải quan giám sát quá trình tiêu huỷ, sau khi kết thúc tiêu huỷ các bên tiến hành lập biên bản xác nhận việc tiêu huỷ. Biên bản phải có chữ ký của giám đốc doanh nghiệp có hàng hóa tiêu huỷ (hoặc người được uỷ quyền), đóng dấu của doanh nghiệp; chữ ký, ghi rõ họ tên công chức hải quan và các bên liên quan giám sát tiêu huỷ.

Điều 46. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất

1. Nguyên tắc chung

a) Chính sách, chế độ quản lý, giám sát hải quan, chứng từ phải nộp/xuất trình cho cơ quan Hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất thực hiện thống nhất theo quy định hiện hành;

b) Thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất thực hiện theo quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng thương mại tại Chương III Thông tư này.

2. Một số hướng dẫn cụ thể

a) Khi làm thủ tục hải quan tạm nhập thương nhân khai báo cửa khẩu tái xuất trên tiêu chí “Ghi chép khác” của tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu;

b) Khi làm thủ tục hải quan tái xuất thương nhân phải khai báo rõ hàng hóa tái xuất thuộc tờ khai tạm nhập nào trên tiêu chí “Chứng từ đi kèm” của tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu;

c) Chi cục Hải quan làm thủ tục tạm nhập hàng hóa chịu trách nhiệm thanh khoản tờ khai tạm nhập. Hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản, thời hạn nộp thuế (nếu có) thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 18, Điều 119 và khoản 2 Điều 132 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính.

Điều 47. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

1. Căn cứ để xác định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

a) Hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng gia công, hợp đồng thuê mượn có điều khoản ghi rõ hàng hóa được giao cho người nhận hàng tại Việt Nam;

b) Hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng gia công, hợp đồng thuê mượn có điều khoản ghi rõ hàng hóa được nhận từ người giao hàng tại Việt Nam;

c) Đối với sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công: thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

d) Đối với hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công thương.

2. Địa điểm và thời hạn làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

a) Địa điểm làm thủ tục hải quan: thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện tại Chi cục Hải quan thuận tiện nhất do doanh nghiệp lựa chọn và theo quy định của từng loại hình.

Doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều này đều phải thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

b) Thời hạn làm thủ tục hải quan:

Trong thời mười lăm (15) ngày kể từ ngày doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ giao hàng hóa, doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ phải làm thủ tục hải quan.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ đã làm xong thủ tục hải quan, doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ phải làm thủ tục hải quan.

Nếu quá thời hạn trên, doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ chưa làm thủ tục hải quan thì cơ quan Hải quan lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về hải quan, làm tiếp thủ tục hải quan.

3. Thủ tục hải quan

a) Trách nhiệm của doanh nghiệp xuất khẩu:

a1) Giao hàng hóa và các giấy tờ khác theo quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (trừ vận tải đơn - B/L) cho doanh nghiệp nhập khẩu;

a2) Khai báo thông tin tờ khai xuất khẩu tại chỗ sau khi nhận được bản chụp Thông báo về việc hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ và làm thủ tục xuất khẩu tại Chi cục Hải quan làm thủ tục xuất khẩu theo quy định.

Hồ sơ phải nộp/xuất trình khi cơ quan Hải quan có yêu cầu gồm:

a2.1) Tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu tại chỗ in: 02 bản chính;

a2.2) Thông báo về việc hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ: 01 bản chụp của doanh nghiệp nhập khẩu;

a2.3) Hợp đồng mua bán hàng hóa có chỉ định giao hàng tại Việt Nam (đối với người xuất khẩu), hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công có chỉ định nhận hàng tại Việt Nam (đối với người nhập khẩu), hợp đồng thuê, mượn: 01 bản chụp;

a2.4) Hóa đơn xuất khẩu do doanh nghiệp xuất khẩu lập (liên giao khách hàng): 01 bản chụp;

a2.5) Các giấy tờ khác theo quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (trừ vận tải đơn - B/L).

b) Trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu:

b1) Khai báo thông tin tờ khai nhập khẩu tại chỗ điện tử và làm thủ tục hải quan theo quy định;

Hồ sơ phải nộp/xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan Hải quan bao gồm:

b1.1) Tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu tại chỗ: 02 bản chính;

b1.2) Hợp đồng mua bán hàng hóa có chỉ định giao hàng tại Việt Nam (đối với người xuất khẩu), hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công có chỉ định nhận hàng tại Việt Nam (đối với người nhập khẩu), hợp đồng thuê, mượn: 01 bản chụp;

b1.3) Các giấy tờ khác theo quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (trừ vận tải đơn - B/L).

b2) Sau khi làm xong thủ tục nhập khẩu, chuyển bản chụp Thông báo về việc hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

c) Trách nhiệm của cơ quan Hải quan làm thủ tục nhập khẩu:

c1) Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử theo quy định, phù hợp với từng loại hình, kiểm tra tính thuế (nếu có);

c2) Thông báo về việc hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ (theo mẫu ban hành kèm theo Phụ lục III kèm theo Thông tư này) cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp nhập tại chỗ biết để theo dõi và gửi cho doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ 01 bản;

c3) Lưu các chứng từ doanh nghiệp nộp, trả lại các chứng từ do doanh nghiệp xuất trình;

c4) Thông báo cho Chi cục Hải quan làm thủ tục xuất khẩu về tờ khai đã hoàn thành thủ tục qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (nếu hệ thống đáp ứng).

d) Trách nhiệm của cơ quan Hải quan làm thủ tục xuất khẩu:

d1) Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử theo quy định, phù hợp với từng loại hình, kiểm tra tính thuế (nếu có);

d2) Lưu các chứng từ doanh nghiệp nộp, trả lại các chứng từ do doanh nghiệp xuất trình;

d3) Hàng xuất khẩu tại chỗ được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá.

4. Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ và doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ đều làm thủ tục tại một Chi cục Hải quan, thì Chi cục Hải quan này thực hiện thủ tục hải quan cho cả phần hải quan làm thủ tục xuất khẩu và hải quan làm thủ tục nhập khẩu.

Điều 48. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị trả lại

1. Các trường hợp hàng hóa đã xuất khẩu bị trả lại

a) Tạm nhập hàng trả lại để sửa chữa, tái chế (gọi chung là tái chế) sau đó tái xuất;

b) Tái nhập hàng trả lại để tiêu thụ nội địa (không áp dụng đối với hàng gia công cho doanh nghiệp nước ngoài);

c) Tái nhập hàng trả lại để tiêu hủy tại Việt Nam (không áp dụng đối với hàng gia công cho doanh nghiệp nước ngoài);

d) Tạm nhập hàng trả lại để tái xuất cho đối tác nước ngoài khác.

2. Nơi làm thủ tục hải quan

a) Chi cục Hải quan đã làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa đó. Trường hợp hàng trả lại về Việt Nam qua cửa khẩu khác thì được làm thủ tục chuyển cửa khẩu về nơi đã làm thủ tục xuất khẩu;

b) Trường hợp một lô hàng bị trả lại là hàng hóa của nhiều lô hàng xuất khẩu thì thủ tục tái nhập được thực hiện tại một trong những Chi cục Hải quan đã làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa đó;

c) Hàng hóa sau khi tái chế được làm thủ tục tái xuất tại Chi cục Hải quan nơi đã làm thủ tục tái nhập hàng hóa đó. Trường hợp Chi cục Hải quan làm thủ tục tái nhập và tái xuất hàng hóa là Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu (không phải là Chi cục Hải quan cửa khẩu) thì hàng hóa được thực hiện theo thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu.

3. Thời hạn tái chế, tiêu hủy

a) Đối với hàng hóa tái nhập để tái chế thì thời hạn tái chế do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan Hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập; quá thời hạn đăng ký mà chưa tái xuất thì phải nộp thuế theo quy định;

b) Đối với hàng hóa tái nhập để tiêu hủy thì thời hạn tiêu hủy do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan Hải quan nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày tái nhập; quá thời hạn đăng ký mà chưa tiêu hủy thì phải nộp thuế theo quy định.

4. Thủ tục nhập khẩu hàng trả lại:

a) Hồ sơ hải quan gồm:

a1) Văn bản đề nghị tái nhập hàng hóa, nêu rõ hàng hóa thuộc tờ khai xuất khẩu nào, đã được cơ quan Hải quan xét hoàn thuế, không thu thuế và đã kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào với cơ quan thuế chưa? (ghi rõ số quyết định hoàn thuế, không thu thuế) đồng thời nêu rõ lý do tái nhập (để tái chế hoặc để tiêu thụ nội địa hoặc để tiêu hủy hoặc để tái xuất cho đối tác nước ngoài khác; hàng nhập khẩu để tái chế phải ghi rõ địa điểm tái chế, thời gian tái chế, cách thức tái chế, những hao hụt sau khi tái chế): nộp 01 bản chính;

a2) Tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu (trên tờ khai tạm nhập khẩu phải thể hiện thông tin về số, ngày tháng năm của tờ khai xuất khẩu trước đó), bản kê chi tiết hàng hóa, vận tải đơn: như đối với hàng hóa nhập khẩu theo hợp đồng mua bán;

a3) Tờ khai hải quan xuất khẩu trước đây: nộp 01 bản chụp, xuất trình bản chính;

a4) Văn bản của bên nước ngoài (bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu) thông báo hàng bị trả lại (nếu có): nộp 01 bản chụp.

b) Cơ quan Hải quan làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa (trừ giấy phép nhập khẩu, giấy phép quản lý chuyên ngành,...). Hàng tái nhập phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa phải đối chiếu hàng hóa nhập khẩu với mẫu lưu nguyên liệu (nếu sản phẩm xuất khẩu thuộc loại hình gia công, SXXK, có lấy mẫu nguyên liệu và còn trong thời gian lưu mẫu; nguyên liệu không bị biến đổi trong quá trình sản xuất sản phẩm) và hàng hóa mô tả trên tờ khai xuất khẩu để xác định phù hợp giữa hàng hóa nhập khẩu trở lại Việt Nam với hàng hóa đã xuất khẩu trước đây; lấy mẫu hàng tái nhập hoặc chụp hình (đối với lô hàng tạm nhập không thể lấy mẫu được) để đối chiếu khi tái xuất.

5. Thủ tục tái xuất hàng hoá

a) Hồ sơ hải quan gồm:

a1) Tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu in (trên tờ khai phải thể hiện thông tin tham chiếu đến tờ khai tạm nhập khẩu trước đó): nộp 02 bản chính;

a2) Tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu in trước đây: nộp 01 bản chụp.

b) Cơ quan Hải quan làm thủ tục như đối với hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa. Hàng tái xuất phải kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa phải đối chiếu thực tế hàng tái xuất với mẫu hàng hóa khi tái nhập (hoặc hình ảnh chụp hàng hóa khi làm thủ tục tái nhập);

c) Nếu hàng tái chế không tái xuất được thì doanh nghiệp phải có văn bản gửi Chi cục Hải quan làm thủ tục tái nhập giải trình rõ lý do không tái xuất được, trên cơ sở đó đề xuất Chi cục Hải quan làm thủ tục tái nhập xem xét, chấp nhận các hình thức xử lý như sau:

c1) Đối với sản phẩm tái chế là hàng gia công:

c1.1) Làm thủ tục hải quan theo hình thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ để tiêu thụ nội địa, nếu đáp ứng đủ điều kiện như đối với xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ; hoặc

c1.2) Tiêu hủy, nếu bên thuê gia công đề nghị được tiêu hủy tại Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền về quản lý môi trường cho phép tiêu hủy tại Việt Nam.

c2) Đối với sản phẩm tái chế không phải là hàng gia công thì chuyển tiêu thụ nội địa như hàng tái nhập để tiêu thụ nội địa.

6. Trường hợp hàng tái nhập là sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; hàng hóa kinh doanh thuộc đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu như các trường hợp nêu tại điểm b, điểm c khoản 1 và điểm c khoản 5 hoặc trường hợp quá thời hạn nêu tại khoản 3 Điều này thì xử lý thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 113 Thông tư số 194/2010/TT-BTC .

Điều 49. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đã nhập khẩu nhưng phải xuất trả

1. Các hình thức xuất trả hàng nhập khẩu

a) Xuất trả lại cho chủ hàng nước ngoài đã bán lô hàng này;

b) Xuất cho đối tác nước ngoài khác.

2. Nơi làm thủ tục xuất trả: Chi cục Hải quan đã làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đó. Trường hợp hàng xuất trả cho khách hàng nước ngoài qua cửa khẩu khác thì được làm thủ tục chuyển cửa khẩu đến cửa khẩu xuất.

3. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Văn bản giải trình của doanh nghiệp về việc xuất trả hàng;

b) Tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu in (trên tờ khai phải thể hiện thông tin về số, ngày tháng năm, số lượng tái xuất tương ứng của từng tờ khai nhập khẩu trước đây): nộp 02 bản chính;

c) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu in trước đây: nộp 01 bản chụp, xuất trình bản chính;

d) Văn bản chấp thuận nhận lại hàng (bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu) của chủ hàng nước ngoài (nếu hàng xuất trả lại cho chủ hàng bán lô hàng này): nộp 01 bản chính hoặc bản chụp; hợp đồng bán hàng cho nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan (nếu hàng tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan): nộp 01 bản chụp.

4. Thủ tục hải quan thực hiện như đối với lô hàng xuất khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa. Hàng xuất trả phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa phải đối chiếu mẫu lưu hàng hóa lấy khi nhập khẩu (nếu có lấy mẫu); đối chiếu mô tả hàng hóa trên tờ khai nhập khẩu với thực tế hàng hóa tái xuất; ghi rõ số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu và việc xác định sự phù hợp giữa hàng hóa thực xuất khẩu với hàng hóa đã nhập khẩu trước đây.

Điều 50. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan

1. Doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp ưu tiên) được thực hiện thủ tục hải quan điện tử 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, được áp dụng chế độ ưu tiên trong khai hải quan, báo cáo hoặc thanh khoản (nếu có).

2. Khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, doanh nghiệp ưu tiên được miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan điện tử và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa (trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng).

3. Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể nội dung ưu tiên nêu tại khoản 1 Điều này.

Điều 51. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan

Kho ngoại quan được thành lập, di chuyển, mở rộng, thu hẹp theo quy định tại Mục 3 Chương III Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2012 của Bộ Tài chính. Hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan được thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo quy định của Tổng cục Hải quan.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 52. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, thay thế Thông tư số 222/2009/TT-BTC ngày 25 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn trước đây của Bộ Tài chính trái với Thông tư này.

2. Quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới kể từ ngày văn bản mới có hiệu lực thi hành.

Điều 53. Trách nhiệm thực hiện

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư này ban hành quy trình thủ tục hải quan điện tử và hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có phát sinh vướng mắc, cơ quan Hải quan, người khai hải quan báo cáo, phản ánh cụ thể về Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để được xem xét, hướng dẫn giải quyết./.

Nơi nhận:
- VP TW Đảng và các Ban của Đảng;
- VP Quốc Hội, VP Chủ tịch nước, VPCP;
- Viện kiểm sát NDTC, Toà án NDTC;
- Văn phòng Ban CĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính, Website Hải quan;
- Lưu: VT; TCHQ (50).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

THE MINISTRY OF FINANCE
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 196/2012/TT-BTC

Hanoi, November 15, 2012

 

CIRCULAR

PROVIDING E-CUSTOMS PROCEDURES FOR COMMERCIAL IMPORTS AND EXPORTS

Pursuant to June 29, 2001 Customs Law No. 29/200I/QH10, and June 14, 2005 Law No. 42/2005/QH11 Amending and Supplementing a Number of Articles of the Customs Law;

Pursuant to November 29, 2005 E-Transaction Law No. 51/2005/QH11, and guiding documents;

Pursuant to June 14, 2005 Commercial Law No. 36/2005/QH11, and guiding documents;

Pursuant to November 29, 2005 Environmental Protection Law No. 52/2005/ QH11, and guiding documents;

Pursuant to November 29, 2005 Investment Law No. 59/2005/QH11, and guiding documents;

Pursuant to the Government’s Decree No. 87/2012/ND-CP of October 23, 2012, detailing a number of articles of the Customs Law regarding e-customs procedures for commercial imports and exports;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In furtherance of the Government’s Resolution No. 25/NQ-CP of June 2, 2010, on simplification of 258 administrative procedures under the management of ministries and sectors, and Resolution No. 68/NQ-CP of December 27, 2010, on simplification of administrative procedures under the management of the Ministry of Finance;

At the proposal of the General Director of Customs,

The Minister of Finance promulgates the Circular to provide e-customs procedures for commercial imports and exports.

Chapter I

GENERAL GUIDANCE

Article 1. Scope of application

1. E-customs procedures apply to:

a/ Goods imported or exported under goods purchase and sale contracts;

b/ Goods imported or exported for the performance of processing contracts with foreign traders;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ Imports and exports of export processing enterprises;

e/ Goods imported and exported for the implementation of investment projects;

f/ Goods traded in the form of temporary import for re-export;

g/ Goods imported or exported on the spot;

h/ Exported goods which are returned;

i/ Imported goods which must be exported back to their countries of origin;

j/ Imports and exports in border-gate transfer;

k/ Imports and exports of enterprises eligible for the priority regime in the field of state management of customs;

l/ Goods brought into or out of bonded warehouses.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. E-customs procedures for commercial imports and exports comply with this Circular and current regulations concerning the import and export of commercial goods in cases not regulated by this Circular.

Article 2. Subjects of application

1. Organizations and individuals that import or export commercial goods subject to e-customs procedures.

2. Customs offices and officers.

3. Other state agencies coordinating in the state management of customs.

Article 3. Interpretation of terms

In this Circular, the terms below are construed as follows:

1. Release of goods means conditional customs clearance whereby a customs office permits the goods in the customs clearance process to be placed at the disposal of customs declarants.

2. Transport of goods to a place for preservation means that a customs office permits the goods in the customs clearance process to be taken out of the zone of customs supervision when they satisfy the customs supervision conditions prescribed by the General Department of Customs or to be delivered to customs declarants for preservation of their original conditions pending customs clearance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Goods imported or exported on the spot means goods exported by Vietnamese traders (including foreign-invested traders and export processing enterprises) to foreign traders, who designate other Vietnamese traders to deliver and receive such goods in Vietnam.

5. On-the-spot exporter (below referred to as exporter) means a person designated by a foreign trader to deliver goods in Vietnam.

6. On-the-spot importer (below referred to as importer) means a person that purchases goods from a foreign trader and is designated by the latter to receive the goods in Vietnam from an on-the-spot exporter.

Article 4. E-customs declarants

1. Commercial import and export owners (including foreign traders not present in Vietnam but having certificates of registration of the right to import or export goods in accordance with law).

2. Organizations entrusted by import and export owners.

3. Agents carrying out customs procedures.

Article 5. Use of digital signatures in e-customs procedures

1. Digital signatures of customs declarants to be used in e-customs procedures are public digital signatures already verified by customs offices to be compatible with die e-customs data processing system. The list of public digital signature certification service providers that provide digital signatures compatible with the e-customs data processing system is published on the Customs E-Portal (http://www.customs.gov.vn).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Before using a digital signature to carry out e-customs procedures, a customs declarant shall register such digital signature with a customs office through the Customs E-Portal. Details to be registered include:

a/ Name and tax identification number (if any) of the agency or organization that imports or exports or acts as an agent carrying out customs procedures;

b/ Full name, serial number of the identity card or passport and position (if any) of the digital certificate holder;

c/ Serial number of the digital signature;

d/ Validity duration of the digital signature.

4. Customs declarants shall re-register with customs offices the details specified in Clause 3 of this Article in the following cases: change in registered information, extension of the digital certificate, change of key pairs, and suspension of the digital certificate.

5. Within 2 minutes after the registration of a customs declarants digital signature is completed, a customs office shall, through the Customs E-Portal, notify its acceptance or rejection (clearly stating the reason for rejection) of such digital signature.

6. Registered digital signatures of customs declarants may be used in carrying out e-customs procedures nationwide.

Article 6. The e-customs data processing system

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Agencies, organizations and individuals shall, within the ambit of their powers, provide and exchange information relating to the import and export of goods with customs offices through the e-customs data processing system in accordance with current law.

3. The following entities may access and exchange information with the e-customs data processing system:

a/ Customs officers;

b/ Customs declarants;

c/ Value-added service providers accredited by customs offices;

d/ State management agencies in charge of licensing and specialized management of import and export activities;

e/ Credit institutions that signed agreements on collection and payment of taxes and fees and other state budget revenues related to import and export activities with the General Department of Customs; credit institutions or other organizations operating in accordance with the Law on Credit Institutions and providing guarantee for payable tax amounts for customs declarants;

f/ Warehousing service providers;

g/ Other persons and organizations as decided by the General Department of Customs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The entities specified in Clause 3 of this Article may access the e-customs data processing system in accordance with regulations of customs offices.

The access to the e-customs data processing system must ensure confidentiality of state secrets and information of entities carrying out customs procedures as provided by law.

5. The database of the e-customs data processing system for conducting e-transactions in financial activities must be used in accordance Chapter II, Part II of the Ministry of Finance’s Circular No. 78/2008/TT-BTC of September 15, 2008, guiding a number of provisions of Decree No. 27/2007/ND-CP of February 23,2007, on e-transactions in financial activities.

6. When carrying out e-customs procedures, a customs declarant must satisfy the following conditions:

a/ Being adequately equipped with technical infrastructure for e-transactions, facilitating the declaration, transmission, receipt and storage of information upon accessing and exchanging information with the e-customs data processing system; using a software fore-customs declaration verified by the customs to be compatible with the e-customs data processing system;

b/ Having been trained at a training institution specified in Article 6 of the Ministry of Finance’s Circular No. 80/2011/TT-BTC of June 9, 2011, guiding the Government’s Decree No. 14/2011/ND-CP of February 16, 2011, on conditions for registration and operation of agents carrying out customs procedures, and being able to properly use the e-customs declaration system;

c/ In case of failing to satisfy the conditions specified at Points a and b, Clause 6 of this Article, customs declarants shall carry out e-customs procedures through an agent.

Article 7. Time limit for making e-customs declarations and carrying out e-customs procedures

1. The time limit for a customs declarant to fill in an e-customs declaration for imports or exports is prescribed in Clauses 1 and 2, Article 18 of the Customs Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Within the validity duration of their customs declarations specified in Clauses 1 and 2, Article 18 of the Customs Law, imports and exports are eligible for import and export management policies and tax policies applicable to imports and exports effective at the time customs offices accept the registration of customs declarations.

Chapter II

GENERAL PROVISIONS ON E-CUSTOMS PROCEDURES FOR COMMERCIAL IMPORTS AND EXPORTS

Article 8. E-customs dossiers

1. An e-customs dossier comprises:

a/ E-customs declaration in electronic form. When it is necessary to produce and submit a paper declaration at the request of competent agencies, the e-customs declaration must be printed out on paper according to the set form of import or export declaration, annexes to the import or export declaration, modified or supplemented declaration and the list specified in Appendix in to this Circular (below collectively referred to as printed e-customs declaration).

In case the printed e-customs declaration contains 1 (one) annex, the declarant shall sign and append his/her stamp directly on such annex. In case the printed e-customs declaration contains more than 1 (one) annex, the declarant shall sign and append his/her stamp on the last annex page and every two other adjoining annex pages.

b/ Other documents included in an e-customs dossier as specified at Point b, Clause 1, Article 8 of Decree No. 87/2012/ND-CP.

The conversion of paper documents into electronic form or vice versa and die preservation of e-customs dossiers and converted documents of e-customs dossiers comply with current regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. When a customs declarant requests in writing the re-grant of a printed e-customs declaration (the copy kept by the customs declarant) which is missing, the Customs Branch with which the declaration has been registered shall print a new e-customs declaration from the e-customs data processing system, and the head of this Branch shall sign and append the seal of the Branch on the declaration and certify “The declaration is re-granted by ... Customs Branch on date... month... year...” The conditions for having a printed e-customs declaration re-granted, re-granting procedures and the use, monitoring and management of re-granted printed e-customs declaration comply with current regulations applicable to true copies of original paper declarations kept at the customs office.

Article 9. E-customs declaration

When making an e-customs declaration, a customs declarant shall:

1. Create information to be declared in the e- customs declaration (including a value declaration for goods subject to value declaration under current regulations) on the e-customs declaration system strictly according to the specified items and standard format, and take responsibility before law for the declared information.

a/ In case the customs declarant is a customs procedure agent, he/she shall clearly declare the jobs he/she is authorized to perform.

b/ Goods imported or exported by different modes or by the same mode but subject to different tax payment time limits must be declared in different import or export declarations corresponding to each import or export mode or each tax payment time limit, except the following cases:

b1/ An import item with different import duty, value-added tax, excise tax and environmental protection tax payment time limits may be declared in the same customs declaration;

b2/ For an import shipment which contains many goods items with different tax payment time limits but under the same contract/order and of the same type, the customs declarant that pays tax immediately or has a guarantee for the tax amount payable for the whole shipment may declare it in the same import declaration.

c/ Customs declaration for goods imported or exported under many contracts/orders:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c2/ For an export item exported under many contracts/orders, subject to the same shipping conditions, to be sold to the same customer and completely shipped at a time, the customs declarant may declare it in one or more than one customs declaration;

c3/ Upon making customs declaration, the customs declarant shall fully write the number and date of the contract/order in the customs declaration. In case it is impossible to fully write such information in the customs declaration, the customs declarant shall make a detailed list to be enclosed with the customs declaration according to the form specified in Appendix III to this Circular. The customs declarant is only required to declare the total quantity of goods under the contracts/orders in the import/export declaration;

d/ For imports and exports eligible for lower tax rates than prescribed or for particularly preferential tax rates, when declaring tax rates, the customs declarant shall also declare the tax rate before reduction and the reduced percentage or the regulations under which this particularly preferential tax rate is applied;

e/ For goods imported or exported under permits or subject to line management or eligible for a particularly preferential tax rate or eligible for tax exemption or reduction or guarantee for payable tax amounts, when making customs declaration, the customs declarant shall fully write information relating to the above contents in the prescribed items and standard format in the form of e-customs declaration in Appendix I to this Circular.

2. Send the e-customs declaration to the customs office through the e-customs data processing system.

3. Receive feedback from the customs office and then:

a/ Upon receiving the “notice of rejection of the e-customs declaration”, modify and supplement information in the e-customs declaration or give explanations under the guidance of the customs office;

b/ Upon receiving the “serial number of the e-customs declaration” and “decision on the form and level of inspection”:

b1/ In case the e-customs declaration is accepted by the customs office for “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation”, the customs declarant shall:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b1.2/ Produce the printed e-customs declaration specified at Point b1.1, Clause 3 of this Article together with goods at the zone of customs supervision connected with the e- customs data processing system for getting the certification that “Goods have gone through the zone of customs supervision” and continue to carry out the procedures (if any).

Within the law-prescribed duration of preservation of customs dossiers for imports and exports, if the customs declarant wishes to get the certification of “customs clearance” or “release of goods” or “ữansportation of goods to the place of preservation on the printed e-customs declaration, he/she shall produce the declaration with the certification that “Goods have gone through the zone of customs supervision” for the Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered to give certification.

If wishing to obtain the certification of “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation” before the certification that “Goods have gone through the zone of customs supervision,” the customs declarant shall produce one printed e-customs declaration specified at Point b1.1, Clause 3 of this Article to the Customs Branch with which the declaration has been registered for certification, then produce the certified printed e-customs declaration together with goods at the zone of customs supervision for certification that “Goods have gone through the zone of customs supervision” and continue to carry out the procedures (if any).

b2/ In case the e-customs declaration is accepted by the customs office for “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation” on the condition that the goods import or export permit or documents proving that the goods satisfy the requirements of specialized management or are eligible for particularly preferential tax rates, tax exemption or reduction or guarantee for payable tax amount or that the tax payment obligation has been fulfilled can be produced or submitted before the certification that “Goods have gone through the zone of customs supervision”, the customs declarant shall:

b2.1/ Print out one copy of the e-customs declaration already accepted by the customs office for “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation” on the e-customs declaration system according to the form of printed e-customs declaration; sign and append seal thereon;

b2.2/ Produce the printed e-customs declaration specified at Point b2.1, Clause 3 of this Article and produce/submit the goods import or export permit or documents proving that the goods satisfy the requirements of specialized management or are eligible for particularly preferential tax rates, tax amount exemption or reduction or guarantee for payable tax amount or that the tax payment obligation has been fulfilled to the Customs Branch with which the declaration has been registered for the certification of “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation”;

b2.3/ Produce the printed e-customs declaration specified at Point b2.2, Clause 3 of this Article together with goods at the zone of customs supervision for getting certification that “Goods have gone through the zone of customs supervision”, and continue to carry out the procedures (if any).

b3/ In case the e-customs declaration is requested by the customs office to be produced and paper documents included in the e-customs dossier to be submitted for inspection before the goods clearance is permitted, the customs declarant shall submit and produce two printed e-customs declarations and two value declarations (for goods subject to value declaration) together with documents included in the customs dossier for the Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered to conduct inspection as requested and:

b3.1/ When obtaining permission for “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation”, the customs declarant shall receive one printed e-customs declaration with the certification of “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation”, one value declaration (if any) and one record of paper document inspection results. When bringing goods through the zone of customs supervision, the customs declarant shall comply with Article 18 of this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b4/ In case the customs declaration is requested by the customs office to be produced and paper documents included in the e-customs dossier to be submitted together with goods for inspection, the customs declarant shall submit and produce two printed e-customs declarations and two value declarations (for goods subject to value declaration) together with all documents included in the customs dossier as requested and imports or exports for the Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered to inspect. When obtaining a decision on “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation” or “permission for border-gate transfer of imports/exports”, the customs declarant shall receive one printed e-customs declaration together with the decision on “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation” or “permission for border-gate transfer of imports/exports”, one record of paper document inspection results, one record of goods physical inspection results (except imports applying for border-gate transfer), and one value declaration (if any). When bringing goods through the zone of customs supervision, the customs declarant shall comply with Article 18 of this Circular

4. The customs declarant may submit later the originals of some documents in the customs dossier, except the import or export permit for goods subject to import or export permit as prescribed by law, and shall declare the late submission on the e-customs declaration. The customs declarant shall submit documents permitted for late submission within the law- prescribed time limit. In case no specific time limit is prescribed by law, the time limit for late submission is 30 days from the date of registration of the e-customs declaration.

5. Competence to permit the late submission of documents: The head of the Customs Branch where the e-customs declaration is registered shall decide to permit late submission of documents.

Article 10. Modification of declarations or supplementation of customs dossiers

1. The modification of declarations or supplementation of customs dossiers is required in the following cases:

a/ Modification of a declaration or supplementation of a customs dossier before the physical inspection of goods is conducted or before a decision on exemption from physical inspection is issued in accordance with Point a, Clause 2, Article 34 of the Law on Tax Administration;

b/ Modification of a declaration or supplementation of a customs declaration after the “clearance of goods” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation” but within 60 days from the date of registration of the declaration and before the customs office conducts post-customs clearance inspection, provided such modification or supplementation of the e-customs declaration is not related to the implementation of the import and export management policy and tax policy to imports and exports;

c/ Additional declaration of a customs dossier within 60 days from the date of registration of the customs declaration with respect to erroneous details affecting the payable tax amount, provided the following conditions are fully satisfied:

c1/ Errors are detected and voluntarily reported by the taxpayer or the customs declarant to the customs office;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c3/ The errors are found in the calculation of the payable tax amount, the value, origin, code, tax rate or payable tax amount in the customs dossier submitted to the customs office;

c4/ The customs declarant or taxpayer has sufficient grounds to prove, and the customs office has sufficient grounds and conditions for inspection and verification of, the truthfulness, accuracy and legality of the additional declaration.

d/ The modification of a declaration or supplementation of a customs dossier may be made beyond the 60-day time limit after the date of registration of the customs declaration and at the same time the customs declarant may be administratively sanctioned under current regulations, if the following conditions are fully satisfied:

d1/ Errors are detected and voluntarily reported by the taxpayer or the customs declarant to the customs office before the latter conducts tax examination and inspection or post-customs clearance at the office of the customs declarant;

d2/ The customs declarant or taxpayer has sufficient grounds to prove, and the customs office has sufficient grounds and conditions for inspection and verification of, the accuracy and legality of the modification or additional declaration.

2. Modification or supplementation of declarations covers:

a/ Additional declaration of information to serve as a basis for identifying bases and elements for tax calculation or tax-free goods; or identifying goods eligible for tax exemption, consideration for tax exemption, reduction, refund or non-collection;

b/ Additional declaration of the payable tax amount, paid tax amount, underpaid or overpaid tax amount (if any), fine amount for late payment of the additionally declared tax amount (if the taxpayer pays the additionally declared tax amount beyond the tax payment time limit) for each goods item and for the whole customs declaration; commitment on the accuracy and legality of additionally declared documents and dossier;

c/ Modification or additional declaration of other information on the customs declaration.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

When making modification or additional declaration under Clause 1 of this Article, the customs declarant shall fill modified or additional information in the e-customs declaration, clearly stating the reason for modification or supplementation, and send it to the customs office through the e-customs data processing system and comply with the guidance of the customs office.

Paper documents to be submitted/produced by the customs declarant at the request of the customs office include:

a/ The printed e-customs declaration and annexes thereto (if any) and a list (if any);

b/ Documents requested by competent agencies;

c/ The additional e-customs declaration in case the customs office has certified that “the goods have gone through the zone of customs supervision” or “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation” or “permission for border-gate transfer of imports/exports.”

4. Processing of modified or supplemented dossiers

Upon receiving modified or additionally declared information, the customs office shall perform the channeling by either of the following modes:

a/ Permission for modification or supplementation based on the declared information;

b/ Examination of the dossier of modification or supplementation dossier before deciding whether to permit the modification or supplementation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b1/ Check the completeness and accuracy of the modified or supplemented dossier and notify checking results on a “Notice of instructions on e-customs procedure performance”. In case the additionally declared information has been printed out on paper documents, the customs office shall return one copy to the customs declarant and keep one copy;

b2/ Notify results of checking the dossier of modification or supplementation within:

b2.1/ Eight working hours after receiving the complete dossier of modification or supplementation in case the modification or supplementation is made before the customs office physically inspects the goods or decides to exempt the goods from physical inspection.

b2.2/ Five working days after receiving the complete dossier of modification or supplementation in the case specified at Point b, c or d, Clause 1 of this Article.

5. Competence to permit modification of declarations and supplementation of customs dossiers: Heads of Customs Branches with which e-customs declarations are registered shall consider and decide whether to permit the modification of e-customs declarations or supplementation of e-customs dossiers under Clause 1 of this Article.

Article 11. Cancellation of customs declarations

1. Cases of cancellation of a customs declaration:

a/ Past 15 days from the date of registration and grant of the serial number of the customs declaration, no e-customs dossier is produced in case such production is required;

b/ Past 15 days from the date of registration of the customs declaration, the customs declarant fails to produce his/her imports or exports which are subject to physical inspection to the customs office for inspection;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ The e-customs declaration has been registered and granted a serial number but it is impossible to further carry out e-customs procedures because the e-customs data processing system encounters a problem or there are problems outside the e-customs data processing system;

e/ The customs declarant requests cancellation of die registered customs declaration in the following cases:

e1/ More than one declaration have been made for the same quantity of goods;

e2/ The export declaration is for goods already placed under customs supervision but the customs declarant fails to export them;

e3/ The registered customs declaration is for wrong form of import or export. In this case, the declaration may only be cancelled before the time of physical inspection of goods or the decision on exemption from physical inspection of goods.

2. Order and procedures for cancellation of customs declarations

a/ For the customs declarant:

Upon canceling the declaration in the cases specified in Clause 1 of this Article, the customs declarant shall create information on declaration cancellation according to the standard format in the form of Information on declaration cancellation, clearly stating the reason, then send it to the customs office through the e-customs data processing system and receive the “Notice of instructions on e-customs procedure perfor­mance,” and comply with requests in this notice.

The customs declarant shall submit to the customs office one printed e-customs declaration; annexes to the declaration, manifests, slip of examination of the paper dossier and slip of inspection of goods (if any) in case the printed e-customs declaration has obtained the certification that “the goods have gone through the zone of customs supervision” for exports and/or of “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation” or “permission for border gate transfer of imports/exports” for imports and exports, b/ For the customs office: bl/ Past 15 days from the date of expiry of the declaration, for declarations specified at Points a and b, Clause 1 of this Article, if the customs declarant fails to perform the jobs specified at Point a, Clause 2 of this Article, the customs office shall cancel the declaration and notify such to the customs declarant;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The customs office may store in the e-customs data processing system all data in registered declarations but shall cancel and concurrently keep cancelled printed e-customs declarations (if any) according to their registration serial numbers.

3. Competence to cancel e-customs declarations: Heads of Customs Branches with which e-customs declarations are registered shall consider and decide on cancellation of e-customs declarations in the cases specified in Clause 1 of this Article.

Article 12. Receipt, examination, registration and channeling of e-customs declarations

1. The receipt, examination, grant of registration numbers and channeling of e- customs declarations by the customs office are automatically carried out through the e-customs data processing system.

2. If rejecting an e-customs declaration, the customs office shall send through the e-customs data processing system a “Notice of rejection of e-customs declaration”, clearly stating the reason for rejection, and guiding the customs declarant to perform necessary jobs for further carrying out customs procedures.

3. If accepting an e-customs declaration, the customs office shall grant through the e-customs data processing system a registration number for the e-customs declaration and channel it in one of the following forms:

a/ Acceptance of information declared in the e-customs declaration and permission for “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation” (referred to as “green channel”); acceptance of information declared in the e-customs declaration and permission for “customs clearance” or “release of goods” or “transport of goods to the place of preservation” on the condition that the goods import or export permit or documents proving that the goods satisfy the requirements of specialized management or that the goods are eligible for particularly preferential tax rates, tax exemption or reduction or guarantee for payable tax amounts or documents evidencing the fulfillment of the tax payment obligation are produced or submitted before the certification that “the goods have gone through the zone of customs supervision” (referred to as “conditional green channel”);

b/ Production or submission of paper documents included in the e-customs dossier for examination before permission for customs clearance of goods (referred to as “yellow channel”). The examination of paper documents complies with Clauses 1 and 3, Article 13 of this Circular;

c/ Production or submission of paper documents included in the e-customs dossier for examination and goods for inspection before permission for customs clearance of goods (referred to as “red channel”). The physical inspection of goods complies with Clauses 2 and 3, Article 13 of this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Examination of e-customs dossiers

a/ Form of examination: Examining information in the e-customs declaration in the e-customs data processing system, and examining paper documents;

b/ Competence to decide on the form of examination: The customs office shall decide to approve results of the processing of risk management information in the e-customs data processing system;

c/ Examination contents: Examining the completeness of the dossier, examining contents declared in the e-customs declaration, examining documents included in the e-customs dossier, comparing declared contents with documents included in the e-customs dossier; and checking their compliance with legal provisions;

d/ Responsibilities of the customs officer in case of examination of paper documents included in the e-customs dossier before permission for customs clearance of goods:

dl/ To receive and examine paper documents submitted or produced by the customs declarant, and update examination results in the e-customs data processing system;

d2/ To print two slips showing examination results according to the form of Slip showing results of paper document examination results, sign and append the officer seal, and request the customs declarant to sign and clearly write his/her full name on the slip;

d3/ To base himself/herself on results of examination of paper documents included in the e-customs dossier to perform one of the following jobs:

d3.1/ For goods eligible for customs clearance: Complying with Point b, Clause 3, Article 17 of this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d3.3/ For goods also subject to other procedures: Forwarding the dossier to other stages of professional operation as prescribed.

d4/ Returning to the customs declarant one printed e-customs declaration and one Slip showing paper document examination results, if goods fall into the case specified at Points d3.1 and d3.2, Clause 1 of this Article.

2. Physical inspection of goods

a/ Form of physical inspection: Inspection shall be directly conducted by customs officers, by machines, technical devices and other professional measures;

b/ Extent of inspection: exemption from inspection; inspection of part or the whole of the goods lot;

c/ Competence to decide on the form and extent of inspection: Heads of Customs Branches may decide on the form and extent of inspection under current regulations on risk management. In the course of carrying out customs procedures for the import or export lot, based on the actual state of the lot and collected information, the head of the Customs Branch carrying out e-customs procedures may decide to change the previously decided form and extent of inspection and take responsibility for the change;

d/ Physical inspection contents: Checking name, code, quantity, weight, category, quality, origin, mark, label, date of manufacture, expiry date of goods; comparing the actual state of goods with the e-customs dossier and norms of materials and supplies; and comparing goods with kept material samples or product samples according to their respective forms;

e/ Responsibilities of the customs officer conducting the physical inspection of goods: e 1/ To physically inspect die goods and update inspection results in the e-customs data processing system;

e2/ To print two slips showing inspection results according to a set form, sign, append the officer seal, and request the customs declarant to sign and write his/her full name on these slips;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e3.1/ For goods eligible for customs clearance: To comply with Point b, Clause 3, Article 17 of this Circular;

e3.2/ For goods eligible for “transport of goods to the place of preservation” or “release of goods”: To comply with Point b, Clause 4, Article 15 or Point b, Clause 3, Article 16, of this Circular;

e3.3/ For goods also subject to other procedures: To forward the dossier to other stages of professional operation as prescribed.

e4/ To return to the customs declarant one printed e-customs declaration and one Slip showing goods inspection results, if goods fall into the case specified at Points e3.1 and e3.2, Clause 1 of this Article.

3. Specific guidance on contents of examination of e-customs dossiers and physical inspection of goods in the course of carrying out customs procedures:

a/ Examining names and codes of goods in accordance with the Ministry of Finance’s Circular No. 49/2010/TT-BTC of April 12,2010, guiding the classification of, and application of tax rates to, imports and exports;

b/ Inspecting the quantity of goods: For goods items of which the quantity cannot be identified by customs officers or equipment (liquid or bulky goods, goods in massive quantities, etc.), the customs office may base itself on results of assessment conducted by an assessment service provider (below referred to as assessor) to identify the quantity of goods.

c/ Inspecting the quality of goods (covering inspection of food safety and quarantine), specifically as follows:

c1/ For goods subject to quality inspection:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

C1.2/ For exports: The customs office shall base itself on the inspection agency’s notice of conclusion that the goods lot is up to export standards to carry out customs procedures. c2/ For goods not subject to quality inspection:

c2.1/ If, though having used its means and equipment, the customs office cannot identify the quality of goods for the goods import and export management, it may, together with the customs declarant, take goods samples or request the customs declarant to provide technical documents and agree on the selection of an assessor to conduct assessment. The assessor’s conclusions are binding on the parties;

c2.2/ If the customs declarant and the customs office cannot reach agreement on the selection of an assessment organization, the customs office may decide to select an assessment organization and base itself on assessment results to make conclusions. If the customs declarant disagrees with these conclusions, he/she may file a complaint in accordance with law.

d/ Inspecting the origin of goods: The inspection must be based on the actual state of goods, customs dossier and information related to goods and Article 15 of the Government’s Decree No. 19/2006/ND-CP of February 20, 2006, detailing the Commercial Law regarding origin of goods and relevant guiding documents.

Inspection results will be handled as follows:

d1/ In case the actual origin of imports is diffe­rent from that registered by the customs declarant but still within the country or territory which has a preferential tariff agreement with Vietnam, the customs office shall still apply the preferential tax rate as provided and handle the violation under law depending on its nature and severity;

d2/ If doubting the origin of goods, the customs office may request the customs declarant to supply additional documents as proof or request a competent authority of the country of exportation to give certification. The verification of the origin of goods must be completed within 150 days from the date the customs declarant submits a complete and valid dossier on the origin of goods. Pending the availability of verification results, the goods are not eligible for preferential tariff but ordinary customs procedures may still be carried for their customs clearance.

The time limit for consideration and settlement of problems related to the origin of goods, consideration and acceptance of C/O is 365 days after the C/O is submitted to the customs office or after the customs office doubts about a fraud in violation of the origin of goods.

d3/ In case the customs declarant submits a C/O issued for the whole goods lot but imports only a part of this goods lot, the customs office shall accept this c/o for the part of actually

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e/ Tax inspection, covering the following:

e1/ Inspecting conditions for application of prescribed coercive measures or tax payment time limit;

e2/ Inspecting grounds for determining that the goods are duty (tax)-free in case the customs declarant declares that the goods is not subject to export duty, import duty or value-added tax or excise tax or environmental protection tax;

e3/ Inspecting grounds for determining the goods’ eligibility for tax exemption in case the customs declarant declares that the goods are eligible for tax exemption;

e4/ Inspecting tax bases in order to determine the payable tax amount and the calculation of the payable tax amount in case imports or exports are liable to taxes on the basis of inspection results specified in Clauses 1, 2 and 3 of this Article, results of inspection and determination of the taxable value under the Ministry of Finance’s Circular No. 205/2010/TT-BTC of December 15,2010, guiding the Government’s Decree No. 40/2007/ND-CPof March 16,2007, providing the customs valuation of imports and exports, and other relevant grounds.

f/ Inspection for identifying counterfeit goods (including goods infringing upon intellectual property rights) complies with Article 219 of the November 29, 2005 Law on Intellectual Property, the Commercial Law and relevant guiding documents.

Article 14. Taking and preservation of samples, preservation of photos of imports or exports

1. Forms of sampling: Taking of physical samples and photographing.

2. The sampling of imports is required in the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ In case of goods subject to sampling to meet customs management requirements, including raw materials and materials imported for export processing or production; products processed or produced for export; exports returned for reprocessing; goods temporarily imported for re-export or temporarily exported for re-import (except goods which cannot be sampled, hardly to be preserved, live or fresh goods, raw materials denatured after production process, precious metals and stones);

c/ In case of imports subject to sampling for analysis and testing at the request of the customs office.

3. The sampling must be decided by the director of the Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered in the following specific cases:

a/ Samples of raw materials imported for export processing or production which are eligible for border-gate transfer and exempt from physical inspection but subject to sampling must be taken at the border-gate customs office or their manufacturing plant, enterprise or establishment;

b/ In case the customs delarant requests the sampling at the border gate, the Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered or the border-gate customs office shall conduct the sampling under regulations;

c/ In case the customs declarant requests the sampling at the manufacturing plant, enterprise or establishment, he/she shall carry out procedures for border-gate transfer. The Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered shall conduct the sampling.

4. Sampling procedures:

a/ Sampling must be based on a written request of the customs declarant or customs office. A sampling card must be made in two copies, one to be kept together with the taken sample and the other kept by the sampling requester. The form of sampling card is provided in Appendix III to Circular No. 194/2010/TT-BTC;

b/ In case samples are taken to meet requirements of analysis or classification of imports or exports, the sampling must comply with Article 20 of the Ministry of Finance’s Circular No. 49/2010/TT-BTC of April 12,2010, guiding the classification of, and the application of tax rates to, imports and exports;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ Sampling contents must be shown in the printed e-customs declaration.

5. Sampling techniques are guided by the General Department of Customs.

6. Places of sample preservation:

a/ The import and export analysis, and classification center (for samples analyzed by the center);

b/ The Customs Branch with which the e- customs declaration has been registered (for samples taken by the Customs Branch for performing sample-related operations; if samples are images, paper photos shall be preserved while e-photos stored in the e-customs data processing system);

c/ The office or place of production of the customs declarant, for raw materials imported for export processing and production and reprocessed goods.

7. Sample preservation duration

a/ At the import and export analysis and classification center and/or Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered, samples shall be preserved for 90 days from the date of customs clearance of goods. In case of a dispute or complaint, they must be preserved till the dispute or complaint is completely settled;

b/ Samples of raw materials for processing or re-processed goods must be preserved at the enterprise until the customs office completely liquidates the processing contract.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Samples of products processed or produced for export must be preserved at the enterprise for five years from the date of registration of the import or export declaration.

Article 15. Transport of goods to places of preservation

1. Cases in which goods are permitted to be transported to the place of preservation:

a/ For imports or exports subject to assessment for determining whether they can be imported or exported and requested by their owners to be transported to the place of preservation, die customs office may accept such request only when all customs supervision conditions are satisfied;

b/ For goods subject to quarantine in accordance with law and the place of quarantine is in the isolated zone for quarantine, a plant or an enterprise, a warehouse or place of inspection outside the border gate, or goods subject to quality or food safety inspection before customs clearance, the customs office may permit them to be transported to the place of preservation only when the customs declarant complies with the current laws on quarantine, food safety or goods and product quality inspection.

Within the law-prescribed time limit, the customs declarant shall add to the customs dossier a competent inspection agency’s notice of inspection and quarantine results.

2. Responsibility of the customs declarant: To preserve goods at the place of preservation to keep intact their original state.

3. Competence to permit the transport of goods to the place of preservation

a/ The customs office with which the e-customs declaration has been registered may permit the transport of goods to the place of preservation, for goods exempt from customs inspection by deciding to update risks on the e-customs data processing system within its vested powers;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Responsibilities of the customs officer of the Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered

a/ For goods in the “green channel”: When the customs declarant requests, the customs officer shall base himself/herself on the decision on permission for transport of goods to the place of preservation in the e-customs data processing system to sign and append the officer seal on the box for certification of transport of goods to the place of preservation in the printed e-customs declaration of the customs declarant;

b/ For goods in the remaining channels: After examining the e-customs dossier or conducting physical inspection of goods, if obtaining satisfactory results and approval of a competent leader of the Customs Branch, the customs officer shall base himself/herself on the decision on permission for transport of goods to the place of preservation in the e-customs data processing system to sign and append the officer seal on the box for certification of transport of goods to the place of preservation in the printed e-customs declaration of the customs declarant.

Article 16. Release of goods

1. Goods which are permitted for import or export but are subject to valuation, expert assessment, analysis or classification for accurate determination of payable tax amounts may be released when satisfying one of the following conditions:

a/ Their owner has fulfilled the tax obligations on the basis of results of tax assessment by the customs office, or;

b/ They are eligible for a tax payment grace period in accordance with tax laws, or;

c/ A credit institution or another institution operating under the Law on Credit Institutions guarantees for the payable tax amount which has not yet been paid or fully paid according to results of tax assessment by the customs office within the prescribed time limit.

2. Competence to permit release of goods

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ The head of the Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered may permit or authorize one of its competent officers to permit release of goods, for cases not specified at Point a, Clause 2 of this Article. The decision on permission is made in the e-customs data processing system.

3. Responsibilities of the customs officer of the Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered

a/ For goods in the “green channel”: When the customs declarant requests, the customs officer shall base himself/herself on the decision on release of goods in the e-customs data processing system to sign and append the officer seal on the box for certification of release of goods in die printed e-customs declaration of the customs declarant;

b/ For goods in the remaining channels: After examining the e-customs dossier or conducting physical inspection of goods, if obtaining satisfactory results and approval of a competent leader of the Customs Branch, the customs officer shall base himself/herself on the decision on permission for release of goods in the e-customs data processing system to sign and append the officer seal on the box for certification of release of goods in the printed e-customs declaration of the customs declarant.

Article 17. Customs clearance of goods

1. Goods are cleared after customs procedures are completed

2. Goods for which customs procedures have not yet been completed may be cleared in either of the following cases:

a/ The customs dossier lacks some documents but the customs office agrees that they can be submitted later;

b/ Imports or exports are eligible for a tax payment grace period as provided by tax laws or the payable tax amount for goods for which tax payment must be made before receipt thereof is not yet paid or fully paid within the prescribed time limit but a credit institution or another institution operating under the Law on Credit Institutions guarantees the payable tax amount.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ The customs office with which the e- customs declaration has been registered may decide on customs clearance of goods exempt from customs inspection by deciding to update risks in the e-customs data processing system within its decentralized competence;

b/ The customs officer examining e-customs dossiers and conducting physical inspection of goods may decide on customs clearance in the cases specified at Point b, Clause 4 of this Article.

4. Responsibilities of the customs officer of the Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered

a/ For goods in the “green channel”: When the customs declarant requests, the customs officer shall base himself/herself on the decision on customs clearance of goods in the e-customs data processing system to sign and append the officer seal on the box for certification of customs clearance of goods in the printed e-customs declaration of the customs declarant;

b/ For goods in the remaining channels: After examining the e-customs dossier or conducting physical inspection of goods, if obtaining satisfactory results, the customs officer shall decide on customs clearance of goods in the e- customs data processing system, sign and append the officer seal on die box for certification of release of goods in the printed e-customs declaration of the customs declarant.

Article 18. Supervision of imports and exports subject to e-customs procedures

1. Principles: Customs supervision of imports and exports subject to e-customs procedures must comply with current regulations on customs supervision of imports and exports.

2. Responsibilities of customs declarants

When bringing imports into or taking exports out of the zone of customs supervision, a customs declarant shall:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a1/ Produce one printed e-customs declaration with his/her signature and seal which has been decided by the customs office in the system or with the certification of “customs clearance” at the zone of customs supervision connected with the e-customs data processing system, or produce one e-customs declaration with his/her signature and seal with the customs office’s certification of “customs clearance” at the zone of customs supervision not yet connected with the e-customs data processing system; and documents showing that the goods have been brought into the zone of customs supervision issued by the agency dealing in ports and warehouses;

a2/ Produce the goods at the request of the customs office;

a3/ Receive back one printed e-customs declaration with the certification that “Goods have gone through the zone of customs supervision” and the produced documents.

b/ For imports:

b1/ Produce one printed e-customs declaration with his/her signature and seal which has been decided by the customs office in the system or with the certification of “customs clearance”/ ’’clearance of goods "/" transport of goods to the place of preservation "/" permission for border- gate transfer of goods” at the zone of customs supervision connected with the e-customs data processing system, or produce one e-customs declaration with his/her signature and seal with the customs office’s certification of “customs clearance "/" clearance of goods "/" transport of goods to the place of preservation "/" permission for border-gate transfer of goods” at the zone of customs supervision not yet connected with the e-customs data processing system; and the following documents (if any): The container forwarding bill/cargo forwarding bill or ex- warehousing bill issued by die enterprise dealing in ports and warehouses;

b2/ Produce the goods;

b3/ Receive back one printed e-customs declaration with the certification that “Goods have gone through the zone of customs supervision” and the produced documents.

4. Responsibilities of supervising customs officers

a/ To supervise imports and exports under current regulations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b1/ To check the validity of e-customs declaration;

b2/ To compare the details in the printed e- customs declaration with those in the e-customs declaration in the e-customs data processing system at the zone of customs supervision connected with the e-customs data processing system, and use comparison results as a ground for certification that “Goods have gone through the zone of customs supervision”.

In case the zone of customs supervision is not yet connected with the e-customs data processing system, to compare the details of the printed e-customs declaration with the certification by the Customs Branch with which the declaration has been registered with actual goods, and use comparison results as a ground for certification that “Goods have gone through the zone of customs supervision”.

c/ To process inspection results:

If inspection results are satisfactory, the supervising customs officer shall update information in the system and give die certification that “Goods have gone through the zone of customs supervision” in the printed e-customs declaration; sign and append the officer seal thereon; and return it to the customs declarant;

If inspection results are unsatisfactory, the border-gate customs office shall, on a case-by-case basis, guide the customs declarant in making modifications or supplementations or handle the case under current regulations.

For an expired printed e-customs declaration, the border-gate customs office shall request the customs declarant to come to the Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered for carrying out procedures to cancel such declaration.

Article 19. Provisions on border-gate transfer

1. Goods in border-gate transfer

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Imports in border-gate transfer are those currently subject to customs inspection and supervision which are transported from the border gate of importation to an outside-border-gate place of customs clearance or an inland place of goods inspection;

c/ Imports in border-gate transfer include:

c1/ Equipment, machinery and supplies imported for building plants and works, which are transferred to inland places of goods inspection which may be within construction sites or be warehouses in construction sites;

c2/ Materials, supplies, parts, machinery, equipment and spare parts for manufacture which are transferred to outside-border-gate places of customs clearance or places of goods inspection being their manufacturing plants or factories;

c3/ Imports of many owners sharing the same bill of lading which are brought to a place of goods inspection or an inland container freight station;

c4/ Goods temporarily imported for display at a fair or an exhibition which are transferred from a border gate of importation to the fair or exhibition venue;

c5/ Materials, supplies, machinery and equipment for production or processing of an export processing enterprise or an enterprise processing goods for foreign traders, and materials and supplies imported for export production which are transferred from a bonded warehouse to the Customs Branch outside the border gate with which the enterprise has registered for carrying out customs procedures in accordance with law;

c6/ Goods being office equipment for operation of an enterprise (desks, chairs, cabinets, stationery...) packed in the same container with materials imported for export processing or production which are transferred to the Customs Branch outside the border gate with which the enterprise has registered for carrying out customs procedures in accordance with law;

c7/ Imports with a bill of lading indicating a port of destination being an inland container depot (ICD):

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c7.2/ For imports of an export processing enterprise; materials, supplies, machinery and equipment imported for export production or performance of processing contracts with a bill of lading indicating a port of destination being an ICD, the enterprise may carry out procedures for transporting such goods from the ICD to its managing Customs Branch, the Customs Branch with which it has registered import declarations for export production, or Customs Branch with which it has registered the processing contract for further carrying out customs procedures. For goods subject to physical inspection, if the enterprise requests such inspection to be conducted right at the ICD, the ICD Customs Branch shall inspect the goods at the request of the Customs Branch managing the export- processing enterprise, Customs Branch with which the enterprise has registered the import declaration for export production or Customs Branch with which the enterprise has notified the processing contract.

c8/ Imports of an export processing enterprise which are transferred from a border gate of importation, a bonded warehouse or another export processing enterprise to such export processing enterprise.

c9/ Other goods in border-gate transfer as provided for by law.

d/ Imports eligible for border-gate transfer specified at Points c 1, c2, c3, c4 and c9, Clause 1 of this Article must go through e-customs procedures at Customs Branches of provincial- level Customs Departments managing places to which goods are transferred as specified at the above points.

2. The border-gate Customs Branch shall conduct physical inspection of goods in the following cases:

a/ Upon detection of signs of a violation of the customs law, or for facilitation of customs management, the head of the border-gate Customs Branch shall decide on the form and extent of physical inspection of goods;

b/ Imports are eligible for border-gate transfer but subject to physical inspection at the border gate of importation under regulations of specialized management agencies;

c/ At the request of the Customs Branches with which the e-customs declaration has been registered;

d/ Results of inspection mentioned at Points a, b and c, Clause 2 of this Article are updated in the e-customs data processing system or, when the connection to the e-customs data processing system fails, notified in writing to the Customs Branch with which the e-customs declaration has been registered.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ The registration of border-gate transfer of imports and exports must be made when filling in the e-customs declaration for goods export or import.

b/ Decision permitting border-gate transfer (showing the place and time) or disallowing such transfer must be expressed in the “Notice of instructions on performance of e-customs procedures” in the system and in the printed e- customs declaration.

4. Supervision of imports and exports in border-gate transfer

a/ When going through customs procedures, imports and exports exempt from physical inspection are not subject to custom sealing;

b/ When going through customs procedures, imports and exports subject to physical inspection must:

b1/ Be kept in containers or on vehicles satisfying customs sealing requirements;

b2/ For small or individual goods lots which are not kept in containers or on vehicles satisfying customs sealing requirements, each bale of them must be sealed;

b3/ Small or individual import lots which are under different import declarations but all requested to be transferred to the same place may be transported in the same container/on the same vehicle if satisfying the condition that their owners request border-gate transfer in writing and such container or vehicle satisfies customs sealing requirements;

b4/ Imports and exports in border-gate transfer which are contained in containers or bales or on vehicles, of which customs sealing is impossible, must be handled as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b4.2/ The border-gate Customs Branch shall physically inspect the goods at the request of the Customs Branch outside the border gate.

5. The customs declarant shall use the printed e-customs declaration with the customs office’s permission for border-gate transfer as a document for en route transport of goods. He/ she shall preserve the original conditions of goods and customs and carrier seals and ensure that the goods are transported according to the registered routes, places, border gates and time. He/she shall produce and submit the customs dossier and goods in border-gate transfer to the border-gate Customs Branch for carrying out procedures under regulations.

Article 20. Grounds for determining actual export of goods

1. Grounds for determining actual export of goods through sea border gates (including goods through CFS) or internal waterway border gates are export declarations with customs clearance certification, certification by supervising customs offices or bills of lading for loading goods onto vehicles on exit.

2. Grounds for determining actual export of goods through airline or railway border gates are export declarations with customs clearance certification, certification by supervising customs offices or transportation documents evidencing that the goods have been loaded onto vehicles on exit.

3. Grounds for determining actual export of goods through road or riverway border gates, transshipment ports or zones, supplies for seagoing ships or airplanes on exit or exports transported together with exit passengers through airline border gates (without bills of lading) are export declarations with customs clearance certification or certification by supervising customs offices.

4. Grounds for determining actual export of goods sold from the inland to a non-tariff zone are export declarations with customs clearance certification or certification by supervising customs offices.

5. For goods of export processing enterprises to be exported to foreign countries or brought into bonded warehouses or purchased, sold or processed with the inland or other export processing enterprises:

a/ For goods of export processing enterprises to be exported to foreign countries or brought into bonded warehouses, grounds for determining their actual export comply with Clauses 1,2 and 3 of this Article;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b1/ In case there are no supervising customs officers at export processing enterprises that export or import goods or for goods exported from one export processing enterprise to another in the same export processing zone, grounds for determining the actual export of goods are export declarations with customs clearance certification;

b2/ In case there are supervising customs officers at export processing enterprises that export or import goods, grounds for determining the actual export of goods are export declarations with customs clearance certification and certification by supervising customs officers.

6. For on-the-spot exports, grounds for determining their actual export are on-the-spot export declarations with customs clearance certification.

Chapter III

CUSTOMS PROCEDURES FOR GOODS IMPORTED OR EXPORTED UNDER GOODS PURCHASE AND SALE CONTRACTS

Article 21. E-customs declaration for goods imported or exported under goods purchase and sale contracts

Customs procedures for goods imported or exported under goods purchase and sale contracts comply with general regulations on e-customs procedures for imports and exports provided in Chapter II of this Circular.

Article 22. E-customs dossiers for goods imported or exported under goods purchase and sale contracts

Documents included in an e-customs dossier for goods imported or exported under a goods purchase and sale contract comply with the guidance in Article 11 of the Ministry of Finance’s Circular No. 194/2010/TT-BTC of December 6, 2010.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter IV

CUSTOMS PROCEDURES FOR GOODS PROCESSED FOR FOREIGN TRADERS

Article 23. General provisions

1. Policies and regime of management of, and paper dossiers to be submitted/produced at the request of customs offices for, goods processed for foreign traders comply with the Ministry of Finance’s Circular No. 117/2011/TT-BTC of August 15,2011, guiding customs procedures for goods processed for foreign traders (below referred to as Circular No. 117/2011/TT-BTC).

2. E-customs procedures for goods processed for foreign traders comply with this Circular.

3. Forms of printed electronic documents are provided in Circular No. 117/2011/TT-BTC. Particularly, e-customs declarations for assignment of intermediary processing and e-customs declarations for undertaking intermediary processing must be printed according to forms HQ/2012-TKDTGGCCT and HQ/2012-TKDTNGCCT issued together with this Circular.

Article 24. Procedures for notification or modification of processing contracts and annexes thereto

1. Procedures for notification of a processing contract

a/ Responsibilities of the customs declarant:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a2/ To receive feedback and comply with the guidance of the customs office in the form of Notice of processing:

a2.1/ For a rejected processing contract, to modify or supplement information on the proces­sing contract at the request of the customs office;

a2.2/ For a processing contract accepted for registration on the basis of e-customs declaration information, the customs declarant shall base himself/herself on the contract accepted for registration to carry out import or export procedures;

a2.3/ In case the customs office requests to examine paper documents or inspect the production establishment before the registration of the processing contract, the customs declarant shall submit/produce such documents as prescribed.

b/ Tasks of the customs office:

b1/ The customs office shall receive, examine and register the processing contract and notify examination results to the customs declarant through the e-customs data processing system.

The head of the Customs Branch shall decide on examination of the dossier and inspection of the production establishment.

b2/ Time limit for receipt of a processing contract:

This time limit complies with Clause 2, Article 7 of the Ministry of Finance’s Circular No. 117/2011/TT-BTC of August 15, 2011, guiding customs procedures for goods processed for foreign traders.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Types of annex to a processing contract to be declared to the customs office include:

a1/ Group of annexes amending the contract:

a1.1/Annex amending general information (other than information on the list enclosed with the contract);

a1.2/ Annex canceling the contract.

a2/ Group of annexes supplementing the lists:

a2.1/ Annex supplementing the list of materials and supplies;

a2.2/ Annex supplementing the list of export products;

a2.3/ Annex supplementing the list of equipment temporarily imported for processing;

a2.4/ Annex supplementing the list of specimen imports.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a3.1/ Annex modifying codes of goods (imported materials and supplies; export products; temporarily imported equipment; specimen imports);

a3.2/ Annex modifying units of calculation (imported materials and supplies; export products; temporarily imported equipment; specimen imports).

b/ Responsibilities of the customs declarant:

b1/ After the notification of the processing contract until its expiration, to create information according to the items specified in the form of contract annex and send it to the customs office through the e-customs data processing system;

b2/ To receive feedback from the customs office;

b3/ To submit/produce dossiers and documents related to the modification or supplementation of the processing contract at the request of the customs office.

c/ Task of the customs office: To comply with the procedures for registration of processing contracts.

3. Modification and supplementation of a processing contract/annexes thereto

a/ Modification and supplementation on the basis of a written agreement between the trader and its processee:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a2/ For information other than general information of the processing contract/annexes thereto: The modification and supplementation must be made through contract annexes before the import or export procedures related to such modification and supplementation are carried out;

a3/ If detecting an error in the declaration of the processing contract/annexes thereto beyond the above-specified time, the customs declarant may modify declared contents if having grounds and obtaining approval of the head of the Customs Branch managing the contract;

a4/ Procedures for modification and supplementation of processing contracts/annexes thereto are the same as those for notification of processing contracts/annexes thereto.

b/ Modification and supplementation to correct declaration errors of the customs declarant or to meet customs management requirements:

b1/ After the notification of the processing contract until its expiration, the customs declarant shall create and declare information according to the items and standard format in an annex to the processing contract;

b2/ The customs declarant shall produce documents related to the modified contents at the request of the customs office;

b3/ Procedures for modification and supplementation are similar to those for notification of processing contract annexes specified in Clause 2 of this Article.

Article 25. Customs procedures for processing materials and supplies

1. For processing materials and supplies which are supplied by the processee:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Customs procedures for processing materials and supplies supplied by the processee in the form of on-the-spot import or export are the same as those for on-the-spot imports and exports specified in Article 47 of this Circular.

c/ The sampling of processing materials and supplies complies with the guidance in Article 14 of this Circular.

2. For materials and supplies supplied by the processor itself for the processing contract

a/ For materials and supplies produced or purchased on the Vietnamese market by the processor:

a1/ When purchasing and supplying materials and supplies for the processing contracts, the customs declarant is not required to carry out customs procedures but both parties shall reach agreement on names, specifications and quantities of these materials and supplies in the processing contract/annexes thereto, and when carrying out procedures for export of processed products, the customs declarant shall declare self-supplied processing raw materials and materials according to the information criteria specified in the form of declaration of self-supplied processing raw materials and materials;

a2/ For self-supplied materials and supplies produced or purchased on the Vietnamese market by the processor and subject to export duty, when carrying out procedures for export of processed products, the customs declarant shall declare and calculate export duty (if any) in an annex to the e-customs declaration for exports.

b/ Materials and supplies directly purchased by the processor from overseas for the processing contract may be imported as self-supplied processing materials. Import procedures for these materials and supplies are the same as customs procedures for goods imported under purchase and sale contracts specified in Chapters II and III of this Circular, but tax declaration and calculation are not required.

Article 26. Customs procedures for machinery and equipment imported for the performance of processing contracts

Customs procedures for machinery and equipment hired or borrowed for the processing by mode of temporary import for re-export must be carried out at customs offices managing processing contracts like goods imported or exported under purchase and sale contracts specified in Chapter III of this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Procedures for notification of norms

a/ Responsibilities of the customs declarant:

a 1/ To create information on norms according to the items and standard format in the form of Declaration of actual norms of processed products or the form of Information on actual norms for materials directly used in export products, which are separated from original materials (component materials), and send it to the customs office through the e-customs data processing system;

a2/ To receive feedback and comply with the guidance of the customs office in the form of Notice of processing:

a2.1/ For norms accepted for registration on the basis of e-customs declaration information, the customs declarant shall base on such norms to carry out the export procedures and submit only the printed Table of norms for the customs officer to give certification at the customs declarants request;

a2.2/ If the customs office so requests, the customs declarant shall submit/produce the dossier for examination which comprises:

a2.2.1/ The Table of processing norms, printed according to the form of Table of registration of norms: To submit two originals;

a2.2.2/ A written explanation about bases for and methods of calculating norms of goods items of each code, enclosed with technical design documents of products (e.g., cutting diagrams for garments): To submit one copy.

a2.3/ If the customs office requests physical inspection of norms, the customs declarant shall:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a2.3.2/ Produce books and documents related to the determination of norms of product items of codes already registered by the enterprise;

a2.3.3/ Produce products for inspection.

b/ Tasks of the customs office:

b1/ To receive, inspect and register norms and notify inspection results to the customs declarant through the e-customs data processing system;

b2/ The head of the Customs Branch managing the processing contract shall decide on the examination of the dossier and the physical inspection of norms;

b3/ In case of inspection of norms (covering examination of the dossier and physical inspection of norms), the customs officer shall inspect and register the norms, update inspection results on the e-customs data processing system, and give certification on the printed Table of norms submitted by the customs declarant;

b4/ Time limit for receipt of norms:

b4.1/ In case norms are not valid or norms are accepted on the basis of norm information, such must be notified to the customs declarant within 2 working hours after the receipt of norms;

b4.2/ When necessary to examine the paper dossier: Within 8 working hours after the customs declarant submits a complete and valid dossier, the customs office shall complete the procedures for inspection of norms.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b4.3/ For the case of physical inspection of norms before acceptance:

b4.3.1/ Within 5 working days after the trader submits a complete and valid dossier, the customs office shall complete the physical inspection and registration of norms;

b4.3.2/ In case the trader has a production establishment outside the province or city where it has notified the norms, within 8 working days after the customs declarant submits a complete and valid dossier, the customs office shall complete die physical inspection and registration of norms.

2. Procedures for adjustment of norms are similar to those for notification of norms specified in Clause 1 of this Article.

Article 28. Customs procedures for export of processed products abroad

1. Customs procedures for export of processed products abroad are the same as those for goods exported under purchase and sale contracts as specified in Chapter III of this Circular. In addition, the following provisions must be complied with:

a/ For the customs declarant:

a1/ To create information according to the items and format in the form of Declaration of self-supplied processing raw materials and materials (purchased at home or imported). To calculate export duty (if any) on materials and supplies purchased in Vietnam to be supplied for die processing contract in the annex to the export declaration if exported processed products are made of materials and supplies supplied by the processor and send it to the customs office through the e-customs data processing system;

a2/ To declare information with the customs office if processed products are exported to a third party according to die notice of designation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ For the customs office:

The customs officer conducting physical inspection of goods shall compare material samples kept by the customs declarant with materials constituting products and Table of norms (certified by the customs office with which the norms have been registered) with actually exported products.

2. The customs procedures for lots of goods processed for export in border-gate transfer are the same as those for goods in border-gate ữansfer specified in Article 19 of this Circular.

3. The customs procedures for processed products which have been exported but later returned for repair or reprocessing comply with the guidance in Article 48 of this Circular.

Article 29. Procedures for delivery and receipt of products in intermediary processing

1. General provisions

a/ Based on the processee’s notice of designation, the trader that delivers products in intermediary processing (the deliverer) and the trader that receives such products (the recipient) shall organize by themselves the delivery and receipt of products in accordance with Clause 2 below;

b/ The point of time when the deliverer carries out customs procedures for delivery of products in intermediary processing must be in the validity term of the processing contract for delivery and within 15 days after the recipient completes customs procedures for receiving products in intermediary processing. The point of time when the recipient carries out customs procedures for receiving products in intermediary processing must be within the validity term of the processing contract for receipt and within 15 days from the date of invoice issuance stated in the value-added or export invoice of the deliverer. Past the above time limit for carrying out customs procedures, a written record of violation must be made for handling the violation under regulations and further carrying out customs procedures.

2. Customs procedures

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a 1/ To deliver products and the original value- added or export invoice (if any) to the recipient;

a2/ After receiving the e-customs declaration for receipt of products in intermediary processing, for which customs procedures have been completed from the recipient, to create information relating to the delivery of products in intermediary processing according to the items and standard format in the declaration of delivery of products in intermediary processing in the e-customs data declaration system and carry out e-customs procedures like those for processed products for export.

A customs dossier to be submitted/produced by the customs declarant at the request of the customs office comprises:

a2.1/ E-customs declaration for delivery of products in intermediary processing, printed according to form HQ/2012-TKDTGGCCT: To submit 2 originals;

a2.2/ Printed e-customs declaration for receipt of products in intermediary processing (received from the recipient): To submit 1 original;

a2.3/ Written designation for goods delivery: To submit 1 copy and produce 1 original;

a2.4/ Ex-warehousing bill: To submit 1 copy and produce 1 original.

b/ Responsibilities of the recipient:

b1/ To receive products and documents from the deliverer;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

A customs dossier to be submitted/produced by the customs declarant at the request of the customs office comprises:

b2.1/ E-customs declaration form for receipt of products in intermediary processing, printed according to form HQ/2012/TKDTNGCCT: To submit 2 originals;

b2.2/ Value-added or export invoice: To submit 1 copy and produce 1 original;

b2.3/ Produced samples of products in intermediary processing;

b2.4/ Produced goods or books or documents related to the receipt of goods.

b3/ After completing customs procedures for receiving products in intermediary processing, to transfer to the deliverer 1 e-customs declaration for receipt of products in intermediary processing for which customs procedures have been completed for use as a ground for carrying out procedures for delivery of products (1 copy in case the declaration contains the certification of customs clearance of the recipient’s customs office, or the original with the signature and seal of the recipient in case the declaration has no certification of customs clearance of the recipient’s customs office).

c/ Responsibilities of the recipient’s customs office:

c1/ To carry out customs procedures like those for imported materials and supplies supplied by the processee from abroad;

c2/ To conduct physical inspection of goods only when suspecting that the traders deliver and receive goods not declared in the declaration of products in intermediary processing. In case the trader has used goods in production, to examine the books and documents related to the receipt of goods by the trader;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ Responsibilities of the deliverer’s customs office:

d1/ To carry out e-customs procedures like those for processed products for export;

d2/ Not to conduct physical inspection of goods.

3. Procedures for delivery and receipt of leased or borrowed materials, auxiliary materials, supplies, machinery and equipment in the course of performance of a processing contract to another as designated by the processee are similar to those for delivery and receipt of products in intermediary processing specified in Clause 2 of this Article, but enterprises are not required to produce value-added invoices.

Article 30. Customs procedures for processed products used for payment of processing remuneration or for domestic sale

1. Customs procedures for on-the-spot import or export are specified in Article 47 of this Circular.

In case processed products are used for payment of processing remuneration, the purchase and sale contract is replaced with a written agreement between the processee and the processor on payment of processing remuneration with processed products.

2. In case a trader acting as a processor for a foreign trader is concurrently an enterprise conducting on-the-spot import of processed products, such enterprise shall carry out both procedures for on-the-spot export and on-the-spot import of processed products.

Article 31. Procedures for liquidation of processing contracts

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

A trader acting as a processor shall make a liquidation request according to the items and standard format in the form of Liquidation request, and send it to the Customs Branch managing the processing contract through the e-customs data processing system. Such a request contains the proposed method of disposing of redundant materials and supplies, temporarily imported machinery and equipment, wastes and discarded products (if any).

2. Receipt, examination and comparison of the liquidation dossier

The customs office managing the processing contract shall receive, examine and compare information relating to the liquidation request in the e-customs data processing system.

a/ For traders that satisfy the criteria for identifying traders that have properly observed the customs law for the purpose of classification of liquidation dossiers under Point a, Clause 3, Article 21 of Circular No. 117/2011/TT-BTC:

a1/ If examination results are satisfactory, to send a notice of acceptance of liquidation results, made according to the form of Notice of processing, to the customs declarant;

a2/ If examination results are unsatisfactory, to request the trader to submit a liquidation dossier in the written form according to regulations for detailed examination, and send a notice of non-acceptance, made according to the form of Notice of processing, to the customs declarant, clearly stating the reason.

b/ For traders that do not satisfy the criteria for traders that have properly observed the customs law for the purpose of classification of liquidation dossiers or traders that have properly observed the customs law, but show suspicious signs or in case of probability inspection of 5% of processing contracts of traders that have properly observed the customs law for assessment of their law observance, after examining and comparing information in the liquidation request in the e-customs data processing system, to request the customs declarant to submit the liquidation dossier for detailed examination and send a notice of examination results, made according to the form of Notice of processing, to the customs declarant, clearly stating the reason for non-acceptance.

3. Time limit for receipt, examination and comparison of liquidation dossiers

a/ For cases subject to examination and comparison of information relating to the liquidation request in the e-customs data processing system:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ For cases subject to detailed examination and comparison of the liquidation dossier submitted by the customs declarant:

Within 30 working days after the trader submits a complete and valid liquidation dossier, the customs officer shall complete the receipt, detailed examination and comparison of the liquidation dossier.

4. Time limit for carrying out customs procedures for redundant materials; temporarily imported machinery and equipment; and scraps and defective products

Within 30 working days after the custom office completes the examination and comparison of the liquidation dossier, the trader shall carry out customs procedures for disposal of redundant materials and supplies; temporarily imported machinery and equipment; and scraps and defective products (if any).

After completing the disposal of redundant materials and supplies; temporarily imported machinery and equipment; and scraps and defective products, the trader shall send a written notice thereof enclosed with relevant documents to the customs office for use as a basis for completion of liquidation.

5. Certification of completion of liquidation procedures

a/ In case the processing contract/conữact annexes contain no redundant materials and supplies; leased or boưowed machinery and equipment; scraps and defective products:

Within 1 working day after the completion of the examination and comparison, the leader of the Customs Branch shall give certification of completion of liquidation procedures in the e-customs data processing system and in the liquidation dossier in case such dossier is examined.

b/ In case the processing contract/contract annexes contain redundant materials and supplies; leased or borrowed machinery and equipment; scraps and defective products:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 32. Customs procedures for disposal of redundant materials and supplies; scraps, defective products, wastes; and hired or borrowed machinery and equipment

As agreed in the processing contract and pursuant to law, the customs declarant may decide on the method of disposing of redundant materials and supplies, scraps, defective products and hired or borrowed machinery and equipment through:

1. Sale on the Vietnamese market: Customs procedures are the same as those applicable to on-the-spot imports or exports under Article 47 of this Circular.

2. Re-export: Customs procedures for re-export of redundant materials and supplies, scraps and defective products, and leased or borrowed machinery and equipment are the same as those for goods lots exported under purchase and sale contracts specified in Chapter in of this Circular. The customs officer conducting physical inspection of goods shall compare to be-re­-exported materials with their samples taken upon import; and compare types and codes of machinery and equipment indicated in the latest temporary import declaration or intermediary processing declaration with to be-re-exported machinery and equipment.

3. Transfer to another processing contract performed in Vietnam: Customs procedures for transfer of redundant materials and supplies and machinery and equipment to another processing contract are the same as those for the delivery and receipt of products in intermediary processing as guided in Article 29 of this Circular.

4. Customs procedures for donation of leased or borrowed machinery and equipment; redundant materials and supplies; scraps and defective products; and procedures for destruction of scraps and defective products in Vietnam and procedures for disposing of redundant materials and supplies supplied by traders themselves by mode of import from abroad according to the form of processing comply with Points d and e, Clause 2, and Clause 3, Article 23 of Circular No. 117/2011/TT-BTC.

Chapter V

CUSTOMS PROCEDURES FOR MATERIALS AND SUPPLIES IMPORTED FOR PRODUCTION OF EXPORTS

Article 33. Materials and supplies imported for production of exports; products exported in the form of export production; customs procedures for import of materials and supplies

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Customs declarants shall register materials and supplies imported for export production under Clause 2, Article 32 of the Ministry of Finance’s Circular No. 194/2010/TT-BTC of December 6, 2010.

a/ The procedures for registration of imported materials and supplies:

a1/ Responsibilities of the customs declarant: al. 1/ To declare full contents according to the items and standard format in the table of registration of imported materials and supplies, and send information to the customs office through the e-customs data processing system;

a1.2/ To receive feedback of acceptance or refusal of registration and modify and add information as instructed by the customs office.

a2/ Responsibilities of the customs office:

To receive, inspect and register declared information and give feedback to the customs declarant within 2 working hours after receiving the table of registration of imported materials and supplies on the system.

b/ Modification of the list of materials and supplies:

b1/ The declaration of modified information on imported materials and supplies must be made before importing the first lot of goods;

b2/ The procedures for changing imported materials and supplies are the same as those for registration of materials and supplies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The customs procedures for import of materials and supplies according to the registered list of imported materials and supplies are the same as those for import of goods under purchase and sale contracts specified in Chapter III of this Circular at the customs office with which the list of imported materials and supplies is registered.

Article 34. Procedures for notification and adjustment of norms of materials and supplies and registration of exported products

1. The notification and adjustment of norms and registration of exported products must be earned out at the Customs Branches which have carried out the procedures for import of materials and supplies.

2. The procedures for notification and adjustment of norms of materials and supplies are similar to those guided for goods processed for export in Article 27 of this Circular.

3. Information on export products in the table of notification of norms when customs declarants notify the norms is automatically updated into the e-customs data processing system; customs declarants are not required to register exported products.

4. For materials and supplies imported for the production of goods for domestic consumption, when customs declarants find an export outlet and use these materials and supplies to produce export goods, prior to the export, they shall register the list of materials and supplies and notify and adjust the norms according to regulations.

Article 35. Customs procedures for export of products

1. Places for carrying out product export procedures comply with Clause 1, Article 34 of the Ministry of Finance’s Circular No. 194/2010/TT-BTC of December 6, 2010.

2. The customs procedures for product export are the same as those for goods export under purchase and sale contracts specified in Chapter III of this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Customs officers conducting physical inspection of goods shall compare the preserved samples with materials constituting the products; compare the norms of materials and supplies with actually exported products. In case the preserved samples are not compatible with the exported products, the customs officers shall take samples of the exported products for appraisal. Pending appraisal results, customs offices shall continue to carry out the customs procedures for export of the goods.

While carrying out customs procedures for export of products, if customs declarants have used materials and supplies imported under goods purchase and sale contracts for production of these exported products and now want to be refunded tax for this amount of materials and supplies, they shall declare information according to the standard format in the list of imported materials and supplies under goods purchase and sale contracts.

3. In case the customs declarant carries out customs procedures for export of products at a Customs Branch other than the one with which the declaration of import of materials for export production has been registered or the customs declarant importing materials and supplies for export production is different from the one exporting products, before liquidation:

a/ The customs declarant importing materials and supplies shall send information on these declarations to the e-customs data processing system;

b/ The Customs Branch having carried out the procedures for import of materials and supplies shall update these declarations into the system.

Article 36. Liquidation of import declarations

1. The procedures for liquidating import declarations are carried out at the Customs Branch carrying out the procedures for import of materials and supplies.

2. Principles of liquidation

a/ Liquidation must be made for all materials and supplies imported for export production;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In case materials and supplies of the import declarations which are selected for liquidation have not yet been put into export production so that liquidation cannot be made yet, customs declarants shall declare information on materials and supplies not yet liquidated according to the prescribed items and standard format in the table of materials not yet liquidated.

c/ Import declarations or export declarations to be liquidated must be those for which customs clearance decisions have been issued by the customs office and goods of such declarations have been actually imported or exported.

d/ An import declaration may be liquidated many times. An export declaration may be liquidated only once.

In case exported products are made of materials of an import declaration under the purchase and sale contract registered at another Customs Branch, an export declaration may be partially liquidated.

3. An e-liquidation dossier

a/ General information for requesting liquidation;

b/ A list of import declarations for liquidation (including also import declarations under the relevant goods purchase and sale contract);

c/ A list of export declarations for liquidation (including also export declarations for export processing or re-export activities and export declarations registered at other places for carrying out procedures);

d/ Information explaining in detail die quantities of materials and supplies imported under the import declarations for liquidation which are used for the following purposes (if any):

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d2/ A list of materials and supplies exported through products under processing contracts;

d3/ A list of materials and supplies for re-export;

d4/ A list of materials and supplies not for export for which the customs declarant wants to pay tax into the state budget (including materials and supplies requested for change of form, destruction, donation, etc.).

4. Receipt and inspection of liquidation dossiers

a/ Responsibilities of the customs declarant: al/ To declare full contents according to the items and standard format in the e-liquidation dossier and send information to the customs office through the e-customs data processing system;

a2/ To receive feedback of acceptance or refusal of registration and modify and supplement information as instructed by the customs office,

b/ Responsibilities of the customs office:

b1/ To receive e-liquidation dossiers;

b2/ To inspect and compare the liquidation data and give feedback of liquidation results to the customs declarant within 7 working days from the date of receipt of the liquidation request on the system.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In case the liquidation results are accepted, the customs declarant and Customs Branch shall carry out the tax refund procedures and the latter shall not collect tax under the guidance in Clause 5 of this Article.

5. Dossiers and procedures for consideration of tax refund and non-collection comply with Articles 10,18,118,127,128,129,130 and 131, and Clause 2, Article 132 of the Ministry of Finance’s Circular No. 194/2010/TT-BTC of December 6, 2010.

Particularly, the following forms comply with this Circular:

a/ A list of export declarations to be liquidated: the customs declarant is not required to submit and use the list of export declarations for liquidation (specified at Point c, Clause 3 of this Article) on the e-customs data processing system;

b/ A summarization report on import - export - inventory of materials and supplies: to be made according to Form No. 13 in Appendix III to this Circular;

c/ A summarization report on tax calculation on imported materials and supplies: to be made according to Form No. 14 in Appendix III to this Circular.

6. The Customs Branch carrying out the liquidation procedures shall receive dossiers of liquidation, tax refund and non-collection and handle these dossiers and violations (if any) in accordance with law.

7. In case an enterprise wants to domestically consume materials it has imported for export production but not fully use them in production and export them, it may send a written request to the Customs Branch carrying out the procedures for domestic consumption and liquidation on the basis of the declarations of import of materials; it is not required to register a new declaration but only declare and pay import duty, excise tax (if any), value added tax (if any), environmental protection tax (if any) according to regulations. The time limits for payment of tax and late tax payment fines comply with current regulations.

8. When conducting liquidation, the customs office shall stamp the “liquidated” mark on the original export declaration kept by the customs declarant; for materials and supplies imported at the tax rate of 0%, it shall stamp the “liquidated” mark on the original import declarations kept by the customs declarant.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 37. Procedures for cases of selling products to other enterprises for direct export

1. Customs declarants importing materials and supplies for export production shall carry out the procedures for import and notification of norms and liquidation as prescribed in this Circular.

2. Customs declarants directly exporting products shall carry out the procedures for export of products as prescribed in this Circular. Export declarations must be registered by form of export production; on the export declaration must be clearly written “products are made from materials imported for export production”, and the name of the enterprise selling products in the section “Other Notes” in the e-customs declaration.

Chapter VI

CUSTOMS PROCEDURES FOR EXPORTS AND IMPORTS OF EXPORT PROCESSING ENTERPRISES

Article 38. General principles

1. Customs procedures for exports and imports of export processing enterprises prescribed in this Circular are applied to export processing enterprises (EPEs) in export processing zones and export processing enterprises outside export processing zones.

2. Goods exported or imported by EPEs are managed by use purpose and source of import a1 Management by use purpose: al/ For exports and imports of EPEs which are managed by the use purposes of production (including also the cases in which EPEs undertake processing for foreign countries or conduct on-the-spot import and export), investment to create fixed assets and consumption, EPEs shall carry out customs procedures as specified in this Chapter and report on goods under the regime of warehousing - delivery - actual inventory.

For imports registered under a certain use purpose, their delivery must also be balanced according to such purpose.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a2/ For exports and imports of EPEs (including also means of containing goods in the rotation manner; building materials taken from the domestic market into non-tariff areas for the building, repair and maintenance of technical and social infrastructure facilities in non-tariff areas) managed by use purposes other than those specified at Point al, Clause 2 of this Article, they must not be managed according to the regime of warehousing - delivery - actual inventory specified in this Chapter; when exporting and importing, EPEs shall carry out customs procedures and these goods must be managed by their corresponding form specified in other chapters of this Circular, Circular No. 194/2010/TT-BTC of December 6, 2010; Circular No. 11/2012/TT-BTC of February 4, 2012, and other relevant documents of the Ministry of Finance.

If goods of EPEs are processed by domestic enterprises, EPEs are not required to carry out customs procedures, but domestic enterprises shall carry out customs procedures for processed goods.

b/ Management by source of import:

Exports and imports are classified and determined as follows:

b1/ Goods exported to or imported from foreign countries, including those purchase from, sold to and processed for foreign countries; those purchased, sold and processed among EPEs; and those for delivery and warehousing with bonded warehouses;

b2/ Goods exported to and imported from domestic enterprises, including those purchased from, sold to, and processed for domestic enterprises.

3. For goods transferred between EPEs and their inland branches, customs procedures are not required to be carried out. Before the transfer, EPEs shall inform their managing customs office of the following contents: name of transferred goods, unit of calculation, quantity, location of departure, location of arrival, source of import of goods (if the goods are imported materials, machinery and equipment, with details as declared in die import declaration), expected time for transfer; and the ex-warehousing-cum-intemal transport bill together with the internal transfer order as specified at Point 2.6 of Appendix 4 to Circular No. 153/2010/TT-BTC.

Particularly, goods transferred between EPEs and their inland branches for domestic consumption (except for transfer of imports using the rights of import and distribution of EPEs which have enjoyed customs clearance): EPEs and their inland branches shall carry out customs procedures as guided at Point a, Clause 4, Article 42 of this Circular and implement the tax policy as prescribed.

4. Goods imported by EPEs and managed by the use purpose of consumption are managed as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ For consumer goods serving workshops (for example: fabric or paper for cleaning machinery and equipment; gasoline to fuel generators) or consumer goods serving production activities which cannot be calculated according to the output rate (for example: oil to clean molds; labor protection gloves; brush pens to mark defective products; plastic films to wrap goods packages against dust in the workshops), the customs procedures must be carried out according to regulations.

b1/ The identification of goods as consumer goods serving workshops but not satisfying the conditions for creating fixed assets is based on Vietnamese accounting standards;

b2/ The identification of goods as consumer goods serving production activities which cannot be calculated according to the output rate must be conducted and declared by the enterprises themselves when registering the list of imports.

c/ The regime of declaration of delivery and warehousing of consumer goods for which customs procedures have been carried out upon import into EPEs is declaration once a month.

Every month, from the 1st day to the 10th day of the following month, EPEs shall declare information on consumer goods warehoused and delivered in the previous month to the e-customs data processing system.

c1/ The enterprises shall declare and take responsibility before law for the contents declared to the customs offices. The customs offices shall only inspect accounting documents and books or physically inspect inventories in the enterprises when having doubts or according to the plan of post-customs clearance inspection;

c2/ When declaring the delivery of consumer goods, the enterprises shall declare information on the delivery for consumption according to the purpose of serving consumption or for consumption but changing this use purpose to inventory in another state (fixed asset, production).

5. Contents of information declared by the enterprises to the customs offices must be consistent with the data based on actual monitoring and the accounting books at the enterprises, including:

a/ The list of imports or the list of exports registered with the customs office must be consistent with the goods management data at the warehouse of the enterprise regarding code of goods, category and unit of calculation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Imports or exports declared in the import declarations or export declarations must be consistent with goods written in die warehousing or delivery bills at the enterprises regarding code of goods, category, unit of calculation and quantity;

d/ Actual inventory declared by an EPE when liquidating with the customs office must be consistent with the inventory recorded in the accounting books of the enterprise and the “summarization table of goods warehoused, delivered and in inventory” monitored by the customs office in the same reporting period.

6. Handling of discrepancies between the contents in the declarations and documents and the actual warehousing and delivery of goods

a/ Before the warehousing or delivery and during the time the enterprise is permitted to modify and supplement its e-customs dossier as prescribed, if there is a discrepancy in the name, category, quantity or unit of calculation of goods between those actually warehoused or delivered and the contents in the declarations and documents, the enterprise shall declare modifications and additions in the same way as those made to the customs dossier;

b/ After the warehousing or delivery and beyond the time the enterprise is permitted to modify and supplement its e-customs dossier as prescribed, if the enterprise detects any discrepancy and they declare and give reasonable explanations, the customs office may consider and accept these explanations on a case-by-case basis:

bl/ For discrepancies in quantity, the EPE shall give explanations according to the items and standard format in the form of Notification of explanation for actual differences upon receipt of goods with those declared to the customs office;

b2/ For discrepancies in other items, the enterprise shall declare modifications and additions in the same way as those made to the customs dossier.

7. The customs inspection and supervision of imports or exports of EPEs will be based on the data for monitoring warehousing - delivery - inventory on the e-data processing system of the customs office and these enterprises’ reports on warehousing - delivery - actual inventory and the import declarations and export declarations for which customs procedures have been completed, warehousing bills, delivery bills, norms, documents and related accounting books.

Direct supervision at the entrances of export processing zones and EPEs may be conducted when necessary under decisions of directors of provincial or municipal Customs Departments.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

For goods imported in this form, EPEs shall implement die regime of reporting exports and imports during the period of reporting on warehousing - delivery - inventory to their managing customs offices under Point b, Clause 10, Article 44 of the Ministry of Finance’s Circular No. 194/2010/TT-BTC of December 6, 2010.

9. Taxes applicable to exports and imports of EPEs comply with the current tax laws.

10. Before carrying out e-customs procedures and reporting according to the regime of warehousing - delivery - actual inventory as specified in this Chapter, EPEs shall liquidate assets and imports, determine inventory according to their accounting books and send reports on inventory liquidation to the customs office.

- The report on inventory liquidation according to records must be made according to Form No. 10/HSTK-CX (Report on warehousing - delivery - inventory of imported materials) provided in Appendix VI to Circular No. 194/2010/TT-BTC.

- The report on actual inventory according to the accounting books of the EPE must be made according to Form No. 18 provided in Appendix III to this Circular.

a/ The customs offices shall inspect and determine the quantity of inventory as follows:

a1/ If the quantity of inventory according to the records of the customs office and the quantity of actual inventory according to the accounting book of the EPE is the same: Use the quantity of inventory according to the records of the customs office as a basis for transferring inventory at the beginning of the period;

a2/ If the quantity of inventory according to the records of the customs office and the quantity of actual inventory according to the accounting books of the EPE is different: on the basis of the explanations of die EPE, the customs officer shall propose the settlement of tax and sanctions against administrative violations (if any) in accordance with current policy to the head of the Customs Branch for approval and notify the EPE of results of settlement. After the settlement is completed, use the quantity of actual inventory according to the accounting books of the EPE as a basis for transferring inventory at the beginning of the period.

b/ After receiving results of settlement by the customs office related to the quantity of inventory at the end of the period, the EPE shall transfer by itself such inventory according to the standardized list of new goods in accordance with its inventory management and declare information on the inventory under the list of new goods to the e-customs data processing system in the form of reported information on the inventory of EPEs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ The customs office shall receive information updated on the e-customs data processing system to monitor inventory at the beginning of the period by use purpose and source of import.

11. The settlement of assets and goods originated from import when an enterprise is transformed from an EPE into an enterprise not entitled to the regime of export processing and vice versa complies with Point d, Clause 4, Article 45 of the Ministry of Finance’s Circular No. 194/ 2010/TT-BTC of December 6, 2010.

Article 39. Places for carrying out customs procedures

1. For exports and imports: Customs procedures must be carried out at the Customs Branch managing EPEs.

2. For goods processed between EPEs and domestic enterprises: Domestic enterprises shall carry out customs procedures at the Customs Branch managing EPEs or the Customs Branch of the locality in which the head office of the domestic enterprise is located.

3. For goods processed between two EPEs: The enterprise undertaking the processing shall carry out customs procedures at its managing Customs Branch.

Article 40. Registration, modification and addition of the list of imports and exports

1. The registration of the list of goods is classified as follows:

aI For imports and exports managed by the use purpose of production, investment or consumption, EPEs shall register the lists of imports and exports under Clause 2 of this Article;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Time of registration, modification and addition

a/ Time of registration of the lists:

a1/ For imports: To register the list before carrying out the procedures for import of the first lot of goods;

a2/ For exports:

a2.1/ If the exports are products produced by EPEs from imported materials, to register the list before carrying out the norm notification procedures;

a2.2/ If the exports are goods originally imported, it is not required to register die list of exports. EPEs shall use the list of originally imported goods which has been registered with the customs office for declaration upon export.

b/ Time of modification and addition of the lists:

b1/ Modification and addition of the list of imports:

b1.1/ In case the imports are materials and supplies for exported products, the customs declarant may modify all information in the list of imports before carrying out die import procedures for the first lot of goods or before notifying die norms, depending on which time comes first;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b2/ Modification and addition of the list of exports:

b2.1/ If the exports are products produced from imported materials, the customs declarant may modify before carrying out the norm notification procedures;

b2.2/ If the exports are not products produced from imported materials, the customs declarant may modify the list of exports before carrying out the export procedures.

c/ In case of detecting errors in the declared lists beyond the time specified at Point b, Clause 2 of this Article, customs declarants may modify the declared contents if they have plausible reasons accepted by the head of the Customs Branch but are not allowed to modify the code and unit of calculation of goods.

3. Procedures for registration, modification and addition

a/ The customs declarant creates declaration information on the list according to die items and standard format of the name of goods, HS code, code of goods, unit of calculation, and use purpose, notifies it according to the current system of lists of exports and imports and shall declare it consistently from the time of import into the EPE until the EPE terminates the import and export. The customs declarant creates declaration information on the lists according to the forms of List of imports into the EPE and List of exports out of the EPE.

The registration and receipt of feedback of EPEs must be carried out as specified in Article 33 of this Circular.

b/ The examination of the receipt of contents in the lists by the customs offices must comply with Article 33 of this Circular.

Article 41. Notification, adjustment of norms and loss percentages of materials and supplies for exported products

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. EPEs shall declare information on norms according to the items and standard format in the form of Information on actual norms of products exported from EPEs or the form of Information on actual norms for materials directly involved in export production extracted from the original materials (component materials).

3. The order of the steps is applied as for the procedures of notification and adjustment of norms of processed goods prescribed in this Circular. The definitions of norms of consumed raw material and supplies, loss percentage; policy and management regime comply with the Ministry of Finance’s Circular No. 117/2011/TT-BTC of August 15, 2011.

Article 42. Customs procedures for imports and exports of EPEs

1. For goods imported by EPEs from abroad, bonded warehouses or other EPEs

a/ For imports managed by the use purpose of production (including the cases in which EPEs undertake processing for foreign countries; on- the-spot import), investment, consumption, EPEs shall carry out the import procedures like customs procedures applicable to purchase and sale contracts (excluding tax declaration) prescribed in this Circular.

For imports managed by the use purpose of investment, their e-customs dossiers must comprise an official letter (hard copy or scan) requesting permission for importing goods to create fixed assets of EPEs and a list of goods (name of goods, quantity, unit of calculation, HS code, specification, category and value of the imports of the goods lot, registered total investment to create fixed assets and total remaining investment to create fixed assets before importing this goods lot).

b/ In case of goods purchased and sold between EPEs and managed by the use purpose of production, investment or consumption, EPEs shall carry out the import and export procedures like customs procedures applicable to purchase and sale contracts (excluding tax declaration) prescribed in this Circular. EPEs shall take the steps and comply with the time limit for carrying out customs procedures as for on-the-spot exports or imports prescribed in this Circular (excluding the provisions on conditions of on- the-spot import and export);

c/ In case the goods are imported for the purpose of purchase and sale (the right to import), EPEs shall carry out customs procedures as for the import of goods from abroad under purchase and sale contracts (declaration for calculating import duty, VAT, excise tax (if any) and environmental protection tax (if any)).

2. For goods imported by EPEs from inland in the form of purchase and sale

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ For goods imported from inland and managed by other use purposes (other than goods imported under Point c, Clause 2 of this Article), EPEs shall carry out the import procedures applicable to their respective forms;

c/ For goods imported from inland and managed by the use purpose of purchase and sale (exercising the right to export), EPEs shall carry out the import customs procedures applicable to purchase and sale contracts (excluding tax declaration) prescribed in this Circular.

EPEs and domestic enterprises shall take the steps and comply with the time limits for carrying out customs procedures as for goods exported or imported on the spot prescribed in this Circular (excluding the provisions on conditions of on-the-spot import and export).

3. For goods exported abroad, put into bonded warehouses or delivered by EPEs to other EPEs

a/ For exports (including on-the spot exports) originated from import and managed by the use purpose of production, investment or consumption, the EPEs shall carry out the export procedures like customs procedures applicable to purchase and sale contracts (excluding tax declaration) prescribed in this Circular.

For goods purchased and sold between EPEs and managed by the use purpose of production, investment or consumption, the provisions of this Point must be complied with. The purchasing EPE shall carry out the import procedures and the selling EPE shall carry out the export procedures like customs procedures applicable to purchase and sale contracts (excluding tax declaration) prescribed in this Circular. EPEs shall take the steps and comply with the time limits for carrying out customs procedures as for on-the- spot imports and exports prescribed in this Circular (excluding the provisions on conditions of on-the-spot import and export).

b/ For goods exported for the purpose of, buying and selling (the right to export), EPEs shall carry out customs procedures as for exporting goods abroad under purchase and sale contracts (declaration of export tax (if any)).

4. For EPEs’ goods sold into the domestic market, goods delivered for use for repairing re-imported products, goods purchased from domestic enterprises which fail to meet requirements and are returned to the inland for repair for re-import, and other exports (except those exported abroad):

a/ For products, scraps and defective products (including scraps and defective products not yet included in the norms) allowed to be sold into the domestic market, originated from import and managed by the use purpose of production: EPEs shall caưy out the export procedures according to Point a, Clause 3 of this Article. Domestic enterprises shall carry out customs procedures applicable to their respective forms.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ For scraps and defective products (within the loss percentage) originated from import, managed by the use purpose of production and allowed to be sold into die domestic market: EPEs are not required to carry out export procedures. Domestic enterprises shall carry out customs procedures applicable to their respective forms.

The time limit for the domestic enterprises to caưy out customs procedures is 10 days from the date of issue of the sale invoice by the EPE.

c/ For goods liquidated from the source of import managed by the use purpose of investment or consumption, EPEs shall declare information on goods liquidation according to the items and format prescribed in the form of Information on fixed asset liquidation documents. Domestic enterprises shall carry out the import procedures applicable to their respective forms.

The time limit for declaration of information on changing the use purpose is prescribed in Clauses 8 and 9, Article 10 of Circular No. 194/2010/TT-BTC.

EPEs and domestic enterprises shall take the steps to carry out customs procedures as for on-the-spot imports and exports prescribed in this Circular (except for the provisions on conditions of on-the-spot import and export).

d/ For exports used for repairing re-imported products and other exports originated from import managed by the use purpose of production, investment or consumption, EPEs shall declare information in the form of Notification of delivery.

From the first day to the 10th day of each month, EPEs shall declare information on delivered goods of the previous month in the e- customs data processing system.

e/ For goods imported from abroad to exercise the right to import and distribute, then sold into the domestic market, or sold to other EPEs:

e1/ In case of selling the goods to domestic enterprises, the EPEs shall carry out customs procedures as for export of goods abroad under purchase and sale contracts (without declaration for export duty calculation). Domestic enterprises shall caưy out customs procedures applicable to their respective forms;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

EPEs and domestic enterprises or other EPEs shall take the steps and comply with the time limit for carrying out customs procedures as for on-the-spot imports and exports prescribed in this Circular (except for the provisions on conditions of on-the-spot import and export).

f/ In case goods are purchased from domestic enterprises but they do not meet the requirements and are returned to domestic enterprises for repair and re-import, EPEs are not required to open declarations (except for goods returned to domestic enterprises but then not re-imported by EPEs. In this case EPEs shall declare information according to form of Notification of delivery as guided at Point d, Clause 4 of this Article), while domestic enterprises shall open declarations of re-import according to the respective forms.

The time limit for domestic enterprises to carry out customs procedures for re-import is 10 days from the date of delivery of goods by the EPE.

5. Processed goods (except processing for foreign countries)

a/ For goods processed by domestic enterprises for EPEs: domestic enterprises shall caưy out customs procedures according to regulations on the processing of goods for foreign traders. EPEs are not required to carry out customs procedures;

b/ For goods processed by EPEs for domestic enterprises: domestic enterprises shall carry out customs procedures according to regulations on ordering the processing of goods abroad in the Ministry of Finance’s Circular No. 117/2011/TT-BTC of August 15,2011. EPEs are not required to carry out customs procedures.

Particularly, if EPEs supply materials, they shall declare information on supply of materials according to the format in die form of Notification of delivery. From the first day to the 10th day of each month, the EPEs shall declare information on goods delivered for supply of the previous month in the e-customs data processing system.

c/ Goods processed by EPEs for EPEs, the processing EPEs shall carry out customs procedures as prescribed for goods processed for foreign traders.

6. For goods delivered by EPEs into the domestic market for repair

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ When receiving goods back, EPEs shall declare information on re-warehousing of repai­red goods to the customs system according to the format in the form of Notification of warehousing;

c/ Beyond the registered time for repair if EPEs do not receive goods back and produce written reasonable explanations, the head of their managing Customs Branch shall consider granting extension once according to the repair time agreed between the enterprises. In case die enterprises cannot produce a plausible reason, their goods will be handled according to the guidelines for goods having its use purpose changed.

7. Declaration procedures for delivered goods originated from import and managed by the use purpose of consumption

a/ For goods delivered by the consumption purpose:

a1/ The EPE declares information on the delivery bill according to the items and format in the form of Notification of delivery and sends to the customs office via the e-customs data processing system;

a2/ The customs office receives information declared by the enterprise as a basis for monitoring warehousing - delivery - inventory for these goods.

b/ For goods delivered by the consumption purpose but changed to another purpose (production, investment):

For example: the EPE imports steel to make shelves for containing products (consumption), but then use die imported steel to produce molds (fixed asset investment) or use the steel to produce products (production).

When delivering goods, the EPE shall declare information on delivery of originally imported goods to the customs office under Point a, Clause 7 of this Article; and declare information on warehousing for goods newly formed from the change of the use purpose of originally imported goods in the form of Notification of delivery for the customs office to continue to monitor the import with regard to these new goods.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. Destruction procedures for goods in EPEs

a/ Responsibilities of the EPE:

a1/ Before the destruction of goods, the EPE shall declare information on the destruction of materials, supplies, products, scraps and defective products (excluding scraps already calculated in the norms and percentage of loss), machinery, equipment, means of transport and consumer goods to the customs office, together with the written permission for destruction in Vietnam of the provincial-level Department of Natural Resources and Environment according to the items and format in the form of Information on destruction of materials, products, scraps, defective products, machinery, equipment, means of transport and other goods;

a2/ In case goods to be destroyed are products and defective products, before the destruction, the EPE shall declare the notification of the norms of products and defective products according to the procedures of notification and adjustment of the norms of processed goods prescribed in this Circular;

a3/ After the destruction products and defective products are handled as follows:

a3.1/ If they still have commercial value and are sold into the domestic market: domestic enterprises shall carry out customs procedures as for sale and purchase contracts prescribed in this Circular. The EPE is not required to carry out customs procedures.

The time limit for domestic enterprises to carry out customs procedures is 10 days from the date of issue of the sale invoice by the EPE.

a3.2/ If they are no longer of any commercial value and sent out for disposal: The EPE shall follow the instructions in Clause 9 of this Article.

b/ Responsibilities of the Customs Branch managing the EPE:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b2/ To supervise the destruction as prescribed.

c/ After the completion of the destruction of goods, the parties shall make a record of supervision of the destruction. The record must be signed by the director of the EPE (or authorized person), with the stamp of the EPE, and signed by the customs officer who is the supervisor and the parties related to the supervision of the destruction.

9. Customs supervision procedures for scraps within the percentage of loss, waste recovered in the manufacturing process of the EPE sent for destruction in a location outside the EPE (below collectively referred to as waste)

a/ The transportation and destruction of waste must comply with the provisions of the Environmental Protection Law and relevant guiding documents;

b/ The customs office does not affix a customs seal for vehicles transporting waste to a place outside the export processing zone and EPE for disposal;

c/ Before delivering waste to the earner, the EPE (waste generator) shall notify its managing Customs Branch of the delivery time for sending a customs officer to perform inspection and supervision tasks;

d/ The inspection and supervision by the customs office of waste sent for destruction is carried out as follows:

d1/ Upon receipt of a written notice of the enterprise, the head of the Customs Branch shall send its customs officer to the enterprise for performing inspection and supervision tasks;

d2/ The customs officer assigned to perform inspection and supervision tasks shall:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d2.1.1/ For hazardous waste:

- Check the hazardous waste treatment practice license and hazardous waste transportation practice license of the treatment enterprise: These licenses must be still valid, and the EPE’s waste sent for treatment must be consistent with the waste permitted for transportation and treatment as stated in these licenses;

- Check the compatibility between the waste transportation and treatment contracts with relevant records, documents, means of transport and licenses.

d2.1.2/ For ordinary waste:

- Check the business license of the waste treatment unit regarding the relevant waste treatment business;

- Check the compatibility between the waste transportation and treatment contracts with relevant records, documents and licenses.

d2.2/ Inspect the EPE’s waste before it are handed over to the carrier (waste to be handed over must be the one not mixed with scraps which have not yet been included in the loss percentage of the product norm, usable defective products and other goods);

d2.3/ Supervise the loading of waste onto means of transport of waste; supervise the transport of waste out of the boundary of the export processing zone or EPE;

d2.4/ Make a record of inspection and supervision with the certification of the EPE, the waste carrier (the record must clearly specify the time of inspection and supervision; name of the supervising and inspecting customs officer; name of the EPE generating waste, the EPE’s representative performing the handover of waste; the enterprise contracted to transport and treat waste, registration number of means of transportation of waste; name of waste, and the contents already inspected and supervised); the record must be made in 3 copies, each party keeping 1 copy.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 43. Goods liquidation procedures

The forms of liquidation, goods subject to liquidation, liquidation conditions and liquidation dossier of goods imported by EPEs comply the guidance Circular No. 04/2007/TT-BTM of April 3, 2007, of the Ministry of Trade (now the Ministry of Industry and Trade).

1. Liquidation procedures

a/ Liquidation in the form of export: The procedures must be carried out under Point a, Clause 3, Article 42 of this Circular;

b/ Liquidation in the form of sale in the Vietnamese market: The procedures must be carried out under Points a and c, Clause 4, Article 42 of this Circular;

c/ Liquidation in the form of giving goods as gifts or donation in Vietnam: The procedures must be carried out under Point d, Clause 4, Article 42 of this Circular;

d/ Liquidation in the form of destruction: The procedures must be carried out under Clause 8, Article 42 of this Circular.

2. When declaring on the export declaration or the form of Information on liquidation documents of fixed assets or of Notification of delivery to the customs offices, the EPE shall clearly declare the source of import of goods to be liquidated or exports consistent with the list of exports or imports already registered with die customs office.

Article 44. Regime of reporting and inspection for goods imported and exported by EPEs and inspection of inventory records

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Quarterly or annual reports on inventory must be made for each use purpose declared upon import into EPEs.

2. Conditions of application of the reporting regime and reporting time limit

a/ The EPE meeting the follồwing conditions may apply the reporting regime of warehousing - delivery - actual inventory by calendar year. The conditions include:

a1/ The EPE strictly abides by the laws on customs and tax in 36 consecutive months by the time of consideration by the customs office.

The customs office shall consider this condition based on the process of enterprise management.

a2/ The enterprise has an information technology system to manage all data of production, trading, transportation and delivery and receipt of goods meeting the requirements of management and monitoring of goods warehoused, delivered and in actual inventory.

The enterprise shall submit manuals for using the program.

a3/ The EPE has regulations on close coordination between the warehouse management unit with the unit carrying out import and export procedures for timely additional declaration to the customs office in case there is any inconsistency between the declared information and the actual warehousing and delivery of goods and the actual norms.

The EPEs shall submit these regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The customs office shall consider this condition based on the process of enterprise management.

b/ An EPE that has not yet met the conditions specified at Point a, Clause 2 of this Article shall make reports on warehousing - delivery - actual inventory every quarter and at the end of every year.

The reporting deadline is the 15th day of the first month of the following quarter for quarterly reports or the last day of the first quarter of the subsequent year for annual reports.

3. Competence to consider and decide on application of the reporting regime

a/ On the basis of the written request of an EPE and the documents mentioned at Point a, Clause 2 of this Article submitted at the Customs Branch managing the EPE, within 5 days, die head of the Customs Branch shall consider, decide and inform in writing his/her decision to the EPE. The time for application of the annual reporting regime is applied right in the year the EPE requests and satisfies the prescribed conditions.

b/ During the o1peration, if the EPE fails to meet any of the conditions under Point a, Clause 2 of this Article, the head of its managing Customs Branch shall decide to suspend the application of the annual reporting period and change it to the quarterly reporting period. The EPE shall report from the end of the previous reporting period to the quarter of the month of suspension.

For example: The time to decide on suspension of the application of the annual reporting period is April. The EPE shall make quarterly reports from the second quarter. The data of the second-quarter report are those calculated from the inventory at the end of the previous year to the end of the second quarter (June) of the cuưent year.

4. Reporting by EPEs

a/ Quarterly, no later than the 15th day of the first month of die following quarter for quarterly, or annually, no later than the last day of the first quarter of the following year for annual reports or irregularly when the customs office requests, EPEs shall create information reporting imports, exports, liquidation and inventory according to records and actual inventory according to their accounting books in the reporting period according to the items and standard format in the form of Information on reporting on inventory of the EPE managed by use purpose (production, investment or consumption), including also materials left in stock in the form of unfinished products on the production line; inventory not yet exported; goods on the way of transportation; consignments and other goods owned by EPEs, and send such information to their managing Customs Branch through the e-customs data processing system;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Responsibilities of the Customs Branch managing the EPE

a/ Quarterly, no later than the 15th day of the first month of the following quarter for quarterly reports, or annually, no later than the last day of the first quarter of the following year for annual reports, or upon having irregular doubt, the Customs Branch managing the EPE shall monitor the data of imports and exports and liquidate the data, determine the amount of inventory monitored on the e-customs data processing system.

Based on the data of inventory in the Information on inventory reporting declared by the EPEs, the e-customs data processing system will automatically compare them with data of inventory in the Summarization Table of goods warehoused - delivered - in inventory monitored in the Customs Branch managing the EPE, in order to determine the difference between the inventory according to records and the actual inventory according to the accounting books of the EPE with the inventory according to the records of the customs office.

b/ Within 30 days after the EPE sends the information on inventory reporting for the quarterly dossier of liquidation or within 60 days after the EPE sends die information on inventory reporting for the annual dossier of liquidation, the Customs Branch managing the EPE shall inform the latter through the e-customs data processing system of one of the following cases:

b1/ If there is no difference between inventory according to records and the actual inventory according to the accounting books of the EPE and inventory according to the records of the customs office, die Customs Branch shall accept the liquidation and give feedback to the EPE;

b2/ If there is difference between the inventory according to records and the actual inventory according to the accounting books of the EPE and inventory according to the records of the customs office, the Customs Branch shall decide to send the Summarization Table of the difference between the actual inventory and inventory according to records to the EPE to ask for explanation.

Within 15 days from the date of receipt of the EPE’s explanation about the data difference, the customs office shall handle as follows:

b2.1/ If the EPE’s explanation is reasonable, the Customs Branch shall accept the liquidation and give feedback to the EPE;

b2.2/ If the EPE’s explanation is not reasonable, through the e-customs data processing system, the customs office shall ask the EPE to submit a copy and present the original(s) of one, some or all of the following documents, books and reports:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b2.2.2/ Detailed accounting books of the accounts related to imports and exports;

b2.2.3/Annual accounting statement;

b2.2.4/ Other documents related to imports and exports (if available).

Within 15 days after receiving the documents submitted by the EPE, the customs office shall handle as follows:

b2.3/ When there are sufficient grounds for determining the errors through results of checking actual inventory data according to the accounting books of the EPE, the Customs Branch shall take the measures: handling customs-related administrative violations, assessing the tax under regulations and giving feedback to the EPE;

b2.4/ If through results of checking actual inventory data according to the accounting books of the EPE, there are insufficient grounds for determining the errors of the EPE, the head of the Customs Branch shall decide on the physical inspection of inventory or transfer the dossier for post-customs clearance inspection under regulations.

Chapter VII

CUSTOMS PROCEDURES FOR SOME OTHER CASES

Article 45. Customs procedures for goods imported to create fixed assets; materials, supplies, components and semi-finished products for production of investment projects or investment incentive projects

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Import procedures

a/ The enterprise carries out customs procedures for import of goods at the Customs Branch of the locality in which the goods are imported or at the Customs Branch of the locality in which the investment project is formulated;

b/ The customs procedures are carried out as guided for imports and exports under goods purchase and sale contracts in Chapter III of this Circular along with additionally registering the list of imports exempted from tax with the customs office under the guidance in Clause 1 of this Article. Records, procedures for tax exemption and the regime of reporting, inspection and settlement of the import and use of goods exempted from tax comply with the guidance in Articles 103 and 104 of the Ministry of Finance’s Circular No. 194/2010/TT-BTC of December 6,2010, guiding customs procedures; customs inspection and supervision; import and export duties and tax administration for imports and exports.

3. Liquidation of imports

a/ The forms of liquidation, goods subject to liquidation or liquidation conditions, records of liquidation of imports exempted from tax comply with the guidance in the Ministry of Trade’s Circular No. 04/2007/TT-BTM of April 4,2007, guiding the import, export, processing and liquidation of imports and consumption of products of foreign-invested enterprises.

For duty-free imports of domestic investment enterprises, their liquidation must comply with the guidance in the Ministry of Trade’s Circular No. 04/2007/TT-BTM of April 4,2007.

b/ Places for carrying out liquidation procedures are customs offices with which the e-customs declarations are registered;

c/ Liquidation procedures:

c1/ The enterprise sends a written request specifying the reason for liquidation, form of liquidation; list of goods requested for liquidation (including name, code, quantity of goods to be liquidated under import declaration No.. ..date..., month... and year...) and the decision to establish a liquidation council, to the customs office with which the list of duty-free imports is registered;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c3/ In the case of destruction, the enterprise itself organizes the destruction and takes responsibility before law for environmental impacts of the whole process of destruction. The customs office supervises the destruction process. After the destruction, the parties shall prepare a record to certify the destruction. The record must be signed by the director of the enterprise having goods destroyed (or authorized person), appended with the enterprise’s seal; and signed by the customs officer and other stakeholders supervising the destruction, together with their full names.

Article 46. Customs procedures for goods temporarily imported for re-export

1. General principles

aI The policy, the regime of management, customs supervision, documents to be submitted/ produced to the customs office for goods temporarily imported for re-export comply with current regulations;

b/ The e-customs procedures for goods temporarily imported for re-export comply with the provisions on exports and imports under commercial contracts in Chapter III of this Circular.

2. Some specific guidelines

a/ When carrying out the customs procedures for temporary import, traders shall declare the border gate of re-export on the item “Other records” of the e-customs declaration of import;

b/ When carrying out the customs procedures for re-export, traders shall clearly declare the temporary import declaration of the re-exported goods on the item “Documents attached” in the e-customs declaration for export;

c/ The Customs Branch caưying out the procedures for temporary import of goods is responsible for liquidating the declaration of temporary import. Records, time limit for submitting liquidation records and tax payment time limit (if any) comply with the guidance in Clause 2, Article 18; Article 119; and Clause 2, Article 132 of die Ministry of Finance’s Circular No. 194/2010/TT-BTC of December 6,2010.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Bases for determining goods exported or imported on the spot

a/ Export contract, processing contract or lease or borrowing contract containing provisions clearly stating that the goods are delivered to a consignee in Vietnam;

b/ Import contract, processing contract, lease or borrowing contract containing provisions clearly stating that the goods are received from a deliverer in Vietnam;

c/ For processed products; machinery, leased or borrowed equipment; materials, auxiliary materials and redundant supplies; scraps and defective products under processing contracts, to comply with the provisions of Clause 3 of Article 33 of the Government’s Decree No. 12/ 2006/ND-CP of January 23,2006, detailing the implementation of the Commercial Law regarding international goods purchase and sale activities and activities of agents of purchase and sale, processing and transit of goods with foreign countries;

d/ For goods of foreign-invested enterprises: to comply with the guidance of the Ministry of Industry and Trade.

2. Places and time limits for carrying out customs procedures for on-the-spot import and export

a/ Places for carrying out customs procedures: the customs procedures for on-the- spot import and export must be carried out at the most convenient Customs Branch selected by the enterprise and according to regulations applicable to the respective forms.

All enterprises conducting on-the-spot import or export under this Article shall carry out the e- customs procedures.

b/ Time limit for carrying out customs procedures:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Within 15 days from the date die enterprise conducting on-the-spot import completes customs procedures, die enterprise conducting on-the-spot export shall caưy out customs procedures.

If beyond the above time limit, the enterprise conducting on-the-spot import or export has not completed customs procedures, the customs office shall make a record and sanction this act as a customs-related administrative violation, and continue to carry out the customs procedures.

3. Customs procedures

a/ Responsibilities of the exporter:

a1/ To deliver goods and other documents as prescribed for exports or imports (excluding bill of lading - B/L) to the importer;

a2/ To declare information on the on-the-spot export declaration after receiving a copy of the Notification of completion of on-the-spot import procedures, and carry out the export procedures at the Customs Branch carrying out the export procedures as prescribed.

Documents to be submitted/produced at the request of the customs office include:

a2.1/ Printed e-customs declaration of on- the-spot export: 2 originals;

a2.2/ Notification of completion of on-the- spot import procedures: 1 copy of the importer;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a2.4/ Export invoice made by the exporter (original to be handed to customer): 1 copy;

a2.5/ Other documents prescribed for imports and exports (excluding bill of lading - B/L).

b/ Responsibilities of the importer:

b1/ To declare information on the electronic on-the-spot import declaration and carry out customs procedures as prescribed;

Documents to be submitted/produced at the request of the customs office include:

b1.1/ Printed e-customs declaration of on- the-spot import: 2 originals;

b1.2/ Goods purchase and sale contract designating delivery in Vietnam (for the exporter), goods purchase and sale contract or processing contract designating the receipt of goods in Vietnam (for the importer), lease or borrowing contracts: 1 copy;

b.1.3/ Other documents prescribed for imports and exports (excluding bill of lading - B/L).

b2/ After completing the import procedures, to transfer a copy of the Notification of completion of on-the-spot import procedures to the exporter.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c1/ To receive, check, register, channel e- customs declarations according to regulations applicable to each form, and inspect the tax calculation (if any);

c2/ To notify the completion of on-the-spot import procedures (according to the form provided in Appendix III to this Circular) to the tax office directly managing the enterprise conducting on-the-spot import for monitoring, and send 1 copy to this enterprise;

c3/ To preserve documents submitted by the enterprise, and return the documents produced by the enterprises;

c4/ To notify the Customs Branch carrying out the export procedures of the declaration for which the procedures have been completed through the e-customs data processing system (if the system responds).

d/ Responsibilities of the customs office carrying out the export procedures:

d1/ To receive, check, register, channel e- customs declarations according to regulations applicable to each form, and inspect the tax calculation (if any);

d2/ To preserve documents submitted by the enterprises, and return the documents produced by the enterprises;

d3/ On-the-spot exports are exempted from physical inspection.

4. In case the enterprise conducting on-the- spot export and the enterprise conducting on- the-spot import carry out customs procedures at the same Customs Branch, this Customs Branch shall carry out both the export customs procedures and import customs procedures.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Cases of goods exported but then returned

a/ Temporary import of goods returned for repair or recycling (collectively referred to as recycling) for re-export;

b/ Re-import of goods returned for domestic consumption (not applicable to goods processed for foreign companies);

c/ Re-import of goods returned for destruction in Vietnam (not applicable to goods processed for foreign companies);

d/ Temporary import of goods returned for re-export to other foreign partners.

2. Place for carrying out customs procedures

a/ The Customs Branch that has caưied out the procedures for export of such goods. In case goods were returned to Vietnam through another border gate, the border-gate transfer procedures will be carried out for transfer to the place at which the export procedures were carried out;

b/ In case the returned shipment is the goods of many lots of exports, the re-import procedures will be carried out at one of the Customs Branches which have carried out the procedures for export of such goods;

c/ After being recycled, the goods may go through the re-export procedures at the Customs Branch which has carried out the procedures for their re-import. In case the Customs Branch which has caưied out the procedures for re-import and re-export of such goods is the Customs Branch outside of the border gate (not the border-gate Customs Branch), such goods may go through the procedures applicable to imports or exports in border-grate transfer.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ For goods re-imported for recycling, the recycling time limit must be registered by the enterprise with the customs office but must not exceed 275 days from the date of re-import; beyond the registered time limit if the goods have not been re-exported, the enterprise shall pay tax for such goods according to regulations;

b/ For goods re-imported for destruction, the destruction time limit must be registered by the enterprise with the customs offices but must not exceed 30 days from the date of re-import; beyond the registered time limit if the goods have not been re-exported, the enterprise shall pay tax for such goods according to regulations.

4. Import procedures for goods returned:

a/ A customs dossier comprises:

a1/ A written request for re-import of goods, stating the export declaration of the goods, that the goods have been allowed for tax refund by the customs office, and whether declaration has been made for crediting input VAT to the tax office (specify the number of the tax refund or exemption decision), and specifying the reason for re-import (for recycling, domestic consumption, destruction or re-export for other foreign partners; for goods imported for recycling, specifying the recycling location, time and method, and after- recycling loss): To submit 1 original;

a2/ An e-customs declaration of import (the temporary import declaration must show information on the number and date of the previous export declaration), a detailed list of goods or bill of lading: as for goods imported under the purchase and sale contract;

a3/ The previous export customs declaration: To submit 1 copy and present the original;

a4/ The documents of the foreign party (including telegram, telex, fax, data messages) notifying the returned goods (if any): To submit 1 copy.

b/ The customs office shall carry out customs procedures as for goods imported under the goods purchase and sale contract (excluding import permit, specialized management license,...). Re-imported goods must be physically inspected. Customs officers on duty shall compare the imported goods with preserved material samples (if the exported products are of the form of processing or export production with materials already taken as samples which are still in the duration of storage; and materials have not been changed during the production process), and the goods described on the export declaration for determining the compatibility of the goods re-imported into Vietnam with the goods previously exported; take samples of the re-imported goods or take photos (for lots of temporary-import goods that cannot be sampled) for comparison upon re-export.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ A customs dossier comprises:

a1/ The printed e-customs declaration of export (the declaration must show information referred to in the previous temporary import declaration): To submit 2 originals;

a2/ The printed previous e-customs declaration of import: To submit 1 copy.

b/ The customs office shall carry out procedures as for goods exported under goods purchase and sale contracts. Re-exported goods must be physically inspected. Customs officers on duty shall compare the re-exported goods with the samples of re-imported goods (or photos of goods when going through the re-import procedures);

c/ If recycled goods can not be re-exported, the enterprise shall send a document to the Customs Branch which has carried out the re-import procedures to state clearly the reason for not being re-exported, thus propose the Customs Branch to consider and accept the following forms of handling:

c1/ For recycled products being processed goods:

c 1.1/ To carry out the customs procedures in the form of on-the-spot import and export for domestic consumption, if they satisfy all the conditions for on-the-spot import and export of processed products prescribed in Decree No. 12/2006/ND-CP, or

c 1.2/ To destroy the goods, if the processing hiring party proposes destruction in Vietnam and the destruction in Vietnam is permitted by a competent environmental management agency.

c2/ For recycled products other than processed goods, they will be allowed for domestic consumption like re-imported goods for domestic consumption.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 49. Customs procedures for goods imported but returned

1. Forms of export to return imports

a/ Export to return to foreign goods owners who have sold this shipment;

b/ Export to other foreign partners.

2. Places for carrying out the export procedures to return goods: Customs Branches having carried out the procedures for import of the shipment. In case the goods are exported to return to foreign customers through another border gate, the border gate transfer procedures will be carried out to transfer the goods to the export border gate.

3. A customs dossier comprises:

a/ A written explanation of the enterprise for returning goods;

b/ A printed e-customs declaration of export (the declaration must show information on the number, date, quantity of re-exported goods corresponding to the contents of the previous import declaration): To submit 2 originals

c/ The printed previous declaration of imports: To submit 1 copy and present the original;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Customs procedures will be carried out as for export shipments under goods purchase and sale contracts. Goods exported to return must be physically inspected. Customs officers on duty shall compare the samples of goods taken for preservation upon import (if samples are taken ); compare the description of goods on the import declaration with the goods actually re-exported; clearly state the quantity, quality and form of exports, and determine the compatibility between the goods actually exported with the previously imported goods.

Article 50. Customs procedures for exports and imports of enterprises entitled to the priority regime in the field of state management of customs

1. Enterprises entitled to the priority regime in the field of state management of customs (below referred to as prioritized enterprises) may carry out e-customs procedures 24 hours a day and 7 days a week, and enjoy the priority regime in the customs declaration, reporting or liquidation (if any).

2. When carrying out e-customs procedures, prioritized enterprises are exempted from detailed inspection of e-customs dossiers and from physical inspection of goods (except for obvious signs of violation).

3. The General Department of Customs shall specifically guide die prioritized contents referred to in Clause 1 of this Article.

Article 51. Customs procedures for goods sent into and taken out of bonded warehouses

Bonded warehouses are formed, relocated, expanded or narrowed down under the provisions of Section 3 of Chapter III of the Ministry of Finance’s Circular No. 194/2010/TT-BTC of December 6, 2012. Goods sent into and taken out of bonded warehouses may go through e- customs procedures under regulations of the General Department of Customs.

Chapter VIII

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. This Circular takes effect on January 1, 2012, replacing the Ministry of Finance’s Cừcular No. 222/2009/TT-BTC of November 25,2011, and the previous guidelines of the Ministry of Finance which are contrary to this Circular.

2. In the course of implementation, if the relevant documents referred to in this Circular are amended, supplemented or replaced, the new documents must be complied with from their effective dates.

Article 53. Responsibility for implementation

1. Pursuant to the guidance in this Circular, the General Director of Customs shall issue the process of e-customs procedures and guide the customs offices in uniformly implementing it.

2. In the course of implementation of this Circular, any arising problems should be specifically reported to the Ministry of Finance (the General Department of Customs) for consideration and guidance of settlement.-

 

 

FOR THE MINISTER OF FINANCE
VICE MINISTER




Do Hoang Anh Tuan

(Note: All appendices to this Circular are not translated)

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thương mại do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


31.639

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.96.108
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!