Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Báo cáo 75/BC-UBND 2020 công tác chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân Hồ Chí Minh tháng 4

Số hiệu: 75/BC-UBND Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Hà Phước Thắng
Ngày ban hành: 12/05/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 5 năm 2020

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ, TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH, THU - CHI NGÂN SÁCH THÁNG 4, 4 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THÁNG 5 NĂM 2020

I. Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố

1. Các phiên họp, hội nghị của Ủy ban nhân dân thành phố

Thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương và phù hợp đặc thù của thành phố. Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống dịch Covid-19 đã họp nhiều phiên và chủ động chuyển trạng thái từ họp giao ban định kỳ sang họp giao ban trực tuyến hàng ngày nhằm kịp thời chỉ đạo xử lý nhanh các vấn đề đặt ra.

Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Tổ Công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Ban hành và triển khai các Bộ chỉ số đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với các hoạt động trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 1455/KH-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch bệnh Covid-19 từ nay đến 31 tháng 12 năm 2020, tập trung vào 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thành phố nhanh chóng khắc phục khó khăn, sớm ổn định sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần duy trì ổn định kinh tế thành phố và đảm bảo an sinh xã hội.

Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, chủ trì các cuộc họp để giải quyết công việc, các nội dung quan trọng như: họp Tổ Công tác về đầu tư; họp Tổ Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2021 - 2030; nghe báo cáo tiến độ triển khai và giải ngân các dự án thuộc Đề án Đô thị thông minh; họp Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính; họp về triển khai Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; nghe báo cáo về bồi thường dự án Metro số 2 trên địa bàn Quận 3; họp Hội đồng thẩm định giá đất; nghe báo cáo về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản; họp Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; nghe báo cáo việc điều chỉnh Quyết định số 50/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về Chương trình kích cầu đầu tư; thăm các cá nhân có thành tích tiêu biểu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020);...

Ngoài ra, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng như: Hội nghị trực tuyến của Bộ Nội vụ về sơ kết 03 năm thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; tọa đàm “Đồng hành cùng Doanh nghiệp khôi phục kinh tế thành phố năm 2020”; Hội nghị đánh giá kinh tế - xã hội quý 1, phương hướng trọng tâm quý 2 năm 2020 và nghe báo cáo tiến độ thực hiện 46 Chương trình, Đề án theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X; Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) và kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2020);...

2. Công tác ban hành các văn bản

Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 05 quyết định quy phạm pháp luật, 312 quyết định hành chính, 410 công văn, 20 báo cáo, tập trung vào một số nội dung quan trọng như: quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các các lĩnh vực, ngành nghề trên địa bàn thành phố; Quyết định về ban hành các Tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2020 - 2025; Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Quyết định về thành lập Đội công nghệ thông tin phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố; báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 489-QĐ/TU của Ban Thường Vụ Thành ủy về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VII (giai đoạn 2015 - 2020); kế hoạch phát động thi đua cao điểm về cải cách hành chính năm 2020; công văn triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố; công văn triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ;....

II. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách tháng 4, 4 tháng đầu năm 2020

1. Lĩnh vực dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 68.457 tỷ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%). Tính chung 04 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 387.568 tỷ đồng, giảm 11,2% (cùng kỳ tăng 12,5%)[1].

+ Xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố 04 tháng đầu năm ước đạt 14,42 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,1%). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm tỷ trọng 5,1% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa không tính dầu thô, tăng 61,1% so với cùng kỳ; gạo chiếm tỷ trọng 2,5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa không tính dầu thô, tăng 25,5% so với cùng kỳ; hàng rau quả tăng 57,4% so với cùng kỳ; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 10,6% so với cùng kỳ; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù tăng 8,8% so với cùng kỳ...

+ Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 04 tháng ước đạt 16,08 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,7%). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm tỷ trọng 31,2% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, tăng 62,6% so với cùng kỳ; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 23% so với cùng kỳ; sản phẩm hóa chất tăng 16,1% so với cùng kỳ, hàng hóa khác tăng 7,2% so với cùng kỳ...

- Du lịch:

Thành phố đã thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh về phòng, chống dịch Covid-19[2] trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, thành phố đã phát hành 188.100 cuốn cẩm nang phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gửi các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, Ủy ban nhân dân quận - huyện. Ngành du lịch thành phố đã triển khai phát miễn phí khẩu trang cho người dân, doanh nghiệp và du khách.

Trước tác động của dịch bệnh, lượng khách đăng ký các chương trình du lịch giảm mạnh, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề và giảm mạnh so với cùng kỳ. Thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh về việc cung cấp thông tin doanh nghiệp du lịch vay vốn bị thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra và cần sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc vay vốn để tháo gỡ những khó khăn.

Để ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch thành phố tham mưu thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành Trung ương các nội dung có liên quan về hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Tiến hành kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch từ 3-5 sao về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tọa đàm “Chuẩn bị hoạt động du lịch an toàn khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát” với sự tham dự của lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp vận chuyển du lịch và các điểm tham quan du lịch, khu du lịch.

Về khách quốc tế: trong tháng 04/2020, khách quốc tế mới đến Thành phố Hồ Chí Minh là 0 lượt, giảm 100% so cùng kỳ năm 2019 (tháng 4/2019 là 679.579 lượt). Tổng 4 tháng đạt 1.303.750 lượt, giảm 55,62% so với cùng kỳ (4 tháng 2019 là 2.937.573 lượt), đạt 14,49% kế hoạch năm 2020. số khách du lịch còn lưu trú trên địa bàn thành phố đến tháng 4 là 3.087 khách. Doanh thu du lịch tháng 04/2020 ước đạt 515 tỷ đồng, giảm 95,3% so với cùng kỳ năm 2019 (tháng 4/2019 là 10.900 tỷ). Tổng 4 tháng ước đạt 26.106 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ (4 tháng 2019 là 45.502 tỷ đồng), đạt 17,7% so với kế hoạch năm.

- Dịch vụ vận tải:

Khối lượng vận tải hành khách công cộng trong quý 1 năm 2020 đạt 77,4 triệu lượt, giảm 48,6% so với cùng kỳ, đạt 11% so với kế hoạch cả năm 2020 (695,2 triệu lượt). Kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến hết ngày 23 tháng 4 năm 2020, toàn bộ hoạt động vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (nội tỉnh và liên tỉnh), xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ), xe du lịch (trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất) tạm ngưng hoạt động.

Số lượt vận tải hành khách bằng đường thủy trong 4 tháng năm 2020 đạt 9,6 triệu lượt, giảm 19,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 11,92 triệu lượt). Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 4 tháng đầu năm 2020 là 44,55 triệu tấn tăng 11,40 % so với cùng kỳ (39,99 triệu tấn)[3]. Sản lượng hàng hóa được kiểm soát thông qua các cảng, bến thủy nội địa trong 04 tháng đầu năm 2020 đạt 11,05 triệu tấn, tăng 17,93% so với cùng kỳ (9,37 triệu tấn)[4].

- Bưu chính viễn thông: Đã cấp hơn 24.600 hộp thư cho các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức của các Sở - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn và các cơ quan báo chí, tổng công ty trên địa bàn thành phố. Liên thông kết nối 800 đơn vị trên địa bàn thành phố và hơn 5,2 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận qua trục liên thông của thành phố.

Thực hiện hệ thống dịch vụ công với 04 thủ tục[5] tại Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Quận 9 và Quận Tân Phú và 09 phường - xã của đơn vị tại địa chỉ https://dvc.hochiminhcity.gov.vn. Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) có các dịch vụ dùng chung để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị tại thành phố, đóng vai trò trung gian phục vụ kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ với các hệ thống bên ngoài. Mô hình kết nối của LGSP theo kiến trúc chính quyền điện tử thành phố phù hợp khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Tổng hợp và nắm bắt kịp thời, đầy đủ nội dung thông tin lan truyền trên mạng xã hội quốc tế như: Facebook, Blogspot,... và các trang mạng xã hội trong nước nhằm nắm bắt, tổng hợp và phân tích nội dung thông tin trên mạng Internet để tham mưu định hướng, cung cấp các thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí.

- Hoạt động ngân hàng:

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định. Các hoạt động chính như huy động, cho vay và dịch vụ ngân hàng đều duy trì hoạt động và tăng trưởng nhẹ so với cuối năm trước, đặc biệt ngành ngân hàng trên địa bàn quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Triển khai hiệu quả Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Ngân hàng nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 và Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Ngân hàng nhà nước về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

+ Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 4 đạt 2.550.000 tỷ đồng, tăng 0,12% so cuối năm 2019. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm gần 87% tổng nguồn vốn huy động[6].

+ Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 4 đạt 2.347.000 tỷ đồng, tăng 2,2% so cuối năm 2019[7]. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 52% tổng dư nợ, tăng 2,1% so cuối năm 2019; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 48%, tăng 2,3% so cuối năm 2019.

+ Tình hình dư nợ các chương trình tín dụng[8]:

Dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên đạt 161.884 tỷ đồng[9]. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng chủ yếu, đạt 115.623 tỷ đồng, chiếm 71,4% tổng dư nợ 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên.

Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở: Dư nợ cho vay chương trình còn khoảng 3.252 tỷ đồng với 8.690 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ khách hàng doanh nghiệp là 127 tỷ đồng với 2 khách hàng; dư nợ đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình là 3.125 tỷ đồng với 8.688 khách hàng.

Chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp trong Khu chế xuất - Khu công nghiệp: Ước đến cuối tháng 3 năm 2020, dư nợ cho vay đạt 169.145 tỷ đồng gồm 3.579 khách hàng vay vốn; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 121.457 tỷ đồng; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 47.688 tỷ đồng.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Các ngân hàng thương mại đang đăng ký và tổ chức thực hiện gói tín dụng năm 2020 là 274.450 tỷ đồng. Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ. Đến nay đã tiếp nhận 164 trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch bệnh Covid-19; trong đó đang xử lý 103 trường hợp, đã có kết quả xử lý 61 trường hợp[10].

Chương trình cho vay bình ổn thị trường: Dư nợ cho vay đạt 380 tỷ đồng với 09 doanh nghiệp bình ổn được vay vốn. Doanh số cho vay lũy kể từ đầu chương trình (ngày 01/04/2019) đến nay là 2.444 tỷ đồng.

- Thị trường chứng khoán:

Đến ngày 17 tháng 04 năm 2020, có 74 công ty chứng khoán là thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán thành phố với tổng vốn điều lệ gần 63 nghìn tỷ đồng; có 381 cổ phiếu, 43 trái phiếu, 6 chứng chỉ quỹ và 55 chứng quyền được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Tổng khối lượng niêm yết đạt 89.982 triệu chứng khoán, tăng 0,06% so với tháng trước. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết đạt 927.385 tỷ đồng, giảm 0,15% so với tháng trước. Khối lượng giao dịch bình quân[11] đạt gần 277 triệu chứng khoán/ngày; giá trị giao dịch bình quân đạt gần 4.259 tỷ đồng/ngày. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 287 triệu chứng khoán, tương ứng giá trị bán ròng hơn 6.618 tỷ đồng.

Chỉ số VN-Index đến ngày 24 tháng 04 năm 2020 đạt 776,66 điểm, giảm 190,01 điểm so đầu năm 2020 (966,67 điểm).

2. Lĩnh vực công nghiệp

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố 04 tháng đầu năm ước giảm 2,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,6%). Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ như: Sản xuất kim loại giảm 44,7%; Khai khoáng giảm 36,3%; Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 24,0%; Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 18,4%; Sản xuất đồ uống giảm 17,3%; Sản xuất xe có động cơ giảm 16,2%. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước giảm 0,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,8%); trong đó:

a) Ngành cơ khí giảm 14% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do phân ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa phân vào đâu ước giảm 12,15% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 18,79%), chủ yếu nhóm ngành sản xuất máy cho dệt, may và da giảm sâu (giảm 41,73% so với cùng kỳ) vì tình hình sản xuất của doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Sản xuất xe có động cơ ước giảm 16,25% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,91%) do khó khăn về nguồn nguyên liệu và sản lượng tiêu thụ hạn chế.

b) Ngành sản xuất hàng điện tử tăng 16,3% so với cùng kỳ. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 04 ngành công nghiệp trọng điểm chủ yếu do đơn hàng sản xuất nhiều[12].

c) Ngành hóa chất - cao su - nhựa tăng 9,3% so với cùng kỳ, trong đó:

- Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu ước tăng 25,55% so với cùng kỳ và Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất ước tăng 19,58% so với cùng kỳ do nhu cầu về sản phẩm tẩy rửa vệ sinh như xà phòng, nước tẩy rửa, nước rửa tay,... gia tăng để phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên các Công ty Cổ phần Bột giặt Lix, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam,...gia tăng sản xuất các mặt hàng nêu trên.

- Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic ước giảm 4,96% so với cùng kỳ do nguyên liệu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc với tỷ lệ nhập khẩu 80%, gây khó khăn cho các đơn hàng sản xuất và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

d) Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống giảm 6,1% so với cùng kỳ.

- Ngành chế biến lương thực, thực phẩm ước tăng 0,33% so với cùng kỳ. Đây là điểm sáng của ngành công nghiệp trong 4 tháng đầu năm khi các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm bắt đầu gia tăng sản lượng phục vụ thị trường đang có xu hướng phục hồi, là tháng đầu tiên có chỉ số lũy kế tăng nhẹ trong khi chỉ số sản xuất 4 tháng cùng kỳ năm 2019 giảm 1,34% và các tháng đầu năm 2020 đều giảm (tháng 1 giảm 6,48%, 2 tháng giảm 9,8%, 3 tháng giảm 3,44% so với cùng kỳ).

- Ngành sản xuất đồ uống ước giảm 17,3% so với cùng kỳ. Sản lượng bia, rượu giảm do chịu tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ. Người tiêu dùng hạn chế đến nơi công cộng; giảm chi tiêu, ăn uống bên ngoài; nhu cầu du lịch giảm đã làm giảm sản lượng tiêu thụ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Khu công nghệ cao: Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiếu hụt nghiêm trọng nguyên phụ liệu sản xuất kinh doanh và tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội của doanh nghiệp và người lao động tại Khu công nghệ cao. Theo đó, trong tháng 04 năm 2020, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ của Khu công nghệ cao chỉ ước đạt 1.463,552 triệu USD tăng 3,7% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 1.387,663 triệu USD tăng 10,7% và giá trị nhập khẩu chỉ đạt 1.006,877 triệu USD giảm 37,9% so với cùng kỳ. Tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời, đồng hành cùng với doanh nghiệp để kiến nghị hỗ trợ những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Tiếp tục triển khai các công tác liên quan đến hoạt động về ươm tạo thương mại hóa sản phẩm, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và đào tạo cho các doanh nghiệp.

3. Lĩnh vực nông nghiệp

Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong 4 tháng đầu năm ước đạt 4.034,9 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Trong đó: trồng trọt đạt 901 tỉ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ; chăn nuôi đạt 1.810 tỉ đồng, xấp xỉ so với cùng kỳ; thủy sản đạt 965,2 tỉ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ; dịch vụ nông nghiệp đạt 335 tỉ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ.

- Về trồng trọt, diện tích gieo trồng rau an toàn đạt 1.080 ha, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Sản lượng đạt 126.084 tấn, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.479 ha, tăng 10,4% so với cùng kỳ; trong đó mai 680 ha, tăng 11,5% so với cùng kỳ; lan 375 ha, xấp xỉ cùng kỳ; hoa nền 834 ha, tăng 22,6% so với cùng kỳ; kiểng - bonsai 590 ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ.

- Về chăn nuôi, tổng đàn bò đạt 132.070 con, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Trong đó, đàn bò sữa là 57.212 con, giảm 8,9% so với cùng kỳ; riêng bò cái lấy sữa là 30.036 con, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Sản lượng sữa bò tươi đạt 66.681 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tổng đàn heo đạt 148.178 con, giảm 39,4% so với cùng kỳ; trong đó, heo nái sinh sản là 18.590 con, giảm 39,2% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt heo hơi đạt 14.000 tấn, giảm 22,2% so với cùng kỳ.

- Tổng sản lượng thủy sản trong tháng 4 năm 2020 đạt 4.067 tấn, lũy kế 4 tháng ước đạt 17.681 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

4. Công tác xúc tiến thương mại và đầu tư

- Hỗ trợ doanh nghiệp Việt mở rộng kênh phân phối thông qua việc thực hiện chương trình liên kết hoạt động xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phía Nam và hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối bán lẻ như Lotte Mart, Sài Gòn Satra, Mega Market, Big C, Aeon.... Tiếp tục trưng bày “Tuần lễ hàng Việt Nam xuất khẩu” tại Showroom giới thiệu hàng xuất khẩu. Thực hiện kết nối cung cầu doanh nghiệp thông qua hình thức trực tuyến trong các lĩnh vực về hóa mỹ phẩm, dệt may, thực phẩm, nước giải khát....

- Đã phát sóng chương trình truyền hình tháng 4 với chủ đề “Giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19”; tổ chức đối thoại trực tuyến giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp về lĩnh vực quyết toán thuế.

- Các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư tiếp tục thực hiện: Cổng thông tin điện tử Thương mại và Đầu tư (MIS) đã cập nhập 112 tin tiếng Việt, 158 tin tiếng Anh về ngành hàng, thị trường xuất khẩu, các thông tin về dự án, môi trường đầu tư; cập nhật 20 văn bản pháp luật mới liên quan đến đầu tư, kinh doanh - xuất nhập khẩu, tài chính - ngân hàng; phát hành 5 bản tin xúc tiến thương mại và đầu tư và 1 ấn phẩm về thị trường Singapore.

5. Tình hình thực hiện vốn đầu tư công, thành lập doanh nghiệp và đầu tư trực tiếp của nước ngoài

- Tình hình thực hiện vốn đầu tư công:

Trong năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2020 nguồn vốn ngân sách thành phố tại Quyết định số 5514/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019 với tổng số vốn phân bổ chi tiết là 33.940,764 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và tại Quyết định số 1202/QĐ-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2020 với tổng số phân bổ chi tiết là 7.751,082 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Tính đến hết ngày 30 tháng 4 năm 2020, vốn ngân sách thành phố đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước thành phố là 4.270,000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 12,58% tổng kế hoạch vốn do Ủy ban nhân dân thành phố giao (33.940,764 tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ là 1.634 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,5%). vốn ngân sách trung ương dự kiến giải ngân trong tháng 4 năm 2020 là 1.790 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,1% tổng kế hoạch vốn do Ủy ban nhân dân thành phố phân khai chi tiết (7.751,082 tỷ đồng).

- Thành lập doanh nghiệp:

Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 274.781 tỷ đồng, tăng 1,17% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 3,9%). Trong đó:

+ Thành phố có 11.224 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới[13] với tổng số vốn đăng ký là 148.943 tỷ đồng (bằng 85,72% số lượng doanh nghiệp và bằng 70,36% về vốn đăng ký so với cùng kỳ); 36.333 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh thay đổi 125.838 tỷ đồng.

• Phân theo ngành nghề về vốn đăng ký: Kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (43,08%); tiếp theo là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác (15,58%); xây dựng chiếm 12,47%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 5,43%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác chiếm 5,26%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 3,96%.

• Phân theo ngành nghề về số lượng: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm tỷ trọng cao nhất (36,69%); khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế (11,01%); công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 10,42%; xây dựng chiếm 10%.

• Phân theo địa bàn: Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tập trung đông nhất ở Quận 1 (10,61%), quận Tân Bình (7,15%), Quận 12 (7,07%), quận Bình Tân (6,84%), quận Gò Vấp (6,75%), quận Bình Thạnh (6,62%).

• Phân theo loại hình về số lượng: Công ty TNHH chiếm tỷ trọng cao nhất (87,02%); công ty cổ phần chiếm 12,29%; doanh nghiệp tư nhân chiếm 0,69%.

+ Có 1.641 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng 17,8% so với cùng kỳ; có 6.173 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 37,27% so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp lũy kế còn trên hệ thống là 421.016 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 6.119.390 tỷ đồng.

- Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI)[14]:

Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 1,3 tỷ USD, giảm 44,83% so với cùng kỳ. Trong đó:

+ Các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 369 dự án[15] với tổng vốn đầu tư đạt 199,7 triệu USD (tăng 3,07% số dự án cấp mới và giảm 42,85% vốn đầu tư so với cùng kỳ).

• Phân theo ngành nghề/lĩnh vực: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có vốn đầu tư nhiều nhất (49,34%); hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 20,71%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 9,99%; thông tin và Truyền thông chiếm 7,11%; xây dựng chiếm 3,71%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 2,75%.

• Phân theo quốc tịch Nhà đầu tư: Nhật Bản có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (34,58%%); Singapore chiếm 20,99%; Hồng Kông chiếm 13,24%; Hàn Quốc chiếm 7,48%; Malaysia chiếm 6,31%; Trung Quốc chiếm 3,98%.

+ Có 59 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 107,79 triệu đô-la Mỹ (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn).

+ Thành phố cũng chấp thuận cho 1.707 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 1 tỷ USD (tăng 31,31% so với cùng kỳ về số trường hợp và giảm 45,21 % về vốn đầu tư).

+ Bên cạnh những dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng, tính từ đầu năm đến ngày 20 tháng 04 năm 2020, toàn thành phố có 07 dự án đề nghị chấm dứt hoạt động với tổng vốn đầu tư 17,3 triệu USD.

6. Thu - chi ngân sách [16]:

- Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 120.703 tỷ đồng, đạt 29,74% dự toán, bằng 90,12% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 83.267 tỷ đồng, đạt 29,88% dự toán, bằng 93,8% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô 5.144 tỷ đồng, đạt 42,16% dự toán, bằng 68,61% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 32.292 tỷ đồng, đạt 28,08% dự toán, bằng 85,76% so với cùng kỳ.

- Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước đạt 04 tháng là 18.076,5 tỷ đồng, đạt 17,71% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 4.999 tỷ đồng, đạt 13,85% dự toán Hội đồng nhân dân thành phổ thông qua (dự toán là 36.103,906 tỷ đồng); chi thường xuyên 11.215 tỷ đồng, đạt 24,04% dự toán (dự toán là 46.650 tỷ đồng).

7. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị

- Công tác quy hoạch

Thành phố đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh hiện hành” và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu “Lập nhiệm vụ quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060”.

Công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu 1/5000, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 được chú trọng thực hiện. Thành phố đã xác định phương án ý tưởng quy hoạch và đang xin ý kiến Bộ Xây dựng góp ý các phương án về hành lang pháp lý, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt công tác lập đồ án quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức). Đã chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch huyện cần Giờ dựa trên ý tưởng của đơn vị tư vấn đạt giải và đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chấp thuận cho Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện nghiên cứu, lập điều chỉnh quy hoạch huyện cần Giờ song song với quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố; phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc thành phố; thống nhất công tác tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn triển khai ý tưởng cuộc thi lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vực công viên 23 tháng 9.

Công tác lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, lập thiết kế đô thị riêng tại các khu vực lõi trung tâm, các khu vực có ý nghĩa quan trọng, khu vực cảnh quan đặc thù... được quan tâm triển khai, tạo sự đồng bộ với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2025, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý công trình kiến trúc trên địa bàn thành phố.

- Kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động xây dựng: Đã thực hiện 7.597 lượt kiểm tra, phát hiện 71 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (giảm 70,9% so với cùng kỳ), cụ thể như sau:

+ Sai phép: 35/71 trường hợp (chiếm tỷ lệ 49,2% tổng số vi phạm), giảm 59,8% so với cùng kỳ.

+ Không phép: 18/71 trường hợp (chiếm tỷ lệ 25,4% tổng số vi phạm), giảm 82,2% so với cùng kỳ.

+ Vi phạm khác: 18/71 trường hợp (chiếm tỷ lệ 25,4% tổng số vi phạm), giảm 67,9% so với cùng kỳ.

- Tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở: Thành phố đã cấp 1.124 giấy chứng nhận lần đầu và cấp đổi, cấp lại 18.417 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cá nhân.

- Cấp giấy phép xây dựng: Thành phố đã cấp 4.827 giấy phép xây dựng, giảm 754 giấy phép so với cùng kỳ (tương đương tỷ lệ 15,6%) với tổng diện tích sàn xây dựng 1.693.248,13 m2.

- Tình hình giảm ngập nước

+ Công tác quản lý, vận hành, duy tu hệ thống thoát nước: Thành phố triển khai thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập. Tổ chức vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt tại các cửa xả cùng với việc vận hành đồng bộ 05 cống kiểm soát triều lớn (Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vận hành trạm bơm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh để hỗ trợ chống ngập); vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước; xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều tràn bờ gây ngập.

+ Công tác thực hiện các công trình cấp bách (sử dụng nguồn vốn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt có giá trị nhỏ hơn 500 triệu đồng): Đã tiến hành khảo sát và xây dựng phương án 50 hạng mục công trình cấp bách. Hiện nay đang trong quá trình thực hiện các bước tiếp theo để sớm triển khai thi công trong năm 2020 góp phần xóa, giảm ngập các tuyến đường trọng điểm.

- Chương trình nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân: Tiếp tục triển khai thực hiện theo kế hoạch cung cấp nước sạch năm 2020 trên địa bàn thành phố với kết quả như sau: Tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đạt 100%; Tổng công suất cấp nước sạch: 2.400.000 m3/ngày/đêm; Tỷ lệ thất thoát nước là 20,85%, Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt: 148 lít/người/ngày.

- Công tác bảo vệ môi trường: Công tác quản lý, bảo vệ môi trường tiếp tục được duy trì tốt. Bình quân mỗi ngày thu gom, vận chuyển và xử lý khoảng 8.428 tấn rác sinh hoạt. Giám sát hoạt động của các trạm quan trắc nước thải tự động tại các Khu công nghiệp - Khu chế xuất trên địa bàn thành phố; tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và quan trắc chất lượng môi trường, chuyển đổi phương tiện thu gom vận chuyển. Tăng cường thực hiện Chỉ thị 19/CT-TU của Thành ủy về cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch; kế hoạch thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021. Tiếp tục thực hiện lộ trình giảm khai thác nước dưới đất. Ban hành và triển khai danh mục các chương trình thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố năm 2020; xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030.

8. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

- Lĩnh vực văn hóa

Thực hiện rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục triển khai Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố yêu cầu ngưng hoạt động cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, spa, vật lý trị liệu, massage, xông hơi, các tụ điểm vui chơi giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau; các điểm kinh doanh trò chơi điện từ (Internet, game online); các trung tâm thể thao và cơ sở kinh doanh thể thao trong nhà; nghi lễ, hoạt động tôn giáo có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; hoạt động, hội họp tập trung trên 20 người; tụ tập trên 20 người nơi công cộng, bên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện...

Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, thành phố kịp thời triển khai thực hiện nới lỏng các hạn chế, dỡ bỏ quy định giãn cách đối với một số ngành, lĩnh vực, dịch vụ theo chỉ đạo tại Công văn số 1710/UBND-VX ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Thông báo kết luận số 177/TB-VPCP ngày 08 tháng 5 năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ (sáng ngày 7/5/2020) về phòng, chống dịch Covid-19.

Đã cấp 165 giấy phép hoạt động trong các lĩnh vực thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo. Sưu tầm tư liệu 04 bộ ảnh triển lãm Lễ giỗ Tổ Hùng Vương (Mùng 10 tháng 3 Âm lịch); chào mừng 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) và kỷ niệm 134 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2020); kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) và 109 năm Ngày Bác Hra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2020). Triển khai kế hoạch tổ chức thi sáng tác tranh cổ động chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Bảo tàng gắn với phát triển Du lịch”. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa.

- Hoạt động thể dục thể thao:

Do ảnh hưởng hưởng của dịch bệnh Covid-19, các giải thể thao trong hệ thống giải của thành phố, một số giải quốc gia và quốc tế do thành phố đăng cai tạm hoãn hoặc dời thời gian tổ chức. Ban hành 48 quyết định và 12 văn bản liên quan đến việc tổ chức các giải, tập huấn và thi đấu các môn thể thao. Tiếp nhận 06 hồ sơ xin cấp mới và 01 hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện chuyên môn thể dục thể thao cho doanh nghiệp. Công tác tập huấn và thi đấu các môn thể thao diễn ra đúng kế hoạch trên tinh thần tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19[17].

- Lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Căn cứ Thông báo số 158/TB-VPCP ngày 16 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh được xác định xếp vào nhóm có nguy cơ cao phải tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế[18] cho phép kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên đến hết ngày 3 tháng 5 năm 2020 để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh thành phố.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với Đài Truyền hình thành phố để thực hiện chương trình Dạy trên truyền hình qua kênh HTV Key thực hiện đối với học sinh lớp 9 và 12 nhằm tổ chức ôn tập, giúp các em không quên kiến thức đã học, tích cực, chủ động chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động dạy trực tuyến đối với từng cấp học phổ thông, phù hợp với diễn biến tình hình và tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh. Đồng thời, đã giới thiệu, cung cấp các kho tài nguyên số (của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng) để hỗ trợ giáo viên và học sinh trong hoạt động dạy - học trực tuyến. Triển khai đa dạng các hình thức dạy học trên truyền hình và internet; hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II, tổ chức các chuyên đề trực tuyến các bộ môn của bậc học; tổ chức khảo sát trực tuyến năng lực ngoại ngữ của lớp 9 và lớp 11.

Ngành giáo dục tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành phối hợp với cơ quan y tế tiến hành khử khuẩn khu vực trường học. Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành hiểu rõ và chủ động phòng chống dịch bệnh. Thực hiện Thông báo kết luận số 177/TB-VPCP ngày 08 tháng 5 năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ (sáng ngày 7/5/2020) về phòng, chống dịch Covid-19; trên cơ sở Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố, thành phố đã chỉ đạo triển khai phương án, lộ trình cho học sinh đi học lại từ ngày 04 tháng 5 năm 2020 cho từng khối, từng lớp.

- Phát triển khoa học công nghệ:

Trong tháng 4 năm 2020, thành phố thực hiện các chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm với một số kết quả cụ thể sau:

- Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ:

+ Triển khai 32 nhiệm vụ mới; giám định 02 nhiệm vụ; nghiệm thu 04 nhiệm vụ, 100% các nhiệm vụ đều được ứng dụng vào thực tế. Thông qua các nhiệm vụ đã nghiệm thu, công bố 07 bài báo, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ 02 kết quả, đào tạo được 04 thạc sỹ và 01 tiến sỹ; Tiêu biểu là nhiệm vụ “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc ngập tại các điểm thường xuyên ngập nặng thuộc đô thị sáng tạo kết nối công nghệ đô thị thông minh Thành phố Hồ Chí Minh” đã thiết kế và chế tạo thiết bị quan trắc ngập đô thị trên đường phố và trên sông, kết quả nghiên cứu được trạm Thủ Dầu Một, Bình Dương và 03 điểm ngập nặng tại Quận 2, 9 và quận Thủ Đức ứng dụng.

+ Triển khai ứng dụng công nghệ GIS để quản lý dịch bệnh Covid-19. Tiến hành thu thập, biên tập và cập nhật các lớp dữ liệu về dịch Covid-19 trên nền tảng chia sẻ dữ liệu và tài liệu GIS mở cho cộng đồng tại địa chỉ https://opendata.hcmgis.vn nhằm chia sẻ thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới một cách trực quan, sinh động và liên tục được cập nhật, đáp ứng nhu cầu dữ liệu cho các bài toán phân tích dữ liệu GIS về tình hình dịch bệnh.

+ Hướng dẫn hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp cho 03 doanh nghiệp; hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cho 03 doanh nghiệp. Cấp mới giấy chứng nhận cho 02 tổ chức khoa học và công nghệ với tổng vốn đăng ký là 2,5 tỷ đông; cấp lại giấy chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ cho 02 tổ chức và thẩm định 03 hồ sơ đề nghị thành lập tổ chức khoa học và công nghệ.

- Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế:

+ Huấn luyện, tư vấn về công cụ quản trị năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo cho gần 120 doanh nghiệp. Tiếp tục vận hành, tổ chức đào tạo trực tuyến và quản lý cơ sở hạ tầng trang thông tin điện tử đào tạo trực tuyến (Online) về năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Hệ thống đã thu hút 91.486 lượt truy cập, thực hiện 18 khóa học với 715 tài khoản đăng ký, 35.330 lượt xem.

+ Tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp với các hoạt động. Tổ chức Hội đồng giám định 04 dự án tham gia Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp 2020 (Chương trình Speedup 2020). Ban hành Kế hoạch hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thông báo mời đăng ký các dự án hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020. Công bố Giải thưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp I-Star lần 3; tổ chức 06 sự kiện về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Không gian đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thu hút trên 300 lượt người tham dự; tổ chức xuất bản, đăng tải gần 150 tin/bài liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trên tạp chí khám phá, các trang thông tin của các đơn vị và trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

- Hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Sàn Giao dịch công nghệ thành phố tiếp tục tập trung vận hành cổng thông tin đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (Techport) để kết nối công nghệ thiết bị, các tổ chức trung gian và chuyên gia tư vấn, tìm kiếm đối tác. Hệ thống hiện đang vận hành với 8.189 công nghệ và thiết bị của 1.357 nhà cung ứng, 1.779 tổ chức, chuyên gia tư vấn (trong đó có 748 chuyên gia tư vấn), 308 dự án tìm kiếm đối tác. Trong tháng, đã tiếp nhận và tư vấn, cung cấp thông tin cho 23 yêu cầu từ cá nhân, doanh nghiệp. Thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ thông qua việc hướng dẫn và hỗ trợ hoàn thiện bản mô tả cho 03 sáng chế; tra cứu và đánh giá khả năng bảo hộ cho 46 nhãn hiệu của 26 tổ chức/cá nhân có nhu cầu xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

- Hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ở cơ sở và kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2025: Ban hành thông báo mời đăng ký các dự án hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp tại thành phố. Nghiệm thu và bàn giao dự án “Xây dựng mô hình trường học xanh trên địa bàn Quận 4” cho trường Tiểu học Bạch Đằng và dự án “Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm Nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris)” cho hộ nông dân tại huyện Củ Chi.

- Hoạt động cải cách hành chính: Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về khoa học công nghệ thông qua việc giải quyết đúng hạn cho 1.513/1.546 hồ sơ (33 hồ sơ đang giải quyết trong hạn), số lượng hồ sơ được xử lý dịch vụ công trực tuyến là 1.485/1.546 hồ sơ (đạt tỷ lệ 96%).

- Lĩnh vực y tế:

+ Các hoạt động triển khai trong công tác phòng chống dịch Covid-19:

Tiếp tục tăng cường các biện pháp thực thi Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19. Truyền thông về tình hình dịch bệnh tại thành phố và vận động nhân dân thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân thành phố và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phổ biến, hướng dẫn các biện pháp tự bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa lây nhiễm trong chung cư, cơ sở lao động, trên phương tiện giao thông. Các Sở - ngành và Ủy ban nhân dân quận - huyện tiếp tục tổ chức tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế bằng nhiều hình thức. Phối hợp ngành y tế trong công tác rà soát, xác minh người trên các chuyến bay.

Giám sát, điều tra người mắc bệnh và khoanh vùng người tiếp xúc, người có liên quan, xử lý dập dịch: Đến nay tất cả các ổ dịch phát hiện tại thành phố đều được hoàn tất khoanh vùng, xử lý dập dịch và đã kết thúc thời gian theo dõi, không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh.

Qua hoạt động cách ly tập trung và xét nghiệm sàng lọc đã phát hiện các trường hợp dương tính với Covid-19. Tuy nhiên không có tình trạng lây lan từ những ca dương này trong các khu cách ly. Triển khai giám sát, kiểm dịch y tế đối với hành khách tại sân bay quốc nội, ga đường sắt Sài Gòn thông qua việc khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm. Tiếp tục xét nghiệm đầu ra cho người hết thời gian theo dõi 14 ngày trước khi kết thúc cách ly. Chỉ đạo các quận, huyện tiếp tục theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày đối với người đã hoàn thành cách ly tập trung về lại địa phương.

Thành phố thiết lập hệ thống 05 cơ sở chuyên sâu điều trị Covid-19, gồm: Bệnh viện Dã chiến Củ Chi quy mô 300 giường; Bệnh viện điều trị Covid-19 (tại Cần Giờ) quy mô 600 giường; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới 100 giường điều trị; Bệnh viện Ung bướu - cơ sở 2 quy mô 1.000 giường. Các bệnh viện điều trị chuyên sâu Covid-19 tích cực điều trị cho người bệnh, đặc biệt là trường hợp người bệnh nặng được huy động toàn bộ nguồn lực, biện pháp điều trị. Chỉ đạo và kiểm tra, giám sát tất cả các bệnh viện về việc triển khai phương án bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, thực hiện tổ chức cách ly nhân viên y tế thuộc nhóm làm công việc có nguy cơ cao nhiễm bệnh, nhằm phòng ngừa lây lan ra cộng đồng.

Thành phố đã chủ động xét nghiệm sàng lọc, tầm soát đối với người nhập cảnh, người nghi ngờ mắc bệnh và người tiếp xúc với các ca bệnh.

+ Công tác phòng chống các dịch bệnh khác[19]:

Số ca tay chân miệng nội trú và ngoại trú là 61 ca, giảm 52% so với tháng trước (126 ca) và giảm 93% so với cùng kỳ (830 ca), số ca tay chân miệng cộng dồn từ 01 tháng 01 năm 2020 đến 15 tháng 04 năm 2020 là 1.084 ca, giảm 62% so với cùng kỳ (2.867 ca). Chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng.

Số ca sốt xuất huyết nội trú và ngoại trú là 551 ca, giảm 45% so với tháng trước (1.004 ca) và giảm 80% so với cùng kỳ (2.693 ca), số ca sốt xuất huyết cộng dồn từ 01 tháng 01 năm 2020 đến 15 tháng 04 năm 2020 là 5.507 ca, giảm 72% so với cùng kỳ (19.969 ca). Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Số cơ sở nội trú và ngoại trú là 18 ca, giảm 72% so với tháng trước (65 ca) và giảm 98% so với cùng kỳ (952 ca), số cơ sở cộng dồn từ 01 tháng 01 năm 2020 đến 15 tháng 04 năm 2020 là 408 ca, giảm 90% so với cùng kỳ (4.145 ca). Đến nay chưa ghi nhận ca tử vong do bệnh sởi.

+ Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt phổ biến các thông tin về hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và lưu ý khi lựa chọn thực phẩm an toàn trong mùa dịch bệnh Covid-19. Trong tháng, đã kiểm tra 574 cơ sở, phát hiện 16 cơ sở vi phạm, ban hành 23 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 200 triệu đồng. Hậu kiểm 1.869 hồ sơ tự công bố, trong đó 1.013 hồ sơ đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 85,6%), 856 hồ sơ không đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 14,4%) được chuyển thanh tra xử lý theo quy định.

Trong tháng, đã cấp mới 417 giấy chứng nhận và cấp lại 77 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tiếp nhận 3.224 hồ sơ tự công bố sản phẩm, cấp 34 hồ sơ đăng ký công bố của các cơ sở, 16 bản cam kết đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tổ chức 07 lớp xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm với 692 người tham dự; cấp 148 giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho 668 người đạt yêu cầu. cấp giấy chứng nhận kiếm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố với 8.854 bản chính, 12.842 bản sao, tổng khối lượng 5.560 tấn sản phẩm động vật. Thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt heo cho 7.484 xe với tổng lượng heo nhập là 146.742 con tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, kết quả 100% có vòng niêm phong.

- Giải quyết việc làm:

Trong tháng, thành phố giải quyết việc làm cho 26.921 lượt người và 11.899 chỗ việc làm mới được tạo ra, nâng tổng số giải quyết việc làm trong 4 tháng đầu năm là 99.061/300.000 lượt người (đạt 33,02% kế hoạch năm) và số chỗ việc làm mới là 42.599/135.000 chỗ việc làm mới (đạt 31,55% kế hoạch năm). Số lao động được giải quyết việc làm giảm 4.564 lượt người, số chỗ việc làm mới giảm 4.982 chỗ. Từ đầu năm đến nay, có 91.235 lượt người được tư vấn việc làm, 24.191 lượt người được giới thiệu việc làm, 13.553 người được nhận việc làm. Trong tháng, đã tiếp nhận 20.000 trường hợp nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Từ đầu năm đến nay, đã có 43.121 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Xảy ra 05 vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công với tổng số người tham gia 1.264 người.

Đã tiếp nhận 7 hồ sơ đăng ký hoạt động, bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó, thực hiện thẩm định, cấp 03 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 04 giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nâng tổng hồ sơ đã cấp từ đầu năm đến nay là 10 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 14 giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Công tác tuyển sinh đào tạo nghề đạt 30.833/461.000 học viên (đạt 6,7% kế hoạch năm), số lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 3.922.874 người (đạt 83,02%/85% kế hoạch năm).

Tiếp nhận, thẩm định hoạt động dịch vụ việc làm cho 14 lượt đơn vị. Thực hiện cấp mới và cấp lại 3.326 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại thành phố. Thành phố tạm ngưng các hoạt động đưa người lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài do tình hình dịch bệnh Covid-19. Đã hướng dẫn thực hiện các chế độ hỗ trợ cho doanh nghiệp; xem xét hỗ trợ 101.982 người lao động với kinh phí 305,9 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

- Công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội:

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 9.668 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,39% tổng hộ dân thành phố) và 22.859 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,93% tổng hộ dân thành phố). Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cho vay vốn từ các nguồn Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất[20] để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố nhằm giải quyết việc làm, trợ giúp trực tiếp chăm lo hộ nghèo và thực hiện chính sách ưu đãi xã hội cho người nghèo, hộ nghèo. Tập trung hướng dẫn quận, huyện trong việc lập danh sách, cấp 105.027 thẻ bảo hiểm y tế năm 2020 cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo năm 2020. Xem xét hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động làm giảm thu nhập cho 32.527 hộ nghèo, cận nghèo với 127.829 nhân khẩu với tổng số tiền 95,871 tỷ đồng.

Thực hiện công tác bảo trợ xã hội cho 6.219 người tại 16 cơ sở công lập và 3.526 người tại 62 cơ sở ngoài công lập. Xem xét hỗ trợ cho 18.707 người bán vé số gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền 14,03 tỷ đồng; hỗ trợ 128.906 đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ với tổng kinh phí 193,359 tỷ đồng.

Đã công nhận mới 395 trường hợp diện chính sách có công; giải quyết trợ cấp thờ cúng liệt sĩ 319 trường hợp. Tiếp nhận 202 hồ sơ của người có công và của thân nhân liệt sĩ từ tỉnh (thành phố) khác chuyển đến. Xem xét hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ là 35.699 người với tổng kinh phí 53,546 tỷ đồng.

Tiếp tục theo dõi, giám sát việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; tiếp nhận và chuyển gửi hồ sơ mổ tim cho trẻ em gia đình nghèo bị bệnh tim bẩm sinh; phối hợp kiểm tra, giám sát, tham vấn, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, xử lý kịp thời về những vấn đề có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là đảm bảo thực hiện tốt các quyền cơ bản của trẻ em.

9. Công tác đối ngoại

Các hoạt động đối ngoại của thành phố đã không diễn ra theo kế hoạch. Thay vào đó, các hoạt động đối ngoại của thành phố tập trung vào công tác hỗ trợ cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài trong việc bảo hộ công dân nước ngoài đang sinh sống, làm việc, du lịch, học tập tại thành phố trong thời điểm dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp; phối hợp với các Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cập nhật thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh và công dân Việt Nam ở nước sở tại; đồng thời cập nhật thường xuyên các chính sách mới của Chính phủ Việt Nam liên quan đến công tác phòng chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 cho các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đóng trên địa bàn phía Nam, qua đó phổ biến những thông tin này đến cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, du lịch tại phía Nam được biết. Đã chỉ đạo tất cả cán bộ, công chức, viên chức không đi nước ngoài, kể cả những trường hợp đã được chấp thuận trước khi có dịch.

Tăng cường hợp tác quốc tế thông qua việc ký kết 02 thỏa thuận với Nhật Bản[21] và thành phố Leipzig (Đức)[22]. Thành phố đã hỗ trợ vật tư y tế cho Bệnh viện ST.Georg - Leipzig (Đức) để phòng chống dịch bệnh. Trang thông tin điện tử của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện 200 bài về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội trong nước và hoạt động kiều bào ở các nước. Đến nay, trang web đã thu hút thêm 44.649 lượt truy cập, nâng tổng lượng truy cập lên trên 9,4 triệu lượt.

10. Công tác cải cách hành chính

Thành phố ban hành kế hoạch kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2020 và kế hoạch phát động thi đua cao điểm về cải cách hành chính năm 2020. Triển khai ban hành Thông báo về các sáng kiến, giải pháp, cách làm hay trong công tác cải cách hành chính đang được áp dụng tại các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện và Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn; đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình hành động số 18-CTrHĐ/TU của Thành ủy về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020. Thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, phương thức làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đảm bảo phù hợp với công tác phòng chống dịch Covid-19. Tăng cường giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu điện.

11. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội

- Quốc phòng, an ninh:

Triển khai thực hiện nghiêm công tác sẵn sàng chiến đấu. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn các hội nghị. Duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện trực cứu nạn, cứu hộ. Triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Huy động 1.900 cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia phục vụ tại các bệnh viện điều trị, khu vực cách ly, các chốt kiểm soát liên ngành; đưa đón người từ sân bay Tân Sơn Nhất về các khu vực cách ly và đưa công dân hết thời gian cách ly về các tỉnh, bến xe, nhà ga, sân bay. Vận chuyển vật chất hậu cần, kỹ thuật, vật tư y tế với 1.086 lượt chuyến xe/82.088 km/15.644 công dân bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tổ chức các đoàn đi hỗ trợ trang bị, vật tư y tế, thực phẩm cho 06 đơn vị thuộc Quân đội Hoàng gia Campuchia, Hội người Việt ở Campuchia.

Triển khai công tác tuyên truyền giáo dục quốc phòng và an ninh cho nhân dân trên địa bàn thành phố trong tình hình mới. Tổ chức bồi dưỡng, cập nhật, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng năm 2020. Điều chỉnh quân số từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu; tổ chức đăng ký, quản lý, sắp xếp quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân vào đơn vị dự bị động viên. Triển khai kế hoạch và tổ chức huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên dự bị động viên, phương tiện kỹ thuật theo kế hoạch.

- Tình hình phạm pháp hình sự, vi phạm kinh tế, ma túy, tệ nạn mại dâm; tình hình trật tự an toàn giao thông và phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn:

+ Về phạm pháp hình sự: Thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm phạm pháp hình sự, tăng tỷ lệ điều tra khám phá án; đẩy mạnh đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, không để hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm và các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội. Trong tháng, phạm pháp hình sự ghi nhận 327 vụ[23] (tăng 2,83% so với cùng kỳ), làm chết 8 người, bị thương 48 người, thiệt hại tài sản trên 3,2 tỷ đồng.

+ Về tội phạm ma túy: Đã triệt phá 137 vụ, bắt 317 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Khởi tố 122 vụ với 174 bị can; xử lý hành chính 15 vụ với 143 đối tượng; thu giữ 111,17 gram heroin, 68,33 kg ma túy tổng hợp và nhiều tang vật khác có liên quan.

+ Về tội phạm kinh tế và môi trường: Đã phát hiện, xử lý 69 vụ với 64 đối tượng vi phạm về kinh tế; thu giữ nhiều loại hàng hóa trị giá 3,2 tỷ đồng. Lập 22 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng.

+ Công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật: Các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác phối hợp tuần tra kiểm soát, trinh sát, mật phục, đeo bám trên các tuyến trọng điểm kết hợp kiểm tra hành chính các cơ sở, kinh doanh dịch vụ nhạy cảm... nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm; đồng thời phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và chấn chỉnh tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Kết quả đã triệt phá 73 băng nhóm tội phạm, bắt 271 đối tượng; điều tra khám phá 236 vụ (đạt tỷ lệ 72,17%), bắt 408 đối tượng và 24 tên có lệnh truy nã.

+ Công tác đấu tranh tệ nạn mại dâm và tệ nạn xã hội: Phát hiện và xử lý 1.294 trường hợp vi phạm lưu trú; tổ chức răn đe 595 đối tượng và thu gom 56 đối tượng nghiện ma túy không nơi cư trú, người lang thang ăn xin về cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội thành phố kiểm tra việc chấp hành về tạm ngưng hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa xã hội phòng chống dịch Covid-19.

+ Về trật tự an toàn giao thông: Công an thành phố đã tổ chức triển khai nghiêm túc các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Phối hợp cơ quan chức năng của thành phố chủ động phân luồng giao thông và tổ chức kiểm tra đo thân nhiệt người tham gia giao thông tại các tuyến đường ở cửa ngõ ra vào thành phố, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi.

Tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đã phát hiện, xử lý 35.294 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, trong đó có 491 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 4.135 phương tiện các loại và kiểm tra phát hiện xử lý 1.138 trường hợp vi phạm giao thông đường thủy với tổng số tiền phạt hơn 23 tỷ đồng; kịp thời ngăn chặn và giải tán 07 trường hợp tụ tập phương tiện với khoảng 250 xe gắn máy lưu thông thành đoàn gây mất trật tự công cộng.

Tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến theo chiều hướng giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên, giảm 15 vụ so với cùng kỳ; làm chết 41 người, giảm 11 người so với cùng kỳ; làm bị thương nặng 06 người, giảm 12 người so với cùng kỳ và xảy ra 157 vụ va chạm làm bị thương nhẹ 139 người, hư hỏng tổng cộng 317 phương tiện các loại. Không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt; xảy ra 01 vụ va chạm trên tuyến thủy nội địa và không có thiệt hại về người và tài sản.

+ Phòng, chống cháy, nổ: Trong tháng, trên địa bàn thành phố xảy ra 29 vụ cháy, tăng 4 vụ so với cùng kỳ, làm chết 3 người, làm bị thương 5 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 272 triệu đồng. Loại hình xảy ra cháy nhiều nhất là công ty - doanh nghiệp và nhà ở đơn lẻ (25 vụ) với nguyên nhân phần lớn do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Đã tổ chức cứu nạn, cứu hộ 17 vụ, giải cứu 7 người và bàn giao 2 thi thể cho địa phương xử lý.

IV. Nhận xét, đánh giá chung

- Tuy mức tăng trưởng thấp, thu ngân sách giảm, nhưng thành phố vẫn đóng góp tỷ lệ gần 25% vào tổng thu ngân sách của cả nước trong 4 tháng đầu năm; giải ngân vốn đầu tư công tăng 2,6 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, một tín hiệu tích cực là tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 04 tháng đầu năm ước đạt 14,42 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,1%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 16,08 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,7%).

- Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua đã có những thành quả bước đầu, tính đến ngày 04 tháng 5, trên địa bàn thành phố có 55 trường hợp nhiễm, trong đó, đã điều trị khỏi bệnh cho 53 trường hợp và chỉ còn 02 trường hợp đang điều trị. Trong 53 ca nhiễm đã điều trị khỏi đã xuất viện, có 13 trường hợp đã xuất cảnh hoặc đến các địa phương khác, còn 40 người cư trú trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố tiếp nhận 07 trường hợp từ các tỉnh khác chuyển về. Như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đang theo dõi 47 trường hợp đã điều trị khỏi, trong số đó, có 09 trường hợp dương tính trở lại đang tiếp tục điều trị.

- Thành phố đã chủ động ban hành 07 Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch đối với các lĩnh vực, ngành nghề. Trên cơ sở Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố, thành phố đã chỉ đạo triển khai phương án, lộ trình cho học sinh đi học lại từ ngày 04 tháng 5 năm 2020 cho từng khối, từng lớp.

- Ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập Tổ Công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19; đã triển khai chi gần 700 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ và Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố. Các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường[24]. Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 và Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng cũng đã rà soát, xem xét, đánh giá và miễn, giảm lãi cho các doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố giảm 2,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do một số ngành công nghiệp giảm mạnh và bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước giảm so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 11,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do người dân hạn chế trong đi lại, vui chơi giải trí, lượng khách đến các nơi công cộng như các trung tâm thương mại, địa điểm ăn uống giảm đáng kể khi thành phố thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ. Tình hình mua bán tại hệ thống chợ truyền thống giảm 50-80% so ngày thường trước khi có dịch bệnh. Riêng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi có xu hướng tăng vào thời điểm đầu tháng và dần ổn định trong tháng sau khi triển khai tuyên truyền cho người dân về đảm bảo cung cầu hàng hóa trên địa bàn.

- Mặc dù đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm phạm pháp hình sự nhưng tình hình hoạt động của tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến theo chiều hướng giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương nhưng vẫn tồn tại nhiều trường hợp hợp tụ tập phương tiện xe gắn máy lưu thông thành đoàn gây mất trật tự công cộng trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

V. Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 năm 2020

Dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, thành phố chủ động chuyển sang trạng thái bình thường mới (có người nhiễm nhưng không có dịch, kiểm soát không lây lan, bùng phát trong cộng đồng) nhưng luôn đề cao cảnh giác, không chủ quan; để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020, trên tinh thần tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hạn chế những tác động khó khăn của dịch bệnh Covid-19, phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, thành phố tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, cụ thể như sau:

1. Tiếp tục triển khai các biện pháp kịp thời, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp diễn biến dịch bệnh Covid-19. Các đơn vị luôn trong tư thế sẵn sàng, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng, kiên định với 06 nguyên tắc chống dịch và phương châm 05 tại chỗ, tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tổ chức hậu kiểm việc cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp. Chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất để cách ly và xét nghiệm đối với số lượng người Việt Nam tại nước ngoài trở về thành phố; đối với các trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao có biện pháp cách ly phù hợp, tuyệt đối không để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng.

2. Các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp cần xác lập tình trạng bình thường mới trong các hoạt động kinh tế - xã hội, dần đưa xã hội trở lại bình thường trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Thông báo kết luận số 177/TB-VPCP ngày 08 tháng 5 năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện nới lỏng các hạn chế, dỡ bỏ quy định giãn cách đối với một số ngành, lĩnh vực, dịch vụ theo chỉ đạo tại Công văn số 1710/UBND-VX ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tổ Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 khẩn trương triển khai Kế hoạch triển khai tính điểm, xếp hạng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Các sở - ngành, quận - huyện khẩn trương thực hiện Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch từ nay đến hết năm 2020 với 05 nhóm nội dung hỗ trợ doanh nghiệp:

(1) Hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ thu nhập cho người lao động đê doanh nghiệp không mất lao động (tháng 5 đến tháng 6 năm 2020), hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ;

(2) Hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu;

(3) Tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa quản trị doanh nghiệp và quản lý ngành;

(4) Tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo;

(5) Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp (tháng 5 đến tháng 12 năm 2020).

3. Triển khai xây dựng một số chính sách đặc thù của thành phố để tiếp thêm động lực đưa kinh tế thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay:

(1) Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân để giảm bớt khó khăn, cùng chung tay chống dịch;

(2) Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mất việc làm ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất;

(3) Nhóm chính sách bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm hàng hóa các dịch vụ thiết yếu;

(4) Nhóm chính sách giảm sự thiệt hại, khó khăn, tăng cường sức chịu đựng cho doanh nghiệp, chuẩn bị điều kiện phục hồi nhanh sau dịch bệnh;

(5) Nhóm chính sách thúc đẩy ngành kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

4. Nghiên cứu, xây dựng Chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế “hậu Covid-19” theo 02 giai đoạn, vừa khắc phục những khó khăn trước mắt, vừa hướng đến mục tiêu biến “nguy thành cơ”, trong đó:

+ Giai đoạn 1: áp dụng các giải pháp mang tính tình thế giúp các doanh nghiệp có thể tồn tại, bám trụ thị trường và cơ hội phục hồi.

+ Giai đoạn 2: gắn việc phục hồi tăng trưởng với tái cơ cấu kinh tế theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhất là tái cơ cấu thị trường.

Tiếp tục xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số từng ngành, lĩnh vực, qua đó có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào GRDP của thành phố nhằm đạt mức tăng trưởng GRDP cao nhất có thể.

Trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo yêu cầu.

5. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công; khẩn trương triển khai Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, xem đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thành phố năm 2020 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Thành phố tổ chức họp 02 tuần/lần để rà soát, đánh giá về công tác giải ngân đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% vào tháng 10 năm 2020.

Triển khai Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện dự án, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

6. Tiếp tục thực hiện các hoạt động triển khai thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”; triển khai thực hiện Quyết định về ban hành các tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2020 - 2025. Duy trì tổ chức tốt các hoạt động văn hóa quan trọng trên tinh thần tuân thủ nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19. Khảo sát, xây dựng danh mục các cơ sở di tích văn hóa lịch sử đã xuống cấp, cần sửa chữa, trùng tu nhằm bảo tồn di sản văn hóa; đẩy nhanh thủ tục đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm. Tập trung thực hiện tốt 03 Chỉ thị của Thành ủy: (1) Chỉ thị 11 về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn; (2) Chỉ thị số 19 của Thành ủy về cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” và (3) Chỉ thị số 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Tổ chức sơ kết đợt 1 (từ ngày 08 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4) và tiếp tục thực hiện 10 nội dung trọng tâm trong các đợt thi đua tiếp theo của Kế hoạch phát động phong trào thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

7. Triển khai Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2020 và Kế hoạch số 1513/KH-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố phát động thi đua cao điểm về cải cách hành chính năm 2020. Thực hiện báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình hành động số 18-CTrHĐ/TU của Thành ủy về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều kiện dịch bệnh, nhất là việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu điện; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thương mại điện tử và kinh tế số.

8. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội; triển khai làm việc với các cơ quan Trung ương để hoàn chỉnh Đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; triển khai các đề án nhánh: (1) Đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân quận và phường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; (2) Đề án thành lập thành phố phía Đông trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức; (3) Đề án bổ sung, thay thế Nghị định 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (giai đoạn 2)”; Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố; Đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế theo kế hoạch.

9. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng 46 chương trình, đề án nhánh trong 03 chương trình đột phá và 01 chương trình trọng điểm để phát triển thành phố tại dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã công bố, hoàn thành thông qua dự thảo (lần 1) trong tháng 5, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 6 để có thể triển khai thực hiện ngay sau Đại hội.

Phê duyệt đề cương và dự toán chi phí xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch kinh tế - xã hội thành phố thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của Luật Quy hoạch, làm cơ sở lựa chọn nhà thầu theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

10. Tiếp tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; kiên trì báo cáo kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hóa.

11. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người; tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong quý 2 tập trung:

(1) Thực hiện chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất diện tích 43.957,6 m2 thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2;

(2) Yêu cầu bổ sung nghĩa vụ tài chính đối với một số dự án theo quy định;

(3) Đẩy nhanh tiến độ một số dự án đang triển khai; triển khai đấu thầu dự án, đấu giá một số khu đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quy định.

12. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về quốc phòng - an ninh, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng quốc phòng - an ninh trong chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Các sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện, các doanh nghiệp trực thuộc thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, khẩn trương triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2020; rà soát tổng thể các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chất lượng theo yêu cầu./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (a - b);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính;
- Bộ Công Thương; Tổng Cục Thống kê;
- Thường trực Thành ủy; TT HĐND. TP;
- Thành viên UBND TP;
- Ủy ban MTTQ và Đoàn thể TP;
- Các Sở - ngành; UBND các quận - huyện;
- Các Tổng Cty, Công ty thuộc TP;
- VPUB: CPVP;
- Các Phòng NCTH, TH (2b);
- Lưu: VT, (TH/Tân).

TL. CHỦ TỊCH
CHÁNH VĂN PHÒNG




Hà Phước Thắng

 



[1] Trong đó, thương mại bán lẻ hàng hóa chiếm 66,8%, tăng 2,9%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 5,5%, giảm 45%; du lịch lữ hành chiếm 1,1%, giảm 58,3%; dịch vụ khác chiếm 26,7%, giảm 24,1%.

[2] Quyết định số 81/QĐ-SDL ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Sở Du lịch.

[3] Sản lượng hàng hóa thông qua cng biển trong tháng 04 năm 2020 là 10,84 triệu tấn.

[4] Sn lượng hàng hóa được kiểm soát thông qua các cảng, bến thủy nội địa trong tháng 04 năm 2020 đạt 2,5 triệu tấn.

[5] Cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế.

[6] Vốn huy động bằng VNĐ đạt 2.224.500 tỷ đồng, chiếm 87% tổng vốn huy động, tăng 0,42% so cuối năm 2019; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 325.500 tỷ đồng, chiếm 13% tổng vốn huy động, giảm 1,93% so cuối năm 2019.

[7] Dư nợ tín dụng bằng VNĐ đạt 2.117.000 tỷ đồng, chiếm 93% tổng dư nợ, tăng 2,2% so cuối năm 2019; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 170.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng dư nợ, tăng 2,1% so cuối năm 2019.

[8] Số liệu tính đến cuối tháng 3 năm 2020.

[9] Bao gồm: Phát triển nông nghiệp và nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

[10] 35 trường hợp doanh nghiệp chưa có nhu cầu hỗ trợ, 13 trường hợp doanh nghiệp được hỗ trợ giảm lãi từ 0,2- 2%/năm so với lãi suất đang áp dụng trước đó, 04 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, 03 trường hợp không liên hệ được với doanh nghiệp, 01 trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề thuộc diện Ngân hàng thương mại hạn chế cho vay, 03 không đủ điều kiện vay vốn, 02 đang thẩm định và hướng dẫn về khách hàng theo quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

[11] Từ 19/03/2020 đến 17/04/2020

[12] Công ty TNHH Intel Products VN sản xuất sản phẩm “mạch điện tử tích hợp, Công ty TNHH Jabil VN sản xuất sản phẩm “máy quét có thể kết ni với máy xử lý dữ liệu tự động.

[13] Trong đó, có 54 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp.

[14] Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 9.522 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 47,62 tỷ đô-la Mỹ.

[15] Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp thành phố cấp 05 dự án; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 364 dự án.

[16] Sở Tài chính báo cáo số liệu tháng 4 qua hộp thư điện tử.

[17] Tập huấn đội tuyển trẻ quốc gia năm 2020 các môn Rowing, Sailing, Điền kinh, Bóng đá, Cử tạ, Canoeing (trẻ và quốc gia); Pencak Silat (tuyển quốc gia) và Bn cung; tập huấn nâng cao thể lực chuẩn bị nền tảng thể lực năm 2020 môn Điền kinh.

[18] Công văn số 1420/UBND-VX ngày 18 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên thành phố do dịch bệnh COVID-19.

[19] Số liệu từ 16/03/2020 - 15/04/2020.

[20] Quỹ xóa đói giảm nghèo hiện nay là 1.147 tỷ đồng cho 36.800 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay với số tiền 1.053 tỷ đồng; Quỹ quốc gia về việc làm là 2.200 tỷ đồng cho vay 61.567 dự án; Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất là 322 tỷ đồng cho vay 3.872 hộ.

[21] Dự án cải tạo đường ống thoát nước bằng công nghệ không đào hở và ghi nhớ hợp tác giữa Ban Quản lý đường sắt đô thị, Công ty đường sắt số 1 và Tokyo Metro.

[22] Dự án trạm thông tin kết nối giao thông di động thúc đẩy giao thông bền vững.

[23] Gồm 07 vụ giết người; 09 vụ cướp tài sn; 02 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 36 vụ cố ý gây thương tích; 04 vụ giao cấu với người dưới 16 tuổi; 05 vụ chống người thi hành công vụ; 01 vụ bắt giữ người trái pháp luật; 03 vụ cưỡng đoạt tài sản; 58 vụ cướp giật tài sn (53 vụ sử dụng phương tiện); 154 vụ trộm tài sản (có 82 vụ trộm xe máy); 18 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 30 loại án khác.

[24] Giảm phổ biến khoảng 0,01%-0,23%/năm tùy kỳ hạn.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo 75/BC-UBND ngày 12/05/2020 về công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu - chi ngân sách tháng 4, 4 tháng đầu năm và công tác trọng tâm tháng 5 năm 2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.900

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.68.201
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!